Từ mười hai năm nay, thực dân Pháp theo dõi ông Nguyễn. Từ tám năm nay, chúng lùng ông. Năm 1925 – 1927, chúng biết ông ở Quảng Châu, nhưng chúng không làm gì được. Vì ông được chính phủ cách mạng Trung Quốc và nhân dân Quảng Châu che chở. Trước và sau thời kỳ này, bọn gián điệp của Pháp không dò ra tung tích của ông.
Cùng bọn Anh, bọn Hà Lan và bọn Nhật, bọn Pháp tổ chức "mật thám quốc tế". Mục đích của tổ chức này là dò xét những nhà cách mạng Triều Tiên, Nam Dương, Ấn Độ và Việt Nam.
Bọn đế quốc bịa đặt rằng những người cách mạng đó là tay sai của Quốc tế thứ 3, của Nga và nhiệm vụ của họ là phá hoại nền thống trị các nước.
Đế quốc Anh cho rằng ông Nguyễn là tay sai của Nga. Vì vậy những nhà cầm quyền Anh cũng cho ông là kẻ thù số một và cố bắt cho được ông.
Thực dân ở Đông Dương vui mừng thắng lợi, và ca tụng thực dân Anh, chính phủ Pháp hứa một số tiền rất lớn nếu Anh chịu trục xuất ông để Pháp đón bắt.
Ông đã bị giam ở nhà tù Hương Cảng. Nhưng bọn mật thám còn rình mò nơi ông ở trước, hòng bắt những đồng chí khác. Nhà ông ở bị lục soát từ nóc đến nền. Chúng đào tường, lật nền nhà, phá bục gỗ để tìm khí giới và bom đạn. Áo quần, xà phòng, giấy tờ của ông đều được thử với chất hoá học, để xem có kế hoạch tấn công trên những vật ấy không. Chúng dỡ mái nhà để tìm máy ghi vô tuyến điện. Cố nhiên chúng mất công toi.
Chúng cấm báo chí Trung Quốc đăng những tin này. Chúng giam ông Nguyễn trong một xà lim riêng có những cảnh sát đặc biệt gác.
Mỗi ngày hai lần. Chúng cho ông ăn cơm gạo xay và mắm thối. Mỗi tuần hai lần, chúng cho ông ăn thịt bò, cơm trắng. Thật là một bữa tiệc sang!
Mỗi ngày, chúng cho ông ra ngoài sân đi bách bộ mười lăm phút với những người tù khác, một cái sân nhỏ hình chữ nhật có tường cao bao bọc. Đấy là buổi đi dạo. Người ta có cảm tưởng đi dạo trong những cái giếng sâu. Nhưng dù sao cũng dễ chịu hơn ở trong xà lim, vì trong mười lăm phút người được nghe tiếng người, thấy mặt người và thấy một mảnh trời. Sau mười lăm phút đi dạo, ông suốt ngày bị nhốt trong tối. Ăn, ngủ, rửa, ỉa tất cả đều trong xà lim. Tường dày có khoét một lỗ nhỏ. Thỉnh thoảng người gác Ấn Độ nhìn vào lỗ, để xem thử người tù còn đấy không hoặc đã vượt ngục, hay là tự tử.
Ông Nguyễn dùng thì giờ để suy nghĩ, để nhớ lại công việc cũ hoặc tự phê bình... làm như vậy chán rồi, ông đếm đi đếm lại sàn nhà bao nhiêu gạch, mái nhà bao nhiêu ngói. Trong xà lim, mái nhà là chỗ sáng nhất vì có một cái cửa sổ nhỏ hình mặt trăng khuyết và có những thanh sắt to tướng chắn ngang cửa sổ này ở trên cao gần mái nhà. Một ánh sáng hắt vào cửa sổ mờ và nhạt như con mắt người hấp hối. Săn rệp là một thể thao duy nhất. Rệp rất nhiều. Hôm đầu nó cắn, nhưng về sau ông quen đi và không chú ý đến rệp nữa. Săn rệp là cốt để cho qua thì giờ chứ không phải cốt giết rệp.
Những buổi bị đưa đi hỏi khẩu cung là những lúc khoái nhất trong khi ở tù.
Một là được ra khỏi xà lim một lúc, cái xà lim nghẹt thở tối om và hôi hám.
Hai là vì bọn trùm mật thám thường hỏi cung ông, mời ông hút thuốc là Anh.
Hút thuốc lá là tật xấu duy nhất của ông. Và trong nhà tù lại cấm thuốc lá.
Ba là vì ông muốn xem xét những tên mật thám dùng mánh khóe gì để tra hỏi người bị bắt, để biết chúng đã biết gì, không biết điều gì, bày đặt điều gì.
Mật thám Anh được mật thám Pháp ở Đông Dương cung cấp tài liệu đầy đủ. Mật thám Anh cũng cho mật thám Pháp một đống tài liệu, thật có, giả có.
Thường thường, sau những buổi hỏi cung và giả vờ làm án những người Hoa kiều bị tình nghi hoặc bị bắt ở thuộc địa về, thực dân Pháp trục xuất họ. Hương Cảng trục xuất họ, nhưng họ sẽ rơi vào tay Quốc dân đảng, vì rời Hương Cảng thì phải đi tàu thuỷ. Bước xuống tàu thì bị mật thám đón bắt ngay.
Ông Nguyễn may được có sự giúp đỡ của một luật sư Anh rất tốt, ông Lô-dơ-bai (Loseby).
Chính phủ Hương Cảng tìm cách chia rẽ ông và luật sư Lô-dơ-bai. Nhưng ông này giữ vững lập trường. Ông nói với ông Nguyễn: " Bác sĩ Tôn Dật Tiên được một người Anh cứu thoát. Tôi cũng ra sức cứu ông, ông hãy tin ở tôi. Ông hãy nói cho tôi nghe những điều gì có thể giúp trong việc bênh vực ông. Tôi không muốn hỏi ông nhiều hơn, vì mỗi người cách mạng đều có bí mật riêng của họ".
Và ông Lô-dơ-bai đưa vụ án ông Nguyễn ra trước pháp viện tối cao.
Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử thuộc địa, toàn án tối cao phải xét xử bản án chính trị. Vì vậy lần xét xử này có tính cách đặc biệt.
Phiên họp thứ nhất là một dịp cho ông Nguyễn được tạm thời rời xà lim trong mấy tiếng đồng hồ.
Theo ông Nguyễn, khi ở tù, chỉ hé cửa xà lim là đã thấy dễ chịu rồi.
Buổi xét xử công khai. Nhưng ngoài toà án đều có lệnh giới nghiêm vì sợ ông Nguyễn trốn. Công chúng ít người được vào xem. Trong phòng họp, nhân viên trong toà án nhiều hơn công chúng, trên cao có chánh án, phó chánh án và một số võ quan. Ở giữa có một cái bàn rất lớn, luật sư đại diện chính phủ buộc tội và tuỳ tùng của ông này ngồi một bên.
Bên kia là những luật sư cãi hộ cho ông Nguyễn.
Quan toà và thầy kiện đều mặc áo đen và mang tóc giả, bị cáo đứng sau vành móng ngựa, phải leo ba bốn bậc mới lên đến chỗ đứng, thấp hơn ghế của các thẩm phán, nhưng cao hơn bàn luật sư. Chung quanh có song sắt bao bọc và cảnh sát gác. Bên phải và bên trái là những viên quan văn, quan võ, và những phóng viên của báo chí Anh đến dự. Trước mặt họ là những người đến xem.
Trên bàn thẩm phán và luật sư, có những chồng sách cao to tướng, thỉnh thoảng họ lại giở ra xem để dẫn chứng.
Trong số những người này, chỉ có bốn người được nói: chánh án, phó chánh án, đại diện chính phủ và một luật sư cãi hộ cho ông Nguyễn. Những người khác, trong đó có luật sư chính bênh vực cho ông Nguyễn là ông Lô-dơ-bai và cả ông Nguyễn, cũng không được nói gì hết trong suốt phiên toà này và cả những phiên toà sau. Khi họ có gì muốn nói với nhau, họ phải viết vào mảnh giấy.
Hai người nói nhiều nhất, to nhất và đôi khi tranh cãi kịch liệt, đấy là biện lý buộc tội và luật sư cãi hộ cho ông Nguyễn. Lần thứ nhất, phiên toà họp khá lâu. Người ta phải nghỉ một lát. Trong khi nghỉ, người ta đưa ông Nguyễn xuống hầm toà án để giữ ông và cho ông ăn uống.
Sau nhiều phiên toà kéo dài hơn một tháng, chánh án tuyên bố xoá bỏ tất cả những lời buộc tội ông Nguyễn, nhưng ông phải dời khỏi Hương Cảng trên một chiếc tàu Pháp.
Đó là một thủ đoạn xảo quyệt của toà án để khỏi mang tiếng kết án một người vô tội, nhưng sự thật là trao ông cho thực dân Pháp.
Ông Lô-dơ-bai chống lại kết luận của toà án, và ông liền kêu đến toà án của hoàng đế Anh ở Luân Đôn.
Ông giao việc này cho luật sư Xít-ta-pho Cơ-ríp (Stafford Crips) (là một đảng viên xã hội sau làm Bộ trưởng ngoại giao Anh).
Trong khi chờ đợi sự quyết định của Luân Đôn, ông Nguyễn ốm. Ông Lô-dơ-bai dàn xếp để ông Nguyễn được đưa đi nhà thương.
Ông Nguyễn đến nhà thương gây nên một sự thay đổi lớn trong nhà thương. Người ta làm thêm ổ khoá vào các cửa phòng vì sợ ông trốn. Những vật gì treo trên tường đều dọn đi vì sợ ông tự sát; xung quanh phòng có lưới thép. Hai người cảnh sát Ấn Độ cao to gác trước cửa phòng. Trong phòng hai mật thám người Trung Quốc ngày đêm canh giữ. Trong những người bệnh nằm trong phòng, có cả kẻ giết người, đầu sỏ ăn cướp, thổ phỉ, v.v.
Nhờ ông Lô-dơ-bai mà ở nhà thương ông Nguyễn được săn sóc chu đáo. Ông có một cái giường tốt và được ăn cơm tây. Ông nói: cả đời chưa bao giờ Nguyễn được ăn uống sung sướng như thế này.
Ông Lô-dơ-bai và bà vợ cùng cô con gái thường đến thăm ông Nguyễn, đem cho ông quà bánh, sách báo và cả đồ chơi giải trí.
Ông Nguyễn ăn ở tốt với mọi người, và mọi người cũng tốt đối với ông. Khi nào ông không đọc sách, ông nói chuyện thân mật với những người bạn trong phòng và nghiên cứu những đặc tính của họ. Hai người bị bắt làm ông chú ý hơn cả: một em bé học nghề mười ba tuổi đã giết một em bé học nghề khác cùng tuổi với nó, vì em này sau khi đánh bạc thua đã ăn cắp của nó một đồng bạc; và một tướng cướp già bị bắt vì bị bạn tố giác. Người này độ sáu mươi tuổi, hoà nhã, mưu trí, và gan góc, giỏi chữ Trung Quốc, làm được thơ. Y tự cho mình là một anh hùng và cho ông Nguyễn là một anh hùng.
"Tôi là một con sư tử rơi xuống hố. Anh cũng là một con rồng mắc cạn" - Y vừa nói vừa thở dài. Nhưng y rất lạc quan nói tiếp thêm: "Sư tử một ngày kia sẽ trở về làm chúa sơn lâm còn rồng một ngày kia sẽ bay lên trời và làm chúa tể gió mây".
Già Lý làm chúa một dãy núi có gia đình và một đội quân nhỏ chặn khách qua đường và bắt nộp tiền mãi lộ. Y thực hiện rất chặt chẽ nguyên tắc của tướng cướp rừng: Lần thứ nhất khách qua đường bị bắt viết thư về cho gia đình mang tiền đến chuộc. Tiền đến nơi thì người được thả. Tiền đến chậm, gia đình họ sẽ nhận được bức thư thứ hai viết với máu của người bị bắt, rồi một bức thư thứ ba với một ngón tay, rồi bức thư thứ tư với một cái tai của người bị bắt. Nếu bức thư cuối cùng này không có kết quả thì "giao kèo bị xé", nghĩa là người bị bắt bị xử tử. Có một lần người đem thư trả lời là một cô gái trẻ tên là Bành Hương.
Bành Hương can đảm nói với già Lý: "Thưa đại vương tiền chúng tôi không có vì chúng tôi nghèo. Nhưng tôi đây, Đại vương bán tôi đi hoặc dùng tôi làm nô lệ hoặc tỳ thiếp hay đại vương giết tôi, đại vương muốn làm gì tôi thì làm nhưng tha cho cha tôi".
Già Lý hết sức cảm động ôm lấy Bành Hương hôn, nhận Bành Hương làm con nuôi, cho Bành Hương đi học, để dành cho Bành Hương một món tiền hồi môn lớn và tha cho ông bố. Lý khá ác với người giàu nhưng rất tử tế với người nghèo. Vì vậy Lý được dân trong vùng vừa yêu vừa sợ.
Nhờ sự nỗ lực của luật sư Xít-ta-pho Cơ-rít, sau một ngày biện luận, toà án Hoàng đế Anh ở Luân Đôn kết luận rằng phải thả ông Nguyễn vì không thể kết án ông Nguyễn vào tội gì. Thứ nhất: tuyệt đối không có gì chứng tỏ rằng ông Nguyễn là một tay sai Nga. Thứ hai: không có chứng cớ ông Nguyễn muốn phá hoại Hương Cảng. Thứ ba: cộng sản hay quốc gia, điều đó không phải là một tội lỗi trước pháp luật Anh.
Thế là ông Nguyễn thắng lợi.
Nhưng bây giờ đi đâu? Nhất cử nhất động của ông đều bị mật thám Pháp và Tưởng theo dõi, mật thám Pháp đã thất bại trong việc vận động trục xuất ông, vì vậy chúng chỉ đợi ông ra khỏi Hương Cảng là đưa ông vào một cái bẫy khác.
Ông Nguyễn yêu cầu đi Anh, ông Lô-dơ-bai chuyển thư yêu cầu của ông Nguyễn sang Luân Đôn.
Ông Nguyễn đáp tàu bí mật đi, không đợi chính phủ Anh trả lời.
Đến Singapo, ông lại bị bắt lại Hương Cảng. Mật thám Hương Cảng lấy cớ ông đi vào thuộc địa không có giấy phép và bắt ông một lần nữa.
Ông Lô-dơ-bai lại bệnh vực ông Nguyễn, cứu ông ra khỏi nhà tù và với sự giúp đỡ của vợ và bạn ông, ông bí mật tổ chức cho ông Nguyễn trốn.
Việc đi trốn được tổ chức rất chu đáo. Mật thám Pháp rình mò xung quanh nhà tù, sở cảnh sát trung ương, và nhà ông Lô-dơ-bai, mà không hay gì hết.
Ông Nguyễn trốn đi, đóng vai một nhà buôn to Trung Quốc. Từ Hương Cảng đến nhà một người bạn thân của ông Lô-dơ-bai ở một thành phố khác. Ở đây ông Nguyễn sống như một nhà giầu đi nghỉ. Ông đi dạo trong rừng, đi thăm các chùa. Ông làm quen với các người văn nghệ. Ông viết bài cho những tờ báo địa phương bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, ký tên khác nhau. Ông thường tập thể dục để lấy lại sức.
Sau này khi nhắc đến chuyện cũ ở Hương Cảng, Ông Nguyễn nói với các bạn:
Ông Nguyễn nhớ ơn ông Lô-dơ-bai và gia đình ông. Không có người luật sư tốt này có lẽ ông Nguyễn đã chết rồi. Không những thế, trong suốt thời gian ông Nguyễn ở tù, ông Lô-dơ-bai và gia đình ông tìm mọi cách giảm nhẹ nỗi đau đớn tinh thần và vật chất cho ông Nguyễn. Sau những phiên toà kết án, ông Lô-dơ-bai cố hết sức giúp ông Nguyễn thoát nạn.
Ngày nay kể lại chuyện này, chúng ta có thể nói không những ông Lô- dơ-bai đáng được ông Nguyễn biết ơn, mà ông còn đáng được nước Việt Nam biết ơn vì đã cứu được một người con ưu tú của nhân dân Việt Nam.
Vai trò của một số nhà báo Anh ở Hương Cảng trong việc này cũng được nhắc lại. Không bị kiểm duyệt như báo tiếng Trung Quốc, nhiều tờ báo Anh đã đăng lại tường tận những buổi xét xử. Khi ông Nguyễn được tha bổng, những báo ấy nhiệt liệt hoan hô ông Lô-dơ-bai và nghiêm khắc công kích chính phủ Hương Cảng. Những báo ấy viết: Một người bị cáo như ông Nguyễn may mắn tìm được một luật sư tốt để bênh vực, nhưng còn biết bao nhiều người vô tội khác bị bắt và bị xử oan. Và các báo cáo ấy kết luận: phải có xét xử công minh đối với mọi người.
Trái lại, báo chí thực dân Pháp ở Đông Dương có một thái độ ti tiện. Các báo này nói xấu ông Nguyễn và bịa đặt những lời nói hết sức vô sỉ.
Khi ông Nguyễn đã bí mật rời khỏi Hương Cảng, những tờ báo này phao tin là ông Nguyễn đã chết trong nhà thương. Nhưng báo Anh đập lại. Họ đã dạy cho các báo Pháp ở Đông Dương phải có một tí tự trọng trong nghề làm báo, dù là báo chí thuộc địa.
Những tờ báo Pháp thuộc địa trả lời một cách trơ tráo: "No speak English" (Không biết nói tiếng Anh). Ông Nguyễn lại mất tích.
Ông Nguyễn mất tích khá lâu, lâu hơn những lần trước. Trong thời gian bị cầm tù ở Hương Cảng, rất nhiều mật thám và người khác đã biết mặt ông. Vì vậy ông phải cẩn thận hơn và tuyệt đối giữ bí mật.
Các bạn thân mến, chắc các bạn cũng hồi hộp khi đọc chuyện của một người khi xuất hiện khi mất tích, lại xuất hiện, lại mất tích luôn luôn và đột ngột như thế.
Năm 1934, nghĩa là một năm sau khi ông Nguyễn mất tích, phong trào cách mạng bắt đầu nhóm lại. Đại hội đảng Cộng sản Đông Dương họp lần thứ nhất, năm 1935.
Năm 1936 Mặt trận nhân dân thắng lợi ở Pháp. Người ta bắt đầu thi hành một vài quyền tự do ở các thuộc địa. Người ta thả một số tù chính trị. Nhiều tờ báo tiến bộ ở Việt Nam đã xuất bản công khai. Quốc hội Pháp quyết định phái những đoàn đại biểu điều tra đến các thuộc địa. Một luồng gió dân chủ, còn rất yếu ớt, nhưng dù sao cũng là một luồng gió dân chủ, bắt đầu thổi trong nước.
Đảng cộng sản Đông Dương phát động một phong trào mới, gọi là "Đông Dương đại hội". Khắp nơi những uỷ ban hành động, những buổi nói chuyện, những cuộc mít tinh được tổ chức với mục đích thu thập nguyện vọng của nhân dân để chuyển đến những phái đoàn kiểm tra. Những điểm chính trong cương lĩnh của Đại hội là:
- Thành lập mặt trận dân chủ,
- Nâng cao mức sống nhân dân,
- Nhân dân có quyền tự do dân chủ, bầu cử hội đồng địa phương.
Trong ba năm, phong trào Mặt trận dân chủ hoạt động công khai. Những cuộc bãi công và tuần hành thị uy lớn nổ ra trong các thành phố, đặc biệt ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Vinh v.v.
Thợ thuyền đấu tranh đòi cải thiện sinh hoạt, ngày làm tám giờ và được tổ chức công đoàn. Họ thu được ít nhiều thắng lợi. Ngày làm tám giời bắt đầu thi hành ở một vài nơi. Những người lao động tay chân và trí óc tổ chức những "hội tương tế", "hội ái hữu", "hợp tác xã". Hàng triệu nông dân biểu tình đòi giảm sưu cao thuế nặng. Thỉnh thoảng những lãnh tụ của phong trào nhận được những ý kiến, những lời khuyên bảo hoặc những lời phê bình không biết ai gửi đến. Nhiều người đoán rằng chính ông Nguyễn đã gửi đến nhưng không ai biết chắc chắn. Một người đã hỏi ông Nguyễn về vấn đề ấy, ông mỉm cười mà không trả lời.
Phong trào có nhiều kết quả, và đang phát triển.
Nhưng đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ. Những quyền dân chủ lại bị bóp nghẹt, phong trào dân chủ bị đàn áp. Báo chí bị đóng cửa. Các tổ chức bị giải tán.
Những tù chính trị cũ trước đã được tha nay lại bị bắt, thực dân còn bắt thêm những tù chính trị mới.
Nhà tù và trại tập trung chật ních. Sự khủng bố lại diễn ra tàn ác hơn.
Ở châu Âu, Pháp thua trận. Hai triệu lính Pháp và một trăm năm mươi tướng Pháp bị quân đội Hít–le cầm tù. Từ Pa–ri đến Tua (Tours), từ Tua đến Boóc–đô (Bordeaux) chính phủ Pháp chạy trốn. Nội các Ray–nô đổ, Pê–tanh (Pétain) và La-van (Laval) ký hiệp ước đầu hàng Đức.
Hai tên này tổ chức chính phủ bù nhìn ở một thành phố nhỏ là Vi–si (Vichy).
Pháp thua Đức, Nhật nhanh tay nắm lấy cơ hội xâm lược Đông Dương.
Thực dân Pháp ở Đông Dương cũng “anh dũng” đầu hàng quân Nhật như đồng bọn của chúng ở Pháp đầu hàng Hít–le. Sau trận giao chiến nhỏ ở Lạng Sơn trên biên giới Việt–Hoa, những “người bảo hộ” Việt Nam ngoan ngoãn mở cửa Việt Nam đón kẻ xâm lược mới.
Lập tức, một lời kêu gọi vang dội khắp nước Việt Nam:
“
Nhân dân Việt Nam ta hãy đứng về phía Đồng minh!
Đánh đuổi Nhật, Pháp, tiễu trừ Việt gian!
Đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc!
Người Việt Nam, chúng ta hãy đoàn kết lại!”
Đó là lời kêu gọi của Việt Nam Độc lập Đồng minh hay Việt Minh, tháng 5 năm 1941.
Chương trình của Việt Minh rất giản đơn rõ rằng. Mọi người Việt Nam đều hiểu chương trình đó, thừa nhận và ủng hộ chương trình đó, vì vậy Việt Minh phát triển rất chóng, mặc dầu bị khủng bố gắt gao.
Phong trào này do ông Nguyễn đứng đầu.
Nhân dân Việt Nam không đầu hàng Nhật. Họ nổi dậy làm cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tháng 9 năm 1940. Thực dân Pháp sau khi quỳ gối ôm chân phát–xít Nhật, quay lại bắn giết nhân dân Bắc Sơn.
Cuối năm 1940, chiến tranh nổ ra ở giữa Xiêm và Pháp ở Đông Dương. Bọn thực dân muốn đưa lính Việt Nam ra trận. Việt Nam không muốn đánh lại người Xiêm, chết vô ích cho đế quốc Pháp, họ quay súng lại cùng nhân dân Nam bộ nổi dậy khởi nghĩa tháng 11 năm 1940.
Sự đàn áp của Pháp hết sức tàn bạo, nhiều làng bị đốt. Hàng vạn người bị chết. Hàng trăm cụ già, đàn bà, trẻ con bị xuyên dây thép qua bàn tay, qua bắp chân, trói lại với nhau và bị quẳng xuống biển. Ở nhiều nơi khác bọn Pháp bắt người lột trần, bắt tự đào huyệt rồi chôn sống họ.
Thực dân Pháp hợp tác với phát–xít Nhật treo giải lấy đầu những người cách mạng Việt Nam. Quân đội phát-xít Pháp, Nhật, khủng bố tàn sát nhân dân. Nhưng không thể ngăn cản Việt Minh phát triển đánh du kích chống lại Nhật và Pháp.
Lúc bấy giờ các nước Đồng minh đang gặp khó khăn. Đức và Nhật làm mưa làm gió. Nhưng ông Nguyễn đoán trước một cách chắc chắn:
- Đồng minh sẽ thắng.
- Nhật và Pháp ở Đông Dương chóng chầy sẽ bắn nhau.
- Việt Nam sẽ giành được độc lập.
Chiến tranh du kích do Việt Minh lãnh đạo dần dần phát triển với những vũ khí thô sơ, gươm, giáo mác, và một số ít khẩu súng cướp được của giặc. Đến lúc cần tranh thủ thêm sự giúp đỡ của Đồng minh.
Đồng minh gần nhất và có quan hệ nhất đến việc chống Nhật ở Việt Minh là Trung Quốc. Vì vậy, phải tìm đến Trung Quốc.
Trong những người cách mạng ở Việt Nam, ông Nguyễn là người hiểu biết về Trung Quốc và người Trung Quốc hơn hết. Vì vậy mọi người đồng thanh cử ông Nguyễn đi Trung Quốc. Đi bộ đến Trùng Khánh không phải là một việc dễ dàng. Nhưng ông Nguyễn nhận lời ra đi.
Để đánh lạc hướng bọn mật thám, ông Nguyễn lấy tên là Hồ Chí Minh. Và từ đó, người ta gọi ông Nguyễn là Cụ Hồ.
Đi liền mười đêm và năm ngày, Cụ Hồ đến một thị trấn Trung Quốc, chưa kịp nghỉ chân thì chiều hôm đó Cụ bị bắt.
Và gian khổ lại bắt đầu.
Quốc dân Đảng giam Cụ vào nhà lao C.H.S hơn hai tuần, ngày mang gông, đêm cùm chân. Cụ quen huyện trưởng, trước kia đã gặp nhau ở Q. L. Nhưng huyện trưởng từ chối không gặp Cụ. Cụ gửi điện cho những nhà cầm quyền cao cấp, không thấy trả lời.
Một tháng rưỡi sau, người ta giải Cụ Hồ đi… nhưng không cho Cụ biết đi đâu.
Tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích, có sáu người lính mang súng giải đi, Cụ Hồ Chí Minh đi mãi, đi mãi nhưng vẫn không biết đi đâu. Dầm mưa dãi nắng, trèo núi qua truông.
Mỗi buổi sáng, gà gáy đầu, người ta giải Cụ Hồ đi. Mỗi buổi chiều, khi chim về tổ, người ta dừng lại trong một địa phương nào đó, giam Cụ vào trong xà lim trên một đống rạ bẩn, không cởi trói cho Cụ ngủ.
Gian khổ như vậy, nhưng Cụ vẫn vui vẻ. Cụ sung sương được thấy phong cảnh thay đổi. Cụ vừa đi vừa ngâm nga. Thỉnh thoảng Cụ Hồ làm thơ. Đến một huyện lỵ nào, người ta giữ Cụ một tuần hoặc mười lăm hôm trong nhà tù huyện. Đó là những ngày khổ sở nhất.
Ăn uống thiếu, không khí thiếu, bẩn thỉu, ở lẫn với những người mắc bệnh giang mai, nghiện thuốc phiện. Nhà tù thường chật ních, người đến sau không có chỗ nằm. Ban đêm Cụ Hồ thường phải ngồi trên cầu xí ở ngay trong phòng giam. Nhưng Cụ vẫn không được yên ổn. Lâu lâu Cụ lại phải đứng dậy nhường chỗ cho một người đi vệ sinh đêm.
Mỗi bữa sáng Cụ phải đi đổ thùng và quét nhà giam.
Một hôm, khi ngủ dậy, Cụ thấy người nằm bên cạnh dựa vào lưng Cụ đã chết cứng. Cụ phải cùng với một người tù khác mang xác chết ra ngoài sân. Ở trong nhà tù ai chết mặc ai, chẳng ai để ý. Cái làm cho Cụ khổ nhất là ghẻ và rận. Cụ bị ghẻ khắp người, đầy cả cánh tay và bàn tay. Không phải là một thứ mà là hai thứ ghẻ: ghẻ ruồi ngứa và lở, còn rận thì vô số. Không có cách gì trừ tiệt được rận. Ở đâu cũng có: trong quần áo, trong chăn chiếu, trong ván nằm. Rận và rệp tranh nhau hành hạ những người tù. Đêm đến họ còn bị một kẻ thù đáng sợ nữa là muỗi. Trong tù người ta gọi là rệp là chiến xa, rận là xe tăng và muỗi là tầu bay.
Vì vậy mà Cụ gầy như cái que củi. Tóc chóng bạc và rụng nhiều. Mắt nhìn kém. Nhưng Cụ khổ nhất là mất thì giờ ngồi không. Trong khi Cụ Hồ lê lết tấm thân mệt lử từ nhà giam này đến nhà giam khác, có lẽ những việc lớn đang dồn dập trong nước và trên thế giới. Ai khuyên bảo đồng chí? Ai giúp đỡ đẩy mạnh việc tổ chức? Có lẽ các nước Đồng minh đã đổ bộ lên Đông Dương? Có lẽ Pháp Nhật đã cắn nhau? Có lẽ các đồng chí Đảng Cộng sản Đông Dương và các hội viên Việt Minh đương đau đớn hỏi nhau Cụ Hồ đã bị tai nạn gì?
Lòng Cụ Hồ rối như tơ vò, vì phải ngồi im vô ích trong khi công việc đang đòi hỏi Cụ và thời gian đi qua không chờ người.
Cụ Hồ tiếp tục đi, bị trói và bị xích như thế trong hơn tám mươi ngày. Cụ đã trải qua gần ba mươi nhà tù xã và huyện. Cuối cùng Cụ đến Quế Lâm.
Lại bị giam một tháng rưỡi. Một người bạn hỏi Cụ: “Đời tù ở Quế Lâm, Cụ thấy như thế nào?”
Cụ Hồ cười nói: “Nhắc lại làm gì chuyện cũ”.
Từ Quế Lâm người ta giải Cụ đi Liễu Châu, giam vào nhà giam quân sự.
Ở đây Cụ được hưởng “Chế độ chính trị”. Có đủ cơm ăn, mười lăm phút buổi sáng và mười lăm phút buổi chiều để đi vệ sinh, có người gác. Không bị gông, không bị xích. Thỉnh thoảng Cụ có thể đọc một tờ báo hoặc một quyển sách.
Một hôm Cục trưởng Cục chính trị đến cắt tóc ở trong phòng người gác. Ông này hạ lệnh người gác cho phép Cụ đi dạo nửa giờ trong sân cỏ, cắt tóc cho Cụ và cho Cụ tắm nước nóng.
Đức Phật tổ đại từ đại bi, tốt biết bao! Mấy hôm sau ghẻ lặn gần một nửa.
Trong nhà tù này Cụ Hồ được biết ở Liễu Châu có tổ chức “Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội”. Cụ được biết rằng mình bị cầm tù lâu hơn nữa vì người ta nghi Cụ sang Trung Quốc để phá tổ chức đó.
Cách mạng Đồng minh Hội có hai lãnh tụ: Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần, cả hai đều đã ở Trung Quốc bốn mươi năm nay. Trương Bội Công đóng quan năm, làm việc trong quân đội Quốc dân Đảng. Trước kia, Trương tránh liên lạc với những người đồng hương và không tham gia một phong trào cách mạng nào. Nguyễn Hải Thần gần bảy mươi tuổi, đã quên hết tiếng Việt Nam. Nguyễn Hải Thần sang Trung Quốc năm 1905 với cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan đã rời bỏ Nguyễn Hải Thần từ những ngày đầu. Từ đây Nguyễn Hải Thần làm nghề xem số tử vi để kiếm ăn và nuôi vợ con. Nhờ nghề này, Nguyễn Hải Thần quen biết nhiều quan lại Trung Quốc. Cũng như Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần không hoạt động gì. Nhưng sau khi cụ Phan mất. Nguyễn Hải Thần tự nhận là người thừa kế của cụ, Trương và Nguyễn tranh nhau làm lãnh tụ.
Còn một “lãnh tụ” thứ ba: Trần Báo, một thanh niên phiêu lưu, lai lịch không rõ ràng.
Trương Bội Công và Trần Báo ăn cánh với nhau. Cho nên họ mạnh hơn Nguyễn Hải Thần.
Tổ chức này trông vào sự giúp đỡ của Quốc dân Đảng mà sống.
Bị giam mười bốn tháng thì Cụ Hồ được tha, nhưng vẫn bị quản chế.
Ra khỏi tù, Cụ Hồ thấy mắt kém đi, chân yếu đi không bước được. Cụ tự nhủ: “Một chiến sĩ mà bị bệnh tê thấp thì còn làm gì được?”
Cụ Hồ ra sức tập leo núi, tập nhìn vào bóng tối v.v… quyết tâm chữa cho khỏi bệnh chân và mắt.
Ít tháng sau, Cụ yêu cầu trở về nước với một vài hội viên của Cách mạng Đồng minh do Cụ chọn. Tướng Trương Phát Khuê cho phép. Song những người Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội kịch liệt chống lại.
Cuối cùng, Cụ trở về nước sau hai năm vắng mặt. Cụ Hồ lại lãnh đạo Việt Minh, bấy giờ đã thành một đoàn thể lớn mạnh có ảnh hưởng khắp nước.
Du kích Việt Minh thường đi đánh úp quân đội Pháp–Nhật. Pháp-Nhật tuyên truyền ầm ĩ chống Việt Minh, nói Việt Minh là cộng sản, nhận chỉ thị và tiền bạc của Mạc–tư–khoa, v.v… Nhật–Pháp càng vu khống thì Việt Minh càng được nhân dân thương yêu ủng hộ. Người Việt Nam tự nhủ: Kẻ thù của kẻ thù là bạn của chúng ta. Còn quân Nhật thì thấy thua đến nơi. Người Việt Nam chờ đợi Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương.
Năm 1943, quân đội Liên Xô đã quật bại quân phát-xít Hít- le, thắng trận Sta-lin–gờ-rát lừng lẫy, tiêu diệt hàng ba mươi vạn quân Đức.
Và lời dự đoán của Cụ Hồ thành sự thật: mồng 9 tháng 3 năm 1945 Nhật hất cẳng Pháp.
Cuối năm 1944, một chiếc máy bay Mỹ lượn trên Cao Bằng và bị hỏng máy. Phi công trẻ tuổi – trung uý Sao (Shaw) nhảy dù xuống một hòn núi gần tỉnh lỵ. Sao được Việt Minh cứu thoát.
Trước việc này, Việt Minh đã chỉ thị cho các hội viên trong toàn quốc phải cố gắng giúp đỡ Đồng mình. Những người Việt Minh Nam bộ đã liên lạc bí mật được với nhiều lính Mỹ, Anh bị giam ở Sài Gòn, nhưng vì không hiểu tiếng của nhau nên họ không thể thảo luận và làm những việc có ích hơn.
Máy bay vừa rơi xuống, bọn Pháp được tin liền cho lính vây rừng, tháo máy và tìm người phi công.
Một lát sau, Nhật đến, chiếm chiếc máy bay và buộc tội Pháp đã để phi công trốn thoát và doạ sẽ nghiêm trị nếu Pháp không tìm thấy phi công Mỹ.
Trung uý Sao được những người bạn mới dẫn đường và bảo vệ đã thoát khỏi nguy hiểm và trốn trong một cái hang. Hôm sau Việt Minh đưa người phi công Mỹ đến biên giới Trung Hoa. Họ lập thành 3 nhóm, nhóm đi trước dò đường, nhóm thứ hai để đưa phi công đi và nhóm sau hết để bảo vệ rút lui nếu xảy ra nguy hiểm. Họ chỉ đi ban đêm, trèo những con đường mòn tránh đường cái. Mặc dầu cẩn thận như thế, họ cũng phải đi quanh co để tránh Pháp, Nhật. Pháp và Nhật đoán rằng phi công Mỹ chỉ có một đường trốn sang Trung Quốc. Chúng hạ lệnh cho tất cả các làng trong vùng này phải canh gác đường cái, đường hẻm cả ngày lẫn đêm. Chúng hứa sẽ thưởng nhiều tiền và muối cho người nào bắt được phi công. Chúng doạ sẽ trừng phạt nặng những người nào giúp đỡ phi công trốn thoát. Chúng cho lính sục sạo khắp nơi.
Vì vậy phải gần một tháng, Sao và các bạn Việt Minh mới vượt qua được một quãng đường sáu mươi cây số.
Sao rất vui sướng khi được gặp Cụ Hồ gần biên giới. Từ một tháng nay nhịn nói, Sao bây giờ có thể tha hồ nói! Sao yêu cầu Cụ Hồ đi với mình đến Bộ Tổng tư lệnh không quân ở Côn Minh. Cụ Hồ vui lòng nhận lời, một mặt để giúp Sao, một mặt Cụ Hồ cũng cần gặp các bạn ở Vân Nam. Sau năm ngày đi đường trên đất Trung Quốc, hai người phải xa nhau. Cụ Hồ tiếp tục đi bộ một mình, còn Sao đi ngựa theo một hướng khác, rồi sau đi máy bay.
Đi bộ thêm mười lăm ngày, Cụ Hồ đến Côn Minh thì Sao đã về Mỹ.
Người Mỹ ở Côn Minh đến gặp Cụ Hồ để cảm ơn đã giúp một đồng ngũ của họ và gửi Cụ Hồ thuốc men tiền bạc để tặng những người Việt Minh đã tham gia vào việc cứu thoát người phi công. Cụ Hồ nhận thuốc nhưng không nhận tiền.
Rồi từ Côn Minh Cụ Hồ đi Quảng Tây.
Cụ gặp tướng Sê–nôn (Chennault), Tổng tư lệnh Không quân Mỹ ở Trung Quốc.
Tướng Sê–nôn hỏi Việt Minh có vui lòng giúp việc tổ chức cứu giúp những người phi công đồng minh bị rơi ở Đông Dương không? Cụ Hồ trả lời rằng bổn phận của những người chống phát–xít là làm tất cả những việc gì họ có thể làm để giúp đỡ Đồng minh.
Trung uý Phen được tướng Sê–nôn giao cho việc tổ chức cứu giúp những phi công, còn Cụ Hồ đi Quảng Tây để tìm Cách mạng Đồng minh.
Ở Quảng Tây, Cụ Hồ gặp những người Cách mạng Đồng minh. Họ chỉ còn lại độ một trăm người, những người khác đã thất lạc khi Nhật tiến vào Liễu Châu.
Cụ Hồ yêu cầu đưa vài chiến sĩ trở về nước để cùng hoạt động trong nước. Cũng như lần trước, các nhà đương cục Trung Quốc tán thành. Song những lãnh tụ của Cách mạng Đồng minh thì phản đối. Cụ Hồ trở về nước với độ mươi đồng chí. Như thế Cụ Hồ đã đi bộ hơn một tháng, cả đi lẫn về.
Ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, Pháp chống cự yếu ớt ở Hà Nội và Lạng Sơn. Trong những thành phố và các tỉnh khác thì Nhật quét sạch Pháp. Thường dân Pháp bị Nhật bắt. Binh sĩ Pháp thì đầu hàng hoặc chạy trốn.
Vài hôm sau thì Nhật chiếm Cao Bằng. Trước khi chạy, Pháp đã ném lựu đạn vào nhà tù, giết hơn một trăm tù chính trị Việt Nam.
Điều đó càng tàn ác hơn, hèn hạ hơn, khi người ta biết Việt Minh, ngay hôm mồng 9 tháng 3, đã ban bố khắp nước bản chỉ thị, nội dung như sau:
“Người Pháp không còn là kẻ thù của chúng ta nữa. Họ đã trở thành những người bị nạn. Vì tình nhân loại, toàn thể đồng bào, trước hết là hội viên Việt Minh phải cố gắng giúp người Pháp bị phát–xít Nhật bức hại….
Nếu có những người Pháp muốn đấu tranh chống Nhật, chúng ta nhận họ vào hàng ngũ của chúng ta như anh em. Chúng ta nên nhớ rằng bây giờ kẻ thù số một của nước ta là phát–xít Nhật…”
Việt Minh đã giúp đỡ nhiều Pháp kiều và binh sĩ Pháp trốn sang Trung Quốc. Nhiều nhóm binh sĩ Pháp được đón tiếp tử tế trong khu vực do Việt Minh kiểm soát. Việt Minh giúp họ chỗ ở, ăn, uống, v.v… Song người Pháp vẫn nghi ngờ. Họ không thể hiểu tại sao trước kia Việt Minh phản đối họ kịch liệt, hôm nay cũng những Việt Minh ấy mà lại tiếp đãi họ tử tế như thế?
Người Pháp luôn luôn không tin lòng thành thật của Việt Minh. Họ sợ mắc lừa. Tuy được Việt Minh giúp đỡ, những binh sĩ Pháp vẫn bí mật liên lạc với bọn thổ phỉ để chống lại Việt Minh! Và khi dời đi, khí giới thừa họ lại đem cho thổ phỉ, hoặc phá huỷ, chứ không cho Việt Minh.
Tam Đảo trước kia là nơi nghỉ mát của Pháp, bây giờ Nhật dùng làm trại tập trung, giam cầm một trăm Pháp kiều. Một hôm, du kích Việt Minh tấn công Tam Đảo, giải thoát những người Pháp bị tù. Song phần lớn những người Pháp này chạy trốn vào rừng chứ không muốn du kích Việt Minh bảo vệ. Họ nói: “Việt Minh dã man sẽ cắt cổ tất cả chúng ta. Chết trong rừng còn hơn là theo Việt Minh”.
Chỉ độ hai mươi người liều nói: Hổ ăn thịt hoặc Việt Minh ăn thịt cũng thế cả. Chúng ta cứ theo những người du kích và đến đâu thì đến!
Trong số này, có cả đàn bà, trẻ con và ông già, những công sứ, kỹ sư, giáo sư và sinh viên. Họ đến đâu cũng được tiếp đãi tử tế. Mặc dầu vùng này nghèo, thứ gì cũng khó kiếm, nhưng họ được Việt Minh lo cho ăn uống đầy đủ không mất một xu.
Họ rất cảm động và ngạc nhiên. Để tỏ lòng biết ơn, một vài người như hai vợ chồng giáo sư Béc–na (Bernard) đã viết những thư nói rõ những điều họ đã tai nghe mắt thấy ở vùng Việt Minh.
Vì thế, thực dân Pháp cho họ là bị phản bội, bị Việt Minh mua chuộc. Và hai vợ chồng giáo sư này lập tức bị đưa về Pháp.
Song những người Pháp đã hợp tác với Nhật, dâng vợ và con gái cho Nhật để làm thư ký, đánh máy, và vân vân… được thực dân Pháp coi là những người khôn ngoan đáng kính.
Có những người Pháp và số này không phải ít, được Việt Minh giúp đỡ vượt qua biên giới Trung Quốc. Họ tỏ lời đời đời nhớ ơn, v.v… Nhưng đến Côn Minh thì họ giở giọng nói xấu Việt Minh. Họ bịa đặt rằng Việt Minh đòi một vạn, hai vạn đồng để đưa một người Pháp qua biên giới, hoặc Việt Minh đã cướp giật hành lý của những người Pháp bị sa vào tay họ.