Góp ý vá»›i Dá»± thảo Báo cáo ChÃnh trị trình Äại há»™i X Äảng Cá»™ng sản Việt Nam
4.3. Mục tiêu và phương hướng trong 5 năm 2006-2010
Như phân tích trong phần 4.1 và 4.2, cho thấy rất rõ những thách thức đối với chính Đảng ta trong quá trình lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy, trong 5 năm tới Đảng ta cần phải làm gì?
Sau khi xem nội dung này trong bản dự thảo, tôi thấy dự thảo đang đặt ra “
mục tiêu và phương hướng phát triển đất nước” cho một giai đoạn cụ thể. Tiêu đề của phần này thể hiện sự bao biện và làm thay của Đảng đối với Quốc hội và Chính phủ, và điều này hoàn trái với chính những gì mà Đảng hàng ngày vẫn khẳng định.
Theo tôi mục tiêu bao trùm đã được phát biểu ngay trong chủ đề của Đại hội, như vậy trong phần này cần đặt ra những mục tiêu mà một nhiệm kỳ Đại hội của một Đảng cầm quyền cần phải thực hiện với vai trò lãnh đạo công cuộc xây dựng nhà nước, hơn là chúng ta xác định các nhiệm vụ cụ thể thay cho các cơ quan nhà nước.
Nếu tất cả những gì đưa ra trong bản dự thảo này chỉ được điều chỉnh vi mô, thì hóa ra nhà nước của chúng ta không làm được những chức năng cần thiết của một nhà nước pháp quyền. Đảng đang đưa ra các kế hoạch thay cho Chính phủ và đặt ra các chỉ tiêu pháp lệnh thay cho Quốc hội.
Từ đó mục này cần được được điều chỉnh thành “mục tiêu và phương hướng cho công tác lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội X” với các mục tiêu cụ thể như sau:
- Thứ nhất: Hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng và hoạt động của nhà nước pháp quyền
- Thứ hai: Xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc
- Thứ ba: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.
Các nội dung cụ thể của ba mục tiêu trên được thể hiện dưới đây.
Mục tiêu thứ nhất: Hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng và hoạt động của nhà nước pháp quyền
Ở đây công việc chủ yếu là xây dựng cho được một phương thức Đảng lãnh đạo nhà nước phù hợp với tình hình mới, phát huy được ưu điểm của hình thức lãnh đạo một Đảng, đồng thời kết hợp được những ưu điểm của mô hình Đảng lãnh đạo nhà nước trong các chế độ đa đảng.
Đây chính là nhiệm vụ quan trọng nhất mà nhân dân Việt Nam đặt ra cho một đảng cầm quyền và cũng chính là nhiệm vụ mà Đảng ta có thể làm tốt nhất so với những nhiệm vụ khác mà Đảng không nên làm hay có làm cũng không phù hợp, chẳng hạn như trực tiếp làm kinh doanh (qua các công ty của đảng) hay thậm chí trực tiếp ra những chỉ thị nghị quyết mang tính điều hành nhà nước (nghị quyết 36 của Bộ chính trị về vấn đề Việt Kiều).
Nếu không hoàn thành được mục tiêu này, tức là Đảng ta thất bại trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của mình. Như vậy, cần xác định trong 5 năm tới đảng ta sẽ phải làm cho được những công việc cụ thể nào về vấn đề này chứ không phải là chỉ hô khẩu hiệu chung chung theo kiểu “Đảng không buông lỏng lãnh đạo đồng thời không bao biện làm thay”, “Khẩn trương nghiên cứu”, “Sớm xây dựng quy chế”… Chỉ nói như vậy thì không cần viết văn kiện Đại hội, cũng chả cần tổ chức một cái Đại hội to đùng, quy mô tốn kém tiền bạc của Đảng viên (Đảng phí) và của Nhân dân (Ngân sách).
Ở đây tôi xin nhấn mạnh việc toàn Đảng cần quán triệt sâu sắc mô hình lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước đã trở nên phổ quát trên toàn cầu như sau:
Đảng lãnh đạo thông qua Quốc hội
Đảng sẽ giới thiệu toàn bộ các đồng chí Ủy viên Trung ương cùng những đồng chí đảng viên có năng lực ở các cấp địa phương sẽ ra ứng cử để trở thành Đại biểu Quốc hội. Đồng chí Tổng Bí thư hoặc một vị lãnh đạo đảng nào đó sẽ làm lãnh đạo khối Đảng Cộng sản tại Quốc hội, vì trong thực tế hiện nay, đại biểu Quốc hội không chỉ là Đảng viên. Đồng chí Tổng Bí thư hay vị lãnh đạo Đảng nào đó sẽ là Chủ tịch Quốc hội, căn cứ vào thực tiễn của từng thời điểm để cử ai ứng cử chức vụ Chủ tịch Quốc hội.
Đảng Cộng sản chiếm đa số trong Quốc hội, cho nên khối Đảng Cộng sản trong Quốc hội sẽ đứng ra thành lập Chính phủ. Khi đó, các đồng chí được chọn làm Bộ trưởng trong Chính phủ sẽ tự động không còn là ủy viên trung ương nữa, mà chỉ là một Đảng viên bình thường, sinh hoạt theo điều lệ Đảng. Các đồng chí uỷ viên trung ương là Đại biểu Quốc hội thì hoàn toàn là Đại biểu biểu chuyên trách, không kiêm nhiệm các chức vụ lãnh đạo địa phương hay Bộ, Ngành nữa. Khi đó, chúng ta mới tạo được mâu thuẫn nội tại trong các cơ quan nhà nước và ngay trong hoạt động của Đảng (giữa các ông uỷ viên trung ương là đại biểu Quốc hội và các ông Đảng viên là thành viên Chính phủ và Lãnh đạo địa phương). Tạo ra được mâu thuẫn giữa các ông nghị và các ông Bộ trưởng, và Thủ tướng. Hiện nay, hầu hết các uỷ viên trung ương cũng là Đại biểu Quốc hội nhưng họ lại là đại biểu kiêm nhiệm, vì vậy hầu như họ không thể làm tròn chức năng của một ông lãnh đạo hành pháp hay tòa án, và đồng thời họ cũng không làm tròn vai của một ông đại biểu Quốc hội. Chúng ta đều thấy rõ hiện tượngn Đại biểu kiêm nhiệm ngồi ngây như phỗng trong các kỳ họp Quốc hội. Vì chẳng lẽ họ đứng lên chất vấn chính mình hay ông cấp trên của mình? Hãy để kỳ họp Quốc hội là cuộc đấu trí, so tài giữa những ông Đảng viên “không có mầu” (đại biểu Quốc hội) và những ông Đảng viên “có mầu” (Bộ trưởng, thành viên Chính phủ). Ông Bộ trưởng nào kém thì rớt đài, Quốc hội sẽ đưa ông khác ra thay, ông đó vẫn là Đảng viên Đảng Cộng sản hoặc do Đảng Cộng sản lựa chọn.
Hiến pháp nước ta quy định Quốc hội bầu chọn ra một ông Chủ tịch nhà nước. Như vậy, nếu ông Chủ tịch nước được Quốc hội bầu chọn là một Đảng viên, thì khi đó Đảng sẽ mời ông Chủ tịch nhà nước tạm thời rời khỏi Đảng, để đảm bảo ông là đại diện cho 84 triệu người dân chứ không chỉ đơn thuần là cho 3 triệu Đảng viên. Khi đó ông Chủ tịch nhà nước sẽ điều hành công việc của mình theo Hiến pháp và Pháp luật. Khi đó, sẽ có mâu thuẫn giữa ông Chủ tịch nhà nước (Nguyên thủ quốc gia) và Quốc hội (Cơ quan lập pháp do Đảng chiếm đa số). Hết nhiệm kỳ 5 năm, nếu ông Chủ tịch nước có nguyện vọng, ông sẽ tự động được trao lại quyền Đảng viên, nếu ông không có nguyện vọng là Đảng Viên, ông sẽ nghỉ hưu theo đúng chế độ của một nguyên thủ Quốc gia. Ông Chủ tịch nước đề xuất các ông Thủ tướng và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao để Quốc hội phê chuẩn, khi đó ông Thủ tướng (là người của Đảng Cộng sản - chiếm đa số trong Quốc hội - có thể là chính ông Tổng Bí thư) sẽ tiến hành công tác thành lập chính phủ theo Hiến pháp và Pháp luật. Ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khi đó sẽ rời khỏi cương vị Đảng viên cho đến hết thời gian công tác trên cương vị đó. Khi ông rời khỏi cương vị Chánh án, ông sẽ có thể tiếp tục trở thành Đảng viên nếu có nguyện vọng.
Nếu chúng ta làm như vậy, sẽ tạo ra được một động lực thực sự để phát triển nhà nước pháp quyền XHCN mà không tạo ra những xáo động quá lớn. Tiếp tục kế thừa được tính ổn định chính trị hiện tại, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời thực sự mở rộng dân chủ trong quá trình lãnh đạo nhà nước. Với phương án này, Đảng thông qua các đại diện trong trong Quốc hội sẽ thực sự làm công tác lập pháp. Đảng lãnh đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ thông qua hoạt động của các Đảng viên trong Quốc hội. Phương án này cũng tiết kiệm hơn, chắc chắn là sẽ rút ngắn được các kỳ hội nghị trung ương, và số lượng các kỳ họp trung ương vì các vị đó họp nhau ở Quốc hội suốt ngày rồi. Khi đó, các ông uỷ viên trung ương sẽ được lĩnh lương là Đại biểu Quốc hội, chứ không với tư cách uỷ viên trung ương nữa. Đảng không cần quá nhiều văn phòng, xe cộ và tài sản nữa, tiết kiệm được ngân sách của Đảng và giảm bớt tỷ lệ sử dụng ngân sách Chính phủ cho hoạt động của Đảng. Tiến tới, ngân sách Chính phủ chỉ cung cấp cho các chi phí thuê trụ sở của Đảng, còn các hoạt động hàng ngày của Đảng phải được tự chi trả bằng Đảng phí và các nguồn thu từ kinh doanh tài chính ngân quỹ Đảng phí của Đảng. Hơn nữa, ta làm như thế này thì không còn phải lo việc đồng chí Tổng bí thư đi thăm nước ngoài sẽ được đón tiếp theo nghi thức nào. Nếu Tổng bí thư là Chủ tịch Quốc hội thì sẽ theo nghi thức Chủ tịch Quốc hội, nếu ông là Thủ tướng thì ông sẽ được đón tiếp theo nghi thức Thủ tướng, nếu ông làm Chủ tịch nước thì thôi, không làm Tổng bí thư nữa mà sẽ là nguyên thủ quôc gia theo đầy đủ ý nghĩa của từ này. Mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng tương tự ở cấp tỉnh, huyện, xã. Đối với cấp thành phố, cần xep xét việc xóa bỏ một cấp trung gian hoặc là cấp quận hoặc là cấp phường, hướng tới xây dựng chính quyền đô thị hiện đại.
Theo tôi, khoảng 2 nhiệm kỳ là mô hình nhà nước này sẽ hoàn thiện. Khi đó chúng ta có thể tuyên bố một cách vui vẻ với thế giới rằng đấy là mô hình nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện một đảng lãnh đạo, mời các bác đến mà tham quan, học tập kinh nghiệm.
Như vậy câu hỏi cần được thảo luận, mổ xẻ, và đi đến quyết định trong Đại hội lúc này sẽ là: Những công việc cụ thể nào cần làm? Đâu là mốc thời gian thực hiện? kinh phí đâu để thực hiện? Việc đề xuất những nội dung cụ thể và các mốc thời gian này mới chính là cái mà dự thảo báo cáo chính trị cần đưa ra để thảo luận.
Còn các nội dung như: Hoàn thiện nền kinh tế thị trường XHCN, thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa, Phát triển giáo dục đào tạo, y tế, thể thao; Công bằng xã hội, Văn hóa tinh thần, Quốc phòng an ninh, Đối ngoại là các nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước. Các mục tiêu cụ thể cho các lĩnh vực đó sẽ do Chính phủ và Quốc hội xây dựng và quyết định, nhân dân sẽ thực hiện và giám sát, Đảng không bao biện, không làm thay. Những Đảng viên ra ứng cử và trúng cử vào các nhiệm vụ của nhà nước sẽ cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng trong hoạt động của các cơ quan này.
Mục tiêu thứ hai: Xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc
Vai trò, chức năng của các tổ chức chính trị-xã hội và nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể nhân dân sẽ do bản thân các tổ chức đó quy định trong khuôn khổ của Luật pháp. Đảng cần quan hệ hợp tác, đoàn kết với các tổ chức đó một cách bình đẳng đảm bảo mục tiêu chung cho sự nghiệp đổi mới đất nước, chấn hưng dân tộc. Trong nhiệm kỳ tới, Đảng ta phải thực sự nghiêm túc đánh giá xem các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân hiện nay có phải là đối tác thực sự, cần thiết có thể giúp Đảng giải quyết những vấn đề có liên quan đến các nhóm nhân dân mà họ mang danh hay không? Hay họ chỉ là những đứa em bé dại mà Đảng ta cần bế ẵm, nuôi nấng?
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quá khứ có gì, và hiện tại ra sao? Đoàn ta được ghi nhận trong cả Điều lệ Đảng và Điều lệ Đoàn là đội hậu bị, là cánh tay đắc lực của Đảng. Tuy nhiên, hình ảnh của Đoàn ta sao ngày càng mờ nhạt, ngoài vai trò cũng mờ nhạt là người giới thiệu thứ nhất khi kết nạp Đảng viên trẻ. Nhìn những vị cựu bí thư thứ nhất trung ương Đoàn hiện đang trên các cương vị công tác thì cũng có thể thấy vai trò hậu bị chuyên nghiệp của Đoàn.
Hội cựu chiến binh thì sao? Sau một thời gian làm nòng cốt cho phong trào chống tham nhũng đến nay thấy rằng Hội Cựu chiến binh cũng thực sự đã “hết hơi”. Vụ Thái Bình cho thấy sự non kém về trình độ nhận thức, phương pháp tổ chức, kỹ năng hành động của chính các cựu chiến binh để dẫn cho phong trào chống tham nhũng ở đó trở thành một ví dụ xấu của mầm mống bạo loạn và tình trạng vô chính phủ.
Hội Phụ nữ thì sao? Ngày nay, hình ảnh Hội Phụ nữ trong quần chúng nhân dân ra sao? Hội làm được gì ngoài tham gia phát các dụng cụ tránh thai miễn phí theo các kỳ cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và viện trợ nước ngoài, và thỉnh thoảng là đại diện hòa giải (thường là thất bại) cho các cuộc ly. Hội đã làm gì để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ nói chung, nữ lao động, nữ công nhân, rồi cả những phụ nữ phải xa gia đình đi lao động ở nước ngoài. Rồi Hội Phụ nữ đã làm gì trong việc ngăn chặn tình trạng bạo hành gia đình, nạn tảo hôn, tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài như hiện nay?
Hội Nông dân Việt Nam, họ là ai? Người Nông dân có thực sự cần đến Hội Nông dân hay không? Hội có thực sự là đại diện cho nông dân hay không? Hay là Hội là nơi hạ cánh an toàn cho các cán bộ Đảng bị kỷ luật và thất sủng? Xin đơn cử ví dụ về ông Chủ tịch Hội nông dân nhiệm kỳ gần đây nhất chính là một ông Bí thư tỉnh ủy bị kỷ luật.
Cả Công đoàn nữa, những vụ đình công ở các khu công nghiệp phía Nam vừa qua là một ví dụ điển hình cho thấy Công đoàn hoàn toàn không có một vai trò nào trong việc bảo vệ quyền lợi cho người công nhân cả. Giai cấp công nhân có cần một tổ chức công đoàn yếu hèn , vô tác dụng như vậy hay không? Những vụ đình công tự phát đó còn thể hiện sự yếu kém của chính Đảng ta nữa, vai trò đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân đâu mất rồi?
Mặt trận Tổ quốc là nơi tập hợp những tổ chức chính trị xã hội ngoài Đảng và cả bản thân Đảng ta nữa, như vậy xét về quy mô, Mặt trận Tổ quốc = Đảng + N (các tổ chức khác). Nhưng nếu nghe báo chí nói về cuộc viếng thăm của đồng chí Tổng Bí thư đến Mặt trận thì thấy báo nói rằng “Đồng chí Tổng Bí thư căn dặn…”. Thậm chí nếu theo truyền thống Việt Nam, xét về tuổi tác, thì đồng chí Tổng Bí thư hiện nay chỉ đáng tuổi em của ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, em đến thăm anh sao lại “căn dặn”. Như vậy, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc phải cặn dặn lãnh đạo Đảng mới đúng chứ, sao ta lại làm điều ngược lại. Cá nhân tôi tin rằng đây là lỗi của người viết tin đăng trên báo chí chứ không phải là của cá nhân đồng chí Tổng Bí thư, là một người Việt hoàn toàn với truyền thống kính trên, nhường dưới vốn đã ăn sâu vào trong huyết quản. Nhưng nếu quả thực Mặt trận Tổ quốc là nơi để “Đảng căn dặn”, thì có lẽ cần xem xét lại là tổ chức này có thực sự là đối tác cần thiết với Đảng hay không.
Tóm lại, trong mục tiêu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, việc quan trọng là hợp tác, giúp đỡ, đấu tranh để giúp các tổ chức chính trị -xã hội thực sự là đối tác quan trọng, hữu hiệu, cùng với Đảng vạch ra kế sách phát triển đất nước, chấn hưng dân tộc, chứ không phải là những đứa em bé dại cần bế ẵm, chăm sóc.
Hợp tác là bình đẳng, hai chiều, chứ không phải một chiều. Để làm được vấn đề này, việc đầu tiên là Đảng cần giúp các tổ chức này có chỗ đứng độc lập trong nền chính trị đất nước, bằng việc thông qua luật pháp quy định sự bình đẳng của các tổ chức này đối với Đảng trước pháp luật. Đây chính là một phần trong nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng được thực hiện thông qua lãnh đạo Quốc hội. Luật sẽ quy định các tổ chức này chỉ được nhận trợ cấp ngân sách nhà nước bằng tiền thuê trụ sở (như đối với Đảng), các kinh phí khác dựa vào nguồn đóng góp của hội viên (Đoàn phí, Hội phí) và các nhà tài trợ do bản thân các hội tự vận động. Đảng không xác định mục tiêu hoạt động thay cho họ mà để cho họ tự làm trong khuôn khổ pháp luật do Quốc hội xây dựng nên. Họ làm đúng thì chính là họ đang thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, họ làm sai, tòa án sẽ xử họ theo đúng luật pháp để giúp họ điều chỉnh lại theo đúng đường lối. Đảng không bao biện, không làm thay là ở chỗ này.
Như vậy, cũng như mục tiêu thứ nhất, câu hỏi tiếp theo là: Những công việc cụ thể nào cần làm? Đâu là mốc thời gian thực hiện? Kinh phí đâu để thực hiện? Và cũng là việc đề xuất những nội dung cụ thể và các mốc thời gian này mới chính là cái mà dự thảo báo cáo chính trị cần đưa ra để thảo luận
Mục tiêu thứ 3: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng
Đây mới là mục tiêu quan trọng nhất và là nội dung sát sườn, cụ thể nhất đặt ra cho một nhiệm kỳ của bất kỳ đảng cầm quyền nào. Như đã nêu trên,
sự bất cập về năng lực lãnh đạo của Đảng chính là nguy cơ và thách thức lớn nhất của Đảng ta.
Đảng cầm quyền kém năng lực lãnh đạo dẫn đến sự yếu kém trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, dẫn đến sự suy giảm sức mạnh tổng thể của quốc gia. Các phân tích của tôi trong phần các thành tựu 20 năm đổi mới chỉ cho thấy rằng sự ổn định chính trị trong 20 năm qua, đó là việc chúng ta duy trì được những chức năng cần thiết của hệ thống xã hội khiến cho xã hội không bị hụt hẫng. Còn nếu nói đến hiệu quả và sức mạnh tổng thể thì tôi cho rằng chúng ta còn rất yếu kém, vẫn nằm ở ô thứ IV (hình 1).
Xin đơn cử một vài ví dụ như sau đây:
Về vấn đề an ninh quốc gia: Việc các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia hình thành ngày càng nhiều, hoạt động tội ác của chúng ngày càng gia tăng về quy mô và mức độ tinh vi, các hoạt động trung chuyển ma túy quốc tế, các đường dây buôn người ra nước ngoài thể hiện sự yếu kém của nhà nước với vai trò là người cung cấp dịch vụ an ninh quốc gia ở tầm vĩ mô. Việc xuất hiện các dịch vụ bảo kê của các nhóm xã hội đen đối với hoạt động kinh doanh ở địa phương và sự hình thành nhan nhản các công ty dịch vụ bảo vệ thể hiện cụ thể ở tầm vi mô sự yếu kém của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Hiện tượng người dân không dám tham gia đấu tranh chống tội phạm hình sự và các tội phạm khác là biểu hiện rõ ràng nhất, ở cấp thấp nhất (từng cá nhân) về sự yếu kém của dịch vụ an ninh nội địa.
Về vấn đề quản lý kinh tế: Hiện tượng người dân thích tiêu tiền mặt, giá trị rất lớn của nền kinh tế ngầm (khoảng 1/3 tổng GDP hiện nay) là những biểu hiện cơ bản của sự yếu kém trong quản lý kinh tế vĩ mô của nhà nước.
Xét về khả năng quản lý và điều tiết ngân sách chính phủ và các trợ cấp xã hội, thì tỷ lệ trốn thuế rất cao của doanh nghiệp, rồi hiện tượng làm giả hóa đơn để ăn cắp tiền hòan thuế xuất khẩu là những biểu hiện cụ thể đối với sự bất lực của nhà nước trong lĩnh vực này.
Tôi nêu những ví dụ trên không phải là việc bàn lẫn sang công việc của nhà nước mà để nói đến những hậu quả của sự bất cập trong năng lực lãnh đạo của Đảng. Những ví dụ trên để khẳng định, việc xác định những nhiệm vụ, những hành động thực tiễn của nội dung “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng” chính là quá trình cụ thể hóa mục tiêu bao trùm đã thể hiện trong chủ đề của Đại hội.
Đây không phải là ý kiến cá nhân của tôi, mà chúng ta có thể thấy sự quan tâm chú ý sát sao trong Đảng và ngoài xã hội về nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, thể hiện vai trò quan trọng của nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Có thể khẳng định, nếu không thực hiện được mục tiêu này thì đảng sẽ thất bại trong việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đồng thời việc thực hiện thành công nhiệm vụ này là sự thể hiện cao nhất việc chúng ta vượt qua được thách thức lớn nhất.
Như vậy,
cần làm gì để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng?
Theo tôi việc đầu tiên và quan trọng nhất là
công tác nhân sự của Đảng. Xin dẫn một câu của ông GS. William Duiker trong cuốn sách
Hồ Chí Minh: Một cuộc đời, về vai trò của Bác Hồ (nhân tài) đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và của Đảng như sau: “
Chúng ta sẽ không thể nào hình dung được kết cục của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam mà không gắn với hình ảnh ông Hồ Chí Minh mà thay vào đó là các gương mặt khác như ông Lê Duẩn hay ông Trường Chinh” (Duiker, 2001).
Như vậy có thể khẳng định câu hỏi “
làm sao để có nhân tài?” là câu hỏi lớn nhất mà câu trả lời của nó quyết định sự thành bại cho sự thành bại trong sự nghiệp của Đảng ta. Chúng ta không thể dùng cái câu “thời thế tạo anh hùng” để áp dụng trong thời đại ngày nay bởi vì trên thế giới đã có rất nhiều mô hình lý thuyết về quản lý và đào tạo nhân lực được áp dụng rất thành công trong các tổ chức, trên hầu hết các lĩnh vực từ chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa… Những người làm công tác nhân sự của Đảng phải học để biết, phải tham quan để thấy rồi áp dụng thành công trong tình hình cụ thể của Đảng ta hiện nay.
Lựa chọn nhân sự lãnh đạo một tổ chức trong thế giới ngày nay không thể nào dựa vào thành phần giai cấp, không thể nào dựa vào việc xem tướng số, nét mặt, chỉ tay, dáng đi, tai to hay tai bé, mắt rồng hay mắt lươn được nữa. Càng không thể dựa vào việc bố ông ta, anh ông ta, em ông ta, họ hàng ông ta là ai được.
Việc xây dựng chỉ tiêu lựa chọn nhân sự cũng không thể chỉ nói chung chung kiểu “sáng suốt lựa chọn những người vừa có Đức và có Tài” rồi “bố trí cán bộ ngang tầm nhiệm vụ”… Theo tôi cần xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ giữa Đức và Tài, cái gì là nguyên nhân và cái gí là hệ quả. Chúng ta không nên lấy chỉ tiêu lựa chọn cán bộ bằng cách diễn từ đơn giản câu nói của Bác Hồ về người có tài và người có đức mà không phân tích sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa Tài và Đức trong câu nói của Bác.
Theo tôi hiểu thì Tài là nguyên nhân và Đức là hệ quả. Một người có tài thực sự sẽ thấu hiểu được vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền lợi của mình sẽ
thực nhiệm tốt nhiệm vụ, hưởng thụ đúng quyền lợi trong khuôn khổ của Luật pháp và các quy định của tổ chức. Đó chính là mối quan hệ biện chứng của “Tài và Đức”.
Nếu nghiên cứu Tài và Đức theo Khổng giáo thì mối quan hệ này cũng tương tự như vậy. Tài lớn thì Đức lớn, Tài nhỏ thì Đức nhỏ. Trong các hệ tư tưởng hiện đại hơn như Duy vật luận của Mác hay như Biện chứng luận của Hegel, Tài và Đức cũng có quan hệ tương tự như vậy. Vì thế người ta thường ta tìm “
nhân tài” chứ đâu có tìm “
nhân đức”.
Cần khằng định rõ:
- Nhân tài không phải từ trên trời rơi xuống, nhân tài là kết tinh của quá trình lao động và rèn luyện.
- Nhân tài không nhất định phải là con em các vị lãnh đạo hay những người giàu có, nhân tài xuất hiện trong hoạt động xã hội, là con em của bất kỳ ai.
Chúng ta có cả một hệ thống trường Đảng từ trung ương đến địa phương, có cả trăm trường đại học, cao đẳng, có số lượng Tiến sĩ, GS., PGS. nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, có nhiều giải thưởng thi toán, lý, hóa… nhất khu vực,
nhân tài từ đó mà ra.
Tôi tin rằng chúng ta không quá thiếu nhân tài theo điều kiện hoàn cảnh của chính chúng ta hiện nay.
Vấn đề ở đây là Đảng ta có muốn dùng và có dùng được nhân tài hay không?
Về những bất cập trong bồi dưỡng và phát hiện nhân tài
Ta nói ta muốn dùng nhân tài, vậy thể hiện cái mong muốn đấy bằng cách nào, làm sao để nhân tài lộ phát?
Làm sao để có nhiều đảng viên từ 20 tuổi đến 90 tuổi dám tự đứng lên nhận mình là người tài, trình bày cương lĩnh hoạt động, khẳng định mình đủ năng lực và đạo đức để đảm đương các chức vụ lãnh đạo trong Đảng? Cơ chế bồi dưỡng và sử dụng cán bộ của Đảng hiện nay có tạo môi trường cho đảng viên làm điều đó hay không?
Chúng ta đang thiếu một quy trình và cơ chế giúp nhân tài về chính trị và quản lý nhà nước phát lộ. Trong Đảng ta, tôi thì tin rằng cứ giữ nguyên tất cả như điều lệ Đảng hiện nay và bỏ cái “chỉ đạo nhân sự cụ thể từ cấp trên” trong Đại hội đảng các cấp, thì chúng ta đã có thể giải quyết được một phần hết sức quan trọng trong vấn đề tìm kiếm nhân tài rồi. Tại sao chúng ta lại cứ làm những chuyện ngược đời như hiện nay? Thậm chí chỉ đạo từ cấp chi bộ, đến cả nhân sự ban chấp hành xã đoàn cũng được huyện đoàn và đảng ủy chỉ đạo, cài cắm.
Nói cụ thể về vấn đề chuẩn bị nhân sự Trung ương khóa X, việc này đáng ra Ban Tổ chức Trung ương đã phải có một quy trình hoàn thiện và dân chủ lắm rồi, nhưng theo như những hiện tượng đang diễn ra hiện nay thì việc giới thiệu nhân sự cho Ban chấp hành Trung ương hiện nay đang được một ban chuẩn bị nhân sự gồm đồng chí Tổng bí thư đương nhiệm, đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương đương nhiệm và một vài đồng chí khác chịu trách nhiệm giới thiệu.
Câu hỏi đầu tiên mà tất cả mọi đảng viên đều đặt ra là: Làm như vậy có đúng nguyên tắc dân chủ trong Đảng hay không? Có đúng với khẩu hiệu “thật sự dân chủ” hay không? Đáng ra là chúng ta cần để các đại biểu dự Đại hội tự do ứng cử và bầu cử chứ không phải là chuẩn bị sẵn như thế. Như nhiều đồng chí lão thành cách mạng đã từng có ý kiến phản ảnh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chuyển sang một thái cực khác đó là cứ ai xưng là nhân tài thì ta nhận. Hay là ta lượng hóa nhân tài thông qua bằng “tiến sĩ” “thạc sĩ” rồi chiêu hiền đãi sĩ bằng “40 triệu hay 50 triệu”. Thất bại thảm hại của “cơn sốt trải thảm đỏ” của các địa phương là minh chứng rõ nét của sự bất cập này.
Về những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ
Ta nói bổ nhiệm cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, hay nói cách khác là
sử dụng có hiệu quả nhân tài. Xin đơn cử vài ví dụ để ta thấy sự bất hợp lý.
Hãy nhìn nhân sự trong Bộ giáo dục, một giáo sư vào hàng trẻ nhất nước được bổ nhiệm cương vị Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ (ông Hoàng Ngọc Hà), khi đó nước nhà
mất đi một giáo sư tài ba và
có được một ông vụ trưởng làng nhàng về trình độ quản lý nhà nước. Rồi ông Tống Trần Tùng, cựu vụ phó vụ Khoa học Kỹ thuật Bộ Giao thông Vận tải; bổ nhiệm ông, nước nhà
mất một giáo sư xây dựng tài ba, được ngay một ông vụ phó làng nhàng. Việc này không chỉ trách công tác nhân sự, mà trách luôn các đồng chí đó, họ mong muốn điều đó. Đấy chính là ví dụ rõ ràng về sự bất cập trong trình độ của những người mà vốn được xem là thuộc nhóm có trình độ cao nhất. Hình như tất cả chúng ta đều nghĩ “
Quan trường mới là cái đích của cuộc đời”. Ai đó trách ông Khổng tử và Mạnh tử về tư tưởng “học để làm quan”, nhưng nếu sáng suốt hơn và khách quan hơn thì thấy điều này:
Nhà nước của chúng ta làm quá nhiều dịch vụ khiến cho chỉ có vào làm nhà nước thì mới có cơ hội được thực hiện khát vọng của mình từ chuyên môn, kinh tế, đến chính trị.
Mong sao chúng ta không lôi ông nhân tài toán học Ngô Bảo Châu về để làm vụ trưởng hay vụ phó chuyên ngồi ký văn bản và đi họp ở trong một cái Bộ nào nữa.
Nhân tài phải là người biết mình có thể làm được việc gì. Xin nhắc lại ví dụ việc Einstein đã từ chối lời mời làm tổng thống nhà nước Israel khi nó mới được thành lập năm 1948. Bởi vì ông hiểu rằng về khoa học vật lý thì chắc ông có thể làm tốt hơn hầu hết nhân loại thời bấy giờ, nhưng làm tổng thống thì chưa chắc ông có thể làm tốt bằng bất kỳ một người Do Thái bình thường nào.
Thêm một ví dụ về một trong những đồng chí lãnh đạo Đảng hiện nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nếu đồng chí Phú Trọng có thể dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn nữa cho nhiệm vụ là một Giáo sư triết học và đảm đương một chức danh cuối cùng (Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương) thôi thì có lẽ khái niệm “Kinh tế thị trường XHCN” của Đảng ta đã tường minh lắm rồi. Bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy,
Đảng mất đi một nhân tài lý luận để
được một ông bí thư trung bình, một ông Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Xin được đặt câu hỏi cho trường hợp đồng chí Nguyễn Phú Trọng, liệu rằng trước khi nhận chức Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa thứ nhất đồng chí Nguyễn Phú Trọng có nghiên cứu thật kỹ và hiểu thấu triệt những gì một bí thư thành ủy phải làm hay không? Có rút ra được bài học nào từ nhiệm kỳ lãnh đạo của đồng chí Lê Xuân Tùng hay không? Có trình bày một cương lĩnh hành động nào với cương vị là ứng cử viên bí thư thành ủy để Thành ủy phản biện hay không? Có khẳng định những gì mình sẽ làm được, tốt hơn đồng chí bí thư trước và dám nhận trách nhiệm và hình phạt thích đáng với những gì không làm được hay không? Cái này có lẽ không đảng viên nào được biết, vậy chúng tôi là sao giám sát được đồng chí, nhân dân làm sao giám sát được đồng chí?
Hôm nay, với cương vị Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp, tôi tin rằng Đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ làm tốt hơn, vững vàng hơn nhiều. Nhưng có thể khẳng định, nếu đồng chí Nguyễn Phú Trọng của hôm nay nhận cương vị bí thư lần đầu thì có lẽ nhiệm kỳ qua, những thành tựu lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội tốt hơn nhiều. Có lẽ cần khẳng định lại một nguyên tắc là “
Chúng ta bổ nhiệm lãnh đạo để có người chỉ cho người khác làm việc chứ không bổ nhiệm một người học việc”. Học việc 5 năm để rồi mới đảm trách cương vị bình thường thì thật đáng tiếc thay thời gian cho cá nhân đồng chí, cho Đảng bộ thành phố và toàn thế nhân dân Hà Nội.
Rồi vấn đề kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ thể hiện sự thiếu khoa học trong sử dụng nhân lực của Đảng. Tại sao đồng chí Bí thư Thành uỷ Hà Nội phải gánh luôn cái chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương? Hà Nội ít việc quá hay sao? Chúng ta hết người làm lý luận rồi sao? Giả sử đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm rất tốt nhiệm vụ bí thư rồi, thì tại sao chúng ta không mời một giáo sư chuyên nghiệp về triết học làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương?
Chúng ta không quên những tác động tiêu cực của việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Tấn Dũng làm Phó thủ tướng, kiêm Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Chắc chắn một ông/bà giám đốc chi nhánh ngân hàng cấp tỉnh trung bình sẽ làm tốt hơn đồng chí Tấn Dũng trên cương vị Thống đốc Ngân hàng trung ương.
Chúng ta đừng nhìn ví dụ 3 trong 1 của Trung Quốc là cái gì đó thật hay, 3 trong 1 của Trung Quốc chỉ chứng tỏ một điều 3 = 1 chứ không phải 3=1+1+1. Ông Hồ Cẩm Đào cũng là một con người bình thường và mỗi ngày cũng chỉ có 24 giờ, không khác gì đồng chí Nông Đức Mạnh của chúng ta.
Giả sử tôi đặt mình vào vị trí là một Đảng viên, đương nhiên là tôi mong được biết cá nhân đồng chí Tổng bí thư đã có kế hoạch hành động như thế nào trong nhiệm kỳ vừa rồi? Những đánh giá về thành công và thất bại của cá nhân đồng chí trong công tác trên cương vị Tổng bí thư của Đảng trong 1 nhiệm kỳ. Rồi nên chăng, đồng chí Tổng Bí thư nên trình bày một thông điệp hàng năm cho toàn Đảng trong đó kiểm điểm lại những việc mà đồng chí đã làm được, những việc chưa làm được trong năm qua, những gì sẽ làm trong năm tới. Trong thông điệp đó có khẳng định những đóng góp (trách nhiệm) cụ thể của cá nhân đồng chí trên cương vị Tổng bí thư đối với những thành công và thất bại của Đảng trong 1 năm lãnh đạo của mình. Tự đồng chí đã mạnh dạn nhận về mình hình thức kỷ luật hay khen thưởng nào với kết quả công tác của mình.
Tôi xin được hỏi:
Bao nhiêu vị lãnh đạo Đảng và nhà nước ta hiện nay dám mạnh dạn từ chối việc bổ nhiệm vì thấy mình không đủ tài, không đủ đức?!
Chúng ta đang kêu gọi hội nhập toàn cầu, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại về kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, tại sao chúng ta không tiếp thu phương pháp lãnh đạo và phê bình của nhân loại trong các hoạt động của các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước?
Chúng ta có thực tâm muốn đổi mới phương thức bồi dưỡng và đào tạo cán bộ hay không?
Giải pháp đề xuất cho công tác nhân sự:
Nếu Đảng thực tâm muốn đổi mới cái tình trạng hiện nay thì chỉ cần thực hiện tự do ứng cử và đề cử trong Đại hội các cấp theo đúng điều lệ Đảng. Ban Tổ chức Trung ương và các cấp của Đảng chịu trách nhiệm về các vấn để tiêu chuẩn, chiến lược đào tạo, bôi dưỡng cán bộ qua các trường Đảng, các khóa đào tạo đặc biệt…
Ban Tổ chức Đảng các cấp không làm công tác giới thiệu nhân sự nữa vì đó là vi phạm quyền hạn và trách nhiệm đảng viên trong điều lệ Đảng. Không biến các ông trưởng ban tổ chức các cấp thành các ông thầy tướng, thầy số, chuyên xem mặt, xem tay và xem phong bì của cán bộ nữa.
Công tác bầu cử, ứng cử trong các Đại hội nên để cho chính Đại hội thực hiện, vào ngay lúc Đại hội đang diễn ra.
Nhân sự cho Đại hội X:
Tôi xin trinh bày phương án của mình đối với công tác nhân sự cho Đại hội X sắp tới. Đáng ra thì chúng ta nên để cho tất cả các đại biểu tham gia Đại hội ứng cử tự do vào Trung ương theo đoàn đại biểu. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, chúng ta chấp nhận một việc đã rồi, đó là đã có một danh sách đề cử nhân sự do Ban chuẩn bị Nhân sự Đại hội giới thiệu. Trên cơ sở danh sách đó, cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Bổ sung tiêu chuẩn ứng cử viên
Bên cạnh những chỉ tiêu như tuổi tác, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị…, hồ sơ của các đồng chí được giới thiệu cần phải công khai các chỉ tiêu khác như sau:
- Số lượng và nguồn gốc tài sản cá nhân và gia đình,
- Số lần bị kỷ luật, nguyên nhân, kết luận của các cơ quan có thẩm quyền kỷ luật,
- Mức độ hoàn thành công việc trên cương vị hiện tại,
- Cương lĩnh hành động khi tham gia trung ương khóa tới.
Bước 2: Đánh giá ứng cử viên
Hồ sơ của các ứng cử viên Ban chấp hành Trung ương cần phải gửi tới trước các đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc 1 tháng trước Hội nghị Trung ương 14 (khóa IX) để các đoàn tham khảo, góp ý kiến và điều chỉnh. Trong quá trình đó, có thể một số đồng chí sẽ bị loại, nếu phát hiện ra những dấu hiệu phạm pháp, hoặc vi phạm các tiêu chuẩn, từ đó các đoàn có thể thống nhất giới thiệu thêm các ứng cử viên và bản thân các đại biểu tham dự Đại hội trong các đoàn có thể tự đề cử mình để đoàn mình giới thiệu trong kỳ họp Trung ương lần thứ 14 chuẩn bị danh sách chính thức giới thiệu Đại hội.
Bước 3: Hình thức tổ chức bầu cử tại Đại hội
Đề nghị tiến hành bầu cử theo hình thức bấm nút như việc thực hiện thông qua luật tại Quốc hội. Khi đó, tên các ứng cử viên và tiểu sử tóm tắt sẽ được trình bày trên màn hình, và các đại biểu sẽ nhấn nút “loại” để thể hiện sự bất tín nhiệm của mình đối với ứng cử viên. Khi đó tỷ lệ bất tín nhiệm tương ứng với tỷ lệ tín nhiệm sẽ được thể hiện ngay trên màn hình tại hội trường của Đại hội. Đồng chí nào đạt tỷ lệ bất tín nhiệm không trên 50% đương nhiên bị loại.
Số lượng Uỷ viên Trung ương không nên quá nhiều như hiện nay. Tổng số Uỷ viên Trung ương chỉ nên đảm bảo ở mức 1 Uỷ viên Trung ương/1 triệu dân + từ 10 đến 30 đồng chí. Như vậy số lượng Uỷ viên Trung ương chỉ đảm bảo ở mức 90-110 đồng chí.
Nếu số lượng các đồng chí đạt tín nhiệm trên 50% lớn hơn 110 đồng chí thì có thể lấy từ cao xuống thấp hoặc bầu cử vòng 2.
Trong trường hợp số lượng các đồng chí đạt tín nhiệm trên 50% ở mức từ 90 đến 110 thì khi đó giữ nguyên số lượng.
Nếu số đồng chí đạt tín nhiệm trên 50% ở mức dưới 90 thì khi đó có thể tiến hành ứng cử bầu cử bổ sung.
Nếu số lượng đạt tín nhiệm trên 50% ở mức dưới 45 đồng chí thì coi như Đại hội thất bại, tiến hành lại Đại hội.
Đề nghị không sắp xếp theo cơ cấu vùng miền, nam nữ, dân tộc… trong Ban chấp hành Trung ương, vì Đảng ta là Đảng cộng sản chứ không phải là Đảng dân tộc. Người cộng sản Việt Nam không phân biệt Nam, nữ, dân tộc Kinh hay dân tộc Mèo, miền Nam hay miền Bắc, đều sống và làm việc theo lý tưởng cộng sản. Sau khi đã làm Uỷ viên Trung ương rồi thì khi đó có thể phân công các đồng chí tham dự ứng cử đại biểu Quốc hội ở các địa phương cùng với các đồng chí đảng viên do các đảng bộ địa phương giới thiệu.
Khi chúng ta đã có Ban chấp hành Trung ương khóa mới rồi thì việc bắt tay vào công tác xây dựng nhà nước pháp quyền và khối đại đoàn kết toàn dân như trong mục tiêu thứ nhất và thứ hai đã nêu trên đây.
Đó chính là hiện thực hóa nhiệm vụ “nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển”.
5. Kết luận và Kiến nghị
5.1. Kết luận
Xét tổng thể về nội dung thì bản dự thảo báo cáo không đủ về về nội dung, chỉ bao gồm có 2,5 bước trong tổng số 5 bước theo yêu cầu của một bản “dự thảo quy hoạch công việc” cho một nhiệm kỳ Đại hội của một Đảng cầm quyền. Như thế chứng tỏ, bản dự thảo được chuẩn bị chưa cẩn thận, chưa thể hiện được sự nhuần nhuyễn về phương pháp và kỹ năng chuẩn bị dự thảo. Những nội dung trình bày trong dự thảo chỉ đảm bảo vai trò cung cấp thông tin chung, chưa đảm bảo vai trò cung cấp thông tin phục vụ ra nghị quyết Đại hội.
Xét về cụ thể thì các nội dung đã trình bày trong bản dự thảo chưa đúng trọng tâm nhiệm vụ của một Đảng cầm quyền. Những kiểm điểm, đánh giá và những mục tiêu cụ thể chưa ăn khớp với mục tiêu bao trùm đã đặt ra theo chủ đề của Đại hội. Trong đó đặc biệt là thiếu hẳn phần xác định nguy cơ và thách thức đối với Đảng ta trong nhiệm kỳ tới và tương lai. Từ đó dẫn đến việc xác định chưa chính xác những mục tiêu cụ thể và không đưa ra được giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện, và các công cụ giám sát điều chỉnh.
5.2. Kiến nghị
Thứ nhất: Đề nghị điều chỉnh chủ đề Đại hội như sau “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển”.
Thứ hai: Đề nghị soạn thảo lại phần kiểm điểm 5 năm Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước trong nhiệm kỳ Đại hội IX và thay tiêu mục là “Kiểm điểm công tác lãnh đạo đất nước của Đảng trong nhiệm kỳ IX”.
Thứ ba: Phân tích sâu thêm mang tính chuyên môn và khách quan các thành tựu của hai mươi năm đổi mới.
Thứ tư: Bổ sung phần xác định nguy cơ và thách thức đối với Đảng ta trong 5 năm tới và trong tương lai.
Thứ năm: Xác định lại mục tiêu cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ của Đại hội cho đúng với trọng tâm nhiệm vụ lãnh đạo của một đảng cầm quyền, không làm thay vai trò của nhà nước. Các mục tiêu của nhiệm kỳ tới nên là: 1. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, 2. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, 3. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.
Thứ sáu: Cần đưa ra những giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu trong đó nêu lên các công việc cần làm, thời gian và nguồn lực cho từng giải pháp cũng như dự báo những tác động tích cực và tiêu cực của các giải pháp đó.
Thứ bảy: Cần đưa ra phương thức tổ chức thực hiên các giải pháp nêu trên, các quy trình và công cụ giám sát quá trình thực hiện và điều chỉnh các tác động tiêu cực.
Kính đề nghi các đồng chí trong Ban soạn thảo nên bổ sung thêm nhân sự cần thiết, chuẩn bị lại thật khẩn trương một bản dự thảo mới để trình Đại hội.
Kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn và cao cả mà toàn Đảng đã giao và các đồng chí đã nhận.
6. Vài lời tâm tư và ước mơ
6.1. Những tâm tư khi viết góp ý
Tôi viết nên những lời góp ý này với nỗi băn khoăn và tự hỏi mình nhiều lần:
Tại sao một kỹ sư xây dựng bình thường như tôi, vốn chưa được đào tạo qua một trường lớp lý luận chính trị cơ bản nào lại có thế phát hiện ra rất nhiều khiếm khuyết trong một bản dự thảo báo cáo chính trị do tập hợp các đồng chí lãnh đạo chính trị, kinh tế và các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực đó dày công soạn nên.
Có phải chăng tôi là thiên tài? Xin thưa tôi là một thanh niên sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo. Cha tôi tham gia kháng chiến và trở thành bộ đội cho đến ngày tôi học hết đại học và đi làm; khi đó thì ông mới nghỉ hưu và sống cuộc sống của một ông cựu chiến binh già bình thường với cái thói quen không bình thường là “đi phép” và “về đơn vị”. Mẹ tôi là một dược sĩ, nay đã nghỉ hưu, các anh chị tôi cũng lớn lên bình thường và trở thành những công dân bình thường trong xã hội như bao nhiêu người bình thường khác. Tôi thi đại học và học bình thường như bao nhiêu sinh viên khác. Chuyên môn tôi được đào tạo là Kỹ thuật Xây dựng, trở thành trợ giảng ở một trường đại học và tiếp tục đi học sau đại học cũng về ngành xây dựng.
Đọc nhiều lần bản dự thảo báo cáo, tôi băn khoăn mãi là có phải chăng là Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang định gây bất ngờ đối với toàn dân là đưa ra một bản dự thảo như tôi được đọc, mặc dù thực chất đã có một bản dự thảo thật hoàn hảo để chuẩn bị cho Đại hội?
Thêm nữa là bè bạn tôi xung quanh đều tỏ ý ái ngại vì họ không tin rằng sẽ có ai đó trong Ban soạn thảo đọc cái góp ý của tôi.
Nhưng tôi cho rằng, đọc thật kỹ và góp ý cho một bản dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội Đảng toàn quốc chính là tôi đang rèn luyện chuyên môn của mình (nghiên cứu, phân tích một bản quy hoạch), rèn luyện bản lĩnh của thanh niên (dám nói lên quan điểm và chịu trách nhiệm về lời nói và hành động) và thực hiện trách nhiệm của một công dân Việt Nam.
Vì vậy, hôm qua tôi quyết định dành hai ngày đọc lại thật kỹ và viết bản góp ý của mình với tư cách là một đảng viên với các nội dung như hướng dẫn của Ban Bí thư.
Tôi viết những lời tâm huyết nhất từ trái tim và khối óc của một thanh niên Việt Nam đang sống và học tập xa quê hương.
Xin nói thêm lý do tại sao tôi trích dẫn rất nhiều lần tác giả Fukuyama và những nghiên cứu của ông. Vì 3 lý do sau:
Thứ nhất: Ông là một người chống lại nhà nước toàn trị của cả Staline và Hittler, đồng thời ông cổ vũ mô hình nhà nước tự do của Hegel. Nhưng quan trọng hơn, ông khẳng định vai trò quyết định của những nhà nước một đảng trong thành công của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước và mang đến những giá trị tự do dân chủ đích thực cho nhân dân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore. Ông khẳng định sự ưu việt của những giá trị Nho giáo đã giúp cho các quốc gia Đông Á thành công và vượt lên các quốc gia Mỹ La Tinh, Nam Á… một cách ngoạn mục trong nửa cuối thế kỷ hai mươi. Thật đáng tiếc cho tôi là cho dù tôi có những nhận định trùng với ông, nhưng khi đọc sách của ông thì rõ ràng ông đã viết điều đó ra trước, và sâu sắc hơn nhiều. Tôi đành phải trích dẫn tên ông với cảm giác lẫn lộn: vừa cảm phục vừa tiếc nuối.
Thứ hai: Ông là người quyết liệt chống lại việc can thiệp từ bên ngoài để xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ trong bất kỳ điều kiện nào, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Những phân tích của ông chỉ ra rằng việc Người Mỹ hay tự hào với những thành công mà họ giúp đỡ Nhật Bản và Đức sau chiến tranh thế giới thứ hai chỉ là ảo tưởng. Nếu không phục hồi lại những thể chế nhà nước mạnh và truyền thống xã hội trước chiến tranh thế giới II, việc xây dựng lại hai nước này không thể thành công. Ông cũng chỉ ra hàng loạt thất bại của Hoa Kỳ trong vai trò can thiệp và chuyển giao mô hình dân chủ cho các nước đang phát triển từ Cuba, Philippines, Haiti, Cộng hoà Dominicana, Mexico, đến Nam Việt Nam. Ông giới thiệu Hàn Quốc là thành công duy nhất trong một loạt nước mà Hoa Kỳ can thiệp nhưng ông lại chỉ ra rằng chính việc duy trì được mô hình nhà nước và một loạt các thể chế thời Nhật chiếm đóng lại là nguyên nhân bên trong và quan trọng nhất để Hàn Quốc thành công.
Thứ ba: Những kết luận của ông về khả năng thành công trong quá trình cải cách thể chế và xây dựng nhà nước được minh chứng rất cụ thể và sinh động bằng những thành tựu hai mươi năm đổi mới ở nước ta. Đồng thời những nhận định và phân tích của ông rất có giá trị cho quá trình xây dựng nhà nươc pháp quyền ở nước ta trong tương lai.
Đối với Mác, tôi tham khảo lại một lần nữa thật cẩn thận
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản ông viết cùng Engels để một lần nữa tự mình nhận thức và khẳng định những dự báo thiên tài của Mác là hết sức đúng đắn và khách quan đối với lịch sử phát triển của xã hội loài người. Qua đó, giúp tôi giữ vững và củng cố niềm tin rằng nhân loại đang trong quá trình vận động tiến lên chủ nghĩa xã hội ở quy mô toàn cầu.
6.2. Những ước mơ của một thanh niên Việt Nam bình thường
Ước mơ cho một dân tộc
Là một thanh niên Việt Nam, tôi luôn khao khát một ngày kia tất cả đồng bào Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ miền núi xuống đồng bằng được sống một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc được hưởng những giá trị bình đẳng, bác ái như nhiều dân tộc anh em trên thế giới. Tôi mong các kỹ sư Việt Nam, bác sĩ Việt Nam có trình độ ngang bằng với đồng nghiệp của họ trên toàn cầu, sẽ có thể làm việc và chữa bệnh cho tất cả các dân tộc anh em trên thế giới. Ngày đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi.
Ước mơ cho gia đình và bản thân
Cho các con: Tôi mong ước các con tôi được lớn lên bình thường trong hòa bình, có đủ ăn, mặc, được chăm sóc sức khỏe bằng các dịch vụ y tế tốt, được thoải mái đi bộ đến trường cấp I, đi xe đạp đến trường cấp II, cấp III mà không cần phải ai đưa đón. Được học cái chúng thích, được ước mơ cái chúng tưởng tượng trong trí óc non nớt của mình và tự phát triển ước mơ theo năm tháng và mức độ trưởng thành. Các con tôi sẽ trưởng thành và làm nghề gì chúng yêu thích, có năng khiếu và được đào tạo. Hơn nữa, tôi mong các con tôi có một lý tưởng đúng đắn về một xã hội XHCN, có một khát vọng về một thế giới đại đồng. Khi đó tôi hoàn thành trách nhiệm với tương lai của gia đình và xã hội.
Cho vợ tôi: Tôi mong mình sẽ thực hiện được một ước vọng là yêu thương suốt đời một người phụ nữ đó. Mong đến ngày cuối của cuộc đời được nghe cô ấy nói: tình yêu của anh xứng đáng với tình yêu của em.
Cho cá nhân tôi: Tôi mong được sống và lao động trong hòa bình để thân thể đẹp đẽ của tôi không phải mang đầy vết đạn như thân thể cha tôi và bao nhiêu đồng đội của ông. Những vết sẹo trên thân thể cha tôi và đồng đội ông là kết quả của nỗi đau chiến tranh, tôi căm ghét chúng. Tôi xin thề với lòng mình kẻ nào mang chiến tranh đến quê hương tôi, kẻ đó sẽ là kẻ thù của tôi.
Về công việc, tôi mong được làm việc đúng chuyên môn đào tạo và được trả lương đủ cho tôi sống và nuôi các con tôi khôn lớn.
Ngay giờ đây, khi ở xa gia đình và đất nước, tôi mong mình được về bên cạnh để chăm sóc cha tôi, người thường xuyên bị các vết thương cũ và bênh hen suyễn hành hạ khi trái gió trở trời, chăm sóc mẹ tôi, người bị chứng đau khớp mãn tính cứ đến mùa đông lại đau đi lại rất khó khăn. Tôi muốn được cùng nấu cơm với vợ tôi, hay cùng đưa nhau đi ăn sáng, đưa đứa lớn đi mẫu giáo, cho thằng nhỏ ăn bột. Sau đó hai vợ chồng tôi sẽ đi làm. Ở cơ quan, tôi muốn cùng các đồng nghiệp của tôi soạn bài giảng giáo trình để lên lớp dạy học. Trên lớp học, tôi muốn được thảo luận với những sinh viên trẻ trung và thông minh về những gì mà một kỹ sư xây dựng cần phải biết khi ra trường, về giới hạn của một bài giảng trên lớp, về nhu cầu kết hợp thực tiễn cuộc sống trong bài học trên lớp. Thêm nữa, nói về mối quan hệ “thầy-trò” trong điều kiện xã hội hiện đại ngày nay. Tâm sự với các em ước mơ và khát vọng của tôi. Và mỗi ngày cuối giờ lên lớp, tôi muốn nói với những người bạn trẻ trung và thông minh hơn tôi rằng, mặc dù có thể là thừa, nhưng tôi vẫn muốn nói:
Tương lai của dân tộc đang trông mong vào các bạn, tôi tin các bạn xứng đáng với kỳ vọng của dân tộc.
Chúc các bạn mạnh khỏe, học tập tốt.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại!
Tài liệu Tham khảo
Đảng cộng sản Việt Nam (2006),
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển (Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng)
http://dangcongsan.vn/details.asp?topic=108&subtopic=214&leader_topic=508&id=BT620658405
Đảng cộng sản Việt Nam (2006), Hướng dẫn của Ban Bí thư về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về bản dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng
http://dangcongsan.vn/details.asp?topic=108&subtopic=214&leader_topic=508&id=BT620658191
Duiker, W. J. (2001),
Hochiminh: A life, Theia, New York.
Fukuyama, F. (2004),
Xây dựng nhà nước: quản lý nhà nước và trật tự thế giới trong thế kỷ 21, Cornell University Press, Ithaca, New York.
Mạnh Dương , Minh Sang (2006), “Quan lớn bịt cổng trường học vì sợ gió”,
http://www.thanhnien.com.vn/Phapluat/2006/2/10/138154.tno
Marx, K. Engels, F. (1847),
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (Bản dịch tiếng Anh: Manifesto of the Communist Party của Samuel Moore do Engels hiệu đính năm 1888),
http://www.marxists.org.
Nguyễn Phú Trọng (2003), „Kinh
tế thị trường định hướng XHCN quan niệm và giải pháp phát triển“, tham luận tại Hội thảo “CHXN và kinh tế thị trường - Kinh nghiệm của Trung Quốc, Kinh nghiệm của Việt Nam”, ngày 8-9.10.2003.
Nguyễn Trung (2006), „Thời cơ vàng của Đảng ta“, VietnamNet 09/01/2006,
http://vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2006/01/530551/
Nguyễn Trung (2006), „Lời từ trái tim“, VietnamNet 07/02/2006,
http://vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2006/02/539205/
Nguyễn Trung (2006), „Những yếu kém cần phải thay đổi trong hệ thống“, VietnamNet 08/02/2006
http://vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2006/02/539447/
Nguyễn Trung (2006), „Người tài bị đố kỵ và không được trọng dụng“, VietnamNet 09/02/2006,
http://vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2006/02/539842/
Phạm Cường (2006), „Trò chuyện với Phó chủ tịch quận trẻ nhất nước“, VietnamNet 10/02/2006,
http://vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2006/02/540454/
Võ Nguyên Giáp (2005), Tham luận tại Hội thảo khoa học “Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”.
Võ Văn Kiệt (2005), „Chúng ta đừng ru ngủ mình“, Bài trả lời phỏng vấn báo Quốc Tế nhân dịp 30 năm ngày thống nhất đất nước,
http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2005/04/3B9Đ4B3/
Darmstadt, ngày 28.02.2006
Việt Trường Giang (1974), nghiên cứu sinh ngành xây dựng, Đại học Kỹ thuật Darmstadt, Cộng hòa Liên bang Đức, email:
viettruonggiang@yahoo.com
© 2006 talawas