© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
26.10.2006
Nguyễn Hữu Liêm
Chính trị và thẩm mỹ quận Cam: Khi chính trị gia Tân Nguyễn say máu
 
"Lồng ngực ta đang khuấy động và cảm được một nỗi đau tươi trẻ."
Goethe, Faust.

Quận Cam 22/10. Sáng nay Chủ nhật, tôi lái xe đến ngã tư hai đường Magnolia và Westminster của thành phố Westminster, quận Cam. Ở góc đường là một building mới xây được một năm. Trong suốt thời gian hai năm xây dựng, ở tầng chót của building ấy có một băng biểu ngữ thật lớn, quá cỡ, đề tên Charlie Mạnh, Esq. treo ra phía ngã tư đường. Nay thì building đã hoàn tất, ở lối vào cũng có một bảng hướng dẫn của văn phòng luật sư của Charlie Mạnh, Esq. với đầy đủ chi tiết ngày giờ mở cửa. Cách đó vài ba ngã tư đèn đỏ, trên cùng con đường Westminster cũng có một building với tên luật sư chủ nhân Đỗ Hiếu Liêm màu xanh đậm, chữ khắc thật to, rất to, gắn trên bờ tường cao. Tôi tự hỏi, nếu ngay cả giới luật sư mà không nhận ra được góc độ và chiều kích thẩm mỹ, a sense of aesthetic proportion, của bảng hiệu và kiến trúc, nghề nghiệp và tên tuổi, thì không ai có thể trách cộng đồng kinh doanh chung về vấn đề khuôn mặt phố thị.

Đi xuống vài khu phố về phía nam là Bolsa Avenue, trung tâm của cộng đồng kinh tế và chính trị của người Việt, các bảng hiệu văn phòng luật sư và bác sĩ treo ngổn ngang như các cửa hàng bánh cuốn, chả giò. Trong nét sương buối sáng sớm còn trong không gian, tôi thấy khu phố Việt Nam mang một vẻ gì rất là bình dân gốc Việt: tầm thường, hỗn độn, tạm bợ - và nhất là toàn cảnh của khu phố, từ bảng hiệu các cửa tiệm, đến văn phòng, hay nhà cửa đều mang một tính chất thẩm mỹ hạ cấp, bad taste. Nếu khung cảnh phố thị thể hiện văn hóa và trình độ thẩm mỹ của cư dân, thì khu phố Bolsa đúng là “người mần răng thì vác khúc săng như rứa” (con người như thế nào thì vác khúc gỗ như thế). Không lạ gì mà từ cộng đồng người Việt ở quận Cam chẳng có gì hay ho, thực chất hay cao thượng phát sinh được cả - ngoại trừ ba cái chuyện ồn ào, bát nháo, trống rỗng.

Và chính trị cũng rứa luôn. Trong suốt tuần qua, chuyện ồn ào, nổi bật nhất là “sự cố” Tân Nguyễn, một ứng cứ viên Đảng Cộng hòa, nhân vật có triển vọng cho chức vụ dân biểu liên bang vùng quận Cam, gởi 14 ngàn lá thư bằng tiếng Tây Ban Nha đến cộng đồng cư dân gốc Mễ, cảnh cáo những người di dân rằng nếu họ đi bầu phiếu thì sẽ phạm luật, có thể bị trục xuất hay bị tù. Đối thủ của ông Tân Nguyễn là bà Loretta Sanchez, một người gốc Mễ, đương kim dân biểu. Cuộc đua vào quốc hội liên bang giữa hai ứng cử viên này đang ở trong giai đoạn quyết liệt. Thắng hay thua có thể chỉ phụ thuộc vào sự chênh lệch của một vài ngàn phiếu. Đây phải là động cơ khiến văn phòng tranh cử của Tân Nguyễn gởi các lá thư này, nhằm giảm thiểu số phiếu của người gốc Mễ vốn chắc là sẽ ủng hộ cho Sanchez.

Tân Nguyễn phủ nhận việc mình đã cho phép gởi những lá thư này đi, và cũng phủ nhận việc mình biết nội dung trong thư. Tất cả, theo ông, là việc làm của một nhân viên tự ý. Ngày hôm trước, ông đã đuổi việc nhân viên vi phạm này. Tuy nhiên, chủ tịch chi bộ Đảng Cộng hoà của quận Cam, Scott Baugh, tuyên bố với báo chí là Tân Nguyễn đã biết đến nội dung và việc gởi các thư này. Scott Baugh tuyên bố là mình có bằng chứng cho điều đó và yêu cầu Tân Nguyễn nên rút lui khỏi cuộc tranh cử. Sáng thứ Sáu, 20/10, thì văn phòng bộ tư pháp tiểu bang California và liên bang nhập cuộc, điều tra chính thức và khám xét nơi ở, văn phòng của Tân, tịch thu hồ sơ, máy điện tử. Chánh biện lý California, Bill Lockyer, một ứng cử viên chức chánh thủ quỹ tiểu bang California, tuyên bố là nếu có bằng chứng thì sẽ bắt giam nghi can ngay - dĩ nhiên là ông nói đến Tân Nguyễn. Các chính trị gia khắp nước Mỹ, kể cả những nghị sĩ liên bang lừng danh như Ted Kennedy, cũng như thống đốc California Schwarzenegger đều lên án nội dung lá thư này. Schwarzenegger còn gọi nó là “hate mail” (thư thù ghét, kỳ thị).

Trong cuộc họp báo ngày Chủ nhật, 22/10, Tân Nguyễn tuyên bố rằng ông sẽ không đầu hàng: “Tôi vô tội. Không có cách âm phủ nào có thể làm cho tôi rút lui. Tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi sẽ chiến thắng kỳ tranh cử này.” Ông tố cáo Sanchez đứng đằng sau các cáo buộc và điều tra này. Phát ngôn nhân văn phòng tranh cử của Tân Nguyễn, William Braniff, đổ thừa sự việc về phía truyền thông vì theo ông đã “phiên dịch sai lầm” nội dung lá thư bằng tiếng Tây Ban Nha. Theo Braniff, chữ “immigrado” có nghĩa là “cư dân hợp pháp” (legal residents) - chứ không phải là “công dân nhập tịch” (naturalized citizens). Sự hiểu lầm về ngôn ngữ và sự phiên dịch sai lạc này chính là nguồn gốc của vấn đề. Tân Nguyễn tố cáo chủ tịch chi bộ Đảng Cộng hoà Scott Baugh là đã vội vàng lên án mà không chịu khó kiểm chứng sự kiện hay liên lạc với ông, một con gà chọi của đảng, để minh xác vấn đề trước khi lên tiếng. Ông cũng cho biết là đã tái thâu nhận người phụ tá tranh cử bị đuổi việc ba hôm trước vì sự cố trên.

Vấn đề hiểu lầm ngôn ngữ là một chuyện, hãy tạm gác qua bên. Vấn đề pháp lý là chuyện khác, cũng hãy chờ xem. Nếu biện lý của tiểu bang bắt giam Tân Nguyễn thì đây là một scandal lớn. Chỉ còn hơn một tuần nữa là bầu cử, chỉ có lá phiếu của người gốc Việt mới cứu được Tân Nguyễn. Nay thì đã quá trễ? Mọi cơ hội thắng cử, một màn upset ngoạn mục sẽ không còn khả thi nữa. Một dân biểu liên bang Hoa Kỳ gốc Việt Nam là niềm mong đợi của người Việt ở Mỹ, dù họ có bất đồng ý kiến với ông trên bất cứ phương diện nào.

Nhưng khi nhìn qua sự việc 14 ngàn lá thư gởi cộng đồng dân Mễ, với ngôn ngữ hăm dọa, tiêu cực, dù là có chính xác, chúng ta đều cùng thở dài thất vọng. Tại sao, có người phải hỏi, cùng là di dân đồng thuyền, đồng cảnh, mà Tân Nguyễn lại “chơi trò bẩn”? Không ai có thể tin rằng ông không hề biết gì đến chuyện lá thư này – như ông tuyên bố. Đâu phải là một vài thư, hay là một tập truyền đơn – mà là 14.000 lá thư, với phong bì, tên, địa chỉ, tem phiếu. Ha! Tân ơi, bạn muốn chọc cười thiên hạ sao đây!

Chàng Tân Nguyễn, chính trị gia trẻ tuổi, ngang nhiên, cứng cỏi. Vâng, tốt lắm. Có cứng mới đứng đầu gió. Nhìn vào bức hình của Tân trên các biểu ngữ tranh cử, chúng ta cũng hình dung ra được một chàng thanh niên trẻ, đẹp trai, cương nghị. Nhưng ông phải biết tôn trọng nguyên tắc cuộc chơi và hành động xứng đáng với cái phong hóa chính trị dân chủ ở Mỹ trong một cộng đồng cử tri của dân di cư. Ông cần phải có cố vấn chính trị lão luyện để cẩn trọng và khôn ngoan hơn. Và nhất là phải có tham vấn pháp lý. Trong cái hổ lốn của chính trị quận Cam, chỉ cần sơ hở là bạn mất tất cả.

Vài tuần nữa thôi, nếu Tân Nguyễn thất cử thì chuyện này cũng sẽ đi vào quên lãng. Tên tuổi của Tân Nguyễn sẽ đi vào quá khứ như các biểu ngữ tranh cử sẽ trở thành rác rưởi. Và bao nhiêu chuyện khác sẽ chiếm ngự trí nhớ của người quận Cam. Nhưng dầu sao, tôi vẫn hy vọng là Tân sẽ đắc cử. Hãy cho chàng chính trị gia trẻ tuổi học được bài học lầm lẫn để mà lớn khôn lên.

Điều mà cộng đồng người Việt ở California sẽ còn phải chịu đựng là một nỗi nhục sắc dân không nhỏ. Nỗi nhục của một văn hóa chính trị thiếu trưởng thành và bad taste – cũng như bảng hiệu của các văn phòng luật sư treo ngổn ngang như những cửa hàng tạp hóa bầy nhầy ở phố quận Cam này.

© 2006 talawas