Tủ sách talawas20.12.2003
Vương Sóc, Lão Hiệp
NgÆ°á»i đẹp bá» tôi thuốc bùa mê
Ãối thoại văn há»c
Vũ Công Hoan dịch
Phần III
Khó sống với những người trí thức
2. Thành thực và Ðạo đức của tri thức
Vương Sóc: Tôi không có khái niệm gì về quần thể những người trí thức Trung Quốc, nào phái học viện, nào phái những kẻ dưới trướng...
Lão Hiệp: Anh định nói quần thể trí thức những năm 80 hay những năm 90?
Vương Sóc: Tất cả, tôi chỉ muốn tìm ra những con người rõ rệt, làm rõ một đầu mối đại thể.
Lão Hiệp: Quần thể trí thức của những năm 80, đại thể được chia thành hai cánh dân gian và trong thể chế. Cánh trong thể chế lại chia thành phái học viện và phái quan liêu chính cống.
Vương Sóc: Phong trào giải phóng tư tưởng dạo ấy đã phá bỏ một số cấm kỵ, ngưu ma quỷ thần đã tơi tới ra khỏi lồng.
Lão Hiệp: Dưới ngọn cờ giải phóng tư tưởng, một loạt nhà văn phái hữu đã trở về với xã hội, khi trở về một cái là hoa tươi đua nở. Thời ấy có một cuốn sách bán chạy như tôm tươi là tiểu thuyết "Hoa tươi lại nở". Toàn là những tác phẩm thành danh của anh chị em phái hữu thời bấy giờ, như Lưu Tân Nhạn, Vương Mông, Lưu Thiệu Ðường, Tông Duy Hy... Ðỉnh cao của loạt nhà văn phái hữu này là đại hội nhà văn khóa 4. Sau đại hội này, không những tác phẩm của họ ảnh hưởng cả nước, mà họ còn xôn xao đi vào cơ cấu quyền lực thuộc lĩnh vực văn hóa, nắm thực quyền. Văn hoá báo cáo (một thể loại truyện ký) của Lưu Xuân Nhạn, tiểu thuyết của Lưu Tân Vũ, văn học vết thương, văn học cải cách... Hai loại người này có đặc điểm chung là đều thịnh hành bằng văn tự trong xã hội và tiếp cận với tầng lớp cao bằng quyền lực. Vương Mông cuối cùng đã ngồi vào ghế Bộ Trưởng văn hóa, Lưu Tân Vũ làm tổng biên tập tạp chí "Văn học nhân dân". Những vị như Vương Nhược Thuỷ, Hồ Tích Vĩ, Lưu Tân Nhạn .v.v... đa phần đều hưởng đãi ngộ cấp bộ, thấp nhất cũng ở cấp vụ cấp cục.
Vương Sóc: Những vị này đều là văn hóa đại chúng thời bấy giờ.
Lão Hiệp: Cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng xã hội thời bấy giờ nghèo nàn khô khan đi.
Vương Sóc: Thế còn phái học viện thì sao?
Lão Hiệp: Phái học viện cũng chia thành mấy nhóm: như Lý Trạch Hậu, Lưu Tái Phúc là một nhóm, đi theo lối phê phán lý luận, mỹ học, triết học. Nhưng Lưu Tái Phúc sau đó làm Giám đốc sở văn hóa của Viện Khoa học xã hội, tổng biên tập tạp chí "phê bình văn học", cũng trở thành quan chức chính thống. Ðỉnh cao thời kỳ hoàng kim của họ là cuộc hội thảo làm mười năm của thời kỳ mới năm 86. Trong cuộc hội thảo này, Lưu Tái Phúc và Lý Trạch Hậu được tâng bốc thành "giáo hoàng lý luận". Diễn biến cuộc họp có phần na ná đại hội đại biểu Ðảng lấy học tập quan điểm chủ nghĩa nhân đạo trong văn học của Lưu Tái Phúc làm trung tâm, chia tổ thảo luận. Là một cuộc "duyệt binh" của giới lý luận văn nghệ. Sau đó đã để cho một con ngựa đen khuấy lên. Những người như Bao Tôn Tín, Kim Quan Ðào đi theo lối phổ cập kiến thức mới bằng tủ sách "Tủ sách đi tới tương lai" do họ soạn thảo, đã trở thành nguồn chủ yếu để lớp trẻ tiếp thu quan niệm mới, ảnh hưởng rất lớn, vẫn còn hết sức mới mẻ. Sau đó nội bộ đã chia rẽ còn một lối nữa là, hình thức tham khảo nội bộ. Ảnh hưởng lớn nhất hồi đó là "phê phán chủ nghĩa xã hội nông nghiệp" của Vương Tiểu Cường và "nhìn gần hiện tượng dị hóa" của Cao Nhi Thái. Lý luận của họ đã vượt quá phái giải phóng tư tưởng và đám văn nhân phái hữu, có màu sắc tự do chủ nghĩa mạnh mẽ.
Vương Sóc: Ngoài Bang trí thức có tính hợp pháp này, thì dường như tạp chí "Ngày nay" là loại tập san dân gian bí mật. Loạt người này có ảnh hưởng hết sức lớn lao đối với lớp trẻ về văn học.
Lão Hiệp: Ðúng thế. Năm bọn tôi học Ðại học, khi đọc tạp chí "Ngày nay" và một số bài chính luận giờ vẫn còn nhớ như in. Những người này là "Phái dân gian" không có bất cứ màu sắc quan chức nào. Trong những tạp chí in rô-nê-ô dân gian, thì tạp chí "Ngày nay" có ảnh hưởng lớn hơn cả. Sở dĩ "Ngày nay" trở thành "ngày nay", không phải do những vị này nhạy bén, sâu sắc và tài hoa ghê gớm gì đâu. So với thanh niên ngoại tỉnh, họ được tiếp xúc với hàng loạt các thứ "Sách bìa vàng", "Sách bìa xám" phát hành nội bộ mà người tỉnh ngoài rất khó tiếp xúc một cách nhanh nhất. Một loại là sách triết học như "Tuyển tập tư liệu triết học của giai cấp tư sản hiện đại". Một loại là văn học, nghệ thuật như "Trên đường", "Người coi ruộng lúa mạch", "Không có chiến sự ở phòng tuyến phía Tây", còn có một loạt phái thơ ca hiện đại của phương Tây, như thơ của Thomas Stearns Eiot. Còn có cả một loạt tác phẩm "tan băng" của Liên Xô trước cả Ðông Âu, như "Cuộc cách mạng bị phản bội", "Giai cấp mới", "Thời đại Stalin", "Con người, năm tháng và đời sống", "Tan băng"... Ðiều hết sức đáng tiếc là tác phẩm "Con đường dẫn đến nô dịch" của Hayeke cũng là sách tham khảo nội bộ thời đó. Nhưng ảnh hưởng thật sự của Hayeke đối với trí thức tự do Trung Quốc mới bắt đầu từ giữa những năm 90. Ðiều này đều chứng tỏ "giải phóng tư tưởng" của thời đó chẳng có bao nhiêu thành phần tự do.
Vương Sóc: Loạt người của tạp chí "Ngày nay" ở Bắc Kinh có kịp xoay xở kiếm được những sách này. Khác với tỉnh ngoài các anh, sự "ưu tú" và "ảnh hưởng" của bọn họ cũng có bám chút ít ân huệ của Hoàng Thành.
Lão Hiệp: Phải, là vì đã chiếm trước được nguồn vốn nghệ thuật tư tưởng mà người khác không thể chiếm được. Ðây cũng là một hiện tượng quái thai. Sau này, khi phái "Ngày nay" đã nổi lên mặt nước, được sự thừa nhận của "tạp chí thơ" là tạp chí của Nhà nước đầu những năm 80, "tạp chí thơ" triệu tập Hội nghị các nhà thơ trẻ, có mấy nhà thơ của tạp chí "Ngày nay" tham gia, sau đó Bắc đảo đã vào nhóm thơ ca Hội nhà văn, đó là bộ máy có thẩm quyền bình luận phê phán thơ ca trong cả nước. Nhưng sau những năm 80, các nhà thơ của tạp chí "Ngày nay" đã mất sức sáng tạo. Giang Hà, Dương Luyện cùng Anh Thành đi tìm cội nguồn. Trong những năm 80, Bắc Ðảo không viết tác phẩm nào hay. Người giữ vững bản thân duy nhất là Mang Khắc. Mang Khắc và Bắc Ðảo là hạt nhân của tạp chí "Ngày nay", trong những giờ phút nghiêm khắc nhất, gay cấn nhất chỉ có hai người này chèo chống nổi. Không chỉ về quan điểm mà cả ở hình thức. Văn tự của "ngày nay" đã đột phá văn học tải đạo của các nhà văn phái hữu. Người bênh vực về lý luận của "Thơ mông lung" là "ba quật khởi" tranh cử dân gian ở trường Ðại học Bắc Kinh những năm 80 lại là một loạt trí thức dân gian, họ trở thành thí nghiệm sớm nhất đòi chính trị đi theo phương hướng hợp pháp hoá của những người trí thức dân gian Trung Quốc. Về sau những người ở lại trong nước, trong số loạt người này, đã lập ra sở nghiên cứu dân gian.
Vương Sóc: Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ về văn học còn có một lối nữa, truyện ký văn học kiểu toàn cảnh. Khí thế của họ lúc ấy mạnh mẽ lắm. Hình như đại diện cho tiếng kêu gọi cuối cùng của phái cải cách.
Lão Hiệp: Tác phẩm của những năm 80, chúng ta không nói tới quan niệm của nó có hiện đại hay không. Bây giờ xem ra cái giọng của chúa cứu thế ấy cũng có vấn đề. Ðặc biệt là sau khi Ðài trung ương xây dựng phim chuyên đề "Hà Thương". Lời thuyết minh toàn là lối thuyết giáo kiểu đứng trên cao nhìn xuống. Dùng cái giọng đọc sang sảng tròn vành rõ chữ. Nó đem lại cho con người một cảm giác, y như dáng vẻ của chúa cứu thế ra lệnh trong "Kinh thánh", "Thượng đế bảo phải có ánh sáng, thế là có ánh sáng". Chỉ cần giọng này vang lên, thì hình như những điều đọc ra đều là chân lý, chân lý tuyệt đối. Truyền thống này từ giọng phát thanh của bọn Hạ Thanh, cho đến bộ mặt kiểu giáo chủ của người chủ trì chương trình "Tiêu điểm phỏng đàm" hiện nay. Văn chương thời bấy giờ phần lớn đều là chất giọng của chúa cứu thế cả. Về văn học đến lý luận, ai ai cũng muốn làm chúa cứu thế, làm giáo hoàng. Thời đó ngoài xã hội có một kiểu gọi "Bốn bậc thầy trẻ lớn". Thời bấy giờ, phim nhiều tập "văn học tìm về cội nguồn", "mảnh đất màu vàng", cũng có dáng dấp tâm trạng của chúa cứu thế đứng ở mãi tít trên cao nhìn xuống.
Vương Sóc: Tôi hết sức quan tâm đối với phái học viện. Nó là một khối thép tấm phải không ? Có phân biệt gì giữa những người đi Tây, không đi Tây và học hoàn thành chương trình tiến sỹ ở trong nước.
Lão Hiệp: Quần thể tri thức của những năm 80 không có sự phân hóa rõ rệt. Sự khác biệt giữa quần thể tri thức trong thể chế và quần thể dân gian từ đầu những năm 80, đến giữa và cuối những năm 80, về cơ bản không còn nữa. Quần thể dân gian trừ những người hết sức đặc biệt ra thì phần đông, đều đã vào trong thể chế, đều đã trở thành quyền lực trí thức được thể chế hóa của Nhà nước chính thống. Những quần thể trí thức của những năm 90 thì phân hóa hết sức rõ nét. Ngoài phái Học viện và phái những kẻ dưới trướng ra, còn có người văn hóa cá thể, thoát ly thể chế. Những người này hoàn toàn độc lập về kinh tế. Anh là hộ cá thể sáng tác có ảnh hưởng và sớm nhất trong số các nhà văn. Những người khác thì như các ca sỹ và ngôi sao điện ảnh. Nhưng những người này, kể cả anh, đã rất nhanh chóng bị chấn chỉnh, gộp vào trong thể chế nửa văn hóa - tức là thể chế vận hành kiểu thương nghiệp của văn hóa đại chúng. Nó đang từng bước lớn lên và định hình.
Vương Sóc: Tôi khá quen thuộc với mảng thể chế văn hóa đại chúng này. Tôi là người trong cuộc, chịu ơn nó sâu sắc, cũng bị nó hại ghê gớm. Tôi hết sức muốn tìm sự khác biệt của những giáo sư ta, giáo sư Tây, tiến sỹ ta, tiến sỹ Tây.
Lão Hiệp: Sự phân hoá của quần thể trí thức trong những năm 90, thì một loạt người gác bút đi buôn, một loạt người khác bỏ ra nước ngoài, những người tiếp tục học thuật rất hiếm. Hơn nữa, đặc điểm lớn nhất của giới trí thức trong những năm 90 là kinh tế học nổi lên, thay thế mỹ học và văn học của những năm 80. Như Tiến sỹ Tây Hồ An Cương và Diệp Thiệu Quang, đã bắt thóp được cái gì những vị quyết sách của thời kỳ điều hành vĩ mô ưa chuộng, cho ra một bản "Báo cáo năng lực Nhà nước". Từ việc so sánh giữa Trung Quốc và phương Tây mà luận chứng tính hợp pháp của tập quyền kinh tế Trung ương. Gọi hiện trạng tài chính của Trung Quốc là mạnh ở địa phương, yếu ở Trung ương, chủ trương tăng cường tập trung quyền lực của Trung ương nâng cao năng lực thu hút nguồn tài chính của Nhà nước. Sau đó Diệp Thiệu Quang chia tay Hồ An Cương, trực tiếp liên hệ, hay gọi là, gắn thẳng năng lực tài chính và hiệu suất tài chính của Nhà nước với chế độ dân chủ. Còn có Phàn Cương, Thịnh Hồng, Lưu Vĩ và Chung Minh Vinh được gọi là "Bốn cậu" của kinh thành. Quan điểm của họ chủ yếu làm luận chứng lý luận cho quyết sách thượng tầng, lại còn thích lên vô tuyến truyền hình diễn giảng. Ngoài ra còn có Thôi Chi Nguyên, Cam Dương uống mực Tây ở Mỹ đại diện cho "Phái tả mới", họ chú trọng vấn đề bình đẳng trong phân phối.
Vương Sóc: Theo tôi phần đông các nhà kinh tế học đều như vậy.
Lão Hiệp: Ðúng. Chỗ chí mạng nhất của kinh tế học và các nhà kinh tế học hiện nay là, đứng trước trật tự kinh tế hỗn loạn và không công bằng như vậy, họ không có ý thức đạo nghĩa tối thiểu, lại không có sáng tạo lý luận để vượt khỏi chính sách. Không dám nhìn thẳng vào vấn đề trọng tâm của khó khăn kinh tế Trung Quốc là: Không rõ ràng minh bạch về quyền sở hữu tài sản và không có chỗ nào không chui vào được của quyền lực. Từ khi có chủ nghĩa Mác đến giờ, ở nước Mỹ luôn luôn có chủ nghĩa Mác có phái tả. Họ cũng xuất phát từ sự phân phối không công bằng mà phê phán thể chế của chủ nghĩa tư bản hiện hành và làm thế nào mới có thể qua cải cách thể chế hiện hành để cho sự phân phối của cải đạt mức công bằng với khả năng lớn nhất. Nhưng nước Mỹ đã có thị trường tự do hoàn thiện, còn ở Trung Quốc thị trường vừa mới bắt đầu, lại bị quyền lực bóp méo. Bởi vì thị trường tự do lấy bảo vệ quyền sở hữu tài sản làm nền tảng. Mặt khác, tự do với hiệu suất trong kinh tế thị trường và sự bình đẳng về phân phối vĩnh viễn trái ngược nhau. Song song với đòi hỏi tự do và hiệu suất, không thể còn yêu cầu bình đẳng về phân phối. Yêu cầu của thị trường là công bằng, chứ không phải bình đẳng về phân phối.
Vương Sóc: Ai quan hệ gần gũi với quyền lực thì người đó được hời lớn.
Lão Hiệp: Ðúng. Ngoài quần thể trí thức loại này, còn có một loạt trí thức giữ vững xu hướng tự do học thuật theo Tần Huy, Lưu Quan Ninh, Lôi Di, Tạ Vĩnh, Uông Ðinh Ðinh, Hà Thanh Liên, Chu Học Cần, Chu Ðại Khả. Hà Thanh Liên đã viết một cuốn sách có tên là: "Cạm bẫy của hiện đại hoá" dám động tới vấn đề hiện thực, dám kêu gọi tinh thần nhân văn và sự quan tâm đến đạo nghĩa của kinh tế học, từ đó đã dẫn đến một cuộc tranh luận. Một số người trong họ sống rất trong sạch khốn khó, thậm chí có người ngay đến cái nghề giảng dậy cũng chao đảo không yên, mức sống kém xa những kẻ tuân theo mệnh lệnh chủ nghĩa, những kẻ đó vẫn là phú ông trong giới học thuật.
Vương Sóc: Theo anh về học thuật cũng có tình huống này không ? - Ai gần gũi với quyền lực, thì lời nói của người đó càng hùng hồn ấy mà ?
Lão Hiệp: Chắc chắn có, hơn nữa còn tương đối phổ biến. Ở đây có hai tình huống, một tình huống là, những người trí thức kiểu dưới trướng. Tiếng nói của họ ở chừng mực nào đó là tiếng nói của quyền lực. Lệ Dĩ Ninh, Hồ An Cương, Phàn Cương... Tiếng nói của họ đã trở thành chủ lưu của giới kinh tế học. Riêng ông già Ngô Kính Liên là một ngoại lệ. Ông ấy cũng ở diện dưới trướng, nhưng ông giữ vững lập trường có tính phê phán độc lập của mình. Một tình huống khác là, phải giỏi làm vui lòng ý thích người khác. Chủ yếu ở đây là những người trí thức phái học viện, không phân chia thành nghề nào. Chủ nghĩa phương Ðông, Sayide, nêu lên quy phạm hóa, bản thổ hóa trong giới học thuật, đột nhiên có giá, Thanh Hồng làm kinh tế học. Ðặng Chính Lai nghiên cứu xã hội học, Chu Tô Lực nghiên cứu, luật học và Thôi Chi Nguyên, Cam Dương, thậm chí ngay đến Lý Ðà, người lãnh đạo văn học tiên phong trong những năm 80, sau khi từ nước Mỹ trở về, cũng trở thành người chủ nghĩa dân tộc. Còn có cả những người như Vương Nhất Xuyên, Trương Pháp, Vương Nhạc Xuyên, Trương Di Vũ, là những người lấy nghiên cứu Mỹ học hiện đại và lý luận hậu hiện đại của phương Tây mà có tên tuổi, cũng bàn nhiều về "Tính chất chủ yếu và các tính chất khác của dân tộc Trung Hoa" qua những bài viết dài dằng dặc. Những trí thức của phái Học Viện này có khứu giác hết sức nhạy cảm. Hễ ngửi thấy một chút mùi vị nào đó là đổ xô vào, tóm chặt chủ nghĩa phương Ðông; kháng cự bá quyền ngôn ngữ và bá quyền văn hóa phương Tây, chuyện này ăn nhập vừa vặn với chống cự bá quyền chính trị và bá quyền kinh tế của phương Tây. Mấy nhà buôn sách cũng đuổi kịp dòng thác này, một quyển sách có tên "Trung Quốc có thể nói: Không" phát hành rộng khắp trong và ngoài nước. Nghe đâu Trương Tiểu Ba, một trong những người cho ra đời cuốn sách này, hiện giờ vẫn còn sống được bằng tiền nhuận bút.
Vương Sóc: Nghe nói cái trò quyền lực trí thức này cũng do phương Tây nêu ra. Phương Tây không có quyền lực tri thức ư ?
Lão Hiệp: Có. Người nêu ra quyền lực tri thức, quyền lực ngôn ngữ là học giả người Pháp Fucus. Ông ta là một con người kiệt xuất lạ lùng, có tính lật đổ cực mạnh. Những nhà tư tưởng phương Tây đương đại có ba người có ảnh hưởng lớn nhất đối với mọi người, đó là Popes nêu lên "Lý luận chứng minh giả tạo", nhà kinh tế học chủ nghĩa tự do Hayeks và Fucus. Thông qua nghiên cứu những thứ bị triết học, sử học, xã hội học phương Tây lãng quên, ông này đã phát hiện ra, quyền lực tri thức và cả một hệ thống chế độ. Ở nơi Fucus, những mảnh vụn của lịch sử đã trở thành những hóa thạch khảo cổ khống chế có mang tính thể chế của phương Tây đối với con người. Quyền lực tri thức, quyền lực ngôn ngữ của phương Tây có lịch sử phát triển riêng. Có cả một hệ thống tri thức độc lập và chế độ hóa của quyền lực tri thức (gồm học viên, bộ máy nghiên cứu, bệnh viện tâm thần, trường nuôi dạy trẻ, nhà giam, trại lính, công xưởng, sinh vật học, địa lý học, ngôn ngữ học...) Càng về sau, cho đến tận bây giờ, quan hệ giữa quyền lực chính trị với ngôn ngữ trí thức càng gián tiếp, càng cách biệt thậm chí tri thức và chế độ của tri thức trở thành một quyền lực độc lập hơn, đứng ở ngoài quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. Nó luôn luôn nằm trong hệ thống quyền lực chính trị. Bắt đầu từ "Ðộc tôn nho thuật" đời Hán.
Vương Sóc: Trong truyền thống của Trung Quốc không có thứ gì tốt thật sao ? Ví dụ "Bốn phát minh lớn".
Lão Hiệp: Xem xét một cách cô lập thì bốn phát minh lớn là thứ tốt. Nhưng trong bộ máy của toàn bộ văn hóa Trung Quốc, thì những thứ tốt không thể thăng hoa, nhuần nhuyễn. Ở Trung Quốc dùng la bàn chỉ dùng trong phong thuỷ nhưng một khi đã đi vào cơ cấu văn hóa của phương Tây, sẽ biến thành hiện tượng từ. Không chỉ có phát hiện ra lục địa mới ở đại dương xa xôi, mà còn có điện từ học của những người như Michael Faraday, một hệ thống quan niệm hiện đại và khoa học hoàn chỉnh.
Vương Sóc: Có một dạo các nhà nho mới, ra sức nói về kỳ tích kinh tế Ðông Á. Cho là do tư tưởng nhà nho tạo nên, bao gồm những người như Ðỗ Duy Minh, Dư Anh Thời, và cả Nhật Bản nữa là "Nhà nho mới" phải không ?
Lão Hiệp: Trong kỳ tích kinh tế của "Bốn con rồng nhỏ" và Nhật Bản ở Châu Á, thì động lực chủ yếu không phải là luận lý nhà nho, mà là thể chế tự do chủ nghĩa hóa. Ðằng sau Hồng Công là nước Anh, đằng sau Nhật Bản, Ðài Loan, Hàn Quốc, Singapo là nước Mỹ. Quan điểm, chế độ, kỹ thuật, giáo dục và thị trường của thế giới chủ nghĩa tự do mới là động lực căn bản của kỳ tích kinh tế Ðông Á. Ví dụ Nhật Bản thì "Duy tân minh trị"được hoàn thành dưới khẩu hiệu "Tây hóa sạch trơn", kinh tế bay bổng sau đại chiến thế giới lần thứ hai là nhờ có viện trợ của Mỹ và thị trường của nước Mỹ. Kết cấu xã hội và chế độ chính trị của Nhật Bản sau đại chiến thế giới lần thứ hai đã thay đổi có tính chất tổng thể. Người Mỹ đã viết hiến pháp cho người Nhật. Sau khi kết cấu tổng thể hoàn toàn chuyển biến thì luân lý nhà nho và đặc tính của bản thân Nhật Bản mới có tác dụng tích cực. Những người như Dư Vinh Thời, Ðỗ Duy Minh đều hoàn thành huấn luyện học thuật ở nước Mỹ. Họ giải thích văn hoa Trung Quốc cũng bằng khái niệm và phương pháp của phương Tây. Dư Anh Thời bàn về tinh thần Chủ nghĩa tư bản của luân lý đạo giáo và phật giáo Trung Quốc chỉ là sự ứng dụng của lý luận chủ nghĩa tư bản và luân lý đạo mới của Carl Maria Weber mà thôi. Chẳng qua nhặt nhạnh ở xó này góc kia một số thứ rồi chắp nối thành một số tư liệu để chứng minh sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản Trung Quốc ở hai đời Minh Thanh. Hoàn toàn không có sức thuyết phục. Dư Anh Thời không thể dùng luận chứng này lật đổ một sự thật thời cổ Trung Quốc không có chủ nghĩa tư bản. Lại như Ðỗ Duy Minh cùng với Lý Trạch Hậu đề xướng văn hóa Trung Quốc cứu vớt loài người, thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của người Trung Quốc. Chúng ta không bàn đến chuyện lập trường dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi này, xét đến cùng, liệu có bảo đảm nổi sự công bằng chính trực của một học giả hay không. Chúng ta muốn hỏi ông Ðỗ Duy Minh, sau khi đã hưởng thụ toàn bộ ân huệ của thế giới tự do, tại sao ông không trở về sống trong nền văn hóa Trung Quốc mà ông yêu mến ? Ở đất liền không được thì còn có Ðài Loan và Hồng Công cơ mà.
Mặc dù là học giả gốc Hoa ở nước ngoài, hay là phái Học viện ở trong nước, những thứ như bản thổ hoá, quy phạm hóa họ sử dụng toàn là phương pháp và khái niệm Tây hoá. Một nền văn hoá ngay đến phương pháp và khái niệm chỉnh lý tài nguyên của mình cũng không tìm được, lại còn ba hoa chích choè bàn làm gì đến việc bản thổ hóa, địa phương hóa cơ chứ ? Ngôn ngữ của họ cũng là thể văn dịch. Ludwag Wwittgenstein nói, chọn thứ ngôn ngữ như thế nào là chọn lối tư duy như thế ấy; chọn lối tư duy như thế nào là chọn phương thức tâm linh như thế ấy. Từ truyền thống, văn hóa Trung Quốc không tìm được điểm tựa lý luận để chúng ta đi tới xã hội tự do hiện đại; tìm không ra phương pháp, thì làm gì có tư cách mà huênh hoang đến chuyện xây dựng lại văn hóa ? Ví dụ giáo sư khoa pháp luật trường Ðại học Bắc Kinh, Chu Tô Lực mấy năm nay chuyên môn bàn đến bản thổ hóa về pháp trị. Ông nói nông thôn Trung Quốc có luật tập quán, hay còn gọi là "Thói quen pháp" dựa vào quyền uy họ tộc để giải quyết xích mích. Ðồng thời ông ta túm lấy bộ phim "Thu cúc đi kiện" của Trương Nghệ Mưu và một phim nữa có tên là "Ông Sơn Giang" để luận chứng cho bản thổ hóa của ông. Thật nực cười. Bản thân phim "Thu cúc đi kiện" là một chuyện nói dối tày trời mà Trương Nghệ Mưu đã tung ra bằng thủ pháp tả thực nhất. Vấn đề căn bản của pháp luật Trung Quốc là vấn đề tinh thần lập pháp, từ xưa đến nay, pháp coi như hình. Không có sự chuyển biến căn bản về tinh thần lập pháp, thì mọi vấn đề khác đều là râu ria, vụn vặt. Là một chuyện gia luật học né tránh vấn đề có tính thực chất. Chỉ gãi ngứa trên vấn đề chi tiết, thì quả thật là không có lương tâm.
Vương Sóc: Cá nhân tôi đã ly khai thể chế từ lâu, sau khi tôi đi lính trở về, tôi cũng làm mọi công việc, kết quả làm việc gì cũng hỏng, cuối cùng buộc phải đứng ra treo biển làm riêng. Làm các việc khác thì bát cơm đều có vấn đề, nhưng làm việc này lại có cơm ăn, lại còn quen mặt là đằng khác. Những người trí thức của phái Học viện bưng bát cơm trong thể chế này, muốn vào thể chế này, muốn có cơm ăn hơn nữa còn tỏ ra có chút thể diện, thí dụ ở đơn vị nếu không nịnh bợ thì chức danh và nhà ở chẳng đến phần anh đâu, sức ép này hết sức trực tiếp, vô cùng sát sườn.
Lão Hiệp: Có người kể một chuyện vui. Ở một nhà máy nâng bậc lương cho công nhân, có một thợ nguội, vì không được nâng lương, anh này bãi công, không làm được việc. Hàng ngày nào đến xưởng, anh không đứng máy tiện mà đều đứng máy mài mãi con dao cạo 3 cạnh của mình trước ánh mặt chăm chắm của anh chị em trong phân xưởng. Nếu ai hỏi gì anh cũng không nói. Chủ nhiệm phân xưởng thấy vậy, tỏ ra sợ hãi, biết người này cáu lên sẽ có chuyện chẳng lành, liền nghĩ cách bổ sung chỉ tiêu, nâng lương cho anh ta. Chuyện này chẳng khác gì việc làm của một số giáo sư đại học, cào rách da mặt, nổi đoá lên dán báo chữ nhỏ khắp vườn trường, chửi bới. Trường Ðại học Thanh Hoa cũ, Trường đại học Bắc Kinh cũ đã đào tạo ra một loạt tri thức kiểu hiện đại, sau đó trải qua cải tạo tư tưởng về các phong trào, các cuộc vận động chính trị, họ đã biến thành nông dân, mà là nông dân xảo trá. Anhxtanh đã từng nói: Tôi không tin, ở trong trường đại học và viện Khoa học, vì lòng con người cao thượng sẽ phát triển tốt hơn ở trong cửa hàng của người thường sống trầm mặc, lặng lẽ không ai biết đến.
Vương Sóc: Anh vừa nói đến những người như Tiền Chung Thư. Nêu lên vấn đề thành thực của việc làm người, thành thực về tri thức, về trách nhiệm, về đạo đức. Song tôi không làm sao có được cảm giác về điều ấy từ những người tri thức của phái Học viện.
Lão Hiệp: Không thành thực về tri thức, thì sẽ không có trách nhiệm về đạo đức. Người bình thường không thành thực, hoàn toàn không nguy hại to lớn bằng người tri thức không thành thực của người tri thức. Bởi vì người tri thức được tuyên xưng là "lương tri xã hội". Trên thực tế ở đằng sau của giới học thuật có động cơ lợi ích rõ rệt, sự hẹp hòi và ty tiện của họ đã che giấu động cơ này, vì một chút lợi ích nhỏ bé đã nói dối vung thiên địa. Có một số người, trí tuệ của họ là sự khôn lỏi, tính toán nhỏ, âm mưu nhỏ, cái bẫy nhỏ. Dùng một lý do đường hoàng, chỉ để vớt nửa cọng rơm. Sở dĩ anh bị vòng vây của cả hai giới học thuật và phái chính thống, chỉ có một nguyên nhân là anh thành thực. Cái thành thực này rất kiên cố, rất có sức mạnh, một câu thành thật lớn, đủ để làm cho lịch sử ngụy tạo hàng ngàn năm hiện nguyên hình. Ví dụ Lỗ Tấn chỉ đọc ra được ba chữ ăn thịt người, từ trong lịch sử cả mấy ngàn năm.
Vương Sóc: Ở chỗ chúng ta đây, từ trên xuống dưới đều không có thành thực làm người, thành thực về tri thức, thành thực về tiền bạc. Mọi người cùng nhau nói dối đi nói dối lại. Anh cho tôi một cái lườm duyên dáng, tôi cho anh một cái nguýt dịu dàng. Tôi đào cho anh một cái hầm chông, anh giăng cho tôi một cái bẫy.
Lão Hiệp: Như Dư Thu Vũ lừa bịp bằng văn hóa truyền thống, một lũ phái học viện lừa bịp bằng những sản phẩm nhập từ nước ngoài. Anh ta cứ nói đi nói lại, cứ hùng hồn hết bài nọ đến bài kia, chỉ có điều không bập vào chủ đề, tốn biết bao nhiêu là công sức song chỉ một câu nói thành thực đã lột tả thấu đáo. Ðối thoại với những người này cũng thế, tán chuyện với họ cũng vậy, sở dĩ họ cảm thấy khó khăn, không có sức mạnh là bởi vì họ đứng trước một con người thành thực. Sự không thành thực của con người, nhất là sự không thành thực của giới học thuật giới trí thức, dường như là một trạng thái sinh lý, là "chính trị học thân thể" mà Fucus đã nói. Họ tự xưng là "Kỹ sư tâm hồn", "Người phổ cập kiến thức mới". Trên thực tế, linh hồn của họ là nhà giam của xác thịt, là cạm bẫy hầm chông của xã hội. Giống như một số vị tai to mặt lớn của giới kinh tế học, chạy theo một bản thổ hóa và chủ nghĩa dân tộc. Họ cứ nói bừa văn hóa phương Tây là "ác" văn hóa Trung Quốc là "thiện"; phương Tây đề cao vật chất, máy móc, vũ lực; Trung Quốc đề cao nhân văn, đạo đức hòa bình. Cho nên, một khi Trung Quốc đụng phải phương Tây tất nhiên suy yếu. Bản thân anh ta cũng không tin vào đường lối này, anh ta tự xưng là con em Trung Quốc của Kesi, nhà kinh tế học từ chế độ nước Mỹ. Bán hết thầy giáo Tây thì bán đến tổ tông. Lối nói dối này không hề khác gì với lối nói dối trong tác phẩm "Trung Quốc có thể nói: Không" Con buôn sách nói dối là để kiếm tiền, còn Thịnh Hồng nói dối, vừa để kiếm tiền, vừa để kiếm danh. Còn văn nhân, thi nhân của những năm 80, hiện giờ họ đều làm sách. Tiếp xúc với họ, cảm thấy đã trụy lạc. Ngày nào cũng kiếm tiền, uống rượu, chơi gái, họ cảm thấy như vậy là sung sướng, hạnh phúc. Họ sa đoạ trăm phần trăm. Còn với những kẻ vương giả, mẫu giả của phái Học viện. Những thứ họ nhòm vào, không chỉ là tiền, mà còn là lợi ích nhân cách. Không những, họ định trở thành giai cấp thường thường bậc trung, mà còn muốn trở thành đại diện của lương tri gì đó.
Vương Sóc: Có những kiểu giả vờ, khúm núm trong trường hợp công khai. Nhưng lúc trò chuyện tâm sự giữa bạn bè với nhau, thì vẫn là rượu uống vào mồm nói ra lời thật.
Lão Hiệp: Ðây là thứ nhân cách song trùng, giống như loại có tầm cỡ Trần Khải Ca, Phàm Cương, Lưu Hằng. Một khi trả lời phỏng vấn của Ðài truyền hình Trung ương, thì nói như đọc thuộc lòng bài báo, còn lúc ăn nhận tán chuyện với bạn bè, thì cũng chửi cái này mắng cái kia. Ðấy là kỹ xảo sinh tồn cơ bản của người Trung Quốc. Vừa được lợi lúc công khai, vừa giữ được tôn nghiêm về nhân cách trong truyện riêng tư, giữa bạn bè, làm cho người ta cảm thấy họ vẫn còn lương tâm. Ðây là một thứ kinh hoàng sợ hãi và xảo quyệt trên phương diện làm người. Người Trung Quốc thường nói người nước ngoài hết sức ngờ nghệch. Thật ra hoàn toàn không phải là vấn đề trí tuệ cao thấp, mà là một thứ thành thực, đơn thuần của việc làm người, "No" là "No", "Yes" là "Yes". Nếu nói, tâm địa hẹp hòi, mẹo vặt, kế nhỏ, hầm chông cạm bẫy vụn vặt, thì liệu ai chơi cao tay hơn người Trung Quốc cơ chứ. Nếu muốn đứng trong cánh rừng của các dân tộc trên thế giới, hoặc trong đại từ điển Ghi nét, thì chúng ta chịu thua kém, chứ cái khoản nói dối và xảo quyệt thì chắc chắn là số một.
Cho nên nói, vấn đề của giới trí thức Trung Quốc là không biết "thành thật là thế nào". Ở đằng sau sự thành thực về tri thức, là sự kính nể và khiêm tốn của một người trí thức. Có những người hơi một tý, họ liền nói đến sự vô tri, ngu muội và trơ lì của đại chúng. Loại trí thức này thì điểm mù lớn nhất của họ không phải là sự vô tri về tri thức, mà là sự vô tri về nhân cách, về làm người. Vô tri về trí thức không đặc biệt quan trọng đối với lập trường và đạo nghĩa của một con người. Một người nông dân một chữ cắn đôi không biết, có thể vô cùng lương thiện thành thực. Nhưng một khi vô tri về làm người, thì sẽ dùng tri thức đi dối trời qua biển, làm những trò vô liêm sỉ đỉnh cao của giới hạn này là ngông cuồng, ngang ngạnh. Một tiến sỹ từ nước Mỹ trở về ở trường Ðại học Bắc Kinh đã nói kinh tế học của Trung Quốc ở thế kỷ 21, sẽ có thể trở thành tốt nhất trên thế giới. Ðây cũng là cách nói đón ý làm cho vừa lòng với trào lưu: thể kỷ 21 là thế kỷ của người Trung Quốc. Trong lòng không có chút nào kính nể, chỉ có lợi ích và thời thượng, ngoài sự khiếp sợ nỗi đau thể xác ra, đối với họ việc gì cũng dám làm. Sự vô tri về linh hồn là điểm mù lớn nhất.
Vương Sóc: Thứ vô tri của giới trí thức có phần nào gần giống những "kẻ lưu manh" tôi đã viết, "tớ là lưu manh tớ sợ gì ai".
Lão Hiệp: Sự lưu manh của anh, trong đó ít nhất cũng có nhận thức "mình cũng là một người tầm thường". Nhưng họ lại coi bản thân là quý tộc tinh thần, để tự thưởng thức, tự yêu mến. Phái học viện này, Vương Mông này, họ bảo anh "cự tuyệt cao thượng" khiến người ta cảm thấy buồn cười. Chúng ta làm gì có cao thượng ? Ngay cả thành thực, giới hạn thấp nhất của việc làm người tối thiểu cũng không có, thì nói đến cao thượng, chẳng phải xa sỉ quá hay sao ? Cô gái thôn quê nói về người phụ nữ quý phái còn có căn cứ nhân tính, chứ kẻ lừa bịp bàn luận về thành thực hoặc sự cao quý của nhân cách, thì chẳng có gì để mà nói.
Nguồn: Nguyên bản tiếng Trung, Nxb Văn Nghệ TrÆ°á»ng Giang, in lần thứ nhất, 2000, Nxb Văn hoá dân tá»™c, Hà Ná»™i 2002