Tư tưởngVăn hoá và phát triển21.6.2005
Alexander Woodside
Trà thức và Nhà nÆ°á»›c ở Trung Quốc và Việt Nam thá»i cải cách
2 kì
Lê Quỳnh dịch
Quan niệm về sự đi sau trong tư tưởng cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam
Nhà địa lý học người Anh, Davi Harvey, lý luận rằng việc làm chủ thời gian, và làm chủ khái niệm về thời gian, là một phần quan trọng của việc phát triển quyền lực chính trị, không kém so với việc làm chủ không gian hay tiền bạc. Nhưng ông xem điều này là một thuộc tính quan trọng của quyền lực chủ yếu có ở các xã hội tư bản “hậu hiện đại”, những xã hội có sự tranh đấu để tăng thời gian luân chuyển vốn, có sự tìm kiếm kỷ luật mà có thể đồng bộ hoá việc phân chia lao động.
Những tuyên bố của giới trí thức về khả năng quản lý thời gian hiệu quả và biết dự báo trước là một phần trong sự tìm kiếm tiến bộ kinh tế mà cả Trung Quốc và Việt Nam hôm nay thấy thật hấp dẫn. Với giới trí thức Trung Quốc và Việt Nam, thời gian không phải là kẻ phá huỷ, như suy nghĩ của các tiểu thuyết gia Tây phương như Thackeray hay Proust, mà là người sáng tạo những cơ hội. Việc Đặng Tiểu Bình lặp lại lời danh sĩ Gu Yanwu khi ông đề xuất đạt một sự “yên bình nhỏ” cho Trung Quốc trong chưa đầy hai thập niên chỉ là một trong những ví dụ nhỏ.
Không phải ngẫu nhiên tình hình lại tương tự ở Việt Nam. Giữa thập niên 1990, các nhà lý thuyết ở Hà Nội đề xuất rằng Việt Nam cần công nghiệp hoá theo ba giai đoạn với mức tăng trưởng được họ kê đơn trước: sẽ có giai đoạn từ 1995 đến 2000 với tăng trưởng công nghiệp hàng năm từ 15% - 18%, giai đoạn từ 2000 đến 2010 với tăng trưởng từ 12% - 15%, và một giai đoạn từ 2010 đến 2020 với tăng trưởng 10% - 12%. Cũng tự nhận mình biết cách làm chủ thời gian, một nhà chiến lược công nghiệp của Việt Nam đã ra lý thuyết rằng tăng trưởng kinh tế là phản ứng cạnh tranh của “hệ thần kinh” kinh tế quốc gia trước tốc độ của những vận động thông tin và vốn, và tốc độ của thị trường trong việc áp dụng các phát minh kỹ thuật. Điều này có nghĩa là đối với các nước kém phát triển, tự thân thời gian đã trở thành một yếu tố cạnh tranh; và khi các giai đoạn thời gian trở thành “vàng”, những yếu tố sản xuất truyền thống như lao động và nguyên liệu thô trở nên ít giá trị hơn. Nhà chiến lược biện hộ cho việc làm chủ thời gian có tính chất chính trị này bằng cách gọi nó là một vũ khí làm ra để tấn công quan niệm “lâu đời” ở Việt Nam rằng công nghiệp hoá “chỉ là” quá trình phát triển các ngành công nghiệp; nhưng rõ ràng triết lý mới về công nghiệp hoá này có những hệ quả xã hội và chính trị. Trong “hệ thần kinh” của vương quốc, các viên quan quản lý thời gian. Thợ mỏ và công nhân xây dựng quản lý nguyên liệu thô và lao động.
Nói cách khác, việc tuyệt đối hoá, mang tính chính trị, đối với thời gian, dù có giá trị khách quan đến đâu, lại có thể được dùng để thay thế cho một sự tuyệt đối hoá chính trị trước đây ở Trung Quốc và Việt Nam, quanh vấn đề đấu tranh giai cấp và đoàn kết giai cấp. Nó cũng trở thành một phần của cách thức quản lý ruộng đất mới dựa trên các mô hình toàn cầu, mà trong đó không gian ngày càng được tách ra khỏi nơi chốn, đôi khi đem lại những kết quả thật sự mang tính khai phóng trên lý thuyết nếu chưa phải trong thực tế. Một ví dụ, nhà khoa học nông nghiệp ưu tú, Đào Thế Tuấn, gợi ý vào năm 1988 rằng chất lượng nghèo nàn của nông nghiệp tại miền Bắc Việt Nam không phải là chuyện hiển nhiên khách quan, mà là phản ánh những thất bại thuộc nhận thức. Nếu khung cảnh đồng bằng sông Hồng được tái hình dung giống như nông nghiệp Hà Lan, thì sự bế tắc nhận thức sẽ chấm dứt.
Một phần trọng tâm trong việc tuyệt đối hoá thời gian, mang tính chính trị, đối với cả nơi chốn và giai cấp trong tư tưởng cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam chính là chủ đề cho rằng Trung Quốc và Việt Nam là “những nước đi sau” trên con đường chung dẫn đến công nghiệp hoá, và rằng vị thế của một nhà nước đi sau bảo chứng cho một hình thức quyền lực của giới trí thức. Rõ ràng, không phải mới mẻ gì trong cái chủ đề về những nước công nghiệp hoá đi sau, cùng giới trí thức lãnh đạo nó, sở hữu những sức mạnh sáng tạo để bỏ qua các giai đoạn lịch sử và để tránh những khó khăn của các nước đã hiện đại hoá sớm hơn.
Trước cách mạng 1911, Khang Hữu Vi tuyên bố rằng một cuốn chỉ dẫn những trước tác tiếng Nhật về luật và kinh tế hiện đại mà ông bảo trợ sẽ giúp Trung Quốc phân tích những cải cách của Nhật thời 1868-1898 và Trung Quốc sẽ có thể bắt chước chỉ trong vòng ba năm: đây là một cuốn sách nói có thể tăng tốc thời gian phát triển. Tôn Dật Tiên lý luận rằng Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ phải trải qua cách mạng lần hai vì những cuộc cách mạng lần một của họ diễn ra quá sớm và hạn hẹp về chính trị nên không thể giải quyết vấn đề của xã hội công nghiệp; Trung Quốc, ngược lại, có thể học từ những khó khăn của nước khác và (khi có lãnh tụ đúng đắn) có thể thực hiện những cuộc cách mạng xã hội và chính trị cùng lúc và ít đau đớn hơn.
Một số trí thức nhà nước thời hiện đại, ngay cả những người thận trọng nhất, cũng lặp lại sự lạc quan của Tôn Dật Tiên. Năm 1986, nhà tư tưởng cải cách kì cựu Xue Muqiao thảo luận về học thuyết của kinh tế gia nổi tiếng người Hungary Janos Kornai. Nhắc lại lời phê phán của Kornai về những cơ chế ngân sách “mềm” vô kỷ luật của các nhà nước XHCN, trong đó các nhà đầu tư hành chính chẳng sở hữu số vốn mà họ đầu tư và vì thế bạo tay đổ vốn cho những kết quả ngắn hạn và gây nên “bệnh đói vốn”, Xue khẳng định tiếp rằng ông lạc quan hơn Kornai về khả năng của giới trí thức cải cách Trung Quốc trong việc dùng khả năng thừa nhận nguy cơ căn bệnh, và kỹ năng kiểm soát kinh tế vĩ mô, để kéo dài quãng thời gian đầu tư. Trong giai đoạn cải cách, người Trung Quốc và Việt Nam đã có nhiều cách đọc Kornai khác nhau; tất cả xứng đáng cho một nghiên cứu riêng. Nhưng trong trường hợp này, cách lĩnh hội Kornai của Xue Muqiao hơi giống cách hiểu Max Weber của những nhà xã hội học tự do của Mỹ: sự bi quan của nguyên bản đã trở nên kém bi quan hơn khi nó được thuyên chuyển. Giang Trạch Dân, khi còn là bộ trưởng phụ trách công nghiệp điện Trung Quốc năm 1984, đề xuất một phiên bản khác của chủ đề này, tức là làm sao để ý thức quản lý của giới lãnh đạo tránh được nguy cơ có hành vi đầu tư chóng vánh thiếu suy nghĩ: những người quản lý nhà nước cần nghĩ về Trung Quốc như một bàn cờ duy nhất, trong đó ranh giới giữa các cơ quan và khu vực được giảm nhẹ. Tuy ông Giang, với xuất thân làm việc ở nhà máy ô tô, có thể xem là một nhà kỹ trị, nhưng chơi cờ lại là trò chơi của các vị quan.
Quan điểm về sự đi sau lấy cái nhìn có tính “dĩ Âu vi trung” về sự phát triển của tính hiện đại, nhưng điều đó không làm bận tâm những người sử dụng quan điểm này. Về mặt lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam từng có các kỳ thi khoa bảng, giấy, và thậm chí tiền giấy trước khi phương Tây nghĩ ra (tuy rằng thử nghiệm tiền giấy của Việt Nam năm 1396 chỉ ngắn ngủi). Sự mỉa mai của việc gọi hai nước này là kẻ đi sau là rõ ràng. Khi Bertrand Russell kênh kiệu viết năm 1922 rằng Trung Quốc phải hiện đại hoá thay vì cứ mãi là “sự tồn tại của một thời quá vãng”, nước Anh của ông khi đó vẫn còn chế độ Thượng viện cha truyền con nối và một nguyên tắc quý tộc mà đã lạc hậu ở Trung Quốc cả một ngàn năm trước khi ông ra đời. Đa số sử gia kinh tế Tây phương có lẽ sẽ đồng ý với lời nói của Dwight Perkins rằng Trung Quốc vào năm 1949 ưu việt hơn các nước “kém phát triển” khác về mặt giáo dục và biết chữ, về tầm cỡ và sự tinh vi của các thành phố, và sự quen thuộc với tổ chức hành chính và hành vi thị trường.
Nhưng quan niệm về sự đi sau có nhiều tác dụng. Những tác dụng đã được thay đổi của nó, trong cuộc tìm kiếm của trí thức về lẽ phải và kỷ luật xã hội của thời hậu cách mạng, được bộc lộ trong sự tuỳ ý của các con số thống kê và khung thời gian. Việc sử dụng thời điểm đi sau như một ý thức quốc gia xảy ra nhiều trong tư tưởng Việt Nam. Xem giá trị sản lượng công nghiệp trong GDP của Việt Nam, một học giả thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã viết rằng ở giữa thập niên 1990, mức độ công nghiệp hoá của Việt Nam kém hơn Đài Loan năm 1960, Thái Lan 1970 hay Trung Quốc 1980. Việc ông nói Việt Nam không đến mức thua kém các láng giềng trong các phạm trù như tỉ lệ biết chữ, không che giấu ý chính của bài tiểu luận: sự miêu tả một cuộc khủng hoảng quốc gia theo nghĩa thời gian, chứ không theo nghĩa cũ về đấu tranh giai cấp.
Trong hình thức cổ điển Tây Phương, như thể hiện của các triết gia kinh tế từ Thorstein Veblen đến Alexander Gerschenkron, quan điểm về sự đi sau mang tính lạc quan. Mục đích của nó là để có một sự chệch hướng hạn chế khỏi quan điểm của Marx, trong bộ Tư bản, rằng các nước kém phát triển nhìn thấy ở các nước công nghiệp phát triển hình ảnh về tương lai của chính họ, cả theo nghĩa tiến trình và kết quả cuối cùng. Quan điểm này không đi xa tới mức bày tỏ viễn kiến đa nguyên rằng có nhiều hình thức công nghiệp hoá giống như có nhiều nước đang phát triển. Nhưng nó đặt giả thiết rằng công nghệ vay mượn sẽ cho phép những nước đi sau bỏ qua các giai đoạn phát triển kinh tế mà những nước công nghiệp ban đầu đã không thể bỏ qua. Gerschenkron viết năm 1952, “một nước lạc hậu lấy được kho dự trữ sáng tạo công nghiệp của một nước tiến bộ càng nhiều, thì công nghiệp hoá luôn càng có vẻ hứa hẹn hơn”. Điều mà Gerschenkron và những kinh tế gia giống ông không thể dự đoán hồi đầu thập niên 1950 là quan niệm về những nước đi sau về công nghiệp lại có thể được mở rộng, nhiều thập niên sau khi họ viết, để bao quát cả cái nhìn chính trị thời hậu cách mạng và được dùng để phục vụ quyền lợi của nhà nước và trí thức tại những nơi ở Châu Á vốn chịu ảnh hưởng của chế độ quan quyền.
Điều này xảy ra một phần là vì những nhà tương lai học của Tây Phương có ảnh hưởng toàn cầu như Alvin Toffler trong cuốn sách năm 1980, Làn sóng thứ ba, đã tán dương quan điểm này. Họ cho rằng một cuộc cách mạng kỹ thuật mới – liên quan đến di truyền học, điện tử, tin học, lý thuyết thông tin – đã cho phép các nước Châu Á và Châu Phi bỏ qua những giai đoạn công nghiệp hoá của các nền văn minh “làn sóng thứ hai”. Trong thập niên 1980, có một sự ưa chuộng Toffler ở cả Trung Quốc và Việt Nam, sau những sự bi quan thể hiện qua loạt phim truyền hình Trung Quốc “Khúc bi thương của dòng sông” (He shang). Những tiên đoán của Toffler trong các tập sách sau đó của ông nhanh chóng được dịch sang tiếng Hoa và tiếng Việt; và một số đồ đệ ở Trung Quốc còn công khai nói với các bậc trưởng lão là Toffler đã thay thế Marx.
Những kinh tế gia lớn tuổi của Trung Quốc từng học ở Nga như Luo Yuanzheng đã chống lại sự không tưởng kiểu Toffler trong đầu thập niên 1980. Luo nói vào năm 1984 rằng các công nghệ mới sẽ còn làm tăng khoảng cách giữa các nước phát triển và kém phát triển: các nước đi sau, do hệ thống vốn và kỹ thuật không đủ, sẽ gặp khó khăn hơn trong việc lĩnh hội các công nghệ mới. Nhưng cơn sốt kinh tế ở Đông và Đông Nam Á sau 1984 đã đè bẹp những nghi ngờ về khả năng của các nước đi sau. Hiệu quả của những nước Châu Á như Nhật Bản và Singapore có vẻ không chỉ ủng hộ Toffler, mà còn cung cấp những phiên bản Châu Á về lý thuyết phát triển kinh tế mà trước đó vẫn chỉ có gốc từ Châu Âu.
Để hiểu một số những lý thuyết cải cách của Trung Quốc kể từ sau những năm 1980, sẽ hữu ích khi trình bày ảnh hưởng của các nhà tiên tri như Toffler đã tác động qua lại thế nào với những thay đổi trong những huyền thoại về thành công của Nhật vốn cũng là một phần mật thiết của lý thuyết ấy. Năm 1906, huấn lệnh về giáo dục của triều đình Trung Hoa quy thành công của Nhật là nhờ các sách giáo khoa cấp một của nước này. Sách giáo khoa của Nhật được khen là đã khắc sâu tinh thần ái quốc, Khổng giáo và sự gắn kết tri thức với sức mạnh của Francis Bacon thông qua thí nghiệm khoa học thực tiễn.
Sau giai đoạn công kích trí thức của Mao, trong thời cải cách đầu thập niên 1980, những diễn giải của người Trung Quốc về thành công của Nhật lại quay trở về việc nhấn mạnh đến Khổng giáo và giáo dục. Những nhà hoạch định Trung Quốc hướng đến các tác phẩm của Nhật như cuốn Vì sao Nhật Bản thành công? Công nghệ Tây phương và nét đặc biệt của Nhật do Michi Morishima viết, được dịch sang tiếng Hoa năm 1986 cùng những bản dịch tiếng Hoa của các hợp tuyển thơ trung đại Nhật vốn đã xuất hiện dày đặc trong các luận cứ của Morishima. Đọc Morishima, họ thấy rằng nếu giả thiết Khổng giáo Nhật Bản đã giúp tăng trưởng kinh tế cho Nhật thời hiện đại, thì đó là vì nó đã thoát khỏi Khổng giáo Trung Hoa, cũng giống như Tin lành Châu Âu thoát khỏi Thiên chúa giáo. Những nhà Khổng học Nhật Bản có vẻ nhấn mạnh đến lòng trung thành và nhớ ơn người khác, trong khi người Trung Quốc đã chú tâm hơn đến những nguyên tắc kém quan trọng hơn về chính trị, nông cạn hơn như “nhân từ”, những điều không đem lại được cùng một kỷ luật quốc gia như của Nhật. Những những kết luận của các đồ đệ của Morishima nói chung vẫn nghe giống như bản huấn lệnh năm 1906. Tức là ảnh hưởng Khổng giáo đã cho Nhật Bản thành công kinh tế nhờ giáo dục, đặc biệt là những trường trung học thời hậu chiến tốt nhất thế giới, và Trung Quốc nên bắt chước. Việc du nhập trước tác của Morishima vào Việt Nam chỉ mới bắt đầu, với kết quả gần như tương tự nhưng bổ sung thêm mối băn khoăn của người Việt Nam về việc người Nhật là bậc thầy tiếp thu văn hoá còn người Việt chỉ là người bắt chước.
Việc Nhật nắm bắt được bí mật công nghệ điện tử của Mỹ từ 1960 đã áp đặt những huyền thoại mới lên những huyền thoại cũ về thành công của Nhật, và chứng thực cho Toffler trực tiếp hơn. Một số nhà cải cách Trung Quốc nay ca ngợi Nhật không chỉ là mẫu mực của Khổng giáo, mà còn là một nước công nghiệp đi sau với khả năng biến chuyển công nghệ học người khác một cách độc nhất vô nhị, biến việc đi mượn thành “một lực lượng sản xuất”. Dành một phần tư tiền đầu tư công nghệ từ 1960 đến 1979 cho việc nhập hàng ngàn kỹ thuật công nghiệp cao cấp, Nhật Bản, nước nhập khẩu công nghệ cao nhiều nhất trong lịch sử nhân loại, đã sớm trở thành nhà xuất khẩu công nghệ cao vĩ đại nhất thế kỷ. Trong bối cảnh này, những yếu tố khác trong thành công của Nhật – không chỉ Khổng giáo, mà còn là mức tăng dân số thấp từ sau Thế chiến II, khả năng tự cung cấp vốn thay vì dựa vào đầu tư nước ngoài, lợi ích của việc là khu vực đặt căn cứ Mỹ trong chiến tranh lạnh – đã trở nên kém quan trọng hoặc bị bỏ qua. Thay vào đó, quan niệm về nước công nghiệp đi sau với các trí thức có khả năng lựa chọn thông suốt giữa thế giới công nghệ thay đổi nhanh chóng, nay vượt thoát ra khỏi khuôn khổ học thuật ban đầu của Veblen và Gerschenkron. Bởi vì niềm tin vào mô hình chuyển giao công nghệ của Nhật, và một nền giáo dục cải thiện, phỏng định về một nhà nước mạnh hơn, với việc Luật phát triển công nghệ điện tử của Nhật năm 1957 trở thành bản văn củng cố nhà nước mà các trí thức quản lý Trung Quốc có thể dùng để lấy cảm hứng.
Tất cả những điều này cũng đúng cho Việt Nam, nhưng có thêm một vị cay. Ở Việt Nam, thắng lợi của một ý thức hệ kinh tế đi sau, lấy Châu Á làm trung tâm cũng còn phục vụ như một phản đề trước ký ức về giai đoạn tù hãm trong khối Xô-viết, khi chính phủ Việt Nam chính thức xem mình có nhiệm vụ lặp lại quá trình chuyển tiếp sang giai đoạn công nghiệp hoá căn bản mà các nước cộng sản Đông Âu về lý thuyết đã đạt được từ đầu thập niên 1960.
Cách nghĩ trong giai đoạn cứng nhắc và có nguồn gốc Châu Âu này xa lạ đến mức nó đã tạo nên một số dòng tranh luận vào đầu những năm đổi mới. Ví dụ, nhà kinh tế Vũ Tuấn Anh, năm 1985, chỉ ra rằng Việt Nam là một xã hội hoàn toàn khác Ba Lan hay Bulgaria – rằng Ba Lan năm 1960 có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 11 lần Việt Nam của năm 1980, và rằng Bulgaria năm 1960 sản xuất lượng thép tính trên đầu người cao gấp 27 lần so với Việt Nam năm 1980; rằng lý thuyết chính thống Marx-Lenin chưa bao giờ đủ sức giải thích đầy đủ tình trạng nghèo ở bên ngoài châu Âu – và rằng viện trợ của khối Xô-Viết đã che giấu tạm thời những thiếu sót lý thuyết và khiến kinh tế Việt Nam mang dáng vẻ của một nước Đông Âu ngược hẳn so với thực tế. Khao khát vượt thoát ra ngoài những tiền đề chuyên chế của cách trình bày lạc hậu thời Xô-Viết là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự quan tâm gần đây ở Việt Nam về một bức tranh tiến bộ công nghiệp mang màu sắc Châu Á. Một khi lịch sử trí thức của Việt Nam thời hậu chiến đã được khảo sát kỹ hơn, có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy được những linh cảm quan trọng về sự đổi thay này thậm chí ngay trong cuộc chiến Đông Dương lần hai. Một ví dụ như vậy là đề xuất của Đào Thế Tuấn năm 1974 rằng Việt Nam nên quan tâm hơn đến nông nghiệp Ấn Độ, rõ ràng là ví dụ Châu Á an toàn duy nhất về mặt chính trị mà khi ấy ông có thể trích dẫn. Năm 1975, ông lại cảnh báo, có màu sắc Toffler, rằng nền nông nghiệp “công nghiệp hóa” của hệ thống tập thể Xô-Viết đã không chú ý đến “những hệ sinh thái”.
Rốt lại, người ta có thể đặt giả thiết là sự tuyệt đối hoá quan niệm về thời gian gắn với lý thuyết về nước đi sau tại Trung Quốc và Việt Nam có tác dụng như một sự thay thế một phần thay cho việc phải tái cơ cấu toàn bộ trật tự chính trị. Nó khuyến khích cảm giác về nghĩa vụ gắn với thời gian nằm ngoài mọi cấu trúc lập hiến cụ thể; thực tế, quan niệm về tính đi sau phục vụ như một giao kèo gắn kết xã hội được lý tưởng hoá, thay lời kêu gọi nội tại của thuyết Calvin hay Khổng giáo bằng lời kêu gọi hướng ngoại về một dây chuyền quốc tế được tưởng tượng với những biểu thời gian công nghiệp hoá. Nó thể hiện nhu cầu cần có một nhà nước mạnh, mà ở đó quyền lực được dùng để lựa chọn những khoảnh khắc đi sau thích hợp đúng lúc và nhờ vậy tránh được “sự chệch hướng”. Quan trọng không kém, nó thể hiện nhu cầu cần có lớp trí thức mạnh hoạch định cho nhà nước. Nhưng liệu công thức này có thật sự biến Trung Quốc thành cường quốc kinh tế, và Việt Nam thành một đối tác tương xứng với các quốc gia Châu Á mạnh nhất về kinh tế hay không?
Rủi ro của các nhà lập thuyết
Trung Quốc và Việt Nam thật sự là những nước đi sau về một khía cạnh. Họ đi sau trong hàng ngũ các nền kinh tế năng suất cao mà hiệu quả có được là nhờ sự cải thiện định tính không ngừng chứ không nhờ sự tiêu thụ tài nguyên và vốn bên ngoài. Năm 1991, một nhà xã hội học Trung Quốc tính toán rằng từ năm 1953 đến 1989, việc tăng đầu tư vốn đã giải thích cho hầu như toàn bộ mức tăng trưởng trong thu nhập quốc gia của Trung Quốc; ngược lại, việc tăng hiệu suất lao động chỉ có đóng góp ít ỏi. Cũng theo hướng này, năm 1995, một nhà nhân khẩu học Trung Quốc cho rằng năng lực của ngành công nghiệp Trung Quốc vẫn thấp tới mức phải tiêu thụ 450 tấn nước để làm ra một tấn giấy - cao gấp hai đến tám lần so với lượng nước dùng ở các nước “phát triển”, và phải dùng 90 tấn nước để làm ra một tấn thép - cao gấp hai đến bốn lần so với lượng nước dùng ở các nền kinh tế tân tiến hơn. Thống kê của Việt Nam chắc cũng không thể khác lắm.
Thất bại trong sự chuyển tiếp lên hiệu suất cao hơn sẽ không chỉ đem đến ô nhiễm nghiêm trọng, mà còn có sự phụ thuộc nguy hiểm vào các luồng đầu tư vốn lớn và liên tục. Nhưng thành công ở hai nước lại bị ngăn cản bởi lượng lao động “thặng dư” lớn, một tỉ lệ thất nghiệp ngầm tương đối cao trong những người có việc làm, và nhu cầu duy trì mô hình tăng trưởng “rộng” hiện thời thay vì “sâu” bởi những lý do ổn định chính trị. Giới trí thức ở Trung Quốc và Việt Nam chưa tìm ra cách thoát khỏi ngõ cụt này và như một số nhà chỉ trích người Trung Quốc thừa nhận, có thể không thoát khỏi ngõ cụt nếu không có sự biến đổi các hệ thống chính quyền.
Sự yêu thích những lý thuyết về phát triển không cân đối, cả bên trong và giữa các quốc gia, đã đưa trở lại, qua cửa sau, một chủ đề đã thu hút những nhà tư tưởng kinh tế chính trị thời trước công nghiệp hoá: đó là, ảnh hưởng của những khác biệt về kích thước đối với sự phát triển của các quốc gia-nhà nước. Gần đây những người phê phán ở Trung Quốc nói rằng diện tích rộng lớn của Trung Quốc vừa có ưu và nhược điểm. Lợi thế là tầm mức nhân lực và nguồn tài nguyên của Trung Quốc, giúp Trung Quốc “dễ dàng” có vị trí trong cộng đồng toàn cầu, và lợi thế còn là tiềm năng về thị trường nội địa. Những bất lợi nằm trong tâm lý kiêu ngạo thường có ở các nước lớn khiến họ khó duy trì mức phát triển cao về lâu dài; nguy cơ của các nước lớn dễ đổ vỡ trong “hệ thống kiểm soát” do độ lớn lại tạo nên những “mắt xích” giữa các bộ phận trong hệ thống; và nguy cơ xung đột quyền lợi trong nước, dù là giữa các giai tầng xã hội hay giữa các vùng.
Nói tổng quát, danh sách những ưu thế này phản ánh cách lý luận của một loạt các kinh tế gia, từ Adam Smith đến Hollis Chenery, về khả năng của các nước lớn sử dụng thị trường nội địa của họ để mở ra các hệ thống kinh tế quy mô và từ đó thực hiện các chương trình công nghiệp hoá đa dạng, ngay cả khi thu nhập của từng cá nhân trong xã hội vẫn còn thấp. Ngược lại, danh sách những nhược điểm lại gợi nhắc điều mà một người cùng thời với Adam Smith, Rousseau nói trong quyển hai của Khế ước xã hội. Rousseau cho rằng mức độ chây lười của một quốc gia tỉ lệ thuận với địa lý của nó; các quốc gia nhỏ tương đối mạnh hơn các quốc gia lớn vì vấn đề diện tích.
Những so sánh Trung Quốc và Việt Nam khó tránh khỏi vấn đề quy mô lãnh thổ. Dẫu sao Việt Nam chỉ như một tỉnh của Trung Quốc, ngay cả nếu không có một tỉnh cụ thể nào của Trung Quốc mà có thể xem là giống với Việt Nam. Vậy chúng ta dành cho ai tầm quan trọng lớn hơn, Adam Smith hay Rousseau? Lịch sử tiền hiện đại ủng hộ bóng ma của Adam Smith. Sự thống nhất Trung Hoa thành một hệ thống chính trị đơn nhất bắt đầu từ năm 221 trước Công nguyên, bất chấp những đổ vỡ lặp đi lặp lại, rõ ràng có tác dụng nuôi dưỡng sự lớn mạnh của một nền kinh tế lớn hơn, giàu hơn, chuyên biệt hơn so với mọi nền kinh tế ở các vương quốc Đông Nam Á. Điều này khuyến khích sự kiểm soát một phần của Hoa kiều trong nhiều khu vực của đời sống kinh tế Đông Nam Á, từ quặng mỏ đến bán lẻ, bắt đầu từ khoảng hai thế kỷ rưỡi trước đây. Dù là thế, người Việt vẫn đóng vai trò kinh tế quan trọng trong khu vực, và thậm chí chuyển giao những món quà kinh tế quan trọng sang Trung Quốc.
Về mặt lịch sử, những ảnh hưởng của tình trạng bất lợi về diện tích thị trường của Việt Nam lại bị chế độ thực dân Pháp làm cho tồi tệ hơn. Nước Pháp cai trị Việt Nam từ thập niên 1880 đến 1954 vốn cũng là nước lạc hậu về công nghiệp theo tiêu chuẩn châu Âu thời đó. Nó thậm chí không kịp công nghiệp hoá Việt Nam, và vì điều này mà nó bị ngay cả những chính trị gia người Việt thân thiện với Pháp lên án, thí dụ như ông chủ đất Bùi Quang Chiêu. Tại Trung Quốc cùng thời kì, dù người ta có nghĩ gì về chính sách kinh tế của Quốc dân Đảng, người Nhật cũng đã tạo ra một cơ sở công nghiệp ở Mãn Châu mà nay còn hữu dụng, và Nhật cùng các thế lực thực dân khác đã tạo nên một thời đại nhà máy mới ở các thành phố cảng như Thượng Hải và Thiên Tân. Nhà xã hội học nổi tiếng của Việt Nam, Phạm Xuân Nam, từng khẳng định ở Trung Quốc và Bắc Hàn vào cuối thập niên 1940, công nghiệp “hiện đại” chiếm lần lượt 17% và 42% về giá trị sản lượng kinh tế; nhưng lại chỉ chiếm 15% giá trị sản lượng kinh tế ở miền Bắc Việt Nam năm 1954. Thống kê của ông có cường điệu, nhưng ấn tượng so sánh chung mà nó gợi lên thì không sai. Sự tàn phá của cuộc chiến Đông Dương lần hai không làm tình hình khá hơn. Kết quả là các chính quyền địa phương ở những vùng miền Bắc Việt Nam mà trước đó được tập thể hoá mạnh nhất, đến nay vẫn chưa thể cung cấp những doanh nghiệp thành thị - làng xã mới có quỹ vốn và tín dụng như khả năng của các thành phố ven biển Trung Quốc thập niên 1980.
Nhưng bất chấp tình trạng nghèo nói chung của Việt Nam hiện giờ, lời của Rousseau lại có thể đúng. Việt Nam, một nước cận biển, không giống như sáu tỉnh lớn nội biên nghèo của Trung Quốc (Tứ Xuyên, An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, và Hà Nam), những tỉnh mà vào năm 1994 đã chiếm gần một nửa của 60 triệu dân lao động nông thôn hàng năm đổ dồn về các đô thị ven biển và làm lãnh đạo Trung Quốc lo lắng. Lý thuyết cải cách gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là nếu lại do các nhà cải cách Quảng Đông viết ra, ca tụng việc nhân rộng các đặc khu kinh tế của thế giới từ 60 khu trước Thế chiến II đến hơn 800 vào cuối thập niên 1980. Các nhà lý thuyết Quảng Đông khẳng định sự độc quyền lâu dài của các khu vực ven biển. Họ gợi ý rằng các khu nằm xa trong đất liền của Trung Quốc cần phục vụ dân Quảng Đông và các vùng ven biển bằng cách từ bỏ những ngành công nghiệp tốn nhân công, lạc hậu trong lúc các thành phần dân cư này tiếp tục hiện đại hoá. Những lý thuyết gia theo chủ trương đi sau này, những người cho rằng hiện đại hoá kinh tế là con đường cao tốc một chiều mà trên đó các khu vực khác nhau của thế giới đi với tốc độ khác nhau, thường có xu hướng bỏ qua tình trạng gia tăng khoảng cách giữa các vùng.
Trong quá khứ, những người nghiên cứu Việt Nam có thể đã phóng đại những khác biệt vùng miền của nước này (tuy chúng có thật), trong khi người nước ngoài nghiên cứu Trung Quốc lại đánh giá thấp khác biệt vùng miền tại đây. Trong tương lai sẽ không thể như vậy nữa. Edwar Friedman gần đây đã thuyết phục được nhiều người khi ông phân biệt hai điều: một được ông gọi là “dự án dân tộc chủ nghĩa mang tính Nho giáo, toàn trị, quân phiệt” của miền bắc Trung Quốc, và hai là một miền nam Trung Quốc “cởi mở với thế giới một cách thành công và không sợ hãi”. Tuy nhiên, ngoài sự phân chia nam – bắc, giờ đây có một cách nhìn đang được nhiều nhà cải cách Trung Quốc xem là điều bình thường, tức là họ hình dung đất nước như năm hoặc nhiều hơn các khu phát triển nông thôn khác nhau, không phải dựa trên các nền văn hoá đại chúng khác nhau cần tôn trọng, mà dựa hoàn toàn trên vị trí của vùng trên đường dẫn đến đích phát triển. Có thể có vùng nông thôn “phát triển cao, công nghiệp hoá bậc trung” (các vùng xa thành thị của Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải, với dân số chủ yếu là các dân làng không còn làm nông nghiệp); vùng nông thôn “có các khu vực phát triển, công nghiệp hoá giai đoạn một” (Liêu Ninh, Sơn Đông, Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông); vùng nông thôn “kém phát triển, bắt đầu công nghiệp hóa” (Thiểm Tây, Tứ Xuyên, An Huy, Cam Túc, Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Tây, Hồ Bắc, Hải Nam, Hà Bắc và Sơn Tây, với lực lượng lao động công nghiệp nhỏ ở nông thôn); vùng “đang phát triển bậc trung, chưa công nghiệp hóa” (Hắc Long Giang, Cát Lâm, Tân Cương, Hải Nam, không có ngành công nghiệp nhưng nông dân có thu nhập cao từ đồng áng); và vùng “kém phát triển, chưa công nghiệp hóa” (Thanh Hải, Tây Tạng, Ninh Hạ Hồi, Nội Mông, Vân Nam, và Quế Châu, với những làng nghèo nhất và đa số chưa công nghiệp hoá).
Việc tái hình dung này của nhà nước thông qua định nghĩa các vùng như những khu vực phát triển khác nhau đánh dấu sự từ bỏ những hình thức lý thuyết chính trị cũ vốn nhấn mạnh hơn vào sự khai thác của đô thị đối với các khu vực nông thôn. Chiến lược ở đây là thay thế sự bất bình giai cấp bằng niềm tin vào quy luật của lợi thế cạnh tranh. Rõ ràng, chiến lược này có tính khiêu khích lớn hơn ở một đế quốc lục địa như Trung Hoa so với ở một nước nhỏ ven biển như Việt Nam. Và các lãnh đạo Trung Quốc cũng lo ngại nhiều hơn, rằng các thử nghiệm chính trị xa rời hệ thống toàn trị Leninist sẽ khiến nhà nước khổng lồ bấp bênh này tan rã. Nếu diện tích nhỏ hơn của Việt Nam sau cùng khiến viễn cảnh thoát khỏi hệ thống Leninist kém đe doạ hơn về tâm lý đối với các lãnh đạo, Rousseau sẽ được chứng minh là đúng. Ít nhất tồn tại một cơ hội lớn hơn so với Trung Quốc. Đài Loan, nơi đã bắt đầu có sự cởi trói như vậy, được một số người Việt Nam ngưỡng mộ vì kết hợp tăng trưởng kinh tế và tránh sự chênh lệch thu nhập giàu nghèo gây bất ổn định mà đã diễn ra cực điểm ở nhiều nơi khác tại châu Á.
Mọi nghiên cứu so sánh trong tương lai về Trung Quốc và Việt Nam đều phải đặc biệt chú ý những ảnh hưởng của sự khác biệt quy mô lãnh thổ của hai nước. Tuy nhiên, nguy hiểm của lý thuyết về quốc gia đi sau tại cả Trung Quốc và Việt Nam, là lý thuyết này mô tả đa số người dân bình thường ở hai nước như là vẫn còn giữ điều mà được gọi là “vấn đề của nông dân”. Ngoài ra, nó xem “vấn đề” này theo hướng đối lập nhị nguyên đã lạc hậu về mặt nhân học, giữa truyền thống và hiện đại, đô thị và nông thôn, trí thức và đại chúng, chứ không nhìn theo hướng hướng về các chiến lược kinh tế của chính bản thân người nông dân.
Những thói quen như vậy đem đến cho các nhà lý luận cải cách một vấn đề là luôn phải chứng minh họ là đúng, một vấn đề ngày càng trở nên ít liên quan đến các tàn dư còn lại của chủ nghĩa Mao. Ngoài ra, việc lập thuyết ít gắn bó hay liên quan đến những thành công ban đầu của đổi mới ở các làng của Trung Quốc và Việt Nam. Những thành công này đúng hơn có thể giải thích như là sự giải phóng của người nông dân thoát khỏi các nhà lý thuyết thành thị suốt mấy thế hệ trước – với việc phục hồi kinh tế nông nghiệp hộ gia đình. Ví dụ ở Trung Quốc, việc giao khoán sản lượng nông nghiệp cho các hộ nông dân đã châm ngòi cho cuộc bùng nổ kinh tế mà Liên Xô của Lenin không thể hình dung. Việc giải phóng nông dân ra khỏi sự kiểm soát của lý thuyết tập trung, ở mức độ nhất định, đã tạo nên tăng trưởng trong sản lượng vụ mùa, làm xuất hiện hàng trăm ngàn doanh nghiệp ở làng, tạo nên một thị trường quốc gia chỉ để đáp ứng với sự thặng dư hàng dệt, đồ chơi, thiết bị điện do các doanh nghiệp mới sản xuất. Sự chuyển biến này xảy ra trước khi giới tinh hoa trong đảng quyết định họ muốn chuyển tiếp sang “kinh tế thị trường”. Trong cuộc tranh luận của giới lãnh đạo về đường hướng cải cách, đại hội đảng lần thứ 12 năm 1982 vẫn kiên trì với kinh tế kế hoạch; đại hội đảng lần thứ 13 năm 1987 muốn trộn lẫn kế hoạch với thị trường; và chỉ đến đại hội đảng lần 14 năm 1992 mới chấp nhận rằng những gì Trung Quốc đang cố gắng đạt đến chính là một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Vì thế khi người đứng đầu Hội Nghiên cứu Khoa học mềm Trung Quốc, cũng là cựu cố vấn cho uỷ ban nhà nước, nói năm 1997 rằng những thành công và thất bại lịch sử của chủ nghĩa cộng sản thế giới gắn liền với những cái đúng và sai của các “chính sách đối với trí thức”, một khẳng định như thế chẳng phải nghiễm nhiên là đúng. (Cũng biết thế, nên ông này chơi lá bài sắc tộc, nói rằng một dân tộc vĩ đại như Trung Hoa không thể tránh xa tư tưởng lý thuyết.) Tu Wei-ming đã đúng khi cho rằng ở Trung Hoa thời tiền hiện đại, chế độ quan lại là một phần của một nhà nước mà trong đó “sự giao tiếp mang tính biểu tượng và một định hướng giá trị chung” còn quan trọng hơn sự kiểm soát về hành chính. Cái hệ thống quan lại – nhà kỹ trị hiện thời – một sự trộn lẫn kỳ lạ giữa hiện tại và quá khứ, bóp méo ý thức về thời gian theo những cách được gợi hứng bởi cả tư tưởng “kinh bang tế thế” thời cổ và bởi những lý thuyết của các trường kinh doanh Tây Phương – không có vẻ chia sẻ nhiều “định hướng giá trị chung” với người dân nông thôn. Những nhà cải cách ảnh hưởng Toffler và sắc sảo hơn đã có cố gắng phát triển một định hướng chung như thế. Ví dụ, Tong Dalin nói vào giữa thập niên 1980 rằng Trung Quốc đang bước vào một thời đại mới của “nông nghiệp biết suy tư” với toàn bộ nông dân biết làm việc bằng trí óc, chứ không phải chỉ có trí thức. Nhưng sự thay thế khoa học này cho lý tưởng Tống Nho cũ, rằng thiên hạ ai cũng đều là hiền giả, đơn giản là không đủ mạnh mẽ để thoả mãn nhu cầu của một xã hội đang công nghiệp hoá.
Nhận ra điều này, một nhà kinh tế ưu tú của Việt Nam đã cảnh báo rằng nếu các nhà cải cách Việt Nam không tìm ra được sự cân bằng giữa lý thuyết của lãnh đạo và những chiến lược đầu tư của dân gian không in ra giấy, thì họ sẽ không bao giờ có thể huy động nguồn vốn ẩn khuất trong dân chúng (được ông ước tính, vào năm 1991 con số này tối thiểu cũng nhiều gấp ba lần ngân sách quốc gia): người dân thường Việt Nam sở hữu những chiến lược kinh tế “truyền miệng” nằm ngoài sự kiểm soát của giới tinh hoa. Nhiều phần nội dung trong lý thuyết cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam thực tế là không có tính quần chúng. Trong một tiểu luận năm 1988 về “hình thức tổng thể” của cải cách kinh tế, Li Yining thậm chí còn cho rằng việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, từ 1988 đến 1995, sẽ phải được hình dung theo ba giai đoạn thời gian khác nhau để tránh không chỉ bất ổn giá cả, mà còn tránh “sự phản kháng xã hội”. Nhưng những kiểu biến các vấn đề chính trị thành vấn đề hành chính như vậy, thông qua những chiến thuật tính toán thời gian, có thể ngày càng trở nên vô nghĩa, trừ phi có một định hướng giá trị chung ít nhất cũng mạnh mẽ như đã từng có trong các xã hội cũ mà các cuộc cách mạng Trung Quốc và Việt Nam đã lật đổ.
Alexander Woodside tốt nghiệp ĐH Toronto năm 1960 và lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Harvard năm 1968. Ông dạy môn lịch sử, với chuyên môn về Trung Quốc và Việt Nam, tại Đại học này từ 1968 đến 1975. Từ 1975 đến nay, ông dạy lịch sử Đông Nam Á và Trung Quốc ở Đại học British Columbia, Canada.
Tác phẩm chính: Vietnam and the Chinese Model (1971), so sánh cơ cấu chính quyền nhà Nguyễn và nhà Thanh trong nửa đầu thế kỷ 19.
© 2005 talawas
Nguồn: “Exalting the Latecomer State: Intellectuals and the state during the Chinese and Vietnamese reforms†in Transforming Asian Socialism: China and Vietnam Compared; Anita Chan, Benedict Kerkvliet & Jonathan Unger (eds.); (Sydney: Allen and Unwin; Maryland: Rowman and Littlefield, 1999).