© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
2.6.2007
Nicolas Kristof
Gã khổng lồ có học
Hoà An dịch
 
Trước tình hình thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ tăng mạnh, Hoa Kỳ muốn đối phó bằng thuế quan và những rào cản khác. Nhưng thiết nghĩ, thay vào đó, chúng ta nên nhìn vào một phương diện của Trung Quốc và đáp trả lại bằng việc thúc đẩy giáo dục.

Một nguyên nhân khiến Trung Quốc có thể sẽ thay thế Hoa Kỳ trở thành quốc gia có địa vị quan trọng nhất trong thế kỷ này nằm ở chỗ: Trung Quốc có nhiều nỗ lực đầu tư vào vốn con người hơn chúng ta.

Khu vực này thuộc miền Nam tỉnh Quảng Tây, nguyên quán của vợ tôi. Ông bà của Sheryl đã rời bỏ quê hương với suy nghĩ họ có thể tìm thấy cơ hội tốt hơn cho con cái mình tại “Mỹ quốc” – “Đất nước tươi đẹp”, như cách gọi Hoa Kỳ của người Trung Quốc. Và quả thật như vậy. Trong những buổi họp mặt gia đình nhà Sheryl, bạn có thể cảm thấy hơi tự ti nếu không có bằng tiến sĩ.

Nhưng khoảng cách giáo dục về giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bị xoá bỏ nhanh chóng. Tôi đã đến thăm một số trường tiểu học và trung học cơ sở ở đây cùng với hai đứa con tôi. Nhìn chung, trình độ môn toán được dạy ở ngay những trường nông thôn này cũng phải tương đương với các trường đặc tuyển ở New York mà các con tôi đang theo học.

Hệ thống trường học nơi con tôi đang học chỉ dạy môn ngoại ngữ khi học sinh lên lớp 7. Trẻ em ở nông thôn Trung Quốc bắt đầu học tiếng Anh ngay từ năm lớp 1 hoặc lớp 3, tuỳ từng trường.

Thành thật mà nói, con gái tôi thấy mệt mỏi khi phải lê bước quanh trường và nhận được ánh mắt chiếu cố, kẻ cả của các thầy giáo ở đây khi nhìn vào vở học của nó: “Ô, cái này thì ở đây học trò kém cháu hai lớp đã được học rồi”.

Tôi cho rằng có bốn lý do khiến học sinh Trung Quốc học khá như vậy.

Thứ nhất, học sinh Trung Quốc ham học, có tham vọng thăng tiến và làm việc chăm chỉ. Ngược lại, trẻ em tại Hoa Kỳ một năm chỉ học ở lớp khoảng 900 giờ, trong khi đó mất đến 1023 giờ ngồi trước màn hình ti vi.

Ở quê của Sheryl, học sinh Trung Quốc có mặt ở trường từ 6.30 sáng để truy bài trước khi giờ học bắt đầu từ 7.30. Các em về nhà ăn trưa vào lúc 11.20, sau đó, trở lại trường học từ 2 giờ đến 5 giờ chiều. Tối nào và ngày cuối tuần nào, các em cũng làm bài tập về nhà, vào dịp nghỉ hè thì mỗi ngày đều dành ra một hai tiếng để ôn bài.

Thứ hai, Trung Quốc là đất nước có truyền thống tôn trọng đạo học rất sâu sắc, điều này một phần là sự kế thừa di sản của Nho giáo, vì thế chính quyền cũng như các gia đình đều có khuynh hướng đầu tư vào giáo dục. Giáo viên ở Trung Quốc được kính trọng và được bồi dưỡng, cả về mặt tài chính lẫn tình cảm, hơn ở Mỹ.

Trong bài bình luận trước đó, tôi có viết về thành phố Quảng Đông đang phát triển rất nhanh; 20 năm trước, khi lần đầu tôi đến thăm, ở đây không có một trường cao đẳng nào. Thành phố đã dành 20% ngân sách để chi cho giáo dục và hiện giờ thành phố đã có bốn trường đại học. 58% dân cư ở độ tuổi từ 18-22 theo học tại một trường đại học nào đó – một tỉ lệ đáng kinh ngạc.

Thứ ba, người Trung Quốc cho rằng ai có bằng cấp tốt nhất là do người đó làm việc chịu khó nhất. Trái lại, nhiều người Mỹ thì cho rằng những học sinh giỏi nhất là những người “thông minh vốn sẵn tính trời”. Kết quả là học sinh Trung Quốc không bao giờ phải tự ti khi trí tuệ bẩm sinh không có gì đặc biệt.

Nền giáo dục Trung Quốc có những vấn đề của nó, trong đó có tệ hối lộ giáo viên và mức lệ phí để học sinh được vào trường điểm; các lớp học quá tải với 50-60 trò một lớp, trang thiết bị giáo dục hạng hai, các trường đại học chất lượng thấp. Nhưng những tiến bộ trong hơn 20 năm qua quả thật rất đáng nể.

Hẳn nhiều người Trung Quốc sẽ lắc đầu khi đọc bài viết bài này và nói rằng thực sự không phải thể. Họ sẽ phàn nàn rằng các trường học ở Trung Quốc dạy theo kiểu học thuộc lòng chứ không kích thích sự sáng tạo hay tình yêu đối với bản thân sự học. Những tranh luận như thế rất có ích cho các trường học và đã dẫn đến những cải tiến trong việc dạy tiếng Anh, kết quả là học sinh ở các thành phố Trung Quốc giao tiếp bằng tiếng Anh tốt hơn học sinh Nhật hay Hàn Quốc.

Sau khi về thăm quê của Sheryl, tôi đã đưa một video lên trang web của báo Time. Không bao lâu sau, tôi rất ngạc nhiên khi nhận được phản hồi rất tích cực trên blog của tôi từ một người phụ nữ đã từng sống tại làng đó.

Litao Mai, có lẽ là một người họ hàng xa của tôi, lớn lên trong một ngôi nhà mà chị nhận ra qua video clip của tôi. Cha mẹ của chị chỉ học đến lớp 3 nhưng chị là người đầu tiên trong làng vào học cao đẳng. Giờ thì chị đang làm việc cho tập đoàn Merrill Lynch [1] ở New York; chị tự mô tả mình là một “cô thôn nữ nhỏ bé” giờ đã thành một “nhà tư bản trên phố Wall”.

Đó là sự kỳ diệu của giáo dục và phía sau Mai còn có hơn 1.3 tỉ người như thế nữa.

Vậy nên, đừng đối phó với sự gia tăng thặng dư của Trung Hoa bằng cách dựng lên những rào cản. Tốt hơn, hãy làm như những gì chúng ta đã làm sau khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik năm 1957: hãy nâng cao những tiêu chuẩn giáo dục để có thể tham gia vào cuộc cạnh tranh này.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Merrill Lynch: Tập đoàn tài chính và bảo hiểm lớn của Mỹ.
Nguồn: New York Times 28-5-2007