Ãiểm cuốn “Búa và Cù (liá»m): Lịch sá» chủ nghÄ©a cá»™ng sản qua tiếu lâm thá»i cá»™ng sản†của Ben Lewis
Nghiên cứu mới độc đáo tuyệt vời về sự sụp đổ của khối cộng sản Liên Xô bắt đầu bằng một bài viết về tiếu lâm thời cộng sản trên tạp chí
Prospect. Lập luận của Ben Lewis không đơn giản là tiếu lâm (chính trị) đã làm dịu bớt những đau khổ của người dân sống dưới thời cộng sản trong suốt nhiều thập niên dài đằng đẵng, xám xịt đó, mà bằng cách thường xuyên mô tả chủ nghĩa cộng sản là lố bịch và không thể thực hiện được, cuối cùng thì chúng (tiếu lâm thời cộng sản) – tất nhiên là cùng vô số các tác nhân khác – đã góp phần lật đổ chế độ này.
Lewis lao công khổ tứ, đi khắp hang cùng ngõ hẻm để theo đuổi sứ mệnh, hay ám ảnh, của mình. Ông phỏng vấn một hoạ sĩ già 107 tuổi, chuyên vẽ tranh biếm hoạ thời Liên Xô, sống trong một căn hộ tập thể ở Moskva, người đã từng châm biếm Trotsky để lấy lòng Stalin. Ông tìm ra Lech Walesa, vẫn sống ở Gdansk với niềm cay đắng, giống như nhiều nguyên lãnh tụ chính trị khác. Và ông tìm được nhiều mẩu tiếu lâm mà giờ đây không còn gây cười tại các quán rượu nữa. Chẳng hạn, một trong những giai thoại thuở ban đầu kể: “Một phụ nữ nông dân nghèo đến thăm sở thú Moskva, và lần đầu tiên nhìn thấy con lạc đà. ‘Lạy chúa tôi’, bà thốt lên, ‘Hãy nhìn xem những người Bolshevik đã làm gì với con ngựa thế này!’” Nhưng những mẩu tiếu lâm chính trị khác thời Stalin vẫn còn độ sắc bén. “Những lời cuối cùng của Mayakovsky trước khi tự tử là gì? ‘Các đồng chí, đừng bắn!’” Và đây là một trong những giai thoại hay nhất: “Một giáo viên hỏi học sinh trong lớp, ‘Ai là cha mẹ của các em?’ Một học sinh trả lời, “Mẹ em là nước Nga, còn cha em là Stalin.’ ‘Tốt lắm,’ giáo viên nói. ‘Và khi lớn lên, em muốn làm gì?’ ‘Mồ côi cả cha lẫn mẹ’.”
Không rõ vì lý do gì, nhưng các chính thể cộng sản khác hình như không sản sinh ra những ch(tr)uyện hài hước mang tính chất lật đổ như vậy. Theo Lewis, chắc chắn ở Trung Hoa và Bắc Triều Tiên đều không; mặc dù tôi thấy hoài nghi khi Lewis cho rằng cả những người dân bản xứ Cuba, vốn dĩ vô chính phủ, cũng không sáng tác tiếu lâm chính trị. Một lý do giải thích sự phong phú của giai thoại tiếu lâm chống Liên Xô có thể là vì tất cả những nước Ðông Âu thời tiền 1989 không chỉ chế nhạo chủ nghĩa cộng sản, mà còn chế giễu cả đế quốc Nga cù lần.
Một khía cạnh ngu dốt của Moskva là nỗ lực thay thế các mẩu tiếu lâm nổi loạn của người dân bằng “Sự hài hước tích cực” chính thống - những mẩu tr(ch)uyện đùa ca ngợi cách mạng, hay chuyên chở bài học luân lý về việc giai cấp vô sản nên uống ít vodka hơn. Nhưng bất kỳ một tr(ch)uyện đùa nào mang một sứ mệnh trang nghiêm đều không thể gây cười nổi, vì thế nói chúng “không buồn cười” thì còn quá nhẹ. Trong khi đó, những giai thoại tiếu lâm tự phát (
anekdoty trong tiếng Nga) không hề bệnh hoạn hay có thái độ ghét người; chúng chỉ bộc lộ một sự tuyệt vọng lành mạnh, tỉnh táo.
Sự thiếu thốn thực phẩm thường xuyên dưới thời cộng sản sản sinh ra vô số ch(tr)uyện hài hước. “Vì sao không có bột mì để bán? Vì họ bắt đầu cho vào bánh mì.” Giai thoại này có thể được áp dụng khá hợp với tình cảnh của Zimbabwe dưới quyền ông Mugabe ngày nay. (Tôi được nghe một mẩu tiếu lâm Zimbabwe gần đây, “Trước khi có nến, người ta dùng gì ở Zimbabwe? Ðèn điện.”)
Trong những năm 1980, thậm chí cả (thảm hoạ nguyên tử) Chernobyl cũng gây cười. “Cần bao nhiêu người Nga để thay một cái bóng đèn? Không cần ai. Ðằng nào chúng cũng đều phát sáng cả.” Nhưng đây là thập niên của perestroika, của glasnost và của những tia bình minh yếu ớt. Ronald Reagan thích thu thập các mẩu tiếu lâm chống cộng; với bản năng thiên tài-thằng ngốc của mình, ông ta nhận ra rằng chúng không chỉ buồn cười, mà còn có ý nghĩa quan trọng. Theo Lewis, tại các hội nghị thượng đỉnh, thậm chí Reagan còn chia sẻ chúng với Gorbachev, và họ cãi nhau xem điểm nút nào của ch(tr)uyện là đúng.
Thường thì chỉ những lời xuyên tạc về bộ máy quan liêu nặng nề của cộng sản cũng đủ gây tiếng cười đen. Chính thể của Ceausescu ở Romania đáp lại cuộc khủng hoảng thiếu lương thực không phải bằng cách tổ chức sản xuất lương thực tốt hơn, chưa nói đến việc giải phóng thị trường, mà bằng cách tuyên bố kết quả tìm được của một “uỷ ban dinh dưỡng” đặc biệt, trong đó chỉ ra rằng người Romania cần ít năng lượng (calories) hơn người những nơi khác. Có lẽ Mugabe của Zimbabwe nên thử áp dụng phát kiến này chăng? Hay hội đồng tướng lĩnh Miến Ðiện?
|
Dmitry Astakhov, Presidential Press Service via The AP |
Ðiều đáng chú ý, như Lewis chỉ ra, là chủ nghĩa phát xít sản sinh ra rất ít tiếu lâm – chắc hẳn không phải chỉ vì chủ nghĩa phát xít là của Ðức? Người dân dưới thời cộng sản cười giễu chủ nghĩa cộng sản; trong khi đó, người dân sống dưới chế độ phát xít chế nhạo dân Do Thái. Bất chấp thực tế là, đứng về mặt con số thống kê, cộng sản Liên Xô huỷ hoại hạnh phúc của con người, và thực ra, (huỷ hoại) chính cả con người, cũng chẳng hề thua kém gì phát xít, nhưng dư ảnh về thời phát xít vẫn là sự tàn ác của nó; trong khi đó, dư ảnh của chủ nghĩa cộng sản đơn thuần là sự ngu dốt hơn. Và sự ngu dốt của con người làm chúng ta cười, trong khi sự tàn ác làm chúng ta lợm giọng, hoặc xấu hổ. Tuy vậy, cũng có một giai thoại tiếu lâm Do Thái thời phát xít: “Sự khác nhau giữa người Do Thái lạc quan và bi quan là gì? Tất cả những người Do Thái bi quan đều sống lưu vong. Còn những người lạc quan thì ở trại tập trung.”
Ðiều hơi đáng thất vọng là Lewis không đưa chúng ta tới thẳng nước Nga thời Vladimir Putin. Ngay cả khi chủ đề nghiên cứu của ông, nói một cách chặt chẽ, là chủ nghĩa cộng sản, thì chắc hiện giờ hẳn cũng có một số giai thoại thú vị, phải thế không? Mặc dù có lẽ sẽ chẳng có gì tức cười bằng những tấm ảnh của Putin, vui vẻ cởi trần trong chuyến đi câu cá ở Siberia.
Lewis hơi cẩu thả khi ông viết Molière sống vào thế kỷ 18, hay khi ông đánh giá thấp vai trò quan trọng khiến chủ nghĩa cộng sản sụp đổ của Giáo hoàng John Paul II, người trực tiếp khuyến khích nổi loạn và Công đoàn Ðoàn kết tại quê hương Ba Lan của ông, sự kiện được nhiều người coi như “Khởi đầu của sự kết thúc”. Tuy vậy, một trong những kết luận tổng quan của Lewis đáng được trích dẫn lại. “Nếu bạn đặt vấn đề với chủ nghĩa cộng sản, kết quả là bạn sẽ có dân chủ. Nếu bạn đặt vấn đề với dân chủ, kết quả là bạn sẽ có… dân chủ hơn.” Và nghiên cứu của Lewis là một đóng góp có giá trị cho tình trạng vô chính phủ vui vẻ và nhân ái của tiếng cười, với tương đương gần gũi nhất chính là cái hệ thống hỗn loạn, đổ nát của niềm mơ tưởng chính trị được gọi là dân chủ. Cuốn sách của ông thậm chí còn đưa ra bài học đạo đức, rằng chúng ta không bao giờ nên ngừng việc sáng tác tiếu lâm về Gordon Brown và David Cameron, về các chiến binh chiến đấu cho hệ sinh thái và các sếp cảnh sát ngu dốt, về các tỉ phú đầu sỏ và nhóm jihad Hồi giáo bất tài… Như thường lệ, chúng ta có vô số mục tiêu (để chế nhạo).
Còn đây là giai thoại tiếu lâm mà tôi khoái, dù bạn đồng ý hay không: “Giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản là gì? Là chủ nghĩa nghiện rượu.”
Bản tiếng Việt © 2008 talawas