© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
11.9.2007
Lê Phú Khải
Thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cần có cuộc hội thảo khoa học về vấn đề khiếu kiện ruộng đất
 
Kính thưa Thủ tướng,

Là một nhà báo đã nhiều năm thường trú tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là tác giả của hàng trăm bài báo viết về vùng này trong đó có bài báo động việc tranh chấp ruộng đất ở Nam Bộ trên báo Quân đội Nhân dân và đề xuất giải pháp về vấn đề này trên báo Nhân dân ngay từ cuối những năm 1980, cũng đồng thời là tác giả của nhiều đầu sách viết về ĐBSCL, vì thế tôi trực tiếp theo dõi sát sao để tìm hiểu nguyên nhân khiếu kiện về ruộng đất diễn ra tại Văn phòng 2 Quốc hội ở TPHCM những ngày qua. Lo lắng và mong chờ những giải pháp của chính phủ vì tôi biết chắc chắn các địa phương sẽ không giải quyết được nếu Chính phủ không có chỉ đạo. Chính vì vậy tôi vô cùng phấn khởi khi thấy Chính phủ đã cử Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vào văn phòng 2 Chính phủ ở TPHCM để chủ trì cuộc họp với các tỉnh và cơ quan chức năng để bàn biện pháp giải quyết tình hình công dân khiếu kiện.

Trước khi nói đến sự đồng thuận với những phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, tôi muốn phát biểu những ý kiến bất đồng với báo cáo và đánh giá của ông Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Về nguyên nhân của khiếu kiện, theo ông Truyền có 4 điều: “Chính sách của nhà nước còn bất cập, có địa phương chưa đề cao đúng mức trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại của công dân, việc phối hợp trong giải quyết khiếu kiện giữa cơ quan chức năng chưa tốt, chưa có chế tài mạnh đối với các đối tượng cầm đầu khích động người dân đi khiếu kiện bất chấp pháp luật.” (Báo SGGP 16/7/2007)

Một vấn đề lớn, đã kéo dài nhiều năm mà cơ quan Thanh tra Chính phủ đứng đầu là ông Truyền chỉ nêu nguyên nhân bằng những từ ngữ vô cùng chung chung, với những khái niệm rất trừu tượng có thể lắp ghép vào bất cứ sự kiện nào như “bất cập”, “chưa đề cao đúng mức”, “chưa tốt” thì thật là hoàn toàn vô bổ, nó nói lên tất cả sự hời hợt, thiếu trách nhiệm và bản lĩnh của một Tổng Thanh tra cấp Chính phủ. Duy chỉ có một nhận định mạnh mẽ, dứt khoát: “chưa có chế tài mạnh với các đối tượng cầm đầu khích động người dân đi khiếu kiện…”. Với chính quyền trong tay, dùng biện pháp chuyên chính với các nguyên nhân bất lợi từ phía khách quan là quá dễ. Nhưng tìm cho ra, gọi đúng tên những nguyên nhân chủ quan để tìm cách chữa trị từ gốc mới là điều khó. Vì thế, tôi hoàn toàn tán thành nếu không muốn nói là vui mừng đến xúc động khi Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo: “Chúng ta phải chú trọng tìm cho ra những nguyên nhân chủ quan”, “Ở phía Chính phủ tôi là người chịu trách nhiệm, còn ở địa phương, người chịu trách nhiệm không ai khác là Chủ tịch tỉnh. Chúng ta phải đặt mình vào vị thế người đi khiếu kiện để thấu hiểu được nỗi lòng của bà con, từ đó mới có cách giải quyết vừa đúng luật pháp, vừa thấu tình đạt lý”; “Lãnh đạo tỉnh bây giờ cũng phải như một người thầy thuốc, phải biết bắt mạch và bốc thuốc để trị cho đúng bệnh, chứ đừng như trước đây, cứ bốc đại thang thuốc thập toàn đại bổ rồi tình hình khiếu kiện lại tái diễn như hiện nay”. Phó Thủ tướng còn chỉ rõ, đối với các tổ chức cá nhân làm sai dẫn đến khiếu kiện của dân thì phải kiên quyết xử lý, “làm gương” để lấy lại lòng tin cho nhân dân. Đối với những đối tượng lợi dụng khiếu nại để làm việc xấu, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cụ thể: Phải nghiêm khắc phê bình, nếu tiếp tục sai phạm phải xử lý nghiêm trước pháp luật.

Những người quan tâm đến vấn đề ruộng đất ở ĐBSCL rất tâm đắc ý kiến sau cùng của Phó Thủ tướng: Rà soát, phân loại toàn bộ các vụ khiếu kiện, xem xét lại việc giải quyết, việc nào đã tốt và việc nào sai, chưa thấu tình đạt lý thì giải quyết lại. Là người nhiều năm theo dõi các biến động về ruộng đất ở ĐBSCL, tôi rất vui mừng khi thấy Phó Thủ tướng giao cho các bộ ngành liên quan phối hợp nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, khắc phục những bất cập giữa chính sách pháp luật và thực tiễn, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.

“Nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế”, đó là vấn đề tuy đã muộn nhưng dứt khoát phải làm để bốc cho được thang thuốc trị tận gốc căn bệnh nan y về ruộng đất này.

Nan y bởi tình hình ruộng đất ở ĐBSCL là rất phức tạp, đã tồn đọng nhiều năm do nhiều nguyên nhân. Theo sự quan sát của tôi trong nhiều năm, qua các đơn thư khiếu nại và tìm hiểu trực tiếp, vấn đề ruộng đất ở ĐBSCL không chỉ đơn giản là vấn đề dân sinh, vấn đề cơm áo; nó còn liên quan đến tâm lý, đạo đức, phong tục tập quán của một vùng đất mà con người có những quan niệm sống khác với các vùng nông thôn khác trong cả nước, cần phải được trân trọng. Xin kể một ví dụ về nguyên nhân đi khiếu kiện về ruộng đất của một bà lão đang có mặt tại VPQH 2 ở TPHCM vào thời điểm này. (Do không thể ghi chép, ghi âm, chụp ảnh… bình thường như khi đi làm các điều tra khác, tôi không ghi được họ tên, địa chỉ… mà chỉ còn cách căng óc ra để ghi nhớ những nguyên nhân khiếu kiện của bà con - điều cốt lõi tôi cần nghiên cứu). Bà cụ nọ cho hay, đầu những năm 1980, khi vô tập đoàn, bà đã vô 15 công ruộng. Khi tập đoàn tan rã vào năm 1988, người ta trả lại cho bà 4 công vì nhà có 4 nhân khẩu, 11 công còn lại chia cho các hộ khác. Nếu các hộ được chia ruộng chăm chỉ làm ruộng như bà thì bà không đòi lại. Đàng này có hộ được cấp sổ đỏ rồi lại cho thuê sổ đỏ, cho thuê ruộng để rong chơi và đi đánh đề… thì bà phải đòi lại! Vì, đất của ông sơ ông cố của bà để lại không phải để cho kẻ khác cho thuê rồi đi đánh đề. Lý do đòi ruộng lại của bà cụ chỉ đơn giản thế thôi! Nhưng sự đi đòi ruộng của bà cụ thật là vô cùng gian truân. Vì bà phải đối mặt với… tôi tạm gọi là “sự hàm hồ của lịch sử” (!) “Lịch sử” đã vội vã cào bằng ruộng đất mà quên mất rằng, không phải ai cũng yêu quý ruộng đất và chăm chỉ lao động như bà! Nhân danh đạo lý ông bà, bà cụ nọ đi khiếu kiện ruộng đất (!). Bây giờ có phép tiên cũng không trả lại được ruộng cho bà cụ. Vì nếu thu hồi lại sổ đỏ của kẻ đi đánh đề thì kẻ đó lại đi… khiếu kiện! Đây chỉ là một trường hợp éo le, chưa kể đến hàng chục hàng trăm những nguyên nhân đòi đất khác nhau. Chưa kể đến những trường hợp cậy thế, cậy quyền cướp đất của dân, đến việc nông trường giải thể không chia lại ruộng một cách thoả đáng cho người dân xưa kia đã đưa ruộng vô nông trường. Chưa kể đến tiền bồi hoàn đất bị giải toả để xây dựng khu công nghiệp mà dân chưa đồng ý! Khó quá! Nan giải quá! Ở những nước tiên tiến, khi có vấn đề gì lớn lao đến mức nhà nước không quyết định nổi thì người ta trưng cầu dân ý. Vấn đề khiếu kiện ruộng đất ở nước ta chỉ liên quan đến một bộ phận nông dân nhưng lại quá phức tạp, nên theo tôi cần có một cuộc hội thảo khoa học ở cấp quốc gia. Những nhà nghiên cứu, những cán bộ có tâm huyết với nông dân, những nhà lãnh đạo từng trải… sẽ là những khối óc góp trí tuệ, nêu giải pháp cho nhà nước. Một cơ quan có trách nhiệm sẽ tập họp những tham luận đó để cùng với các ngành liên quan “phối hợp nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế” về chính sách ruộng đất như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Cơ chế hoàn thiện đó sẽ là cẩm nang để chúng ta giải quyết căn cơ những tranh chấp khiếu kiện về ruộng đất bấy lâu nay.

Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần “trọng nghĩa khinh tài”, với bản tính nhân hậu, vị tha, cởi mở, hào hiệp của người nông dân Nam Bộ, họ sẽ dễ dàng chấp nhận những giải pháp đền bù, giải toả, nhận lỗi của người làm sai để đi đến sự bình yên trong vấn đề ruộng đất. Nếu, một khi những đền bù giải toả, nhận lỗi của cán bộ làm sai và cả sự nhận lỗi của bà con đi khiếu kiện thiếu căn cứ… được báo chí công khai, được minh bạch trước dư luận… thì mọi việc sẽ yên ổn. Nhiều khi bà con đi khiếu kiện không phải chỉ vì lý do cơm áo mà vì thấy bất bình, thấy thiếu công bằng. Trường hợp của bà cụ nêu trên là một ví dụ. Lâu nay các cơ quan báo chí bị loại ra khỏi quyền được thông tin về những khiếu kiện ruộng đất. Theo tôi, những chủ trương như thế đã không còn hợp thời trước một “thế giới phẳng” đã hình thành. Lương tâm và trách nhiệm của các nhà báo sẽ bị tổn thương nếu những sự kiện quan trọng của đất nước họ không được tham dự với sự tin cậy của nhân dân.

Kính chúc Thủ tướng sức khoẻ

Lê Phú Khải

TPHCM ngày 17 tháng 7 năm 2007

© 2007 talawas