© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
26.4.2008
Hồ Hữu Tường
Nợ tinh thần
 1   2 
 
V.

Tù trong tù

Đến ngày nay, vẫn thấy khó mà cắt nghĩa tại sao tôi đã chọn con đường ở tù. Tôi nói chọn và biết rằng tôi đang tĩnh trí và dùng chữ không sai đâu nhé!

Tháng sáu năm 1939, một người bạn [1] , ở xa về, đến tìm anh Thâu và tôi, để nói:

"Tôi biết, mà chính anh cũng biết nữa, là chiến tranh thế giới sắp bùng nổ nay mai. Anh có bổn phận là nên lánh đi xứ khác, ở trong xứ, khó mà qua cơn giông tố. May lắm là được ở tù. Ra nước ngoài, họa may còn làm cái gì vĩ đại được".

Anh Thâu nghe theo, xin giấy thông hành sang Xiêm, rồi đến Tân Gia Ba, ý định sang Âu châu. Nhưng anh bị bắt trả về xứ, rồi ở tù.

Tháng Tám năm ấy, có người giục tôi nữa:

"Chắc chắn là có chiến tranh rồi. Anh nên tụ tập anh em, chiếm một vùng sơn lâm hiểm trở cho qua hồi giông tố. Mà biết đâu chừng, gặp thời thế thuận tiện, một tên Từ Hải bá chiếm một phương hải tần cũng làm được cái trò gì đó?"

Tôi lại từ khước, cũng như tôi đã từ khước lời người nói trước, vì tôi đã chọn: chọn việc ở tù. Chẳng những chọn mà thôi, tôi còn lo dự bị nữa. Tôi lãnh dạy một tuần đến bốn chục giờ, để có một số tiền kha khá, giao cho vợ tôi làm vốn để lo nuôi một mẹ già và bốn đứa con dại. Tôi cũng không quên lo chứa một mớ sức khỏe để ở tù; ở một kỳ tù mà tôi biết rằng dầu tòa mà kêu án bao nhiêu cũng không có nghĩa gì, và chừng nào giặc dứt mới được ra. Sáng, thì tôi cùng ba bốn anh em bạn lên Thủ Đức bơi lội; trưa, ở nhà tập thể dục; chiều vào hồ Chợ Lớn bơi lội. Trong vài tháng, ngực nở, bắp thịt cứng, cân lên mấy kí và sức tăng lên nhiều. Nhờ vậy, tôi lướt qua cơn giông tố mà ba phần tư anh em, vì yếu đuối vượt qua không nổi, phải gởi xương ngoài đảo.

Không chịu lánh đi nước ngoài, không chịu chiếm một vùng sơn lâm làm Từ Hải, đã chọn con đường ở tù, thì tất nhiên phải vào khám. Tôi vào khám ngày 29 tháng 9 năm 1939.

Người chưa biết ở tù, tưởng đâu trong tù có một chế độ giống nhau, hoặc cũng ngang nhau cả.

Họ nghĩ vậy, không khác nào các thợ vẽ, vẽ mười điện Diêm Vương ghê tởm như nhau. Đó là một quan niệm sai lầm. Tù có bực, thứ, đẳng, cấp bao bọc nhau như vỏ trứng bọc tròng trắng, tròng trắng bọc tròng đỏ, tròng đỏ chứa cái ngòi vậy. Bởi biết thế, cho nên đối với một bậc thứ tù nào cần phải trù liệu một lối sống tinh thần tương xứng để chịu đựng.

Về khoản này, tôi xin mở cái dấu ngoặc mà khuyên ai là người ứng cử vào khám đường nên để ý. Nếu bị ở tù, nhất là bị kêu án không hẹn ngày thả ra, thì cần nhất là có một lối sống tinh thần để quen cái khổ đi. Tinh thần ít lung lay, thì thể xác chịu đựng lâu được. Lúc ở Côn Đảo, phần đông người chết là kém một sinh hoạt tinh thần để an ủi mình. Có nhiều anh được tin nhà cho hay việc buồn, như ở nhà vợ đi lấy chồng khác chẳng hạn, nên tinh thần suy sụp quá, rồi sanh đau, mấy ngày lại chết. Và khi viết bài này, tôi vốn có ý đem lại một kinh nghiệm về lối tổ chức đời sống tinh thần ở khám đường. Xin khép dấu ngoặc.

Trong mười tháng đầu, ở tại Khám Lớn Saigon, chế độ có thể tương đối gọi là dễ hơn cả. Chúng tôi có quyền lãnh sách ở nhà mang vào. Tôi liền tổ chức một lối sinh hoạt tinh thần theo điều kiện ấy. Nhờ anh Hùm chỉ dẫn, tôi liền học chữ Hán, đọc báo Tàu, sách Tàu. Nhưng công việc ấy chưa đủ thu hút hết sự chăm chỉ, tôi liền nhắn ở ngoài gởi vào các quyển sách Toán cao cấp. Không biết sự thông minh có cho phép như thế chăng, nhưng tôi tự hẹn bắt chước theo gương một nhà toán học nọ: đánh giặc bị cầm tù, mà trong tù phát minh ra một thứ Toán học mới. Đến nay, thấy rằng lời hứa ấy chưa được trọn giữ, nhưng kết quả rất hay là lúc nọ tôi quên phứt rằng thời gian đã qua mau chóng.

Đến cuối năm 1940, đời tù tội của chúng tôi bị sa xuống một bậc, nói một cách khác, chúng tôi bị khép vào một vòng trong nữa. Ấy là chúng tôi bị đưa ra Côn Đảo. Còn ở Khám Lớn, chúng tôi còn được thăm viếng, thơ từ và quà bánh. Mà dẫu có lúc bị cấm không được các của quý ấy, thì ngày ngày còn ngóng nghe được dư âm của cuộc sống "ngoài đời" nó dội vào. Hay là ban đêm, nghe từ đâu đưa lại một giọng trong trẻo, nhịp nhàng, trầm bổng:“Đậu xanh, bún Tàu, bột khoai, nước dừa, đường cát, hơ…" mà mình lắng tai đón rước như nghe giọng hát hay của một danh ca, hay là như lời âu yếm của người yêu. Ra Côn Đảo, mất những cái ấy tất cả. Biển rộng mênh mông ngăn cách ta với ngoài đời. Đó là một cảnh đoạn tuyệt não nùng, mà kẻ yêu đời phải đau đớn chịu, chẳng khác gì khách đa tình phải đau đớn khi rứt cởi tình yêu. Còn khốn một nỗi nữa, là bấy lâu làm con nhà học trò, yêu nhu mì, chuộng đạo lý, thích việc phải, mà ra Côn Đảo phải chung đụng với kẻ cướp, sát nhân, hung dữ và làm việc trái phép một cách tự nhiên như là khát đi uống nước…

Thật sự, Côn Đảo là một nhà tù to rộng, mênh mông, có đến hơn ba chục cây số vuông mà bức tường cách ta với ngoài đời là biển rộng. Trong vòng cảnh tù này, còn một nhà tù nữa gọi là banh [2] : banh là nhà tù trong nhà tù đó. Nhưng chưa hết. Trong banh lại có khám. Bị cấm cố vào khám, ấy là bị ở thêm một lần tù, trong vòng nhà tù, ở giữa cảnh tù. Và bị cấm cố vào khám mà có khi mình còn bị còng dính vào một nơi nữa, tức là ở tù thêm một bậc nữa. Có người nói:

"Ở tù trong vòng to của Côn Đảo, ấy là ở tù ông. Bị nhốt vào banh, ấy là ở tù cha. Trong banh mà bị cấm cố vào khám, thì xuống bực tù con rồi. Còn rủi bị còng chân mà ăn cơm vắt, ấy là làm tù cháu".

Khi bước xuống tàu, nhiều anh nuôi hy vọng được làm tù ông. Làm tù ông tuy là leo núi đốn củi nặng nề, đêm khuya lặn biển cạy san hô lạnh lẽo, bắn đá lăn rất nguy hiểm tính mạng, nhưng vòng nhà tù rộng, không khí nhiều. Có khi hái được nạm lá non làm rau, đập được con rắn mối hay con cóc gì đó nướng làm thịt ăn, thì cơ thể cũng bổ chút nào đó. Có vậy mới gọi là tù ông chớ! Nhiều anh bạn xây đắp cuộc đời của mình ở Côn Đảo không khác gì cô gái sắp về nhà chồng toan tính cách lập gia đình riêng của mình vậy. Có người, đã ở tù một lúc trước rồi, cãi lại:

"Bọn mình là chính trị phạm, tụi nó không cho ra ngoài đâu" – anh ấy dùng tiếng ra ngoài, nghe như là không phải ở tù vậy. "Tụi nó sợ mình tuyên truyền tổ chức tù thường. Tôi chắc bọn mình phải ở banh, đươn đát, làm đồ mây, làm đồ ốc, uốn đồi mồi".

Thế là dư luận chia ra làm hai phái. Phái lạc quan tin rằng chúng tôi sẽ được làm tù ông như bọn sát nhân và kẻ cướp mà dong ruổi khắp Côn Đảo. Phái bi quan tin rằng mình chỉ được làm tù cha, bị giam trong banh và ngày ngày làm việc thủ công. Nhưng không có ai nghĩ rằng mình phải bị cấm cố vào khám, còng chân và ăn cơm vắt. Bởi vì hai hình thức sau này chỉ là để trừng phạt những người vào tù rồi mà còn làm thêm lỗi nữa, mà chúng tôi đã làm tội lỗi gì?

*


Nhưng mà cả hai phía trên đều sai cả. Chúng tôi chẳng được làm tù ông, cũng không được làm tù cha. Vừa đến nơi, chúng tôi bị xua đến banh ba, chia ra từng nhóm mà cấm cố vào khám cả. Mặc dầu chưa làm thêm một chút lỗi gì, chúng tôi bị xô xuống bực tù con ngay. Bây giờ phái lạc quan cũ bỏ tin tưởng của mình mà theo phái nghịch, và cả thảy tin rằng chờ họ làm giấy tờ xong, thì bọn mình được làm những việc thủ công gì đó cho đỡ buồn. Nhưng đấy chỉ là một hy vọng.

Cách tấn công của kẻ chỉ huy nhà tù nghĩ cũng có kế hoạch. Lúc mới ra, chúng tôi chưa bị đánh đập gì và trưa, cửa khám lại được mở một lớp ngoài, cái lớp đóng kín mít, chỉ khóa lớp trong thôi, cái lớp song sắt, để cho chúng tôi có không khí thở. Khi ăn cơm, chúng tôi cũng chưa bị thúc hối. Kế rối lần lần, từ khoản, người ta rút hẹp lại.

Bắt đầu là trưa, các cửa đóng kín mít lại cả, rồi thúc hối ăn cho mau, thúc hối cho đến mãi bữa cơm, từ mở cửa cho bước ra ăn, cho đến khi lùa vào đóng cửa lại, chúng tôi chỉ được mười lăm phút. Rồi từ ấy, đến phút mười hai, mười ba gì đó, thì ngọn roi đánh tưới trên đầu của những người chậm chạp, cố thúc hối. Và khởi sự xét khám, bỏ ra ngoài tất cả cái gì vụn vặt cho đời sống của mình, đến những cái lát chiếu thành con cờ để đánh chơi…

Bây giờ cả thảy mới hết hy vọng, và cho rằng có lẽ sống như vậy mãi mãi, cho đến khi mãn.

Rồi mỗi người mới nghĩ đến việc tổ chức việc sinh hoạt tinh thần của mình để sống cái đời tù con triền miên này. Những người biết chữ Nho trong khám tôi họp nhau lại mà làm cả một bộ tự điển, lấy que cứng khắc vào vách vôi, muốn tra cứu, thì để ý nhìn theo tia sáng rọi thì đọc được, bằng không nói ra, thì cũng chẳng ai biết có nó nằm trên vách và trước mắt bao giờ. Các bạn thích khoa học, thì mở cuộc nói chuyện để thuật với nhau những thuyết khoa học mới nghe chơi. Cũng có cả một văn đoàn bốn năm anh em, thỉnh thoảng "xuất bản miệng" những bộ tiểu thuyết, làm thơ, hay phê bình, thảo luận về văn chương.

Nhưng đa số anh em thì thích học, học thuốc, học ngoại ngữ, mà nhất là chữ Hán. Học chữ Hán cần phải nhìn mặt chữ nhiều và tập viết mới thuộc, nên khi ra ngoài ăn cơm xong vào khám, nhiều người lén kẹp vào hai ngón chân một cục đá san hô. Ngoài ấy các đường trong banh lót bằng đá san hô vụn, trộn với cát. Đá san hô trắng mà mềm, viết trên xi măng xám và cứng thì cũng như phấn viết trên bảng đen vậy. Một cục bằng ngón tay viết lâu mòn lắm. Rồi một hôm kia khám kế bên bị xét, một cục đá san hô nhỏ còn sót lại, giấu không kịp.

Người ta túm lấy, hỏi của ai, và hăm sẽ trừng phạt chung nếu không có người nhận. Hỏi hồi lâu, thấy không có kẻ nhận, anh Thạch [3] ra nhận, để tránh sự trừng phạt chung. Người ta hỏi đem viên đá vào làm gì? Anh đáp rằng để tập viết chữ Nho. Thế mà anh bị đòn cả trăm roi. Một anh khác đứng gần đó thấy vậy nóng lòng quá, nói với anh Thạch, xúi chạy đi để tránh đòn. Nói một câu ấy cũng bị trăm roi. Còn ở khám tôi, có anh Soái, cũng vì một viên san hô mà bị đánh phun cứt đầy cả. Ngày ấy cả khám tôi nhịn uống nước, vì phần nước uống mỗi người có một lon thôi, nay phải hy sinh lấy cái đó mà rửa khám, bằng không, ngồi đứng nằm ở đâu bây giờ khi mà cứt của anh Soái rưới đầy xi măng? Từ ấy không ai dám lén đem đá san hô vào khám nữa.

Sống trong cảnh ấy, làm sao mà tổ chức đời sống tinh thần? Câu hỏi này, đối với nhiều người cũng là khó giải được. Lúc ấy, tôi ở chung một khám với anh Ninh [4] . Trước kia, mặc dầu quen biết và làm việc chung với nhau bảy tám năm, tôi vẫn chưa được anh ấy thân. Anh lớn hơn tôi mười tuổi, tánh nghiêm nghị và có tên tuổi; còn trong bọn, tôi chỉ là con nít ưa đùa giỡn, mà vì ít người biết, nên nói chuyện ít giữ gìn lời. Đã cách nhau về tuổi tác, khác nhau về tánh tình mà, anh Ninh còn thêm cho tôi là tay mưu sĩ, hay vẽ chuyện nên sanh lắm trò, thành không ưa. Đến lúc này đêm nào anh Ninh cũng ngồi xếp bằng như tượng bụt, day mặt vào vách mà suy nghĩ, không biết suy nghĩ gì, trong khi cả khám nằm im lìm, ngồi như vậy đến hai, ba giờ khuya mới ngủ. Tôi cũng nằm im lìm như thiên hạ, nhưng lại không ngủ, và cũng suy nghĩ như anh.

Mấy hôm sau, anh mới hay tôi cũng thức khuya nên hỏi duyên cớ. Tôi thành thật nói cho anh biết rằng từ tháng 6 năm 1939, tôi đã chính thức đứng ngoài hàng ngũ của Đệ Tứ Quốc Tế, và trong những đêm thức khuya như thế này, tôi suy nghĩ để xét nét lại từng tư tưởng một, những lý thuyết mà tôi đã theo dõi hơn mười năm rồi, cùng luôn tiện vạch đường lối về sau. Anh Ninh nghe tôi nói vậy thì lấy làm thú vị.

Từ ấy, khi đêm nào, khuya khuya, khi ai nấy ngon giấc cả, thì anh nhẹ nhẹ lại cào chân tôi, giục ngồi dậy để trao đổi những cái đã suy nghĩ được của mỗi chúng tôi. Một tình bè bạn nhúm lên, đánh át cái không ưa cũ, và càng ngày càng gắn bó hai bạn vong niên. Ấy là tôi có được người bạn đường để đằng phi trên vòm tư tưởng.

Nhờ sự đằng phi trên vòm tư tưởng ấy, xét nét lại cả những hệ thống triết học, tôn giáo, tư tưởng, mà tôi quên rằng thời gian qua mau hay là quên chú ý đến những khổ cực nặng nề của đời tù con.

Phần của tôi đã là như thế, phần của các bạn đồng cảnh ngộ cũng chẳng khác gì. Ngày họ lo học tập. Người chưa biết đọc viết, thì ê a dõi theo những lớp vỡ lòng. Một số đông thì học thêm chữ Hán, học nghề thuốc Bắc, đọc mạch Lư San, Trần Tu Viên nghe vanh vách. Vài nhà văn họp nhau lập một cái hàn lâm viện nho nhỏ mà dựng lại một bộ tự điển tiếng Việt. Lại cũng bày cái lối viết tiểu thuyết miệng để nghe chơi. Nhưng đến tối cả trăm người dồn trong một khám nhỏ nên hơi mệt mỏi mới bày ra những cuộc nói chuyện chung cho bớt ồn.

Mỗi người nằm phăng trên xi-măng, im phăng phắc để nghe một người nói mà thôi. Trong thiếu thốn của tù tội, người ta thích nghe, nhất là nghe nói những chuyện ân sủng mà nhất là nghe tả tỉ mỉ, cách nào xấu thế nào cho thật ngon cũng như nghe Nguyễn Tuân tả uống trà thế nào mới có thú vị. Thỉnh thoảng lại nghe những truyện Tàu chơi. Vì có một đôi anh rất thần tình, thuộc lòng những bộ truyện Tàu không sót một chữ. Trong cảnh tù tội mà khi nghe một vị tiên xuất trận, vừa bước ra là ngâm một bài thi, thì cái thú vị của một bài thi thật là vô cùng…

Những cuộc nói chuyện ban đêm này làm cho người tù kéo dài qua ngày tháng mà cũng khỏi rầy vì những tiếng ồn ào. Không dè, đó cũng là cái cầu để dẫn qua đời tù cháu. Việc đó bởi nguyên do như thế này. Trong tù có một đôi con chiên ghẻ, vì một điếu thuốc, một cái bánh, mà bán đứng tất cả bằng cách mách với nhà cầm quyền rằng, trong khám có những cuộc huấn luyện chính trị. Điều đó, tôi nhận rằng có, nhưng người ta huấn luyện một cách kín đáo, chứ không phải những cuộc nói chuyện ban đêm. Còn đàng này, mấy vị chúa ngục, không hiểu tiếng Việt, nào có biết ất giáp gì, họ tưởng rằng ban đêm cả thảy im phăng phắc để nghe một anh nói chuyện lột da ếch xào măng như thế nào, hay nói chuyện Tôn Hành Giả phò Đường Tăng đi thỉnh kinh, đó là những buổi huấn luyện chính trị. Nên họ chướng mắt lắm.

Một hôm, nhìn ngang các lỗ song sắt, thấy ánh sáng màu xanh đỏ phực lưng trời, và tiếng tàu bay chuyển rung đất. Lúc ấy chúng tôi không hiểu là chuyện gì. Bây giờ mới hiểu lại là quân Nhật cất cánh sang Tân Gia Ba hay Phi Luật Tân gì đó. Nhưng trong tù lúc ấy, chúng tôi nào có biết gì, nên qua đêm sau vẫn làm y như cũ. Thế rồi, trong yên lặng của đêm khuya, nghe những tiếng đánh đập chửi mắng, kêu khóc suốt mấy giờ đồng hồ, cuộc nói chuyện dừng lại. Ai nấy hồi hộp, không hiểu sẽ xảy ra việc gì? Sáng hôm sau, rổn rảng, người ta mang cây sắt và còng chân đến còng tất cả và mỗi lần ăn, mỗi người chỉ được có một vắt cơm lạt mà thôi. Bị còng chân được sáu hôm thì, thình lình, người ta lùa tất cả tù nhân của năm khám, gồm bốn trăm năm chục người, ra hàng ba rồi cho kéo đi. Trong đám đông, tôi thấy dạng anh Hùm [5] . Trong khi đi, tôi bươn bả, nhiều khi chen lấn mà đến nắm lấy tay anh.

Nhưng chuyến này, tôi đến nắm tay anh Hùm đây, không phải vì những mỹ cảm đâu, mà chính là tôi biết trước rằng mình sắp sống một quãng đời tù cháu, nếu được gần gũi anh là người thích tư biện, ấy là được một người bạn rất quý; rồi họa may, nhờ cuộc đời tư biện này moi sâu thăm thẳm vào những cái tế nhị, ngóng nhìn những cái cao viễn, thì cả hai chắc sẽ được một đời sống bên trong dồi dào, và nhờ đó mà đem hai cái xác, của anh Hùm và của tôi, về được.

Đến banh hai, khi vào khám, chúng tôi bị lột cả, mỗi người chỉ còn một cái quần ngắn không che đầu gối và một cái áo cụt tay, lại phủ không kín cái rún. Tôi sắp sửa quen chiếc chiếu cũ hơn một năm rồi, rách nát.

Kẻ trước người sau, chúng tôi xỏ chân vô còng, tất nhiên tôi ở bên cạnh anh Hùm. Từ ấy, ngày ngày, mỗi bữa cơm, thì chúng tôi uống nước trước khi ăn, và mỗi ngày lãnh một vắt cơm lạt to bằng trái cam lớn, cầm ngồi ăn bên cạnh thùng xí của bao nhiêu người "làm" đầy rồi, mà không có nắp đậy. Đêm ngủ lạnh thấu xương, vì là mùa rét. Mà lạnh lại không dám run, vì hễ cựa mình, là khoen còng bị động, ngã đập lên ống chân đau điếng phải giật mình thức dậy.

Từ khi vào tù, tôi đã chọn một nếp sống. Hễ bị khổ bao nhiêu, thì tôi tìm nghĩ đến việc xa vời bấy nhiêu. Tôi tin rằng nhờ mê say với tư tưởng mà quên việc khổ hạnh. Lắm lúc, tôi có cái ý nghĩ buồn cười này là biết đâu chừng các nhà tu theo thiền học bày ra lối khổ hạnh, để rồi mượn đó mà giục tư tưởng bay bổng cho được cao. Nay mình không tu ép xác, mà cực như thế này, tội gì không thừa cơ hộ mà tư tưởng chơi cho bõ.

Bởi nghĩ vậy, thế nên, nằm cạnh anh Hùm, ngày và đêm, tôi chỉ giở những vấn đề triết lý, lý thuyết mà nói cho anh nghe để cho anh phê phán, tôi đưa ra cái luận điệu:

"Marx tổng hợp những thành tích của khoa học vào thế kỷ XIX mà lập thuyết của mình trên nền triết học của Đức, kinh tế học Anh và xã hội chủ nghĩa Pháp. Nay một trăm năm đã qua, khoa học và tư tưởng con người tiến tới không ngừng. Trong mỗi ngành của khoa học đều có liên tiếp những cuộc cách mạng vĩ đại, mà phạm vi tư tưởng loài người còn rộng thêm nhờ Đông Tây xáo trộn nhau. Vậy cần lập thuyết mới cho kịp thời".

Tôi còn nhớ điệu bộ của anh Hùm, khi hỏi tôi:

"Theo như sức học của tôi, cần phải học thêm về khoa học, để đủ mà hiểu được các vấn đề khoa học hiện đại, là bao nhiêu lâu?"

Tôi cùng tính với anh, xét qua chương trình các môn phải học. Chúng tôi đồng ý rằng cần phải đến mười năm nữa. Rồi anh tính lấy tiền ở đâu mà mua sách, mà sinh sống, cùng cách sống mọi ngày để học thêm. Sau cùng anh nói với tôi:

"Sau khi học như vậy mười năm, tôi sẽ đủ sức mà xem xét vấn đề của anh đặt khi nãy đó có trúng cách chăng. Chừng đó, nếu ta thấy rằng những cuộc cách mạng trong khoa học đã vượt qua khỏi học thuyết của Marx nhiều quá, thì vấn đề anh đặt ra khi nãy là trúng cách rồi. Và trách nhiệm của mỗi nhà tư tưởng là nên lập thuyết lại. Bằng không lấy thái độ đó, chẳng hóa ra là không theo một học thuyết khoa học, mà chỉ thờ một tôn giáo sao? Còn như mình thấy rằng, các học thuyết khoa học vẫn còn ở trong lĩnh vực của học thuyết Marx, ấy là học thuyết này chưa lỗi thời, thì cũng nên bỏ quách cái luận điệu khi nãy, vì vấn đề đặt không trúng cách".

Lời anh Hùm thốt ra trong lúc ấy, cũng là lời tôi tự nói với tôi từ 1939, khi mà những hoài nghi to tát làm cho tôi không còn đầy đủ những liều lĩnh để hành động. Lúc ấy, tôi cũng tự hẹn nghiên cứu lại mười năm. Sẵn dịp này, tôi xin cắt nghĩa tại sao năm 1945, tôi lại tuyên bố rằng trong năm năm tôi nghỉ làm chính trị. Là vì năm ấy tôi chỉ mới trải qua năm năm suy nghĩ các vấn đề chưa được cạn xét, và kỳ hạn hãy còn năm năm nữa. Điều này, tôi chưa cắt nghĩa cho ai. Đối với những người không biết giá trị của tư tưởng, tôi đã làm vờ để cho họ nghi rằng tôi đã học được ở đâu đó khoa lý số của Phạm Lãi, Trương Lương, Khổng Minh hay Trạng Trình gì đó, nên bấm đốt biết rằng chừng ấy "vận" mình đã đến, mới ra làm. Ấy là để trào lộng chơi và cũng để cho qua câu chuyện.

Nay đã cuối năm 1949, mãn cái thời hạn mà tôi đã hẹn với tôi. Những người đã nghe tôi hứa nghỉ làm chính trị trong mấy năm, phỏng có mấy kẻ tin lời? Mà trong số những người tin, phỏng có bao nhiêu người nhớ, và nhân dịp Tết này [6] đặt câu hỏi:

"Nay đã mãn hạn rồi, thằng ấy có làm chính trị lại chăng?"

Số người đã tin tôi, tôi vẫn biết tin là rất ít. Trong số ấy, kẻ đã vì bận rộn của đời sống hằng ngày mà quên rất nhiều. Có lẽ chẳng còn ai nhớ lời hẹn ấy làm gì. Nhưng lòng tôi, tôi nào quên được? Trong khi tôi viết những dòng này, hơi lạnh bắt đầu mùa đông của Paris nhắc tôi nhớ lại cảnh tù tội nằm bên cạnh anh Hùm. Anh có bảo tôi trình cho anh xem thử một vài điều đã thấy, ví dụ một triết học.

Tôi vắn tắt thuật rằng: cái mà tôi suy nghĩ không phải là một triết học. Nó là siêu triết học, quán thống tất cả các triết học và đưa lên một từng nữa. Thực tế vốn hiến mình cho ta xem từng bậc, từng lớp, từng tròng, có những vòm ngăn cách hẳn nhau, cũng như ở tù có nhiều bậc thứ vậy.

Người ở trong một cái tròng nào đó thì bị cái vòm của tròng đó hạn chế tư tưởng, chi phối nhận thức, và triết học chỉ là một hệ thống tư tưởng trong một cái vòm nào đó. Lâu lâu, nhờ súc tích khá nhiều mà ta vượt qua một lớp thực tế khác, ấy là làm một cuộc cách mạng lý thuyết. Có trải qua tròng thực tế nào thì mới thấy cái vòm ấy, kẻ chưa đến chỉ thấy lẩn quẩn cái vòm cũ của mình, và ai nghe nói gì ở vòm khác, thì cho là quái lạ…

Anh Hùm ngăn tôi lại:

"Thôi đừng đi xa nữa, tôi nghe có vào tai mà hiểu chẳng được đâu. Hãy đợi sau đã".

Dáng điệu ấy, ngày nay tôi hãy còn nhớ.

Trong mười năm qua, có lúc tôi có đem cái mình lượm được mà đón hỏi ý kiến của người khác. Tôi có trình cho anh Ninh xem, anh Ninh nay là người thiên cổ rồi. Tôi có hỏi sơ anh Hùm về triết học. Anh Hùm là người có nhiều cảm tình hơn hết, mà vội vàng ngăn lại, bảo là chối tai.

Gần đây, tôi chỉ đem cái định nghĩa của một danh từ mà làm một bài thơ bằng văn xuôi, bài thơ mà tôi gọi là "Tương lai văn hóa Việt Nam". Tiếng gọi đàn này không được ai hưởng ứng cả và vang lại chỉ lời chê của ông Thanh Ba, phê cho rằng quá xa xôi, viển vông. Mới có một định nghĩa mà còn như vậy, phỏng đem trình cả bao nhiêu điều suy nghĩ trong mười năm, thì sẽ nghe được những cái gì?

Nay là đầu năm 1950.

Làm chính trị lại chăng? Làm biết có người nghe chăng?

Hay là trình ý kiến của mình cho thiên hạ xem trước, nhưng phỏng có người nào để ý nghe?

Tôi thành thật nghĩ như vậy, vì tôi thấy cả thế giới tranh nhau mà tìm kế giết hại lẫn nhau, mỗi khi tìm được một khí giới lợi hại như bom nguyên tử thì vui mừng, hãnh diện, hình như đã tìm được cây thang bắc lên cõi Thiên Đàng, chẳng ai tha thiết tìm cách làm cho người càng cao quý, đẹp đẽ hơn, cho "người" trở nên NGƯỜI.

Paris, cuối năm 1949

(Sách Tết Xuân Vĩnh viễn, năm Canh Dần, 1950)


VI.

Chuyện con thằn lằn chọn nghiệp

Giữa một đường truông thăm thẳm, vắng vẻ âm u, không một xóm nhà, ít người qua lại, có một am nhỏ. Am ấy mới cất độ non ba năm thôi. Trong am chỉ có một cụ sư già, thui thủi một mình, quanh năm chẳng được ai thăm viếng. Trước am, nơi giữa sân, chất sẵn một đống củi, vừa lớn, vừa cao ngất, củi xếp rất vuông vắn, thẳng thắn, dường như được săn sóc chẳng khác một vườn kiểng do một vị lão trưởng giả chăm nom.

Một hôm, trời đã tối rồi, nhà sư vừa lên đèn được một chặp, thì có hai người khác đến trước ngưỡng cửa, vái mà thưa rằng:

"Bạch sư cụ, nhờ ngọn đèn dẫn dắt, chúng tôi mới dõi đến đây. Mong nhờ sư cụ, cho tá túc một đêm, sáng mai chúng tôi sẽ lên đường".

Nhà sư ung dung chấp tay đáp:

"Mô Phật, cửa thiền bao giờ cũng mở rộng cho người lỡ bước".

Rồi dừng một phút, dường như để trấn tĩnh nỗi vui đương sôi nổi trong lòng, nhà sư tiếp:

"Ngót ba năm nay, tôi mở am nơi này, không được một ai đến viếng. Ngày nay là ngày ước nguyện, may được hai ngài quá bước ghé nghỉ chân. Âu cũng là duyên trước…"

Nói xong, nhà sư dọn cơm chay cho khách đường, và câu chuyện không đề, vô tình dẫn khách đến câu hỏi:

"Bạch sư cụ, chẳng hay sư cụ thích tụng kinh nào?"

Vui sướng, vì như gặp bạn tri âm, nhà sư đáp:

"Tôi quy y Phật pháp từ thuở bé, rừng thiền có thể nói rằng đã viếng khắp nơi. Cách ba năm nay, lòng huệ được mở ra… Và từ ấy tôi chỉ tụng kinh Di Lặc".

Một người khách hỏi:

"Sư cụ có thể cho tôi biết duyên cớ vì sao chăng?"

"Mô Phật. Chỉ có lời nói, mà độ được người, tôi sao dám tiếc lời! Vậy tôi xin vui lòng mà nói cho hai ngài rõ. Bởi tôi đọc qua các kinh sách, thấy rằng Phật Thích Ca khi đắc đạo, có dạy: Hai nghìn năm trăm năm về sau, Phật pháp sẽ đến chỗ chi li: ấy là hồi mạt pháp. Di Lặc sẽ xuống trần, cứu độ chúng sanh và chỉnh đạo lại. Nay kể cũng gần đến kỳ hạn. Chắc là Phật Di Lặc đã xuống trần mà độ kẻ thành tâm tu hành. Bởi vì lẽ ấy cho nên tôi có nguyện tụng đủ một nghìn lần kinh Di Lặc. Nếu lời nguyện được y, ấy là tôi sẽ đắc đạo".

Người khách thứ hai hỏi:

"Sư cụ đã tụng được bao nhiêu lần rồi?"

"Đã được chín trăm chín mươi chín lần. Bây giờ, chỉ còn lần thứ một nghìn: lần tụng của đêm nay. Chắc hai ngài trước đó có duyên lành, đêm nay đến mà chứng kiến tôi tụng lần thứ một nghìn ấy".

Đến đây, bữa cơm chay đã mãn, khách mệt mỏi, xin ngả lưng. Nhà sư dọn dẹp trong am cho thanh khiết, rồi bước lại trước bàn Phật, khêu bấc đèn dầu, mở kinh ra mà khởi sự tụng. Tiếng tụng kinh chậm rãi, như nện vào không gian. Thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân lên, đánh dấu chuỗi tiếng mõ dài đằng đẵng…

*


Trước khi nhắm mắt ngủ, hai người khách còn trao đổi vài câu:

"Tội nghiệp thay cho cụ sư già, quá mê tín, mất sáng suốt mà không giác ngộ. Phật pháp lập ra đã hai nghìn năm trăm năm về trước, tránh sao cho chẳng có chỗ lỗi thời. Nhận thấy chỗ lỗi thời, các môn đệ ắt phải lo tài bồi, phát triển mối đạo. Thế là có tư tưởng này, học thuyết nọ; rồi sinh ra môn, ra phái, ấy là nguồn gốc của sự chi li. Nay rừng thiền có hơn tám mươi bốn nghìn cội khác nhau, ấy là lẽ dĩ nhiên vậy".

"Tôi cũng đồng ý với anh về chỗ đó, và nghĩ thêm rằng: nếu bây giờ có một vị Di Lặc xuống trần, thì vị ấy có trọng trách cất nhắc Phật pháp cho cao kịp với sự tiến hóa của mọi sự việc từ hơn hai nghìn năm nay. Và trách nhiệm của mỗi tín đồ của Phật là dọn mình cho sẵn để đón rước cái pháp mới sắp ra đời. Chớ mê mải trong việc gõ mõ tụng kinh, há chẳng phải là phụ lòng mong mỏi của Thích Ca chăng".

Lời nói của hai người khách, giữa một cái am vẳng vẻ, không dè có kẻ trộm nghe. Kẻ nghe trộm này là một con thằn lằn, đến ở am, khi am vừa mới dựng lên, và đã nghe chín trăm chín mươi chín lần kinh, nên có linh giác, nghe được tiếng người, biết suy nghĩ và phương diện. Câu phê bình của hai người khách đã giúp cho con thằn lằn giác ngộ. Nó vốn biết nguyện vọng của nhà sư: là hễ tụng xong lần thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên dàn hỏa mà tự thiêu… Rồi nó nghĩ: nhà sư lòng còn mê tín, chưa được giác phỏng có thiêu thân, thì làm sao nhập được Niết Bàn. Hay là ta tìm thế ngăn người, đừng để cho người thiêu thân, đợi chừng nào người giác, rồi sẽ hay.

Rồi con thằn lằn quyết định phải ngăn ngừa, đừng để cho nhà sư tụng xong lần thứ một nghìn. Nó nghĩ được một kế: ấy là nó bò lên bàn Phật, đến đĩa đèn dầu, ráng sức uống cạn đĩa đầu. Bấc sẽ lụn, đèn tắt, nhà sư không thấy chữ mà tụng nữa.

Một sức mầu nhiệm đã giúp con thằn lằn đạt được ý nguyện: chỉ trong một hơi mà đĩa dầu đã cạn: bộ kinh chỉ mới tụng quá nửa mà thôi. Đèn tắt, nhà sư ngạc nhiên, nhưng nghĩ: hay là hai người khách là kẻ phàm tục, không được duyên lành chứng giám việc đắc đạo của mình. Âu là xếp kinh nghỉ, chờ ngày mai khách lên đường, sẽ tụng lần thứ một nghìn ấy.

Nhưng, sau đó, đêm nào cũng vậy, buổi kinh đọc chưa xong mà đèn lại tắt đi. Nhà sư có lúc tính tụng kinh lần này vào khoảng ban ngày, nhưng nhớ lại rằng khi xưa đã có lời nguyện tụng kinh vào khuya, tĩnh mịch, nên không dám đổi.

Và một đêm kia, dằn lòng không được, tuy tụng kinh mà mắt chốc chốc nhìn đĩa dầu để xem sự do đâu, nhà sư bắt gặp con thằn lằn kê mỏ mà uống dầu. Nổi giận xung lên, nhà sư dừng gõ mõ, mà mắng rằng:

"Loài nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!"

Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu, chết ngay. Hôm ấy, nhà sư tụng xong lần kinh, bước lên dàn hỏa, tự châm lửa mà thiêu mình.

*


Và cũng cái đêm ấy, hai cái linh hồn được đưa đến trước tòa sen của Phật. Uy nghiêm, ngài gọi nhà sư mà dạy:

"Nhà ngươi theo cửa thiền từ thuở bé, mà chẳng hiểu bài học vỡ lòng của pháp ta là thế nào! Pháp ta đã dạy phải trừ hết dục vọng thì mới đắc đạo, mà ngươi lại dục vọng quá nhiều: bởi việc muốn đắc đạo, để được thành Phật kia cũng là một cái dục vọng. Có dục vọng ấy là THAM; bởi tham nên giận mắng con thằn lằn ấy là SÂN; bởi sân nên tưởng rằng trừ được con thằn lằn thì tha hồ tụng kinh, rồi đắc đạo, ấy là SI. Có đủ THAM, SÂN, SI, tất phải phạm tội sát sanh, thì dầu ăn chay trường trọn đời cũng chưa bù được".

“Tội của ngươi lớn lắm, phải tu luyện rất nhiều mới mong chuộc được. Vậy ta truyền cho Kim Cang, La Hán hốt hết đống tro đó tung khắp bốn phương trời. Mỗi hột tro đó sẽ hóa sanh làm một người. Chừng nào mọi người ấy đắc đạo, đám chúng sanh ấy sẽ được quy nguyện, trở lại hiệp thành một, thì nhà ngươi sẽ đến đây mà thành chánh quả”.

Rồi Phật cho gọi hồn con thằn lằn mà dạy:

"Nhà sư chưa được giác mà làm tội, tội ấy đáng giá là một mà thôi. Còn nhà ngươi, được nghe lời hai người khách, được giác một phần rồi, mà làm tội, tội ấy đáng mười".

"Bạch Phật Tổ, lòng của đệ tử muốn độ nhà sư, dầu nát thân cũng không tiếc. Chẳng hay đệ tử có tội chi?"

Phật phán:

"Muốn độ người, kể thiếu chi cách, sao ngươi ngăn đón việc tụng kinh của người? Đã đành rằng tụng kinh như nhà sư là một việc mê tín, song vẫn là một tín ngưỡng. Cõi Phật vốn là cõi tự tại, nếu phạm đến tự do tín ngưỡng, gọi để dắt người vô, thì làm sao cho được? Bởi ngươi không dùng phương pháp tự do, người kia là kẻ mất tự do, thì cả hai làm sao được vào cõi tự tại?"

Một lần nữa, con thằn lằn được giác, quỳ lạy mà xin tội:

"Xin Phật Tổ mở lòng từ bi, cho đệ tử hóa sinh một kiếp nữa, để dùng phương pháp tự do mà độ vô số chúng sanh do những hột tro mà các vị Kim Cang, La Hán vừa tung ra đó".

Phật đáp:

"Ta cho ngươi được toại nguyện".

Hồn con thằn lằn vừa muốn lạy Phật mà đi đầu thai, thì sực nhớ lại, nên bạch rằng:

"Xin Phật Tổ dạy đệ tử phải hóa sanh làm kiếp chi?"

Phật đáp:

"Nhà ngươi đã gần bến giác, phải tự mình chọn hình thể mà hóa sanh. Tự do chọn lựa mới có thể luyện mình để bước vào cõi tự tại".

*


Hồn con thằn lằn từ ấy trôi theo mây gió, không biết trụ vào đâu, để có thể vừa dùng phương pháp tự do mà độ người, vừa có thể độ được đông người, số người đông như số hột tro do một cái xác thiêu ra. Thật chưa hề lúc nào có một linh hồn bị trừng phạt phải đau khổ đến thế.

(Tuần báo Mới số 28, ngày 16-5-1953)


VII.

Chuyển thân

Chúng tôi muốn mượn việc con tằm đổi lốt mà hình dung sự chuyển thân của phong trào dân tộc. Trước đây, dưới thời thực dân, nơi đây đã thai nghén sự giải phóng hùng dũng của hai mươi triệu người; rồi ngót chín năm, sự giải phóng ấy đội lốt sự tranh đấu quân sự.

Hội nghị Genève đem lại việc ngưng chiến. Thay vì súng nổ, bom rơi, máu chảy, phong trào dân tộc chuyển thân thành một cuộc SO TÀI CHÍNH TRỊ. Cũng như mọi cuộc đổi lốt, chuyển thân, việc sang giai đoạn mới này không khỏi xảy ra trong một hồi rung chuyển và đau đớn. Đứa con nơi bào thai ngột thở phải chòi ra, bao giờ cũng làm cho bà mẹ rên la. Thì nay giai đoạn "so tài chính trị" thoát thân cũng làm cho bà mẹ Việt Nam khổ sở: di cư hỗn loạn, khủng hoảng nội bộ… Cuộc sinh nở này, không khéo, cũng có thể làm hại cả mẹ lẫn con. Nhưng nếu gặp kẻ đỡ có thiện tài, ta há chẳng được may mắn mà có một đứa trẻ sởn sơ sao?

Vậy, trong tình thế này, nhân lúc "bà mẹ Việt Nam" đang đớn đau, ta chớ tưởng là một cuộc đau bụng mà uống thuốc đau bụng thường. Ta phải nhận rằng đó là một cuộc sinh nở khó khăn, mau rước bác sĩ chuyên môn, mới mong tránh nguy hiểm trước mắt.

*


Sự so sánh ở trên giúp chúng tôi nói rõ lập trường của chúng tôi đối với thời cuộc. Suốt chín năm qua, trong giai đoạn tranh đấu quân sự, chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi không có chút bản lãnh quân nhân, nên chúng tôi nhường bước cho những người chuyên môn về mặt ấy. Chúng tôi không phải là hạng người "trùm chăn" vì thiếu nghị lực, hay bởi chờ ai thắng trận để nghiêng theo.

Chúng tôi vốn là người chính trị, nhận thời thế kia không phải là thời thế của mình, nên không đèo bồng, nhường chỗ cho người nhận mình là đủ tài sức.

*


Nay, trang sử đã lật qua. Một giai đoạn đã dứt. Giai đoạn mới khai mào: giai đoạn chính trị. Trong giai đoạn này mà chúng tôi không bước ra nhận lãnh trách nhiệm, thì rõ ràng khi xưa chúng tôi chỉ là kẻ đào ngũ, nên nay cũng trốn luôn trách nhiệm. Còn bao nhiêu lời tự bào chữa trên kia toàn là ngụy biện mà thôi. Chỉ để đánh tan chỗ nghi ngờ này, điều ấy đã đòi hỏi chúng tôi bước ra sân khấu chính trị lại rồi. Huống chi, suốt mười lăm năm, chúng tôi ôm ấp một hoài bão lớn, một hoài bão mà chúng tôi đành tránh sự khiêm tốn giả dối mà nói rằng chỉ riêng chúng tôi ôm ấp nuôi nấng mà thôi.

Cái hoài bão này, chúng tôi chưa có dịp nói đầy đủ thành hệ thống. Nhưng thỉnh thoảng, nén lòng không được, chúng tôi lại để tiết đôi lời. Mỗi lượt như vậy, chúng tôi đã để một số người chỉ thấy một bề của cái muôn mặt mà hiểu lầm. Do đó mà làm mất lòng một số người quá nóng nảy hay vội vã. Nay nhơn dịp phải bước ra sân khấu chính trị lại, cầu công chẳng đặng thành, danh chưa được toại, mà vì sự ra mặt của mình làm cho người hiểu rõ mình hơn, thì điều ấy hẳn đến bồi lại một phần bao nhiêu sự đáng tiếc đã xảy ra vì số người quá yêu, muốn hiểu hết chúng tôi trong lúc chưa tiện, rồi hờn giận. Chỉ đền bồi lại ngần ấy, cũng làm cho chúng tôi yên dạ lắm rồi.

*


Huống chi chúng tôi đang sống cái tâm lý của vị bác sĩ đang đứng đón trẻ ra đời. Bà mẹ đang rên siết kêu la, chung quanh thân nhân đau lòng cùng cuống quít, mà bác sĩ khám nghiệm một cách khoa học, biết mình sắp đưa ra chào đời một cậu bé xinh tươi.

Bao nhiêu người dân Việt phập phồng lo ngại cho "Tổ quốc lâm nguy”, e sợ mình phải chịu thân phận của dân Chàm thuở trước. Riêng chúng tôi tin rằng "mùa Xuân chim Lạc" đã đến. Giống người, mấy ngàn năm trước bị bạo lực phía Bắc ép dồn phải chạy dài, noi theo hướng bay của giống thiên nga là chim Lạc mà xuôi về phương Nam, để tránh họa diệt vong, giống người này đã hết ở vào cảnh "trốn tuyết đầu thu”, và đã gặp cảnh xuân ấm áp.

Bởi trong giai đoạn mới này thiên hạ so tài chính trị, thì chúng tôi cũng có dịp mà làm nhân đạo. Tiếng "đạo" ở đây dùng đặt tên cho cái gì cao hơn cái "pháp”, quý hơn cái "thuật”. Còn tiếng "nhân" ở đây chỉ rõ con người toàn diện.

Con người, trong cái văn minh tu sĩ cũ xưa, chỉ là một tiểu ngã hẹp hòi của đại ngã, lầm tưởng đâu riêng mình tu dưỡng mà có thể đồng nhứt với Vũ trụ. Con người, trong cái văn minh ủy viên chính trị, lại chỉ là những tên lính của tổ chức mà thôi, chẳng được đi lệch ngoài kỷ luật. Con người, trong cái văn minh kỹ sư, chỉ là những món hàng để sinh lợi, thì kiếp người còn có ra chi? Đường lối đưa những "con người mắc đọa" kia đến ngã càng ngày càng cao quý đẹp đẽ hơn, con đường ấy phải chăng là NHÂN ĐẠO? (Nhân đạo ở đây trỏ theo ý nghĩa rất rộng và triết lý của nó).

Suốt mười lăm năm, từ khi chúng tôi ly khai với Đệ Tứ Quốc Tế, đoạn tuyệt với chủ nghĩa Marx, đoạn tuyệt mà không muốn lùi bước lại, quay về với những học thuyết phản tiến hóa, chúng tôi muốn nương theo đà tiến hóa, vươn mình theo cho kịp với lịch sử, chúng tôi đã cảm thấy mình phải làm cái gì mới mong được vậy. Chúng tôi thấy rằng Marx tập đại thành ba học thuyết của Âu châu (triết học Đức, kinh tế học Anh và xã hội chủ nghĩa Pháp), mà dựng lên duy vật luận biện chứng pháp, tức là ý thức hệ của Âu châu vào thế XIX.

Nay, vào thế kỷ XX, bốn biển một nhà, năm châu cùng chợ. Thời gian người đáp phi cơ từ Paris sang Saigon không đầy phân nửa thời gian của một vị tiểu tăng chạy chết từ Bình Định vào đến Nam này, cách đây không hơn một trăm năm mươi năm, thì muốn vươn mình kịp theo dòng sử, chỉ có cách tổng hợp ba cái văn minh đang đượm nhuần nhân loại ngày nay.

Và suốt mười lăm năm, chúng tôi chỉ lãnh những chê cười, khinh bỉ, hờn giận, thù ghét, chỉ vì chúng tôi "dám" đèo bồng mong mỏi việc ấy. Ngày nay toàn dân Việt phải bị tấn vào một cái thế phải đi cùng một đường lối như chúng tôi. Sự "thống nhất dân tộc”, nền tảng cho độc lập, tự do và hạnh phúc, không thể quan niệm bằng cách tận diệt một triệu cán bộ cộng sản và hàng chục triệu người tin tưởng theo họ, cũng không thể quan niệm bằng cách tận diệt mấy triệu người tin tưởng Quốc gia hay tín ngưỡng một giáo điều.

Sự thống nhất dân tộc này chỉ có thể được sau khi hòa hợp cái văn minh tu sĩ đang thịnh ở miền Nam cùng với cái văn minh ủy viên chính trị đang vượng ở miền Bắc. Và sự hòa hợp này có thể được chỉ nhờ hai cái văn minh nọ chuyển thân, thoát xác, cởi bỏ phần ô trọc của mỗi bên mà chung góp phần tinh hoa.

Có thoát xác, chuyển thân, hòa hợp thì mới tránh sự chia rẽ, giết lẫn nhau để rồi sấn vào đường diệt tộc.

Và khi thống nhất dân tộc rồi, cần phải mau lẹ kiến thiết xứ sở và dân tộc sau chín năm tàn phá và tiêu hủy. Những kỹ thuật tối tân phải được áp dụng với thông minh và nhân ái. Cái văn minh kỹ sư phải góp phần vào. Bằng không thì cái hòa hợp kia diễn ra trong cơ cực, túng thiếu, yếu hèn, làm sao đưa dân tộc kịp bước theo đà lịch sử trong giai đoạn của tinh năng nguyên tử?

Thấy vậy, lòng chúng tôi vừa thơ thới vừa kinh sợ. Thơ thới vì nhận thấy rằng anh linh của đất nước, giờ phút này, cùng một hồn với chúng tôi, cảm thấy mình phải vượt tới đi đầu, nơi trước nhất của dòng sử. Mà kinh sợ là công việc tập đại thành tổng hợp ba cái văn minh kia là việc tinh vi vô cùng: một hột cát nhỏ lộn vào một guồng máy, đã làm cho máy hỏng rồi, huống chi là việc lo liệu quá to mà mình đang cất gánh?

Càng lo sợ hơn nữa là rủi việc hỏng, mộng cá nhân dầu vỡ tan, việc ấy vẫn chưa sao. Nhưng cả dân tộc Việt bị lùa vào cái thế diệt vong của dân Chàm đã từng sống trên dãy đất này, diệt vong trong cái thế mà, trái lại, chính mình có thể làm một việc "ngàn năm một thuở" được, thì còn có cái lớn gì trong vũ trụ để ví với sự hối tiếc về sau của những thế hệ sắp đến?

(Báo Phương Đông số 85, ngày 30-10-1954)


VIII.

Mắng bạn

Vừa nghe rằng tập thứ ba của bộ tiểu thuyết Ngàn năm một thuở, tức là Phi Lạc bỡn Nga [7] một bạn văn hỏi bản thảo đọc chơi, rồi hứng thú, viết cho một cặp đối vừa khen Phi Lạc, vừa khen tác giả. Cặp đối ấy như thế này:

HỮU chi tế thì nan, duy ốc vận trù sư Quản, Nhạc,
TƯỜNG vân trình thụy sắc, giang sơn cổ xúy hứng Đào, Từ [8] .

Khi đưa cặp đối này cho tác giả tiểu thuyết, thì tác giả viết mấy câu thơ Nôm, ghi trước ghi sau hai câu chữ trước, thành một bài hát nói như sau đây:

MƯỠU

Thời [9] giờ đâu mãi chẳng trôi?
Trời chẳng biến? Lòng người chẳng thay?
Thế tình chẳng đổi, chẳng xoay?
Chí to nào phải: hoài hoài giỡn chơi?

NÓI

Cả đời dóc, khoác,
Hết sang Tàu, náo Mỹ, phát bỡn Nga…
Ăn cơm nhà, đi lo chuyện người ta,
Há lớn lối khoe mình, a Phi Lạc!
Hữu chí tế thì nan, duy ốc vận trù sư Quản, Nhạc,
Tường vân trình thụy sắc, giang sơn cổ xúy hứng Đào, Từ.
Nước cắt đôi: hận chưa uất Tử Tư?
Dân bị nhục: thù không no Phạm Lãi?
Giữa bão táp thuyền con không tay lái,
Cớ sao đành gác mái chèo: NGƠI?
Chần chờ chi nữa? Hỡi ôi!

Lần thứ nhất mà có việc tác giả tiểu thuyết mắng "bạn tinh thần" của mình, tức là nhân vật do mình điển hình trong sáng tác. Đây cũng chép lại, vừa ăn cắp hai câu đối của một nhà Nho, vừa ăn cắp mấy lời thơ Nôm của Hồ Hữu Tường cho đúng với cái lý.

KI – GÓB – JÓ – CÌ…

(Báo Truyền tin số Tết Ất Mùi 1955)



[1]Luật sư Dương Văn Giáo, lúc ấy làm cố vấn chính trị cho chính phủ Thái Lan (lời chú Nguiễn Ngu Í)
[2]Dịch âm tiếng bange của Pháp (lời chú của Nguiễn Ngu Í)
[3]Trần Văn Thạch, cựu hội đồng thành phố và quản hạt (lời chú của Nguiễn Ngu Í)
[4]Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (lời chú của Nguiễn Ngu Í)
[5]Nhà cách mạng và học giả Phan Văn Hùm (lời chú của Nguiễn Ngu Í)
[6]Tết Canh Dần, 1950 (lời chú của Nguiễn Ngu Í)
[7]Đây là bản đầu, viết cuối năm 1954, được phân nửa và khởi đăng ở số Truyền tin này; sau bị đày ở Côn Đảo, tác giả viết lại lần thứ hai, cũng được phân nửa (1959). Được trả lại tự do, đầu 1964, tác giả viết lại lần thứ ba và đăng tên báo Ánh Sáng. (Chú thích của Nguiễn Ngu Í).
[8]Có chí cứu nạn của thời đại này, mà nằm ở nhà trong màn trướng lo làm thầy cho cả Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Mây lành khoe sắc đẹp, núi sông gióng trống thổi kèn để phụ hứng thú cho bậc thi văn siêu thoát như Đào Tiềm, Từ Thức.
[9]Thời, thế, cơ, là ba điều mà Nguyễn Hữu Chỉnh nói để giục Nguyễn Huệ kéo binh ra Bắc đánh Trịnh. Ở đây còn thêm hai điều là "lòng" người và "chí" ta nữa. Bao nhiêu đó còn mãi, sao mà cứ GIỠN CHƠI, rồi sau, NGƠI?
Nguồn: Nợ tinh thần của Hồ Hữu Tường. Sắp lên khuôn thì cuá»™c xung Ä‘á»™t giữa chính phủ Ngô Đình Diệm và Mặt trận Toàn lá»±c Quốc gia bùng nổ; bản gốc, Nguiá»…n Ngu Í giữ được mười năm, nay Huệ Minh xuất bản, in xong ngày 20-5-1965 tại nhà in Tân Sinh, 116 Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, Sài Gòn. Ngoài những bản thường, còn in thêm 11 bản đẹp: 1 bản ghi câu NỢ NÀY CHƯA TRẢ CHO AI, 1 bản ghi NÚI Lá» , dành cho con Triều SÆ¡n, 1 bản ghi CHÂU CHÃŒM, dành cho các con Nguyá»…n Phan Châu, 2 bản đánh dấu Há»’NG HÀ, 2 bản đánh dấu SÔNG HƯƠNG và 3 bản đánh CỬU LONG GIANG. Giấy phép số 1386-BTT-BC3-XB ngày 20-4-1965. In tại nhà in Tân Sinh, 116 Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, Sài Gòn. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.