Từ ngày sinh hoạt viết tiếng Việt bằng máy tính trở nên phổ biến, có một câu hỏi thường được đặt ra là phải đánh dấu thanh thế nào mới đúng. Câu hỏi này đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Nhìn vào những văn bản tiếng Việt trên internet, báo chí, sách vở trong mấy năm trở lại đây, hẳn ai cũng nhận thấy cách đánh dấu thanh không còn thống nhất. Cũng cùng một chữ mà có nhiều kiểu đánh dấu thanh khác nhau:
hóa/ hoá, lọai/loại, Thúy/Thuý, qủa/quả, của/cuả, v.v.
Đối với công nghệ thông tin, tính thiếu thống nhất bao giờ cũng là một vấn đề lớn. Chính người Việt cũng mắc phải sai lầm và không phải lần đầu. Thiếu thống nhất về phông chữ Việt trong quá khứ là một bài học điển hình. Sự góp mặt của quá nhiều loại phông (VNI, VNU, TCVN, VPS, ThinArt, Vietware, ...) đã sản sinh ra vô số khó khăn cho công việc biên tập, lưu trữ, tìm kiếm thông tin.
Thiếu thống nhất về cách đánh dấu thanh trong tiếng Việt cũng dẫn đến hậu quả tương tự. Vấn đề càng nan giải khi dung lượng dữ liệu ngày càng trở nên khổng lồ. Đến lúc đó để mà đưa tất cả vào vòng trật tự, chắc chắn không phải là một việc dễ dàng. Mặt khác, hãy nhìn xa hơn nữa, khi Việt Nam cũng có nhu cầu dùng tin học để tự động hóa việc xử lý văn bản tiếng Việt như các xứ tiên tiến đã làm, chắc chắn các nhà khoa học Việt Nam sẽ gặp khó khăn, mà ngay bước đầu là tiến hành xây dựng một băng dữ liệu từ vựng chuẩn cho tiếng Việt.
Đừng nói đến công nghệ thông tin cho cao xa, ngay việc dạy học sinh tiểu học tập viết bình thường cũng đã là một vấn đề. Giả sử có một học sinh hoặc phụ huynh nào thắc mắc, tại sao phải bỏ dấu ở chỗ đó mà không ở chỗ khác, chắc chắn không có một giáo viên nào có thể giải thích được.
Vì sao có sự thiếu thống nhất về cách đánh dấu thanh trong tiếng Việt? Trừ trường hợp không có quy tắc, một điều không thể xảy ra, câu trả lời chỉ có thể là:
- Hoặc vì không nắm vững một quy tắc duy nhất đã có từ lâu.
- Hoặc vì hôm nay có nhiều quy tắc khác nhau và mỗi người chuộng một quy tắc riêng.
Muốn giải quyết vấn đề, đối với trường hợp 1 không khó, chỉ cần làm rõ quy tắc có sẵn một lần nữa và người sử dụng nên nắm vững. Trường hợp 2 mới khó. Một quy tắc được cải cách hẳn phải có lý do. Đây là trường hợp cần được thảo luận.
*
Để hiểu rõ vấn đề, trước hết chúng ta thử tìm hiểu sơ về đặc điểm ngữ âm, cấu trúc âm tiết tiếng Việt được ghi lại bằng chữ Quốc ngữ và thanh điệu của nó.
Đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt
Tiếng Việt là một
ngôn ngữ đơn âm tiết (monosyllabic language). Mỗi âm tiết trong lời nói được phát âm thành một
tiếng hoàn chỉnh và có thể ghi lại bằng một
chữ. Câu "Ta nói tiếng Việt" được phát âm thành từng tiếng một: [Ta] [nói] [tiếng] [Việt]. Bốn tiếng này được ghi lại bằng bốn chữ: "Ta", "nói", "tiếng", "Việt".
Khác tiếng Việt, mỗi từ đơn của loại
ngôn ngữ đa âm tiết (polysyllabic language) (Anh, Đức, Pháp, v.v.) có thể chứa nhiều âm tiết. Câu tiếng Đức "Wir sprechen Vietnamesisch" ("Ta nói tiếng Việt") sẽ được phát âm thành: [Wir] [spre] [chen] [Vi] [iet] [na] [me] [sisch].
Trong khi người Đức phát âm một từ đơn tiếng Đức như "sprechen" thành hai tiếng [spre] và [chen], thì người Việt chỉ có thể phát âm một từ đơn tiếng Việt thành một tiếng, như "nói" là [nói], chứ không cắt rời thành hai âm tiết riêng biệt [no] và [í], hoặc "Việt" là [Việt], chứ không cắt rời thành hai tiếng theo kiểu phát âm chậm của người Đức: [Vi]-[iệt].
Đó là nét khác biệt căn bản của ngôn ngữ đơn âm tiết so với ngôn ngữ đa âm tiết.
Cấu trúc âm tiết tiếng Việt được ghi lại bằng chữ Quốc ngữ
Mỗi
chữ trong tiếng Việt có khả năng biểu thị ba thành phần của âm tiết: phụ âm, nguyên âm và thanh điệu. Cấu trúc một chữ ghi lại âm tiết tiếng Việt có dạng chung:
Mỗi đoạn phụ âm (đầu/cuối) có thể chứa một tổ hợp phụ âm ("ng", "nh", ...), hoặc chỉ có một phụ âm ("n", "g", "t", "h", ...), hoặc một tổ hợp gồm phụ âm và nguyên âm ("qu", "gi"). Mỗi đoạn nguyên âm có thể chứa một tổ hợp nguyên âm ("uyê", "ươ", ...) hoặc chỉ có một nguyên âm ("u", "y", "ê", "ư", "ơ", ...).
Tổng cộng có 4 trường hợp thực tế:
- Âm tiết chỉ có đoạn nguyên âm
- Âm tiết chỉ có đoạn phụ âm đầu + đoạn nguyên âm
- Âm tiết chỉ có đoạn nguyên âm + đoạn phụ âm cuối
- Âm tiết có đủ 3 đoạn: đoạn phụ âm đầu + đoạn nguyên âm + đoạn phụ âm cuối
Loại âm tiết đơn giản nhất chỉ có nguyên âm. Một âm tiết có thể thiếu phụ âm nhưng không thể thiếu nguyên âm bởi đó là hạt nhân của âm tiết. Một âm tiết có thể không có đoạn phụ âm đầu nhưng nhiều khi không thể thiếu đoạn phụ âm cuối cũng như thanh điệu. Ngược lại, có trường hợp không được chứa đoạn phụ âm cuối. Xem thử một phân tích một chuỗi âm tiết bằng phương pháp tỉnh lược. Ví dụ một câu mẫu:
- Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm tiết.
Lược bỏ mọi
đoạn phụ âm cuối trong câu, ta có:
- Tiế Việ là mộ ngô ngữ đơ â tiế
"Tiế", "Việ", "â" là các trường hợp không phát âm được đối với người Việt. Đó không phải là âm tiết. Ngược lại, lược bỏ mọi
đoạn phụ âm đầu thì mọi tiếng đều phát âm được:
- iếng iệt à ột ôn ữ ơn âm iết
Lược bỏ hết mọi
đoạn phụ âm đầu và
đoạn phụ âm cuối trong câu mẫu, ta có:
"iế", "iệ", "â" là các trường hợp người Việt không chấp nhận vì mất
đoạn phụ âm cuối ("ng", "t", "n", "m").
Mặt khác, lược bỏ hết dấu thanh trong "iếng iệt à ột ôn ữ ơn âm iết", ta có:
- iêng iêt a ôt ôn ư ơn âm iêt
Đối với người Việt, "iêt", "ôt" không phát âm được do mất dấu nặng. Đó không phải là âm tiết. "Ôt" không phải là âm tiết nhưng bỏ "t" đi thì lại thành âm tiết "ô".
Kết quả phân tích cho thấy, so với đoạn phụ âm đầu, thì đoạn phụ âm cuối và thanh điệu gắn bó với âm tiết nhiều hơn và nhiều khi không thể thiếu hoặc thừa. Hãy gọi: đoạn nguyên âm + đoạn phụ âm cuối là
vận mẫu. Ví dụ: "Nguyên"
Thanh điệu trong tiếng Việt
Tiếng Việt cũng là một
ngôn ngữ thanh điệu (tone-language). Nguyên thủy có 8 thanh điệu bao gồm 2 yếu tố:
âm vực và
âm điệu. Âm vực có 2 mức độ:
phù (cao) và
trầm (thấp). Âm điệu được chia thành
bằng và
trắc. Bằng là
bình. Trắc gồm
thướng, khứ, nhập. Nhân 2 âm vực với 4 âm điệu, ta được 8 trường hợp. Xin mượn một ví dụ của Cao Xuân Hạo (1998:82) "an", "ản", "án", "àn", "ãn", "ạn", "át", "ạt":
Ví dụ trên cho thấy thanh điệu còn lệ thuộc vào đoạn phụ âm cuối ("n", "t") (như đã thấy qua phân tích bằng phép tỉnh lược bên trên). Hai loại thanh trắc khứ/nhập kết hợp với phù/trầm cho ra 4 trường hợp:
phù-khứ ("án"),
phù-nhập ("át"),
trầm-khứ ("ạn"), trầm-nhập ("ạt").
Đó âm hệ của tiếng Việt.
Từ khi dùng chữ Quốc ngữ làm chữ viết, người Việt có thể diễn tả thanh điệu một tiếng bằng một ký tự nhất định. Tuy vậy, cũng chỉ được 6 thay vì 8, nghĩa là mất 2. Hai thanh
phù-khứ, phù-trầm nhập lại thành một, hai thanh
trầm-khứ, trầm-nhập cũng nhập lại thành một. Vị chi chỉ còn 2 thay vì 4.
Trong chữ Quốc ngữ, sáu thanh điệu được biểu thị bằng các dấu: sắc (´), hỏi (?), huyền (‘), ngã (~), nặng (.) và không dấu dành cho thanh ngang (phù-bình).
Đặt vấn đề
Đã hiểu các đặc điểm ngữ âm, cấu trúc âm tiết ghi bằng chữ, thanh điệu tiếng Việt, nay chúng ta hãy tự hỏi và suy ngẫm:
- Mục đích đánh dấu thanh trong tiếng Việt xưa nay là gì?
Câu hỏi này không khó trả lời. Bởi vì như đã biết, tiếng Việt là một ngôn ngữ thanh điệu; từ khi dùng chữ Quốc ngữ, người Việt có thể ghi chú thanh điệu một tiếng bằng một ký tự nhất định. Quy tắc đánh dấu thanh chữ viết tiếng Việt xưa nay chỉ thuần quy ước, được đưa ra chỉ nhằm một mục đích duy nhất là ghi chú một âm tiết có thanh điệu gì, ngoài ra không ghi chú thêm gì khác.
Trong quá khứ, ít nhất là trước năm 1975, đã có một quy tắc đánh dấu thanh nhất định và đã được sử dụng tuyệt đối nhất quán. Điều này có thể kiểm chứng qua tất cả các văn bản (báo chí, sách vở, tài liệu, từ điển [1] ) đã được phát hành thời ấy, ít ra là ở miền Nam. Quy tắc ấy ra sao, sẽ nói sau.
- Khi xưa ta viết "hóa", nay có đề nghị viết "hoá", khi xưa ta viết "háo", nay vẫn viết "háo" mà không viết "haó". Tại sao các nhà ngôn ngữ học Việt Nam lại đề nghị như thế ? Điển hình là đề nghị của Vũ Xuân Lương, Hoàng Phê [2] Đoàn Xuân Kiên [3] , đại ý là: "Với những âm tiết kết thúc bằng oa, oe, uy, dấu thanh được đặt vào con chữ nguyên âm chót. V.d. hoạ, hoè, huỷ, loà xoà, loé, suý, thuỷ" (xin xem quy tắc 4 của Vũ Xuân Lương cuối bài).
Trong khi Vũ Xuân Lương và Hoàng Phê không đưa ra một kết quả phân tích ngữ âm nào, thì Đoàn Xuân Kiên đã cố gắng dùng lý thuyết ngữ âm học để giải thích. Thế nhưng cách giải thích của Đoàn Xuân Kiên không đúng bài bản chung mà giới ngôn ngữ học thường dùng. Sẽ xin được phép chứng minh bên dưới.
Khảo sát thanh điệu trong ngữ âm học thanh học
Có nhiều câu hỏi được đặt ra. Thanh điệu xuất hiện ở đâu trong âm tiết? Nó là son phấn hay là một phần tử nội tại của âm tiết?
Muốn giải đáp các câu hỏi trên, chúng ta phải nhờ đến ngữ âm học thanh học (acoustic phonetics). Lĩnh vực này cho phép khảo sát nhiều yếu tố trong âm tiết, song chúng ta chỉ tập trung vào cái cần tìm hiểu là thanh điệu. Để làm công việc này cho dễ dàng, chúng ta sẽ dùng một phu phẩm (software) phân tích âm Speech Analyzer, v.d. CECIL (Computerized Extraction of Components of Intonation in Language) của SIL International
[4] .
Trước hết hãy tìm hiểu sơ qua cách khảo sát tiếng/âm về mặt vật lý.
Chúng ta biết, mỗi tiếng động đều tạo nên chấn động trong không khí. Chấn động làm ra sóng. Sóng có thể được ghi lại dưới dạng một hàm số.
Ví dụ, cầm cuốn sách đập cái rầm lên mặt bàn, chúng ta có thể thu lại tiếng động ấy bằng nhu phẩm phân tích âm vừa kể. Tiếng động ấy được cất giữ dưới dạng một hàm số có đường biểu diễn đại để như sau:
|
Hình 1: Biểu đồ sóng mô tả tiếng đập rầm một cuốn sách lên mặt bàn. (Nguồn: A Field Manual of Acoustic Phonetics. Joan L.G. Baart (1999). SIL International) |
Tựa vậy, tiếng nói con người cũng tạo nên chấn động và có thể được ghi lại dưới dạng một hàm số tuần hoàn (sine/cosine).
|
Hình 2: Biểu đồ mô tả hình sóng (waveform) của âm [ou] trong "boat". (Nguồn: A Field Manual of Acoustic Phonetics. Joan L.G. Baart (1999). SIL International). Biểu đồ phóng đại chi tiết cho thấy hình sóng của âm [ou] bao gồm những đoạn sine/cosine nhỏ, đồng dạng lặp lại 5-6 lần một cách tuần hoàn theo trục thời gian t nằm ngang. |
Thay vì nhìn chi tiết, chúng ta cũng có thể nhìn toàn cảnh một chuỗi tiếng, v.d. khi phát âm cả câu như "Say boat again":
|
Hình 3: Biểu đồ hình sóng (waveform) mô tả mọi âm tiết của câu "Say boat again". Chỗ khoanh tròn là âm [ou] của từ "boat". (Nguồn: A Field Manual of Acoustic Phonetics. Joan L.G. Baart (1999). SIL International). [ou] có biên độ cao nhất (được đánh dấu bằng hai gạch ngang); chỗ được nhấn mạnh (stressed), được coi là trọng âm trong toàn chuỗi âm. |
Hình sóng không mô tả thanh điệu. Muốn khảo sát thanh điệu, giới ngôn ngữ học dùng
tần số cơ bản F0 (fundamental frequency F0).
Xem thử một ví dụ tiếng Việt với 6 thanh điệu. Đơn giản nhất là khảo sát một tiếng chỉ có một nguyên âm duy nhất, v.d. "a" với 6 thanh điệu: "a", "á", "à", "ả", "ã", "ạ".
|
Hình 4: Biểu đồ diễn tả 6 thanh điệu của nguyên âm "a". (Người phát âm: tác giả, nam, giọng Bắc) |
Hình 4 gồm có hai khung: khung trên biểu diễn hình sóng của âm tiết, khung dưới biểu diễn
tần số cơ bản F0. Mỗi âm tiết "a", "á", "à", ... nằm gọn trong một
chiết đoạn (segment) được giới hạn bằng hai gạch thẳng đứng.
F0 là hàm biểu diễn thanh điệu và ở đây là của từng âm tiết: "a", "á", "à", "ả", "ã", "ạ".
Rất dễ nhận diện thanh điệu mỗi âm tiết qua khoảng tần số:
- [a]: 100 Hz. Đường biểu diễn F0 coi như nằm ngang biểu diễn thanh ngang.
- [a1] (ký hiệu cho [á]) [5] : 100Hz →130Hz. Đường biểu diễn F0 có huynh hướng vút lên cao, biểu diễn thanh sắc.
- [a2] (= [à]): khoảng 80Hz → 65Hz. Đường biểu diễn F0 có huynh hướng chúc xuống, biểu diễn thanh huyền. Tần số khởi đầu của [à] thấp hơn [a].
- [a3] (= [ả]): khoảng 65Hz →105Hz. Đường biểu diễn F0 mới đầu chúc xuống, biểu diễn thanh huyền rồi vút lên cao, biểu diễn thanh sắc.
- [a4] (= [ã]): khoảng 80Hz → 140Hz. Đường biểu diễn F0, khởi đầu từ 80Hz đi lên, chúc xuống biểu diễn thanh nặng (huyền hoặc ngang), có thể bị ngắt đoạn rồi vút lên thật cao, biểu diễn thanh sắc.
- [a5] (= [ạ]): khoảng 90Hz → 60-Hz. Đường biểu diễn F0, khởi đầu từ 90Hz chúc xuống sâu, biểu diễn thanh nặng. Thời gian F0 thanh nặng có thể ngắn hơn thời gian F0 các thanh khác.
Có hai loại thanh điệu: một hướng (thanh ngang, sắc, hỏi, nặng) và hai hướng (hỏi, ngã). Ở loại thanh điệu một hướng, chuyển động F0 chỉ đi một chiều. Ở loại hai hướng, chuyển động F0 đi xuống, uốn khúc (có thể đứt đoạn) và đổi chiều đi lên. Thực ra ở loại hai hướng, ta có hai âm với hai thanh điệu chập lại một. V.d. âm tiết "ã" là sự cộng hưởng của hai âm [ạ] và [á]. Thay vì là [ạ], âm thứ nhất cũng có thể là [a] hoặc [à], tùy theo người phát âm. Đôi khi có một ranh giới giữa âm trước và âm sau (xem hình 5a):
|
Hình 5a: Biểu đồ mô tả 3 âm tiết "á", "ả", "ã" theo thứ tự từ trái sang phải. F0 thanh sắc của [á] chuyển động một chiều (lên). F0 thanh hỏi của [ả] chuyển động hai chiều (xuống rồi lên). F0 thanh ngã của [ã] tựa vậy nhưng có thể đứt khúc ngay điểm uốn. |
Tiếp tục thử nghiệm với trường hợp một âm tiết gồm đoạn phụ âm đầu + đoạn nguyên âm, v.d. "ma", "má", "mà", "mả", "mã", "mạ":
|
Hình 5: Biểu đồ mô tả 6 âm tiết "ma", "má", "mà", "mả", "mã", "mạ". Dạng F0 ở đây trông giống như trường hợp ở "a", "á", "à", "ả", "ã", "ạ" (hình 4). Trên thực tế, khu vực âm [m] cũng chứa thanh điệu dù rất ít. |
Thử nghiệm với 2 trường hợp còn lại dưới đây, ta đều có hình dạng F0 tương tự.
- Âm tiết gồm đoạn nguyên âm + đoạn phụ âm cuối, v.d. "an", "án", "àn", "ản", "ãn", "ạn" (xin xem hình 7)
- Âm tiết gồm đoạn phụ âm đầu + đoạn nguyên âm + đoạn phụ âm cuối, v.d. "man", "mán", "màn", "mản", "mãn", "mạn" (xin xem chi tiết Dũng Vũ 2006).
Tóm lại, các chuyển động của đường biểu diễn F0 có thể được đơn giản hóa bằng những dạng sau:
|
Hình 6: Dạng F0 đơn giản diễn tả 6 thanh điệu trong tiếng Việt. |
Nếu lấy chuyển động F0 nằm ngang cho trường hợp thanh ngang (không dấu), ta thấy:
- F0 của thanh huyền nằm bên dưới và chúc xuống.
- F0 của thanh nặng nằm bên dưới hoặc ngang với thanh ngang và chúc xuống sâu hơn.
- F0 của thanh hỏi nằm bên dưới, chúc xuống diễn tả thanh huyền rồi vút cao lên diễn tả thanh sắc.
- F0 của thanh ngã tương tự F0 của thanh hỏi, nhưng nằm cao hơn, cũng chúc xuống diễn tả thanh nặng (ngang hoặc huyền, tùy người phát âm) rồi vút lên thật cao diễn tả thanh sắc.
- F0 của thanh sắc chỉ vút lên cao. Tuy vậy, không thể kết luận, điểm kết thúc F0 của thanh sắc cao hơn điểm kết thúc F0 của thanh ngã. Thậm chí trong đa số trường hợp thử nghiệm, điểm kết thúc F0 của thanh sắc đều thấp hơn điểm kết thúc F0 của thanh ngã. Điều này ngược lại với nhận xét xưa nay: thanh sắc là thanh cao nhất.
Nói tóm lại, tần số cơ bản F0 là một yếu tố không thể thiếu trong việc khảo sát thanh điệu. Có thể xem thêm các khảo sát (ở mục tài liệu tham khảo) của W. Gu et. al về tiếng Quảng Đông, hoặc Do Tu Trong, T. Takara, Nguyen Hung Bach, Mai Chi Luong, H. Mixdorf về tiếng Việt, hoặc H. Fujisaki và K. Kirose về tiếng Nhật. Chỉ có cách giải thích thanh điệu của Đoàn Xuân Kiên là hoàn toàn khác hẳn; không thấy đề cập đến yếu tố F0
[6] .
© 2006 talawas
[1]Riêng về từ điển, có thể xem:
Huình Tịnh Của (1895)
Đại Nam quấc âm tự vị. Rey, Curiol & Cie: Saigon
Đào Duy Anh (1957)
Hán Việt từ điển. Trường Thi: Sài Gòn
Nguyễn Lương Ngọc (1971) (chủ biên)
Từ điển học sinh. Nxb Giáo Dục: Hà Nội. Điều này chứng tỏ cách đánh dấu thanh truyền thống cũng được dùng ở miền Bắc. Phiên bản được in lại lần thứ ba tại
sở giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, 1997 cũng giữ nguyên cách đánh dấu thanh truyền thống.
[2]Vũ Xuân Lương: “Quy tắc đặt dấu thanh trong tiếng Việt”, Trung Tâm Từ Điển Học
http://vietlex.com/vietnamese/quytacbodau.html,
Hoàng Phê chủ nhiệm trang Trung Tâm Từ Điển Học:
http://www.vietlex.com/ [3]Đoàn Xuân Kiên: “Bàn về chuyện ‘đánh dấu thanh’ trong tiếng Việt”.
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=94&rb=07[4]SIL (Sommer Institute of Linguistics): Speech Analyzer. JAARS - CCS, Waxhaw, NC, © 1996-2001
[5]Giới ngữ âm học thường dùng những con số 1, 2, 3, ... và ghi chú giống như cách biểu thị số lũy thừa để biểu diễn những thanh điệu sắc, huyền, hỏi, ngã, ... v.d. [a1] có nghĩa là [á], [a2] = [à], [a3] = [ả], v.v. Xin lưu ý: Thứ tự đánh số trong bài không nhất thiết phải giống như thứ tự đánh số thường thấy trong các thử nghiệm tiếng Mandarin. Chủ ý của sự sắp xếp thanh điệu nằm cận nhau ở đây là để tiện so sánh chuyển động F0 của cặp thanh sắc và thanh huyền, độ uốn khúc F0 của cặp thanh hỏi và thanh ngã, và chuyển động F0 đi xuống của cặp thanh ngã và thanh nặng.
[6]Đoàn Xuân Kiên: “Bàn về chuyện ‘đánh dấu thanh’ trong tiếng Việt”. Bđd.