© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
12.6.2008
Tạp chí Văn
Hoài niệm Nhất Linh
 1   2   3   4 
 
Huỳnh Phan Anh
Nhất Linh và Bướm trắng

Tại sao Bướm trắng?

Tại sao không viết về Nhất Linh theo một chủ đề rõ rệt nổi bật từ toàn bộ tác phẩm ông, công việc đã có nhiều người làm trước đây, trong số đó bài “Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh” của ông Đặng Tiến (Bán nguyệt san Văn số 37) là một cố gắng đáng kể. Tại sao không viết về Nhất Linh, về tác phẩm Nhất Linh, xem đó như một công trình đã hoàn tất, đã trở thành một định mệnh, đã đầy đủ cho chính nó, đã dừng lại, đã đi đến chỗ tận cùng của nó, đã trở thành lịch sử (một thực tại thuộc lịch sử cũng như một thực tại thuộc văn học sử). Tại sao không viết về Nhất Linh bằng cách đặt ông vào một khuôn khổ, một vị trí chắc chắn, căn cứ vào những tác phẩm ông đã viết, đã để lại đầy đủ: biết rằng cái chết của mỗi nhà văn đương nhiên biến những cuốn sách của hắn thành tác phẩm, biến tác phẩm của hắn thành sự nghiệp: biết rằng cái chết của mỗi nhà văn không là cách chấm dứt một sự nghiệp dở dang, ngược lại đó là một cách hoàn thành tốt đẹp nhất.

Tại sao viết về Nhất Linh chỉ căn cứ vỏn vẹn trên một cuốn sách lẻ loi tách ra từ một toàn thể, sự nghiệp của tác giả. Và tại sao chọn Bướm trắng, Nhất Linh và Bướm trắng. Tại sao Bướm trắng thay vì Đôi bạn, Đoạn tuyệt hay Dòng sông Thanh Thuỷ, một cuốn sách này thay vì một cuốn sách nào khác. Có thể xem đây là việc làm liều lĩnh của kẻ ký tên dưới bài viết này không? Liều lĩnh vì sẽ dễ dàng rơi vào chỗ thiếu sót, chủ quan, phiến diện, độc đoán v.v… Bởi vì quan niệm thông thường vẫn thường có khuynh hướng toàn thể hoá các tác phẩm của nhà văn, biến chúng thành một toàn thể hợp nhất và độc nhất, không thể đập vỡ hay chia cắt ra được.

Tại sao Nhất Linh và Bướm trắng? Sau đây là lý do chính yếu nhằm biện minh cho cái nhan đề của bài viết và người viết có bổn phận trình bày sơ qua:

Tách rời một cuốn sách khỏi toàn bộ tác phẩm của một nhà văn tức là một cách nào đó phủ nhận sự nghiệp tác phẩm của nhà văn như một toàn bộ cứng nhắc. Nói khác đi là phủ nhận sự nghiệp sáng tác của nhà văn như một dòng liên tục, như một định mệnh chờ đợi hoàn tất, an bài. Một cuốn sách không là một chặng đường, mà là một hướng đi, một lối đi bên cạnh những hướng đi, những lối đi của cùng một người. Mỗi một cuốn sách đều có thứ tiếng nói riêng của nó, một giọng nói riêng của nó, một ước muốn riêng của nó. Một cuốn sách có thể nói khác đi, ngược lại nếu cần với những điều mà tác giả đã nói ở những nơi khác, những cuốn sách khác. Tác phẩm là một hình thái bất liên tục. Để hoàn tất (tạm dùng chữ này) tác phẩm của mình, nhà văn không đi trên một con đường thẳng, êm xuôi, thanh bình. Trái lại hắn không ngớt phải vượt qua chính mình, phải nói không với chính mình, phải phủ nhận chính mình. Hắn phải trải qua những kinh nghiệm, những tìm tòi và khủng hoảng luôn luôn đổi mới. Những cuốn sách hắn viết nên có thể mâu thuẫn, chống đối nhau, nhưng chính tác phẩm hắn hứa hẹn làm nên từ những mâu thuẫn và chống đối đó. Tác phẩm của hắn không đứng lại bao giờ, bởi nó còn những xung đột nội tại phải làm nên từ những mâu thuẫn và chống đối đó. Tác phẩm của hắn không đứng lại bao giờ, bởi nó còn những xung đột nội tại phải giải quyết, bởi nó còn phải trò chuyện không ngừng với người đọc. Không có bảo tàng viện cho văn chương bởi tác phẩm vẫn không ngừng sống, lớn lên. Và công việc của các nhà làm văn học sử chỉ là một ảo tưởng bởi tác phẩm văn chương, thực tại văn chương không bao giờ là một món đồ ù lì, bất động để cho các sử gia mặc tình thâu tóm hay phân loại!

Khi Nhất Linh đưa ra những điều mà ông cho là lầm lẫn của chính ông trong đời nhà văn của mình [1] , lời thú thật mang ý nghĩa một tác động kiểm thảo can đảm, ngoài ra còn ngầm nói lên một ý nghĩa cần thiết, cốt cán của tác phẩm cũng như của công việc sáng tạo: người ta viết trong sự thức tỉnh thường trực, người ta viết trong khốn khổ, người ta viết để hy vọng lấp đầy những hao hụt của chính tác phẩm mình, và mỗi cuốn sách là một cơ hội đặt một câu hỏi, nêu một câu trả lời, mở ra một viễn tượng. Ta hãy nghe Nhất Linh nói về “cái lầm lớn nhất” của ông:

“… Luận đề tiểu thuyết của tôi có cuốn Đoạn tuyệt, Hai vẻ đẹp, Lạnh lùng (và ít nhiều truyện ngắn). Sự hoan nghênh của những truyện đó, nhất là Đoạn tuyệt, những lời khen ngợi của các nhà phê bình đã làm tôi sau này khó chịu một cách thành thực (…). Sau hai mươi năm, giở Đoạn tuyệt đọc lại tôi thấy chỉ có một vài đoạn tả mẹ chồng nàng dâu có đôi chút giá trị, còn những cái về xung đột mới cũ (ý định chính của tôi) như việc Loan dọn nhà đi không đem bát hương, Loan đẻ con trai, lời cãi của trạng sư v.v… thì đến nay chẳng còn gì là hay nữa. Về cuốn Lạnh lùng (tuy nghệ thuật cao hơn Đoạn tuyệt) nhưng còn bao nhiêu chi tiết về tâm hồn một người góa trẻ, khao khát yêu đương v.v… tôi đã bỏ qua, không cho tìm kiếm thêm. Độ ấy tôi chỉ coi nhân vật như những quân cờ để đánh một ván bài, họ không phải là cái chính và chỉ dùng những chi tiết nào lợi cho ái ý chứng tỏ của mình không theo sát cuộc đời thực là mục đích chính của tiểu thuyết mà đổi cuộc đời thực đi để lại luận đề của mình” [2] .

Trước khi các nhà phê bình sau này có thể sẽ lên tiếng chỉ trích ông, ông đã nhìn tác phẩm của mình với đôi mắt nghiêm khắc (đã có bao nhiêu nhà văn làm công việc đó?), ông đã là nhà phê bình của chính ông. Điều này chứng tỏ rằng người ta viết không nhất thiết để thoả hiệp với những gì người ta đã viết hay sẽ viết. Mỗi cuốn sách chỉ còn là một giai đoạn không liên tục nằm trong một toàn thể tự nó đã là một mâu thuẫn nội tại.

Biết rằng, như ai kia đã nói, không nhà văn nào giống nhà văn nào, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào cho dù là tác phẩm của cùng một con người sáng tạo, tại sao không nhìn ngắm một nhà văn, một tác phẩm như một giá trị nội tại, tự tại, không tuỳ thuộc, không nợ nần gì với những yếu tố bên ngoài. Người ta viết một mình. Và tác phẩm là kết tựu từ một niềm cô đơn tuyệt đối, kết tựu của chính niềm cô đơn tuyệt đối đó. Vấn đề chính yếu của người đọc hay người phê bình có lẽ không phải là tìm xem Nhất Linh đã chịu ảnh hưởng của Tolstoi, của Somerset Maugham, của Jean Eyre, của André Gide v.v… ra sao, không phải đối chiếu từng dòng từng chữ của Nhất Linh với từng dòng từng chữ của một nhà văn nào khác, không phải là cố tình đặt để Nhất Linh bên cạnh một tên tuổi nào khác, gần gũi hay xa lạ…: đó phải chăng là những công việc có phần dễ dãi (mặc dù có thể không dễ dàng) và vô bổ tố cáo sự thất bại trước tiên của người đọc (người phê bình) đã không tìm thấy ý nghĩa và giá trị chân thật nhất, riêng tư nhất, thân mật nhất của một tác giả hay một tác phẩm: và đó cũng chính là công việc thường thấy trong sinh hoạt phê bình xưa nay, ở bất luận nơi nào.

Nhất Linh và Bướm trắng. Sự chọn lựa không tình cờ chút nào. Tôi muốn xem Nhất Linh trước tiên như một tác giả không ngừng sống dưới mắt tôi và đang hoàn tất tác phẩm của ông, bởi vì cái chết (của ông) không là cánh cửa khép lại một lần chót sau tác phẩm, trái lại đặt tác phẩm đó vào tình trạng dang dở đời đời. Tôi muốn đọc Bướm trắng như một cuốn sách đang viết, đang hoàn tất trong toàn bộ một tác phẩm dường như cũng không ngớt tìm kiếm cho nó một định mệnh. Đọc Bướm trắng không là tìm đến một câu trả lời mà là lắng nghe lời hứa hẹn của một tác gia đang lên tiếng. Vâng, một tác giả vẫn không ngừng lên tiếng trong tác phẩm của mình, lên tiếng với từng độc giả một tìm đến, trong từng một lần đọc đang diễn ra, lên tiếng từ những bến bờ xa lạ, nhưng lại thân mật gần gũi bao nhiêu.


Hơn nữa, tôi muốn đọc Bướm trắng như người ta tìm đến một bộ mặt cô đơn nhất của một đời người, xem nó như một hiện hữu biệt lập: một cách quên đi những tác phẩm còn lại của tác giả. Dĩ nhiên ở đây người ta chỉ có thể có được một cái nhìn thiếu sót về Nhất Linh cũng như Bướm trắng chỉ là một cánh cửa của một đền đài. Tại sao không? Ở đây sự thiếu sót của một người đọc, người phê bình lại chính là một dịp may tốt đẹp của tác giả, của tác phẩm mai đây hãy còn là lời kêu gọi. Nếu sáng tạo là một công trình nhất thiết dở dang, thưởng ngoạn và bình phẩm là những tác động còn tiếp tục mãi mãi. Như vậy đọc và phê bình không có nghĩa là “thanh toán” một lần cho xong một tác phẩm, mà là tạo cơ hội cho những lần đọc khác, những lần phê bình khác, đầy đủ và tốt đẹp hơn, và cứ như vậy.

Ta đã nói về những lầm lẫn của Nhất Linh do chính ông tiết lộ. Những lầm lẫn đó, ông đã gom về bốn điểm chính:

“1. Để cái thích riêng của mình nó huyễn hoặc, làm hoa mắt không nghĩ đến sự tìm tòi cái hay thực.

2. Để câu văn trống rỗng du dương, hoặc cầu kỳ nó quyến rũ mình (…).

3. Để cái ý định viết hay xuống dưới cái ý định viết để làm gì, viết về thứ gì (viết về nghị luận, triết lý v.v… thì cố nhiên là mình viết để làm một cái gì rồi nhưng viết tiểu thuyết khác, tiểu thuyết nó có mục đích của nó…).

4. Để nêu một cách giải quyết một vấn đề gì. Sự lầm lẫn tiểu thuyết với cuốn sách giảng giải một tính đố thật là vô lý, nhưng lại có những nhà phê bình vẫn lầm lẫn, và lại có báo đem đăng lên thực là vô lý nữa (đây là đem xếp đặt cốt truyện để giải quyết chứ không phải để đời thật rồi tự nó, nó bày tỏ một cái gì). Tôi nhớ có đọc được một nhà văn (mà tôi quên mất tên) phê bình trên báo Cải tạo (xuất bản ở Hà Nội) cho ngay một cuốn tiểu thuyết là hay, là có giá trị vì câu chuyện đã giải quyết được một vấn đề một cách đẹp đẽ. Truyện một người vương vít vợ con rồi giải quyết nỗi khổ trong gia đình bằng cách đăng lính, phục vụ quốc gia. Truyện ấy viết rất dở nhưng nhà phê bình kia cho nó là hay, là xây dựng, là lành mạnh. Đấy chỉ có thể là một bài tuyên truyền người ta vào quân đội (dùng thể thức tiểu thuyết cũng như các bài dạy người ta tránh nạn xe hơi dùng thể thức thơ lục bát) không thể gọi là một tiểu thuyết hay được” [3] .

Nhất Linh đã viết những điều trên đây vào cuối đời mình ở giai đoạn già dặn và trầm tĩnh nhất của một người đã từng có một quá khứ văn nghệ đáng kể, đã từng biết tới những vinh dự lớn lao của nghề cầm bút. Ông đã không ngần ngại, căn cứ trên chính lời lẽ của ông đã trích dẫn, tố giác chính những hư hỏng của mình trên phương diện sáng tác, và mặc nhiên phủ nhận ít ra là một sự thành công nào đó của mình trong những tác phẩm cũ đã từng được tán thưởng, ca ngợi (chỉ cần tưởng tượng đến Nhất Linh của thời kỳ Đoạn tuyệt với những “tiếng động” mà cuốn sách này gây nên trong văn giới cũng như trong xã hội). Thiết tưởng đó là điều ta không được phép quên. Càng không được phép quên khi nhắc đến Bướm trắng vì mấy lý do sau đây:

  1. Bướm trắng là một cái đỉnh quan trọng của nghệ thuật Nhất Linh. Nó đánh dấu thời kỳ già dặn nhất của tác giả sau những thành công của Đôi bạn, Đoạn tuyệt v.v… Chính tác giả đã hơn một lần bày tỏ sự hài lòng của mình về nó. Trong chủ quan tôi, đó hẳn là cuốn sách xứng đáng nhất để được giữ lại một mai kia nếu có sự đào thải, lựa chọn. (Cho tới bây giờ, khi viết những dòng này, tôi vẫn muốn trung thành với những ấn tượng đầu tiên của mình khi còn là một cậu học trò trung học, mười lăm năm rồi còn gì, khi say mê đọc Bướm trắng, khám phá Bướm trắng, lạc loài trong Bướm trắng…).
  2. Bướm trắng không chỉ là một cuốn sách thêm vào số lượng tác phẩm của Nhất Linh. Nó còn thể hiện một ước muốn tích cực của người viết: viết chống lại những gì mình đã viết, viết không có nghĩa là viết lại một tác phẩm nào đó đã hoàn tất cũng chưa hề bắt đầu chỉ đang hứa hẹn. Nói theo điệu nói thông thường, Nhất Linh đã thực hiện một cuộc thoát xác trong tác phẩm này. Những đề tài đã từng nổi bật trong các tác phẩm trước đã lùi lại hay biến mất: Không còn những xung đột mới cũ, những tranh chấp xã hội, những mưu toan biến đổi hay giáo huấn, những lý tưởng mơ hồ v.v… Có thể quan niệm Bướm trắng là một lời nói không của chính tác giả trước những lối mòn của quá khứ. Nó thể hiện và đồng thời thực hiện một cuộc đoạn tuyệt với chính vũ trụ tiểu thuyết quen thuộc của tác giả. Và tưởng tới lúc phải nói rằng cuộc kiểm thảo thực sự của Nhất Linh không đợi tới cuốn “Viết và đọc tiểu thuyết” mới tìm được cơ hội bộc lộ qua mấy điểm mà ông gọi là sai lầm trong văn nghiệp của mình. Cuộc kiểm thảo đó đã ẩn tàng ngay trong Bướm trắng.
  3. Do đó trong sự nghiệp Nhất Linh, Bướm trắng hầu đã vượt khỏi giới hạn của một cuốn tiểu thuyết. Nó đánh dấu một sự thay đổi ngay trong quan niệm viết văn của tác giả. Nó là một thí nghiệm. Nó mặc nhiên bao gồm trong nó một lý thuyết (về tiểu thuyết) bởi nó thể hiện một chọn lựa, một quyết định của chính tác giả: viết khác đi với những điều đã viết, với những cách thế đã sử dụng để diễn đạt con người, xã hội, vũ trụ…

Tuy vậy, mục đích bài viết này sẽ không nhằm đối chiếu Bướm trắng với những cuốn sách Nhất Linh đã viết trước hay sau nó nhằm đưa ra một tiến trình về phương diện tiểu thuyết của tác giả (xin nhường công việc cho một lần nào khác, cho một người nào khác).

Điều quan trọng vẫn là lắng nghe thứ tiếng nói của Bướm trắng, gia nhập vào vũ trụ của Bướm trắng.


Một giấc mơ

Bướm trắng là một cuốn tiểu thuyết? Là một câu chuyện kể? Là quãng đời kỳ lạ của Trương kể từ khi “tình nghi mắc bệnh lao”? Là cuộc gặp gỡ giữa Trương và Thu, là những gì tiếp theo đó đã làm nên một tình yêu cũng như đã làm nên sự thất bại của một tình yêu? Không, tôi muốn nhìn Bướm trắng trước tiên như một giấc mơ, một vũ trụ làm nên từ ảo tưởng con người (hay ngược lại: một vũ trụ đang nhạt nhoà, đang biến thành một ảo tưởng mơ hồ?). Tôi muốn nhìn Bướm trắng trước tiên như một hình ảnh, một huyền thoại đã nhập thể vào từng dòng, từng chữ lung linh, kỳ ảo trên mấy trăm trang sách không ngừng mời gọi, quyến rũ. Ngay từ câu đầu tiên của tác phẩm:

“Trương chậm bước lại vì chàng vừa nhận thấy mình đi nhanh quá tuy không có việc gì vội vã và cũng không nhất định đi đến đâu.” [4]

người đọc đã tiếp xúc ngay với cái thế giới đặc thù của nhân vật, cái thế giới làm nên từ những trạng thái chùng chình, lưỡng lự, buông thả, cái thế giới của thực tại xóa nhoà và của thời gian xao lãng, cái thế giới không còn bình thường nữa, có thể nó quá thừa thãi hay hãy còn hao hụt, cái thế giới không còn sự phân biệt giữa cái bên trong và cái bên ngoài, chúng trở thành bầu bạn với nhau, ăn khớp với nhau. Màu trời “mờ xám như trong một ngày mùa đông” xuất hiện dưới mắt Trương ngày hôm đó cũng chính là “màu trời” của tâm hồn chàng, quen thuộc và trìu mến, kể từ cơn thức tỉnh đầu tiên của chàng trước bệnh hoạn.

“Từ khi tình nghi mắc bệnh lao, bỏ trường luật về nghỉ dưỡng bệnh, chàng không thấy mình buồn lắm, lúc nào chàng cũng hy vọng sẽ khỏi bệnh và chàng lại thấy mình náo nức muốn sống, yêu đời và vui vẻ” [5] .

Có thể Trương không biết rằng chàng đã lừa dối chính mình để quên đi những ám ảnh của bệnh tật và cái chết (bệnh tật và cái chết của một thanh niên đang tuổi yêu đời như chàng!), để quên đi thực tế đang đè nặng lên tâm hồn chàng. Có thể Trương không biết rằng, để có thể chống lại định mệnh gay gắt của đời mình, chàng đã phải luôn luôn sống trong mộng tưởng, luôn luôn biến vũ trụ thành một hình ảnh vừa đúng kích thước cho những khát vọng của chàng.

Như vậy, đọc Bướm trắng tức là lạc bước vào cơn mộng ảo của một con người tự thấy đời mình chỉ còn là một nỗi thiếu vắng lớn lao.

Trương là hình ảnh của con người mộng tưởng. Dứt bỏ đi phần mộng tưởng, liệu chàng còn có chịu đựng nổi cái vẻ buồn âm u, chết chóc đang trùm phủ lên đời chàng, hay đó là cách cắt đứt phần đời còn lại đang ù lì, đang tuyệt vọng kia? Điều cần nhất của con người mộng tưởng là không biết rằng mình đang sống trong mộng tưởng. Hắn sáng tạo nên vũ trụ riêng biệt cho hắn, hắn là kẻ sáng tạo thơ ngây. Chàng đã sáng tạo nên cái gì? Câu trả lời dàn trải lên khắp cuốn sách. Câu trả lời đó là tình yêu. Chàng đã sáng tạo tình yêu như một nhà nghệ sĩ sáng tạo nên một tác phẩm. Và cũng như người nghệ sĩ, chàng đã sáng tạo nên “tác phẩm của mình” bắt đầu từ mộng tưởng. Chàng đã gặp Thu, người con gái mà “mới nhìn chàng biết rằng có thể yêu mê man” [6] , người con gái mà khi ngồi gần, chàng “đã thấy trong người đổi khác, cuộc đời và cảnh trời lúc đó nhiễm một vẻ khác hẳn lúc thường” [7] : đó là khởi đầu của một chuyến phiêu lưu, một tình yêu, mai đây sẽ đưa đẩy chàng đến những chân trời xa lạ: lạc thú và khốn khổ, đợi chờ và tuyệt vọng, sự cao thượng và lòng ích kỷ, sự bao dung và lòng thù hận v.v…

Tình yêu của Trương khoác lên một vẻ nên thơ tuyệt vời dù trong khí hậu quang đãng, dù trong màu trời ảm đạm của nó, bởi nó trước tiên là một giấc mơ, bởi nó làm nên từ một hình ảnh. Chàng yêu Thu và

“… nhận ra rằng từ trước đến giờ chàng đã sống như một người đi tìm tình yêu mà ngày hôm nay là ngày chàng đã tìm thấy” [8] .

Đó là thứ tình yêu vượt lên trên những trật tự thông thường:

“Yêu một người con gái chỉ đẹp thôi không có linh hồn phong phú, hơi lạ lùng thì tình yêu ấy chỉ là tình yêu vật chất tầm thường…” [9]

để đạt tới một nơi chốn, một giá trị cao siêu, lý tưởng:

“Tôi chỉ cốt cho Thu biết vậy thôi, chứ tôi không dám xin Thu một thứ gì cả. Yêu hay không yêu, Thu cũng không cần cho tôi biết… Thu cứ để mặc cho tôi yên lòng yêu Thu. Vẫn biết đó là quyền của tôi. Thu muốn cấm cũng không được; nhưng tôi cũng xin Thu cái hạnh phúc được yêu Thu mà không dám mong Thu yêu trả lại…” [10]

mặc dù vẫn âm thầm nung nấu tận trong da thịt của mình ước muốn được gần gũi, chiếm hữu:

“Nhìn qua khung cửa sổ ra ngoài không thấy bóng ai, Trương với chiếc áo cánh của Thu rồi úp mặt vào chiếc áo mà chàng âu yếm vò nát trong bàn tay. Lụa áo Trương thấy mềm như da người và mùi thơm hơi cay, không giống hẳn mùi thơm của nước hoa – xông lên ngây ngất. Trương thấy mình khổ sở vô cùng; chàng lấy làm lạ sao mình lại đau khổ như thế, đau khổ như một người sắp chết…” [11]

và sau cùng điều đáng nói là Trương được Thu yêu trả lại, tình yêu của hai người là cả một hứa hẹn hoà hợp tốt đẹp. Nhưng dường như ngay từ lúc đầu trong tình yêu đó đã có sẵn mầm thất bại sẽ cùng với tình yêu mà lớn lên.

“chàng nhận thấy mình tầm thường và cuộc ái tình của chàng với Thu cũng tầm thường” [12]

còn Thu nàng nghĩ gì về Trương ngay khi nàng không chút nghi ngờ tình yêu và lòng tôn trọng chân thật Trương mang đến cho nàng?

“Đối với nàng Trương lạ lắm và ái tình của chàng cũng lạ lùng như tính nết chàng, lạ lùng làm nàng ghê sợ nhưng có một sức quyến rũ rất mạnh.” [13]

Trương tìm lời tình yêu của Thu như tìm đến sự lãng quên chính chàng, một con người mà bệnh hoạn tước đi cả niềm ham sống. Nhưng ngược lại, chàng cũng chỉ yêu Thu trong ước muốn muôn đời của kẻ si tình là được san sẻ, được kề cận, được chiếm hữu, nghĩa là trong những ước muốn vị kỷ, nghĩa là chàng vẫn phải nhớ tới, nghĩ tới mình. Tình yêu Trương vẫn phải quay mãi trong cái vòng luẩn quẩn đó. Tình yêu của chàng vừa là một trò ma thuật vừa là một trò gian dối. Chàng phải lừa đảo chính mình (đúng hơn là chính cái chết của mình) và để được như vậy chàng phải mặc nhiên chấp nhận việc lừa đảo Thu (không cho Thu biết gì về chứng bệnh của chàng). Đây lại là cái vòng luẩn quẩn khác. Tình yêu chàng nhất thiết thất bại vì chàng không thể nào bẻ gãy những cái vòng luẩn quẩn của tình yêu. Tình yêu thay vì mang đến cho chàng những tia sáng chói loà đã chỉ làm cho tâm hồn chàng đã u tối càng u tối hơn:

“Giá đời chàng không có Thu! Giá Thu không yêu chàng hoặc hơn thế nữa, chàng ghét được Thu thì thực là hoàn toàn thoát nợ, thoát khỏi ngục đời. Ái tình của Thu đối với chàng lúc nào cũng chỉ như một sự ăn năn thương tiếc không bao giờ nguôi, thương tiếc một thứ gì có lẽ đẹp lắm mà chàng không bao giờ được biết tới. Ngoài cái mong chết vì chán sống, chàng lại còn mong được chết để thoát được tình yêu Thu. Chính chàng đã thấy sợ chàng, sợ sẽ có những hành vi rất xấu đối với Thu, đối với đời, nếu chàng còn sống ít lâu nữa. Chắc chắn là chàng sẽ quấy rầy đến Thu, không thể khác được…” [14]

Hàm hồ, đó chính là ngôn ngữ tình yêu ở Trương. Lúc đến gần Thu cũng là lúc chàng muốn lẩn tránh Thu để một mình thụ hưởng hết nỗi khốn khổ của sự phân ly, mất mát. Tình yêu không ngừng đặt để chàng vào những khoảnh khắc ngập ngừng khó sống, những khoảnh khắc tan vỡ của mọi ước muốn và chọn lựa. Bởi vậy khi những đòi hỏi nóng bỏng của tình yêu được thực hiện, đó cũng là lúc chàng thấy lòng mình ê chề, nguội lạnh. Như lần đầu tiên chàng tiếp Thu trong phòng, nắm lấy tay nàng, chạm vào người nàng để rồi sau đó:

“… đứng nhìn theo Thu qua bức màn ren rồi ngồi xuống ghế ôm đầu nghĩ ngợi. Thu đi rồi, chàng không thấy sung sướng gì cả; điều mà trước kia chàng không dám ước tới nay đã thành sự thực, sau chàng vẫn không thấy lòng mình thoả mãn. – Chỉ có thế thôi à? Sao mình lại khốn nạn không nói rõ hết cả cho Thu biết và thôi hẳn có hơn không. Mình hãy còn tiếc và mong ở Thu. Mong mỏi thứ gì mới được chứ?

Giá lúc nãy khi định nói, chàng không thấy Thu đợi hay chàng nhìn mặt Thu không thấy yêu lắm thì có lẽ chàng đã nói rồi.” [15]

và như một lần khác, trong buổi đi chơi Chùa Thầy, cơ hội đã mang họ đến gần nhau, và sau khi đã ôm Thu vào lòng, hưởng trọn “cái thú thần tiên, bỡ ngỡ của cái hôn trao yêu thứ nhất trên đời”, trong gặp lại cái tình cảm khốn khổ vẫn đeo đẳng chàng ngay từ những buổi đầu của cuộc phiêu lưu tình cảm của chàng: chàng đã là

“… người của một thế giới khác cách biệt và Thu như đứng bên kia đường nhìn sang, mấp máy môi thầm gọi chàng một cách tuyệt vọng.” [16]

Có lẽ trong tâm hồn Trương, tình yêu của chàng đối với Thu chỉ còn giữ được một ý nghĩa, một vẻ đẹp nào đó khi nào chàng còn giữ được một khoảng cách đối với Thu. Nghĩa là tình yêu chỉ hiện hữu và tồn tại khi nào người ta ước muốn và còn cơ hội để ước muốn. Nhưng điều mà kẻ si tình trong đó có Trương vẫn quên là người ta chỉ ước muốn trong khoảng cách, người ta chỉ ước muốn khi nào đối tượng ước muốn còn ở ngoài, ở xa. Khi đã tóm thâu được đối tượng, khi đã chiếm hữu được đối tượng, con người không còn ước muốn, ước muốn không còn lý do tồn tại, ước muốn đã chết trong sự gãy đổ của khoảng cách. Chính Trương cũng đã nhìn thấy rõ rằng ngay trong mưu toan chiếm hữu của nó, tình yêu đã rơi xuống hàng trần tục và đã tan vỡ trong đó:

“Chàng buồn vì thấy vừa mất đi không lấy lại được nữa một thứ gì đẹp nhất trong đời, chàng thấy tình yêu của hai người lúc ban sáng đã tới một mực cao cực điểm và từ nay trở đi chỉ là lúc tàn dần: ánh sáng rực rỡ đã tắt và buổi chiều buồn bắt đầu về trong lòng chàng, trong đời chàng từ nay.” [17]

Ánh sáng của tình yêu đã tắt, buồn thay!

Trương đã tìm đến tình yêu, đã yêu, đã được đền đáp ngay trong tình yêu, đã thất bại. Sự thất bại không do ở Thu cũng không do một yếu tố nào ở ngoài chàng hay ngoài nàng. Sự thất bại do ở chàng, ở tâm hồn chàng, ở tình yêu chàng mang đến cho Thu.

Đúng hơn đó là sự thất bại của một giấc mơ, cơ hội để tình yêu chàng xuất hiện.

Giấc mơ. Hãy trở lại với nó một lần nữa, trở lại với câu chuyện thật, đề tài thật ẩn giấu trong cuốn sách. Sự thất bại của Trương trong tình yêu quả là một điều cần thiết. Bởi thật sự ra có thể nói rằng chàng đã không hề yêu: yêu đối với chàng chẳng qua chỉ là cơn hốt hoảng của thần trí dưới sức tác động của một kích thích nội tại hay ngoại tại nào đó, cũng như chàng đã không hề yêu Thu: Thu đối với chàng chỉ là một hình ảnh, nàng chỉ là một sản phẩm của mộng tưởng và trí nhớ của chàng. Đây chính là lý do giải thích vững chắc nhất tại sao tình yêu tan vỡ trong chàng, giữa lúc nó đang thăng hoa tốt lành, biến cố mà chàng nhận ra với tất cả sự thản nhiên của mình, “chàng ngờ Thu vì chính chàng đã đổi khác, không yêu Thu như trước nữa”, biến cố xảy đến như một cái gì phải xảy đến, không đủ sức gây nên một tình cảm xao xuyến nào đáng kể ở chàng:

“Chàng không hiểu tại sao tình yêu Thu trước kia lại làm chàng tiếc đời và đau khổ đến như vậy. Giờ thì chàng được sống và mất hẳn tấm ái tình đó, ngh chàng không thấy khổ lắm vì mất hẳn tình yêu của Thu và cũng không thấy vui lắm vì còn được sống ở đời.” [18]

Và điều tệ hại hơn nữa sau đó là tình yêu, cái tình yêu giả dối còn lại trong lòng người, đã không ngần ngại biến thành xấu xa:

“Nghĩ đến mấy lần tìm gặp Thu, đến bức thư rủ thư đi chơi núi, Trương nhận thấy tình yêu đã hết và bao nhiêu hành vi của mình chỉ còn bị xúi giục bởi một ý muốn rất tầm thường: mong được thoả nguyện về vật dục để thoi không nghĩ đến Thu nữa, có thể thoát được một cái nợ chỉ làm chàng bứt rứt.” [19]

Nhưng có thể đó là sự tan vỡ của tình yêu? Đúng ra đó chỉ là một hành vi thức tỉnh của Trương trước chính mình cũng như trước thực tại. Chàng nhận ra sự thật là tình yêu chàng nuôi dưỡng bấy lâu chỉ là một cái gì giả dối, một trò đùa, một cuộc chơi. Tàn một cuộc chơi, cuối một tấn tuồng ảo mộng, khi mỗi người trở về với sự thật của đời mình, đó là lúc tình yêu hiện lên nguyên hình: một trò gian dối.

Cái gọi là tình yêu của Trương chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ đó bắt đầu từ một hình ảnh. Đi tìm cái hình ảnh đó, chính là đi tìm cái chìa khoá giải thích mọi sự. Hình ảnh đó đã xuất hiện ngay trên những dòng đầu tiên của Bướm trắng (những dòng đầu tiên của một cuốn sách dường như lúc nào cũng mang tầm quan trọng quyết định của nó, nó khai diễn một khúc hoà âm, một tấn kịch, một vũ trụ):

“Trên đường một cơn gió thổi bay lên mấy chiếc lá khô và một ít bụi trắng, khiến Trương cảm thấy nỗi hiu quạnh của cuộc đời cô độc chàng sống đã mấy năm nay. Chàng thốt nhớ đến Liên, người yêu của chàng đã chết vì bệnh lao ba năm trước. Chàng nghĩ đến những cái thú thần tiên của tình yêu lúc bắt đầu, và nỗi buồn của chàng khi được tin Liên chết.” [20]

Vâng, hình ảnh đó là một người con gái tên Liên chợt hiện lên trong trí nhớ để rồi âm thầm nắm giữ lấy vai trò quan trọng nếu không nói là chủ chốt trong đoạn đời kế tiếp sau đó. Tôi cho rằng chính Liên – cô gái vắng mặt hoàn toàn trong cuốn sách, một nhân vật không lời nói, không cử chỉ, đúng ra là khoảng trống của nhân vật – lại là nhân vật chánh điều động tấn thảm kịch của Trương (và từ đó của tác phẩm Bướm trắng). Nếu trong mỗi tác phẩm đều tàng ẩn một câu trả lời của chính tác giả, Liên chính là câu trả lời của Bướm trắng. Tôi tự hỏi nếu hôm đó Trương đã không “thốt nhớ đến Liên, người yêu của chàng đã chết vì bệnh lao ba năm trước”, câu chuyện của chàng sẽ ra sao, câu chuyện của Bướm trắng sẽ ra sao và nhất là tình yêu giữa chàng và Thu sẽ ra sao (nhưng chắc gì tình yêu đó đã xảy ra?). Chàng gặp Thu, đã tức thì bàng hoàng trước Thu, đã tức thì yêu Thu ngay trong buổi sơ ngộ đó. Nhưng có thật là chàng yêu Thu? Dưới mắt chàng Thu có còn là Thu? Hay đúng ra nàng đã là Liên, hình ảnh mới đây chợt đến với chàng trong tất cả sự tình cờ của nó, và chính sự tình cờ này cũng đã trở thành một định mệnh mù quáng. Dưới mắt chàng, Thu chỉ còn là sự thể nhập, hồi sinh của Liên:

“Sao trông giống Liên thế. Lại có phần đẹp hơn.” [21]

“Sao lại giống Liên thế, mà lại đẹp hơn nhiều.” [22]

Thu đã trở thành một hình ảnh, một giấc mơ và Trương đã yêu nàng qua hình ảnh, qua giấc mơ đó, biến nàng thành một tên tội phạm của chà, và những nhận thức của Trương về nàng, những tình cảm của Trương dành cho nàng, tất cả mai đây chỉ còn tuân theo một thứ luận lý, đó là luận lý (của con người) mộng tưởng.

Tình yêu, giấc mơ kia, đã tìm đến sự tan vỡ, đã tan vỡ ngay từ trong lòng nó: ta biết rằng, ở Trương, con người mộng tưởng không tách rời khỏi con người bệnh hoạn. Chính ý tưởng về bệnh hoạn (ảo tưởng về bệnh hoạn?) đã làm nền cho tất cả những mộng tưởng cũng như những tình cảm ở Trương. Giấc mơ của Trương đã xuất hiện từ đâu nếu không phải từ một cơn bại hoại tinh thần. Chàng đã tạo nên giấc mơ đó trong cơn hốt hoảng trước ám ảnh của cái chết tưởng đã gần kề. Như vậy phải chăng chính chàng cũng là tác giả của sự tan vỡ nói trên một khi đã thoát khỏi những cơn cuồng nộ của bệnh hoạn và cái chết, một khi tâm hồn chàng đã lắng xuống, trở lại bình thường, một khi hình ảnh của Liên sụp đổ, một khi Thu trở lại với Thu, nghĩa là từ một huyền thoại trở lại với con người thật của nàng. Và đây là Trương khi nhìn lại giấc mơ của mình:

“Trương nghĩ lại mới thấy tình chàng yêu Thu không có một lý lẽ gì sâu xa, một căn bản gì chắc chắn cả. Chỉ là một ảo tưởng gây nên bởi một vài sự rủi ro; lần đầu trông thấy Thu là hôm Thu có một vẻ đẹp nào nùng trong bộ quần áo tang, giữa lúc chàng đương mắc bệnh lao có cơ nguy đến tính mạng; Thu lại có một vẻ đẹp giống Liên, người mà trước kia chàng đã yêu. Giá nếu gặp Thu trong một lúc khác, và nếu có thể yêu Thu một cách bình thường như yêu một người khác, không kính trọng Thu quá như thế, có lẽ chàng đã không phải chịu bao nhiêu đau khổ bấy lâu.” [23]

Con người mộng tưởng ở Trương cũng đã chết khi tình yêu gãy đổ, khi giấc mơ tàn lụi, khi ý thức của chàng đã phục hồi địa vị và tiếng nói của nó. Thì ra, chàng cũng chỉ là một con người bình thường như bao nhiêu người khác, chợt rơi vào một kinh nghiệm choáng váng say sưa. Và Bướm trắng chính là khúc ca hùng tráng của một con người trong một bước chân trượt ngã, lao đầu vào một khoảng mênh mông…


Một thế giới về chiều

Bướm trắng là giấc mơ của một tâm hồn đang chới với giữa lòng cuộc đời với những ám ảnh không rời của bệnh tật và cái chết, một giấc mơ điên cuồng, đẹp tuyệt được tạo thành để lắp đầy những khoảng trống vắng hãi hùng của cuộc hiện hữu ngẫu nhiên, không thường tồn. Đó là mưu toan của con người muốn thoát ly, muốn quên lãng cái thực tế buồn nản và gớm ghiếc đang đè nặng lên nó, một cách nào đó, để khỏi bị chà đạp, nghiền nát, một cách nào đó, để được đóng vai kẻ thắng trận. Nhưng giấc mơ nào rồi cũng đến lúc tan vỡ. Cái thảm kịch của Trương là muốn lãng quên thực tế của đời mình nhưng luôn luôn lại phải nhớ đến nó, luôn luôn lại phải trở về với nó. Phải chăng khi đã chọn mộng tưởng làm một cách thế nhìn ngắm cuộc đời, nhìn ngắm chính mình, một cách thế sống, chàng đã chọn sự thất bại. Bởi cuộc đời thật của chàng là cuộc đời thiếu hụt. Bởi thế giới thật của chàng là thế giới về chiều. Chàng tìm cách thoát ly nhưng những bước phiêu lưu lại chỉ là những bước trở về, cho nên chàng tiếp tục là kẻ lạc loài, tuyệt vọng, người tù chung thân của cô đơn và bóng tối. Trong cái thế giới tiêu điều, âm u, buồn bã, nhàm chán của Bướm trắng, Trương xuất hiện như một hình ảnh muộn màng của một nhân loại không ân huệ, không hứa hẹn, chàng là hình ảnh một con người bị tước đoạt, bị xua đuổi. Chàng đang đi đâu? Chàng mong đợi gì ở đời sống? Có lẽ chàng không biết nữa:

“Trương ở vào tình trạng một người không cần gì nữa, chỉ mong xảy đến cho mình một việc, bất cứ việc gì, miễn là khác thường để cho mình quên được sự sống.” [24]

Chờ đợi “bất cứ việc gì” xảy đến tức là không chờ đợi gì nữa. Thế nào là một kẻ không chờ đợi? Một kẻ ở tận cùng mọi sự chờ đợi, ở tận cùng chính đời sống của mình, đời sống như một chuỗi liên tục của những khoảnh khắc chờ đợi. Một kẻ đang sống chính cái chết của đời mình. Cái chết, Trương không xa lạ gì với nó. Từ khi tình nghi mình mắc bệnh lao, cái chết trở thành một ám ảnh thường xuyên của chàng, nó kề cận bên chàng, nó đã có mặt ngay trong đời sống của chàng. Cái thế giới về chiều của Bướm trắng, thật ra chỉ là thế giới chiếu rọi từ một dự phóng nền tảng của Trương, một tâm hồn chạng vạng đang trù trừ giữa sự sống và cái chết. Bướm trắng chính là cái thế giới nhạt nhoà, chết chóc dưới cái nhìn huỷ hoại, man rợ của một con người đang hấp hối. Có một hơi thở bàng bạc, chạy dài suốt mấy trăm trang sách, tạo cho chàng một bầu không khí duy nhất, một đời sống duy nhất, một ngôn ngữ duy nhất. Kỳ lạ thay, có thể thu gọn Bướm trắng về một hơi thở của sự sống, một nhịp đập của trái tim. Trong hơi thở nồng nàn đó đã xen vào cái lạnh của miền đất chết. Trong nhịp đập say sưa kia đã nghe đời thoi thóp. Như vậy, có thể nói rằng đây là một cuốn tiểu thuyết viết về cái chết, đặt vấn đề cái chết? Không. Cuốn sách không nêu lên câu hỏi về cái chết cũng không đề nghị một câu trả lời nào cho cái chết cũng như đời sống. Bướm trắng chỉ mô tả một kinh nghiệm. Chỉ có kinh nghiệm lên tiếng, thay lời cho tác giả ẩn mặt và im lặng sau tác phẩm mình: kinh nghiệm của một người trong cơn giục giã của đời sống đồng thời trong ám ảnh của cái chết đâu đây. Kinh nghiệm của một người tên Trương. Không. Trương chỉ là một cái tên, một cơ hội từ đó kinh nghiệm xuất hiện, cái chết lên tiếng. Vâng, chính cái chết đang lên tiếng ở Trương. Cái chết đang xê dịch trên những bước chân lang thang của chàng. Cái chết đang nghĩ ngợi và mơ tưởng trong đầu óc chàng. Cái chết đang yêu thương hay thù hận trong lòng chàng. Cái chết đang sống trong chàng. Cái chết không hình thù mày mặt, không lai lịch, không tên tuổi. Vẫn là nó, cái chết, trong cái nhìn reo vui gửi lên sự vật:

“Khi ra đến ngoài, chàng thấy cảnh trời đất đẹp rực rỡ xán lạn. Lá cây chàng thấy xanh hơn và màu các bông hoa trong vườn tươi thắm như ướt nước. Chàng tiến về phía nhà ngang chỗ đông người đứng: gió và ánh sáng làm chàng chói mắt và say sưa bàng hoàng như người uống rượu.” [25]

Vẫn là nó, cái chết, trong cuộc mặc khải êm đềm của tình yêu:

“Giữa vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân, cạnh một người đẹp mà chàng yêu, Trương vẫn riêng thấy lẻ loi, chơ vơ với nỗi buồn nản thầm kín của lòng mình.” [26]

“Trương tự nghĩ nếu làm thế nào rủ được Thu cùng tự tử thì cái chết của hai người sẽ êm ái lắm.” [27]

Vẫn là nó, cái chết, trong những phút sáng suốt:

“Trương chợt nhận thấy mình là một người hấp hối cần suy nghĩ bao quát của đời sống của mình trước khi nhắm mắt.” [28]

Vẫn là nó, cái chết, trong những ảo tưởng:

“Hình như nàng mặc áo tang, đội mấn, tóc bỏ xõa, đi theo sau một chiếc áo quan và chính chàng lại nằm trong chiếc áo quan ấy, người chàng liệm toàn vải trắng.” [29]

Vâng, luôn luôn là cái chết, bóng dáng nó ẩn hiện, tiếng nói của nó tiềm tàng trên khắp các trang sách, qua suốt câu chuyện kể, qua suốt lời kể chuyện của tác giả, nó thấm nhập vào chính giọng kể của tác giả: cái chết không còn ở ngoài lời nói về cái chết, cái chết nói.

Hỏi: đâu tiếng nói chân thật nhất của Bướm trắng, đâu là nhân vật chính thật của Bướm trắng? Phải chăng đó là cái chết đã nhập thể vào một lời nói, vào một nhân vật? Phải chăng đó là cái chết không như một đối tượng sở hữu mà là chủ thể sở hữu (cái chết chiếm đoạt lấy Trương, làm chủ tâm hồn chàng, vũ trụ của chàng…)?

Trong thế giới về chiều của Bướm trắng con người luôn phải sống trong mối ám ảnh liên lỉ của cuộc huỷ hoại sau cùng, cái chết. Cái chết trở thành bá chủ. Ta có thể nói rằng tất cả đều đã bắt đầu, bắt nguồn từ cái chết đã nằm sẵn trong ý thức của Trương. Chính cái chết (hay đúng hơn là ảo tưởng về cái chết) đã đưa Trương vào tận những miền sâu thẳm của tâm hồn mình, của sự sống, và nhậm lời của tình yêu với những say sưa và cuồng nộ của nó. Chính nó đã biến cuộc đời Trương thành những chặng đường phiêu lưu mà rất có thể trước kia chàng chưa hề nghĩ tới: bỏ học, yêu, dấn mình vào cuộc trụy lạc, phạm tội v.v…: đối với Trương dường như tất cả đều được phép khi người ta đang sống với cái chết đang kề sát, đốt cháy da thịt mình.

“Vì không cần gì nữa, anh đã tự phá huỷ đời anh. Anh bỏ học và có bao nhiêu tiền anh đem phung phí hết trong các cuộc vui. Anh có thích gì đâu! Nhưng không lẽ cứ ngồi đấy đợi cái chết đến.” [30]

“Sống gấp hay không sống gấp, đằng nào cũng sẽ như đằng nào, cái cách tốt hơn hết là nhồi một viên đạn nhỏ vào trong sọ. Tạch một cái, thế là hết. Ngọt như mía lùi.” [31]

Con người tự do trong cái chết. Con người vô trách nhiệm trong cái chết. Con người được phép làm mọi sự kể cả tự tử, “cõi Niết Bàn của sự bạo động” kia (Cioran) mà chính Trương đã từng nghĩ tới.

Nhưng Trương chưa tự tử mặc dù chàng đã từng thực hiện những hành vi liều mạng đến tột cùng, lòng dửng dưng trước những căn bản của Thiện Ác; chưa tự tử bởi vì trong cái thế giới về chiều đó, cái chết vẫn chưa phải là tiếng nói sau cùng và con người, may mắn thay, vẫn còn một chỗ đứng, một cơ hội, dù cho đó là một chỗ đứng tạm bợ, dù cho đó là một cơ hội sau cùng như Trương, sau những ngày ảo mộng buồn bã, đã:

“… cảm thấy mình trơ trọi trước một cuộc đời không bạn hữu, không cha mẹ anh em và trí chàng tự nhiên nghĩ đến quê hương, tìm một nơi căn bản như người sắp chết đuối tìm một vật gì để bám víu.” [32]

Một chỗ đến cho người sắp chết đuối, một tâm hồn đã mỏi sống? Đó phải chăng là một nơi để trở về:

“Nhìn lịch chàng nhớ ra ngay ngày mồng tám là ngày giỗ mẹ chàng. Cái yêu thương về quê để giỗ mẹ và về quê để gặp được nhau một cách rất tự nhiên, cùng hiện đến trí chàng trong một lúc. Yêu thương đó không có gì mới lạ cả, sao lại khiến chàng sung sướng đến thế. Chàng như thấy một cơn gió nhẹ nhàng thổi ùa vào trong tâm hồn… Chàng cần một thứ rất êm dịu để an ủi lòng mình, thứ đó là tấm tình yêu của Nha, người vẫn dịu dàng yên lặng yêu chàng và đợi chàng ở chốn quê xa xôi và yên tĩnh.” [33]

Trương là điển hình của mẫu người sống trong sự đốt cháy của ý thức. Sống và ý thức về đời sống, về chính mình. Nhưng ý thức về đời sống ở Trương đồng thời cũng là ý thức về cái chết. Trương trước tiên là một cái nhìn thấu suốt căn phần: sống tức là chạm mặt thường xuyên với chính thân phận đầy giới hạn và ngẫu nhiên của chính mình: sống tức là đang đi lần tới, đã tới chỗ tận cùng của đời sống mình. Phải chăng chính trong những phút, chỉ trong những phút gọi là hấp hối của con người, đời sống sẽ chợt hiện lên trong vẻ đẹp não nùng nhất của nó. Cái gì đã làm ngây ngất người đọc ở Bướm trắng nếu không phải là cái vẻ đẹp não nùng của đời sống như sắp sửa vỡ tan thành mây khói kia?

Trong bầu trời ủ dột của một vũ trụ đang tàn úa, điều đáng nói là những bước chân của Trương đã không ngớt kêu gọi tới đời sống, dù cho đó là những tiếng kêu gọi đầy tuyệt vọng. Ở Trương luôn có sự giằng co quyết liệt giữa bóng tối và ánh sáng, giữa sự sống và cái chết, giữa sống và huỷ hoại. Trong những quyến rũ đê mê của cái chết, ý thức chàng vẫn bập bùng lửa sống, và ta có thể nói rằng những bước đường phiêu lưu của chàng sau lần thức tỉnh trước sự thật của đời mình, chúng còn mang một ý nghĩa nào khác: đó là cách khẳng định chính mình như một sự có mặt, như một sự sống, và hơn thế nữa, như một ước muốn về đời sống. Ý thức về cái chết, thay vì dập tắt, đã càng khơi dậy ở chàng những ước muốn say sưa, nồng nàn, nóng bỏng trước cuộc đời như một niềm bí ẩn kỳ diệu với trăm ngàn cánh cửa chờ đợi mở toang. Hãy một lần nữa lần theo những bước chân của Trương, lắng nghe những tiếng nói thầm kín nhất của Trương, ngắm nhìn từng cử chỉ của Trương, xem Trương sống, để thấy rằng chính trong những tình cảm tăm tối nhất của con người, mối đam mê về đời sống của nó lại càng trở nên mù quáng, man rợ hơn bao giờ hết: những hành vi của Trương, dù trong tình yêu, dù trong tội lỗi, cần được quan niệm như những biểu tượng sống động nhất của một con người nổi loạn trước những hoàn-cảnh-giới-hạn của mình. Một biểu tượng khác, đó là hoài niệm, đó là hồi tưởng. Trong tâm hồn cằn cỗi của Trương, quá khứ bao giờ cũng đẹp, nó như một thế giới khác, đầy thần tiên, ở ngay trong chàng, một thế giới mà chàng vẫn tìm đến, quay về, để làm gì nếu không phải để làm ấm lại ngọn lửa tro đang tàn rụi trong chàng: đó phải chăng là thế giới thật của chàng. Tuổi thơ bao giờ cũng rực rỡ trong những dòng hồi tưởng của Trương và chính ở những trang sách của kỷ niệm và trí nhớ đó, người đọc đã khám phá những dòng chữ êm đềm, trong sáng nhất của Bướm trắng:

“Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: khu vườn rau của mẹ chàng với những luống rau diếp xanh thẳm, những luống thìa là lá nhỏ như sương mù và hôm nào trời nắng, những mầm đậu hoà lan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ở đâu bay về…” [34]

“Chàng ngẩng nhìn trời qua những cành long não lá non và trong: chàng thấy mình như trở lại hồi còn bé dại, lâng lâng nhẹ nhàng tưởng mình vẫn còn sống một đời thơ ngây trong sạch và bao nhiêu tội lỗi của chàng tiêu tán đi mất hết.

Vòm trời cao lúc đó, Trương nhận thấy thân mật, êm dịu như vòm trời ở phía sau nhà đã bao nhiêu lần chàng nhìn thấy mỗi khi ra thăm vườn rau của mẹ chàng.” [35]

Ước muốn đời sống, hoài niệm tuổi thơ và quá khứ, có thể coi đó như những cách thế điển hình của con người, ở đây thể hiện qua hình ảnh của Trương, trong nỗ lực tìm kiếm cho mình một cơ hội, một dịp may hầu thoát khỏi móng vuốt của định mệnh và cái chết đang chực chờ huỷ hoại. Ước muốn và hoài niệm, đó chính là niềm vui của con người tuyệt vọng đang đi đến tận cùng những giới hạn của mình.

Ở cuối đường phiêu lưu, khi tàn cơn mộng ảo – cũng là lúc Trương thức tỉnh lần này không phải trước bệnh hoạn và cái chết mà trước đời sống thật của mình, một đời sống bình thường, thay vì là một hình ảnh hay một huyền thoại của đời sống – Trương đã tìm được niềm vui mà trước đây đã chỉ đến với chàng trong mơ tưởng và hồi tưởng, niềm vui có thật của một con người thật trong một đời sống thật. Chàng từ chối gặp gỡ Thu một lần chót, cơn dối trá sau cùng của con người mộng tưởng chính là chàng; chàng từ giã luôn cái thế giới mà chàng đã dựng lên từ một hình ảnh, một cơn xúc động làm xây xẩm mặt mày; chàng từ giã luôn những ám ảnh trìu mến của cái chết bởi vì “chốn đó, nơi mà chàng tưởng sẽ quên được hết (…), chốn đó không phải là cõi chết ở thế giới bên kia”. Chàng trở lại quê nhà, tìm lại Nhan, người con gái vẫn đợi chàng từ những năm trước: Nhan như niềm vui thứ nhất đến với chàng, với tất cả đơn sơ và dịu dàng của nó, Nhan như sự thật đầu tiên xuất hiện dưới ý thức của Trương vừa trải qua một cơn say khướt. Chuyến trở về của Trương sau một quãng đời phóng túng trong đó có những hành vi xấu xa không chối cãi vào đâu được (việc chàng thụt két, vào tù), liệu có thể xem đó như cơn phản tỉnh của con người đạo đức ở Trương? Không. Thiết tưởng rằng tìm đến một câu giải thích về Trương cũng như về tác phẩm Bướm trắng mà chỉ căn cứ vào một chủ trương hay một ý hướng đạo đức, điều này có nghĩa là phủ nhận nhân vật (Trương) và tác phẩm (Bướm trắng) ngay từ trong bản chất của chúng. Bởi vì ở đây, khởi điểm của nhân vật và tác phẩm không căn cứ trên một ý tưởng đạo đức mà trên một nhận thức thấm đẫm tính chất siêu hình của con người về đời sống. Vậy thì Trương, hình ảnh một con người mộng tưởng đồng thời là một ý thức khốn khổ đó, hắn đi tìm cái gì? Có thể hắn đi tìm cho hắn một đời sống thật, một khuôn mặt thất, sự thật và niềm vui, tất cả ẩn giấu sau những tấm màn giả ảo.



[1]Viết và đọc tiểu thuyết, Đời nay, Sài Gòn, 1961
[2]Sách đã dẫn, trang 19 và kế tiếp.
[3]Sách đã dẫn, trang 22-23
[4]Bướm trắng, Đời nay, Sài Gòn, 1970, trang 7
[5]Sách đã dẫn, trang 8
[6]Sách đã dẫn, trang 14
[7]Sách đã dẫn, trang 14
[8]Sách đã dẫn, trang 16
[9]Sách đã dẫn, trang 48
[10]Sách đã dẫn, trang 60-61
[11]Sách đã dẫn, trang 59
[12]Sách đã dẫn, trang 45
[13]Sách đã dẫn, trang 109
[14]Sách đã dẫn, trang 138
[15]Sách đã dẫn, trang 123
[16]Sách đã dẫn, trang 149-150
[17]Sách đã dẫn, trang 151
[18]Sách đã dẫn, trang 229
[19]Sách đã dẫn, trang 252
[20]Sách đã dẫn, trang 8
[21]Sách đã dẫn, trang 11
[22]Sách đã dẫn, trang 12
[23]Sách đã dẫn, trang 251-252
[24]Sách đã dẫn, trang 55
[25]Sách đã dẫn, trang 88-89
[26]Sách đã dẫn, trang 67
[27]Sách đã dẫn, trang 68
[28]Sách đã dẫn, trang 137
[29]Sách đã dẫn, trang 80
[30]Sách đã dẫn, trang 236
[31]Sách đã dẫn, trang 155
[32]Sách đã dẫn, trang 84
[33]Sách đã dẫn, trang 256
[34]Sách đã dẫn, trang 141
[35]Sách đã dẫn, trang 197
Nguồn: Văn. Tập san Văn chÆ°Æ¡ng – TÆ° tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970. Toà soạn và trị sá»±: 38, Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. ĐT: 23.595. Tập san xuất bản do nghị định số 64/BTT/NĐ, ngày 4-12-1963. Bìa 1 số này: Chân dung Nhất Linh, vẽ bởi Nguyá»…n Gia Trí. Chi phiếu đề tên ông Nguyá»…n Đình Vượng (chủ nhiệm kiêm chủ bút). ThÆ° từ, bản thảo đề tên ông Trần Phong Giao (thÆ° ký toà soạn). Giao thiệp trá»±c tiếp ông Gia Tuấn (phụ tá thÆ° ký toà soạn). In tại nhà in riêng của báo Văn. Quản lý: cô Nguyá»…n Thị Tuấn. Giá 280Ä‘. [Chúng tôi nhập liệu nguyên văn từ trang 1 đến trang 78, tập san này dày 125 trang, có bỏ má»™t vài bản tin rao vặt, quảng cáo sách]. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.