© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.2.2007
T. Lan
Vừa đi đường vừa kể chuyện
 1   2   3 
 
Từ sau 1930 tình hình thế giới ngày càng khẩn trương, nó giống như một chuỗi bom nổ chậm khổng lồ liên tiếp nổ năm này sang năm khác.
Cũng trong năm ấy, phát xít Đức, Ý, Nhật kí hiệp định “liên minh chống cộng”, về sau liên minh này bị đập tan.
Liền sau đó phát xít Đức chiếm nước Áo.

Năm 1939, phát xít Đức chiếm nước Tiệp Khắc... rồi bắt đầu đánh Pháp và Anh. Đế quốc Anh và Pháp đã lầm to... Những tưởng dùng chính sách nhân nhượng thì bọn phát xít Đức–Ý sẽ nể nang họ, nào ngờ khi chúng có dịp thì chúng choảng ngay vào đầu Anh và Pháp.

Năm 1940 chỉ trong mấy tuần Pháp đã mất thủ đô Pa-ri và một nửa nước, và phải quỳ gối đầu hàng; Anh thì bị máy bay Đức bắn phá tan hoang, làm cho “thất điên bát đảo”. Phát xít Đức chiếm được các nước Tây Âu rồi quay sang chinh phục các nước Đông Âu.

Bên châu Á thì phát xít Nhật chiếm hết cả Trung Quốc (vì Tưởng Giới Thạch chỉ lo “giật công” chứ không chống lại Nhật), hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương, đuổi thực dân Anh khỏi Hương Cảng, Miến Điện, Mã Lai; đuổi thực dân Mỹ và chiếm luôn Phi-lip-pin...

Năm 1941, bọn phát xít Đức-Ý-Nhật đã khoe khoang:

Tung hoành châu Á, châu Âu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai

Với sức người, sức của chúng đã cướp được ở các nước kia, với chủ quan điên rồ tưởng rằng chúng là “vô địch”, tháng 6 năm 1941 phát xít Đức bất thình lình tiến công vào Liên Xô, chúng gọi là “chiến tranh chớp nhoáng”.

Trước tình hình đó những người yếu bóng vía vừa lung lay nhăn mặt, thở dài bi quan, thất vọng. họ kêu rên: “Ôi thôi ồi, phát xít mạnh quá, chắc chúng sẽ thắng thôi!”, song những người cách mạng chân chính trông rộng thấy xa thì không bi quan chút nào. Họ tin một cách chắc chắn “Liên Xô nhất định sẽ thắng!”.

Cách Bác đi đường là như thế này: Buổi sớm, cố gắng đi quá một nửa đường. Buổi chiều thì đi thong thả, hễ nơi nào có phong cảnh đẹp thì nghỉ lại vài phút để ngắm nghía; và nếu có dịp nói chuyện với đồng bào.

Nhân lúc tạm nghỉ, tôi mạnh dạn nói: “Thưa Bác, chúng cháu chỉ biết chung chung rằng phát xít là hung ác, những chúng hung ác như thế nào thì không rõ”...

Bác nói:

Phát xít Đức là một hình thức phản động nhất, hung ác nhất của chuyên chính tư bản đế quốc. Vì chúng không thể thống trị bằng cách giả nhân giả nghĩa, giả dân chủ như thời xưa nữa. Chúng khủng bố một cách cực kỳ ghê tởm, cực kỳ dã man tất cả những người và những đoàn thể tiến bộ, dân chủ và yêu chuộng hoà bình. Chúng đặt ra cái thuyết “nòi giống”: Người Đức là nòi giống cao quý, trời sinh ra họ để trị vì thiên hạ. Người các nước khác đều là nòi giống đê hèn, phải chịu phát xít Đức thống trị. Người Do Thái là nòi giống ma quỷ, phải tiêu diệt cho kỳ hết! Chủ nghĩa phát xít đã gây ra chiến tranh thế giới thứ hai, để giết trên 30 triệu người, thiêu huỷ hàng ngàn thành phố và hàng vạn làng mạc. Biết bao nhiêu là tài sản quý báu do lao động và trí tuệ của nhân dân từ nhiều thế kỷ xây dựng nên đã bị phá hoại sạch. Hơn 6 triệu người Do Thái đã bị chúng thiêu chết.

Do Thái là một dân tộc ở rải rác khắp các nước phương Tây, nổi tiếng tiết kiệm và buôn bán giỏi. Ngay lúc bắt đầu chiến tranh, Him-le (tên giúp việc số 1 của Hít-le) ra lệnh cho quân đội phát xít Đức: “Bắt được người Do Thái thì giết sạch”.

Nếu bắn thì phải tốn nhiều đạn và nhiều công, chúng bèn bày ra cách thiêu. Ở nhiều nơi tại nước Đức, và các nước bị chiếm, chúng xây dựng những lò hơi ngạt. Đánh chiếm đến đâu, chúng cướp hết của cải, và bắt hết người Do Thái đến đó. Bất kỳ gái, trai, già trẻ, bất kỳ nông công thương, chúng lùa họ hàng nghìn, hàng vạn người chồng chất lên xe lửa, khoá chặt cửa xe lại, rồi chở đến nhưng nơi có lò thiêu. Dù đường xa, xe chạy suốt ba, năm ngày họ cũng không được ăn uống gì hết. Khi đến nơi, đã có nhiều người chết đói, chết ngạt... Chúng chọn một số người có sức khoẻ để đi làm khổ sai ở các nhà máy và các đồn điền Đức. Vì đói rét và bị đánh đập tàn nhẫn, sau vài tháng nếu không chết mòn, chết mỏi thì cũng kiệt sức không lao động được nữa, họ cũng bị đưa đến lò thiêu. Đại đa số Do Thái bị thiêu ngay.

Trước khi bước vào lò thiêu, họ phải cởi truồng hết. Áo quần giày dép của họ bị bọn phát xít chọn lọc sắp xếp tử tế để gủi về Đức.

Mỗi lần mỗi lò thiêu được độ 800 người. Người vào xong rồi, lửa lò khoá lại, hơi ngạt mở ra. Sau mươi phút hấp hối quay cuồng, mọi người chết queo hết.

Chúng đưa xác chết ra, chúng cắt lấy tóc đàn bà chở về nhà máy dùng làm dây thừng hoặc độn nệm. Chúng khám miệng thây chết để nhổ lấy răng vàng. Chúng chọn những thây người béo để lấy mỡ nấu dầu, nấu xà phòng. Thây người gầy thì chúng đốt làm phân bón ruộng... Nói tóm lại bọn phát xít giết người một cách rất “khoa học”. Chúng tính ra bình quân mỗi người bị thiêu chết đưa lại cho chúng 1.631 đồng Mác (tiền Đức).

Chỉ một lò thiêu ở Biếc-cơ-nao (Birkenau), mỗi ngày thiêu chết 24.000 người Do Thái, từ đầu năm 1942 đến giữa năm 1944 hơn 2.110.000 người Do Thái đã bị thiêu chết ở cái lò này!

Tóm lại, chủ nghĩa phát xít là hung tàn, bạo ngược xấu xa như thế đó.

Mùa đông năm 1983, Bác trở lại Trung Quốc. 13 năm trước đây lần đầu tiên Bác đến Trung Quốc và lần này Bác lại đến Trung Quốc, hai hoàn cảnh khác nhau xa về mọi mặt.

Lần trước, Bác đến Quảng Đông, lần này Bác đến Thiểm Bắc.

Lần trước bọn quân phiệt đang đánh nhau lung tung. Lần này nhân dân Trung Quốc đang chiến tranh chống phát xít Nhật.

Lần trước, Đảng Cộng sản mới ra đời, lực lượng chưa có mấy. Lần này Đảng Cộng sản đã mạnh lắm và có nhiều kinh nghiệm lắm.

Cuối năm ngoái (1937) Đảng Cộng sản lập lại Mặt trận Thống nhất, lại hợp tác với Quốc dân Đảng để cùng nhau chống giặc Nhật. Do đó, Hồng quân đổi tên là Bát lộ quân, và Tân tứ quân. Đối với vấn đề nông dân, thì chính sách của Đảng trong thời kỳ kháng chiến là thực hành giảm tô giảm tức, tạm thời không tiếp tục cải cách ruộng đất…

Hôm đầu tiên Bác đến Tây An được các lão đồng chí hoan nghênh nhiệt liệt. Mà cũng là hôm đầu tiên phải “chạy máy bay” Nhật đến ném bom.

Tây An là một thành phố có nhiều di tích lịch sử xưa cũ hơn ba, bốn nghìn năm, và có nhiều phong cảnh xinh đẹp. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, có thời giờ đâu, có tâm trạng đâu mà đi xem! Tuy vậy Bác vẫn thấy được một điều lạ: rất nhiều chim quạ đen. Lúc trời gần tối có hàng chục vạn con quạ từ bốn phương bay đến, đỗ kín các mái nhà và ngọn cổ thụ trong công viên. Sáng sớm chúng xuống đỗ kín mặt đất, nhảy nhót và kêu quạc quạc ầm lên như cãi nhau, rồi từng nhóm kéo nhau bay qua mỗi nhóm một phương trời. Trông thấy bầy quạ, Bác nhớ lại câu ca dao:

“Quạ nào mà chẳng đen lông
Địa chủ nào mà tốt với bần cố nông bao giờ.”


Ở Tây An vài hôm rồi đi Diên An. Bác cùng mấy đồng chí Trung Quốc phụ trách “hộ tống” mấy ngày chiếc xe chở vải rách (mua về để bện dép) đến Diên An. Xe này không phải là xe hơi mà cũng không phải là xe bò, vì nhiều khi phải dùng một ngựa, một lừa và một trâu cùng kéo. Mỗi ngày chỉ đi được vài chục cây số. Tối đến, trọ ở nhà nông dân; tiền phòng ngủ và tiền ăn (ăn miến, ăn nhiều ít tuỳ ý) chỉ tốn 2 hào. Đi đủng đỉnh chậm chạp như thế có hơi mệt. Nhưng lại được nhiều điều thú vị.

Trên đường, gặp nhiều nhóm thanh niên, trai có, gái có số đông là trí thức, từ các nơi lũ lượt kéo nhau đi Diên An. Phần thì vì không quen lao động, phần thì vì đi bộ đã nhiều ngày, lắm người mỏi mệt, hầu như phải lê từng bước. Nhưng họ hướng về Diên An, trung tâm cách mạng, như các tín đồ hướng về “đất thánh”. Họ quyết vượt mọi gian khổ, đi cho đến nơi. Họ chia thành từng nhóm, giúp đỡ lẫn nhau. Hai bên đường, trên gốc cây và tảng đá, thường có những khẩu hiệu viết bằng phấn hoặc bằng than: “Anh chị em ơi! Gần đến X rồi! Cố gắng lên thôi!...”

Bác có gặp một nhóm thanh niên Hoa kiều đi bộ từ Xiêm về. Bác thân mật nói chuyện về bảo vệ họ: lấy nước tiểu bóp chân cho đỡ mỏi; vừa đi đường vừa kể chuyện hoặc ca hát cho khuây khoả...

Từ Tây An đến Diên An có nhiều vùng “xôi đỗ”: Những huyện “trắng” thuộc Quốc dân Đảng. Những huyện “đỏ” thuộc về ta. Cũng có huyện nửa “trắng” nửa “đỏ”, ở đấy vì huyện trưởng thường là “trắng”, mọi việc dân cứ tìm đến cán bộ đỏ, cho nên “quan huyện” rất nhàn hạ như câu hát:

“Chiều chiều quan huyện ra câu,
Cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng…”


Thanh niên học sinh các nơi tìm vào Diên An, lúc đi qua vùng trắng, có khi bị bọn Quốc dân Đảng bắt cóc làm mất tích.

Ở vùng trắng, dọc đường thường có lính Quốc dân Đảng cầm súng gác. Ở các trạm vùng đỏ, do nông dân hoặc thanh niên phụ nữ, đôi khi các em nhi đồng cầm dáo dài ngù đỏ canh phòng.

Một buổi trưa trời nắng, Bác đang nghỉ trong một cái quán. Khi cơm mới sôi, thì chị nhà hàng hối hả mang nồi chạy ra sau vườn. Ngoài đường phố một toán lính Quốc dân Đảng đang khệnh khạng kéo đi, sau mươi phút, bà chị lại hăm hở mang nồi cơm về. Bác hỏi: “Cơm đang sôi, sao thấy chị mang chạy?” Chị nhà hàng khẽ trả lời: “Các đồng chí mới đến không biết chúng ăn đã không có tiền thì chớ, chúng còn đánh đập người ta nữa là khác!”.

“Chúng” tức là bọn binh sĩ Quốc dân Đảng. Dân gian ở đây có câu: “Nhất binh nhì phỉ, vơ vét thật kỹ, nhất phỉ nhì binh”.

Cùng trên một đường phố thị trấn H, Bát lộ quân và Quốc dân Đảng cũng có đặt trạm mộ binh mới. Bên trạm “Bát lộ” thì người đến đăng ký đông kìn kịt. Bên trạm “Quốc dân” chẳng có ai vào, tên trạm trưởng bèn nghĩ ra một diệu kế - nó trang hoàng trạm nó giống hệt như trạm “Bát lộ”. Kết quả có người vào ngay. Nhưng người vào rồi người lại ra, ra để vào trạm “Bát lộ”… Hơn nữa, nhiều lính Quốc dân Đảng bí mật trốn theo Bát lộ quân…

Nhìn qua những việc nhỏ bé, người ta cũng thấy được lòng dân hướng về ai.

Đi độ một tuần thì đến Diên An.

Diên An là một thị trấn thường, ở địa phận núi, nhà cửa không nhiều mấy, nhưng số người lại rất đông. Đại đa số ở nhà “hầm”, tức là xuyên núi đất thành những tổ tò vò khổng lồ, hàng chục người ở được. Nhà hầm có cái ưu điểm là mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Những dãy nhà hầm chạy theo chân và sườn núi. Học sinh và bộ đội ở nhà hầm. Các đồng chí lãnh tụ đảng và chính phủ cũng ở nhà hầm.

Bác nói: Đến Diên An, trong lòng rất phấn khởi, nhưng không khỏi bỡ ngỡ ít nhiều. Thí dụ: Lúc đầu không phân biệt được ai là bộ đội, ai là học sinh, ai là chỉ huy, ai là cán bộ, thậm chí không phân biệt được ai là đàn ông, ai là đàn bà! Thật vậy, vì mọi người đều ăn mặc gọn gàng và một kiểu như nhau: áo quần nhuộm màu chàm, và giầy vải… Mấy ký giả nước ngoài đã tặng đồng chí Chu Đức cái danh hiệu “Hoả đầu phu tướng quân” vì Chu tổng tư lệnh cũng mặc như người đầu bếp.

Ăn thì một ngày hai bữa cơm gạo mạch với cà rốt và củ cải. Lúc đầu Bác chưa quen, ăn không được. Nhưng vài hôm sau dần dần ăn được, vì như câu tục ngữ nói: “Đói, thì muối cũng ngon”.

Cứ cách mươi hôm lại có bữa “ca xôi” (thêm rau). Các “anh nuôi” khéo tiết kiệm. Khoảng mười ngày cộng lại một lần, tiết kiệm được bao nhiêu đều dùng vào “ca xôi”: cơm trắng với cá, thịt, vịt, gà… như một bữa tiệc no.

Về mặt vật chất, Diên An là một nơi cực kỳ giản đơn, chất phác, khắc khổ. Về mặt tinh thần thì Diên An là một “Trời đất tự do” cực kỳ vui vẻ, sôi nổi, phấn khởi, khẩn trương. Ai cũng tăng gia, ai cũng học tập.

Trường học to nhất là “Kháng đại” (Kháng Nhật quân chính đại học) trong mấy năm đã đào tạo 20 vạn cán bộ quân sự và chính trị. Nhà trường trống rỗng, không ghế không bàn. Khi lên lớp mỗi học sinh mang theo một cái ghế cỏn con để ngồi; khi ghi chép thì học sinh kê sách lên đầu gối mà viết.

Lúc đó Diên Anh là nơi tổng chỉ huy của 18 vạn quân đội cách mạng và 8, 9 khu giải phóng ở Hoa Bắc và Hoa Trung. Một không khí bồng bột lạ thường bao trùm tất cả mọi người và biểu lộ ra trên nét mặt của mỗi một người. Đoàn kết, phấn đấu, thắng lợi – đó là chí khí của Diên An, nó thật xứng đáng với cái tên vẻ vang mà nhân dân Trung Quốc tặng cho nó: “Thánh địa cách mạng”.

Gần Diên An có mấy di tích lịch sử nổi tiếng: Lăng Hoàng đế (Hoàng đế là tên một vị vua có công đức với dân, cách đây khoảng 5.000 năm) “Đỗ Phủ xuyên” là con suối mà đời xưa đại thi sĩ Đỗ Phủ thường đi đến; có Bửu tháp trên núi Gia Lăng. Khi đi gần Cam Tuyền. Bác nhớ lại câu “Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây” trong Chinh phụ ngâm nổi tiếng.

Vội đi Hoa Nam cho gần nước ta hơn. Bác chỉ ở lại Diên An hai tuần, rồi trở lại Tây An. Lần này đi cùng năm chiếc xe hơi chở học sinh, cán bộ trung cấp và cao cấp. Khi đi qua vùng “trắng” X, bọn đặc vụ Quốc dân Đảng bắt xe dừng lại và lục soát, rồi chúng doạ giữ xe và người lại. Đồng chí Lâm Bưu bảo chúng đại ý: “Chúng tôi đi có việc và rất quan trọng. Nếu muốn giữ chúng tôi lại, thì các anh phải viết giấy rõ ràng…” Trước thái độ cứng cỏi đó, bọn đặc vụ không dám lôi thôi nữa.

Việc này lại một lần nữa phơi bày sự đê hèn của bọn Tưởng.

Đến Tây An, Bác đi Quảng Tây, vì Quảng Đông hồi đó bị giặc Nhật chiếm rồi. Cùng đi chuyến ấy có đồng chí L. là cán bộ Đảng. Để cho có vẻ, đồng chí L. ra vai quan trưởng, Bác thì làm vai lính hầu của L.

Ở Quế Lâm (tỉnh lỵ Quảng Tây) có biện sự xứ và một đơn vị nhỏ của Bát lộ quân, Bác vừa tham gia công việc Bát lộ quân, vừa tìm cách liên lạc với trong nước. Các đồng chí Trung Quốc giúp Bác nhiều trong việc này.

Khi đơn vị Bát lộ quân mới đến đóng ở ngoại ô Quế Lâm, nhân dân địa phương tỏ vẻ lạnh nhạt, vì họ đã bị Quốc dân Đảng tuyên truyền. Nhưng ra sức thực hành khẩu hiệu “Hết lòng giúp đỡ nhân dân”, cho nên không bao lâu thì cảm tình giữa Bát lộ quân và bà con địa phương trở nên “như cá với nước”.

Bác được đơn vị bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ. Câu lạc bộ vừa là một cơ quan văn hoá của đơn vị, vừa là cơ quan tuyên truyền đối với nhân dân địa phương.

Được ít lâu, Bác đi Hành Dương với đồng chí tướng quân Diệp Kiếm Anh. Vì Bát lộ quân và Tân tứ quân khéo dùng chiến thuật du kích, luôn luôn thắng lợi trước mặt trận cũng như sau lưng địch. Ngày bắt đầu chống Nhật, hai quân đội ấy chỉ có độ 4 vạn chiến sĩ; năm 1938 đã phát triển đến hơn 18 vạn người, đã thu phục lại nhiều nơi bị Nhật chiếm vì quân Quốc dân Đảng bỏ chạy, đã mở nhiều khu giải phóng rộng lớn, và đương đầu với hơn 40 vạn quân Nhật. Còn quân Quốc dân Đảng thì liên tiếp thua trận này đến trận khác. Thấy vậy, Tưởng Giới Thạch bèn nhờ Bát lộ quân dạy chiến thuật du kích cho một số sĩ quan của hắn. Đồng chí Diệp Kiếm Anh lãnh đạo một số đồng chí giáo quan phụ trách trường huấn luyện ấy.

Bác được bầu làm bí thư chi bộ, kiêm việc nghe đài phát thanh lấy tin tức quốc tế làm tài liệu huấn luyện thời sự cho đơn vị. Cả hai công việc đều mới lạ, nhưng cũng đều thú vị.

Trong chi bộ thì tướng có, binh có, trai có, gái có; tiếng nói đông, tây, nam bắc đều có. Trong đơn vị thì có chiến sĩ cũ, có chiến sĩ mới, có một số không phải đảng viên, chi bộ đều phải săn sóc họ. Việc thì việc lớn, việc nhỏ từ việc ăn uống, học tập, giải trí, kỷ luật cho dến việc riêng của mọi người đều tìm đến bí thư. Bác cùng hai đồng chí phó bí thư (phụ nữ) làm việc suốt ngày.

Việc nghe radiô cũng không dễ, vì lần này là lần đầu tiên mó tay đến máy thu thanh, không biết đài nào phát giờ nào và làn sóng nào, Bác thức suốt năm đêm, vặn đi vặn lại tìm nghe. Đến khuya đêm thứ sáu mới nghe được đài Luân Đôn.

Trường huấn luyện du kích, kết quả thế nào? Muốn đánh du kích thì phải dựa hẳn vào lực lượng của nhân dân, phải được nhân dân yêu mến và giúp đỡ. Muốn đạt được mục đích đó thì mỗi đội viên du kích phải yêu kính nhân dân, giúp đỡ nhân dân, cùng nhân dân đồng cam cộng khổ, đoàn kết thành một khối. Đàng này quân Quốc dân Đảng đều thuộc giai cấp bóc lột, quen thói hà hiếp nhân dân, họ không thể hành được cái họ đã học. Kết quả là “Chữ thầy lại trả thầy”.

Bọn Tưởng Giới Thạch đánh Nhật thì rất nhát, chống cộng lại rất hăng. Âm mưu của chúng là mượn tay phát xít Nhật để tiêu diệt quân đội cách mạng. Không ngờ Bát lộ quân và Tân tứ quân càng ngày càng đánh sâu vào sau lưng địch, mở rộng khu giải phóng phát triển bộ đội mình, và thế lực ngày càng mạnh.

Âm mưu nham hiểm kia đã thất bại, cuối năm 1939, Tưởng Giới Thạch công khai mở cuộc chống cộng, phái quân đánh vào Biên khu là nơi Trung ương Đảng Cộng sản đóng, và đánh vào những vùng thuộc phạm vi Bát lộ quân và Tân tứ quân. Đảng Cộng sản vừa phải đánh Nhật, vừa phải chống Tưởng, lại vừa phải khôn khéo giữ gìn cho Mặt trận Thống nhất khỏi tan vỡ.

Trung Quốc đang ở trong vùng binh lửa, thì lửa chiến tranh bắt đầu cháy ở châu Âu. Thế là thảm hoạ chiến tranh lan hầu khắp thế giới…

Từ năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế và lên nắm chính quyền. Do đó, ở Việt Nam ta xiếng xích thực dân cũng được nới lỏng đôi chút. Một số đồng chí tù đày đã được thả về và tiếp tục hoạt động. Cơ sở Đảng được dần dần khôi phục. Phong trào quần chúng dần dần lên cao.

Cuối năm 1939, vì tình hình chiến tranh, lại vì Đảng Xã hội Pháp ươn hèn, chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp bị đổ, bọn phản động lên cầm quyền. Thực dân Pháp ở Việt Nam lại tung hoành như cũ. Chút đỉnh tự do mà nhân dân ta đã giành được trong mấy năm qua đều bị chúng xoá sạch. Lại khủng bố. Lại vơ vét, lại bắt lính, bắt phu. Đảng ta phải đi vào hoàn toàn bí mật.

Ở Pháp có phòng tuyến Ma–gi–nô chạy dọc biên giới Pháp–Đức. Xây dựng ở dưới đất có 3 tầng, bằng xi măng cốt sắt. Kho đạn, kho lương, nước máy, đèn điện… các thứ đều đủ. Tại phòng tuyến này có một triệu quân. Tướng tá Pháp khoe khoang rằng: Địch có cánh cũng không bay qua được. Nhưng chỉ trong vài tuần, quân Đức đã bao vây kín phòng tuyến này bắt sống cả một triệu binh lính và mấy trăm ông tướng làm tù binh. Thế rồi ào ạt kéo quân chiếm lấy thủ đô Pa–ri và một nửa nước Pháp. Tháng 6–1940, Pháp ở “nước mẹ” đầu hàng Đức. Tiếp đến thực dân Pháp ở Đông Dương cũng đầu hàng Nhật. Giặc Nhật kéo vào Việt Nam, từ đó đồng bào ta bị một cổ hai tròng!

Không thể khoanh tay ngồi chịu, đồng bào ta liên tiếp khởi nghĩa ở Bắc Sơn (9-1940), ở Nam Kỳ (11-1940) và ở Đô Lương (Nghệ An). Những tin tức sôi nổi ấy làm cho Bác càng nóng ruột.

Ở biên giới Quảng Tây không chắp được liên lạc, các đồng chí Trung Quốc giúp cho Bác đi Vân Nam. May mắn thay! Đến Côn Minh thì gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan và mấy đồng chí nữa. Thế nào chuyến này cũng nhất định về nước để bàn định kế hoạch xong, mấy anh em cùng nhau đi trở lại Quảng Tây. Cùng đi trên thuyền có mấy Việt kiều khác. Để giữ bí mật, Bác đóng vai một người viết báo Trung Hoa, không biết tiếng Việt. Nhưng một hôm đồng chí Hoan để tàn thuốc rơi xuống áo mà không biết, Bác quên cả bí mật mà thốt ra: “Cháy áo, cháy áo kìa!”.

Nghe đến đây chúng tôi cười ồ lên. Bỗng văng vẳng nghe: tiếng trẻ con hát từ đường xa vọng lại. Nhìn sang bên kia đường, chúng tôi thấy chênh chênh bên sườn đồi có hơn một chục ngôi nhà, nấp gọn kín dưới những cây đa rậm rạp. Bác cùng chúng tôi ghé vào thăm.

Trong một ngôi nhà tranh bé nhỏ, nhưng xinh xắn và sạch sẽ, có mấy dãy ghế dài bằng tre, hơn hai mươi em trai và gái trạc 10 tuổi, đang học ê a. Cô giáo là người Tày, mặt mũi thông minh và hiền hậu. Thấy chúng tôi vào, các em vui mừng và kêu ầm lên: “Các chú bộ đội, các chú bộ đội”.

Với một giọng nghiêm trang, cô giáo bảo: “Các em giữ trật tự”.

Các em im phăng phắc. Cô giáo bảo: “Các em ra sắp hàng!”.

Các em ra sắp hàng hai. Cô giáo bảo: “Nghiêm! Các em chào các chú bộ đội!” Các em đồng thanh hô to: “Chào các chú ạ!”.

Bác xem sách các em và khen các em viết chữ khá. Bỗng thấy bên cạnh cái bàn nhỏ của cô giáo, có một cháu bé ngồi trong cái nôi. Cháu bé vạm vỡ, rất dễ thương. Bác bế nó lên, nó không sợ lạ mà lại cười. Bác hỏi cô giáo: “Cháu này là con của cô, phải không?”. Cô giáo thẹn đỏ cả mặt ngập ngừng trả lời: “Thưa không phải ạ! Chị hàng xén gửi cháu ở đây để đi làm nương đấy ạ”.

Đang nói chuyện thì nghe có tiếng máy bay. Bác hỏi: “Các cháu có sợ máy bay giặc không?”. Các em tranh nhau trả lời: “Thưa không ạ! Các cháu không sợ. Các cháu có hầm trú ẩn đằng kia kìa!”.

Bác hỏi: “Các cháu biết hát không?”. Các em thưa: “Hát bài 'Kết đoàn’ ạ!” Rồi Bác cầm nhịp: “Kết… ết đo… oàn… Hai… Ba!” Các em hát, cô giáo cũng hát. Chúng tôi cũng hát.

Trước khi từ giã đi ra, Bác quay lại hỏi cô giáo: “Cô biết 'khôn hé’ là ai không? “Như không nén nổi tấm lòng sung sướng, cô giáo Thìn chạy lại ôm chầm lấy Bác và nói với một giọng cảm động: “Thưa có biết chứ! Nhưng cháu phải giữ bí mật cho Bác!”.

Cô Thìn và các em tiễn chúng tôi đến đường cái quyến luyến mãi không muốn rời tay…

Ra đến đường cái Bác lại tiếp tục kể chuyện:

Khi từ Côn Minh đến Tĩnh Tây, thì gặp một nhóm thanh niên Cao Bằng, dẫn đầu là các đồng chí Quảng Ba, Hoàng Sâm… Họ sang đây tìm người lãnh đạo cách mạng và đã gặp Trương Bội Công.

Trương Bội Công là người Việt Nam sang Trung Quốc và làm việc cho Quốc dân Đảng đã lâu năm. Tuy không hiểu biết gì về quân sự, nhưng y đã được Tưởng Giới Thạch phong cho hàm thiếu tướng. Nay Tưởng phái y đến biên giới, nhằm lung lạc cách mạng Việt Nam. Gặp nhóm thanh niên, Trương Bội Công khoe khoang nhiều lắm, lên mặt “chí sĩ yêu nước, cách mạng lão thành” và sẵn sàng thu nạp đám thanh niên làm “bộ hạ” cho y.

Nhưng anh em thanh niên cũng tinh quái đáo để. Chỉ nghe cách y nói khoác lác, họ cảm thấy y không phải là người cách mạng chân chính. Họ thất vọng. Họ sắp kéo nhau trở về Cao Bằng, thì nhóm Bác vừa đến Tĩnh Tây. Các đồng chí Đồng, Giáp… tìm gặp nói chuyện với đám thanh niên hăng hái đó. Giải thích cho họ rõ bước đường cách mạng hiện nay. Bàn với họ mở ban huấn luyện, v.v… Anh em thanh niên rất hoan nghênh. Nói ngay, làm ngay. Tối hôm đó họ rời khỏi Tĩnh Tây. Sáng hôm sau, Trương thiếu tướng ngủ dậy thì không thấy “bộ hạ” của y đâu nữa, cho người đuổi theo, thì muộn quá rồi!

Đồng chí Lê Quảng Ba dẫn Bác và nhóm thanh niên đi cả đêm, đến một làng Trung Quốc gần biên gới Việt Nam, mượn nhà người quen, mở ban huấn luyện, do Bác phụ trách. Lớp huấn luyện rất sôi nổi, dân chủ và vui vẻ. Bà con Trung Quốc trong làng không hiểu chúng mình dạy cái gì, học cái gì, nhưng đều khen thanh niên Việt Nam đoàn kết, chăm học, siêng làm. Bà con trong làng nhất là những người cho mượn nhà rất mến chúng ta. Vì vò nước bao giờ cũng đầy, đống củi bao giờ cũng cao, nhà cửa bao giờ cũng sạch, trong nhà có việc gì chúng ta cũng ra tay làm giúp. Đặc biệt các em nhi đồng luôn luôn xoắn xít chung quanh anh em ta để học hát, học nhảy múa, không nghịch ngợm, và đánh nhau như trước nữa. Chúng ta đã góp phần làm cho cái làng tĩnh mịch trong một thung lũng âm u vui hẳn lên… Bác bảo các đồng chí thanh niên: “Đó là một cách dân vận thiết thực đấy”.

Vào khoảng tháng 2–1941, vừa đến Tết âm lịch thì ban huấn luyện cũng vừa kết thúc. Tối mồng một Tết, được tin chuyên viên Quốc dân Đảng sắp đến kinh lý vùng này. (Tin này sau hoá ra tin vịt.) Sợ bị lộ, sáng sớm mồng hai Tết, Bác cùng tất cả anh em thanh niên cuốn gói chuồn, mặc dù bà con trong làng khẩn khoản mời ở lại ăn Tết đến ngày hạ nêu hẵng đi.

Hôm đó, sương mù dày đặc, ngồi giáp mặt nhau cũng không thấy rõ nhau. Mọi người cho khí hậu như thế là tốt, vì để giữ bí mật. Đi cách làng một thôi khá xa, ai cũng mỏi chân và đói bụng. Bác bảo: “Nơi đây kín đáo, chúng ta ngồi nghỉ một chốc…” Nghỉ chưa đầy hai phút thì trời sáng sương tan. Té ra ngồi nghỉ giữa cánh đồng ruộng, chẳng kín đáo chút nào! Mọi người lại vội vàng khoác gói lên đường, bước nhanh hướng về phía Tổ quốc.

Chiều hôm đó, đồng chí Quảng Ba dẫn Bác và cả nhóm thanh niên về Pác Bó. Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động. Từ hôm đó, cái hang Pác Bó trở nên “đại bản doanh” của chúng ta. Hội nghị lần thứ tám của Trung ương đã khai mạc ở Pác Bó. Ở đó đã tổ chức những ban huấn luyện ngắn ngày để đào tạo cán bộ. Mở lớp dạy chiến thuật du kích, phát triển tổ chức Việt Minh và cơ sở Đảng, đặt kế hoạch vũ trang chống Pháp, chống Nhật, v.v… Những việc đó đã có nhiều đồng chí thuật lại, chắc các chú đã được nghe rồi. Bây giờ Bác chỉ kể những chuyện mà các chú chưa biết hoặc ít được nghe, tức là cuộc kháng chiến của Trung Quốc và cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Trong cuộc kháng chiến vô cùng gay go mà cũng vô cùng anh dũng, lực lượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát triển rất nhanh; từ ngày bắt đầu chống Nhật - số đảng viên là 4 vạn người, năm 1940 tăng lên 80 vạn người. Tân tứ quân từ một vạn người tăng lên 10 vạn người.

Lực lượng cộng sản càng phát triển, thì bọn Tưởng Giới Thạch càng lo sợ và tìm đủ mọi cách để phá hoại.

Năm 1941, ở châu Âu, phát xít Đức phản bội điều ước đã ký kết, bất thình lình kéo quân ào ạt vào Liên Xô. Ở châu Á, phát xít Nhật cũng mở rộng cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương. Để khỏi bận bịu nhiều về hậu tranh ở Trung Quốc, phát xít Nhật dùng phần lớn quân đội đi càn quét các khu giải phóng. Có khi chúng càn đi càn lại luôn ba, bốn tháng liền. Chúng thi hành chính sách “tam quang” - giết sạch, cướp sạch, phá sạch. Trong khi đó Tưởng Giới Thạch lại phái 90 vạn quân phong toả Bát lộ quân và Tân tứ quân.

Năm 1941–1942, ở nhiều khu giải phóng lại bị mất mùa nặng. Lương thực hết, quân và dân phải ăn lá cây, rễ cỏ trừ cơm. Mùa đông tuyết phủ đầy núi đầy đồng, gió rét tận xương, tận tuỷ, mà áo chăn thiếu, giày dép cũng thiếu. Những binh sĩ bị thương, những cán bộ đau yếu đều thiếu thuốc men. Thật là gian nan cực khổ.

Trong hoàn cảnh vô cùng gay go ấy, trong cán bộ quần chúng không khỏi có người đâm ra tiêu cực, bi quan. Để củng cố lại hàng ngũ, Trung ương kiên quyết mở hai cuộc vận động lớn trong một lúc. Một là chỉnh Đảng - tức là uốn nắn lại tư tưởng, tác phong trong Đảng. Bất kỳ làm việc gì. Ở cương vị nào, cán bộ và đảng viên phải làm gương mẫu. Hai là phát động phong trào tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế và “tinh binh, giản chính!”.

Kết quả về chính trị là đã đánh lui không khí bi quan. Về kinh tế thì các đơn vị bộ đội, các cơ quan, các trường học đã đi đến hoàn toàn tự túc, hoặc tự túc một phần. Hai vấn đề trên đã giải quyết, Trung ương chủ trương đẩy mạnh chiến thuật du kích và “vườn không nhà trống”, làm cho giặc Nhật mò đến đâu cũng đụng đầu vào sức chiến đấu mới của quân và dân ta. Cuối cùng là kế hoạch càn quét của địch bị phá tan.

Năm 1943–1944, quân đội Liên Xô đại thắng quân phát xít Đức ở châu Âu, thì Trung Quốc Bát lộ quân và Tân tứ quân cũng phát triển khu giải phóng khắp cả nước.

Tháng 8–1945, quân đội Liên Xô đánh tan Quan đông quân là quân đội tinh nhuệ nhất của phát xít Nhật chiếm đóng ở miền Đông Bắc Trung Hoa. Như con rắn bị đánh vỡ đầu, giặc Nhật buộc phải đầu hàng.

Hồi đó, Bát lộ quân và Tân tứ quân có cả thảy 1 triệu 28 vạn binh sĩ; khu giải phóng rộng lớn gồm có 130 triệu nhân dân và hơn 2 triệu dân quân du kích. Đảng Cộng sản có 1 triệu 20 vạn đảng viên.

Những năm đau khổ dưới gót sắt của giặc Nhật vừa chấm dứt, nhân dân Trung Quốc mong mỏi sẽ được hưởng một đời sống hoà bình. Nhưng đế quốc Mỹ liền cấu kết với bọn Tưởng Giới Thạch, gây lại cuộc nội chiến, hòng tiêu diệt cách mạng để giữ gìn quyền thống trị độc tài của chúng.

18 năm nắm quyền thống trị, bốn “đại gia đình” (là Tưởng Giới Thạch, Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy, Trần Lập Phu) thẳng tay vơ vét xương máu của nhân dân để làm giàu. Tài sản của chúng trị giá 20 tỷ đô-la Mỹ. Đế quốc Mỹ lại đã “hùn” thêm cho chúng 6 tỷ đô-la. Tư bản quan liêu và tư bản đế quốc đã ăn cánh với nhau, đè đầu cưỡi cổ, bóc lột tàn tệ hơn 600 triệu nhân dân Trung Quốc.

Để gây lại nội chiến, đế quốc Mỹ đã trang bị với vũ khí hiện đại cho 4 triệu 30 vạn quân Tưởng, cộng với một triệu vũ khí lấy được của quân Nhật đầu hàng, ngoài ra còn có hải quân và không quân Mỹ giúp sức, 70% đất đai Trung Quốc đang ở dưới quyền cai trị của Tưởng.

Trong lúc đó, Giải phóng quân chỉ có một triệu 28 vạn người và 30% đất đai. (Từ ngày nội chiến Bát lộ quân và Tân tứ quân đổi tên là Trung Quốc Nhân dân Giải phóng quân.)

Với địa bàn rộng, quân đội nhiều, trang bị tốt, lại có quan thầy Mỹ giúp đỡ, bọn Tưởng đã hý hửng khoác lác rằng: Sớm thì 3 tháng, chậm thì 6 tháng, chúng sẽ tiêu diệt Giải phóng quân.

Những người lừng chừng cũng lo sợ rằng: So sánh lực lượng hai bên khác nhau quá xa, Giải phóng quân đánh nhau với Tưởng Giới Thạch khác nào châu chấu đấu với voi!

Nhưng Trung ương Đảng và đồng chí Mao Trạch Đông thì quả quyết nói: “Chúng ta cần phải và có thể đánh bại bọn Tưởng… vì chúng ta là lực lượng cách mạng đánh lực lượng phản cách mạng…” Song song với công việc quân sự; Đảng tiến hành cải cách ruộng đất trong các khu giải phóng. Chính sách ấy đã nâng cao nhiệt tình cách mạng của nông dân, họ hăng hái tham gia Giải phóng quân và đội du kích. Đồng thời Đảng đẩy mạnh công tác Mặt trận Nhân dân Thống nhất. Đoàn kết các giới công, nông, binh, học, thương; các đoàn thể nhân dân; các đảng phái dân chủ; các dân tộc thiểu số và các nhân sĩ yêu nước - tạo thành một lực lượng khổng lồ chống Mỹ-Tưởng. Từ đó giặc Tưởng càng đánh càng yếu, Giải phóng quân càng đánh càng mạnh. Cuối năm 1948, đầu năm 1949, Giải phóng quân đánh đâu thắng đó, ào ạt tiến lên như ngọn thuỷ triều. Tháng 3 giải phóng vùng Bắc Kinh. Tháng 4 giải phóng Nam Kinh, rồi lần lượt giải phóng cả nước.

Ngày 1-10-1949, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Thắng lợi vĩ đại của nhân dân Trung Quốc tức là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác-Lênin vĩ đại. Nó có ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới:

Nó làm cho phe xã hội chủ nghĩa ngày càng mạnh thêm.

Nó khuyến khích nhân dân các nước thuộc địa mạnh bạo nổi lên đấu tranh chống đế quốc và giành lấy tự do độc lập.

Nó làm cho thế lực của đế quốc chủ nghĩa suy sụp rất nhiều, vì thêm một phần tư nhân dân thế giới đã thoát khỏi xiềng xích của chúng.

Còn đế quốc Mỹ thì “tiền mất tật mang”, càng bộc lộ hình dạnh xấu xa của con hổ giấy.

Đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam ta, thắng lợi của nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhân dân ta giành được thắng lợi cuối cùng.

Bắt đầu kể chuyện cuộc chiến tranh yêu nước (ta quen gọi là kháng chiến) của Liên Xô, Bác nói: Về địa lý, Liên Xô cách Việt Nam ta hàng nghìn cây số (đường máy bay Mát-xcơ-va đến Hà Nội hơn 8700 cây số). Hồi đó Đảng ta đang hoạt động bí mật. Báo chí khi nhận được, khi không. Tin tức rất lõm bõm và chậm chạp. Tuy vậy, Liên Xô bị Đức phát xít tiến công là một biến cố vô cùng to lớn. Nó làm ầm cả thế giới, nó vang đến tận cái hang bí mật trên đỉnh núi đá Cao Bằng!

Tổ quốc cách mạng bị tiến công! Những người cộng sản khắp năm châu ai nghe tin tức ấy mà không nóng ruột!

Lúc đầu Bác có ý định giữ bí mật, không vội đưa tin tức ấy ra, chờ có thêm tài liệu chắc chắn rồi sẽ báo cáo với các đồng chí và đồng bào địa phương. Nhưng chờ đến bao giờ? Rút cuộc đưa tin tức ấy ra một cách dè dặt và có giải thích. Thí dụ: Không nói rằng mấy hôm đầu quân phát xít đã tiến sâu vào gần 600 cây số, mấy thành phố Liên Xô tạm bị địch chiếm, v.v… mà chỉ nói phát xít Đức tiến công Liên Xô thôi!

Khi mới nghe tin, mọi người tỏ vẻ sửng sốt và lo âu. Nhưng một lát sau, thì nhiều người giương nắm tay lên và quả quyết nói: “Không sợ! Liên Xô nhất định sẽ thắng!” Điều này tỏ rõ trình độ chính trị khá cao của các đồng chí ta và họ tin tưởng sắt đá vào lực lượng của Liên Xô vĩ đại.

Không chờ Bác giải thích, một đồng chí cán bộ đứng lên phát biểu ý kiến, đại ý nói: Ngày Cách mạng tháng Mười thành công, kinh tế của Liên Xô rất kém cỏi. Ngoài thì quân đội của 14 nước đế quốc đánh vào. Trong thì khắp nới bọn phản động nổi loạn. Hồng quân thì mới được tổ chức, trang bị thiếu thốn mọi bề. Tuy vậy, Đảng Bôsêvích của Lê-nin đã lãnh đạo nhân dân Liên Xô đập tan nội loạn, đánh lui đế quốc, đưa Liên Xô đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay tình hình khác hẳn với thời đó, lực lượng của Liên Xô đã mạnh gấp trăm nghìn lần. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, dù bọn phát xít Đức có mạnh đến mấy chăng nữa, chúng cũng sẽ thất bại, và Liên Xô nhất định sẽ thắng lợi!...”

Tiếng vỗ tay dậy cả vùng rừng. Không ai bảo ai, mọi người cùng đồng thanh hô to: “Liên Xô nhất định thắng lợi! Đảng Bônsêvích muôn năm!”. Liền sau cuộc họp đó, mỗi cán bộ phụ trách một địa phương để giải thích cho nhân dân rõ.

Bác nói tiếp: “Những chuyện Bác sẽ kể cho các chú nghe, lúc đó Bác cũng không biết hết. Sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi, nhân dân ta nắm chính quyền Bác mới có dịp tìm thêm tài liệu để biết rõ thêm.

Khuya hôm 21-6-1941, tên chỉ huy một đơn vị phát xít Đức đóng gần biên giới Liên Xô ra lệnh tập họp bộ đội lại. Từ một chiếc phong bì ngoài có hai chữ: “Tối mật”, nó lấy ra một trang giấy và đọc to: “4 giờ rưỡi sáng 22-6-1941, toàn quân ta sẽ mạnh bạo tiến công vào Liên Xô. Ký tên: Đại bản doanh của thủ lĩnh tối cao Hít-le!”.

Nó vừa dứt lời thì một viên tiểu đội trưởng tên là Vim-hum-sun (Wilhelm Schultz) vùng chạy về phía biên giới Liên Xô. Tên chỉ huy phát xít hét lên: Mày chạy đâu? Bắn. Mấy tên lính rượt theo bắn. Anh Vim-hem-sun cứ cắm đầu chạy, rồi nhảy xuống bơi sang bên kia sông, tuy anh đã bị thương nặng.

Nghe tiếng súng, mấy đồng chí Hồng quân chạy ra bờ sông xem xét, và vớt anh Sun lên. Sun cố hết sức mà chỉ nói được một câu: “Tôi… cộng sản Đức… Mai sớm… chúng chiến tranh… chủ nghĩa cộng sản muôn… năm!”. Nói xong thì anh tắt thở. Trên nét mặt anh vừa có vẻ đau đớn bởi nhiều vết thương, vừa có vẻ sung sướng vì là làm tròn trách nhiệm của một người cộng sản.

Sáng 22-6-1941, ánh bình minh mát mẻ báo một ngày tươi đẹp, nhân dân Liên Xô dậy sớm, bắt đầu chuẩn bị công việc hàng ngày. Bất thình lình tiếng hàng trăm chiếc máy bay Đức ném bom long trời chuyển đất… Thế là chiến tranh Xô- Đức (một bộ phận lớn nhất trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai) nổ bùng.

Phát xít Đức gọi cuộc chiến tranh này là “chiến tranh chớp nhoáng”. Hít-le đã quyết định từ 2 tháng đến 4 tháng, chậm lắm là 5 tháng sẽ tiêu diệt Liên Xô.

Tên tham mưu trưởng của nó tên là Phôn-bóc (Von Bock) còn chủ quan hơn. Hắn nói: “Chỉ trong ba tuần thì sẽ kết thúc những trận đánh lớn. Và chỉ cần sáu tuần thì Liên Xô sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn”.

Để thực hiện âm mưu ấy, chúng đưa vào mặt trận này:

190 sư đoàn tinh nhuệ
3.500 xe tăng và xe bọc sắt
5.000 chiếc máy bay.
50.000 súng đại bác…

Tên đại tướng phát xít Đức Tô-mat (Thomas), còn khoác lác hơn cả. Nó nói: “Hễ quân Đức vào đất Nga, thì chính quyền Bônsêvích sẽ sụp đổ”.

Từ ngày bắt đầu cuộc chiến tranh Xô-Đức, Đảng ta ra sức tuyên truyền vận động ủng hộ Liên Xô chống phát xít Đức.

Tháng 9-1941, lầm tưởng chúng sẽ thắng lợi mọt cách dễ dàng. Hít-le ra lệnh cho quân đội nó: Nếu Mát-xcơ-va và Lê-nin-gơ-rát xin hàng thì cũng quyết không cho hàng, mà phải tiêu diệt sạch hai thành phố này, cả người lẫn vật!

Suốt tháng 9, quân phát xít Đức gồm có 80 sư đoàn, trong đó 23 sư đoàn xe tăng, tiến đến bao vây Mát-xcơ-va.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trước tình thế gay go đó hơn 10 vạn đảng viên, 26 vạn đoàn viên thanh niên cộng sản tình nguyện lên mặt trận. Hơn 50 vạn phụ nữ đêm ngày đào đắp công sự chung quanh Mát-xcơ-va. Các nhà máy quân dụng ở Mát-xcơ-va cứ tiếp tục làm việc. Công nhân, thanh niên tổ chức những đội “ủng hộ mặt trận”, bảo đảm hoàn thành gấp đôi mức kế hoạch đã định. Sau một thời gian cầm cự, tháng 1-1942, Hồng quân phản công và đánh tan vòng vây Mát-xcơ-va.

Đối với Liên Xô, mùa thu năm 1942 là một mùa thu cực kỳ chật vật. Trên các mặt trận, lực lượng phát xít Đức tăng đến 266 sư đoàn. Chúng chiếm đóng những vùng gồm 47% đất ruộng, 45% nhân dân và 33% tổng sản lượng công nghiệp cả nước. Những xí nghiệp chuyển về hậu phương tuy bắt đầu sản xuất, nhưng chưa hoàn toàn vào nề nếp. Số người và số hàng cần chở ra mặt trận ngày càng tăng, nhưng sức giao thông vận tải tiến chưa kịp… Tuy vậy, với tinh thần Bônsêvích, nhân dân Liên Xô quyết vượt mọi khó khăn.

Tháng 8 năm ấy, Bác có việc sang Trung Quốc, thì bị bọn Quốc dân Đảng bắt. Sau khi bị chúng trói giải đi suốt 18 nhà lao, từ trại giam này đến trại giam khác, chúng đưa Bác về giam ở Liễu Châu. Trong khi nhân dân Liên Xô anh em đang dốc hết lực lượng vào cuộc kháng chiến thần thánh, khi phát xít Nhật–Pháp đang hoành hành ở Việt Nam, khi đồng bào ta đang quằn quại dưới hai ách áp bức, khi công việc Đảng và Mặt trận Việt Minh đang nhanh chóng lan rộng ăn sâu vào quần chúng nhân dân – mà mình thì phải nằm queo trong một phòng giam của bọn phản động Trung Quốc, sốt ruột biết bao! Đây không phải là một trại giam chính cống, mà chỉ là một “cấm bế thất” - một phòng giam nhỏ hẹp ngay bên cạnh đội cảnh vệ của tướng Trương Phát Khuê. Chỉ một mình Bác bị nhốt ở đó. Lâu lâu mới có một vài sĩ quan Quốc dân Đảng bị phạt vào ở đó năm, bảy ngày. Bác lợi dụng những dịp đó để học tiếng “Quan”.

Bác gây cảm tình được với vài người lính gác. Mỗi bữa ăn xong còn thừa rau bí luộc, họ đưa cho Bác để “cải thiện sinh hoạt” phần nào. Điểu tốt nhất là một ngày họ bí mật quẳng vào cho Bác một tờ Liễu Châu nhật báo, đó là một món ăn tinh thần. Nhờ đó mà Bác theo dõi được tin tức chiến sự.

Tháng 2-1943, xem thấy tin: sau hơn sáu tháng chiến đấu vô cùng anh dũng, Hồng quân đã đại thắng ở Sta-lin-gơ-rát, bắt sống 33 vạn quân Hít-le… Bác mừng nhảy lên, suýt đụng đầu vào kèo phòng giam. Bác tự bảo nhất định phải ăn mừng cuộc thắng lợi này. Trong túi chỉ còn vẻn vẹn 1 đồng bạc, Bác đưa tuốt cả số tiền đó nhờ người lính gác mua giùm cho ít kẹo và “dầu cháo quẩy” (mua 1 đồng bạc chỉ được 5 hào, đó là quy chế của nhà giam), để làm bữa tiệc. Sau khi phấn khởi hô khe khẽ mấy khẩu hiệu: Đảng Bônsêvích muôn năm! Hồng quân muôn năm! Liên Xô thắng lợi muôn năm! Bác ngồi xuống một mình “chén tạc, chén thù” rất đàng hoàng vui vẻ. Từ đó về sau, mỗi tin tức Liên Xô thắng lợi là một món quà tinh thần từ phương xa đến để an ủi Bác.

Tôi nói: “Thưa Bác, lúc đang bị giam, Bác có làm nhiều thơ. Nếu Bác cho đăng lên báo, chắc cán bộ và đồng bào sẽ hoan nghênh lắm…”

Bác cười và trả lời: “Các cháu không nhắc thì Bác cũng không nhớ đến nữa. Bác không phải là người hay thơ, mà thơ của Bác cũng không hay. Mười mấy tháng bị nhốt trong một cái phòng u ám và quạnh hiu, một mình một bóng, không được nói chuyện với ai, không có việc gì làm. Muốn ‘du lịch’ thì đi dọc chỉ 5 bước, đi ngang 4 bước. Để ‘tiêu khiển’ ngày giờ, chỉ có cách nghêu ngao, vắt tắt ghi lại mấy nét sinh hoạt của người ở tù, cho khuây khoả thế thôi, phải thơ phú gì đâu…”

Khi được thả ra, mắt Bác nhìn kém, chân bước không được. Bác quyết tâm tập đi, mỗi ngày 10 bước. Dù đau mà phải bò, phải lết, cũng phải được 10 bước mới thôi. Cuối cùng Bác chẳng những đi vững mà còn trèo được núi. Lần đầu tiên lên đến đỉnh núi, Bác cao hứng làm một bài thơ chữ Hán như sau:

“Vân ủng trùng sơn, sởn ủng vân
Giang tâm như cánh tĩnh vô trần
Bồi hồi độc bộ Tây phong lĩnh
Nam vọng trùng dương ức cố nhân.”

Bác chỉ nhớ được bài thơ đó. Chúng tôi hết sức chỉ tạm dịch được thế này:

“Mây ôm núi, núi ôm mây
Lòng sông sạch, chẳng mảy may bụi hồng
Bùi ngùi dạo bước Tây phong
Trông về cố quốc, chạnh lòng nhớ ai.”

Hồng quân đại thắng ở Sta-lin-gơ-rát là một bước tiến rất to lớn trong cuộc kháng chiến của nhân dân Liên Xô, cũng như trong lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trước hết nó đã đánh tan cái “mê tín” cho rằng quân Hít-le là “quân tất thắng, quân vô địch”. Hai là nó chứng tỏ Liên Xô ngày càng mạnh và đã nắm quyền chủ động trong cuộc chiến tranh khổng lồ này. Ba là sau trận đó, cái gọi là “chiến tranh chớp nhoáng” (mà bọn phát xít luôn muốn khoe khoang) đã bị tan tành và từ đó quân phát xít Đức ở các mặt trận khác chỉ có bại, không có thắng. Hồi tháng 11-1942, Hít-le đã phải thở than rằng: “Cuộc chiến tranh với Nga có thể kéo dài hơn 10 năm, thậm chí 30 năm!”. Nhưng Liên Xô không để cho nó kéo dài 30 năm, mà chỉ non trong 3 năm thì Hít-le phải tự tử và chế độ phát xít Đức cũng bị tiêu diệt.

Tháng 9-1943, quân đội phát xít Ý của Mút-xô-li-ni đầu hàng. Ít lâu sau tên quỷ khát máu Mút-xô-li-ni bị quân du kích Ý treo cổ. “Liên minh chống cộng” Đức–Ý-Nhật như cái kiềng ba chân. Nay một chân là phát xít Ý đã bị bẻ gãy, rồi đây hai chân kia cũng sẽ gãy theo.

Tháng 1-1944, thành phố Lê-nin-gơ-rát anh dũng được giải vây…

Ba thành phố to nhất và quan trọng nhất là Mát-xcơ-va, Lê-nin-gơ-rát và Sta-lin-gơ-rát đều đã hoàn toàn giải phóng. Từ đó Hồng quân tiến về các mặt trận phía Tây như mưa giông gió bão, đánh đuổi quân Đức và giải phóng địa phương này rồi đến địa phương khác.

Tháng 9-1944, đất đai Liên Xô hoàn toàn được khôi phục, và Hồng quân đã tiến vào địa phận Đức – sào huyệt của kẻ thù.

Tháng 4-1945, Hồng quân ba mặt vây đánh Bá Linh. Sau mười ngày chiến đấu kịch liệt hôm 30-4-1945 cờ đỏ búa liềm của Liên Xô (do hai đồng chí Hồng quân cắm lên) phất phới tung bay trên nhà lầu quốc hội Đức phát xít.

Hồng quân thắng lợi hoàn toàn. Con quỷ Hít-le tự sát. Nước Đức phát xít đầu hàng.

Trong những năm chiến tranh, các đảng cộng sản và công nhân nhiều nước châu Âu đã lãnh đạo nhân dân tổ chức những đội quân du kích chống lại quân phát xít xâm lược. Khí đánh tiến về phía thủ đô nước Đức, Hồng quân đã giúp các đội du kích ấy đánh đuổi quân Đức, lật đổ chính phủ phản động, và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, như ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, An-ba-ni, Nam Tư, Đông Đức.

Liên Xô đã kết thức thắng lợi cuộc đại chiến ở phương Tây. Để giúp nhân dân Á Đông ra khỏi xiềng xích phát xít, tháng 8-1945, Hồng quân quay sang đánh phát xít Nhật. Chỉ trong mười ngày, Hồng quân đã tiêu diệt Quan đông quân, là quân chủ lực của Nhật, giải phóng miền Đông Bắc Trung Quốc và Triều Tiên. Cuộc thế giới chiến tranh lần thứ hai chấm dứt. Trung Quốc kết thúc cuộc kháng chiến chống Nhật. Cách mạng tháng Tám của Việt Nam ta thành công.

Vì sao, chỉ trong mười tháng quân phát xít Đức đã chinh phục các nước châu Âu, mà chúng lại bị Liên Xô tiêu diệt một cách thảm hại như vậy?

Vì dưới ngọn cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác–Lê-nin, Đảng Cộng sản Liên Xô đã đoàn kết nhân dân thành một khối vô cùng chặt chẽ như thành đồng luỹ thép. Hoàn cảnh càng gay go, nhân dân càng anh dũng. Những chuyện oanh liệt làm cho “Trời đất phải kinh, quỷ thần phải khóc” nhiều lắm, không thể kể hết. Sau đây là vài điều nổi bật:

Năm 1941, sau cuộc chiến tranh bùng nổ, trong sáu tháng có hơn 34 vạn công nhân ưu tú đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản.

Năm 1942, hơn 1 triệu 95 vạn người được vào Đảng.

Trong những năm chiến tranh, Đảng đã kết nạp 8 triệu 93 vạn đảng viên.

Đảng viên chiếm gần 60% trong Hồng quân.

1 phần 3 uỷ viên Trung ương Đảng hoạt động trước mặt trận giáp địch.

Mặc dù hy sinh rất nhiều, do phong trào sôi nổi tham gia bộ đội, năm 1944, qua ba năm rưỡi chiến tranh số Hồng quân đã tăng gấp ba lần.

Công nhân đã vượt mọi khó khăn, như nguyên liệu thiếu thốn, lương thực hạn chế… họ làm việc không kể ngày đêm để cung cấp đủ cho mặt trận. Năm 1944 trang bị của Hồng quân về mọi mặt đã tăng gấp 4 lần trở lên.

Ở nông thôn, chồng và con đi bộ đội, mọi việc đồng áng đều do phụ nữ đảm đang. Họ lao động quên mình, không quản nắng mưa, sương tuyết. Có khi họ tự động chịu thiếu thốn để cung cấp lương thực nhiều hơn cho bộ đội.

Trong quân đội, trong nhà máy, trong tổ chức du kích… bất kỳ ở đâu và công việc gì, thanh niên đều hăng hái gương mẫu, rất xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng…

Nói đến đây, Bác ngừng lại một lát và có vẻ ngẫm nghĩ, rồi nói tiếp: Chắc các chú đã nghe chuyện các cháu Đô-i-a Xô Viết, Lưu Hồ Lan Trung Quốc và Võ Thị Sáu Việt Nam. Các cháu ấy đều cùng một lứa tuổi, đều nồng nàn yêu nước, đều phi thường gan góc trước mặt kẻ thù, đều hy sinh một cách vô cùng oanh liệt. Người ta có thể tưởng tượng như đó là 3 chị em, 3 cô con gái vẻ vang của gia đình xã hội chủ nghĩa.

Trong cuộc kháng chiến vĩ đại, người trí thức Liên Xô cũng đã góp phần xứng đáng. Các bác sĩ và y sĩ đã xông pha lửa đạn, hết lòng hết sức săn sóc thương binh, bệnh binh. Các người văn nghệ đã tổ chức những đội văn công lên tận mặt trận phục vụ bộ đội…

Phong trào thi đua yêu nước, phong trào quyên góp, phong trào “đỡ đầu” chiến sĩ đều sôi nổi và bền bỉ. Nói tóm lại: Toàn Đảng, toàn dân đã thực hiện khẩu hiệu do Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đề ra: “Tất cả cho mặt trận! Tất cả để chiến thắng!”.

Trong lúc chúng tiến vào cũng như trong khi chúng thua chạy, quân phát xít Đức đã phá hoại rất nhiều tài sản của Liên Xô. Chúng đã phá huỷ:

1.170 thành phố
1.876 nông trường Nhà nước
32.000 xí nghiệp
70.000 nông thôn
98.000 nông trường tập thể (hợp tác xã) và vô số trường học, nhà trường.

Tất cả các tổn thất cộng lại đáng giá 2.600 tỷ đồng rúp, tức là bằng số tiền vốn của 12 cái kế hoạch năm năm! Cuộc chiến tranh đã làm cho công cuộc xây dựng của Liên Xô chậm hơn mười năm.

Tổn thất nặng nề nhất, là Liên Xô đã hy sinh 17 triệu người con dũng cảm.

Tuy vậy, chiến tranh vừa chấm dứt thì Đảng Cộng sản lập tức đề ra kế hoạch năm năm lần thứ tư. Trước kia anh dũng giết giặc, thì ngày nay nhân dân Liên Xô anh dũng trong công cuộc xây dựng lại nước nhà. Ngay từ lúc đầu, hơn 80% công nhân đã hăng hái tham gia phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa. So với trước chiến tranh, năng suất lao động tăng 37%. Tổng giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 73%. Kế hoạch năm năm lần thứ tư đã hoàn thành vượt mức trước thời hạn 9 tháng.

Nhiều thành phố xí nghiệp, trường học, nông trường, v.v… được xây dựng lại to hơn và đẹp hơn trước. Nhân dân Liên Xô chẳng những đã hàn gắn xong vết thương của chiến tranh, mà còn nhanh chóng tiến lên con đường cộng sản chủ nghĩa.

Một điều cần nói thêm: Trước chiến tranh, phe đế quốc chủ nghĩa rất mạnh. Sau chiến tranh, ba cái thành trì của chúng là Đức, Ý, Nhật đã vỡ tan; Anh và Pháp cũng bị chiến tranh làm cho xiểng liểng. Trước chiến tranh chúng thống trị 5 phần 6 quả đất. Sau chiến tranh, phong trào giải phóng dân tộc rầm rộ nổi lên, hơn 700 triệu người đã thoát khỏi ách thực dân và giành được tự do độc lập. Thế là chủ nghĩa đế quốc suy sụp rất nhiều.

Trái lại, trước chiến tranh, chỉ có Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa, chiếm 1 phần 6 diện tích và 9% tổng số người trên thế giới. Sau chiến tranh, phe xã hội chủ nghĩa tăng thành 12 nước, chiếm 26% đất đai, với hơn 35% nhân khẩu. 1.000 triệu người đoàn kết như anh em trong một gia đình, là đại gia đình xã hội chủ nghĩa.

Cuộc kháng chiến của chúng ta tuy rất gian khổ, nó có thể kéo dài bốn, năm năm nữa, nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng lợi. Chúng ta nhất định thắng lợi vì Đảng ta sáng suốt, dân ta đoàn kết, quân ta anh dũng, phe ta lớn mạnh.

Mặt trận đường số 4 này là một tượng trưng. Trước kia, quân đội thực dân Pháp lên mặt hùng hổ, dữ tợn như diều hâu. Ngày nay chúng nó thua chạy như đàn vịt.

Bác kể chuyện đến đó thì vừa về đến nhà. Như trên đã nói, những câu chuyện trên đây Bác vừa đi đường vừa kể. Tối đến chỗ nghỉ, chúng tôi nhớ được chừng nào ghi lại chừng nấy. Từ những câu chuyện đó, chúng tôi càng thấy rõ: Lực lượng của Mỹ-Tưởng mạnh như thế (hơn 8 triệu quân) mà cũng bị Giải phóng quân đánh tan; phát xít Đức, Ý, Nhật hung dữ như thế mà cũng bị Hồng quân tiêu diệt. Hai là: Phe đế quốc chủ nghĩa ngày càng suy sụp, phe xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh. Ba là: Trước đây phát xít Đức đã hết sức dùng mọi cách hung ác trong âm mưu chống cộng, kết quả chúng đã thất bại một cách tồi tàn. Ngày nay đế quốc Mỹ đang đi theo vết xe chống cộng của Hít–le, chắc chắn rằng số phận của đế quốc Mỹ cũng sẽ kết thúc một cách thảm hại như số phận Hít–le. Bốn là: Chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thực hiện khắp thế giới; điều đó cũng rõ rệt và chắc chắn như mặt trời mọc ở phương Đông.


Báo Nhân Dân từ số 2006, ngày 10– 5-1961 đến số 2694, ngày 6–8-1961 (có một số cách quãng không đăng).
Nguồn: Trích từ tập sách Chuyện kể dọc đường cách mạng. Nhà xuất bản Thanh niên. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.