Tiếp phần II, chương III : Các nhà văn đứng tuổi: Văn Cao, Trần Duy, Hoàng Cầm
Văn Cao
Văn Cao là một người rất đặc biệt. Nhờ có bản năng thiên phú, mà tuy không học ở trường nào cả ông cũng trở thành một nghệ sĩ danh tiếng, hay cả về nhạc, hoạ và thơ. Ông là một thứ nghệ sĩ "nhân dân" mà thời thế đã tạo nên.
Nguyễn Văn Cao sinh vào khoảng năm 1920 trong một gia đình nông dân nghèo ở Lạch Trai, gần Hải Phòng. Bố mất sớm, mẹ chỉ có vài sào ruộng nước mặn. Văn Cao sở dĩ ăn học được ít năm là nhờ có người anh làm gác dan, trông coi nhà máy bơm nước ở bờ sông Hải Phòng. Vì nhà làm để chứa máy, không phải để cho người ở nên Văn Cao phải học bài và ngủ trên một miếng ván bắc từ chiếc máy điện sang chiếc máy bơm, suốt ngày suốt đêm phải chịu đựng tiếng kêu vo vo không ngớt của hai chiếc máy ở hai đầu giường. Có người nói chính vì tiếng máy kêu như ve sầu suốt ngày đêm đã gây cho Văn Cao một tâm hồn nhạc sĩ. Điều đó không biết có đúng không, nhưng chỉ biết rằng ngay từ nhỏ Văn Cao đã có khiếu về âm nhạc. Khi còn học ở tiểu học, và sau lên trường trung học tư thục Saint Charles, Văn Cao đã nổi tiếng là hát hay.
Văn Cao mới học được hai năm ở trung học thì ông anh mất việc nên phải bỏ học đi kiếm việc làm. Ông xin được một chân điện thoại viên (teléphoniste) ở Nha giám đốc Thương cảng Hải Phòng (Direction du Port) nhưng làm chưa được một tháng xin thôi vì tính ngang ngạnh không chịu được thái độ hống hách của "xếp Tây". Gặp được Phạm Duy ở Hà Nội xuống hát ở Cảng, Văn Cao nghe lời Phạm Duy xách khăn gói lên Hà Nội vì thời bấy giờ chỉ có thủ đô Hà Nội mới có điều kiện nuôi sống văn nghệ sĩ.
Lên đến Hà Nội, Văn Cao được bạn bè giúp đỡ, thuê được một căn gác nhỏ, bắt đầu nhận vẽ tranh quảng cáo và sáng tác nhạc. Trong thời kỳ này Văn Cao sáng tác được nhiều bài hát hiện nay còn giá trị: bài "Thu cô liêu" và "Đêm xuân" (nhạc của Văn Cao, lời của Đỗ Hữu Ích), bài "Suối mơ" và "Đàn chim Việt" (nhạc của Văn Cao, lời của Phạm Duy), bài "Buồn tàn thu" (do Phạm Duy mang đi phổ biến ở các tỉnh), bài "Đêm sơn cước" và bài "Bắc Sơn".
Văn Cao bắt đầu được nổi tiếng từ năm 1943. Hai năm sau xẩy ra nạn đói kém; vùng ven biển là quê hương của Văn Cao bị chết đói nhiều nhất. Bà mẹ Văn Cao phải đi bắt cáy ở các ruộng nước mặn để nuôi các cháu, nhưng chẳng bao lâu cáy cũng không còn, vì mỗi ngày có hàng vạn người đi bắt, nên bà cụ phải bỏ làng mang mấy cháu nhỏ chạy lên Hải Phòng rồi lên Hà Nội, giữa đường thất lạc mất một đứa cháu lên ba. Giữa lúc ấy thì một người đồng hương của Văn Cao, tên là Vũ Quý vì hoạt động cho Việt Minh ở Hải Phòng nên bị Nhật lùng bắt. Anh ta trốn lên Hà Nội, đến ở nhờ Văn Cao và tuyên truyền cho Văn Cao theo Việt Minh. Văn Cao được giới thiệu để viết bài và vẽ tranh cho tờ báo
Lao động là cơ quan của Việt Minh xuất bản ở ngoại ô Hà Nội, đồng thời căn gác của Văn Cao được Vũ Quý dùng làm lớp học để giảng chính trị cho những thanh niên mới gia nhập đoàn thể Việt Minh.
Một hôm Vũ Quý đi Việt Bắc về bảo Văn Cao soạn giúp một bài quân ca cho Việt Minh, vì trường chính trị quân sự của Việt Minh đang cần một bài để xuất quân. Văn Cao nhận lời và làm bài "Tiến quân ca", giữa lúc ngồi trong cửa sổ nhìn ra thấy những xe chở xác chết đi qua. Lúc này ông cũng làm thêm một bài thơ nhan đề "Chiếc xe chết qua phường Dạ Lạc" nói lên nỗi đau khổ của tác giả trước cảnh chết đói của hàng vạn người giữa Hà Nội, không ngớt ăn chơi và đoạ lạc.
Báo
Lao động đăng bài "Tiến quân ca" và cán bộ Việt Minh ở Hà Nội bắt đầu học hát. Ít hôm sau Văn Cao được Võ Nguyên Giáp mời lên chiến khu để khen thưởng và ban cho một khẩu súng lục. Về Hà Nội, Văn Cao được giao công tác phụ trách đoàn Thanh niên Xung phong, nhưng hai tuần sau ông bị sốt rét. Giữa lúc đó thì Nhật đầu hàng Đồng minh và Đại Việt tổ chức cuộc biểu tình công chức ở Hà Nội, Việt Minh ra lệnh cho đoàn Thanh niên Xung phong cướp cuộc biểu tình của Đại Việt để biến thành cuộc biểu tình hoan nghênh Việt Minh. Văn Cao đang lên cơn sốt nên phải giao khẩu súng cho người khác để điều khiển thay mình, tuy nhiên ông cũng ra đứng trước Nhà hát lớn để chứng kiến công việc của bọn đàn em. Hai ngày sau, hết sốt Văn Cao đứng ra đánh nhịp cho đoàn Thanh niên Xung phong hát bài "Tiến quân ca" trong một cuộc biểu tình do Việt Minh tổ chức ở Nhà hát lớn. Ngày hôm ấy là 19 tháng 8-1945, Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội.
Sau khi Việt Minh lên nắm chính quyền, Văn Cao được cử vào Ban Thường vụ Hội Văn hoá Việt Nam. Lúc này ông làm thêm được bài "Không quân Việt Nam" và bài "Hải quân Việt Nam". Thanh thế của Văn Cao lúc này lên đến tột bực. Ông tái bản những bản nhạc đã làm từ trước và giao cho nhà in Rạng Đông phụ trách ấn loát. Cô con gái ông chủ nhà in phải lòng nhà "nhạc sĩ Việt Minh" và hai người lấy nhau.
Vì phạm tội lấy con gái nhà tư sản nên Văn Cao bị Đảng bỏ rơi. Sau khi tác chiến bùng nổ, hai vợ chồng Văn Cao chạy lên Lào Kay, sau về Tuyên Quang và sau cùng về mở tiệm cà phê ở Phố Yến, thuộc Vĩnh Yên. Cán bộ Đảng nhận thấy gia đình Văn Cao cứ thuyên chuyển dần về mạn xuôi, sợ có ngày Văn Cao bị vợ quyến rũ về Hà Nội, nên ra lệnh triệu Văn Cao lên Đại Từ, giao cho công tác trong Hội Âm nhạc Việt Nam. Trong thời gian này Văn Cao sáng tác được bài "Trường ca Sông Lô" và được kết nạp vào Đảng, được dự lớp huấn luyện dành riêng cho đảng viên và sang năm 1952 được cử sang Mạc Tư Khoa, trong phái đoàn văn hoá do Trần Huy Liệu cầm đầu. Trong dịp này Văn Cao được gặp nhà nhạc sĩ số một Liên Xô là Chostakovitch. Đây là vinh hạnh lớn nhất trong đời của Văn Cao.
Tuy nhiên sau khi đi Mạc Tư Khoa về, Văn Cao bắt đầu tỏ ý thất vọng Liên Xô không phải là thiên đường như ông vẫn tưởng tượng. Thêm vào đấy, khi ông về nước thì cuộc đấu tố địa chủ cũng vừa bắt đầu, ông được cử đi tham quan mấy vụ đấu tố điển hình ở Việt Bắc, trong số đó có cuộc đấu tố ông bố vợ Nguyễn Kháng Toàn ở Tuyên Quang, khiến ông nghi ngờ chân giá trị của chủ nghĩa cộng sản.
Về Hà Nội sau khi hoà bình lập lại, Văn Cao phụ trách ban nhạc ở Đài phát thanh Hà Nội, nhưng ông chán nản không sáng tác gì hết. Năm 1956 ông tham gia phong trào
Nhân văn-Giai phẩm, làm những bài thơ chống Đảng như bài "Anh có nghe không" và bài "Những ngày báo hiệu mùa Xuân" mà chúng tôi trích sau đây. Lúc đầu thì Đảng làm ngơ không vấn tội vì Đảng không muốn hạ bệ người nghệ sĩ đã có công sáng tác bài "Quốc ca" nên trong năm 1957 Văn Cao vẫn được đề cao. Nhưng qua cuộc chỉnh huấn Đảng khám phá thấy Văn Cao không những chỉ có viết bài chống Đảng mà còn bí mật vận động các nhạc sĩ khác chống Đảng, nên sang năm nay (1958) Văn Cao bị đả kích dữ dội và bị đưa đi học tập lao động. Trong tờ
Văn nghệ số 14 tháng 7-1958 Xuân Diệu viết một bài nhan đề "Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao" tố cáo Văn Cao là "con người phản phúc hai mặt giả dối như con mèo, là một tên phù thuỷ toan dùng âm binh để chọi nhau với Đảng".
Sau đây chúng tôi xin trích bài "Anh có nghe không" và bài "Những ngày báo hiệu mùa Xuân" để các độc giả nhận xét. Theo ý riêng chúng tôi, Văn Cao không phải là phù thuỷ mà chỉ là một con thiêu thân, một con thiêu thân điển hình nhất.
*
Anh có nghe không
(Gửi một nhà thơ xưa đã nổi tiếng)
Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi
Dù những ngôi sao đang nở trên trời
Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại
Tất cả hướng về biển
Bọt cứ tan trên bãi cát xa
Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở
Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả
Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngang nhiên sống
Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người
Chúng nó còn ở lại
Trong những tủ sách gia đình
Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
Từng bước chân các cô gái
Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối
Mắt quầng thâm còn nhỡ mãi đêm
Chúng nó còn ở lại
Trong những tuổi bốn mươi
Đang đi vào cuộc sống
Như nấm mọc trên những thân gỗ mục
Người bán giấy cũ
Đã hết những trang tiểu thuyết ế
Những trang báo ngày xưa
Đang bán đến những trang sách mới
Những bài thơ mới nhất của anh
Anh muốn giơ tay lên mặt trời
Để vui da mình hồng hồng sắc máu
Mấy năm một điệu sáo
Như giọng máy nước thâu đêm chảy
Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng
Những con mèo ngủ yên trên ghế
Trong một cuộc dọn nhà
Những con sên chưa dám ló đầu ra
Những cây leo càng ngày càng tốt lá
Một nửa thế giới
Một nửa tâm hồn
Một nửa thế kỷ
Chưa khai thác xong
Bây giờ không còn những tiểng nổ to
Nhưng còn những tiếng rạn vỡ
Có thể thu hết những khẩu súng phản động
Nhưng vẫn còn
Những khẩu súng đưa người tự tử.
Anh có nghe thấy không
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên
Những người của chúng ta
Đang mờ mờ xuất hiện
Le lói hy vọng
Trên những cánh đồng lầy
Nghìn năm cũ phủ mất nhiều giá trị
Đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời
Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không
Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung cả cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta.
(Trích
Giai phẩm mùa Xuân 1956)
*
Những ngày báo hiệu mùa Xuân
Nước biển đổ vào quanh Hải Phòng ngày bão
Làng mạc bồng bềnh trời đất bềnh bông
Ở những ngọn tre xác xơ mốc lên chất muối
Còn lại ít rơm khô những mái nhà trôi
Những mảnh lưới thuyền ai bay tan tác
Xe gạo ngày đêm từ Hải Phòng về các xóm
Chúng tôi đêm ngày vét nước nối đê
Tưới ngọt lại ruộng đồng, dựng lại từng thôn xóm
Tìm lại những nụ cười ở mỗi người sống sót
Lửa đỏ đêm đêm trên bãi biển bập bùng
Trong những ngày khó khăn chồng chất
Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẩn trong hàng ngũ
Những con bói cá
Đậu trên những chiếc dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao nhiêu tay chân dìm chết một con người.
Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống
Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng
Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang
Làm rỗng những con người lụi dần niềm hi vọng
Héo dần mầm sáng tạo mất phẩm giá con người
Chúng nó ở bên ta trong ta lén lút
Đào rỗng từng kho tiền gạo thuốc men
Tôi đã thấy từng mặt, từng tên xâu chuỗi
Tôi sẽ vạch từng tên từng mặt
Hãy dừng lại
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non
Con đường ta đi tự hào lực lượng
Con đường nước nguồn thành sông thành biển
Con đường ta đi tự hào duy nhất
Con đường đi trái đất quanh mặt trời
("Những ngày báo hiệu mùa Xuân" là một đoạn trong bài thơ dài
Những người trên cửa biển của Văn Cao, in trong tập thơ của bốn người: Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành. Trích
Giai phẩm mùa Thu tập II tháng 10-1956)
[1]
*
Trần Duy
Trần Duy tên thật là Trần Quang Tăng, sinh ở Huế vào khoảng năm 1920. Ông học Trường Mỹ thuật Hà Nội trong thời kỳ đại chiến thứ hai, và sau khi Hà Nội bị phi cơ Đồng minh oanh tạc, nhà trường dọn lên Sơn Tây, ông cũng theo lên Sơn Tây. Học chửa tốt nghiệp thì xảy ra cuộc đảo chính Nhật và tiếp theo là cuộc khởi nghĩa Việt Minh.
Trong thời gian học ở Sơn Tây, Trần Duy thân với Phan Kế An, là bạn đồng trường và là con Phan Kế Toại. An là cán bộ Việt Minh, nên tuyên truyền Trần Duy theo Việt Minh.
Trong thời gian kháng chiến, ông công tác văn nghệ bộ đội ở Việt Bắc. Về Hà Nội, ông hợp tác với nhóm
Giai phẩm và cộng sự với cụ Phan Khôi trong việc xuất bản tờ báo
Nhân văn.
Những bài nghị luận của ông về chính trị rất có giá trị.
Bài “Những người khổng lồ” mà chúng tôi trích sau đây để giới thiệu nghệ thuật viết văn của ông, thuộc vào loại thần tiên mà ông tự đặt ra, để mượn ý nói rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể đào tạo nên những con người có sức khoẻ máy móc, không có tâm hồn. Rút cục những con người “không phải là người” đó chỉ tàn phá và gieo tang tóc khắp mọi nơi, không có khả năng kiến thiết và xây đắp hạnh phúc cho nhân loại.
Dùng thần thoại để trình bày một hiểm hoạ đương đe doạ toàn thể thế gian, đó là một sáng kiến rất đặc biệt của ông.
*
Những người khổng lồ
(Gửi những người cộng sản chân chính)
Tôi xin kể các bạn nghe một câu chuyện cổ. Ngày xưa quả đất chưa có người ở, chỉ toàn là cây cỏ núi đá, sông, hồ biển rộng mênh mông. Thú dữ rất nhiều và ma vương quỷ dữ cũng nhiều. Lúc Thượng đế cho những con người đầu tiên xuống, con người hết sức khổ sở. Đời sống ở quả đất bấy giờ chỉ toàn là nước mắt và oán thán. Tiếng khóc tụ lại thành khí, nước mắt bốc lên thành mây dâng lên tận thiên đình. Ngọc Hoàng lo lắng, đau xót vô cùng. Thiên đình lo âu chẳng kém. Một vì sao tâu:
“Sức người có hạn, mà ma quỷ thì uy lực vô cùng, vậy nên phái thêm người nhà trời về giúp sức.”
Ngọc Hoàng bèn triệu tập hội nghị Thiên đình, ra chỉ thị nặn thêm một đoàn khổng lồ cho xuống hạ giới giúp sức loài người.
Thế là chẳng bao lâu, nặn xong lũ khổng lồ, mình cao trăm trượng, tay chân to lớn, sức lực vô địch. Ngọc Hoàng hà hơi sống, lũ khổng lồ cử động, Thiên đình mừng rỡ… Chỉ nay mai hạ giới sẽ chẳng còn tiếng khóc và nước mắt.
Đoàn khổng lồ xuống hạ giới: bạt rừng lấp bể, nhổ cây như vớt rong, bóp vụn đá như nghiền bột, long trời lở đất. Đoàn khổng lồ vui sướng và tin chắc đã làm vừa lòng trời và thuận lòng người.
Nhưng một hôm Ngọc Hoàng mở cửa nhìn về hạ giới… Cớ sao tiếng khóc vẫn còn?
Ngọc Hoàng phán hỏi Thiên đình, Thiên đình ngơ ngác nhìn nhau. Có vì sao tâu:
“Việc hạ giới nên triệu Táo quân về đầu đuôi sẽ rõ.”
Mấy hôm sau Táo quân về. Vừa bước tới sân chầu, Táo quân đã vập đầu xuống bệ khóc nức nở. Ngọc Hoàng hỏi:
“Táo quân chưa tâu báo, đã khóc lóc, làm loạn cả quần tiên là cớ làm sao?”
Táo quân vẫn khóc. Ngọc Hoàng nói:
“Táo quân quên rằng quần tiên không có tiếng khóc, và Thiên đình chỉ có tiếng cười và vũ nhạc hay sao?”
Táo quân tâu:
“Hạ thần vẫn muốn như vậy, nhưng trọng trách của Ngọc Hoàng giao cho hạ thần là sống với loài người, chia vui sẻ buồn với họ, thần nỡ lòng nào cười múa lúc loài người còn tiếng khóc và oán hờn?”
Ngọc Hoàng hốt hoảng:
“Thế người khổng lồ xuống hạ giới chẳng làm nên gì ư?”
Táo quân tâu:
“Người khổng lồ đã làm đầy đủ sứ mệnh của Thiên đình giao cho là sát phạt ma vương hổ báo, rẫy rừng, khai sông, lấp bể…”
Ngọc Hoàng hớn hở:
“Thật là tin vui… Nhưng cớ sao khanh còn khóc?"
"Tâu Ngọc Hoàng, tại vì loài người còn khóc."
Ngọc Hoàng chép miệng:
"Nhân thế sinh kiếp trầm luân có khác! Buồn cũng khóc, mà vui cũng khóc, ta biết làm thế nào?”
Táo quân tâu:
“Tâu Ngọc Hoàng, buồn thì phải khóc, nhưng mấy khi vui mà lại khóc?”
“Thế hạ giới chưa vui ư? Ma quỷ tan rồi, hùm beo quét sạch, rừng núi san bằng, loài người thảnh thơi, chỉ khác Thiên đình ở chỗ chưa được mùa xuân muôn thuở, tràng sinh bất tử mà thôi.”
Táo quân trả lời:
“Quả thật nhân thế nhờ người nhà trời mà thôi khóc cái hoạn nạn do ma vương quỷ dữ gây ra, nhưng chưa kịp cất lên tiếng cười thì nhân thế lại bắt đầu buồn về một ít hoạn nạn mới do…”
Ngọc Hoàng sốt ruột hỏi:
“Do ai gây ra?”
“Tâu Ngọc Hoàng… Do chính người nhà trời gây ra.”
Ngọc Hoàng và Thiên đình sửng sốt:
“Cớ sao?”
“Vì người nhà trời bạt núi, khai sông, quên mất loài người bé nhỏ sống gần sông và cạnh núi. Những bản tình ca vừa chớm nở, những hoa bướm, những đôi lứa trẻ mới yêu nhau, những tình thương nỗi nhớ vừa nhen nhúm, có một số người khổng lồ trông thấy đã xéo bừa lên, giày nát…”
Một vì sao hỏi:
“Loài người sống chính nhờ cơm, gạo, khí trời, chứ nhờ đâu tình ca, và hoa bướm.”
Ngọc Hoàng phán:
“Khi ta tạo con người, ta đã thổi vào người chúng cùng với khí nóng và máu, tình thương nỗi nhớ, oán ghét giận hờn, tiếng cười và nước mắt… Những thứ ấy sẽ sống đời đời kiếp kiếp với con người. Không tôn trọng những thứ ấy trong con người là không tôn trọng con người…”
Táo quân lại tâu:
“Vẫn cái số người khổng lồ ấy, không nghe được tiếng khóc, và tiếng cười; Họ nhổ vụt cây chết ma vương hổ báo, nhưng trong khi đánh vung vãi sướng tay, loài người cũng chết lây. Xác hoa bướm nằm cạnh xác ma vương hổ báo và xác người!”
Ngọc Hoàng đau xót nhìn Thiên đình. Thiên đình im lặng.
Một vì sao tâu:
"Nên cho đoàn khổng lồ về để biết tường gốc ngọn."
Đoàn khổng lồ về bái yết. Ngọc Hoàng thịnh nộ:
"Các người công ít tội nhiều, cớ sao đạp xéo cả lên tính mạng con người?"
Đoàn khổng lồ một số ngơ ngác nhìn nhau.
Ngọc Hoàng đập bàn:
"Sao dám đạp cả lên tâm hồn và cuộc sống con người?"
Số khổng lồ ấy càng ngơ ngác nhìn nhau.
Ngọc Hoàng vẫn chưa nguôi:
"Sao giẫm cả lên lời ca, tiếng cười và hoa bướm dưới trần thế?"
Số khổng lồ ấy lại càng ngơ ngác nhìn nhau.
Ngọc Hoàng nhìn đoàn khổng lồ:
"Và các người không đau xót ư?"
Vẫn số khổng lồ ấy ngơ ngác nhìn nhau, nhìn Ngọc Hoàng và Thiên đình… Nhất là những giọt nước mắt của Táo quân.
Sao Thái Bạch bước ra tâu:
"Cứ xem khí mạo, thì biết trong số khổng lồ có những người có thể mà không có tâm, không biết tiếng cười và tiếng khóc, thần e rằng phủ tạng họ thiếu một thứ gì."
Ngọc Hoàng truy hỏi. Nam tào Bắc đẩu cùng với La hầu và Kim tinh xét lại các sổ, đứng ra tâu:
"Đoàn khổng lồ lúc được nặn ra, chỉ cốt lấy to, nên hết nguyên liệu để nặn tim, cho nên trong đoàn khổng lồ phái xuống hạ giới có một bọn không tim."
Ngọc Hoàng biến thần sắc:
Một vì sao hỏi:
"Thiết nghĩ đoàn khổng lồ chỉ đánh ma vương quỷ dữ cần gì tim?"
Ngọc Hoàng trả lời:
"Nhưng ta tạo nên con người, con người đã có óc phải có tim. Loài người của ta cần sống giữa hoa đẹp hương thơm."
Vì sao lại tâu:
"Nhưng bộ óc to, cánh tay lớn chẳng đủ rồi ư?"
Ngọc Hoàng phán:
"Nhưng cánh tay lớn của một người không tim sẽ đập nát công trình của bộ óc hắn xây dựng."
Khi nhìn về hạ giới, nghe tiếng khóc và nước mắt vẫn còn, Ngọc Hoàng chép miệng phán bảo với đoàn khổng lồ:
"Hạ giới vẫn còn cần các ngươi, vì quỷ dữ ma vương vẫn còn hoành hành; Nhưng các ngươi phải biết yêu quý con người, tôn trọng quyền sống của họ. Quả đất là của con người, và sửa sang quả đất cũng là để cho con người. Làm công việc gì mà con người phải khổ, còn khổ thì dù công việc ấy có thành công cũng cẩm như là thất bại. Chỉ có trí óc mà không có tim thì không thể sống được với loài người."
Sau lời chỉ giáo ấy, đoàn khổng lồ lại kéo nhau về hạ giới, lại như cũ, phá núi ngăn sông, tát bể, làm hì hục kỳ cho quả đất quang đãng mới thôi.
Ngọc Hoàng lại mở cửa nhìn về hạ giới: Cớ sao hãy còn tiếng khóc? Ngọc Hoàng phán hỏi Thiên đình. Có vì sao tâu:
"Lại xin cho triệu Táo quân về."
Táo quân lại lên chầu trời.
Ngọc Hoàng hỏi:
"Tiếng khóc vẫn còn ở hạ giới ư?"
Táo thần tâu:
"Nhân thế biết lượng lớn của Thiên đình, ăn chay nằm đất để tạ ơn Thượng đế, nhưng vẫn còn nước mắt!"
Ngọc Hoàng nói:
"Ta muốn ngăn những giọt nước mắt ở hạ giới phải làm thế nào?"
Táo quân tâu:
"Muốn ngăn được nước mắt ở thế gian, thì trước hết phải biết thu phục được lòng người."
Một vì sao hỏi:
"Thế nào là thu phục được lòng người?"
Táo thần đáp:
"Thu phục được lòng người là phải yêu người. Yêu người là biết được cái vui mà thật vui chung với người, khổ được cái khổ chung với người, đau xót trước cái đau xót của thiên hạ. Việc đáng vui nhưng thiên hạ chưa vui được cũng chớ bắt phải cười. Việc đáng khen, nhưng thiên hạ chưa rõ được cũng chớ bắt phải khen. Dù là ý trời, nhưng chưa được lòng người, ý trời vẫn sai; dù chưa phải ý trời, nhưng thuận lòng người thì vẫn cứ xem đó có là ý trời. Dù việc có hay nhưng cũng đừng cưỡng nhân tâm lúc nhân tâm chưa thuận. Lòng người lúc đã thuận rồi, không bảo vẫn cứ nghe, muôn người như một xô núi cũng đổ, tát bể cũng cạn. Dù có cấm hát cấm cười, người đời vẫn cứ cười cứ hát… Lúc bấy giờ nước mắt tự nó nó sẽ tan đi."
Ngọc Hoàng nhìn các vì sao. Vì sao ban nãy lại hỏi:
"Thế nào là cưỡng nhân tâm? Táo thần không hay rằng dụ chỉ của Thiên đình đã xoá bỏ những bất công ở hạ giới?"
Táo quân đáp:
"Cưỡng nhân tâm không cứ dùng gươm tên mà uy nạt mới cho là cưỡng. Bất công ở hạ giới như nước mạch thấm vào lòng đất đời đời kiếp kiếp, chẳng phải phút chốc vì một dụ chỉ mà nó tan đi. Bất công ở hạ giới là con quỷ già luyện kiếp, thiên hình vạn trạng, lúc ẩn lúc hiện, lúc to lúc nhỏ, lúc trắng lúc đen, lúc mặc áo cà sa, lúc mặc áo giấy, cười nói như người. Lúc người suy tôn thần thánh thì nó thành thần thành thánh để được suy tôn, lúc người khiếp sợ ma vương thì nó thành ma vương để uy nạt, không chừng nó còn diện cả hia ngọc, bốt vàng đứng lẫn giữa các vì sao đây cũng có. Nếu Thiên đình còn cho rằng chỉ vì một dụ chỉ của Thiên đình mà hạ giới xoá bỏ được bất công, thì tiếng khóc và nước mắt ở hạ giới vẫn cứ còn đời đời kiếp kiếp."
Ngọc Hoàng nói:
"Nhưng ta đã phái người của Thiên đình xuống."
Táo quân đáp:
"Tâu Ngọc Hoàng, người của Thiên đình phái xuống có kẻ có óc có tim, thì họ ở đâu hoa thơm và tiếng cười ở đấy. Nhưng cũng có những người thiếu tim!"
Các vì sao hỏi:
"Như vậy sẽ có hại gì?"
"Thì số người nhà trời thiếu tim ấy sẽ chẳng được lòng người, ngược lại lòng thiên hạ, sẽ cưỡng nhân tâm, và sinh linh còn đồ thán, hờn oán Thiên đình."
Táo quân lại tiếp:
"Nước mắt do ma vương quỷ dữ gây ra thì loài người hợp sức với người nhà trời sẽ diệt được ma vương quỷ dữ. Nhưng nước mắt do người nhà trời gây ra, lẽ đâu loài người lại dám xúc phạm đến Thiên đình mà đụng đến người nhà trời ư? Do đó nước mắt lại ngấm ngầm chảy, tiếng khóc lại càng thầm lặng rền rĩ hơn. Nhưng đáng thương hơn cả vẫn là cái số khổng lồ không tim ấy vẫn tưởng mình đã hoàn toàn mang lại tiếng cười và niềm vui cho hạ giới!"
Ngọc Hoàng thở dài:
"Ta đã mấy lần phủ dụ…"
Táo quân đáp:
"Không biết thì dạy bảo sẽ biết. Không thấy thì chỉ giáo sẽ thấy. Không quen thì làm mãi sẽ quen… Nhưng không tim thì sách vở nào, lời lẽ nào, chỉ dụ nào có thể tạo nên tình cảm được!"
Ngọc Hoàng bóp trán suy nghĩ. Các vì sao im lặng. Ngọc Hoàng quay hỏi Thiên đình.
"Chư khanh nghĩ thế nào?"
Các vì sao tâu:
"Đoàn khổng lồ là đạo lính của Thiên đình phái về giúp loài người, nhất thiết không bỏ được; Máu thịt để nặn thành tim cho số khổng lồ ấy cũng chẳng còn. Hay là Thiên đình tạo thêm cho hạ giới thật nhiều hoa, nhiều bướm, nhiều tiếng hát, tiếng cười!"
Một số khổng lồ bước ra tâu:
"Nếu chúng ta làm như vậy chẳng khác nào chúng ta tạo thêm hoa thêm bướm tiếng hát và tiếng cười để cho lũ không tim ấy giẫm nát."
Ngọc Hoàng hỏi Táo quân:
"Vậy theo ý khanh nên như thế nào?"
Táo quân đáp:
"Nên làm thêm tim cho số khổng lồ ấy."
Thiên đình đồng thanh:
“Nhưng cạn sạch nguyên liệu.”
Táo quân trả lời:
“Nếu có những người khổng lồ đủ tim đủ óc thì đó là một điều hay, bằng không thà nặn những người nhà trời chỉ bằng con người hạ giới thôi, mà quả tim thật to; Bàn tay tuy có nhỏ, sức khoẻ tuy có yếu, bước đi tuy có ngắn, nhưng nếu nó có tim, nó sẽ sống cùng điệu với loài người, nghe được tiếng thở dài, và thấy được cái mỉm cười của họ, lúc bấy giờ bàn tay nó sẽ không bóp chết loài người cùng ma quỷ, sức khoẻ nó sẽ không đè chết loài người cùng hổ báo núi cây, bước chân nó sẽ không giầy xéo lên con người cùng với tình yêu và hoa bướm. Làm được như thế là thuận được với lòng người, thiên hạ hỗ trợ, thì mới trọn được ý trời; Và lúc bấy giờ hạ giới sẽ là nơi Thiên đình thứ hai, đầy tiếng cười và vũ nhạc…”
Ngọc Hoàng gật gù, nhìn Thiên đình cùng cho lời của Táo quân là phải…
Số khổng lồ có tim cũng gật gù nhìn thương hại lũ khổng lồ không tim.
Còn hạ giới thì hoan hỉ chờ mong ngày Ngọc Hoàng làm thêm tim cho số khổng lồ ấy, nhất là những người mới bắt đầu biết yêu nhau...
(Trích
Giai phẩm mùa Thu tập II năm 1956)
*
Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ
Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam có nhận định ở miền Bắc chúng ta chưa thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của nhân dân và đã thảo luận những biện pháp bổ khuyết cần thiết để đề nghị với Chính phủ và Quốc hội.
Chúng ta hoan nghênh những nhận định ấy, và hy vọng những biện pháp bổ khuyết cần thiết trên sẽ mang lại cho báo chí văn nghệ đời sống miền Bắc một luồng gió mới... luồng gió tự do dân chủ.
Báo
Nhân văn đấu tranh cho tự do dân chủ, cũng không ngoài ý muốn nào khác là tự nguyện làm một tên lính tiên phong cùng Đảng và nhân dân chiến đấu cho một mục đích chung.
Đấu tranh cho tự do dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, vì nó là một cuộc tấn công quyết liệt vào những tệ lậu hủ bại của xã hội.
Nó sẽ bị những phần tử tệ lậu và hủ bại hiện đương còn quyền hành và thế lực cản trở, xuyên tạc, phá hoại có khi cả bằng những phương pháp đen tối, độc ác.
Quần chúng phải là “Bao công” có quyền thực sự kiểm soát mọi công việc của Nhà nước, của cán bộ.
Tiêu cực, làm ngơ, thở dài bi quan trong lúc này là một tội lớn đối với lịch sử đối với sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Sống trong một xã hội mà sự tự do đã chính thức được ghi lên giấy trắng mực đen trong Tuyên ngôn Độc lập, trên Hiến pháp, sao tự do vẫn còn bị vi phạm trắng trợn ở trên địa hạt tư tưởng, trí thức, và cả trên sinh mệnh xương thịt của con người?
Báo
Nhân văn ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt. Động cơ nào đã thúc đẩy anh em văn nghệ và trí thức ra tờ báo
Nhân văn? Nó được ra đời như thế nào? Và nó đã bị đối xử như thế nào?
Báo
Nhân văn ra đời tự nguyện làm một trong những tên lính tiền phong, tích cực cùng nhân dân và Đảng, chiến đấu chống những sai lầm lệch lạc, những hủ bại trong tác phong lãnh đạo đã vi phạm đến những nguyên tắc căn bản xây dựng Đảng, xây dựng chế độ.
Cho nên khi anh em lấy tên cho tờ báo là
Nhân văn là do một lòng nhiệt tình đối với chủ nghĩa đối với con người của chế độ. Vì chúng ta cùng thấy rằng không còn gì cao quý hơn và đẹp đẽ hơn là thực hiện cho kỳ được
chủ nghĩa nhân văn trong đời sống con người.
Nhưng từ ngày
Nhân văn ra đời cho đến nay, nó đã phải trải qua những thử thách, nó bị làm khó dễ nếu không nói là phá hoại.
Những hành động phá hoại ấy tuy riêng lẻ, không có một chủ trương nào dứt khoát, nhưng nó thành hệ thống, liên lạc, chứng tỏ rằng nó có chịu một sự chỉ huy.
Anh em nghèo, vốn không có, góp tiền với nhau để ra tờ báo. Chật vật lắm tờ báo mới được ra đời. Vừa ra đời thì những danh từ “phản ứng giai cấp”, “tư sản lợi dụng”, “tiếng nói của tư sản”, “Đế quốc bắc cầu” đã chụp lên đầu anh em những chiếc mũ nguy hại.
Trong thời gian tiến hành in báo
Nhân văn, vụ điển hình về phá hoại là vụ Hoàng Đạo.
[2]
Hoàng Đạo là ai? Theo lời y tự giới thiệu với một số bạn, thì y trước là một cán bộ công an, hiện nay là cán bộ công nghiệp, làm giám đốc một xí nghiệp lớn được đặc phái phụ trách theo dõi và chống phá
Nhân văn.
Hoàng Đạo tìm đến một anh bạn muốn góp tiền vào
Nhân văn để đe doạ làm cho anh sợ phải rút lui. Hoàng Đạo lại tìm đến các nhà in dèm pha xui giục làm cho chủ e ngại, thợ hoang mang, đình đốn cả công việc in
Nhân văn.
Anh em công nhân nhà in X.T. cũng thắc mắc không biết tờ
Nhân văn phản động ở chỗ nào và tại sao phản động mà chính phủ không cấm nó, lại phải để cho những kẻ đội lốt danh nghĩa công đoàn vận động phá hoại nó?
Chúng tôi tự hỏi: Hoàng Đạo dựa vào một thế lực nào để dám trắng trợn vi phạm đến tự do báo chí, tự do tư tưởng như vậy?
Tình trạng trên tuy có nguy hại, nhưng không nguy hại bằng biện pháp sau đây: một số người lợi dụng tình hình thống nhất Bắc Nam, gặp bước khó khăn, nhiệt tình đòi hiệp thương của đồng bào, cán bộ miền Nam.
Họ đổ cho
Nhân văn đã gây khó dễ cho Đảng trong việc thống nhất Bắc Nam,
Nhân văn làm chậm hiệp thương,
Nhân văn có tội với miền Nam. Có người lại ký tên trá hình mượn tiếng nói của miền Nam đăng ở một tờ báo hàng ngày, vận dụng tình cảm để tranh thủ quần chúng và đẩy quần chúng đối lập với
Nhân văn.
Lịch sử đang đi những bước lớn. Những cái gì cản trở phong trào tự do dân chủ, cản trở bước đi lên của dân tộc nhất định sẽ bị gạt ra ngoài.
(Trích báo
Nhân văn số 4 ngày 5-11-1956)
[3]
*
Hoàng Cầm
Hoàng Cầm sinh năm 1921 ở làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Hải Dương.
[4] Xét về tuổi thì ông thuộc về phái thanh niên, nhưng nếu xét về thành tích thì ông đáng được xếp vào hạng những văn sĩ đứng tuổi, đã có địa vị trong làng văn từ trước cuộc Thế giới chiến tranh thứ hai.
Hoàng Cầm học trung học ở Bắc Ninh, đỗ bằng cao đẳng tiểu học năm 1937 và đỗ tú tài năm 1940. Nhưng ngay từ khi mới học đệ tứ, ông đã dịch cuốn
Graziella của Lamartine sang tiếng Việt, lấy nhan đề là
Hận ngày xanh. Ông được nhiều người ưa chuộng từ ngày ấy. Tiếp theo ông dịch cuốn
Một nghìn một đêm lẻ, đăng trong tạp chí
Tân dân.
Hoàng Cầm cũng có viết một cuốn tiểu thuyết đầu tay nhan đề là
Thoi mọng, nhưng nghệ thuật chính của Hoàng Cầm là viết kịch thơ. Cho đến ngày nay, Hoàng Cầm giữ địa vị cao nhất trong văn học Việt Nam về ngành kịch thơ, vì những vở kịch sau đây:
Viễn khách, tả một câu chuyện về đời Hồ Quý Ly, đăng trong
Tiểu thuyết thứ Bẩy, với bút hiệu là Hoa Thu.
Kiều Loan, tả một câu chuyện đời Tây Sơn.
Lên đường, nói về thanh niên thờ Nhật chiếm đóng.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Hoàng Cầm tham gia bộ đội và trở thành bạn thân của Trần Dần, Lê Đạt. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1951, và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Mác-xít về nghệ thuật, ông từ bỏ lối viết kịch thơ. Trong một buổi lễ ở Việt Bắc, trước sự hiện diện của đông đủ anh em văn nghệ sĩ, ông đã lên án những tác phẩm cũ của ông bằng cách "thắt cổ" mấy bản kịch thơ do ông viết, buộc thòng lọng vào một sợi dây và treo lên cành cây. Lúc bấy giờ ông hoàn toàn tin theo cộng sản và quyết tâm "lột xác" để "theo kịp đà tiến của xã hội hiện thực chủ nghĩa" trong văn chương.
Nhưng từ năm 1953, sau khi ông được đi "tham quan" (đi dự nhưng không được tham gia ý kiến) Cải cách ruộng đất, ông nhận thấy thực chất của chế độ cộng sản. Từ ngày ấy Hoàng Cầm trở lại con người cũ và viết kịch thơ như ngày xưa.
Năm 1956 Hoàng Cầm hoạt động tích cực trong nhóm
Nhân văn-Giai phẩm và được anh em gọi đùa là "con ngựa chiến". Ông có viết nhiều bài trong
Nhân văn để bút chiến với phe Đảng, nhưng về thơ chỉ có hai bài đặc sắc nhất mà chúng tôi trích sau đây để giới thiệu nghệ thuật làm thơ của ông.
Một bài đăng trong
Giai phẩm mùa Thu, nhan đề "Em bé lên sáu tuổi" tố cáo việc cộng sản bao vây những gia đình địa chủ để bắt con cái phải chết hết và một bài đăng trong báo
Văn là một đoạn kịch thơ, nhan đề là "Tiếng hát", trong đó ông dùng lời Trương Chi để kêu gọi nhân dân hãy nổi dậy đấu tranh chống Đảng.
Trường hợp của Hoàng Cầm chứng tỏ rằng một người có tâm hồn nghệ sĩ và thành thật yêu chuộng tự do không thể nào hoà mình được với chế độ cộng sản.
*
Em bé lên sáu tuổi
I.
Em bé lên sáu tuổi
Lủi thủi tìm miếng ăn
Bố: cường hào nợ máu
[5]
Đã trả trước nông dân
Mẹ bỏ con lay lắt
Đi tuột vào trong Nam
Từ khi lọt lòng mẹ
Ăn sữa, ngủ giường êm
Áo hoa lót áo mền
Nào biết mình sung sướng
Ngọn sóng đang trào lên
Ai nghĩ thân bèo bọt
Nhưng người với con người
Vẫn sẵn lòng thương xót
Có cụ già đói khổ
Lập cập đi mò cua
Bố mẹ nó không còn
Đứa trẻ nay gày còm
Bỗng thương tình côi cút
Cụ nhường cho miếng cơm
Chân tay như cái que
Bụng phình lại ngẳng cổ
Mắt tròn đỏ hoe hoe
Mở nhìn đời bỡ ngỡ
“Lạy bà xin bát cháo
Cháu miếng cơm thày ơi”
II.
Có một chị cán bộ
Đang phát động thôn ngoài
Chợt nhìn ra phía ngõ
Nghe tiếng kêu lạc loài
Chị rùng mình nhớ lại
Năm đói kém từ lâu
Chị mới năm tuổi đầu
Liếm lá khoai giữa chợ
Chạy vùng ra phía ngõ
Dắt em bé vào nhà
Nắm cơm dành chiều qua
Bẻ cho em một nửa
Chị bần nông cốt cán
[6]
Ứa nước mắt, quay đi:
“Nó là con địa chủ
Bé bỏng đã biết gì
Hôm em cho bát cháo
Chịu ba ngày hỏi truy”
[7]
Chị đội
[8] bỗng lùi lại
Nhìn đứa trẻ mồ côi
Cố tìm vết thù địch
Chỉ thấy một bóng người
Em bé đã ăn no
Nằm lăn ra đất ngủ
Chị nghĩ: sau lấy chồng
Sinh con hồng bụ sữa
III.
Chị phải đình công tác
Vì câu chuyện trên kia
Buồng tối lạnh đêm khuya
Thắp đèn lên kiểm thảo
Do cái lưỡi không xương
Nên nhiều đường lắt léo
Do con mắt bé tẻo
Chẳng nhìn xa chân trời
Do bộ óc chây lười
Chỉ một màu sắt rỉ
Đã lâu năm ngủ kỹ
Trên trang sách im lìm
Do mấy con-người-máy
Đầy gân, thiếu trái tim
IV.
Nào “liên quan
[9] phản động”
“Mất cảnh giác lập trường”
Mấy đêm khóc ròng rã
Ngọn đèn soi tù mù
Lòng vặn lòng câu hỏi:
“Sao thương con kẻ thù?
Giá ghét được đứa bé
Lòng thảnh thơi bao nhiêu
(Trích
Giai phẩm mùa Thu)
[10]
*
Tiếng hát
(Trích 2 đoạn trong hồi thứ nhất vở kịch thơ dài
Tiếng hát Trương Chi)
Nhân vật: (trong 2 đoạn này)
MỴ NƯƠNG
HỒNG HOA, nữ tỳ
TIẾNG HÁT TRƯƠNG CHI
Cảnh:
Một gian phòng trong lầu Tây nhìn ra sông.
Mở màn -
Một buổi sớm mùa Xuân. Tiếng nhạc phía trong văng vẳng. Sân khấu vắng một lát rồi HỒNG Hoa rón rén bước ra, tay cầm một bông hoa đỏ, ngắm một lát rồi bỏ vào siêu thuốc.
Lớp I: HỒNG HOA, TIẾNG HÁT
|
HỒNG HOA | Tiếc quá! Những bông hoa đẹp nhất Ngắt cụt đi làm thang thuốc! Lạ đời! Gạn lọc hết tinh hoa trong trời đất Đã chắc đâu cứu vãn đưọc lòng người (nhìn vào trong) Công nương chừng vẫn ngủ Ba ngày chẳng nói năng Tám thày lang chạy chữa Bệnh mỗi ngày mỗi tăng Bệnh một đàng, các cụ chữa một nẻo Khuôn mặt công nương ngày một héo Thày lang dốt nát chỉ nói mò Bốc thang thuốc nào cũng thật to Người bệnh uống vào, mặt nhăn nhó Thừa tướng lập nghiêm, cấm không nhổ Nuốt ực đắng cay vào trong người Nẫu ruột nẫu gan vì lửa bỏng dầu sôi...
(Tiếng hát Trương Chi bên ngoài vẳng lên) |
TIẾNG HÁT | Hò khoan, núi thẳm sông sâu Đi cùng thiên hạ chẳng đâu biết mình |
HỒNG HOA | Ồ! Tiếng hát... (Hồng Hoa hé rèm nghe ngóng) |
TIẾNG HÁT | Ta khao khát phương trời đỏ rực bình minh Đến khi trời mọc, ta vẫn lênh đênh giữa dòng Đến đâu bờ bến không cùng Thuyền đi vô tận, ai hiểu lòng ta đâu? |
HỒNG HOA | Tiếng hát chín mười đêm im vắng Nay lại về vỗ mạnh bên lầu Nhìn xuống sông kia, nào có ai đâu? Phẳng lặng trường giang trắng xoá...
Kể từ tiếng hát bốc cao Đời ở lầu Tây thay đổi cả Công nương ốm ròng rã Đêm đêm nghe bão nổi quanh giường Riêng mình tôi hầu hạ Cũng thấy như toà lầu xiêu đổ Trong đêm dài tăm tối, thê lương Thừa tướng luôn chau mày giận dữ Đàn ca tắt rụi bốn chân tường Vườn Xuân đã tàn hoa nụ Con chim trong lồng xoã cánh chết đêm qua...
Còn tôi?
Ở hầu công nương từ lên mười tuổi Mắt quen nhìn nhung luạ gấm hoa Nay bỗng thấy buồn tênh, trơ trọi Nhớ làng xưa quê cũ mịt mù xa... Tôi cũng muốn được bay theo tiếng hát Trở về tìm nghĩa mẹ, tình cha.
(Nhìn vào trong)
Kìa nếp chăn sóng sánh Lá màn lay - Chừng công nương đã tỉnh Bát thuốc này cay đắng lắm, đổ đi thôi Vì cứ trông người bệnh nuốt từng hơi, Mặt nhăn nhó, tôi chẳng còn muốn sống !
(Hồng Hoa đổ bát thuốc vào chậu cây) |
TIẾNG HÁT | Thuyền trôi, trôi mấy khúc sông, Ta đi xa bến biết lòng ai theo... |
HỒNG HOA | (Mỉm cười) Biết lòng ai theo! |
Lớp II: HỒNG HOA, MỴ NƯƠNG, TIẾNG HÁT
|
MỴ NƯƠNG | (Ở phía bên trong rèm lảo đảo bước ra, mặt xanh xao tóc xoã.)
Hồng Hoa ơi!
Em hãy tìm về đây tiếng hát của người...
Lòng chị như lò than cháy đỏ
Em hãy tìm về đây dòng sông đang trôi. |
HỒNG HOA | Chị đừng ra đây! Gió sông lồng lộng!
Tiếng hát ngoài kia, đâu phải tiếng người! |
MỴ NƯƠNG | Có một người hát vang lừng trên sông... |
HỒNG HOA | Đó là lời than cây cỏ bốn phương trời
Chị đừng nghe...
Càng nghe, càng nặng bệnh!
Mà... lòng chị ra sao… Thừa-tướng biết rồi. |
MỴ NƯƠNG | Phụ thân ta?… |
HỒNG HOA | Tướng công vừa truyền lệnh
Khoá kín lấp cửa lầu, lấp cả dòng sông
Để không còn tiếng hát! |
MỴ NƯƠNG | (lo sợ) Có thực không?
Chị van em, em đi tìm tiếng hát!
Giấu tướng công, em lót áo đem về |
HỒNG HOA | Lót áo đem về ! Chị nói dễ nghe! |
MỴ NƯƠNG | Còn dòng sông, chị van em! Đừng lấp!
Hãy khơi dòng nước uốn đến chân lầu
Để thuyền của chàng dù xa xa tắp
Cũng biết đường tìm đến buộc lòng nhau |
HỒNG HOA | (tinh nghịch) Chàng nào nhỉ? À, công nương phạm tội!
Dám nói đến chàng! - Này, ở bên kia
Thừa tướng vẫn rình nghe sớm tối... |
MỴ NƯƠNG | Không em ơi! Chị thức giấc canh khuya
Chỉ thấy mặt phụ thân hiền từ cúi xuống... |
HỒNG HOA | (nghiêm trang ) Người đã nghe... Người biết chị say mê
Người giận lắm!... Người sẽ xây kín cửa
Thì còn đâu nữa những chiều Xuân
Chị bước ra hiên, đất trời nghiêng ngửa
Sáng bừng lên vì nhan sắc tuyệt trần?
Còn đâu nữa, những sớm mai nắng mọc
Em đứng nhìn chân mây, tìm bóng khói quê hương? |
MỴ NƯƠNG | Em đừng mách Tướng công - Này mớ tóc
Rối như vò, chị gỡ biết bao xong
Nước xanh mát, ngoài kia, em nhẹ bước
Đưa chị ra chải tóc giữa dòng sông
Tiếng hát nằm trên tay như giọt nước
Chị uống hết mùa Xuân, mát rợi trong lòng |
HỒNG HOA | Công nương con quan Thừa tướng
Mười chín mùa Xuân khép cánh song
Từ tấm bé chẳng được xa một bước
Nữa bây giờ ốm lả trong phòng
Gót chân công nương nhón trên nhung gấm
Nhung gấm còn êm sước ngón son
Thân quấn lụa the lung linh vàng ngọc
Vàng ngọc lụa the còn sợ đau vai tròn. |
MỴ NƯƠNG | Không!
Từ khi tiếng hát lọt qua song
Thì châu ngọc đã rơi tàn trên đá lạnh
Thì lụa the nhung gấm
bỗng khô ròn như lá chiều đông... |
TIẾNG HÁT | (lại văng vẳng) Nào người quả phụ trắng khăn tang
Nào đứa em mồ côi khát sữa
Nào ai sống nhục thác oan
Nào ai tan lìa đôi lứa
Nghe tiếng hát này nguôi dần nổi khổ
Dòng sông như lụa quấn quanh người. |
MỴ NƯƠNG | (muốn xô ra ngoài)
Còn tiếng hát! Người sẽ không bỏ bến
Người sẽ đến đây ! Em mở cửa, trời ơi! |
HỒNG HOA | Chị đi đâu? Cửa ngoài bằng đá tảng
Tiếng hát đẩy được vào
Vì đó là tiếng gọi của trời cao
Của đất rộng, của quê hương tôi hửng nắng
Nhưng còn chị…
Phận gái mỏng manh, tay mềm dùng dắng
Hé làm sao cánh cửa khoá lâu đời! |
MỴ NƯƠNG | (gan góc) Ta mở được, ta vượt qua tường đá
Ta chạy ra sông! Đi bốn phương trời
Tìm tiếng hát... ta đi cùng thiên hạ
Tấm lòng chàng... riêng ta biết mà thôi... |
HỒNG HOA | Công nương lại sắp nói mê nói sảng
Thôi, để em dìu bước chị vào phòng |
MỴ NƯƠNG | (như mê) Phòng nào đâu! Ta chỉ có con sông
Chàng đến kia rồi! Em hãy trông
Người đi trên mặt nước
Áo đúc màu da trời
Mắt đọng ánh sao rơi
Từng tiếng sóng trầm trầm
Nâng gót chân dồn đến...
Ta gặp người đây! Nghìn năm ước hẹn
Em Hồng Hoa!... Đừng mách Tướng công! |
HỒNG HOA | Em ngỡ chị là người sung sướng nhất
Ai ngờ đâu, chị lại khổ hơn em
Thôi, để em buông rèm
Xoá màu xanh nước sông
Chị đừng mơ ước nữa! |
MỴ NƯƠNG | Ta nghe rõ tiếng chàng
Lùa tóc này óng ả
Từng sợi còn ngân vang
Chàng ở ngoài sông lạnh lắm
Lầu Tây này cũng giá băng
Tay chàng lửa ấm
Áo xanh bừng nắng điểm trang |
HỒNG HOA | Làm gì có áo xanh?
Người ấy chắc là nón mê áo tải
Tiều tuỵ thân hình
Cũng như em khi còn mồ côi bố mẹ
Lìa quê, hành khất đến đây... |
MỴ NƯƠNG | À, không!
Áo tải nón mê càng đẹp
Lòng chị thương, dệt gấm mặc cho người
Cũng như em ngày nay...
À, không, chàng là hoàng tử
Từ nước non xa lạ ghé qua đây
Ta mời lại - Chàng buộc thuyền, ở lại
Chàng hát, ta so dây cung đàn giăng
Ăn ở với nhau chẳng đếm bao năm
Rồi người đón ta lên thuyền
Trôi đi mãi, bến bờ xanh triền miên
(Mỵ Nương đánh đàn, bỗng dây đứt)
Em van chàng! Em lạnh buốt bàn tay
Sao người nỡ bỏ đi?
Gió nổi, thuyền nghiêng đắm
Ai làm nên biệt ly?
(đàn rơi)
Người chết rồi! Tiếng hát cũng tan rồi
Ai cứu được chàng! Ai cứu được tôi?
(Mỵ Nương ngã xuống) |
HỒNG HOA | Em biết ngay mà! Mê mê mộng mộng
Bệnh càng tăng. Rồi Tướng-công quở mắng
Tội thân em - Ai cứu sống công nương? |
Hồng Hoa đỡ Mỵ Nương vào trong. Sân khấu vắng. Một điệu đàn trầm đục. Ngoài xa... một tiếng sáo tha thiết.
(Trích báo
Văn số 24 ra ngày 18-10-1957)
[1]Soạn giả nhầm: Đoạn trích này là đoạn 2 trong bài thơ cùng tên đăng trên
Nhân văn số 4 ngày 05-11-1956 (talawas).
[2]Hoàng Đạo người trong Nam, trước kia làm công nhân ở xưởng xe lửa Di An, có xu hướng trotskiste, gia nhập nhóm La Lutte. Sau bỏ nhóm La Lutte làm mật thám cho Pháp, lấy vợ Hoàng phái. Hồi khởi nghĩa theo Việt Minh, giữ chức Giám đốc Công an Thanh Hoá. Năm 1949 được biệt phái vào Hà Nội làm agent double, liên lạc với Phan Văn Giáo và Bảo Đại, mưu phá chiếc tàu Amyot d’Inville... Về Thanh Hoá phụ trách điều tra vụ Ba Lăng. Sau Genève phụ trách việc phá phong trào di cư vào Nam. 1956 được biệt phái sang công đoàn để xúi giục thợ in không in báo đối lập.
[3]Bản in trong sách này thực ra là bản rút gọn và bố cục lại của cả hai kì của bài viết của Trần Duy đăng trong 2 số
Nhân văn cuối cùng: số 4 và số 5 (talawas).
[4]Huyện Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh (talawas).
[5]Trả nợ máu: bị xử tử
[6]Cốt cán: nông dân được Đảng tín nhiệm (chưa phải là đảng viên)
[7]Hỏi truy: tra khảo
[8]Chị đội: Cán bộ phụ nữ trong đội Cải Cách ruộng đất
[9]Liên quan: có liên hệ với địa chủ
[10]Xem toàn văn bài thơ trong
Giai phẩm mùaThu tập II. Bản đăng trong sách này có lược bỏ nhiều đoạn (talawas).