21.1.2005
Tam Nguyen
Văn học hải ngoại có những vấn đề nan giải. Điều đó là tất yếu và cũng đã được một số tác giả nghiên cứu, trình bày, trong đó phải kể đến những bài viết gây ấn tượng mạnh của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc.
Trong bài „Hiện trạng lão hoá nơi các nhà văn hải ngoại“ trên talawas ngày 15.1.2005, tác giả Nguyễn Văn Lục chỉ hạn chế vấn đề vào „nơi các nhà văn hải ngoại“, trong khi chúng ta đều biết rằng chỉ có các nhà văn thì chưa làm nên một nền văn học. Còn phải có công chúng, giới phê bình, nghiên cứu, giới truyền thông, xuất bản, quảng cáo, v.v. Tiếc rằng tác giả đã không đề cập đến những mảng khác nhau cấu thành nên một tổng thể là nền văn học hải ngoại. Phần mang tựa „Tình trạng lão hoá ngay chính nơi độc giả“ rất sơ sài, không có phân tích và dẫn chứng gì thuyết phục.
Thực ra trong bài này, tác giả Nguyễn Văn Lục chỉ liệt kê một cách rất không đầy đủ các tên sách và tác giả. Liệt kê thì chỉ có cách lựa chọn giữa một là liệt kê hết, có nghĩa là không sót thứ gì; hai là liệt kê trên cơ sở những tiêu chí nhất định của sự chọn lọc. Ở bài viết này, người đọc không nhìn thấy những tiêu chí ấy, vì vậy sự liệt kê dường như là kết quả ngẫu nhiên, tức tác giả biết ai, tìm được tên sách nào thì dẫn ra, không biết hoặc không tìm được thì thôi.
Phần phân tích, lập luận của bài viết hầu như không có gì đáng kể nếu không muốn nói là rất hời hợt, yếu ớt, thiếu cả lô-gíc cần thiết. Chẳng hạn, người đọc không biết rằng việc các tác giả lớp già đã mất và không thể thay thế được thì liên quan gì đến „hiện trạng lão hoá“? Nền văn học nào chả vậy, lớp già một lúc nào đó sẽ ra đi là tất yếu chứ, và lớp già mất đi thì cái còn lại làm sao lại bị „lão hoá“ được? Hay nhận định rằng lớp nhà văn tuổi 45-60 không viết như trước nữa thì có gì liên quan đến „lão hoá“?