Tủ sách talawas24.1.2004
Vương Sóc, Lão Hiệp
NgÆ°á»i đẹp bá» tôi thuốc bùa mê
Ãối thoại văn há»c
Vũ Công Hoan dịch
Phần V
Chuyện vô liêm sỉ
2. Có một sức mạnh dã man trong đời sống
Vương Sóc: Ở nước ngoài không như thế. Tôi vốn cứ tưởng ở nước Mỹ như thế. Trong những tin tức mà tôi tiếp nhận được thì vô liêm sỉ và tuỳ tiện về quan hệ tình dục ở nước Mỹ chắc chắn là nhất thế giới. Nhưng một khi tôi sang nước Mỹ, ở đây một thời gian thì mới thấy nước Mỹ không phải thế, người ta rất coi trọng tình cảm và gia đình. Nghề gái điếm cũng rất quy phạm. Xem đi xem lại thì chỉ có chỗ mình đây mới như thế. Ðây là đặc sản, là độc quyền của chúng ta, hay nói cách khác là thứ vô liêm sỉ tập thể của chúng ta. Tại sao, hiện giờ, chúng ta có thể không giữ đạo đức tập thể. Bởi vì trong quá khứ, để có sự tiến bộ gì đó về chính trị, chúng ta đã bỏ cái ba-lô đạo đức xuống từ lâu, đã vứt bỏ lương tâm và thành thực từ đời nào, chứ không phải bây giờ mới như vậy.
Lão Hiệp: Ðời sống hình như đã nhổ tận gốc rễ tính người. Cho nên trong đời sống, cho dù làm biết bao nhiêu chuyện vô liêm sỉ, trước kia chưa khôi phục tính người, khi chế độ mới, quy tắc mới chưa từng bước xây dựng lại, thì anh đành phải đi như vậy, đi đến vô liêm sỉ, mà sống trong sự vô liêm sỉ, trái lại, còn tự do thoải mái. Chúng ta đã trải qua nhiều khổ đau hoạn nạn, song lại không nhận ra khổ đau hoạn nạn. Chúng ta đã làm quá nhiều chuyện vô liêm sỉ, chịu quá nhiều sỉ nhục, song lại không nhận ra sỉ nhục. Tê dại trơ lỳ về nhân tính, tê dại trơ lỳ về linh hồn, cuối cùng mẹ kiếp, ngay đến thể xác cũng tê dại trơ lỳ theo, đến ăn nằm với gái điếm cũng không có cảm giác nữa.
Vương Sóc: Tôi phát hiện việc này cũng có dấu hiệu giảm đi, ít nhất thì trong phạm vi tôi tiếp xúc, tôi dám nói sự việc này đang giảm bớt. Trò chơi những cô gái phục vụ cả ba khâu đã không thấy khoái và kích thích như mấy năm trước nữa, không còn ai coi đây là việc lớn nữa.
Lão Hiệp: Giầu đủ lên về kinh tế rút cuộc sẽ đẩy chế độ và đạo đức đi đến đâu? Người Trung Quốc thời cổ nói, ăn mặc đủ thì mới biết lễ nghĩa, có tài sản lâu dài mới có trái tim lâu dài. Nhưng trong sách sử của chúng ta, không tìm được ra bao nhiêu người thật sự biết lễ nghĩa có tấm lòng bền vững, đặc biệt là những kẻ giàu có, nắm quyền, có học vấn lớn. Ví dụ nhà thơ đời Ðường Bạch Cư Dị. Từ lúc còn bé, tôi đã từng được dạy rằng, Bạch Cư Dị là nhà thơ theo chủ nghĩa hiện thực, đồng tình với nỗi đau khổ hoạn nạn của những người ở tầng lớp dưới, vạch trần sự đen tối của bọn cai trị. Những bài thơ "Ông bán than", "Người tóc bạc Thượng Dương" của ông là những bằng chứng. Nhưng đời sống tư của ông lại hết sức hoang dâm, tàn nhẫn. Ðâu phải chỉ năm thê bẩy thiếp, mà là nuôi gái điếm tơ. Ông ta mua những cô bé mười bốn, mười năm tuổi đều còn trinh nguyên về nuôi và chơi đến mười tám mười chín tuổi hai mươi tuổi. Cảm thấy đã già già, cũng đã chơi chán chơi chê, liền đem những cô gái này ra chợ cùng bán một thể với bò ngựa súc vật cần bán của nhà mình. Ðời sống của ông ta giầu có như thế, song ông ta lại tàn nhẫn với đàn bà như vậy, hoàn toàn không coi người ra gì. Không chỉ Bạch Cư Dị, đây cũng là một nếp sống của những gia đình có tiền thời đó. Nghe đâu ăn nằm với những cô gái còn trinh, nhỏ tuổi thì có lợi cho tuổi thọ. Anh bảo ông ta quan tâm đến đau khổ hoạn nạn của những người lớp dưới, tôi đâu có tin được ! Ông ta đối xử như thế với thiếu nữ, những người đàn bà còn trẻ trạc hai mươi tuổi, già rồi đem bán cùng lừa ngựa, như thế là quan tâm đến con người hay sao? Trong con mắt của họ, rút cuộc con người là thứ khái niệm gì? Tôi cứ cảm thấy, cái mà dân tộc này thiếu nhất không phải là của cải, không phải là một hệ thống lễ nghĩa của con người mà là đối xử với con người như thế nào, làm thế nào coi con người là người, làm thế nào tôn trọng con người, đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, thậm chí lợi ích toàn cầu, đối với người Trung Quốc chưa phải là quan trọng. Ðiều quan trọng là mỗi con người biết mình là con người, mình coi mình là con người, đồng thời cũng đối xử với người khác là con người. Ngạn ngữ phương Tây nói rằng: anh đứng lên bảo vệ quyền lợi của người khác bị tước đoạt phi pháp, tức là bảo vệ quyền lợi của bản thân anh. Ví dụ như ở nước Mỹ, nếu cho phép cảnh sát hoặc chính phủ xâm phạm quyền lợi hợp pháp của một con người, thì coi như đã dung túng cho quyền lực xâm phạm tất cả mọi người Mỹ.
Rất nhiều nhà kinh tế học hiện nay cũng nhấn mạnh, cứ cho người ta giàu lên cái đã, các cải cách sẽ đâu vào đấy, như nước chảy thành mương. Giầu lên cái đã, người ta mới biết được, thế nào thế nào, làm đến đâu đến đâu. Trước đây tôi còn tin tưởng phần nào lối nói này. Hay nói một cách khác, một tên lưu manh sống không bủn xỉn trước đây, đã trở thành hộ cá thể giầu có. Anh ta diện com-lê loại xịn, chân đi giầy da Italia, mũi ngói bóng lộn, thì anh ta sẽ không bao giờ chửi mắng và nhổ bậy một cách tuỳ tiện nữa. Bây giờ càng ngày tôi càng nghi ngờ, có thể giữ vẻ ngoài lịch sự như không bạ đâu nhổ đấy, một khi anh ta giàu lên, anh ta cảm thấy làm như vậy không hợp với thân phận của anh ta, không tương xứng với danh hiệu có tên tuổi của anh ta. Nhưng anh ta lại dùng đồng tiền trong tay đi làm những việc vô liêm sỉ lớn hơn.
Vương Sóc: Việc vô liêm sỉ lớn hơn đó là gì vậy ?
Lão Hiệp: Ví dụ đi hối lộ quan chức, còn có cả những chuyện tôi vừa nói, còn về chuyện lừa bịp trong giao dịch, thì chỉ là sự vô liêm sỉ nho nhỏ.
Vương Sóc: Tôi cảm thấy không có ai vô liêm sỉ hơn nữa đâu. Vô liêm sỉ lớn nhất, chúng ta đã làm từ rất lâu lắm rồi. Trước kia cái này chỉ là vì giữ gìn. Ở mức độ khác nhau, không thể nói bây giờ vô liêm sỉ hơn trước kia. Qua thất bại của cuộc đại cách mạng văn hoá, mới thấy chúng ta đã làm những chuyện vô liêm sỉ vào bậc nhất rồi. Bây giờ chỉ là giàu có rồi, thì có thể mang theo một kiểu giữ gìn nào đó, như là trong nội tâm anh ta không vì có tiền mà trở lên có đạo đức. Ngược lại, có thể là trong nội tâm anh ta càng trở nên không có đạo đức. Nhưng trong trường hợp công khai thì anh ta vẫn có sự giữ gìn. Anh ta sợ chơi gái bị bắt giữ, bị phơi bày ra ánh sáng, vì nếu bị bắt hoặc là bị tốn của, hoặc là bị giam sáu tháng một năm. Cho nên bề ngoài, anh ta vẫn ra dáng của kẻ có tiền có của, thế này thế khác. Tôi cảm thấy, nếu hy vọng lấy đạo đức ghép hành vi của con người vào khuôn khổ bằng đạo đức là chuyện rất khó. Chỉ có những người ưu tú cá biệt mới có thể tự ghép mình vào khuôn khổ về đạo đức. Ðạo đức không thể chế độ hoá. Một ông giám đốc xí nghiệp quốc doanh ưu tú có thể liêm khiết, tự ghép mình vào khuôn khổ. Song đại đa số các giám đốc không làm được, như vậy phải đem chế độ cưỡng chế chế độ hoá, bó buộc họ. Tôi cảm thấy cách bó buộc chế độ, cưỡng chế không thể đưa vào đạo đức riêng tư, chỉ có thể xây dựng một thứ đạo đức chung thấp nhất tới hạn trong nhận thức chung và dư luận thấp nhất của xã hội. Thế nào là thấp nhất ? Ví dụ, thứ đạo đức ấy không thể đòi hỏi ai ai cũng phải quên mình cứu người, hoặc giúp đỡ người nghèo. Nhưng thứ đạo đức ấy, lại yêu cầu mọi người không đi chỉnh người, hại người, bẫy người, không làm tổn thương đến người khác. Anh có thể không quyên tiền cho người nghèo, song anh không thể kiếm cớ xoáy tiền ở chỗ nghèo. Nhưng chuyện đạo đức công cộng này, lại hết sức nguy hiểm. Vừa mới khoen khoen xây dựng tý chút đạo đức công cộng thì nó lại dễ bị xâm phạm tới lợi ích cá nhân. Ở chỗ chúng ta đây, đã có cái truyền thống không tôn trọng lợi ích cá nhân. Một khi hô hào xây dựng đạo đức công cộng, thì ảnh hưởng phụ có thể còn vượt qua tác dụng chính. Tôi không biết còn có biện pháp gì hơn. Truyền thống cưỡng chế trong văn hoá Trung Quốc, đặc biệt thích ứng với bọn người bảo vệ đạo đức. Nhưng tôi đã nói rồi, tôi không quan niệm hiện giờ vô liêm sỉ hơn trước kia, nếu so với chính trị vốn cưỡng bức có tính cưỡng chế vô liêm sỉ nhất thì những vô liêm sỉ hiện nay, nó có làm hư hỏng con người, nhưng không trực tiếp cưỡng bức người khác, với những vô liêm sỉ trực tiếp vô liêm hơn trước kia, người nào đó cụ thể, rõ nhất trong tình dục, nhất là tính dục.
Lão Hiệp: Hút thuốc phiện, một khi đã nghiện rồi, thì hết đời vô liêm sỉ, một khi đã nghiện rồi, thì cũng đi toi. Muốn xây dựng lại một thứ gì đó, phải có nền tảng nhân tính với hạn độ thấp nhất, song hiện giờ không có nền tảng này, vậy xây thế nào đây ?
Vương Sóc: Về điểm này tôi không có xung đột gì với anh. Tôi cũng cảm thấy không có khả năng. Xây dựng ý thức đạo đức có tính tập thể, là không có khả năng. Thậm chí, đạo đức công cộng có hạn độ thấp nhất mà tôi vừa nói đều rất khó xây dựng. Có lẽ phải là đạo đức có tính chế độ, biến khuôn khổ thành một cơ chế có thể công bố trước mọi người những kẻ vô liêm sỉ, buộc hắn phơi bày triệt để ra trước ánh sáng. Không bao giờ còn mặt mũi nào nhìn thấy mọi người. Biện pháp phạt tiền hiện nay tương đối phổ biển. Nhưng phạt tiền là lấy vô liêm sỉ đối phó với vô liêm sỉ, không thể coi là hành động có nhiều hiệu quả. Theo tôi, phạt tiền lấy vô liêm sỉ quyền lực trừng trị vô liêm sỉ đạo đức. Cái trước còn vô liêm sỉ hơn cái sau. Bởi vì nó là hành vi quyền lực có tính cưỡng chế, là một thứ hành vi dã man có tính chất gần như cướp đoạt. Phạt một người không tuân thủ lệnh đạo đức thông dâm, thì về bản chất chẳng khác gì, vì viết một chữ nào đấy phạm huý của Vua chúa mà bị xử án hoặc đi đầy trong thời cổ Trung Quốc.
Lão Hiệp: Tôi cảm thấy giữ đạo đức sạch sẽ kiểu Singapore gì đó, được một số người trong nước gọi là mẫu mực. Một thanh niên ở nước Mỹ vì mắc một chút sai lầm nhỏ bị xử phạt đánh đòn. Trật tự đạo đức này của họ dựa vào sự vô liêm sỉ có tính cưỡng chế mà xây dựng nên, chỉ có hai từ: "Tiền và bạo lực ".
Vương Sóc: Theo tôi việc làm của Singapore gần gũi với quan niệm đạo đức là trên hết của các nước theo đạo Hồi. Nó đã thành khu vực hoá, hạn chế điều này trong phạm vi thì còn được. Ðạo đức tràn lan cũng đáng sợ như chính trị tràn lan. Nếu nói đây là một phần nhược điểm nhân tính, thì anh chẳng có cách nào giải quyết. Tôi cảm thấy, chỉ dựa vào đạo đức là không xong. Bởi vì đạo đức cũng có cái khó của đạo đức. Khi dính đến nhược điểm căn bản của con người, tôi cảm thấy, chỉ có thể cố gắng giảm bớt, hoặc thu hẹp trong phạm vi nhỏ nhất. Nếu muốn giải quyết từ gốc rễ, thì cái gọi là phải tái tạo con người mới thì không có cái nào là không kết thúc bằng sự thất bại.
Lão Hiệp: Thực nghiệm xã hội định tái tạo con người mới, thì kết quả của nó là không những không tạo ra con người mới, ngược lại còn làm thoái hoá con người.
Vương Sóc: Xem như vậy, thì về mặt tình dục cũng có vấn đề này. Muốn tuyệt nọc hoàn toàn chuyện không có đạo đức trong tình dục, thì chưa có nước nào thành công. Những thí dụ thành công hiện nay, là hạn chế nó trong phạm vi, quản lý bằng quy phạm luật pháp. Có lẽ đây cũng là sự lựa chọn không biết còn cách nào hơn của loài người. Nên cuối cùng chỉ có thể làm đến đấy. Về mặt đạo đức thì ít nhất phải làm được như kiểu: "không cho là nhục thì còn được, ngược lại cho là vinh thì hơi quá ". Có thể làm tới mức, không cho là vinh thì đủ rồi.
Lão Hiệp: Ở Canbela, người Trung Quốc đến đó cũng xây không ít nhà thổ, cướp đi khá nhiều phi vụ buôn bán mãi dâm của người địa phương Otxtraylia châu Úc. Bởi vì "kỹ viện" của người Trung Quốc giá rẻ hơn. Một người bạn đã dẫn tôi đến một nhà chứa do người Thượng Hải kinh doanh. Tôi định thử đi một chuyến xem nó thế nào. Ðiều khiến tôi hết sức sửng sốt là con trai của ông chủ nhà chứa đã chơi gái trong đó. Tôi hỏi ông, sao không tìm cho cậu ấm một đứa con ở? Ông đáp con ở ở đây đắt lắm. Tôi bảo nghề này của ông chẳng phải hái ra tiền đó sao? Việc gì phải để thằng con sau khi đi học về sống trong môi trường này? Lúc ấy vợ ông chủ từ nhà trong đi ra, bà vừa hầu hạ xong một khách hàng. Ba người trong nhà họ đều ở trong nhà chứa, khi thiếu người, thì bà vợ thay chân. Mẹ kiếp! Muốn có tiền đã phát điên lên mất rồi.
Vương Sóc: Theo tôi, con người nên có một ít tiền, nhưng có những người không hãm nổi tham vọng kiếm tiền. Càng tranh càng hăng, tháng này kiếm được bằng này, tháng sau tôi phải gấp đôi mới xong. Nhưng sau khi đã có tiền, tôi không tin, trình độ đạo đức của anh ta phải được nâng lên, mà anh to lo lắng nhiều hơn. Anh ta cảm thấy mình đã có chút ít thể diện (mặc dù đó là thể diện chân thực, hay thể diện giả dối). Hành vi anh ta ít nhiều có hạn chế, có điều chỉnh. Anh đừng vội nói nội tâm con người như thế nào, như thế nào. Anh ta có được sự hạn chế, điều chỉnh ở bề ngoài cũng đủ rồi. Nếu ngay đến chút ít hạn chế và điều chỉnh này cũng không có, thì tôi nghĩ càng đáng sợ. Nói thế nào nhỉ ! Tôi cảm thấy yêu cầu về đạo đức này của tôi tương đối thấp.
Lão Hiệp: Sự tàn nhẫn vô liêm sỉ nhất thế giới này đều do trí lực gây nên. Con người có thể dùng trí tuệ đi làm những việc vô liêm sỉ. Ðặc biệt là ở mặt đối xử với đồng loại. Sự sát lẫn nhau giữa các con vật làm sao có thể tàn nhẫn hơn, vô liêm sỉ hơn sự tàn sát lẫn nhau giữa các con người với con người.
Hai con mèo đánh nhau, nếu một trong hai con đó cảm thấy con kia hết sức tàn nhẫn, vô cùng vô liêm sỉ, thì chắc chắn sẽ chửi. Mẹ kiếp! Mi "chẳng bằng loài người". Trong "cách mạng văn hoá ", sự tàn nhẫn và vô liêm sỉ này đã đạt tới đỉnh cao nhất. Sự tàn nhẫn ở Liên Xô còn giản đơn nhiều so với tàn nhẫn kiểu Trung Quốc. Cuộc thanh lọc lớn chỉ tiêu diệt anh về thế xác là xong. Song kiểu Trung Quốc, thì đầu tiên, làm nhục anh về nhân cách và uy tín, đánh đổ anh cho anh đi diễu phố, đội mũ chóp cao, đeo giầy rách ở cổ, phê đấu anh trước cuộc họp hàng ngàn, vạn người, bắt anh phải chửi mình, vả vào mồm mình trước dân chúng, cúi đầu nhận tội trước đám đông. Việc làm này còn tàn nhẫn hơn nhiều so với chuyện thủ tiêu về thể xác.
Vương Sóc: Tôi cảm thấy, sự vô liêm sỉ về đạo đức hiện nay của chúng ta, chắc chắn rất phổ biến ở nước Trung Quốc cũ. Rất nhiều người không thích điều đó, họ đòi thay đổi. Cho nên Trung Quốc đã mô phỏng cuộc cách mạng kiểu Liên Xô. Xô Viết thời đó nêu khẩu hiệu "Tạo ra con người mới, Xô Viết ". Hơn nữa, còn tin tưởng, chỉ có xã hội chủ nghĩa Xô Viết mới tạo ra được con người mới. Anh ta định cải tạo tính người từ gốc rễ. Xuất phát điểm của sự cải tạo này, có lẽ là xuất phát từ chính nghĩa của lý tưởng, nhưng họ xuất phát từ mục đích cao thượng, lại thực hiện bằng cách không từ thủ đoạn nào cuối cùng đã tạo nên địa ngục trần gian và sự đổ vỡ mất mát về nhân tính. Bây giờ không còn ai tin vào cái giọng, cái lối ấy nữa, trở về một tiêu chuẩn đạo đức cơ bản nhất: Làm người chỉ cần tôn trọng của công, giữ gìn pháp luật là được, các sinh hoạt riêng tư khác hoàn toàn là chuyện của cá nhân.
Lão Hiệp: Cái lối, lấy hành chính can thiệp vào đời sống riêng tư của con người trong truyền thống của Trung Quốc đã chết đâu mà bảo nó cháy lại. Trong đời sống hiện giờ vẫn còn hàng loạt việc làm can thiệp này. Khi anh nhất định chỉnh người trị người, nhất định có nhiều người nhìn thấy chuyện này, hai mắt sáng bừng, vui sướng tới mức vung chân, múa tay lên cho mà xem.
Vương Sóc: Nó sẽ chuyển đổi lời kêu gọi về đạo đức thành sự giám sát khống chế và xử phạt hành chính một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Cuối cùng sẽ khôi phục ngay lập tức những thứ đã diễn ra trong thời kỳ "cách mạng văn hoá". Ví dụ "luật thông dâm", để có chứng cớ về chuyện thông dâm, thì phải mò vào chân tường, nghe trộm, theo dõi, viết báo cáo tố giác. Ðội trinh sát bắt giữ vốn nhởn nhơ chơi dài của Uỷ ban đường phố sẽ có việc làm hoặc không được anh cho phép vẫn cứ xông bừa vào nhà lục soát bất ngờ. Sự qua lại giữa đàn ông và đàn bà sẽ trở lại thời đại hoảng hốt sợ hãi, cuối cùng chẳng còn gì là chuyện riêng tư kín đáo của cá nhân nữa. Mà bây giờ vừa mới bắt đầu có chút không gian dành cho cá nhân, mọi người được ngồi với nhau tán chuyện của cá nhân; cá nhân cũng được quyền giữ kín chuyện riêng không cho ai biết. Ðã có sự tôn trọng lẫn nhau, vào nhà phải gõ cửa. Trong khách sạn, nhà trọ cũng không đột nhiên có cảnh sát xông vào. Nếu dùng sự hỗn loạn về tính dục làm cái cớ, lấy lý do duy trì trật tự đạo đức để khôi phục cái lối ngày xưa đã từng làm, thì cảnh sát sẽ xồng xộc vào lục soát, anh sẽ chẳng có cách nào từ chối được, không có cách nào giữ được mình.
Lão Hiệp: Hiện giờ nếu nó định làm như vậy, cũng vẫn làm được. Một khi hắn định làm như vậy, thì người ta mặc kệ anh đang ở nhà nghỉ, hay trên đường phố hoặc ở nhà riêng.
Vương Sóc: Cho nên trong đời sống của chúng ta vẫn còn có một sức mạnh dã man, không phải là sức mạnh lý tính hoặc hoàn toàn không có lý tính. Ở những nơi có lý tính, ví dụ nước Mỹ có hô hào đạo đức đến đâu cũng chẳng sao. Ở nước Mỹ có hàng loạt người đang kêu gọi đạo đức. Song chỗ không đáng sợ của nó ở chỗ nào? Ở chỗ nó có một thứ lý tính, lý tính được chế độ hoá đã kìm giữ và hạn chế. Bất cứ một bộ luật mới nào đưa ra, thí dụ hạn chế dùng súng, đều phải thảo luận đi thảo luận lại nhiều lần. Hơn nữa, phải thực hiện có hiệu quả ngay, hạn định trong phạm vi nào đó, không được đe doạ và xâm phạm đối với các quyền lợi khác. Còn ở chỗ chúng ta đây, quả thật đang tồn tại một sức mạnh dã man, anh cứ cho nó một cái cớ là nó trỗi dậy trở lại. Tôi vốn cứ tưởng đã tương đối an toàn rồi, nhưng một số sự việc gần đây... đã khiến anh luôn có cảm giác nó sẵn sàng quay trở lại, nếu anh hơi sơ suất không chú ý đã cho nó một cái cớ, hoặc tự bản thân nó kiếm cớ, thì chỉ trong chốc lát lực lượng dã man ấy sẽ được huy động ngay.
Ðến lúc ấy, thì bung bét hết cả, mù quáng cả nút, vẫn có nhiều người bị nó sai khiến, còn phần đông người không chống lại nổi. Ðối với nó mà nói, không chỉ tiến hành trong phạm vi có hạn độ, hoặc khống chế lý tính, một khi nó đã đến, thì song song với việc quét sạch cái này, cũng quét sạch theo rất nhiều thứ khác nữa, đại đa số người ta đành phải nghe theo...
Lão Hiệp: Nó đúng là như vậy. Cảm giác mà anh vừa nói, mặc dù anh vận dụng dáng vẻ nào, dáng vẻ lưu manh cũng được, cỡ có máu mặt của văn hoá đại chúng cũng được, dáng vẻ tuyên chiến với văn hoá đại chúng như hiện nay cũng được, đều không tách khỏi một bối cảnh lớn. Cảm giác không an toàn là cảm giác của toàn thể, ai ai cũng có, giống như thời cách mạng văn hoá, to như ông Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch Nhà nước thì đã làm được gì nào? Vẫn chẳng phải bảo nhục nhã là nhục nhã, bảo hạ bệ là hạ bệ, bảo hành hạ đến chết là hành hạ đến chết đấy ư? Vận mệnh của ông ấy có tốt hơn một thường dân đâu nào, có khi còn thảm hơn thường là khác. Ví dụ cuộc họp phê đấu gì đó...
Vương Sóc: Tôi không cảm thấy Lưu Thiếu Kỳ thảm như thế đâu, thảm nhất, thảm hơn vẫn là những người dân thường. Lưu Thiếu Kỳ đã chết oan, thì rồi còn có ngày được sửa sai, bây giờ đến ngày gì đó, còn tổ chức kỷ niệm. Chứ dân thường thì cứ im thin thít, như một con kiến bị dẫm chết. Thời tôi đi bộ đội, mới 18 tuổi, có thời gian ở Học viện Quân y. Trong viện có ba cái ao to, toàn ngâm xác người chết để giải phẫu. Chúng tôi đứng trên bờ nhìn người khác dùng móc câu, cứ chốc chốc lại móc lên một xác. Móc lên một xác thì nói, đây là đặc vụ Quốc Dân Ðảng; móc lên một xác nữa, lại bảo đây là một tên phản cách mạng. Họ móc lên xác nào thì chúng tôi lại giúp đặt lên bờ. Họ vừa móc xác vừa giới thiệu, đây là ai, kia là ai, đều bị bắn chết cùng một lúc, ngâm xác trong ba cái ao to ấy. Mỗi khi mổ xong, anh em vớt những xác ấy lên, đi găng tay vào, luyện nắm đấm trên thân họ. Trên những thi thể ấy đều chi chít các mũi khâu, đã ngâm mấy năm rồi. Lúc ấy tôi mới 18 tuổi, không có cảm giác gì lớn lắm, nhưng mẹ kiếp, sau chục năm qua đi... bây giờ hễ chợt nhớ lại là cứ rùng mình rợn tóc gáy. Cái thứ ấy một khi đã quay đầu trở lại thì chống chọi không nổi, quả thật không thể chống chọi nổi. Cái mông to ấy nặng gớm lắm, không ngồi lên đầu anh, thì ngồi lên người anh cũng đều rất đáng sợ. Cho nên tôi đành phải tránh xa một chút và như thế đã làm cho quan điểm và lập trường của chúng ta dừng lại ở đây. Lâu dần tôi cảm thấy đã trở nên vô cùng tê dại, trơ lỳ.
Nguồn: Nguyên bản tiếng Trung, Nxb Văn Nghệ TrÆ°á»ng Giang, in lần thứ nhất, 2000, Nxb Văn hoá dân tá»™c, Hà Ná»™i 2002