Chương XI - Một ngàn danh từ Phù Nam trong Việt ngữ miền Nam
Miền Nam có những danh từ, từ ngữ mà Trung Bắc không có, và xem lại thì đó là danh từ của Nam Dương.
Hời hợt, có thể cho rằng đó là danh từ mà ba thứ người sau đây đã đưa vào miền Nam:
1) Bọn lính đánh thuê cho Pháp, người Phi Luật Tân, họ có đến Sài Gòn, một mớ có ở lại sau cuộc xâm lăng năm 1859.
Nhưng biến cố 1859 là biến cố quá mới, mà bọn ở lại để làm gì và được bao nhiêu người, đã đưa những danh từ nào vào Nam, người miền Nam đều biết thật rõ.
Họ ở lại non một trăm người, tất cả đều làm cảnh sát viên tại thành phố Sài Gòn, tự xưng là Mata Mata, tức cảnh sát viên, và bị người Nam gọi là ma tà (để đùa và khinh) hoặc gọi là mả tà với cái nghĩa là cảnh sát viên.
Nhưng Pháp chỉ dùng bọn này có 5 năm rồi giải nhiệm hết. Đa số hồi hương. Năm sáu anh làm nghề đánh xe ngựa đờ luýt của thành phố Sài Gòn vào thuở ấy mà ta gọi là xe Song Mã (được Tản Đà làm thơ tả cái thú đi dạo mát bằng loại xe ấy) và Pháp gọi là xe Calèche.
Bọn ấy tự xưng là dân MANÍ (Manila), và cũng được ta gọi là Chà và Maní. Danh xưng Chà Và, ban đầu phiên âm Java để trỏ người Java, sau lại thì chỉ tất cả những thứ dân đen nhiều hay ít mà ta không biết là ai (Ấn Độ, Phi Luật Tân, Phi Châu, v.v.) Danh xưng MANÍ biến thành danh từ MANIN để chỉ lối húi tóc của đa số người miền Nam nay. Người Phi Luật Tân bị da trắng trị 400 năm trước ta, nên họ húi tóc theo da trắng hết, năm họ đến Sàigòn.
Danh từ thứ ba và thứ tư mà bọn ấy để lại là danh từ XÀ ÍT ( Sãis) có nghĩa là
Thằng đánh xe, nhưng ta đã bỏ danh từ ấy từ năm Calèche bị ô tô thay thế, vào khoảng năm 1930. Chỉ có danh từ thứ tư là biến thành từ ngữ rất thịnh dụng ở miền Nam cho đến ngày nay.
Miền Bắc nói THẮNG NGỰA VÀO XE, nhưng miền Nam nói BẮT KẾ. Bắt kế là do PƠRKAI KUDA mà ra, Pơkai = Thắng vào xe, Kuda = Con ngựa.
Bọn đó lấy vợ Việt, sanh con ra và con cháu kế nghiệp ông cha cho đến năm 1930. Có lẽ họ đã thành Việt Nam hết, nhưng tuyệt đối không có đưa thêm danh từ nào vào Việt ngữ trừ bốn danh từ trên.
Chúng tôi biết chắc vị trí của bọn đánh thuê ấy nhờ quen biết với gia đình M. Một gia đình Phi-Việt độc nhứt không làm nghề đánh xe ngựa, mà nhập Pháp tịch, lấy vợ Việt, và làm nghề săn bắn hổ báo.
Chúng tôi mất liên lạc với gia đình này sau biến cố 1945, và họ đã giống Việt Nam lắm rồi, và nếu họ không làm Tây, thì không ai biết được họ là người ngoại quốc.
Về người Phi Luật Tân, nhiều người biết lắm và riêng chúng tôi biết rõ và chắc hơn, nhờ gia đình M.
Như thế, ta loại ảnh hưởng Phi Luật Tân quá dễ dàng, mặc dầu họ ăn nói không khác Nam Dương bao nhiêu và có thể bị tình nghi là kẻ đưa ngôn ngữ vào Nam.
Nhóm bị tình nghi thứ nhì là bọn Mã Lai, lính của Mạc Cửu vì sử có ghi rằng Mạc Cửu có mộ một số lính người Mã Lai. Danh xưng Mã Lai không biết chỉ rõ quốc gia nào, có lẽ cứ là Java, vì Java thường vào lục địa hơn hết.
Nhưng vì họ là lính Mạc Cửu thì thường bại trận, nên bọn ấy chết trận còn chẳng bao nhiêu. Lại không có tài liệu cho biết bọn ấy đã được giải ngũ và được định cư, mà nếu có, cũng không thể đưa ngôn ngữ vào toàn cõi Nam Kỳ, nhứt là đó là toàn những danh từ rất tế nhị.
Còn ai nữa? Trịnh Hoài Đức cho biết có thương thuyền Mã Lai đến buôn bán với Nông Nại Đại Phố? Sinh quán ở Biên Hòa, chúng tôi biết rõ Nông Nại Đại Phố. Quanh thành phố ấy không có người Việt gốc Mã Lai.
Sau rốt là người Châu Giang đã nói rõ ở Chương I. Họ là dân Java theo bước viễn chinh của quân xâm lăng xứ Cao Miên. Cao Miên quật cường và đuổi xâm lăng được rồi thì họ ở lại đông đảo, nhứt là tại Cao Miên nay.
Người Việt Châu Đốc hoàn toàn không có học gì của họ cả, kể cả con số 1 của họ, như vậy mãi cho đến ngày nay.
Thế thì nếu có một ngàn danh từ của Lạc bộ Mã trong Việt ngữ miền Nam, ta phải kết luận rằng đó là ảnh hưởng của Phù Nam, họ còn sống sót vào đầu thế kỉ 17 mà ta di cư vào đây. Người Phù Nam có ngôn ngữ y hệt như người Nam Dương.
Tưởng cũng nên nói rõ về người Châu Giang ở Châu Đốc, kẻo có người lại cứ cho rằng những danh từ lạ trong Việt ngữ miền Nam là do ta học với người Châu Giang.
Người Châu Giang sống biệt lập, giữa ta và họ có một bức tường văn hóa.
Tại sao quân xâm lăng Java lại ở Cao Miên và Châu Đốc mà không bị trả thù? Vì họ là cán bộ giỏi, Cao Miên kém hơn họ nên cần họ. Vả lại đó là thường dân nối gót xâm lăng chớ không phải là binh sĩ.
Về sau, tức vào những thế kỉ 15, 16, họ còn được Cao Miên biệt đãi nữa là khác vì có người Java làm đại thần trong trào Cao Miên, rồi vua Cao Miên lại cưới vợ Java nữa.
Và tại sao ta không có chịu ảnh hưởng của họ và ngược lại? Vì đạo Hồi. Đó là một tôn giáo bất khoan dung. Đã vậy nông dân ta lại rất tin nhảm. Họ bảo rằng họ nghe được mùi thịt heo nơi ta, nên họ không thích cho ta vào làng họ. Trong khi đó thì ta thấy khăn của họ vẽ chữ rằn ri, có lẽ chỉ là những câu chúc lành của kinh Koran, viết bằng quốc ngữ Nam Dương chớ không có gì, thế mà dân ta ở quanh đó, rất sợ, cho rằng đó là bùa, và bùa ấy sẽ hại kẻ lạ.
Họ không thích chung đụng với ta vì lý do tôn giáo chớ không phải vì ghét ta rồi chực chờ hại ta, bằng những chiếc khăn có vẽ bùa đó đâu. Đối với họ, thịt heo là cái gì nhơ bẩn, cần tránh cho thật xa, chỉ có thế thôi, ta không nên ngộ nhận rồi sợ hãi họ.
Nhưng ta đã ngộ nhận, nên tuyệt đối không có ảnh hưởng qua lại nào, cả đến số 1, số 2 của họ, ta cũng không biết. Nó là Sa, Đua, Tíga, Ơmtat, vân vân, trong khi dân miền Nam thạo tiếng Cao Miên, ở quốc ngoại, còn một ngôn ngữ quốc nội là ngôn ngữ vùng Châu Giang thì ta tuyệt đối không biết.
Vậy dầu cho họ là ai đi chăng nữa thì ngôn ngữ của họ cũng không hề ra khỏi 5 làng vùng Châu Giang.
Cho rằng người Phù Nam còn tồn tại vào cái thế kỉ mà dân ta di cư vào Nam, tức thế kỉ 17, có người bảo rằng là không thể có được vì họ đã bị Cao Miên diệt quốc từ thế kỉ thứ 6, thứ 7 S.K.
Nhưng khi mà dân Mêlanê, dân Négritos, dân đồi mồi của thời trước Tây lịch đến còn đủ mặt trong lãnh thổ ta (xin xem lại quyển sử) thì người Phù Nam cũng phải còn. Cao Miên không hề có chánh sách diệt tộc Phù Nam, lại không đủ giỏi để đồng hóa toàn thể dân Phù Nam vào thế kỉ 17, tức làm xong công việc đồng hóa trong vòng một ngàn năm (ngược lại, chính họ bị Phù Nam đồng hóa vì trong ngôn ngữ Cao Miên, đầy dẫy danh từ Phù Nam) thì dân Phù Nam phải còn.
Hơn thế trong một bài nghiên cứu đăng ở tạp chí B.S.E.I ông P. Dupont đã chứng minh rằng Cao Miên không bao giờ có chiếm đất Nam Kỳ khi diệt quốc Phù Nam, mà chỉ chiếm trung ương của Phù Nam là nước Cao Miên nay, vì họ không đủ quân lực, bởi đế quốc Phù Nam rất lớn, họ chiếm tới Nam Miến Điện đã hết quân rồi.
Dân Cao Miên tự động di cư đi chiếm các vùng đất tốt nhứt của một vùng vô chủ là Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, v.v. và dân Phù Nam mất vua nhưng lại còn quá nhiều đất ở Nam Kỳ, mặc dầu là đất xấu.
Chúng tôi đã cho thấy ảnh hưởng của vùng Châu Giang đối với ngôn ngữ ta. Nó là một con số không to tướng. Nếu lính Mạc Cửu và bọn thương hồ Mã Lai có ở lại thì ảnh hưởng của họ cũng đã giống hệt ảnh hưởng của vùng Châu Giang.
Bọn Phi Luật Tân thì có để lại năm ba danh từ được biên ra đầy đủ ở Chương tự vựng.
Bọn để lại khắp miền Nam một ngàn danh từ tế nhị, đôi khi bác học nữa, phải là bọn khác, văn minh hơn là lính đánh thuê cho Mạc Cửu, cho Pháp, văn minh hơn là bọn lái buôn thuyền biển.
Nhưng chứng tích của chúng tôi rất nghèo. Ta chỉ biết là năm ta di cư vào Nam (1623), ta đặt tên cho một cửa sông Cửu Long là Cửa Bà Lai. Bà Lai là danh xưng thứ 5 mà người miền Nam dùng để chỉ Lạc bộ Mã. Đây là 6 danh xưng đó:
Miền Dưới
Chà Và
Mã Lai
Bà Ba
Bà Lai
Kiến Hổ
Dân Mã Lai nào đã định cư đông đảo tại một cửa sông Cửu Long? Cửa sông đó, nằm cách Hà Tiên 400 cây số theo đường chim bay, và 400 cây số rừng rậm mà đến nay ta chưa khai phá hết. Lính của Mạc Cửu, có ở lại, chỉ định cư quanh Rạch Giá, Hà Tiên là cùng.
Hẳn bọn Bà Lai ấy là một cộng đồng Phù Nam đông đúc, còn ở các nơi khác, họ sống rời rạc, nên không có nơi nào mang địa danh trùng với danh xưng mà người miền Nam dùng để trỏ họ.
Như đã nói và sẽ giải thích, dân Phù Nam có ngôn ngữ như Chàm ngữ và Nam Dương ngữ. Đó là Lạc bộ Mã, thì thuở ấy ta có thể lầm lẫn họ với người Nam Dương và gọi họ là Bà Lai.
Chứng tích nầy không đủ mạnh, nhưng sự bác bỏ lính của Mạc Cửu và lính đánh thuê cho Pháp thì rất vững. Nhà bác học tiền bối là cụ Trương Vĩnh Ký đã giải thích rằng Bà Lai là BARAY. Đó là danh từ Cao Miên trỏ một hồ nước nhơn tạo để dẫn thủy NHẬP ĐIỀN.
Nhưng ở cửa sông Cửu Long chỉ có dẫn chứng XUẤT ĐIỀN, chớ không bao giờ phải đắp đập Baray để mà dẫn thủy NHẬP ĐIỀN.
Ta phải kết luận rằng những danh từ đó do một thứ dân Lạc bộ Mã không có theo đạo Hồi, họ là người độc nhứt có thể chung đụng với ta, trao đổi văn hóa với ta. Thứ người ấy chỉ có thể là người CHĂM, tức người Chàm không theo Hồi giáo, nhưng thứ người Chàm ấy vẫn có mặt ở miền Trung, mà miền Trung lại không có những danh từ Mã Lai và miền Nam thì có, thì chỉ còn một thứ người nữa mà thôi, người Phù Nam.
Quí vị đã thấy cuộc chung đụng của dân ta với cộng đồng Châu Giang nó ra sao nào rồi. Tôn giáo Hồi đã ngăn chặn mọi tiếp xúc. Họ có đi ra ngoài để làm hai nghề: bán tơ lụa của họ dệt, và bán thuốc rê lậu thuế mà họ mua ở Cao Miên về, vì họ rất được người Cao Miên trọng đãi, khác xa với người Chàm mà Nguyễn Hữu Kính đặt tên là Cô Man.
Nhưng trong các cuộc buôn bán ấy, họ tránh đưa văn hóa và ngôn ngữ của họ ra ngoài, không phải vì cố ý giấu, mà vì họ biết tiếng Việt, bởi một số người đã đi ra ngoài làng ăn học hầu làm quan. Chính nhưng người đó đã đưa Việt ngữ vào Châu Giang.
Chúng tôi đã hỏi thăm người miền Trung, miền Bắc, đã tra tự điển miền Trung miền Bắc, nhưng đều không thấy những dân tộc đó ở hai nơi ấy. Có thể tự điển có thiếu sót và những người mà chúng tôi hỏi thăm, không thạo ngôn ngữ lắm. Như thế, trong 10 danh từ mà chúng tôi đưa ra, sẽ có lối 2 danh từ mà Trung và Bắc có, nhưng cứ còn lại 8 danh từ mà Trung và Bắc tuyệt đối không có.
Như thế, chúng tôi lại phải theo dõi hai nhóm Lạc bộ Mã nữa, có mặt ở miền Nam, vào một thời nào đó.
Có vị lại sẽ thắc mắc hỏi sao chúng tôi lại biết ngôn ngữ Phù Nam. Ngôn ngữ này, không khó biết lắm. Chúng tôi đã chứng minh rằng trống đồng là phát minh của bọn Lạc bộ Mã, mà người ta đã tìm được trống đồng tại trung ương của Phù Nam (Cao Miên nay). Thế thì Phù Nam là Lạc bộ Mã mà ta biết rõ ngôn ngữ.
Một danh từ độc nhứt của Phù Nam mà loài người biết được lại giống danh từ Chàm. Đó dân tộc EO, trong địa danh OC EO.
Nên nhớ rằng mãi cho đến trào Minh Mạng mà dân ta còn gọi cửa Thuận An là CỬA EO, tức gọi theo Chàm.
EO và OC EO là gì? Đó là một sự đọc sai của dân ta chớ thật ra nó là EA, một danh từ Lưỡng Hà, vừa có nghĩa là nước, vừa có nghĩa là sông. Chính dân Lưỡng Hà đó đã đi khai hóa ba nước Chân Lạp, Chiêm Thành và Nam Dương, chớ không phải là dân Ấn Độ như các quyển sử Tây đã viết sai vào hồi tiền chiến. Nhưng ở đây không phải là nơi nói nhiều về vấn đề này được, chỉ biết rằng chỉ có Chàm và Phù Nam mới đọc đúng EA, Nam Dương thì đọc sai là AYER, còn Cao Miên thì không có mượn danh từ đó.
Khi ông Malleret tới OC EO để nghiên cứu thì dĩ nhiên ông phải ghi chép theo người Việt đọc sai, và đọc mất chữ.
ÓC EO, đúng ra là TL’OK EA LING. Ông Malleret không thạo tiếng Mã Lai, tiếng Chàm nên chẳng biết đó là gì, đành cứ viết theo lối gọi của dân Việt ở Rạch Giá.
TL’OK = Cái vịnh
EA LING = Nước linh láng = Biển
Danh từ BIỂN người Chàm và người Phù Nam sáng tác khác với lối Lạc bộ Mã, chớ người Nam Dương không có gọi biển là EA LING mà gọi là LỐT (chính dân ta cũng đã Việt hóa EA LING thành ra Gio Linh, địa danh ấy có thể là THỊ TRẤN GẦN BIỂN, mà ta không hiểu, đã nuốt đến ba từ: THỊ, TRẤN và GẦN, chỉ còn chừa lại có EA LING bị biến thành Gio Linh).
Hai tĩnh từ LÁNG và LINH của Chàm và Phù Nam tràn ngập xứ ta ở các tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy, ở đó Láng là một bãi đất lớn minh mông, cò ở Hậu Giang, Cửu Long thì cũng thế, hơn thế lại có cả một địa danh là LÁNG LINH nữa.
Vậy OC EO = Vịnh Biển
Và dân Phù Nam ăn nói vừa giống Nam Dương, vừa giống Chàm, nhưng chắc chắn là có khác nên các danh từ mà miền Nam vay mượn mới không được miền Trung biết, mặc dầu miền Trung là đất Chàm.
Chúng tôi chỉ biết rằng Phù Nam có khác Chàm, nhưng lại thấy rằng họ giống Nam Dương hơn, vì nhưng danh từ mà miền Nam vay mượn, giống danh từ Nam Dương, mà không phải do người Java Châu Giang đưa ra ngoài, cũng không phải bọn lái buôn Java đưa vào Nông Nại Đại Phố vì bọn ấy chắc không đủ thì giờ để đưa ngôn ngữ, đưa những danh từ quá ư tế nhị vào nước ta. Chỉ có một dân tộc sống chung với ta hàng trăm năm mới đủ thì giờ ảnh hưởng lớn lao đến ta như vậy mà thôi.
Chúng tôi xin nói qua chút ít về địa lý tổng quát. Về thủy trào ở sông ngòi (tức không kể thủy trào ngoài biển), có 5 hiện tượng tất cả.
Hai hiện tượng đầu, đại khối Mã Lai đều có danh từ để chỉ, nhưng họ nói khác nhau hết, chỉ có Việt Nam và Thái nói giống nhau.
I) Hiện tượng thứ nhất là nước ở biển tràn vào sông, hai lần trong mỗi 24 giờ, và chảy lên nguồn. Đó là ở miền Nam, còn ở Trung với Bắc thì nước chỉ chảy ngược có vài mươi cây số thôi. Hiện tượng đó:
Bắc và Trung Việt:
| Nước lên
|
Thái:
| Num (hoặc Nam) Khên
|
Nam Việt:
| Nước lớn
|
II) Hiện tượng thứ nhì là nước lên nguồn rồi lại chảy trở ra biển, cũng cứ hai lần mỗi 24 giờ:
Thái:
| Num (hoặc Nam) long
|
Việt toàn quốc: Nước ròng
Người Mã Lai đợt II nói khác ta:
Nước lên:
| Nước lôrong
|
Nước ròng:
| Nước surút (tức nước rút)
|
Ta thấy một chi tiết hơi kì kì là trạng từ LÊN của Nam Dương là LÔRONG, khá giống trạng từ XUỐNG của Thái và của ta là LONG, là RÒNG.
Nhưng còn ba hiện tượng nữa thì khắp các địa bàn Mã Lai trên thế giới, không nơi nào có danh từ để chỉ hết, trừ ở Mã Lai Á, Nam Dương, Phi Luật Tân và Nam Kỳ.
Nhưng cả ba nơi kia đều dùng danh từ khác hẳn Nam Kỳ. Đây, ba hiện tượng đó:
Ba hiện tượng đó, hai quốc gia rất văn minh là Nhựt và Đại Hàn, vẫn không có danh từ và phải mượn của Tàu, nhưng Tàu lại thiếu thành ra họ dựa vào Tàu để sáng tác nhưng cũng thiếu.
Thí dụ Đại Hàn chỉ có danh từ là Tiểu trào thủy, danh từ sáng tác hơi chướng đời, đáng lý gì phải Tiểu thủy trào, nhưng danh từ đó lại chỉ hiện tượng ở biển nữa là REFLUX, mà reflux lại khác với hiện tượng ở sông mà chúng tôi sắp nói đến.
Đây, ba hiện tượng đó:
III) Hiện tượng thứ ba cũng cứ là nước lên, nhưng lên rất cao vào những ngày trăng tròn. Chúng tôi tìm trong các từ điển Bắc và Trung, không thấy có trạng từ nào chỉ hiện tượng đó cả. Chúng tôi thấy có động từ NHẨY, nhưng lại được định nghĩa khác. Nước lụt cũng được gọi là nước nhẩy, trong khi đó thì không có tiếng riêng để chỉ hiện tượng vừa nói.
Người Nam Dương gọi hiện tượng đó là CON NƯỚC KƠLING, tức CON NƯỚC LINH LÁNG TRÀN ĐỒNG.
Nếu dân Nam Kỳ bắt chước họ, thì ta cũng nói y hệt như họ. Nhưng không, dân miền Nam đã sáng tác, nhưng không phải là sáng tác phất phơ, mà mượn một danh từ của họ, mượn cái trạng từ LÔRONG có nghĩa là NƯỚC LÊN và biến thành NƯỚC RONG.
Hiện tượng nầy, Pháp gọi là VIVE EAU, Anh gọi là SPRING-TIDE.
Thấy rõ là ta không có vay mượn, mà đã sáng tác, nhưng sáng tác bằng cách mượn cái trạng từ đồng nghĩa mà khác ý của họ. Nhưng việc quan trọng là ta vay mượn của ai. Như đã nói, lính của Cửu Mạc không thấy được sử ghi là được giải ngũ để làm nông dân, và nếu không có đi nữa, họ cũng không ra khỏi vùng Hà Tiên. Còn bọn lính đánh thuê Phi Luật Tân thì không bao giờ được định cư cả, trừ lối mười anh đánh xe Cadèche ở Sài Gòn.
IV) Hiện tượng thứ tư là nước xuống rất nhiều vào những ngày trăng khuyết, được Pháp gọi là MORTE EAU và Anh gọi là NEAP-TIDE trường hợp nầy thì dân Việt miền Nam sáng tác mà không dựa vào ai cả. Họ gọi hiện tượng đó là NƯỚC KÉM.
V) Hiện tượng thứ năm không phải là hiện tượng mà chỉ là sự kiện. Vào những ngày trăng đầy thì nước lên cao hơn mực thường đến năm, sáu tấc Tây. Cái mực nước quá cao đó, Mã Lai đợt II gọi là PƠRNAMA và Nam Kỳ bắt chước gần đúng, nói là NƯỚC ĐẦY MÀ. MÀ có nghĩa là mực nước sông cao dị thường vào những ngày trăng đầy.
Đó là năm động, trạng từ rất tế nhị, chớ không phải là danh từ thường, mà cả những quốc gia Mã Lai văn minh rất cao, cũng không có. Nhựt không có.
Dưới đây là một động từ cũng rất tế nhị. Cái
lồng chim, người Mã Lai có tiếng gọi cũng như ta, có biến dạng chút ít:
Việt Nam:
| lồng
|
Mã Lai:
| Kurong
|
Nhưng người Phù Nam lại biến danh từ đó thành động từ với âm cuối, âm RONG để chỉ việc nhốt chim trong lồng, nhứt là nhốt cá trong vịm. Động từ nầy thì khắp thế giới Mã Lai không đâu có cả mà nghi rằng người Việt miền Nam học của lính Mạc Cửu hay của bọn đánh thuê Phi Luật Tân năm 1859, hoặc của Châu Giang.
Chúng tôi biết đó là sáng tác của Phù Nam vì một dân tộc kia, vốn là thần dân của Phù Nam hiện còn tồn tại và có động từ đó. Đó là người Mạ, hiện đang định cư ở cao nguyên Lâm Đồng. Theo nghiên cứu của ông Bourotte và của riêng chúng tôi thì thuở xưa kia, địa bàn của họ là từ lối Mỹ Tho đổ lên. Chúng tôi lại biết rằng họ đồng tông với Việt Nam, nhờ có học ngôn ngữ của họ. Vậy họ là thần dân của Phù Nam ngày xưa, và không thể có động từ RONG, vì ta không có thì họ cũng không có. Họ đã học động từ ấy của Phù Nam.
Dân Việt ở miền Nam, thêm dấu nặng, biến thành động từ RỌNG (không có dấu mũ). Nhưng không phải là ta học của người Mạ, vì người Mạ chỉ dùng động từ ấy để nói về chim, còn ta thì nói về cá, mà dân Phù Nam chuyên ăn cá chớ không ăn chim như dân Mạ. Thế thì ta học RỌNG với Phù Nam chớ không phải với Mạ.
Miền Nam có câu ca dao:
Trắng như bông, lòng anh không chuộng
Đen như cục than hồng, lòng muốn, dạ ưa.
Ta cũng nên biết rằng người bình dân đặt ca dao rất hay, không thể bắt bẻ họ được như là bắt bẻ thơ của thi sĩ. Nhưng trong câu ca dao nầy, có một chi tiết vô lý. Đa số bông mang màu đỏ, màu vàng và màu tím. Bông trắng hiếm hơn ba thứ kia.
Thế thì so sánh màu da của một người đẹp với hoa trắng, không được ổn lắm. Nhưng nếu ta biết rằng tiếng Mã Lai TƠ BÔNG có nghĩa là BỘT thì mọi việc sẽ rõ ràng hơn. Tác giả vô danh đã so sánh với BỘT, chớ không phải với BÔNG.
Chúng tôi không thấy người miền Trung giành câu ca dao trên đây là của họ, thì khó lòng mà nói rằng chính họ đã sáng tác bằng cách nói theo người Chàm. Đó là ca dao miền Nam. Hơn thế Chàm cũng không gọi Bột là Bông bao giờ.
Người miền Bắc nói LANG THANG, nhưng người miền Nam lại nói LANG BANG chính vì người Phù Nam nói LANGBANG y hệt như người Nam Dương.
Người dân vùng Rạch Giá thường nói đến CỦI TRÀM LỤC. Tự điển Huỳnh Tịnh Của định nghĩa rằng đó là cây tràm chìm dưới đầm lầy. Nhưng tự điển Mã Lai viết LỤT với chữ T và định nghĩa rằng là gỗ mục mà chưa nát.
Người dân từ Hậu Giang đổ xuống mũi Cà Mau cứ gọi các kinh nhỏ nối liền các dòng nước lớn là CÁI TẮT. Sao họ không gọi cái đó là KINH TẮT? Vì người Phù Nam gọi dòng nước ngắn ấy là KATAK.
Người miền Nam nói LÀM BỘ mà không nói GIẢ VỜ như người miền Bắc, chính là người Phù Nam nói MƠM BUA (Mần Bộ), như người Nam Dương.
Người miền Bắc hỏi: ”Thế à?” Nhưng người miền Nam hỏi: “Vậy hả?” cũng cứ vì Phù Nam hỏi: ”Ya kả?”
Người miền Bắc nói TRẬN MƯA, ĐÁM MƯA, nông dân miền Nam nói CÂY MƯA là nói theo Mã Lai Phù Nam.
Người miền Bắc nói TO, người miền Nam nói BỰ, chính vì người Phù Nam nói PỰPỰT.
GIÓ NGƯỢC CHIỀU, được miền Bắc gọi là GIÓ CHƯỚNG, nhưng miền Nam nói là GIÓ CẤN vì Mã Lai đợt II gọi gió ấy là SAKAL.
Khi kêu lên một tiếng kinh ngạc, người miền Bắc kêu là gì, chúng tôi quên mất rồi. Nhưng người miền Nam kêu là ỦA, mà Mã Lai đợt II cũng kêu y hệt như vậy.
Có một loài hươu nai sừng rất to, chỉ có mặt ở xứ lạnh, chớ không có mặt ở xứ ta. Loài nai ấy, người miền Nam gọi là NAI CHÀ, mà CHÀ là do danh từ CHÀ VANG của Phù Nam có nghĩa là CÁI SỪNG TO LỚN.
Danh từ NAI CHÀ, bắt chúng tôi nghĩ đến địa danh TRÀ VINH. Nhiều sách viết là do tiếng Cao Miên là TRAPENG. Nhưng thuở bé, chúng tôi nghe người ta gọi nơi ấy là CHÀVANG mà CHÀVANG cũng cứ là một danh từ Phù Nam đồng âm với CÁI SỪNG TO, nhưng có nghĩa là NHÁNH SÔNG. Quả thật ở đó có nhánh sông Cửu Long, còn TRAPENG là gì thì không nghe ai giải thích hết, hoặc có giải thích mà không ổn.
Địa danh Gò Vấp cũng rất nhiều ý nghĩa. VẤP là loại gỗ quí như gỗ lim của đất Bắc. Dĩ nhiên là nếu có cây Vấp ở đó thì dân ta đã đốn sạch rồi, sau ba trăm năm định cư ở miền Nam. Nhưng cái gò thì phải còn, nếu không có xe ủi đất của Huê Kì hoạt động nơi đó. Nhưng cái gò lại không còn mà xe ủi đất cũng chẳng có ủi nơi đó lần nào cả.
Nhưng trong ngôn ngữ Phù Nam GOVAP có nghĩa là HOA HỒNG. Dân Lạc bộ Mã ưa lấy tên hoa để đặt tên xứ, đặt cả tên nước nữa. Thí dụ tên của Chàm là BNGƯ CHĂMPA tức BÔNG SỨ, BÔNG ĐẠI. KONTUM là NỤ HOA, thì nơi đó được đặt tên là HOA HỒNG thì tưởng cũng không đáng cho ta ngạc nhiên.
Người Phù Nam có động từ chết để dùng riêng cho cá, vì miền Nam là xứ cá. Con cá chết, họ nói con cá NGÁP. Người Việt miền Nam mà có ăn học, cũng dùng đúng y như họ tức Ngáp = Chết (chỉ riêng loài cá). Nhưng các bà hàng tôm hàng cá thì dùng động từ ấy sai. Nguyên con cá, trước khi chết nó có hả miệng ra rồi khép lại, y hệt như con người ngáp. Các bà hàng tôm, hàng cá tưởng rằng NGÁP là ngáp như người, và họ hiểu rằng khi con cá nó ngáp là nó báo hiệu rằng nó sắp chết. Nhưng thật ra thì ngáp = (cá) chết, không có nghĩa là ngáp bao giờ.
Người Lạc bộ Mã gọi một loài chim kia là Ó MALAI, người miền Nam cũng gọi y hệt như vậy. Chữ Malai nầy có nghĩa khác, chớ không phải là chỉ dân Mã Lai đâu. Malai nghĩa là có chùm lông trên đầu, còn họ thì tự xưng là dân MALAYU.
Người miền Bắc nói BÁC BỎ. BÁC là tiếng Tàu. Người miền Nam nói bất cũng đồng nghĩa, nhưng đó là động từ Phù Nam, BATAL.
Miền Nam có hai câu ca dao mà chúng tôi quên mất vế trên. Vế dưới như sau đây:
Tránh đi nước mặn, sợ hà ăn chơn.
HÀ là danh từ Phù Nam chỉ một loài sâu ở nước, thật sự thì nó chỉ gậm gỗ của ghe thuyền mà thôi. Nhưng trạo phu thường bị lỡ chơn và họ đổ lỗi cho con HÀ, nên mới có câu ca dao trên.
Nếu chúng tôi cứ kể mãi như thế nầy thì chán quá lại không đủ giấy vì có hơn một ngàn danh từ. Vậy chúng tôi xin trình ra thêm một danh từ nữa, rất là ngộ nghĩnh, nó làm đề tài tranh luận trong giới học giả miền Nam từ 50 năm nay, nhưng chưa ngã ngũ ra sao cả.
Khác hẳn với miền Trung và miền Bắc, người con cả ở miền Nam không được gọi là CẢ, mà chỉ được gọi là HAI mà thôi.
Đa số học giả miền Nam đã giải thích như thế nầy: Thuở bôn đào ở miền Nam, vua Gia Long có một người con cả. Ông hoàng Cả ấy đã can vua cầu viện ngoại quốc và bị nhà vua xử cực hình. Dân chúng mến đức ông hoàng Cả nên kiêng tên ông.
Thiểu số thấy rằng lối giải thích đó không đứng vững, nhưng không cãi lại được. Nó không đứng vững vì không có tài liệu nhỏ lớn nào kể câu chuyện đó hết. Không có tài liệu, không có nghĩa là câu chuyện không có. Nhưng câu chuyện không có vì các lẽ sau đây:
I) Khi dân ta kiêng tên một người thì họ dùng một danh từ khác để thay thế. Ngày nay, các ông cha, bà phước miền Nam cứ còn nói YẾNG SÁNG thay cho ÁNH SÁNG vì kiêng tên cúng cơm của vua Gia Long. Họ kiêng tên Nhậm thì họ nói TRÁCH NHIỆM, họ kiêng tên hoàng tử ĐẢM thì họ nói CAN ĐỞM.
Tại sao có phương pháp thay thế đó? Rất là dễ hiểu. Từ đời Hùng Vương thứ nhứt đến nay, dễ thường ba ngàn năm đã trải qua rồi và có ít lắm là một vạn vua, hoàng thân quốc thích và đại thần cần phải cữ tên, mà nếu mỗi lần kiêng, phải bỏ đi một tiếng là đã không còn ngôn ngữ Việt Nam nữa vì Việt ngữ thuở xưa cũng chỉ có lối một vạn tiếng là cùng.
II) Theo dã sử thì Cả không phải là tên của ông hoàng ấy mà không ai biết tên là gì. Cả chỉ là con trưởng của vua Gia Long mà thôi. Thế thì quá vô lý. Người ta chỉ kiêng tên cúng cơm, chớ không bao giờ lại kiêng tước vị, ngôi thứ.
III) Ông tiên chỉ trong làng miền Nam vẫn được gọi là ông HƯƠNG CẢ. Mà hưởng chức hội tề là một thứ quan, tuy chỉ là quan loại bỏ túi, nhưng cũng cứ là quan, hồi tiền chiến. Mà quan thì càng có lý do kiêng tên hơn dân nữa, nhưng họ cứ dám dùng tiếng Cả như thường thì dân đâu có cần bảo hoàng hơn quan.
Nhưng con Cả, được dân Phù Nam gọi là con HAK. Họ có hai danh từ:
Anak sulong = Con nít đầu lòng
Đó là danh từ chung của đại khối Mã Lai nên toàn quốc ta đều có. Còn danh từ ANAK HAK là danh từ riêng của họ.
Vậy ANH HAI chỉ là ANH HAK, CHỊ HAI chỉ là CHỊ HAK, mà thôi.
Tiếng CẢ là tĩnh từ chung của đại khối, nhưng người Nam Dương chỉ dùng để nói Biển Cả, Nghiệp Cả chớ không chỉ con bao giờ. Với con thì họ dùng HAK.
Có một câu hỏi mà có lẽ quý vị đã tự thầm đặt ra từ nãy đến giờ: ”Nếu quả người Phù Nam còn tồn tại thì họ biến đi đâu mà không ai thấy cả? Rất dễ giải thích sự biến mất của người Phù Nam. Ở Cao Miên thì họ biến thành người Cao Miên, còn ở Nam kỳ thì họ biến thành người Việt. Mà họ biến được dễ dàng cho đến đỗi không ai biết và Cao Miên, Việt Nam, Phù Nam đến đồng chủng với nhau.
Chúng tôi đã quan sát và có thấy sự kiện sau đây. Từ Gò Công xuống tới mũi Cà Mau, có rất nhiều người Việt Nam có tóc dợn sóng. Tóc dợn sóng là biệt sắc của chủng Mã Lai thuần túy, không bị lai giống với Mông Cổ như ta. Hễ có lai giống với Mông Cổ thì tóc phải thẳng.
Những người Việt có tóc dợn sóng ấy gốc Phù Nam. Tây lai, Ấn Độ lai, cũng có tóc dợn sóng, nhưng đó là thị dân, chớ không phải nông dân. Ở Biên Hòa, Bà Rịa lại cũng có người có tóc dợn sóng. Đó là người Việt lai với Mạ từ 6, 7, 8 đời rồi. Mạ là Lạc bộ Trãi thuần túy, và dĩ nhiên cũng có tóc dợn sóng.
Chương XII - Hoa Phật bị hạ bệ
Có danh từ Ấn Độ trong Việt ngữ hay không? Dĩ nhiên là có. Đó là những danh từ Phật giáo, nhưng được phiên âm tới 2 lần, từ Phạn sang Hoa rồi từ Hoa sang Việt.
Nhưng nếu có những danh từ thường và danh từ Phật giáo KHÔNG PHIÊN ÂM thì thật là bất ngờ. Đây là một danh từ Phật giáo không qua trung gian Tàu: NAM MÔ. Phạn ngữ là NAMAH. Tàu viết là NAM VÔ. Nếu qua trung gian Tàu, các sư ta đã đọc là NAM VÔ, nhưng các sư ta cứ đọc là NAM MÔ. Thế nghĩa là ta đã học thẳng với Ấn Độ.
Trần Trọng Kim có cho biết rằng dưới trào hậu Lý Nam Đế có nhà sư Ấn đến đây lập ra Thiền tông. Thế là đã rõ. Họ đến vào thời ta độc lập và ta học Nam Mô thẳng với họ.
Nhưng nếu có những danh từ thường thì sao? Cũng dễ hiểu? Ông tổ Thiền tông ấy hẳn không tới đây một mình và có các chú tiểu Ấn Độ đi theo. Nếu sư tổ không tiếp xúc với dân chúng thì các chú tiểu phải tiếp xúc.
Thế nên một số danh từ Ấn Độ mới len và Việt ngữ. Có một động từ nầy mà chúng tôi rất nghi là của Ấn Độ, nhưng không dám chắc lắm. Đó là động từ THUÊ. Phạn ngữ là SIUUA, kí hiệu quốc tế là SEWA.
Xin nhắc rằng khoa ngữ học bất kể kí hiệu, vì kí hiệu rất gạt gẫm, mà chỉ kể âm đọc (Phonème). Về phương diện Phonème thì đồng hóa THUÊ và SEWA được mà không bị khoa ngữ học bắt bẻ.
Nhưng sẽ có nhiều người nghi ngờ về THUÊ và SEWA thì xin bỏ qua vậy, vì chúng tôi đã bí đâu, chúng tôi còn hàng tá tiếng Phạn trong túi mà không ai bắt bẻ được hết.
Một nhà bác học Pháp đã đối chiếu truyện
Cây đa thằng Cuội của ta, chuyện
Hậu Nghệ của Tàu và một chuyện Ấn tương tợ như thế và thấy rằng cả chuyện Tàu, lẫn chuyện Việt đều bắt nguồn từ chuyện Ấn.
Chắc không ai ngạc nhiên. Văn hóa Ấn có thể vào tới Việt Nam, trước khi ta tiếp xúc với Tàu, vì kinh đô Ấn gần nước ta hơn kinh đô Tàu, và Ấn cũng là một quốc gia có một nền văn minh lớn đủ khả năng lan tràn đi xa. Nhưng vì ta ở quá xa họ, nên ta thoát được ảnh hưởng lớn của họ mà chỉ mượn có một số danh từ.
Ai cũng nói danh từ CHÙA của ta, do TỰ của Tàu mà ra. Nhưng đọc cái tiếng TỰ đó, theo bất kỳ giọng nào của Trung Hoa, cũng không thấy rằng nó có thể biến thành CHÙA được hết.
Nhưng nếu ta biết rằng Phạn ngữ chỉ cái chùa bằng danh từ HUNA thì ta sẽ thấy nguồn gốc của chùa:
Huna → Hua → Chua → Chùa
Tiếng Phạn đã có lan vào Việt ngữ mà không ai dè. Dĩ nhiên là những danh từ Phật giáo như Sa di, Tỳ kheo thì ai cũng biết rằng đó là tiếng Phạn vì các nhà sư đã có đi học Ấn Độ và có biết tiếng Phạn. Nhưng các sư, hoặc chỉ học những danh từ triết tôn, nên không biết danh từ thường hoặc không có dịp cho ta biết rằng nhiều danh từ thường, cũng do Phạn ngữ mà ra. Thí dụ, danh từ CHÙA là danh từ tôn giáo, chắc chắn các sư biết do HUNA, nhưng cũng chẳng nghe các sư giảng như vậy lần nào cho ta rõ.
Nhưng danh từ Chùa quá mới, đối với các danh từ thường. HUNA vào đất Việt, và có lẽ dưới thời Lý Phật Tử, ông ấy đã rước sư Ấn về Giao Chỉ.
Nhưng nhà sư Ấn đó, hẳn không có thì giờ để phổ biến các danh từ thường, có vẻ có đã lâu đời lắm rồi, có trước Tây lịch nữa.
Ta đã thấy trong ngôn ngữ ta có tiếng Mông Cổ, tiếng Tamoul. Nhưng không ai dè rằng có tiếng Phạn, dĩ nhiên là phải trừ các danh từ Phật giáo ra. Ta chỉ kể những danh từ thường mà thôi.
Có ai dè rằng SÁNG SỦA gồm một trạng từ Phạn là SUACHA có nghĩa là SÁNG SỦA hay không?
Ta cứ viết văn phạm cho rằng SỦA vô nghĩa. Nhưng nó có nghĩa SÁNG SỦA đấy và đó là tiếng Phạn. Phạn ngữ nói UDARA SUACHA = bầu trời sáng sủa.
Nhưng hoa SEN, cũng là tiếng Phạn thì thật là không biết nó qua ngả nào, vì Chàm gọi hoa đó khác ta, Cao Miên cũng thế.
Danh từ Mông Cổ lọt vào Việt ngữ đã 5000 năm rồi, nhưng ta biết tại sao, còn SUACHA và SEN thì thật là bí. Nhưng SEN là hoa nhà Phật, tức cái gì thiêng liêng quí báu lắm, vậy tại sao tên hoa đó bị tẩy chay trong các gia đình Bắc Việt?
Hẳn là phải có một lý do thầm kín nào mà chưa ai thử truy ra.
Danh từ chỉ loại hoa phật đó rất thiêng liêng ở Ấn Độ, thế mà nó bị tẩy chay tại Việt Nam thì đó là chứng tích không phải Phật giáo Ấn Độ đã đưa nó vào ngôn ngữ Việt dưới trào Lý Phật Tử, mà danh từ đó đã tới cổ Việt trước Phật giáo và bị tẩy chay trước Phật giáo, tức khá cổ, trước Tây lịch, chớ không phải sau Tây lịch.
Thế nghĩa là đã có ảnh hưởng Ấn Độ tới lưu vực Hồng Hà rất lâu đời mà không ai hay biết, và nhất là không phải qua trung gian Cao Miên và Chàm vì hai dân tộc ấy gọi tên hoa đó khác Ấn Độ và ta. Danh từ Phạn không giống hệt ta được, nó chỉ là SENROJA, nhưng ta biết rằng là đồng gốc.
Dân Saka theo đạo Bà La Môn đã đi khai hóa Chân Lạp tại Trung Lào, mà cái Chân Lạp đó thì có biên giới chung với ta thì họ có đưa chút đỉnh văn hóa Ấn vào nước Văn Lang, không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng riêng về tên hoa Sen thì không phải do họ được, và cũng không phải Chàm.
Nhưng tại sao đất Bắc Hà kiêng kị tên SEN?
Tôi đang ngồi nói chuyện với một người bạn gốc Hà Nội, thì một cô gái đi qua cửa của tôi. Tôi gọi nó:
"Sen ơi, sao con không góp tiền hụi?"
Góp tiền hụi có nghĩa là
Thu tiền họ.
Họ ở đây là cái bát mà mẹ cô bé ấy cầm cái.
Con bé đó xinh đẹp, đã trổ mã, lại ăn mặc lịch sự, nên anh bạn ấy hỏi:
"Con người xinh đẹp như thế mà lại bị đặt tên là con sen? Sao kỳ thế?"
Tôi bật cười. trong câu hỏi của tôi có ba từ đặc biệt miền Nam là
góp tiền hụi, nhưng anh bạn đó hiểu, còn Sen thì anh ấy lại không hiểu.
Tôi bật cười vì tôi hiểu sự kinh ngạc của bạn tôi. Hoa Sen là hoa nhà Phật, hương sắc lưỡng toàn nên ta mới có bài ca dao ca ngợi hoa đó:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
……………………………………..
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Thế mà người Việt đất Bắc lại rất sợ tên của loài hoa quý đó, vì con nhỏ sai vặt trong bất cứ nhà ai, cũng bị đặt tên là con sen cả, không biết từ đời thuở nào, và SEN đã bị hoen ố vì cái chức vụ thấp kém đó, nên tên Sen bị kiêng kị, không có cô gái nào của đất Bắc mang tên Sen cả. Họ dám đặt tên con họ là cái Hĩm, nhưng nhứt định không dám đặt tên là Sen.
Chúng tôi đã hỏi tất cả các cụ gốc miền Bắc, nhưng không ai cắt nghĩa cho trôi sự kiêng kị đó.
Và khi chúng tôi học sinh ngữ Á Đông để viết sử, chúng tôi mới khám phá ra sự thật. Hoa Sen đã bị hoen ố trước Chúa giáng sinh nữa, tức trước cả thời đạo Phật được truyền sang xứ ta thảo nào toàn cõi Bắc Hà đều sợ cái tên đó.
Thủ phạm đã làm hoen ố hoa sen là An Dương Vương, kẻ đã cướp nước ta và diệt vua Hùng Vương thứ 18 của ta.
Xin nhắc rằng vua An Dương Vương là cháu nội của vua nước Thục cuối cùng, lưu vong xuống Quảng Tây. Dân Ba Thục là dân Thái, mà dân Quảng Tây cũng thế, họ ăn nói chỉ khác nhau như Nam Việt và Bắc Việt.
Trong ngôn ngữ Thái có hai từ ngữ mà ta đọc hơi sai một chút, và chúng tôi xin chuyển âm thật đúng:
Sauu chai = Trẻ trai (để sai vặt)
Sauu hiin = Trẻ gái (để sai vặt)
Cũng nên nhớ là Thái An Dương Vương xâm lăng ta bằng lính Thái Quảng Tây. Hoàng gia Thái, lính của Thái, lại giữ ngôi được tới 49 năm thì dân ta hẳn phải có người hợp tác với quân xâm lăng và chính bọn hợp tác đã nhiễm ngôn từ của địch.
Thuở ấy, chắc họ cũng ăn nói y hệt như hoàng gia và lính tráng, tức nói SAUU CHAI chớ không nói là THẰNG NHỎ như ngày nay, và nói SAUU HIIN chớ không nói là CON SEN.
Ngày nay, ta đọc SAUU thành SAO, chớ thuở ấy, ta đọc SAUU là SEN.
Sauu hiin = Sen hĩm
Tĩnh từ Sauu của Thái rất khó đọc, sách Ăng lê ghi là SAOW, nhưng vẫn không diễn đúng âm của Thái được, mà SEN hay SAO của ta lại càng sai hơn.
HIIN bị ta đọc HĨM, nhưng đó là danh từ chung của đại khối Mã Lai và ta đã cho một nghĩa tục trước khi bị họ xâm lăng. Thế nên khi ta hợp tác với họ, ta chỉ còn dám nói Sen mà không nói Hĩm (xin xem Chương về Hĩm).
TRẺ TRAI về sau bị biến thành THẰNG NHỎ còn được dùng cho tới ngày nay, còn TRẺ GÁI thì vì HĨM đã được gán cho cái nghĩa khác mất rồi, nên chỉ còn TRẺ mà trẻ đó thì ta đọc sai là SEN. Nếu thuở ấy ta đọc sai như ngày nay là Sao, thì một thứ hoa đẹp của ta không mất địa vị và đã có khối người đẹp mang tên là cô Sen.
Vậy hoa Phật bị hạ bệ đúng vào thời An Dương Vương. Đây là biến dạng độc nhứt mà ta biết chắc chắn thời điểm, còn các biến dạng khác thì ta chỉ biết đại khái về một thời điểm quá rộng có khi đến ba trăm năm.
Tội nghiệp loài hoa quý đó quá, và tội nghiệp cho gái Việt không được mang tên Sen, chỉ vì một sự đọc sai.
Nay biết sự thật, tưởng ta nên xóa ngộ nhận. Và thời cuộc sẽ giúp ta xóa dễ dàng vì hiện nay, trong một trăm gia đình, chưa chắc có một gia đình dám mượn con Sen, vì chúng nó đi làm sờ - nách-ba hết cả rồi, các bà nội trợ đành tự sai khiến mình vậy.
Ước mong sẽ có nhưng giai nhân tên là Lý Thị Sen mà không bị ai coi thường như xưa nữa.
Chúng tôi lại truy nguyên coi tại sao một thứ hoa quý khác là hoa nhài (lài) cũng bị đồng bào miền Bắc tẩy chay. Ở đất Bắc, thôn nữ bần cố nông cũng không dám mang tên Nhài, vì Nhài còn tệ hơn Sen nhiều bực, bởi hoa Sen bị đồng hóa với tôi tớ gái, còn hoa Nhài lại bị đồng hóa với con đĩ.
Sự kiêng kị với Nhài, khe khắt hơn với Sen nhiều lắm.
Nhưng với Nhài thì thủ phạm không phải là An Dương Vương nữa, mà là một bọn khác, xưa hơn, đó là bọn Lạc bộ Mã, đã đến nước ta trước An Dương Vương đến ba trăm năm.
Nơi bọn Lạc bộ Mã tĩnh từ chỉ tánh cách dâm đãng của phụ nữ là KƠLINHHÀI. Kơ, dính liền với Linhhài, chớ không phải KẺ là NGƯỜI đâu.
Có người nói tại hoa nhài nở về đêm nên mới bị mang cái tiếng đó, nhưng tại sao có khối hoa khác cũng nở về đêm, thí dụ hoa quỳnh, hoa nguyệt quế, v.v. lại không bị mang tiếng đó? Và cái vụ Sauu = Sao = Sen đã cho ta thấy quá rõ là không phải vì tánh cách của hoa chút nào hết mà vì ta đã biến âm sai mà thôi.
Tiếng XANH của ta lại bị Thái biến ra thành SAUU. Hóa ra trong tiếng Thái SAUU vừa là Gái trẻ sai vặt, lại vừa là XANH.
Về hoa nhài thì đó là danh từ độc nhứt mà toàn thể Mã Lai đều nói giống nhau:
Việt Nam:
| Lài (nhài)
|
Cao Miên:
| Mlít
|
Thái:
| Ma li
|
Miền Dưới:
| Mơlati
|
Sẽ có người nói rằng tất cả đều học của Tàu vì Tàu gọi hoa đó là Mạt lị. Nhưng còn ngờ.