© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
25.9.2007
Kiệt Tấn
Sự đời
Bài 5
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 

Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!

Nghĩ lai rai – Mười hai

1. Vũ trụ vốn vận hành theo những quy tắc riêng của nó. Những quy tắc đó không mắc mớ gì tới những mục tiêu hay cứu cánh mà con người (hiu hiu) tự ý bày ra cho vũ trụ. Nói rõ hơn: Vũ trụ không mắc mớ gì tới cái Lỗ đen Bất tận, cái Ánh sáng Phúc âm, cái Tình yêu Thiên chúa, cái Vô dư Niết bàn, cái Địa ngục Allah, cái Điểm cuối Ômêga, cái Tận thế Sập tiệm hay cái chi chi le lói khác nữa của mấy cha nội ham động não và bày đặt ra hết ráo. Tóm lại: « Thôi! Bỏ đi Tám!»

2. Khi quan sát sự vận hành của vũ trụ, người ta có cảm tưởng lúc nào vũ trụ cũng khuấy trộn không ngừng các nguyên tố của mình. Sao cứ «quậy» hoài vậy cha nội? Khuấy cho tới khi nào trộn đều hết mọi nơi, đạt được thế quân bình tuyệt đối. Khi đó mọi điểm trong vũ trụ đều có năng thế (potentiel énergétique) y hịch nhau, một cấu trúc bền bỉ mút mùa, lê thê bất tận. Khi đó sẽ không còn chỗ nào có thể nhúc nhích cục cựa gì được nữa hết: một cái Chết Tuyệt Đối. Chết thẳng cẳng. Chết không thể tái sinh. Tuy nhiên, biết đâu vũ trụ khuấy trộn hoài hoài để mà sáng tạo ra cái mới hoài hoài? Vũ trụ giống như một khối bột vĩ đại, từ đó nặn ra một số hình tướng vào một thời điểm nhất định nào đó. Xong, vũ trụ thu hồi các hình tướng đó trở lại. Rồi lại nặn ra các hình tướng khác hơn lần trước ở thời điểm kế tiếp. Và cứ thế... cứ thế... hình tướng của vũ trụ đổi mới hoài hoài, vũ trụ thay xiêm đổi áo hoài hoài. Nhưng trong bản chất của mình, vũ trụ tự nó không hề thay đổi, không hề khác đi. “Sắc bất dị không, không bất dị sắc (...) Xá lợi tử, thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt...

Nhưng sáng tạo hoài hoài để làm chi vậy cà? Để làm gì ư? Đó là câu hỏi của con người, không phải là mối bận tâm của vũ trụ. “Thì sáng tạo hoài hoài để mà giỡn chơi cho vui khơi khơi vậy thôi, được hông cha nội? Cứ theo hỏi cù nhây hoài coi chừng ông bộp tai cho một cái gãy hết răng bây giờ!”

3.Trời không chìu lòng người", bạo chúa hét lớn lên như thế, đoạn xuống một câu vọng cổ thiệt mùi rồi đâm dao phay vô cổ họng mình mà thác. Cũng may mà Trời không chìu lòng người. Thử tưởng tượng Trời chìu lòng Tần Thủy Hoàng, Trời chìu lòng Hitler, Trời chìu lòng Staline, Trời chìu lòng Mao Trạch Đông! Và Trời chìu lòng luôn cả Bokassa, Bin Laden, rồi cả Bush Cha lẫn Bush Con bây giờ nữa! Rồi hôm nào Trời bỗng xiêu lòng chìu luôn cả chàng ca sĩ mặc xì líp hường Elton John, ca sĩ Hời Chế Linh, rồi luôn cả Bác Hồ, Lê Duẩn, Ngô lãnh tụ, Lê Ngọa triều, Tào Tháo, Ba Cụt, Năm Lửa, vân vân... thì sẽ bỏ mẹ hết thiên hạ. Là cái chắc!

4. Từ thuở hồng hoang ăn lông ở lỗ có lửa ấm cho tới lúc ở building có gắn máy lạnh ngày hôm nay, con người vẫn không ngừng đánh nhau một giây phút nào. Có khác chăng là ở chỗ vũ khí thì cứ mỗi ngày một tối tân hơn, mỗi ngày một hiệu quả hơn, giết được nhiều người hơn. Còn lòng người thì vẫn trước sau như một: vẫn tham lam, vẫn hiếu chiến, vẫn xuẩn ngốc. Xuẩn hết chỗ nói! Ngốc hết chỗ chê! Vậy mà cái con người xuẩn ngốc đó vẫn cứ hiu hiu tự đắc về cái khả năng vô biên nhằm huỷ diệt đời sống của mình. Một ngày nào đó có bị chính cái Núi Ngũ Hành của mình nó đè mình dẹp lép (như Tề Thiên) thì đừng có trách. Chết mà không còn có được một mảnh đất nhỏ để chôn thây! “Em ơi khóc đi em! Khóc đi em! Khóc đi em!...”

5. Lần nọ, trong một buổi họp mặt thân hữu, bần tăng phát ngôn (bừa bãi): “Phê bình lúc nào cũng đều là chủ quan”. Một ngòi bút nữ chuyên trách văn nghệ ở đài truyền thanh tại Pháp phản đối: “Phê bình cũng có thể rất khách quan đấy chứ Kiệt Tấn! Đó là phương pháp phê bình dựa theo những tiêu chuẩn khách quan chọn lọc khắt khe và được nhiều người đồng ý.” Bần tăng lại tiếp: “Nhưng khi chấp nhận một số tiêu chuẩn nào đó thì sự chọn lựa đó cũng là chủ quan rồi. Vì bởi tại sao chọn lựa những tiêu chuẩn đó mà không chọn lựa những tiêu chuẩn khác?”

Bần tăng trộm nghĩ, khi phê phán rằng một tác phẩm nào đó hay hoặc dở, chung qui cũng chỉ để nói lên cái sở thích của mình mà thôi: “tôi thích” hoặc “tôi không thích”. Mà ở cái chỗ thích mí lị không thích thì chẳng có ai giống ai cả. Nó tuỳ thuộc vào trình độ văn hóa và cảm quan của mỗi người. Ô kê Salem?

Khi để ý, người ta nhận thấy một điều vui vui: Những cây viết phê bình sắc sảo nhứt, nếu vì một phút ngứa tay cầm bút lên mà sáng tác thì sáng tác ấy thường khi lại không được “đạt” gì cho lắm. Đôi khi “nó chả za nàm thao cả!" Có lẽ tại vì nghề phê bình khiến cho các nhà phê bình cẩn trọng quá chăng? Do đó mà “Em bé hậu phương” đi đứng không được tự nhiên. Và khi em bé cố gắng nhoẻn miệng cười nụ thì cứ như là... La Joconde Mona Lisa mếu khóc. Viết cái kiểu này, bần tăng e rằng các nhà phê bình sẽ xúm lại đục cho thằng nhỏ phù mỏ! Mắng chửi thậm tệ. Và giáng cấp bắt làm tạp dịch, rửa cầu, chà láng, như ở quân trường.

Nhưng thử nhìn lại, cổ nhân ta há đã chẳng từng nói: “Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh” đó sao? Thúy Kiều khi xưa cũng nhờ ở cái chỗ chuyên nghiệp hết chỗ chê “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” mà hạ Thúc Sinh, Từ Hải cùng nhiều tay hảo hớn khác đo ván dài dài. Còn các tên trọc phú đa dâm thì sạt nghiệp và... đi tù (liền tù tì!) mút mùa lệ thủy. Cái lũ đực rựa “dê xồm” quả thiệt là zở hơi! Từ xưa đến nay “Danh bất hư truyền”, lời đồn không sai vậy!

Nếu như bi giờ Thúy Kiều còn sống thì bần tăng sẽ rước nàng về làm cố vấn cho “Công ty Bán Phấn Buôn Hương” của mình. Bảo đảm cổ phần của công ty sẽ bán chạy như tôm tươi. Và cũng bảo đảm trị giá của nó sẽ tăng lên tối thiểu là 101,99 % mỗi năm! And no VAT, of course!

6. Đây nói qua về Tây du ngoại truyện. Nhắc lại là dưới đời nhà Đường, Tam Tạng được hoàng hậu Võ Tắc Thiên (đệ nhứt “chằn ăn trăn quấn”) cử làm một chuyến công du sang miền Tây Trúc thỉnh kinh Phật đem về giảng dạy cho mấy ông Cắc Chú vốn xưa nay theo đạo Khổng, đạo Lão, đạo thờ Ông Bà, và đắm chìm trong mê tín dị đoan.

Dọc đường, Tam Tạng thu nhận ba đồ đệ: Tề Thiên (đã từng đục Vua Trời phù mỏ), Trư Bát Giới (tham dâm, rất khoái yêu nữ), Sa Tăng (ba phải, nghị gật). Khi bốn thầy trò sắp tới miền Tây Trúc thì bị đạo sĩ Phật Ma dùng trấn thạch chắn ngang đường đèo, không thể nào tiến lên được. Sách Tây du ngoại truyện chép rằng: “Đạo sĩ Phật Ma mình mặc nửa áo cà sa nửa áo giấy, ánh mắt để lộ một bên từ bi một bên hung quang, râu mọc dưới cằm một bên dài ngoằng trắng phau một bên chổi xể đen nghịt, đầu nửa bên cạo trọc nửa bên rối rễ tre, rõ ràng dị tướng quái diện”.

Đạo sĩ Phật Ma chận đường Tam Tạng và ba đồ đệ ngang giữa đèo rồi bày trò “đố vui để chọc” như trên TV ở nước ta thời Đệ nhị Cộng hòa để chọc quê hết cả bốn thầy trò. Đạo sĩ cam kết là sẽ dời trấn thạch cho thầy trò tiếp tục cuộc hành hương với điều kiện Tam Tạng trả lời ngon lành ba câu hỏi của lão ta về Phật pháp – như thể là đi thi vấn đáp. Tam Tạng kẹt quá đành phải ô kê. Sau khi Tam Tạng ô kê, sách Tây du ngoại truyện có chép lại cái màn “đố vui để chọc” giữa hai bên rất là gay cấn như sau.

Trích dẫn:

Đạo sĩ rống lên cười oang oang:

“Hay lắm! Vậy hãy nghe ta hỏi đây. Câu thứ nhứt: Ngươi sang phương Tây thỉnh kinh để tìm gì trong đó?”

“A di đà Phật! Thỉnh kinh là để tìm chân lý trong kinh.”

“Cái thân của ngươi là hư giả hay chân thật?”

“Cái thân của ta là hư giả.”

“Ha! Ha! Ha! Ngươi dùng cái hư giả để tìm chân lý, vậy phỏng đặng chăng?”

Huyền Trang cúi đầu không biết đáp ra làm sao. Đạo sĩ đưa cao thiền trượng và hồ lô lên trời rống cười một tràng dài, đoạn hỏi tiếp:

“Này nghe ta hỏi câu thứ hai đây: Thái tử Sĩ Đạt Ta quả có thành Phật Thích Ca hay không?”

“A di đà Phật! Thái tử Sĩ Đạt Ta quả có thành Phật Thích Ca.”

“Thế nhưng chúng sanh có cái thực ngã, tức là có cái ta thực sự hay không?”

“Cái ta của chúng sanh chỉ là giả tưởng. Chúng sanh không có thực ngã.”

“Ha! Ha! Ha! Khi ở trên trần thế Thái tử cũng là một chúng sanh không có thực ngã, vậy Thái tử Sĩ Đạt Ta lấy cái “ta” nào để mà thành Phật Thích Ca? Cái gì thành Phật, ngươi hãy đáp cho ta nghe thử!”

Huyền Trang một lần nữa lại cúi đầu, không tìm được câu trả lời. Đạo sĩ lại rống cười hai tràng dài, hỏi tiếp:

“Này, đây là câu hỏi thứ ba mà cũng là câu chót. Ngươi đáp không được thì đừng có hòng đi thỉnh kinh. Nghe đây: Ngươi thỉnh kinh về Trung Quốc để làm gì?”

“A di đà Phật! Ta thỉnh kinh về để thuyết pháp tế độ chúng sanh.”

“Ha! Ha! Ha! Ngươi há không biết Phật đã dạy ông Tu Bồ Đề: ‘Như Lai nói thuyết pháp tức là không có pháp gì để thuyết được, mới gọi là thuyết pháp.’ Vậy ngươi đòi thuyết pháp rồi mới thuyết bằng cách nào?”

Huyền Trang bàng hoàng, mồ hôi tháo ra ướt dầm áo cà sa, không biết cách gì mà giải đáp.

Phật Ma đắc ý lại ngửa cổ cười ba tràng dài rồi đưa hồ lô lên cao:

“Ngươi là sư tăng mà không thông đạo pháp, vậy không xứng đáng đi thỉnh kinh. Ngươi phải ở lại đây với ta mà chờ đợi người trí tuệ làm công việc đó.”

Nói xong Phật Ma niệm chú trỏ miệng hồ lô về phía Tam Tạng hét lớn:

“Hô thâu!”

Tam Tạng bị hút bay lên và lọt vào trong đáy bình. Ba đệ tử cả kinh nhào tới vây lấy Phật Ma kêu gào:

“Hãy trả thầy lại cho ta! Đồ nghiệt súc!”

Nhưng Đạo sĩ đã rùng mình độn thổ biến mất.

(Hết phần trích dẫn)

Kể từ lúc Tam Tạng bị đạo sĩ Phật Ma biệt giam trong connex phơi nắng giữa trời cho tới bi dờ vẫn chưa có ai lên tiếng giải đáp ba câu hỏi tà mị của đạo sĩ hầu tế độ Đường tăng qua khỏi mùa pháp nạn. Bần tăng xin thỉnh ý các bậc cao tăng làu thông kinh pháp, thỉnh luôn các ác tăng mọc nanh ăn mặn cỡ Lỗ Trí Thâm, và luôn cả các thầy chùa quốc doanh chuyên môn đi xe Mẹcxơđì và tụng kinh đám cưới ở xứ Việt Nam – Xã hội - Thị trường của đất nưóc ta hôm nay.

Bậc nào giải đáp được, bần tăng hứa chắc một chăm phần chăm sẽ dắt đi hát karaôkê. Bảo đảm sẽ có mấy em nhỏ hậu phương xinh xắn múa hát và phục vụ tận tình, muốn gì được nấy. Bần tăng nguyện sẽ muôn tạ ơn lòng.

7. Ta thà sướng thân để tìm hạnh phúc chớ không thèm hành xác để tìm hạnh phúc. “Ấy chết! Hãy lấy cái hành xác, hãy lấy cái đau đớn và lấy cái bất hạnh để mà làm hạnh phúc ở đời! Có được như vậy mới thực sự là thiêng liêng và cao cả, mới xứng đáng được mọi người tôn thờ, lễ bái. Hãy tử vì đạo! Hãy bị đóng đinh! Hãy chết nhăn răng! Hãy...”. Nói chơi hay nói giỡn vậy cha nội?

8. Ai cũng biết ở Nam Phi có chế độ Apartheid kỳ thị đen trắng: trắng đi đường riêng, đen đi đường riêng, trắng học trường riêng, đen học trường riêng, trên xe buýt trắng ngồi riêng, đen ngồi riêng, vân vân...

Chuyện xảy ra vào giai đoạn phong trào Apartheid lên đến cao điểm: Một anh chàng tây đen chạy xe cà tàng, thắng không ăn nên xe vượt đèn đỏ. Phú lít trắng thổi còi chặn lại, lôi anh tây đen xuống lấy dùi cui khỏ đầu và mắng: “Tiên sư cái bọn mọi đen chúng mày! Chúng mày bây giờ tưởng là ngon lành hả? Dám vượt cả đèn đỏ!” Gã tây đen khúm núm: “Dạ tui đâu có dám vượt đèn đỏ. Tui thấy mấy ông tây trắng chạy đèn xanh cho nên tui tưởng đèn đỏ là dành cho tây đen tụi tui chạy đó chớ!”

9. Khi đặt câu hỏi (tưởng là) nhớn mà không có câu giải đáp, coi chừng là đã đặt câu hỏi trật đường rầy rồi đó cha nội. Hoặc là cha nội ngụy tạo ra vấn đề rồi bày đặt ra những câu hỏi bí hiểm vớ vẩn cho nó có vẻ siêu thoát và vô cùng le lói để hù thiên hạ. Chẳng hạn: “Con người từ đâu đến, đến đây để làm gì, rồi đi về đâu?” “Mẹ rượt! Tui từ đâu đến thì thây kệ cha tui, mắc mớ gì tới mấy người mà mấy người hỏi?”

10. Có cao có thấp thì nước mới chảy. Không cao không thấp thì nước đọng ao tù. Cao thấp chênh lệch quá trớn thì nước lũ, sanh ra bạo động, và thác lũ sẽ cuốn trôi hết mấy cha nội đó. Phải rán mà chịu cho nó quen!


Nghĩ lai rai – Mười ba

1. May mắn thay, hạnh phúc không khép mình vào một định nghĩa nào hết. Bởi lẽ đó mà hạnh phúc nó thiên hình vạn trạng, biến hóa khôn lường. Và chính nhờ vậy mà ai ai cũng có thể tìm được hạnh phúc theo cảm quan của mình, miễn đừng làm phương hại tới kẻ khác. Một hạnh phúc trong tầm tay của mỗi người và hết sức lương thiện. Tưởng như vậy cũng đã nà quý nắm zồi!

2. Theo cảm quan của bần tăng, hạnh phúc là một thế quân bình giữa mình và ngoại giới. Hạnh phúc là một trạng thái, một cảm giác. Nó không dính dáng gì tới trí tuệ và thông minh hết ráo. Người ta vẫn thường nói “ngu si hưởng thái bình” là vậy. Một con người lúc nào cũng sáng suốt thì khó lòng mà hạnh phúc cho được. Người ta vẫn nói “Đui không sợ cọp, điếc không sợ súng”.

Vật chất chỉ có thể tạo điều kiện cho hạnh phúc xuất hiện (và ngược lại đôi khi còn ngăn cản) chớ vật chất không bao giờ có thể tự nó là một hạnh phúc được.

3. Khi muốn diệt dục thì người ta vẫn còn ham muốn: Ham muốn và si mê Niết bàn.

4. “Diệt được cái ngã, người ta sẽ đạt được Niết bàn”. Nhưng một khi cái ngã đã diệt rồi thì lấy cái gì mà đạt Niết bàn đây cha nội?

5. Ông Ễnh Tai là cha đẻ của “Thuyết Tương Đối” giải thích được hầu hết mọi hiện tượng có kích thước lớn trong vũ trụ. Thuyết này được diễn tả bằng những phương trình toán học dài cả thước, gồm nhiều ký hiệu bí hiểm mà chỉ một số ít nhà bác học chuyên khoa mới hiểu nổi.

Vì vậy, bận nọ, được một nhà báo yêu cầu, ông giải thích sơ lược Thuyết Tương Đối “nhức đầu” của ông bằng một ví dụ ngắn gọn cho bà con dễ hiểu. Ông bèn kể lại một giai thoại như sau: “Một bữa nọ tui đi mua sữa tươi, trứng gà và vài món lặt vặt. Trên đường về tui ghé thăm một người bạn mù quen thân. Tui rót một ly sữa tươi và mời người bạn mù uống sữa. Người bạn mù ngẩn người ra hỏi: “Sữa là gì?” Tui đáp: “Sữa là một thứ nước màu trắng”. Lại hỏi: ”Nước tui biết, nhưng trắng là màu gì?” Đáp: “Trắng là màu lông của con thiên nga”. Lại hỏi: “Lông tui biết, nhưng thiên nga là con gì?” Đáp: “Thiên nga là con vịt có cái cổ cong”. Lại hỏi: ”Con vịt tui biết. Cái cổ tui biết. Nhưng còn cong là gì?” Bị hỏi bí quá, tui mới nắm cánh tay người bạn mù kéo ra và nói: “Thế này là thẳng, anh biết chớ?” Anh mù gật đầu. Đoạn tui xếp cánh tay anh lại ở chỗ cùi chỏ rồi bẻ cụp bàn tay anh xuống. Xong tui nắm bàn tay kia của anh ta hướng dẫn cho sờ cánh tay bẻ gập kia và giải thích: “Khi nãy là thẳng, như thế này là cong”. Anh bạn mù gật đầu mỉm cười đắc ý: “À, bây giờ tui đã hiểu sữa là gì rồi"

Kể xong, ông Ễnh Tai mới vỗ vai anh nhà báo đã hỏi ông cắc cớ mà nói: “Đó! Bây giờ anh đã hiểu Thuyết Tương Đối của tui là gì chưa?” Và anh nhà báo (hại) lật đật gật đầu một cái rụp. Dĩ nhiên!

6. Đàn bà mà không có cái sự đời thì đàn ông sẽ mất cái bàn thờ, mất cái chánh nghĩa, mất cái lý tưởng, mất cái mục tiêu để phục vụ, mất cái lẽ sống ở đời. Bảo đảm sẽ đình công, ngừng lao động, và dẹp tiệm luôn. Rồi bọn đực rựa sẽ dần dần biến mất hết trên mặt đất. Chắc chắn một chăm phần chăm.

Bởi thế, không có đàn bà thì sẽ hư hết đại cuộc. Muôn sự của con người đều xuất phát từ cái sự đời. Hoan hô! Hoan hô cái sự đời !

7. Một đấng ghiền nặng triết Tây đã hạ bút: “Viết là đâm nổ mặt trời!” Có ai dám ngon lành hơn ta không? Coi chừng ông đâm mặt trời cho nó nổ rồi là cúp điện toàn cầu, hết thấy đường mà viết luôn đó nghe cha nội!

Chưa hết! Mới đây, trong bức Tâm thư gởi cho đại văn (dầu) hào Kiệt Tấn, một em nhỏ đã hò hét kêu gọi bọn đực rựa hãy nghe theo “tiếng thét vỡ không gian” của đàn bà để chui ra khỏi cái hang tối Plato và đi gặp gỡ tương lai! Một “tương lai” tối hù khi mặt trời đã bị đâm nổ! “Trời cao có thấu! Cúi xin người ban phước cho đời con!”

8. Tôn giáo đặt nền tảng trên những gì mà không một ai có thể kiểm chứng được. Nói kiểm chứng là kiểm chứng một cách sáng tỏ, quả quyết, không ai có thể chối cãi hay phản bác được. Cũng bởi lẽ đó, khoa học chính xác không bao giờ có thể là một tôn giáo được hết. Lòng tin bao giờ cũng ẩn chứa một chút hoang mang một chút nghi ngờ. Nếu không có hoang mang, không có nghi ngờ thì đó là sự mù quáng chớ không phải lòng tin.

9. Lòng tin bao giờ cũng cần có một chút gì mơ hồ, bí ẩn. Chẳng hạn như một với một là hai, rờ điện thì điện giựt, ngừng thở thì chết. Nó như vậy đó, hết sức hiển nhiên, có tin hay không tin thì cũng vậy thôi. Trái lại, khi nói rằng “Thượng đế có thật” thì có người tin, có người không tin. Nhưng không có gì bảo đảm một chăm phần chăm là một ai đó đúng cả. Nhưng chính vì vậy nên mới cần có lòng tin, cần có tín ngưỡng “bí ẩn, mơ hồ”. Khi có lòng tin thì người ta yên tâm, là cái chắc. Cũng tốt thôi!

10. Không thấy tận mắt bất cứ một tôn giáo nào đưa một ai đó lên thiên đàng hết cả. Nhưng ngược lại, thấy rất nhiều người vì tôn giáo mà kéo nhau xuống địa ngục rần rần. Mà nghĩ lại, đâu cần gì tới phải kéo nhau xuống dưới sâu làm chi cho mất công. Địa ngục lúc nào cũng nằm sờ sờ ngay trên mặt đất này, thường trực, đâu đó. Và cái địa ngục đó lại do chính do con người bày ra.

“Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán / Chết đuối người trên cạn mà chơi”. Cụ Ôn Như hầu nói giả ngộ. Tạo hoá nào mà lại đi dìm chết người trên cạn? Chỉ có chính con người mới trấn nước con người ngất ngư (và đồng thời cho điện giựt) thì có. Không tin thử hỏi Phòng Nhì của Tây, hỏi CIA, hỏi Bush con, hỏi KGB, hỏi Staline thì biết.

© 2007 talawas