© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
24.4.2004
Đặng Phùng Quân
Đọc lại Trần Đức Thảo
 1   2 
 
Năm 1991, Trần Ðức Thảo được phép trở lại Pháp sau bốn mươi năm rời khỏi đây về nước rồi mất tại Paris năm 1993. Từ lâu ông đã trở thành một personna non grata, song đối với thế giới triết học vào thời hiện tượng luận nở rộ, tên tuổi ông được nhắc đến trong nhiều sách ở những thập niên 50, 60 trở đi.

Trần Ðức Thảo được đào tạo hoàn toàn trong môi trường giáo dục thuộc địa Pháp (học lycée ở Hà Nội, rồi Louis-le-Grand và Henri-IV trước khi thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm đường Ulm (ENS d'Ulm)) nên những tác phẩm chính của ông viết bằng Pháp ngữ.
Hai tác phẩm chính của Trần Ðức Thảo đánh dấu hai giai đoạn: giai đoạn 1951 trở về trước, ông thuộc khuynh hướng chủ nghĩa Mác hiện tượng luận, và giai đoạn sau, ông là một người Mácxit Lêninit.


Hành trạng trí thức

Khi Trần Đức Thảo theo học trường Cao Ðẳng Sư phạm vào năm 1939 thì chủ nghĩa Mác và triết học Hegel đã có những ảnh hưởng lớn tại Pháp, không như Sartre nghĩ:

"Vào năm 1925 khi tôi mới hai mươi tuổi, không có một ghế giảng dạy chủ nghĩa Mác tại Ðại học, và những sinh viên cộng sản phải rất thận trọng, không được nói đến hay ngay cả nhắc đến tên trong những kỳ thi, nếu họ nói đến chủ nghĩa Mác, họ có thể bị đánh rớt. Nỗi kinh hãi về biện chứng ghê gớm đến nỗi Hegel thật xa lạ với chúng tôi" [1]

Thật ra trong thập niên 20, những nhà xã hội như Charles Andler, Lucien Herr, Victor Basch, Edmond Vermeil đã chiếm những ghế quan trọng ở Sorbonne, cũng như ở trường Cao đẳng Sư phạm và Học viện Pháp quốc. Họ đã đem tư tưởng Hegel vào Ðại học Pháp và đặc biệt nghiên cứu mối quan hệ giữa tư tưởng Hegel và chủ nghĩa xã hội (một luận án đề xuất vào năm 1907 ở Sorbonne đã nghiên cứu ảnh hưởng của Hegel đối với Marx).

Vào những năm cuối thập kỷ 20 này, những nhà triết học trẻ như G. Politizer, Paul Nizan, Henri Lefebvre, G.Friedman quy tụ thành nhóm tạp chí Philosophies. Thế hệ mới của những nhà triết học Mácxit xuất hiện những tên tuổi như Auguste Cornu, René Maublanc, Roger Garaudy và George Cogniot.

Auguste Cornu đào sâu ảnh hưởng của Hegel đối với sự hình thành tư tưởng của Mác thời kỳ trẻ trong luận án đề xuất ở Sorbonne vào năm 1934. Tập khảo luận "A la lumière du Marxisme" do Henri Wallon chủ trương đã giới thiệu một khuôn mặt Mácxit sáng giá là René Maublanc trình bày mối quan hệ giữa Hegel và Marx. Maublanc đã giảng dạy triết tại Lycée Henri IV, nơi Trần Ðức Thảo theo học trước khi được nhận vào trường Cao Ðẳng Sư phạm. Một triết gia Mácxit trẻ khác là G. Politzer trong những bài giảng ở Ðại học Công nhân (Université Ouvrière) trong những năm 1932 - 1935 đã nhận ra phép biện chứng thuần lý trong triết học Hegel.

Những tác phẩm thời trẻ của Mác như Tập bản thảo kinh tế triết họcHệ tư tưởng Ðức đã được phát hiện và dịch ra tiếng Pháp trong thời gian này. Ðồng thời tập Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phánBút ký triết học của Lenin cũng được dịch và lưu hành ở Pháp trong những năm 1928 và 1938, Chủ nghĩa Mác được tuyên truyền thông qua những phong trào công nhân, nhưng cũng xâm nhập đại học một cách rộng rãi.

Những trào lưu tư tưởng lớn có những bước thăng trầm trong lịch sử. Tư tưởng của Hegel đã xâm nhập đại học Pháp từ thế kỷ 19, cũng mang những dấu ấn khác nhau.

Alexandre Kojève nhận xét: "Mọi lý giải về Hegel chỉ là một đề cương của đấu tranh và lao động".

Ðiều này có thể áp dụng cho mọi giai đoạn. Nhưng chính Kojève là một người đã làm sinh động tư tưởng Hegel trong những bài giảng ở trường Cao đẳng Sư phạm vào những năm 1936 - 1939. Kojève đã gây ảnh hưởng cho hơn một thế hệ kế tục đọc Hegel, Mác và tư tưởng hiện sinh Ðức.

Cũng trong khoảng thời gian này, một giảng viên khác ở trường Cao đẳng Sư phạm là J. Hyppolite đưa ra một lý giải khác về Hegel, công phu và tỉ mỉ.

Trần Ðức Thảo chắc hẳn đã được dẫn nhập vào con đường nghiên cứu Hegel và Mác qua những ảnh hưởng của Kojève, Hyppolite và Cavaillès.

Nhưng một khuôn mặt lừng danh khác có ảnh hưởng sâu sắc trong sự hình thành tư tưởng của Trần Ðức Thảo là M. Merleau-Ponty. Thời gian Trần Ðức Thảo theo học trường Cao đẳng Sư phạm thì Merleau-Ponty làm trợ giáo (caiman) ở đây. Trong số những học viên xuất sắc có Vuillemin và Trần Ðức Thảo.

Con đường nghiên cứu triết lý của Trần Ðức Thảo mang những chuyển biến tư tưởng như theo dấu ấn của Merleau-Ponty - từ bước đường nhập môn hiện tượng luận đến những nghiên cứu về nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, sự tìm kiếm bản chất của cấu trúc ứng xử nơi con người.

Khi Sartre và Merleau-Ponty cùng một số những trí thức tả khuynh khác thành lập tạp chí Thời mới (Les Temps Modernes), với Merleau-Ponty làm giám đốc chính trị, đăng những bài viết chính trị xuất hiện dưới ngòi bút của Claude Lefort và Trần Ðức Thảo, hai môn đệ của Merleau-Ponty.

Ðối với thế hệ Trần Ðức Thảo theo học trường Cao đẳng Sư Phạm, khoa Hiện tượng luận của Husserl không còn xa lạ như một thập niên trước nữa. Cũng trong thời gian này, cuộc chiến bùng nổ và Ðức quốc xã đã tràn sang chiếm đóng nước Pháp, Trần Ðức Thảo được kể là một người có công mang những bản thảo di cảo của Husserl qua lằn tuyến kiểm soát của lính Ðức về Louvain, nhờ khuôn mặt Á đông của ông. Ðây cũng là cơ hội Trần Ðức Thảo được đọc những bản thảo chưa in của Husserl để sửa soạn cho luận án ông đang tiến hành.


Hiện tượng luận và chủ nghĩa Mác

Tác phẩm Phénoménologie et Matérialisme Dialectique của Trần Ðức Thảo xuất bản năm 1951 [2] là tập hợp hai phần nghiên cứu viết trong những thời điểm khác nhau:

Trần Ðức Thảo xác định phần thứ nhất soạn trong khoảng 1942 đến 1950 trình bày "căn bản cốt lõi của hiện tượng luận thuần túy trên phương diện lịch sử và trong chính những viễn tượng của tư tưởng Husserl" và ngay cả phần phê phán của tác giả cũng chỉ nêu ra những mâu thuẫn nội tại ngay trong tác phẩm của Husserl. Phần thứ hai của tác phẩm hoàn tất năm 1951 hoàn toàn đặt trên bình diện của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Trần Ðức Thảo là một trong những người tiền phong đã khai phá vấn đề quan hệ giữa hiện tượng luận và chủ nghĩa Mác. Trước Trần Ðức Thảo là Herbert Marcuse với Tham luận góp phần về một hiện tượng, luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử [3] .

Trong tiểu luận này, Marcuse phác họa một chương trình phê phán hiện tượng luận hiện sinh và chủ nghĩa Mác: Hiện tượng đi sâu vào cấu trúc căn bản của hiện hữu con người, khai phá đặc tính nền tảng và phổ biến còn chủ nghĩa duy vật lịch sử với nhận thức bản thể về cấu trúc của đời sống, nắm vững những biến thái lịch sử cụ thể. Ý đồ của Marcuse là xây dựng một "hiện tượng luận biện chứng" nhằm phân tích những khả năng cụ thể trong giới hạn của hoàn cảnh lịch sử thực, đi tới viễn tượng một thực tiễn cách mạng nhằm biến đổi nó trong chiều hướng nhân bản. Marcuse viết:

"Ðiều này là một sự mở rộng giá trị của hiện tượng luận biện chứng... nó chỉ ra hiện hữu của con người lịch sử, cả về mặt cấu trúc cơ bản lẫn những hình thái và dạng thức cụ thể."

Lý giải chủ nghĩa Mác mở ra hai chiều hướng: những người Macxit như Lukacs, Marcuse, Habermas hay Sartre xây dựng trên sự chuyển biến của lịch sử con người, trong khi những người Mácxit - Lêninit thừa kế Engeln quan niệm vận động biện chứng trong tự nhiên và tác động vào lịch sử con người.

Vào năm 1946, Trần Ðức Thảo đưa ra một tiểu luận in trong Revue Internationale nhan đề "Chủ nghĩa Mác và hiện tượng luận" khởi thảo việc nghiên cứu đối chiếu và phê phán. Ðến tác phẩm xuất bản năm 1951, minh thị rõ rệt hơn với nhan đề "Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng", Trần Ðức Thảo xác quyết: Chủ nghĩa Mác cho chúng ta giải pháp duy nhất có thể quan niệm được về những vấn đề mà chính hiện tượng luận đề ra [4] .

Chọn lựa con đường đi vào chủ nghĩa Mác không phải là một chọn lựa chính trị nhất thời, mà là một chọn lựa triết lý. Trần Ðức Thảo được huấn luyện trong trường Cao đẳng Sư Phạm, ở đó Cavaillès và Maurice de Gandillac đã đem hiện tượng luận và chủ nghĩa Mác vào giảng dạy. Một người ảnh hưởng đến Trần Ðức Thảo là Merleau-Ponty cũng đã đề cao chủ nghĩa Mác "không phải là một triết lý về lịch sử mà chính là triết học của lịch sử và phủ nhận nó chẳng khác nào đào huyệt chôn lý trí trong lịch sử" [5]

Mặt khác, Trần Ðức Thảo ở vào thế hệ những môn đệ hiện tượng luận phải thông qua con đường lý luận Hegel, qua sự dẫn nhập vào tác phẩm Hiện tượng luận về tinh thần của Kojève và Hyppolite. Trần Ðức Thảo đã viết một tiểu luận nghiên cưú nội dung thực của tác phẩm Hiện tượng luận về tinh thần in trên Les Temps Modernes năm 1948 [6] . Trần Ðức Thảo cho rằng nội dung của tư tưởng Hegel (bao gồm toàn thể lịch sử thế giới) chủ yếu bắt nguồn từ chủ nghĩa khách quan và sau cùng hàm ngụ một chủ nghĩa duy vật giấu mặt mà Hegel có thể khai triển khái niệm về chuyển biến và phương pháp biện chứng làm tiền đề cho tư tưởng Macxit. Tư tưởng cốt lõi của Hiện tượng luận về tinh thần là khái niệm Aufhebung như một quá trình vận động qua ba tác động: hủy diệt hình thái trực tiếp không thực và không phải chân lý của hiện tượng, để duy trì cái chân chính và thực nhất của nó để vươn lên hình thái trung thực nhất của hiện tượng.

Trong Phénoménologie et Matérialisme Dialectique (PMD), Trần Đức Thảo đã vận dụng khái niệm cơ bản này để giải thích tại sao "những phân tích hiện tượng luận cụ thể chỉ có thể vận dụng mọi ý nghĩa và được phát triển đầy đủ trong tầm chân trời duy vật biện chứng". Không có gì mâu thuẫn trong việc quan niệm một "biện chứng hiện tượng luận" khi ông viện dẫn Husserl đã đặt trọng điểm triết lý trong hiện tượng luận sự vật (Ding):

"Sau cùng ở cơ sở của mọi thực tại khác, người ta thấy thực tại tự nhiên và cả hiện tượng luận về tự nhiên vật chất chắc chắn giữ một vị thế ưu tiên" [7]

Những công trình nghiên cứu của Husserl nhằm xây dựng "sự vật" nguyên uỷ theo Trần Đức Thảo "chỉ đem lại những kết quả quyết định trong việc giải trừ những tư kiến cổ điển, nhưng người ta hoài công tìm kiếm ở đó những minh xác về nội dung cụ thể của những trung gian hữu hiệu [8]

Phải có một phương pháp khách quan, tức phép biện chứng Macxít mới xác định được quá trình khả dĩ xây dựng những ý nghĩa sinh động trên nền tảng của thực tại vật chất. Phương pháp biện chứng như Trần Đức Thảo mô tả vẫn mang dấu ấn Hegel "khởi đi từ cái khả xúc tự vượt để hủy diệt trong cái khả tri". Những vấn đề cổ điển chỉ được giải quyết toàn diện trong khuôn khổ của chủ nghĩa Mác, trong khi hiện tượng luận (Husserl) chỉ ra những khó khăn kỹ thuật mà ông không ngần ngại phê phán:

"Chủ nghĩa hiện thực trong Losgishe Untersuchungen của Husserl chỉ là một hình thái mâu thuẫn của một phân tích ý hướng không biết đến ý nghĩa thực của nó. Nó hàm ngụ yêu cầu của một sự đảo ngược biện chứng" [9]

Khởi từ một đoạn văn trong Nguồn gốc của hình học (Ursprung der Geometrie), Trần Ðức Thảo nhận định: con đường đi từ khả xúc đến khả tri chỉ có thể vạch ra một cách chính xác bằng sự phân tích những hình thái kỹ thuật và kinh tế của sự sản xuất (ra những điều kiện tồn tại của con người). Chính vì thế phương pháp hiện tượng luận vấp phải những khó khăn không thể vượt qua là sự mô tả những ý chỉ tiền trí từ (significations antéprédicatives) phải trở lại những điều kiện tồn tại của vật chất và thiết yếu định đặt chủ thể trong khuôn khổ của thực tại khách quan.

Hiện tượng luận có giá trị ở chỗ mô tả được cái sinh động (le vécu) làm nền tảng cho mọi ý nghĩa chân lý, nhưng quan điểm trừu tượng của nó đã không cho phép nhìn thấy nội dung vật chất của đời sống khả xúc, do đó tất cả cơ sở của sự cấu thành thế giới (Weltkonstitution) mang tính cách thường hằng triệt để.

Tóm lại, qua phê phán của Trần Đức Thảo, công trình hiện tượng luận là một vận động biện chứng có tính cách tư duy trong khi thực hành. Nó phải nhường bước cho chủ nghĩa duy vật biện chứng, coi như chân lý của chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm [10] .

Khi phê phán chủ nghĩa hiện sinh, trào lưu tư tưởng đang thống trị Tây Âu bấy giờ, Trần Ðức Thảo đã dùng hiện tượng luận làm trung gian để so sánh: Chủ nghĩa hiện sinh nêu ra sự khác biệt về yếu tính giữa sự tồn tại con người và thực tại tự nhiên chỉ trở lại bình diện ý thức ngây thơ; những khái niệm siêu việt, hoàn cảnh, chọn lựa, dự phóng của Heidegger được đề ra trước khi có giảm trừ hiện tượng luận, trong khi chủ nghĩa duy vật biện chứng xét những hình thái khác nhau của hữu thể trong vận động từ hình thái này qua hình thái khác. Vật chất được đặt ra trong ý thức chuyển biến (devernir-conscience), cũng như tự nhiên đặt ra trong sự chuyển biến về nhân tính, như vậy nó được xét dến sau khi có sự giảm trừ [11] .

Con đường Mácxit của Trần Đức Thảo có đáp ứng được những viễn tượng hứa hẹn như ông trình bày trong phần phê phán hiện tượng luận không?

Hấp thụ nền giáo dục triết lý của trường Cao đẳng Sư phạm ở giai đoạn này, Trần Đức Thảo vẫn chưa vượt ra khỏi quỹ đạo hiện tượng luận. Mặt khác thông qua ánh sáng lý luận của biện chứng Hegel, cơ sở tư tưởng của ông vẫn xây dựng trên khái niệm vận động biện chứng Aufhebung.

Trong PMD, Trần Đức Thảo không hề nhắc đến Lenin. Tuy nhiên cũng như nhiều người Mácxít Pháp khác, ông dựa vào Engeln. Cho nên ngay đề phần thứ hai, ông đã dẫn Engeln:

"Vật chất không phải là sản phẩm của tinh thần mà tinh thần là sản phẩm cao cấp của vật chất."

Ở tiết 1, ông đã bàn về một vấn đề rất cổ điển là "Ý thức và vật chất" nhằm xác định lâp trường duy vật của ông:

"Chỉ có biện chứng duy vật mới cho phép chủ thể tự thức và tự khẳng định trong thực tại hữu hiệu về hiện thể của mình, như thể trước hết nó vượt khỏi ý thức của nó, để tuần tự đặt ra với chính nó như ý nghĩa chân lý của nó" [12] .

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Merleau-Ponty khá rõ rệt trong những vấn đề đặt ra ở PMD. Cũng bắt đầu từ hiện tượng luận như là một phương pháp, sau khi qua những chặng đường mô tả kinh nghiệm tiền trí từ, Trần Đức Thảo rút ra kết luận là tất cả công trình cấu tạo thế giới (Weltkonstitution) nghiên cứu về thế giới khả xúc mang tất cả ý nghĩa về những cấu trúc của ứng xử, đã vấp phải những khó khăn không thể vượt qua. Chỉ có phương pháp biện chứng mới đưa ra những viễn tượng khả dĩ có thể nhận thức:

"Thực tại như thể biện chứng là một vận động mà trong mọi cách thế của hữu thể, những biến chuyển của trật tự nhân qủa được xác định bởi cấu trúc riêng của từng cách thế này tất yếu do chính sự phát triển nội dung của chúng phải dẫn tới sự cấu thành một cách thể mới, hội nhập cách thể trước và nắm giữ nó như thể hủy diệt, duy trì và vượt qua." [13]

Cho nên nội hướng tính của ý thức cũng như quan hệ lý tưởng với khách thể phải đi dần tới cấu trúc của chủ thể thực sự, nghĩa là khởi từ chính thân xác như trung tâm của vận động. Như vậy không thể dùng phép "giảm trừ" trừu tượng của hiện tượng luận mà phải nhờ phép biện chứng để nắm vững thấu đáo biện chứng của ứng xử xác định hành vi của ý thức.

Chương thứ I của phần thứ hai tìm hiểu biện chứng của ứng xử sinh vật như thế biến chuyển của nhận thức đích xác về cái khả xúc.

Vấn đề này đã đề ra trong Hiện tượng luận về tinh thần của Hegel, tuy nhiên khi đi tìm hiểu khởi sinh của ý thức, biện chứng của khái niệm của Hegel đã thất bại so với phương pháp hiện tượng luận Husserl nắm vững sự đích xác trực tiếp của khách thể đơn giản đã được đề ra trong trực giác, chứng tỏ ưu thế của phương pháp trực giác này. Tuy nhiên những lý giải hiện sinh của những môn đệ Husserl đã loại bỏ nội dung vật chất của kinh nghiệm khả xúc, đưa hiện tượng luận tới chủ nghĩa phản lý toàn diện [14] .

Với tiêu đề "biện chứng của vận động thực", Trần Đức Thảo khởi đi từ quan điểm duy vật biện chứng theo Engels trong việc tìm hiểu biện chứng của tự nhiên: sự tiến hóa của ứng xử sinh vật từ tri giác sự vật ở loài động vật có vú, đi ngược lên tiếp thu sự vật ở loài cá, ngược lên nữa là sự di động của loài sâu, sự rời chỗ ở loài động vật nguyên sinh (như loài động vật ruột khoang - Coelentérés) tương ứng với sự phát triển cá thể của trẻ sơ sinh.
Áp dụng hai khái niệm hiện tượng luận vào vận động sinh vật, Trần Đức Thảo nhận định ý hướng tính của trì động (rétention) như chuyển động dồn ép của hoạt động hút và đẩy trong quá trình hoàn tất phản xạ - những chuyển động dồn ép sống động trong một vận động lý tưởng của phóng động (protention), ở đó chủ thể có ý thức dự tưởng về tương lai nội tại qua một toàn bộ những hướng động vạch ra chân trời trường cảm xúc [15]

Trần Đức Thảo muốn chỉ ra sự sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa duy vật máy móc khi quan niệm tư tưởng chỉ là một sự bài tiết của bộ óc đã ngăn chặn bộ óc cảm thụ và không biết đến cấu trúc của vận động thực:

"Khi nhận thức được cái ý nghĩa của cái sinh động, tính hướng nội của ứng xử dưới dạng những sơ đồ dồn ép cấu tạo mối quan hệ ý hướng với khách thể đã đưa sinh thể lên hàng đời sống chủ thể,và sự giải thích khoa học không phải là một sự giảm trừ trừu tượng mà là khởi sinh tạo ra vận động kỳ thành của sự chuyển biến thành ý thức của thực tại vật chất" [16]

Khởi sinh những cấu trúc của ý thức có thể bắt đầu từ việc khảo sát nguồn gốc sinh vật của con ngưòi, xây dựng trên biện chứng chung của những cấu trúc chủng loại từ loài nguyên sinh đến con người, về mặt phát sinh cá thể: sự phát triển của trẻ sơ sinh một tháng tương ứng với sự phát triển của loài sâu, năm tháng với loài cá, chín tháng với loài động vật có vú, một năm với loài khỉ, mười tám tháng với loài giả nhân cho đến năm hai tuổi phát triển đầy đủ của loài sinh vật cao cấp là con người.

Quá trình nội hướng dưới dạng ứng xử phản xạ, phát triển từ cấp độ định hướng và di động được, cho đến khả năng nắm được vật bên ngòài là ý nghĩa của ngoại hướng tính. Sự thể hiện dục vọng là quá độ của tính trực tiếp của xúc động đến sự thường trực của tình cảm ở loài động vật có vú.

Ở loài khỉ, tương ứng với trẻ sơ sinh một tuổi, đã có khả năng trung gian xác định thực tại của ứng xử, tuy nhiên vẫn chưa có khả năng nội hướng của ý thức.

Sự phát triển hành vi của trung gian tạo ra việc biết sử dụng phương tiện (instrument) trong đó vận động xảy ra trước bị dồn ép và sống động của một vận động có ý hướng.
Ở giai đoạn kế tiếp khi con người biết sử dụng công cụ (outil) thì chức năng phương tiện không thuần túy chỉ thực hiện ở hoàn cảnh hiện tại mà có thể sản sinh, giữ gìn và duy trì; con người như vậy đã nhận thức được ý nghĩa của một phương tiện tự nó có hiệu quả. Sử dụng công cụ đánh dấu sự xuất hiện con người.

Vận động của lao động khi đã là lực lượng sản xuất được phản ảnh trong những hành vi của tổ chức và dạy dỗ chứng tỏ quá trình sản xuất trở thành đối tượng của một ý chí có ý thức dưới dạng nguyên ủy của ý chí tha nhân; từ giai đoạn này sự hợp tác lao động đánh dấu dạng thức của ngôn ngữ, tuy nhiên những qui luật xác định hoạt động sản xuất trước hết cấu thành ở bên ngoài ý thức, nghĩa là xuất hiện trong thực tại của ứng xử, như một hiệu quả khách quan của những điều kiện. Bắt chước một định thức nổi tiếng của Marx, Trần Đức Thảo viết: "Như vậy tự nguyên ủy không phải ý thức xác định ứng xử mà ứng xử sinh ra ý thức" [17]

Suy tưởng về thực tiễn của con người xây dựng chân lý của hình học trong một đoạn văn ở Ursprung der Geometrie của Husserl, Trần Đức Thảo đi tới kết luận là chỉ có sự phân tích những hình thái kỹ thuật và kinh tế của sản xuất ra những điều kiện tồn tại của con người mới minh giải được đời sống khả xúc của con người: "Sử dụng công cụ biểu thị sự tồn tại của con người", cho nên trong chương II phần hai, ông đã khảo sát quá trình vận động thực của lịch sử con người theo một viễn tượng biện chứng như sau:

  1. Ở giai đoạn tối cổ, những lực lượng sản xuất cấu thành với vận động của công cụ chưa mang hình thái của cải vật chất, mà chỉ mới ở mức độ chiếm hữu những giá trị sử dụng, tương ứng với nguồn gốc của tôn giáo nguyên thủy xây dựng trên cơ sở vận động của vật hy sinh:

    "Mọi tôn giáo được xây dựng trong một vận động tượng trưng ở đó chủ thể tự hủy diệt trong sự tồn tại tự nhiên của nó để nâng lên thành ý thức về "sự tồn tại thực sự" của nó. Trước khi là một dâng hiến cho thần thánh, vật hy sinh là sự chuyển biến của chính vật linh, qua đó cái thực được siêu việt trong khi tự hủy". [18]

  2. Sau giai đoạn kinh tế săn bắn của nhân loại, khởi đầu của sự tích lũy của cải trong sản xuất của giai đoạn kinh tế gia đình, xuất hiện những tinh thần cá thể. Trao đổi hàng hóa không còn giới hạn trong những viễn tượng chật hẹp của giá trị sử dụng nữa mà được tổ chức theo giá trị trao đổi xác định một cách khách quan hình thái của một phổ biến tính thuần lý. Tuy nhiên nền kinh tế thương mại chỉ có lợi cho một giai tầng đặc biệt tách ra khỏi đám đông lao động để trở thành một giai cấp thống trị. Những cấu trúc thuần lý phát triển trong phương thức sản xuất mới này tha hóa trong hình thái truyền thống của bản chất thiêng liêng, tương ứng với một tôn giáo quan niệm đấng cứu thế hy sinh. Dưới hình thái chiếm hữu phát sinh những khái niệm thực tiễn mới, trong đó sự phát triển sản xuất không phù hợp với những quan hệ trao đổi và lịch sử qua những đối kháng trực tiếp này là vận động của những tranh đấu và thỏa hiệp giữa giai cấp tư sản và giai cấp quý tộc. Cũng ở trong quan điểm này, lịch sử không còn là lịch sử của những giai cấp thống trị mà là lịch sử của lao động sản xuất và những quan hệ của con người. Trần Ðức Thảo dẫn lời Mác:

    "Ở một giai đoạn nào đó của sự phát triển, những lực lượng sản xuất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện hữu. Từ những hình thái tiến hóa của những lực lượng sản xuất, những quan hệ này trở thành những chướng ngại của những lực lượng này, ở đó mở ra một kỷ nguyên cách mạng xã hội

    Và người ta không phán đoán một cá nhân trên ý tưởng tạo ra cho chính hắn, người ta cũng không phán đoán một thời đại trên ý thức tự thân của nó, mà ngược lại phải giải thích ý thức này bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột giữa những lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất hiện hữu".

  3. Giai đoạn quá độ từ nền kinh tế buôn bán sang nền kinh tế tiền tệ, tiền là vận động của những trao đổi trở thành trung gian đưa tính phổ biến của hàng hóa trở thành sự tự trị của ý thức tự thân, như thể khái niệm trong hình dung khái niệm, đấu tranh giai cấp xuất hiện dưới một bộ diện triệt để mới: giai đoạn phong kiến mở đường cho cuộc cách mạng tư sản, sự tồn tại thần thánh mang hình thái tồn tại khả tri, biểu hiện cho sự siêu việt của tư tưởng và khái niệm phổ biến của Cứu chuộc biểu hiện tính phổ biến thực sự đắc thủ trong những quan hệ của con người qua sự bành trướng của kinh tế tiền tệ. Tuy nhiên, ý nghĩa chính thống của tính phổ biến nhân loại chỉ xuất hiện dưới hình thái hủy thể, sự chối bỏ huyền nhiệm những của cải trần gian bằng biểu tượng thuần túy của đời sống hằng cữu.

  4. Sự tiến bộ chung của những lực lượng sản xuất đã đưa giai cấp tư sản phương Tây đi chinh phục thị trường thế giới, minh thị hình thái mới của chiếm hữu tư sản, trong đó quyền năng phổ biến của tiền không chỉ mang ý nghĩa thống nhất hàng hóa mà mang khả năng phát triển thuần lý (capacité du développement rationnel), dưới danh nghĩa tư sản phối hợp những thời khoảng khác nhau của quá trình sản xuất. Trong vận động như vậy, lao động sản xuất trở thành bản chất của giá trị, cấu thành phố biến xây dựng sự thống nhất những mặt khác biệt trong biện chứng trao đổi.

Quá trình lao động này tách rời khỏi thực tại kỳ thành của nó để giản lược vào một tất yếu toán học thuần túy, tước bỏ mọi ý nghĩa nhân tính. Ở đó khoa học hiện đại về tự nhiên phát triển trong chân trời máy móc này.

Cũng như Husserl đã chỉ ra khi xét đến ý nghĩa công chính của tư tưởng khoa học, cơ sở chân lý chỉ có thể tìm thấy trong lao động xã hội của con người, cho nên vận động lý tưởng của những khái niệm trong khoa vật lý toán học chỉ là biểu hiện trừu tượng của vận động thực của công nghiệp, như thể sự hài hòa thể hiện một cách thực tiễn giữa trí năng và sự vật.

Như Marx đã chỉ ra trong tập hai Tư bản, lao động này mất khả năng nhân tính trong sự chiếm hữu của tư bản và quyền năng trừu tượng che phủ biện chứng cũng như chân lý khoa học mang bộ mặt nghịch lý của một hủy thể đời sống sinh động. Ở đó giai cấp tư sản mới dùng ma thuật biến quyền năng sáng tạo của lao động con người thành một thứ hàng hóa đơn giản, như thể vật chất thuần túy, bị khai thác trong hạch toán kinh tế và khi sức lực lao động mà công nhân đem bán cho nhà tư bản, cuộc đấu tranh chống lại những quan hệ pháp định từ thống trị sang nô lệ khái quát hóa cơ cấu của hạch toán kinh tế trong quan niệm của một thế giới bị tước đoạt ý nghĩa.

Ðể nắm quyền bính chính trị, giai cấp tư sản đã đưa cơ chế tư bản vào khái niệm của khách thể như vật chất thuần túy, Kant đặt vấn đề những điều kiện khả hữu của một đối tượng như vậy, nghĩa là sự bảo đảm pháp lý của chiếm hữu tư sản.

Sự khác biệt giữa biện chứng Hegel và biện chứng duy vật ở chỗ đó: biện chứng Hegel biểu trưng một thỏa hiệp phổ biến giữa những giai tầng bóc lột cũ với giai cấp tư sản, trong khi biện chứng của lịch sử thực phát hiện trong sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản và đại công nghiệp một cấu trúc mới của hoạt động sản xuất, hàm ngụ sự hoàn tất tổ chức kinh tế thành một sự hợp nhất toàn diện. Giai cấp vô sản chứng thực trong những điều kiện như vậy là chính chân lý của hiện hữu, mang một hình thái hoàn toàn mới, hàm ngụ sự triệt hủy thực hữu hiệu, do sự triệt hủy hình thái chiếm cứ tư hữu. Trong sự xây dựng chủ nghĩa xã hội và bước quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, rốt cuộc hoàn thiện sự cấu kết hài hòa phổ biến, là giấc mơ của tư tưởng tư sản trong biện chứng duy tâm với những hình thái bóc lột và giai cấp vô sản đã thực hiện trong lãnh vực thực sự tổ chức lao động xã hội, ở đó mọi cấu trúc giai cấp và nguyên cớ độc quyền bị thủ tiêu.


[1]Sartre, Question de méthode (collection Idées, tr.26).
[2]Editions Minh Tân, Paris 1951.
[3]Marcuse, Beitrage zu einer Phanomenologie des historischen Materialismus, Philosophische Hefte, Berlin 1928
[4]sđd, tr.5
[5]Merleau-Ponty, Humanisme et Terreur (bản tiếng Anh, tr. 153)
[6]La phénoménologie de l'esprit et son contenu réel, Les Temps Modernes số 3, tr. 492 - 539
[7]Husserl, Ideen I, tr.139 dẫn trong PMD tr.8
[8]PMD tr. 296 - 7
[9]sđd, tr. 51
[10]sđd, tr.228
[11]sđd, tr.227
[12]sđd, tr. 247
[13]sđd, tr. 242
[14]sđd, tr. 238
[15]sđd, tr. 256 và 262
[16]sđd, tr. 266
[17]sđd, tr. 286
[18]sđd, tr. 306

Nguồn: Tạp chí Văn Học, California, số 96 & 98, tháng 4 & 6 năm 1994