Tủ sách talawas28.8.2004
George Orwell
1984
tiểu thuyết (15 kì)
Phạm Minh Ngá»c dịch
VIII.
Tới rồi, cuối cùng ta đã tới được đây rồi!
Hai người đứng trong một căn phòng dài, không sáng quá, nhưng cũng không tối. Màn vô tuyến được vặn nhỏ nghe như tiếng thì thầm, tấm thảm mềm đến nỗi có cảm giác như đang bước trên nhung. Ở đầu kia căn phòng là O'Brien, anh ta ngồi bên bàn viết, dưới ánh sáng của cái đèn có chụp màu xanh, hai bên là hàng đống giấy tờ. Anh ta không thèm ngẩng lên khi người đầy tớ giới thiệu Julia và Winston.
Tim Winston đập rộn lên, anh ngờ là mình sẽ không thể thốt thành lời. Tới rồi, cuối cùng ta đã tới, anh chỉ nghĩ được mỗi thế mà thôi. Đi đến đây một mình đã là liều rồi, đi hai người cùng một lúc thì rõ là điên; nhưng thực ra họ đi bằng những đường khác nhau và chỉ mới gặp nhau ngay cửa phòng O'Brien thôi. Vào đây là cả vấn đề. Ít người có dịp nhìn thấy nội thất của các đảng viên Đảng Nội Bộ, lọt vào khu vực họ sống cũng đã khó. Toàn bộ khung cảnh của một toà nhà to lớn trang bị đủ thứ mà cái nào trông cũng hoành tráng, mùi thức ăn ngon, thuốc lá ngon, thang máy vừa nhanh vừa không ồn, cảnh những người đầy tớ đi lại tất bật; chỉ thế cũng đủ ngợp rồi. Mặc dù có đủ cơ sở để đến đây, nhưng cảm giác sợ hãi vẫn không buông tha anh: một tên vệ binh áo đen bỗng chui ra từ một khúc quanh nào đó, hắn sẽ soát giấy tờ và bảo đằng sau quay. Nhưng người đầy tớ của O’Brien đã mời hai người vào ngay. Anh ta là một người nhỏ bé, tóc đen, mặt trái xoan, hoàn toàn vô cảm, có lẽ là người gốc Trung Hoa. Hành lang họ đi qua được trải thảm dày, hai bên tường dán giấy bồi màu kem, bên dưới đóng lam bri màu trắng, không một hạt bụi. Ở đây còn choáng ngợp hơn. Winston chưa thấy một một hành lang nào sạch sẽ như thế.
O’Brien cầm một mảnh giấy và có vẻ như đang chăm chú đọc. Bộ mặt đầy đặn của anh ta hơi cúi, có thể nhìn rõ sống mũi, vừa dữ dằn vừa thông thái. Anh ta ngồi bất động như thế chừng hai mươi giây. Sau đó anh ta kéo cái micro lại gần và bắt đầu xổ ra hàng tràng tiếng lóng:
"Mục một phảy mục năm phảy mục bảy đồng ý hoàn toàn chấm đề nghị mục sáu hai cộng sai biên tội tưởng huỷ chấm không tiếp tục cho đến khi nhận được số liệu cộng vượt kế hoạch chế tạo máy chấm kết thúc"
Anh ta thong thả đứng lên và đi về phía hai người. Trông anh ta đã bớt trịnh trọng, nhưng nét mặt lại cau có hơn mọi khi, có vẻ như anh ta không thích bị quấy rầy. Winston vốn đã sợ, nay càng lúng túng thêm. Anh có cảm giác như vừa mắc một sai lầm nghiêm trọng. Điều gì chứng tỏ O’Brien đang dự phần vào một âm mưu chính trị? Một ánh mắt và câu nói nước đôi, thế thôi, còn lại tất cả đều là trí tưởng tượng dựa trên những giấc mơ mà thôi. Anh không thể giả vờ nói là đến mượn cuốn từ điển vì như vậy Julia đi theo làm chi? O’Brien chợt nhớ chuyện gì đó khi bước ngang qua màn vô tuyến. Anh ta dừng lại và lấy tay bấm một cái nút trên tường. Có một tiếng tách nhỏ. Giọng nói im bặt
Julia khẽ rít lên vì kinh ngạc. Dù rất hoảng sợ, Winston cũng sửng sốt đến mức không nén nổi, anh thốt lên:
"Anh có thể tắt được à?"
"Được", O’Brien đáp, "Chúng tôi có thể tắt được. Chúng tôi được ưu tiên".
Anh ta đã đứng ngay trước mặt hai người. Thân hình to lớn đồ sộ của anh ta cao vượt hẳn hai người, còn nét mặt thì vẫn bí hiểm như cũ. Anh ta vẫn lạnh lùng chờ cho Winston nói, nhưng nói gì đây? Ngay lúc này vẫn có thể thấy O’Brien là người bận bịu và đang bực mình vì bị quấy rầy không đúng lúc. Không ai nói gì. Màn vô tuyến đã bị tắt, xung quanh lặng ngắt như tờ. Từng giây trôi qua, nặng nề. Winston vận hết sức lực nhìn chằm chằm vào mắt O’Brien. Bất ngờ khuôn mặt cau có của gia chủ như giãn ra, có vẻ như sắp mỉm cười. O’Brien đưa tay sửa kính theo thói quen.
"Tôi bắt đầu hay anh đây?", O’Brien mở đầu câu chuyện.
"Để tôi nói", Winston phấn chấn đáp. "Đã tắt thật chưa?"
"Tắt hết rồi. Chỉ có chúng ta với nhau thôi"
"Chúng tôi đến đây vì..."
Anh cảm thấy ngắc ngứ vì chợt nhận ra động cơ của mình thật mơ hồ. Anh không biết O’Brien sẽ giúp được gì, giải thích lí do đến đây cũng không phải chuyện dễ. Anh tiếp tục nói dù cảm thấy câu nói vừa thiếu thuyết phục vừa huyênh hoang.
"Chúng tôi nghĩ có một tổ chức chống Đảng và anh là thành viên. Chúng tôi muốn tham gia hoạt động. Chúng tôi là kẻ thù của Đảng. Chúng tôi không tin nguyên tắc của Chuanh. Chúng tôi là tội phạm tư tưởng. Chúng tôi là những kẻ trụy lạc. Tôi nói như thế vì chúng tôi muốn giao phó cuộc đời cho anh. Nếu anh còn muốn chúng tôi thú nhận những tôi lỗi nào khác, chúng tôi cũng sẵn sàng"
Anh ngừng bặt và ngoái lại nhìn vì cảm giác có người mở cửa. Đúng thế, tên đầy tớ nhỏ thó, da vàng vừa bước vào mà không gõ cửa. Winston trông thấy hắn bê một cái mâm trên đặt bình rượu và mấy cái li.
"Martin là người mình", O’Brien giải thích. "Martin, mang lại đây. Bày lên cái bàn tròn kia kìa. Có đủ ghế chưa? Nào, mời ngồi xuống đây nói chuyện. Martin, lấy thêm một cái ghế nữa cho anh đi. Đây là công chuyện. Anh có thể nghỉ làm đầy tớ trong vòng mười phút"
Con người nhỏ bé đó ngồi xuống, dáng điệu tự nhiên, nhưng đồng thời vẫn thấy toát ra dáng vẻ cung kính, dáng vẻ của một tên đầy tớ được chủ vỗ về. Winston khẽ liếc mắt quan sát thái độ của anh ta. Anh chợt nghĩ rằng con ngươi này đã đóng mãi một vai và bây giờ cảm thấy sợ, không dám bỏ vai dù chỉ vài phút. O’Brien cầm lấy cổ bình và rót đầy mấy cái li một loại nước màu đỏ đậm. Winston bỗng lờ mờ nhớ đã trông thấy, lâu rồi, ở đâu đó, trên tường hay trên hàng rào, một cái chai rất to kết bằng bóng đèn điện, cái chai cứ nâng lên hạ xuống như đang rót ra li vậy. Nhìn từ phía trên thì nước có màu đen, nhưng ở trong bình thì nó lại lấp lánh như màu hồng ngọc. Mùi chua chua, ngọt ngọt. Julia đưa cái li lên mũi và ngửi có vẻ rất tò mò.
"Đây gọi là rượu vang", O’Brien vừa nói vừa khẽ mỉm cười. "Chắc chắn các bạn đã đọc về nó rồi.Tôi nghĩ đảng viên Đảng Ngoại Vi ít được phân phối loại rượu này". Nét mặt anh ta lại trở nên trang nghiêm."Tôi nghĩ chúng ta phải nâng cốc chúc sức khoẻ. Nào xin nâng cốc chúc sức khoẻ lãnh tụ, đồng chí Emannuel Goldstein kính mến của chúng ta!"
Winston từ tốn nâng li. Anh đã từng đọc, đã từng mơ thấy rượu vang. Giống như cái chặn giấy bắng thuỷ tinh hay những bài đồng dao của ông Charrington, rượu vang thuộc về một thời quá khứ lãng mạn, đã bị xóa bỏ, thuộc về một thời vàng son, như anh vẫn thầm gọi. Không hiểu sao anh lại nghĩ là rượu vang rất ngọt, giống như mứt mâm xôi và uống vào là say ngất ngây ngay. Nhưng hoá ra anh đã thất vọng. Anh đã quen uống Gin rồi, mùi vị này không hợp. Anh đặt cái li không xuống bàn.
"Có một người tên là Goldstein thật ư?", anh hỏi
"Có, có một người như vậy, còn sống. Ở đâu thì tôi không biết"
"Thế còn âm mưu, thế còn tổ chức? Có thật không? Không phải là sản phẩm của Cảnh Sát Tư Tưởng chứ?"
"Không, có thực. Gọi là Huynh Đệ. Các vị sẽ chỉ biết rằng có một tổ chức tên là Huynh Đệ và các vị là thành viên của nó, thế thôi. Tôi sẽ còn quay lại vấn đề này – Ngay cả đảng viên Đảng Nội Bộ cũng không nên tắt màn vô tuyến quá nửa tiếng. Các bạn không nên đi chung và các bạn sẽ rời đây từng người một. Đồng chí – anh ta nghiêng người về phía Julia - đồng chí sẽ đi về trước. Chúng ta còn khoảng hai mươi phút. Các bạn cũng hiểu là tôi phải hỏi mỗi người vài câu. Nói chung, các bạn đã sẵn sàng làm những việc gì?"
"Tất cả những việc phù hợp với năng lực", Winston đáp.
O’Brien quay lại phía Winston. Anh ta không để ý đến Julia vì cho rằng Winston sẽ nói thay cho cả cô. Anh ta nhắm mắt lại trong vài giây. Sau đó anh ta bắt đầu hỏi, giọng nhỏ, không sinh khí, như đã học thuộc lòng, như sách; câu trả lời dường như cũng đã biết rồi.
"Các vị sẵn sàng hi sinh tính mạng?"
"Sẵn sàng."
"Các vị có sẵn sàng sát sinh?"
"Sẵn sàng."
"Sẵn sàng làm việc phá hoại có thể giết hàng trăm người vô tội?"
"Sẵn sàng."
"Sẵn sàng bán nước, làm tay sai cho ngoại bang?"
"Sẵn sàng."
"Sẵn sàng lừa bịp, làm tài liệu giả, tống tiền, mua chuộc trẻ con, reo rắc các chất ma tuý, thúc đẩy nạn mại dâm, reo rắc các bệnh hoa liễu, nghĩa là làm tất cả nhằm làm băng hoại đạo đức xã hội và phá hoại Đảng?"
"Sẵn sàng."
"Nếu, thí dụ, vì mục đích của chúng ta mà phải hắt axit xunphuaric vào mặt một đứa trẻ thì anh có sẵn sàng không?"
"Sẵn sàng."
"Anh có sẵn sàng thay hình đổi dạng và làm một người hầu bàn hay công nhân bốc xếp suốt đời không?"
"Sẵn sàng."
"Anh có sẵn sàng tự sát khi được lệnh không?"
"Sẵn sàng."
"Hai người có sẵn sàng chia tay và vĩnh viễn không bao giờ gặp nhau nữa không?"
"Không!", Julia bỗng xen vào.
Winston có cảm tưởng như phải một lúc lâu sau anh mới trả lời được. Có một lúc anh tưởng như mình mất khả năng phát âm. Lưỡi cứ đưa qua đưa lại, không thành tiếng, định nói âm này rồi lại chuyển sang âm khác, cứ thế không biết bao nhiêu lần. Trước khi bật thành lời anh cũng không biết mình sẽ nói gì.
"Không", cuối cùng anh đã nói được.
"Tốt quá, các vị đã nói rõ ý mình, thế là rất tốt. Chúng tôi phải nắm được hết"
O’Brien quay sang phía Julia, giọng có vẻ tình cảm hơn.
"Ngay cả khi anh ta thoát được, thì anh ta cũng có thể phải trở thành một người hoàn toàn khác, chị hiểu chứ? Có thể chúng tôi sẽ phải thay đổi nhân dạng anh ta. Nét mặt, động tác, hình thù bàn tay, màu tóc... ngay cả giọng nói cũng có thể khác. Cả chị nữa, chị cũng có thể phải trở thành một người hoàn toàn khác với bây giờ. Các bác sĩ phẫu thuật của chúng tôi có thể thay hình đổi dạng một người đến mức không còn ai nhận ra được. Đôi khi cần cả những biện pháp đó. Đôi khi chúng tôi phải cắt bỏ cả chân tay đi nữa"
Winston tò mò liếc nhìn khuôn mặt của Martin. Không thấy vết sẹo nào. Mặt Julia trắng bệch ra, các nốt tàn nhang càng nổi rõ hơn, nhưng cô vẫn nhìn thẳng vào O’Brien. Cô thì thầm câu gì đó nghe như một lời khẳng định.
"Tốt. Coi như đã giải quyết xong"
Có một cái hộp đựng thuốc lá bằng bạc đặt trên bàn. O’Brien lơ đãng đẩy hộp thuốc về phía hai người rồi tiện tay cầm một điếu, sau đó anh ta đứng lên, chậm rãi đi đi lại lại, có vẻ như khi đứng suy nghĩ sẽ mạch lạc hơn vậy. Thuốc rất ngon, điếu to, quấn chặt, giấy mịn. O’Brien lại nhìn đồng đeo tay.
"Martin, anh xuống bếp đi", O’Brien bảo. "Mười lăm phút nữa tôi sẽ bật vô tuyến. Trước khi đi anh hãy nhìn kĩ mặt các đồng chí này đi. Anh sẽ còn gặp lại họ đấy, tôi thì có thể không"
Cũng như lúc mới vào, người đàn ông nhỏ bé đó nhìn lướt qua mặt hai người một lượt. Không một chút tình cảm nào. Hắn ta nhớ mặt hai người, nhưng không hề quan tâm hoặc tỏ ra không quan tâm. Winston chợt nghĩ hay là mặt hắn làm bằng chất dẻo, không có xúc cảm. Martin đứng lên, không nói, cũng chẳng chào ai; hắn lặng lẽ đóng cửa và bước ra khỏi phòng. O’Brien vẫn đi đi lại lại, một tay cho vào túi áo đồng phục đen, tay kia cầm điếu thuốc.
"Đồng chí phải hiểu rằng", anh ta nói, "đồng chí sẽ chiến đấu trong bóng tối. Đồng chí luôn luôn ở trong bóng tối. Đồng chí sẽ nhận được mệnh lệnh và sẽ thực hiện mà không biết tại sao. Sau này tôi sẽ gửi cho đồng chí một cuốn sách, đồng chí sẽ hiểu rõ thực chất xã hội mà chúng ta đang sống và đường lối chiến lược để lật đổ nó của chúng ta. Sau khi đọc xong cuốn sách thì đồng chí sẽ trở thành thành viên chính thức của Huynh Đệ. Nhưng đồng chí chỉ được biết mục đích chung của cuộc đấu tranh và những nhiệm vụ cụ thể, ngoài ra là bí mật. Tôi nói với đồng chí Huynh Đệ là có, nhưng tôi không thể nói với đồng chí nó có một trăm hay một triệu thành viên. Cá nhân đồng chí chỉ có thể biết chừng mươi người. Đồng chí sẽ liên lạc với ba hoặc bốn người; người nào mất thì sẽ có người khác thay. Vì đây là địa chỉ liên hệ đầu tiên của đồng chí nên về sau đồng chí cứ đến đây. Tất cả mọi nhiệm vụ của đồng chí đều là do tôi giao. Chúng tôi sẽ liên hệ với đồng chí, khi cần, thông qua Martin. Khi bị bắt đồng chí sẽ khai. Không ai tránh được. Nhưng đồng chí chẳng thể khai gì, ngoại trừ vài việc do chính đồng chí làm. Đồng chí chỉ có thể khai ra vài người không quan trọng. Tôi đồng chí cũng không thể khai được. Lúc đó có thể tôi đã chết rồi, hoặc đã biến thành một người khác, với khuôn mặt khác rồi"
Anh ta tiếp tục bước trên tấm thảm dày. Thân hình tuy đồ sộ nhưng dáng đi của anh ta lại rất uyển chuyển. Uyển chuyển cả trong cách đút tay vào túi, cả trong cách vẩy điếu thuốc lá. Toàn thân anh ta toát ra sức mạnh, nhưng trên hết là lòng tự tin, là trí thông minh và khôi hài. Nhưng dù tỏ ra rất nghiêm túc, trông anh ta không có vẻ thiển cận như đa số những kẻ cuồng tín khác. Ngay khi nói về việc giết người, tự sát, bệnh da liễu, cắt chân tay, thay hình đổi dạng, giọng anh ta vẫn có cái gì đó như là giễu cợt. “Không thể nào tránh được – có vẻ như anh ta muốn nói – Chúng tôi sẽ làm thế, khi cần, không run tay đâu. Nhưng chúng tôi sẽ không làm thế nếu cuộc đời còn đáng sống”. Lòng kính yêu, thán phục, gần như sùng bái trào dâng trong lòng Winston. Lúc đó anh gần như quên hẳn hình ảnh mờ nhạt của Goldstein. Khi nhìn vào đôi vai rắn rỏi, khuôn mặt đầy đặn, thô nhưng rất trí thức của O’Brien, không ai có thể nghĩ rằng anh ta có thể gặp thất bại. Anh ta có thể phát hiện được mọi âm mưu, anh ta có thể nhìn thấy trước mọi hiểm nguy. Ngay Julia cũng phải thán phục. Cô chú ý nghe, điếu thuốc trên tay tắt từ lâu.
"Chắc chắn các đồng chí đã nghe nói đến Huynh Đệ. Các đồng chí đã tự hình dung ra nó ở trong đầu. Có thể các đồng chí nghĩ rằng đấy là một tổ chức của những kẻ âm mưu, gặp nhau dưới tầng hầm, viết khẩu hiệu lên tường, nhận ra nhau nhờ mật khẩu hay một cái vung tay. Không phải vậy đâu. Các đảng viên của Huynh Đệ không thể nhận ra nhau, mỗi người chỉ biết vài người khác. Ngay cả nếu Goldstein có rơi vào tay Cảnh Sát Tư Tưởng thì ông cũng không thể cung cấp cho chúng danh sách toàn bộ đảng viên hoặc bất cứ thông tin gì để chúng có thể lập được danh sách này. Không có bản danh sách như vậy trên đời. Huynh Đệ không thể bị xóa sổ vì đây không phải là một tổ chức theo đúng nghĩa của từ này. Mối liên kết duy nhất của nó là tư tưởng mà tư tưởng thì không thể xóa được. Điểm tựa duy nhất của anh là tư tưởng. Không có tình đồng chí, không có ai nâng đỡ anh hết. Đừng có mong ai giúp đỡ, nếu bị bắt. Chúng tôi không giúp đỡ các đảng viên. Khi thật sự cần ai đó im lặng thì chúng tôi cũng chỉ có thể đưa vào phòng giam cho người đó một lưỡi dao cạo râu là cùng. Anh phải tập làm quen với một đời sống không kết quả và cũng đừng hi vọng. Anh sẽ hoạt động một thời gian, anh sẽ bị bắt, sẽ thú nhận và sẽ chết. Kết cục là như thế đấy. Chúng ta sẽ chẳng được chứng kiến một thay đổi lớn nào đâu. Chúng ta đã là những thây ma. Cuộc sống thực sự của chúng ta là ở tương lai. Khi đó chúng ta sẽ chỉ còn là một nhúm tro hay nắm xương tàn mà thôi. Không ai biết bao giờ thì cái tương lai đó sẽ đến. Có thể phải cả ngàn năm nữa. Hiện thời việc duy nhất có thể làm là khai hóa một cách từ từ. Chúng ta không thể hành động theo lối tập thể. Chúng ta chỉ có thể truyền bá kiến thức từ người nọ đến người kia, từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Không có cách nào khác vì các đồng chí phải nhớ rằng kẻ thù của chúng ta là Cảnh sát Tư Tưởng.
Anh ta ngừng lời và lại nhìn đồng hồ.
"Đến giờ đồng chí phải đi rồi", anh ta nói với Julia. "Đợi chút. Bình còn rượu”
Anh ta rót đầy ba li
"Lần này nâng cốc vì gì đây?", anh ta nói, vẫn giọng khôi hài như cũ. "Chúc Cảnh Sát Tư Tưởng mắc sai lầm? Chúc Anh Cả chóng chết? Chúc tình nhân ái? Chúc cho tương lai?"
"Chúc cho quá khứ", Winston nói.
"Quá khứ quan trọng hơn", O’Brein long trọng tán thành.
Họ cạn li và Julia lập tức đứng lên. O’Brien lấy một cái hộp nhỏ từ trên mặt tủ thuốc, rồi đưa cho Julia viên thuốc màu trắng và bảo cô ngậm chứ đừng nuốt.
"Không được có mùi rượu vang", anh ta bảo. "Mấy người gác thang máy thính lắm"
Có vẻ như khi Julia vừa đóng cửa là anh ta đã quên ngay cô. Anh ta đi qua đi lại vài bước nữa rồi dừng hẳn.
"Có vài việc cụ thể cần giải quyết", anh ta bảo."Tôi nghĩ anh có một chỗ kín đáo chứ?"
Winston nói có một chỗ như thế, đấy là căn phòng phía trên cửa hàng của ông Charrington.
"Thời gian đầu như thế là được. Sau này chúng tôi sẽ tìm cho đồng chí một chỗ khác. Cần phải thường xuyên thay đổi địa chỉ. Còn hiện thời tôi sẽ cố gắng chuyển, trong thời gian sớm nhất, cho đồng chí cuốn sách của Goldstein”- Winston để ý thấy ngay O’Brien cũng nhấn mạnh khi phát âm từ cuốn sách – “Có thể vài hôm nữa tôi mới tìm được. Chắc đồng chí cũng biết, số lượng ít lắm. In bao nhiêu cũng không đủ, Cảnh Sát Tư Tưởng săn lùng và đốt bằng sạch. Nhưng không sao. Chúng không đốt hết được đâu. Nếu bản cuối cùng có bị đốt chăng nữa thì chúng tôi vẫn có thể viết lại gần như đúng từng từ một. Khi đi làm đồng chí có mang theo cặp không?", anh ta nói thêm.
"Thường là có"
"Trông thế nào?"
"Màu đen, cũ lắm rồi, hai khoá"
"Màu đen, hai khoá, rất cũ - tốt. Một ngày gần đây thôi, tôi chưa thể nói ngày nào, đồng chí sẽ thấy một từ in sai trong tờ giấy giao nhiệm vụ vào buổi sáng, đồng chí sẽ phải hỏi lại. Ngày hôm sau khi đi làm đồng chi đừng xách theo cặp. Trong ngày hôm đó, khi đồng chí đang đi trên đường thì sẽ có một người chạm vào tay và bảo: “Theo tôi, anh vừa đánh rơi cặp”. Anh ta sẽ đưa cho đồng chí cái cặp trong đó có cuốn sách của Goldstein. Nửa tháng sau đồng chí sẽ phải trả cuốn sách"
Họ cùng lặng im trong vài giây.
"Đồng chí phải đi trong vài phút nữa", O’Brien nói. "Chúng ta sẽ gặp lại... ấy là nói nếu còn có dịp gặp lại..."
Winston nhìn thẳng vào mắt anh ta.
"Ở nơi không còn bóng tối nữa", anh lưỡng lự nói.
O’Brien gật đầu, không tỏ ra ngạc nhiên gì hết.
"Ở nơi không còn bóng tối nữa", anh ta nhắc lại, làm ra vẻ như hiểu được ẩn ý, "Bây giờ, trước khi ra về, đồng chí còn muốn nói gì? Muốn nhắn nhủ gì? Hỏi gì nữa không?"
Winston trầm ngâm. Không còn gì để hỏi nữa, càng không muốn nói những lời có cánh chung chung trước khi chia tay. Thay vì nghĩ đến O’Brien hay Huynh Đệ, trong đầu anh chợt hiện lên hình ảnh, đúng hơn, phải nói là hiện lên như một bức vẽ hình ảnh căn phòng tối tăm, nơi mẹ anh đã sống những ngày cuối cùng và căn phòng bên trên cửa hiệu của ông Charrington, rồi cái chặn giấy bằng kính và bức tranh khắc bằng thép trong cái khung gỗ xếp chồng lên nhau. Anh nói như vô tình:
"Anh có bao giờ nghe bài đồng dao bắt đầu như sau :”Cam cam chanh chanh là chuông Clement” không? "
O’Brien gật đầu. Rồi anh ta trịnh trọng đọc cả đoạn:
"Cam cam chanh chanh là chuông Clement.
Nợ ba đồng xèng là chuông Martin.
Bao giờ trả đây? là chuông Barley
Đợi ngày rủng rỉnh là chuông Shoreditch"
"Anh có biết câu cuối cùng không?", Winston hỏi.
"Biết, tôi biết câu cuối cùng. Nhưng có lẽ anh phải đi thôi. Nhưng đợi chút. Để tôi đưa anh viên thuốc"
Khi Winston vừa đứng lên thì O’Brien đã đưa tay ra. Bàn tay hộ pháp của anh ta bóp Winston đau điếng. Ra đến ngưỡng cửa Winston còn ngoái lại, nhưng có vẻ như O’Brien đã nghĩ sang chuyện khác rồi. Anh ta đang đặt tay trên nút điều khiển màn vô tuyến. Sau lưng anh ta là cái bàn với chụp đèn màu xanh lam, cái máy ghi và cái giỏ đầy chặt giấy tờ. Thế là xong. Chỉ ba mươi giây nữa, Winston chợt nghĩ, O’Brien sẽ quay về với những công việc quan trọng của Đảng.
IX.
Winston mệt rã rời như một miếng thịt đông. Từ thịt đông rất hợp. Từ này xuất hiện một cách đột ngột, nhưng diễn tả đúng. Mình mẩy không chỉ rã rời mà còn trong như một miếng thịt đông. Anh cảm thấy có thể nhìn xuyên qua được lòng bàn tay nếu đưa nó ra trước luồng ánh sáng. Công việc đã rút cạn máu huyết, chỉ còn lại da, xương và hệ thần kinh. Mọi cảm giác đều trở thành thái quá. Áo như cứa vào vai, mặt đường như cù vào chân, chỉ nắm lại đã nghe tiếng kêu lục cục trong các đốt ngón tay.
Anh đã làm việc tổng cộng chín mươi tiếng trong năm ngày liền. Mọi người trong Bộ đều làm như thế cả. Nhưng bây giờ xong rồi, tuyệt đối không phải làm gì, ít nhất là cho đến sáng mai. Anh có thể nghỉ sáu tiếng trong căn phòng bí mật và chín tiếng trên giường nhà mình. Nắng đã nhạt, anh bước một cách chậm rãi trên con phố bẩn thỉu để đến cửa hàng ông Charrington, mắt vẫn không ngừng quan sát xem có đội tuần tra nào không, nhưng thâm tâm anh biết rằng chiều nay sẽ không bị ai quấy rầy đâu. Cái cặp nặng cứ đập vào gối mỗi lần cất bước, làm cho bắp vế ngứa ran lên. Trong cặp có một cuốn sách, anh đã giữ nó sáu ngày rồi, nhưng chưa đọc, thậm chí chưa từng nhìn nó lần nào.
Trong ngày thứ sáu của Tuần Lễ Hận Thù, sau bao cuộc tuần hành, sau bao bài diễn văn, sau khi hò hét, sau khi hát hỏng, sau khi đã xem đủ thứ khẩu hiệu, biểu ngữ, phim ảnh, tượng sáp, sau khi đã nghe tiếng trống, tiếng kèn xung trận, tiếng xích xe tăng nghiến trên đường đá, tiếng gầm rú của những phi đội máy bay, tiếng súng đại bác chào mừng, sau sáu ngày liên tục như vậy, khi mà niềm phấn khích đã đạt tới đỉnh điểm, khi mà lòng hận thù Eurasia đã trở thành cuồng nộ đến mức nếu 2000 tên tội phạm chiến tranh Eurasia bị treo cổ công khai trong ngày cuối cùng mà rơi vào tay đám đông thì họ sẽ xé xác chúng ra thành từng mảnh - nhưng đúng lúc đó thì mọi người lại được nghe tuyên cáo rằng Oceania không đánh nhau với Eurasia. Oceania đang đánh nhau với Eastasia. Eurasia là đồng minh.
Không ai nói rằng đã có thay đổi bạn thù, chuyện đó đương nhiên. Ngay lập tức và khắp mọi nơi mọi người đều biết Eastasia là kẻ thù chứ không phải Eurasia nữa. Chuyện đó xảy ra khi Winston đang tham gia mít tinh trên một trong những quảng trường trung tâm của London. Lúc đó đã tối, đèn chiếu phả ánh sáng nhợt nhạt lên mặt người trắng bệch và màu cờ đỏ chói chang. Mấy ngàn người tập trung trên quảng trường, trong đó có một ngàn học sinh mặc đồng phục đội viên Tình Báo đứng thành một khối riêng. Diễn giả, đảng viên Đảng Nội Bộ, một người đàn ông nhỏ thó, gày còm, tay dài ngoẵng, đầu to, lại hói, chỉ còn lưa thưa vài sợi tóc, đang hùng hổ hò hét trên một cái bục trải thảm đỏ. Thân hình nhỏ bé co dúm lại vì căm tức, một tay anh ta nắm cổ cái micro, trong khi cái tay to lớn, xương xẩu còn lại kia chém lia lịa vào khoảng không ở trên đầu. Cái loa phóng thanh cứ thế lải nhải những từ như tàn bạo, tàn sát, trục xuất, cướp, hiếp, tra tấn tù binh, ném bom khu dân cư, tung tin thất thiệt, xâm lăng trắng trợn, vi phạm hiệp ước. Nghe hắn nói đầu tiên người ta tin, sau đó người ta sẽ phát khùng. Chốc chốc đám đông lại gầm lên và tiếng nói của diễn giả lại chìm vào trong tiếng gào thét phát ra từ hàng ngàn cuống họng cùng một lúc. Bọn học sinh hò hét dữ tợn nhất. Buổi nói chuyện kéo dài được khoảng hai mươi phút thì có người chạy lên bục và đưa cho diễn giả mảnh giấy. Hắn ta giở ra đọc, miệng vẫn tiếp tục diễn thuyết. Không có gì thay đổi, cả trong giọng nói, cả trong động tác, cả trong nội dung, nhưng tên thì đã khác. Không ai thốt lên lời nào, mọi người hiểu ngay lập tức. Oceania đang đánh nhau với Eastasia! Một sự hỗn loạn kinh hoàng diễn ra ngay sau đó. Tất cả các khẩu hiệu, biểu ngữ trang trí quảng trường đều sai! Một nửa tranh ảnh cũng sai nốt! Phá hoại! Lũ gián điệp của Goldstein đây! Người ta giật áp phích, người ta xé tan biểu ngữ và đưa xuống làm giẻ lau. Các đội viên Tình Báo tỏ ra rất khéo léo, chúng trèo lên mái nhà và cắt những tấm băng rôn treo từ ống khói nhà này sang ống khói nhà kia. Chuyện đó kèo dài hai hoặc ba phút. Diễn giả lại một tay cầm cổ micro, ngực ưỡn ta đằng trước, tay kia chém lia lịa vào khoảng không trên đầu, tiếp tục bài diễn văn như chưa có gì xảy ra. Chỉ một phút sau đám đông đã lại gào lên một các man dại như cũ. Hận Thù tiếp tục, chỉ có đối tượng là khác.
Nhớ lại chuyện đó, điều làm Winston ngạc nhiên nhất là diễn giả đã kịp chuyển hướng ngay giữa câu nói mà không ngắc ngứ, thậm chí không hề sai cú pháp. Nhưng lúc này anh có một việc còn quan trọng hơn. Số là trong lúc lộn xộn, khi tất cả còn mải giật biểu ngữ thì có người, anh không nhìn rõ mặt hắn ta, vỗ vào vai anh và nói: "Xin lỗi, hình như ông vừa đánh rơi cặp". Anh đưa tay cầm ngay chiếc cặp, nhưng không nói gì. Anh biết rằng phải mấy ngày nữa mới có điều kiện xem đến nó. Anh quay về Bộ Sự Thật ngay sau khi kết thúc mít tinh, tuy lúc đó đã gần hai mươi ba giờ. Tất cả công nhân viên chức của Bộ cũng đều đến sở cả. Mệnh lệnh phát trên màn màn vô tuyến, hạ lệnh mọi người trở lại công sở, thực ra là thừa.
Oceania đang đánh nhau với Eastasia: Oceania luôn luôn đánh nhau với Eastasia. Phần lớn sách báo chính trị năm năm vừa qua đã hoàn toàn lỗi thời. Tất cả các bản báo cáo, các tài liệu đủ mọi loại, các tờ báo, cuốn sách, phim ảnh, đĩa ghi âm - tất cả đều phải được hiệu chỉnh với tốc độ nhanh nhất. Dù không có ai ra lệnh, nhưng mọi người đều biết lãnh đạo muốn rằng trong vòng một tuần phải hủy hết mọi chứng cứ liên quan đến cuộc chiến với Eurasia và liên minh với Eastasia. Công việc quả thật là nhiều, hơn nữa các thủ tục lại không được gọi đúng tên của chúng. Tất cả cán bộ công nhân viên Ban Tài Liệu đều làm việc mười tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, chỉ tranh thủ được ngủ chừng ba bốn tiếng thôi. Nệm được lấy từ tầng hầm lên và rải dọc hành lang, thức ăn gồm bánh mì kẹp thịt và cà phê Chiến Thắng được nhân viên căng tin chở trên xe đẩy. Mỗi lần đến phiên đi ngủ Winston đều cố gắng làm xong hết việc, nhưng mỗi lần bò trở lại, mắt vẫn nhắm, người đau như dần, là anh lại thấy hàng đống giấy tờ, trùm lên máy ghi, rơi cả xuống nền nhà, và việc đầu tiên là thu chúng vào một đống cho gọn để lấy chỗ làm việc. Không được thụ động, thế mới mệt. Đôi khi chỉ cần thay một cái tên, nhưng các bản báo cáo các sự kiện cụ thể thì phải chú ý và có sáng kiến nữa. Chỉ cần chuyển chiến cuộc từ vùng này đến vùng khác cũng cần biết bao nhiêu kiến thức địa lí rồi.
Ngày thứ ba mắt anh đã đau không thể chịu nổi, còn kính thì cứ năm phút phải lau một lần. Giống như khi phải làm một công việc chân tay quá sức mình: có thể không làm nhưng người ta lại sốt ruột muốn làm cho xong. Mỗi lần nhớ lại anh dường như không mấy bận tâm về việc tất cả những lời anh thì thầm vào máy ghi, tất cả những điều viết ra bằng bút, đều là những dối trá có chủ đích. Điều anh cũng như mọi người trong Ban quan tâm là làm sao cho sự giả mạo phải thật hoàn hảo. Đến buổi sáng ngày thứ sáu thì nhiệm vụ đã bớt dần. Chờ nửa tiếng đồng hồ mà không có cuộn giấy nào, sau đó có một cuộn rồi chấm hết. Khắp mọi chỗ công việc chấm dứt gần như cùng một lúc. Mọi người cùng thở phào. Một công việc vĩ đại, nhưng sẽ chẳng bao giờ được nhắc tới, đã hoàn thành. Từ giờ trở đi sẽ không ai có thể chứng minh bằng giấy trắng mực đen rằng đã có chiến tranh với Eurasia. Đúng mười hai giờ thì có thông báo cán bộ công nhân viên của Bộ được nghỉ đến sáng ngày mai. Winston cầm cái cặp có chứa cuốn sách (khi làm việc thì anh kẹp vào háng, còn lúc ngủ thì đặt làm gối) và đi về nhà, cạo râu và thiếp đi ngay trong bồn tắm dù nước chỉ hơi âm ấm thôi.
Anh bước lên thang gác nhà ông Charrington, mỗi bước lại nghe kêu rắc rắc trong các khớp xương. Mệt nhưng không còn buồn ngủ nữa. Anh mở cửa sổ, đốt cái bếp dầu để đun nước pha cà phê. Tí nữa Julia sẽ tới, nhưng bây giờ phải xem sách đã. Anh ngồi vào cái ghế bành sờn và mở khoá cặp. Một cuốn sách dày, bìa màu đen, không có tên tác giả hay tác phẩm. Chữ in cũng không thật chuẩn. Các trang giấy đều sờn mép và dễ rách, chắc đã qua tay nhiều người lắm rồi. Trang thứ nhất có ghi:
EMMANUEL GOLDSTEIN
CHỦ NGHĨA TẬP THỂ BĂNG ĐẢNG
LÍ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN
© 2004 talawas
Nguồn: dịch từ tiếng Anh