© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
5.1.2005
Michel Houellebecq
Hạt cơ bản
Tiểu thuyết (11 kỳ)
Cao Việt Dũng dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
 
17.

Bức thư đến tay Michel ngay trong cơn khủng hoảng mất tinh thần về mặt lý thuyết. Theo giả thuyết của Margenau, người ta có thể đồng nhất ý thức cá nhân với một trường các khả năng trong một không gian của Fock, được định nghĩa như là tập hợp các không gian của Hilbert. Về nguyên tắc không gian này có thể được xây dựng từ các sự kiện điện tử cơ bản xảy ra ở mức vi điểm của các khớp thần kinh. Thông thường khi đó xảy ra hiện tượng giống với một sự biến dạng co dãn của trường, hành động tự do với một sự chia cắt: nhưng ở tô pô nào? Không thể có chuyện tô pô tự nhiên của các không gian Hilbert cho phép nhận ra sự xuất hiện của hành động tự do; ngày nay thậm chí cũng chưa thể đặt ra vấn đề đó, trừ phi bằng những khái niệm mang tính ẩn dụ rất cao. Tuy nhiên, Michel chắc rằng một khung khái niệm mới sẽ rất cần thiết. Tất cả các buổi tối, trước khi tắt chiếc máy tính nhỏ xíu, anh lao vào một cuộc tìm kiếm trên Internet các kết quả nghiên cứu liên quan đến thần kinh xuất bản trong ngày. Sáng hôm sau anh đọc chúng, nhận ra rằng khắp nơi trên thế giới, các trung tâm nghiên cứu dường như ngày càng tiến lên trong mù quáng, trong một thứ chủ nghĩa kinh nghiệm không mang ý nghĩa nào hết. Không một kết quả nào cho phép tiến tới một kết luận dù là nhỏ nhất, thậm chí không thể tạo ra được một chút giả thuyết lý thuyết nào. ý thức cá nhân đột nhiên xuất hiện, không lý do cụ thể, giữa các giống loài sinh vật; rõ ràng nó đi trước rất nhiều ngôn ngữ. Với thuyết mục đích không ý thức của mình những người theo chủ nghĩa Darwin như thường lệ lại đặt lên trước các lợi thế giả thiết đã được lựa chọn liên quan đến sự xuất hiện của nó, và như thường lệ cái đó lại không giải thích được gì hết, đó chỉ là một sự xây dựng lại mang tính thần bí và duyên dáng nào đó; nhưng ở đây nguyên tắc do con người không còn được thuyết phục lắm nữa. Thế giới đã được cung cấp một cái nhìn có khả năng quan sát nó, một bộ não có khả năng hiểu được nó; phải, thế thì sao? Ðiều này không giúp gì để hiểu hiện tượng cả. Một sự tự ý thức, thiếu vắng ở loài giun, có thể thấy rõ ở loài thằn lằn ít chuyên muôn hóa như là Lacerta agilis; rất có khả năng nó hàm ý sự có mặt của một hệ thống thần kinh trung ương, và còn hơn thế một chút. Cái sự một chút này vẫn còn hoàn toàn là kỳ bí; sự xuất hiện của ý thức dường như không có gì liên quan đến bất kỳ một dữ liệu nguyên tử, lý hóa hay tế bào nào; thật đáng nản.

Heisenberg có thể làm gì đây? Niels có thể làm gì đây? Nắm lấy vấn đề, suy nghĩ; dạo chơi ở nông thôn, nghe nhạc. Cái mới không bao giờ được sản sinh từ sự xếp sẵn đơn giản bên cạnh người đi trước; những thông tin mới được thêm vào những thông tin cũ như những nắm cát, được định nghĩa trước trong khuôn khổ khái niệm bị giới hạn nhiều nhất bởi trường kinh nghiệm, ngày nay chúng cần có một góc độ mới.

Ngày nóng và ngắn, trôi đi một cách buồn bã. Ðêm 15 tháng Chín, Michel mơ một giấc mơ hạnh phúc bất ngờ. Anh thấy mình ở bên cạnh một cô bé đang dạo chơi trong rừng, giữa đám bướm và hoa (khi tỉnh dậy anh nhận ra hình ảnh này, bỗng dưng trở lại sau ba mươi năm, là hình ảnh giới thiệu của “Hoàng tử Saphir”, một bộ phim truyền hình nhiều tập mà anh đã xem vào các buổi chiều Chủ nhật ở nhà bà ngoại, cái hình ảnh thật sự gây xúc động). Một lúc sau anh đã bước đi một mình, giữa một đồng cỏ mênh mông và uốn lượn, cỏ mọc rất dày. Anh không phân biệt được đường chân trời nữa, những ngọn đồi đầy cỏ dường như cứ lặp lại đến bất tận dưới bầu trời rực rỡ màu ghi sáng. Tuy thế anh vẫn cứ đi, không chút do dự, không chút vội vã; anh biết chỉ ở phía dưới vài mét một dòng sông ngầm đang chảy, và những bước chân của anh sẽ theo bản năng dẫn anh đi dọc sông. Xung quanh anh, gió thổi làm uốn lượn những ngọn cỏ.

Khi tỉnh dậy anh cảm thấy vui sướng và đầy sức sống, như thể chưa từng bao giờ như vậy kể từ hai tháng trước. Anh ra khỏi nhà, rẽ vào đại lộ Emile-Zola, bước đi giữa hai hàng cây đoạn. Anh chỉ có một mình, nhưng không vì thế mà cảm thấy khổ. Anh dừng lại ở góc phố Les Entrepreneurs. Cửa hàng Zolacolor mở cửa, những cô bán hàng người châu á ngồi sau quầy trả tiền; đã khoảng chín giờ sáng. Giữa những tòa nhà cao tầng khu Beaugrenelle, bầu trời trong sáng lạ thường; tất cả đều không có lối thoát. Có lẽ trước đây anh nên nói chuyện với người hàng xóm nhà đối diện - cô gái làm cho tạp chí Tuổi 20. Là nhân viên của một tạp chí phổ thông, biết nhiều về các sự kiện xã hội, có khả năng cô ta biết các cơ chế gia nhập thế giới; các nhân tố tâm lý hẳn cũng không xa lạ gì với cô ta; cô gái đó có lẽ sẽ dạy cho anh được nhiều điều. Anh rảo bước trở về nhà, gần như vừa đi vừa chạy, một hơi anh leo lên tầng gác nhà cô gái. Anh bấm chuông ba lần, thật lâu. Không ai trả lời. Bối rối, anh quay trở về khu nhà mình; trước thang máy, anh tự hỏi mình. Anh có bị trầm cảm không, câu hỏi đó có một ý nghĩa nào không? Từ vài năm nay các áp phích nhiều như bươm bướm trong khu, kêu gọi cảnh giác với Mặt trận quốc gia. Sự thờ ơ hoàn toàn của anh, theo một nghĩa nào đó, với câu hỏi này, tự bản thân nó đã có một ý nghĩa đáng lo ngại. Sự sáng suốt của những người trầm cảm truyền thống, thường được miêu tả như một cách giải tỏa cực đoan đối với những mối bận tâm của con người, trước hết thể hiện ở sự thiếu quan tâm đến những vấn đề quả thực ít hấp dẫn. Xét kỹ hơn, liệu có thể qua đó tưởng tượng ra một người trầm cảm biết luyến ái, còn một người trầm cảm yêu nước thì chắc chắn là không thể có.

Quay trở về nhà anh ý thức được rằng lòng tin, gốc rễ tự nhiên của dân chủ, với ý nghĩa tự do và có lý trí của các hành động con người, và đặc biệt có ý nghĩa tự do và lý trí trong những lựa chọn chính trị của cá nhân, có khả năng là kết quả của một nhầm lẫn giữa tự do và tính không thể đoán trước. Không thể tính toán trước được những khả năng của dòng nước chảy cạnh chân cầu; cũng không thể đánh giá được các tự do. Anh rót cho mình một cốc vang trắng, kéo ri đô và nằm dài ra để suy nghĩ. Các phương trình của lý thuyết hỗn loạn không có liên quan gì đến môi trường thực sự mà chúng diễn ra; khả năng đồng thời có mặt ở nhiều nơi cho phép chúng có được các ứng dụng trong thủy động lực và gen của các giống người, trong khoa dự báo thời tiết và trong xã hội học nhóm. Khả năng mô hình hóa biến dạng của chúng rất tốt, nhưng khả năng dự đoán thì gần như là con số không. Ngược lại, các phương trình của cơ học lượng tử cho phép dự đoán tập tính của các hệ thống vi vật lý với một độ chính xác hoàn hảo, và thậm chí hoàn toàn chính xác nếu bỏ qua tất cả các hy vọng trở lại được với bản thể học duy vật. Về mặt toán học, vẫn còn là quá sớm, mà chắc cũng không thể, kết hợp hai lý thuyết này. Tuy nhiên, Michel tin rằng việc tạo nên các tác nhân hấp dẫn thông qua hệ thống tiến hóa của các nơ ron và các sợi liên bào là chìa khóa giải thích các ý nghĩ và hành động của con người.

Trong khi tìm kiếm một bản phô tô các công trình mới xuất bản, anh ý thức được rằng anh đã quên không lục hòm thư từ một tuần nay. Như mọi khi, phần lớn là quảng cáo. Hãng TMR [1] có tham vọng, thông qua việc tung ra sản phẩm Costa Romantica, tạo ra một chuẩn mới trong lĩnh vực du thuyền cao cấp. Con tàu đó được miêu tả dưới các đường nét của một thiên đường trôi nổi đúng nghĩa. Ðây là cách con tàu của anh - anh chỉ chú ý đến anh - bắt đầu chạy: “Thoạt tiên bạn bước vào một sảnh đầy ánh mặt trời, dưới một đỉnh vòm vĩ đại bằng kính. Ði bằng thang máy lộ thiên, bạn sẽ lên tới boong trên. ở đó, từ cửa kính lớn của mũi tàu, bạn có thể ngắm nhìn biển như trên một màn hình khổng lồ.” Anh để tập quảng cáo sang một bên, định bụng sau sẽ nghiên cứu thêm. Trèo lên boong trên, ngắm nhìn biển dưới một tấm ngăn trong suốt, bồng bềnh hàng tuần liền dưới một bầu trời bất di bất dịch... tại sao lại không? Trong thời gian đó, Tây Âu rất có thể đã sụp đổ dưới những quả bom. Họ xuống tàu, làn da bóng mượt và rám nắng, bước lên một châu lục mới.

Trong cùng thời gian đó vẫn cứ phải sống, và có thể sống theo cách vui vẻ, thông minh và có trách nhiệm. Trong số mới nhất, tập quảng cáo Hàng mới của Monoprix nhấn mạnh hơn bao giờ hết khái niệm trách nhiệm công dân. Thêm một lần nữa, người viết bài xã luận tìm cách chống lại ý tưởng cho rằng nghệ thuật ẩm thực không có liên quan gì đến hình thức. Thông qua các loại sản phẩm, các nhãn mác, lựa chọn tỉ mỉ của mỗi mặt hàng, toàn bộ hành động của Monoprix kể từ khi thành lập đã chứng nhận một sự thật hoàn toàn ngược lại. “Tất cả mọi người đều có thể đạt được sự cân bằng, và ngay lập tức”, tác giả không ngần ngại khẳng định. Sau trang đầu nảy lửa đó, thậm chí rất dấn thân đó, phần còn lại của tập quảng cáo vui vẻ với những lời khuyên khôn ngoan, những trò chơi có tính giáo dục, “nên biết”. Michel thích thú tính toán lượng tiêu thụ calo hàng ngày của mình. Mấy tuần gần đây anh không quét nhà, cũng không là quần áo, không đi bơi, không đánh tennis, không làm tình; ba hoạt động duy nhất mà anh đánh dấu vào bảng là như sau: ngồi, nằm, ngủ. Tính toán xong, nhu cầu của anh đạt 1 750 kilô calo một ngày. Theo thư của Bruno, anh trai anh có vẻ bơi lội và làm tình rất nhiều. Anh tính toán lại với các thông số mới: nhu cầu năng lượng của Bruno lên tới 2 700 kilô calo một ngày.

Có một lá thư nữa, được gửi từ tòa thị chính Crécy-en-Brie. Vì lý do mở rộng một bến xe ô tô, sẽ phải sửa sang lại nghĩa trang và di chuyển một số ngôi mộ, trong đó có mộ của bà ngoại anh. Theo quy định, một thành viên của gia đình sẽ phải có mặt hôm chuyển di cốt. Anh có thể đến văn phòng mai táng từ mười đến mười hai giờ sáng.

18.

Gặp lại

Xe ô tô ray Crécy-la-Chapelle đã được thay thế bằng một con tàu ngoại ô. Ngay cả ngôi làng cũng đã thay đổi rất nhiều. Anh dừng lại ở quảng trường nhà ga, ngạc nhiên nhìn xung quanh. Một siêu thị lớn Casino được xây ở đại lộ Général Leclerc, ở lối ra của Crécy. Khắp nơi xung quanh anh, anh nhìn thấy những tòa nhà, những khu nhà mới.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi mở cửa Eurodisney, nhân viên của tòa thị chính giải thích với anh và nhất là từ khi kéo dài đường RER [2] cho đến Marne-la-Vallée. Nhiều người Paris đã chọn nơi đây để đến ở; giá đất đã tăng gần ba lần, những người nông dân cuối cùng đã bán đi trang trại của mình. Bây giờ có một nhà tập thể thao, một phòng đa chức năng, hai bể bơi. Có vài vấn đề tệ nạn, nhưng cũng không nhiều hơn ở những chỗ khác.

Ði về phía nghĩa trang, lẩn giữa những ngôi nhà cũ và kênh đào còn nguyên vẹn, anh vẫn cảm thấy cái cảm giác rối bời và buồn bã mà người ta luôn cảm thấy khi trở lại chốn cũ tuổi thơ. Ði qua con đường ở chỗ bùng binh, anh thấy mình đang đứng trước cái cối xay. Cái ghế băng nơi Annabelle và anh từng thích ngồi sau khi từ lớp học đi ra vẫn còn nguyên ở đó. Những con cá bơi ngược dòng trong làn nước sẫm màu. Mặt trời chợt xé mây hiện ra chốc lát.

Người đàn ông đợi Michel gần lối vào nghĩa trang. “Ông là... - Phải.” Từ hiện dùng đại để chỉ “thợ bốc mả” là gì? Ông ta cầm trong tay một cái xẻng và một túi rác to bằng ni lông đen. Michel đi sát liền sau ông ta. “Ông không nhất thiết phải nhìn...”, ông ta lẩm bẩm, đi về phía ngôi mộ đã mở sẵn miệng.

Cái chết thật là khó hiểu, thật khó chịu với ý nghĩ con người phải khuất phục không làm gì được trước một hình ảnh chính xác. Michel đã nhìn thấy cái xác của bà mình hai mươi năm trước, anh đã ôm hôn bà lần cuối. Tuy nhiên, từ cái nhìn đầu tiên, anh đã ngạc nhiên bởi những gì anh nhìn thấy khi cải mả. Bà anh đã được chôn trong một cái quách; nhưng trong đất mới được lật lên chỉ có thể nhìn thấy được những mẩu gỗ, một tấm ván mục ruỗng, và những thứ màu trắng rất khó phân biệt. Khi anh nhận thức được những gì mình đang nhìn anh quay nhanh đầu đi, cố bắt mình nhìn theo hướng đối diện; nhưng đã muộn quá rồi. Anh đã nhìn thấy cái sọ sùi đất, với hai hố mắt trống rỗng, treo lủng lẳng những lọn tóc trắng. Anh đã nhìn thấy những đốt sống rải rác, trộn lẫn với đất. Anh đã hiểu.

Người đàn ông tiếp tục nhét phần còn lại vào túi ni lông, liếc nhìn về phía Michel đang lả đi bên cạnh. “Lúc nào cũng thế mà...» ông ta lẩm bẩm. «Họ có tự ngăn mình lại được bao giờ đâu, lúc nào cũng phải cố mà nhìn. Một cái quan tài thì làm sao vẫn thế mãi được sau hai mươi năm!” ông nói, vẻ hơi giận dữ. Michel đứng cách ông vài bước trong khi ông chuyển cái túi đến một chỗ khác. Công việc xong xuôi, người đàn ông đứng lên, lại gần anh. “Không sao chứ?” Anh gật đầu. “Ngày mai sẽ chuyển bia mộ. Anh ký giấy nhé.”

Như thế đấy. Sau hai mươi năm, như thế đấy. Những chiếc xương lẫn vào với đất, và đống tóc trắng, nhiều đến không tưởng tượng được, và vẫn còn sống. Anh nhìn thấy lại bà mình đang thêu trước vô tuyến, đang đi vào trong bếp. Như thế đấy. Ði qua trước quán bar Thể thao, anh nhận ra mình đang run. Anh bước vào, gọi một cốc rượu pastis. Khi đã ngồi xuống, anh nhận ra bên trong quán bar đã được sửa sang, không còn như trong trí nhớ của anh. Có một bàn bi a Mỹ, trò chơi điện tử, một vô tuyến phát kênh MTV. Bìa tạp chí Newlook dán trên bảng quảng cáo rút tít về những sự ngông cuồng của Zara Whites và cá mập úc khổng lồ. Anh dần rơi vào cơn mộng mị nhẹ nhàng.

Annabelle là người nhận ra anh trước. Nàng vừa trả tiền thuốc lá và đi về hướng ra thì nhìn thấy anh, đang ngồi ủ rũ trên một chiếc ghế băng. Nàng do dự vài giây rồi tiến lại gần. Anh ngẩng lên nhìn. “Bất ngờ thật...” nàng dịu dàng nói; rồi nàng ngồi xuống đối diện với anh trên chiếc ghế băng mềm. Khuôn mặt nàng vẫn còn nhẵn và thuần khiết đến khó tin, mái tóc nàng vẫn một màu vàng chói sáng; thật khó hình dung nàng đã bốn mươi tuổi, người ta cùng lắm cũng chỉ có thể nghĩ nàng hai bảy hay hai tám.

Nàng ở Crécy với những lý do tương tự với của anh. “Bố em chết cách đây một tuần”, nàng nói. “Ung thu tử cung. Thật là lâu, nặng nề - và cực kỳ đau đớn. Em ở lại thêm một chút để giúp mẹ. Còn thì bình thường em sống ở Paris - giống anh.”

Michel hạ mắt xuống, một giây phút im lặng. ở bàn bên cạnh, hai chàng trai trẻ đang nói về những cuộc tỉ thí karate.

“Em có tình cờ gặp lại Bruno, cách đây ba năm, tại một sân bay. Anh ấy bảo em là anh đang làm nghiên cứu, một người quan trọng, nổi tiếng trong ngành. Anh ấy cũng bảo em là anh chưa lấy vợ. Em thì không được rực rỡ bằng, em làm thủ thư tại một thư viện quận. Em cũng chưa lấy chồng. Em thường xuyên nghĩ đến anh. Em từng rất ghét anh vì anh không chịu trả lời thư em. Ðã hai mươi ba năm rồi mà em vẫn nghĩ đến điều đó.”

Nàng theo anh ra đến ga. Bóng tối buông xuống, đã gần sáu giờ. Họ dừng lại trên chiếc cầu bắc ngang sông Morin Lớn. Có những thứ cây mọc dưới nước, những cây dẻ và cây liễu; nước im lìm và xanh. Corot từng rất yêu cảnh trí này, và đã nhiều lần vẽ nó. Một ông già bất động trong khu vườn của mình trông giống như một con bù nhìn. “Bây giờ, chúng ta lại ở cùng một điểm, Annabelle nói. Ở cùng một khoảng cách so với cái chết.”

Nàng trèo lên bậc thềm của tầu để hôn má anh, ngay trước khi tàu chuyển bánh. “Chúng ta sẽ gặp lại nhau nhé” anh nói. Nàng trả lời: “Vâng”.

Nàng mời anh đến ăn tối vào thứ Bảy sau đó. Nàng sống trong một căn hộ nhỏ phố Legendre. Không gian được tính toán một cách cẩn thận, nhưng từ nơi đó toát lên một bầu không khí chan hòa - trần nhà và những bức tường phủ một lớp gỗ tối màu, như trong ca bin tàu thủy. “Em sống ở đây được tám năm rồi”, nàng nói. “Em chuyển nhà khi qua được kỳ thi tuyển thủ thư. Trước em làm việc cho đài TF1, ở bộ phận hợp tác sản xuất. Em chán việc đó rồi, em không thích nơi đó. Khi thay đổi việc làm em đã mất hai phần ba lương, nhưng như thế này tốt hơn. Em làm ở thư viện quận XVII, ở bộ phận sách thiếu nhi.”

Nàng đã chuẩn bị món cừu nấu cà ri và đậu Ấn Ðộ. Trong bữa ăn, Michel nói rất ít. Anh hỏi Annabelle về gia đình nàng. Anh trai cả của nàng đã nắm lấy công ty của bố mẹ. Anh đã cưới vợ, có ba người con - một trai hai gái. Thật không may công ty làm ăn không phát đạt lắm, sự cạnh tranh đã trở nên rất khốc liệt trong lĩnh vực kính chính xác, đã nhiều lần họ đã suýt phải tuyên bố phá sản; anh tự an ủi mình bằng cách uống pastis và bỏ phiếu cho Le Pen. Người em trai đã về làm việc cho bộ phận marketing của hãng Oréal; mới đây anh vừa được bổ nhiệm ở Mỹ - giám đốc marketing khu vực Bắc Mỹ; họ ít gặp được anh. Anh đã ly hôn, không có con. Hai số phận khác hẳn nhau, nhưng cũng khá gần nhau ở mặt triệu chứng.

“Em đã không có được một cuộc sống hạnh phúc”, Annabelle nói. “Em nghĩ mình đã coi tình yêu là quá quan trọng. Em dâng hiến quá dễ dàng, đàn ông bỏ rơi em ngay sau khi đã đạt được mục đích, và em phải đau khổ vì điều đó. Ðàn ông làm tình không vì họ yêu, mà chỉ bởi vì họ cảm thấy bị kích thích; cái điều hiển nhiên tầm thường đó, em phải mất nhiều năm mới hiểu nổi. Mọi người đều sống như thế ở xung quanh em, em sống trong một không gian đã được giải phóng; nhưng em từng không cảm thấy chút khoái cảm nào trong việc khêu gợi lẫn quyến rũ. Ngay cả tình dục cuối cùng cũng làm em ghê tởm; em không chịu đựng nổi nụ cười chiến thắng vào lúc em cởi váy, cái vẻ ngu độn của họ khi đạt khoái cảm, và nhất là sự thô lỗ của họ khi mọi chuyện đã xong. Họ thật là tởm, xấu xa và bỉ ổi. Cuối cùng thật là nặng nề khi bị xem là một con vật được trao đi trao lại - ngay cả khi em đã vào được một căn phòng đẹp, bởi vì không thể chê trách được gì vẻ ngoài của em, họ tự hào được dẫn em đi ăn uống. Chỉ một lần duy nhất em cảm thấy mình có một điều gì đó nghiêm túc, em đã đến sống với một thằng đàn ông. Anh ta là một diễn viên điện ảnh, có cái gì đó rất cuốn hút ở vẻ ngoài anh ta, nhưng anh ta không tài nào vươn lên được - chủ yếu em phải trả tiền thuê nhà. Bọn em đã sống hai năm với nhau, em có thai. Anh ta đòi em phá thai. Em đã làm, nhưng khi từ bệnh viện trở về em biết thế là chấm dứt rồi. Em đã bỏ anh ta ngay buổi tối hôm đó, em đến ở khách sạn một thời gian. Hồi đó em ba mươi tuổi, đó là lần thứ hai em phá thai, và em đã chán quá rồi. Năm đó là năm 1988, mọi người bắt đầu ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh sida, em đã sống qua thời gian đó như qua một lần đẻ. Em đã ngủ với khoảng một chục người đàn ông và không ai trong số đó xứng đáng để nhớ đến sau này cả. Ngày nay chúng ta nghĩ có một giai đoạn trong cuộc đời chúng ta đi chơi và vui vẻ; rồi sau đó xuất hiện hình ảnh cái chết. Tất cả những người đàn ông mà em biết đều sợ hãi trước sự già đi, họ không ngừng nghĩ đến tuổi tác của mình. Sự ám ảnh tuổi tác này bắt đầu từ rất sớm - em đã thấy nó ở những người mới hai mươi nhăm tuổi - và sau đó nó chỉ ngày càng nặng hơn thôi. Em đã quyết định dừng lại, ra khỏi cuộc chơi. Em sống một cuộc sống yên tĩnh, không thú vui. Buổi tối em đọc sách, em chuẩn bị nước hãm, nước uống nóng. Tất cả các cuối tuần em về nhà bố mẹ, em chăm sóc đứa cháu trai và hai đứa cháu gái. Quả thật là em cần một người đàn ông, đôi khi, đêm đến em sợ, em thấy khó ngủ. Có thuốc an thần, thuốc ngủ nhưng không hề đủ. Thật sự là em muốn cuộc đời trôi qua thật nhanh.”

Michel ngồi im lặng; anh không thấy ngạc nhiên. Phần lớn phụ nữ có thời tuổi trẻ đầy kích động, họ quan tâm rất nhiều đến các cậu con trai và đến tình dục; rồi dần dần họ mệt mỏi, họ không còn muốn dạng hai chân hay ưỡn người để khoe mông đít lắm nữa; họ tìm kiếm một quan hệ nhẹ nhàng mà không tìm ra, một niềm đam mê mà họ không thật sự có khả năng cảm thấy; từ đó bắt đầu những năm tháng khó khăn.

Một khi được mở ra, cái đi văng kiêm giường choán gần hết không gian của căn phòng. “Ðây là lần đầu tiên em sử dụng nó”, nàng nói. Họ nằm cạnh nhau, ôm lấy nhau.

“Em cũng thôi không dùng thuốc tránh thai từ lâu rồi, và em không có bao cao su ở nhà. Anh có không?”

“Không...”, anh mỉm cười với ý nghĩ này.

“Anh có muốn em thổi kèn cho anh không?”

Anh suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Có.” Thật là dễ chịu, nhưng khoái cảm không lớn lắm (trong tâm can anh chưa bao giờ có khoái cảm lớn cả; khoái cảm tình dục, vô cùng mạnh mẽ ở một số người, lại khá nhẹ nhàng, thậm chí yếu ớt ở những người khác; liệu đó là một vấn đề thuộc giáo dục, quan hệ nơ ron hay là gì?) Lần liếm mút này rất đáng cảm động: đó là biểu tượng của những gì tìm thấy lại, và của số phận bị cắt đứt của họ. Nhưng rồi còn tuyệt vời hơn được ôm Annabelle trong tay khi nàng quay đi để ngủ. Cơ thể nàng mềm mại và uyển chuyển, ấm áp và vô cùng trơn; nàng có một thân hình rất mảnh, hông rộng, vú nhỏ và cứng. Anh trườn một chân vào giữa hai chân nàng, đặt lòng bàn tay lên bụng và ngực nàng; trong sự dịu dàng, trong sự ấm áp, anh đang ở tận cùng thế giới. Anh ngủ thiếp đi ngay lập tức.

Ðầu tiên anh nhìn thấy một người đàn ông, một phần cơ thể bị giấu kín, chỉ khuôn mặt lộ ra. ở giữa khuôn mặt, đôi mắt sáng bừng; rất khó giải mã những gì đôi mắt đó muốn nói. Ðối diện với ông ta, có một cái gương. Thoạt nhìn vào gương, người đàn ông có cảm giác rơi vào sự trống rỗng. Nhưng ông ta đứng lại, ông ta ngồi xuống; ông ta nhìn hình ảnh của mình ngay trong nó, như một kiểu hình thức trí tuệ độc lập của mình, có thể liên lạc với người khác; sau một phút, một sự khác nhau tương đối xuất hiện. Nhưng ngay khi ông ta quay đầu đi vài giây, tất cả lại quay trở lại như cũ; ông ta lại phải lần nữa, một cách nặng nhọc, như người ta bắt đầu vào một sự hòa giải với một đối tượng ở gần, phá hủy cái cảm giác bị định vị hóa ở cái hình ảnh của chính mình. Cái tôi là một thứ bệnh thần kinh nhẹ, và người đàn ông còn lâu mới có thể được chữa khỏi.

Sau đó, anh nhìn thấy một bức tường trắng bên trong viết những chữ cái. Dần dần những chữ cái này dày lên, hiện rõ trên bức tường có bệ thấp lún xuống, trang trí bởi một luồng xung mạnh. Trước tiên xuất hiện từ “HÒA BÌNH” rồi từ “CHIẾN TRANH”; rồi lại từ “HÒA BÌNH” một lần nữa. Rồi hiện tượng đó đột nhiên chấm dứt; bề mặt bức tường trở lại nhẵn lỳ. Bầu không khí hóa lỏng, bị xuyên qua bởi một làn sóng; mặt trời to đùng và màu vàng. Anh nhìn thấy nơi tạo thành cái rễ của thời gian. Cái rễ này gửi đi những kéo dài xuyên qua cả vũ trụ, những tua cuốn rồi bù gần ở trung tâm, dính và tươi mát ở đoạn cuối. Những cái tua đó ôm chặt, trói buộc và dính kết các phần của không gian.

Anh nhìn thấy sọ người đàn ông chết, phần của không gian, chứa đựng không gian.

Cuối cùng anh nhìn thấy khối tinh thần của không gian, và sự đối ngược của nó. Anh nhìn thấy sự đối đầu tinh thần đã cấu trúc nên không gian, và sự biến mất của nó. Anh nhìn thấy không gian như là một đường dây rất mảnh chia cách hai bán cầu. Trong bán cầu thứ nhất là con người, và sự tách biệt; trong cái thứ hai là không phải sự sống, và sự biến mất của cá nhân. Chậm rãi, không chút do dự, anh quay lại và hướng về bán cầu thứ hai.

Anh tỉnh giấc, bật dậy trên giường. Bên cạnh anh, Annabelle vẫn thở đều. Nàng có một đồng hồ báo thức hiệu Sony hình khối vuông, đang chỉ 03:37. Anh có thể ngủ lại được không? Anh phải ngủ lại. Anh uống một viên Xanax.

Buổi sáng hôm sau, nàng chuẩn bị cà phê cho anh, còn nàng uống trà và ăn bánh mỳ nướng. Ngày rất đẹp, nhưng đã hơi lạnh. Nàng nhìn thân hình để trần, trẻ trung đến đáng ngạc nhiên của anh trong sự mảnh dẻ vĩnh cửu của nó. Họ mới bốn mươi tuổi, điều này thật khó mà tin cho nổi. Dù vậy nàng không thể nào có con được nữa mà không chịu những nguy cơ khá lớn về thoái hóa gen; sức mạnh nam tính của anh cũng đã giảm bớt rất nhiều. Trên lĩnh vực những quan tâm của giống họ chỉ là hai cá nhân đang già đi, với giá trị di truyền tầm thường. Nàng đã sống; nàng đã từng dùng thuốc phiện, tham gia vào các cuộc làm tình tập thể, ngủ trong các khách sạn hạng sang. Nhờ sắc đẹp nàng từng nằm ở tâm điểm phong trào giải phóng các tập tục đã khắc họa tuổi trẻ của nàng, nàng đã chịu đựng rất nhiều đau đớn từ đó - và biết là phải để lại ở đó gần như cả cuộc đời mình. Do thờ ơ anh đã nằm ở bên rìa phong trào này, với tư cách cuộc sống con người cũng như tất cả những cái khác, anh chỉ bị tác động một cách bề mặt; anh hài lòng là khách hàng trung thành của Monoprix ở khu phố anh và điều phối các hoạt động nghiên cứu sinh học phân tử. Những cuộc đời khác nhau đến thế đã để lại rất ít dấu tích rõ rệt trong cơ thể tách rời của họ; nhưng cuộc sống tự bản thân nó đã tạo ra công việc phá hủy, đã chầm chậm biến khả năng sinh sôi của các tế bào và cơ quan của chúng thành con nợ. Những động vật có vú thông minh, có thể yêu được nhau, họ đã nhìn nhau trong cái ánh sáng chói lói của buổi sáng mùa thu ấy. “Em biết là đã rất muộn”, nàng nói. “Nhưng em vẫn muốn thử. Em còn giữ ở đây cái thẻ đi tàu của năm học 74-75, năm cuối cùng chúng mình cùng nhau đến trường trung học. Mỗi lần nhìn nó em lại muốn khóc. Em không hiểu bằng cách nào mà mọi việc lại có thể rối tinh lên. Em không sao chấp nhận được điều đó.”

19.

Sống ở giai đoạn phương Tây lao xuống dốc, rõ ràng là họ không có chút may mắn nào. Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục gặp nhau một hay hai lần một tuần. Annabelle quay lại chỗ một bác sĩ phụ khoa và lại tiếp tục uống thuốc. Anh đã đi vào trong nàng được, nhưng điều làm anh thích nhất là được nằm ngủ bên cạnh nàng, cảm thấy da thịt sống động của nàng. Một đêm anh mơ thấy một công viên giải trí nằm ở Rouen, bên bờ phải sông Seine. Một bánh xe lớn gần như trống rỗng quay trong bầu trời trong suốt, ngự trị bóng hình của những tàu hàng bị đắm, có cấu trúc thép rỉ hoen. Anh tiến lên giữa hai cái đập màu sắc vừa mờ tối vừa chói; một cơn gió lạnh mang hơi mưa đập vào mặt anh. Ra đến cổng công viên anh bị những kẻ trẻ tuổi mặc đồ da, trang bị dao cạo tấn công. Sau khi đã tấn công vào anh vài phút chúng để anh đi. Mắt anh chảy máu, anh biết mình sẽ bị mù suốt đời, bàn tay phải bị cắt treo lơ lửng; tuy nhiên anh cũng biết là, dù có máu và sự đau đớn, Annabelle sẽ ở bên cạnh anh, và bao phủ anh vĩnh viễn bằng tình yêu của nàng.

Cuối tuần lễ Các thánh họ cùng nhau đi Soulac, đến nhà nghỉ của người anh trai Annabelle. Buổi sáng sau hôm họ đến, họ đi cùng nhau ra bãi biển. Anh cảm thấy mệt và ngồi xuống một cái ghế băng trong khi nàng tiếp tục bước đi. Biển gầm gừ ở ngoài xa, cuộn chảy trong một dáng vẻ nhạt nhòa, xám nghoét, bàng bạc. Sóng vỗ lên dãy cát tạo ra ở chân trời, trong ánh mặt trời, một lớp sương mù chói và đẹp. Bóng dáng Annabelle, gần như không nhìn ra trong chiếc áo khoác sáng màu, bao trùm lên mặt nước. Một người nuôi cừu người Ðức đã đứng tuổi đi quanh quẩn giữa đám bàn ghế của quán Cà phê Bãi biển, cả ông ta cũng khó mà được định vị, như thể bị xóa nhòa qua làn hơi không khí, nước, mặt trời.

Bữa tối, nàng nướng một con cá sói; xã hội nơi họ đang ở cho phép họ có thêm một chút so với sự thỏa mãn chặt chẽ của những nhu cầu lương thực của mình; như thế họ có thể thử mà sống; nhưng quả thật họ cũng không muốn lắm. Anh cảm thấy thương nàng, với những giữ gìn mênh mang về tình yêu mà anh cảm thấy đang rên rỉ trong nàng, mà cuộc đời đã làm hỏng cả đi; anh cảm thấy lòng thương, và đó có thể là cảm giác con người duy nhất anh còn có thể có được. Còn lại, một khối giá băng đã xâm chiếm lấy anh; thật sự, anh không còn có thể yêu được nữa.

Trở về Paris họ tiếp tục những giây phút vui vẻ, giống như trong những quảng cáo nước hoa (cùng bước lên những bậc thang đồi Montmartre; hoặc bất động, dính chặt, trên cầu Nghệ thuật, đột nhiên được soi sáng bừng lên bởi đèn pha những chiếc tàu đi dọc sông Seine đang quay đầu). Họ cũng trải qua những cuộc cãi vã nho nhỏ buổi chiều Chủ nhật, những khoảnh khắc im lặng khi cơ thể cuộn vào giữa những chiếc chăn, những bãi biển im lặng và buồn chán mà cuộc sống tàn phá. Căn hộ của Annabelle u tối, ngay từ bốn giờ chiều đã phải thắp đèn. Cả hai đều biết họ đang sống cái quan hệ con người thực sự cuối cùng của cuộc đời, và cái cảm giác này tạo ra một cái gì đó đau đớn cho mỗi phút giây của họ. Họ cảm thấy về nhau một sự kính trọng lớn lao và một niềm thương hại mênh mông. Tuy nhiên một số ngày, bị xâm chiếm bởi sự ân huệ của một trò ảo thuật không định trước, họ đi qua những khoảnh khắc có không khí mát lành, có mặt trời chói chang to lớn; nhưng thường xuyên nhất họ cảm thấy một bóng tối nhợt nhạt đang lan tỏa trong họ, trên mặt đất đang nâng đỡ họ, và trong tất cả mọi thứ họ đã thoáng thấy cái kết cục.

20.

Bruno và Christiane cũng đã trở về Paris, không thể kéo dài kỳ nghỉ được nữa. Buổi sáng đi làm lại anh nghĩ đến người bác sĩ không quen biết đã tặng anh một món quà khó tin: hai tuần cáo ốm để đi nghỉ; rồi anh lại đi lại con đường đến nơi làm ở phố Grenelle. Ðến tầng gác anh ý thức được là da mình cháy nắng, mình rất khỏe khoắn, và tình thế thật là lố bịch; anh cũng ý thức là anh mặc kệ nó. Ðồng nghiệp của anh, những buổi họp, giáo dục lũ trẻ, mở ra vào các nền văn hóa khác... tất cả trong mắt anh không mảy may quan trọng. Christiane thổi kèn cho anh và chăm sóc khi anh bị ốm; Christiane rất quan trọng. Anh biết ngay vào chính phút này rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại con trai nữa.

Patrice, con trai của Christiane, đã biến căn hộ của cô thành một đống tanh bành: những mẩu pizza vung vãi, những lon Coca, những đầu mẩu thuốc lá đầy đất, dí lung tung. Cô do dự một lúc, suýt bỏ đến khách sạn thuê phòng; rồi quyết định dọn dẹp, bắt đầu lại. Noyon là một thành phố bẩn thỉu, không có gì hấp dẫn và nguy hiểm; cô có thói quen lên Paris tất cả các cuối tuần. Gần như thứ Bảy nào họ cũng đến một hộp đêm cho các đôi tình nhân - kiểu 2+2, Chris và Manu, Chandelles. Buổi tối đầu tiên của họ ở Chris và Manu để lại cho Bruno một ký ức thật mạnh mẽ. Bên cạnh chỗ nhảy có nhiều phòng, tắm mình trong một luồng ánh sáng màu tím hoa cà lạ thường; những chiếc giường được kê sát bên nhau. Khắp nơi xung quanh họ có những cặp đang làm tình, vuốt ve hay liếm láp nhau. Phần lớn đàn bà đều khỏa thân; một số còn mặc áo sơ mi hoặc áo phông, hoặc trùm váy lên người. Trong căn phòng lớn nhất, có khoảng hai mươi đôi. Gần như không ai nói năng gì; họ chỉ nghe tiếng vo ve của máy điều hòa và tiếng rên rỉ của những người đàn bà sắp đạt khoái cảm. Anh ngồi xuống một cái giường ngay bênh cạnh một cô gái tóc nâu cao lớn, hai bầu vú nặng, đang được một tay chừng năm mươi tuổi liếm, tay này vẫn mặc nguyên áo sơ mi và thắt cà vạt. Christiane cởi quần anh ra và bắt đầu thủ dâm cho anh, vẫn nhìn ngó xung quanh mình. Một người đàn ông tiến lại gần, luồn tay xuống dưới váy cô. Cô tháo khuy, cái váy tuột xuống chân; cô không mặc gì ở bên trong hết. Người đàn ông quỳ gối xuống và bắt đầu vuốt ve cô trong khi cô thủ dâm cho Bruno. Gần anh, trên giường, cô gái tóc nâu hổn hển mỗi lúc một to; anh cầm lấy hai vú của cô trên tay. Anh nhổm lên nhổm xuống liên tục. Christiane ghé miệng lại gần, bắt đầu liếm nhẹ rãnh và đoạn cuối của tinh hoàn với đầu lưỡi của mình. Một đôi khác đến ngồi bên cạnh họ; người đàn bà, một cô gái tóc đỏ nhỏ bé khoảng hai mươi tuổi, mặc một chiếc minijupe đen. Cô ta nhìn Christiane đang liếm cho anh; Christiane mỉm cười với cô ta, cởi áo phông cho cô ta nhìn thấy vú của mình. Cô gái bèn tụt váy, để lộ một cái âm hộ phồn thực, lông cũng màu đỏ. Christiane cầm lấy tay cô gái đưa đến dương vật của Bruno. Cô gái bắt đầu thủ dâm cho anh, trong khi Christiane lại dí lưỡi lại gần. Trong vài giây, không kiểm soát nổi bởi sự khoái lạc dâng trào, anh phóng tinh thẳng lên mặt cô. Anh vội đứng dậy, ôm lấy cô. “Anh rất tiếc”, anh nói. “Rất tiếc.” Cô hôn anh, ép người vào sát anh, anh ngửi thấy mùi tinh trùng trên mặt cô. “Không có gì đâu anh. Anh muốn chúng mình đi khỏi đây chứ?” rồi cô đề nghị. Anh buồn rầu đồng ý, sự phấn khích của anh đã hoàn toàn bị rơi rụng. Họ mặc quần áo lại rất nhanh và đi khỏi ngay sau đó.

Những tuần sau đó anh đã biết kiểm soát tốt hơn một chút và đó là khởi đầu cho một thời kỳ tươi đẹp, một thời kỳ hạnh phúc. Giờ đây đời anh đã có một ý nghĩa, tập trung hết vào những cuối tuần được sống với Christiane. Anh phát hiện một quyển sách trên ngăn sách sức khỏe của FNAC [3] , do một nữ chuyên gia tình dục người Mỹ viết, dạy đàn ông cách bế tinh bằng một loạt những bài tập tăng dần. Chủ yếu nó liên quan đến việc bồi bổ một cơ vòng nhỏ nằm ngay dưới hai tinh hoàn, cơ pubbo-coccygien. Nhờ một sự co cơ này dữ dội ngay trước khi đạt khoái cảm, đi kèm với thở sâu, về nguyên tắc có thể tránh được xuất tinh. Bruno bắt đầu tập các bài tập; đó là một mục đích, nó xứng đáng được làm theo. Mỗi lần đi chơi anh lại kinh ngạc thấy những người đàn ông, có khi già hơn anh, đút vào được nhiều người đàn bà liên tục, cho thủ dâm và mút trong nhiều giờ liền mà vẫn cương cứng. Anh cũng buồn lòng nhận thấy phần lớn có dương vật lớn hơn của anh. Christiane nhắc đi nhắc lại với anh điều đó không có ý nghĩa gì, với cô không có chút quan trọng nào. Anh tin cô, cô có vẻ thật sự yêu anh; nhưng anh cũng thấy phần lớn đàn bà anh gặp trong các hộp đêm đó đều hơi thất vọng khi anh thò dương vật ra. Không bao giờ có lời nhận xét nào, sự lịch thiệp của mỗi người đều đáng để biểu dương, không khí thân thiện và hòa nhã; nhưng có những cái nhìn, không nhầm lẫn được, và dần dần anh nhận ra rằng, cả trên địa hạt tình dục, anh cũng không ở đỉnh cao. Tuy vậy anh vẫn có được những giây phút khoái cảm cực điểm, mạnh mẽ, gần như ngất xỉu, khiến anh phải bật lên những tiếng hú thực thụ; nhưng điều đó không có gì chung với sức mạnh nam tính của anh, mà chủ yếu liên quan đến sự tinh tế, sự nhạy cảm của các cơ quan của anh mà thôi. Mặt khác anh vuốt ve rất giỏi, Christiane nói với anh như thế, và anh biết điều đó là đúng, rất hiếm khi anh thất bại trong việc đưa một người đàn bà đến cơn cực khoái. Vào khoảng giữa tháng Chạp anh nhận thấy Christiane hơi gầy đi, khuôn mặt cô bị những nốt đỏ. Bệnh đau lưng của cô không thuyên giảm, cô nói, cô đã bắt buộc phải dùng thuốc tăng liều; sự gày gò này, những nốt đỏ đó chỉ là ảnh hưởng phụ của thuốc. Cô chuyển chủ đề rất nhanh; anh cảm thấy cô hơi khó chịu, và hơi bực mình vì điều đó. Chắc chắn cô sẵn sàng nói dối để không làm anh lo lắng: cô quá dịu dàng, quá dễ mến. Nhìn chung tối thứ Bảy cô thường làm bếp, họ có một bữa tối rất ngon; rồi họ đi đến các hộp đêm. Cô mặc những chiếc váy xẻ tà, những chiếc áo trong suốt, những chiếc quần tất đăng-ten, hay có khi một đôi tất trong suốt dính chặt cơ thể xẻ ngay ở vùng kín. Âm hộ cô mềm, kích thích cao, ẩm ướt ngay lập tức. Ðó là những tối tuyệt diệu, anh chưa từng bao giờ dám hy vọng được trải qua. Ðôi lúc, khi mà cô nhập vào đám đông, trái tim của Christiane đập loạn lên, hơi nhanh quá, cô thở ra một cách nặng nhọc, và Bruno thấy hơi lo. Họ bèn dừng lại; cô nép vào người anh, hôn anh, vuốt ve tóc và cổ anh.

21.

Dĩ nhiên cả ở đây cũng không có lối thoát. Những người đàn ông và đàn bà thường lui tới các hộp đêm dành cho các đôi tình nhân nhanh chóng từ bỏ cuộc tìm kiếm khoái lạc (cái đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, chậm rãi) để đến với một hoạt động tình dục cuồng loạn, khá ít chân thành về mặt nguyên tắc, thực tế là sự bắt chước trực tiếp từ những cảnh gang bang của những bộ phim khiêu dâm “mẫu” chiếu trên kênh Canal+. Ðể tôn vinh Karl Marx, người đã đặt ở trung tâm hệ thống lý thuyết của mình khái niệm “tỉ suất lãi giảm dần”, thật thú vị khi nhận ra ở tâm điểm hệ thống trụy lạc trong đó Bruno và Christiane nhập vào, sự tồn tại của nguyên tắc tỉ suất khoái cảm giảm dần; nhưng nó vừa quá tổng quát vừa không chính xác. Khoái cảm và ham muốn, với tư cách là các hiện tượng văn hóa, nhân học thứ yếu, gần như không giải thích được thấu đáo cho tình dục; chúng còn xa mới là những nhân tố quyết định, mà thực ra chỉ là những thứ được định nghĩa theo lối xã hội học. Trong một hệ thống đơn cực, lãng mạn và có tình yêu, chúng chỉ có thể được đạt tới qua trung gian con người được yêu. Trong cái xã hội tự do Bruno và Christiane đang sống, mô hình tình dục do văn hóa chính thống đề xuất (quảng cáo, tạp chí, tổ chức xã hội và sức khỏe cộng đồng) dựa trên nguyên tắc phiêu lưu: ở bên trong một mô hình như thế thèm muốn và khoái cảm xuất hiện sau một quá trình hấp dẫn, tôn sùng cái mới, ham mê và sự sáng tạo cá nhân (mặt khác chúng cũng là các giá trị mà các nhân viên có được từ công việc). Sự giảm bớt các tiêu chí hấp dẫn trí tuệ và tinh thần để nhường chỗ cho các tiêu chí thuần túy ngoại hình dần dần dẫn dắt những người hay đến các hộp đêm cho các cặp tình nhân đi đến một hệ thống hơi khác một chút, mà người ta có thể coi là sự cuồng loạn của văn hóa chính thống: hệ thống Sade. Bên trong hệ thống đó các dương vật đều giống nhau: cứng đanh và to đùng, những bộ ngực độn silicon, những âm hộ cạo sạch không còn lông và ướt đầm. Thường thì các nữ độc giả của Connexion hay Hot Video, những người quen đến các hộp đêm dành cho các cặp tình nhân gắn chặt những buổi tối của mình với một mục tiêu đơn giản: được một số lượng lớn dương vật ngoại cỡ đâm vào. Giai đoạn tiếp theo, với họ, thường là các Câu lạc bộ loạn dâm, khổ dâm. Sự cực khoái thuộc về thói quen, Pascal [4] chắc sẽ nói thế nếu ông quan tâm đến những thứ này.

Với dương vật dài mười ba xăng-ti-mét và những cơn cương cứng cách xa nhau (anh chưa bao giờ thủ dâm được thật dài, ngoài hồi mới dậy thì, và thời gian nghỉ giữa hai lần phóng tinh rõ ràng từ lâu ngày càng dài hơn: chắc chắn anh không còn trẻ trung gì nữa), thực ra Bruno không hề có chỗ ở những chốn như thế. Tuy vậy anh hạnh phúc vì có trong tay những cái âm hộ và những cái miệng mà chưa từng bao giờ anh dám mơ; về điều đó, anh cảm thấy rất biết ơn Christiane. Những phút giây dịu dàng nhất là lúc cô vuốt ve những người đàn bà khác; những người bạn mới gặp của cô luôn tỏ ra rất thích thú với sự tinh tế của lưỡi cô, sự khéo léo của những ngón tay dò tìm và kích thích hột le của họ; thật không may, khi quyết định làm lại cho cô, họ thường gây thất vọng. Bị nới rộng không thương tiếc bởi những lần vào đồng loạt và những nhát tay tàn bạo (thường xuyên là nhiều ngón một lúc, thậm chí cả bàn tay), âm hộ của họ ngày càng ít cảm giác, chẳng khác gì một đống mỡ lợn. Bị ám ảnh bởi nhịp điệu kinh hồn của các ngôi sao phim khiêu dâm chân chính, họ kéo dương vật anh rất mạnh, như một cái cành da không cảm giác, với cử động pít tông đầy lố bịch (sự tràn lan của thứ nhạc techno, sự thiếu vắng một sự tinh tế, chắc chắn đóng vai trò quan trọng hình thành tính chất máy móc quá mức của cách làm của họ). Anh phóng tinh nhanh, và không thực sự thỏa mãn lắm; với anh, tối vui thế là chấm dứt. Họ còn ở lại đó từ nửa giờ đến một giờ nữa; Christiane cho một loạt đàn ông đi vào cô, trong khi cố gắng một cách vô vọng đánh thức lại chất đực ở anh. Khi tỉnh dậy, họ lại làm tình lần nữa; những hình ảnh của đêm trở lại với anh, đã dịu nhẹ đi, trong sự mơ mơ màng màng; đó là những giây phút đặc biệt êm đềm.

Lý tưởng nhất có lẽ là mời vài đôi được chọn lựa, đến nhà cả buổi tối, chuyện gẫu vui vẻ và vuốt ve nhau. Họ sẽ bắt đầu cách này, trong lòng Bruno rất chắc chắn về điều đó; anh cũng sẽ phải tiếp tục tập thể hình theo cách mà nhà tình dục học người Mỹ khuyên làm; câu chuyện của anh với Christiane, người đã mang lại cho anh niềm vui mà không một sự kiện nào trong đời có thể mang lại, là một câu chuyện quan trọng và nghiêm túc. Chí ít đó là điều đôi lúc anh nghĩ khi ngắm nhìn cô mặc quần áo hay làm bếp. Tuy nhiên những ngày trong tuần khi cô ở xa anh, anh thường dự cảm mình sẽ phải đối mặt với một câu chuyện xấu, một trò đùa cuối cùng và bẩn thỉu của tồn tại. Bất hạnh của chúng ta chỉ đạt tới mức cao nhất khi khả năng thực tế của hạnh phúc đã đến đủ gần.

Tai nạn xảy ra vào một đêm tháng Hai, khi họ đang ở Chris và Manu. Ðang nằm trên một cái nệm trong phòng chính, đầu gối lên những chiếc gối dựa, Bruno được Christiane mút; anh ôm lấy cô. Cô đang quỳ gối trước anh, hai chân dạng ra, mông chìa ra mời chào những người đàn ông đi qua sau cô. Năm người đàn ông đã xong việc mà cô không cần quay lại nhìn; mắt nhắm hờ, như trong một giấc mơ, cô cho cái lưỡi của mình đi dạo trên dương vật của Bruno, khám phá từng xăng-ti-mét một. Ðột nhiên cô bật lên một tiếng kêu ngắn, duy nhất. Thằng cha đằng sau cô, một thằng cha lực lưỡng cao lớn tóc xoăn, vẫn tiếp tục đút vào cô một cách ngu xuẩn, từng phát một rất mạnh; cái nhìn của gã trống rỗng và ít chú ý. “Dừng lại! Dừng lại!”, Bruno hét lên; anh có cảm giác hét lên nhưng giọng của mình chẳng ai nghe, anh chỉ thốt ra được một tiếng the thé yếu ớt. Anh đứng dậy và đẩy thật mạnh thằng cha đang đứng im, dương vật dựng lên, hai tay đu đưa. Christiane nằm vật sang một bên, khuôn mặt nhăn nhúm lại vì đau. “Em không cử động được à?” Anh hỏi. Cô lắc đầu; anh lao vội về phía quầy bar, đòi gọi điện thoại. Xe cấp cứu của Samu đến sau đó mười phút. Tất cả những người tham gia đã mặc lại quần áo; họ lặng im đứng nhìn những người y tá khiêng Christiane lên, đặt cô vào một cái cáng. Bruno trèo lên ngồi cạnh cô trong xe cứu thương; họ ở rất gần Hôtel-Dieu. Anh đợi nhiều giờ trong hành lang trải thảm, rồi người gác đêm đến báo với anh: cô đang ngủ; cô không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Trong ngày Chủ nhật người ta thực hiện việc mổ tủy xương; Bruno trở lại vào quãng sáu giờ. Trời đã tối, một cơn mưa nhẹ và lạnh rơi xuống sông Seine. Christiane được đặt ngồi trên giường, lưng dựa vào một đống gối. Cô cười khi nhìn thấy anh. Chẩn đoán rất đơn giản: các đốt sống cụt bị bại hoàn toàn. Cô đã chờ đợi điều này từ nhiều tháng nay, điều đó có thể xảy đến bất kỳ lúc nào; thuốc chỉ cho phép chậm lại tiến trình chứ không thể chặn đứng nó lại được. Giờ đây tình hình không còn tiến triển được nữa, không phải lo ngại nhiều lắm, nhưng cô sẽ vĩnh viễn bị liệt hai chân.

Mười ngày sau cô ra viện; Bruno có mặt ở đó. Tình thế giờ đây đã khác; cuộc sống được khắc họa bằng những bãi biển của nỗi buồn và bối rối kéo dài, nó thường xuyên rất u tối; rồi bỗng nhiên một ngã rẽ xuất hiện, và ngã rẽ này là định mệnh. Christiane từ đó trở thành một người tàn phế, cô không bao giờ còn có thể làm việc được nữa; thậm chí cô còn có quyền có một người giúp việc ở nhà miễn phí. Cô hướng ghế lăn về phía anh, cô vẫn còn khá vụng về - còn phải tập nhiều, tay cô còn quá yếu. Anh hôn lên má cô, rồi lên môi. “Giờ đây, anh nói, em có thể đến sống với anh. Ở Paris.” Cô ngẩng mặt về phía anh, nhìn anh; anh không thể chịu đựng được cái nhìn đó. “Anh có chắc không?”, cô dịu dàng hỏi, “anh có chắc là anh muốn vậy không?” Anh không trả lời; ít nhất, anh trì hoãn việc trả lời. Sau ba mươi giây im lặng, cô thêm vào: “Anh không việc gì phải làm thế. Anh còn lại một ít thời gian để sống; anh không việc gì phải chăm sóc một người tàn tật hết cả.” Các yếu tố của ý thức ngày nay không còn thích hợp với người phàm trần chúng ta nữa. Chưa bao giờ, dù ở thời đại nào, ở nền văn minh nào người ta lại nghĩ nhiều đến tuổi tác của mình như vậy; ai cũng có trong đầu một ý định đơn giản về tương lai: kết cục sẽ đến với anh ta khi mà các khoái cảm về vật chất còn lại của cuộc sống trở nên thấp hơn tổng số những đau đớn (nhìn chung anh ta cảm thấy, ở đáy tâm can mình, cái máy đo thời gian đang chạy - luôn chạy về hướng kết cục). Sự kiểm tra thuần lý tính các khoái cảm và đau khổ này, mà mỗi người, sớm hay muộn, đều buộc phải làm, không thể không hướng người ta nghĩ đến chuyện tự tử từ một tuổi nào đó. ở lĩnh vực này cần lưu ý đến Deleuze và Debord, hai trí thức được kính trọng ở cuối thế kỷ, thật thú vị vì hai người đều đã tự tử không lý do cụ thể, chỉ bởi vì họ không còn chịu đựng nổi cái viễn cảnh cơ thể mình sẽ suy tàn. Những vụ tự tử đó không hề làm ai ngạc nhiên, không hề có bình luận; thường xuyên hơn, các vụ tự tử của những người lớn tuổi, hoàn toàn không phải là nhiều nhất, ngày nay với chúng ta hoàn toàn lô gích. Người ta cũng có thể chỉ ra, như một nét chung, phản ứng của đám đông trước cái viễn cảnh một cuộc tấn công khủng bố: tuyệt đại đa số các trường hợp người ta thích được giết ngay còn hơn là bị cắt chân cắt tay, hay thậm chí bị rạch mặt. Phần nào đó, dĩ nhiên, bởi vì họ cũng đã hơi chán cuộc đời; nhưng nhất là vì không có lý do nào hết, kể cả cái chết, với họ đáng sợ hơn là sống trong một cơ thể suy yếu dần đi.

Anh rẽ ở đoạn La Chapelle-en-Serval. Cách đơn giản nhất là trốn vào dưới cái cây khi đi qua rừng Compiègne. Anh do dự vài giây; Christiane tội nghiệp. Anh cũng đã do dự vài ngày quá lâu trước khi gọi cho cô; anh biết là cô ở một mình trong HML [5] cùng con trai; anh tưởng tượng cô trong chiếc xe lăn, không xa điện thoại mấy. Không có gì bắt anh phải chăm sóc một người tàn tật, cô đã nói vậy, và anh biết cô đã chết mà không oán hận gì. Người ta tìm thấy chiếc xe lăn tan nát, gần chỗ các hộp thư, phía dưới đoạn thang cuối cùng. Khuôn mặt cô méo mó và cổ bị gãy. Bruno có tên trong mục “người để báo tin trong trường hợp tai nạn”; cô đã chết trong khi được chuyển đến bệnh viện.

Khu mai táng nằm ngoài Noyon nhưng không xa lắm, trên đường đi Chauny, phải rẽ ngay sau Baboeuf. Hai nhân viên mặc quần áo xanh nước biển đợi anh trong một gian phòng đúc sẵn rất nóng, rất nhiều lò sưởi, gần như trong một phòng học ở trường trung học kỹ thuật. Cửa kính nhìn ra những dãy nhà thấp, hiện đại, của một vùng thưa thớt dân cư. Quan tài, vẫn còn mở, được đặt trên bàn lớn. Bruno lại gần, nhìn cơ thể Christiane và ngã ngửa ra sau; đầu anh đập rất mạnh xuống sàn nhà. Hai người nhân viên cẩn thận đỡ anh đứng dậy. “Khóc đi! Phải khóc đi!...” người già hơn nói với anh giọng gấp gáp. Anh lắc đầu; anh biết mình sẽ không khóc nổi. Cơ thể của Christiane không thể nhúc nhích, thở và yêu được nữa, không còn số phận nào cho cái cơ thể này nữa và hoàn toàn lỗi là ở anh. Lần này tất cả các quân bài đã được tung ra, tất cả ván đã được chơi, ván cuối cùng đã xong và anh đã thất bại vĩnh viễn. Không hơn gì bố mẹ mình trước đó, giờ đây anh không còn có thể có tình yêu được nữa. Trong một sự tách biệt về cảm giác lạ thường, như thể anh đang trôi nổi cách mặt đất vài xăng-ti-mét, anh nhìn thấy những người nhân viên đang đóng nắp quan tài bằng một cái máy khoan. Anh theo họ đến “bức tường im lặng”, một bức tường bê tông màu ghi, cao ba mét, đặt san sát những hốc để quan tài; một nửa trong số đó còn trống. Người nhân viên già hơn tra trong cuốn sổ, đi về phía ô số 632; người còn lại, đi sau ông, đẩy quan tài đi trên một chiếc xe. Không khí ẩm và lạnh, trời thậm chí đã bắt đầu mưa. Ô số 632 nằm ở lưng chừng, cách đất khoảng một mét rưỡi. Bằng một cử chỉ mềm mại và hiệu quả, chỉ kéo dài vài giây, hai người nhân viên nhấc chiếc quan tài và trượt nó vào ô. Với một khẩu súng hơi, họ phun một chút bê tông đông nhanh vào khe; rồi người nhân viên già hơn đưa giấy để Bruno ký. Anh có thể, người nhân viên nói trước khi bước đi, quay lại đây nếu anh muốn.

Bruno trở về bằng đường A1 và khoảng mười một giờ về đến đường vành đai. Anh đã xin nghỉ một ngày, không nghĩ là đám tang lại chóng vánh đến vậy. Anh ra khỏi cửa ô Chatillon và đỗ xe ở phố Albert-Sorel, ngay trước căn hộ người vợ cũ. Anh không phải đợi lâu: mười phút sau, đi về từ hướng đại lộ Ernest-Reyer, con trai anh xuất hiện, cặp sách trên vai. Nó có vẻ lo lắng, vừa đi vừa nói chuyện một mình. Nó có thể nghĩ đến cái gì nhỉ? Ðó là một thằng bé khá cô độc, Anne từng nói với anh; đáng lẽ phải ăn trưa với những đứa trẻ khác, nó lại thích về nhà, đun lại đĩa thức ăn mà mẹ nó để lại từ sáng trước khi đi. Nó có khổ vì anh vắng mặt không? Có thể, nhưng anh cũng không rõ lắm. Bọn trẻ con phải chịu đựng cái thế giới mà người lớn xây dựng cho chúng, chúng cố sức hòa nhập vào đó; rồi sau đó thường thì chúng sẽ xây dựng lại. Victor đã bước đến cửa nhà, nó bấm mã cửa; nó chỉ cách xe anh vài mét nhưng không nhìn thấy anh. Bruno đặt tay lên tay nắm cửa, đứng lên trong ghế của mình. Cánh cửa mở ra; Bruno bất động vài giây, rồi nặng nề ngồi xuống. Anh có thể nói gì với con trai của anh, anh có thể chuyển cho nó thông điệp nào đây? Không có gì hết. Không gì hết. Anh biết là cuộc đời anh đã chấm dứt, nhưng anh không hiểu đoạn kết lắm. Tất cả u tối, đau đớn và mơ hồ.

Anh khởi động máy và đi về đường cao tốc phía Nam. Sau khi ra khỏi Antony, anh rẽ về hướng Vauhallan. Bệnh viện tâm thần của Bộ Giáo dục Quốc gia nằm cách Verrières-le-Buisson không xa lắm, ngay cạnh khu rừng Verrières, anh nhớ cái bãi đỗ xe rất rõ. Anh đỗ xe ở phố Victor-Considérant, đi bộ vài mét đến hàng rào. Anh nhận ra người y tá gác cửa. Anh nói: “Tôi trở lại đây.”

© 2005 talawas


[1]TMR: hãng chuyên về nghiên cứu thị trường và marketing.
[2]RER (Réseau Express Régional), loại tàu nhanh đi trong vùng Ile-de-France, vùng có thủ đô Paris.
[3]FNAC: Hệ thống cửa hàng bán đồ tổng hợp lớn nhất ở Pháp
[4]Blaise Pascal (1623 - 1662), triết gia và nhà toán học Pháp.
[5]HML: Từ để chỉ các khu nhà tồi tàn dành cho người có thu nhập thấp.