© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
12.7.2008
Elizabeth C. Economy, Adam Segal
Cơn ác mộng Olympic của Trung Quốc
(Thế vận hội có ý nghĩa gì đối với tương lai của Bắc Kinh)
Trần Ngọc Cư dịch
 
Tóm tắt: Vì không có kế hoạch nhằm đối phó những vấn đề có thể dự đoán trước, bữa tiệc ra mắt của Trung Quốc đã trở thành một tình huống khó xử.
Đêm 13-7-2001, hàng chục nghìn người đổ ra Quảng trường Thiên An Môn để chào mừng quyết định của Uỷ ban Olympic Quốc tế trao cho Bắc Kinh quyền đăng cai Thế vận hội 2008. Pháo nổ vang trời, cờ bay phất phới, và còi xe inh ỏi điên dại. Đó là giờ phút mà mọi người vô cùng khoái chí. Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và nhiều vị trong ban lãnh đạo đăng đàn cổ vũ đám đông chung sức chung lòng chuẩn bị cho Thế vận hội sắp tới. “Giành được quyền đăng cai Thế vận hội có nghĩa là giành được sự kính trọng, tin tưởng và lòng ưa chuộng của cộng đồng quốc tế”. Wangwei, một quan chức Olympic của Bắc Kinh đã tuyên bố như vậy. Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của nhà nước, trong giờ phút hân hoan, đã gọi quyết định của Uỷ ban Olympic Quốc tế là “một cột mốc mới trong tư thế đang lên của Trung Quốc trên trường quốc tế và là một biến cố lịch sử trong thời phục sinh vĩ đại của nước Trung Hoa.”

Việc đăng cai Thế vận hội được coi như là một cơ may để các nhà lãnh đạo Trung Quốc phô trương cùng thế giới những thành tích phát triển kinh tế và hiện đại hoá nhanh chóng của đất nước mình. Về mặt đối nội, đây là một cơ hội để chính phủ Trung Quốc biểu dương tài năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản và khẳng định tư thế của quốc gia -- một cường quốc chính của thế giới, ngang hàng với phương Tây. Khi khoác lên mình những giá trị của phong trào Olympic, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội để trình diện với thế giới không những trong tư thế một cường quốc đang lên, mà còn là một quốc gia “yêu chuộng hoà bình”. Trên phần lớn đoạn đường dẫn tới Thế vận hội, Bắc Kinh đã khá thành công trong việc xiển dương một thông điệp như thế.

Tiến trình chuẩn bị Thế vận hội được thiết kế chu đáo nhằm biểu dương những ưu điểm chính trị và kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, như: huy động nguồn lực từ trên xuống dưới, triển khai và thi hành những chiến dịch trên qui mô lớn nhằm cải tạo hành vi của công chúng, và khả năng thu hút sự chú ý và đầu tư nước ngoài vào một trong những trung tâm văn hoá và doanh nghiệp mới mẻ và sáng chói nhất của thế giới. Khả năng huy động các nguồn lực khổng lồ cho những công trình xây dựng hạ tầng thường diễn ra dễ dàng với Trung Quốc. Suốt chiều dài lịch sử, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dựa vào tài khéo và óc thông minh của khối dân vĩ đại để thực hiện một số công trình xây dựng ngoạn mục nhất thế giới, trong đó có Vạn Lí Truờng Thành, Cổ Vận Hà, và Đập Tam Hiệp. Đợt xây cất ồ ạt chuẩn bị Thế vận hội kì này không khác với tiền lệ lịch sử bao nhiêu. Bắc Kinh đã xây dựng 19 địa điểm mới cho các cuộc tranh tài, có sức chứa gấp đôi sức chứa của hệ thống tàu điện ngầm thành phố, đồng thời xây thêm một trạm (terminal) mới nữa cho phi trường thủ đô. Các khu dân cư khắp thành phố hoặc được chỉnh trang để chuẩn bị đón tiếp du khách Olympic, hoặc bị giải toả để dành diện tích xây cất thêm nhiều địa điểm cho Thế vận hội. Chi phí chính thức do nhà nước công bố đã lên gần 40 tỉ đôla và đây cũng là cơ hội bằng vàng cho ngành xây dựng. Trong dự kiến đăng cai Thế vận hội, chính phủ cũng đã lao vào một loạt nỗ lực nhằm biến đổi hành vi cá nhân và hiện đại hoá thủ đô. Nhà cầm quyền đã phát động những chiến dịch cải thiện phép xã giao, như cấm khạc nhổ, hút thuốc, xả rác bừa bãi nơi công cộng, cấm chen vào giữa hàng, đồng thời đưa ra những chương trình dạy tiếng Anh cho tài xế tắc-xi, nhân viên cảnh sát, người phục vụ khách sạn và bồi bàn. Các giới chức thủ đô đã dùng những dự án Olympic như một phương cách để tái chỉnh trang những cao ốc hư hỏng và giảm thiểu mức ô nhiễm không khí, nạn thiếu nước và nạn ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, ngay trong khi chính quyền Bắc Kinh làm việc không biết mỏi mệt để đảm bảo cho kì được những cảnh quan Olympic ấn tượng nhất, thì người ta cũng thấy rõ rằng Thế vận hội đã làm nổi bật không những thành tích đáng nể của Trung Quốc mà còn cả những bất cập nghiêm trọng của chế độ hiện tại. Nhưng hình như ít ai trong ban lãnh đạo trung ương dự kiến được tầm mức mà Thế vận hội 2008 có thể nhen nhúm dai dẳng những thách đố chính trị cho tính chính đáng (legitimacy) của Đảng Cộng sản và sự ổn định của quốc gia. Những yêu sách đòi hỏi chính phủ phải cởi mở chính trị, đòi cho Tây Tạng được tự trị hơn, đòi gia tăng áp lực với Sudan, đòi bảo vệ môi sinh tích cực hơn nữa, và đòi cải thiện thành tích an toàn sản phẩm, bấy nhiêu điều ấy có khả năng làm tiêu tan không khí hân hoan trong bữa tiệc ra mắt của quốc gia vĩ đại này. Với cảnh tượng khi đuốc Olympic đi vòng quanh thế giới đã có nhiều đoàn người biểu tình phản đối chạy theo sau, giấc mơ Olympic của Bắc Kinh nhanh chóng trở thành một ác mộng ngoại giao.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đạt thành tích ưu việt trong các dự án xây dựng hạ tầng, nhưng thành tích của chính phủ này về tính minh bạch, về trách nhiệm giải trình của các giới chức trước nhân dân, và về chế độ pháp trị, thì rất thảm hại. Chính phủ đã phản ứng vụng về đối với những thách thức chính trị trong và ngoài nước -- từ việc Bắc Kinh bất chấp nguyện vọng của cộng đồng quốc tế khi họ yêu cầu Trung Quốc giữ một vai trò tích cực hơn nữa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Darfur, rồi đến việc bắt bớ những người hoạt động chính trị nổi tiếng trong nước, và việc dùng vũ lực để đàn áp những người biểu tình. Mặc dù sự chống đối không được tổ chức và tập hợp chung quanh những yêu sách này, nhưng sự náo nhiệt của các tiếng nói đòi hỏi Trung Quốc phải thay đổi chính sách đã giảm bớt hào quang của Thế vận hội Bắc Kinh rất nhiều. Hơn nữa, mặc dù Đảng Cộng sản nhận được hậu thuẫn của người trong nước khi cơn phẫn nộ mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa dâng lên như một phản ứng chống lại những người Tây Tạng xuống đường và những kẻ ủng hộ họ ở phương Tây, nhưng Đảng Cộng sản cũng lo sợ rằng cơn phẫn nộ của quần chúng có thể bung ra ngoài vòng kiềm chế, gây tổn thương thêm cho uy tín quốc tế của Trung Quốc. Hình ảnh Trung Quốc với tư cách một cường quốc đang lên với đầy đủ tinh thần trách nhiệm mà Trung Quốc mong muốn cho mình đã bị hoen ố.

Đối với nhiều người trong cộng đồng quốc tế, bây giờ là lúc không còn có thể tách rời hai cách mô tả đối chọi nhau về Trung Quốc, một nước đạt mức phát triển rất đáng nể phục, nhưng lại có hồ sơ nhân quyền và hệ thống môi sinh rất tồi tệ. Bây giờ là lúc không còn có thể bàn luận về tương lai của Trung Quốc mà lại bỏ qua những đường nứt có khả năng gây địa chấn trong nội bộ nước này. Chính phủ Trung Quốc đang ngồi trên một chiếu bạc vĩ đại. Uy tín của Trung Quốc như một lãnh đạo toàn cầu, tiềm năng của Trung Quốc như khuôn vàng thước ngọc của thế giới đang phát triển, và địa vị của Trung Quốc như một trung tâm đang trỗi dậy của doanh nghiệp và văn hoá toàn cầu -- tất cả những tham vọng này sẽ bị lâm nguy nếu những thách đố chính trị nói trên không được giải quyết thoả đáng và ôn hoà.


Những bóng ma Thiên An Môn

Không có gì đe doạ giờ phút Olympic quang vinh của Trung Quốc bằng sự chỉ trích nhắm vào hệ thống chính trị hà khắc của nước này. Trung Quốc đã đánh mất cơ hội tổ chức Thế vận mùa Hè 2000 về tay Sydney, Australia, chí ít một phần cũng vì ký ức của nhân loại còn in đậm hình ảnh cuộc đàn áp bằng bạo lực tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng Sáu năm 1989. Khi Trung Quốc bỏ thầu đăng cai Thế vận hội 2008, Liu Jingmin, phó chủ tịch Uỷ ban Thầu đăng cai Olympic của Bắc Kinh, đã biện bạch: “Bằng cách cho phép Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội, quí ngài sẽ đóng góp cho sự phát triển nhân quyền”. Francois Carrad, tổng giám đốc của Uỷ ban Olympic Quốc tế, đã dè dặt ủng hộ luận điệu này: mặc dù ghi nhận những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc, nhưng ông ta lí giải: “Chúng tôi đang đánh cuộc rằng bảy năm sau… chúng ta sẽ thấy nhiều thay đổi”.

Ngày nay ít ai dám đánh cuộc như thế. Trong nhiều tháng liền, các nhà vận động nhân quyền, các chiến sĩ dân chủ, và các dân tộc ít người ở Trung Quốc đang tạo sức ép đòi hỏi chính phủ phải bày tỏ cam kết là sẽ nới rộng tự do chính trị. Trong mắt của nhiều người thuộc thành phần này, Thế vận hội sẽ làm nổi bật khoảng cách toang hoác giữa gương mặt mĩ miều mà Bắc Kinh muốn chưng ra cùng thế giới và thực tế chính trị xấu xa hơn nhiều ở trong nước. Đúng một năm trước ngày Olympics, một nhóm gồm 40 nhà dân chủ nổi tiếng ở Trung Quốc đã đưa lên mạng một thư ngỏ, tố cáo những phô trương hào nhoáng dành cho Thế vận hội sắp tới. Họ viết: “Chúng tôi quá biết những vinh vang này được xây dựng trên cuộc sống khốn cùng của biết bao nhiêu người dân thường, trên việc cưỡng chế xua đuổi biết bao lưu dân thành thị, và trên sự đau khổ của biết bao nhiêu nạn nhân do những vụ cướp đất thô bạo, do những vụ đuổi nhà cưỡng bách, do bóc lột lao động và bắt bớ giam cầm tuỳ tiện. Tất cả những tệ nạn này đã vi phạm tinh thần Olympic”. Ngay cả Ai Weiwei, một cố vấn mĩ thuật cho vận động trường “Tổ Chim” độc đáo của Bắc Kinh, cũng đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Der Spiegel của Đức, ông ta tuyên bố: “Chính phủ muốn dùng Thế vận hội để tán dương chính mình và ca ngợi chính sách mở cửa Trung Quốc của mình… Đến giờ phút này thì tôi đã rõ, hi vọng tự do hoá xã hội Trung Quốc sẽ không có khả năng trở thành hiện thực… Chế độ này không cho phép điều đó xảy ra”.

Những vụ biểu tình phản đối chung quanh Thế vận hội gần như luôn luôn xảy ra trong lich sử cận đại. Nhưng với hệ thống chính trị độc tài của mình, Bắc Kinh đặc biệt lo sợ vì những tiếng nói bất đồng chính kiến. Và chính phủ này đã phản ứng theo một lề thói quen thuộc là kết hợp hù doạ với tù tội và đàn áp bằng bạo lực. Teng Biao, một luật sư và một nhà hoạt động nhân quyền, đã bị cảnh sát thường phục bắt giam hai ngày trong tháng Ba 2008 và bị cảnh cáo là phải chấm dứt những bài viết chỉ trích có liên quan đến Thế vận hội. Yang Chunlin, một nhà hoạt động bảo vệ quyền sử dụng đất đai, đã bị bắt giam về tội sách động lật đổ chính quyền sau khi ông ta thu thập trên 10.000 chữ kí của nông dân, những người có tài sản bị quan chức nhà nước tịch thu để qui hoạch cho các dự án phát triển. Sau một phiên toà kéo dài vỏn vẹn 20 phút, ông bị kết án năm năm tù ở. Tháng Tư vừa qua, nhà hoạt động vì quyền lợi nạn nhân HIV/AIDS Hu Jia, cũng vừa là một trong những tác giả của bức thư ngỏ nói trên, bị kết án ba năm rưỡi tù ở về tội âm mưu lật đổ sau nhiều tháng bị quản thúc tại gia cùng với vợ và đứa con gái mới sinh. Mặc dù tuyệt đại đa số nhân dân Trung Quốc chắc không hề hay biết gì về những đối kháng và bắt bớ này, nhưng phản ứng quá tay của Bắc Kinh chứng tỏ chính phủ Trung Quốc đang lo sợ là, bất cứ một sự bất đồng chính kiến hay phản kháng nào cũng có khả năng thu hút hậu thuẫn chính trị rộng lớn và đe doạ đến quyền lực của đảng.


Tan vỡ cuộc vui

Cộng đồng quốc tế cũng đã nêu lên mối quan ngại về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Suốt hơn một năm nay, Trung Quốc đã chịu nhiều hạch hỏi về những quan hệ kinh tế và chính trị với Sudan. Một liên minh gồm giới danh lưu Mĩ và các nhà tranh đấu nhân quyền quốc tế đã gia tăng sức ép, đòi chính quyền Bắc Kinh phải hành động tích cực hơn nữa để giúp chấm dứt những vụ tàn sát tại Darfur; họ đã dán lên Thế vận hội 2008 nhãn hiệu “Olympics diệt chủng” (the genocide Olympics). Chính sự chú ý của đại chúng mà liên minh này mang lại cho những quan hệ của Trung Quốc với chính phủ Sudan đã khiến đạo diễn điện ảnh Steven Spielberg rút khỏi vai trò cố vấn mĩ thuật cho lễ khai mạc và lễ bế mạc Thế vận hội. Hình như việc này tạo được ít nhiều hiệu quả, vì hiện nay Bắc Kinh cố làm ra vẻ như là đang đặt thêm nhiều sức ép lên chính quyền Khartoum.

Hồ sơ nhân quyền đáng nghi của chính phủ Trung Quốc thậm chí còn nhận thêm nhiều hạch hỏi kể từ đợt đàn áp bằng vũ lực các người biểu tình Tây Tạng vào mùa Xuân năm nay. Vào tháng Ba, các nhà sư Tây Tạng xuống đường tuần hành để tưởng niệm năm thứ 49 cuộc nổi dậy đòi độc lập thất bại của Tây Tạng, đồng thời kêu gọi một chế độ tự trị rộng rãi hơn cho Tây Tạng và đòi hỏi sự trở về của vị lãnh đạo tôn giáo đang sống lưu vong, đức Đạt Lai Lạt Ma. Những cuộc biểu tình này nhanh chóng trở thành những cuộc phản kháng bạo động. Cảnh sát Trung Quốc thẳng tay đàn áp các người phản kháng tại thủ phủ Lhasa của Tây Tạng và khắp các vùng có dân Tây Tạng thuộc miền tây Trung Quốc, để lại hơn một trăm người chết và hàng trăm người bị thương.

Bất chấp những lời kêu gọi tự chế từ cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh ra lệnh phong toả phần lớn vùng bị ảnh hưởng, bắt giữ hoặc trục xuất kí giả nước ngoài ra khỏi vùng biến động, và đưa ra danh sách “truy nã” một số người Tây Tạng đối kháng. Tất cả các nguồn tin độc lập, gồm các bản tin của các đài truyền hình nước ngoài và hình ảnh trên YouTube đều không loan truyền được trên lãnh thổ Trung Quốc. Thậm chí những tin nhắn bằng văn bản (text messages) vào và ra khỏi Tây Tạng cũng bị sàng lọc. Bộ máy tuyên truyền của chính phủ đã cay cú lên án đức Đạt Lai Lạt Ma là “con sói đội lốt thầy tu”, là “con quỉ mặt người dạ thú”. Quan chức Trung Quốc lên tiếng cáo buộc “bè lũ Lạt Ma ác ôn” có âm mưu tái lập “chế độ nô lệ phong kiến” trên lãnh thổ Tây Tạng và kêu gọi phát động “chiến tranh nhân dân’ chống lại tập đoàn đó. Cộng đồng quốc tế tức khắc lên án vụ đàn áp biểu tình và kêu gọi Bắc Kinh tái tục những cuộc đàm phán với đại diện của đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong khi đó, thủ tướng Anh Gordon Brown, tổng thống Tiệp Vlav Klaus, và thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố là sẽ không tham dự lễ khai mạc Thế vận hội.

Khi ngọn đuốc Olympic đi vòng quanh thế giới, số người phản đối dọc theo lộ trình rước đuốc càng ngày càng gia tăng nhanh chóng, bắt đầu chỉ có vài người ở Athens rồi lên đến hàng ngàn người ở Luân Đôn, Paris, San Francisco và Seoul. Những cản trở cuộc rước đuốc trên qui mô lớn như thế đã làm nhục chính phủ Trung Quốc và gây căm phẫn cho công dân Trung Quốc, tạo nên một làn sóng phản-biểu-tình mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa do người Hoa sống ở nước ngoài phát động và cả hàng triệu bài viết chống phương Tây gay gắt trên các báo mạng tiếng Hoa. Chừng hơn một tháng sau đợt đàn áp đầu tiên của Bắc Kinh, lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tỏ ý muốn gặp đặc sứ của đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng hành vi này không tiêu biểu cho một sự thay đổi cơ bản trong chính sách; nó chỉ là một biện pháp vá víu nhằm xoa dịu cơn phẫn nộ quốc tế.


Nín thở

Mặc dù một số vận động viên nước ngoài đã tham dự bản đồng ca của những người chỉ trích Trung Quốc, nhưng mối quan tâm trước mắt của các lực sĩ Olympic là liệu Bắc Kinh có đảm bảo được không khí sạch và thực phẩm an toàn suốt thời gian Thế vận hội hay không. Theo tin tức đưa ra, thành phố Bắc Kinh đã chi tiêu đến những 16 tỉ Mĩ kim nhằm mang lại một “Olympics xanh”; nhiều địa điểm Olympic trong thành phố đã phô trương một số kĩ thuật sử dụng năng lượng sạch và bảo toàn nước uống, và trong bảy năm qua thành phố Bắc Kinh đã và đang đóng cửa những nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất, đồng thời liên tục bãi bỏ việc dùng than đá trong cơ sở hạ tầng ngành năng lượng thành phố, thay than đá bằng khí đốt thiên nhiên. Ngày 26 tháng Hai, quan chức cấp cao Trung Quốc chính thức công bố một nỗ lực triệt để hơn, bao gồm những hạn chế áp đặt lên công nghiệp nặng trong năm tỉnh phụ cận chung quanh Bắc Kinh, một lệnh cấm xây cất vào những tháng ngay trước khi các cuộc tranh tài Olympic diễn ra, và cả kế hoạch bồi thường cho những chủ xe hơi không đưa xe ra đường trong suốt thời gian Thế vận hội.

Nhưng mức độ ô nhiễm ở Bắc Kinh vẫn còn nằm trên mức trung bình khá xa. Vào một ngày tiêu biểu, mức ô nhiễm không khí của thành phố này cao gấp ba chuẩn mực mà Tổ chức Y tế Thế giới cho là an toàn. Tháng Tám năm ngoái, một thử nghiệm về phẩm chất không khí cho biết mức độ ô nhiễm của Bắc Kinh chưa được cải thiện bao nhiêu mặc dù 1/3 số xe hơi đã ngưng di chuyển trên đường phố thủ đô. Thị trưởng Bắc Kinh, Guo Jinlong, thú nhận vào đầu năm 2008 rằng việc đem mức độ ô nhiễm do môi trường và xe cộ xuống mức có thể chế ngự được trước khi khai mạc Thế vận hội là một nhiệm vụ “cam go”. Dẫu sao, các doanh nghiệp ít có động lực kinh tế để giảm thiểu mức độ ô nhiễm; trong khi đó, chính quyền trung ương thường xuyên kêu gọi các quan chức địa phương và các doanh nghiệp phải cải thiện hành vi của mình, nhưng kết quả cũng chẳng đến đâu. Nhiều quản lí nhà máy đã đồng ý giảm bớt tốc độ sản xuất trong thời gian Olympic, nhưng không ai chịu [tạm thời] đóng cửa xí nghiệp. Trong nền kinh tế cạnh tranh thô bạo của Trung Quốc, đóng cửa một nhà máy vài tuần cũng có nghĩa là chấm dứt vĩnh viễn hoạt động của xí nghiệp ấy, trừ phi chính phủ chịu đền bù bằng tài chánh đáng kể. Trong khi đó, nạn tham nhũng tràn lan, mà quan chức địa phương lại khinh thường luật lệ bảo vệ sinh môi. Vào tháng Giêng 2008, một chuyên gia tư vấn sinh môi phương Tây, Steven Andrews, tiết lộ rằng các viên chức Phòng Bảo vệ Sinh môi Bắc Kinh qua nhiều năm đã trí trá thay đổi dữ liệu về phẩm chất không khí của thành phố bằng cách loại bỏ số ghi (readings) của vài trạm kiểm tra (monitoring stations) nằm trong những khu vực thường xuyên bị ùn tắc giao thông.

Đối diện với viễn ảnh tình trạng ô nhiễm không khí có thể lên đến mức nguy hiểm trong thời gian Thế vận hội, các viên chức thuộc Uỷ ban Olympic Quốc tế đã cảnh báo rằng những cuộc tranh tài thuộc các bộ môn thể thao cần đến sức chịu đựng bền bỉ, như chạy ma-ra-tông và đua xe đạp đường trường, có thể bị hoãn lại hay thậm chí bị hủy bỏ. Lực sĩ chạy ma-ra-tông nhanh nhất thế giới, Haile Gebrselassie, đã rút ra khỏi cuộc chạy đua Olympic vì sợ nạn ô nhiễm không khí gây tác hại vĩnh viễn cho sức khỏe của anh. Nhiều vận động viên cũng đang có biện pháp đề phòng, chẳng hạn sẽ đến Bắc Kinh trễ chừng nào hay chừng đó, sẽ trang bị đầy đủ thuốc men để đề phòng những cơn suyễn cấp tính có thể xảy ra, và sẽ mang khẩu trang một khi đến thành phố này.

Khả năng của Bắc Kinh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn và nước sạch cho vận động viên cũng không được mấy ai tin tưởng. Trong vòng một năm qua, Trung Quốc đã chịu đựng một loạt tai tiếng liên quan đến thực phẩm bị nhiễm steroids và thuốc trừ sâu, và có đến 50% nước đóng chai ở Bắc Kinh không hội đủ tiêu chuẩn nước uống được. Một số đoàn vận động của vài quốc gia, chẳng hạn của Mĩ hoặc của Úc, đã công bố rằng họ sẽ đem theo một phần hay toàn bộ thực phẩm và rằng nước uống của họ sẽ do Coca-Cola cung cấp. Các quan chức Olympic đã cho đặt một hệ thống thiết bị an toàn thực phẩm đồ sộ nhằm theo dõi nguồn thực phẩm của vận động viên từ các công ti cung cấp và phân phối đến Làng Olympic. Vì đã hứa hẹn với thế giới một Olympics an toàn và tôn trọng sinh môi, bây giờ Bắc Kinh có bổn phận phải thực hiện lời hứa đó. Nếu không, Bắc Kinh đối diện với nguy cơ gây phương hại vĩnh viễn cho di sản lịch sử của Thế vận hội 2008.


Sự hớ hênh của Bắc Kinh

Việc Bắc Kinh đã thiếu sáng tạo khi đối phó với những người chỉ trích chính sách của mình và đã không xử lí hiệu quả những vấn đề liên quan đến sinh môi và an toàn sản phẩm để lộ một mức độ thiển cận chính trị nhất định. Từ lâu, lãnh đạo Trung Quốc đã ý thức được rằng những phần tử chống chế độ sẽ ra sức phá hoại Thế vận hội kì này. Họ đã chuẩn bị chu đáo để đối phó những biến động có thể xảy ra bằng cách triển khai khắp đô thị một hệ thống máy hình theo dõi (surveillance cameras), bằng cách huấn luyện, trang bị và bố trí những toán cảnh sát chống bạo loạn và cảnh sát đặc biệt khác. Lãnh đạo Trung Quốc cũng đã có một số cố gắng nhằm xoa dịu sự xung khắc của quốc tế, chẳng hạn đề nghị nối lại cuộc đối thoại về nhân quyền với Washington, vốn bị đình chỉ từ năm 2004, và công khai tạo sức ép buộc Khartoum chấp nhận lực lượng gìn giữ hoà bình hỗn hợp của Liên hiệp châu Phi và Liên hiệp quốc. Nhưng Trung Quốc không thể phản bác những hình ảnh phát xuất từ những cuộc thảm sát ở Darfur hay từ cuộc đàn áp biểu tình ở Tây Tạng. Đơn giản là, cho đến nay lãnh đạo Trung Quốc vẫn không thấy được mối quan hệ giữa Thế vận hội và Tây Tạng, Sudan, hoặc những quan ngại khá phổ biến về vấn đề nhân quyền – vì thế, họ không tìm ra phương cách để đối phó và giải giới những người thấy được mối quan hệ đó. Họ vẫn tiếp tục thất bại về phương diện này.

Do đó, những căng thẳng sẽ tiếp tục cho đến ngày bế mạc Thế vận hội. Một số người thật sự lo sợ rằng trong khi mọi con mắt đổ dồn về Bắc Kinh suốt thời gian Olympic, một số thành phần chống đối chế độ có thể sử dụng những hình thức tranh đấu cực đoan. Chẳng hạn, các lực lượng an ninh Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại rằng những người tranh đấu trong phong trào tôn giáo Pháp Luân Công có thể âm mưu tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn. Chính vì những quan ngại như thế, đội ngũ 30 ngàn kí giả đưa tin Thế vận hội có lẽ sẽ không tìm được thoải mái khi tường thuật những vụ việc vốn gây nhiều tranh cãi. Mặc dù gần đây nhà cầm quyền đã trấn an rằng giới truyền thông được phép đưa hình trực tiếp từ Bắc Kinh và Internet sẽ không bị kiểm duyệt trên lãnh thổ Trung Quốc, nhưng cho đến nay chính phủ Trung Quốc vẫn chưa thực hiện lời hứa cho phép kí giả nước ngoài được tự do tiếp cận mọi thành phần trên cả nước.

Công chúng Trung Quốc hiện đang phẫn nộ về điều mà họ cho là thái độ hoàn toàn thiên vị với Tây Tạng nhưng bất kính đối với Trung Quốc của giới truyền thông phương Tây. Người dân Trung Quốc rất có thể coi bất cứ xáo trộn nào xảy đến cho Thế vận hội như là một nỗ lực bêu rếu đất nước họ và phá hoại thế đi lên của Trung Quốc. Hết thảy các hãng truyền thông, các tập đoàn kinh tế và các chính phủ nước ngoài đều có thể lãnh loại đòn giáng trả mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa mà hãng buôn lẻ Carrefour của Pháp đã chịu đựng -- dưới dạng thức bị người tiêu thụ tẩy chay -- sau khi lễ rước đuốc Olympic bị gián đoạn ở Paris.

Một bên là những người biểu tình quyết giành cho bằng được sự chú ý của thế giới và bên kia là tinh thần dân tộc cao độ của người Trung Quốc, sự kết hợp [hai yếu tố xung khắc] này đang tạo nên một tình hình cực kì dễ bị kích động. Mặc dù châm ngôn chính thức của Thế vận hội Bắc Kinh “Chung một Thế giới, Chung một Ước mơ” nói lên một chủ nghĩa thế giới rất thoải mái, nhưng tính dân tộc của người Trung Quốc sẽ dâng cao suốt Thế vận hội và được nhen nhúm bằng sức nóng của các cuộc tranh tài. Trong quá khứ, những cuộc tranh tài thể thao ở Trung Quốc, đặc biệt là những trận đấu bóng đá với các đội bóng Nhật Bản, thường dẫn đến cảnh náo loạn không đẹp mắt, và điều này cũng có thể xảy ra trong Olympics kì này. Nếu Thế vận hội 2008 không diễn tiến êm đẹp, trong ban lãnh đạo trung ương đảng sẽ có đấu tranh nội bộ và đổ trách nhiệm lên đầu nhau, và sau đó rất có thể họ sẽ chấp nhận một não trạng phòng ngự, bảo thủ. Phó chủ tịch Xi Jinping, người tiền trạm của chính phủ trong Thế vận hội và cũng là kẻ kế vị chủ tịch Hồ Cẩm Đào, rất có thể sẽ phải đương đầu với những thách đố cho quyền lãnh đạo coi như là của ông ta.

Một thành quả tồi tệ của Olympics, nếu diễn ra, sẽ làm phát sinh thêm một đợt phẫn nộ nữa mang tính dân tộc chủ nghĩa, trong đó người dân Trung Quốc sẽ tố cáo những điều họ cho là óc kì thị chủng tộc, là thiên kiến chống Trung Quốc, và cảm thức tự tôn sai lầm của người phương Tây. Dạng chủ nghĩa dân tộc hừng hực căm thù này của Trung Quốc có thể là hậu quả lâu dài nhất và nguy hiểm nhất của những cuộc phản kháng liên quan đến Thế vận hội. Nếu cộng đồng quốc tế không hân hoan trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, người dân Trung Quốc có thể tự đặt cho mình câu hỏi, tại sao Trung Quốc phải chịu ràng buộc bởi những luật lệ quốc tế? Hậu quả là, Bắc Kinh sẽ thấy khả năng điều động chính sách ngoại giao của mình càng ngày càng bị hạn chế bởi công luận trong nước. Dạng thức chủ nghĩa dân tộc cao độ này nhiều khi lại gây tác hại cho chính phủ, như chuyện đã từng xảy ra sau khi một máy bay do thám của Mĩ bị bắn rơi trên lãnh thổ Trung Quốc năm 2001. Khi phi hành đoàn của chiếc máy bay nói trên cuối cùng được trả tự do, một công chúng Trung Quốc phẫn nộ đã cáo buộc chính phủ là quá yếu đuối và quị luỵ phương Tây. Gần đây hơn, bất chấp cả một thập niên Bắc Kinh và Seoul có những quan hệ kinh tế, chính trị và văn hoá ngày càng thân thiết, người Nam Hàn đã rất phẫn nộ vì những cuộc phản biểu tình của người Hoa trong lễ rước đuốc Olympic; để phản ứng lại, chính phủ Nam Hàn đã áp đặt những hạn chế gắt gao lên con số du sinh Trung Quốc được phép vào học tập trong nước. Nhận thấy những hậu quả có thể rất tai hại của một cuộc trả đũa dai dẳng mang tính dân tộc chủ nghĩa, hệ thống truyền thông chính thức của Trung Quốc vào tháng Năm đã ra tín hiệu rằng đã đến lúc nhân dân hãy tiếp tục đi lên, tập trung vào phát triển kinh tế, và tránh tổ chức các cuộc phản biểu tình và tẩy chay các công ti phương Tây.

Loạt chỉ trích gay gắt mà Trung Quốc đã và đang chịu đựng trước ngày khai mạc Thế vận hội có thể đã mang lại một thắng lợi ngắn hạn là buộc giới lãnh đạo Trung Quốc chịu gặp các đặc sứ của đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng sự cải tổ thực sự trong chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng chắc sẽ không diễn ra trong một tương lai gần. Tuy vậy, cuộc tranh luận đang xảy ra cũng có thể mang lại những kết quả tích cực về lâu về dài. Những thử thách và khổ não của Bắc Kinh trong mùa Olympic này có khả năng khiến các lãnh đạo Trung Quốc duyệt xét lại mình, đồng thời chứng minh cho họ thấy rằng việc họ giữ được ổn định trong nước và việc Trung Quốc tiếp tục đi lên sẽ tuỳ thuộc nhiều hơn ở tính minh bạch, ở trách nhiệm giải trình của quan chức chính phủ, và ở sự cam kết rộng rãi hơn nữa trong việc tôn trọng nhân quyền. Một số cây viết trên mạng (bloggers), trí thức, và kí giả Trung Quốc, như Wang Lixiong và Chang Ping, đã nắm lấy thời cơ để kêu gọi giảm bớt những luận điệu mang tính dân tộc chủ nghĩa và đối phó hợp tình hợp lí hơn với những chỉ trích từ bên ngoài. Sự bộc phát lòng phẫn nộ đầy tính dân tộc chủ nghĩa của người trong nước đã mở ra một cơ hội cho những nhà trí thức này công khai nêu lên câu hỏi: làm sao người dân Trung Quốc có thể đả kích các cơ quan truyền thông phương Tây một cách chính đáng nếu chính phủ không cho phép họ xem những hãng truyền thông như CNN và BBC. Trong một cách thế tương tự, những nhà trí thức này đã sử dụng Thế vận hội như một bàn đạp để thảo luận về ý nghĩa của chế độ dân chủ đang thịnh hành ở Đài Loan đối với tương lai chính trị của Hoa Lục, về yêu cầu duyệt xét lại chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng, và sự cần thiết phải có một không khí cởi mở cho báo chí.

Dù Olympics 2008 có mang bất cứ ý nghĩa tiềm ẩn gì về lâu dài đi nữa, những vụ việc đã diễn ra cho đến hôm nay không hề giống như cái ước mơ mà Trung Quốc ấp ủ về một Thế vận hội quang vinh. Thay vì được đắm mình trong sự ngưỡng mộ của thế giới, Trung Quốc đang khốn đốn vì những phản kháng ở trong nước và vì bị cộng đồng quốc tế lên án. Càng ngày thế giới càng không mấy tin tưởng rằng Bắc Kinh sẽ cải tổ chính trị và trở thành một lực tác động toàn cầu có trách nhiệm. Thiết tưởng Thế vận hội sẽ cho những nghi vấn này được ngủ yên, chứ không phải dựng đầu chúng dậy thêm một lần như thế.


Elizabeth C. Economy là hội viên C.V. Starr cao cấp và là giám đốc ban Nghiên cứu châu Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Adam Segal là hội viên Maurice R. Greenberg cao cấp trong Ban Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Foreign Affairs, tháng Bảy/ tháng Tám 2008