© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
2.11.2008
Diá»…m Chi

Cam Giang Nam, cam Giang Bắc

Nếu nhận xét một cách hiểu biết, nếu có một nhạy cảm, ý thức về tổng thể, một khả năng xử lý, tiêu hoá tốt kinh nghiệm sống - đặc biệt cho những người đã sống ở Việt Nam một thời gian sau 1975 - thì sẽ thấy không thể áp dụng chuẩn mực của bên này cho bên kia để có thể hành ngôn kênh kiệu như "quái trạng văn hóa", "ngớ ngẩn" v.v... Ông Hoàng Ngọc-Tuấn chỉ có thể sống, làm việc như cách ông đang làm tại Úc, chưa chắc làm được tại Pháp, rất có thể không làm được ở Đài Loan, và là "Mission impossible in Beijing", dầu rằng không gian phát biểu của trí thức Trung Quốc hơn Việt Nam. Nếu thả dù ông xuống Việt Nam, với sứ mạng và cẩm nang làm việc của ông hiện tại, mời ông Tuấn và các bạn tưởng tượng ông sẽ xoay xở ra sao.

Là một kỹ sư, được đào tạo và làm việc nhiều năm ở phương Tây, tôi chưa thấy thầy mắng trò, đồng nghiệp mắng nhau mà dùng những chữ như "quái trạng", "ngớ ngẩn"... Nói vậy, dù có đúng - mà cái đúng ở đây còn ít nhiều cục bộ - thì thông điệp chính vẫn là hạ nhục hơn là đóng góp, trao đổi, sửa sai. Người bị hạ nhục có là thánh mới tiếp thu được nội dung đóng góp, khán thính giả thì nghe mắng lây. Lối trao đổi này hướng nội, vị ngã hơn là hướng ngoại, vị tha. Văn chương Việt Nam tiền hiện đại vẫn tả những ông thầy dữ tợn nhưng lòng lành, mắng chửi, đánh đập học trò tàn bạo nhưng rất yêu trò, muốn cho trò nên người "yêu cho roi, cho vọt". Bố tôi kể khi học ở trung học Thăng Long, vẫn bị một thầy dạy toán nắm tóc, nện trán vào bảng, có khi vêu đầu, mắng "tại sao mày ngu thế?" Nền giáo dục ở Úc khá tiên tiến, những lời nặng nề của ông Tuấn, một người sinh hoạt trong môi trường đại học, có phải là âm ba của giáo dục, xã hội An Nam xa xưa ngân nga và giao thoa với hiện tại và chỉ áp dụng cho người Việt Nam?

Nhắc tới chuyện kể năm 2000 trên Hợp Lưu: Khánh Trường, chủ biên Hợp Lưu lúc đó đã lấy quyết định hành chánh chấm dứt cuộc "trao đổi" vì nó đi quá xa. Đây là một bằng chứng của sự bất lực của "trí thức" Việt Nam, xa hơn là "trí thức" châu Á, xác định trật tự vua - "trí thức"; trí thức thưa chuyện với vua, vua lấy quyết định cho trí thức, chứ trí thức không thể nói chuyện, làm việc, trao đổi với nhau, đặc biệt là khi bất đồng. Quan hệ hàng dọc quan trọng hơn quan hệ hàng ngang. Những người tham dự, lúc đó và bây giờ, thiếu sự nhanh nhậy, tỉnh táo để tiến, biết thoái, biết thắng, biết thua, biết nâng nhau dậy, biết bắt tay nhau. Đừng trách nhà cầm quyền Việt Nam ù lì, cố chấp. Một cách hành xử đẹp có thể là: "cách anh trích dẫn không là cách tôi quen thuộc, dẫn tới sự hiểu lầm, và quá lời, I'm very sorry", hay "tôi quen làm việc như vậy, vì nó là như vậy, làm khác nhiều khi lôi thôi to, xin đa tạ những góp ý đúng của anh, I'm very sorry too". Văn hóa "I'm sorry" trên cửa miệng của nhiều giai tầng xã hội ở Âu, Mỹ cần được trí thức Việt Nam lưu tâm ngang với kỹ năng học tập, phương pháp làm việc. Chỉ cần học hỏi trong vài tiếng là biết trích dẫn đúng qui cách; áp dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng dose, đúng đối tượng, cân nhắc đúng tương quan giá-phẩm chất... là nhiều biến số khác của bài toán tối ưu khi bàn về phương pháp.

Bắt tay nhau, trang nhã với nhau là thái độ lành mạnh trong một cõi kế thừa, học hỏi, trao đổi, làm việc chung và rất riêng.