© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
18.11.2003
Nguyễn Hưng Quốc
Giữa cọp và chó
 
Viết bài "Tôi học tiếng Việt" [1] xong, tôi mới nhận ra một điều: trong cơ thể con người, bộ phận có nhiều tên gọi nhất chính là bộ phận sinh dục. Các bộ phận khác có nhiều lắm là hai hay ba tên gọi khác nhau, thường là một từ Hán Việt và một từ thuần Việt tương ứng. Riêng bộ phận sinh dục thì không những có cả Hán lẫn Nôm mà trong phần tiếng Nôm cũng có bao nhiêu tên gọi khác nhau. Tổng cộng, không dưới một chục.

Vấn đề là: Tại sao người Việt Nam phải đặt cho bộ phận sinh dục nhiều tên gọi như vậy? Vì muốn tránh những chữ quá tục tĩu ư? Ừ, thì đành vậy. Nhưng muốn tránh thì dễ quá: quên chúng đi; đừng nói đến chúng nữa. Ở đây, rõ ràng là có một nghịch lý: một mặt, người ta ngại; nhưng mặt khác, người ta lại thích. Nên người ta cứ loanh quanh mãi: vừa muốn nói lại vừa muốn che giấu cái điều mình nói. Chữ mới ra đời liên tục là vì vậy. Các biện pháp uyển ngữ được vận dụng liên tục cũng là vì vậy. Cho thanh tao. Có chữ mới rồi, người ta lại không đành bỏ các chữ cũ: mỗi chữ có một sắc độ riêng, một lúc nào đó, sẽ trở thành đắc dụng. Chẳng hạn, lúc chửi nhau, chẳng lẽ lại dùng các tiếng lóng hay các từ Hán Việt ư? Chửi như thế, chẳng bõ hơi. Chửi thành diễu. Lại là diễu dở.

Có thể nói, trong các cuộc đối thoại, người ta nhắc đến bộ phận sinh dục không cùng thái độ với các bộ phận khác. Chữ "đầu" hay chữ "bụng", chữ "tay", chữ "chân", v.v… có thể được sử dụng khi vui cũng như buồn. Chúng không có khả năng làm cho nỗi buồn hay niềm vui ấy tăng lên hay giảm đi. Chúng không đóng góp được gì cho bầu khí quyển cảm xúc bao quanh câu chuyện. Nhưng tên gọi các bộ phận sinh dục thì khác. Trước khi nhắc đến chúng, bất cứ người nào cũng cân nhắc ngay tính tình thế của câu chuyện: nói với ai, trong hoàn cảnh nào và nhắm đến mục đích gì? Cũng nói về một bộ phận trong cơ thể, nhưng khi nói trước đám đông, trong một không khí nghiêm túc, người ta dùng chữ này; trong một không khí nhả nhớt, người ta dùng chữ nọ; khi âu yếm nhau, người ta nói khác và khi chửi bới nhau, người ta lại nói khác. Ðặt lên bàn cân, mỗi chữ có độ nặng khác nhau. Thật khác nhau.

Ngoài bộ phận sinh dục, có một giống vật cũng rất được người Việt Nam ưu ái đặt cho nhiều tên gọi khác nhau. Ðó là con cọp. Nhớ, trong bài tuỳ bút "Mùa xuân, con én", nhà văn Võ Phiến nêu lên một nhận xét hết sức tinh tế: "Người ta vẫn có một cách chăm sóc các giống vật bằng… từ ngữ." Ông giải thích: "Có chú ý đến mới có nhiều phân biệt, có phân biệt mới cần đặt ra nhiều tiếng gọi". Và ông dẫn chứng: "Ðược chăm chút thì con heo là con lợn, trong loài có heo nái, heo nọc, heo lứa v.v…; con bò sinh ra con bê, con nghé v.v… Xa cách cuộc sống con người, như công như nai… đâu có được hưởng nhiều từ ngữ đến thế." [2]

Quả là loài heo, bò, gà và chó có phần chiếm ưu thế hơn hẳn các giống vật xa xôi trong rừng sâu và núi hiểm. Thế nhưng, trừ một ngoại lệ: cọp. Heo, đã đành là được phân biệt thành nhiều loại, nhưng từ gốc vẫn chỉ có hai: heo và lợn. Bò cũng chỉ có hai từ tuỳ theo độ tuổi: bò và bê. Trâu cũng thế: trâu và nghé. Riêng cọp, ôi (!), bao nhiêu... cọp: ngoài cọp, còn có hổ, hùm, hầm, khái, kễnh. Sáu từ đơn. Chưa hết, còn: chúa sơn lâm, ông ba mươi, ông Dần, hay ông thầy. Chỉ nói "ông thầy" thôi, người ta hiểu ngay là cọp. [3]

Tại sao người ta phải gọi cọp bằng nhiều tên khác nhau như vậy? Vì muốn "chăm chút" chúng ư? Chắc là không phải. Ðúng hơn, vì sợ. Sợ nên kiêng. Cọp không những hung dữ mà còn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn vô cùng, cứ thoắt hiện thoắt biến, rất khó đối phó. Bởi vậy người Việt Nam mới ví cọp như thần, như ma: "thần hổ, ma cọp". Nghe đồn, ngày xưa, lỡ ai giết cọp, phải mang đến trình quan huyện; quan huyện sẽ thưởng cho nhưng lại bắt nằm xuống đất để lính đánh đòn gọi là phạt "tội giết cọp". Ðánh, chỉ là đánh vờ. Ðể hồn ma của con cọp chết không về báo oán dân làng. Nói cách khác, người ta sợ cọp ngay cả khi nó đã chết rồi. Chính vì thế, không ai dám xúc phạm đến cọp, dù chỉ bằng từ ngữ. Lúc nào cũng gọi cọp bằng "ông" một cách kính cẩn. Ông hổ, ông cọp, ông hùm... Chưa hết. Người ta còn xem những cái tên ấy như là tên huý. Như tên huý của vua của chúa ngày xưa. Gọi là cọp hay hổ, không an tâm; người ta gọi là "hùm". Cũng không an tâm, "hùm" biến thành "hầm". [4] Cũng không an tâm hẳn: bao nhiêu là biệt danh và uyển ngữ tiếp nhau ra đời. Chỉ để gọi một giống vật: cọp.

Nhưng không phải chỉ với cọp. Với chó, người Việt Nam cũng... kiêng.

Nên lưu ý là về chó, vốn từ vựng tiếng Việt rất dồi dào: ngoài chó, còn có khuyển, cẩu và cún. Không những dồi dào mà còn chi li: chó có nhiều loại khác nhau. Người ta phân biệt chó theo lông: chó mực, chó cò, chó phèn, chó luốc, chó mốc, chó đốm, chó vện, chó vá, chó xù, chó bông, chó mắm trê, chó lài, v.v… Người ta cũng phân biệt chó theo giống: chó tây, chó xi, chó ta, chó cỏ, chó sói, chó ngao, v.v... Phân biệt theo chức năng: chó cảnh, chó săn, chó nghiệp vụ... Sự phân biệt chi li đến độ người ta để ý và đặt tên chó trong một số thời kỳ nhất định. Ví dụ thời kỳ chúng rượn, chó đực được gọi là chó tháng bảy; [5] chó cái được gọi là chó hoa vông. [6] Chó điên có ba tên gọi khác nhau: chó điên, chó dại và chó ngộ (nhớ thơ Hoàng Cầm, trong bài "Bên kia sông Ðuống": "Chó ngộ một đàn / Lưỡi dài lê sắc máu...)

Dồi dào và chi li như vậy kể cũng chưa hẳn là đặc biệt. Ở Việt Nam, có một số loài vật khác cũng thu hút một lượng từ vựng dồi dào và chi li như vậy. Ví dụ: lợn. Ðã có lợn lại còn có heo. Lợn thì có lợn bột, lợn cà, lợn cấn, lợn ỷ, lợn sề, lợn lòi, lợn tháu,… Heo thì có heo bông, heo cỏ, heo cúi, heo dái (còn gọi là heo hạch), heo đèo, heo gạo, heo gió, heo lang, heo nái, heo nọc, heo rừng, heo sữa, heo vá chàm, heo voi, v.v… Gà cũng thế, thật dồi dào và chi li: gà ác (còn gọi là gà ri), gà ấp, gà cỏ, gà cồ, gà chọi, gà chuối, gà dao, gà độ, gà gô (còn gọi là đa đa), gà giò, gà hoa, gà hoa mơ, gà kiến, gà lôi (còn gọi là gà tây), gà mái ghẹ (hay gà mái tơ), gà nòi, gà nổ, gà ô, gà pha, gà phèn, gà sao, gà tàu, gà tre, gà xước, gà mã lửa, gà kim tiền, gà qué, gà sống, gà tồ, gà xiêm, v.v… Bò cũng thế, tuy không nhiều bằng: bê, bò dái (còn gọi là bò mộng), bò tơ, bò sữa, bò rừng (còn gọi là bò tót), bò u, bò vá, bò vang, v.v… [7]

Chó, như vậy, chỉ là một trong năm bảy giống vật được gọi tên nhiều nhất. Nhiều hơn trâu, bò, vịt... nhưng chưa chắc đã nhiều hơn gà và heo. Tuy nhiên, đó về chó sống. Còn chó chết thì khác. Heo, bò, trâu, gà, vịt, dê, chim, cá, hay ngay cả cọp, v.v… lúc sống thế nào thì lúc chết thế ấy. Có lẽ chỉ có vài bộ phận của chúng là được đổi tên: máu hay huyết sẽ biến thành tiết; cái đầu sẽ được gọi bằng một từ Nôm khác: cái sỏ hoặc một từ Hán Việt thanh nhã hơn: cái thủ. Thế thôi. Còn chó chết thì biến thành một... thứ con khác. Thành cầy, chẳng hạn. Nguyên thuỷ, chúng ta biết, cầy là tên của một giống chồn vừa ngọt thịt vừa thơm tho. Ở đây rõ ràng là một sự mạo danh. Nhưng mạo danh như vậy chưa đủ. Người ta còn nói lái chữ "cầy tơ" lại thành "cờ tây". Cũng chưa đủ. Người ta lại nói lái chữ con cầy thành "cây còn" và dịch ra chữ Hán để có một từ Hán Việt giả cầy là… mộc tồn! Cũng vẫn chưa đủ. Người ta còn gọi thịt cầy là thịt nai. Ðó là chưa kể có lúc người ta còn dùng cả tiếng Tàu nữa: hương nhục.

Như vậy, tổng cộng, lúc sống, chó có bốn tên: chó, khuyển, cẩu và cún; chết đi, chó lại có thêm sáu cái tên khác: cầy, cờ tây, mộc tồn, nai tơ, nai đồng quê và hương nhục. Mười tên: Bằng cọp!

Tại sao chó, nhất là chó chết, phải có nhiều tên như thế?

Vì tởm. Người ta gọi cọp bằng nhiều tên vì sợ cọp dữ và linh; còn gọi chó chết bằng nhiều tên gọi khác nhau chủ yếu là vì tởm cái thói ăn dơ của chúng. Nói cách khác, trong trường hợp trên, người ta muốn đánh lừa cọp; trong trường hợp dưới, người ta muốn đánh lừa… chính mình: ăn thịt cầy là ăn một thứ thịt khác. Chứ không phải là ăn thịt chó. Lại càng không phải ăn cái giống vật mình thường dùng để chửi người khác.

Bởi vậy, đành là tôi đồng ý với Võ Phiến: "có chú ý đến mới có nhiều phân biệt, có phân biệt mới cần đặt ra nhiều tiếng gọi", tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh: sự chú ý có rất nhiều nguyên nhân. Chú ý vì sợ. Chú ý vì thương. Chú ý vì cần. Và chú ý cũng vì khinh bỉ và ghê tởm nữa.

Ðâu phải sự chú ý nào cũng giống sự chú ý nào.

© 2003 talawas




[1]Ðã đăng trên talawas (Thứ ba, 11.11.2003)
[2]Võ Phiến (1986), Tuỳ bút 1, California: Văn Nghệ, tr. 73.
[3]Chữ "ông thầy" này có ghi trong Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ khi giải thích chữ "cọp".
[4]Chữ "hầm" với nghĩa là hùm, cọp được ghi trong phần lớn các cuốn từ điển Tiếng Việt chứ không phải chỉ là một hình thức biến âm nhất thời.
[5]Gọi thế là vì chó hay rượn cái vào tháng bảy.
[6]Gọi thế vì lúc ấy bộ phận sinh dục của chúng đỏ mọng lên như là cái hoa vông!
[7]Tôi không ghi chú ý nghĩa của các từ này để tạo cơ hội cho độc giả... thử vốn từ vựng về thú vật của mình. Hầu hết các từ này đều có trong từ điển, nhất là từ điển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ.