© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
12.2.2008
Bertrand Russell
Tín ngưỡng của người tự do
Cao Hùng Lynh dịch
 
Bertrand Russell đã có một chỗ đứng trong số các triết gia đương đại nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất. Sinh năm 1872 trong một gia đình có tiếng tăm lâu đời trong lịch sử Anh quốc (tổ phụ của ông là người đưa ra Dự luật Cải cách năm 1832), Russell được học tại đại học Cambridge, ngôi trường mà sau này ông trở thành giảng sư và ủy viên quản trị. Tác phẩm đầu tay của ông là một tác phẩm viết về toán học và triết luận khoa học, và ông được nhìn nhận là một trong những người có khả năng nhất trong việc trình bày quan điểm khoa học trong triết học. Năm 1910, cùng với Alfred North Whitehead, ông đã xuất bản một tác phẩm được nhiều người biết đến, mặc dù ít được đọc, có nhan đề là Principia Mathematica (Nguyên lý Toán học). Vì phản đối cuộc đệ nhất Thế chiến, Russell đã mất vị trí ủy viên quản trị đại học tại đại học Cambridge và bị câu lưu trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, vào những năm gần đây, ông ủng hộ cuộc chiến chống chính quyền Quốc xã ở Đức và đã xuất bản nhiều bài tiểu luận công kích mạnh mẽ nước Nga Xô-viết.

Bài tiểu luận được giới thiệu dưới đây, “A Free Man’s Worship”, là một trong những bài mà chính Russell không còn tán thành một cách trọn vẹn. Nó quá thơ mộng đối với cách nhìn hiện tại của ông. Nhưng bài tiểu luận này đã trở thành một trước tác mang tính chất kinh điển trong lãnh vực mà nó bàn tới. Thay vì nói “đây là quan điểm khoa học về thế giới, và đối lập với nó, có một quan điểm mang tính tôn giáo: tôi sẽ chọn cái nào?” Russell đã chấp thuận quan điểm khoa học không một chút e dè, đồng thời loại bỏ quan điểm tôn giáo và tận dụng tất cả những gì còn lại. Ông tìm cách thực hiện điều mà Walter Lippmann đề xuất: người ta không thể thành công trong việc thay thế đức tin tôn giáo bằng sự hiểu biết thông sáng của khoa học.

Từ “Tín ngưỡng” trong nhan đề của tiểu luận này là một từ ngữ gây ngạc nhiên đối với người đã viết một cuốn sách Why I Am Not A Christian (Tại sao tôi không là người Thiên Chúa giáo), nhưng, như Russell đã thú nhận, “Những ai cố gắng tôn sùng chủ nghĩa nhân bản, một chủ nghĩa không thừa nhận cái gì lớn hơn con người, đều không làm hài lòng các xúc cảm của tôi. Và tôi vẫn chưa tin rằng, trong thế giới được biết hiện nay, có bất cứ cái gì, ngoài con người và, trong mức độ nào đó, kể cả muông thú, làm cho tôi có thể coi trọng… Do đó, tâm trí của tôi luôn sánh bước với các nhà nhân bản, mặc dầu cảm xúc của tôi chống đối mãnh liệt.” Một điều gì đó trong sự nghịch biện này được phản ánh trong vở tuồng táo bạo và hấp dẫn mà Russell đã đưa vào “A Free Man’s Worship” để khắc hoạ song đề tâm linh của kẻ say mê tư tưởng khoa học một cách không nhân nhượng.
Người dịch
I.

Trong phòng nghiên cứu của tiến sĩ Faustus, Mephistopheles đã thuật lại cho ông câu chuyện sáng thế:

Qua biết bao thời đại, đám tinh vân nóng hực đã quay cuồng một cách vu vơ trong không gian. Cuối cùng, nó bắt đầu định hình; cái khối hỗn độn trung tâm ném ra các hành tinh; các hành tinh ấy nguội lạnh; mặt biển đang sôi và núi non đang cháy bắt đầu trở mình, nhấp nhô; từ các đám mây đen, các cơn mưa vần vũ trút xuống lớp vỏ cứng trơ trụi. Giờ đây, mầm mống đầu tiên của sự sống nảy sinh từ lòng đại dương và trong sự ấm áp, đã nhanh chóng phát triển thành rừng cây bạt ngàn; dương xỉ khổng lồ mọc lên từ đất ẩm; các quái vật biển sinh sản, đánh nhau, huỷ diệt và qua đời. Và từ các quái vật ấy, khi vở tuồng được khai mở, Con người ra đời, có khả năng suy nghĩ, biết phân biệt thiện ác và lòng khao khát bi thiết dành cho sự-được-tôn-sùng được tôn sùng. Và Con người nhận thấy rằng tất cả đang trôi đi trong cái thế giới điên loạn, gớm guốc này, tất cả đang tranh đấu để vồ lấy, bằng mọi giá, đôi khoảnh khắc ngắn ngủi của sự sống trước khi nhận bản án lạnh lùng của Tử thần. Và Con người nói: “Có một cứu cánh ẩn chìm nào đó, nhưng chúng ta có thể tìm hiểu nó, và cứu cánh ấy vốn tốt đẹp; chúng ta phải sùng kính một điều gì đó, nhưng trong thế giới hữu hình này, không có điều gì đáng sùng kính.” Và con người đã đứng ra ngoài cuộc tranh đấu ấy, khi quyết định rằng Thượng đế đã định ra sự hài hoà xuất phát từ những hỗn loạn do các nỗ lực của con người gây ra. Khi anh ta làm theo những bản năng mà trước đó, Thượng đế đã truyền cho, ngay từ thế hệ tổ tiên của anh ta, những kẻ vốn là thú săn mồi, thì anh ta gọi đó là Tội lỗi, và cầu xin Thượng đế thứ tha. Nhưng anh ta hoài nghi không biết mình có thể được tha thứ hay không, cho đến khi anh ta nghĩ ra cái Ý định thánh linh mà bởi đó sự phẫn nộ của Thượng đế sẽ phải nguôi ngoai. Và khi nhận thấy thực tại quá xấu xa, anh ta lại làm cho nó xấu xa hơn, để mà từ đó, tương lai có thể tốt đẹp hơn. Rồi anh ta tạ ơn Thượng đế đã ban cho cái sức mạnh khiến cho anh ta có thể chối bỏ ngay cả những niềm vui có thể chấp nhận được. Và Thượng đế mỉm cười; khi thấy rằng Con người đã trở nên hoàn hảo trong sự quên mình và sùng kính, ngài bèn đưa một mặt trời khác vào bầu trời; mặt trời này va vào mặt trời của Con người; thế là tất cả lại trở thành đám tinh vân.

“Đúng thế,” Ngài thì thầm, “đây quả là một tấn tuồng hay; ta sẽ lại trình diễn nó.”


II.

Một cách đại cương, và hoàn toàn không có chủ đích, không có ý nghĩa, đó là cái thế giới mà khoa học trình bày cho chúng ta. Từ nay về sau, giữa một thế giới như vậy, dù ở bất cứ nơi đâu, các lý tưởng của chúng ta phải tìm thấy cho được một ngôi nhà. Sự việc con người là sản phẩm của những tác động, những thứ không hề thấy trước cái kết cục mà chúng đang trong tiến trình vươn tới; sự việc nguồn gốc của anh ta, sự phát triển của anh ta, những niềm ước vọng và nỗi sợ hãi của anh ta, tình yêu và niềm tin của anh ta chỉ là kết quả của các sự sắp xếp ngẫu nhiên của những nguyên tử; sự việc không một ngọn lửa nào, không một đức tính anh hùng nào, không một sự mãnh liệt nào của tư tưởng và cảm xúc có thể làm cho sự sống cá nhân thoát khỏi nấm mồ; sự việc tất cả những sự cần lao của bao thời đại; tất cả những niềm tận hiến, tất cả những nguồn hứng khởi, tất cả sự chói loà của các bậc kỳ tài đều rồi sẽ bị diệt vong trong cái chết kỳ vĩ của Thái dương hệ; và sự việc toàn bộ ngôi đền thiêng của những thành tựu nhân loại phải bị vùi chôn bên dưới các mảnh vụn của một vũ trụ tan hoang; tất cả những sự việc này, nếu không nói là không thể chối bỏ, thì cũng có thể nói rằng gần như là chắc chắn xảy ra, đến nỗi bất cứ triết lý nào có ý định phủ nhận chúng đều không có hy vọng đứng vững. Chỉ trong phạm vi chống đỡ của những sự thật này, chỉ trên nền tảng vững vàng của niềm tuyệt vọng kiên trinh này, thì chốn trú ngụ của linh hồn mới có thể được dựng xây một cách an toàn.

Trong một thế giới thù nghịch và tàn bạo như thế, làm sao mà một sinh linh bất lực như con người có thể gìn giữ các khát vọng của mình không bị nhơ nhuốc? Đó là sự bí ẩn lạ kỳ, một sự bí ẩn mà trong đó, bà mẹ thiên nhiên, thực thể có quyền uy vô tận, nhưng lại bị mù loà, trong vòng quay hấp tấp muôn thuở băng qua các vực thẳm của không gian, cuối cùng đã sản sinh ra một đứa trẻ, tuy vẫn phụ thuộc bà ta, nhưng có biệt tài trong cách nhìn, trong sự hiểu biết thiện-ác, trong khả năng xét đoán tất cả những tác phẩm về bà mẹ thiên nhiên thiếu suy nghĩ của anh ta. Bất chấp Tử thần, cái biểu hiện và sự bảo đảm của quyền năng phụ mẫu, con người vẫn tự do, trong những tháng năm ngắn ngủi của đời mình, khảo cứu, phê bình, hiểu biết và sáng tạo. Trong cái thế giới mà con người đã quen thuộc, sự tự do này thuộc về anh ta; và trong thế giới ấy, sự ưu trội của anh ta được đặt trong các thế lực không cưỡng lại được, các thế lực kiểm soát sinh mệnh hữu hình của anh ta.

Người bán khai, giống như chúng ta, cảm thấy áp lực từ sự bất toàn của mình trước các quyền năng của thiên nhiên; nhưng trong anh ta không có điều gì được kính trọng hơn là quyền lực, cho nên anh ta sẵn lòng phủ phục trước các vị thần linh, mà không cần biết họ có xứng đáng với sự tôn thờ của mình hay không. Thật là thống thiết và kinh khủng khi quá trình lịch sử lâu đời của sự tàn độc và ngược đãi, của sự băng hoại và hy sinh được người ta kéo dài thêm với hy vọng làm nguôi giận những vị thần đố kỵ: chắc chắn những tín đồ đang run sợ nghĩ rằng, khi điều quý giá nhất đã được ban phát một cách hào phóng, thì sự khát máu của họ cần phải được nguôi ngoai và không còn được đòi hỏi thêm nữa. Sự sùng bái thần Moloch – cũng như các tín ngưỡng tương tự - về bản chất, là sự khuất phục hèn hạ của một kẻ nô lệ, kẻ không dám, ngay cả trong thâm tâm, nghĩ rằng ông chủ của hắn không xứng đáng được bợ đỡ. Vì sự độc lập của lý tưởng vẫn chưa được thừa nhận, cho nên quyền lực vẫn còn được tôn thờ và nhận được sự kính trọng thái quá, bất chấp những tai ương quái ác mà nó mang lại.

Nhưng dần dần, khi hệ thống luân lý phát triển rõ nét hơn, người ta bắt đầu cảm nhận sự đòi hỏi về một thế giới lý tưởng; và sự tín ngưỡng, nếu như nó không bị gián đoạn, cần phải được dành cho loại thần linh khác hơn là những vị thần do người bán khai tạo ra. Một số người, dẫu nhận thấy được sự thiết yếu của lý tưởng, nhưng vẫn sẽ chủ tâm khước từ nó, đồng thời vẫn tỏ ra rằng quyền lực trần trụi luôn luôn đáng được tôn sùng. Đó là thái độ được ghi đậm trong câu trả lời của Thượng đế dành cho Job từ cơn lốc xoáy: quyền lực và sự hiểu biết thiêng thánh đã được phô trương, nhưng không có một dấu hiệu gì về Đấng hoàn thiện. Đó cũng là thái độ của những người, trong thời đại ngày nay, đã đặt căn bản luân lý của họ vào cuộc tranh đấu sinh tồn, khi nhất mực cho rằng kẻ sống sót nhất thiết là kẻ mạnh nhất. Nhưng những người khác, không chấp nhận một câu trả lời mâu thuẫn với ý nghĩa luân lý, đã chọn một thái độ mà chúng ta đã quen xem như là một thái độ thấu đáo, rằng trong đặc điểm tiềm ẩn nào đó, thế giới thực tế và thế giới lý tưởng thực sự hoà điệu với nhau. Con người, từ đó, đã tạo ra Thượng đế, một đấng toàn năng và chí thiện, một thực thể huyền nhiệm của cái hiện là và cái sẽ là.

Nhưng thế giới thực tế, rốt cục, lại không lương hảo; và khi để cho sự xét đoán của chúng ta phụ thuộc vào nó, thì luôn luôn có một yếu tố nô lệ nào đó mà ý nghĩ của chúng ta cần phải được thanh lọc khỏi. Bởi vì, trong mọi việc, sẽ vô cùng tốt đẹp khi nâng cao phẩm hạnh của con người bằng cách đưa anh ta thoát khỏi, càng xa càng tốt, sự sự độc đoán của quyền lực phi nhân. Khi chúng ta nhận ra rằng quyền lực hầu như là xấu xa, rằng con người, với sự phân biệt thiện-ác, chỉ là một nguyên tử vô dụng trong một thế giới không hề có sự phân biệt như thế, thì một lần nữa, chúng ta lại đứng trước sự chọn lựa: chúng ta sẽ tôn thờ sức mạnh, hay sẽ tôn thờ cái thiện? Thượng đế của chúng ta sẽ hiện hữu và ác độc, hay ông ta được nhìn nhận như là đấng tạo ra lương thức của chúng ta?


III.

Câu trả lời cho vấn đề này rất quan trọng, đồng thời ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ hệ thống luân lý của chúng ta. Tôn thờ sức mạnh, sự tôn thờ mà Carlyle, Nietzsche và tín điều của chủ nghĩa quân phiệt đã làm cho chúng ta quen thuộc, là kết quả của sự thất bại trong việc duy trì các lý tưởng chống lại một vũ trụ thù nghịch của chính chúng ta: đó là sự phủ phục trước cái ác, một sự hy sinh cái chí thiện cho thần Moloch. Nếu quyền lực là xấu xa, thì chúng ta hãy loại bỏ nó khỏi trái tim mình. Sự tự do chân thực của con người nằm trong lòng quả quyết tôn thờ vị Thượng đế được tình yêu cái thiện của chúng ta tạo ra, trong sự chọn lựa tôn kính đấng tối cao nào khơi động sự thấu đạt những khoảnh khắc chí mỹ của chúng ta. Trong hành động, trong ước mơ, chúng ta cần phải không ngừng lệ thuộc vào sự độc đoán của các thế lực ngoại lai; nhưng trong suy nghĩ, trong khát vọng, chúng ta tự do, chúng ta thoát khỏi đồng loại, thoát khỏi hành tinh bé mọn mà trên đó thân xác chúng ta phải bò lê một cách bất lực, thậm chí thoát khỏi cả sự tàn độc của cái chết ngay khi chúng ta đang sống. Chúng ta hãy làm cho mình thấu hiểu sinh lực của niềm tin, cái sinh lực khiến chúng ta có thể sống thường xuyên trong hình ảnh của cái thiện; và trong hành động, chúng ta bước vào thế giới thực tế cùng với hình ảnh của cái thiện luôn luôn hiển hiện phía trước.

Nhưng hình ảnh của cái đẹp chỉ có khả năng đến với sự suy niệm tự do, với những suy nghĩ không còn bị đè nặng bởi gánh nặng của những ước muốn thiết tha; và do đó, tự do chỉ đến với những ai không còn đòi hỏi đời sống rằng nó phải sản sinh cho họ bất cứ cái gì trong số những tài sản cá nhân phụ thuộc vào sự biến dịch của thời gian.

Trong sự nhẫn nhịn, còn có một yếu tố nữa: ngay cả đối với những tài sản thực, khi không thể thủ đắc, cũng không hẳn là cần phải bồn chồn khao khát. Sự hy sinh cao cả, sớm hay muộn, cũng sẽ đến với mọi người. Đối với người trẻ, không có gì không thể đạt được; một điều tốt, khi được ước ao bằng cả sức mạnh của một ý chí mãnh liệt, và dù chưa thể đạt được, với họ, vẫn không đáng tin cậy trong việc tiếp cận với hình ảnh của cái đẹp. Tuy nhiên, đứng trước cái chết, đứng trước bệnh tật, đứng trước sự nghèo nàn, hoặc đứng trước tiếng gọi của bổn phận, chúng ta, mỗi chúng ta, cần phải biết rằng thế giới này không phải được tạo ra cho chúng ta, và rằng dẫu sự vật mà chúng ta nài khẩn có mỹ miều đến đâu chăng nữa, thì định mệnh cũng sẽ cản ngăn chúng. Khi điều bất hạnh xảy đến, thật là can đảm khi chịu đựng, mà không hề cảm thấy bực dọc, sự tàn rụi của niềm hy vọng, khi xoay chuyển những ý nghĩ của chúng ta ra khỏi sự nuối tiếc vô nghĩa. Mức độ quy phục quyền lực này không chỉ có tính cách thích đáng và đúng đắn: nó còn là cánh cổng bước vào sự khôn ngoan.

Khi chúng ta biết cam chịu trước quy luật của định mệnh và nhận ra rằng thế giới phi nhân không xứng đáng với sự tôn thờ của mình mà không hề cảm thấy sự cay đắng của cuộc nổi loạn bất thành, thì mới có thể biến đổi và tái tạo vũ trụ vô tình ấy, và chuyển hoá nó trong cuộc nung rèn khắc nghiệt của sự tưởng tượng, một cuộc nung rèn mà một thánh tượng bằng vàng ngời sáng sẽ thay thế tượng đất sét cũ. Trong thực tế đa dạng của thế giới – trong dáng vẻ của cái cây, ngọn núi và cụm mây, trong những biến động của đời sống con người, ngay cả trong chính quyền năng tuyệt đối của Tử thần - sự thấu đạt chủ nghĩa duy tâm sáng tạo (creative idealism) có thể tìm thấy sự phản ánh của cái đẹp mà chính các ý nghĩ của nó tạo ra. Bằng cách này, tâm thức sẽ xác nhận quyền làm chủ vi tế của nó đối với sức mạnh vô tâm của tự nhiên. Cái vật chất mà tâm thức phải đối phó càng xấu xa, nỗi ước vọng càng bị cản ngăn, thì thành tựu trong việc làm cho phiến đá phải để lộ kho báu ẩn tàng trong nó càng lớn lao, thì sự chiến thắng trong việc thúc ép các thế lực đối nghịch gia tăng số lượng người tuần hành trong ngày hội khải hoàn càng thêm hùng tráng.

Trong tất cả các hình thức nghệ thuật, bi kịch là loại tráng lệ nhất, loại kiêu hãnh nhất, bởi vì nó xây dựng thành luỹ chói ngời của mình ngay giữa lãnh thổ của kẻ thù, ngay trên đỉnh núi ngất cao tại nơi đó; mọi thứ đều được bộc lộ từ những ngọn tháp canh vững chãi, từ doanh trại và kho chứa vũ khí, từ những hàng cột và pháo đài; bên trong các bức tường của luỹ thành ấy, cuộc sống tự do vẫn tiếp diễn, trong lúc những đạo quân của Tử thần, của khổ đau, của tuyệt vọng, của tất cả những viên tướng chỉ huy nô lệ định mệnh độc đoán đã mang đến cho cư dân của thành luỹ quả cảm đó những chướng ngại vật mới nhằm cản ngăn cái đẹp. Hạnh phúc thay cho những luỹ thành thiêng thánh, và hạnh phúc bội phần cho những người trú ngụ nơi địa vị thấy cả mọi điều này. Vinh dự thay cho những chiến binh quả cảm, những con người, trải qua bao thời đại chiến chinh, đã bảo vệ di sản tự do vô giá cho chúng ta, và đã giữ ngôi cho nhà của những con người bất khuất không bị một vết nhơ trước gót chân của kẻ xâm lăng báng bổ thần linh.


IV.

Cuộc sống của con người, khi được nhìn từ bên ngoài, chỉ là cái gì đó nhỏ nhoi so với sức mạnh của thiên nhiên. Người nô lệ buộc phải phụng thờ Thời gian, Định mệnh và Tử thần, bởi vì tất cả những thứ ấy to lớn hơn bất cứ cái gì anh ta tìm thấy được trong chính bản thân mình, và bởi vì mọi ý nghĩ của anh ta đều thuộc về những thứ bị chúng hủy diệt. Dẫu chúng có cao cả thật, nhưng suy tư thật nhiều về chúng, cảm nhận sự tráng lệ điềm nhiên của chúng vẫn luôn luôn là hành động cao cả hơn nhiều. Và sự suy tư như thế làm cho chúng ta trở thành người tự do; chúng ta không còn cúi mình trước định mệnh kiểu thái độ khuất phục của Đông phương, mà chúng ta hấp thụ nó, biến nó thành một phần của chúng ta. Rời bỏ cuộc tranh đấu cho hạnh phúc riêng tư, tống xuất mọi cuồng nhiệt của nỗi ước vọng nhất thời, thổi bùng niềm say mê dành cho những điều trường cửu – đó là sự giải thoát, và đó là tín ngưỡng của người tự do. Và sự giải thoát này chịu tác động bởi sự suy niệm về định mệnh, bởi vì định mệnh bị khuất phục trước một tâm thức không cho phép điều gì bị thanh lọc bởi ngọn lửa thiêu tàn của thời gian.

Khi được kết hợp với đồng loại bằng mối quan hệ vững mạnh nhất, mối quan hệ của lẽ sinh diệt thường hằng, người tự do sẽ thấy rằng tầm nhìn mới song hành với anh ta luôn luôn toả rạng ánh sáng yêu thương trên mọi trách vụ thường nhật. Đời sống của người tự do là cuộc trường chinh xuyên qua đêm tối, bị vây quanh bởi những kẻ thù vô hình, bị hành hạ bởi âu lo và đau khổ, để tiến về mục tiêu mà chỉ một vài người có thể vươn tới, và là nơi không ai có thể nấn ná dài lâu. Khi cất bước trong cuộc hành trình ấy, những người đồng hành của chúng ta, từng người, từng người một, sẽ lần lượt biến mất, sẽ lần lượt bị cầm giữ bởi lệnh truyền thầm lặng của vị Tử thần có quyền năng tối thượng. Thời gian để cho chúng ta có thể giúp họ, để cho hạnh phúc hoặc khổ đau của họ được định đoạt, vốn rất ngắn ngủi. Chúng ta hãy coi việc soi sáng lối đi cho họ, làm vơi đi nỗi đau của họ bằng sự cảm thông, mang đến cho họ niềm vui thuần khiết của một tình thương bất tận, tiếp sức cho lòng can đảm, đem lại niềm tin vào những phút giây tuyệt vọng, là bổn phận của mình. Chúng ta đừng đánh giá sự tốt xấu nơi họ bằng thái độ thiếu thiện chí, mà hãy nghĩ về hoàn cảnh túng quẫn của họ - về sự khổ đau, về những điều khó khăn, về sự mù quáng đã làm nên sự lầm than trong đời sống của họ; chúng ta hãy nhớ rằng họ là những người chịu thiệt thòi trong cùng một hoàn cảnh tối tăm như chúng ta, là những diễn viên đang diễn cùng một tấn tuồng bi thảm với chúng ta. Cho nên, khi tháng ngày của họ trôi qua, khi cái thiện và cái ác nơi họ đã tồn tại mãi mãi trước sự bất tử của dĩ vãng, thì chúng ta hãy coi việc suy nghĩ rằng nơi mà họ phải gánh nhận khổ đau, nơi mà họ bị thất bại, không hề có hành vi nào do chúng ta gây nên; nhưng bất cứ nơi nào có một tia lửa thiêng nhen lên trong trái tim họ, là chúng ta phải có mặt sẵn sàng để khích lệ, để cảm thông, để thốt lên những lời lẽ cao nhã, những lời lẽ khiến cho lòng can đảm được thăng hoa, là bổn phận của mình.

Đời sống con người vốn ngắn ngủi và bất lực; sự diệt vong chậm chạp và không thể tránh khỏi đổ sập một cách lạnh lùng và tăm tối lên chính anh ta và đồng loại. Mù loà trước cái thiện và cái ác và coi thường sự suy vong, vấn đề tối thượng ấy đang miệt mài lăn trôi trên đường đi của nó; đối với con người, khi ngày hôm nay buộc phải mất đi người thân yêu nhất, ngày mai chính anh ta cũng phải bước qua cánh cổng dẫn vào cõi tối tăm, chỉ còn biết, trước lúc tai hoạ giáng xuống, ấp ủ những suy tư cao quý, những điều làm cho ngày mòn của mình trở nên cao cả; khi khinh bỉ những nỗi kinh sợ đớn hèn có trong kẻ nô lệ định mệnh, con người chỉ còn biết tiếp tục thờ phụng tại đền đài do chính bàn tay mình dựng xây; khi bị mất hết tinh thần bởi sự khống chế của vận may, con người chỉ còn biết phải gìn giữ tâm trí thoát khỏi sự bạo ngược bừa bãi đang chi phối sinh mệnh bên ngoài của anh ta; khi thách thức đầy kiêu hãnh các thế lực bất khả kháng, những thế lực đón nhận cả sự hiểu biết lẫn sự lên án của anh ta, con người chỉ còn biết chịu đựng một mình, như thần Titan mỏi mệt nhưng bất khuất, cái thế giới mà chính các lý tưởng của anh ta đã tạo nên, bất chấp bước chân giày xéo của thế lực vô tâm.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: The Humanities in Contemporay Life; Robert F. Davison, Sarah Herndon, J. Russell Reaver và William Ruff biên soạn; Holt, Rinehart and Winston, Inc xuất bản, New York 1960.