© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
18.12.2003
Edward W. Said
Vai trò quần chúng của các nhà văn và các nhà trí thức
Nguyễn Khánh Long dịch và chú thích
 
Sau một thế kỉ hăng hái dấn thân hay buộc phải dấn thân vào những vấn đề chính trị-xã hội của đất nuớc, một số đông nhà văn và trí thức Việt nam ngày nay, nhất là ở thế hệ trẻ, dường như có khuynh hướng chia tay với tinh thần dấn thân một thuở, đề cao một ý thức nghệ thuật và chuyên môn được coi là thuần túy, tránh mọi hình thức can thiệp trực tiếp vào các vấn đề thời sự bị coi là nhất thời. Chúng tôi xin giới thiệu những tiếng nói nổi bật của các trí thức, học giả và nhà văn quốc tế, những người không dừng lại ở vị trí chuyên môn xuất sắc với công chúng hẹp của mình, mà dấn thân trong ý nghĩa đẹp nhất của từ này vào những lĩnh vực chính trị, văn hoá và xã hội nóng bỏng: nữ nhà văn Ấn Độ Arundhati Roy, nhà văn và học giả Mỹ gốc Palestin vừa quá cố Edward W. Said, nhà xã hội học Pháp đã mất Pierre Bourdieu, nhà ngôn ngữ học Mỹ Noam Chomsky, nhà thơ Đức Hans Magnus Enzensberger...
talawas
Trong các ngôn ngữ và văn hoá quen thuộc với tôi, "nhà văn" trong cách dùng hàng ngày chỉ một người sản xuất văn chương - tức là tiểu thuyết gia, thi sĩ, nhà soạn kịch. Tôi nghĩ thường thường đúng là, trong mọi nền văn hoá, các nhà văn có một địa vị tách biệt, có lẽ còn danh dự hơn các "nhà trí thức"; hào quang của sáng tạo và một khả năng hầu như thần thánh tạo nên độc đáo (nhiều khi mang tính tiên tri về quy mô cũng như về phẩm chất) đến với các nhà văn chứ chẳng hề đến với các nhà trí thức - đối với văn chương các vị này thuộc vào đẳng cấp các "nhà phê bình" có phần bị coi là thấp kém và kí sinh. Tuy nhiên vào buổi đầu thế kỉ XXI nhà văn càng ngày càng đảm nhận những thuộc tính đối lập của nhà trí thức trong các hành động như là nói lên sự thực với quyền lực, làm chứng nhân cho ngược đãi và đau khổ, và đem đến một tiếng nói li khai trong những xung đột với nhà cầm quyền. Những dấu hiệu kết hợp hai bên như thế hẳn phải kể trường hợp Salman Rushdie với đủ mọi dây mơ rễ má; sự thành lập vô số các nghị viện và hội nghị của các nhà văn chuyên về các vấn đề như: bất khoan dung, đối thoại giữa các văn hoá, nội chiến (như ở Bosnia và Algeria), tự do ngôn luận và kiểm duyệt, sự thực và hoà giải (như ở Nam Phi, Argentina, Ailen và các nơi khác); và vai trò biểu tượng đặc biệt của nhà văn với tư cách một nhà trí thức, chứng nhân cho kinh nghiệm của một quốc gia hay một địa phương, do đó đem lại cho kinh nghiệm ấy một bản sắc công nhiên mãi mãi ghi trong lịch trình luận thuyết của cả thế giới.

Cách dễ nhất chứng minh điều đó là chỉ cần liệt kê danh tính vài người đoạt giải Nobel gần đây (nhưng dứt khoát không phải tất cả), rồi để mỗi danh tính ấy gợi lên trong trí ta một địa phương đã thành biểu tượng, địa phương này ta lại có thể thấy là một thứ bệ phóng hoặc điểm xuất phát cho hành động sau đó của nhà văn - tham gia vào những tranh luận hết sức xa vời với thế giới văn chương. Đó là trường hợp Nadine Gordimer, Kenzaburo Oe, Derek Walcott, Wole Soyinka, Gabriel Garcia Márquez, Octavio Paz, Elie Wiesel, Bertrand Russell, Günter Grass, Rigoberta Menchú, và nhiều người khác.

Rồi lại cũng đúng là, như Pascale Casanova đã trình bày rất xuất sắc trong tập sách đề cương của bà, La République mondiale des lettres [Cộng hoà văn học thế giới], dường như, thành hình từ hơn 150 năm qua, giờ đây có một hệ thống văn chương toàn cầu, có đủ trật tự văn tính (littérarité) của riêng mình, nhịp độ, tiêu chuẩn, chủ nghĩa quốc tế và các giá trị thị trường. Sự hữu hiệu của hệ thống ở chỗ nó dường như đã sản sinh những mẫu nhà văn mà bà lập luận là thuộc những loại khác nhau, những khuôn mặt đồng hoá, li khai và thể hiện - tất cả đều cá biệt hoá và phân loại trong cái theo bà là một hệ thống vô cùng hữu hiệu, toàn cầu và gần như là thị trường. Ý chính lập luận của bà là minh chứng hệ thống quyền năng và thẩm thấu cùng khắp ấy có thể đi xa đến mức khích động một thứ độc lập với chính mình, như trong những trường hợp Joyce và Beckett, những nhà văn mà ngôn ngữ và chính tả không tuân phục các lề luật của nhà nước cũng như của hệ thống.

Dẫu tôi rất khâm phục cuốn sách của bà Casanova, thành tựu toàn diện của nó tuy thế vẫn mâu thuẫn. Bà dường như nói rằng văn chương như một hệ thống toàn cầu hoá có một thứ tự trị trọn vẹn cho nó, phần lớn đưa nó vượt khỏi các thực tại thô lỗ của các định chế và luận thuyết chính trị - một khái niệm về lí thuyết cũng có thể chấp nhận được khi bà diễn tả nó bằng un espace littéraire international [một không gian văn chương quốc tế], với những luật diễn giải riêng, biện chứng riêng giữa công trình cá nhân và toàn bộ, những vấn nạn riêng về chủ nghĩa quốc gia và các ngôn ngữ quốc gia. Nhưng bà không đi xa hơn để nói như Adorno, và cả tôi nữa, rằng một trong những dấu ấn của tính hiện đại là, ở một mức rất thâm sâu, thẩm mĩ và nhu cầu xã hội phải được duy trì trong một trạng thái căng thẳng không thể hoà giải. Bà cũng không dành đủ thì giờ để bàn luận sự kiện văn nhân hay nhà văn vẫn còn dính líu - đúng thực rất thường được động viên để sử dụng - trong những cuộc tranh chấp văn hoá lớn thời hậu chiến tranh lạnh giữa các cấu hình chính trị đã đổi thay trên thế giới.

Nhìn từ viễn tượng ấy, tỉ dụ, cuộc tranh luận về Salman Rushdie chưa bao giờ thực sự là về những phẩm chất văn chương của bộ Quỷ Kinh [The Satanic Verses], nhưng đúng hơn là về điểm có thể có hay không một cách xử lí văn chương cho một chủ đề tôn giáo mà không đụng chạm đến những mê say tôn giáo một cách rất, đúng thực gay gắt, công khai. Tôi không nghĩ có thể như thế được, bởi ngay từ lúc Ayatollah Khomeini phát ra thế giới bản fatwa [1] , cuốn tiểu thuyết, tác giả cùng các độc giả của nó đều bị đẩy thẳng vào một môi trường không dành chỗ cho gì khác ngoài tranh luận trí thức chính trị hoá về những vấn đề như báng bổ, li khai thế tục và những đe doạ ám sát ngoài lãnh thổ. Ngay cả khẳng định rằng quyền tự do ngôn luận của Rushdie với tư cách một tiểu thuyết gia không thể bị tước đoạt - như rất nhiều người chúng tôi trong thế giới Islam từng khẳng định - thực ra đó là tranh luận vấn đề tự do văn chương viết bên trong một thuyết ngôn đã hoàn toàn nuốt chửng và chiếm cứ (theo nghĩa địa dư) sự độc lập của văn chương rồi.

Do đó, trong khung cảnh lớn rộng hơn ấy, sự phân biệt căn bản giữa nhà văn và nhà trí thức không còn cần thiết nữa. Chừng nào cả hai đều hành động trong lĩnh vực công cộng mới do sự toàn cấu hoá chế ngự ấy (và ngay cả những kẻ ủng hộ fatwa của Khomeini cũng thừa nhận nó hiện hữu), vai trò quần chúng của họ với tư cách nhà văn và nhà trí thức có thể được bàn thảo và phân tích cùng lúc. Một cách khác để biểu đạt điều này là nói rằng ta nên tập trung vào những điểm chung của các nhà văn và các nhà trí thức khi họ can thiệp vào lĩnh vực công cộng.

Trước nhất ta cần ghi nhận những đặc điểm kĩ thuật của sự can thiệp trí thức ngày nay. Để nắm được một cách sống động thật ấn tượng sự thông tin đã gia tốc như thế nào trong thập niên vừa qua, tôi xin đem đối chiếu nhận thức của Jonathan Swift hồi đầu thế kỉ XVIII với nhận thức của chúng ta về sự can thiệp công khai hiệu quả. Swift chắc chắn là người viết sách mỏng thời sự [pamphlet] ác liệt nhất vào thời ông, và trong cuộc vận động chống công tước Marlborough [2] những năm 1711-12 ông đã phân phát được ngoài đường phố trong hai tháng 11.000 bản Tác phong phe Đồng minh [The Conduct of the Allies] của ông. Công tước bị thất sủng nhưng điều ấy chẳng hề thay đổi cảm tuởng bi quan của Swift (từ thời Truyện cái bình [A Tale of a Tub], 1704) rằng văn phẩm của ông căn bản là tạm bợ, chỉ thích hợp trong thời gian ngắn ngủi nó lưu hành mà thôi. Tất nhiên ông không quên cuộc tranh cãi thời ấy giữa các phái tân cựu, những nhà văn đáng kính như Homer và Horace được ưu thắng so với những khuôn mặt hiện đại như Dryden do thời đại của họ cùng sự xác thực của các quan điểm đã trường tồn bao đời, thường hằng nữa, của họ.

Vào thời các phương tiện truyền thông điện tử, những suy xét như thế hầu hết không còn thích đáng nữa, bởi lẽ bất cứ ai có máy điện toán và truy cập thoả đáng được internet đều có khả năng tìm đến với những số người bội phần nhiều hơn Swift, và lại có thể trông đợi những gì đã viết ra sẽ được lưu giữ không ai biết đến bao giờ. Những ý tưởng ngày nay của chúng ta về thuyết ngôn và về tài liệu lưu trữ phải thay đổi triệt để và không còn có thể được định nghĩa như Foucault đã khổ công miêu tả chúng mới hai mươi năm trước. Dẫu ta viết cho một tờ báo hay một tạp chí, khả năng sự sao chép bằng số [digital reproduction] và (ít ra trong ý niệm) thời gian lưu giữ vô giới hạn đã phá đổ ý tưởng về một công chúng thực đối nghịch với một công chúng ảo. Những điều đó chắc chắn đã hạn chế quyền năng của các chế độ để kiểm duyệt hoặc cấm đoán những văn bản bị coi là nguy hiểm, dẫu vẫn có không thiếu gì những cách thô bạo để ngăn chặn hoặc giảm trừ chức năng vô chính phủ của in ấn trực tuyến. Cho đến rất gần đây thôi, chẳng hạn, Saudi Arabia và Syria đã thành công cấm đoán internet và cả truyền hình vệ tinh nữa. Cả hai nước giờ đây cho phép truy cập hạn chế internet, dẫu cả hai cũng đã thiết lập những phương cách ngăn cấm tinh vi và, rút cục, vô cùng tốn kém hầu duy trì sự kiểm soát của họ.

Trong tình trạng ngày nay, giả như tôi viết tại New York một bài cho một tờ báo bên Anh, bài ấy rất có cơ tái xuất hiện trên những địa chỉ web cá nhân hoặc qua điện thư tới các màn ảnh tại Hoa Kì, Nhật, Pakistan, Trung Đông và Nam Phi cũng như Úc. Các tác giả và các nhà xuất bản rất ít kiểm soát được những gì in lại và tái lưu hành. Tôi vẫn luôn luôn ngạc nhiên (và không biết nên tức giận hay khoái trá) khi một điều gì đó tôi viết hoặc nói ở một nơi lại xuất hiện rất mau chóng ở nửa vòng bên kia thế giới. Thế thì ta viết cho ai, khi thật khó lòng xác định được công chúng ? Hầu hết người ta, theo tôi nghĩ, tập trung vào đầu ra thực tế đã đặt mua tác phẩm hoặc vào các độc giả giả định mà ta muốn nhắm tới. Ý tưởng về một cộng đồng tưởng tượng đã bất chợt đạt được một kích thước rất thực, dẫu là ảo. Đương nhiên, như tôi đã kinh nghiệm khi mười năm trước tôi bắt đầu viết cho một tạp chí A-rập nhắm tới một công chúng A-rập, người ta cố gắng tạo lập, hình thành, hướng đến một khối độc giả trung thành. Ngày nay điều này thiết yếu hơn nhiều so với thời Swift, khi ông có thể thật tự nhiên chấp nhận rằng người mà ông gọi là một người thuộc Giáo hội Anh [3] thực ra là công chúng thực sự, rất ổn định và rất nhỏ bé của ông.

Tất cả chúng ta do đó ngày nay hoạt động với ít nhiều ý thức là rất có thể đạt tới những công chúng rộng lớn hơn nhiều so với bất cứ công chúng nào ta có thể mường tượng mới mười năm trước, dẫu rằng cũng chính do đó những cơ hội không mất công chúng ấy thật bấp bênh. Điều này không phải chỉ là chuyện ý chí lạc quan: nó nằm ngay trong bản chất việc viết ngày nay. Điều này khiến các nhà văn rất khó lòng coi là dĩ nhiên có những giả định chung giữa họ với các công chúng của họ, hay là giả định rằng các quy chiếu và ám dụ sẽ được thông hiểu ngay tức khắc. Nhưng viết trong không gian bành trướng mới ấy, lạ thay, quả có một hậu quả xa hơn và nguy hiểm bất thường: được khuyến khích nói lên những điều hoặc hoàn toàn tối tăm hoặc hoàn toàn trong suốt (và nếu ta có chút nào năng khiếu trí thức và chính trị, tất nhiên sẽ là điều thứ hai hơn là điều thứ nhất).

Một bên, khoảng nửa tá công ti đa quốc gia do một nhúm người cầm đầu kiểm soát hầu hết hình ảnh và tin tức cung cấp cho thế giới. Bên kia, có những nhà trí thức độc lập thực tế tạo thành một cộng đồng phôi thai, không ở bên nhau nhưng nối kết bằng nhiều cách với một số lớn cộng đồng tranh đấu bị các phương tiện truyền thông chủ lưu xa lánh nhưng nắm được những thứ khác của cái Swift mỉa mai gọi là những bộ máy hùng biện. Hãy nghĩ đến biết bao cơ hội đem lại cho ta do bục diễn thuyết, sách mỏng thời sự, truyền thanh, báo chí ngoài luồng, phỏng vấn, mít-tinh, bục giảng nhà thờ và internet, và còn nhiều nữa. Dĩ nhiên đó là một thua thiệt lớn lao khi nhận ra rằng ta khó lòng được mời phát biểu trên các chương trình NewsHour của đài PBS hay Nightline của đài ABC, hay nếu có được mời đi nữa thì chỉ trong một phút lẻ loi chớp nhoáng mà thôi. Tuy nhiên vẫn có những cơ hội khác, không phải dưới dạng những công thức thật kêu nhưng trong những khoảng thời gian dài lâu hơn.

Như thế, sự mau lẹ là một vũ khí hai lưỡi. Có sự mau lẹ của phong cách giản lược khẩu hiệu hoá tức là đặc trưng chính của thuyết ngôn "chuyên gia" - bề ngoài thì thoả đáng, nhanh chóng, công thức, thực tế - và có sự mau lẹ của đáp ứng và khuôn khổ có thể nới rộng mà các nhà trí thức và thực sự hầu hết các công dân đều có thể khai thác để đưa ra những diễn đạt đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn. Tôi muốn nói rằng, bằng cách lợi dụng những gì có sẵn dưới hình thức vô số những diễn đàn (hay những sân-khấu-lưu-động, một từ khác của Swift), sự tự nguyện cảnh giác và sáng tạo của nhà trí thức khai thác những diễn đàn ấy (tức là những diễn đàn hoặc không có cho nhân vật truyền hình, chuyên gia hay ứng viên chính trị hoặc bị họ xa lánh) tạo ra sự khả hữu khởi xướng sự thảo luận rộng lớn hơn.

Ta chớ đánh giá thấp tiềm năng giải phóng của tình huống mới này - cùng những đe doạ cho nó. Tôi xin đưa ra môt tỉ dụ rất mạnh về điều tôi muốn nói. Có khoảng 4 triệu người tị nạn Palestine rải rác trên khắp thế giới, một số đáng kể sống trong những trại tị nạn lớn tại Lebanon (nơi đã xảy ra những vụ tàn sát Sabra và Shatila năm 1982), Jordan, Syria và tại Gaza và Tây Ngạn. Năm 1999 một nhóm người tị nạn trẻ, có học thức và hăng hái sống trong trại Dheisheh, gần Bethlehem bên Tây Ngạn, lập nên Trung tâm Ibdan, mà điểm nổi bật là dự án Xuyên Biên giới; ấy là một phương thức cách mạng để, thông qua các máy điện toán, nối kết với nhau những người tị nạn tại hầu hết các trại lớn, bị ngăn cách về địa dư và về chính trị bởi những rào cản khó khăn không kể siết. Lần đầu tiên kể từ khi cha mẹ họ bị phân tán vào năm 1948, những người tị nạn Palestine thế hệ thứ hai tại Beirut hay tại Amman có thể liên lạc với đồng bào của họ bên trong Palestine. Có những điều những người tham gia dự án này thực hiện hết sức đáng chú ý. Chẳng hạn khi rào chắn của Israel ít nhiều nới lỏng, những người ở trại Dheisheh bèn đi thăm làng quán xưa của họ ở Palestine, và rồi họ tả lại những cảm xúc của họ và những gì họ chứng kiến cho những người tị nạn khác có nghe nói về những nơi này nhưng không thể đến được. Chỉ trong vòng vài tuần một dây liên đới đáng kể trỗi lên đúng vào thời mà cái gọi là những cuộc đàm phán về quy chế dứt khoát giữa PLO [4] và Israel bắt đầu đề cập đến vấn đề người tị nạn và sự trở về - vấn đề cùng với vấn đề Jerusalem kết thành lõi cốt không nhân nhượng của tiến trình hoà bình bế tắc. Cho nên, đối với một số người tị nạn Palestine, sự hiện diện cùng ý chí chính trị của họ lần đầu thành thực hữu, đem lại cho họ một cương vị mới khác hẳn về phẩm chất đối với tình trạng khách thể vẫn là số phận họ từ nửa thế kỉ nay.

Vào ngày 26/8/2000, tất cả các máy điện toán ở trại Dheisheh đều bị đập tan, một hành động phá hoại chính trị nhằm cảnh báo tất cả mọi người rằng người tị nạn sẽ vẫn là người tị nạn, nghĩa là họ không được phá rối cái nguyên trạng đã coi như họ phải lặng thinh biết bao lâu rồi. Liệt kê những kẻ có thể tình nghi không khó khăn gì, nhưng thật khó mà tưởng rằng một ai đó sẽ có ngày bị nêu danh hay bắt giữ. Dẫu sao đi nữa, những người sống trong trại Dheisheh tưc thì nỗ lực phục hồi Trung tâm Ibdan, và đã thành công phần nào. Trả lời cho câu hỏi "tại sao" có những cá nhân và đoàn nhóm muốn viết và nói hơn là giữ yên lặng cũng chẳng khác nêu rõ những gì nhà văn và nhà trí thức phải đương đầu trong lĩnh vực công cộng. Sự hiện hữu của những cá nhân hay đoàn nhóm đi tìm công bằng xã hội và bình đẳng kinh tế - và hiểu rằng, như cách nói của Amartya Sen, tự do phải bao gồm quyền có nhiều lựa chọn cho phát triển văn hoá, chính trị, trí thức và kinh tế - tự khắc sẽ đưa tới mong muốn lên tiếng thay vì yên lặng. Hầu như lẽ đương nhiên là đối với nhà trí thức Hoa Kì, trách nhiệm càng lớn hơn, cơ hội thì vô số, thách đố rất khó khăn. Hoa Kì, dẫu sao, là cường quốc toàn cầu duy nhất; Hoa Kì can thiệp hầu như ở khắp nơi, và có rất nhiều phương tiện khống chế dẫu rằng còn xa mới là vô hạn.

Thông thường vai trò của nhà trí thức là phát hiện và làm sáng tỏ sự phản bác, thách đố và đánh bại cả sự yên lặng áp đặt cũng như sự an nhiên chuẩn hoá của quyền uy vô hình, bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào có thể. Bởi lẽ có sự tương đương về mặt xã hội và trí thức giữa khối quyền lợi tập thể độc đoán ấy và thuyết ngôn sử dụng để biện minh, che giấu hoặc huyễn hoặc sự vận hành của nó đồng thời lại ngăn chặn mọi phản đối hay thách đố. Ngày nay, và hầu như khắp nơi, những thành ngữ như là "thị trường tự do", "tư hữu hoá", "giảm thiểu chính quyền" và những thành ngữ khác tương tự đã trở thành giáo điều chính thống của toàn cầu hoá, chân lí mạo hoá của nó. Chúng là những mục chính của thuyết ngôn thống trị, đặt ra cốt để tạo nên sự chấp thuận và mặc nhiên tán thành. Từ mối liên hệ ấy phát sinh những chắp vá ý hệ như là "phương Tây", "xung đột các nền văn minh", các "giá trị truyền thống" và "bản sắc" (có lẽ là những thành ngữ sử dụng nhiều nhất trong từ vựng toàn cầu ngày nay). Tất cả, chúng đều được triển khai không phải như đôi khi có vẻ như thế - tức là để đề xướng tranh luận - nhưng hoàn toàn trái ngược, để bóp nghẹt, phủ đầu và đập tan mọi li khai hễ khi nào các chân lí giả mạo phải đối đầu với đề kháng hoặc chất vấn.

Mục tiêu chính của thuyết ngôn thống trị là uốn nắn cái lô-gích tàn độc tìm kiếm lợi nhuận của các tập đoàn kinh doanh và quyền lực chính trị thành một trạng thái bình thường. Chẳng hạn, đằng sau tấn tuồng Punch và Judy [5] tranh luận sôi nổi về phương Tây và Islam là đủ hết các phương chước phản dân chủ, cao đạo và tha hoá (lí thuyết về Chúa Quỷ hay về nhà nuớc vô lại và khủng bố) để người ta lãng quên những bóc lột xã hội và kinh tế thực tế vẫn diễn ra. Nơi này Hashemi Rafsanjani hô hào nghị viện Iran thúc đẩy hơn nữa việc Islam hoá như là phương cách tự vệ chống Hoa Kì; nơi kia Bush, Blair và đám đồng minh yếu ớt chuẩn bị tinh thần các công dân của họ cho một cuộc chiến huyền hoặc chống khủng bố của Islam, các nhà nước vô lại, vân vân và vân vân. Chủ nghĩa hiện thực và sát cánh với nó, chủ nghĩa thục dụng, bị huy động từ văn cảnh triết lí thực sự của chúng trong các tác phẩm của Peirce, Dewey và James, và bị khổ sai trong phòng họp ban quản trị - như lời Gore Vidal, là nơi chốn của những quyết định thực sự về chính quyền và các ứng cử viên tổng thống. Có ai không tán thưởng các cuộc bầu cử, thế nhưng sự thực cay chua là bầu cử không đương nhiên đem lại dân chủ hay những kết quả dân chủ. Cứ hỏi bất cứ người dân Florida [6] nào thì biết.

Thay vì thế, nhà trí thức có thể, một cách vô tư, chứng minh rằng bản sắc, truyền thống và quốc gia chỉ là những thực thể được dựng lên, hầu hết dưới hình thức ngấm ngầm những đối kháng nhị phân bao giờ cũng diễn đạt như những thái độ thù nghịch đối với Tha nhân. Pierre Bourdieu và các cộng sự của ông từng gợi ý một cách rất thú vị rằng chủ nghĩa tân-tự-do của Clinton và Blair, thành hình từ sự huỷ bỏ bảo thủ các thành tựu xã hội lớn lao của chế độ nhà nước phúc lợi (trong y tế, giáo dục, lao động, an sinh xã hội) dưới thời Thatcher và Reagan, đã dựng lên một doxa [7] nghịch lí, một cuộc phản cách mạng biểu tượng bao gồm cả cái thứ tự-vinh-danh quốc gia mà tôi vừa nhắc đến. Nó, theo lời Bourdieu,

bảo thủ nhưng lại tự nhận là tiến bộ; nó tìm cách phục hồi một số khía cạnh cổ lỗ nhất của trật tự quá khứ (đặc biệt là về các quan hệ kinh tế), song nó lại trí trá rằng mọi thoái bộ, đảo ngược, đầu hàng là những cải cách hướng tới tương lai hay là một cuộc cách mạng dẫn tới cả một thời đại mới dư dật và tự do (như trong ngôn từ của cái gọi là tân kinh tế và thuyết ngôn tán tụng quanh các công ti mạng truyền thông và internet).

Để nhắc nhở những tổn hại sự đảo ngược ấy đã gây ra, Bourdieu và các đồng nghiệp của ông đã xuất bản một công trình tập thể mang tựa đề La Misère du monde [Sự khốn cùng của thế giới] với mục đích buộc các chính trị gia phải chú ý đến những gì trong xã hội nước Pháp mà sự lạc quan sai lầm của những diễn văn hoa mĩ vẫn che giấu. Thứ sách ấy như thế thủ một loại vai trò trí thức chối bỏ, có mục đích, một lần nữa xin viện dẫn Bourdieu, "sản xuất và phổ biến những khí cụ tự vệ chống lại sự thống trị biểu tượng ngày càng dựa vào quyền uy của khoa học" - hay dựa vào kĩ xảo hoặc những lời kêu gọi đoàn kết quốc gia, tự hào, lịch sử và truyền thống - để cưỡng bách người ta tuân phục. Đương nhiên Ấn Độ và Brazil khác với Anh và Hoa Kì, nhưng ta chớ để những chênh lệch nhiều khi nổi bật giữa các nền văn hoá và kinh tế che khuất những tương đồng còn khiến sửng sốt hơn nữa có thể thấy được trong một số kĩ thuật, và rất thường trong mục đích, tước đoạt và đàn áp buộc người ta phải ngoan ngoãn cắm đầu đi theo. Tôi cũng nên thêm rằng ta không nhất thiết phải đưa ra được một lí thuyết sâu xa và chi tiết mới có thể tuyên chiến một cách trí thức với bất công, bởi lẽ giờ đây đã có cả kho quốc tế đầy rẫy những công ước, nghị định thư, nghị quyết và hiến chương để các chính quyền tuân theo, nếu họ muốn. Và trong cùng bối cảnh ấy tôi đã muốn nghĩ rằng thật khờ khạo nếu ta chấp nhận một quan điểm cực-hậu-hiện-đại (như Richard Rorty, khi tưởng mình đấm đá với một cái mơ hồ nào đó mà ông miệt thị gọi là "tả phái kinh viện") mà nói - khi phải đối đầu với thanh lọc chủng tộc, hay với diệt chủng như xảy ra ngày nay tại Iraq, hay với bất cứ những ác hại nào như tra tấn, kiểm duyệt, đói rách, thất học (hầu hết do tay con người, chẳng phải do trời) - rằng nhân quyền là những "việc văn hoá", để khi chúng bị xâm phạm chúng không thực sự có được cương vị mà những kẻ duy-cơ-sở [foundationalist] thô thiển như chính tôi gán cho, những kẻ quan niệm các nhân quyền cũng thực hữu như bất cứ gì khác ta có thể gặp.

Tất cả các nhà trí thức đây đó đều truyền đạt ít nhiều hiểu biết căn bản hay lược thảo về hệ thống toàn cầu (phần lớn nhờ vào các sử gia thế giới hay địa phương như Immanuel Wallerstein, Anouar Abdel-Malek, J.M. Blaut, Janet Abu-Lughod, Peter Gran, Ali Mazrui, William McNeill); nhưng các phản bác được phát động và có lẽ lại có thể chiến thắng chính trong những lần đụng độ trực tiếp với hệ thống ấy tại một nơi hay một cơ cấu đặc thù nào đó (như ở Seattle và Genoa [8] ). Có cả một kí sự đáng phục về những gì tôi muốn nói trong các tiểu luận của tập Cảm giác toàn cầu : chủ nghĩa quốc tế trong nguy biến [Feeling Global: Internationalism in Distress] (1999) của Bruce Robbins, của tập An nhiên trong thế giới: Chủ nghĩa thế giới hiện nay [At Home in the World : Cosmopolitanism Now] (1997) của Timothy Brennan, của tập Chủ nghĩa quốc gia và sự thực hành văn hoá trong thế giới hậu thuộc địa [Nationalism and Cultural Practice in the Postcolonial World] (1999) của Neil Lazarus, những sách mà kết cấu tự giác về lãnh thổ và gắn bó cao độ thực ra là một điềm triệu của ý thức của nhà trí thức phê phán (và tranh đấu) về thế giới chúng ta sống ngày nay, coi như những giai đoạn hoặc ngay như những mảnh rời của một bức tranh rộng lớn hơn, bức tranh mà công trình của họ và công trình của những người khác đang trong tiến trình tạo dựng. Những gì những sách ấy gợi nên là một bản đồ những kinh nghiệm mà, hai mươi năm trước, hẳn không ai nhận ra, có lẽ vô hình nữa, nhưng trong bối cảnh các đế quốc cổ điển đã tiêu tan, chiến tranh lạnh đã cáo chung, các khối xã hội chủ nghĩa và phi liên kết đã sụp đổ, những biện chứng giữa Bắc và Nam trỗi lên trong thời đại toàn cầu, bản đồ ấy không thể loại khỏi mọi nghiên cứu văn hoá hay khỏi ranh giới phần nào mong manh của các khoa học nhân văn.

Tôi vừa nhắc đến một vài tên tuổi không phải chỉ để bày tỏ, tôi nghĩ những đóng góp của họ rất ý nghĩa, nhưng cũng để dùng những tên tuổi ấy hầu nhảy thẳng vào một vài lĩnh vực cụ thể quan trọng cho tập thể, nơi đây, xin viện dẫn Bourdieu một lần chót, có sự khả hữu "phát minh tập thể". Bourdieu nhận xét rằng

toàn bộ cơ cấu tư tưởng phê phán như thế phải được xây dựng lại. Công trình xây dựng lại ấy không thể hoàn thành, như trong quá khứ có người đã nghĩ, chỉ do một nhà trí thức lớn, một nhà tư tưởng bậc thày chỉ cậy vào tư tưởng của riêng mình mà thôi, hay do người phát ngôn có thẩm quyền của một nhóm hay một định chế được coi là lên tiếng nhân danh những kẻ không có tiếng nói, công đoàn, đảng phái, vân vân. Chính tại đây mà nhà trí thức tập thể [danh hiệu Bourdieu đặt cho những cá nhân mà toàn bộ những nghiên cứu cùng những tham dự vào những chủ đề chung tạo thành một thứ tập thể đặc biệt] có thể đóng vai trò không ai thay thế được của mình, bằng cách góp phần tạo nên các điều kiện xã hội cho sự sản xuất tập thể các không tưởng thực tế.

Điều này theo tôi hiểu tức là nhấn mạnh không có một sơ đồ tổng thể hay cẩm nang nào cho các nhà trí thức, và ngày nay không có một cứu cánh hệ không tưởng nào ta có thể nói lịch sử loài người đang hướng tới. Do đó, người ta xoay sang bày ra - trong cách dùng sát nghĩa đen từ la-tinh inventio của các nhà tu từ để nhấn mạnh việc tìm lại hay tái hợp từ những thành tựu quá khứ, đối lập với cách dùng lãng mạn từ này với nghĩa một cái gì ta có thể sáng tạo từ đầu - những mục đích, tức là giả dụ một tình huống tốt đẹp hơn từ những sự kiện lịch sử và xã hội đã biết.

Cho nên thực tế điều này khiến khả hữu các thành tựu trí thức trên nhiều mặt trận, tại nhiều nơi, nhiều phong cách, vẫn tác động cả ý thức đối lập cũng như ý thức tham dự dấn thân. Từ đó, phim, ảnh, và ngay cả nhạc, cùng với tất cả các nghệ thuật viết, đều có thể là những mặt của hoạt đông này. Một phần những gì chúng ta làm với tư cách nhà trí thức không phải chỉ là định nghĩa tình huống mà còn là nhận chân những khả hữu can thiệp tích cực, dẫu do chính chúng ta sau đó thực hiện hay nhìn nhận ở những người khác đã đi trước hoặc đang ra công, nhà trí thức như kẻ canh gác. Cái thái độ khu biệt cũ kĩ - tỉ như, tôi là một chuyên gia văn học, phạm vi nghiên cứu của tôi là nước Anh đầu thế kỉ XVII - tự loại trừ mình và, nói thẳng ra, như không đáng chú ý và không cần phải vô hiệu hoá. Ta phải giả định rằng ngay dẫu không ai có thể làm hoặc biết hết mọi chuyện, bao giờ cũng phải có thể nhận chân những thành tố của một cuộc đấu tranh hay một căng thẳng hay một vấn đề gần trong tầm tay ta mà ta có thể làm sáng tỏ một cách biện chứng, và còn cảm nhận có những người khác cũng cùng một ý đồ như ta và hoạt động trong cùng một dự án.

Tôi đã thấy một đối chiếu vô cùng gợi hứng với những gì tôi muốn nói trong tập sách mới đây của Adam Phillips, Những con sâu của Darwin [Darwin's Worms], trong đó sự chú ý đến những con giun đất hèn mọn suốt một đời người của Darwin phát lộ khả năng diễn đạt sự biến thiên và bố cục của tạo vật mà không nhất thiết phải thấy được toàn bộ điều này hay điều kia, bởi vậy, trong công trình về các con giun đất của ông, đem thay "một huyền thoại sáng thế bằng một huyền thoại duy trì thế tục". Có hay chăng một vài cách tổng quát hoá không thô lậu về nơi đâu và dưới hình thức nào những đấu tranh như thế đang diễn ra ngày nay? Tôi xin chỉ nói một chút về ba cách mà thôi, mỗi cách ấy đều có thể kiểm nghiệm sâu xa bằng sự can thiệp và triển khai của trí thức.

Cách thứ nhất là bảo vệ và ngăn ngừa quá khứ triệt tiêu - trong sự mau lẹ thay đổi, sự diễn đạt lại truyền thống và sự tạo dựng những thanh lọc giản lược lịch sử, sự triệt tiêu ấy nằm ngay tâm cuộc phản bác mà Benjamin Barber (dẫu có phần quá bao quát) gọi là "Jihad chống Thế giới Mc [9] ". Vai trò của nhà trí thức trước tiên là trình bày những tường thuật khác và những viễn tượng lịch sử khác hơn là những gì được cung cấp do những chiến binh nhân danh kí ức chính thức và bản sắc dân tộc - những người chỉ muốn sử dụng những thống nhất giả mạo, thao túng những biểu hiện ác hoá hoặc xuyên tạc về những cư dân không ai ưa và/hoặc bị khai trừ, và phổ biến những quốc ca anh hùng hát lên để quét sạch phía trước. Ít nhất từ sau Nietzsche, viết lịch sử và tích luỹ kí ức đã được coi bằng nhiều cách là một trong những cơ sở căn bản của quyền lực, hướng dẫn các chiến lược và đồ thị sự tiến bộ của quyền lực. Tỉ dụ, hãy coi sự khai thác khủng khiếp khổ đau quá khứ mà Tom Segev, Peter Novick và Norman Finkelstein tố cáo khi kiểm điểm vụ Tế Thiêu đã bị sử dụng như thế nào, hay là, để không ra khỏi lĩnh vực sự phục hồi và sửa chữa lịch sử, sự bóp méo, tùng xẻo, bỏ quên khó thương những kinh nghiệm lịch sử đầy ý nghĩa nhưng hiện nay không được phe cánh nào đủ mạnh ủng hộ và do đó đáng bị gạt bỏ hay xem thường. Giờ đây ta cần có những lịch sử đã giải độc, chín chắn tỏ rõ sự đa diện và phức tạp của lịch sử mà không để ai kết luận rằng lịch sử tiến lên một cách khách quan chỉ căn cứ vào những quy luật hoặc do thần thánh hoặc do bọn quyền thế ấn định.

Cách thứ hai, kết quả của lao động trí thức phải là tạo dựng những môi trường chung sống thay vì những môi trường chiến tranh. Ta phải học những bài học lớn của công cuộc giải thực; trước tiên, đó là, dẫu các mục tiêu giải phóng cao quý đến mấy, công cuộc giải thực thường đã không ngăn cản được hiện tượng những chế độ quốc gia hà khắc lên thay thế các chế độ thực dân; thứ nữa, đó là chính tiến trình giải thực đã hầu như tức khắc bị chiến tranh lạnh chiếm đoạt, bất chấp những nỗ lực hùng hồn của phong trào phi liên kết; và cuối cùng, đó là công cuộc giải thực đã bị thu nhỏ và còn bị thô lậu hoá bởi một công nghệ kinh viện nhỏ đã biến nó chỉ còn là một cuộc tranh chấp nhập nhằng giữa những đối thủ nước đôi.

Cách thứ ba, trong bao nhiêu những cuộc phản bác về công lí và nhân quyền mà biết bao người trong chúng ta cảm nghĩ mình đã tham gia, sự dấn thân của chúng ta cần có một thành tố nhấn mạnh nhu cầu tái phân phối tài nguyên cũng như bênh vực cái thôi thúc lí thuyết chống những tích luỹ vô biên quyền lực và tư bản làm biến chất vô cùng cuộc sống con người. Hoà bình không thể có nếu không có bình đẳng: đấy là một giá trị trí thức hơn bao giờ hết phải được nhắc lại, minh chứng và tăng cường. Sự quyến rũ của chính từ này - hoà bình - ở chỗ nó được bao bọc bởi, đúng ra tẩm trong, bao lời tán tụng hoan nghênh, ca ngợi không ai dị nghị, hậu thuẫn đầy cảm xúc. Các phương tiện truyền thông quốc tế (như mới đây với các cuộc chiến được chuẩn nhận tại Iraq và Kosovo) khuếch đại, tô điểm mà không phê phán, truyền đạt mà không đặt vấn đề tất cả những điều ấy đến các công chúng rộng lớn khiến hoà bình và chiến tranh thành những màn biểu diễn để giải trí và tiêu thụ tức thời. Phân giải được các yếu tố của các từ như "chiến tranh" và "hoà bình", tìm lại được những gì đã bị gạt khỏi các tiến trình hoà bình do những kẻ quyền thế ấn định, và rồi đặt trở lại thực tại thiếu sót ấy vào trung tâm mọi việc, đòi hỏi rất nhiều dũng cảm, công sức và kiến thức hơn là phải có để viết những bài đúng phép cho những người "tự do chủ nghĩa", như kiểu Michael Ignatieff, hô hào thêm tàn phá và chết chóc cho những thường dân xa xôi. Nhà trí thức có lẽ có thể là một thứ kí ức nghịch, đưa ra thuyết ngôn nghịch của chính mình sẽ không cho phép lương tâm tránh né hoặc ngủ gật. Cách hiệu chỉnh hay nhất, như lời bác sĩ Johnson, là tưởng tượng người mà ta bàn đến - ở đây là người sẽ hứng chịu bom đạn - đang đọc ta trước mặt ta.

Tuy nhiên, cũng như lịch sử chẳng bao giờ cáo chung hay viên mãn, thì một vài đối lập biện chứng cũng không thể hoà giải, không thể vượt qua, thực sự không thể gói gọn trong một thứ tổng hợp cao xa hơn, hẳn là cao quý hơn. Tỉ dụ cận kề nhất với tôi là cuộc tranh đấu vì Palestine mà, tôi bao giờ cũng tin như thế, thực sự không thể chỉ giải quyết bằng một cách dàn xếp lại về mặt địa lí, một cách dàn xếp kĩ thuật và tối hậu như của viên quản gia, cho những người Palestine bị tước đoạt được quyền (hiện là như thế) sống trong 20 phần trăm đất của họ, phần đất ấy lại sẽ bị vây kín và hoàn toàn tuỳ thuộc vào Israel. Mặt khác, về mặt đạo đức cũng không thể chấp nhận việc đòi người Israel phải triệt thoái khỏi toàn bộ đất Palestine trước kia, nay là Israel, trở thành người tị nạn như người Palestine một lần nữa. Tôi đã hoài công mà không tìm ra một giải pháp cho bế tắc này, bởi đây không phải là một vụ án dễ dàng quyền đối lập với quyền. Không thể bao giờ có cái quyền tước đoạt đất đai và di sản của cả một dân tộc hay là bóp ngẹt và tàn sát họ, như Israel vẫn làm trong ba mươi bốn năm chiếm đóng. Nhưng dân Do Thái cũng là điều tôi từng gọi là một cộng đồng khổ đau, và đã có một di sản vô cùng bi thảm. Thế nhưng, khác với Zeev Sternhell, tôi không thể tán đồng coi cuộc chinh phục đất Palestine là một cuộc chinh phục cần thiết - ý niệm này xúc phạm đến ý thức về nỗi đau đớn thực sự của người Palestine, tuy khác song cũng bi thảm chẳng kém.

Những kinh nghiệm chồng chéo nhưng lại không thể hoà giải đòi hỏi ở nhà trí thức sự dũng cảm nói lên những gì chờ đợi chúng ta, gần đúng như Adorno đã, trong khắp công trình của ông về âm nhạc, nhấn mạnh rằng âm nhạc hiện đại không bao giờ hoà giải được với xã hội sản sinh ra nó; nhưng trong cường độ và trong hình thức cũng như nội dung thường là tuyệt vọng của nó, âm nhạc có thể tác động như một chứng nhân câm nín cho tình trạng phi nhân khắp nơi nơi. Mọi đồng hoá một tác phẩm âm nhạc với khung cảnh xã hội của nó đều sai lầm, như lời Adorno. Tôi xin kết luận bằng ý nghĩ rằng quê nhà tạm thời của nhà trí thức là lĩnh vực của một nghệ thuật khó khăn, cứng cỏi, không khoan nhượng, mà, than ôi, ta không thể rút lui vào đấy hay tìm ở đấy các giải pháp. Nhưng duy trong cõi lưu đầy bấp bênh ấy ta có thể, trước tiên thực sự nắm được sự khó khăn của những gì không thể nắm được, và sau đó vẫn tiến lên nỗ lực.

© 2003 talawas



[1]Trong đạo Islam, lệnh hay quyết định của một cấp thẩm quyền tôn giáo về một trường hợp hồ nghi hay về một vấn đề mới. chú thích của người dịch
[2]John Churchill, tướng lãnh và chính khách Anh (1650-1722), chỉ huy quân Anh và đồng minh đánh bại liên quân Pháp và Bayern trong trận Blindheim (Đức) năm 1704. ctcnd
[3]Jonathan Swift viết năm 1708 tác phẩm mang tựa đề "Sentiments of a Church of England man in respect to Religion and Government" (Quan điểm một người thuộc Giáo hội Anh về Tôn giáo và Chính quyền). ctcnd
[4]Tổ chức Giải phóng Palestine. ctcnd
[5]Tuồng múa rối ở Anh, với nhân vật Punch luôn luôn cãi cọ, đánh lộn với bà vợ Judy. ctcnd
[6]Nơi dư luận vẫn ngờ vực về số phiếu cử tri và số phiếu của George W. Bush trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. ctcnd
[7]Tiếng Hi Lạp, có nghĩa vinh danh, tán tụng. ctcnd
[8]Phong trào phản đối hệ thống toàn cầu đã gây đổ vỡ hội nghị của Tổ chức Thưong mại Thế giới tại Seattle (Hoa Kì) tháng 12 năm 1999, và làm rung chuyển hội nghị thượng đỉnh 8 nước công nghiệp phát triển nhất tại Genoa (Ý) tháng 7 năm 2001. ctcnd
[9]Jihad, thánh chiến, và Mc, McDonald. ctcnd
Nguồn: The Nation, 17/9/2001