© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
29.3.2007
Hoàng Văn Chí
Trăm hoa đua nở trên đất Bắc
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Tiếp chương II, phần II - Phái thanh niên: Hoàng Tích Linh

Hoàng Tích Linh, năm nay chừng 40 tuổi, quê ở làng Đông Ngạc, gần Hà Nội, em ruột nhà văn Hoàng Tích Chu và hoạ sĩ Hoàng Tích Chù. Cùng với Trần Dần, Hoàng Tích Linh tham gia bộ đội và công tác trong đoàn kịch của trung ương. Ông viết nhiều kịch ngắn, nhưng có hai bản chúng tôi trích sau đây là đặc sắc hơn cả.

Vở Xem mặt vợ, phù hợp với bài thơ "Tôi tìm em" của Tạ Hữu Thiện, nêu lên sự băn khoăn của cả thế hệ thanh niên ở Bắc Việt hiện nay là các cô gái mà họ định lấy làm vợ, đã bị nền giáo dục cộng sản làm chột mất tình yêu. Các cô này chỉ quan niệm hôn nhân như một việc phục vụ Đảng, phục vụ "nhân dân".

Vở Cơm mới tả một cảnh đấu tố trong chiến dịch Cải cách ruộng đất. Trong vở kịch một hồi này tác giả trình bày rất cặn kẽ rằng không phải chỉ có giai cấp địa chủ mới bị khủng bố mà chính ngay bần cố nông, cả những bần cố nông đã hăng hái tham gia kháng chiến cũng bị khủng bố đến nỗi phải tự tử. Những tài liệu về "sửa sai" đăng trong báo Nhân dân là báo của Đảng cũng nêu lên những vụ tương tự.


*


Xem mặt vợ (kịch ngắn một hồi)

Thời gian: Mùa thu, sáng chủ nhật

Nhân vật:
NGUYỆN, ngoài 30 tuổi, công nhân
Chị NGUYỆN, ngoài 30, bán hàng xén, tổ trưởng phụ nữ khu phố
TẤN, 25 tuổi, cán bộ công trường
LAN, 20 tuổi, bán hàng ở mậu dịch
DUNG, 18, y tá 1 cơ quan

Bài trí: Nhà Nguyện ở một ngõ lao động. Căn buồng vuông vắn có mảnh vải hoa bạc ngăn đôi. Cửa phía trong, trông ra mảnh vườn nhỏ và bếp. Đồ đạc sơ sài mấy tấm phản, tràng kỷ, bàn ghế. Đồ chơi trẻ con bày khắp nhà. Tường treo nhiều ảnh chụp và tranh "Công nhân kiến thiết", tranh "Thống nhất", tranh "Bác Hồ với thiếu nhi".

Màn mở lên

Cửa sổ và cửa trông ra phố mở tung. Nắng tràn vào trong nhà, những bức tranh màu sáng rực rỡ. Ngoài phố cảnh tấp nập một sáng chủ nhật.

Trên giường, anh Nguyện chăm chú chữa radio. Chị Nguyện nhanh nhẹn vắt lại cất màn, chiếu, quét giường.

CHỊ NGUYỆN, dáng vội vã – 7 rưỡi rồi. Cô ấy cũng sắp đến, nhà cửa lủng củng thế này, cô ấy lại chẳng cười cho (vui vẻ thu dọn bàn ghế, một chiếc ghế đổ).
NGUYỆN vẫn lúi húi chữa, không ngửng đầu lên – Cái gì thế?
CHỊ NGUYỆN nhìn chồng – Anh ngồi sù sù từ sáng đến giờ cũng không biết bảo con để nó bày bừa ra nhà (thu dọn đinh ốc, bóng đèn trên giường). Con bày, bố cũng lại bày, ai chịu được. Để tôi mang vào trong nhà mà chữa nhá!
NGUYỆN – Cái gì?
CHỊ NGUYỆN – Cô ấy hẹn sáng nay đến chơi đấy! Ai lại nhà cửa luộm thuộm thế này trông sao tiện?
NGUYỆN – Cô ấy đến xem mặt chú Tấn, chứ xem mặt nhà mình đâu mà sợ. Rõ dở hơi lắm!
CHỊ NGUYỆN – Phải, chẳng biết ai dở hơi. Lúc anh hỏi tôi anh đòi đến xem nhà hàng chục lần thì sao?
NGUYỆN – Thì lúc ấy người ta cũng vờ thế mới xem mặt cô được kỹ chứ. Ai đòi xem nhà làm quái gì!
CHỊ NGUYỆN – Bây giờ việc trăm năm của chú Tấn phận mình là anh chị phải trông nom. Cảnh nhà mình lao động chẳng có gì, lại càng phải giữ thể diện cho chú ấy. Anh cứ để mặc tôi thu xếp… Tôi đã dạm hỏi cả thẩy mấy đám. Chỉ có đám cô Dung này ưng ý nhất cả. Ít tuổi, tiến bộ, mẫu mực, lại có công tác tự túc được rồi. Chú Tấn nhà ta mà lấy được thì đẹp đôi lắm!
NGUYỆN – Biết vậy, còn tuỳ chú ấy chọn.
CHỊ NGUYỆN – Ai không biết là tuỳ chú ấy. Nhưng cũng phải biết ba bảy đường tuỳ. Giá chú ấy công tác ngay Hà Nội thì cũng còn dễ. Đằng này chú ấy công tác xa mới về, mình phải chọn nơi nào đích đáng nơi ấy, chú Tấn với người ta chỉ gặp mặt nhau có một lần là xong việc rồi chứ!
NGUYỆN – Xem mặt xong rồi cưới ngay…
CHỊ NGUYỆN – Chứ lại dề dà như anh ấy à. Tôi tính chú ấy được nghỉ phép ba tuần. Lỡ dịp này lại xin phép khó khăn ra. Bên nhà người ta mới xem ảnh cũng đã thuận ý rồi. Sáng nay chú cô ấy gặp gỡ nhau xong là cưới phắt ngay được.
NGUYỆN – Cô cứ nói như mai cưới ngay được rồi ấy! Việc lấy nhau bây giờ người ta còn tìm hiểu nhau chán ra kia rồi mới đặt thành vấn đề hẳn hoi được.
CHỊ NGUYỆN – Ấy gặp nhau khắc hiểu nhau ngay chứ khó gì. Giai chưa vợ, gái chưa chồng bắt duyên nhau lắm. Con gái đang ế chồng khối kia!
NGUYỆN – Đã chắc chú ấy bằng lòng chưa?
CHỊ NGUYỆN – Sao lại chẳng bằng lòng. Tôi đến chơi dò hỏi tính nết cô ta kỹ lắm rồi.
NGUYỆN bật cười – Thế ngộ nhỡ chú ấy không thích thì mình cũng bắt chú ấy phải thích à?
CHỊ NGUYỆN – Chẳng còn đám nào hơn đám này đâu. Được cả hai chị em. Nhưng cô em là cô Dung mới có 18 tuổi. Trẻ măng mà ăn nói đã chững chạc ra vẻ cán bộ lắm rồi. Tôi xem ý chú Tấn cũng tán thành món cô Dung đấy (gọi với trong sân) chú Tấn, chú Tấn ơi! Hãy nghỉ tay ra đây nói chuyện.

Tiếng Tấn ngoài vườn.

NGUYỆN – Này, thế còn cô chị?
CHỊ NGUYỆN – Cô Lan hơn em hai tuổi. Nhà ấy được cả hai đều xinh xắn cả.
NGUYỆN – À … thế để chú ấy gặp cả hai rồi thuận ý ai thì lấy.
CHỊ NGUYỆN – Sao anh lại cứ bàn lằng nhằng thế. Giới thiệu cô chị làm gì thêm nhiễu chuyện ra. Cô chị tự nhiên lắm. Còn cô em nền nếp hơn lại có nghề trong tay. Tôi đã cân nhắc chán rồi. Chú Tấn công tác trên rừng trên rú phải tính lấy người biết thuốc men trong nom săn sóc mới được. Chú Tấn mà không lấy được cũng hớ.
NGUYỆN – Ờ, cứ kể thế thì lấy được đấy!
CHỊ NGUYỆN cười – Anh rõ thật "quan bẩy cũng gật, quan tư cũng ừ" chẳng ra làm sao. Chú Tấn còn tinh hơn anh nhiều.

Tấn ra, nét mặt hí hửng.

TẤN – Anh chị nói xấu gì em thế?
CHỊ NGUYỆN – Chú ra đây. Tôi đang nói xấu chú đây này. Người đến là đoảng. Bàn chuyện cứ hay bàn ngang. Việc của chú có dở dang, chú cứ bắt đền anh đấy.
TẤN – Em bắt đến cả chị nữa.
CHỊ NGUYỆN – Tôi tính đâu vào đấy rồi. Chú nghỉ chẳng được bao ngày. Nhân tiện chú cần tiêm cho dứt nọc sốt rét đi. Tôi sẽ mách cô ấy từ mai ngày ngày đến trông nom thuốc men cho chú. Chú, cô tha hồ có cớ đi lại nói chuyện bàn bạc với nhau, thế có phải tiện cho mọi đường không?
NGUYỆN – Cô bàn cách ấy được đấy.
CHỊ NGUYỆN – Bây giờ xem mặt nhau cũng đã dễ dàng lắm đấy. Trước kia hồi xem mặt tôi, anh chú long đong hàng mấy tháng mà có được tích sự gì đâu. Ngày ngày đi qua hàng tôi, tiền đã chẳng có lại còn vờ hỏi hết thứ này đến thứ khác. Được thế, tôi càng trêu dấn. Lắm lúc nghĩ đến tức cười. Còn việc của chú tôi tính như thế, chú thấy thế nào?
TẤN – Cũng còn phải xem ý tứ cô ấy thế nào đã chứ.
CHỊ NGUYỆN sốt sắng – Tôi biết cả đôi bên. Từ hoà bình được học tập cô ấy tiến bộ nhanh lắm, gương mẫu nhất cơ quan đấy. Đôi bên hợp lắm rồi. Chú chẳng phải đắn đo gì nữa đâu.
NGUYỆN – Ấy… việc này không hấp tấp được. Chú phải tìm hiểu cho thật chắc chắn đi. Thời buổi này phải hợp tình hợp ý, đôi bên thoả thuận cả mới nên lấy nhau. Sau này còn ăn đời ở kiếp với nhau không phải thắc mắc mảy may gì nữa có hơn không?
TẤN – Có thế nào cũng còn phải hỏi ý kiến anh chị nữa.
NGUYỆN – Cứ ý chú là chính. Anh chị có ý kiến chỉ là phụ thôi. Việc này dân chủ bơn bớt mới được. Bàn quá là nát. Lúc tôi lấy chị cũng vậy. Hai đứa ưng thuận nhau là lấy ngay, giá lại đưa cho ông anh, bà chị, ông chú bà thím bàn ra tán vào thì cũng chẳng xong đâu.
CHỊ NGUYỆN – Việc chú chẳng khó đâu. Người ta cũng dễ tính thôi. Chỉ cần chú với cô Dung quyết định nữa là xong.
NGUYỆN – Chú được nghỉ ba tuần phải tiến hành thế này mới chóng vánh được. Tuần đầu tìm hiểu, hai tuần sau cưới. Còn mọi việc cưới xin ra sao, chú chẳng phải lo. Đã có chị, chị làm tổ trưởng phụ nữ khu phố tổ chức tập thể quen rồi.
CHỊ NGUYỆN – Mọi việc tôi đã tính toán đâu vào đấy. Chính quyền mời ai, khu phố mời ai, ban văn nghệ liên hoan thế nào đã sẵn sàng cả rồi chú không ngại việc đó.
NGUYỆN – Thôi phiên phiến thôi. Người ta đến dự cưới chứ có đi họp đâu. Cô đã dự nhiều đám rồi về kêu ca mãi mà bây giờ lại còn bày vẽ ra…

Cô Lan đỗ xe đạp ngoài cửa.

CHỊ NGUYỆN, thấy trước, giục chồng – Đấy các cô ấy đã đến kia. Nhanh tay lên anh (Nguyện mang vội đồ chữa ra-đi-ô vào trong nhà. Chị Nguyện vui vẻ bảo Tấn) Kìa chú, chú cũng vào thay quần áo đi. Ai mặc áo lót thế kia mà lại định xem mặt vợ bao giờ?

Chị Nguyện đon đả ra tận cửa đón.

LAN nhanh nhẹn vui tính – Chị! Lần đầu đến chơi chị lại đến muộn để chị phải đợi lâu quá.
CHỊ NGUYỆN – Cô ngồi đây. Các cô đã hẹn hôm nay chủ nhật lại chơi, tôi yên trí không sáng thì chiều thế nào rồi các cô cũng đến.
LAN – Sợ chị đợi em phải đến trước đấy. Dung bận tí việc đến sau chị ạ.
CHỊ NGUYỆN – Ấy, cứ thấy cô Dung là thấy bận. Công tác của cô ấy vất vả thật. Có lẽ chủ nhật cũng không được rỗi mấy cô nhỉ.
LAN – Em Dung không bận lắm đâu. Công tác như em thôi. Chủ nhật cũng được nghỉ cả ngày. Có hôm nay Dung tạt qua cơ quan báo cáo chắc cũng sắp lại đây.
CHỊ NGUYỆN – Ra thế… tôi lại cứ tưởng… Hôm nay cô lại chơi. Chỗ cô tự nhiên cứ coi như người nhà mới nói thẳng thắn ngay vào việc được…
LAN cười tinh ý – Em biết loáng thoáng rồi. Hôm nọ bác Phúc có đưa cho chúng em xem ảnh của anh Tấn. Nếu hợp tình hợp tính thì càng tốt. Đằng em với bên nhà chị lại thành chỗ người nhà chị nhỉ?
CHỊ NGUYỆN – Thế còn gì bằng nữa. Chú em nhà tôi năm nay 24 tuổi rồi đấy. Nói chuyện vợ con cứ chối đây đẩy. Tính người cũng dễ dãi. Là người kháng chiến thật đấy mà ăn nói còn lúng túng lắm.
LAN – Bây giờ phụ nữ chúng em mong lấy chồng hay chứ chẳng cần người nói hay, chị ạ.
CHỊ NGUYỆN – Vẫn biết thế… nhưng cách thức Hà Nội ta biết ăn nói vẫn hơn có phải không cô?
LAN hóm hỉnh – Chúng em đã bảo nhau rồi. Chồng con không cùng một chí hướng cũng cắt đứt. Không chồng suốt đời cũng được.
CHỊ NGUYỆN cũng cười – Cô nào cũng nói như vậy mà chả cô nào cứng rắn mãi được đâu. (Tấn ra) cô Lan đến chơi… Chú ngồi đây.
LAN tự nhiên – Anh công tác ở công trường.
TẤN – Vâng, ở công trường cầu cống.
LAN – Vui lắm phải không anh?

Chị Nguyện lặng lặng mang ấm nước vào.

TẤN tự nhiên hơn – Thích nhất chỗ công trường tôi làm là công trường động. Ở chỗ này vài tháng xong việc lại chuyển đi nơi khác. Hai năm nay chuyển ba lần. Hết Bắc Giang lại Việt Trì rồi Lao Kay. Rồi sắp vào Thanh, xuống Vinh.
LAN – Công tác của anh được đi nhiều nơi thích nhỉ.
TẤN sôi nổi – Sau này thống nhất, con đường còn dài, còn nhiều cầu cống, còn khai phá nhiều đường mới. Chỉ sợ chân mình không đi hết được. Tính tôi quen từ nhỏ như hòn bi, ngồi lì ở một chỗ không chịu nổi.
LAN – Thế những người ngồi lì mãi Hà Nội thì anh bảo sao?
TẤN – Tại mỗi người một tính, một nết. Hợp đâu, thích đấy.
LAN – Thế chắc anh không thích Hà Nội.
TẤN – Hà Nội lại khác. Năm 50 tôi còn học kỹ nghệ, sau thích hoạt động mới bỏ học ra kháng chiến. Công tác xa Hà Nội thực, nhưng vẫn nhớ chứ. Tôi thích công tác liên miên vài tháng mới lại về Hà Nội một lần.
LAN – Nghe anh nói cũng thích rồi, công tác hợp mới phấn khởi được (hơi buồn) công tác tôi lại khác hẳn anh.
TẤN – Tưởng chị làm ở mậu dịch đông người mua bán chắc phải tấp nập suốt ngày.
LAN – Bề ngoài thế thôi, trông vui mắt nhưng buồn lắm, anh ạ. Ngày hai buổi lại bán hàng, lại ghi sổ, lại thu tiền. Mà khách hàng khó tính không chịu được. Lắm lúc bực gắt lại bị phê bình.
TẤN – Tại chị chưa quen đấy.
LAN – Không phải quen đâu. Phê bình không đúng mới bực mình chứ.
TẤN đùa – Chị nói thế chẳng ma nào muốn xin vào mậu dịch bán hàng nữa.
LAN cười – Thì anh vừa bảo, tại mỗi người một nết, hợp đâu thích đấy, (nghĩ ngợi) chỉ tại cần phải đi làm để đỡ cho mợ tôi ở nhà quấn chỉ kiếm không đủ nuôi các em đi học. Tính tôi lại thích bay bổng, nhưng bay bổng khác anh kia. Tôi đang học thêm nhạc. Rồi tôi sẽ hát ở đài phát thanh. Lúc ấy tiếng hát của tôi sẽ vang đi khắp nơi, tôi sẽ hát cho mọi người nghe… Tôi tin là tôi phục vụ được nhiều hơn bây giờ.
TẤN – À… lúc ấy tôi công tác xa mà nghe được tiếng hát của người mình quen biết chắc thích hơn cả.
LAN – Anh cũng thích hát à?
TẤN – Tôi không biết hát nhưng thích nghe hát. Tính tôi như ngựa lồng thế này không thích ca hát sao được. Tôi cho chỉ có bụt là không thích nghe hát mà thôi.

Hai người cùng cười thân mật hơn. Chị Nguyện mang nước ra, chợt thấy, hơi khó chịu, lại lẳng lặng quay vào.

LAN – Nhiều người không thích hát chứ. Mợ tôi, cả Dung cũng thế. Chỉ có mấy em nhỏ là nó thích bắt tôi hát luôn. Mợ tôi bực lắm, nhưng tôi lại hát để tập dượt nhân thể.
TẤN – Thế chị hát cho tôi nghe một bài. Lần đầu gặp chị lại được nghe chị hát.
LAN tự nhiên ngượng nghịu – Ai lại thế bao giờ. Lần khác, anh ạ.

Yên lặng, Tấn suy nghĩ nhìn Lan.

LAN – Ờ, sao mãi Dung không lại? (lảng sang chuyện khác) Anh còn nghỉ, mời anh lại chơi nhà.
TẤN – Tôi mong thế lắm. Cũng muốn đến luôn. Chỉ sợ phiền…
LAN – Có gì là phiền đâu. Anh cứ đến chơi. Tối nào Dung cũng có nhà. Quen chị ở đây là được biết anh, mà tính anh tự nhiên càng dễ gần hơn chứ.
TẤN vui vẻ – Thế tôi sẽ đến luôn. Và chị phải hát nhé. Rồi tôi sẽ cho chị xem nhưng kỷ niệm kháng chiến của tôi.
LAN – Ờ… thế anh phải cho tôi xem trước rồi tôi mới hát.
TẤN – Mà chị phải hát thật hay kia.
LAN cười – Nhất định thế. Tiện bây giờ anh lấy cho xem trước đi.
TẤN thân mật – Nhưng chị cũng phải hát ngay đấy nhé. (Chạy vào trong đem túi dết ra) Công tác nay đây mai đó rất cần kỷ niệm (giở túi dết, tư lự) giở cho chị xem, chị hiểu được hết đời tôi đấy.

Hai người sát vai nhau.

TẤN – Đây, chiếc túi gấm thêu và con dao là của mẹ nuôi người Thổ, chợ Chu, hồi bà cụ còn con gái. Hôm bà cụ sắp chết, không chôn theo, bà cụ cho đứa con nuôi người Kinh làm kỷ niệm. Cứ một vật này hôm nào lại chơi tôi kể cho chị nghe cũng nhiều chuyện rồi. Có lẽ để tôi giở cho chị xem trước tập ảnh thì hơn.

Hai người cùng nhau giở chung ảnh. Anh Nguyện ra lấy cái dùi ở giường đằng sau. Cả hai cùng không biết.

TẤN – Ra kháng chiến tôi vào ngay bộ đội. Ảnh này chụp ở cầu Hàm Rồng sau chiến dịch Hà Nam Ninh, đây là những ảnh dân công khi tôi chuyển sang công tác ở Sông Đà. Đây, ảnh mẹ nuôi tôi. Và ảnh tôi mới chụp.
LAN xem kỹ – Ảnh này đẹp hơn ảnh bác Phúc cho xem trước (nhìn Tấn). Trông trẻ mà giống anh hơn (cười). Thế mà anh lại định giấu diếm.

Dung vào, áo cán bộ màu xanh. Cả hai vẫn không biết. Dung ngập ngừng không đánh tiếng.

CHỊ NGUYỆN vừa ra trông thấy – Kìa cô Dung. Cô vào đây. Đợi mãi cô.
DUNG – Chị mặc em.
LAN – Sao chậm thế, hở Dung?
CHỊ NGUYỆN kéo ghế vồn vã – Cô ngồi đây… Chú Tấn lấy hộ chị ấm nước.
DUNG với LAN – Bực quá, chị ạ. Công đoàn gì mà chủ nhật đi chơi hết. Em đợi hơn nửa giờ, chẳng gặp ai.
LAN – Chẳng vội. Lúc nào báo cũng được.
DUNG – Nên báo cáo ngay chị ạ. Công đoàn còn theo rõi giúp đỡ ý kiến chứ.
CHỊ NGUYỆN bảo LAN – Cô Lan này, ra chợ xem gian hàng của tôi đi. Không lại bảo biết nhà mà không biết cửa hàng.
LAN – Vâng… đi đi chị.

Cả hai cùng ra. Tấn và Dung yên lặng.

TẤN – Cô vẫn làm việc?
DUNG – Vâng, tôi làm việc ở Bộ. Ở Bộ bận hơn các cơ quan khác.

Yên lặng.

TẤN – Tôi mới về hôm qua. Được nghỉ hơn 20 ngày.
DUNG – Chỗ anh công tác, y tế phục vụ có báo đảm lắm không?
TẤN – Cũng khá.
DUNG – Công trường càng cần phải tích cực chống sốt rét mới thực hiện được kế hoạch 56.

Lại yên lặng.

TẤN – Tôi về cũng có ý định lập gia đình. Thấy chị tôi nói chuyện nhiều về cô. Trong thời gian nghỉ mong được trao đổi với cô.
DUNG – Vâng, … Việc này anh hãy thư thả. Mợ tôi cũng đã biết rồi. Nhưng tôi chưa báo cáo Công đoàn. Tôi định đến nhưng không gặp.
TẤN – Trước hết là chúng ta tìm hiểu nhau đã.
DUNG – Theo ý tôi trước hết là tổ chức cơ quan phải biết đã. Như vậy đảm bảo hơn.
TẤN – Vâng, thế cũng được.
DUNG – Bộ không định hẳn nguyên tắc đó. Nhưng chính bây giờ tôi lại thấy cần phải có tổ chức xây dựng cho mình. Mợ tôi cũng thấy thế là đúng.
TẤN – Tôi cũng không phản đối việc đấy.
DUNG – Như vậy chỉ có lợi mà không ảnh hưởng đến sau này phải không anh? Về điểm này tôi và anh cùng giống ý nhau rồi đấy.

TẤN bắt đầu khó chịu – Vâng.

DUNG – Còn khó khăn nữa là tôi với anh công tác không những xa mà lại khác ngành nhau. Ăn ở với nhau rồi khó.
TẤN – Sau này sắp xếp công tác cùng một cơ quan cũng dễ thôi. Cái khó là sợ không cùng một chí hướng, tình cảm.
DUNG – Tôi tưởng chúng ta cùng phục vụ cho cách mạng là cùng một chí hướng rồi. Hơn nữa, anh lại là gia đình công nhân, thế càng tốt.
TẤN – Vâng.
DUNG – Tôi về, anh ạ. Tôi báo cáo với Công đoàn rồi lại gặp anh. Đến tối… à tuần này tôi mắc học cả. Có gì, lại sáng chủ nhật sau, anh nhé.

Lan vào hơi ngạc nhiên.

LAN – Dung đã về à? Ngồi đây chơi đợi chị Nguyện.
DUNG – Chị về sau.
LAN – Này, Dung đi đâu vội thế?

Dung vẫn đứng cửa.

LAN – Anh Tấn nghỉ phép không lâu đâu. Công tác xa ốm yếu xanh lắm, cũng cần tiêm cho khoẻ. Có thuốc sẵn rồi. Dung xem giờ nào tiện, ngày ngày đến tiêm cho anh Tấn.
DUNG nghĩ ngợi – Cũng hơi phiền, chị nhỉ (một lát). Thế chưa tiện đâu. Để em báo cáo với cơ quan đã. Sáng chủ nhật sau, chị ạ…
LAN băn khoăn – Dung, Sao Dung phải để đến tuần lễ sau mới lại được? Dung nghĩ xem: Anh Tấn được nghỉ phép có ít ngày. (Không tiện nói hết ý mình, như nằn nì với em) Dung đến vào buổi tối thôi mà.
DUNG thản nhiên – Tuần lễ này buổi tối em bận mà vấn đề của em với anh Tấn nên nghiên cứu kỹ về mọi mặt… Em không thể làm hơn được. Đến chủ nhật sau chưa muộn. Thôi em về đây, chào anh nhá.

Dung ra vội, Lan cũng lúng túng đứng dậy.

TẤN – Chị cũng lại định về ?
LAN – Không… không… Phiền quá nhỉ! Hay là, chiều anh lại chơi với mẹ em? Dung có nhà đấy.
TẤN – Tôi không cần tiêm và cũng không cần…
LAN sốt sắng – Cần lắm chứ. Anh cần phải khoẻ. Anh còn phải công tác nhiều.
TẤN – Không, tôi không muốn (tha thiết nhìn Lan) Tôi mong cô hiểu…
LAN cảm động – Để tôi bảo Dung.
TẤN – Không, Không! (càng tha thiết) Cô Lan!
LAN thêm lúng túng – Anh bảo gì em kia?
TẤN cũng lúng túng – Tôi muốn nói chuyện với cô… cô Lan!
LAN ngượng – Vâng.
TẤN sôi nổi âu yếm – Lan! Biết Lan, tôi thấy mến Lan hơn, tôi không thể…
LAN thẹn nhưng sung sướng – Em không… Ai lại thế bao giờ? Em về đây (bỏ chạy ra cửa).
TẤN – Cô Lan, Lan (chạy vào trong nhà, dắt xe đạp ra, nói với) Anh cho em mượn xe đạp một lát nhé.

Đến cửa gặp chị Nguyện về.

CHỊ NGUYỆN ngạc nhiên – Chú vội đi đâu đấy!

Tấn không kịp trả lời, lên xe hấp tấp. Anh Nguyện cũng vừa ra.

CHỊ NGUYỆN – Cô Dung đâu?
ANH NGUYỆN – Ai biết đâu đấy!
CHỊ NGUYỆN – Sao chú Tấn lại đi với cô Lan?
ANH NGUYỆN – Lạ thật! Sao mình lại hỏi tôi? Chú Tấn chọn vợ chứ mình chọn vợ à? Dở hơi lắm! Thôi mình vào khiêng giả lại tôi cái radio ra chữa đây.

Hai người cùng cười. Vào phía trong.

Màn từ từ khép theo.

2-9-56

(Trích báo Nhân văn số 2, 30-9-1056)


*


Cơm mới (kịch một hồi)

Nhân vật:

CHUNG: Xã đội trưởng trước Cải cách
TẦM: Em gái Chung 15, 16 tuổi
THUỶ: Cốt cán đã đính hôn với Chung
Cụ CANH: Chở đò ngang cùng ngõ nhà Chung
Bà TƯỜNG: Gọi tắt là mẹ Lớn, cùng ngõ nhà Chung
LỚN: Cốt cán

Cảnh: Một làng ven sông. Một bến nhỏ sang ngang. Nhà Chung ở sát sông, một căn nhà gianh một gian hai chái.

Bài trí: Cảnh giữa nhà. Bên trái là bếp, bên phải có liếp ngăn sang buồng bên. Đỡ cột hai đầu gian ọp ẹp, thấy hai cây bương to dựng chênh chếch. Đồ đạc cũ kỹ: một giường, một chõng tre. Kê sát vách, một bàn con làm bàn thờ, có bát hương bằng sành, một bát con đựng nước cúng. Quang cảnh lạnh lẽo như đã lâu không người trông nom tới: Lưới vó để cạnh liếp, tranh rách từng mảng lớn, khẩu hiệu trên tường ám khói vàng khè, thúng, sảo lổng chổng ở một góc.

Cửa sổ trong nhà nhìn thấy sông. Cửa chính trông ra sân đất. Cổng tre, khóm mía, bụi chuối. Qua cổng thấy bãi ngô bát ngát, con đường trong ngõ thoai thoải xuống bến
.

Màn một - Canh ba. Trong xóm gà gáy rộn lên một lúc rồi im bẵng. Thưa thớt bên kia sông chó sủa vọng sang. Bên ngoài cửa sổ ánh trăng cuối tháng mờ và lạnh. Trong nhà tranh tối tranh sáng.

Tầm đắp chiếu ngủ ở chõng. Chung vẫn thức ngồi bó gối rầu rĩ...

Tiếng chó bỗng sủa vang. Chung chạy ra nhìn qua kẽ liếp
.

TẦM (vùng dậy) - Gì thế anh?
CHUNG - Im, du kích.
TẦM - Người ta đến bắt anh, anh ơi.
CHUNG - Im đã TẦM. (Nghe ngóng tiếng chó sủa về phía khác, xa dần) Du kích đi tuần đấy. Không có gì đâu. Em lên mà nằm đi Tầm.

(Tầm lẳng lặng lên chõng đắp chiếu. Chung lại giường ngồi bó gối nhìn trăng sáng ngoài cửa sổ.)

CHUNG (thấy Tầm cựa mình) - Tầm ngủ đi chứ. Còn lâu mới sáng, cố chợp mắt đi lúc nữa Tầm ạ!

(Tầm nằm không yên chỗ.)

TẦM- Anh này, người ta rủ nhau dỡ khoai non, em cũng dỡ vài luống ở bãi nhà.
CHUNG - Sáng lên xin phép đội đã.
TẦM (thở dài) - Xin chả được, gạo cứu đói cũng không thấy họ nói đến nhà ta nữa là. Anh mặc em, tang tảng sáng em lẩn ra bãi, không ai biết đâu anh ạ!
CHUNG - Mày làm thế lại thành tội phá hoại sản xuất đấy. Liều thế không được, cứ lên đội xin.
TẦM - Khó lắm anh ạ.
CHUNG - Ừ, mà xin cũng chẳng được đâu. Người ta đang nghi phản động, ai cho. Này tao bảo, chuôm Đồng Sậy tát tối qua, sáng nay ra hỏi sớm khéo thì kiếm được một bữa. Hôm nay hai mươi mốt, phiên chợ Ngữ đấy, sang chợ mà bán...

(Một lát yên lặng)

CHUNG (như không yên tâm) - Này Tầm, mày xem kỹ lại xem có cái gì khác nữa không?
TẦM (nghe ngóng) - Không có gì khác đâu. Cái gì hở anh?
CHUNG - Còn cái gì nữa? (băn khoăn) Này Tầm, hôm u mất thế nào? (thấy Tầm ngơ ngác) Ờ... cái hôm u mất ấy, thế nào? Mày nhớ kỹ lại xem, đầu đuôi ra làm sao?
TẦM (trố mắt nhìn anh) - Khổ quá, em kể không biết bao nhiêu lần, anh còn cứ hỏi mãi. Hôm ấy, quá nửa đêm đi họp về, em vẫn thấy đèn điếu để ở đầu giường. Em cho là lúc tối có ai đến thăm u. Đèn vặn nhỏ li ti bằng hạt đỗ.
CHUNG - Chính mày trông thấy đèn sáng à?
TẦM - Khổ, thì em còn vặn to lên cơ mà. Đèn và điếu ở giường anh (đến chỉ cho Chung xem) ở chính giữa giường này này. Sau em còn hỏi u một câu. Không thấy u trả lời. Em nghĩ u mệt ngủ say, em không hỏi nữa, em lăn ra ngủ thiếp đi một mạch. Mãi tang tảng sáng cũng bằng giờ này, em gọi u bốn dăm câu không thấy thưa, em mới chạy vào buồng lay u dậy, thì u đã mất tự bao giờ. Em vẫn đinh ninh u mệt qua quýt thôi, ai ngờ...
CHUNG - Quái lạ, ai đến để đèn điếu ở giường này mới được chứ? Tao chẳng còn hiểu làm sao nữa!
TẦM - Nhất định không phải u bị giết. Đội khám đi khám lại có thấy vết tích gì đâu?
CHUNG - Khám với xét. Nếu thực có đứa manh tâm giết u, nó không dại gì để xác u trong buồng rồi. Nhà mình sát nách bờ sông thế này, nó lẳng ngay xác xuống sông cho mất tích có hơn không?
TẦM - Sao anh không nói rõ với đội thế?
CHUNG - Nói với ai? Bây giờ tao nói ai nghe? Đến trẻ con trong làng cũng chẳng thèm để ý đến nữa là cốt cán với đội. Ở tận đâu đâu đến, biết thế nào chuyện làng người ta. Biết thế nào được người tốt người xấu...
TẦM - Cái anh Lớn ấy mà cũng là cốt cán được!
CHUNG - Cái thằng Lớn lộc ngà lộc ngộc cắn hạt cơm không vỡ ấy biết cái gì, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, chỉ tổ làm nát làng ra. Nhưng chết là ở cái con mẹ nó, con mẹ ranh càn sát ấy nó xúi bẩy (một lát) ấy thế mới chết, những đứa xấu bụng mới được dịp đổ vấy cho tao chủ trương phá tề, dắt Tây về tổng càn vùng này. Đến việc u chết vừa rồi chúng nó vu là âm mưu của địa chủ Quỵnh sai tao làm để bịt đầu mối tổ chức cũ. Đèn điếu và mày vừa kể đấy cũng do tao bày ra thế để đánh lạc hướng nông dân (mặt tức tối). Nào tao là Quốc dân Đảng phản động. Nào là tao cấu kết với thằng Quỵnh giết u. Nói thế mà nghe được!...
TẦM - Khẽ chứ anh.
CHUNG (càng nói to) - Tao không sợ. Tao thế nào cả làng này biết rồi.
TẦM - Vừa chập tối, đội bắt thằng Quỵnh…
CHUNG - Lại rối ren thêm. Cung cách này là sắp bắt lung tung cho mà xem.
TẦM - Bây giờ làm thế nào hở anh?

(Tiếng chó lại sủa. Trong nhà im bặt.)

CHUNG - Hừ... Du kích lại đi rình. Đêm nào cũng đến rình... Rình cái gì mới được chứ! (không bình tĩnh nổi) Theo kháng chiến bằng ấy năm giời, bây giờ cũng hoá thành công cốc. Bao nhiêu công lao đổ xuống khúc sông này hết... Đến nước cùng này...
TẦM (hốt hoảng) - Bây giờ, biết làm thế nào hở anh?
CHUNG - Làm thế nào nữa... TẦM mày, bây giờ họ hàng không ai dám chứa mày đâu, mày cũng đừng đi lại nhà ai thêm khổ người ta ra. Nếu tao có thế nào, tao chỉ dặn mày liệu bấm bụng mót mét sống qua ngày, em ạ...
TẦM - Hôm nay cũng vừa đúng tuần bốn chín ngày của u anh ạ.
CHUNG - Ừ.
TẦM - Anh có cúng u không?
CHUNG - Cúng lễ gì!
TẦM (buồn rầu nhìn anh) - Thế, thôi hở anh?
CHUNG - Chẳng thôi thì lấy gì mà cúng?
TẦM - Hay là em chạy giật tạm vài bát gạo.
CHUNG - Ai dám dây dưa với nhà mình nữa. Không vay mượn gì hết.
TẦM - Hay là em chạy sang sông.
CHUNG (trừng mắt) - Nhà cái Thuỷ ấy à? (thấy Tầm ấp úng) Tao cấm đấy. Không được đi lại nữa.
TẦM - Chị ấy...
CHUNG - Chị ấy làm sao?
TẦM - Không...
CHUNG - U chẳng khen ngoan với hiền hậu nhất làng nữa đi. U chết nó có lai vãng thăm hỏi u được câu nào không ? Cũng chẳng lên hàng cốt cán rồi mà. Tình nghĩa khối ra đấy!
TẦM - Chị ấy ở tận xóm lẻ bên kia sông.
CHUNG - Thì nó thường sang bên này họp hàng xã đấy thôi. Nhưng từ hôm ấy đến giờ, hàng tháng rồi có dám bén mảng đến đây không? Mà bảo xa xôi cách rách gì cho cam. Có điều giờ nó thay đổi rồi. Tao biết lắm…
TẦM - Anh đừng nói. Chị ấy đâu thế…
CHUNG - Không thế mà lại phải trốn tránh. Phải tránh mặt đi. Tránh nhà này là nhà phản động. Nhà tay sai địa chủ.
TẦM - Em nghĩ chẳng lẽ nào.
CHUNG - Đấy mà xem... cũng may mà u tính đợi xong Cải cách mới cưới, nếu không về nhà ta rồi, cơ màu này nó cũng cắt đứt thôi... Tao biết lắm... Thói đời như vậy cả, khi vui thì vỗ tay vào…
TẦM - Anh để xem thế nào đã. Chưa chi…
CHUNG - Còn để xem thế nào nữa? Hôm họp Đảng khai trừ tao, nó là cốt cán ngồi lù lù trước mặt tao chớ đâu. Người ta vạch cho tao hằng hà sa số là tội. Toàn là những tội không đâu, mà nó thin thít có dám mở miệng phân trần cho tao được một câu nào. Thử hỏi tao lăn lộn dọc đê với con đường số 5 thế nào, nó ở trong hàng ngũ du kích phải biết rõ hơn ai chứ? Sao nó câm họng? Sao nó về hùa với người ta ăn không nói có cho tao? Bắt tình bắt tội tao…

(Tầm nín lặng. Bỗng tiếng đập mạnh gọi cửa. Tiếng chó giật giọng sủa vang. Tiếng gọi cửa liên tiếp.)

TẦM (như khóc) - Tiếng anh Lớn và du kích…
CHUNG - Cứ ra mở cửa.

(Tầm run càng luống cuống loay hoay mãi không mở được then.)

CHUNG - Việc gì phải sợ thế, để tao mở cho.

(Cửa mở, Lớn, cao lớn, lộc ngộc vác súng vào. Bóng du kích thấp thoáng đi lại ngoài sân.)

LỚN - Sao chậm mở cửa? (Yên lặng) Sao đêm vẫn rì rà rì rầm chuyện?
TẦM - Có chuyện gì đâu?
CHUNG - Không phải dối quanh. (với Lớn) Rình nghe khắc biết rồi còn phải hỏi gì nữa?
LỚN - Lại sắp sửa ngoan cố! Này, đội cho gọi anh đến văn phòng ngay. Lên đấy mà ngoan cố…
TẦM - Thôi chết rồi anh ơi!…
CHUNG (cố bình tĩnh) - Tầm, em đừng làm rối lên như thế, ở nhà nhớ những điều anh dặn đấy.
TẦM - Khổ thân, anh tôi có làm gì đâu cơ chứ?
LỚN - Không làm gì à, không làm gì mà bà cụ lăn đùng ra chết?
TẦM - U tôi chết thật.
LỚN - Đời thuở nhà ai chết gì mà lại tự nhiên thế? Đèn điếu lại xếp đàng hoàng trên giường như bình thường có khách đến chơi ấy. Lại còn oan lắm hả?
CHUNG - Tầm không phải nói nhiều.
LỚN - À không nói, không nói à? Này đầu đảng thủ mưu thằng Quỵnh bị bắt rồi. Anh là nông dân nên đối xử có khác với địa chủ, không thì ai cho anh đứng đấy mà lý sự hả?
CHUNG - Tôi không làm, không biết.
LỚN - À thế nào? Không làm, không biết? Tội rành rành ra đấy rồi không nhận cũng tù tội kia mà. Lên đội...
CHUNG (ra cửa) - Nông dân xử ức nhau, mới phải chịu nước này…
LỚN (gọi giật lại) - Ấy, hẵng khoan… Còn lá cờ tam tài của chi bộ cũ các anh đâu? Mang lên nộp đội.
CHUNG (ngạc nhiên) - Lá cờ nào?
LỚN - Lại sắp ngoan cố. Lá cờ tam tài của chi bộ cũ các anh, chứ còn lá cờ nào nữa?
CHUNG - Ô hay, lá cờ nào?
LỚN - Này bảo thật, đừng trí trá nữa. Lá cờ hồi tổng càn, các anh thường treo ở điếm dệ đê đầu làng để họp kín ấy.
CHUNG (mới sực nhớ) - À...
LỚN - À, anh thấy chưa? Cứ tưởng đây không biết hẳn. Không việc nào anh giấu nổi nông dân được đâu. Lần nào họp anh cũng treo cờ Pháp, lần nào cũng bắt chị Thuỷ vác súng đứng gác cho các anh? Có đúng thế không ?
CHUNG - Cái Thuỷ nó tố thế?
LỚN - Tôi hỏi các anh có họp không đã?
CHUNG - Họp... Có họp...
LỚN - À... Thế còn chống chế gì nữa?
CHUNG - Anh biết gì? Đấy là họp chi uỷ bàn kế hoạch đánh Tây. Nhiều lần có cả đồng chí Tường, huyện uỷ đến khai hội.
LỚN - Thế nào anh cũng lý sự được. Họp đánh Tây mà lại treo cờ Pháp.
CHUNG - Anh không biết gì thật. Lúc ấy không treo cờ Pháp, Tây nó bắt ráo, vỡ cơ sở như bỡn, tưởng chuyện chơi à? Anh tản cư biết đâu chủ trương của huyện?
LỚN (sừng sộ) - Tản cư. Tản cư thì không biết hả?...
CHUNG (vẫn bình tĩnh) - Hừ... Lúc Tây còn, anh tản cư không biết thật đấy. Đấy là mẹo du kích.
LỚN - Cái gì? Mẹọ... Mẹo gì? Cứ tưởng người ta không biết cả đấy. Đêm qua thằng Quỵnh thú nhận khai nhận hết tội rồi.
CHUNG - Mẹ kiếp thằng Quỵnh. Thằng địa chủ Quỵnh khai láo cũng nghe theo nó à?

LỚN - Không lý sự được với anh, tôi chỉ hỏi: Lá cờ đâu?... Nói...
CHUNG - Tôi không biết.
LỚN - Lại không biết? Ngoan cố (tức tối nhìn Chung). Thế anh manh tâm cho địch bắn chết đồng chí Tường huyện uỷ của ta, anh có biết không?
CHUNG (khổ sở) Tôi... Tôi giết đồng chí Tường?... Thế này thì quá lắm. Đồng chí Tường bị giặc bắn chết trên lưng tôi khi cõng đồng chí bơi qua sông chạy càn.
LỚN - Không nghe anh được, anh mưu mô gớm lắm! Anh chui vào phá Đảng, giết hại các đồng chí Đảng.

(Chung lặng người bíu chặt vào khung cửa.)

LỚN - Cứ tưởng đây không biết. Anh còn mê hoặc cô Thuỷ xóm bên sông. Anh định dụ dỗ lôi kéo người ta vào tổ chức của anh. Cũng may cho người ta chưa lấy phải thứ anh, không lại uổng phí cả một đời người.
CHUNG - Hừ... đến thế này được ư? (quay lại với Tầm). Hôm nay anh đi không chắc được về. Sau này khắc hay em ạ…
TẦM - Anh ơi, có tội tình gì?
LỚN (ra theo) Còn thế nào mới là tội nữa?

(Tầm khóc định chạy theo anh, bóng mẹ Lớn đứng sẵn ở cửa.)

MẸ LỚN (vội ngăn lại) - Chạy đi đâu hở cháu? Làm ầm lên lại khốn bây giờ. Vào đây bà bảo.
TẦM - Khổ thân anh tôi thế này...
MẸ LỚN - Úi giời ơi khổ? Chẳng bù lúc anh mày hạch tao cái giấy tản cư sao chẳng thấy kêu khổ?
TẦM - Lúc này bà nói thế nào mà chả được.
MẸ LỚN - Tao nghĩ nhà mày ruộng nương chẳng có đấy, bây giờ sắp được chia, lại dở dói ra thế này...
TẦM - Anh Chung cháu cũng chẳng có tội tình gì?
MẸ LỚN - Ấy chết. Anh Chung mày là lắm tội lắm đấy, cháu ạ. Tội tày đình cơ đấy. Cháu có được họp đâu mà cháu biết. Không lẽ nhân dân lại nói sai cho anh mày ư?
TẦM - Bà chỉ nói quá cho anh cháu.
MẸ LỚN - Lại còn quá à? Ngay cái chuyện trong nhà này chứ đâu xa, cháu cũng biết đấy.
TẦM - Bà đừng dựng đứng chuyện lên thế!
MẸ LỚN - Dựng đứng à? Gớm chưa! Không dưng ai đám đặt điều cho anh em nhà mày hở? Việc đến thế này rồi. Thú thật với bà đi, bà bảo thằng Lớn nhà bà nó trình bày giúp với đội cho là khắc anh em nhà cháu đỡ tù, đỡ tội.
TẦM - Ô hay, bà lạ nhỉ? Cháu làm gì mà cháu lại phải tù tội.
MẸ LỚN - Này chỗ hàng xóm láng giềng, trong họ ngoài làng với nhau cả. Bà bảo thật. Mày khôn ngoan thì theo lời bà. Mày khờ dại thì theo anh mày rồi vạ vào thân đấy cháu ạ.
TẦM - Cháu chẳng việc gì mà vạ.
MẸ LỚN - À tưởng quí báu lắm đấy. Hoài hơi dạy bảo cái giống anh em nhà mày. (Mẹ Lớn bỏ ra đến cửa. Yên lặng.)
MẸ LỚN (lại quay vào) - Bà nóng bà nói thế thôi. Đấy cháu nghĩ xem cả họ nhà cháu có ai đoái hoài đến anh em nhà cháu đâu. Hay là chỉ có bà cùng ngõ, bà ái ngại tình cảnh cháu, bà mới chạy sang chỉ đường vạch lối cho cháu… (Yên lặng đi đi lại lại khắp nhà). Nhà mày lạnh khiếp được... (nhìn bàn thờ) Cái Thuỷ nó cũng không chạy sang chịu tang u mày à?
TẦM - Cháu không biết.
MẸ LỚN - Bà hỏi thế thôi. Nó sắp lấy người khác rồi. Cốt cán nó chẳng thèm lấy đứa phản động giết cả mẹ ấy…

(Mẹ Lớn lẳng lặng vào trong buồng. Tầm nín lặng thút thít.)

Tiếng MẸ LỚN - Vào đây bà hỏi. (Tầm vẫn không nhúc nhích.) Tầm!
TẦM - Bà hỏi gì?

(Không thấy trả lời. Tầm lo lắng nhìn mẹ Lớn lục lọi trong buồng. Một lát sau.)

MẸ LỚN (bước vội ra, tay cầm một đoạn dây thừng giấu sau lưng đột ngột giơ sát mặt Tầm.) - Tầm, thừng nào đây?
TẦM (hốt hoảng) - Thừng…
MẸ LỚN - Thừng nào?
TẦM - Thừng ấy…
MẸ LỚN - Thừng anh mày lấy định treo cổ u mày hả? Sợ lộ mới vất vội vào gầm giường phải không?
TẦM - Không phải... thừng này... anh cháu mới lấy để thay dây thừng gầu.
MẸ LỚN (trợn tròn mắt) - Lại còn chối à?
TẦM - Khổ quá... thừng này gác bếp, hôm qua anh cháu mới lấy xuống, chưa kịp... bà xem còn bồ hóng kia.
MẸ LỚN (tưng hửng vứt thừng vào buồng) – Ờ... thôi được... (lại giường kéo Tầm ngồi bên, vỗ về) - Này, u cháu chết trong buồng này phải không?
TẦM – Vâng.
MẸ LỚN - Ờ thế... Tầm này, cháu nhớ lại xem cái đêm u cháu chết thế nào? Cháu còn nhớ chứ?
TẦM - Hôm ấy cháu đi họp về... cháu thấy đèn còn sáng.
MẸ LỚN (nhanh nhẩu) - Ngọn đèn đặt kia. Vẫn nhỏ li ti chứ gì?
TẦM – Vâng.
MẸ LỚN - Thế thì đúng rồi. Anh mày vặn đèn nhỏ xuống phải không? (thấy Tầm ngơ ngác)) - Bà biết mà lại... Thế trước khi thằng Quỵnh bảo cháu ra gác anh cháu đứng đâu... Thằng Quỵnh đứng đâu?
TẦM – Cháu... không biết.
MẸ LỚN - Cháu không biết thì còn ai biết nữa... Thằng Quỵnh đè chân có phải không? Anh mày… Đấy, bà biết hết rồi… Cháu cứ nói thật đi.
TẦM - Cháu chẳng biết gì.
MẸ LỚN - U cháu chết ngay trong nhà chứ đâu.
TẦM - U cháu mất trong buồng kia.
MẸ LỚN - Ấy đấy, thế thì còn ai giết u cháu nữa hở?
TẦM - U cháu có bị giết đâu? U cháu mất chứ.
MẸ LỚN - Này này, hàng xóm người ta nói răng rắng ra kia, thằng Quỵnh với anh mày hành sự trong buồng. Còn mày, mày đứng canh cổng ngoài, chỗ khuỷu đường xuống bên sông chớ đâu.
TẦM (hốt hoảng) - Đâu có... cháu... cháu thề có u cháu. (oà khóc) - U ơi, thế này con kêu ai được? U ơi...
MẸ LỚN - Mọi việc đều do địa chủ nó gây nên hết. Anh mày cũng bị mua chuộc mà thôi. Cháu khôn ra cháu nhận đi. Bà bảo thật.
TẦM - Việc gì cháu phải nhận.
MẸ LỚN - Ồ cái con bé này…
TẦM - Cháu không làm, sao cháu phải nhận? Cháu biết gì? Nhận bâng quơ thế cháu không nhận…
MẸ LỚN (tưng hửng) - Ờ…
TẦM - Cứ ép mãi cũng thế thôi, cháu không biết.
MẸ LỚN - Ờ được... Mày ra gan không chịu nhận hở?
TẦM - Ai nói thế nào cứ nói. U cháu biết cho chúng cháu.
MẸ LỚN - Biết thế nào cho chúng mày được. Tao hãy hỏi, trước hôm u mày bị giết, u mày với thằng Chung có xô xát cãi cọ nhau suốt nửa buổi không? Ừ... có hở? Chính tao nghe thấy u mày nhiếc anh mày những là: "Đảng cho nó lắm vào, rồi nay họp mai họp để bây giờ ra xóm mà nhận lấy hết tội". Có đúng thế không?
TẦM – Có, u tôi có mắng anh Chung thật.
MẸ LỚN - Ấy thế, anh mày với thằng Quỵnh sợ lộ mới phải giết u mày đi. Mà chính mắt tao thấy lúc đi họp nửa đêm về, mày còn quanh quẩn ở khuỷu đường xuống bến kia. Mày gác…
TẦM - Cháu gác bao giờ… Bà đừng nên thế. Hôm ấy đi họp về là cháu ra bến rửa chân rồi về thẳng nhà.
MẸ LỚN - Đội bắt thằng Quỵnh rồi. Anh mày vừa phải gọi đi. Sắp đến lượt mày đấy. Chẳng oan đâu cháu ạ (thấy Tầm nín lặng). Tội ở thằng Quỵnh cả. Khai ra. Đội người ta chỉ đánh thằng đầu sỏ thôi. Cháu khai thật ra. Anh cháu được tha về. Hai anh em lại ăn ở với nhau có hơn không?
TẦM - Cháu không biết.
MẸ LỚN - Cháu dại lắm. Rồi ra, nay mai sắp chia ruộng, nhà cháu ít nhất cũng được răm sào. Cháu tính xem. Cháu bướng bỉnh chẳng tích sự gì, mà nay mai đầu thừa đuôi thẹo nông dân cũng chẳng phí của thí cho nhà mày đâu. (một lát) Thế nào Tầm, nghe bà chứ! Bà bảo anh Lớn nhà bà, nó chỉ nói với đội một câu là anh mày được tha về yên trí làm ăn…

(Tầm yên lặng. Thuỷ vác súng vào tới cửa. Trong nhà không biết. Thuỷ lẳng lặng ra.)

MẸ LỚN - Thế nào Tầm, cháu tôi cũng gan lắm cơ. Nghe bà là hơn.
TẦM - Cháu không có thế. Cháu không nhận. Sao bà lại cứ bắt tội cháu.
MẸ LỚN (nổi nóng) - Mày cứ giỏi cứ gan lỳ mãi tao xem nào. Nhẹ không ưa lại muốn ưa nặng à? Anh mày còn bám lấy địa chủ, nông dân còn đào tận gốc trốc tận ngọn mới đáng đời.

(Mẹ Lớn bỏ ra hẳn. Gian nhà vắng lặng. Trăng mờ lạnh ngắt ngoài sân. Tầm rùng mình trông trước trông sau chạy đến nức nở trước bàn thờ. Thuỷ vào không đánh tiếng.)

THUỶ (gọi khẽ) - Tầm!
TẦM (giật mình quay lại) - Chị Thuỷ, chị... chị đừng bắt em. Em có làm gì đâu?
THUỶ - Tầm, anh đâu?
TẦM - Không, không, em không có tội.
THUỶ (ái ngại) - Tầm, em ngồi xuống đây. Chị đây, chị sang... Anh đâu? Anh bị bắt rồi phải không?
TẦM (ngơ ngác) - Chị...
THUỶ - Chị đây (kéo Tầm đến gần) Kìa sao Tầm lại nhìn chị thế? Anh đâu?
TẦM - Chị lại còn phải hỏi?
THUỶ - Ngồi xuống đây. Em đừng nhìn chị thế. (Tầm vẫn đứng) Kìa Tầm…
TẦM - Chị còn sang đây làm gì?
THUỶ - Tại sao em lại thế với chị?
TẦM - Em chẳng làm sao cả. Chị về đi.
THUỶ (lặng lẽ) - Không sao cả, mà em lại đuổi chị về?
TẦM - Em dám đâu đuổi chị. Chị có ngồi đây đến sáng cũng thế thôi. Em có làm gì đâu mà em phải xưng ra.
THUỶ - Chị xin em…
TẦM - Mẹ anh Lớn cũng vừa ở đây ra. Bây giờ lại đến lượt chị. Bà ấy doạ dẫm hết lời, em cũng chẳng nói sai. Giờ chị có dụ dỗ cũng vậy thôi. Chị về đi... Anh em có bị bắt cũng tại chị.
THUỶ (rưng rưng nước mắt) - Tầm coi chị đến thế kia ư? Tầm, em giận chị lắm phải không?
TẦM - Em dám đâu giận. Nhà em là nhà phản động mà. Ai thèm đến nữa. Chị là cốt cán chị sang đây làm gì cho thêm luỵ chị ra.
THUỶ - Tầm, em đừng nói thế mà tủi chị.
TẦM - Chị vạch, chị tố hết tội anh Chung em rồi còn gì nữa? (Thuỷ ín lặng) Chị chẳng nghĩ đến những ngày ở hầm ở hố, nắm cơm miếng bánh cùng anh em. Sao chị chẳng thương anh em hở chị?
THUỶ - Tầm, chị van em là hết. Chị chẳng biết nói thế nào. (một lát) Chị chẳng biết nói thế nào thật. Anh Chung bên này khổ thì bên kia sông, chị cũng chẳng sung sướng gì. Chị còn biết nói cùng ai.
TẦM (ngờ vực nhìn) - Chị.
THUỶ - Chị mặt mũi nào đặt điều kia tiếng nọ cho anh Chung được. Còn có vong hồn u kia biết cho chị.
TẦM - Chị... U em không phải bị giết đâu, chị... chị đừng nghi oan cho anh Chung.
THUỶ - Chị biết.
TẦM - Chị biết mà làm sao người ta vẫn vu oan tội cho anh Chung em?
THUỶ (nín lặng) - Chị biết người ta tố điêu cho anh Chung hết cả, nhưng chị không dám nói. Mà chị nói thế nào? Bây giờ động tí ngờ nhau chứ mấy ai dám thực tin nhau. Chị lại là cốt cán... Cốt cán không tố anh nên nông dân đặt vấn đề nghi chị. Chị đành cắn răng phải chịu. Chị chẳng còn biết nói cùng ai?
TẦM - U em mất đi, anh Chung lại thế, em nghĩ chị...
THUỶ - Em nghĩ chị thay đổi phải không? Em giận chị. Anh Chung căm ghét chị... Chị cũng chịu vậy thôi (yên lặng). Chị nghĩ, chị ăn ở trước sau như một, thế nào rồi cũng có lúc em rõ cho chị. Anh Chung rõ cho chị.
TẦM (ái ngại nhìn Thuỷ) - Chị...
THUỶ - Hôm u mất, người ta ngăn chị. Thày u chị cấm chị đi lại với bên này. Hôm nay tuần bốn mươi chín u... Chị sang... rồi muốn ra sao thì ra. Rồi người ta muốn đặt điều ngờ vực chị thế nào thì đặt, chị cốt là chị ăn ở trước sau phải đạo với u. (một lát) Nhà ta cũng hết gạo rồi phải không?
TẦM - Vâng.
THUỶ (lấy gói khăn vuông đựng gạo) - Đây có mấy bát gạo cơm mới chị mang cho em. Lấy một ít sáng nay cúng u em ạ. Em trút vào giá đi... Lúa sớm bên nhà chị đấy mà. (thấy Tầm ngập ngừng) Em cũng không muốn nhận cho chị à?
TẦM - Sao chị lại cho…
THUỶ - Khổ, đến em cũng chẳng thật tin chị. Chị vẫn là cái Thuỷ bên sông của u đây mà... Em, em cứ nhận cho chị.
TẦM – Vâng. (ôm lấy Thuỷ) Có thế chứ. Em vẫn nghĩ chẳng lẽ nào chị lại chóng quên…
THUỶ - Em đừng bảo với anh là chị đến nhé. Chẳng ích gì lại thêm phiền ra. Anh vận hạn thế này, chị chẳng oán trách anh đâu. Oán trách nhau mà làm gì kia chứ!

(Yên lặng, sáng dần. Tiếng gọi đò bên sông)

THUỶ - Có đò sang sông. Để chị về. Tầm đừng nói gì với anh nhé!
TẦM - Vâng, chị về. (nước mắt chạy quanh) Từ giờ em chỉ còn có một mình.
THUỶ (ái ngại ôm chặt lấy Tầm) - Chị cũng chẳng khác gì em. (một lát) Chị không nấn ná được nữa, gần sáng rồi.

(Ngoài ngõ, tiếng cụ Canh trả lời khách gọi đò.)

TẦM - Chị đừng ra vội, gặp cụ Canh mất. (tiếng đẩy cửa) Cụ Canh vào đấy chị ạ (ngần ngại) Chị ... hay chị lánh vào buồng này đã. (Thuỷ vào buồng, tiếng gõ cửa)
CỤ CANH (gọi khẽ) - Tầm… Tầm... Ông Canh đây mà (đẩy cửa vào).
TẦM - Ông, ông sang đây làm gì?
CỤ CANH – Tao... tao sang... anh mày bị bắt rồi hở? Tao thấy chó cắn…
TẦM – Vâng. Đội vừa gọi lên văn phòng. Không biết việc gì. Nhà cháu thế, ông còn sang đây làm gì?
CỤ CANH - Tao ấy à... Tao thấy chó cắn bên mày, tao nóng ruột quá tao liều, tao chạy sang. Mà tao tính tao cứ sang, sợ quái gì. Cây ngay chẳng sợ chết đứng. Cùng lắm bắt tao là cùng.
TẦM - Khổ quá, rồi ông cũng bị bắt đấy.
CỤ CANH - Tao nghĩ chán ra rồi, anh mày có tội đếch gì đâu mà tao sợ lôi thôi. Tao cứ sang.
TẦM - Nhưng cháu vẫn lo lắm. Ngày đêm anh cháu nơm nớp, kêu ai được hở ông.
CỤ CANH - Tao cũng chẳng biết làm thế nào thật. Nhưng tao nghĩ thời Tây nó bắt, nó gí súng vào ngực anh mày, anh mày còn chẳng sợ. Bây giờ là ta với nhau. Truy mãi, hỏi mãi, không thủ mưu thủ phạm gì thì cũng thôi. Chứ ức nhau đến chỗ chết à?
TẦM - Nhưng cháu vẫn sợ cho anh cháu…
CỤ CANH - Ầy thường cứ đêm đến tao nhìn sông lại xót cho anh mày, giá khúc sông nó biết nói thì anh mày cũng chẳng đến nông nỗi này đâu. Chẳng lẽ lại chịu khoanh tay à? Cả đêm qua tao nghĩ thời dân chủ với nhau lại tốt xấu nhập nhằng mãi thế này được ư?
TẦM - Nhưng gỡ được tiếng cũng còn khó lắm ông ạ...
CỤ CANH - Thì biết làm thế nào? Đến tao biết mười mươi việc anh mày mà tao cũng chẳng dám nói ra.
TẦM - Thế cứ đành thế này mãi hở ông?
CỤ CANH - Tao định bụng sang... Bảo anh mày hãy cứ tĩnh tâm lắm mới được. Cây ngay chẳng sợ chết đứng là vậy. Việc đời vẫn thế. Thời Tây chiếm đóng, đen tối tưởng chết tiệt cả, ấy thế mà lại hoà bình đấy thôi. Tao chỉ lo anh mày còn nông nổi. Đang cái lúc thế này dễ sinh hoang mang, thục mạng làm liều khốn khổ cho mình à... Thế nào dạo này mót mét ra sao hở cháu?
TẦM - Cũng kém lắm. Nhà cháu rau cháo mấy phiên chợ nay rồi.
CỤ CANH - Cũng còn khó khăn dăm bữa nửa tháng nữa đấy. Thôi được... hôm nay có mẻ tôm mẻ cá nào tao cho anh em mày. Đùm bọc lấy nhau cho qua ngày vậy. Trước còn đói kém gấp mấy bây giờ chứ.

(Tiếng gọi đò giục bên sông)

CỤ CANH (nói qua cửa sổ) - Lão sang đây... đợi đấy. Quái thật, anh nào gọi đò cũng giục rối lên. Đã sáng hẳn đâu?
TẦM - Ông nhanh lên nhỡ có ai…
CỤ CANH - Ừ... mà nhỡ tao có gặp ai, tao bảo thẳng tao đến đây, tao có cái đếch gì mà sợ liên quan...
TẦM - Ông đừng để gặp ông ạ…
CỤ CANH - Gặp cũng lôi thôi ra thật (nhưng vẫn quanh quẩn ở cửa). Tao cứ nghĩ u mày là mẹ chiến sĩ không điều tiếng với ai. Thằng anh mày cũng vậy. Nào là Tây tra tấn, chó cắn nát mặt, hụt chết mấy lần mới giữ được cơ sở bên sông này chứ hại dân hại nước cái gì? Tao chuyên chở đò cho nó đưa cán bộ đưa bộ đội sang sông mãi đấy thôi. Anh mày thế nào tao đã rõ. Tao quý nó ở chỗ đấy. Bây giờ đánh đùng cái bảo cắt đứt. Tình nghĩa con người chứ có ngỡ là gỗ được à? Sau này trong làng xóm sớm tối còn có nhau, muối mặt thế trông không được. (Yên lặng ra cửa) Tao cho cái Thuỷ ra nó cũng bạc. Hai đứa nó quấn quít nhau là thế, mà giờ con bé cũng giở mặt ngay được. Từ độ ấy tịnh không thấy nó đả động đến anh mày câu nào đấy!
TẦM (ấp úng) - Không…
CỤ CANH - Không gì! Lúc hoạn nạn mới biết bụng nhau thật. Quân tệ bạc đến thế là cùng. Tao chở nó sang sông họp luôn. Tao ghét mặt. Tao cũng chẳng thèm nói. (tiếng giục đò bên sông) Này chẳng may anh mày có làm sao, tao sẽ xin đội với nông dân, trông nom cho mày. Phải bình tâm cháu ạ…
TẦM – Vâng.
CỤ CANH - Thôi tao phải xuống bến, chẳng có đò đợi. (vẫn dùng dằng) Mày bảo với anh Chung mày. Ông cụ Canh dặn đi dặn lại phải vững tâm, còn có bà con trong làng. Cũng còn có người thế nọ, người thế kia, không thể bỗng chốc mất tình mất nghĩa hết được... Thôi ông về, không có ai gặp lại đem ra xóm phê bình phê biếc om sòm khổ cả chúng mày.

(Cụ Canh hấp tấp ra cổng. Thuỷ lặng lặng trong buồng ra.)

TẦM - Cụ Canh không biết có chị ở đây.
THUỶ (thở dài) - Biết làm gì? Cả làng có ai coi chị ra gì nữa? Chị... Chị còn khổ đến đâu cơ chứ?
TẦM - Kìa chị Thủy…
THUỶ - Cụ Canh chắc biết chuyện chị rồi. (thẫn thờ)? Tầm... Tầm vẫn còn tin ở chị chứ. Tầm có ghét bỏ chị không?
TẦM - Ô hay chị Thuỷ, làm sao hở chị?
THUỶ - Chị cực lắm... Có người hỏi chị (oà khóc ôm lấy Tầm), chi bộ đã bằng lòng, bắt chị phải cắt đứt với anh, bắt chị phải bỏ anh…
TẦM (cũng khóc) - Thế ư chị?
THUỶ - Ừ, thày u chị đã phải nhận giầu người ta. Còn chị... chị đã quyết rồi…
TẦM - Hay là chị cứ nhận lời cho yên ổn cả chị ạ.
THUỶ - Em bảo chị lấy người khác ư?
TẦM - Không… em không…
THUỶ - Em coi chị thế nào mà lại nói thế. Thày u chị bắt buộc cũng chẳng được. Chị với anh (nức nở) dù anh tù tội chị vẫn đợi... U mất chị không dám sang. Chị không phải với u thật, u biết cho chị. Bên kia sông chị chẳng có lòng nào khác đâu.

(Yên lặng)

THUỶ (tần ngần) - Chị về nhé… Biết đến bao giờ lại được sang đây?

(Tiếng chó sủa đầu ngõ)

TẦM - Có người đấy, chị tắt lối này xuống bến vậy.

(Thuỷ bước vội ra. Tầm cũng vội khép cửa lại. Lặng lẽ một lát. Chung ẩn cửa vào ủ rũ hốc hác. Tay cầm tờ giấy trắng. Tầm lo lắng nhìn anh không dám hỏi.)

CHUNG (chán nản vứt giấy xuống giường) - Vặn chán rồi bắt tao về kiểm thảo. Đây, bắt tao phải khai vào giấy nhận có giết u.
TẦM - Anh cứ khai thực u chết thế nào.
CHUNG - Thì tao đã khai cả rồi, ai tin?
TẦM - U chết thật kia mà.
CHUNG - Khổ lắm, nếu thế đã không thành chuyện. Người ta nhất định bảo là có địch giết u mới chết được, mà địch phải ở ngay trong nhà này mới giết u nhanh chóng thế... Vặn tao địch là ai? Chẳng là tao, là mày còn ai nữa vào đây. Dồn tao phải nhận tao bóp cổ u, mày gác cổng. Phải khai đúng hư vậy mới nghe.
TẦM - Thế này còn cãi vào đâu được hở anh?
CHUNG (chán nản) - Vặn tao trước giết đồng chí Tường huyện uỷ, bây giờ giết u chứ còn ai nữa (yên lặng thở dài). Chết thì chết tao không nhận. Nhận liều một cái là bao nhiêu đồng chí khác bị liên quan, bị bắt lung tung cho mà xem.
TẦM - Bà Lớn bà ấy cũng bắt em nhận đúng như vậy.
CHUNG - Mẹ Lớn nó sang đây?
TẦM - Vâng, bà ấy bảo em gác cổng…
CHUNG - Mày nhận cả.
TẦM – Không.
CHUNG - Bây giờ muốn bảo ai là địch chẳng được. Đến mày cũng gác cổng, mày cũng giết u thì còn ra thế nào nữa? Đảng xưa nay vẫn được tiếng là sáng suốt lắm. Sao lại đốn thế này kia chứ? (chán nản) Bảo tao giết đồng chí Tường? Giết u? Đồng chí ra sống vào chết mà quy tội thành địch... Tao cứ nghĩ mà muốn cắn lưỡi chết ngay được. Lớn lên là cầm súng giết giặc, đến bây giờ lại bảo là giết đồng chí mình, giết mẹ mình? (Tầm nín lặng một lát lâu. Chung thấy giá gạo dưới chân giường) Gạo nào đây, Tầm?
TẦM (ấp úng) - Gạo đấy…
CHUNG - Gạo nào? (thấy Tầm ấp úng) của con vợ thằng Quỵnh à? Đã bảo cấm tiệt không dây với địa chủ. Nó mua chuộc đấy. Sao mày lại nhận?
TẦM (vội vã dối quanh) - Không phải.
CHUNG - Thế gạo ấy của ai?
TẦM - Gạo ấy...
CHUNG - Của ai?
TẦM - Của cụ Canh.
CHUNG - Của cụ Canh à?... (chán nản) Cụ Canh còn đem cho gạo làm gì? (Yên lặng một lát bỗng quay lại) Tầm, mày đem giả gạo cụ Canh.
TẦM - Sao hở anh?
CHUNG - Cứ đem giả gạo đi.
TẦM - Anh đừng giả thế.
CHUNG - Tao bảo cứ đem giả lại.
TẦM - Không phải…
CHUNG - Tao biết cụ Canh thực bụng thương hại mình mới cho gạo lúc này, nhưng rồi vạ lây khổ thân cụ.
TẦM - Không phải cụ Canh...
CHUNG - TẦM cứ đem giả cụ, cụ chẳng giận đâu. Tao bảo đem giả mà lại. Không! Lại lôi thôi cả bây giờ. (Càng giục đưa giá gạo vào tay Tầm) đi... Tầm.
TẦM - Sao lại thế này hở anh?
CHUNG (nhìn em thương hại) - Sao à? Tao chẳng muốn luỵ ai. Tao thiết gì nữa.
TẦM (càng ngơ ngác) - Ơ kìa anh.
CHUNG (như mê sảng) - Tao có làm sao đâu?
TẦM - Anh…
CHUNG (vẫn thế) - Tao còn cần gì gạo nữa…
TẦM (hoảng sợ) - Anh đừng làm thế anh ơi.
CHUNG (càng giục) - Ơ hay Tầm. Mầy giống u như hệt ấy. Có thế cũng sớn sác lên. Đi nghe anh. Rồi về hôi sớm chuông Đồng Sậy. Còn lâu mới sáng. Đi... đi Tầm. (Chung khép cửa vào giường ngồi. Tờ giấy trắng kiểm thảo trước mặt. Tức tối xé vụn) - Tội gì mới được chứ.

(Anh lại bó gối lặng yên, lắng nghe tiếng gà phía xa. Trăng mờ mờ trên sông. Một lát lâu. Thấy tiếng ồn ào bên ngoài. Tiếng gọi cửa. Chung lo lắng bực dọc).

CỤ CANH (xô vào trước) – À… Anh Chung đây rồi. Bà vào trong này, ba mặt một lời xem tôi có giấu giếm gì không? Vào đây... ôn tồn nói chuyện với nhau. Chẳng nên lắm lời như thế.
MẸ LỚN (sồn sồn vào theo) - Ai lắm lời, gớm chưa? Giá không bắt được quả tang, thì cụ còn già mồm chối cãi đến đâu cơ đấy.
CHUNG (ngạc nhiên lo lắng) - Việc gì lôi thôi đến cháu thế cụ Canh?
CỤ CANH - Có gì đâu? Đầu đuôi thế này. Vừa rồi bà ấy bắt gặp cái Tầm mang gạo. Bà ấy hô hoán giữ cái Tầm mang lên trình đội.
CHUNG - Khổ không, lại thêm tội thêm nợ thế này...
CỤ CANH - Ấy thế là bà ấy làm toáng lên.
MẸ LỚN - Chứ không à? Để tha hồ đi lại thậm thụt nhé!
CỤ CANH (tức quá) - Này, bà chớ thêm chuyện. Tôi bảo thật. Tôi cóc sợ.
MẸ LỚN - Cụ bảo ai?
CỤ CANH - Tôi cóc sợ đứa nào thật.
MẸ LỚN (sồn sồn chạy ra phân bua với ngoài cổng) - Này, này có bà con hàng xóm láng giềng, có bên Đông bên Tây, bên phải bên trái biết cho nhé... Cụ này bao che cho phản động. (Lớn sồng sộc chạy vào. Mẹ Lớn nắm lấy Lớn kéo vào) Ấy đấy, anh vào đây. Làm cho ra nhẽ việc này, nhu nhơ không xong với họ.
LỚN - U để yên xem đầu đuôi ra sao.
MẸ LỚN - Để yên để người ta làm loạn à? Người ta thậm thụt cho nhau gạo. Tao bắt được, mà còn gân cổ, chối lấy được kia chứ.
CỤ CANH - Ai chối. Tôi có cho gạo đâu. Không, lại bảo làm có, thì tôi phải nói. Đến gặp đội tôi cũng nói.
LỚN - Yên, yên, thế ai cho gạo nhà này?
CỤ CANH - Nào tôi biết đâu?
LỚN - Tôi hẵng hỏi cụ, cụ có sang đây không?
CỤ CANH - Có, tôi có sang đây thật.
LỚN - Thế cụ còn chối quanh gì nữa. Chẳng cụ cho gạo thì còn ai vào đây?
CỤ CANH - Tôi không biết.
LỚN (quay sang Chung) - Gạo của ai?... Nói…
CHUNG - Tôi không biết.
LỚN - Ơ ... (quay sang hỏi cụ Canh) - Cụ có sang đây không?
CỤ CANH - Tôi có sang đây.
LỚN - Ấy thế không cụ cho gạo còn ai nữa hở?
CỤ CANH - Nào tôi biết được.
MẸ LỚN - Đấy có anh... mà cụ ấy còn chối bai bải Cụ này phải bắt tận tay vay tận trán cụ mới chịu phải không.
CỤ CANH - Tôi không chịu thật. Bà chớ quen thói nạt nộ mẹ chồng, la làng ngã vạ ra đấy được.
MẸ LỚN - Úi giời mày nghe đấy. Thế mà mày chịu được. Mày cứ bắt cả lên đội, tao xem có dám ăn nói thế không nào?
LỚN - Ơ hay, u cứ lặng yên đã có đội xét.
CỤ CANH - Có đội tôi cũng thế thôi, tôi sang đây thật. Tôi nghĩ thương tình cảnh anh em hắn. Tôi sang thăm (bảo với Chung). Tự tôi, tôi sang thăm, không dính dáng gì đến anh cả. Nếu phải tội, tội tôi, tôi chịu.
MẸ LỚN (lại sồn sồn) - Bao che thậm thụt bao nhiêu lần rồi chứ?
CỤ CANH - Có anh Chung đây. Từ trước tôi có sang không? Hay lần này mới là một. Có thế nào tôi nói thế ấy. Tôi không gian dối. Tôi cóc sợ thật. Đừng có mà gắp lửa bỏ tay người.
MẸ LỚN - Còn ngoan cố đấy. Thông đồng với nhau đã rõ rành rành.
LỚN - U này, không phải việc u. U làm gì mà ầm ầm lên. Việc này đã có bà con nông dân vạch cụ ở xóm... À ... ra tối dân học tập cụ thường viện cớ vắng mặt chở đò đêm là thế. Bây giờ mới vỡ lẽ, cụ tưởng người ta không biết đấy... Ra là mưu mô.
CỤ CANH - Sao lại mưu mô. Ô lạ cái anh này... lại cứ ghép tội liều cho người ta. Tối tôi không họp là tôi mắc việc chở đò với đơm đó đêm thật. Còn tôi sang đây là tôi tự ý tôi thương tình anh em nhà hắn. Sao lại mưu mô?
LỚN - Cụ không biết nhà này là thế nào à? Nhà có án mạng, nhà nông dân đang phát hiện vấn đề. Cụ biết thế sao cụ còn cho gạo?
CỤ CANH - Ơ hay, ai cho gạo ? Anh lại cứ đổ diệt cho tôi?
LỚN - Không cụ còn ai nữa ? Thế không là liên quan mưu mô thì còn là cái gì nữa?
MẸ LỚN - Ra họp xóm xem cụ ăn nói như thế có được không?
CỤ CANH - Đến đâu thì đến.
LỚN - À được, cụ đừng có trách... Cụ định tự tiện đi lại đây có phải không?
CỤ CANH - Ai tự tiện? Anh đừng có nói sưng sưng ra thế. Đã chắc đâu nhà người ta là nhà phản động? Anh ta có theo Tây theo địa chủ thì đã chẳng gieo neo chống đỡ cho cả cái làng này. Mình có nghi ngờ, cũng phải xét cả công lao cho người ta.
MẸ LỚN - Công lao. Công lao phá hoại cải cách, công giết mẹ ấy à?
CỤ CANH - Này bà đừng ăn nói hàm hồ. Mắt bà có mục đích rõ ràng không? Không nên buộc án, gán tội cho người ta. Phải để cái phúc cái đức cho con cháu về sau.
LỚN - Cụ bảo ai buộc tội?
CỤ CANH - Tôi nói bằng thật ấy. Nói thật chứ. Tôi bảy mươi tuổi đầu rồi anh có giỏi anh cũng chẳng rõ ngọn ngành cái làng này bằng tôi. Xấu tốt thế nào rồi ra làng nước sẽ biết. Bia miệng để đời kia. Liệu mà cư xử với nhau.
MẸ LỚN (mỉa) - Phải! Liệu mà cư xử với nhau. Để tha hồ tác yêu tác quái trong làng nhé!
CỤ CANH (giận đỏ mặt) - Ai tác yêu tác quái! Bà cứ về bà hỏi mẹ chồng bà xem, ai trèo lên cả bàn thờ bố chồng ăn vạ? Ai trộm gà hàng xóm rồi xắn ngược váy đi rong làng chủi bậy? Ai chứ? Bây giờ thời buổi khác rồi. Bà phải biết điều mới được.
MẸ LỚN (tru tréo) - Này, này cụ định bao che ra mặt phải không? Cụ định chống chọi với cả làng này à? Tôi gọi hàng xóm làng giềng chứng kiến cho cụ hết đường chối cãi. (định chạy ra cổng).
LỚN - Ơ hay nhỉ! U cứ làm toáng lên.
MẸ LỚN - Úi giời ơi! Không làm toáng lên không xong với họ. Có đội ở đây, người ta còn bốp chát với mày thế. Nay mai đội rút về đoàn thì người ta còn về hùa với địa chủ trấn át mày đến đâu ấy chứ! Rồi của được chia đã chắc trong tay chưa? Rồi mày còn làm sao đương nổi việc làng việc nước được nữa hở?
CỤ CANH - Bà chớ nói càn. Bà không vơ đũa cả nắm được. Bà không thể dây cái chuyện địa chủ vào đây được.
MẸ LỚN (lại sồn sồn) - Này, này, lại như cái việc cho trộm gạo vừa rồi ấy. Khéo đánh trống lấp lắm. Vải thưa chẳng che được mắt thánh đâu. Cứ lôi cụ ấy lên đội.
LỚN - Cụ phải lên đội. Thảo nào vụ án mãi không ra manh mối là thế.
MẸ LỚN - Có đông đủ bà con nông dân thử xem cụ lấp liếm thế nào? Cứ lôi cụ lên đội xem nào.
CỤ CANH - Đến đâu cũng vậy, cứ thực tôi khai, còn cái gì chướng tai gai mắt, tôi cứ thẳng tôi nói, tôi cóc sợ đứa nào thật.
MẸ LỚN (át giọng) - Cụ chửi vắt nóc cả làng này có phải không? Đấy mày xem. Gớm chưa!
LỚN (bảo Chung) - Thêm việc này nữa, kiểm thảo thành khẩn đi. Viết vào giấy kia. Sớm lên trình đội ngay. Ngoan cố không được. Muốn sống thì trông thằng Quỵnh đấy.
CHUNG (đóng sầm cửa theo) - Thế này còn sống làm sao được.

(Chung thở dài. Vào buồng lấy chiếc thừng treo lên giường, luồn thừng vào xà ngang... Trong xóm gà gáy rộn lên giục sáng. Tiếng trẻ khóc và tiếng ru bên cạnh. Gian nhà Chung lạnh ngắt: bàn thờ trống rỗng, chõng của Tầm bỏ không, chiếc chiếu rơi xuống đất. Nước mắt Chung trào ra. Anh chua xót nhìn cái vòng thừng trước mặt.)

CHUNG (nghẹn lời) - Không thể chết điêu đứng thế này được?

(Chung rời tay cắn chặt môi, nước mắt càng ràn rụa. Có tiếng kẹt cửa, Thuỷ vào trông thấy hốt hoảng, chân ríu lại, nước mắt chạy quanh. Chung quay lại vừa giận vừa thương...)

THUỶ - Giời ơi! Anh Chung (chạy sô đến giường khóc níu lấy chân Chung). Anh Chung, sao anh lại thế này? Anh không thương ai nữa hở anh?
CHUNG (chua chát) - Thương ai?
THUỶ (vẫn khóc) - Anh nỡ bỏ cái Tầm. Anh nỡ bỏ tôi?
CHUNG (nhìn Thuỷ oán trách) - Thế súng ống đến đây làm gì?
THUỶ - Tầm nó bị giữ rồi…
CHUNG - Không phải đến dò xét nữa.
THUỶ - Anh Chung... anh nghĩ thế nào anh lại trả gạo kia chứ! Anh chẳng thương tôi!
CHUNG - Thương tôi. Hừ… Đây không cần dụ dỗ, ra ngay!
THUỶ - Tôi xin anh.
CHUNG - Có bắt thì cứ việc bắt. Tay đây.
THUỶ (khổ sở) - Anh Chung…
CHUNG (không nén nổi) - Thế vác mặt đến đây làm gì?
THUỶ (nhìn Chung hờn giận) - Tôi van anh, anh đừng nói thế.
CHUNG - Còn để nhau điêu đứng đến thế nào nữa chứ?
THUỶ - Anh Chung... Anh chẳng nên nặng lời…
CHUNG - Còn "anh" được kia à? Không tình nghĩa gì hết. Ăn ở vói nhau thế là hết nước hết cái rồi.
THUỶ - Anh Chung, anh nói hay nhỉ.
CHUNG - Hay, hay không thì biết đấy…
THUỶ - Anh đừng làm khổ tôi nữa.
CHUNG - À khổ... ai làm khổ ai? Còn vác mặt đến đây được. Đây không có tội. Đây không làm gì nên tội. Ai phải ai trái, ai ăn không nói có, ai làm tình làm tội nhau khắc biết đấy.
THUỶ - Thực anh chẳng rõ…
CHUNG - Thằng này đến chết nữa mới rõ à? Mà thế nào mới là rõ nữa. Điêu toa bạc bẽo, tàn nhẫn với nhau (hất mạnh bát nước trên giường) Con người ta ăn ở với nhau phải như bát nước đầy chứ?
THUỶ (ứa nước mắt) - Ai tàn nhẫn đấy?
CHUNG - Hừ, không tàn nhẫn mà lại tố, mà lại xoen xoét buộc tiếng phản động cho cơ sở cũ. Sao lại dám đặt điều cho cơ sở cũ là phản động bán nước? Sao không nghĩ đến đồng chí Tường huyện uỷ bị giặc bắn chết trên sông này? Còn sống mà ăn hột cơm ngày nay phải biết nhớ biết thương đến các đồng chí ấy chứ. Sao lại tàn nhẫn chóng quên?
THUỶ - Tôi quên thế nào được. Anh giắt tôi vào du kích…
CHUNG - Thế ai bảo họp chi uỷ treo cờ Pháp là họp phản động. Đứa nào nói. Đứa nào hám danh cốt cán tố sằng?
THUỶ - Anh nói thế mà nghe được. Anh còn coi tôi đến thế nào nữa?
CHUNG - Coi thế nào (với con dao ở liếp chạy sô đến phía Thủy. Bỗng ngừng tay). Con dao này chém giặc mà bây giờ tự tay mình chém mình à? Còn coi thế nào nữa... (tức tối chém mạnh xuống thành giường) Đồ vô ơn bạc nghĩa.

(Thuỷ lặng người, nước mắt vẫn ràn rụa ấm ức bỏ ra tới cửa lại quay vào.)

THUỶ - Anh nỡ xử tàn tệ với tôi, thế kia ư?... Thôi thì cũng đành. Anh muốn bỏ tôi cũng được. Anh chỉ cần nói với tôi một câu…
CHUNG - Hừ bỏ... muốn nói chuyện bỏ, muốn cắt đứt. Đây chẳng cần thật.
THUỶ - Anh nghĩ xem. Anh cần gì nữa?
CHUNG - Bạc bẽo, đây không cần thật.
THUỶ - Chẳng biết ai bạc bẽo kia đấy (tức không nói được). Với anh tôi đã thế nào rồi!
CHUNG - Đứa nào nói chuyện bỏ. Đứa nào muốn bỏ đấy?
THUỶ - Anh muốn nói thế nào cũng được.
CHUNG (chua chát) - Thằng này bây giờ một mình chịu tội.
THUỶ - Dễ một mình anh khổ. Anh biết đâu, chi bộ bắt tôi lấy người khác, bắt tôi phải cắt đứt với anh. (Thuỷ nghẹn lời) Chuyến đò nên nghĩa, chốc lát không thể bỏ anh. Tôi với anh tuy chưa nên vợ nên chồng... Nhưng sống chết đã có nhau cả rồi đấy… anh… (Chung nín lặng) Bây giờ anh coi rẻ tôi. Tôi còn biết sống với ai nữa? Anh còn để tôi sống làm gì? Ừ... sẵn dao kia anh còn để tôi sống làm gì? Sẵn dao đấy…
CHUNG (ném dao xuống giường) - Sao lại khổ thế này hở

(Thuỷ khóc bỏ ra cửa. Cụ Canh và Tầm ở cổng chạy vào)

CỤ CANH - Ấy đấy, cái Thủy. Ra mày mang gạo sang cúng bà cụ. Rõ khổ, nào tao có biết đâu, tao lại cứ ngờ oan mắng mày thậm tệ.

(Tầm và cụ Canh vào hẳn. Hốt hoảng trông thấy dây thừng lủng lẳng trên giường.)

TẦM (Níu lấy anh) - Sao anh lại... Anh định bỏ em thật đấy thôi anh ơi!
CỤ CANH - Sao mày nghĩ dở thế cháu. Việc gì mà chết. Còn có em Tầm mày, còn có cái Thuỷ kia. Còn có ông đây. Còn có dân làng người nọ người kia nữa chứ. Ai để mày chết!
CHUNG - Nhưng người ta buộc cho cháu cái tội phản động giết mẹ. Cháu còn khổ đến đâu nữa?
CỤ CANH - Vu oan giá hoạ thế nào được? Hôm ấy u mày phải cảm chết. Tao sang tao biết rõ ràng.
CHUNG (Chợt nghĩ) - Thế ông sang để đèn điếu ở giường phải không ông?
TẦM - Cháu họp về còn thấy đèn điếu ở giường này này.
CỤ CANH - Khổ thật. Tao để đấy chứ ai.
CHUNG - Chính ông sang chơi tối hôm u cháu mất?
CỤ CANH - Ừ mà lại. Tao đem điếu ra hút. Khi về còn vặn đèn nhỏ li ti bằng hạt đỗ cho u mày. Tao đấy. Khổ thật. Họp xóm chẳng dám nói ra. Tối hôm ấy u mày đóng cổng, phải cảm ngã dúi dụi ở chân bụi chuối kia, may có tao xuống bến thấy nằm vật ra đấy mới dìu vào trong nhà. U mày còn chuyện trò được. Lúc tao về u mày còn bảo vặn đèn nhỏ cho cái Tầm nó đi họp về kia mà. Ai ngờ u mày mất lúc nào không biết.
CHUNG - Đúng là u cháu bị cảm lạnh rồi.
THUỶ - Sao ông không gọi em Tầm ngay, may ra còn cứu chữa được cho u cháu.
CỤ CANH - Ấy thế còn nói gì. Lúc ấy bà cụ còn tỉnh, bà cụ bảo không phải gọi, ai biết đâu đến nông nỗi này. Tao cứ ân hận mãi. Nghĩ chỉ thương u mày chết phải cái lúc này.
CHUNG - Việc rõ ràng như thế mà cháu cứ phải chịu tiếng giết mẹ suốt đời (nhìn thừng tức tối). Cháu không bó tay chịu chết được nữa, không thể để lầm lẫn được mãi.
THUỶ (nhìn Chung thương xót) - Đã sống chết có nhau… việc này cháu phải nói mà ông cũng phải nói... Ông phải đứng ra ông nói.
CỤ CANH - Ấy nói chứ. Đến thế này tao nói. Tao phải nói hết với dân làng, với đội. Tâm địa ông con ta ngay thẳng, không lẽ lại chịu ép một bề mãi được, chúng mày ạ (bảo với Chung). Mày nghe ông. Cây ngay chẳng sợ chết đứng. Sóng gió này cũng qua giờ thôi. Rồi ra phải có lúc trời quang mây tạnh chứ. (với Thuỷ) Thôi mày ở đây thêm khó ra. Mày ra bến tao cho con đò đưa về rồi tối mày lại sang. Nhất định ông con mình phải làm cho ra nhẽ…

(Cụ Canh vội vã ra cửa. Thuỷ nhìn Chung yên lặng dặn dò rồi ra theo. Chung bàng hoàng. Một lát lâu. Như vừa thoát nạn, dáng người tỉnh táo hẳn lên, nhanh nhẹn cầm dao trèo lên giường.)

TẦM (hốt hoảng) - Kìa anh.
CHUNG (chém đứt thừng) - Chết thế nào... (cười bảo em) Mày lại sắp sớn sác lên như u ấy thôi. Có gạo mới rồi đấy. Đem thổi cúng u đi. Bây giờ có tù tội cũng cóc cần...
TẦM - Thổi chỗ gạo chị Thuỷ hở anh?
CHUNG - Ừ, còn gạo nào nữa...
TẦM (nhìn ra sông) - Anh xem kìa. Cụ Canh chèo thuyền, chị Thuỷ chị ấy ngồi đằng mũi, trông y như ngày xưa du kích đánh xong bốt Ngà rút sang sông ấy nhỉ?...

(Chung yên lặng ra phía cửa sổ. Trời sáng rõ. Ánh nắng ửng hồng. Tiếng nói cười gọi đò rộn rã dưới bến. Một tiếng sáo tha thiết bên kia sông vẳng lại.)

Màn từ từ hạ.

(Trích báo Văn số 16 và 17 ngày 23 và 30 tháng 8-1957)

Nguồn: Hoàng Văn Chí, Trăm hoa Ä‘ua nở trên đất Bắc. Mặt trận Bảo vệ Tá»± do Văn hoá xuất bản, Sài Gòn 1959. 318 trang. Nguyệt san Ngày về tái bản, HÆ°á»›ng Việt phát hành. In tại nhà in Lion Press, 3018 Akron Ct, Denver Co. 80231. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.