© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
5.5.2008
Lê Trọng
Phỏng vấn một người Việt 48 tuổi, sang Mỹ năm 2001
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì và biết gì về cuộc chiến tranh ấy? Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài phỏng vấn của các sinh viên Mỹ gốc Việt, Đại học U.C. Berkeley, California. Toà soạn xin viết tắt tên người được phỏng vấn.
talawas
Lê Trọng: Xin ông/bà kể đôi chút về bản thân.

Lê T. T.: Tôi tên là Lê T. T., 48 tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam. Tôi sống ở đây suốt quãng thời gian thơ ấu.

Trước năm 1975, ông làm gì?

Trước năm 1975, tôi vẫn còn đang học trung học. Vì còn nhỏ, cho nên cuộc sống của tôi hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ tôi. Theo cảm nhận của tôi, đời sống ở miền Nam trước năm 1975 rất thoải mái, từ vật chất đến tinh thần. Con người được hưởng thụ rất đầy đủ tất cả những gì mà xã hội có được.

Trước năm 1975, ông nghĩ thế nào về miền Bắc?

Trước năm 1975, tôi nghĩ đồng bào ở miền Bắc rất cơ cực và thiếu thốn, từ vật chất đến tinh thần. Và tôi cho rằng đó là sự thật vì tôi được đi ra Bắc năm 1981, lúc đó tôi đã thấy người dân miền Bắc rất khổ sở.

Trước 1975, ông thích bản nhạc/loại nhạc nào nhất?

Trước năm 1975, tôi thích nhất là dòng nhạc tiền chiến. Những bản nhạc mà tôi thích nhất có thể kể ra là “Đêm tàn bến Ngự” của Dương Thiệu Tước, và “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong.

Ngày 30/4/75, ông đang ở đâu, làm gì? Cảm giác của ông lúc đó là gì?

Ngày 30/4/1975, tôi đang ở tại quê nhà của tôi là tỉnh Bình Thuận, miền Nam Việt Nam. Lúc đó, tôi đang học bậc trung học. Cảm giác của tôi về tình hình lúc đó là sẽ có những cuộc đổi đời đi từ cao đến thấp.

Ðiều gì xảy ra cho ông ngay sau ngày 30/4/1975?

Quá bức xúc vì sau ngày 30/4/1975, tất cả mọi việc đều thay đổi rõ rệt. Mọi suy nghĩ trong tôi về tương lai hoàn toàn sụp đổ. Tôi không được tiếp tục đi học và bị phân biệt đối xử vì cha tôi là lính Cộng hoà. Từ một học sinh, tôi phải chuyển sang làm ruộng, chăn trâu bò cho hợp tác xã, rồi sau đó là đi thanh niên xung phong cáng thương tải đạn ở chiến trường Lộc Ninh, Campuchia. Sau đó tôi được điều đi khai hoang, mở đất, đào kênh, lập nông trường.

Ông sang Mỹ năm nào? Ông có thể kể đôi chút về chuyến đi của mình?

Tôi sang Mỹ năm 2001. Tôi được người anh bảo lãnh theo diện đoàn tụ gia đình và sang Mỹ bằng phi cơ. Vì là đi di dân theo diện đoàn tụ gia đình, nên thật ra không có gì đặc biệt về chuyến đi này. Chỉ là tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình được tới Mỹ bằng phi cơ, chứ không phải đi vượt biên như những đồng bào khác phải chịu bao gian khổ trong hành trình của họ.

Sau khi sang Mỹ, ông làm gì? Ông có thấy mình hội nhập được vào cuộc sống ở nước mới chưa? Có khó khăn gì không?

Sau khi sang Mỹ, vì tuổi đã vào trung niên, nên tôi chọn nghề làm móng tay. Sau một thời gian định cư ở Mỹ, tôi cảm thấy chỉ một phần nào trong đời sống tạm thời hội nhập được vào đời sống của xã hội Mỹ. Vấn đề khó khăn lớn là ngôn ngữ và những phong tục tập quán của họ quá khác biệt với xứ sở của chúng ta.

Ông đã quay trở lại Việt Nam lần nào kể từ khi rời đất nước chưa? Theo ông, con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay khác nhau ở những điểm quan trọng nào?

Tôi đã trở lại thăm quê nhà một lần vào năm 2003. Theo tôi, đời sống và xã hội Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay có nhiều điểm khác nhau chẳng hạn như: dân số phát triển quá nhanh làm cho mọi thứ trong xã hội hầu như bị xáo trộn. Ngược lại, về mặt xây dựng và phát triển đô thị thì lại giậm chân tại chỗ, thiếu phát triển một cách tồi tệ. Cho nên từ đó dẫn đến đủ thứ chuyện, đủ loại vấn đề cần thảo luận trong xã hội hiện nay…

Sống ở Mỹ, ông nhớ gì nhất về Việt Nam? Ông có thể kể đôi chút về những cảm xúc của mình khi tận hưởng những ngày lễ truyền thống dân tộc trên xứ người?

Đất nước nói chung và con người Việt Nam nói riêng. Cuộc sống ly hương dĩ nhiên là phải nhớ về quê hương, đất nước. Một trong những cái làm cho tôi nhớ quê hương tha thiết nhất là những món ăn (ẩm thực), những món ăn đã cho tôi cảm giác say mê từ thời thơ ấu.

Về những ngày lễ truyền thống của dân tộc trên xứ người thì quan trọng là Tết nguyên đán cổ truyền. Mỗi khi vào dịp Tết tôi lại cảm thấy nhớ về quê hương đất nước, và thấy vui vì đã tìm lại hương vị của những món ăn truyền thống. Mặc dù không khí Tết ở Mỹ không như ở Việt Nam, nhưng tôi rất muốn cảm ơn cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã cố gắng hết sức tổ chức những buổi hội chợ để tạo cơ hội cho con em chúng ta có thể biết thêm về ngày lễ tết cổ truyền của dân tộc ta.

Ông có sự so sánh gì giữa nơi ông đang sinh sống và Việt Nam? Nếu được, trong tương lai ông có muốn trở về lại Việt Nam sinh sống?

Dĩ nhiên là cuộc sống tại Mỹ hơn hẳn ở Việt Nam rất nhiều từ vật chất đến tinh thần. Bởi vì nước Mỹ đã kiến tạo được một nền độc lập và dân chủ lâu đời, cộng thêm vào đó là một nền kinh tế ổn định, từ đó dẫn đên cuộc sống căn bản của người dân được nâng cao.

Là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, tôi chắc chắn rằng cho dù là đang sống ở quốc gia nào, thì người Việt nói chung vẫn hướng về tổ quốc Việt Nam. Tôi mong sao trong một tương lai gần, người dân Việt Nam có được một cuộc sống tốt đẹp. Mọi người đều có đủ cơm ăn áo mặc, mọi trẻ thơ đều được cắp sách tới trường, và mọi người thật sự có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Nếu có được hoàn cảnh xã hội tốt đẹp, thực sự an bình cho đời sống tối thiểu của con người, tôi cũng muốn hồi hương về sống trên đất nước của tôi.

Theo ông thì những nỗ lực cho con em người Việt Nam tại hải ngoại học và sử dụng tiếng Việt có cần thiết và bổ ích?

Theo tôi, nếu chúng ta có được nỗ lực để khuyến khích lớp trẻ con em chúng ta ở tại hải ngoại học được tiếng Việt là một điều rất tốt vì bất cứ người dân của dân tộc nào cũng cần phải bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của dân tộc mình.

Cách tốt nhất để làm cho các em tại hải ngoại nhớ đến văn hoá Việt Nam là chúng ta phải nói tiếng Việt với các em hàng ngày để các em hiểu, và khi có điều kiện, chúng ta nên kể chuyện về văn hoá Việt Nam cho các em nghe. Thêm một điều nữa là các bậc phụ huynh nên bỏ đi những suy nghĩ rằng trẻ em Việt sinh và lớn lên ở Mỹ thì trước sau gì cũng không nhớ và biết về văn hoá Việt, bởi vì các em có nhớ và biết về văn hoá Việt Nam hay không là do cha mẹ dạy bảo.

Trong tương lai, ông có những dự định gì để đóng góp vào việc xây dựng quê hương đất nước Việt Nam không?

Tôi ra nước ngoài định cư dĩ nhiên cũng thấy được và nhận định được cuộc sống ở nuớc ngoài rất khác xa nước mình. Chính vì lẽ đó tôi luôn cố gắng hết mình để giúp đỡ đồng bào trong nước, và cũng có lẽ vì lí do đó nên kiều bào ta ở nước ngoài luôn lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ đồng bào ta ở trong nước. Tôi mong ước rằng trong tương lai, sẽ có nhiều hơn những đoàn thể trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài vận động đóng góp từ vật chất đến tinh thần để xây dựng quê hương. Ngoài mặt vật chất, tôi cũng hy vọng những sinh viên trẻ đã có cơ hội tiếp thu được sự trí thức và nền văn minh nước ngoài sẽ sẵn lòng về Việt Nam để đóng góp kiến thức và trí tuệ của mình để xây dựng đất nước.

© 2008 talawas