© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
16.10.2008
Nguyễn Hoàng Văn
Lơ láo và phản động
 
Cứ dựa theo ý tưởng của Victor Hugo mà luận thì, có thể nói, “Dự án Công viên Văn Miếu” là một dự án lơ láo và phản động.

Nếu “miếu” là công trình kiến trúc để thờ thì Hugo, trong Notre Dame de Paris, cuốn tiểu thuyết cũng mang tên một công trình kiến trúc để thờ, đã phân tích khá kỹ cái trạng thái lơ láo này. Trong phần hai của chương 5, mang tên “Cái này sẽ giết cái kia”, nhà văn sống gần trọn thế kỷ 19 đã nhấn mạnh đến cái viễn tượng sợ hãi mà phát minh của Johannes Gutenberg vào giữa thế kỷ 15 đã mang lại cho những lớp lang quyền lực thời ấy: kỹ thuật in sẽ giết chết nghệ thuật kiến trúc, sách vở sẽ giết chết những lâu đài, báo chí sẽ đánh gục sự độc tôn của giáo quyền, nền văn minh nào cũng bắt đầu bằng thần quyền và kết thúc bằng một nền dân chủ.

“Nghệ thuật kiến trúc” ở đây phải hiểu là thứ nghệ thuật vừa hoành tráng vừa tỉ mỉ của nền kiến trúc cổ điển hay tiền cổ điển bởi kiến trúc, như một khái niệm nghệ thuật chung, có bao giờ chịu chết? Vấn đề là, trong lịch sử nhân loại, và trong cái nhìn dĩ Âu vi trung của Hugo, mãi cho đến thế kỷ 15 nghệ thuật kiến trúc vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò của “sách” khi những công trình bằng đá vẫn còn là phương cách chính yếu nhất mà con người, như một thực thể quyền lực và trí tuệ, sử dụng để phô diễn tư tưởng. Lúc ý thức được rằng bộ nhớ của mình đã bị quá tải thì con người bắt đầu tìm cách lưu dấu trên mặt đất và do đó mỗi một đài tưởng niệm họ dựng lên đã trở thành dấu ấn của truyền thống thời đại hay thế hệ của mình. Những đài tưởng niệm đầu tiên chỉ đơn giản là những đống đá và nghệ thuật kiến trúc cũng bắt đầu như là chữ viết. Khi lật một tảng đá đứng lên thì con người đã bắt nó đóng vai của một thứ chữ cái, như là thứ chữ tượng hình của người Ai Cập. Khi vần những tảng đá đứng kề bên nhau hay khi xếp chúng nằm chồng lên nhau, thì đó là lúc là họ đã tạo nên những âm tiết của đá. Khi họ kết nối những khối đá ấy với nhau để tạo nên một hình thể trọn vẹn nào đó, như những mộ đá của người Celt chẳng hạn, đó chính là lúc họ đã tạo nên những từ trọn nghĩa bằng đá. Dần dà, họ tiến tới những cấu trúc phức tạp hơn với những từ ghép, những cụm từ, những câu hoàn hảo và cuối cùng là những pho sách bằng đá với những lâu đài, những đền tưởng niệm hay những thánh đường hoành tráng, vĩ đại. Nhưng đến khi có thể thoải mái phô diễn ý tưởng cũng như lưu dấu vết của mình trên những trang sách thì con ngươi đâu có cần phải cực nhọc với đá? Nếu “đá” là biểu tượng của sức mạnh thần quyền thì giấy là biểu tượng của trí tuệ và khái niệm “Cái này sẽ giết cái kia” chính là ở đó, chính là những cuốn sách có sức phổ cập rộng rãi nhờ vào cái máy in của Gutenberg và sự hết thời của những cuốn sách cực kỳ tráng lệ và cực kỳ tốn kém bằng đá như Notre Dame de Pari mà nhân loại cảm thấy không cần thiết nữa. “Nền văn minh nào cũng bắt đầu bằng thần quyền và kết thúc bằng một nền dân chủ” và, nói theo Hugo, “văn minh đá” đã kết thúc với sức công phá của nền dân chủ trí tuệ kể từ sự ra đời của cái máy in.

Sau đó thì đến lượt “văn minh giấy”. “Văn minh đá” đặt trên niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh thần linh, “văn minh giấy” dựa vào quyền lực của trí tụê. Nhưng quyền lực nào cũng làm tha hoá con người và để níu kéo thứ quyền năng mang tính thần linh, như là một tàn dư của “văn minh đá”, họ lại tìm cách ngăn chặn và hạn chế tính dân chủ của trí tuệ. “Thần quyền” của những nền toàn trị hiện đại, như thế, chính là thứ quyền lực xây dựng trên những hệ thống kiểm soát và phân phối tri thức cực kỳ lớp lang nhưng cũng cực kỳ thô bạo và nhỏ nhen, bần tiện [1] . Chính trò kiểm soát và phân phối ty tiện này đã tạo nên những môi trường tri thức mập mờ và những giống ký sinh trùng trí tuệ sống bám vào sự mập mờ đó, điều mà chúng ta có thể thấy rõ qua câu chuyện chấm phá của nhà văn Vũ Thư Hiên về một “ủy viên văn hoá” của nền toàn trị [2] :

Lưu Quý Kỳ là người không dễ hiểu. Những anh em tập kết kể trong miền Nam Lưu Quý Kỳ là đệ tử ruột của cả Ba Duẩn lẫn Sáu Búa. Khi Ba Duẩn lên án cải lương ủy mị, đã không có tác dụng động viên bộ đội chiến đấu thì chớ, còn làm họ yếu lòng, Lưu Quý Kỳ nhanh nhảu lập tức ra lệnh nghiêm cấm không cho hát cải lương nữa. Chuyện những nhà mác-xít nay cấm cái này mai cấm cái kia không phải là chuyện lạ. Các nhà lãnh đạo miền Bắc cấm tranh hội hoạ siêu thực, đa đa, lập thể, cấm nhạc trữ tình, nhạc buồn, gộp chung vào thành "nhạc vàng", cấm viết văn có "biểu tượng hai mặt" thì ở miền Nam các bậc thế thiên hành đạo cấm có một thứ nhạc cải lương thôi còn ít. Khốn nỗi, ai cũng biết nhân dân Nam bộ yêu mến cải lương như thế nào, và lệnh cấm cải lương gây ra một phản tác dụng dữ dội. Nhiều người bỏ kháng chiến trở về thành chỉ vì ở vùng kháng chiến không có cải lương. Người ta còn kể khi nhận được các tài liệu lý luận văn nghệ nào từ miền Bắc gửi vào Lưu Quý Kỳ đọc xong, ghi chép xong là đốt ngay, không cho ai được đọc nữa. Thế là anh độc quyền những lý luận văn nghệ xã hội chủ nghĩa để dạy dỗ các văn nghệ sĩ không bao giờ được tiếp cận những tài liệu nọ. [3]

Thì, cũng là trò đốt sách. Tần Thủy Hoàng xây dựng nền “văn minh đá” Vạn lý Trường thành bằng cách đốt sách, chôn sống học trò; hệ thống toàn trị của nền văn minh giấy thì đốt sách để độc quyền lên lớp và nhào nặn học trò. Thứ “văn minh giấy” này hoàn toàn trái ngược với những gì mà Hugo nhìn ra từ phát minh của Gutenberg. “Văn minh giấy”, với Hugo, là phương tiện truyền bá trí tuệ, làm lung lay thần quyền tôn giáo. Còn thứ “văn minh giấy” trong tay những “ủy viên văn hoá” cơ hội và bần tiện lại là công cụ hạn chế trí tuệ, cũng cố “thần quyền” của những nhà toàn trị.

Bây giờ thì, sau những cuốn sách bằng đá và bằng giấy, nhân loại đang bước vào vào một thời kỳ mới với cuốn sách mang tên digital và như thế, “Cái này sẽ giết cái kia”, chính nền “dân chủ điện toán” đang hình thành này sẽ xoá sổ sự mập mờ của môi trường tri thức mà nền “thần quyền” toàn trị luôn nơm nớp gìn giữ. Trong thời đại mà, chỉ một sớm một chiều, một danh từ như Google mau chóng hoá thân thành một động từ, to google, làm sao một “ủy viên văn hoá” cơ hội chủ nghĩa như Lưu Quý Kỳ có thể giở trò láu cá [4] ? Làm sao một “ủy viên văn hoá” như Trường Chinh có thể an nhiên sao chép Roger Garaudy để phù phép Le Marxisme et la Renaissance de la culture Francaise trở thành Chủ nghĩa Mác và Vấn đề văn hoá Việt Nam [5] .

Chính cái tâm trạng lơ láo và bất an về viễn tượng không một chỗ đứng của những Lưu, Trường còn sống mới là nguyên nhân sâu xa nhất của “Dự án Công viên Văn Miếu” đang gây tranh cãi. Không một chỗ đứng trong nền “dân chủ điện toán” đã đành, những kẻ sống bám vào sự mập mờ tri thức cũng không thể tìm thấy chỗ đứng của mình cả trong nền “văn minh giấy” thực sự dân chủ? Lơ láo, bất an sẽ mất sáng suốt. Mất sáng suốt sẽ không thấy được những điều mà bất cứ người bình thường nào cũng có thể thấy được. Lẽ nào những Lưu, Trường còn sống không thấy rằng, ngày nay, có nhắc tới Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du, chúng chỉ nhắc vì “Bình Ngô đại cáo” hay Truỵện Kiều chứ đâu phải vì hai cái tên được khắc trên bia đá? Lẽ nào họ không thấy được rằng, sau hơn nửa thế kỷ vừa bị mạ lỵ thậm tệ vừa bị xoá tên, ngày nay chúng ta có nhắc lại Phạm Quỳnh là nhắc đến từ những công trình thực sự mang tính học thuật tập hợp trong Thượng Chi văn tập chứ đâu phải vì tấm bia đá hay bảng vàng đề tên nào [6] ?

Như thế, không nói đến những chuyện xa xôi của một đất nước có quá nhiều chuyện gọi là “bức xúc”, có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài cho mai hậu, khi nền giáo dục quốc gia lâm vào tình trạng gọi là “khủng hoảng toàn diện” mà những thành phần xem là ưu tú nhất của nền giáo dục ấy có thể an nhiên nghĩ ngợi đến việc lưu cái tên của mình lại cho đời sau bằng cái phương tiện cổ lổ của thời trung đại thì đó quả là một điều… bức xúc.

Điều “bức xúc” ấy chỉ chọn lựa cá nhân. Đặt trong bối cảnh chung, trên cái trục tuyến tính của thời gian như một chọn lựa chung thì, nếu trở thành hiện thực để làm tiêu tốn tài nguyên quốc gia, cái dự án mang tầm quốc gia này chính là một dự án phản động.

Lơ láo và phản động, đó là những gì chúng ta có thể nói về cái dự án đang gây tranh cãi này.

Sydney 15.10.2008

© 2008 talawas



[1]Thí dụ chính sách lý lịch trong giáo dục
[2]Về khái niệm “ủy viên văn hoá”, xin xem bài “Sự sa đoạ của Trương Nghệ Mưu”, talawas. Theo tài liệu của Từ điển Bách khoa Việt Nam thì Lưu Quý Kỳ (1919 - 82) quê Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1937, vào Nam kỳ làm bí thư Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Nam Kỳ, năm 1939 làm chủ bút báo Mới của Đoàn Thanh niên Dân chủ Nam kỳ. Sau tháng Tám 1945, làm báo Quyết thắng và tạp chí Ánh sáng tại Huế. Năm 1947 làm chủ bút báo Cứu quốc Khu IV. Năm 1948 vào Nam trong phái đoàn trung ương và năm 1949 giữ chức trưởng ban tuyên huấn Xứ uỷ Nam bộ. Năm 1954, ra Bắc giữ chức vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương và là Tổng thư kí Hội Nhà báo Việt Nam.
[3]Vũ Thư Hiên, (1997), Ðêm giữa ban ngày, Văn Nghệ, California, chương 15
[4]Tên miền www.google.com được đăng bộ ngày 15.9.1997 và động từ “goole” được Larry Page, một sáng lập viên, chính thức sử dụng ngày 8.7.1998 khi viết trong “mailing list”: "Have fun and keep googling!" Gần hai tháng sau công ty Google, Inc. chính thức ra mắt (7.9.1998). Năm 2002 tổ chức American Dialect Society chọn động từ “to google” là động từ “được sử dụng nhiều nhất trong năm. Ngày 15.6.2006 “to google” được chính thức ghi nhận trong Oxford English Dictionary và tháng sau thì được đưa vào Merriam-Webster Collegiate Dictionary.
[5]Trường Chinh đã sao chép cuốn Chủ nghĩa Mác và công cuộc phục hưng nền văn hoá Pháp (Le Marxisme et la Renaissance de la culture Francaise) của Roger Garaudy để viết Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam. Theo Vũ Thư Hiên (sđd, chương 18) thì: “Bố cục cuốn sách gần như giữ nguyên, thậm chí Trường Chinh trích dẫn đúng những đoạn mà Roger Garaudy trích dẫn Marx, Engels, và cả Jean Fréville”. Ngoài ra cuốn Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi của Trường Chinh giống hệt cuốn Trì cửu chiến của Mao Trạch Ðông. Vũ Thư Hiên cũng cho biết cuốn Sửa đổi lề lối làm việc của Hồ Chí Minh chính là sản phẩm pha chế từ cuốn Chỉnh đốn văn phong của Mao Trạch Ðông và cuốn Sự tu dưỡng của người đảng viên cộng sản của Lưu Thiếu Kỳ.
[6]Thượng Chi văn tập của Phạm Quỳnh được Nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) xuất bản năm 2006.