VI.
Winston ghi trong nhật kí:
Chuyện này xảy ra cách đây đã ba năm. Trời tối, trên một con hẻm gần ga tầu hoả. Bà ta đứng bên cạnh cửa ra vào, dưới bóng đèn điện tối mù. Nét mặt còn trẻ, trát đầy son phấn. Má phấn, môi son đã quyến rũ mình. Đảng viên nữ không đánh phấn. Đường phố vắng tanh, không có màn vô tuyến. Bà ta bảo hai dollar. Mình...
Anh cảm thấy khó viết tiếp. Anh nhắm mắt lại và lấy những ngón tay đè lên mí mắt, như cố đẩy những hình ảnh cứ lặp đi lặp lại ra khỏi đầu. Anh chỉ muốn văng tục, thật to, thật dài mới đã. Hoặc là đập đầu vào tường, hay đá đổ cái bàn, ném lọ mực ra khỏi cửa sổ, tức là làm bất cứ thứ gì một cách ồn ào, một cách mãnh liệt hay đau đớn để có thể tống khứ ra khỏi tâm trí những hình ảnh luôn luôn hành hạ anh.
Kẻ thù tệ hại nhất của một người, anh nghĩ, là hệ thần kinh của chính anh ta. Bất cứ lúc nào những căng thẳng nội tâm cũng có thể phát tác ra thành biểu hiện nhìn thấy được. Anh chợt nhớ đến một người đàn ông đã gặp cách đây vài tuần trên phố, một người rất bình thường, đảng viên, tuổi khoảng ba lăm hay bốn mươi, cao, gầy, tay xách cặp. Hai người cách nhau mấy bước, đột nhiên má bên trái ông ta giật lên vì co cơ. Chuyện ấy lặp lại khi họ bước ngang qua mặt nhau: đấy chỉ là một cơn co giật nhẹ, chỉ là một cơn rung nhẹ như cú đóng của cái màn máy ảnh vậy thôi, nhưng rõ là một thói quen! Lúc đó anh đã nghĩ: thằng này xong rồi. Kinh khủng nhất là hắn ta có thể không biết mình có thói quen đó. Nhưng nguy hiểm hơn cả là nói mê. Chuyện này thì vô phương, anh nghĩ.
Anh hít vào một hơi và tiếp tục viết:
Mình đi theo bà ta qua một cái sân và vào căn bếp bên dưới tầng hầm. Có một cái giường kê sát tường và một cái đèn vặn nhỏ như hạt đỗ. Bà ta...
Hai hàm răng anh nghiến chặt. Chỉ muốn nhổ nước miếng. Bên cạnh hình ảnh người đàn bà trong căn bếp dưới tầng ngầm, trong tâm trí anh lại hiện về bóng dáng Katherine, người vợ cũ của anh. Winston đã cưới vợ, đã có vợ và có thể hiện nay vẫn có vợ vì theo anh biết thì cô còn sống. Anh như đang hít thở cái không khí ngột ngạt, nặng mùi của căn bếp dưới tầng ngầm, một cái mùi hỗn hợp giữa quần áo bẩn, chấy rận và nước hoa rẻ tiền, nhưng quyến rũ vì không có nữ đảng viên nào xức nước hoa hay có thể tưởng tượng mình lại xức nước hoa. Chỉ có bọn cu li mới xức nước hoa. Theo anh mùi nước hoa là mùi đĩ thõa.
Đây là lần sa ngã đầu tiên trong suốt hai năm qua. Dĩ nhiên là không được quan hệ với gái điếm, nhưng đôi khi cũng có thể liều. Việc này nguy hiểm đấy, nhưng không phải là vấn đề sống còn. Bị tóm tại trận thì cũng chỉ năm năm khổ sai là cùng, đấy là nói nếu không có tình tiết tăng nặng. Miễn đừng bị trai trên gái dưới là được. Các khu phố nghèo đầy bọn đàn bà sẵn sàng bán mình. Có thể chỉ một chai Gin cũng xong, bọn cu li không được uống loại rượu này. Đảng ngấm ngầm khuyến khích nạn mãi dâm vì đây là một lối thoát cho các thứ bản năng mà đằng nào cũng không đè nén được. Bản thân việc mua dâm không phải là vấn đề lớn, nhưng chỉ được quan hệ với bọn phụ nữ thuộc tầng lớp nghèo hèn, bị khinh bỉ và tất nhiên là phải lén lút. Quan hệ giữa các đảng viên là điều không thể tha thứ được. Mặc dù những người bị đàn áp trong các vụ thanh trừng lớn thường vẫn thú nhận đã phạm tội này, thật khó tưởng tượng điều đó lại có thể xảy ra trên thực tế.
Mục đích của Đảng không chỉ là ngăn chặn các quan hệ gắn bó lâu dài giữa đàn ông và đàn bà vì nó có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tuy không nói ra, như mục đích thực sự chính là tước bỏ mọi vui thú khỏi hành động làm tình. Kẻ thù chính không phải là tình yêu mà là thú vui nhục dục, kể cả trong hôn nhân cũng như ngoài hôn nhân. Các đảng viên phải được một ủy ban chuyên trách về lĩnh vực này cho phép thì mới được kết hôn và mặc dù không công bố công khai, nhưng thường thì đơn sẽ bị bác nếu người ta thấy hai người có vẻ mê nhau về thể xác. Mục đích duy nhất của hôn nhân là sinh con đẻ cái để phục vụ sự nghiệp của Đảng. Như vậy làm tình phải được coi là một động tác chẳng có gì hay ho, giống như phải rửa ruột trước khi mổ vậy. Chuyện này cũng không bao giờ được nói công khai, nhưng được nhồi nhét một cách gián tiếp vào đầu các đảng viên ngay từ tuổi ấu thơ. Có cả những tổ chức như Hội Thanh Niên Chống Tình Dục tuyên truyền kiểu sống đơn thân của cả hai phái. Việc thụ thai đáng lẽ ra phải được thực hiện bằng nhân tạo (Ngômo gọi là
Thụtạo) và trẻ con được nuôi dạy tập trung trong các cơ sở của nhà nước. Winston biết rằng đây không phải là chuyện nghiêm túc, nhưng nó phù hợp với đường lối chung của Đảng. Đảng tìm mọi cách tiêu diệt bản năng nhục dục, nhưng nếu không diệt được thì cũng phải bôi nhọ nó, làm cho nó méo mó đi. Anh không biết tại sao lại như vây, nhưng có cảm giác phải vậy mới đúng. Nếu chỉ nói riêng về phụ nữ thì Đảng đã thành công.
Anh lại nghĩ đến Katherine. Họ đã xa nhau chín, không...mười...gần mười một năm rồi. Có điều lạ là anh ít khi nghĩ đến cô. Có khi mấy ngày liền anh không nghĩ là mình có vợ. Họ ở bên nhau tổng cộng có mười lăm tháng. Đảng không cho li hôn, nhưng thường động viên li thân nếu không có con.
Katherine là một cô gái cao, tóc sáng, lưng thẳng, điệu bộ sang trọng. Cô có khuôn mặt trái xoan, tự tin, có thể nói là quí phái nữa; đấy là nói khi ta chưa phát hiện ra rằng đằng sau đó là một tâm hồn rỗng tuếch. Ngay từ những ngày sống chung đầu tiên Winston đã nhận ra rằng; cũng có thể đấy là do anh gần gũi với cô hơn là với những người khác, anh chưa từng gặp một người nào ngu ngốc, thô lậu và trống rỗng như cô. Trong đầu cô toàn là khẩu hiệu; Đảng đưa ra bất cứ cái gì, dù ngu ngốc đến đâu, cô cũng ăn tươi nuốt sống ngay lập tức. Anh vẫn gọi cô là “máy hát biết đi” - tất nhiên là chỉ gọi thầm trong đầu thôi. Nhưng anh vẫn sẵn sàng chịu đựng cuộc sống với cô nếu không có vấn đề tình dục.
Chỉ cần chạm vào người là cô đã nhăn nhó và cứng đơ ra rồi. Ôm cô chẳng khác gì ôm một hình nhân bằng gỗ. Có điều lạ là khi cô ghì lấy anh thì anh cũng có cảm giác là cô đang cố sức hất anh ra. Chính những cánh tay rắn chắc của cô tạo cảm giác như thế. Cô thường nằm yên, mắt nhắm, không kháng cự cũng chẳng hợp tác, đơn giản là
chịu đựng. Ban đầu anh thấy lúng túng, nhưng sau này thì đâm ra hãi. Lúc đó anh vẫn sẵn sàng chấp nhận miễn là hai người đồng ý không ngủ với nhau nữa. Nhưng có điều lạ là chính Katherine không chịu. Chúng ta có trách nhiệm sinh con, cô bảo thế. Chuyện chăn gối được thực hiện đều đặn, nếu không có trở ngại thì tuần một lần. Cô còn thường nhắc anh vào buổi sáng, giống như nhắc một việc phải làm vào buổi tối cho khỏi quên. Cô gọi chuyện đó bằng hai cái tên. Một là “nghĩ đến em bé” và thứ hai là “trách nhiệm trước Đảng” (vâng, cô dùng chính câu đó). Chẳng bao lâu sau, cứ gần đến ngày qui định anh đã thấy sợ rồi. May là họ không có con, cuối cùng cô không cố nữa và họ chia tay ngay sau đó.
Winston hít một hơi dài. Anh cầm bút và viết:
Bà ta nằm vật ra giường và ngay lập tức, không mầu mè gì, bà ta tốc váy lên bằng một động tác thô lỗ, tục tằn nhất mà ta có thể tưởng tượng được. Mình...
Anh như thấy mình đang đứng dưới ánh đèn leo lét, giữa một không gian sặc mùi chấy rận, mùi nước hoa rẻ tiền, thâm tâm cảm thấy thất bại, uất hận và cũng như lúc đó anh chợt nhớ đến thân hình trắng trẻo nhưng đã bị Đảng thôi miên làm cho tê liệt, đông cứng lại của Katherine. Tại sao lúc nào cũng như thế này? Tại sao anh lại không có một người đàn bà của riêng mình mà cứ phải chịu đựng những vụ chung đụng dơ dáy, vội vàng, mấy năm mới có một lần thế này? Nhưng tình yêu là việc không tưởng. Tất cả các nữ đảng viên đều giống nhau. Sự trong trắng cũng như lòng trung thành với Đảng đã ăn sâu bén rễ vào lòng họ từ lâu rồi. Tình cảm chân thật của họ đã bị hoàn cảnh sống với những trò chơi, những buổi tắm nước lạnh, những điều nhảm nhí được nhồi nhét vào đầu họ từ trong nhà trường, trong đội Tình Báo, trong Đoàn Thanh Niên; các bản báo cáo, các cuộc tuần hành, các bài hát, các khẩu hiệu, các khúc quân hành giết chết từ lâu. Lí trí nói với anh rằng nhất định phải có ngoại lệ, nhưng tình cảm thì lại nói không. Tất cả đều là những người không thể lay chuyển, Đảng đã đạt được mục đích. Điều anh muốn không chỉ là được yêu mà là đập tan bức tường đạo đức đó, dù chỉ một lần trong đời cũng cam. Một cú làm tình thành công đã là một cuộc khởi nghĩa. Ham muốn cũng là tội tư tưởng. Ngủ với Katherine đã tỉnh thức, nếu anh làm được như thế, thì đấy chính là hành động cám dỗ, cho dù cô là vợ anh.
Nhưng phải viết nốt câu chuyện. Anh lại cầm bút và viết:
Mình vặn to đèn lên. Dưới ánh đèn mình thấy bà ta...
Từ ngoài tối mới vào nên ngọn đèn dầu hoả tù mù cũng có vẻ rất sáng. Đây là lần đầu tiên anh trông rõ người phụ nữ. Anh bước một bước về phía bà ta nhưng vội đứng dừng lại, vừa khao khát vừa sợ. Anh biết rõ những hiểm nguy một khi dấn bước vào đây. Có thể là cảnh vệ sẽ tóm anh khi vừa bước ra, mà có thể họ đang đứng đợi anh ngay ngoài cổng rồi cũng nên. Nhưng nếu đi ra mà không làm cho xong thì đến đây làm gì...!
Phải viết hết, phải thú nhật hết. Điều làm anh bất ngờ chính là việc bà ta
quá già. Phấn trát trên mặt dày đến nỗi tưởng như có thể rời ra từng mảng đến nơi. Tóc bà ta đã bạc, nhưng kinh khủng nhất là miệng bà ta hơi mở, để lộ ra một khoảng trống đen ngòm như một cái hang. Không còn cái răng nào.
Anh viết vội vàng, bằng những chữ ngụêch ngoạc:
Dưới ánh đèn mình thấy bà ta quá già, ít nhất cũng phải năm mươi. Nhưng mình vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra.
Winston lại lấy ngón tay đè lên mí mắt. Anh đã viết xong, nhưng thâm tâm chẳng cảm thấy một sự thay đổi nào hết. Liệu pháp không đem lại kết qủa như ý. Ước muốn văng tục thật to, to hết cỡ vẫn còn y nguyên, như cũ.
VII.
Nếu có hi vọng, Winston viết,
thì đấy chính là bọn cu li.
Nếu có hi vọng thì
nhất định chỉ là bọn cu li mà thôi, một lúc nào đó từ trong cái đám quần chúng đông đảo, chiếm đến 85 phần trăm dân số Oceania này, sẽ xuất hiện lực lượng đủ sức lật đổ Đảng. Đảng không thể bị lật từ bên trong. Kẻ thù của nó, nếu quả thật nó có kẻ thù, không thể nào tập hợp lại được, nhận diện nhau cũng còn không được nữa là. Ngay cả nếu tổ chức Huynh Đệ huyền thoại thực sự tồn tại đi nữa, nhiều khả năng là có một tổ chức như thế, thì cũng không thể tưởng tượng được là các thành viên của nó có thể tổ chức được một cuộc họp đông quá hai, ba người. Nổi loạn đối với họ là một ánh mắt, một giọng nói hoặc nhiều nhất là một từ nói lén. Nhưng bọn cu li, nếu chúng nhận thức được sức mạnh của mình thì sẽ không cần phải hoạt động bí mật. Chỉ cần chúng cùng đứng dậy và rũ bỏ như ngựa rũ ruồi là xong. Chỉ cần muốn là chúng có thể thổi bay Đảng ngay trong sáng mai. Sớm muộn gì chúng cũng sẽ nhận ra điều đó. Nhưng!...
Anh chợt nhớ có lần đang đi trên một con phố đông người thì bỗng nghe thấy tiếng thét, đấy là tiếng kêu gào của hàng trăm người đàn bà trong một con hẻm nhỏ. Tiếng thét đầy thất vọng và phẫn nộ, to, sâu và kéo dai như tiếng chuông: “A-a-a-a!”. Tim anh đập rộn lên. Bắt đầu rồi! – anh nghĩ. Loạn! Bọn cu li làm loạn rồi! Nhưng khi anh đến gần thì hoá ra là một đám đông khoảng hai trăm đến ba trăm người phụ nữ đang vây quanh mấy cái quầy bán hàng trên phố, mặt người nào trông cũng hoảng loạn như đang đứng trên một con tàu sắp chìm. Ngay lúc đó đám đông tuyệt vọng bỗng tản ra thành những nhóm nhỏ tiếp tục hò hét, tranh cãi. Cỏ vẻ như một quầy ở đấy có bán chảo. Đấy toàn là những thứ xấu xí, mỏng dính, thế nhưng đồ gia dụng thường rất khó kiếm. Người đông thế mà hàng lại đột ngột hết. Những người gặp may, dù có bị chen lấn xô đẩy, bị thúc cùi chỏ vào sườn cũng cố gắng giữ chặt cái chảo vừa mua được và lách ra; trong khi những người khác kém may mắn hơn thì bao vây quầy hàng, trách móc người bán hàng vì không công bằng và hỏi xem có giấu bớt đi không. Lại có tiếng thét. Hai bà béo, một bà tóc đã xổ tung ra, đang giằng nhau một cái chảo. Họ cùng giật mạnh, cái cán chảo gãy rời ra. Winston đứng nhìn bằng cặp mắt đầy khinh khi. Nhưng tiếng hò hét của chỉ mấy trăm cái miệng đã đáng sợ làm sao! Thế tại sao chúng lại không bao giờ hét lên vì những cái đáng giá hơn nhỉ?
Anh viết trong nhật kí:
Chúng sẽ không khởi nghĩa khi chưa nhận thức được; nhưng chúng sẽ không nhận thức được khi chưa khởi nghĩa.
Câu này giống như được chép thẳng từ sách giáo khoa của Đảng ra vậy, anh nghĩ. Dĩ nhiên là đảng vẫn thường tuyên bố rằng đã giải phóng bọn cu li khỏi gông xiềng. Trước Cách mạng chúng bị bọn tư bản bóc lột thậm tệ, bị bỏ đói và trừng phạt bằng roi vọt, phụ nữ cũng phải làm việc dưới hầm mỏ (thực ra bây giờ phụ nữ vẫn phải làm việc dưới mỏ), trẻ con bị bán vào nhà máy từ năm lên sáu tuổi. Đồng thời, theo đúng quan điểm bất nhất, Đảng lại dạy rằng cu li là lũ tiểu nhân, chỉ có thể bắt làm theo chứ không giảng lí sự được, giống như súc vật, đối với chúng chỉ cần áp dụng mấy qui tắc đơn giản là đủ. Nói cho ngay người ta chẳng hiểu gì về cu li cả. Cũng chẳng cần phải tìm hiểu làm gì. Chỉ cần chúng tiếp tục làm việc và sinh con đẻ cái, các việc khác cứ để mặc chúng. Nếu được để yên, giống như lũ súc vật trên các bình nguyên của Argentina, chúng sẽ quay về với lối sống tự nhiên, như tổ tiên chúng đã từng sống. Chúng sinh ra, lớn lên trong đói nghèo, bẩn thỉu; mười hai tuổi đã phải đi làm; trải qua giai đoạn dậy thì ngắn ngủi; chúng sẽ kết hôn năm vừa tròn hai mươi tuổi; ba mươi tuổi đã là trung niên; ít người sống quá sáu mươi. Công việc nặng nhọc, lo lắng cho gia đình và con cái, những cuộc cãi vã với láng giềng, phim ảnh, bóng đá, bia bọt và chủ yếu là trò đỏ đen đã chiếm hết tâm trí chúng. Quản lí chúng không khó. Cảnh Sát Tư Tưởng luôn luôn bám địa bàn, họ vừa tung các tin đồn thất thiệt vừa ghi nhận và loại bỏ những tên bị nghi là phần tử nguy hiểm; nhưng vấn đề truyền bá tư tưởng của Đảng cho chúng thì chưa bao giờ được đặt ra. Cu li quan tâm nhiều đến chính trị không phải là việc hay. Chỉ cần có lòng yêu nước là được, phải kéo dài thời gian lao động hay cắt bớt khẩu phần là bao giờ người ta cũng kêu gọi yêu nước. Ngay cả khi chúng bất mãn, đôi khi có chuyện đó thật, thì sự bất mãn cũng không đi đến đâu; do không có đường lối chung chúng chỉ biết hướng sự bất bình vào những vấn đề cụ thể, lặt vặt mà thôi. Chúng không để ý đến những vấn đề lớn. Nhà đa số cu li không có cả màn vô tuyến. Cảnh sát thường không can thiệp vào việc riêng của chúng. London là thành phố đầy tội phạm; phải nói cả một thế giới trong một thế giới: trộm cắp, cướp giật, mại dâm, ma tuý, bảo kê đủ loại, nhưng đây là chuyện nội bộ của bọn cu li nên được coi là không quan trọng. Về đạo đức, chúng được phép theo các phong tục của mình. Bọn cu li không phải tuân theo nguyên tắc chay tịnh trong quan hệ nam nữ của Đảng. Chúng được phép li hôn, còn lang chạ thì không bị trừng phạt. Nói cho ngay, nếu muốn, chúng có thể thành lập cả tôn giáo nữa. Không ai thèm nghi ngờ chúng làm gì. Khẩu hiệu của Đảng vẫn nói: “Cu li và súc vật được tự do”.
Winston cúi xuống và khẽ gãi chỗ loét do giãn tĩnh mạch. Lại ngứa nữa rồi. Dù muốn dù không tâm trí anh luôn trở về với câu hỏi: trước Cách mạng người ta đã sống ra sao? Anh lấy từ trong ngăn kéo bàn ra một cuốn sách giáo khoa lịch sử dành cho trẻ con vừa mượn của bà Parsons và chép một đoạn vào cuốn nhật kí:
Ngày xưa, trước cuộc Cách Mạng vĩ đại, London không được đẹp như ngày hôm nay. Đấy là một thành phố vừa tối vừa bẩn, nghèo nàn đến độ chẳng ai được ăn no, hàng trăm, hàng ngàn người nghèo khổ phải đi chân không, màn trời chiếu đất. Trẻ em còn nhỏ tuổi hơn các cháu đã phải làm việc mười hai tiếng mỗi ngày mà chỉ được ăn vỏ bánh mì với nước lã, làm chậm còn bị chủ đánh bằng roi. Nhưng giữa cảnh nghèo khổ hoang tàn đó lại có những toà nhà to đẹp dành cho những kẻ giàu có, trong đó mỗi tên có đến ba chục đầy tớ. Những kẻ giầu có này được gọi là nhà tư sản. Chúng là những tên béo phị, xấu xí, hung dữ như tranh minh hoạ ở trang sau. Các cháu có thể thấy hắn mặc một cái áo khoác có đuôi gọi là áo đuôi tôm và đội một cái mũ kì quặc, bóng loáng, có hình thù như ống khói, gọi là mũ phớt. Đấy là đồng phục của bọn tư sản, người khác không được mặc như thế. Bọn tư sản nắm giữ tất cả tài sản trên thế gian này, ai cũng là nô lệ của chúng hết. Chúng chiếm hết đất đai, nhà cửa, công xưởng và tiền bạc. Ai phản đối liền bị chúng vất vào tù, hoặc sẽ bị đuổi việc và chết đói. Một người bình thường khi nói chuyện với tư sản phải khép nép, phải cúi rạp mình xuống chào, phải bỏ mũ ra và gọi hắn là “ngài”. Tên tư sản đầu sỏ tự gọi là Vua và...
Anh vẫn thuộc lòng danh sách này. Sau đó sẽ là các thày tu áo thụng, các quan tòa áo viền lông chồn, rồi gông cùm, rồi việc đạp cối xay, rồi roi thắt chín nút, rồi những bữa chiêu đãi của ngài tỉnh trưởng, rồi truyền thống hôn giày của Giáo hoàng. Cả cái gọi là jus primae noctis (quyền qua đêm đầu tiên) mà sách dành cho trẻ em chắc sẽ không nói. Theo qui định này thì các tên tư sản có quyền ngủ với bất kì người phụ nữ làm thuê nào mà hắn thích.
Làm sao biết có bao nhiêu phần trăm giả dối? Rất
có thể là một người trung bình hiện nay sống tốt hơn trước Cách Mạng. Chỉ có một bằng chứng chống lại, đấy là sự phản kháng không nói nên lời của chính da thịt ta, một cảm giác mang tính bản năng rằng điều kiện sống hiện nay là không thể chấp nhận được, rằng ngày xưa chắc chắn người ta sống khác bây giờ. Anh chợt nghĩ đặc điểm của đời sống hiện nay không phải là sự tàn bạo, không phải là sự bấp bênh mà chính là sự nghèo nàn, trống rỗng, nhếch nhác và thờ ơ. Hãy nhìn quanh xem, có gì tương tự với những điều dối trá vẫn được màn vô tuyến tuôn ra hàng ngày hay ngay cả với những lí tưởng mà Đảng theo đuổi. Phần lớn đời sống của ngay một đảng viên cũng diễn ra bên ngoài chính trị: đấy là thực hiện cho xong những công việc vất vả, chán ngấy; đấy là chen nhau để giành một chỗ đứng trong tầu điện ngầm; đấy là mạng những chiếc tất thủng; đấy là xin xỏ những viên đường hoá học; đấy là cố giữ cho thuốc lá khỏi rơi. Còn lí tưởng của Đảng lại là một cái gì đó to lớn, khủng khiếp, lấp lánh - một thế giới của sắt thép và bê tông, của những chiếc máy khổng lồ, của những vũ khí reo rắc kinh hoàng; của một dân tộc với các chiến binh và những kẻ cuồng tín, cùng nhịp bước trong một đội ngũ thống nhất, tất cả cùng nghĩ một ý, cùng hô một khẩu hiệu, luôn luôn làm việc, luôn luôn chiến đấu, luôn luôn diễu hành và sẵn sàng trấn áp; một đất nước ba trăm triệu người với cùng một khuôn mặt. Nhưng thực tế lại là sự thối rữa, những thành phố dơ dáy với những con người đói ăn đi đi lại lại trong những đôi tất rách, sống trong những ngôi nhà xây từ thế kỉ mười chín sặc mùi bắp cải và mùi nhà xí cũ. Anh như nhìn thấy toàn cảnh thành phố London, to lớn và bị tàn phá, một thành phố với hàng triệu thùng rác và trên bức tranh chung ấy là hình ảnh bà Parsons mặt đấy nếp nhăn, tóc ướt bê bết, bất lực, đang cố móc cái ống nước bị tắc.
Anh lại cúi xuống để gãi mắt cá chân. Cái màn vô tuyến cứ ra rả phun vào tai suốt đêm ngày những con số chứng minh rằng hiện nay nhân dân được ăn nhiều hơn, mặc ấm hơn, có nhà đẹp hơn, nghỉ ngơi thú vị hơn, sống lâu hơn, làm ít hơn, to hơn, khoẻ hơn, mạnh mẽ hơn, hạnh phúc hơn, thông minh hơn, được giáo dục tốt hơn cách đây năm mươi năm. Không thể chứng minh hay phủ nhận bất kì từ nào. Thí dụ Đảng tuyên bố rằng hiện nay 40 phần trăm cu li trưởng thành biết đọc biết viết, trước Cách mạng chỉ có 15 phần trăm thôi. Đảng cũng tuyên bố rằng hiện nay tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh là 160 trên một ngàn, trong khi trước Cách mạng con số đó là 300 vân vân và vân vân. Giống như một phương trình có hai ẩn số. Hoàn toàn có khả năng là tất cả các từ trong sách lịch sử, kể cả những điều ta coi là hiển nhiên, đều là bịa cả. Ai mà biết, có thể chưa bao giờ có luật gọi là quyền qua đêm đầu tiên, cũng có thể chưa từng có một sinh vật nào có tên là tư sản, hoặc có thể chưa từng có một thứ trang sức gọi là mũ phớt cũng nên.
Mọi thứ đều mờ mịt. Quá khứ bị xoá bỏ, khi việc xoá bỏ đã bị quên đi thì dối trá trở thành sự thật. Đã có một lần anh nắm được,
sau khi sự kiện đã xảy ra: đấy gọi là chứng cớ rõ ràng, cụ thể của sự giả mạo. Anh đã giữ nó trong tay khoảng ba mươi giây. Đấy là vào khoảng năm 1973, tóm lại, vào khoảng thời gian anh và Katherine chia tay. Nhưng sự kiện thì xảy ra khoảng bảy, tám năm trước.
Câu chuyện bắt đầu vào giữa những năm sáu mươi, trong thời gian có những cuộc thanh trừng lớn, khi các nhà lãnh đạo thật sự của Cách mạng bị tiêu diệt hết. Đến 1970, trừ Anh Cả ra thì không một người nào còn sống sót. Những người khác đều bị tố cáo là phản bội hay phản cách mạng. Goldstein chạy thoát và trốn tránh ở đâu không ai biết, một số biến mất, còn đa số thì đã thú tội trong các phiên toà dàn cảnh rồi bị mang đi hành quyết hết. Trong số đó có ba người tên là Jones, Aaroson và Rutherford. Họ bị bắt vào khoảng năm 1965. Giống như những người khác, họ biệt tích khoảng một năm hay hơn một năm, không ai biết họ còn sống hay đã chết, rồi họ bất ngờ xuất hiện trong các phiên toà để tự tố cáo chính minh. Họ thú nhận đã làm gián điệp cho kẻ thù (lúc đó kẻ thù là Eurasia), biển thủ công quỹ, giết hại các đảng viên trung kiên, chống lại sự lãnh đạo của Anh Cả; các việc này xảy ra từ trước Cách mạng, và nhiều hành động phá hoại khác làm hàng ngàn người thiệt mạng. Sau khi thú nhận, họ được tha thứ, phục hồi Đảng tịch, được đề bạt vào các chức vụ hữu danh vô thực. Cả ba đều viết những bài thú tội dài đăng trên tờ
Times, trong đó họ phân tích rõ nguyên nhân của sự phản bội và hứa sửa chữa khuyết điểm.
Sau đó có lần Winston đã nhìn thấy cả ba người ngồi trong quán cà phê "Cây dẻ". Anh nhớ đã nhìn trộm họ, vừa ngạc nhiên vừa sợ, mắt không rời một cử động nào. Họ già hơn anh nhiều, họ là những chứng nhân của một thời quá khứ xa xôi, có thể họ chính là những nhân vật vĩ đại cuối cùng còn lại từ những ngày tháng anh hùng của Đảng. Họ vẫn được bao bọc trong ánh hào quang của những ngày tháng hoạt động bí mật và nội chiến. Anh có cảm giác, dù rằng các sự kiện và ngày tháng đã bị xáo trộn, rằng anh đã nghe tên của họ trước khi biết tên Anh Cả. Nhưng lúc đó họ đã ở ngoài vòng pháp luật, là kẻ thù, là tiện dân, là những người sẽ bị hành quyết trong vòng một đến hai năm tới. Chưa có ai từng rơi vào tay Cảnh Sát Tư Tưởng mà thoát được cả. Họ đã là những thây ma chờ ngày ra huyệt mộ.
Dãy bàn gần chỗ họ ngồi tuyệt nhiên không có một ai. Chẳng ai dại gì mà đến gần họ. Họ ngồi yên lặng, trước mặt là mấy li Gin pha mùi đinh hương, đồ uống đặc biệt của quán này. Winston có cảm tình nhất với Rutherford. Trước đây Rutherford từng là một hoạ sĩ vẽ tranh châm biếm nổi tiếng, chính những bức tranh biếm hoạ hiểm ác của ông đã góp phần kích động dư luận trước và trong Cách mạng. Hiện nay, thỉnh thoảng tranh biếm hoạ của ông vẫn xuất hiện trên tờ
Times. Nhưng đấy chỉ là bắt chước phong cách sáng tác cũ của ông mà thôi, chúng hoàn toàn không có sức sống và thiếu sức thuyết phục. Vẫn là những đề tài cũ: nhà ổ chuột, trẻ đói ăn, cuộc chiến đấu trên đường phố, những tên tư sản đội mũ phớt, ngay cả trên chiến luỹ chúng cũng không chịu bỏ mũ; ông cố tìm lại quá khứ bằng những cố gắng bất tận và vô vọng. Ông có một thân hình to lớn, mái tóc bồng đã bạc, mặt đầy vết nhăn, chảy xệ; cặp môi dày trề ra như người da đen. Ngày xưa chắc ông khoẻ lắm, nhưng nay thân hình một thời vạm vỡ của ông đang nhão ra, bùng nhùng, phồng lên. Có vẻ như ông đang sụp xuống ngay trước mắt, giống như một quả núi đang lở vậy.
Lúc đó khoảng ba giờ chiều, giờ này thường vắng. Bây giờ Winston không thể nhớ làm sao anh lại đến quán vào giờ đó. Gần như không có khách. Màn vô tuyến phát một bản nhạc vui. Ba người đàn ông ngồi yên lặng, bất động trong một góc. Người hầu bàn tự động mang rượu Gin đến cho họ. Trên bàn có một bàn cờ đã bày sẵn nhưng không thấy họ chơi. Bất thình lình màn vô tuyến có trục trặc, khoảng ba mươi giây. Sau đó người ta phát một bản nhạc khác hẳn. Có một điều gì đó bất ngờ vừa xảy ra, nhưng cụ thể là điều gì thì thật khó nói. Một giọng hát kì quặc, rè rè, the thé, giễu cợt: Winston thầm gọi là giọng ca vàng. Bài hát như sau:
Dưới tán cây dẻ này
Tôi bán anh và anh bán tôi
Họ nằm kia và ta nằm đây
Dưới tán cây dẻ này.
Ba người đàn ông không hề động đậy. Nhưng khi Winston nhìn vào khuôn mặt tàn tạ của Rutherford thì thấy ông đang khóc. Và chính lúc đó anh chợt rùng mình, anh cũng không hiểu vì sao lại rùng mình nữa, khi trông thấy mũi của Aaronson và Rutherford bị đấm bầm tím.
Ba người bị bắt lại sau đó không lâu. Người ta đã phát hiện được họ tham gia vào những âm mưu mới ngay sau khi được thả. Trong phiên tòa thứ hai họ thú nhận hết các tội lỗi cũ và hàng loạt tội mới nữa. Họ đã bị hành quyết, vụ án này được ghi vào lịch sử Đảng như một lời cảnh báo cho hậu thế. Khoảng năm năm sau, vào năm 1973 khi Winston đang giở những cuộn giấy vừa được ống khi nén đẩy ra thì phát hiện được một mảnh giấy. Vừa đặt tờ giấy lên mặt bàn là anh hiểu ngay giá trị của nó. Đấy là nửa trang báo Times, ra trước đó chừng mười năm, lại là nửa trên nên còn nguyên ngày tháng, trên đó là tấm ảnh chụp đoàn đại biểu Đảng tham dự một sự kiện gì đó ở New York. Đứng ngay giữa bức ảnh là ba người: Jones, Aaronson và Rutherford. Không thể nào lầm được, vả lại tên các đại biểu có ghi ngay bên dưới bức ảnh.
Trong cả hai phiên toà ba người đều thú nhận rằng ngày đó tháng đó họ đang ở Eurasia. Họ được máy bay đón từ một sân bay bí mật ở Canada và bay đến Siberia, tại đây họ đã gặp các quan chức trong Bộ Tổng Tham Mưu quân Eurasia và đã chuyển các bí mật quân sự quan trọng cho chúng. Ngày tháng đã hằn sâu trong tâm trí Winston vì hôm ấy là ngày hạ chí; toàn bộ câu chuyện này chắc chắn phải được ghi trong hàng loạt tài liệu khác nữa. Chỉ có thể rút ra kết luận: các lời thú tội của họ là giả.
Dĩ nhiên đây chẳng phải là điều mới. Ngay từ thời đó Winston đã không tin là những người bị thanh trừng quả thực đã phạm những tội lỗi mà họ bị qui kết. Nhưng đây là bằng chứng cụ thể, đây là một mảnh của quá khứ đã bị xoá bỏ, một khúc xương hoá thạch tìm được trong một địa tầng khác, nó đã bác bỏ cả một hệ thống lí thuyết địa chất từng tồn tại từ lâu. Nếu có thể công bố sự kiện này và giải thích ý nghĩa của nó cho dân chúng biết thì Đảng toi.
Anh bắt đầu làm việc ngay. Anh vội lấy một tờ giấy khác đè lên bức ảnh khi vừa nhìn thấy và nhận ra ý nghĩa của nó. May là khi anh giở thì bức ảnh lại nằm ngược với hướng của màn vô tuyến.
Anh đặt cuốn sổ lên đầu gối và lấy chân đẩy ghế đi cách càng xa màn vô tuyến càng tốt. Giữ cho nét mặt vô cảm là việc không khó, nhịp thở cũng có thể kiểm soát được, nhưng kiểm soát nhịp tim thì không được, màn vô tuyến nhậy lắm, có thể phát hiện được đấy. Anh chờ khoảng mười phút, đầy đau khổ vì lo lắng, thí dụ chỉ cần một cơn gió lùa ngang qua mặt bàn là coi như lộ hết. Sau đó, anh cứ để nguyên như thế và ném mảnh giấy vào hang nhớ cùng với mấy tờ giấy cũa khác. Chỉ một phút sau, chắc thế, là nó sẽ biến thành tro.
Chuyện đó xảy ra cách đây khoảng mười hay mười một năm trước. Bây giờ thì có khả năng là anh đã giữ lại rồi. Điều ngạc nhiên là dù bức ảnh cũng như sự kiện được ghi trên đó chỉ còn trong trí nhớ, việc anh đã từng cầm trong tay một chứng cớ như thế tiếp tục ảnh hưởng đến anh cho đến tận hôm nay. Có phải là quyền lực của Đảng đối với quá khứ đã giảm, anh tự hỏi, vì tuy nay chút chứng chứng cứ ấy không còn, nhưng ngày xưa đã từng có một bằng chứng như thế.
Nhưng giả sử như có thể phục hồi được bức ảnh thì có thể nó cũng không còn là bằng chứng nữa. Ngay khi anh phát hiện được bức ảnh thì Oceania đã không còn đánh nhau với Eurasia nữa và ba người kia đã phải bán nước cho điệp viên của Eastasia rồi. Từ đó đến nay còn mấy lần thay đổi nữa, hai hoặc ba lần, anh không nhớ rõ. Rất có thể là những lời thú nhận đã được viết đi viết lại nhiều lần, nhiều đến nỗi sự kiện và ngày tháng ban đầu chẳng còn một tí ý nghĩa nào nữa. Qúa khứ không chỉ bị sửa đổi mà còn bị sửa đổi thường xuyên, sửa đổi liên tục. Điều kinh khủng nhất đối với anh chính là anh không làm sao hiểu nổi
tại sao lại phải làm cái công việc giả mạo hao tiền tốn của ghê gớm này. Lợi ích trước mắt thì rõ nhưng mục đích cuối cùng thì còn là bí mật. Anh cầm bút và viết:
Tôi hiểu làm THẾ NÀO; nhưng không hiểu TẠI SAO.
Anh tự hỏi, cũng như anh đã từng tự hỏi nhiều lần, rằng minh có bị khùng không. Có thể người khùng là người thuộc về thiểu số, cái thiểu số rút lại đến mức chỉ còn có một người duy nhất. Ngày xưa tin rằng trái đất quay xung quanh mặt trời bị coi là khùng, còn nay, khùng là tin rằng quá khứ là không thể sửa đổi được. Có thể anh là người duy nhất tin như thế, mà duy nhất nghĩa là khùng rồi. Nhưng ý nghĩ rằng mình đã bị điên không làm anh lo: sợ nhất là anh vừa điên vừa sai nữa cơ.
Anh cầm cuốn sách lịch sử dành cho thiếu nhi và ngắm bức ảnh của Anh Cả minh hoạ trên trang nhất. Cặp mắt thôi miên nhìn thẳng vào anh. Giống như có một sức mạnh vô hình đè nén người ta, xuyên thấu vỏ não, đập liên hồi kì trận vào óc, doạ dẫm buộc phải từ bỏ niềm tin của chính mình, thuyết phục người ta từ bỏ cả những giác quan của mình nữa. Cuối cùng thì Đảng có thể tuyên bố rằng hai cộng hai là năm và dân chúng sẽ buộc phải tin. Sớm muộn gì họ sẽ tuyên bố như thế, quyền lực của họ đòi hỏi như vậy. Triết lí của họ không chỉ ngấm ngầm phủ nhận giá trị của kinh nghiệm mà còn phủ nhận luôn cả hiện thực khách quan nữa. Điều nhảm nhí nhất trong những điều nhảm nhí đã trở thành hợp lí. Sợ nhất không phải là họ sẽ giết vì ta nghĩ khác mà là họ có thể đúng. Thực ra làm sao ta biết được rằng hai cộng với hai là bốn? Hoặc làm sao ta biết có lực hấp dẫn? Làm sao ta biết là quá khứ không thể thay đổI được? Hoặc giả nếu quá khứ và thế giới bên ngoài chỉ tồn tại trong tâm mà tâm có thể điều khiển được thì sao?
Không! Anh chợt thấy mình mạnh mẽ lên rất nhiều. Khuôn mặt O'Brien đột ngột hiện về trong tâm trí anh. Bây giờ anh biết rõ rằng O'Brien ủng hộ anh. Anh đang viết nhật kí cho O'Brien, gửi O'Brien: giống như một bức thư dài bất tận, sẽ chẳng có ai đọc, nhưng đây là viết riêng cho một người và sẽ có ý nghĩa khác trước.
Đảng bảo đừng tin vào tai mắt của chính mình. Đây chính là mệnh lệnh cuối cùng, mệnh lệnh quan trọng nhất của Đảng. Anh cảm thấy hoàn toàn chán nản khi nghĩ đến cái sức mạnh khủng khiếp đang bao vây mình, bất cứ một cán bộ chính trị nào của Đảng cũng có thể dễ dàng đánh bại anh trong các cuộc tranh luận, hắn sẽ dùng những lí lẽ mà anh không thể nào hiểu nổi chứ đừng nói có thể thể bác bỏ. Dù sao mặc lòng, chân lí ở phía anh! Chúng sai còn anh đúng. Một điều hiển nhiên, một điều giản dị, một điều đúng đắn cần phải được bảo vệ. Chân lí bao giờ cũng là chân lí, hãy giữ vững như thế! Thế giới đang tồn tại, các qui luật của nó không hề thay đổi. Đá thì cứng, nước thì ướt, vật không bị giữ sẽ rơi vào tâm trái đất. Cảm thấy như đang nói với O'Brien cũng như đang phát minh ra một sự thật hiển nhiên, Winston viết:
Tự do là tự do phát biểu rằng hai cộng hai là bốn. Nếu điều này được đảm bảo thì mọi việc khác sẽ tự đến.
© 2004 talawas