Tủ sách talawas4.1.2008
Viên Linh
Thị trấn miá»n đông
(tân truyện)
3.
Khoảng một giờ sau, người anh mệt mỏi về nhà, đầu tóc rũ rượi, quần áo ướt sũng nước mưa. Ông đứng rất lâu trước gian phòng khoá cứng, nhiều lần đặt tay trên quả nắm bằng đồng mà không thiết xoay nữa. Khi ông tới trụ sở Hội đồng tỉnh, nơi này không có một ai. Ông gõ hoài công, cánh cửa nín thinh. Ông đội mưa ra về, mở thử căn phòng nhà mình lần nữa. Không một ai có thể cho ông biết thi hài mẹ ông quàn ở đâu, hay đã an táng rồi, vào một giờ khuya muộn như thế ở Tây Phố. Cuối cùng ông đặt mình xuống một trong hai chiếc ghế bành còn lại, ngủ qua đêm.
Bấy giờ Liên đã chợp mắt, đầu tựa lên vai ghế, giày rút ra khỏi chân. Hiệp cố thức canh giấc ngủ cho chị. Chàng không hỏi Sĩ một lời nào suốt từ đó trở đi, vì biết là vô ích. Cả ba đều chờ đến ngày mai.
Vào lúc rạng đông, một chiếc xe ngựa bánh cao su dừng lại trước ngôi biệt thự của bà Thịnh Phước. Chấm đèn bão le lói đầu xe là điểm sáng duy nhất trên con dốc Ngô Thời Nhiệm. Ngoài hơi thở dồn thoát mệt nhọc của con ngựa, chiếc xe, người xà ích và hai người khách không gây một tiếng động lớn nào.
Hai người đàn ông bước xuống tay không. Với chiếc thổ mộ này, họ phải từ một miền núi hẻo lánh nào khác ghé về, nên không dùng xe đò và phải đi đêm. Đợi cho chiếc xe ngựa về bến đậu, họ mới mở cánh cổng sắt bước lên lối đi lát gạch. Khi họ hiện ra trước vùng ánh sáng vàng vọt của ngọn nến, Sĩ và Hiệp đều tỉnh giấc, rời khỏi mặt ghế. Hai người mới tới là hai người họ đang mong đợi: người anh cả và lão gia nhân. Sĩ chào đón:
"Anh Học, tôi tưởng anh không về kịp.
Người đàn ông đứng tuổi chỉ mỉm cười chào lại mà không lên tiếng. Ông ta mặc áo veste nâu có sọc trắng, gầy, khuôn mặt hốc hác, mang kính lớn gọng, râu mép rậm, dáng chững chạc nhưng suy yếu. Ông ngồi xuống chiếc ghế trống còn lại, ngả lưng nghỉ ngơi. Sĩ và Hiệp ngồi lại chỗ cũ, một người dáng chờ đợi, một người vẻ bình thản hoài nguy không suy chuyển. Người anh cả và lão gia nhân chăm chú ngó Liên. Trong một thoáng họ mỉm cười, nhưng lặng lẽ như không hề ngạc nhiên, không hề cảm động, tuồng như họ biết trước hay không từng để ý đến sự có mặt của nàng.
Sĩ hỏi:
"Già Năm, lúc cụ mất, già có ở đây không?"
Ông Học giơ một bàn tay ra hiệu cắt đứt câu chuyện, ông nhỏ nhẹ bảo em:
"Để sáng mai đã, chú Sĩ. Còn nhiều việc phải làm trước".
Liên choàng dậy bởi những lời đối thoại đó. Nàng nhận ra hai người thân xưa kia, liền sửa dáng ngồi lại ngay ngắn:
"Anh mới về".
Và nàng đăm đăm nhìn người lão bộc. Theo lời người phu xích lô, lão đã đi mất ngay sau khi bà Thịnh Phước từ trần. Sự trở về của lão, cùng với Học, là một câu trả lời sáng tỏ. Ông anh cả của nàng vẫn sống với cái tác phong bí mật của các nhân vật nàng thường đọc thấy qua các bài hải ngoại ký sự được đăng một cách trịnh trọng trên báo chương vào những năm sau chính biến.
Ông Học thong thả gỡ kính rồi lấy tẩu từ túi áo veste ra nhồi thuốc. Ông làm việc đó một cách thư thái, nghiền ngẫm, coi nó như là một lạc thú hằng ngày. Ông mồi lửa bằng hộp quẹt máy nội hoá, thứ quẹt bán nhiều ở các tiệm tạp hoá bình dân. Ông bắt đầu từ người em kế:
"Lâu nay chú vẫn bình thường, chú Sĩ?"
"Vâng, cũng sống được".
"Vẫn mở trường?"
"Vâng, mới khai thác thêm một trường nữa ở Sài Gòn. Anh tính…"
"Sao tưởng chú ở Đà Lạt".
"Vâng. Ở cả hai nơi" – ông dừng lại, ngượng nghịu. "Tuỳ theo công việc. Mùa hè…"
"Ở như thế làm sao chú ứng cử được?"
"Tôi khai sổ gia đình ở Đà Lạt. Ứng cử ở các tỉnh nhỏ, mình có lợi. Là giám đốc một trường lớn… Mà sao anh biết rõ thế?"
Người anh lặng lẽ nói:
"Dù anh em lâu không gặp mặt nhau, tôi vẫn theo dõi từng người. Thím Hai vẫn khỏe mạnh? Thím ấy thi cử nữa hay thôi?"
"Vâng, cảm ơn anh" - ông hài lòng - "nhà tôi vẫn như thường. Thôi, không thi cử gì nữa".
Ông Học đột ngột nói ngừng tiếng:
"Tôi vạn bất đắc dĩ không thể ở nhà được nên mới nay đây mai đó, trốn tránh chỗ đông người. Còn chú, nhẽ ra chú nên ở nhà với mẹ".
"Tôi có mời mẹ lên Sài Gòn, mẹ không ưng. Các cụ khó tính… Tôi ló mặt về là chửi, anh tính".
"Ai trông cơ sở ở đây nếu mẹ nhận lời mời của chú? Chú đừng viện nhiều lý lẽ. Chứ không phải cái vụ thím Hai, còn chút nữa chú phải đóng cửa trường à? Tôi không bảo chú thế là tội lỗi đâu, chú đừng ngại. Nhưng chú cứ tưởng mình là người có tội, nên không dám nhìn mặt mẹ, cũng như không dám về Tây Phố này. Trong khi nhẽ ra phải cho chúng vỡ mặt ra ấy chứ. Chú biết khi mẹ sắp mất, ở đây chúng kháo nhau làm sao không? Chúng muốn vùi mẹ xuống đất như vùi một tàn tích lỗi thời. Dẫu người ta có lỗi thời thật đi nữa, chúng phải nhớ đến cái lúc người ta đương thời chứ? Láo! Xỏ lá! Tôi về đây là để triệt tụi hạ lưu đó. Và ở lại. Ở lại. Tâm trạng các chú bây giờ tôi thừa hiểu ra sao rồi. Tôi đi guốc vào bụng các người. Cái thứ tâm trạng đại phương, cái thứ đánh đĩ chín phương còn một phương lấy chồng, cái thứ tâm trạng lớn lên ở chỗ khác không quê hương quá khứ, cái thứ đồ bỏ đó, cái thứ đê tiện đó, cái thứ chó đẻ khốn nạn! Tôi biết các người về đây để thanh toán quá khứ, rồi chia nhau đi, rồi làm mặt lạ. Phải thế không chú Sĩ, chú Hiệp?"
Người thanh niên bình tĩnh đáp lại:
"Tôi tưởng anh không thể ở lại đây được".
"Tôi sẽ ở lại".
"Tôi hy vọng tôi nghĩ giống chị Liên.
Liên lắc đầu cười:
"Tây Phố không phải là phương tôi lấy chồng.
Người anh cả thở mạnh, chớp mắt rồi điềm đạm nói:
"Liên, anh không ghét cô cũng như không lên án cô đã đi làm cái nghề ấy, nhưng cô ra đi là phải hơn. Chuyện anh vừa nói với chú Sĩ là chuyện thái độ. Chuyện cô thuộc phạm vi chuyên môn: Có những nghề hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ. Khi mình theo nghề ấy, mình phải bị hy sinh".
"Cũng như có những nghề phải sống bằng quá khứ, xâu chuỗi, thành tích như nghề chính trị của anh. Tôi tưởng nó cũng là nghề chuyên môn. Trên căn bản, chúng ta toàn là chuyên viên, anh hay tôi cũng vậy. Chỉ khác anh làm việc bằng tinh thần, còn tôi" – nàng cười – "tôi lao động tay chân".
Ông Học cười nhạt:
"Cô không nên dùng giọng nhà nghề ở đây".
"Cảm ơn anh. Tôi chưa là một nhà nghề thực thụ. Quê hương Tây Phố chúng ta chưa đủ tư cách để đào tạo những gì gọi là nhà nghề, trên lãnh vực nào cũng thế. Nó chưa là một thành phố, nó mới là một thị trấn đang cố thích nghi với đồ dùng nhập cảng. Anh Sĩ là kẻ đầu nước, anh là kẻ cuối nước, chú Hiệp trôi theo và tôi mắc kẹt. Nên chúng ta lần lượt là bọn lợi dụng, bọn khí tiết, bọn dửng dưng và bọn thoả hiệp".
"Cô nói láo".
"Tôi không thiết nghĩ xem chị nói đúng hay sai".
"Cái đó tuỳ mọi người. Duy tôi muốn nói với anh Sĩ điều này: Nếu anh còn giữ giọng đó, tôi xin phép coi như anh không có mặt ở đây".
"Liên, cô không được vô lễ với anh cô".
"Già Năm đâu?"
Ông già lục đục một lát rồi từ căn phòng trống ló mặt ra, ngó mọi người dò hỏi. Sĩ nói:
"Già có cần đi ăn uống gì thì đi đi".
Ông Học phác một cử chỉ:
"Nếu không già có thể cứ ở trong đó. Các người khỏi lo, già là người tin cẩn".
"Tôi rất tiếc phải trái lời anh, nghĩa là phải vô lễ, anh Học; vì hôm nay không có chuyện vô lễ hay không".
"Tôi chắc cô sẽ không ân hận. Điều tôi mong muốn là chúng ta cùng ở lại Tây Phố sau khi an táng mẹ, trừ cô. Ở lại một cách êm đẹp, một cách anh dũng. Ở lại cho Tây Phố chúng tự câm họng hoặc làm chúng câm họng".
"Tôi đi hay ở là ý thích của tôi".
"Từ giờ phút này không ai được nói đến ý thích hết. Từ giờ phút này phải hy sinh những thứ đó. Tôi không thể để nhà Thịnh Phước suy sụp. Khi nào nơi này còn đánh được cá, còn phơi được muối, thì còn nhà Thịnh Phước. Song vì tôi không thể ló mặt ra ngoài, nên không thể để dân thị trấn biết tôi về đây. Rất may là mẹ mất vào tháng này, khi mùa muối và mùa đánh cá tạm ngưng. Sang tháng sau chúng ta phải thông thạo công việc".
"Tôi nhắc anh một điều: Tôi không biết gì về ngư nghiệp hết".
Ông Sĩ ngửa người trong ghế:
"Cô khỏi lo, chắc không phải nhờ đến tài chuyên môn của cô".
"Cũng chưa biết chừng".
"Chúng ta nói chuyện qua tình anh em. Liên, những lời anh nói với cô là những lời của một người anh".
"Tôi thì khác. Tôi đã nói rồi".
"Vậy với tư cách nào chú ngồi nói chuyện với cô Liên trong gian phòng này".
"Tôi đã nói từ lúc anh chưa về. Tôi tạm coi cô Liên và tôi là hai người lạ mặt về giúp đám tang nhà Thịnh Phước".
"Tôi chưa hề và không bao giờ chấp nhận đề nghị ấy. Tôi có mặt như người con trong gia đình, dù là con hoang, con trên giấy tờ".
"Người con cô nói đó chết từ lâu rồi".
"Hoặc anh chết từ lâu rồi".
Hiệp cúi đầu, nói không nhìn ai:
"Nghĩa là trong hai người cần có một người phải chết. Mẹ có phước lắm, nên mới có con chết theo đó".
"Chú câm mồm. Bây giờ không phải lúc đùa".
"Làm thế nào khác được nếu tôi thấy anh cũng như chị Liên đều còn sống, nhưng người này lại không chấp nhận người kia. Một là thế, hoặc ngược lại, cả hai đều đã chết. Anh muốn cách nào?"
"Chú muốn cách nào?"
"Cách của tôi".
"Tôi muốn hỏi: Cách nào trong hai cách của cô Liên và của tôi".
"Tại sao không có cách thứ ba?" - Chàng hài hước - "Thế giới còn có ba phe nữa là gia đình chúng ta".
"Phe thứ ba là lợi dụng".
"Tôi cũng chẳng rõ. Nhưng tôi có ý riêng".
"Ban nãy tôi có nói: Chú Hiệp là người trôi theo".
"Xin lỗi, miễn chị bình phẩm. Chỉ có tôi làm việc đó với mình".
"Tôi nhắc lại cho chú và cô Liên hay: Việc chúng ta là việc chung. Tôi mong các người quên mình trong một thời gian".
"Tôi rất tiếc, anh Học. Nếu tôi quên được tôi là thằng Hiệp, thằng Nguyễn Văn Hiệp của cái gia đình này, tôi đã không về đây. Nhưng tôi đã về đây, nên tôi không thể quên mình được nữa. Lý lẽ của anh là để áp dụng cho lý tưởng anh. Tôi lấy làm buồn phải thú nhận ở đây, tôi không thể theo những lý lẽ cao cả đó được. Tôi chỉ biết yêu mình, tôi ích kỷ".
"Tôi gần đồng ý với chú, chú Hiệp. Nói thế không có nghĩa là tôi muốn liên minh với chú đâu. Tôi cũng chỉ yêu mình và ích kỷ". Liên nói.
"Phải trơ trẽn lắm mới nhận được mình là kẻ ích kỷ như các người".
"Tôi hãnh diện dám nhận rằng mình ích kỷ".
"Tôi biết nghĩ sao, tôi sống thế nào thì nói thế".
"Tôi không ngờ ngày nay người ta bẩn đến thế đó".
"Tôi tự hào như vậy".
"Có gì mà ngờ hay không ngờ. Thái độ đó là thái độ bàng quan. Tôi nói thẳng: Chúng ta chỉ khác nhau ở chỗ hèn mạt hay can đảm".
"Đồ điếm".
"Tôi điếm với thiên hạ, không thèm điếm với anh".
"Cô điếm với tôi!"
"Mong đó không phải là nguyện vọng của anh".
Ông Sĩ hét lớn:
"Đó là sự thực. Trời ơi".
"Mong anh lầm. Tôi chưa cầm của anh tờ giấy bạc nào".
"Cô điếm vì muốn được ngang hàng với kẻ khác. Người ta điếm nhiều khi không vì tiền, cô biết không?"
"Thật là thú vị". Hiệp nói.
Già Năm hiện ra trên khung cửa phòng trống. Già nhìn Học và nói: "Sắp sáng rồi, cậu Học". Học gật đầu ra hiệu cho già lui vào. Ngoài cửa sổ, trời hừng dần.
"Chú Sĩ, chú im lặng. Phải nhận chúng ta đều là con của gia đình, đều là anh em một nhà dù cô Liên là con riêng của thầy và sống một lề lối khác chúng ta".
"Tôi không bao giờ nhận sự nhục nhã đó".
"Nếu trong di chúc, mẹ nhận thì sao?" Hiệp hỏi.
"Kệ mẹ".
"Câu trả lời của anh ấy rất rõ ràng".
Chợt cái xắc tay của Liên thấm lệ nến, bắt lửa. Chiếc khăn san mỏng của nàng vắt ở đó cháy vèo như cánh chuồn. Hiệp hất cái xắc xuống sàn nhà, đứng lên dập tắt ngọn lửa. Khi chàng nhấc cái xắc lên chàng trông thấy một khẩu súng lục nhỏ trong đó. Chàng cầm lên tay, nói:
"Tôi không ngờ chị chơi súng".
"Chú làm ơn đưa cho tôi".
"Tôi muốn mua một khẩu. Trong núi đá nơi tôi làm việc nhiều nguy hiểm lắm. Làm sao mua được?"
"Ở đây khí giới chỉ bán buôn, không bán lẻ. Nếu cần một khẩu thì phải tìm cách đổi".
"Làm sao để đổi được một khẩu".
"Với chú không biết phải làm thế nào".
"Xin lỗi đã hỏi chị".
Anh ta nói và nhân thể cúi xuống nhặt cái mũ đang nằm ngửa cạnh cái va-li của Liên. Ông Học nhoài người tới gần em, tay nắm lấy đầu súng, miệng nói vội: "Tôi xem nào, chú Hiệp". Ông vừa nói dứt, tay đã lột khẩu súng khỏi tay Hiệp. Ông chăm chú ngó thứ khí giới mà ông ao ước bao lâu nay, đôi mắt lộ vẻ thèm muốn. Liên đứng dậy, một tay vuốt nếp áo, một tay chìa ra. Nàng nói:
"Anh cho tôi xin".
"Cô có thể để lại cho anh, cô Liên?"
"Không".
"Bao nhiêu cũng được".
"Không. Tôi không để được".
"Rồi cô kiếm cái khác. Cô kiếm chắc dễ". Nói xong, ông vuốt mặt làm như mệt mỏi.
"Không, anh cho tôi xin".
Bốn anh em nhà Thịnh Phước chăm chú ngó nhau trong một biến động bất ngờ. Sĩ có vẻ sợ hãi, Hiệp và Học thèm muốn. Liên đứng ngồi không yên. Họ không để ý tới gã thanh niên mặc đồng phục xanh chiều hôm qua đã trở lại đang ngó qua cửa sổ. Hình như gã đến từ lâu, nghe được một phần câu chuyện và tò mò nhìn vào.
Lúc ấy Liên nóng nảy giằng lấy khẩu súng, song ông Học giơ cao tay vượt khỏi. Gã thanh niên hụp đầu trước một tiếng nổ tưởng tượng, hoảng hốt hét lớn. Tiếng hét làm mọi người giật mình, và lát sau kinh sợ. Gã thanh niên chạy ra đến đường, ghếch chân lên xe đạp rồi mới dám lên tiếng: "Mời các ông ra trụ sở Hội đồng Tỉnh có việc gấp. Ông Hội đồng tôi chờ hoài rồi". Gã nói xong đạp xe đi khuất.
Già Năm lại hiện ra trên khung cửa. Già lo lắng nhìn ông Học. Ông ta có vẻ lạnh ngắt, đôi mắt thất thần. Ông nắm chặt khẩu súng, nghĩ ngợi băn khoăn.
Người em kế lo ngại hỏi ư
"Làm thế nào bây giờ?"
"Chị Liên, chị có giấy phép giữ khí giới không?"
"Chú hỏi kỳ cục".
"Vô ích. Đứa nào dám vào đây hỏi giấy nhà này? Ông thì bắn vỡ sọ. Già Năm đâu?"
Lão gia nhân hấp tấp bước ra.
"Già ra khoá cổng lại cẩn thận".
Ông già khuất sau cánh cửa ra vào. Ông Học ra khép cửa sổ lại. Khẩu súng đã bỏ trong túi áo veste. Ông bảo các em: "Các chú và cô ngồi xuống. Hãy bình tâm".
Mấy phút sau lão gia nhân bước vào. Vai áo lão lấm tấm nước mưa. Sự yên lặng nín thở khiến Liên nhận ra mưa vẫn reo đều bên ngoài. Ngôi nhà lần lượt được khoá kín các cửa nên dù ban ngày, lão gia nhân phải mang nến ra tiếp tục giữ ngọn lửa, đủ soi mù mờ căn phòng.
4.
Khi mọi người đã ngồi lại, ông Học trấn an bằng cách nhồi thuốc vào tẩu, thong thả mồi lửa, cố tạo một không khí bình thản, nghiêm trang. Ông hút một vài hơi và nói với em gái: "Liên cảm phiền, anh tạm giữ khẩu súng của cô cho đến khi nào cô rời Tây Phố". Không để Liên phản đối, ông gọi già Năm tới. Bốn người con của bà Thịnh Phước và lão gia nhân bắt đầu họp mặt trong hoà khí tạm vừa tạo được. Ông Học bảo già Năm ngồi xuống một chiếc ghế đôn bên cạnh nói: "Già bắt đầu kể lại cho lần lượt".
"Vâng" – ông lão khép hai tay giữa đùi, lúng túng tìm lời – "Già ở với cụ từ trên ba mươi năm nay, lúc cậu Học mới bắt đầu đi học khai tâm ở nhà cụ Cử, nên già vô phép thường coi như mình là người của gia đình họ Nguyễn. Bởi thế những lời già kể lại đây với các cậu, với cô là những lời chân thật của già.
Lão nhìn qua mọi người, nói tiếp:
"Kể từ ngày cô ra đi, cụ bà buồn lắm, mặc dầu trước đó cụ không yêu thương cô bằng yêu thương các cậu. Rồi những năm lộn xộn tới, cậu Học phải lánh mình một nơi, cụ thường đăm chiêu hơn. Trong nhà bấy giờ không có ai là gái, nên cụ càng nhắc nhở đến cô. Một phần các cậu cứ lên, người này đến người khác đi xa, cụ càng chểnh mảng công việc. Cơ sở nhà ta bây giờ suy yếu lắm, vì không ai để tâm trông nom, người ta nợ nần không trả cũng lắm. Cho đến khi cậu Hiệp đi làm xa, cụ hầu như đau yếu thường xuyên. Buôn bán bị Hợp tác xã chèn ép. Mà cụ nhất định không cho đi tìm các cậu với cô về. Các ngài thường bảo: "Đứa nào có nhớ đến ta thì nó về, quê hương đất tổ chúng còn lơ là, ta sống hay chết cũng thôi chứ làm gì".
"Năm ngoái, bỗng dưng cụ cho mời ông Chưởng khế Đỗ Văn Tu đến nhờ ông làm di chúc. Thật là điềm gở quá. Già không biết di chúc đó ra làm sao, nhưng già hằng lo sợ, vì cái quân Tây Phố này chúng một ngày một lộng lắm. Chỉ thiếu điều chúng ăn cướp nhà này mà thôi. Hồi xưa, khi cụ ông còn tại chức, cụ gây thù oán cũng nhiều. Chúng rắp tâm làm hại mình từ lâu rồi. May sao năm ngoái già bắt được tin cậu Học, nên khi cụ mất, sáng hôm kia, già đi tìm cậu Học ngay".
Lão ngừng lại, lau mép, nhìn một lượt anh em nhà họ Nguyễn:
"Vả lại, khi cụ nằm vào áo quan rồi, cỗ áo quan cụ đặt làm sẵn từ nửa năm trước, cụ có trăn trối với già rằng: Đợi ba ngày sau khi cụ nhắm mắt rồi hãy hạ huyệt. Ý cụ là muốn các cậu với cô về đủ mặt ngày táng. Cụ còn dặn lại khi cụ mất thì báo cho ông Chưởng khế biết ngay…"
Liên ngắt lời:
"Già có làm đúng như lời cụ dặn không?"
"Vâng, già đi báo ông Chưởng khế rồi mới đi tìm cậu Học. Không hiểu sao các cậu với cô đã biết mà về trước".
"Chúng tôi nhận được điện tín do ông Chưởng khế đánh đi".
"Lạ quá, ông ta làm sao biết địa chỉ các cậu với cô?"
"Sao già nói thế?"
"Chính ông hỏi tôi: Biết các cậu với cô ở đâu mà báo tin hay chờ đợi. Ông còn gia hạn: trong một ngày phải an táng cụ, quàn lâu nguy hiểm lắm, nhất là cá đang ướp dở… lại gặp mưa trái thường".
"Ly kỳ đấy chứ? Tôi làm mãi vùng núi đá miền thượng du mà người ta cũng biết để gọi về".
"Chắc mẹ cho ông ta hay. Mẹ có thể nhờ ông ta làm di chúc thì còn gì mẹ giấu ông ta nữa".
Ông Học nói xong liền vỗ bã thuốc khỏi lòng điếu, cất tẩu vào túi và đứng lên, dáng điệu e ngại. Ông đến gần khung cửa có quả nắm bằng đồng. Sĩ đứng dậy đi theo:
"Khoá chắc lắm, tôi mở thử mãi rồi".
"Già Năm, chìa khoá đâu?"
"Thưa cậu, để lấy thêm nến đã".
Ông già vào căn phòng trống mang ra hai bao nến lớn, châm thêm hai cây rồi ngần ngừ nói với Học:
"Cậu yếu lắm, để tôi vào trước mở cửa sổ cho thoáng hơi đã".
Hiệp sửng sốt hỏi:
"Già Năm, thì hài mẹ tôi quàn trong phòng này sao?"
Anh ta hỏi xong cũng đứng vội dậy. Với quần áo nhàu nát, trông anh ta có vẻ mệt mỏi truỵ lạc. Ông già nghiêm giọng:
"Vâng, tôi quàn thi hài cụ trong này".
Hai người anh lớn của Hiệp đứng sau lão gia nhân, tay nâng cao ngọn nến trắng. Trong lúc ông lão lúi húi lần chùm chìa khoá, căn phòng chìm vào sự nín thinh nặng nề. Sự yên lặng tĩnh mịch đó khiến Hiệp có cảm tưởng vừa nghe được một tiếng động lịch kịch đâu đó bên tai. Chàng mở mắt ngó chị. Liên cũng như đang nghe ngóng không khí bưng bít giữa những cánh cửa đóng kín, sặc mùi sáp nến khét lẹt. Nàng nhìn xuống mặt bàn, trông thấy tấm hình bà Thịnh Phước lồng trong cái khung lớn mà hôm qua Sĩ hạ từ trên tường xuống. Nàng nhìn Hiệp. Hai chị em lặng lẽ nhìn nhau như cùng dò hỏi về một linh cảm mường tượng thấy vong hồn người chết quanh quẩn nơi bàn ghế. Hiệp bỗng chăm chú nhìn lên trần nhà quét vôi trắng. Chàng nghĩ đến những con chuột trên rầm thượng mà hơn hai năm nay chàng không nhớ tới.
Già Năm lúng túng tra chìa khoá vào ổ. Già đặt bàn tay nhăn nheo lên quả nắm bằng đồng, khẽ xoay một vòng. Già đẩy mạnh hai cánh cửa gỗ lim nặng nề của căn phòng quàn thi hài. Và già hấp háy cặp mắt trong ánh nến lù mù, bàng hoàng quay lại:
"Cậu Học, cậu Học, cậu thấy gì không?"
"Cái gì đó?"
"Chúa tôi!"
"Cái gì đó hả?"
"Cái quan tài đâu rồi?"
Liên cố gắng để không nắm lấy tay Hiệp. Nàng sững sờ dựa lưng vào tường, ngó thất thần vào căn phòng vừa được mở ra. Một cái giường gụ đen kiểu cổ, nệm bông soi bóng trên nền đá hoa sáng. Một cái tủ, một cái kệ, một cái bàn thấp cạnh giường. Và hai cái giá gỗ sơn quang dầu chơ vơ giữa khoảng trống, xếp hàng song đôi để đỡ một cái áo quan không có ở trên đó.
Lão gia nhân thảng thốt ngó mọi người bằng cặp mắt khô ráo không muốn chớp. Khuôn mặt già nua của lão căng ra, bất động, như một mặt tượng. Lão không thể hiểu cũng như không thể nói được nữa.
Sĩ rung động toàn thân. Cái khối thịt trắng bệu bạo ấy muốn lả tả rụng xuống từng mảnh. Liên thấy ông anh khác mẹ của nàng là một con búp bê nhựa đã cũ, làn sơn tô mắt mũi tóc miệng đã lạt, những dây cao su nối tứ chi đã lỏng, để rũ xuội xuống trong dáng điệu chết đuối. Riêng ông Học phẫn nộ. Ông nắm ngực áo lão gia nhân:
"Thế là thế nào hả, hả?" – Ông thọc tay vào túi áo để khẩu súng nhưng rút vội ngay ra. Tay kia cũng rời ngực áo lão già – "Già Năm, già nhớ rõ chứ? Mẹ tôi đâu, hả?"
Lão gia nhân bỗng mếu máo. Nhưng Liên khóc trước lão. Nàng cắn chặt môi để khỏi kêu thành tiếng. Nàng úp mặt vào tường, nuốt sống những hơi thở sợ hãi.
Lão già bật lên tiếng phân trần:
"Chúa tôi! Tôi không biết! Tôi không biết! Chính tôi đậy nắp áo quan, chính tôi khoá cửa cẩn thận mà! Chúa tôi!"
"Già thử xem có quên không?"
"Cậu bảo quên cái gì?"
"Hoặc là mẹ tôi được an táng rồi. Hoặc là già không khoá cửa?"
"Làm sao tôi quên quái gở thế được kia, cậu? Tôi đã an táng cụ đâu?"
"Khi tôi về đây, trưa hôm qua, phòng khách không khoá".
"Thật sao cậu? Tôi khoá rõ mà" – ông lão ngơ ngẩn trong một lát – "mà nếu già này lú lẫn thì chỉ quên phòng ngoài thôi. Phòng này chính các cậu mở mãi không được. Phòng này chính tôi vừa mở ra trước mắt mọi người đó thôi".
"Các người im lặng".
Ông Học đi quanh gian phòng, thử các chốt cửa sổ, xem xét thật kỹ khung cửa mở xuống Suối Cá Thần. Tất cả đều đóng chặt. Ông bỗng nói:
"Như thế có người mở được gian phòng này, bằng chìa khoá riêng".
"Ai mới được chứ? Để làm gì mới được chứ?"
"Anh Học, phải gặp ông Chưởng khế và ông Hội đồng".
Trong khi mọi người tính toán, Hiệp đến ngồi trên chân cầu thang gỗ thường dùng để trèo lên rầm thượng, bằng lỗ hổng vuông nhỏ đục trên trần, ngay trên đầu thang phía nóc tủ, Hiệp nhớ xưa có bao nhiêu mâm đồng, đỉnh đồng, mẹ chàng đều cho cất trên rầm thượng hệ thống, hình như để tránh han rỉ. Thoáng nhớ đến thời thơ ấu đùa nghịch leo trèo, Hiệp ôm đầu nhớ mẹ. Chàng ngó lên lỗ hổng trên trần, có ý muốn lên đó. Song Liên đã gọi chàng:
"Chú Hiệp, chú với già Năm ra Trụ sở Hội đồng Tỉnh đi".
"Để anh Sĩ".
"Được, để tôi".
Thình lình có tiếng gõ cửa mạnh. Mọi người nhìn sững một giây. Ông Học bảo các em và lão gia nhân ra hết phòng khách. Ông khoá trái cánh cửa có quả nắm bằng đồng lại, tự nhốt mình trong đó. Lão gia nhân hé cửa nhìn ra hiên. Khi nhận ra ông Chưởng khế và ông Hội đồng tỉnh, lão mở một bên cửa cho họ vào. Ở phía trong, Hiệp cũng mở rộng một cánh cửa sổ. Mọi người khép mắt vì ánh sáng chói loà. Liên tắt vội ngọn nến còn cháy trên bàn. Một ngày mở ra trong ngôi biệt thự âm u của nhà Thịnh Phước. Qua những khung cửa phía sau, thung lũng Suối Cá Thần hiện ra trong khoảng xanh âm u tẻ nhạt.
Hai viên chức hàng tỉnh bước vào, ngồi xuống ghế. Trên hai ghế kia là Sĩ và Liên. Hiệp đứng sau lưng chị, lão gia nhân đứng sau lưng Sĩ. Ông Chưởng khế ôm một cái cặp da lớn, mang kính trắng. Ông Hội đồng khoác áo veste nâu tương tự của ông Học, quần vàng, giày đỏ, trán bóng, môi dày. Ông ngó khắp lượt bằng cặp mắt sắc, rồi ông rút thuốc mélia vàng ra hút. Trong khi vỗ vỗ điếu thuốc lên tấm ảnh bà Thịnh Phước đặt trên bàn, ông chậm rãi nói:
"Cụ mất đột ngột, thật chúng tôi lấy làm buồn lắm. Chúng tôi định tổ chức ngày đám cụ cho long trọng. Ở Tây Phố này có lẽ cụ là bậc niên trưởng nhất đấy. Vả lại" – ông ta cười – "nhờ cụ và các ông, với lại cô, chúng tôi được nương cậy nhiều lắm. Song tiếc rằng các ông với cô về có hơi chậm, già Năm lại bỏ đi ngay, nên tôi và ông Chưởng khế đây vạn bất đắc dĩ, đã phải cho chuyển linh cữu cụ ra khỏi nhà".
"Các ông làm thế là vô phép".
"Chúng tôi về từ hôm qua, tại sao ông làm vội thế?"
Mong cô bớt giận. Cô không ở Tây Phố" – ông ta luôn luôn giữ nụ cười thủ thế – "cô không rõ. Mùa này cá đều đang ướp dở dang, mưa lại thất thường, dân chúng họ không chịu để cụ như vậy. Nếu cô cần chứng cớ…"
Ông ta móc túi áo lấy ra hai lá thư viết trên giấy học trò, gấp tư, đưa cho anh em Liên. Liên chỉ ngó qua không buồn đọc, rồi đặt trả hai lá thư khiếu nại xuống bàn. Nàng lạnh lùng nói:
"Chúng tôi có nhà cửa đàng hoàng, lý gì các ông mang thi hài mẹ tôi ra khỏi nhà? Các ông để ở nhà xác chứ gì? Các ông coi mẹ tôi như một cái xác vô thừa nhận sao?"
"Chúa tôi!"
Ông Hội đồng xếp giấy lại, cho vào cặp, ngẩng mặt lên:
"Không. Ai bảo cô là thi hài cụ để ở nhà xác? Đời nào chúng tôi làm thế?"
"Cảm ơn các ông".
"Vậy thi hài mẹ tôi đâu?"
"Chúng tôi chôn rồi.
Ông Sĩ đứng dậy:
"Cái gì hả? Ông nói sao?"
Từ ban nãy Hiệp vẫn đứng im sau ghế, bình thản nhắc lại:
"Ông ta chôn rồi".
"Các ông muốn gì hả?"
"Chúa tôi!"
Liên hỏi:
"Ông Hội đồng, ông tự ý làm thế chứ?"
"Thưa cô, dân chúng khiếu nại quá… Có ông Chưởng khế đây biết, phải không ông Chưởng?"
Người được hỏi từ nãy vẫn ôm cái cặp, tay cầm mùi soa nhàu nát, ông ta nhìn tất cả mọi người:
"Vâng, thật là vạn bất đắc dĩ, thưa cô. Ai muốn để cụ về một cách buồn thảm như thế".
Người anh kế của Liên bất lực, thở dài:
"Mẹ tôi ăn ở bạc ác gì hả? Sao các ông làm thế?"
Liên nói:
"Không phải lúc để kể tình kể oán. Ông an táng mẹ tôi ở đâu, ông Chưởng khế?"
"Thưa cái đó ông Hội đồng quyết định".
"Ông Hội đồng?"
"Thưa cô, ngoài nghĩa địa chung của thị trấn, cạnh Suối Cá Thần".
Người lão bộc kêu lớn:
"Cụ tôi khi sống, luôn luôn mong được an táng ở đỉnh đồi Lương Sơn.
Hai viên chức hàng tỉnh nhìn nhau. Viên Chưởng khế buột miệng:
"Tôi quên mất việc đó rồi!"
"Ông không được việc gì cả! Ông im đi!"
"Ông quên chi đó, thưa ông Chưởng khế?"
"Tôi lú lẫn quá. Cụ có nói với tôi…"
"Thôi, ông im đi" – ông Hội đồng gắt và quay sang phía Liên – "Thưa cô, sự đã rồi. Dù sao cụ cũng đã được ồ yên mả đẹp".
"Chúa tôi!"
"Chú Hiệp, chú tính sao?"
"Chị Liên?"
"Ông Hội đồng, ông được phép an táng mẹ tôi chứ?"
"Vâng, hàng tỉnh đã uỷ quyền cho tôi. Có giấy tờ phiên họp uỷ quyền đây".
"Tôi không công nhận cái giấy ấy".
"Ý cô muốn sao?"
"Ông Chưởng khế, ông là người được mẹ tôi uỷ thác làm tờ di chúc phải không?"
"Vâng, hồi còn sinh thời, tôi thường được cụ cho giúp việc giấy tờ" – ông ta cười – "Cụ đối với tôi thật là…"
"Vậy mà ông đối xử với mẹ tôi như thế?"
"Thưa cô, có điều gì đâu. Chúng tôi tưởng các ông với cô không về kịp, nghĩ đến lòng tốt của cụ nên chúng tôi đã đứng ra lo việc an táng".
"Cảm ơn tấm lòng tốt của ông. Chứ không phải vì tờ di chúc sao?"
"Tôi không hiểu ý cô".
"Chúng tôi không chấp nhận việc làm của các ông. Chúng tôi sẽ cải táng mẹ tôi ngay hôm nay!"
"Chúa tôi!"
"Cô Liên! Cô tính đào mả mẹ sao?"
"Tôi vô phúc mất dạy vậy đó" – nàng kêu lớn – "Anh Học, bộ anh còn ở đó sao?"
Ông Học rời căn phòng vẫn đóng kín bước ra trước sự ngạc nhiên của hai viên chức, một tay ông để trong túi áo veste, dáng điệu điềm đạm vững vàng.
"Già Năm, đóng cửa giùm tôi".
Khi lão gia nhân bước vội ra kéo cửa cài chốt lại thì Sĩ đứng dậy nhường ghế cho anh. Ông Học ngồi xuống.
"Chào các ông. Tôi là trưởng nam của bà Thịnh Phước".
Hai viên chức lúng túng gật đầu chào. Trong khi ông Học lấy tẩu mồi thuốc thì Liên thân mật nhưng vội vàng thò tay vào túi áo veste của anh lấy lại khẩu súng. Nàng lấy vẻ bình tĩnh đặt khẩu súng vào cái xắc ôm trong lòng, nói với ông Chưởng khế:
"Bây giờ xin ông cho chúng tôi biết về tờ di chúc đó".
Hiệp thân mật cúi xuống sát vai chị, định nói gì đó nhưng Liên khẽ ra hiệu:
"Hiệp im lặng nghe đọc di chúc".
Ông Chưởng khế lấy mùi xoa lau mặt, sửa lại kính, liếc nhìn cái xắc của Liên, mở cặp lấy ra một tập hồ sơ. Ông lôi một cái phong bì lớn có gắn xi lên mặt bàn. Bằng hai bàn tay run rẩy như người có bệnh tê thắp, ông xé mép, rút tờ di chúc ra. Song ông quá xúc động không đọc nổi, Liên giơ tay. Ông trao xấp giấy cho nàng.
"Tôi xin tóm tắt để các người nghe. Tôi miễn đọc phần thủ tục. Đây là những phần chính".
Nàng chăm chú một lát rồi lên tiếng:
… "Khi tôi từ trần rồi, gia tài của tôi, gồm số tiền mặt là 1.500.000 đồng gửi ở Đông Dương Ngân hàng và các bất động sản có ghi phía dưới, sẽ được chia ra như sau, tuỳ hai trường hợp:
"Trường hợp thứ nhất: Nếu các con tôi về họp mặt đông đủ ba đứa là trưởng nam Nguyễn Văn Học, con thứ Nguyễn Văn Sĩ, con út Nguyễn Văn Hiệp, thì trưởng nam lo việc ma chay, hưởng một phần ba số tiền mặt gửi ở nhà Đông Dương Ngân hàng và tất cả các bất động sản. Và phải giữ lại lão gia nhân Trần Văn Năm cho lão 100.000 đồng trong số trưởng nam được hưởng nếu lão còn sống, và phải lo ma chay cho lão, nếu lão từ trần sau đó".
"Phần còn lại sau khi khấu đi 100.000 đồng cho con riêng của chồng tôi là Nguyễn Phương Liên nếu nó còn sống và trở về, còn sẽ chia đều cho hai con trai của tôi. Trường hợp con cả chết, con kế phải lo ma chay và số tiền dôi ra sẽ giúp vào quỹ xã hội. Phần mộ tôi phải xây bằng đá ông trên đỉnh đồi Lương Sơn, hướng mặt về phía biển".
Liên ngừng đọc, rời mắt khỏi tờ giấy nhưng không nhìn ai. Nàng thở có vẻ mệt nhọc nhưng lại cúi xuống đọc tiếp:
"Trường hợp thứ hai: Nếu các con tôi không đứa nào có mặt kể đến lúc an táng tôi nơi phần mộ đã định sẵn như trên, thì người nào có công đứng ra lo ma chay cho tôi, - bất cứ là ai, không phải con tôi - sẽ hưởng được một phần năm số tiền mặt 1.500.000 đông. Số tiền còn lại và các bất động sản sẽ được chia ra như sau…"
"Di chúc này được trao cho Chưởng khế Đỗ Văn Tu thi hành…".
Liên đọc xong, trao tờ di chúc cho ông Học. Ông ta đeo kính đọc qua. Liên liếc nhìn Sĩ. Ông ta có vẻ thản nhiên như không. Liên cảm thấy Hiệp đứng sát sau lưng ghế, chạm vào tóc nàng, nhưng nàng không muốn quay lại ngó mặt em. Thình lình nàng hỏi:
"Thưa ông Chưởng khế, ông là Đỗ Văn Tu?"
"Vâng. Đỗ Văn Tu là tôi".
"Ông không phải Đỗ Văn Tu".
"Cô nói sao? Thẻ căn cước và thẻ cử tri của tôi đây".
"Có nghĩa là chúng tôi không coi ông là người được thi hành bản di chúc này. Ông đã tiết lộ điều khoản của trường hợp thứ hai cho ông Hội đồng. Các ông muốn chia một phần năm số tiền một triệu rưỡi".
Ông Hội đồng cười nhạt, đứng dậy:
"Cô sẽ bó tay. Tôi bảo cho mà biết. Nếu cô muốn lôi thôi".
"Rất tiếc các ông đã lầm lẫn. Phải chi các ông an táng mẹ tôi ở đồi Lương Sơn".
"Lỗi ở ông Chưởng khế" – ông ta quay sang ông này – "Ông làm hỏng hết! Ông đ… được việc gì cả!"
Người anh cả lạnh nhạt nói:
"Xin từ giã các ông".
Ông vừa nói, vừa xé vụn tờ di chúc.
Một viên chức run lên vì giận và luống cuống…
"Ông Học. Ông làm thế cũng vô ích. Ông nên nhớ chúng tôi còn giữ bản chính".
Sĩ hét lớn:
"Bước!"
Lão gia nhân mở cửa cho hai viên chức bước ra. Họ hầm hầm nhìn mọi người. Ông Hội đồng cười nhạt:
"Rồi các người biết tay tôi. Các người sẽ cuốn gói khỏi Tây Phố này trong ngày hôm nay".
Ông Học đăm chiêu ngó xuống tấm hình mẹ vẫn đặt ngửa trên bàn. Ông vuốt mái tóc cắt ngắn, rồi ngửng mặt lên ngó em gái, mỉm cười:
"Anh rất hài lòng về cô".
Liên cố giấu phản ứng. Nàng ngần ngừ trong giây lát rồi trao khẩu súng cho anh:
"Anh giữ lấy, anh Học".
Ông Học tươi tỉnh đưa tay ra. Ông đỡ khẩu súng bỏ vào túi áo và bảo lão gia nhân:
"Các cửa khác đóng lại, riêng phòng khách cứ để mở. Xong lão đi mua giùm tôi vài cái cuốc, cái xẻng, mấy tay đòn. Đêm nay chúng ta sẽ đào mộ cụ, mang thì hài cụ về đây.
Liên nhìn trầm ngâm ra khu vườn, mưa đã ngớt.
Nguồn: Thị trấn miá»n đông. Tân truyện của Viên Linh; mẫu bìa của Văn Thanh; do táºp san Văn xuất bản lần thứ nhất, in tại nhà in riêng của nhà xuất bản, K.D. số 2874/BTTCH/BC3/XB ngà y 7.9.1966; xong ngà y 1.10.1966. Bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện.