© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Kỉ niệm 200 năm ngày mất của Immanuel Kant 12.02.1804-12.02.2004
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
20.2.2004
Việt Trường Giang
Đọc Khai Sáng để mà đỡ tăm tối hơn
 
Với việc giới thiệu tiểu luận Khai Sáng là gì? talawas mong nối kết những câu hỏi rất thời sự của Việt Nam hôm nay với tư tưởng của Immanuel Kant, triết gia Đức quan trọng nhất song hầu như chưa được dịch sang tiếng Việt. Cảm kích trước sự quan tâm lớn và nghiêm túc của nhiều độc giả và dịch giả, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu những cố gắng chuyển tải tư tưởng của I. Kant sang Việt ngữ. Thành công hay thất bại, những nỗ lực này chắc chắn sẽ khích lệ những nỗ lực khác và bổ ích cho tất cả. Mong các bạn cùng tham gia kỉ niệm 280 năm ngày sinh của I. Kant sắp tới (22.4.1724-22.4.2004) với talawas.

talawas
Vài lời cùng bạn đọc: Với triết học, tôi chỉ là một kẻ ngoại đạo, với khát khao được khai sáng để đến ngày kia có thể tự mình đi lại, phát ngôn với bè bạn, với đồng loại, một cách tự tin, đôi khi là mù quáng, cái vốn tri thức còm cõi của mình.

Tôi thực sự cảm kích khi nhận được bản dịch Việt ngữ câu trả lời của Kant về sự khai sáng. Khó có thể nói gì về cảm xúc của mình, tôi chỉ muốn bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm phục đối với những nỗ lực của dịch giả Thái Kim Lan khi mang tới cho cá nhân tôi và đông đảo độc giả những tri thức vô cùng quý báu của triết gia có ảnh hưởng lớn nhất tới nền triết học mới của Đức, Immanuel Kant. Tôi cũng rất xúc động khi đọc được những lời phê bình của nhiều bạn đọc đối với bản dịch của Thái Kim Lan, đặc biệt là của một người mà tôi xem như la anh cả của mình về mặt tinh thần, anh Đào Đức Tuấn, nguyên giảng viên Đại học Giao thông Vận tải, hiện đang là Nghiên cứu sinh ngành Tin học Xây dựng tại Đại học Kỹ Thuật Darmstadt, CHLB Đức. Anh đã chỉ cho tôi một số điểm trong bài dịch, mà theo anh, dịch giả cần có những sự điều chỉnh về cách sử dụng tiếng Việt để làm cho rõ ý của tác giả hơn. Nhưng mừng hơn, đó là anh cũng như tôi đều bày tỏ lòng cảm kích trước đóng góp của dịch giả Thái Kim Lan.

Bên cạnh đó, tôi có vẻ như không thực sự đồng thuận với cách nhận xét và phê bình của bạn đọc Nguyễn Bình trong bài Khai sáng mà tiếc thay rất tối đăng trên talawas ngày 16.02.2004. Mặc dù tôi đồng ý với bạn đọc Nguyễn Bình về những gì bạn đang lo lắng về chất lượng Việt ngữ trong bản dịch. Tuy vậy, tôi cũng băn khoăn tự hỏi: liệu có nên chăng, những độc giả chúng ta lại có thể vô ơn đến mức hét lên "Vậy thì thưa các nhà văn, dịch giả, nghệ sĩ: Đừng cố gắng nghiêm túc nữa.". Rồi "Kết quả công việc của quý vị có thể làm cho khái niệm "nghiêm túc" trở thành lố bịch và làm cho công chúng mất hết niềm tin vào những thứ được coi là "nghiêm túc"!". Chả biết có bao giờ bạn Nguyễn Bình đứng trước anh linh của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Diệu mà thốt lên rằng "Vậy thì thưa các anh hùng, nghĩa sĩ: Giá như không có sự hy sinh của quý vị thì tốt nhường nào". Vì "Sự hy sinh của quý vị có thể làm cho khái niệm "Đức hy sinh" trở thành lố bịch và làm cho các thế hệ con cháu Việt nam mất hết niềm tin, sự kính trọng vào những gì được gọi là "Đức hy sinh"!". Thôi, tôi cũng không muốn phân tích thêm nữa cái ý so sánh giữa "nghiêm túc" và "thương mại" tiếp theo của bạn Nguyễn Bình. Đương nhiên, tôi cũng luôn tin rằng, bạn Nguyễn Bình viết những gì mình đang nghĩ, những gì mình bức xúc trên tinh thần của Khai Sáng. Tôi cảm kích trước tinh thần đó của quý độc giả. Nhưng tôi cũng với tinh thần Khai Sáng để bày tỏ ý kiến phản đối cách phê bình của bạn, đối với một tác phẩm và đối với cả đội ngũ đông đảo của những dịch giả, văn sĩ, nghệ sĩ,… những người đang ngày đêm vừa vật lộn với những khó khăn thường ngày của cuộc sống mà vẫn đốt cháy bản thân trong niềm đam mê sáng tạo và sự cống hiến cho nghệ thuật một cách nghiêm túc; vốn sống, niềm đam mê, đức hy sinh của họ tuôn trào, chan chứa trong những tác phẩm mang đến cho nhân loại những giá trị mới, những nét mới. Với cá nhân tôi và tôi tin rằng với đông đảo bạn đọc, họ là hiện thân của sự Khai Sáng.

Họ, những người thân yêu của họ, những bạn đọc chân chính sẽ thật cảm kích nếu chúng ta phê, bình, và góp phần làm cho các tác phẩm trở nên có giá trị hơn, tri thức vốn rất phong phú của của họ ngày càng hoàn thiện hơn. Nhưng họ và những người ở bên cạnh họ cũng có quyền được phẫn nộ, quyền được tự vệ với những lời phê bình mang tính mạt sát, đầy ác ý, mang nặng ý muốn hủy diệt ý chí sáng tạo, đi ngược với tinh thần Khai Sáng.

Biết rằng trình độ tiếng Việt của mình còn nhiều hạn chế, chắc là so với rất nhiều độc giả tôi còn thua xa chứ chưa dám so với các dịch giả, hay nhà văn, hay nghệ sĩ,… Tuy nhiên, với tinh thần của Khai Sáng, tôi mạnh dạn cùng với những kiến thức đã học hỏi được, trên nền bản dịch của Thái Kim Lan, góp thêm ngòi bút để cùng bạn đọc nghiên cứu thêm về Khai Sáng.

Darmstadt, 17.02.2004



*


Immanuel Kant
Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?


Việt Trường Giang hiệu đính trên cơ sở bản dịch của Thái Kim Lan đăng trên talawas ngày 12.02.2004, tham khảo bản tiếng Đức và bản dịch sang tiếng Anh đăng trên trang http://eserver.org/philosophy/kant ngày 16.02.2004.


KHAI SÁNG là lối thoát cho con người khỏi trạng thái tự phụ thuộc. Trạng thái này thể hiện sự bất lực của một cá nhân trong việc vận dụng trí thức của mình một cách độc lập, không chịu sự điều khiển của người khác. Gọi là trạng thái tự phụ thuộc nếu nguyên nhân của nó không phải là sự thiếu hụt kiến thức, mà do sự thiếu can đảm và tự tin khi sử dụng tri thức mà không có sự bảo hộ của người khác. Khẩu hiệu của khai sáng là: Tri thức làm nên dũng khí! Hãy can đảm sử dụng tri thức của chính mình!

Lười biếng và hèn nhát là những nguyên nhân tại sao có một phần lớn đến như vậy của nhân loại, sau khi đã được giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào thiên nhiên, mà suốt đời vẫn muốn tồn tại trong trạng thái tự phụ thuộc. Đây cũng là nguyên nhân tại sao có một số người dễ dàng phó mặc số phận của họ cho những người bảo hộ. A hà! thật là dễ chịu khi ta được bảo hộ. Nếu ta có một cuốn sách mang giùm tri thức, một người bảo trợ tâm hồn mang giúp lương tâm, có một người thầy thuốc điều chỉnh chế độ ăn uống, vv và vv, như vậy ta chẳng cần phải cố gắng một chút nào. Khỏi phải bận tâm cho đến tận khi nào ta vẫn còn đủ khả năng chi trả; những người khác sẽ giải quyết mọi sự nhọc nhằn giúp ta. Những người bảo hộ tốt bụng khi đón nhận trách nhiệm giám hộ sẽ nhìn thấy trước là một phần lớn của nhân loại, bao gồm cả phái đẹp, cho rằng quá trình tiến tới sự tự chủ, ngoài những khó khăn, còn hết sức nguy hiểm. Họ trước tiên làm cho "đàn gia súc" của mình trở nên đần độn, sau đó phòng ngừa một cách cẩn thận không cho những con thú câm lặng này rời khỏi cái ách mà họ đã hào phóng trao tặng cho chúng. Sau đó họ sẽ chỉ cho chúng thấy sự nguy hiểm dành cho những kẻ dám tự mình bước đi mà không có sự bảo hộ. Thực ra thì sự nguy hiểm cũng không có gì đáng sợ lắm mà cũng có thể vượt qua được sau một vài lần vấp ngã. Tuy nhiên, một ví dụ đơn giản như vậy cũng đã đủ làm nhụt chí và làm chúng trở nên sợ hãi không dám thử, dù chỉ một lần, tự mình bước đi.

Như vậy, quả thực là khó khăn cho một cá nhân muốn thoát khỏi trạng thái tự phụ thuộc hầu như đã trở thành một loại bản năng thứ cấp của mình. Anh ta phải yêu mến cái bản năng ấy và khi đó thực sự không còn khả năng để trở nên tự chủ, bởi vì anh ta chẳng bao giờ được cho phép thử làm một lần. Gông xiềng mà chế độ nô lệ tri thức dùng để giam giữ anh ta chính là các các định luật, công thức, những công cụ được sử dụng để hợp lý hóa khả năng tự nhiên của con người.

Người nào vứt bỏ chúng, tự mình bước đi dù chỉ là một bước ngắn nhất, anh ta lập tức sẽ trở nên lao đao vì không quen với trạng thái được di chuyển tự do. Cho nên chỉ có một số ít người, bằng sự rèn luyện tinh thần, đạt được thành công, thoát khỏi trạng thái tự phụ thuộc và tự bước đi vững chãi trên con đường của chính mình.

Có nhiều cơ hội hơn để cho một cộng đồng tự khai sáng cho chính mình. Quả thực điều đó là hoàn toàn hiện thực nếu cộng đồng đó cho rằng họ chỉ cần một thứ duy nhất: TỰ DO. Bởi vì trong một cộng đồng, luôn có những kẻ chỉ nghĩ cho mình, thậm chí, ngay cả trong số những người được chọn lựa để làm người bảo hộ cho cộng đồng. Những người này, sau khi tự mình thoát khỏi những gông cùm nô lệ kia, sẽ gieo rắc trong công chúng tinh thần tôn trọng những giá trị cá nhân, và nhiệm vụ của mọi người là phải tự nghĩ đến giá trị của bản thân mình. Nhưng điều đáng nói ở đây là cộng đồng, vốn dĩ trước đây bị hãm trong gông cùm của trạng thái tự phụ thuộc, lại dễ dàng bị lung lạc bởi một số kẻ đỡ đầu bảo thủ, những kẻ không đủ khả năng tự khai sáng. Đau đớn thay, những định kiến xấu xa do những kẻ kia gieo rắc đã khiến cho cộng đồng đó tự trả thù chính mình bằng cách kìm hãm, buộc những người ưu tú cùng ở lại trong vòng nô lệ. Do vậy, khai sáng cả cộng đồng là một quá trình lâu dài. Một cuộc cách mạng cùng lắm là lật đổ được một chế độ độc tài bạo ngược, giải phóng khỏi sự áp bức về thân thể, nhưng một cuộc cách mạng không thể ngay lập tức làm thay đổi được tư duy của cộng đồng. Ngược lại, thành kiến mới lại đến, thay cho cái đã bị phế truất, để điều khiển đám đông ngu xuẩn kia.

Khai sáng cho cả một cộng đồng, tất cả không cần gì khác ngoài tự do. Quyền tự do ngôn luận đó chính là dạng thức tự do nguyên sinh nhất để công khai trước cộng đồng lý trí của một cá nhân về mọi lĩnh vực. Nhưng tôi đang nghe thấy ở khắp mọi nơi tiếng rền rĩ: Đừng có tranh luận. Ngài sĩ quan nói, chớ tranh luận, hãy thực hành. Ông thuế vụ nói: Đừng tranh luận, trả tiền đi. Vị giáo sĩ nói: Đừng tranh luận, hãy tin tưởng. (Duy chỉ có một Ngài trên thế giới nói: Hãy tranh luận bằng tất cả năng lực của các người về bất kỳ cái gì các người muốn, nhưng hãy vâng lời!). Tất cả những điều này có nghĩa là giới hạn của tự do có ở mọi nơi. Nhưng giới hạn nào ngăn cản, và giới hạn nào thúc đẩy Khai sáng? Tôi có thể trả lời: quyền tự do công khai lý trí cá nhân cần phải được tôn trọng tuyệt đối, và nó sẽ mang đến sự khai sáng cho nhân loại; Việc sử dụng lý trí một cách riêng tư thường được chấp nhận trong một giới hạn nhất định khi mà nó không làm cản trở sự tiến bộ của khai sáng. Nhưng quyền công khai lý trí của một cá nhân, theo tôi hiểu, đó là việc một cá nhân, với tư cách là một học giả, được phát ngôn trước toàn thể công luận, còn việc sử dụng riêng tư lý trí của một người, đó là một cá nhân cụ thể được sự tín nhiệm của cộng đồng, có thể sử dụng lý trí của riêng họ một cách riêng tư trong những điều kiện và khuôn khổ nhất định.

Trong một số công việc có ảnh hưởng đến quyền lợi cộng đồng, chúng ta cần có một cơ chế nhất định, trong đó một số thành viên buộc phải tuân thủ một cách tuyệt đối, và do đó họ, có thể do một hợp đồng nào đó, được chính phủ tuyển dụng để phục vụ cho mục đích của cả cộng đồng, hoặc để bảo vệ cho những mục đích đó khỏi bị phá hoại. Dĩ nhiên ở đây không được phép tranh luận; mà phải tuân thủ. Mặc dù vậy, vẫn với tư cách là một phần tử của một cơ cấu, đồng thời là phần tử của cộng đồng và của cả xã hội, hơn nữa, với tư cách của một học giả của trình bày qua tác phẩm của mình với cộng đồng bằng sự trung thực nhất của ngôn từ, một cá nhân quả thực có thể tranh luận mà không làm ảnh hưởng đến công việc, cái mà anh ta được tham gia với vai trò ban đầu là tuân thủ một cách thụ động. Sẽ vô cùng bất lợi nếu một sĩ quan đang thi hành mệnh lệnh của cấp trên lại đi to tiếng tranh luận về sự đúng sai và lợi hại của mệnh lệnh đó, anh ta buộc phải tuân lệnh, một cách đơn giản. Nhưng anh ta lại không thể bị cấm đoán khi quan sát, với tư cách của một học giả, những khuyết điểm trong quân sự và trình bày trước công chúng để mưu cầu phán xét. Một công dân không thể từ chối nghĩa vụ đối với quốc gia, anh ta có bổn phận phải thực hiện, một lời đùa cợt thôi cũng có thể bị trừng phạt một cách nghiêm khắc, để tránh những vi phạm có tính dây chuyền. Tuy nhiên, chính người đó, với trách nhiệm của một công dân và với tư cách của một học giả, công khai quan điểm của mình về những sự bất hợp lý, thậm chí là phi pháp của những nghĩa vụ mà anh ta đang phải thực hiện.

Cũng thế một người linh mục có bổn phận phải giảng dạy cho các giáo sinh và giáo đoàn của mình trên cơ sở những giáo lý của nhà thờ mà ông phục vụ, bởi công việc của ông có được với những điều kiện trên. Nhưng với tư cách là một học giả, ông hoàn toàn được tự do, đồng thời có nghĩa vụ trình bày với công chúng một cách chân thành những quan điểm, những suy nghĩ thực sự sâu sắc của mình về những khía cạnh sai sót của các giáo lý kia, cũng như những đề xuất để những phương án cải thiện cho tôn giáo và sự nghiệp của giáo hội.

Ở đây, không có gì trái với lương tâm cả. Khi vị linh mục, với trách nhiệm của người người thi hành nhiệm vụ, là đại diện của nhà thờ, truyền dạy những gì không phài là do ông tự lựa chọn, tự quyết định, mà ông được giao nhiệm vụ giảng dạy theo một cách thức đã được quy định bằng văn bản và nhân danh một người nào đó. Ông sẽ nói: nhà thờ của chúng ta dạy điều này hay điều nọ; đây là những dẫn chứng mà nhà thờ sử dụng... Sau đó ông tổng kết những giá trị thực tiễn cho các giáo đồ từ những giới luật, mà chính ông sẽ không thực hiện với niềm tin trọn vẹn, và ông không có trách nhiệm phải nói ra, bởi vì nó không hoàn toàn phi lý và nó có thể chứa đựng một phần sự thật. Với vai trò đó, trong mọi trường hợp, ông không thấy bất cứ điều gì mâu thuấn với bản chất tôn giáo được trình bày trong những giáo lý trên. Bởi vì, nếu vị linh mục có thể phát hiện ra bất kỳ một mâu thuẫn nhỏ nào, ông sẽ không thể thực hiện trách nhiệm của mình một cách tự tin, và ông buộc phải từ chức. Vì vậy, vị Linh mục đang sử dụng một cách riêng tư, không công khai, lý trí của mình, trên cương vị đại diện của Giáo hội trước những giáo đồ. Bởi vì, nhóm giáo đồ này, dù có đông đến mấy, cũng chỉ là một cuộc họp nội bộ của nhà thờ. Trong trường hợp này, ông không thể hoàn toàn tự do, bởi ông đang thực hiện một sứ mệnh mà người khác giao phó. Ngược lại, với tư cách là một học giả trình bày trước một cộng đồng đông đảo, toàn nhân loại, bằng tác phẩm của mình, vị Linh mục hoàn toàn tự do sử dụng công khai lý trí của mình để nói về quan điểm của cá nhân mình. Ở đây ta thấy sự xuất hiện một lời khuyên: để tồn tại thì những người bảo hộ tinh thần của dân chúng cũng nên tự đặt mình vào trạng thái phụ thuộc. Nghe thì thật là vô lý, nhưng rốt cục sự hèn nhát, sự sợ hãi và cái mà người ta đôi khi cho rằng đó là bản năng sinh tồn đã khiến cho những sự vô lý đó trở thành vĩnh hằng.

Như vậy, liệu có nên cho phép một tập đoàn của các vị Linh mục, ví dụ một giáo hội, hay một giai cấp (Classis) đáng kính (như những người Hà Lan gọi như vây) có nên được trao quyền để tự cam kết với nhau bằng một lời tuyên thệ trước một giáo lý duy nhất, nhằm bảo đảm cho mỗi cá nhân trong giai cấp đó một quyền bảo hộ vĩnh viễn, tối thượng trên đầu nhân loại hay không?

Tôi trả lời: điều đó hoàn toàn không thể được. Một thỏa ước kiểu như vậy, được ký kết nhằm chặn đứng vĩnh viễn tất cả cơ hội khai sáng của nhân loại, tuyệt đối không thể chấp nhận, ngay cả khi nó được xác nhận của một quyền lực tối cao, bởi các Hội đồng Hoàng gia hay những hiệp ước hòa bình trọng thể nhất.

Một thế hệ không có quyền cấu kết với nhau bằng một lời tuyên thệ đưa thế hệ kế tiếp vào một tình trạng, mà khi đó thế hệ kế tiếp không còn cơ hội mở rộng hay đổi mới những tri thức hiện thời, hoặc không thể thực hiện bất kỳ một bước tiến bộ nào trên con đường tiến tới Khai sáng. Nhưng vận mệnh của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào những sự tiến bộ đó, nên có thể khẳng định rằng một thoả ước kiểu như vậy thực sự là một tội ác chống nhân loại. Tất nhiên, các thế hệ kế tiếp hoàn toàn tự do và đúng đắn khi bác bỏ những quyết định, những thỏa ước đã được các thế hệ trước đó đưa ra một cách vô lý, thậm chí có tính chất tội ác. Để xác định bất kỳ một giải pháp nào có thể được thừa nhận với tư cách là một điều luật cho toàn dân, chúng ta chỉ cần hỏi xem mỗi người dân có cảm thấy thoải mái khi áp dụng điều luật đó cho chính mình không. Đôi khi, người ta có thể chấp nhận một điều luật nào đó trong một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị cho một giải pháp tốt hơn. Điều này cũng có nghĩa là mỗi công dân, đặc biệt là một vị linh mục, được hoàn toàn tự do với tư cách của một học giả được góp ý một cách công khai, ví dụ: bằng văn bản, những điều chưa hoàn thiện của các thể chế hiện hành. Trong thời gian đó, những thể chế hiện hành vẫn đang tiếp tục tồn tại, cho tới khi sự nhận thức của cộng đồng về bản chất của sự vật, hiện tượng đã chín muồi tới mức, theo quan điểm của đại đa số, nếu không phải là tất cả, một đề án mới có thể được trình lên cơ quan quyền lực tối cao để ban hành. Điều này sẽ bảo vệ những giáo đồ muốn thay đổi đức tin tôn giáo của họ trên cơ sở những ghi nhận của bản thân họ với mức độ thấu hiều cao hơn, đồng thời nó cũng không cản trở những người muốn duy trì đức tin vốn có của họ. Nhưng, phải nhắc lại một lần nữa, tuyệt đối không cho phép, cho dù chỉ một lần duy nhất, một hiến pháp tôn giáo vĩnh hằng mà với nó, không ai có cơ hội được công khai quan điểm của mình, và nó sẽ hủy diệt cơ hội tiến hóa của nhân loại, làm cho hậu thế suy vong, thậm chí tuyệt diệt. Một người nào đó, có thể là vì lý do cá nhân, trong một giai đoạn nhất định, có thể trì hoãn sự khai sáng của anh ta về những vấn đề mà anh ta buộc phải nhận thức. Nhưng việc triệt tiêu sự khai sáng, có thể cho bản thân anh ta và hơn thế nữa, cho các thế hệ kế tiếp, đồng nghĩa với việc vi phạm, và chà đạp lên những quyền thiêng liêng của nhân loại. Những điều gì mà cả một dân tộc không thừa nhận để áp dụng cho mình có nghĩa là vị quân vương càng không có quyền áp đặt cho họ. Bởi vì quyền uy của một vị vua được tạo nên bởi sự thống nhất những khát vọng của toàn thể dân chúng ông đang trị vì. Vì vậy, cho đến khi mà ông thấy những cải cách về ý tưởng hoặc trong thực tế vẫn còn phù hợp với trật tự công dân, thì ông vãn để cho các thần dân của mình làm bất kỳ điều gì mà họ cảm thấy quan trọng cho sự cứu rỗI của mình, đó không phải là điều mà ông đáng bận tâm. Nhưng nghĩa vụ của ông là ngăn chặn bất kỳ ai có ý định làm tổn hại những người khác trong khi họ đang nỗ lực hết mình để xác định và vươn tới sự cứu rỗi. Ngược lại, quyền uy của ông sẽ bị đe dọa, nếu ông can thiệp vào những việc mà thực ra ông không nên quan tâm đó, bằng cách bắt những tác phẩm, trong đó thần dân của ông cố gắng bày tỏ niềm tin của họ, chịu sự giám sát mang tính cưỡng bức của quyền lực nhà nước. Cũng tương tự như vậy, nếu ông phán xét những tác phẩm đó bằng ý kiến mà ông cho là tối cao của mình, khi đó ông đang làm ngược lại cái điều mà người ta vẫn nhắc nhở: Cesar không đứng trên các văn hào (Caesar non est supra grammaticos). Còn tồi tệ hơn nữa, nếu ông hạ thấp quyền uy tối thượng của mình đến mức đi tiếp tay cho một thế lực tôn giáo độc tài của một vài tên bạo chúa trong vương quốc chống lại toàn thể thần dân của mình.

Bây giờ nếu có câu hỏi đặt ra: Có phải chúng ta đang sống trong một thời đại đã được khai sáng không? Câu trả lời sẽ là: Không, nhưng chúng ta đang ở trong một thời đại của sự khai sáng! Trong tình hình hiện nay, chúng ta còn phải đi tiếp một chặng đường dài trước khi toàn nhân loại đạt đến một trình độ để tự họ có thể sử dụng tri thức của họ một cách hoàn toàn tự tin và đúng đắn trong những vấn đề tín ngưỡng, mà không cần sự hướng dẫn bên ngoài. Nhưng chúng ta có nhiều bằng chứng rõ ràng là con đường đi nay đã được vạch rõ, theo hướng đã được lựa chọn, và những cản trở trên con đường vươn tới sự khai sáng toàn diện, để nhân loại thoát khỏi trạng thái tự phụ thuộc, ngày càng trở nên ít đi. Với niềm tin đó, thời đại của chúng ta hôm nay chính là thời đại khai sáng hay thế kỷ của FRIEDRICH.

Một đấng quân vương, người không cảm thấy ngại ngùng khi phát ngôn rằng ông nhận thấy bổn phận của mình, xét ở khía cạnh tín ngưỡng, là không áp đặt bất kỳ điều gì cho dân chúng, mà cho họ tự do hoàn toàn, đó chính là một quân vương, người thậm chí từ chối cả danh hiệu cao quý là Bao dung, đã tự khai sáng chính mình. Ông xứng đáng được nhân loại của hôm nay và mai sau biết ơn và ngưỡng mộ với vai trò là người đầu tiên đưa nhân loại thoát khỏi trạng thái tự phụ thuộc và là người cho phép toàn thể nhân loại được tự do sử dụng lý trí của mình trong tất cả những gì mà họ quan tâm. Bằng luật pháp của mình, ông cho phép các vị linh mục đáng kính, không phải với sứ mạng nào đó được giao phó mà với tư cách là các học giả, tự do và công khai trình bày với thế giới những nhận định và phán xét của chính họ về những gì vượt ra ngoài các biểu tượng đã được nhà thờ chính thống thừa nhận. Điều này còn tuyệt vời hơn khi áp dụng cho tất cả những người khác, để họ không còn bị ràng buộc bằng bất kỳ nhiệm vụ hành chính nào. Tinh thần tự do này sẽ ngày càng lan rộng ra các quốc gia khác, thậm chí cả những nơi nó vấp phải những trở lực từ phía những chính phủ còn đang hiểu sai về chức năng đích thực của mình. Đối với những chính phủ này, ví dụ dưới đây sẽ giác ngộ cho họ thấy là việc tồn tại của quyền tự do hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến sự hòa hợp dân tộc và những giá trị chung của cộng đồng. Con người, với khả năng tự thích nghi, sẽ dần dần tự mình thoát khỏi tình trạng hoang dã nếu không có những chính sách được đề ra một cách cố ý nhằm níu giữ họ lại tình trạng đó.

Tôi buộc phải mô tả những vấn đề tôn giáo như là tâm điểm của quá trình khai sáng, một con người thoát khỏi trạng thái tự phụ thuộc. Bởi vì, thứ nhất các nhà cầm quyền không có lợi ích gì khi áp đặt vai trò bảo hộ của họ đối với dân chúng một cách rõ ràng như những cách tiếp cận của khoa học và nghệ thuật. Thứ hai, tình trạng tự phụ thuộc vào tín ngưỡng tôn giáo là trạng thái nguy hại và đáng xấu hổ hơn cả. Tuy nhiên, quan điểm của vị nguyên thủ, người ưa chuộng sự tự do trong khoa học và nghệ thuật, có thể vượt xa hơn, khi ông nhận ra rằng không có mối đe dọa nào cho hệ thống pháp lý quốc gia nếu ông cho phép thần dân của mình công khai lý trí của họ và đóng góp trước khi ban hành vào quá trình xây dựng các bộ luật, thậm chí có thể đưa ra những chỉ trích thoải mái về luật pháp hiện hành. Trên đây chúng ta có một ví dụ tuyệt vời, mà theo đó cho tới nay, chưa có một vị quân vương nào đạt được, về một người mà chúng ta phải ngưỡng mộ đến muôn đời.

Nhưng cũng chỉ có nhà cầm quyền nào, người tự mình khai sáng và không sợ bóng tối, đồng thời có trong tay một quân đội hùng hậu, có tinh thần kỷ luật để bảo vệ an ninh công cộng, mới có thể phát biểu cái điều mà không một nhà nước cộng hòa (Freistaat) nào ngần ngại tuyên bố: Hãy tranh luận thoải mái về những gì mà các người muốn, nhưng hãy tuân thủ luật pháp!

Điều này cho chúng ta thấy một đặc điểm kỳ lạ, bất ngờ trong sự nghiệp phát triển con người, cái mà chúng ta sẽ luôn luôn tìm kiếm nếu chúng ta xem xét nó dưới một cái nhìn toàn diện: Một mức độ cao của tự do công dân dường như là ưu thế cho tự do tri thức của nhân dân, đồng thời nó lại tạo nên những rào cản không thể vượt qua đuợc. Ngược lại, một mức độ thấp hơn về quyền tự do công dân lại có thể mang đến cho tri thức một không gian tự do đủ để phát triển tới giới hạn tột cùng.

Bởi vậy, khi cái mầm mống của tư duy tự do mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, phát triển chín muồi trong cái lớp vỏ cứng bảo vệ, dần dần sẽ tác động vào tâm hồn của nhân dân, và họ ngày càng có thể hành động tự do hơn, cuối cùng, nó sẽ ảnh hưởng tới các nguyên tắc của chính quyền, giúp chính quyền nhận thức được những lợi ích cho bản thân chế độ khi nó cư xử với con người, những thực thể khác xa với máy móc, theo một cách thức phù hợp với nhân phẩm của họ.

Königsberg, nước Phổ, 30.09.1874

© 2004 talawas