Ãụng Ä‘á»™ giữa cánh Trung Quốc và cánh hữu trên Ä‘Æ°á»ng rÆ°á»›c Ä‘uốc tại Nháºt Bản
|
Photo: AFP |
Vào ngày thứ Bảy, 25.4.2008, khi ngọn đuốc Olympic trong cuộc hành trình đầy trắc trở khắp thế giới tới Nhật Bản, hàng ngàn ủng hộ viên Trung Quốc và những người Nhật quốc gia xô đẩy nhau, gây thương tích cho một sinh viên Trung Quốc.
Khắp đường phố Nagano, một thị trấn núi miền trung của Nhật, tràn ngập biển cờ đỏ Trung Quốc, xen kẽ với hàng chục lá cờ Tây Tạng khổ lớn. Ðây là chặng mới nhất trong hành trình rước đuốc vốn đã bị các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh làm hỏng.
Một vài nhóm cánh hữu giương cờ của hoàng gia Nhật trước đây và hô khẩu hiệu “Trung Quốc cút về nước!”
Tại cuộc biểu tình, một sinh viên Trung Quốc bị rách trán khi xô đẩy những người Nhật quốc gia. Một viên chức phòng cứu hoả cho biết sinh viên này được chở đến bệnh viện, nhưng vết thương không nghiêm trọng.
Cuộc rước đuốc bị ngừng lại trong giây lát khi phe quốc gia ném đồ (theo các cơ quan truyền thông, là những ngọn pháo sáng) vào đoàn rước đuốc. Cảnh sát lập tức quây kín không cho ai vào khu vực này; trong khi đó, phe Trung Quốc tức giận la to: “Bắt lấy chúng! Bắt lấy chúng!” Tại một đoạn khác, cảnh sát đã ngăn chặn một người định nhảy xuống đường để giật ngọn đuốc.
Xin Xin, một sinh viên Trung Quốc 24 tuổi, khoác cờ Trung Quốc, cho biết, “Lúc đầu tôi không định đến đây vì tôi không có thời gian và không có tiền. Nhưng quá nhiều việc đã xảy ra trong tuần vừa qua. Chúng tôi đến đây để ủng hộ Thế vận hội tại Trung Quốc.”
Các cuộc biểu tình chống việc thống trị của Trung Quốc ở Tây Tạng và hồ sơ nhân quyền của nước này theo sát gót hành trình rước đuốc, và đã khiến Trung Quốc rất tức giận. Trung Quốc vốn hy vọng biến Thế vận hội thành biểu tượng cho sự phát triển trên trường quốc tế của nước này. Trước áp lực mạnh mẽ của thế giới đòi hỏi việc đối thoại về vấn đề Tây Tạng, Trung Quốc đã tuyên bố vào thứ Sáu vừa rồi là chính phủ sẽ gặp phái viên của Ðạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần hiện đang sống lưu vong của Tây Tạng. Ðây là đợt tiếp xúc đầu tiên kể từ khi bạo lực bùng nổ tại Tây Tạng vào tháng trước.
Chặng Nagano xuất phát tại một bãi đậu xe, thay vì từ một chùa Phật giáo nổi tiếng (như trong dự định). Chùa này rút khỏi vai trò làm địa điểm xuất phát để phản đối việc Trung Quốc đàn áp Tây Tạng, nơi Phật tử chiếm đa số.
Thay vào đó, chùa Zenkoji (Thiện Quang Tự) tổ chức một lễ cầu nguyện để tưởng niệm cho cả người Tây Tạng lẫn người Trung Quốc bị thiệt mạng trong những cuộc bạo động gần đây. Khoảng 300 người đã lặng lẽ cầu nguyện trong khi 20 nhà sư mặc áo choàng màu cam đọc tên nạn nhân và gõ chuông.
Senichi Hoshino, huấn luyện viên trưởng đội bóng chày Olympic của Nhật, là người dẫn đầu đoàn rước đuốc gồm 80 người, trên một chặng dài 18.7 km, diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ, với sự bảo vệ của hai hàng cảnh sát Nhật suốt dọc đường.
Theo yêu cầu của chính phủ Nhật Bản, chỉ có hai cảnh vệ Trung Quốc được đi theo đuốc. Trung Quốc huấn luyện đội đặc nhiệm để gác đuốc, nhưng cách đối xử lỗ mạng của họ với người biểu tình đã gây ra nhiều chỉ trích (chính phủ Trung Hoa). Tối ngày thứ Sáu, cảnh sát Nhật cho biết họ bắt một người ở Nagano; người này mặc đồ như một sư ông tập sự, mang theo một lưỡi dao và một lá thư phản đối cuộc rước đuốc.
Hơn 3000 cảnh sát được rải khắp lộ trình rước đuốc ở Nagano, nơi đã tổ chức Thế vận hội mùa Ðông 1998, khiến mức độ an ninh đạt tới cấp thường dành cho Nhật hoàng Akihito.
Nhật Bản cố gắng hàn gắn mối quan hệ vốn đang không tốt đẹp với Trung Quốc do ký ức chiến tranh để lại, và đã hứa bảo đảm an ninh tối đa cho cuộc rước đuốc. Trung Quốc là một trong những mục tiêu chính của các nhà hoạt động cực hữu của Nhật, vốn nổi tiếng với các cuộc biểu tình ồn ào.
Yasuhiro Yagi, người tự mô tả mình là một nhà hoạt động hữu khuynh Nhật, nói, “Tôi ủng hộ Tây Tạng, Uighurs, Mông Cổ và Ðài Loan, những người chống lại Trung Quốc. Chúng tôi ủng hộ bất cứ nhóm nào chống lại Trung Hoa Cộng sản.”
Robert Menard, sáng lập viên của nhóm Phóng viên Không Biên giới, cũng đến Nagano; ông dự định mặc chiếc áo có in năm chiếc vòng biểu tượng Olympic như năm chiếc còng tay.
Nhưng ông hoan nghênh tuyên bố của Trung Quốc là sẽ gặp phái viên của Ðạt Lai Lạt Ma. Ông nói với AFP, “Nếu việc mở ra đối thoại với người của Ðạt Lai Lạt Ma là dấu hiệu của một cuộc thảo luận rộng hơn của chính quyền Trung Hoa về các vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận ở Trung Quốc, thì chúng tôi sẽ xem lại chiến lược của mình.”
Bản tiếng Việt © 2008 talawas