© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
8.3.2008
Friedrich Nietzsche
Vượt qua thiện ác
Cao Hùng Lynh dịch
 
Định kiến của triết gia

1.

Sự Ý chí truy tầm chân lý (Will to Truth), cái hiện vẫn đang lôi kéo chúng ta vào nhiều hành động liều lĩnh nguy hiểm, cái mà tính chân xác của nó, cho đến nay, vẫn được các triết gia nói đến bằng một thái độ sùng kính, chẳng lẽ lại không đặt ra cho chúng ta một câu hỏi nào hay sao – những câu hỏi kỳ lạ, rối rắm và hết sức đáng ngờ? Đây quả là một câu chuyện dài về những câu hỏi ấy; tuy nhiên, có vẻ câu chuyện này hầu như không được khơi mào. Chẳng đáng ngạc nhiên hay sao khi mà chúng ta cuối cùng rồi sẽ trở nên ngờ vực, không còn kiên nhẫn và quay lưng đi vì sự thiếu nhẫn nại ấy? Trong chúng ta, Ý chí truy tầm chân lý này thực sự là gì? Chúng ta, trên thực tế, thường trì hoãn việc đối diện với câu hỏi liên quan đến nguồn gốc của Ý chí này, cho đến khi nào chúng ta đi đến một sự bế tắc hoàn toàn trước một vấn đề căn bản hơn. Chúng ta hỏi về giá trị của Ý chí này. Cứ cho là chúng ta cần sự thật đi: thế tại sao lại không cần cái không thật? Cái không chắc chắn? Thậm chí sự ngu dốt? Vấn đề về giá trị của sự thật đã tự phơi bày trước mắt chúng ta, hay chính chúng ta là kẻ tự phơi bày chính mình trước mắt vấn đề đó? Và liệu có thể tin rằng đối với chúng ta, có vẻ như là vấn đề này chưa bao giờ được đưa ra trước đây, có vẻ như là chúng ta là người đầu tiên cảm nhận nó, nhìn thấy nó, và liều lĩnh đối diện với nó. Đây quả thực là một sự liều lĩnh – và có lẽ không còn sự liều lĩnh nào lớn lao hơn như thế.


2.

Sau khi nhìn vào các triết gia, và sau khi đọc kỹ những ý tưởng đằng sau các dòng văn của họ, tôi tự nói với mình rằng phần lớn tư duy có ý thức hiện vẫn đang được đặt trong các hoạt động bản năng, và tư duy triết học thậm chí cũng như thế. Ở đây, chúng ta cần phải nghiên cứu lại về trường hợp của tư duy triết học theo một cách thức giống như nghiên cứu lại về sự di truyền và “tính bẩm sinh”. Bởi vì việc sinh ra đời ít được chiếu cố trong toàn bộ tiến trình và phương pháp di truyền, cho nên cũng thế đối với “sự có ý thức” – cái đối lập với bản năng trong bất cứ ý nghĩa nào; hầu hết tư duy có ý thức của một triết gia đều bị bản năng chi phối một cách bí ẩn, đồng thời bị cưỡng buộc vào những lối mòn diễn đạt nhất định nào đó. Và đằng sau tất cả sự thuận lý và cái ưu thế có vẻ tối thượng của nó, luôn luôn có sự đánh giá, hay nói cho dễ hiểu hơn, luôn luôn có những nhu cầu mang tính sinh lý đối với việc duy trì một lối sống nhất định nào đó; chẳng hạn như, tính chắc chắn bao giờ cũng có giá trị hơn tính không chắc chắn, ảo tưởng thì ít giá trị hơn “sự thật”: những sự đánh giá như thế, bất chấp tầm quan trọng khiên cưỡng của chúng đối với chúng ta, chỉ là những đánh giá thiển cận, một dạng đặc biệt của niaiserie – sự ngu xuẩn – cái có thể là cần thiết cho việc gìn giữ, bảo tồn những sinh linh như chúng ta. Thực ra, con người không chỉ là “thước đo của vạn vật.” [1]


3.

Đối với chúng ta, sự không có thật của một ý kiến không nhất thiết là sự phản đối đối với ý kiến ấy: trường hợp này có lẽ là cách nói mới lạ của chúng ta nghe có vẻ dị thường. Vấn đề nằm ở chỗ mức độ mà một ý kiến đòi hỏi trong việc thúc đẩy sự sống, bảo vệ sự sống, bảo tồn muôn loài, và có lẽ cả việc dưỡng dục muôn loài; và về căn bản, chúng ta có khuynh hướng cho rằng các ý kiến không có thật ấy (những thứ thuộc về dạng phán định tổng hợp tiên nghiệm [2] ) là những ý kiến không thể thiếu đối với chúng ta; rằng nếu không có sự thừa nhận những điều huyễn tưởng mang tính hợp lý, nếu không có sự so sánh thực tại với thế giới tuyệt đối thể thuần tưởng tượng, nếu không liên tục bóp méo vạn vật bằng các con số, thì con người không thể sống được; rằng sự thống hợp các ý kiến không có thật sẽ là một sự thống hợp sự sống, một sự chối bỏ sự sống. Thừa nhận tính huyễn tưởng của các điều kiện của sự sống chắc chắn là một hành động nghi ngờ các quan niệm truyền thống về giá trị, và nền triết học nào dám làm như thế, thì nền triết học ấy sẽ đứng một cách cô độc, đồng thời sẽ vượt lên trên cõi bờ Thiện-Ác.


4.

Điều khiến các triết gia bị ngờ vực và chế nhạo không phải nằm ở việc người ta thường phát hiện ra các triết gia ấy đã ngây thơ như thế nào – nghĩa là họ thường lạc lối và mắc phải sai lầm, họ giống như trẻ con – mà nằm ở chỗ rằng tất cả bọn họ đều không đủ trung thực với chính mình, trong khi lại giở giọng đạo đức mỗi lúc đụng chạm, dù chỉ ở phía xa, đến vấn đề chân lý. Tất cả bọn họ đều có điệu bộ màu mè như thể là họ đã khám phá và đạt được các quan điểm chân thực nhờ vào sự phát triển tự thân của một phép biện chứng lạnh lùng, thuần nhất và khách quan tựa thánh thần nào đó (cái đối lập với phương pháp của những người thần bí, những kẻ - ngây ngô và ngu xuẩn hơn - luôn miệng nói về “sự hà hơi”); trong khi trên thực tế, một ý niệm giả định – một quan niệm hoặc một gợi ý – cái chỉ là ước vọng được họ tinh luyện và trừu tượng hoá, lại được bênh vực bằng những lập luận mà họ rút ra từ ý niệm giả định này. Tất cả bọn họ đều là những kẻ biện hộ nhưng lại không muốn mình bị gọi như thế; đa phần, họ chỉ là đám người biện bác ranh ma cho các định kiến của mình, những thứ mà họ gán cho một cái tên “chân lý” – và còn lâu họ mới có được một lương thức đủ cường mãnh để có thể thú nhận điều này; còn lâu họ mới có được một xét đoán quả cảm và đúng đắn để có thể đi tới hành động nói ra điều này, dẫu là để cảnh báo bằng hữu hay kẻ thù, hoặc để tự nhạo báng mình bằng một thái độ tự tại, an vui.


5.

Dần dần, tôi biết rõ cái mà mọi nền triết học lớn đã và đang là – nói một cách cụ thể, đó chính là sự tuyên xưng của người khởi tạo ra những thứ ấy, và là một loại tự truyện mang tính chất vô tình và vô thức; và hơn nữa, tôi cũng biết rõ rằng cứu cánh luân lý (hoặc phi luân lý) trong mọi triết lý đã tạo nên cái mầm sống mà từ đó cây đời mọc lên. Thực vậy, để hiểu tại sao những lời khẳng định siêu hình vô cùng khó hiểu lại được đưa ra, đầu tiên chúng ta chỉ cần khôn ngoan tự hỏi như vầy: “Mục tiêu luân lý nào mà chúng, những lời khẳng định, (hoặc ông ta), nhắm tới?” Do đó, tôi không hề tin rằng một sự “thôi thúc hiểu biết” nào đó vốn là cha đẻ của triết học; nhưng lại tin rằng một sự thôi thúc khác, tại lãnh vực này cũng như trong các lãnh vực khác, đã dùng sự hiểu biết (và cả sự hiểu biết sai lầm) như là một công cụ. Bởi vì mọi thúc giục đều muốn thực hiện sự áp chế, và như thế, chúng luôn luôn tìm cách biện giải một cách triết lý. Cố nhiên, đối với trường hợp của các học giả, các khoa học gia, điều này có thể khác hẳn – có thể là “tốt hơn”, nếu như quý vị muốn thế; với những người này, có thể thực sự hiện hữu một cái gì đó giống như “sự thôi thúc hiểu biết,” một cái gì đó giống như chiếc đồng hồ mà cứ mỗi lần lên dây thiều, thì nó sẽ làm việc cần mẫn từ đầu đến cuối và không cần đến bất cứ sự tham gia thiết yếu nào của các động lực học thuật khác. Do đó, những “hứng thú” thực sự của người học giả, nhìn chung, sẽ nằm ở một mục tiêu hoàn toàn khác – chẳng hạn như ở mục tiêu gia đình, kiếm tiền hay chính trị; trên thực tế, hầu như không có gì quan trọng đối với việc cỗ máy bé nhỏ của ông ta được đặt ở địa vị nghiên cứu nào, và cũng chẳng có gì quan trọng trong việc ông ta, một nhà nghiên cứu trẻ tuổi đầy triển vọng chẳng hạn, có trở thành một nhà ngữ học, một chuyên viên về nấm, hay một hoá học gia xuất sắc hay không; ông ta không bị “đặc tính hoá” bởi việc trở thành nhân vật này hay nhân vật nọ. Trái lại, đối với triết gia, hoàn toàn không có cái gì là “phi cá tính”; đồng thời trên hết tất cả, hệ thống đạo lý của ông ta sẽ đem lại một bằng chứng mang tính quyết định liên quan đến việc ông ta là ai – nói cách khác, liên quan đến cái thứ tự mà các thúc giục nội tại sâu thẳm nhất của ông ta xếp hàng bên nhau.


6.

Các nhà sinh lý học nên cân nhắc cẩn thận, trước khi xem bản năng tự vệ như là bản năng quan yếu của một một sinh vật hữu cơ. Bao giờ một sinh vật cũng muốn thể hiện sức mạnh của nó – sống chính là bày tỏ Ý chí thống ngự (Will to Power); tự vệ chỉ là một trong các hệ quả gián tiếp và thường xuyên của điều đó. Nói một cách ngắn gọn, dầu trong bất cứ lãnh vực nào, hãy đề phòng các nguyên tắc vô dụng của thuyết cứu cánh! – và một trong số đó là bản năng tự vệ (chúng ta có được ý niệm này là nhờ sự thiếu nhất quán của Spinoza).


7.

Cho đến bây giờ, tâm lý học đang bị mắc kẹt trong các định kiến luân lý và những nỗi khiếp sợ; nó không có can đảm lao mình xuống vực thẳm. Theo như những gì người ta có thể nhìn nhận thông qua những thứ cho đến nay vẫn đang bị che đậy trong các tác phẩm về đề tài này, dường như chưa một ai giống như tôi đã từng quan niệm tâm lý học như là một Hình thái học (Morphology) và một lý thuyết phát triển về Ý chí thống ngự. Mãnh lực của định kiến đã ăn sâu vào thế giới tinh thần, cái thế giới mà nhìn bề ngoài lại có vẻ hết sức trung lập và không định kiến, và mãnh lực ấy rõ ràng đã tác động đến thế giới tinh thần đó bằng một cách thức nguy hiểm, trì thủ, mù loà và méo mó. Một nền tâm sinh lý học đích thực phải chống lại sự kháng cự có tính cách vô thức trong tâm thức của người nghiên cứu. Nền tâm sinh lý học ấy phải có cái “tâm thức” chống lại trở lực đó; ngay cả một học thuyết về về sự lệ thuộc lẫn nhau giữa hai loại thúc giục “thiện” và “ác” cũng tạo ra nỗi buồn đau và lòng thù hận trong một lương tâm thiện hảo – và học thuyết về việc mọi cái thiện đều xuất phát từ cái ác cũng tạo ra những điều tương tự, thậm chí còn hơn như thế. Tuy nhiên, nếu một người xem các xúc cảm thù hận, tỵ hiềm, tham lam và độc đoán như là những xúc cảm cần thiết cho đời sống, như là những yếu tố nhất thiết phải hiện hữu trong ngôi nhà chung của sự sống (những xúc cảm cần được phát triển nhiều hơn nữa cùng với cuộc sống), thì anh ta sẽ gánh chịu cách nhìn về các xúc cảm như thế như là gánh chịu chứng say sóng. Tuy nhiên, giả thuyết này không phải là giả thuyết lạ lùng và đớn đau nhất trong lãnh vực mênh mông và mới lạ về sự khám phá có tính cách nguy hiểm này; và trên thực tế, có hàng trăm lý do chính đáng để lý giải tại sao mọi người nên tránh xa nó, nhưng mấy ai làm được như thế! Mặt khác, nếu người nào đã bước lên thuyền thì cũng tốt thôi! Hãy nghiến răng cho chặt! Hãy mở to đôi mắt và giữ vững bánh lái! Chúng ta sẽ dong buồm băng khỏi bến bờ luân lý, sẽ nghiền nát, sẽ tiêu diệt những gì còn lại của đạo đức, của luân thường bằng cách can đảm thực hiện chuyến hải hành – đó là điều diệu kỳ mà chúng ta đã làm! Từ trước tới nay, chưa bao giờ có một thế giới tư tưởng uyên thâm hơn nào đã tự phơi bày cho những kẻ lữ hành và người phiêu lưu quả cảm, và trong vấn đề này, nhà tâm lý học nào “thực hiện một cuộc hy sinh” thì ít nhất, với lý do đó, sẽ được quyền đòi hỏi rằng tâm lý học, một lần nữa, phải được nhìn nhận như là vị nữ hoàng của các ngành khoa học – một vị nữ hoàng mà nhờ vào sự phụng sự và sự trang bị của bà, các ngành khoa học còn lại đã tồn tại. Kể từ đây, tâm lý học lại là con đường dẫn đến các vấn đề căn bản.


Ý nghĩa của tầng lớp quý tộc

1.

Kể từ đây trở đi, sự nâng cao phẩm giá của con người là – và luôn luôn là – công việc của một xã hội quý tộc, một xã hội tin vào sự cách biệt đẳng cấp và sự khác nhau về phẩm giá của con người, đồng thời đòi hỏi, trong hình thức này hay hình thức khác, phải có tình trạng nô lệ. Người ta không được phép tự hiến mình cho bất cứ ảo ảnh nhân đạo nào liên quan đến quá trình phát khởi của một xã hội quý tộc (nghĩa là điều kiện tiên quyết trong sự nâng cao phẩm giá của loại người này): đây là một sự thật khắc nghiệt. Một cách không định kiến, chúng ta hãy thừa nhận, từ điểm này trở đi, cách thức mà mọi nền văn minh cao hơn đã khởi phát! Những người vẫn còn mang bản chất “tự nhiên”, những kẻ dã man trong mọi ý nghĩa kinh khủng của từ này, những kẻ săn mồi vẫn còn thủ đắc một sức mạnh ý chí nguyên vẹn và lòng khát khao quyền lực, đã xông vào những chủng tộc yếu hơn, đạo đức hơn và hoà nhã hơn (có lẽ là những chủng tộc sống bằng nghề chăn nuôi hoặc buôn bán), hoặc xông vào những nền văn minh mòn cũ, trong đó cái tàn lực của sự sống đang lập loè trong muôn ánh pháo hoa phô bày những kế mưu và sự suy đồi. Ngay từ đầu, giai cấp quý tộc đã luôn luôn là một giai cấp dã man; sự ưu trội của họ không hề nằm trong sức mạnh thể chất, mà nằm trong sức mạnh tinh thần – họ là những người hoàn hảo hơn (điều này còn hàm ý rằng họ là “những con thú hoàn hảo hơn”).


2.

Điều cốt yếu nơi giai cấp quý tộc lành mạnh và tốt đẹp nằm ở chỗ nó không tự coi mình có vai trò nào đó (cho dù là đối với một vương quyền hay một cộng đồng), mà nằm ở chỗ nó tự coi mình có một ý nghĩa và có sự biện minh cao cả nhất cho vương quyền hay cộng đồng đó – do đó, nó sẽ, một cách thanh thản, chấp nhận sự hy sinh của đám đông, những kẻ, vì lợi ích của nó, phải bị đàn áp, bị triệt giáng thành những kẻ bất toàn, những tên nô lệ và những công cụ. Niềm tin căn bản của nó là xã hội không thể tồn tại vì lợi ích của chính nó (xã hội), mà tồn tại như là một nền tảng và khung cảnh, trong đó một giai cấp chọn lọc sẽ có thể tự nâng vai trò của mình lên một đỉnh điểm để đưa đến một hình thức tồn tại cao cả hơn: điều này cũng tương tự như những dây leo không ngừng vươn mình về phía ánh dương ở đảo Java – người ta gọi chúng là Sipo Matador – những dây leo mà cành của chúng cứ ôm lấy cây sồi, cuối cùng, khi đã vượt cao hơn cây sồi, nhưng vẫn được cây sồi chống đỡ, chúng xoè những tán lá giữa ánh nắng ngập tràn và phơi bày nỗi niềm hạnh phúc.


3.

Việc tránh gây tổn thương, tránh thực hiện những hành động bạo lực và hà lạm cho nhau, và việc đặt ý chí của mình vào một địa vị ngang hàng với ý chí của kẻ khác; tất cả những điều này, trong một ý nghĩa sơ nguyên nào đó, sẽ tạo ra cách hành xử tốt đẹp giữa mọi người với nhau trong những trạng huống cần thiết sẵn có (đúng hơn là, trong sự tương đồng thực sự giữa các cá nhân về phương diện sức mạnh và sự đánh giá của họ về phẩm giá, và trong mối tương quan của họ trong phạm vi một tổ chức). Tuy nhiên, ngay khi người ta thừa nhận nguyên tắc này như là một nguyên tắc phổ biến, và nếu có thể, còn biến nó thành một nguyên tắc căn bản của xã hội, thì lập tức nó liền bộc lộ những gì mà nó thực sự là – đó là Ý chí phủ nhận đời sống, một nguyên lý về phân rã và suy tàn. Đến đây, đối với vấn đề căn bản này, người ta phải có sự suy nghĩ sâu xa để chống lại tất cả những sự nhu nhược tình cảm; đời sống tự nó vốn là sự chiếm đoạt, sự thương tổn, sự chinh phục của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, sự áp chế, sự khắc nghiệt, sự cưỡng buộc áp đặt một mô thức của người này lên người khác, sự thống hợp, và cuối cùng là thực hiện sự thôn tính êm ái nhất; – nhưng tại sao người ta luôn luôn sử dụng những từ ngữ này, những từ ngữ mà từ ngàn xưa đã phải gánh mang một kết quả rẻ khinh? Ngay cả cái tổ chức, như đã nói ở trên, mà trong đó mọi cá nhân cư xử với nhau một cách bình đẳng – điều này luôn luôn xảy ra trong xã hội quý tộc lành mạnh – cũng phải, nếu là một tổ chức đang sống, chứ không phải một tổ chức đang mòn rã, thực hiện tất cả những hành động trên đối với các tổ chức khác, những tổ chức mà trong đó mọi cá nhân đều tránh gây ra những hành động ấy với nhau: tổ chức ấy là sự hoá thân của Ý chí thống ngự; nó sẽ lớn mạnh, sẽ vun bồi và thâu tóm uy thế cho chính nó, không phải nhờ vào những thứ được gọi là luân lý hay phi luân lý, mà bởi vì nó đang sống, và bởi vì sống chính là thể hiện Ý chí thống ngự. Tuy nhiên, không điểm nào mà ý thức thông thường của người Âu châu lại muốn chối bỏ hơn điểm này; hiện nay từ khắp mọi nơi, người ta, ngay cả những kẻ ẩn núp dưới lốt vỏ khoa học, đang nói sảng về các hoàn cảnh xã hội đầy triển vọng, trong đó “đặc tính thâu tóm” sẽ vắng mặt; đối với lỗ tai của tôi, điều này nghe ra như thể họ đang hứa hẹn một kiểu đời sống có thể kiềm hãm mọi chức năng của các cơ quan trong cơ thể con người. “Sự thâu tóm” không phải là một phần của một xã hội suy đồi, bất toàn hay bán khai; nó là hệ quả của một Ý chí thống ngự mang tính bản năng, một Ý chí sinh tồn. Cứ cho rằng đây là một lý thuyết mới đi, nhưng về phương diện thực tế, nó là một sự thật căn bản của lịch sử: chúng ta hãy thành thật với chính mình, ít ra là ở vấn đề này.


4.

Khi xem xét các hệ thống luân lý, phức tạp cũng như thô thiển, những hệ thống đã từng thắng thế và hiện vẫn đang thắng thế trên quả đất này, tôi đã khám phá một số đặc tính cứ xuất hiện lập đi lập lại và gắn chặt vào nhau; và cuối cùng, dưới mắt tôi, có hai loại luân lý với một lằn ranh rạch ròi ở giữa. Đó là luân lý chủ nhân ôngluân lý nô lệ. Sự khác biệt về giá trị giữa hai hệ thống luân lý này nảy sinh hoặc từ tầng lớp thống trị, những kẻ biết rõ rằng mình khác với kẻ bị trị, hoặc từ giai cấp bị trị, những kẻ nô lệ và những kẻ bị lệ thuộc mọi thứ.

Trong trường hợp thứ nhất, khi chính kẻ thống trị là người định đoạt ý niệm về “cái thiện,” thì cái thiện đó là một tính cách kiêu hãnh và cao nhã, cái được xem như là một đặc điểm ưu trội, và là cái quyết định phẩm cấp của một người. Người quý tộc sẽ tự ly cách khỏi những kẻ dung chứa một tính cách ngược lại với tính cách kiêu hãnh và cao nhã: anh ta sẽ khinh miệt những kẻ này. Cần lưu ý rằng, trong loại luân lý thứ nhất này, sự tương phản giữa “thiện” và “ác” chính là sự tương phản giữa “cao quý” và “thấp hèn”; sự tương phản giữa “thiện” và “ác” còn có một nguồn gốc khác nữa. Kẻ hèn nhát, kẻ tầm thường và những kẻ chỉ nghĩ về các lợi ích hẹp hòi đều bị khinh rẻ; cũng thế đối với kẻ khả nghi có cặp mắt láo liêng, kẻ khúm núm, kẻ giống như súc vật tự để cho người khác ngược đãi, kẻ xu nịnh để kiếm miếng ăn, và đáng nói hơn hết là kẻ dối trá. Người quý tộc đều tin rằng bọn thường dân đều là những tên man trá. “Chúng ta là những người nói thật” – giới quý tộc thời Hy-lạp cổ đại đã tự xưng tụng mình như thế. Rõ ràng là nơi nào cũng vậy, sự phân biệt giá trị luân lý trước tiên được áp dụng cho con người, rồi sau đó mới gán cho hành vi.

Người quý tộc tự coi mình là kẻ định đoạt các giá trị; anh ta không cần sự tán thành của kẻ khác; anh ta phán xét như sau: “Cái gì xấu đối với tôi thì cái đó là cái xấu”; anh ta biết rằng chính mình là kẻ duy nhất mang lại phẩm hạnh cho sự vật; anh ta là kẻ tạo ra giá trị. Anh ta vinh danh bất cứ cái gì mà anh ta thừa nhận. Một hệ thống luân lý như thế chính là một sự tự ca tụng. Cảm giác no đủ và cường mãnh, cái tìm cách chảy tràn, nỗi hạnh phúc cùng tột, ý thức của một kẻ giàu có muốn sẵn lòng ban tặng; tất cả những cái này đều đứng ở một địa vị nổi bật. Người quý tộc luôn luôn muốn giúp đỡ kẻ không may, nhưng không, hoặc hầu như không, xuất phát từ lòng thương hại, mà xuất phát từ một sự thôi thúc do sự thừa thãi sức mạnh làm nảy sinh. Người quý tộc vinh danh kẻ kiêu hùng đang nương náu bên trong anh ta, kẻ có quyền định đoạt số phận của chính mình, kẻ biết cách gióng lên tiếng nói và biết cách thinh lặng, kẻ an nhiên trong hành động khuất phục chính mình một cách khắc nghiệt, đồng thời tôn kính tất cả những gì khắc nghiệt và gian truân. “Wotan đã đặt một trái tim cứng rắn vào lồng ngực ta." Một thiên trường ca của người bắc Âu đã chứa đựng lời lẽ như thế. Chắc chắn là nó được thốt lên từ đôi môi của một người Viking kiêu dũng. Loại người như vậy luôn luôn kiêu hãnh vì anh ta sinh ra không phải dành cho lòng trắc ẩn; do đó, người hùng của thiên trường ca còn nói thêm rằng: “Những ai không có trái tim cứng rắn khi còn trẻ, thì sẽ không bao giờ có nó.” Người quý phái và quả cảm nào suy nghĩ như thế sẽ là kẻ vượt thoát khỏi luân lý, cái luôn nhìn đặc tính của phẩm hạnh bằng lòng thương hại, hoặc bằng những hành vi nhân danh cái thiện của kẻ khác, hoặc bằng tính vô tư; tin vào chính mình, kiêu hãnh về mình, căm ghét và chế nhạo dành cho “lòng vị tha,” rõ ràng là những điều thuộc về hệ thống luân lý quý tộc, đồng thời cũng là những điều bị rẻ khinh một khi lòng thương hại và “trái tim nồng ấm” hiện diện.

Chính kẻ uy mãnh mới là người biết cách vinh danh; đó chính là nghệ thuật của họ, là lãnh vực sáng tạo của họ. Sự sùng kính tuổi tác và truyền thống – tất cả những lề luật dựa trên sự sùng kính song trùng này – niềm tin và thành kiến trong việc ưa thích tiền nhân và thiếu thiện cảm với kẻ hậu sinh, là một tình cảm tiêu biểu thuộc về luân lý của kẻ uy mãnh; và ngược lại, nếu con người của "những tư tưởng hiện đại" đều hầu như tin tưởng một cách đầy bản năng vào "sự tiến triển" và "tương lai," đồng thời càng lúc càng thiếu lòng tôn trọng đối với tuổi tác, thì cái nguồn gốc đê tiện của những "tư tưởng" này, bằng cách đó, đã bội phản chính nó. Tuy nhiên, nền luân lý của giai cấp thống trị hiện đang trở nên xa lạ và nhức nhối đối với thị hiếu ngày nay, vì sự khắc nghiệt trong nguyên lý của nền luân lý ấy nói rằng người ta chỉ có bổn phận với những kẻ bình đẳng với mình; rằng người ta có thể tác động đến những kẻ thuộc giai tầng thấp kém hơn, đến những kẻ xa lạ với mình, khi nào mình mong muốn, hoặc khi nào "con tim khát khao," và khi nào điều đó được thực hiện "ngoài tầm chi phối của thiện và ác"; ở đây, điều này có nghĩa là lòng cảm thông, cùng với những tình cảm tương tự, có thể có một chỗ đứng. Khả năng và bổn phận thực hiện lòng hàm ơn miên viễn và sự trả thù miên viễn – cả hai đều chỉ có thể nằm trong phạm vi chi phối của những kẻ bình đẳng – thủ đoạn trong sự trả thù, sự tao nhã trong tình bằng hữu, một yếu tố thiết yếu nào đó để có kẻ thù (tương tự như lối thoát dùng để thỏa mãn các xúc cảm tỵ hiềm, hung hăng, ngạo mạn – những thứ mà trên thực tế, cốt chỉ để trở thành một người bạn tốt): tất cả những cái này đều là các đặc tính tiêu biểu cho nền luân lý cao quý, cái, như đã nói, không phải là nền luân lý của "những tư tưởng hiện đại," và do đó hiện nay rất khó nhận ra; chẳng những thế, rất khó khám phá và phơi lộ.

Điều này hoàn toàn ngược lại đối với loại luân lý thứ hai, luân lý nô lệ. Giả sự rằng kẻ bị lợi dụng, kẻ bị áp bức, kẻ khổ đau, kẻ chưa được giải phóng, kẻ ốm yếu, và những kẻ không biết rõ về chính mình, đều lớn giọng phê phán, thì cái gì sẽ là điểm chung trong các lời đánh giá luân lý của họ? Có lẽ một sự ngờ vực bi quan nào đó về toàn bộ tình trạng của con người, kết hợp với tình trạng riêng của anh ta, sẽ tìm cách bộc lộ; và đó hẳn sẽ là một lời lên án con người. Kẻ nô lệ luôn luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với các phẩm tính của người uy mãnh; anh ta thường mang một thái độ hoài nghi, một nỗi niềm ngờ vực dành cho tất cả những điều tốt đẹp từng được vinh danh – anh ta sẵn sàng thuyết phục mình rằng cái hạnh phúc ở nơi đó, ở thế giới của kẻ uy mãnh, không phải là một hạnh phúc đích thực. Mặt khác, những phẩm chất nào làm vơi đi sự tồn tại của nỗi khổ đau thì đều được đưa đến một địa vị nổi bật và được phả đầy hào quang; ở đây, điều đó có nghĩa là lòng cảm thông, sự tử tế, trái tim nhân hậu, sự nhẫn nại, tính cần cù, đức nhún nhường và sự thân thiện cần phải được vinh danh; bởi vì ở đây, mọi thứ này là những phẩm tính đắc dụng nhất, và hầu như là phương tiện duy nhất trong việc đỡ đần gánh nặng khổ đau đang tồn tại. Luân lý nô lệ, về bản chất, vốn là một nền luân lý vị lợi (utility).

Đây chính là xuất phát điểm của phản đề nổi tiếng về "thiện" và "ác": quyền lực và sự nguy hiểm được xem như nằm trong địa phận của cái ác, một thứ rất đáng sợ và không thể coi thường. Theo luân lý nô lệ, kẻ ác làm sự sợ hãi thức dậy; theo luân lý chủ nhân ông, chính người tốt mới là người đánh thức và tìm cách đánh thức nỗi sợ, trong khi kẻ xấu bị xem là một sinh linh ti tiện. Sự tương phản này đạt đến độ cùng cực khi, theo các hệ quả của nền luân lý nô lệ, bóng tối của lòng khinh bỉ - nó có thể đầy và có đôi chút thiện chí – tự thể nhập vào người "tốt" trong quan niệm của loại luân lý này; bởi vì, theo cách nghĩ nô lệ ấy, người tốt phải, trong bất cứ trường hợp nào, là người vô hại đối với kẻ khác: anh ta có bản chất thiện, dễ bị lừa dối, và có lẽ phải là một gã tốt bụng hơi ngu đần. Bất cứ chỗ nào mà nền luân lý nô lệ chiếm được uy thế, thì tại những chỗ đó, ngôn ngữ có khuynh hướng tiếp cận với ý nghĩa của những từ "thiện" và "ngu xuẩn". Một khác biệt căn bản cuối cùng: lòng khao khát tự do, bản năng hưởng lạc và những điều tinh tuý về cảm thức tự do đều nhất thiết tuỳ thuộc vào đức hạnh và luân lý nô lệ, cũng giống như sự thủ đoạn và lòng nhiệt tâm trong sự sùng bái là những biểu hiện thường thấy của kiểu suy nghĩ và đánh giá có tính chất quý phái.


Phẩm hạnh của chúng ta

1.

Phẩm hạnh của chúng ta? Có thể chúng ta vẫn còn có phẩm hạnh, mặc dầu, lẽ đương nhiên, chúng không hề là những phẩm hạnh chân thực và vững chãi mà vì chúng, chúng ta quý trọng và giữ đôi chút khoảng cách với tổ tiên của mình. Chúng ta, những người Âu châu của mai này, chúng ta, những kẻ đầu tiên của thế kỷ hai mươi – bằng tất cả lòng hiếu kỳ hiểm nguy, bằng tất cả sự đa dạng và thủ thuật ngụy trang, bằng tất cả sự tàn nhẫn khôn ngoan trong tình cảm và tâm hồn, một sự tàn nhẫn mà nhìn bề ngoài có vẻ dịu dàng – sẽ, nếu chúng ta phải, chỉ có những phẩm hạnh đạt đến sự hoà điệu với những thiên hướng chân thành và thầm kín nhất, với những đòi hỏi rực cháy nhất của chúng ta: vậy thì chúng ta hãy truy tìm chúng trong những mê cung – nơi mà, như chúng ta biết, có quá nhiều thứ hiện đang mất, có quá nhiều thứ đã mất! Và liệu có cái gì tốt đẹp hơn việc kiếm tìm phẩm hạnh? Và đó chẳng phải là sự tin tưởng vào phẩm hạnh sao? Nhưng sự "tin tưởng vào phẩm hạnh" này phải chăng, về mặt thực tế, lại không là thứ giống với cái mà trước đây được gọi là "lương tâm," một đuôi tóc dài đáng kính của một quan niệm nào đó mà tổ tiên chúng ta đã từng cột phía sau đầu họ, đồng thời cũng treo lơ lửng phía sau sự hiểu biết của họ?


2.

Trong những thời đại sắp tới này, những thời đại có thể kiêu hãnh về con người của chúng, vẫn còn có quá nhiều nỗi sợ về "những con quái thú hoang dã độc ác" – những con quái thú mà việc thuần phục chúng sẽ tạo nên niềm kiêu hãnh của những thời đại nhân đạo hơn này – cho đến nỗi ngay cả những sự thật hiển nhiên đã không được thốt lên trong suốt một thời gian dài, bởi vì chúng có dung mạo của kẻ giúp hồi sinh con quái thú hoang dại đã bị giết chết.

Người ta cần phải học về sự tàn độc theo một cách khác và phải mở to đôi mắt ra; cuối cùng, người ta cần phải học cách thiếu kiên nhẫn, để cho những điều nhầm lẫn trơ trẽn và gớm guốc – như đã được các triết gia cổ đại và hiện đại có dính dấp đến bi kịch nuôi dưỡng, chẳng hạn – không còn trôi lan man một cách có đức hạnh và trâng tráo. Hầu hết những thứ mà chúng ta gọi là "nền văn hoá cao" đều được đặt nền tảng trên việc đề cao và tinh thần hoá sự tàn độc – đây chính là tuyên bố của tôi; "con thú hoang" chưa hề bị giết chết, nó vẫn đang sống, vẫn đang khoẻ mạnh; nó chỉ biến dạng mà thôi. Cái tạo nên niềm vui đớn đau của bi kịch chính là sự tàn độc; điều tạo nên niềm khoan khoái trong cái gọi là lòng thương cảm bi thiết, và thậm chí trong những thứ uy nghi cho đến những nỗi xao động cao nhã và vi tế nhất của siêu hình học, đều có được vị ngọt ngào từ sự tàn độc. Cái mà người La-mã thưởng thức trong đấu trường, người Thiên Chúa giáo trong giây phút nhập định trước thập tự giá, người Tây-ban-nha trong trận đấu bò tót, người Nhật-bản ngày nay trong các vở bi kịch, người công nhân Ba-tư khu ngoại ô trong nỗi hoài hương khi nhớ về các cuộc cách mạng đẫm máu, người đàn bà mê nhạc Wagner trong buổi trình diễn tác phẩm Tristan và Isolde – cái mà tất cả những kẻ này thưởng thức, và cố sức nốc cạn bằng nỗi mê say kỳ lạ, chính là "sự tàn độc". Chắc chắn trong vấn đề này, chúng ta, hẳn nhiên, cần phải đặt sang một bên những thứ tâm lý học ngớ ngẩn của các thời đại trước đây, những thứ tâm lý học mà khi bàn luận đến sự tàn độc thì chỉ có thể dạy rằng nó khởi phát từ việc trông thấy sự khổ đau của kẻ khác. Luôn luôn có một nỗi khoái cảm tràn trề trong sự khổ đau, trong việc làm cho kẻ khác khổ đau – và tại bất cứ nơi nào con người để cho mình bị thuyết phục về sự giữ giới trong ý nghĩa tôn giáo, hoặc về sự tự hành hạ mình như người Phoenicia và bọn tu sĩ khổ hạnh, hoặc nói chung là về những thứ như sự tiết dục, sự ăn năn, sự thống hối kiểu Thanh giáo, sự tự vấn lương tâm và sự hy sinh của người trí thức theo kiểu Pascal, thì anh ta đã bị cám dỗ và xô đẩy một cách thầm kín bởi sự tàn độc, bởi nỗi xao động hiểm nguy của sự tàn độc, thứ đang chống lại chính anh ta.

Cuối cùng, chúng ta thấy rằng ngay cả người truy tầm sự thật cũng hành xử như là một nghệ sĩ ca tụng sự tàn độc; anh ta thúc buộc tâm hồn mình cảm nhận những điều trái ngược với thiên hướng của mình, trái ngược với những ước muốn của con tim mình: anh ta buộc nó phải nói không ở những nơi mà anh ta muốn khẳng định, yêu thương và sùng bái; trên thực tế, mọi trường hợp nhìn nhận sự vật một cách thâm sâu và triệt để đều là một sự cưỡng buộc, một hành động chủ ý làm thương tổn ước vọng căn bản của tâm hồn, cái, về phương diện bản năng, luôn luôn hướng tới dung mạo hời hợt bên ngoài – trong mọi niềm khát khao tri thức, lúc nào cũng có đôi chút tàn độc.


3.

Nhầm lẫn trong vấn đề căn bản về "đàn ông và đàn bà," phủ nhận sự đối kháng sâu rộng nhất và sự cần thiết phải có một tình trạng căng thẳng mang tính chất thù nghịch triền miên, mơ mộng về những quyền bình đẳng, giáo dục bình đẳng, quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng: đó là dấu hiệu tiêu biểu của một tâm hồn nông cạn; và một nhà tư tưởng mà tự cho thấy rằng mình là kẻ nông cạn qua vấn đề nguy hiểm này – một sự nông cạn trong bản năng – nhìn chung, sẽ bị coi là một kẻ lừng khừng, thậm chí còn tệ hơn, là kẻ dối trá, kẻ yếu đuối; anh ta sẽ cho thấy tầm mức "thấp kém" của mình đối với tất cả các vấn đề căn bản về đời sống, tương lai cũng như hiện tại, và sẽ không có khả năng thâm nhập vào bất cứ chiều sâu nào. Trái lại, một người có chiều sâu trong tâm hồn và trong khát vọng, đồng thời có chiều sâu trong lòng trắc ẩn, cái có thể chịu được sự cay nghiệt và dễ dàng nhầm lẫn chúng với nhau, chỉ có thể nghĩ về đàn bà theo cách của người phương Đông: anh ta cần phải xem cô ta như một vật sở hữu, như một tài sản có thể cầm giữ, như một sinh linh sinh ra để phục dịch và để hoàn thành mỗi sứ mệnh ấy mà thôi – Trong vấn đề này anh ta phải giữ vững quan điểm về sự hữu lý của Á châu, về sự ưu việt trong bản năng của Á châu, như người Hy-lạp đã từng làm trước đây; những người thừa tự và học giả ưu tú nhất của Á châu – những kẻ mà, như nhiều người đã biết, bằng nền văn hoá và độ lớn mạnh quyền lực ngày càng gia tăng của mình, từ thời Homer cho tới Pericles, đã không ngừng trở nên khe khắt hơn đối với đàn bà; hay nói một cách ngắn gọn, đã không ngừng trở nên Đông phương hơn. Điều này quả thực hết sức cần thiết, hết sức hợp lý, thậm chí hết sức xứng đáng được khát khao! Chúng ta hãy suy nghĩ về nó cho chính mình!


4.

Chưa bao giờ phái yếu được phái mạnh tôn trọng nhiều như hiện nay. Điều này là kết quả của khuynh hướng và thị hiếu dân chủ; sự thiếu kính trọng người già cũng xuất phát từ những thứ này. Liệu có đáng ngạc nhiên không khi sự lạm dụng sẽ nảy sinh từ sự tôn trọng phụ nữ vừa nói? Khi người ta muốn nhiều hơn, người ta sẽ biết cách đòi hỏi; cái giá của sự tôn trọng, cuối cùng, chỉ là một cảm giác bực dọc; việc tranh giành quyền lợi – thật ra đây chính là một cuộc xung đột – sẽ bắt đầu; nói ngắn gọn, phụ nữ đang đánh mất tính nhu mì. Và do đó, chúng ta có thể nói thêm rằng họ đang làm mất đi sự quyến rũ của mình. Phụ nữ không còn sợ đàn ông: nhưng những phụ nữ "không còn sợ đàn ông" ấy, đồng thời, cũng đang hy sinh các bản năng giàu nữ tính nhất của mình. Sự việc phụ nữ dám trỗi dậy khi phẩm tính gây sợ hãi nơi người đàn ông – hay nói một cách rõ ràng hơn, cái nam tính trong người đàn ông – không còn được phụ nữ cần đến nữa cũng là một điều hữu lý và có thể hiểu được; cái khó hiểu nằm ở chỗ chính trong cách thức như vậy, phụ nữ sẽ trở nên xấu xa hơn.

Đó là cái đang diễn ra ngày nay: chúng ta đừng tự lừa dối mình về điều này. Ở nơi nào mà tinh thần kỹ nghệ đánh bại tinh thần quý tộc và chiến binh, thì tại nơi đó phụ nữ tìm cách giành cho mình sự độc lập về tài chánh và pháp lý – sự độc lập của một cô bán hàng: "cô bán hàng" giờ đây đứng ở vị trí nổi bật tại ngưỡng cửa của một xã hội hiện đại đang trong tiến trình hình thành. Trong lúc cô ta đề cao những quyền lợi mới, khao khát trở thành "chủ nhân ông", và ghi khắc chữ "tiến bộ" của phụ nữ lên trên các lá cờ và biểu ngữ của mình, thì càng dễ nhận ra một điều trái ngược: phụ nữ đang thoái hoá. Kể từ khi cuộc Cách mạng Pháp xảy ra, tầm ảnh hưởng của phụ nữ Âu châu đã bị suy giảm một cách tương xứng với sự gia tăng các quyền lợi; và sự "giải phóng phụ nữ", ở mức độ mà chính họ (chứ không phải những gã có đầu óc nông cạn) mong muốn và đòi hỏi, hoàn toàn là một triệu chứng nổi trội của việc bản năng phụ nữ càng lúc càng bị suy yếu và hao mòn. Có một sự xuẩn động trong trào lưu này, một sự xuẩn động đầy đực tính, cái mà một phụ nữ được giáo dục tốt – người luôn luôn là một phụ nữ mẫn cảm – sẽ cảm thấy thật hổ thẹn. Đánh mất khả năng mà nhờ vào đó người phụ nữ chắc chắn giành được sự chiến thắng; xao lãng việc thực hiện những vũ khí thích hợp với mình; tự cho mình đi trước đàn ông, có lẽ, "để viết một cuốn sách", lãnh vực mà trước đây cô ta vốn nằm trong một địa vị giới hạn và khiêm tốn; vô hiệu hoá một cách càn rỡ và thơ ngây niềm tin của người đàn ông vào một ý niệm hoàn toàn khác, một ý niệm ẩn náu trong người phụ nữ, một cái gì đó tràn đầy nữ tính; cản ngăn một cách dứt khoát và ồn ã người đàn ông khỏi cái suy nghĩ rằng phụ nữ, giống như một con thú cưng, mảnh khảnh và hoang dại, cần phải được bảo bọc, yêu thương, chìu chuộng; sự tích nhặt vụng về và giận dữ tất cả những gì nằm trong bản chất lệ thuộc, cái mà vị trí của người phụ nữ trong trật tự xã hội từ xưa đến nay đã gây ra và vẫn còn đang gây ra (như thể nô lệ là một vấn đề bị phản đối, chứ không phải là một điều kiện của nền văn hoá cao, của sự nâng cao văn hoá); tất cả những điều này có nghĩa là gì, nếu không phải là một sự tan rã của bản năng phụ nữ, một sự suy yếu nữ tính?

Cái tạo nên sự tôn trọng nơi người đàn bà, đồng thời còn tạo ra sự kinh sợ nữa, chính là bản chất của cô ta, một cái gì đó tự nhiên hơn khi so với bản chất của người đàn ông: sự uyển chuyển quỷ quyệt như thú săn mồi của cô ta, móng vuốt hùm beo bên dưới lớp găng tay của cô ta, sự thơ ngây trong tính ích kỷ của cô ta, bản chất vô năng giáo và tính hoang dại bẩm sinh của cô ta, sự khó hiểu, tính vô tận và sai lạc trong những khát khao và đức hạnh…; điều gợi lòng thương cảm của người khác dành cho phụ nữ, một con mèo xinh đẹp và nguy hiểm, nằm ở chỗ cô ta có vẻ đau khổ hơn, yếu đuối hơn, cần được yêu thương hơn, và dễ bị cho là phải gánh chịu nhiều nỗi tuyệt vọng hơn so với bất cứ sinh linh nào khác. Sợ hãi và yêu thương: bằng những xúc cảm này mà người đàn ông , cho tới nay, đã đứng trước người đàn bà, luôn luôn với một chân đặt sẵn trong tấn bi kịch, cái vừa làm nát lòng ta, vừa mang lại niềm vui cho ta. Giờ thì sao? Chẳng lẽ tất cả những thứ này đang đến hồi kết thúc? Nét quyến rũ của người đàn bà đang bị phôi pha? Sự tẻ nhạt của họ đang dần dần phơi lộ? Ôi, Âu châu! Âu châu!

Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]“Con người là thước đo của vạn vật” (man is the measure of all things) là quan niệm mà triết gia Hy-lạp Protagoras (kh.485 - 415 tr.CN) dùng để nói rằng cách nhìn vạn vật của chúng ta vốn mang tính chủ quan. (ND)
[2]Tạm dịch thuật ngữ synthetic judgments a priori. (ND)
Nguồn: The Humanities in Contemporary Life; Robert F. Davidson, Sarah Herndon, J. Russell Reaver và William Ruff biên soạn; Holt, Rinehart and Winston, Inc. xuất bản; New York, 1960.