© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Kỉ niệm 200 năm ngày mất của Immanuel Kant 12.02.1804-12.02.2004
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
20.4.2004
Immanuel Kant
Khai sáng là gì?
Quốc Việt dịch
 
Với việc giới thiệu tiểu luận Khai Sáng là gì? talawas mong nối kết những câu hỏi rất thời sự của Việt Nam hôm nay với tư tưởng của Immanuel Kant, triết gia Đức quan trọng nhất song hầu như chưa được dịch sang tiếng Việt. Cảm kích trước sự quan tâm lớn và nghiêm túc của nhiều độc giả và dịch giả, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu những cố gắng chuyển tải tư tưởng của I. Kant sang Việt ngữ. Thành công hay thất bại, những nỗ lực này chắc chắn sẽ khích lệ những nỗ lực khác và bổ ích cho tất cả. Mong các bạn cùng tham gia kỉ niệm 280 năm ngày sinh của I. Kant sắp tới (22.4.1724-22.4.2004) với talawas.
talawas
Lời người dịch

Bản dịch "Khai sáng là gì?" này tôi dành tặng anh Nguyễn Bình, người mà sau khi đọc bài viết của anh đã khiến tôi mất gần hai đêm dịch tiểu luận này của Kant từ một bản dịch tiếng Anh trên internet. Sau khi dịch, chưa kịp gửi cho talawas thì được đọc bản dịch khác của tác giả Lê Tuấn Huy. Cho dù cùng từ tiếng Anh, bản tôi dịch có nhiều điểm khác nhau thú vị so với bản của Lê Tuấn Huy. Nên tôi vẫn cứ gửi lên talawas.

Dù sao thì đó cũng là một trải nghiệm thú vị trong việc dịch mà tôi hầu như không có lấy một chút kinh nghiệm. Khi dịch bản tiểu luận này, tôi cũng tò mò muốn tìm câu trả lời cho cái câu hỏi mà anh Nguyễn Bình gián tiếp nêu ra: Tiếng Việt có khả năng truyền đạt một cách rõ ràng và trung thực những ý tưởng triết học phương Tây không? Cuối cùng thì tôi cũng không tìm ra câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi này, có lẽ vì 3 lí do: thứ nhất là vì đây là một bản dịch từ một bản dịch, thứ hai vì hiểu biết của tôi về Kant quá ít để có thể đánh giá xem bản tiếng Việt có chuyển tải được tinh thần tiểu luận của ông không, thứ ba là ngay cả với bản tiếng Anh, tôi cũng gặp khó khăn ở một vài chỗ khi cố đoán xem chính xác Kant định nói gì. Tôi đành chấp nhận việc tôi có thể chỉ sờ được một chút đuôi của con voi Khai sáng, thậm chí, chỉ là một con voi trong vườn thú.

Cuối cùng, trong bản dịch của tôi, tôi dùng khái niệm vị thành niên trong bản dịch của tác giả Thái Kim Lan, thực sự thì nếu không đọc bản dịch của chị, tôi chắc sẽ sử dụng một cụm từ khác không hay bằng.
Q.V.




Khai sáng là sự thoát ly của con người từ trạng thái vị thành niên tự ấn định. Trạng thái vị thành niên này là sự bất lực của con người trong việc vận dụng hiểu biết của mình mà không cần đến chỉ đạo từ người khác. Trạng thái này là tự ấn định khi nguyên nhân của nó không phải là do thiếu lí trí mà do không đủ kiên quyết và can đảm để sử dụng lí trí của mình một cách độc lập không cần đến chỉ đạo từ người khác. Sapere aude! Hãy can đảm vận dụng trí tuệ của mình!" Đó là phương châm của Khai sáng.

Lười biếng và hèn nhát là những nguyên nhân tại sao một bộ phận lớn của loài người, sau khi tự nhiên đã giải thoát họ từ lâu khỏi những chỉ đạo từ bên ngoài, vẫn để cả đời trong trạng thái vị thành niên. Đó cũng là nguyên nhân vì sao một số khác trở thành những kẻ cai trị một cánh dễ dàng đến như thế. Thật dễ để không trưởng thành. Nếu tôi có một cuốn sách hiểu biết thay tôi, một cha cố có lương tâm thay tôi, một bác sĩ quyết định chế độ ăn cho tôi, vv và vv, thì tôi chẳng cần băn khoăn lo lắng làm gì. Tôi chẳng cần suy tư: tôi chỉ phải trả tiền, và những kẻ khác sẽ dễ dàng gánh vác cái công việc ưu tư thay tôi.

Việc số đông loài người (gồm toàn bộ phái đẹp?) cho rằng bước đi đến sự trưởng thành là rất nguy hiểm, ngoài việc nó khó khăn gian khổ, được nhìn nhận bởi những kẻ cai trị, những người liền nắm lấy việc giám sát những kẻ vị thành niên kia một cách thật tử tế. Những kẻ cai trị trước tiên biến đàn gia súc của mình trở nên xuẩn ngốc và bảo đảm rằng những sinh vật yên lặng này sẽ không dám bước bất cứ một bước nào nếu thiếu bộ đai cương của chiếc xe đã ràng buộc chúng, sau đó họ chỉ cho chúng thấy nguy hiểm đe dọa chúng, nếu chúng cứ cố thử đi một mình. Thực sự thì mối nguy hiểm này không lớn như thế, bởi sau khi ngã vài lần, cuối cùng thì chúng sẽ học được cách đi một mình. Nhưng một ví dụ về sự thất bại đủ làm họ rụt rè nản chí, và thông thường làm họ kinh khiếp tất cả những lần thử sức tiếp theo.

Một cá nhân lẻ loi tìm cách thoát ra khỏi trạng thái vị thành niên đã gần như trở thành bản chất của anh ta là một điều rất khó khăn. Anh ta đã trở nên yêu thích cái nguyên trạng ấy, và anh ta thực sự chẳng còn thể nào vận dụng lí trí của mình được nữa, bởi lẽ chưa có ai từng bao giờ khiến anh thử làm điều đó. Những giáo điều và những qui củ, những công cụ cơ học của sự sử dụng hợp lí hay đúng hơn là sự sử dụng sai mục đích những khả năng thiên phú của anh, là những xiềng xích trói anh vào trạng thái vị thành niên vĩnh viễn. Bất cứ kẻ nào chặt bỏ chúng đi cũng chỉ làm được một bước nhảy không chắc chắn qua một cái rãnh nhỏ hẹp, bởi anh ta không quen với một chuyển động tự do như vậy. Vì thế, chỉ có một số ít là thành công nhờ rèn luyện tư duy của mình, cả trong việc giải phóng mình ra khỏi sự thiểu năng và cả trong việc tạo cho mình bước đi vững chãi.

Nhưng việc công chúng nên tự khai sáng cho mình là một việc khả dĩ hơn. Thực sự vậy, chỉ cần tự do được ban phát thì khai sáng sẽ gần như chắc chắc là điều tiếp theo. Bởi vì sẽ luôn luôn có vài người suy nghĩ độc lập, kể cả ở trong đám người cai trị quần chúng, những người mà sau khi đã tự mình cởi bỏ cái ách vị thành niên khỏi vai mình, sẽ truyền bá tinh thần biết đánh giá hợp lý giá trị của thiên hướng tư duy độc lập, của chính mình cũng như của mọi người. Nhưng cần lưu ý: công chúng, đầu tiên bị đặt dưới cái ách này bởi những kẻ cai trị, sẽ bắt đám cai trị này vào trong giới hạn, khi bị kích động bởi một số người có khả năng khai sáng chút ít ở trong chính đám cai trị kia. Tệ hại biết chừng nào khi gieo trồng những định kiến, bới sau đó, chúng sẽ báo thù trên chính những kẻ hay trên những hậu duệ của những kẻ gieo trồng những định kiến ấy. Chính vì vậy, đám đông chỉ có thể khai sáng một cách từ từ. Sự sụp đổ của một cá nhân chuyên quyền hay một chính thể chuyên chế tham lam có thể được thực hiện bởi một cuộc cách mạng, nhưng đó không bao giờ là một cuộc canh tân tư duy thật sự. Hơn thế nữa, những định kiến mới sẽ lại phục vụ giống hệt như những định kiến cũ, để tròng một cái ách lên đầu một đám đông không suy nghĩ.

Để cho sự khai sáng này diễn ra, tuy nhiên, không cần gì hơn là tự do. Thực sự, đó là cái ít có hại nhất trong tất cả những thứ mà khái niệm này có thể áp dụng một cách thỏa đáng. Đó là tự do vận dụng khía cạnh công cộng của lí trí ở mọi điểm. Nhưng tôi lại nghe từ mọi phía: Không được tranh luận!". Ngài Sĩ quan nói: "Không được tranh luận, hãy tuân lệnh!", Ngài thuế quan nói: "Không được lí sự, hãy đóng thuế", Ông cha cố: "Đừng tranh luận, hãy tin thế", Chỉ có một ông hoàng trên thế giới nói: "Cứ tranh luận thoả thích, về mọi thứ mà các người muốn, nhưng hãy vâng lời!". Ở mọi chỗ đều có những giới hạn lên tự do.

Giới hạn nào thì cản trở khai sáng và giới hạn nào không những không cản trở mà còn hỗ trợ nó? Câu trả lời của tôi: khía cạnh công cộng của việc sử dụng lí trí phải luôn luôn được tự do và riêng điều đó có thể mang lại khai sáng cho con người. Khía cạnh riêng tư của việc sử dụng lí trí, mặt khác, có thể thường xuyên bị giới hạn rất chặt chẽ mà không ảnh hưởng cụ thể lên tiến trình khai sáng. Sự sử dụng lí trí trong khía cạnh công cộng, tôi hiểu là khi mà một người sử dụng lí trí với tư cách một học giả trước một công chúng độc giả. Sự sử dụng lí trí trong khía cạnh riêng tư, tôi gọi đó là khi một người vận dụng lí trí từ một chức vị công dân hay công quyền cụ thể nào đó được giao phó cho anh ta. Rất nhiều công vụ được tiến hành vì quyền lợi cộng đồng đòi hỏi một cơ chế nhất định trong đó một số thành viên của cộng đồng phải hành xử thụ động với một sự nhất trí nhân tạo sao cho chính quyền có thể sử dụng họ cho các mục đích công cộng, hay ít nhất phòng ngừa họ khỏi việc phá hủy những mục đích đó. Ở đây tranh luận dĩ nhiên là không được phép - mọi người phải tuân lệnh. Nhưng là một phần của bộ máy, một người cùng lúc tự coi là thành viên của cả cộng đồng hay của một xã hội các công dân thế giới. Và như vậy, trong vai trò một học giả trước công chúng (với nghĩa thỏa đáng của từ này), bằng những trước tác của mình, một người nhất định có thể tranh luận mà không làm hại đến những công vụ mà anh ta chịu trách nhiệm một phần với tư cách một thành viên thụ động. Sẽ là tai hại nếu một sĩ quan tại ngũ tranh cãi về sự thích hợp hay tính thiết thực của một mệnh lệnh từ cấp trên của anh; anh phải tuân lệnh. Nhưng quyền được nhận xét những sai lầm trong hành động quân sự và đưa ra cho công luận phán xét không thể bị gỡ bỏ khỏi anh trong tư cách một học giả. Một công dân không được cự tuyệt trả tiền thuế mà anh ta phải đóng; thực sự thì một sự phàn nàn ngang bướng về mức thuế của anh ta có thể bị phạt như là một vụ bê bối (vì có thể gây ra một sự phản đối toàn diện). Nhưng cũng chính người đó không hề hành xử ngược lại phận sự công dân của mình, khi, trong tư cách học giả, anh công khai thể hiện ý kiến của mình về sự không thích hợp hay thậm chí bất công của những mức thuế này. Tương tự như thế, một vị linh mục có bổn phận phải thuyết giáo cho môn sinh trong giáo xứ và giáo đoàn của ông phù hợp với biểu tượng của nhà thờ mà ông phục vụ; bởi vì ông đã được chấp nhận với những điều kiện này. Nhưng với tư cách học giả, ông hoàn toàn tự do, thậm chí còn có trách nhiệm, thông báo cho công chúng tất cả những suy nghĩ có ý nghĩa đã được ông chiêm nghiệm về những gì ông coi là sai trái và đề đạt những suy tư của mình, vì sự tổ chức tốt hơn của giáo hội và nhà thờ. Bằng cách này, không có cái gì có thể đè nặng lên lương tâm ông. Vì khi ông rao giảng với tư cách là một chức sắc đại diện cho nhà thờ, ông cũng xét đoán những thứ ông không được tự do truyền giảng đúng theo sự ngộ đạo của ông. Những thứ ông rao giảng là những thứ mà ông được bổ nhiệm để truyền giảng, dưới sự chỉ dẫn của người khác và nhân danh người khác. Ông sẽ nói, "Nhà thờ của chúng ta dạy thế này thế nọ; đây là những bằng chứng đã được viện dẫn." Và như vậy ông rút ra tất cả những ứng dụng thực tế cho giáo đoàn của ông từ những giáo điều mà ông ta chưa chắc đã toàn tâm toàn ý tin tưởng, để làm những lời rao mà ông có thể thành tâm tuân theo, bởi vì không phải là một điều bất khả khi chân lí ẩn tàng trong những giáo điều đó. Và, trong bất kì trường hợp nào, ít ra thì chúng chẳng có gì là mâu thuẫn với lòng tin nội tại của ông. Bởi vì nếu như ông tin rằng ông tìm thấy những mâu thuẫn trong đó thì ông đã không thể thực thi nhiệm vụ của mình một cách thanh thản; ông đã phải từ bỏ nó.

Sự vận dụng lí trí của một cha cố được bổ nhiệm trước giáo đoàn của mình, như vậy, đơn thuần là sự vận dụng lí trí trong khía cạnh riêng tư, bởi vì giáo đoàn này chỉ là một giáo đoàn nội bộ (cho dù có thể rất lớn). Trong tương quan với nó, với tư cách là một người giảng đạo, ông không tự do, mà cũng không được phép tự do, bởi vì ông đang thực hiện trách vụ của mình theo yêu cầu của bề trên. Nhưng với tư cách là một học giả, mà trước tác của mình nói với công chúng, với thế giới, vị giáo sĩ được hưởng một thứ tự do vô hạn khi sử dụng lí trí của mình (trong khía cạnh công cộng cuả nó) , phát ngôn trên chính vị thế của mình. Việc kẻ giám hộ nhân dân (trong những việc tinh thần) phải không được phép có thẩm quyền [độc lập] là một điều vô lí làm nên sự trường tồn của nhiều điều vô lí.

Nhưng có lẽ không phải hiệp hội của các giáo sĩ, mà có lẽ là hội nghị các nhà thờ hay các tầng lớp tôn kính (như là họ tự gọi, ở Đức), cần được biện hộ trong sự trói buộc với lời thề đối với một biểu tượng bất biến nào đó để được tận hưởng sự giám thị thường trực đối với mỗi thành viên và như vậy là đối với toàn bộ nhân dân, và thậm chí làm cho sự giám thị này trở nên vĩnh cửu? Tôi trả lời rằng tất cả những điều này là bất khả. Một cái giao ước như vậy, làm ra để dập tắt tất cả sự khai sáng tiếp theo của nhân loại, hoàn toàn vô hiệu và trống rỗng cho dù có được sự chấp thuận của vương quyền, của nghị viện, và của những thỏa ước hoà bình kiểu cách nhất. Một thời đại không thể tự ràng buộc và ra sắc lệnh đặt thời đại kế tiếp vào trong một điều kiện mà nó vừa không thể mở rộng (nếu có thì cũng rất hiếm hoi) tri thức của nó, không thể gạn lọc nó khỏi những sai lầm, vừa phát triển trong sự khai sáng toàn diện. Đó là một tội ác chống lại bản chất con người, mà số phận thích đáng của nó nằm chính xác trong quá trình phát triển này và hậu thế sẽ được phán xét trọn vẹn trong việc bác bỏ những sắc lệnh này, giống như là chúng đã được làm ra một cách phi pháp và hiểm độc.

Tiêu chuẩn thử thách của mọi thứ được xem như là luật cho nhân dân nằm trong câu hỏi liệu nhân dân có thể áp đặt cái luật pháp đó lên chính mình không. Hiện giờ cái giao kèo tôn giáo đó có khả năng xảy ra trong một thời hạn ngắn và có giới hạn nhất định, như nó đã từng xảy ra, trong một mong đợi là nó tốt hơn. Một người có thể cho phép mọi công dân, nhất là các giáo sĩ, trong vai trò học giả, nhận định một cách công khai và tự do, qua các trước tác của mình, về các khía cạnh sai lầm của thể chế hiện hành. Cái nội qui mới này có thể kéo dài cho đến khi cái nhìn thấu đáo vào trong bản chất của những điều này trở nên phổ quát và được chấp thuận rộng rãi đến mức bằng việc thống nhất những giọng nói (mà có thể là không nhất trí với nhau), họ có thể trình lên ngai vàng một đề xuất bảo vệ những hội đoàn này (được thống nhất lại dưới dạng một tổ chức tôn giáo đã biến đổi phù hợp với những ý tưởng tốt đẹp hơn của họ) mà không gây trở ngại cho những ai muốn đứng ngoài, trong trật tự cũ.

Nhưng tập hợp lại trong một thiết chế giáo hội trường cửu không ai được phép nghi ngờ thậm chí chỉ trong thời gian một đời người, và bằng cách ấy làm cho một giai đoạn trong quá trình phát triển tiến hoá của nhân loại trở nên vô sinh, để lại hậu quả cho những thế hệ kế tiếp, là một điều hoàn toàn không dược phép. Bởi vì có những thứ cần phải học hỏi, một người (và chỉ trong một thời gian ngắn) có thể trì hoãn khai sáng. Nhưng từ chối khai sáng vì lí do hậu thế là làm tổn hại và chà đạp lên các quyền của Con người. Và những gì một người không có thể áp đặt cho bản thân thì lại càng ít có thể được áp đặt cho họ bởi một vị vua, bởi vì uy quyền ra lệnh của ông ta nằm trong sự thống nhất ý muốn của quần chúng trong ý muốn của mình. Nếu ông chỉ nhìn đến một điều rằng tất cả chân lí và những gì được cho là cải thiện đều đứng song hành với trật tự công dân thì ông có thể để cho những thần dân của ông làm những gì họ thấy cần thiết cho hạnh phúc tinh thần của họ. Đó không phải là điều ông quan tâm, dù phận sự của vị quân vương là phòng ngừa một trong số các thần dân/tổ chức cản trở thô bạo người/tổ chức khác trong việc xác định và xúc tiến phúc lợi này đến mức cao nhất theo khả năng của ông. Can thiệp vào những việc như thế [?] hạ thấp uy thế quân vương của ông, vì qua những tác phẩm mà những thần dân của ông trình bày quan điểm của họ, ông có thể đánh giá sự cai quản của mình. Ông có thể làm điều đó, khi, bằng hiểu biết sâu sắc nhất, ông tự nhận lấy sự phê phán, Caesar non est supra grammaticos. Ông còn làm hại uy thế quân vương của mình nhiều hơn thế khi làm ô danh vương quyền của mình bằng việc đặt sự hỗ trợ giáo hội chuyên quyền của những kẻ chuyên chế trong vương quốc của ông lên trên các giáo hội khác.

Nếu như chúng ta hỏi: Có phải chúng ta đang sống trong một thời đại đã khai sáng? Câu trả lời là "Không, nhưng chúng ta sống trong một thời đại của Khai sáng". Hiện trạng cho thấy, việc rất nhiều thứ còn thiếu vắng đã cản trở con người khỏi có, hay dễ dàng trở nên có, khả năng vận dụng tư duy của mình trong những vấn đề liên quan đến tôn giáo, với một sự tự tin và tự do khỏi những chỉ đạo bên ngoài. Nhưng ở một khía cạnh khác, chúng ta có những dấu hiệu rõ ràng rằng cánh rừng đã trở nên quang đãng hơn, trong ấy con người có thể đối xử tự do với những điều như thế này và rằng những cản trở đối với qía trình khai sáng toàn diện hay đối với sự giải thoát khỏi trạng thái vị thành niên tự ấn định đang ngày càng giảm bớt. Trong tương quan này, đó là thời đại của Khai sáng hay thế kỉ của Fredrick.

Một ông hoàng khi không cho rằng mình không xứng đáng khi nói rằng, ông tin nghĩa vụ của ông là không ban phát một cái gì cho con người trong những vấn đề tôn giáo, ngoài việc mang cho họ tự do hoàn toàn, người đó trong khi từ khước danh hiệu ngạo mạn của lòng bao dung, đã khai sáng bản thân và xứng đáng được kính trọng và biết ơn bởi thế giới và bởi hậu thế như là người đầu tiên, ít nhất từ phía chính quyền, đã lột xác loài người khỏi trạng thái vị thành niên và để lại cho mọi người sự tự do vận dụng lí trí của họ trong những vấn đề tín ngưỡng. Dưới quyền ông, những tu sĩ đáng kính đều được phép, trong vai trò của một học giả và không hề vi phạm những trách vụ linh mục của họ, tự do trình bày cho công chúng phán xét những nhận định và quan điểm mà đây đó có thể bất đồng với biểu tượng đã được xác lập. Và thậm chí một mức độ tự do lớn hơn được những người không bị ràng buộc bởi các trách vụ công tận huởng. Tinh thần tự do này lan toả ra ngoài địa phận này, thậm chí tới những vùng mà ở đó nó phải tranh đấu với những cản trở bên ngoài, thiết lập bởi một chính quyền không hiểu được quyền lợi của chính nó. Vì ví dụ mang bằng chứng cho một chính quyền như vậy là việc trong tự do không hề có một nguyên nhân tí ti cho mối lo âu về trật tự công cộng và sự ổn định xã hội. Con người tự ra khỏi trạng thái mông muội chỉ khi không có những cản trở có chủ ý trói buộc họ lại trong ấy.

Tôi đã đưa ra điểm cốt lõi của khai sáng - sự giải thoát của con người khỏi tình trạng vị thành niên tự ấn định - chủ yếu trong những vấn đề liên quan tới tôn giáo bởi vì những kẻ cai trị của chúng ta không có ích lợi gì trong việc chơi trò giám sát nghệ thuật và khoa học, và cũng bởi vì sự không trưởng thành trong tôn giáo không những tai hại nhất mà còn hèn hạ nhất trong tất cả những hình thức không trưởng thành. Nhưng đường hướng tư duy của một nguyên thủ quốc gia, một người đồng tình với việc khai sáng tôn giáo, còn đi xa hơn. Ông còn thấy rằng không có nguy hiểm nào đối với việc làm luật của ông ta khi cho phép những thần dân của mình vận dụng lí trí của họ trong khía cạnh công cộng và truyền bá những ý nghĩ của họ giúp cho việc ban hành luật pháp của ông ta được tốt hơn, thậm chí cho phép cả những phê bình khoáng đạt về những luật lệ đã được ban hành. Về điều này, chúng ta có một ví dụ chói sáng rằng không có một vị quân vuong nào hơn được người mà chúng ta tôn kính.

Nhưng chỉ những ai đã khai sáng bản thân là không sợ bóng tối. Chỉ những ai có một đội quân lớn và có kỉ luật để đảm bảo trật tự công cộng, mới có thể nói: "Cứ tranh luận thoả thích, về bất cứ điều gì các người muốn, nhưng hãy tuân lệnh!" Một người cộng hoà không dám nói như vậy. Ở đây trình ra một đường hướng kì lạ và bất ngờ của các hoạt động loài người, trong đó hầu như tất cả, nếu nhìn một cách tổng quát, đều là nghịch lí. Một mức độ tự do công dân lớn hơn có vẻ như là một lợi thế cho tự do tư duy của nhân dân, thực ra lại đặt ra những giới hạn không thể vượt qua. Một mức độ tự do công dân ít hơn, ngược lại, lại mang lại một không gian tư duy trong đó mỗi người đều có thể phát huy hết khả năng của mình. Khi tự nhiên hé lộ ra từ dưới lớp vỏ cứng này cái hạt mầm mà tự nhiên nâng niu gìn giữ nhất - thiên hướng và khả năng tư duy tự do - điều đó dần tác động trở lại lên đặc tính của mọi người, làm cho họ dần trở nên biết cách đối xử với tự do. Cuối cùng, nó sẽ ảnh hưởng lên những nguyên tắc của chính quyền, lúc này đã nhận ra ích lợi của việc đối xử với con người - không phải chỉ là những cỗ máy - phù hợp với phẩm giá của họ.


© 2004 talawas
Nguồn: Bản tiếng Anh: http://www.fordham.edu/halsall/mod/kant-whatis.html