© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
20.9.2005
Phan Khôi
Văn học với nữ tánh
 
Phụ nữ tân văn kỳ mới rồi, có bài đề làVề văn học của phụ nữ Việt Nam”, trong có nói rằng đàn bà có nhiều cái tánh chất thích hiệp với văn học, như là trầm tịnh nhẫn nại và nhiều tình cảm, rồi kết luận rằng nếu nhơn lấy những cái tánh chất ấy mà chuyên theo nghề văn học thì có lẽ dễ và mau thành công hơn đàn ông. Mấy lời ấy nghe ra tuy có vẻ mới lạ mà dường như ở trong cũng có chơn lý ít nhiều. Tôi đọc đến đó thì làm cho tôi phải để ý suy nghĩ; kết quả lại, tôi viết ra bài nầy gọi là nghiên cứu sơ qua văn học với nữ tánh là thể nào.

Tôi rất lấy làm lạ rằng xưa nay bất kỳ nước nào cũng vậy, văn học là phần đàn ông, đàn ông đứng vào trung tâm của văn học, thì làm sao trong văn học, lại cứ hay nói đến chuyện đàn bà. Càng làm những áng văn chương hay chừng nào thì lại càng nói tinh về chuyện đàn bà chừng nấy. Có lắm bậc văn hào đời xưa lại ưa mượn câu chuyện đàn bà để tỏ bày tâm sự của mình. Nhiều nhà thi nhơn đại tài cũng hay mô tả các tình tiết cùng là thân phận của phụ nữ. Sự đó há chẳng phải là một cái vấn đề đáng cho ta nghiên cứu hay sao ? Hoặc giả văn học với nữ tánh có quan hệ với nhau làm sao đó mà xưa nay ta lửng [1] đi, không chú ý đến.

Thật vậy, văn học với nữ tánh chắc là có quan hệ. Đây tôi xin chỉ ra một vài điều để chứng rằng nữ tánh hẳn đã choán hết mấy phần trong văn học, rồi sẽ phỏng định những điều quan hệ của nó về sau.

Nói về văn học nước Tàu thì Kinh Thi là một bộ sách rất xưa, làm nguồn của văn học nước ấy, mà một sách Quốc phong đầu, phần nhiều nói về chuyện đàn bà con gái. Lật ngay mấy bài đầu, như “Cát đàm”, “Quyển nhĩ”, bài thì nói về vợ lớn vợ bé, bài thì nói về vợ trông chồng. Ngay bài thứ nhứt là bài “Quan thơ”, ba lần lặp đi lặp lại bốn chữ “yểu điệu thục nữ”.

Văn chương nước ta, ai cũng phải nhìn nhận rằng Truyện Kiều là một áng văn chương kiệt tác, thứ xuống thì đến những Cung oán ngâm khúc vân vân, mà hai thứ ấy cũng đều nói về cảnh ngộ và tâm sự của hạng nữ lưu. Vậy thì ta thử hỏi: Làm sao tác giả của hai áng văn đó lại không phô bày ngay cái hoài bão của mình ra, mà phải đi mượn chuyện của người khuê các?

Lạ cho đến nỗi Kinh thánh của Cứu thế giáo [2] là kinh điển của một tôn giáo, chớ không phải hạng văn chương, song le ở trỏng có một sách gọi là Nhã ca của Salomon, toàn dùng lời con gái mà nói về ái tình cả. Sách ấy cũng là sách rất xưa và là nguồn của văn học Hi-bá-lai (Hébreux) đó!

Khuất Nguyên là một bực trung thần, cũng là một tay văn hào bên Tàu đời xưa. Sở từ là sách của ông ấy truyền lại và có danh trong văn học giới trải hai ngàn năm nay, mà ở trỏng nói những chuyện gì? Không chi lạ, cũng chỉ là “mỹ nhân” với “phương thảo”. Nghĩa là ông ấy sánh mình tinh sạch thơm tho như các thứ cỏ thơm (phương thảo), và vì trung mắc nạn như người đàn bà đẹp (mỹ nhơn) bị chồng để [3] ! Chỗ nầy cũng nên để một dấu hỏi: Ông Khuất Nguyên cứ nói chuyện mình được không, sao lại phải đem chuyện người đàn bà đẹp để ví với mình?

Đến như Đỗ Phủ, Lý Bạch là tay thi thánh, nay mở thi tập của mấy ổng ra mà xem, thì thấy chẳng có mấy bài là chẳng nói đến cái thứ tình nhi nữ, nhứt là của Lý Bạch lại nói nhiều hơn.

Như bài “Giai nhân”, ông Đỗ Phủ thuật chuyện một người đờn bà con nhà tử tế, gặp hồi loạn và bị chồng bỏ, ở một mình trong nơi hiêu quạnh, để giữ lấy trinh tiết, giọng thơ thật hay và tả tình tả cảnh rất là đúng. Có nhà giải thơ nói rằng: Bài đó không phải nói chuyện thật, ông Đỗ chỉ mượn cái tình cảnh của người khí phụ [4] để tỏ nỗi đau đớn của kẻ bầy tôi bị vua ruồng rẫy mà thôi. Lời giải đó có lẽ lắm, ông Đỗ Phủ chắc cũng có ý như ông Khuất Nguyên hay là ông Nguyễn Du ta, khi nói đến chuyện đàn bà vào trong văn chương, tức là ký thác.

Cũng như ông Bạch Cư Dị, bài “Tỳ bà hành” mà cô đào ta thường hát tức là dịch nguyên văn chữ Hán của ông ấy. Trong bài ấy ông ta kể lịch sử của một người đờn bà bị chồng để rồi lại nhắc đến sự mình, cuối bài có câu rằng:

Lệ ai chan chứa nhiều hơn ?
Giang Châu Tư mã đượm tràng áo xanh.

Thì thật rõ ra ông ấy ngụ ý rằng người đàn bà kia bị để chẳng khác nào mình bị trích [5] ra Giang Châu.

Nếu lấy cái ấy mà suy ra, nói rằng hết thảy văn nhân khi nào nói đến đàn bà tức là có ngụ ý, có ký thác, thì cũng không phải. Vì có nhiều bài nói về phụ nữ mà ngẫm cho kỹ ra thì chẳng thấy có ngụ ý gì hết. Như hai bài “Trường Can hành” của Lý Bạch, dịch thử một bài ra như vầy:

Hồi thiếp còn chừa chỏm,
Cầm hoa chơi dọc hè,
Chàng đến, cỡi ngựa tre,
Quanh giường dồi trái me.
Cùng ở xóm Trường Can,
Hai đứa làm bạn bè.
Mười bốn làm vợ chàng,
Xấu hổ chẳng ra mặt.
Cúi đầu nấp vào phên,
Kêu mấy cũng nín bặt.
Mười lăm mới hơi dạn,
Cùng chàng chịu kham khổ,
Những tưởng tạc chữ đồng.
Nào hay gãy chiếc đũa!
Mười sáu chàng đi xa,
Cù Đường ấy là nơi;
Tháng năm nắng khó chịu,
Tiếng vượn hót trên trời.
Dấu chàng đi ngày xưa,
Trước cửa sanh meo xanh.
Meo dày không thể quét,
Gió thu rụng lá cành,
Tháng tám bươm bướm bay,
Từng cặp bay vườn cỏ,
Thấy vậy thiếp đau lòng,
Má hồng già lại bỏ!
Mai mốt xuống Tam Ba,
Gởi thơ trước về nhà,
Thiếp sẽ đi đón chàng,
Chẳng hề nại [6] đường xa.

Đó, coi như bài thơ đó thì chẳng qua tả cái tình ly biệt của một người thiếu phụ mà thôi, nếu nói rằng có ký thác thì chẳng biết cái ý ký thác ở đâu. Tả cho đến những cái chơi đùa hồi đầu còn chừa chỏm, cái dáng điệu hay mắc tịt [7] hồi mới về làm dâu, thì thật là cố ý tả một người đờn bà chớ không phải có ký thác gì hết. Mà những bài như vậy cũng thường thấy trong các thi tập của cổ nhơn, chớ nào có phải là ít đâu.

Vậy thì thử hỏi tại làm sao trong văn học lại bị nữ tánh choán đi một phần to như vậy? Xin có mấy điều trả lời ức chừng như sau nầy vì chưa dám tự chắc là đã đúng.

  1. Vì cái đẹp là cái cốt của văn học, mà đàn bà là biểu hiện cho sự đẹp, cho nên trong văn học hay tả về đàn bà, cũng như trong mỹ thuật hay đắp hoặc vẽ hình mỹ nhân.

  2. Vì văn học trọng đường tình cảm, mà nói chuyện đàn bà thì khiến cho người ta dễ cảm, cho nên nói về đàn bà nhiều hơn.

Nếu vậy thì nữ tánh trở thành ra trung tâm của văn học hay sao? Nữ lưu sau nầy sẽ trở nên người chủ trương nền văn học hay sao? Biết đâu!

Nếu văn học mà quả lấy nữ tánh làm trung tâm thì đàn bà chủ trương lấy nền văn học là phải, mà như vậy thì văn học có lẽ lại tấn bộ hơn trước. Bởi vì đàn ông mà nói chuyện đàn bà làm sao cho tinh tế bằng đàn bà nói lấy chuyện của mình? Giá có người cung phi nào làm lấy bài Cung oán ngâm khúc thì chắc còn hay hơn bài của ông Ôn Như Hầu?! Và cô nào kể lấy chuyện mình hồi còn nhỏ, hồi làm dâu, hồi vắng chồng, thì lại càng tỉ mỉ và đằm thắm hơn bài “Trường Can hành” của ông Lý Bạch nữa.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 2 (9. 5.1929)



[1]lửng: quên (theo H.T. Paulus Của, Sđd.) (Các chú thích trong bài đều của Lại Nguyên Ân)
[2]Chỗ này muốn nói đến Kinh Thánh (Bible) của đạo Thiên Chúa.
[3]để: bỏ; để vợ: ly dị, bỏ vợ (theo H.T. Paulus Của, Sđd.)
[4]khí phụ: người đàn bà bị chồng bỏ.
[5]trích: trỏ việc các quan chức bị cách chức và đày ra các miền biên viễn.
[6]chẳng hề nại: chẳng kể chi, chẳng nệ.
[7]mắc tịt: xấu hổ (theo H.T. Paulus Của, Sđd.)
Nguồn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004