© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
25.6.2008
Hồ Phú Bông
Từ Lục Vân Tiên tới “Những ‘Lã Bất Vi’ thời đại mới”
 
Trong bài “Những ‘Lã Bất Vi’ thời đại mới”, Đào Hiếu dùng “dấu nhấn” là câu viết của nhà văn Nam Tư để nói thay cho suy nghĩ của anh khi còn ở tuổi thanh niên. Tôi chưa đọc nhà văn nầy nên không biết lập trường của tác giả dù đã thấy chức vụ “Ủy viên bộ Chính trị Đảng Cộng sản Nam Tư”, do đó nếu có luận bàn tí chút ở đây thì cũng chỉ dựa câu trích dẫn duy nhất đó của Đào Hiếu!

Tiêu Dao Bảo Cự nói về hai chữ phản tỉnh của anh trong một bài viết về Lạc đường, khác với cái phản tỉnh mà Đào Hiếu hiểu. Thôi thì, tôi nôm na theo cách của tôi, là phản/trung và tỉnh/mê cho dễ.

Đời sống của một người là một tiến trình. Không thể cắt đời sống riêng rẽ ra từng đoạn như cắt một thân cây. Khi tiến trình sự sống bị chấm dứt thì đó là cái chết. Tới lúc đó thì “cái quan định luận”. Tuổi hai mươi có thể đã gây ra án mạng, nhưng đến tuổi bốn mươi nhìn lại, không thể nuối tiếc là: “nếu” tôi không gây ra án mạng cho nạn nhân thì chắc chắn nạn nhân đã gây án mạng cho người khác! Và, cũng tuổi bốn mươi, nếu một tù nhân hình sự bỗng trở thành một nhà tôn giáo được nể trọng, đó cũng là chuyện đời thường. “Vứt dao đồ tể thành Phật”! Những thay đổi có tính cách bước ngoặt chỉ là một ngã rẽ, một giai đoạn khác, nhưng không thể không cùng chung trong một cuộc đời!

Nếu câu viết của Milovan Djilas được Ðào Hiếu nhấn mạnh “Hai mươi tuổi mà không theo cộng sản là người không có trái tim” đúng, thì chắc tôi đã không có trái tim! Không có trái tim mà còn sống cho đến bây giờ, cũng lạ! Còn Đào Hiếu, dĩ nhiên là đã có trái tim, nhưng bây giờ lại phân vân chuyện lạc đường? Thế mới khổ! Trái tim chỉ về tình yêu, thuộc cảm tính. Hễ việc gì bị cho là “nhiều cảm tính” thì y như là bị nghi ngờ lệch lạc. Cái nào “nhiều cảm tính” thì cái đó phải xét lại! Người không có trái tim như tôi thì chẳng cần xét lại (!) cho dẫu suy nghĩ, tư tưởng, hành động tuổi hai mươi của tôi có kết quả bi đát: chiến bại trước bạo lực! Tôi bỏ của chạy lấy người! Không phải chạy khơi khơi mà chạy thục mạng! Bươn bả chạy. Bươn thì quí vị biết rồi: rách nát, máu me, xơ xác, kiệt quệ. Cái tơi tả đó dẫu gì cũng ở bên ngoài. Còn lương tâm? Khá là thanh thản! Đã làm hết sức của mình rồi thì đành “tri thiên mệnh”! Tôi không mang một nỗi ân hận nào; tôi đã làm hết sức mình mà kết quả vẫn tồi tệ! Tôi chiến bại, cứ cho là dở về tuyên truyền, dở về chiến thuật, chiến lược... dở đủ thứ. Nhưng tôi hiểu rõ ràng lý do tôi đã chiến đấu! Mấy câu thơ thời tôi phải ôm cây súng nói lên được đôi điều, nên ghi ra lại đây:

“…Mũi súng vô tình bắn lại trái tim.
Trái tim có lũy tre, cây đa, bóng mát,
Có làng xóm thanh bình, mùa rộn tiếng chim…”

Việc tôi không ngây thơ đó, bây giờ đã sáng tỏ!

Lúc tuổi hai mươi, không những tôi đã “cầu nguyện cho bạo chúa sống lâu” mà còn dấn thân để bảo vệ cho “bạo chúa” (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu…), vì cá nhân bạo chúa (dù có được cầu nguyện) thì thời gian cũng sẽ đào thải. Còn tổ quốc mà bị chủ nghĩa cộng sản cai trị thì thiên nan vạn nan mới có thể giải thoát! Chúng tôi (không phải riêng tôi) chống nạn độc tài, thối nát, nhưng vẫn dưới danh nghĩa Việt Nam Cộng hoà. Sự chiến đấu nầy hoàn toàn không phải để bảo vệ cá nhân bạo chúa, hay ủng hộ đế quốc Mỹ xâm lược như cộng sản đã tuyên truyền để đánh lừa dư luận! Rất tiếc, những người tự nhận là trí thức, lại sống ngay giữa Sài Gòn, vẫn không nhận ra rằng cá nhân bạo chúa dù có thối nát, tham nhũng, độc tài, thì cũng chỉ ở mức độ của một con-người-không-có-đạo-đức, lại có thể thay đổi bằng lá phiếu, còn chủ nghĩa cộng sản là cả tập thể không có biên giới tổ quốc, không có căn bản truyền thống dân tộc (vụ Cải cách ruộng đất năm 1956, hay Hoàng Sa-Trường Sa năm 1958 mới phát hiện gần đây, là thí dụ) mà lại đặt trên một chủ thuyết không tưởng, một chủ nghĩa cào bằng nhân cách của người không đồng quan điểm (yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội), đày ải họ xuống tận cùng như con vật. Sự đày ải người chống đối của cộng sản Nga, cộng sản Trung Quốc mà Ðảng Cộng sản Việt Nam kiêu hãnh gọi là “thành đồng của chủ nghĩa xã hội”, là biểu trưng.

Tôi vẫn tự an ủi: không phải cái đúng bao giờ cũng chiến thắng!

Giữa Tiêu Dao Bảo Cự và Đào Hiếu, có thể hai anh tự nhận ra nhiều điều khác biệt.

Với Đào Hiếu thì:

“Nhưng cái thời ấy, những trí thức trẻ như Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, Trần Bội Cơ, Hồ Hảo Hớn, Dương Thị Xuân Quý... và cả những người như anh như tôi đã đi theo cụ Hồ, cụ Giáp, những người hùng đã làm nên một chiến thắng Điện Biên rực rỡ mà không ai, kể cả kẻ thù, có thể phủ nhận được.”

Đào Hiếu tham dự hoạt động cộng sản chỉ vì so sánh hình ảnh giữa Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, với Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu! Đào Hiếu (hay tuổi thanh niên của Đào Hiếu) đã đơn giản hoá và đồng hoá chuyện đất nước, tổ quốc với cá nhân lãnh đạo. Vào nửa cuối thế kỷ hai mươi mà Đào Hiếu vẫn nhận xét giống như thời phong kiến: Đất nước là của Trẫm, trung thành theo Trẫm là trung thành với tổ quốc! Tiếc thay!

Còn Tiêu Dao Bảo Cự thì:

“thời đó tôi không lựa chọn vì nghĩ đến Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp hay chủ nghĩa cộng sản. Tôi vốn không tôn thờ bất cứ thần tượng nào và cũng không có thời gian nghiên cứu sâu về chủ nghĩa. Đơn giản chỉ vì muốn chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự can thiệp của ngoại bang, đòi tự do dân chủ, chống bất công áp bức”.

Ðiều này cũng khá trùng hợp với cảnh Lục Vân Tiên! Cứ thấy hai bên đánh nhau trối chết thì nhào vô (không cần biết là chủ nhà đánh với kẻ cướp, nhưng kẻ cướp lại mồm năm miệng mười, cả vú…) nên thay vì giúp chủ nhà lại đi giúp kẻ cướp để đòi tự do dân chủ, chống bất công áp bức và để thôi… đổ máu!

Đào Hiếu quay nhìn lại tuổi hai mươi, vẫn thấy mình vô tội, và chỉ thấy

“Những người cầm quyền cộng sản ở Việt Nam hiện nay đã phản bội quá khứ, phản bội xương máu của đồng bào đồng chí mình. Họ là những người phải hổ thẹn (nếu họ còn biết hổ thẹn) chứ không phải tôi, cũng không phải anh, không phải những người lính đã ngã xuống ngoài mặt trận”.

Như vậy Đào Hiếu hoàn toàn không dây mơ rễ mà gì với “cỗ máy”? Đào Hiếu là kẻ giang hồ lãng tử, “giữa đường thấy chuyện bất bình” nên (Lục Vân Tiên) ra tay, rồi thôi? Còn “người lính đã ngã xuống ngoài mặt trận” là mặt trận nào? Nam hay Bắc? Cộng sản hay quốc gia? Hay cả hai? Khá rõ ở đây là “lính cụ Hồ”!

Nói về “người lính” thì phải nói về chuyện “chẳng đặng đừng”! “Người lính” không có chọn lựa! Họ bị bắt! “Bắt quân dịch” trong Nam; “Ðược trúng tuyển nghĩa vụ quân sự” ngoài Bắc! (Riêng cách dùng từ đã thể hiện rõ bản chất của giới lãnh đạo!) Chỉ có Đào Hiếu, Tiêu Dao Bảo Cự mới tự nguyện (nhờ Việt Nam Cộng hoà có chút tự do dân chủ, dù trong thời chiến, đã mở cửa tri thức cho quyền lựa chọn). Cho đến nay, Đào Hiếu vẫn “vô can”, còn Tiêu Dao Bảo Cự thì đang cố gắng “sửa sai”! Cái khác giữa Đào Hiếu và Tiêu Dao Bảo Cự là Đào Hiếu lạc đường hay đang phân vân giữa lạc đường, còn Tiêu Dao Bảo Cự thì không lạc đường ở tuổi thanh niên, nhưng tuổi bốn mươi lại đang đào xới làm lại đường (hay làm thêm?)

Vâng, đường nào cũng là đường. Nhưng con đường của đời sống thì không thể cắt ra từng đoạn! Vì cắt đời sống có nghĩa là đời sống đó không còn! Mỗi người trong chúng ta phải cưu mang những quyết định cá nhân và trách nhiệm với nó cho dẫu đúng/sai. Cho dẫu trẻ/già. Hành trình của đời sống là bắt đầu từ tiếng khóc chào đời.

Tôi là kẻ đứng bên ngoài, để phân biệt được giữa Đào Hiếu với Tiêu Dao Bảo Cự thì hơi khó, nếu người trong cuộc không nói ra! Cùng dấn thân thời tuổi trẻ. Cùng ray rứt khi thấy công lao mình lại “đúc nên cỗ máy nầy” như câu thơ của Bùi Minh Quốc! Tôi, và một số người sống trong miền Nam, không phân biệt được đã đành, mà còn nghĩ họ giống như một cặp song sinh. Chỉ chính họ nhận biết cái khác nhau, nên nếu đã lập gia đình riêng (nhưng còn ở chung nhà) thì buổi tối hai bà không đến nỗi chui vô lộn mùng!

Không có số đông những Đào Hiếu, Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Trọng Văn, Dương Quỳnh Hoa, Lữ Phương, Vũ Hạnh… và cả Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ… tại miền Nam thì (có thể) đã không có ngày 30-4-1975! Vì cuộc chiến kéo dài chỉ thêm 14 năm nữa thì đã có biến cố “long trời lở đất” [1] tại Đông Âu! Dĩ nhiên không phải tôi vô cảm trước từng giọt máu đồng chủng, huống gì thêm 14 năm chiến tranh nữa (!) nhưng những người, hoặc ngây thơ, hoặc không tưởng, hoặc tham nhũng đã phá nát hậu phương Việt Nam Cộng hoà để có thêm biến cố Mậu Thân, có thêm đại lộ kinh hoàng Quảng Trị, có thêm Mỹ Lai, có thêm chiến tranh khốc liệt… cho đến khi vòng xích sắt xe tăng Mặt trận Giải phóng miền Nam cán sụp một góc cổng vào dinh Độc lập! (Cái trùng hợp khá hay về hiện tình đất nước nhân vụ đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 ở Sài Gòn là “cán sụp… Độc lập!”)

Những “Lã Bất Vi thời đại” với những người xách Samsonite được “Đảng ta” chào đón: “Ngày nay khi kẻ thù đến thì chính phủ và kẻ thù ôm hôn nhau, tâng bốc nhau, nâng ly chúc tụng nhau rối rít. Lại còn quay phim chụp ảnh, đăng báo ca ngợi rùm beng...” trong khi “trước đây khi kẻ thù đến thì chính phủ cùng toàn dân tay nắm tay, có gươm dùng gươm, có súng dùng súng, nằm gai nếm mật, hy sinh xương máu đánh đuổi chúng” trong đó có bàn tay Đào Hiếu, có Tiêu Dao Bảo Cự và rất nhiều người khác nữa (có cả người tình cũ của tôi), nhưng từ khi Mặt trận Giải phóng miền Nam bị bức tử, họ im tiếng.

Những cái xách Samsonite bây giờ và những cái xách Samsonite trước năm 1975 tại miền Nam khác nhau thế nào? Tài nguyên đất nước nằm trong những cái Samsonite nào? Và “bọn” lãnh đạo thời đó tại miền Nam và các quan ngài bây giờ, ai là người tôn trọng địa vị và nhân phẩm của người dân hơn? Ai nhân danh “là người đại diện ưu tú cho tầng lớp công nhân, nhân dân lao động”, nhưng hàng vạn công nhân, nhân dân lao động đang bị bóc lột tàn tệ, phải đi lao nô nước ngoài, phải làm nô lệ tình dục tại Đài Loan, Đại Hàn, cha mẹ “liệt sĩ” mất đất, mất nhà phải xuống đường đòi quyền sống mà đảng lại kết án là không có một vụ phản đối nào hợp pháp cả?

Đào Hiếu tuổi hai mươi đã lên đường với bàn tay trắng, với trái tim tin yêu, vì hình ảnh ông Hồ, ông Giáp thì Đào Hiếu bốn mươi sao lại chỉ phân vân giữa ngã ba đường “tình”, đứng nhìn căm phẫn kẻ bội phản?

Cứ đứng đó mà phân tích. Cứ đứng đó mà lên án. Cứ đứng đó mà nầy nọ... thì cho dù Đào Hiếu đã có một lạc đường, biết đâu lại không lạc đường thêm lần nữa?

Phản tỉnh hay không phản tỉnh, phản/trung hay tỉnh/mê là nhận thức được đúng/sai và chịu trách nhiệm để thay đổi (hay sửa đổi) nó trong cả một đời người chứ không thể cắt ra từng giai đoạn!

Nói với các anh, tôi không mang hận thù để tự hại bản thân. Cho dẫu bản thân và gia đình đầy gian khổ, đắng cay, nhưng tất cả đã trôi qua. Lương tâm tôi thật thanh thản. Và, cũng nhờ không mang thù hận nên tôi đâu cần chuyện hoà giải hay hoà hợp?

Hiện tại, tuy cộng sản chiêu dụ được đôi người, như Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy… để quảng cáo cái gọi là hoà giải hoà hợp, thì về nhân cách của các nhân vật nầy, ngay cả thời điểm trước 1975, phẩm giá ông nào cũng chưa được xếp hạng tới loại… trung bình! Riêng Phạm Duy thì cứ hỏi ông Nguyễn Trọng Văn về Phạm Duy đã chết như thế nào, sẽ rõ hơn!

Có chăng, vì hơn nửa thế kỷ cai trị hà khắc và gian dối nên ai đó không yên lòng trước khối tài sản khổng lồ ngày đêm họ đang thi nhau đục khoét được, và trước hậu quả của thù hận trong tương lai sắp tới, mới đặt thành vấn đề.

Đào Hiếu đã yêu nửa câu nói đầu của Molivan Djilas thì chắc phải yêu trọn phần hai của câu nói: “Bốn mươi tuổi mà không bỏ cộng sản là người không có cái đầu.” Vâng! Nhưng bỏ không đồng nghĩa với phủi tay! Bỏ là phải can đảm nhận trách nhiệm với nạn nhân của tuổi hai mươi mà mình đã nhúng vào!

Đất nước Việt Nam vẫn là đất nước Việt Nam. Người dân Việt Nam vẫn là người dân Việt Nam cho dẫu lưu lạc năm châu bốn bể! Nhưng cái gì và ai làm họ tản lạc tứ xứ? Thương yêu thì đoàn tụ, còn thù hận phải tan tác. Lịch sử Việt Nam có cuộc chia ly nào “vĩ đại” [2] hơn? Tại ai? Vì đâu? Trong đó chắc phải có phần của những Lục Vân Tiên thời đại!

June 24, 2008

© 2008 talawas


[1]Chữ chính quyền Hà Nội dùng trong thời “Cải cách ruộng đất”.
[2]Chữ Ðảng Cộng sản Việt Nam thích dùng.

1