© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
23.9.2008
Frédéric Ferney
Bỡn cợt, cái nhẹ khôn kham của chữ nghĩa
Kiệt Tấn dịch
 
Dẫn nhập

Dí dỏm, pha trò, bỡn cợt, khôi hài, hóm hỉnh, cà tửng, giễu cợt, thanh tiếu, vân vân… Thiệt khó lòng mà kiếm được một chữ Việt tương đương để thể hiện trung thực tinh thần tiếng “humour” của Pháp, “humor” của Anh. “Dí dỏm” thì thoảng mùi son phấn, “pha trò” thì giống như là nói chuyện, “khôi hài” thì nặng kịch tính, “giễu cợt” thì có vẻ nhạo báng, “cà tửng” thì quá bình dân, “thanh tiếu” thì hiu hiu bác học, “tinh nghịch” thì lăng xăng phá phách…

Sau khi vò đầu bứt tóc và vò tóc bứt đầu nhiều đêm dài thế kỷ, làm con chim bói cá u mê chuyên xủ quẻ xem xăm đậu trên căn nhà màu tím, làm con sâu nhỏ trăn trở rong rêu sỏi đá hiu hắt đèn vàng ga nhỏ rất là hằn lên nỗi đau, phom phom chìm xuống vực sâu tiếc nuối ăn năn xin lỗi cuộc đời (music, please!)… người dịch bèn lấy một quyết định sáng suốt trước khi hành động mù quáng: chọn chữ “bỡn cợt” để thể hiện tinh thần của tiếng “humour”, cho nó được chắp cánh (thiên thần) nhẹ nhàng zui zẻ (mạnh khoẻ bà con… là cái chắc!).

Bài viết này được chuyển ngữ từ tiêu đề “L’humour, cette insoutenable légèreté des lettres” của Frédéric Ferney đăng trên tạp chí Le Magazine Littéraire số 47, tháng Bảy -Tám 2008 (Paris). Khi cầm bút sáng tác, người viết thường dùng giọng văn bỡn cợt để kể truyện và diễn tả ý mình. Một lần được hỏi vì sao lại chọn thể cách đó, người viết đã nghiêng mình thi lễ chân chọng zả nhời: “Tui dùng nụ cười như một thứ võ tự vệ để chống lại cái ác liệt của đời sống”.

Nôm na là “cười vào mũi cuộc đời”. Coi chừng có ngày bị cuộc đời nó “ách xì” trả đũa! Tuy nhiên, dù rằng (và luôn cả dù sọc) có vậy đi nữa, thì một ngày không bỡn cợt vẫn là một ngày thiếu bổn phận đối với cuộc đời.

Kiệt Tấn

*


Càng muốn định nghĩa bỡn cợt, ta lại càng sợ mình thiếu bỡn cợt. Hơn thế nữa, cái mà người ta thường nhận thấy chính là sự vắng mặt của bỡn cợt. Bỡn cợt, có thể chỉ là như vầy: luôn luôn là một sự thiếu vắng, một cái hụt hẫng. Không thể nào có được sự bỡn cợt thấp hèn; mà ta chỉ có thể thiếu bỡn cợt, giống như người ta thiếu tâm hồn hoặc thiếu can đảm. Còn gì zui zẻ hơn, khôi hài hơn là sự thiếu vắng đó? Những kẻ không có một chút bẩm tính bỡn cợt nào hết là một đề tài tiếu lâm bất tận. Tại cái xứ Pháp nầy, người ta thích hoặc là cắn, hoặc là cười mỉa. Làm sao có thể cười mà không nhe răng ra được hả? Nhưng vốn nó không phải vậy. Bỡn cợt là cách chống lại đau khổ, cách thoát khỏi độc ác: khỏi cái Chết (một thần dược để chống lại nhức răng, theo Brassens), khỏi cái khốn nạn của con người, khỏi tay bạo chúa, khỏi Thượng đế, khỏi đam mê, khỏi mọi thứ xui xẻo trên đời. Là tránh cho khỏi sa vào cái bẫy trân trọng: không có nó thì thằng công tử chỉ là một gã loè đời và vị bác học chỉ là một tên phách lối. Là né tránh được ác ý bằng một nụ cười, trong khi đó, ngược lại, mỉa mai là một chiến lược, một hệ thống, một chủ nghĩa.

Không gì giải thoát cho ta hơn là điều đó: “Mỉa mai là một trò của trí tuệ. Trong khi bỡn cợt là một trò của con tim, một trò của nhạy cảm”, Jules Renard đã nói như vậy, và ông ta có đủ cả hai thứ đó. Một giọt thuốc độc, một chút đen tối, một tí ti đểu cáng không làm hại bỡn cợt, nhưng ta có thể độc ác hơn nữa nếu ta giả đò như vậy để được cùng cười với người kia.

Trong mỉa mai, ngược lại, ta cười chống lại kẻ khác, ngay cả chống lại chính mình. Bỡn cợt tha thứ và thông cảm ở những nơi mà mỉa mai khinh bỉ và lên án. Bỡn cợt thì xoa dịu, mỉa mai thì làm tổn thương. Bỡn cợt là một cái mộc che (chống lại cái chết?). Mỉa mai là một cây gươm (chống lại cái ác?). Cái nầy che chở, cái kia chia cắt.

Xét cho kỹ, bỡn cợt, nếu không ngu và ác, thì nó là một chấn động do bởi con tim và lý trí cùng hoà giảng nhau: nó thể hiện cái tính chung chung, nó sẽ giống như thông minh nếu được chia sẻ, giống như tình yêu nhưng zui zẻ hơn. Thế nhưng cũng không nên đi quá trớn: bỡn cợt là gì nếu nó không lật đổ cái trật tự đã được thiết lập, những tư tưởng đang ngự trị, những giá trị bị áp đặt? Từ trong yếu tính của mình, bỡn cợt há chẳng có tính cách khuynh đảo, trả thù, sát nhân?

Cười lên trật tự, là cười bất lợi cho kẻ khác: là chế nhạo những thằng độc ác, những tên xuẩn ngốc, nhưng cũng đồng thời chế nhạo cái độc ác ở mình, hoặc cái xuẩn ngốc ở mình, và cũng có thể là chế nhạo cái lố bịch dính liền với đời sống. Flaubert vô địch trong cái trò đó. Nhưng nó cũng là một sức mạnh của từ chối và nổi loạn. Người ta cười gì? Cười cái phi lý, cười cái làm cho đau đớn.

Nhưng nó cũng là một sức mạnh của linh hồn. Chẳng hạn như một kẻ bị tử hình từ chối run sợ và vượt lên sự hãi hùng của cái chết: “Một kẻ tử tội trên đường ra pháp trường đã căn dặn chớ có dẫn hắn ta qua một con đường tên gì đó, vì sợ chủ nợ nhìn được mặt và chạy ra níu lưng để đòi nợ”, chuyện này do Montaigne kể, một người có tính bỡn cợt như dân Ăng-lê chính cống. Hoặc giả một khoa học gia tới số nọ đang bước lên đoạn đầu đài, chợt có người chạy tới đặt một câu hỏi hóc búa về khoa học, và ông ta đã trả lời: “Tôi sẽ suy nghĩ về câu hỏi này, một khi đầu óc đã được hoàn toàn yên nghỉ!”

Một sự nổi loạn siêu đẳng của trí tuệ? Một câu chọc quê ném vào mặt hư vô? Một liều thuốc chống sự sợ hãi, một sự xoa dịu, một thái độ khinh khỉnh? Luôn luôn được đem ra xài vào phút chót, bỡn cợt là một đam mê cao cả hơn là một đức tính, cũng giống như danh dự hoặc thái độ hào phóng. Trong văn chương kiếm hiệp Pháp, có một loại bỡn cợt được phát huy trong cái ba hoa, cường điệu và thách thức, trong khi dân Anh lại thích chọn sự lạnh lùng, cái understatement (chữ của tác giả) và cách nói giảm độ.

Một diễn giả ách xì hoặc trợt té trên bục giảng vào giây phút lâm ly nhứt của bài diễn văn, đó là một tai nạn: thân thể đã trả thù cái làm bộ làm tịch của trí tuệ. Sự khôi hài luôn luôn nằm trong một cái trợt ngã hoặc hạ bệ. Ngược lại, bỡn cợt là đỡ dậy người té, nó không cam chịu mà nó thách thức. “Bỡn cợt không những đòi hỏi sự tự thắng mình mà còn luôn cả nguyên tắc khoái trá được biểu lộ bất chấp nghịch cảnh bên ngoài”, Freud đã ghi nhận điều đó, và ít ra nó cũng là như vậy. Khi bỡn cợt khoác màu đen thì nó trở thành cái “lịch sự của tuyệt vọng”. Đó là một loại siêu hình – cái loại duy nhứt được du nhập vào Pháp từ Anh quốc.

Nó bắt buộc phải là một sự ngạc nhiên. Bỡn cợt có thể nào mang tính qui mô, đa số và được hoạch định trước? Không! Sự thành công chỉ là một kết quả, một hệ luỵ,chớ không phải là mục tiêu. “Nó càng đẹp khi nó vô ích”, Cyrano de Bergerac đã tuyên bố như vậy. Khi muốn quên điều đó ngày hôm nay, một số diễn viên hài (humoristes) có thể đã giết chết bỡn cợt, như Alain Finkielkraut nghĩ: “Cái nhu cầu thúc bách về đủ loại khôi hài mà xã hội chúng ta càng lúc càng lạm dụng là triệu chứng của sự đầu hàng cuối cùng”, tiểu thuyết gia Régis Jauffret nhấn mạnh.

Kể từ nay, tất cả những gì mà thiên hạ cho chúng ta mục kích dưới nhãn hiệu nghệ thuật, chính trị hoặc văn học đều thuộc vào hàng giải trí. Trong ngành truyền thông, người ta chứng kiến sự thắng thế của một loại khôi hài hoàn toàn ước định và vô hại nhằm bắt chước thời sự bằng cách nhái giễu (có phụ diễn múa rối hoặc không) với mục đích tìm kiếm sự tán đồng của khán giả bằng mọi giá… Càng dơ bẩn, càng y hệt thì lại càng thêm tức cười hơn nữa! Đó gần như là phương châm của thời đại. Cười lăn lộn, cười đểu cáng, cười nhạo báng, số đông muốn như vậy, nó tạo ra khối lượng khán thính giả: một lần nữa, điều đó đi ngược lại tinh thần bỡn cợt.

Cái tính chất tiêu cực của mỉa mai cũng phải tế nhị, tới mức gần như không nhận ra. Luôn luôn thuộc thành phần thiểu số, người mỉa mai gợi ý nhiều hơn và khác hơn cái điều mà anh ta nói ra, và nói ra ít hơn hoặc khác hơn cái điều mà anh ta ngụ ý, đôi khi còn đi ngược lại bằng một phản đề. Socrate và kể cả Swift, Stendhal hoặc Nietzsche đều là những bực thầy trong thể loại này: họ không viết chỉ để được hiểu mà chính là để được không hiểu! Dĩ nhiên có phần nào rủi ro là cái điều mà họ ngụ ý có thể không được nhận ra hoặc bị hiểu lệch lạc bởi những tên dốt nát hoặc ngốc tử, hoặc bị lên án là mạ lị, tục tĩu hoặc phạm thượng. Tôi không có ý ám chỉ các bạn đâu, dĩ nhiên.

Mỉa mai đưa tới một tình thế cô lập, ngạo nghễ, quý tộc. Đó là hình thức của tự do ngôn luận trong thời kỳ có kiểm duyệt chính trị, luân lý hoặc tôn giáo. Chính bằng võ khí mỉa mai đó mà Voltaire đã dập tắt được những giàn hoả cuồng tín tại Âu châu thời kỳ trước! Tất cả đều là hư cấu, đều là mặt nạ trong mỉa mai. Người ta vừa cười cái cách nói vừa giữ được vẻ tôn nghiêm như Đức Giáo hoàng: “Hãy lặn cho thiệt sâu: sự mỉa mai không xuống được tới đó đâu mà sợ!”, thi sĩ Rilke đã nói như vậy. Mỉa mai là một võ khí và nó chỉ là như vậy thôi. Mỉa mai nổi trên bề mặt, trong khi đó bỡn cợt muốn vươn lên và chiếm thế thượng phong: nó có cái quý phái tuyệt vọng của sự từ chối. Trong mọi trường hợp, người ta chỉ khoái tấn công những điều thiêng liêng, nghĩa là những điều bị cấm hạch xét, bị cấm chỉ trích, đôi lúc còn bị cấm cả trình bày, và nhứt là cấm châm biếm: Thượng đế, chủ nghĩa và tôn giáo, luân lý, cái chết của một người thân, tình mẫu tử, thi ca… Triệt để lên án và cấm ngặt không được phép cười về những thứ đó, nhưng chính điều đó đã khiến cho chúng trở nên tức cười. Và càng tức cười hơn nữa cũng chính là vì lẽ đó và nhứt là cũng bởi lẽ đó, nếu chính bản thân ta lại là nạn nhân. Thí dụ, Pierre Desproges đã công bố bịnh trạng của mình với khán giả: “Plus cancéreux que moi, tumeur!” [NDT: “tumeur” có nghĩa là nhọt ung thư, nhưng nếu vì đồng âm mà hiểu “tu meurs” thì lại có nghĩa là “mầy chết”. Vì vậy câu nói nầy có thể hiểu, hoặc là: “Ung thư hơn tao thì chỉ có nhọt ung thư”, hoặc là: “Ung thư hơn tao thì mầy chết!”. Một cách chơi chữ kiểu Tây, dĩ nhiên]. Hoặc giả Oscar Wilde đã cố nhướng mắt lên một lần cuối để ngắm nghía giấy dán tường xấu quắc trên vách phòng ngủ của khách sạn mình vài giờ trước khi chết, rồi gắng gượng thều thào phân bua: “Bắt buộc trong hai đứa mình, phải có một thằng ra đi!” Không phải cái chết tức cười, mà chính là ở cái điều ta nói về nó: cũng không phải ở cái chỗ nó có nghĩa, mà chính ở cái chỗ nó không mảy may có một nghĩa lý gì hết. Người ta cười vì chợt hiểu ra rằng chẳng có gì để hiểu hết ráo!

Điều thiệt sự bùng nổ chính là cái sự thật ẩn giấu nhưng ta lại không được phép nói ra. “Không có gì đáng khôi hài hơn là tai hoạ”, Sammuel Beckett đã nói vậy, Tại sao bỡn cợt? Tại vì cái chết có thiệt. Tại sao tức cười? Tại vì người ta cấm cười về chuyện đó. Và đó là tất cả vấn đề ngày hôm nay: đâu là điều ngăn cấm? Đâu là những giới hạn cần phải bức phá, xô ngã, khắc phục? Nhưng để có thể vượt lên trật tự và luật pháp thì lại cần phải có một trật tự và một luật pháp được mọi người chấp nhận. Nhưng những thứ đó là gì?


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Tạp chí Le Magazine Littéraire số 47, tháng Bảy - Tám 2008 (Paris)