Những chuyện tiếu lâm về “quặp râu” CHUYỆN ANH NHÀ QUÊ QUẶP RÂU Ngày xưa, có hai anh nọ, Giáp và Ất, là bạn chỉ thân. Hôm nọ, Giáp đến nhà Ất chơi, thấy Ất mặt mày sưng vù, dấu cào xé còn rõ trên má. Thấy bạn như vầy, Giáp động lòng, hỏi:
“Tại sao anh ra như thế?”
“Tại trời…”
“Làm gì mà tại trời? Trời đánh thì chết ngay, trúng xém, thì anh cũng nám da nám mặt, đâu có những dấu cào xé như thế này?”
“… Tại trời mưa.”
“Trời mưa, thì ướt mình, có mưa đá đi nữa, thì một hai dấu ném trên đầu, chớ làm sao có những dấu nọ?”
“Anh nóng quá, để tôi kể đầu đuôi cho mà nghe. Số là, sớm mai nầy, khi đi chợ, mẹ nó có phơi cái váy nơi sào. Tôi ở nhà mê đọc tiểu thuyết, nên trời mưa mà tôi quên lấy vào. Khi mẹ nó về, thấy váy của nó ướt, nên đánh tôi ra thân thể như vầy.”
“Hứ! Anh là thứ đàn ông hư phải gặp tôi, mà xem…”
Vừa nói đến đây, thì Giáp nghe sau lưng mình, có tiếng thứ ba chen vào:
“… Phỏng gặp tôi, thì đã xem cái gì?”
Giáp lật đật quay lại nhìn, thì là bà Giáp đứng ngay sau lưng, và vừa hỏi câu nọ. Lanh trí, Giáp quặp râu lại và trả lời:
“Phải gặp tôi, thì trời vừa kéo mây, tôi đã cẩn thận lấy vô rồi.”
CHUYỆN NHÀ TRÍ THỨC QUẶP RÂU Ngày xưa, có một vị vua nọ đến đỗi là anh hùng, đánh đâu thắng đó, oai danh đồn khắp các nước ngoài, trẻ con nghe nói đến tên chẳng dám khóc, quân vừa kéo đến biên giới một nước nào, thì nước ấy đầu hàng ngay. Thấy ai nấy cũng sợ mình thì nhà vua càng khổ tâm hơn nữa.
Một hôm, người cho vời tất cả bá quan văn võ, các bực hiền đức, các nhà trí thức đến đủ mặt tại sân chầu, rồi trang nghiêm, người đứng phán rằng:
“Ta được tiếng là anh hùng nhưng không ai biết mình cho rõ hơn chính mình, ta xét ta không đủ tư cách mà lãnh cái danh lớn ấy. Bởi ta cảm thấy ta còn biết sợ. Vì vậy, mà ta xét thấy mình không xứng đáng mà ngồi nơi ngai nầy. Nay ta muốn noi gương các vua hiền đời xưa, nhường ngôi cho ai nhiều đức hạnh hơn. Nên ta cho gọi tất cả bậc hiền lương trong xứ, và hôm nay, ta mở một cuộc thi chung để tìm ra người nào là xứng đáng thay ta mà lên ngôi báu. Vậy ta ra lệnh cho tất cả tham gia vào cuộc thi nầy. Và đây là bài thi thứ nhất. Nơi sân, ta đã vạch trước một đường thẳng. Vậy cả thảy đều bước sang tay tả đi.”
Lịnh vừa truyền tất cả đều sang bên tả, Vua nói tiếp:
“Những ai sợ vợ, thì bước sang hữu, ai không sợ thì đứng lại!”
Cả thảy ríu ríu bước sang qua bên hữu, chỉ chừa một lão già quặp râu lại mà đứng nguyên chỗ cũ. Vua mừng quá, bước xuống ngai, vịn vai lão già mà nói rằng:
“Thật là hồng phúc của nước ta, mới được có người xứng đáng như thế này. Ta vốn có tiếng là anh hùng, nhưng trong cung, hãy còn sợ hoàng hậu. Nay có người, ngoài không sợ ai, trong không sợ vợ thì xứng làm vua nước nầy biết chừng nào!”
Lão già run bẩy bẩy tâu rằng:
“Tâu bệ hạ, thần không dám nhận.”
“Cớ sao khi nãy, ta truyền lịnh xong người chẳng bước sang bên hữu?”
“Bởi vì thần sợ vợ quá. Vừa nghe nói đến, thì là hồn phi phách tán, chết đứng rồi, còn đi đâu nổi mà bước sang bên kia? Bệ hạ cứ xem lại râu của thần, nó quặp sát vào cổ thì biết.”
CHUYỆN DIÊM VƯƠNG QUẶP RÂU Ngày xưa, có một chàng thi sĩ nọ dùng thơ ca mình mà rung động không biết bao nhiêu trái tim non, mà chẳng để cho cô nào được diễm phúc yêu chàng. Rồi thất vọng, các cô ấy thảy liều mình tự tử. Trên trần tục, chẳng có luật pháp nào trị tội giết người bằng lối đó. Nên bè bạn của chàng thi sĩ khuyên dứt chàng:
“Anh làm vừa vừa chớ! Đã đành luật đời chưa có khoản nào buộc tội anh được. Nhưng luật trời khó thoát. Khi chết rồi, anh không sợ bị luật của Diêm đình sao?”
“Diêm đình ấy à? Tôi nào có sợ thứ toà án vô hiệu lực ấy?”
Không dè lời thống mạ toà án nọ đã có kẻ ghi chép, tâu ngay với Diêm Vương. Sổ biên đã quá dài rồi, nên khi tới số, hồn chàng bị bắt xuống Diêm đình. Thì hôm ấy chín cung kia đều nghỉ việc và tất cả mười vua ở Diêm thế, tất cả quỷ dạ xoa đều hội lại thành hội đồng đề hình đặc biệt. Mục đích của hội đồng đề hình là: 1) xét coi cái tội giết người bằng tình yêu của chàng thi sĩ, trên trần chẳng có luật nào buộc tội, dưới âm phủ, cũng chưa lập thành điều rõ ràng, nay phải phạt bằng cách nào; 2) xử tội chàng thi sĩ nầy dám buông lời mắng toà án là vô hiệu.
Hôm ấy, Diêm chúa làm chủ toạ, các vua khác, ngồi ghế hội đồng. Bao nhiêu quỷ dạ xoa hầm hầm, chờ hô một tiếng là xốc vào, mần…
Phán quan đọc án vừa xong, thì Diêm chúa hỏi chàng có lời gì để bào chữa lấy. Chàng bước tới, bộ nghinh ngang, dáng khinh khỉnh, ai thấy cũng no giận cành hông, nhưng chờ chàng nói gì. Chàng mở miệng:
“Thưa dượng…”
Nghe gọi mình bằng dượng, Diêm chúa sợ hãi, liền quặp râu, té xỉu. Các vua xốc lại đỡ vào hậu đường, và tạm bế mạc phiên toà. Vào trong, quạt hồi lâu, Diêm chúa mới tỉnh, thì thấy bóng bà đi ngang qua. Vội vã, người gọi lại hỏi nhỏ nhỏ:
“Bà có nhớ, hồi trên trần, bà có con cháu gì gọi bà bằng cô hay bằng dì chăng?”
“Ông khéo hỏi mà thôi? Bộ ông bà tôi làm ác, làm tội đến thế nào, mà tuyệt tự, cho đến đỗi tôi không còn con, còn cháu?”
Nói rồi, bà nguýt ông một cái, mà bước vào sau. Diêm chúa mừng không xiết. Cũng may mà người chết xỉu kịp, bằng không, rủi kết án nhằm con cháu của bà, (mà đích thị là con cháu của bà rồi, lại là gọi bà bằng cô hay bằng dì, nên mới kêu mình bằng dượng), nếu rủi kết án con cháu bà, thì chỉ có đường bỏ quách chức Diêm Vương nầy cho rồi mà trốn đi, chớ ở nán lại đây, thì làm sao mà chịu bà cho nổi?
Có phải là sợ vợ, sợ tên tiếng vợ chưa phải là quá. Diêm chúa sợ lấy đến cả cháu vợ nữa chăng?
(
Truyền Tin, Xuân Ất Mùi)
Đồng bào ơi! Quả thật là đại biến (Kịch trào phúng)
Màn duy nhất, xảy ra tại Phan Thành, kinh đô của Nước Mắm, vào dịp Tết đầu năm Dê. Nhân vật gồm có ba ngô Dê là:
Trạng sư Tẹo,
Bác sĩ Tèo,
Chú bút Teo.
Ba cái tên Tẹo, Tèo, rồi Teo, diễn tả đúng ba quá trình của một chàng Dê, vừa thấy “ đối tượng” là cô sáu Mường Mán, (C.S.M.M.) là sanh bụng Teo, tức nhiên bày lắm trò lung tung để… Tèo. Nhưng mà khi gặp cái “phản tượng”, thì… Teo mất.
Vậy hai nhân vật đàn bà (là cô sáu Mường Mán và bà chủ bút Teo) chỉ là nhân vật phụ mà thôi.
Tác giả kém tài sáng tác, nên nhận lỗi trước rằng chính mình đã Ki Góp Jo Cì.. (xin đọc là Khi Góp Gió Kỳ… Nghĩa là người ta góp gió làm bão, còn khi tôi hứng thú mà góp gió kỳ lạ thì…) mà ăn cắp mấy bạn văn vài đoạn.
Vậy thì kịch trào phúng nầy vốn là một BẢN KỊCH ĂN CẮP. Bởi chữ Hán Việt, ăn cắp thì nói rằng “du”, thì tác giả xin phép đặt tên bằng một “danh từ mới” là “du kịch”, và yêu cầu danh từ nầy được nêu trong bộ từ điển của bạn Vi Huyền Đắc đang khởi sự viết.
Và nếu bạn văn nào thấy mình bị cóp văn, thì viết thơ cho chúng tôi, chúng tôi xin đền tội bằng một số
Văn, có đóng bìa đẹp và có đăng kịch nầy vào.
Toà soạn
Văn *
Nhà cô sáu Mường Mán, một nữ danh ca của Phan Thành, kinh đô của Nước Mắm. Cảnh trang hoàng có vẻ ăn Tết. Trên bàn bày sẵn đồ nhậu rượu… Bốn cái ghế còn trống.
C.S.M.M. (
đứng dậy nhìn đồng hồ) – Quá giờ hẹn rồi! Mà sao mấy ổng chưa chịu lại? Tết nhứt mà bị cái điềm sai hẹn đầu năm nầy, thì hết làm ăn gì nữa! (
nhìn vào đồ nhậu) đã sai hẹn với người, lại sai hẹn luôn cả với đồ nhậu! Để nó lạnh hết thì sao? Sai hẹn và sai hẹn! Mấy ông nghị tương lai nầy lôi thôi quá! Không biết rồi họ hứa với dân, họ có giữ đúng lời không? Chớ hứa với em út, thì họ sai lời rồi đó. (
Bộ tịch chán nản, ngồi phịch vào một cái ghế, ấy tờ bào mở ra.) Thôi mặc kệ họ! Trông chờ chi cho mỏi mắt? Sẵn có tờ báo VỊT CỒ Vừa gởi tới số báo Xuân và ra mắt, ta coi thử có gì chăng. (
Lật báo, liếc sơ, chẳng buồn đọc.) Luận là luận. Thứ ấy ngán như cơm nếp mà in mãi cho tốn giấy… À, có thơ, Thơ trào phúng nữa! Ngâm thử bài thơ của ông Đồ Quỷnầy xem ra sao! (
ngâm)
Phen nầy quyết đầu đơn, ta ứng cử.
Ra tranh tài, làm ông nghị, thử một kỳ chơi!
Trước được danh, sau nữa để… khuấy đời.
Cùng múa mỏ, khua môi, hùng biện… đại.
Nào dèm xiểm chuyện người tin là.. phải,
Nào ngợi khen kẻ làm trái, bị .. hàm oan
Nào bốc tưng mấy “sư”, mấy “lão” làm tàng.
Nào binh vực kẻ nghinh ngang.. hiếp yếu.
Muốn chương trình đủ đầy không thiếu.
Cần một bài hiệu triệu… thật chối tai.
Ra kỳ nầy quyết thay mặt bất kỳ ai..
TRẠNG SƯ TẸO, BÁC SĨ TÈO, CHỦ BÚT TEO
(cùng bước ra một lượt, và cùng ngâm tiếp theo)
Nhứt là thay mặt nàng có tài ngâm vịnh…
Chữ dạy rằng “duyên do thiên định”
Tẹo, Tèo, Teo cùng một “bịnh” mới gặp nhau đây.
C.S.M.M. (
nghe ngâm thơ day lại) – Dữ hôn! Tưởng nước sông Mường Mán đã lụt kéo mấy anh ra ngoài khơi rồi! Trễ gì mà trễ đến nửa tiếng đồng hồ?
T.S. TẸO – Đành xin lỗi em vậy! Qua phải lo viết cho xong bài diễn văn, để vài năm nữa anh đăng đàn, em biết không, anh đăng đàn ra mắt cử tri.
B.S. TÈO – Qua cũng vậy! Bởi nghe nói phái đẹp sẽ bỏ thăm, nên anh gò gẫm cho bài diễn văn thật là… mùi
C.B. TEO – Còn qua đây cũng vậy. Bởi qua quen viết văn bút chiếu, mà chuyến nầy nghe nói sẽ có cử tri ở phái yếu nhiều, thì e giọng “chiến” không hạp nữa, nên qua lo rèn luyện lối văn “bút hoà” vậy!
CẢ BA
(làm bộ trịnh trọng) – Cả ba tôi xin tạ tội với người đẹp Phan Thành có giọng hát ngọt nồng như… nước mắm nhỉ.
C.S.M.M. – Thôi đừng giễu nữa, các anh. Mời các anh nhập tiệc.
C.B.TEO – Nhập thì nhập. Nhưng đây là buổi tiệc thân mật và nồng nàn của đầu năm. Em Sáu, em hãy tuyên bố cho các anh biết lý do và mục đích của buổi tiệc nầy!
T.S. TẸO và B.S. TÈO – Phải! Phải. Anh chủ bút nói có lý lắm. Đáng là tay cầm đầu dư luận lắm! Nếu em không nói rõ ý nghĩa của bữa tiệc nầy, thì các anh đây: chủ bút Teo, bác sĩ Tèo, trạng sư Tẹo, các anh thiếu hăng hái để xung phong bọn địch (
chỉ những đồ nhậu) do món gỏi ghẹ nầy chỉ huy, và do món rượu đế nầy làm tham mưu.
C.S.M.M. – Thôi mời các anh ngồi đã (
cả ba kéo ghế ngồi) các anh đã hỏi, thì em xin thưa. Lý do là mừng trước ba anh sắp làm nghị sĩ của Nước Mắm. Còn mục đích là nhắc cho các anh nhớ rằng, khi đã công thành danh toại, phỉ chí rồng mây, thì các anh đừng quên em. Để cho em được chút thơm lây đó mà!
CẢ BA –
(vỗ tay) Hoan nghinh em Sáu. Em chớ lo.
C.B. TEO – Dân đen kia, lầm than đói khổ, tiều tuỵ, xanh xao kia đã bị nạn nước lụt mà không cơm ăn, thêm bị nạn lửa cháy mà không nhà ở, mà chúng anh còn không quên thay! Thì có lý nào lại quên được một người mặt hoa da phấn, hàng lụa bọc mình, ngọc vàng lấp lánh như em. Huống chi em còn là con chim hoạ mi, thinh sắc lưỡng toàn của kinh đô Nước Mắm?
C.S.M.M. – Các anh khen quá lời. Em cám ơn đấy! Và để đánh dấu lời hứa hẹn, mà em mong rằng ba anh giữ, chớ không quên như lời các ông ứng cử hứa với cử tri, em mời ba anh nâng ly rượu!
(bốn người nâng ly rượu) C.B. TEO – Chỉ còn thiếu mỗi người nhỏ một giọt máu vào rượu, hoà lại, chia nhau mà uống, thì bữa tiệc nầy có khác nào, đời Đông Châu Liệt quốc, những lễ hội, chư hầu uống máu ăn thề.
C.S.M.M. – Và em là vị thiên tử nhà Châu. Ai phò được em, thì được làm bá chủ:
(cả thảy cười, cụng ly uống rượu) Mà nầy, ba anh có đứng chung một số không?
CẢ BA – Không.
C.S.M.M. – Còn đợi gì mà không đứng chung một sổ cho dễ cổ động? Em nghĩ thành phố mình chỉ có ba anh là bực anh tài, “một lòng vì dân (dân đen), vì nước (nước mắm)” Thì đừng chung một sổ cho nó mạnh. Trước để cho đồng bào khỏi hoang mang. Kế đến, em bước ra sân khấu, hát để cổ động, thì chẳng lẽ đỡ đầu anh nầy mà phụ tình anh kia? Chung một sổ, thì em dễ ủng hộ. MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON…
CẢ BA –
(đồng đứng dậy, hoan nghinh) Ba anh chung sổ, thì còn… sổ nào hơn.
C.S.M.M. – Chi lý vậy thay. Sẵn hứng, các anh hãy chọn một cái tên cho đầy ý nghĩa.
B.S. TÈO. – Để tôi đặt tên cho, Tánh tôi mau mắn lắm! Gặp bịnh, tay bắt mạch, tay viết toa. Bất cứ bịnh gì. Tánh tôi mau lắm.
C.S.M.M. – Thì anh đặt tên cho!
B.S. TÈO – Tôi đặt tên cho sổ chúng ta là sổ “Sức khoẻ mới”
C.S.M.M. – Thật là tuyệt: Nghe đến tên sổ, người ta đã thấy ngay các anh sẽ truyền bá vệ sinh và tân y học, sẽ gây đời sống mới, sẽ lo sức khoẻ của dân nghèo. Dân đã có sức khoẻ mới thì dân sẽ mạnh. Dân đã mạnh, thì lo gì mà nước không giàu?
T.S. TẸO – Nhưng tôi còn có ý kiến này, cô Sáu. Nước mình là Nước Mắm. Dân mình thì thích, Vị tất dân nước ngoài đã ưa? Bởi vì mùi nước mắm hăng lỗ mũi họ, họ khó chịu. Bây giờ tôi đặt tên sổ ta là sổ “Nước Mắm mới”.
C.S.M.M. – Thật là tuyệt nữa. Đó là một khẩu hiệu, một con đường. Dân ta cố gắng theo sản xuất một thứ nước mắm vừa hạp với sở thích của người trong nước, vừa xuất cảng ra ngoài được cả thế giới hoan nghinh. Trong có hậu thuẫn nhân dân. Ngoài có lập trường quốc tế, lo gì mà nước chẳng giàu, dân chẳng mạnh?
C.B. TEO. – Em Sáu thật là hùng biện. Nhưng xin lỗi hai anh, bởi các nghề của tôi là nghề làm báo, nên tôi rõ tâm lý của công chúng lắm. Tên mình đặt có ý nghĩa lắm…
B.S. TÈO và T.S. TẸO – Ý nghĩa lắm!
C.B. TEO – Đọc lên nghe kêu lắm…
B.S. TÈO và T.S.TẸO – Nghe kêu lắm!
C.B. TEO. – Ấy thế! Chính la tên có ý nghĩa đọc lên nghe kêu là hai cái nguyên nhân làm cho mình mất thăm. Bởi công chúng Nước Mắm nầy kỳ lạ lắm. Không quảng cáo, họ còn để ý. Hễ quảng cáo nhiều, thì họ phát nghi.
C.S.M.M., B.S. TÈO và T.S. TẸO - Ừ nhỉ!
C.B. TEO. – Trong dịp tuyển cử nầy, cốt yếu à đắc cử.
CẢ BA NGƯỜI KIA – Đúng đấy.
C.B. TEO, - Vậy không nên lấy cái thế “ý nghĩa” không nên lấy cái thế “nghe kêu”, mà chính là ta hãy lấy cái thế “cử tri”, thì việc mới thành.
BA NGƯỜI KIA. – Chỉ cần có “thế” ấy thôi.
C.B. TEO. – Mà cử tri chỉ sợ có một điều, là khi đắc cử rồi thì mình phủi áo.
BA NGƯỜI KIA. - Ừ nhỉ!
C.B. TEO. – Thế nên, phỏng theo tâm lý quần chúng, tôi xin đặt tên cho sổ mình là “chẳng quên ai!”
C.S.M.M. – Tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Nhứt là ba anh cùng long trọng tuyên bố như vậy… Nghĩa là cũng chẳng quên em!
T.S. TẸO và B.S. TÈO – Đặt tên như vậy thật là nhã ngọc phun châu. Hai tôi (
cùng đứng dậy một lượt nâng ly lên) bằng lòng “chẳng quên ai”. (
cả thẩy đứng dậy, cụng ly uống.)
C.S.M.M. – Ba anh ơi! Không được!
CẢ BA. – Cái gì mà không được?
C.S.M.M. – Ta lựa cái tên thật tốt. Không khác nào đưa ra một chai có dán một cái nhãn hiệu rất mê hồn. Nhưng mà…
CẢ BA – Nhưng mà cái gì?
C.S.M.M. – Nhưng mà sợ e cử tri thấy trong chai trống không, thì ai mua chi cái chai không?
CẢ BA – Phải. Vậy ta cần phải thảo ngay một bản chương trình thật hay…
(ho luôn ba bốn tiếng) C.S.M.M. – Mau mau ta thảo chương trình đi!
B.S. TÈO. – Tôi chuyên môn
(đưa hai tay làm như tiêm thật) tiêm chích. Vậy xin nhường lại cho hai anh. Kẻ có tài ăn nói (chỉ T.S) người múa bút như phụng múa rồng bay. (
chỉ C.B)
T.S. TẸO – Nghề của tôi là (
le lưỡi ra) uốn ba tấc lưỡi. Khi ra tranh cử, nhảy lên diễn đàn, tôi sẽ không sợ ai. Còn việc bút sa (
chỉ mấy món nhậu)… gà chết nầy, thì hôm nay, gà đã chết rồi, âu là bút sa đi vậy!
C.B. TẸO. – Thảo chương trình, thì phần nầy vậy. Nhưng mà khi công thành danh toại rồi (
nhìn C.S.M.M.), thì tất nhiên “chẳng quên ai!”
CẢ BA NGƯỜI KHÁC. – Hoan nghinh! Hoan nghinh triệt để! Triệt để hoanh nghinh!
C.S.M.M. –
(Bưng các chén đĩa đã hết món nhậu rồi). Vâng! Tôi xin “triệt” các chén đĩa nầy… (
bước vào trong cất rồi đem ra giấy bút)… “để hoan nghinh”. Nầy, anh chủ bút! Để “chẳng quên ai”. Tôi ngâm cho anh một bài, để anh nghe mà lấy hứng.
CẢ BA. – Hoan nghinh!
C.S.M.M. – (
ngâm)
Nầy anh nghị tương lai ơi!
Là thăm trắng, tấm lòng trong,
Em biên hối hả mấy dòng, em gởi biếu anh!
Lá thăm nầy là thăm nghĩa, thăm tình.
Bao nhiêu mong ước ẩn mình ở trong.
Dân đen vẫn ước cùng mong.
Mong anh sao không quên hết, là quên hết nỗi lòng.
Là cái nỗi lòng của đám dân đem!
Họ mong cho anh sẽ thành một cây đèn.
Soi cùng ngõ ngách, chẳng quên, nào một cái hẻm nhỏ nào.
Mặc dầu sóng gió lao xao.
Dám, ăn, dám nói, đương mũi chịu sào, cho thiên hạ đừng cười lại đừng có la.
Này nghị tương lai ơi,
Mong thế nào, em đã kể hết ra.
Nhưng nầy anh nghị hỡi!
Còn ba điều, anh xin tránh cả ba.
Một điều là: Nghị Gật xấu hổ thay là.
Hai là: Nghị áp phe coi vậy, thế mà lại xấu hơn,
Song le Nghị Dĩa Hát, cũng xin can.
Ý dân thì thế, mà ý xóm làng rất hợp với ý em.
BS. TÈO – T.S. TẸO (Cùng hỏi trong lúc C.B. TEO đang hí hoáy viết) còn ý em thì lại sao?
C.S.M.M. – (
hát nối):
Này, này, nghe cho rõ ý em!
Đừng làm nghị RÂU QUẶP chẳng có cô nào thèm, anh Nghị hỏi, anh Nghị ơi!
CẢ BA. –
(Vỗ tay, cười). – Thật là thâm trầm. Thật là giết người không dao. Thưởng em một ly rượu.
C.S.M.M. – Em không dám nhận lời khen đó! Em chỉ đại diện cho giới em út mà nói thôi! Các anh có gan, thì hãy ăn chơi, đừng có thấy Bà mà quặp râu, rồi thiên hạ họ gọi rằng Dê, thì xấu hổ lắm.
T.S.TẸO. – B.S. TÈO.- Sao? Anh chủ bút kiêm đầu sổ “chẳng quên ai”, Hai tôi nhường lời cho thủ lãnh.
C.S.M.M. – Mời anh chủ bút trổ tài nhả ngọc phun châu.
C.B. TEO. – Xin vâng lời người ngọc (
sửa giọng) Bây giờ tôi xin đọc bản điều trần tôi đã thảo.
(Đứng lại một góc, trên một cái ghế, tằng hắng, vuốt cổ vài lần. Cả ba người kia dồn lại như la thính giả) Đồng bào! Toàn thể đồng bào ! Tôi xin khai mào bằng bốn câu thơ
(Cử toạ tuỳ lúc, khi thì vỗ tay, khi lại giậm chân, khi lấy vật gõ vào bàn ghế có nhịp nhàng). CỬ TOẠ - Ừ ơ ơ ơ.
C.B. TEO. – (
ngâm nghiêm trang)
Người xưa ném bút theo đao cung,
Cán bút ta nâng luống thẹn thùng.
Ví bằng bút phụ lòng ta nguyện:
Biết kiếp nào đây sáng nghiệp Hồng?
CỬ TOẠ. –
(làm ồn để hoan nghinh) Đùng… đùng… đùng. Là đùng… đùng… đùng.
C.B. TEO. – (
giọng hài hước ngâm tiếp)
Tôi là chủ bút ốm tong… teo,
Nhưng chẳng hề khi nào… nấu cháo mượn đầu heo.
Hay phĩnh dư luận… như các ông bà chủ… báo
Và… nghiệp báo đời… đời tôi quyết đeo theo.
CỬ TOẠ. – (làm ồn) ẹo… èo…eooooo.
C.B. TEO. –
(trịnh trọng ngâm nối)
Vốn là chủ bút,
Tôi luôn luôn mài bút
Cho nhọn, cho bén, cho sắc, để cắt nanh cắt vút.
Của những đồ ham hút…
CỬ TOẠ. –
(làm ồn) – Hút gì? Hút á phiện chăng?
C.B. TEO. –
(trịnh trọng, hơn, ngâm tiếp)
Hút mồ hôi nước mắt dân nghèo, ốm tong, ốm teo,
CỬ TOẠ. – (
làm ồn , hoan nghinh). – Họ ốm tong teo cũng bởi vì nghèo.
C.B. TEO. –
(hùng dũng, một tay múa)
Tôi múa cây bút,
Tức thì bọn bợm phải thụt,
(Lấy bộ bi thương)
Những đám dân hiền lành như bụt
Bị doạm, bị hâm, là lo đem đút:
Hết tiền, hết ruộng,
Còn sợ cuống cuồng!
(Lấy bộ giận dỗi)
Cho mấy ông cá mập, chỉ biết có cái bụng mình,
Bụng lớn chình ình.
CỬ TOẠ. –
(làm ồn để hoan nghinh) – Thình Thùng thình… Thùng thình… Lắc cắc cắc… Thùng thình.
C.B. TEO. – (
oai vệ)
Rồi tôi hươi ngọn bút,
Để mà hun đúc
Tinh thần bất khuất phục
Cho một số đồng bào bấy lâu nay chi biết cúi đầu.
Mà nhịn với nhục.
Bây giờ họ hiên ngang thẳng đầu lên, mà tố cáo.
CỬ TOẠ, -
(hoan nghinh) Áo!.. Áo!... Áoooo
C.B.TEO. –
(đổi giọng thân mật)
Tôi đây sẵn trong tay có báo
Không làm tiền không nói láo,
CỬ TOẠ. – (mỉa mai) Báo!... Báo !... Báo !
C.B. TEO. – (
oai vệ lại, tay chỉ thẳng)
Nầy lớn mặt! Hối lộ, ăn hớt, ăn hao, ăn sau, ăn trước
Nầy tai to! Đầu cơ: cửa trước đón, cửa sau vào.
CỬ TOẠ.
(hát đưa em) Ầu ơ ơ ơ. Đầu cơ là hỡi đầu cơ.
C.B.TEO. –
(căm hờn)
Này lũ quỷ! Đem đủ mánh khoé mà khoét, mà đục.
Cho thêm điêu linh, cho thêm khổ cực
Đám dân vừa thoát qua nạn lụt,
Nghĩa là vừa thoát cơn chết hụt!
CỬ TOẠ –
(hưởng ứng, đứng dậy chỉ thẳng)
A lê, bọn hạm bay, mau mau cút!
Các phường chuyên hút
Máu dân đen:
Cút mau nghen!
C.B. TEO. –
(bí mật nói nhỏ nhỏ)
Đồng bào, này hỡi đồng bào... nghèo!
Đã thấy chăng? Chủ bút ốm tong… teo
Thế mà chương trình chuyến vĩ đại.
Cực kỳ vĩ đại!
CỬ TOẠ. –
(trào phúng) Làm được không, chưa biết, thế mà kể đại !
C.B. TEO. –
(thong thả, nửa đùa, nửa thật)
Làm được không? Teo này hãy còn một cái
Kế hay. Thật vô cùng hay!
Khổng Minh ơi! Mi có sống dậy cũng chẳng sánh tày.
Để hàn vá giang sơn gấm vóc.
CỬ TOẠ. –
(hấp tấp đứng dậy) Hay lắm… Hay lắm… Hay lắm lắm C.B. TEO. –
(cười chánh trị).Nhưng mà phải bỏ thăm cho tôi chớ!
CỬ TOẠ. –
(nóng nảy) Ừ, ừ ừ. Còn đem thăm về thêm cho một mớ.
C.B. TEO. –
(chậm rãi, đều đều, như đọc một bản báo cáo)
Kể từ Non Nước bị chia đôi,
Bên nở chê rằng món ấy hôi!
Ăn uống chi ròng dùng chất muối.
Cố quên quốc tuý phứt cho rồi.
CỬ TOẠ. –
(ra vẻ tội nghiệp) Nhè nước mắm nhỉ mà đòi quên phứt cho rồi. Hỡi hỡi ôi! Là hỡi hỡi ôi!
C.B. TEO. –
(hơi buồn)
Vừa dọn cơm ra đã thấy thêm…
Lấy gì mà chấm: Chả cùng nem?
Thịt bò bảy món, ai dùng muối?
Tội nghiệp dân đen mãi mãi thèm.
CỬ TOẠ. –
(Hoan nghinh nhiệt liệt) Tất cả chủ lều nước mắm của Phan Thành nầy phải đậu tiền ủng hộ cho sổ mình đắc thắng. Quảng cáo cho Nước Mắm như vậy, thì thật là ngon như nước mắm nhỉ…
C.B. TEO. –
(ranh mãnh)
Bây giờ ta đặt tại biên cương,
Mấy tĩn mắm ròng hiệu “Quốc Hương”.
Máy quạt khổng lồ cho thổi mạnh,
Dồn mùi quốc tuý khắp mười phương.
CỬ TOẠ. –
(cùng cười, lấy tay quạt quạt trước mũi). Mười phương sẽ thơm nồng mùi “Quốc Hương”. Ha ha ha… Là Ha ha ha.
C.B. TEO. –
(giả lấy tay bóp mũi)
Mười phương nồng nực một mùi hương.
Cán bộ nhó nhăn, thể khác thường.
Dân chúng thấy thèm nhễu nước miếng.
Ngược luồn gió thổi tiến lên đường.
CẢ BA. –
(đứng dậy kẻ sau người trước đi bỏ chân trái trước). Một hai một! Một hai một! Nào! Anh em ta cùng nhau xông pha lên đường!
C.B. TEO. –
(ngó lên trời, có vẻ một nhà tiên tri)
Bất kể biên giới,
Họ cứ tràn tới,
Xung phong, tiến tới!
Để cho gặp Nước Mắm mới
Thoả bấy tình thương nỗi nhớ Nước
CẢ BA. –
(vẫn đi như quân đội) – Bước … Bước… Bước. Là ta bước… bước.
C.B. TEO. –
(hoảng hốt, như đã làm một việc trọng tội)
Té ra đã vi phạm hiệp ước,
Cái hiệp ước chia ra hai nước
Nước Muối và Nước Mắm,
CẢ BA.-
(ngừng lại thình lình, có đáng sợ hãi). Nguy lắm… Nguy lắm… là nguy lắm lắm..
C.B.TEO.-
(hân hoan dường như đắc kế)
Nguy thì có nguy
Nhưng không mấy dữ.
Vì tôi hiền lành:
Tôi không đội bom nguyên tử!
CẢ BA.- (dường như bớt lo). Cũng may! Nếu thả bom nguyên tử!... Thì chỉ có nước thứ ba thêm vào: Nước tử.
C.B. TEO. –
(hơi phách lối)
Thình lình một trận lụt
Một trận lụt tối đa
Từ Mường Mán thổi qua.
Chẳng phải lụt Nước Mắm Quốc Hương
Mà là lụt Mê Hồn Hương
Căn bản là Nước Mắm,
Chế biến ra thành hơi,
Một thứ NƯỚC MẮM MỚI
(hất cằm nhìn T.S.Tẹo)
Đem lại SỨC KHOẺ MỚI
(hất cằm nhìn B.S. TÈO)
Đã là nước mắm, chắc chắn là có tính chất dân tộc.
CẢ BA. – (vui mừng) Dân tộc hoá quá ! C.B. TEO. –
(phồng ngực lên)
Thêm chế thật nhiều, cung cấp đủ mọi người ăn.
CẢ BA. –
(hoan nghinh) Đại chúng hoà ghê quá !
C.B. TEO. –
(Ưỡn người lên)
Lại chế bằng nhà máy tối tân
Cho kỹ sư điều khiển
Nhà bác học chế biến
Nên nó không hôi:
Chẳng một ai lôi thôi
Đòi chia rẽ Mắm Muối !
Thật là đúng với khoa học
CẢ BA. –
(vỗ tay) Khoa học hoá ghê quá sá!
C.B. TEO. –
(sung sướng nhìn ngược lên trời, không thấy gì bên cạnh râu đưa thẳng) – A ha ha! Thế là tăm tiếng…
CẢ BA. –
(vừa chạy toán loạn, vừa la) Trời ơi có biến, có biến!
C.B.TEO. –
(lúc đó vợ TEO đã vèo vào cổ TEO một cái, TEO vẫn nhìn thẳng lên trời, tay rờ lên cổ)
Sao mà cổ tôi đau, như bị kiến….
(gặp tay vợ, quay lại thấy, hoảng hốt, RÂU QUẶP lại)
Đồng bào ơi! Quả thật là đại biến.
Hạ màn Cùng viết với Nguiễn Ngu Í
(
Truyền Tin, số xuân Ất Mùi)