Tủ sách talawas30.9.2008
Duy Lam
Cái lưới
Truyện dà i
Tô kéo nhẹ áo mẹ, ra hiệu mẹ ngồi xuống ghế cạnh hắn. Hắn uống cà phê, từng ngụm nhỏ và kín đáo nhìn ngắm kĩ càng từng nét răn trên khuôn mặt hốc hác của mẹ.
Tiếp tục viết được một lúc, Tô chợt hỏi:
"Me! Lan thức hay ngủ?"
"Còn thức con ạ!"
"Lan có khóc không?"
Bà Hạ lắc đầu. Những tình cảm khắc khoải lại thấp thoáng trong cặp mắt Tô.
Hắn đưa ngón tay trỏ lên vuốt nhè nhẹ theo sống mũi, đoạn đứng dậy lặng lẽ và cả quyết:
"Con vào nói chuyện với Lan một chút."
Bà Hạ ngập ngừng:
"Con nên nương nhẹ em... Lan như mất cả hồn người... Me sợ..."
Tô đi thẳng vào phòng trong. Một phút sau, tiếng Tô vẳng lên: "Lan! Nhìn anh đây này! Em phải nghe anh nói đến Thắng cho xong."
Tiếng Lan nửa trách móc, nửa van lơn:
"Không! Không anh! Em xin anh! Em không muốn nghe tất cả. Anh để em yên..."
Ông Hạ cau mặt. Tô quả thật đã đi quá giới hạn.
Ông Định lên tiếng can thiệp, thời Lan đã tiếp:
"Tại sao anh cứ muốn mọi người như anh? Không phải vì yêu em mà anh làm thế! Anh nói đi! Em đau đớn chưa đủ cho anh hay sao?"
Im lặng.
Tiếng Tô vụt cất lên, hơi run.
"Xin lỗi Lan! Em nói phải, anh không có quyền gì hết, ngay cả đến giúp em."
Tô trở ra, ngồi vào bàn, hay tay thít chặt lấy nhau.
Hắn đã lầm tưởng sự đau khổ của hắn và Lan, cùng về một người, mặc dầu bản chất khác nhau, sẽ ràng buộc hai anh em hắn chặt chẽ hơn. Hắn đâu ngờ khi mang một người chết trong xương tủy, người ta lẻ loi vô kể.
Tô trở về gia đình vào chiều thứ bảy. Suốt ngày chủ nhật Lan không đi đâu, làm những công việc trong nhà như cái máy, đến bữa ăn lưng bát cơm, không cười hay trò chuyện với bất cứ ai – kể cả Tô – và nhiều lúc ngồi một mình, mắt nhìn vào khoảng không, miệng mím chặt.
Ngày thứ hai, thứ ba Lan không đi học, bỏ cơm, ngồi như tượng tại một chỗ, không buồn cử động đi lại, và hình như nửa mê nửa tỉnh, lúc nhận ra mọi người xung quanh, lúc thì không.
Ngày thứ tư Lan nằm liệt giường.
Từ ngày thứ năm trở đi tay Lan yếu đến nỗi không cầm nổi bát cháo. Bà Hạ lấy thìa xúc thức ăn đưa vào miệng Lan. Bắt ép Lan mới ăn lưng bát cháo, nếu bỏ mặc dám chắc Lan nhịn ăn mà cũng không tự biết. Tuy thân hình Lan không run rẩy nhưng hễ Lan đặt chân xuống đất là khuỵu ngã, không đi nổi lấy một bước.
Nếu mọi người để Lan nằm, Lan nằm; nếu đỡ Lan ngồi dậy dựa vào thành giường, Lan ngồi yên như vậy giờ này sang giờ khác. Nhưng nằm hay ngồi, Lan cũng không chịu rời tay khỏi tập thư. Có lần đỡ Lan dậy, tập thư rơi khỏi tay Lan rớt xuống đất. Lan rên lên một tiếng nhỏ, vươn tay cố với, trông thật thương.
Một buổi chiều ông Hạ đi làm về, vừa bước chân qua cửa, ông sửng sốt suýt kêu lên, vì thấy Lan nửa người ngồi xệp xuống đất, nửa người ngã lên thành đi văng. Tô có việc đi đâu vắng, bà Hạ bận làm cơm dưới bếp, Lan cố gắng lết ra ngoài làm chi? Ông gọi vợ và hai vợ chồng đỡ Lan trở vào nhà trong. Lan cưỡng lại, mắt hướng về phía đi văng. Bà Hạ lo ngại thầm thì, “Lan đòi gì thế mình?”
Ông Hạ lắc đầu. Ông cũng không biết gì hơn vợ.
Cho đến hôm Lan bình phục, Tô nhường chỗ nằm của nó trên đi văng cho Lan.
Lo ngại trước tình trạng sức khoẻ càng ngày càng sút kém của Lan, bà Hạ mời một bác sĩ quen đến thăm bệnh cho Lan, bắt mạch. Khi tiêm cho Lan một ống thuốc an thần, Lan cũng ngoan ngoãn giơ tay như một đứa trẻ. Nhưng, khi mũi tiêm vừa được rút khỏi tay, tình cờ Lan nhìn thấy mấy giọt máu – của chính nàng – rướm trên vết tiêm, người Lan vụt cứng nhắc, môi run run, ánh mắt kinh hãi, miệng rên rỉ “Không! Không! Máu... máu! Anh Thắng...! Máu!”
Bác sĩ lắc đầu, chịu không tìm nổi căn nguyên cơn bệnh kỳ lạ của Lan.
Trong gia đình, Lan cũng giống bà Hạ và Tô, đêm ngủ hay nằm mê nói lảm nhảm. Ông Hạ trái lại không bao giờ ngủ mê. Ban ngày, Lan mê muội không nói không khóc, nhưng đêm đến cả nhà nhiều phen sực tỉnh vì những tiếng kêu hét của Lan. Lan người run rẩy, quằn quại, quấn tròn người trong chăn. Bà Hạ lay Lan thức tỉnh. Dưới ánh nến khuôn mặt Lan tái mét, ràn rụa nước mắt.
Tô thường khi bình tĩnh, vào giây phút ấy, nhìn khuôn mặt méo mó của em, cũng phải rùng mình xúc động.
Bà Hạ lấy khăn mặt ướt đắp lên vừng trán nóng bỏng, đẫm mồ hôi của Lan, và ngồi cạnh Lan cho đến khi Lan mệt lả, thiếp ngủ. Tô đứng, đầu hơi cúi cạnh giường em, bàn tay nhẹ nhàng vuốt mi mắt còn mấp máy rung động của Lan. Đột nhiên hắn nói giọng bực bội:
"Tại sao Lan bướng thế không biết! Nó là đàn bà mà! Phải để cho những tình cảm đau đớn thoát ra mới được chứ? Con đã khuyên me lôi Lan đi dự đám ma Thắng, me không nghe... Phải để con kể hết những chi tiết dù kinh hãi. Thắng chết ra sao, làm khổ Lan bằng 'sự thật'. Thật xấu hổ khi đau khổ trong mê muội!"
Bà Hạ yếu ớt cãi:
"Nhưng Tô, con có nói Lan cũng không hiểu con nói gì."
Mặt Tô đanh lại:
"Không hiểu! Thời phải tìm đủ mọi cách, dù phải bó buộc. Đằng nào cũng một lần."
Lần đầu tiên khi nói với Tô, bà Hạ có một giọng trách móc chua chát:
"Con muốn giết em con hay sao?"
Tô mỉm một nụ cười nhợt nhạt, khó hiểu.
"Me không biết rõ Lan! Hạng người say mê tha thiết với đời sống như nó đâu dễ mấy lúc chết vì tuyệt vọng. Rồi me xem..."
Vào buổi sáng ngày thứ mười, bà Hạ đang dọn dẹp nhà cửa, Tô ngồi viết ở bàn trước cốc cà phê, Lan tì tay ngồi dậy, lặng lẽ nhìn mọi người hồi lâu, đoạn tự nhiên bật nói:
"Me! Con đói me ạ!"
Bà Hạ quay phắt lại, nhìn Lan, sững sờ. Tô ngửng đầu lên, mỉm cười.
"Me có sẵn thức gì cho con ăn không?"
Khuôn mặt bà Hạ rạng rỡ. Lan đã tỉnh! Bà lại gần con gái, miệng lắp bắp:
"Con thấy trong người thế nào? Trời! Con không biết chứ, con nằm liệt giường liệt chiếu, mê man gần mười hôm nay."
Vẻ mặt hơi tối lại, Lan yếu ớt lẩm bẩm:
"Mê man gần mười hôm? Con cũng chẳng biết nữa..."
Lan lắc lắc cái đầu như muốn xua đuổi cơn ác mộng vừa qua, định đứng dậy. Bà Hạ vội giơ tay ngăn đoạn quày quả xuống bếp nấu cháo. Tô đến ngồi bên em, nhìn sâu vào cặp mắt quầng đen của Lan. Môi Lan vẫn bất động, nhưng một ánh cười thoáng hiện trong cặp mắt. Tô đưa tay lên vuốt mấy sợi tóc mai loà xoà trên trán em.
"Lan mê hoảng nhiều lắm đấy! Lan mê những gì vậy? Kể anh nghe xem nào."
Giọng Lan trách móc:
"Anh...! Anh vẫn vậy! Em vẫn còn giận anh. Anh cứ liệu hồn!"
Tô cười:
"Chà! Vừa tỉnh giấc đã lại dữ rồi!"
Lan quay người, ngắm mấy bông hoa cắm trong lọ trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường. Lan giơ tay mân mê những cánh hoa mịn màng. Lan nhìn bàn tay mình, trắng xanh nổi mờ mờ mấy đường gân, xen lẫn giữa những bông hoa, thầm thì, giọng nghẹn ngào:
"Hoa đẹp quá! Em tưởng như đã lâu lắm không biết đến hoa là gì. Chắc anh Vĩ tặng?"
Tô gật đầu, rút thuốc lá, châm hút. Lan nhìn theo làn khói uốn éo, hít hít nhẹ, mắt lim dim.
"Ngay cả đến khói thuốc của anh ngửi cũng dễ chịu."
Hai anh em im lặng. Tô ngồi cho một chân lên giường, dáng điệu uể oải, như một con báo phơi nắng, chờ đợi. Lan bừng mở mắt, hỏi anh:
"Anh Thắng chôn ở nghĩa địa nào hả anh?"
Từ ngày Tô về, mang theo hung tin, đây là lần đầu tiên Lan nhắc đến Thắng. Tô không đáp ngay, cặp mắt soi mói nhìn em đăm đăm. Lan cầm tập thư đặt cạnh gối lên, nhìn một giây mấy vết máu, đoạn nói khe khẽ như trả lời câu hỏi thầm kín của anh.
"Em muốn thăm mộ anh Thắng. Bây giờ, em nhớ lại rõ mồn một, cạnh mộ anh Thắng là một dàn hoa xác pháo."
Ánh mắt Tô thoáng nghi ngờ, lo ngại.
"Em mơ phải không anh? Em muốn tin như vậy, nhưng nhiều khi em sợ hãi: em khó lòng phân biệt nổi cái gì là thật, cái gì là mơ… Em chóng mặt, ngây ngất! Em đã đi đưa đám anh Thắng và anh Thắng chết là thật? Hay cả hai chuyện đều là mơ?"
"Thắng chết rồi và chôn ở nghĩa trang Hợp Thiện!"
Lan không lưu ý đến câu nói khô khan trần trụi của Tô. Lan thu nhỏ người.
"Em đi sau chiếc xe bò chở quan tài anh Thắng, một con ngựa gầy kéo, không người cầm cương. Rất nhiều người, không trông rõ mặt quây chung quanh em. Gần huyệt anh Thắng, một dàn hoa xác pháo vàng thắm. Khi hạ huyệt, nắp quan tài bật ra và em thấy rỗng không, chẳng có gì. Em hét lên, khóc nức nở..."
Khuôn mặt Lan ràn rụa nước mắt. Tô rút khăn mùi xoa, trao cho Lan. Sau một phút yên lặng. Tô đặt một tay lên vai em, không cất cao giọng nói, nhưng dằn vào từng tiếng:
"Lan! Khi nào em đi vững, anh và Lan sẽ đi thăm mộ Thắng. Cạnh mộ, không hề có dàn hoa xác pháo; còn xác Thắng, anh đã từng ôm trong tay gần tiếng đồng hồ. Em xem..."
Lan bất giác rùng mình.
"Em muốn tin anh... Em muốn lắm! Vâng... em khoẻ, sẽ đi thăm mộ với anh."
Tô nói như dỗ dành:
"Em ngoan lắm! Em sẽ không mê hoảng nữa! A, me mang cháo lên đây rồi."
Ăn xong cháo, Lan có vẻ tỉnh táo hơn, hai gò má thoáng hồng. Tô thản nhiên hỏi:
"Me! Con và Lan định dăm ba hôm nữa sẽ đi thăm mộ Thắng. Me có đi không?"
Bà Hạ liếc nhìn khuôn mặt trầm ngâm, nghiêm trang của con gái, gật đầu.
Lan bình phục rất chóng và tịnh không đả động đến những giấc mơ hoảng trong thời kỳ nằm liệt giường.
Nửa tháng qua. Lan hầu như bình phục hẳn. Sau buổi đi thăm mộ Thắng cùng anh và mẹ, không mặt Lan lại càng thêm đăm chiêu, u tối. Trong nhà vắng hẳn tiếng cười ròn rã, trêu cợt của Lan. Tuy nhiên, Lan cũng đi học trở lại và tiếp tục một cuộc sống, bề ngoài không khác trước bao nhiêu.
Một buổi chiều ông đi làm về, bà Hạ cho ông rõ hồi trưa me Thắng hớt hải tìm đến nhà, gặp Lan Tô về chuyện hai đứa con của Thắng. Ông ngạc nhiên, Thắng có con? Tại sao chính bà mẹ lại không hay biết mà phải hỏi đến người ngoài. Bà cũng thắc mắc không kém ông và lại còn cho biết thêm một chi tiết khó hiểu hơn nữa: Lan lên xe hơi của mẹ Thắng, dẫn bà ta và Tô đến “chỗ ở"của các con Thắng. Hai vợ chồng ông Hạ đồng ý sẽ hỏi Tô Lan cặn kẽ hơn.
Sau bữa cơm tối, ông hỏi thẳng Tô:
"Ba nghe nói hồi chiều Lan và con dẫn me Thắng đến nhà hai con Thắng ở. Thế là nghĩa thế nào? Thắng lấy vợ giấu gia đình hay đấy chỉ là những đứa con hoang?"
Cặp lông mày của Tô nhíu lại.
Tô lộ vẻ khó chịu, nhưng cũng trả lời:
"Không phải con hoang! Trong khai sinh, bố chúng là Thắng. Tên mẹ không thấy ghi."
Bà Hạ liếc nhìn Lan, rụt rè:
"Còn... mẹ chúng?"
"Con cũng chưa gặp lần nào. Thắng có kể cho Lan biết gì về người đàn bà đó không?"
Lan lắc đầu.
"Cô ta là gái nhảy thì phải. Trước đây có sống với Thắng hơn một năm."
Ông Hạ nhìn khuôn mặt không đổi sắc của Lan, hỏi:
"Hồi Thắng đi Quân thứ Lưu động với con, hai người còn ở với nhau không?"
Tô lắc đầu, giọng thoáng chế riễu, hắn nói đến Thắng như nói tới một người hiện còn sống:
"Cái thằng ấy kỳ khôi! Cách đây một năm, sau khi cho cô ta một số tiền khá lớn, Thắng tống cổ tình nhân khỏi nhà, giữ hai đứa con lại."
Lan tự nhiên bật nói:
"Tại sao đuổi?"
Ông Hạ nhìn Lan, ngạc nhiên: ông tưởng Lan phải biết rõ đời tư của Thắng hơn Tô chứ. Chứng cớ Lan biết chỗ ở của hai con Thắng, Tô thời không.
Tô đưa ngón tay trỏ lên vuốt theo sống mũi.
"Tại vì hắn thích làm thế! Lan còn lạ gì tính Thắng."
Lan nói nho nhỏ:
"Phải! Đàn bà đâu giữ nổi anh ấy."
Tô nhếch một nụ cười, tiếp lời Lan:
"Nhất là một người đàn bà hắn không yêu. Còn tại sao không yêu mà lại sống với nhau hàng năm trời, nếu anh nhớ không lầm, Thắng đã có lần giải thích: 'Tao không thể ngủ một đêm không có đàn bà.'"
Ông Hạ cau mặt, bà hơi ngượng, còn Lan mím môi, hàng mi cong dài cụp xuống cho đến cặp mắt. Khó mà đoán biết Lan nghĩ gì trước sự phát giác sống sượng của Tô về Thắng.
Ông Hạ lẳng lặng đứng dậy vào nhà trong, cầm theo cuốn sách. Từ dạo đi Quân thứ lưu động, Tô có một lối ăn nói tàn nhẫn ông không ưa. Giã dĩ sự trò chuyện về Thắng và đời tư của Thắng không liên can gì đến ông.
Tô quay sang phía me, nụ cười thú vị vẫn chưa rứt trên môi.
"Me biết không? Hai đứa con Thắng lại là con sinh đôi mới khôi hài chứ, một trai một gái. Trông rất dễ thương và thông minh."
Lan đột ngột lên tiếng:
"Lan muốn nuôi chúng! Lan yêu chúng!"
Tô nhìn em hỏi:
"Chắc Thắng đã nhiều lần dẫn Lan đến thăm các con hắn. Con hắn dễ thương như vậy, nhưng không hiểu sao hắn không yêu, và hắn cũng không chịu cho mẹ biết là bà có hai đứa cháu nội."
Lan ngửng đầu.
"Lan đâu biết anh Thắng giấu mẹ! Lan vẫn tưởng bà ta biết mình có cháu nội, nhưng anh Thắng chắc vì một lý do nào đó, không muốn các con sống với mẹ mình."
Bà Hạ ngẩn ngơ. Câu chuyện càng ngày càng rắc rối!
Tô nhìn Lan đăm đăm.
"Thắng không kể cho Lan rõ những chuyện bí ẩn giữa mẹ Thắng và 'chú Sâm' à?"
"Không! Chú Sâm có phải cái ông gầy gầy hồi chiều lái xe cho me Thắng đến đây phải không?"
"Đúng vậy! Chính hắn đấy – 'Dượng ' của Thắng!"
Lan mặt sa sầm.
"Dượng nào của anh Thắng! Mẹ Thắng gọi ông ta bằng 'chú' và xưng chị cơ mà."
Tô không đáp, nhỏm dậy ra đứng cạnh cửa sổ vắt hai tay phía sau lưng, mặt lầm lì.
Bà Hạ lên tiếng hỏi:
"Ông Sâm có họ hàng gì với ba hoặc me Thắng không?"
Giọng Tô lạnh lẽo:
"Không có họ hàng gì hết! Em nuôi của ba Thắng. Ba Thắng nuôi hắn ăn học từ khi hắn mới mười mấy tuổi. Hồi hoạt động cách mạng, hắn là thư ký riêng của ông, và..."
Tô bỏ lửng câu nói, quay trở về ghế, ngồi xuống, hai tay khoanh trước ngực. Sau một phút yên lặng, Tô ngửng đầu nhìn Lan, mắt lờ đờ chẳng khác cặp mắt của một bức tượng đá, cạnh môi hơi nhếch một chút. Hắn cười?
Thân hình Lan chợt cứng nhắc trước cái nhìn kỳ lạ của anh. Lan mở miệng định nói, nhưng rồi lại thôi. Tiếng Tô vang lên, khô khan:
"Và là tình nhân của mẹ Thắng! Dĩ nhiên là thế rồi… Lan! Em đã hiểu tại sao Thắng ghê tởm mẹ và không muốn con mình sống cạnh một người đàn bà như vậy không?"
Cặp mắt đẹp của Lan rực sáng.
"Em cũng đã nhiều lần cãi nhau và không đồng ý với anh Thắng về chuyện này. Dạo đó, em không hay biết câu chuyện dan díu giữa mẹ anh Thắng và ông Sâm. Vì vậy em đã nhất định cho rằng mẹ anh Thắng yêu và chìu anh Thắng hết mực, chỉ mong mỏi con lấy vợ để cho mình vài đứa cháu, thời không có lý gì anh Thắng lại giấu mẹ. Em nhớ, hễ bị em dồn đến chỗ bí là anh Thắng cau có, bực tức với em, lảng sang chuyện khác."
Tô ngắt lời:
"Bây giờ em biết rõ về tư cách mẹ Thắng rồi, em nghĩ sao? Em có cho Thắng cư xử như vậy là phải không?"
Lan ngẫm nghĩ, đoạn đáp:
"Em cũng không biết nữa... Nhưng, câu chuyện lăng nhăng giữa bà ta và ông Sâm có thật không? Có phải nhờ anh Thắng kể lại anh mới biết hay do một người khác đồn đãi?"
Tô mỉm cười:
"Em vẫn không tin là Thắng có thể giấu em một chuyện gì phải không? Em yêu Thắng! Nhưng có những chuyện một người đàn ông không thể kể cho một người đàn bà, dù là người yêu đi chăng nữa. Kể cho bạn trai thì được."
Một ánh uất ức, bối rối thoáng hiện trong cặp mắt to của Lan. Giọng Lan hơi run.
"Em hiểu rồi! Các anh thật ác! Các anh lúc nào cũng muốn dành riêng cho mình cái quyền hành hạ những người đàn bà yêu các anh. Cứ cho rằng chuyện anh Thắng kể cho anh về bà mẹ đúng sự thật đi, em thử hỏi anh có quyền gì kết tội mẹ anh Thắng! Ngay cả anh Thắng, tại sao lại ghê tởm chính mẹ mình...? Các anh biết gì về đàn bà mà dám lên giọng khinh rẻ đàn bà? Các anh thật bất công!"
Tô để mặc Lan nói, cặp mắt dịu dàng đầy hiểu biết của hắn vẫn nhìn em. Lan ngừng bặt, má ửng đỏ, nhưng môi mím lại và không xin lỗi anh. Tô hỏi em:
"Bây giờ đến lượt em chê trách thái độ của bọn anh phải không?"
Lan im lặng.
"Anh không giận em đâu. Anh biết em chỉ thẳng thắn nói những điều em nghĩ. Tuy nhiên, em còn lạ gì anh! Xưa nay, có bao giờ em thấy anh đưa vào những ý niệm luân lý cứng nhắc để phán đoán những đau khổ thực sự sâu đậm của người khác, bất kể là đàn ông hay đàn bà. Đối với anh, khi người ta đau khổ... người ta đau khổ. Tất cả gói tròn chỉ có vậy. Rất đầy đủ, thêm cái gì vào là thừa cái ấy, kể cả luân lý. Người ta có thể e ngại, cố tránh đau khổ, hay gán cho nó nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng, người ta không thể phủ nhận nó..." Giọng Tô đổi sang cứng rắn: "Trong trường hợp me Thắng: Anh công nhận me Thắng yêu con, khổ vì con. Làm sao lòng thương yêu Thắng của me Thắng lại khiến anh kinh tởm, khinh bỉ bà ta cho được? Gác vấn đề đó sang một bên, me Thắng – theo ý anh – rất đáng trách và đáng khinh, không phải hồi ba Thắng còn sống me Thắng đã dan díu phạm tội với một người trẻ hơn chồng mình. Anh không hồ đồ kết tội những người anh biết rất ít. Lỗi tại ba Thắng thờ ơ với vợ, không yêu vợ? Lỗi vì me Thắng lẳng lơ? Ai biết được! Chỉ biết một điều: Anh không thể tha thứ cho một quả phụ lợi dụng danh tiếng và cái tên rất đáng kính của một người đã chết. Lợi dụng một người sống còn khả trợ, vì người sống còn có thể phản ứng lại mạnh mẽ, hay khiếp nhược và bất lực (đó cũng là một thái độ), nhưng trơ trẽn đến độ bám vào tên chồng mình để làm affaires, đi đâu cũng mang tên chồng ra để xin xỏ nhờ vả những người bạn cũ có thế lực của chồng mình." Tô nhăn mặt, "Là điều anh khinh bỉ nhất trên đời. Người chết không nói được, không thể có thái độ. Hãy để họ yên nghỉ!"
Anh cũng không chối cãi me Thắng còn trẻ đẹp, còn cần phải thoả mãn nhiều đòi hỏi về sinh lý cũng như tình cảm.
Mắt Tô long lanh sáng, giọng cất hơi cao, sắc giận lộ rõ trên nét mặt. Không giống Di, hễ giận là mặt méo mó mắt bốc lửa, giọng hằn học và làm nhiều cử động mạnh, khi giận Tô trái lại kìm giữ những bộc lộ tình cảm đến độ tối thiểu.
"Nếu vậy thì tại sao không lấy 'chú Sâm' làm chồng ngay sau khi chồng nằm xuống, có phải giản tiện và minh bạch hơn không? Đổi tên mình đi! Bà 'quả phụ' Hừ! Giả dối đến thế là hết. Người đàn bà đã vậy nhưng còn người đàn ông trong câu chuyện này mới càng tệ hơn. Thú thật, anh không hiểu cái anh chàng Sâm là hạng người gì? Hắn mang tiếng đàn ông chỉ làm nhục cho phái đàn ông. Hắn còn trẻ, có địa vị, sao không chịu lấy vợ? Thắng còn cho biết, từ bao năm nay Sâm không hề có cảm tình hay tán tỉnh lăng nhăng với một cô gái nào cùng tuổi. Hắn chỉ sống trung thành với một người đàn bà độc nhất: Vợ ân nhân của hắn. Mối liên hệ giữa cặp tình nhân này thật kỳ khôi!"
Tô ngừng nói, khuôn mặt trở lại đăm chiêu, bí ẩn. Ánh giận dữ trong mắt hắn mất đi đột ngột cũng như khi xuất hiện. Lan bứt rứt ngồi không yên, liếc nhìn khuôn mặt khép kín của anh. Nàng có cảm tưởng anh chưa nói hết lời. Tất cả những gì Tô vừa nói mới chỉ là phần nhập đề. Lan, hai tay xoắn lấy nhau miệng mấp máy:
"Anh Thắng... chắc anh ấy phải khổ lắm...! Làm sao một người như anh ấy sống nổi trong một tình cảnh oái oăm như vậy. Anh Thắng rất yêu và phục ba. Nhưng, tại sao anh Thắng không chịu thổ lộ với em."
Lan ngoảnh mặt đi, cố dấu những xúc động hiện quá rõ trên khuôn mặt hốc hác.
"Mà tại sao nhất định mang theo lòng oán hận ghê tởm đàn bà, mẹ anh ấy, xuống mồ? Em hoá ra chẳng là cái quái gì?"
Tô nhẹ nhàng:
"Lan đừng vội trách Thắng không chịu tâm sự với em. Như thế, em không hiểu rõ cho lắm về con người thật của Thắng. Anh không tin Thắng khổ sở lâu vì bất cứ ai. Thắng không phải hạng người hay nung nấu, sống với những tình cảm oán hận, cay đắng, làm khổ mình trong những suy tưởng dai dẳng, trừu tượng. Thắng rất giản dị! Đối với hắn, chỉ có hành động. Nhờ hành động, hắn có thể thoát khỏi bất cứ tình trạng nào dù khúc mắc đến đâu. Khi ba hắn bỏ nhà theo Việt Nam Quốc dân đảng lên Vĩnh Yên, tình cờ một buổi tối hắn bắt gặp Sâm và mẹ hắn ôm nhau trong phòng ngủ của ba me hắn, hắn rời ngay gia đình, theo đoàn tự vệ đánh Pháp. Lan cũng đừng vội nhầm tưởng hắn tìm quên trong hành động, trốn tránh thực tại trong hành động! Vì thực ra trong trường hợp hắn, hành động có tác dụng kỳ lạ là bao trùm lên tất cả mọi thứ, làm lu mờ tất cả. Hắn với hành động hoà với nhau làm một! Khi ba hắn chết, Thắng quay trở về với mẹ và sau một trận cãi nhau dữ dội với Sâm và mẹ, Sâm đã bắt buộc phải rời khỏi gia đình hắn. Hắn sống với tình nhân, nhưng khi tình nhân tỏ ra nhiều dấu hiệu muốn lợi dụng, làm tiền hắn, hắn đuổi phăng. Còn tại sao hắn không chịu mang con về sống với mẹ hắn, là vì mẹ hắn vẫn không chịu theo lời hắn đoạn tuyệt hoặc lấy hẳn Sâm, vẫn tiếp tục dan díu vụng trộm với Sâm, lợi dụng tên ba hắn làm affaires. Hắn đã thuê một căn phòng riêng, mượn người trông nom con hắn, không cho một ai hay biết... Và ngay cái hành động cuối cùng của hắn: Chết, cũng đúng là hắn. Có ai bắt buộc hắn trở lại đoàn Quân thứ Lưu động đâu? Hắn về Hà Nội đi nhảy, uống rượu, yêu em, và rồi đùng đùng hắn xếp va li, lùng đoàn Quân thứ Lưu động hàng mấy ngày, qua bao nhiêu làng, mới thấy. Gặp hắn anh hỏi 'Mày còn đến đây làm gì?' Hắn đáp cộc lốc 'Tao nhớ mày, tao trở lại đoàn.' Anh cũng không tin vì 'nhớ' anh, hắn trở lại. Hắn không chịu ngồi yên một chỗ, không hành động thì đúng hơn, bất cứ hành động gì đều tốt hơn kéo dài một tình trạng đều đều..."
Giọng Tô trở nên mơ màng, thoáng khắc khoải:
"Đôi khi, anh thèm muốn được như Thắng. Có lẽ sống chỉ là hành động. Giản dị biết bao. Nhưng thèm muốn mà không thể lựa chọn một lối sống như vậy. Không thể là không thể! Anh có đời sống của anh, cách sống của anh."
Lan lắc lắc đầu, ánh mắt thoáng say mê.
"Không! Em không tin anh nói đúng! Anh Thắng khác thế! Anh than với anh Thắng, hoạt động bên anh ấy, nhưng em, em yêu anh Thắng! Anh Thắng mà anh biết, không phải người em yêu. Các anh đàn ông thật kỳ khôi, các anh hình như hiểu lầm nhau. Em không ưng anh, gói tròn cả cuộc đời anh Thắng trong có mấy câu. Anh Thắng đâu chỉ biết có hành động, ngoài ra không biết đau khổ, thất vọng, buồn bã, yếu mềm là vì đối với em, anh Thắng gần gũi hơn bao nhiêu. Em không thể thuật lại rõ ràng những điều em cảm thấy, trong những phút sống bên anh Thắng. Trời ơi!"
Lan ngừng lại lúng túng, xúc động.
"Khổ quá, làm sao diễn tả để anh hiểu. Khi nhớ đến anh Thắng, em hình dung rõ trước mắt cặp mắt nóng nảy của anh ấy, thân hình rắn chắc của anh ấy, cặp đôi môi khi bĩu ra dễ thương lạ lùng, bàn tay anh ấy, làn da, giọng nói tiếng cười... Và bây giờ, được anh cho biết thêm về thảm kịch gia đình của anh Thắng, em càng yêu anh ấy hơn. Những giây phút đau khổ dằn vặt anh ấy đã trải qua, chắc đã khiến anh Thắng khóc, điên lên được."
Tô nhẹ nhàng ngắt lời:
"Thắng mà khóc! Anh không tin."
"Anh im đi! Các anh lúc nào cũng chỉ muốn tỏ ra mình cứng rắn, trơ trơ. Ừ thì các anh kìm giữ được nước mắt! Nhưng trong thâm tâm các anh vẫn muốn khóc lắm đấy! Thế cũng chẳng khác gì khóc oà lên thành tiếng! Chính anh Thắng hôm rời Hà Nội quay trở về đoàn Quân thứ Lưu động với anh, đã thú thật với em, anh ấy rất đau đớn khi phải xa em. Anh thấy chưa! Đấy, em yêu cái anh Thắng biết đau đớn, biết giận hờn, đôi khi đòi hỏi đến điều, không được cũng biết cáu kỉnh như một đứa trẻ thơ và thật là bướng, thật là ngang tàng độc đoán, chế ngự được em, làm em sợ, run rẩy vì tức, vì yêu"
Bà Hạ lo ngại nhìn con gái. Mắt Lan sáng quá, hơi khác thường. Lời lẽ mê mải quá bạo dạn đối với tâm tính Lan khiến bà ngại Lan vừa bình phục xong không nhẽ một lần nữa, lại rơi vào tình trạng mê hoảng, kích thích quá độ. Bà nắm lấy bàn tay run run của Lan, miệng dỗ dành:
"Lan con! Con đừng nói nhiều, không tốt. Con hãy đi nằm nghỉ."
Tô khuôn mặt đăm chiêu lẩm bẩm:
"Có lẽ Lan nói đúng! Anh có cái tật tệ hại là hay tìm cách xếp hạng mọi người, mọi sự. Không chừng anh biết rất ít về Thắng."
Một tư tưởng thoáng qua trí óc Tô: “Có lẽ mình không bao giờ quên nổi chính mình, muốn soi thấu tâm hồn người khác, người ta phải hy sinh phần nào bản ngã của mình?”
Nhưng, Lan đâu còn nghe anh, dựa đầu vào vai mẹ, mắt nhắm lại, khuôn mặt xanh lướt. Bà Hạ dìu Lan lại đi văng, đỡ Lan nằm xuống, đắp chăn lên người con.
Quay về chỗ ngồi cạnh con trai, bà ngẫm nghĩ đoạn hỏi:
"Tô à! Ai cho me Thắng biết Thắng có con? Theo con, Thắng giấu mẹ kia mà?"
Tô lơ đãng đáp:
"Tình nhân của Thắng! Đọc tin Thắng chết trong báo cô ta tìm đến me Thắng định xoay ít tiền, viện cớ để nuôi con. Dĩ nhiên, em Thắng mừng rỡ hết sức và sẵn lòng đổi bao nhiêu tiền cũng được, miễn lấy lại được mấy đứa cháu. Nhưng khi nghe me Thắng đòi mang các cháu về nuôi, cô ta lúng túng, không biết cả chỗ ở của con mình. Hiện giờ con Thắng sống với bà nội."
"Còn cô tình nhân của Thắng?"
Tô nhún vai không đáp. Câu chuyện chấm dứt ở đấy.
Mấy hôm sau vào buổi chiều Lan đến thăm me Thắng, đón hai đứa con Thắng về nhà. Cả hai đứa trẻ, nhất là đứa con trai cứ quấn lấy “cô Lan" không rời nửa bước. Đứa con trai giống bố như lột, cũng cặp mắt lim dim dưới hàng lông mày dậm, vừng trán nhô ra bướng bỉnh, mái tóc đen mượt, chân tay hơi gầy nóng nảy luôn luôn cử động không chịu để yên. Hễ giận dỗi, nó dậm chân xuống đất nghe bành bạch và la hét vỡ nhà cửa. Đứa con gái tròn trĩnh như hòn bột, khuôn mặt phảng phất vài nét hơi nặng nề, chắc thừa hưởng của người mẹ thuộc một giai cấp hơi thấp kém; tuy nhiên đôi môi chum chúm đỏ chót cặp mắt một mí đen láy, chiếc mũi nhỏ hơi hếch ngộ nghĩnh khiến nó có một vẻ đẹp sắc sảo, hơi thiếu phần thông mình thanh tú, nhưng bù lại rất lôi cuốn.
Lan thiên vị đứa con trai ra mặt. Lan trêu chọc nó, làm bó hét lên vung tay đập vào người Lan bồm bộp, để rồi lại ôm nó thật chặt nâng niu. Tô trái lại chỉ lưu ý đến đứa con gái, bế nó, hôn không chán cặp má phính, đặt nó ngồi vắt vẻo trên vai hay dắt nó tung tăng dạo chơi dọc theo hè phố.
Ngắm hai đứa trẻ dễ thương, lòng ông Hạ cũng nao nao.
Giá Tô đi lấy vợ đẻ con, ông sẽ có mấy đứa cháu quấn quít bên mình. Đối với một người đàn ông, khi con cái đã trưởng thành, tự nhiên phần nào chúng không còn là con mình nữa. Hiện nay, cha con ông chỉ là những người lớn chống đối nhau, khinh ghét hoặc khâm phục nhau, những sự ràng buộc ruột thịt đã hầu mất hẳn! Những kỷ niệm cũ mờ mịt không còn có thể gây cho ông những xúc động êm dịu thành thật.
À! Nếu các con ông mang lại cho ông vài đứa cháu, không chừng cuộc sống gia đình sẽ dễ thở, thoải mái hơn.
Ông hỏi Lan, đang ngồi trên mặt đất, nhìn đăm đăm mặt đứa con trai, như cố tìm vài nét hay dáng quen thuộc của người yêu:
"Bao giờ bà chúng lại đón?"
Lan ôm ghì đứa trẻ vào ngực, miễn cưỡng đáp:
"Đến tối ba ạ! Con muốn giữ chúng ở lại đây mãi mãi."
Ông Hạ vuốt làn tóc mượt đứa con trai, bàn tay ngập ngừng. Có lẽ ông nên vuốt sang cả làn tóc dài của con gái ông, ngay trong tầm tay. Giọng ông dịu dàng:
"Đâu có được! Bà chúng chỉ còn có chúng ở trên đời. Đời nào bà chịu rời bỏ. Con đừng nghĩ ngợi, mong ước vẩn vơ làm chi."
Lan bật nói:
"Anh Thắng không bao giờ ưng con anh ấy sống với bà và cái anh chàng S... Anh Thắng có lý!"
"Nhưng Thắng chết rồi!"
Khuôn mặt Lan sa sầm, Lan ôm đứa trẻ đứng phắt dậy.
"Vâng, anh Thắng chết rồi. Nhưng con tin chắc nếu còn sống, không ai có thể khiến anh ấy đổi ý."
Tuy không muốn, giọng ông Hạ tự nhiên vẫn thoáng nghiêm khắc:
"Lan! Con nhớ rằng đối với gia đình Thắng, con chỉ là một người xa lạ! Dù con muốn, con cũng không thể làm gì hơn được!"
Hàng lông mi cong dài của Lan cụp xuống. Lan không trả lời bố, lẳng lặng bế đứa trẻ ra ngoài hiên.
Bà Nam – me Thắng – đến đón các cháu vào khoảng 8 giờ tối. Bà vào nhà cùng với một ả sẫm chắc mới mướn để trông nom hai đứa trẻ. Không thấy anh chàng Sâm.
Chỉ nghe lời Tô thuật về me Thắng, ông Hạ đã tưởng nếu gặp bà, ông không tránh được khinh ghét. Nhưng sự thật xảy ra trái hẳn lại; sau vài câu chuyện xã giao, ông khám phá ra một sự kiện khá ngạc nhiên. Riêng cá nhân ông, quả ông khó ghét được me Thắng.
Đó là một người đàn bà hiếm khi ông gặp trong xã hội. Bà Nam khéo đủ mọi đường. Ăn mặc khéo, nền nếp và sang trọng; ăn nói khéo mềm mỏng lịch thiệp, đi đứng khéo, nhẹ nhàng khoan thai.
Mới gặp lần đầu, bà Nam đã chinh phục ngay được cảm tình của vợ chồng ông Hạ.
Ông kín đáo quan sát bà Ban khi bà trò chuyện về những kinh nghiệm nuôi trẻ với vợ. Ông thắc mắc tự hỏi, “Có phải chính người đàn bà ngồi kia đã phạm tội ngoại tình? Thật khó tin!" Nếu không được vợ ông kể lại câu chuyện mâu thuẫn của bà Nam, làm ông dám nghi ngờ một người đàn bà bề ngoài đoan trang như vậy.
Me Thắng cũng nhắc lại mấy kỷ niệm về Thắng hồi nhỏ và khóc ngay được, cũng rất khéo. Cũng hơi lạ, Thắng được mẹ nuông chiều đến thế – mùa hè chạy ra đường chơi luôn luôn có người nhà theo bén gót để quạt và lau mồ hôi – tại sao lớn lên hắn lại tỏ ra quá cứng rắn đối với mẹ?
Khi bà Nam từ biệt ra về, ông bà Hạ tiễn ra tận ngoài cửa? Tô bế đứa con gái Thắng trên tay, me Thắng ôm đứa con trai, Lan khuôn mặt lãnh đạm chỉ hơi gật đầu chào bà ta, không nói một lời.
“Chú Sâm"vội xuống xe, mở cửa hàng ghế trước để me Thắng bước lên. Sâm người dong dỏng cao, khuôn mặt thông minh, trán cao, mũi thẳng, cặp mắt lạnh lẽo lấp lánh sau cặp kính cận. Cách phục sức của Sâm hơi khắc khổ, toàn những màu xẫm. Nhìn hắn, không hiểu sao người ta liên tưởng đến một thầy tu vừa bỏ đạo, quay về với đời sống trần tục.
Sâm giúp me Thắng lên xe, đóng cửa, vòng sang phía biên kia trèo lên xe ngồi vào trước tay lái, cử chỉ điềm đạm thận trọng. Hắn không chào bất cứ ai trong gia đình ông Hạ và hình như chỉ quan tâm đến sự có mặt của mỗi bà Nam.
Bà Nam trao đứa trẻ cho ả Sẩm ngồi ở hàng ghế sau, vén áo ngồi dịch lại gần Sâm và hơi nghiêng đầu nói khẽ với Sâm một câu. Đầu hai người sát vào nhau. Cử chỉ rất tự nhiên đó hơi quá thân mật – không lọt khỏi những cặp mắt quan sát soi mói của Lan và Tô.
Chẳng biết Sâm trả lời ra sao, mẹ Thắng vội quay người về phía sau và vì trong xe tối nên mọi người không thể theo rõi những biến chuyển trên vẻ mặt của người đàn bà ấy. Mãi đến khi bà ta ló đầu ra ngoài cửa xe, giơ bàn tay vẫy chào, mọi người mới thoáng nhận thấy một vẻ ngượng ngập và thiếu tự nhiên trong câu nói tha thiết một cách quá đáng, nên thành giả tạo của bà Nam:
"Xin kính chào ông bà! Hôm nào rảnh mời ông bà lại thăm chúng, lại thăm tôi và các cháu."
Chiếc xe của bà Nam đã khuất ở đầu phố. Tiếng Lan từ trong hiên vẳng ra nhẹ nhàng nhưng cay độc:
"'Lại thăm chúng tôi và các cháu'. Thật khéo nói!"
Tô mỉm cười trước nhận xét sắc mắc của cô em gái. Hắn giơ tay lên xoa xoa chiếc cằm, nói một mình:
"Chà! Thói quen tai hại thật!"
Tô nhẹ nhàng mở cửa. Chìm trong khoảnh tranh tối tranh sánh, căn phòng đã vắng lại vắng thêm. Lan chắc đi học chưa về. Ông bà Hạ đi thăm một người trong họ từ hồi chiều. Tô bỏ chiếc chìa khoá vào túi, đến cạnh chiếc ghế bành cũ độc nhất trong nhà, lặng lẽ ngồi xuống, ôm đầu nghĩ ngợi.
Ngồi được một lúc khá lâu, Tô chợt ngửng đầu. Hình thù trắng nhạt của một người đàn bà xuất hiện từ lúc nào trong khung cửa thông xuống nhà dưới. Tô lên tiếng, giọng hơi khô.
"Ai đấy…?"
"…"
"Lan phải không? Em về từ bao giờ vậy? Sao không thắp đèn lên?"
Lan lại gần anh, dáng điệu hơi cứng, Tô giương mắt, cố phân biệt những nét trên khuôn mặt mờ ảo của em gái.
"Lan! Em vừa khóc đấy à?"
Lan ghé ngồi xuống phản, người hơi nghiêng về phía trước. Lan gật gật đầu.
"Em đã nghĩ đến Thắng? Chắc vậy?"
Lan ngồi thẳng hẳn dậy, cặp môi nhỏ ngậm chặt một lọn tóc đen. Sáu phút im lặng, Tô lại nói, giọng hơi lạc đi.
"Lan à! Em có muốn biết trong những giây phút cuối cùng Thắng có nói gì không? Nhắc đến tên em chẳng hạn?"
Lan thở dài nhẹ, thu hai đầu gối vào ngực, cằm tì lên hai bàn tay, giọng yếu ớt trong hơi thở:
"Vâng, anh cứ nói đi! Đằng nào cũng một lần em phải nghe anh cho đến hết."
Mấy thớ thịt nhỏ bên cạnh môi Tô rung nhẹ. Cặp mắt hơi khép lại. Hắn ngập ngừng:
"Nhưng, trước hết anh muốn hỏi em một điều. Tình yêu của em có giảm bớt phần nào, sau khi Thắng chết hay không? Hay em càng yêu hắn hơn?"
Lan đưa hai tay lên áp chặt lấy má, bắt đầu nói, những âm thanh chập chững?
"Vâng! Trong những ngày gần đây, em cũng đã nhiều lần băn khoăn tự hỏi như vậy. Nhưng, càng băn khoăn, em càng cảm thấy ngây ngất. Tất cả quay lộn như trong cơn bão lốc. Đúng thế, bão lốc. Em chỉ biết, hình như trong em một cái gì vừa đứt đoạn không thể chắp nối lại được, và cũng chẳng biết đầu mối ở đâu. Sau cái phút anh báo tin anh Thắng chết, người em rã rời từng mảnh. Không còn gì là quan trọng nữa. Bây giờ, anh có kể lể tỉ mỉ, ngày này qua ngày khác, về những giây phút hấp hối ghê khiếp của Thắng, em chắc sẽ cảm thấy đau đớn, những đau đớn vô vọng, không vì một cái gì cả."
Tô chậm rãi:
"Em nói phải. Chỉ còn sự đau khổ của em!"
Lan cười khan một tiếng:
"Anh muốn em làm gì với sự đau khổ của em? Để đẩy em đến chỗ tự tử chết theo anh Thắng hay sao?"
Tô hơi rùng mình.
"Thật Lan có ý định...?"
Nước mắt trào ra hai bên khoé mắt Lan, nhưng trước sự lo ngại của anh, Lan vội tiếp:
"Không! Em chỉ nói vậy thôi. Em đâu có bán được sự đau khổ của em để lấy tiền giúp me, giúp các anh, phải không anh!"
Tô mỉm cười, một ánh khâm phục thoáng hiện trong cặp mắt. Tô dịu dàng nhìn em.
Hai anh em yên lặng một chút, đoạn Lan hỏi:
"Em thấy anh có vẻ buồn. Cũng vì anh Thắng hay sao?"
Tô khoanh hai tay trước ngực, đẩy ghế ngả về phía sau, người đu đưa, mắt đăm đăm nhìn vào một điểm vô hình trong không gian.
Lan cúi đầu giọng thì thầm:
"Anh nói đi! Thà nghe anh nói đến anh Thắng còn hơn. Để mặc em nghĩ ngợi miên man, em điên lên mất."
Tô ngừng đạp chân, người cứng nhắc. Hắn hình như không nghe Lan. Cặp mắt Tô thoáng một vẻ nửa sợ hãi, nửa thách thức khó tả. Với cặp mắt đó, Tô đang chú mục vào một cái gì chỉ riêng hắn thấy và chỉ khiến chính hắn sợ hãi mà thôi. Tiếng hắn như phát ra ở ngực.
"Em yêu Thắng. Thắng chết! Em mang sự đau đớn của em ở đây, trong tim. Anh ưa cái lối đau khổ của em, của đàn bà. Đau bằng tim, bằng da thịt, tình cảm."
Em đau, vì khi hồi tưởng lại những kỷ niệm say sưa, em hối tiếc tuyệt vọng. Nhưng, không hề tìm hiểu ý nghĩa cái chết của tất cả mọi người và cả chính em. Nghĩ, suy luận về cái chết hoàn toàn xa lạ đối với em. Phải vậy không?"
Đôi mắt xếch của Lan hơi cau lại. Lan cố gắng tập trung tư tưởng, theo dõi những câu trừu tượng của anh.
"Cái chết của Thắng gây cho em cảm tưởng 'một cái gì đứt đoạn', nhưng đối với anh – thật kỳ khôi và bất ngờ – Thắng chết lại đánh thức những ám ảnh ray rứt, ngủ say trong anh từ bao năm nay. Hồi anh 17, 18, yêu đời, lý tưởng, hăm hở muốn cắn vào đời sống, ôm đời sống trong vòng tay tham lam, anh cũng đã nhiều phen băn khoăn nghĩ ngợi cho đến rục đầu choáng váng về cái chết của anh. Chết là thế nào, kết liễu tất cả? Không còn được nghĩ, được lo lắng, e sợ, ham muốn? Anh muốn kêu lên. Anh muốn kêu lên. Em còn nhớ dạo ấy, cái bà già ở cùng với nàng dâu, cạnh nhà mình? Bà ta chửi mắng, rỉa róc con dâu suốt ngày, nhưng đến thời kỳ nằm hấp hối một mình, không còn sức chửi mắng, bà ta nằm ngửa, mắt nhắm và nghiến răng ken két suốt mấy ngày mấy đêm. Cả khu phố sợ tiếng nghiến răng của bà ta. Con dâu bế con sang hàng xóm ngủ nhờ, không dám nằm cùng phòng với mẹ. Anh, có lần đi qua cửa nhà bà ta, đã đứng lại lắng nghe tiếng nghiến răng, anh vẫn tiếp tục nghe thấy những âm thanh quái ác đó, mãi mãi về sau, trong anh..."
Tô mỉm cười buồn, hỏi Lan:
"Có lẽ anh đã nghĩ đến cái chết sớm quá đối với tuổi đó chăng? Tuy nhiên, lớn thêm vài tuổi nữa, cuộc đời quyến rũ đã mạnh hơn, làm mờ nhạt những ám ảnh cũ, cuộc đời rõ nét, và không luẩn quất hình bóng cái chết! Trong những năm gần đây, anh đã tưởng ám ảnh đó không 'có' nữa, biến mắt không dấu vết. Anh còn mãi bận bịu về những vấn đề sống, hành động, yêu ghét, gần gũi hơn, cấp bách hơn. Cho đến đêm, ôm thân hình quằn quại, đẫm máu của Thắng trong tay, tất cả những ám ảnh cũ ùa đến, không làm sao ngăn nổi. Anh nhìn Thắng nhăn nhó, chống cự với cái chết. Hắn cố mỉm cười, hổn hển nói 'Merde! Tao đen quá, phải không mày!' Với bàn tay anh, anh đã sờ thấy, theo rõi cái chết lấn dần, lấn dần. Chân lạnh, rồi đùi, rồi bụng. Thắng nhắm mắt một lúc lâu, anh tưởng hắn ngất đi. Bất chợt, hắn mở mắt nhìn thẳng vào mặt anh. Không bao giờ anh quên nổi tia mắt Thắng, vào giây phút ấy. Thắng không dối dăng một câu, chỉ nhìn anh. Chỉ một người sắp chết nhìn một người đang sống, ánh mắt mới như vậy! Và anh, anh cũng không nói một câu. Không phải cổ họng anh tắc nghẹn mà vì đúng như em nói hôm nào, dù nói gì chăng nữa cũng vô ích. Tất cả đều vô ích! Dù anh muốn phản đối, điên lên, dù em có mặt cạnh Thắng với tất cả lòng say mê cuồng nhiệt của em, không ai ngăn nổi Thắng chết! Tuy vậy, suốt trong khoảng thời gian quen biết, sống cạnh nhau, chưa lúc nào anh cảm thấy gần gũi Thắng như trong những giây phút cuối cùng đó của Thắng. Hai người lặng lẽ nhìn nhau. Cũng cái chết trói buộc một kẻ hấp hối và một kẻ còn sống, nhưng cũng cái chết ngăn cách muôn trùng. Thật mâu thuẫn và phi lý phải không em? Nhưng mọi sự phải như vậy. Mặc dầu tất cả, người ta vẫn phải chết cái chết của riêng mình."
Lan rùng mình, ngập ngừng:
"Anh đã... Anh đã cảm thấy sợ?"
Trán Tô nhăn lại.
"Anh không nghĩ là chỉ có sự sợ hãi không thôi, tệ hại hơn thế trăm lần: Anh còn cảm thấy cô độc, chơ vơ. Không còn gì có nữa đối với anh, ngoại trừ mình anh và cái chết."
Lan lắc lắc cái đầu. Tô ngừng nói, nhìn em.
"Em không giống anh! Em cũng đã cảm thấy sợ hãi, trước cái chết của anh Thắng, nhưng em không cô độc. Còn các anh, me, mọi người chung quanh em, mà em yêu. Thú thật, em cũng có lần nghĩ đến chuyện tự tử. Nghĩ suông vậy thôi. Bây giờ em thấy em khó lòng có đủ can đảm hủy hoại thân mình, dù em muốn lắm đi chăng nữa."
Tô không tiếp lời em gái. Hai người ngồi yên lặng trong bóng tối khá lâu. Đoạn Lan đứng dậy, vào nhà trong, thắp chiếc đèn Hoa Kỳ, mang đặt lên chiếc bàn giữa phòng ngoài.
Lan nhìn khuôn mặt khắc khổ của anh, giọng êm dịu:
"Anh Tô à!"
Tô ngước mắt lên.
"Anh không hiểu..."
"Tại sao anh cứ sống một mình với anh nhiều như thế? Không tốt đâu."
"Cám ơn lời nhắc nhở của em!"
Lan không lưu ý đến ý nghĩa chua chát trong câu nói của Tô, tiếp luôn, giọng nồng nhiệt:
"Không hiểu sao em lại có cảm tưởng anh không giống một ai trong gia đình. Anh không giống me, em; anh cũng không giống anh Di. Anh..."
Tô mỉm một nụ cười khó hiểu. Miệng cười nhưng ánh mắt xa cách.
"Em nói thật câu này, anh đừng cười..."
"Em nói đi! Úp mở hoài."
"Em muốn nói, anh Di mặc dầu say mê dữ dội như vậy, nhưng anh Di... không! Me và em vẫn cảm thấy gần gũi anh Di hơn anh."
"Tại sao em không nói thẳng ra là em và me yêu Di hơn anh."
Khuôn mặt đẹp của Lan thoáng lộ vẻ bất mãn. Lan khoa tay làm một cử chỉ nóng nảy, giọng trách móc:
"Anh ác lắm! Chỉ thích bắt nọn và dồn người ta vào chỗ bí. Em cảm thấy gần gũi anh Di không thể có nghĩa là em yêu anh Di hơn anh!"
"Em bào chữa khá đấy!"
Lan mắt long lanh sáng, lặng lẽ nhìn anh một giây, đoạn tự nhiên nghiêng người về phía anh, đặt nhẹ một bàn tay trắng xanh lên bàn tay ngón dài dám nắng của Tô. Tô mỉm cười, nắm ngón tay út của Lan giơ lên, nghịch ngợm:
"Này cô bé! Cái gì cậy?"
Lan rút tay về, nói nho nhỏ.
"Em biết mà! Anh có bao giờ cần đến ai đâu."
Khuôn mặt Tô thoáng vẻ sững sờ. Hắn nói như một cái máy:
"Thật thế ư em?"
Lan gật đầu khe khẽ, giọng đầy tin tưởng:
"Vâng! Từ xưa đến nay, anh vẫn sống không cần đến một ai."
"Căn cứ vào đâu mà em lại có ý nghĩa kỳ khôi vậy? Anh tưởng anh cũng yêu mọi người trong gia đình không kém bất cứ ai. Có lẽ nhìn bên ngoài, anh có vẻ lạnh lẽo hơi cứng rắn nhưng anh thừa biết cũng nhiều tình cảm và dễ xúc động. Đâu đến nỗi tệ!"
"Anh yêu mọi người, nhưng anh vẫn không cần đến mọi người. Em không có tài lý luận như anh và anh Di, em chỉ biết nói những điều em cảm thấy. Anh thường chẳng vẫn khuyên em phải thành thật là gì."
Tô ngẫm nghĩ. Lan chớp mắt nhẹ, hai bàn tay nóng nảy.
"Thôi! Chúng mình nói chuyện khác đi anh. Em biết là đã nêu vấn đề này ra..."
Tô thẳng thắn:
"Em làm thế là phải! Nhận xét của em đúng đấy chứ."
Ánh sợ hãi thoáng qua cặp mắt to đen của Lan.
"Vì, vì em biết em đúng nên em càng cảm thấy có lỗi. Em không nên..."
"Em muốn hỏi anh, anh có quan niệm sống là phải cảm thấy mình cần đến mọi người, và mọi người cũng cần đến mình hay không?"
Tô đáp ngay:
"Đến một giới hạn nào thôi!"
Lan chắp hai tay vào nhau.
"Đấy! Anh khác em và mọi người ở chỗ ấy! Riêng em, em không thể nghĩ ra được một cách sống nào khác là cần đến mọi người và mọi người cần đến em. Em sẽ khổ sở đến chết được, nếu không một ai trên đời."
Giọng Lan nghẹn ngào, Lan ngừng lại.
"Em không thể quên câu chuyện giữa anh Di và em hôm nào. Anh ấy đã bảo em: 'Em không hiểu cảm thấy mình lệ thuộc vào những người mình yêu nó kinh tởm đến mức nào'. Em thấy anh Di thật tội nghiệp. Anh Di khổ sở vì yêu mọi người quá đáng. Mặc dầu ngoài miệng anh ấy oán trách mọi người không yêu trả anh ấy mãnh liệt, và khinh bỉ chửi rủa sự yếu mềm đa cảm của chính mình. Nhưng, em không giận anh Di chút nào, vì em biết anh Di luôn cần đến mọi người. Em sợ cho anh Di!"
Giọng Tô thoáng chế giễu:
"Em thương và sợ cho Di, nhưng anh sợ thay cho những kẻ chẳng may yêu phải thằng Di."
"Anh hơi quá lời đấy! Trong chuyện anh Di và Thủy, em thấy chỉ anh Di là thiệt thòi."
"Anh không nghĩ vậy! Thủy đuổi Di ra cửa, không cho Di tất cả là phải lắm. Vì cho Di, để rồi được cái quái gì? Di nằm trong tù, mơ tưởng, ham muốn một người đàn bà, vừa được tự do hắn yêu luôn người con gái đầu tiên hắn gặp là vì hắn tưởng hắn sẽ tìm thấy tình yêu tuyệt đối ở một người đàn bà. Ảo tưởng! Dù chiếm được Thủy, hắn cũng sẽ chán Thủy rất chóng! Rồi đây em xem...! Thực ra, Di chỉ khoái sự say sưa hắn tìm thấy trong tình yêu. Hắn không yêu Thủy, và hắn cũng không thể yêu bất cứ người đàn bà nào."
Lan thốt lên, nghẹn ngào:
"Kể ra anh Di và anh Thắng giống nhau à?"
"Không đúng lắm! Di tìm tuyệt đối trong tình yêu, mọi sự, không được hắn khổ sở, nổi loạn, oán hận. Còn Thắng, hắn giản dị nhiều hơn. Hắn chẳng có chú ý tìm cái quái gì hết! Vì thế Thắng không khổ sở như Di. Hơn nữa Thắng với anh, chơi với nhau ngang tàng."
'Sống cạnh anh nhưng không bao giờ Thắng tỏ vẻ cần đến những lời khuyên của anh. Thắng cũng không hề dập hành động, suy tưởng, coi anh như một người mẫu, và hắn cũng không cần anh phải công nhận hắn sống thế này là phải là hay, như Di. Còn Di, tại sao nó cần đến anh mới được chứ! Đàn bà cần đến anh, em và me chẳng hạn, còn được đi. Nhưng đàn ông mà bám víu vào anh, anh không chịu nổi. Nhất là Di!'
Lan ngạc nhiên, ánh mắt thắc mắc.
"Anh biết anh Di cần đến anh mà anh lại cứng rắn như vậy với anh Di. Em không hiểu..."
Tô dằn giọng.
"Dĩ nhiên anh vẫn biết. Nhưng mặc xác nó! Đã đến lúc Di phải sống cho ra một người đàn ông. Anh rũ bỏ hoàn toàn mọi trách nhiệm về hắn."
Lan nhìn anh. Tô nhìn lại em trong một giây đoạn đưa tay lên bóp trán.
"Anh biết em nghi ngờ câu nói cả quyết của anh." Tô thở dài nhẹ, "Không dễ mấy lúc rũ bỏ nổi trách nhiệm về một người nào. Em cũng như nhiều người cho rằng rũ bỏ trách nhiệm là hèn nhát. Tuy nhiên, đôi khi rũ bỏ một trách nhiệm còn khiến anh đau đớn hơn chấp nhận nó. Nhất là, anh lại tự biết – nếu anh muốn – anh sẽ có thể làm trách nhiệm đó không đến nỗi dở."
Lan nhìn anh, làm như lần đầu tiên Lan gặp anh. Tô đứng dậy, chậm dãi lại gần cửa sổ tì khuỷu tay lên thành cửa, nhìn vu vơ ra ngoài trời đêm. Một lúc sau, Tô quay lại, tay nghịch với một chiếc lá khô vàng. Khuôn mặt xương xương của Tô, lẫn lộn bóng tối ánh sáng và những nét đầy sắc của đường mũi, gò má nổi bật lên. Tô nói với em giọng trầm trầm.
"Nhờ buổi nói chuyện với em, anh mới khám phá ra một điều anh không ngờ tới, hay không lưu ý tới, ở anh: Anh yêu mọi người nhưng, theo một lối riêng biệt của anh. Hình như, vì cái hình thức yêu của anh kỳ khôi sao ấy, nên anh có cảm tưởng anh càng yêu mọi người anh càng làm mọi người oán anh hơn, Di chẳng hạn! Và cả em nữa."
Lan lắc lắc đầu. Giọng Tô thoáng bí ẩn.
"Em cứ tin anh đi. Anh có tài làm những người anh yêu quay lại oán anh mà!"
"Em ghét anh khi anh cứ cố ý nói những lời cay đắng và cứ làm ra bộ mình tiên tri được hết mọi sự."
Tô cười khẽ. Câu chuyện giữa Tô Lan chấm dứt ở đấy.
Khoảng một tuần sau ngày bà Nam đến thăm, buổi chiều đi làm về, ông Hạ lên tiếng gọi, khi thấy nhà cửa vắng lạnh.
"Mình có dưới nhà không đấy? Chúng nó đi đâu cả rồi?"
Câu trả lời của bà Hạ vẳng lên:
"Tô đến thăm anh Bằng. Chắc nó cũng sắp về."
Ông lắng tai. Bà Hạ không nhắc đến Lan. Ông cau mặt khô khan:
"Còn Lan?"
"Hồi chiều anh Vĩ có lại chơi, chắc Lan đi nhờ xe ra phố mua hộ tôi mấy thứ lặt vặt."
Ông kéo mạnh một chiếc ghế, giọng gắt gỏng:
"Bà để mọi thứ đấy! Lên đây ngay tôi hỏi cái này."
Bà Hạ lên nhà trên. Bà không nhìn ông, khuôn mặt thoáng đăm chiêu.
"Tại sao tôi đã căn dặn nhiều lần, bà vẫn cứ để Lan đi chơi với Vĩ là nghĩa thế nào? Vĩ có vợ, vợ hắn lại không phải tay vừa. Hừ! Còn cái con Lan, người tình vừa chết bất đắc kỳ tử đã lại cặp kè ngay với thằng khác. Được! Tôi sẽ 'chỉnh' cho 'ông luật sư' một trận."
Bà Hạ nhìn ông mà hình như không nhìn thấy ông, môi mấp máy, ngập ngừng. Ông giục:
"Bà biết gì, nói ra đi!"
"Ông, ông có thấy dạo này Lan làm sao ấy không?"
"Làm sao? Nó khoẻ hẳn rồi mà!"
Đầu bà Hạ lắc nhè nhẹ.
"Vẫn biết Lan khỏi rồi, đêm ngủ không mê, nhưng nó hình như chẳng lưu tâm đến làm ăn, học hành. Nó lầm lầm lì lì, tôi có gợi chuyện nói vùng vằng, đôi khi gắt cả với tôi. Ông có để ý đến lối cười của nó không?"
Ông gạt đi:
"Bà chỉ lẩn thẩn! Tôi thấy nó vẫn vậy!"
Ông Hạ ngẫm nghĩ. Ông thầm đồng ý với nhận xét của vợ. Lan đã bắt đầu cười trở lại, tuy nhiên lối cười gay gắt, vụt vẳng lên để rồi tắt đi bất chợt, khác hẳn trước, như chọc vào tai ông, khiến ông khó chịu, bực bội, Lan cười như thách thức mọi người chung quanh. Cử chỉ bộ điệu nóng nẩy bứt dứt, ngồi chưa ấm chỗ đã đứng dậy, cầm cuốn sách lật vài ba trang đã quay đi.
Lan không nhắc đến Di. Lan quên có người anh là Di, bỏ nhà đi biệt? Lan lại hay đi chơi riêng với Vĩ, những buổi chiều đi học về sớm và ông đi làm chưa về. Ông Hạ nghi ngờ dám Lan gây áp lực, đòi Vĩ chiều theo ý muốn của Lan.
Đột nhiên ông bật nói:
"Đã đến lúc lo gả chồng cho Lan thì vừa. Lấy chồng là hết rắc rối. "
Bà Hạ bất mãn:
"Gả chồng? Đâu có được. Thắng chết đã làm Lan suýt điên dại, ông không thấy hay sao?"
Ông mỉa mai:
"Khối đứa con gái điên thật ra đấy mà gả chồng còn khỏi nữa là."
Người bà Hạ cứng đờ, hai bàn tay lóng ngóng chùi vào chiếc khăn quàng ngang người, liếc nhìn ông rất nhanh. Ông có cảm tưởng bà e ngại ông. Ông nói tiếp và tuy không cố ý, giọng vẫn dịu lại, như muốn bào chữa biện minh.
"Đấy là tôi bàn với bà thôi, chứ chuyện gả chồng cho Lan đâu dễ thực hiện ngay được."
Bà Hạ cúi nhìn xuống đất, giọng âm thầm, oán trách.
"Nhưng… Tại sao ông lại nghĩ đến chuyện đó vào lúc này? Ông không yêu con cái hay sao?"
Cơn giận bừng lên trong tâm hồn ông Hạ.
"Bà, bà thật quá quắt! Hễ tôi đả động đến các con bà là bà bênh chầm chập."
Bà Hạ ngẩng đầu nhìn ra phía cửa. Có tiếng xe hơi đỗ, cửa mở và Lan bước vào nhà, tay cầm một bọc hàng gói giấy xanh đỏ. Lan mặc một chiếc áo dài mới, hàng đắt tiền mà ông bà Hạ trông thấy lần đầu. Khuôn mặt đẹp đẽ hơi xanh xao của Lan thoáng mệt mỏi. Lan nhìn qua khuôn mặt cau có của bố và khuôn mặt lo ngại của mẹ, Lan hơi mỉm cười.
Ông Hạ hất hàm, gay gắt:
"Đi đâu bây giờ mới về? Vĩ đâu? Sao hắn không vào?"
Trước câu căn vặn của bố, Lan ngước đầu nhìn ông một giây. Lan trả lời, giọng bình thản.
"Anh Vĩ trở lại văn phòng lo một vụ kiện dở dang. Ba cần gặp anh ấy à?"
Lan trao gói đồ cho mẹ.
"Me mở ra đi! Anh Tô chưa về hở me?"
Bà Hạ đỡ lấy, nhìn chồng, ngần ngại.
"Cái gì đây hở Lan?"
Ông Hạ tiến lại gần vợ và Lan, giơ thẳng tay ra, dằn giọng:
"Đưa gói ấy cho tôi!"
Bà Hạ nhìn Lan. Lan giọng mệt mỏi, dịu dàng.
"Me cứ đưa cho ba đi! Chỉ có mấy hàng áo của me và con."
Ông Hạ xé mạnh lần giấy bọc ngoài. Ông nhìn chăm chăm mấy hàng áo len đắt tiền, cổ họng nghẹn ngào. Một giọng nói cay đắng vẳng lên trong tâm hồn, “Con gái ông nhận quà biết đắt tiền của người đàn ông. Nó đã mất hết tư cách! Thật nhục nhã! Không chừng nó đã nhận tiền là khác. Làm tiền. Con gái ông làm tiền." Hàm răng ông thít lại, hai bàn tay nắm chặt lấy chất len mềm mại. Ông muốn xé nát, vứt xuống đất, gí chân lên.
Ông quắc mắt, giọng hằn học, đe doạ, khinh bỉ.
"Tao còn sống đây mà mày dám làm thế à? Thật như chửi vào mặt tao!"
Bà Hạ bất giác bước lại gần Lan, như muốn che chở bênh vực. Lan mặt hơi tái, cặp mắt mở rộng nhìn khuôn mặt bố, bàn tay bố nắm chặt mấy hàng áo. Ánh mắt Lan kinh hãi, xa lạ.
Một cảm giác tuyệt vọng, giận dỗi, ghê tởm đến buồn nôn xâm chiếm lấy ông Hạ. A không! Ông sẽ không đánh Lan, cô con gái rượu mà ông đã yêu chiều.
Tuy nhiên ông Hạ vẫn làm một cử chỉ hơi trẻ con. Ông ném mạnh mấy hàng áo vào người vợ và Lan.
"Đem trả ngay mấy hàng áo khốn nạn này! Và cởi ngay cái áo mày đang mặc kia ra! Bẩn mắt lắm! Xấu hổ lắm!"
Hai gò má Lan ửng đỏ, mắt long lanh sáng, môi mím lại. Chiếc đầu nhỏ hơi ngửa về phía sau, cầm hất lên, ngực phập phồng; Lan nhìn bố lặng lẽ không chớp mắt.
Ông Hạ giận dữ quay đầu sang phía khác, tránh tia mắt Lan. Ông kéo một chiếc ghế ngồi phịch xuống. Ông nửa muốn cắt ngang mọi sự ở đây, nửa muốn tiếp tục đi xa hơn, gay gắt thô tục hơn. Đối với ông, lựa chọn thái độ lúc này thật nặng nhọc. Ông thầm mong Lan lộ vẻ sợ hãi, hối hận, vợ ông khuyên nhủ Lan vâng lời ông. Ông sẽ dễ xử trí.
Nhưng Lan làm một hành động ông không thể tha thứ. Lan từ từ cúi người và tuy cử chỉ hơi cứng, bàn tay run nhẹ, Lan vẫn cố gắng làm ra vẻ ung dung thản nhiên, và cư xử y như tất cả những sự ồn ào la lối của bố đã không hề xảy ra, ông Hạ không có mặt trong phòng.
Lan lần lượt nhặt từng hàng len, đứng thẳng người, không nhìn bố, chọn lựa đoạn trao cho mẹ một hàng mầu vàng xẫm.
"Hàng này anh Vĩ biếu me. Màu này mặc vừa ấm vừa nhã."
Bà Hạ sững sờ, hai tay buông xuôi hai bên sườn, mắt chớp chớp. Lan cầm một bàn tay mẹ lên, đặt hàng áo vào, nhẹ nhàng thúc giục:
"Kìa me cầm lấy đi chứ!"
Đột nhiên bà Hạ đưa hai tay lên bưng lấy mắt, nức một tiếng nhỏ, quay người đi thẳng xuống nhà dưới, bước chân như chạy trốn, để mặt hai bố con đối diện với nhau.
Lan vội vã theo gót mẹ, tay vẫn cầm hàng áo. Tuy nhiên, trước khi ra khỏi phòng, Lan ngoái lại nhìn ông Hạ rất nhanh, ánh mắt kết tội và oán hận.
Ông Hạ ngồi một mình trong căn phòng vắng lặng, thật giận dữ và cũng thật lẻ loi. Ông nhổ mạnh một bãi nước bọt xuống sàn nhà. Ông muốn phỉ nhổ lăng nhục cuộc đời. Với tất cả những tình tiết phức tạp trớ trêu của nó – trong sự biểu lộ hơi kém phần thanh nhã đó. Đồng thời, ông cảm thấy khổ sở vì thái độ này của ông.
Có tiếng cửa mở. Ông quay đầu. Tô về.
Tô lại gần bàn làm việc, đặt xuống một tập giấy. Hắn ngồi xuống ghế coi giấy. Dạo này Tô gầy đi nhiều, mắt trũng sâu. Hắn hay làm việc rất khuya trước một tách cà phê đậm và bao thuốc lá đen. Mọi người trong nhà không ai rõ Tô viết lách những gì, vì tất cả những giấy tờ của hắn, hễ làm việc xong Tô đều cất vào một ngăn kéo, tự tay khoá lại.
Nhìn thấy hàng áo vứt ngổn ngang trên mặt bàn, Tô cầm lên ngắm nghía. Ông Hạ rình mò, chờ đợi phản ứng của Tô.
Tô gọi:
"Lan! Lên đây anh bảo."
Lan xuất hiện, bước chân thoăn thoắt, tay bưng một cốc nước chè đặc bốc khói. Lan vẫn mặc nguyên chiếc áo dài mới may.
Tô đỡ cốc nước, nhìn Lan từ đầu đến chân, đoạn hất hàm về phía mấy hàng áo, hỏi em:
"Lại của mexừ luật sư tặng phải không?"
Lan môi dưới hơi bĩu, tựa người vào thành bàn, nhìn thẳng vào mặt anh.
Tô uống nước, một tay nghịch nghịch với những đầu ngón tay trắng muốt của Lan. Tô suy nghĩ một chút, đoạn lơ đãng cầm mấy hàng áo trao cho em, giọng thản nhiên:
"Em cất đi chứ! Em bầy bừa ra bàn, anh lấy chỗ đâu mà làm việc."
Lan hơi ngạc nhiên, ông Hạ cũng vậy.
Ông Hạ bực bội, lên tiếng:
"Đấy! Anh về mà xem cô em gái yêu quí của anh. Thằng bố già này xin chịu thua rồi. Con gái lớn, con nhà, ai lại cứ cặp kè với thằng có vợ. Không biết nhục!"
Tô ngửng đầu lên, cặp lông mày hơi cau lại. Hắn lấy bao thuốc trong túi ra, rút một điếu, châm hút, cử chỉ điềm đạm như trêu tức ông Hạ. Đoạn, Tô khô khan nói:
"Nếu ba muốn bàn chuyện với con, ba đừng nóng và cũng đừng vội dùng lời lẽ quá nặng nề. Cãi nhau to tiếng, quan trọng hoá một việc nhỏ nhặt chỉ tổ thêm hiểu lầm nhau."
"Hừ! Anh em chỉ được cái che đỡ cho nhau là giỏi. Chuyện đó mà coi là nhỏ nhặt được à? Anh là anh nhớn, anh phải bảo nó chứ?"
Tô cầm một hàng áo lên, mỉm một nụ cười cay đắng.
"Ba đã hỏi con, con cũng xin hỏi lại ba một câu. Ba thử nhìn Lan đây này! Có phải Lan đã lớn...và đẹp hẳn ra hay không? Vậy mà thử hỏi cả ba, cả con, thằng Di, ba người đàn ông trong gia đình này, đã ai mua nổi cho Lan một hàng áo đẹp và đắt tiền như thế này không?"
Tô đẩy ghế, đứng dậy lại gần chiếc cửa sổ trông ra đường. Đến lượt ông Hạ ngỡ ngàng: Câu chuyện xoay hẳn sang một hướng ông không ngờ tới.
Tô giơ tay vịn vào chấn song cửa, những đường gây nổi hẳn, nói rõ từng chữ:
"Trong một gia đình, bất cứ chuyện gì xảy đến, lớn hay nhỏ, đều là lỗi của người đàn ông!"
Giọng hắn chợt trầm xuống, khắc khoải.
"Khi người ta có một trách nhiệm, đừng bao giờ tìm cách trốn tránh. Vì, nếu vậy, sẽ phải chịu một cực hình kéo dài."
Ông Hạ ấm ức bực bội trước lối suy luận của con trai. Ông bảo Tô:
"Nói như anh không nghe được! Bố mẹ không nuôi nổi con cái không phải lý do để con cái vịn vào để làm đĩ, trộm cắp."
Tô quay người lại, buông một câu:
"Nếu thế ba đừng lên giọng mắng mỏ, kết tội các con! Ba không làm tròn trách nhiệm về Lan thời ba cũng phải có can đảm đừng đụng chạm đến sự tự do của Lan chứ?
Câu nói của Tô vừa khiến ông Hạ căm giận, vừa e ngại. Ông nói gần như quát:
"Không đời nào! Tao còn là chủ cái nhà này, tao còn có quyền đụng đến chúng mày. Muốn tự do thì bước khỏi đây rồi tha hồ tự do. Mày khinh bố mày đến thế kia à? Mày coi tao là một thứ bù nhìn hay sao?"
Tô không quan tâm đến lời lẽ hàm ý hăm doạ của bố. Tô nhìn Lan giọng chua xót.
"Ba có biết không? Thằng Di có lần nói với con 'Điều khó không phải là ra đi rứt bỏ, mà là ở lại". Vậy mà hắn đã chọn con đường dễ dàng. Chính con, đôi khi, cũng cảm thấy nên bắt chước Di."
Ông Hạ vùng dậy, mắt trừng lên giọng đanh thép:
"Đứa nào bước chân ra khỏi cái nhà này, không còn là con tao nữa!"
Ông Hạ đi thẳng vào nhà trong.
Khi ông Hạ đã rời khỏi phòng, Tô lại gần em, ngồi xuống một chiếc ghế. Sau một phút yên lặng, Lan lên tiếng:
"Em tin chẳng chóng thì chầy anh Di sẽ trở về nhà."
Tô cười nhẹ, giọng châm biếm.
"Di bỏ đi nguyên nhân chỉ vì một người đàn bà, anh hùng thật! Hắn đã tự ý đi thời để mặc hắn tự ý về. Anh chắc chắn không bao giờ mắt công đi tìm. Dù điều đó làm phiền lòng me."
Ánh mắt Lan trở lại tinh ranh, nghịch ngợm như trước đây.
"Anh giận anh Di lắm phải không?"
"Dĩ nhiên là tôi giận nó rồi! Còn cô nữa đấy, cô Lan ạ! Cô thừa biết nếu cô muốn nô lệ cho sắc đẹp của cô, để mặc sắc đẹp của cô lôi cuốn cô, thời đó là cô muốn vậy. Vậy tôi không ngăn cấm cô đâu! Dù tôi sẽ có thể giận cô."
Khuôn mặt Lan tối lại. Lan liếc nhìn anh, nghi kỵ.
"Em... em không hiểu anh lôi sắc đẹp của em vào câu chuyện để làm gì?"
Tô ngần ngại. Lan tiếp luôn, vừa thách thức vừa ngây thơ vô tội.
"Thế anh không muốn em đẹp hay sao? Em đẹp đâu lỗi tại em! Ba me sinh em ra vậy kia mà!"
Tô không cười.
"Anh đâu có điên mà chê trách em đẹp! Sắc đẹp của đàn bà là điều rất đáng để say mê...," giọng Tô đổi sang khinh bỉ. "Nhưng, có nhiều hạng đàn bà suốt đời chỉ là nạn nhân, hoặc tệ hơn nữa, nô lệ cho sắc đẹp của mình. Sắc đẹp chẳng khác con dao hai lưỡi. Nếu cố gắng sẽ hy vọng làm chủ được nó, nếu để mặc nó sẽ cứa những vết sâu vào tâm hồn mình. Tuỳ ở mình hết! Em rõ chưa?"
Lan mở to cặp mắt nhìn anh, không nghĩ đến đối đáp vặn hỏi. Tô quay sang phía em, nét mặt dịu xuống.
"Lan à! Anh không làm em buồn đấy chứ! Em bận tâm về những lời nói của anh làm chi."
Lan thở dài, trách móc.
"Anh thật dễ ghét! Anh nêu ra những điều khiến người ta đau lòng thắc mắc, rồi anh bảo 'Đừng suy nghĩ bận tâm!' Thật khó chiều nổi anh!"
"Anh đâu có bó buộc em, hay bất cứ ai, chiều theo ý muốn của anh."
Lan cười hơi gắt.
"Cái lối không bó buộc của anh còn ác hơn anh ra mặt bó buộc!"
Tô lảng sang chuyện khác.
"À! Còn cái anh chàng Vĩ của Lan dạo này ra sao? Khổ nhiều hay ít hơn trước?"
"Anh, thế ra anh vẫn nhất định cho rằng anh Vĩ rất khổ khi yêu phải em?"
"Anh không rõ lắm! Nhưng nếu hắn sung sướng nổi nông một tình yêu như vậy thời rất đáng ngạc nhiên!"
Lan tiếp luôn:
"Và chắc anh cũng thầm trách em, 'Cái con bé đến tệ, biết rằng làm người ta điêu đứng mà vẫn đùa rỡn với tấm tình chân thật của người ta.'?"
Tô nhún vai.
"Có lẽ!"
Lan ngồi thẳng người, kiêu hãnh:
"Em không phải hạng con gái như Thủy!"
"À ra thế! Cô em bé hành động cũng có chủ đích hẳn hòi. Càng hay!"
Gò má Lan ửng hồng trước câu nói ám chỉ ngụ ý xúc phạm của anh. Hai bàn tay Lan nóng nẩy siết vào nhau.
"Có thực anh nghĩ em cậy em đẹp, lợi dụng anh Vĩ?"
Tô hơi ngượng nhưng hắn nhún vai, nhìn em chăm chắm.
Lan cất cao giọng:
"Cứ ví dụ là em lợi dụng anh Vĩ đi, anh cũng để mặc em à?"
Tô gật đầu. Giọng Lan lạc đi, xúc động:
"Ra đấy là sự tự do anh dành cho em?"
Tô chữa lại:
"Không riêng cho em mà cho tất cả mọi người."
Ngực Lan phập phồng, giận dỗi, giọng như sắp khóc:
"Nhưng, nếu em không muốn thế? Em muốn anh khuyên bảo em, chỉ dẫn, bắt ép em..."
Vẻ mặt Tô buồn bã, giọng cay đắng.
"Miệng em yêu cầu anh, nhưng thực ra đâu có chịu để anh ép buộc."
Tô lẩm nhẩm một câu tiếng Pháp:
"Reconnaitre la liberté d’un autre, c’est lui donner raison contre sa propre souffrance...”
Lan thu người, đầu cúi nhìn những ngón tay nàng đan vào nhau, vẻ giận dỗi đòi hỏi, lẫn lộn van xin, dần dần mờ nhạt trên khuôn mặt Lan.
Lan ngửng đầu lên, hơi mỉm cười, giọng bình tĩnh:
"Anh nói thế mà có lẽ đúng! Em thú nhận nhiều lần trong những ngày gần đây, em suy nghĩ rất nhiều về thái độ của các anh đối với em, và em cảm thấy rằng sau khi anh Thắng chết đi, chẳng trước thì sau em cũng sẽ có ngày làm những chuyện khiến các anh phiền lòng."
Lan càng nói, giọng càng lưu loát. Hình như nàng đã suy nghĩ kĩ càng đến những chuyện nàng đang giãi bày cùng Tô.
"Từ dạo em lớn lên đến nay, mọi người trong gia đình không hiểu sao cứ vẫn tiếp tục coi em như một con bé con, ích kỷ, cứng đầu cứng cổ, hay đòi hỏi và thích làm đỏm. Các anh cũng không chịu cho em dự vào việc lo lắng cho gia đình. Hễ em đề nghị điều gì là các anh đã phản đối. 'Lan mà đi làm ấy à? Anh còn đây, Lan không thể làm công cho ai được.' 'Lan mà học đánh máy chữ? Điên đấy ư? Nữ thư ký xinh đẹp như Lan dễ bị lợi dụng lắm. Với lại, tay em đẹp thế kia, đánh máy hỏng đi'. Các anh yêu chiều em quá đến nỗi thấy những tính xấu của em cũng đáng yêu. Em lười biếng,các anh bảo 'lười đẹp như mèo xiêm', em vụng về các anh bảo 'vụng về một cách quí phái'. Em vừa khen một hàng áo đẹp. Dĩ nhiên em thèm muốn được may, nhưng nếu em biết trước anh cậy cục đi Quân thứ Lưu động mấy tháng trời mới để sang bên được một số tiền mua mấy hàng áo cho em và mẹ, thà em câm còn hơn. Em biết lắm, mua cho me được món quà các anh sung sướng không kém em. Các anh dắt em đi ngoài phố để mọi người 'chiêm ngưỡng' sắc đẹp vô ích của em và tự hào với nhau 'Tha hồ thiên hạ giầu. Chúng ta vẫn đẹp và cao quý hơn họ'. Kiêu mà làm gì! Anh Di sống bám vào một người đàn bà, me thì sức khoẻ càng ngày càng sút kém, già hẳn đi. Rồi đây, me sẽ chịu nổi không, nếu gia đình nghèo mãi?"
Lan ngừng lại, mắt long lanh sáng hướng vào anh. Tô không ngắt lời, tiếp tục hút thuốc, cạnh môi hơi trễ xuống.
"Các anh đàn ông. đâu rõ có nhiều chuyện đàn ông không thể hiểu được. Em vẫn dấu, sợ nói ra các anh sẽ chê em tầm thường. Đó là những chuyện nợ nần vay mượn của me. Các anh tuy vẫn cố gắng giúp gia đình, nhưng các anh lo lắng nó 'đàn ông' thế nào ấy. Me và em lo lắng khác! Các anh chỉ tìm cách kiếm thêm tiền, trầm ngâm suy nghĩ hay lao đầu vào những chuyện đâu đâu. Chỉ có thế thôi! Sự lo lắng của các anh vẫn xa xôi, nghĩa là..."
Lan lúng túng, ngập ngừng.
"Em nói chưa được rõ phải không? Chẳng hạn, các anh chỉ lo đưa tiền để me làm bếp, nhưng các anh đâu có biết làm bếp khó chịu bẩn thỉu đến mức nào. Các anh ăn, khen ngon, em me hả dạ, nhưng me và em mệt chết người. Các anh đâu có phải rờ tay vào soong chảo bù đầu toát mồ hôi trong bếp.
Chuyện vay nợ của me cũng từa tựa như vậy. Me đẹp, me hiền, cao quý nền nếp như thế mà anh có thể tưởng tượng được không, đã phải hạ mình van vỉ nói khó với những con mẹ buôn bán bần tiện, chỉ đáng làm công cho mình, để vay tiền, chăm sóc bù đắp cho các anh và em. Mới đầu, em ghét đi theo me vì sợ phải nhìn mặt họ. Thật kinh tởm! Me thời không kể, me càng nhẫn nhục me càng đáng yêu hơn.
Nhưng về sau, em thấy em có bổn phận phải kèm theo me, chia sẻ những nỗi nhục nhã đến cùng cực đó mà chỉ đàn bà mới cảm thấy thấm thía những nỗi chua chát.
Nhiều khi em khóc thầm, chẳng phải vì buồn hay tuyệt vọng mà đúng ra vì điên lên tức giận. Tại sao mọi sự lại bất công như vậy! Các anh đáng nhẽ phải được đi học, lo những chuyện lớn lao, công danh sự nghiệp. Vướng me và em, các anh đành luẩn quẩn trong gia đình, bận chân cướng cẳng trong những mối lo sinh kế tủm mủn. Nếu như thế này mãi các anh sẽ ra sao! Me! Và, còn em nữa chứ? Em chán nghèo lắm rồi! Làm bếp, giặt rũ mãi, em dần dần thấy em mụ người đi, ngớ ngẩn."
Môi Lan hơi run run, giọng cảm động.
"Ngoài ra, em cũng không còn có thể mơ mộng hão huyền, chờ mong người tình lý tưởng đến với mình như trước kia. Anh Thắng chết, em già dặn hẳn lên. Thật vậy mà, em cảm thấy em lớn thêm hàng chục tuổi, anh đừng cười. Nhưng, điều...khiến em đau khổ lại không phải là ôm ấp hình ảnh một người yêu đã mất, mà là cảm thấy mình ham sống hơn bao giờ. Cứ nghĩ vậy, em lại xấu hổ..."
Tô ngắt lời, nồng nhiệt:
"Em lẩn thẩn tệ! Ham sống có gì đáng xấu hổ! Chỉ trừ khi em hèn nhát, trốn tránh thực tại trong những kỷ niệm, than khóc vật vã, trách trời trách đất một cách ngu xuẩn mới đáng khinh."
Lan ngây thơ.
"Nhưng cũng phải lâu lâu một chút chứ, đâu chóng như vậy được?"
Tô nhìn thân hình nẩy nở của em gái, tủm tỉm cười.
"Nồng nàn như em, chóng thế đâu có gì đáng ngạc nhiên."
Khuôn mặt Lan ửng hồng nhưng nàng không lộ vẻ giận trước câu nói sống sượng của anh.
Lan thẳng thắn nói:
"Anh nói cũng đúng, nhưng có điều là em ham sống không có nghĩa là em chóng quên. Ngay vào giây phút này, em vẫn có cảm tưởng rõ rệt là anh Thắng đang sống tại một nơi nào đó, mà vì một số lý do không thể hiểu nổi, em không còn được liên lạc gặp lại anh Thắng. Anh Thắng hình như lúc nào cũng luẩn quất trong tâm hồn em mà không bao giờ gặp lại! Em như bị đánh lừa, bội phản... còn người nào bội phản em không rõ."
Bối rối Lan ngừng lại, nhìn anh cầu cứu. Tô ngẫm nghĩ, cặp mắt lờ đờ, ngón tay gõ gõ trên mặt bàn. Mãi sau hắn mới lên tiếng.
"Có lẽ sau khi cuộc đời đập vào đầu mình một cái choáng người, người ta thường có cảm tưởng bị đánh lừa. Anh cũng đã tơi vào một tình trạng như vậy, khi ôm xác còn nóng của Thắng trong tay. Nhưng giữa hai trường hợp anh và em có điều khác biệt. Em oán hận cuộc đời vì đã cướp mất, cắt đứt ngang mối tình cảm của em, còn anh là vì trong một khoảng khắc ngắn ngủi, anh đã từ chối, không dám nhìn thẳng vào thực tại. Anh đã..."
Hàm Tô cứng lại, không thể tiếp lời. Khuôn mặt Tô thoáng hiện nét đau đớn. Tô nặng nề giơ tay lên bóp trán.
Trước ánh mắt dò hỏi, thoáng lo ngại của em, Tô ngồi thẳng dậy khoa tay như muốn xua đuổi những ám ảnh thầm kín và trở lại câu chuyện dở dang.
"Nãy đến giờ anh nghe em giải thích hơi nhiều rồi đấy! Bây giờ chắc em sẽ cho anh biết ý kiến và kết luận của em.
Lan nhìn xuống chân giọng nhỏ nhưng bình tĩnh.
"Em sắp đi làm! Em sẽ nghỉ học hẳn."
"Làm thư ký riêng cho luật sư Vĩ?"
Lan thở dài, nhìn anh trách móc.
"Anh đoán lại sai rồi! Em sẽ làm thư ký tại văn phòng Chương, nơi anh Vĩ đang tập sự."
Ngừng lại một chút, Lan tiếp:
"Anh đừng nghi ngờ anh Vĩ xui đẩy gì em. Chính em nẩy ra ý kiến đi làm và chính em yêu cầu anh Vĩ giới thiệu giúp."
Tô khoanh hai tay trước ngực. Vẻ cứng rắn lẫn lộn mỉa mai thường xuất hiện trên khuôn mặt Tô trong những ngày gần đây, biến hẳn không để lại dấu vết. Tô có vẻ buồn rầu và lơ đãng một cách khác thường.
Lan rụt rè.
"Anh... anh bằng lòng cho em đi làm chứ?"
Khuôn mặt Tô không lộ một dấu hiệu chứng tỏ hắn nghe thấy câu hỏi của Lan.
Lan đặt một tay lên vai anh lay khẽ, thúc giục:
"Anh nói đi chứ anh! Anh mãi nghĩ gì vậy?"
Tô cau mặt, mệt mỏi ngả mình dựa vào lưng ghế, giọng hơi gắt gỏng:
"Em đã quyết định rồi, em còn muốn gì nữa! Thôi! Thế cũng xong!"
Tô uể oải đứng dậy và cũng không buồn ngó đến khuôn mặt ngỡ ngàng của em gái, lặng lẽ lại gần phản, nằm xuống, mắt nhắm lại.
Lan ngồi thẳng trên ghế, môi run run, cặp mắt mở to long lanh giận dữ. Lan liếc nhìn mấy hàng áo trên bàn, khuôn mặt đẹp đẽ đau đớn, kinh tởm. Hai hàng nước mắt từ từ chạy xuống gò má.
Nguồn: Cái lÆ°á»›i, truyện dà i của Duy Lam, Giao Äiểm xuất bản lần thứ nhất. Sách in xong ngà y 25-01-1965 tại nhà in riêng của nhà xuất bản. Ngoà i những bản thÆ°á»ng có in riêng má»™t ấn bản đặc biệt gồm 3 cuốn trên giấy vergé và 30 cuốn trên giấy trắng mịn, dà nh riêng cho tác giả. Giấy phép số 3035/BBT/BC3/XB Sà i Gòn ngà y 22-10-1964. Bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện.