© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
17.12.2004
Thảo Hảo
Tâm trạng của anh phóng viên “kém tiếng Việt”
 
Ngày 8.12.04, qua điện thoại, phóng viên đài BBC phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines. Sau đây là đoạn cao trào nhất trong cuộc phỏng vấn 5 phút này.

PHÓNG VIÊN (PV): Các máy bay mà Vietnam Airlines mua thì sẽ dần dần thay thế các máy bay mà hiện nay đang thuê, phải không ạ? Hay vẫn có những máy bay mà Vietnam Airlines tiếp tục thuê?

ÔNG NGUYỄN XUÂN HIỂN (NXH): Không. Chúng tôi sẽ tiếp tục thuê. Bởi vì tại sao lại không thuê? Anh còn hỏi gì được thêm nữa không?


PV: Hiện nay thì hãng United Airlines ngay ngày mai họ đã bắt đầu khởi hành chuyến bay từ San Francisco, thì...

NXH: Tôi hoan nghênh, hoàn toàn hoan nghênh, rất hoan nghênh United Airlines mở đường bay đến Việt Nam. Bởi vì thị trường muốn rộng mở, muốn tiến tới mở rộng thị trường, tự do hóa thị trường. Có điều Vietnam Airlines sẽ cân nhắc đầy đủ để bay đến Mỹ cuối năm 2005 – 2006.

PV: Tại sao lại không thể sớm, cùng thời gian với lại United Airlines ạ?

NXH: BỞI VÌ TÔI KHÔNG THÍCH. BỞI VÌ TÔI CHƯA THÍCH.

PV: Mà thưa ông, rõ ràng là khi United Airlines họ bay đến Việt Nam vào cuối tuần này thì, rõ ràng là...

NXH: Đấy là một hiện tượng rất tốt đẹp, trên tất cả các lĩnh vực. Xin chúc mừng.

PV: Và ông không hề sợ là sẽ phải cạnh tranh với những hãng rất là sừng sỏ trên thế giới?

NXH: Ồ, tại sao lại dùng cái từ sợ ở đây nhỉ? Anh ơ... anh phỏng vấn trên điện thoại nhớ, nhưng anh ăn nói hơi thiếu văn hóa đấy.

PV: Dạ không, tôi cũng không nói là...

NXH: Vì có lẽ sống xa tổ quốc nên ngôn ngữ Việt Nam của anh hơi hạn chế. Vietnam Airlines không biết sợ ai hết.

PV: Thôi thì, có thể tôi dùng từ không đúng, nhưng mà theo ông...

NXH: Anh nên học lại tiếng Việt đi xong rồi hẵng tổ chức phỏng vấn, nhé!

PV: Thì tức là tôi có thể dùng...

NXH: Cái cuộc phỏng vấn này được ghi âm đấy!



Nhưng không cần đợi ông đe, anh phóng viên đã ra tay ghi âm trước.


*


Chẳng ai biết được tâm trạng anh phóng viên sau đó. Tôi xin đưa ra hai trường hợp:

Truờng hợp 1: Anh ray rứt vì tiếng Việt của mình

Sau buổi phỏng vấn, anh phóng viên kéo cổ áo đến tận mang tai, gục đầu ra phố, gọi một ly bia để giải sầu.

Anh điểm lại những câu mình đã nói, và thấy không hiểu sao lại bị mắng là “vô văn hóa”.

Anh càng lo âu vì không biết mình bắt đầu làm ông nổi nóng từ đâu?

Sách tâm lý có dạy là “đôi khi sự quá nhẫn nhịn và lễ phép sẽ khiến người đối diện muốn giơ đấm”. Anh đâm hoang mang về giọng nói của mình, về cách ăn nói của mình. Anh ân hận vì mình đã thêm những chữ “ạ” với lại “phải không ạ” đằng sau vài câu hỏi, mức độ lễ phép không thua gì lúc về ăn giỗ ở quê. Ông Hiển có mắng anh là xa tổ quốc lâu nên vô văn hóa. Anh thắc mắc, hay văn hóa hiện nay của người Việt “gần tổ quốc” là không có những chữ quỷ quái này trong câu hỏi?

Anh cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi, mà không tìm ra lý do. Anh đâm sợ quá.

Và ngay cái khoảnh khắc “sợ” đó, anh ngộ ra chân lý: Anh đã quá vô ý. Khi hỏi câu: “Và ông không hề SỢ là sẽ phải cạnh tranh với những hãng rất là sừng sỏ trên thế giới?”, anh đã không biết dùng từ “lo”, từ “ngại”, từ “băn khoăn”... thay cho từ “sợ”, khiến cho ông Tổng Giám đốc chạm tự ái. [1]

Ông, ông mà sợ ai! Bởi vì ông là Tổng Giám đốc một hãng hành không “không biết sợ ai hết” như ông nói. Ông chẳng sợ gì hết á! Nhìn những chuyến bay của Vietnam Airlines trễ hết giờ này đến giờ khác, hành khách mặt hầm hầm (thầm) rủa xả hàng không, ông còn không sợ nữa là... Chúng nó không bay ông thì bay ai? Bầu trời thì chỉ có một...

...

Ngày 14.12.04, đọc trên VnExpress, anh thấy ông giải thích nguyên nhân của cuộc to tiếng này là do “có sự vênh nhau về ngôn ngữ”. [2]

Anh đã biết lỗi và muốn xin lỗi ông, xin thay chữ “sợ” bằng chữ “trăn trở”. Câu hỏi của anh như vậy sẽ là:

Và ông không hề trăn trở là sẽ phải cạnh tranh với những hãng rất là sừng sỏ trên thế giới?”

Nhưng nếu đổi “sợ” thành “trăn trở” như thế, thì cái câu: “Vietnam Airlines không biết sợ ai hết” sẽ phải đọc lại như thế nào?

Anh muốn điện thoại lần nữa về hỏi ông. Nhưng anh sợ tiếng Việt của anh “vênh”, nên thôi vậy.

Trường hợp 2: Anh đã vớ được niềm vui bất ngờ

Sau buổi phỏng vấn, anh phóng viên hớn hở chạy ra phố, gọi một ly bia để tự thưởng cho mình.

Trong cuộc đời làm phóng viên đài, mấy ai hy vọng có được một cuộc phỏng vấn bất ngờ như thế. Xét theo phương diện “giật gân”, thì cuộc phỏng vấn quá sức thành công, khiến thính giả râm ran suốt.

Anh thích nhất là khi ông liên tục cắt lời anh rồi chửi anh “vô văn hóa”. Anh lại càng “tâm đắc” cái câu của ông, khi nói về việc vì sao Vietnam Airlines chưa mở đường bay đến Mỹ. “BởI VÌ TÔI KHÔNG THÍCH. BởI VÌ TÔI CHƯA THÍCH.” Chà, ông trả lời như thể người ta hỏi vì sao hè này ông chưa ghé Sapa! Đường lối của cả một hãng hàng không mà ông nói như là sở thích riêng của ông vậy.

Lâu nay, anh vẫn được coi là “đài địch”. Mà “đài địch” thì có nhiệm vụ phải vạch cho được điểm xấu của “quan chức ta”. Lần này anh đã thành công. Anh đã cho thấy một ông Tổng Giám đốc đến những câu hỏi tầm thường, bé tí thế kia mà còn căng thẳng, mất bình tĩnh, trả lời hớ hênh; làm sao đảm đương nổi những chiến lược xây dựng hình ảnh hết sức tinh tế cho một hãng hàng không lớn?

Nhưng nhớ ra một việc thì anh hơi lo. Bởi vì bản thân anh cũng là một hành khách của Vietnam Airlines. Ông Nguyễn Xuân Hiển, khi “thích” thì gửi thư chúc mừng United Airlines mở đường bay tới Việt Nam, vì theo ông, đường bay đó sẽ “cung cấp dịch vụ cho một nhóm khách hàng, trong đó có cộng đồng người Việt mình bên Mỹ.” [3]

Nhưng khi ông “không thích” thì sao? Cụ thể là không thích anh chẳng hạn... Liệu máy bay của ông có chịu chở anh không? Có cho anh ăn không? Có cho anh dùng nhà vệ sinh trong suốt chuyến bay không?

Về nhà, anh lên mạng, vào thăm dò những hãng hàng không khác – những hãng hàng không “biết sợ ai”, những hãng không có chuyện “thích” hay “không thích”, mà chỉ có chuyện “phục vụ”.

Có nhiều hãng như thế. Chỉ tội bọn chúng không nói “tiếng Việt mình”, dù tiếng Việt mình thì đi lâu rồi anh cũng có hơi quên.

16.12.2004

© 2004 talawas



[1]Trả lời của ông Nguyễn Xuân Hiển trên VnEpress ngày 14.12.2004, http://www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2004/12/3B9D9883/
[2]Như trên
[3]Như trên