© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
9.5.2008
Việt Tử Nguyễn Nhất Nam
Như một lời tạ lỗi
 
Đợt vừa rồi tôi phải chuyển nhà. Kèm theo việc chuyển nhà là một mớ việc linh tinh khác. Nhưng có một việc như thế này.

Từ trước đó, hôm dọn hầm, tôi đã thấy có một tấm bảng gỗ ép, kích thước chừng 90 cm x 120 cm x 1 cm, được sơn nền đen giống màu sơn mài. Trên mặt tấm bảng có in: "Southern Vietnam Banknotes 1955 - 1965", chữ in màu vàng. Đây là thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam, mà người ta hay gọi là Thời kỳ Đệ nhất Cộng hoà Nam Việt Nam. Phía dưới dòng chữ, là một loạt các mẫu tiền giấy của miền Nam thời kỳ đó. Những mẫu tiền này được in màu trên nền đỏ. Trông tấm bảng này thì các mẫu tiền được in rất rõ ràng, đủ các hoạ tiết của đồng tiền giấy thực, và được in đúng màu theo từng tờ tiền thật đã từng được lưu hành. Vốn bản thân đã thích ngành sử học, giờ lại nhìn thấy một sử liệu như vậy, tôi thấy một cảm giác như được một món quà.

Biết rằng đợt đó buộc phải chuyển nhà, phải dọn hết đồ đạc đi khỏi, nhưng đang vướng đi làm liên tục hàng ngày, thật sự không có thời gian và sức lực để thu dọn nhiều. Nhưng tự nhiên thấy một tấm bảng như vậy, không khỏi nghĩ đến nguồn gốc: Ai đã cất công mang một tấm bảng như vậy từ tận miền Nam Việt Nam sang đất Pháp này? Dù là tấm bảng được mang sang Pháp trong lúc loạn ly của thời cuộc năm 1975 hay từ trước đó (khó có khả năng tấm bảng được mang sang trong thập niên tám mươi hoặc sau này vì lúc đó cuộc sống đã tương đối ổn định sau chiến tranh), thì phải nói rằng chủ nhân của tấm bảng đó đã bỏ một công sức, và nhất là lòng yêu mến nó hoặc vì những gì liên quan tới nó. Nghĩ như vậy, tôi thấy không thể bỏ mặc hay càng không thể vứt bỏ nó được. Đã định rằng chỉ trong ba đến bốn hôm thời hạn phải dọn đồ mang đi, tôi sẽ mang tấm bảng đó theo, hoặc là gửi nhờ nhà ai đó. Chiều hôm sau đi làm về, thấy ông chủ nhà, người Pháp, đang mang dần đồ cũ của ông ta ở trong hầm bỏ ra ngoài đường để vứt. Thấy cả tấm bảng cũng được bỏ ở ngoài đường, tôi vội hỏi rồi xin gửi lại tạm vào hầm. Tôi không hỏi nhưng không nghĩ rằng tấm bảng thuộc về ông chủ này, vì ông ta trả lời thản nhiên là tôi muốn làm gì với tấm bảng đó thì tùy. Tôi đã cất lại nó vào hầm, chờ hai hôm sau sẽ chuyển đi cùng đồ đạc. Sau đó tôi chuyển dần đồ đi. Tới hôm sau nữa quay lại, hầm đã được xây ngăn đôi cho nhà bên cạnh một nửa. Và tấm bảng thì không thấy đâu! Hỏi chủ nhà thì họ nói không biết. Vậy là chỉ còn có anh thợ xây, người Việt, đã dọn hầm lại vứt ra ngoài đường và chắc là đã bị xe thu dọn vệ sinh đem đi mất. Như thế là tấm bảng đã bị tiêu huỷ!

Một cảm giác muộn màng, tiếc nuối,... buồn, tức, và thấy tôi có lỗi gì đó trong sự bất cẩn: Một thứ gì đã bị tiêu huỷ thì không thể khôi phục lại.

Trong mấy ngày hôm sau, tôi luôn suy nghĩ về điều xảy ra liên quan tới một bài học rất đơn giản: "Điều gì có thể làm được thì nên làm ngay". Nghĩ tới người nào đã mất công mang tấm bảng đó, có thể giá trị thực của nó không lớn như tôi nghĩ, và đã mất công giữ nó trong chừng ấy năm trời. Đến lượt tôi, lại để nó tan thành mây khói!

Nghe kể lại chuyện này thì bố có an ủi tôi rằng khi nào về, bố sẽ làm lại cho tôi tấm bảng khác. Nhưng đó là sự an ủi về mặt kỹ thuật. Bởi vì tôi biết rằng về cách thức để làm tấm bảng đó: sơn phủ bóng, thì không khó gì, nhưng về mặt tư liệu thì không còn, và người nào đã mang nó sang đây, liệu có nghĩ rằng có lúc nó đã bị tiêu huỷ.

Tôi đã quên không chụp hình lại tấm bảng đó.

Những ngày sau, tôi đã cố đi tìm lại xem liệu có thể tìm ra loại sử liệu ấy: những mẫu tiền giấy của các thời kỳ trước.

Cuối cùng thì tôi cũng đã tìm ra. Bắt đầu là các mẫu tiền giấy của miền Nam Việt Nam thời kỳ Đệ nhất Cộng hoà, rồi thời kỳ Đệ nhị Cộng hoà. Sau đó tôi tìm ra các mẫu tiền giấy của toàn bộ chế độ miền Nam Việt Nam, từ 1955 tới 1975. Cả những mẫu tiền của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tiếp đó tôi thu thập được toàn bộ hệ thống tiền giấy Đông Dương (L’Indochine), từ đồng 1 Piastre năm 1891 cho tới đồng Bảo Đại 200 Piastre 1954. Rồi tới những hối phiếu quân sự trong vùng Pháp chiếm đầu thập niên bốn mươi và cả những mẫu xổ số (loterie) lưu hành ở Đông Dương năm 1937. Cuối cùng là các mẫu tiền giấy của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ 1946 cho tới nhà nước Việt Nam hiện nay với những đồng polyme năm 2006.

Vấn đề đặt ra bây giờ là: Có nên thu thập nốt toàn bộ hệ thống tiền xu của Việt Nam hay không, dù chỉ là ở dạng tư liệu ảnh?

Việc tìm ra các mẫu tiền giấy này đã an ủi cho việc tôi không giữ được tấm bảng kia, vì dù sao sử liệu vẫn còn được lưu lại. Chỉ có điều tiếc cho công của ai đã giữ gìn tấm bảng đó mà không thành!

Trời xanh xui khiến cuộc dâu bể
Nhân sinh đất Việt lạc bốn phương!

Tiền 1 Piastre Đông Dương năm 1891:
Tiền 1 Piastre Đông Dương năm 1891
Tiền 1 Piastre Đông Dương năm 1891

100 Piastre năm 1914:

100 Piastre năm 1914
100 Piastre năm 1914

1 Piastre = 1 Đồng vàng năm 1932:
1 Piastre = 1 Đồng vàng năm 1932
1 Piastre = 1 Đồng vàng năm 1932

Tiền 200 Piastre năm 1954:

Tiền 200 Piastre năm 1954
Tiền 200 Piastre năm 1954

Tiền 10 Đồng Nam Việt Nam năm 1963:
Tiền 10 Đồng Nam Việt Nam năm 1963

Tiền 10 Đồng Nam Việt Nam năm 1963

Tiền 5000 Đồng Nam Việt Nam năm 1975:

Tiền 5000 Đồng Nam Việt Nam năm 1975
Tiền 5000 Đồng Nam Việt Nam năm 1975

Tiền 100 Đồng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946:

Tiền 100 Đồng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946
Tiền 100 Đồng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946

Tiền 1 Đồng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1976:

Tiền 1 Đồng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1976
Tiền 1 Đồng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1976

Tiền 50 Đồng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2001:

Tiền 50 Đồng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2001
Tiền 50 Đồng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2001

Đồng tiền này không thấy lưu hành ngoài thị trường?

Một tờ xổ số Đông Dương năm 1937:

Một tờ xổ số Đông Dương năm 1937

© 2008 talawas