© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
4.4.2007
Nguyễn Công Hoan
Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi cho đến thời kỳ toàn quốc kháng chiến
 
Tôi hoạt động văn học đồng thời với Phan Khôi lâu năm, nhưng tôi để ý đến con người kỳ quặc này, nhất là từ ngày vào những năm áp 1930, sau những cuộc bút chiến về văn học mà Phan Khôi khiêu khích trong Phụ nữ tân văn, và sau cuộc bài trừ cái nạn Phan Khôi ở Nam kỳ của thi sĩ Tản Đà nêu lên trong An Nam tạp chí. Hồi ấy, muốn hiểu thêm Phan Khôi, tôi đọc lại những bài của hắn đăng từ Nam phong trở đi, hoặc ký tên bộ, hoặc ký tên hiệu, cho đến những báo ở Nam bộ, Bắc bộ và Trung bộ mà hắn làm chủ bút hoặc bỉnh bút. Từ đó, tôi theo dõi Phan Khôi cho đến thời kỳ toàn quốc kháng chiến.

Bài này có tính cách bổ sung cho những bài nói về Phan Khôi đăng trên các báo trong những ngày gần đây. Tôi thấy cần nói lên một vài điều mà tôi biết về Phan Khôi, những điều này còn một số các bạn già nhớ rõ, nhưng các bạn thanh niên thì chắc chắn không biết được.


*


Phan Khôi thuộc dòng dõi phong kiến quan lại ở Quảng Nam. Ông nội đỗ cử nhân, làm đến án sát, nhưng bị cách chức. Cha đỗ phó bảng, làm tri phủ. Vì tin là làng không có đất phát đường quan, nên năm 39 tuổi, khi bị tên công sứ thực dân mắng mỏ, bèn xin từ chức về nhà. Hồi ấy, gia sản có hơn mười mẫu ruộng, và hai ngôi nhà gạch lớn.

Nhờ mồ hôi nước mắt của nông dân cấy rẽ nộp tô, Phan Khôi có lương ăn học, năm 1906 đỗ tú tài.

Cuộc Nhật-Nga chiến tranh kết liễu năm 1905, làm kích động mạnh các nước lạc hậu ở châu Á. Làn gió duy tân từ Trung Quốc thổi sang Việt Nam. Phan Khôi đọc sách báo mới, nhất là những tác phẩm của Lương Khải Siêu, nên đã bắt đầu biết thay đổi tư tưởng, là “nước mất thì thanh niên phải có trách nhiệm đối với nước”. Trong năm 1906, Phan Khôi đọc những thư và sách của nhà chí sĩ Phan Bội Châu từ nước ngoài gửi về, lại gặp nhà chí sĩ Phan Chu Trinh từ Nhật bản về nước, nên hắn “bốc”, quyết định gia nhập nhóm người trong hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vận động chính trị.

Nhưng trong thời kỳ gọi là vận động chính trị này, Phan Khôi cũng đã tỏ ra mơ hồ và chung chiêng. Phan Bội Châu chủ trương gây dựng cơ sở cách mạng ở ngoại quốc. Phan Chu Trinh chủ trương mở mang dân trí ở trong nước. Phan Khôi tán thành cả hai chủ trương. Vì vậy, khi vui thì vỗ tay vào, hắn cổ động nhân dân chừa bỏ mê tín, hủ tục. Nhưng đến khi gặp lúc đế quốc đàn áp cách mạng, thì sợ, hắn muốn tìm đường trốn ra ngoại quốc, để chủ ý là lánh nạn.

Cho nên mới hoạt động chưa đến bao lâu, đến năm 1907, Phan Khôi đã chán nản. Hắn hỏi: “Làm như thế, rồi còn làm gì nữa, và làm rồi sẽ đi đến đâu?”. Thấy có sự bế tắc, Phan Khôi bỏ quê hương, ra Hà Nội, thác rằng để “học tập, tìm tòi trí thức mới”.

Năm ấy là 1908, ở Bắc bộ, Đông kinh nghĩa thục và Đăng cổ tùng báo bị thực dân đóng cửa từ lâu. Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh giảng ở trường Đông kinh Nghĩa thục bị bắt, giải về Huế. Ở Hà Nội, sẽ bị liên lụy, Phan Khôi bèn xuống Nam Định, tìm cụ Nguyễn Bá Học để học tiếng Pháp. Khi ấy hắn đã có ý định xuất dương. Nhưng vì hầu khắp Trung bộ xẩy ra vụ “xin xâu”, hàng ngàn người bị bắt nên, nên Phan Khôi không xuất dương nữa, mà ở lại trong nước đón chờ lưới của bọn thống trị. Trong những người bị bắt, người thì bị tử hình, người thì bị chung thân khổ sai, hoặc hai mươi năm, mười năm, không rõ Phan Khôi đã khai báo như thế nào, hắn chỉ bị giam một thời gian ngắn.

Phan Khôi bị tù về chính trị. Sự việc này chẳng làm vinh dự cho hắn hay sao? Chẳng thế mà Ngô Đình Diệm ở trong Nam đã suy tôn Phan Khôi là nhà “Cách mạng lão thành”. Nhưng việc suy tôn này, đối với ta, không lạ lắm. Cái thứ “chí sĩ”, cái thứ “tiến sĩ” như kiểu Ngô Đình Diệm, tất nhiên phải phục cái thứ “cách mạng” như kiểu Phan Khôi.

Nhưng chúng ta là người biết Phan Khôi, chúng ta không khờ dại mà phục cái người chính trị phạm ấy. Nguyên là lúc đó Phan Khôi có ý xuất dương. Song, suy đi nghĩ lại, hắn luyến tiếc gia đình, lo sợ gian khổ, nên thủ tiêu ngay dự định ấy. Về việc này Phan Khôi còn lấy làm đắc chí mà khoe rằng: “Hai cái hại, tôi đã khôn ngoan mà chọn lấy cái hại nhỏ. Cái hại xuất dương có thể đưa tôi đến đoạn đầu đài. Còn phong trào cách mạng ở Trung bộ, tôi không hoạt động nhiều, thì có oan lắm, cũng bị vài năm tù là cùng. Cái hại nhỏ này, đối với tôi, tôi còn cho là phước”.

Ở nhà lao ra, theo thường lệ của thực dân, Phan Khôi bị quản thúc không có thời hạn.

Ở Quảng Nam hồi bấy giờ, vai lãnh tụ vận động bí mật theo Phan Bội Châu là Nguyễn Hàm. Khi ông này bị đày ra Côn Đảo, thì Đỗ Tuyển, bí danh là Sơn Tẩu, lên thay. Không bao lâu, Đỗ Tuyển cũng bị bắt, đày đến Lao Bảo (rồi bị chết ở đó), thì một thanh niên được Phan Bội Châu đề bạt từ trước, là Thái Phiên, kế tục công việc hoạt động chính trị.

Trước phong trào cách mạng gặp nhiều nguy hiểm, Phan Khôi, đành chịu hàng phục. Hắn lấy vợ (1913).

Một hôm, đi xe lửa từ Huế về Đà Nẵng, gặp Thái Phiên, Phan Khôi tỏ rõ ý hèn nhát của mình, xin thoát ly với cách mạng. Hắn nằn nì: “Tài sức của tôi không hợp với công việc làm chính trị. Theo lắm, chỉ tổ mất thì giờ. Nếu tôi bị bắt lần nữa, tôi không thể chịu nổi sự hy sinh đâu”.

Vì không ngờ cháu ngoại cụ Hoàng Diệu lại quá sa sút về chí khí đến thế, gia dĩ, người ấy lại có học mà biết nghĩ rằng “nước mất thì mọi người phải có trách nhiệm đối với nước”, cho nên Thái Phiên, năm 1916, khi sắp âm mưu cùng vua Duy Tân khởi nghĩa ở Huế, có viết giấy mời Phan Khôi đến Đà Nẵng bàn việc. Nhưng đến nơi, khi cùng ăn cơm và nghe Thái Phiên ngỏ ý làm việc cứu nước, Phan Khôi nhất định từ chối, luôn luôn lảng tránh bằng cách lái câu chuyện đi hướng khác.

Thấy tinh thần Phan Khôi tan rã đến cực độ, Thái Phiên rất khinh. Nhưng nhiều người vẫn tưởng Phan Khôi còn tinh thần như xưa, nên gần đến ngày cử sự bạo động, giao cho Phan Khôi làm bài hịch đánh Pháp. Phan Khôi lo sợ quá, lật đật đi tìm Thái Phiên, xin cho được yên thân, đừng bắt làm gì nữa. Hắn đã có hai con, nên rất sợ tù tội.

Trên đường về Quảng Nam, Phan Khôi nghĩ mưu kế thoát thân: Nguyên hắn biết Lê Đình Dương (anh ruột bác sĩ Lê Đình Thám, chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới ở Việt Nam) lúc bấy giờ đương làm y sĩ ở bệnh viện Hội an, sẽ phụ trách cả tỉnh Quảng Nam trong việc bạo động sắp tới, hắn bèn đến Hội An để gặp Lê Đình Dương, dùng lý lẽ để thuyết, làm cho ông này thoái chí. Vả tuy rất tin và phục Lê Đình Dương và biết ông rất kiên quyết, không có lời nào lay chuyển được lòng căm thì sắt đá của ông đối với quân cướp nước, nhưng Phan Khôi, đã rắp mưu, cố gặp ông để lấy một nhân chứng, sau này khai với sở mật thám, nếu hắn có bị bắt. Hắn nói với Lê Đình Dương: “Theo tôi thấy, thì việc sẽ thất bại. Người như ông mà hy sinh thì uổng lắm. Ông nên tìm cách thoát ly chính trị như tôi”.

Thấy không làm sờn nổi tấm lòng ái quốc chân chính, Phan Khôi vẫn còn sợ liên lụy đến mình, bèn giở thủ đoạn khốn nạn, là tìm đến một người thông phán đầu tòa sứ Quảng Nam, nhờ người này nói với tên công sứ Le-stec-lanh, (Lesterlin) xin cho hắn bề ngoài là làm việc ở tòa, nhưng bề trong là làm chỉ điểm về chính trị.

Việc khởi nghĩa ở Huế thất bại. Đế quốc tình nghi những người đã hoạt động trong năm 1908, nên bắt cả Phan Khôi. Nhưng Phan Khôi vững như thành. Hắn đã cung khai bằng những lời để tự lột mặt nạ của hắn: “Việc này tôi có biết, tôi cũng muốn tố cáo, nhưng vì chưa rõ ràng lắm, nên chưa dám khai. Tôi có khuyên can Lê Đình Dương không nên châu chấu đá voi, nhưng anh ta không nghe. Tôi có tìm quan phán đầu tòa, xin làm việc với Cụ lớn để tố giác việc chính trị, nhưng nguyện vọng tôi chưa được quí tòa chấp nhận”.

Cố nhiên thực dân khen Phan Khôi có tinh thần tốt, tha ngay cho về.

Trong Đại chiến Thế giới Thứ nhất (1914-18), công sứ Quảng Nam Le-stec-lanh biết Phan Khôi muốn quay làm kiếp chó, nên bảo hắn: “Trong thời kỳ chiến tranh này, việc cần nhất là phải giữ trị an trong xứ, anh biết nhiều người làm chính trị, vậy anh dò la họ cho tôi để mách tôi về hoạt động của họ”.

Chưa rõ sau đó Phan Khôi đã làm tôi tớ trung thành cho tên Le-stec-lanh như thế nào, tố giác những ai, những việc gì, mà chính trong tập hồ sơ của Phan Khôi ở sở Mật thám Đà Nẵng, hắn được sở ấy liệt cho cái danh hiệu quý hóa là người tự nguyện làm chỉ điểm (émissaire bénévol).

Làm chỉ điểm cho Pháp, cố nhiên Phan Khôi được sở Mật thám của Pháp tin dùng. Báo Nam phong của tên trùm mật thám Đông Dương Lu-y Mác-ty sáng lập, cho hai tên phản cách mạng phụ trách, Phạm Quỳnh làm chủ bút phần quốc văn, Nguyễn Bá Trác làm chủ bút phần Hán văn. Nguyễn Bá Trác được lệnh của Lu-y Mac-ty dùng Phan Khôi.

Từ đó, đời Phan Khôi xoay ra làm báo để gieo rắc những tư tưởng phản động, có lợi cho thực dân hơn nghề làm chỉ điểm cho chúng.

Phan Khôi quả là Lương Khải Siêu kiểu Mỹ ký, tức là hiện thân của cơ hội chủ nghĩa. Phan Khôi vốn phục Lương Khải Siêu, coi Lương như bậc thầy. Nhưng Lương Khải Siêu thế nào? Khi đầu, Lương bảo hoàng, sau hơi có khuynh hướng về cách mạng dân chủ, nhưng sau nữa thì hợp tác hẳn với Viên Thế Khải, người đã tự xưng Hoàng đế để phá cuộc Cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa, rồi cuối cùng Lương, trở về với văn học. Phan Khôi cho thế là Lương Khải Siêu đi đúng cái “nghĩa lớn tùy thời” của Khổng giáo.


*


Nguyễn Bá Trác, trong thời kỳ thanh niên, đã hưởng ứng lời kêu gọi Đông du của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Hắn trốn nước, sang du học ở Nhật Bản. Nhưng thấy công cuộc làm cách mạng không đem lại ngay cho hắn vinh hoa phú quý bằng cách quỳ gối làm tay sai cho kẻ thù, năm 1915, hắn bỏ cách mạng, trở về nước, đầu thú với thực dân. Hắn được tên Mác-ty dùng để tuyên truyền vào đầu óc trí thức và thanh niên Việt Nam lòng trung thành đối với đế quốc. Hắn bèn tập hợp người giúp việc đắc lực cho hắn trong việc biên tập báo Nam phong. Người này, hắn không phải tìm đâu cho xa lạ. Phan Khôi là người cùng làng, cùng học với hắn, và được sở Mật thám giới thiệu. Vì vậy Phan Khôi công khai cộng tác với Nguyễn Bá Trác, lấy danh nghĩa bề ngoài là làm báo, nhưng thực sự, là làm tôi tớ cho sở Mật thám.

Với công việc mới, Phan Khôi khoe là “để phục vụ Tổ quốc bằng văn hóa”. Trong bài khai bút năm 1916, hắn đã bộc lộ sự hèn nhát của hắn trong hai câu thơ:

Lọ phải được như hoa cỏ mới.
Đã đành chơi với vợ con mà…

Phan Khôi làm báo Nam phong ngay từ đầu (1917). Hắn viết nhiều về Hán văn. Chính hắn đã nói ra mồm rằng nhiều bài trong báo ấy, tên trùm mật thám Mác-ty cho ý kiến bắt tòa soạn phải viết. Nhưng trong việc biên tập, Phan Khôi đã giở thủ đoạn, một mặt muốn vừa lòng quan thầy, một mặt sợ lộ liễu quá, e độc giả chửi, cho nên hắn viết lối hai mặt. Nhà chí sĩ Lương Văn Can, hồi ấy bị an trí ở Nam Vang, đọc báo Nam phong, cũng phải lừa Phan Khôi, khen là tốt. Nhưng Phan Khôi không giấu nổi con mắt mật thám lành nghề của bộ ba Mác ty- Phạm Quỳnh-Nguyễn Bá Trác, vì vậy, tám tháng sau, hắn bị đuổi ra khỏi tòa soạn.

Năm 1919, Phan Khôi vào Sài Gòn, tìm tên Bùi Quang Chiêu, là một đại địa chủ, đại phản động, nổi danh là làm chính trị lừa bịp, xin viết báo Quốc dân diễn đàn của hắn. Vì thấy Phan Khôi đã biết “hối cải”, vẫn trung thành với luận điệu phản động, nghĩa là vẫn chưa yêu nước Việt Nam, nên Lu-y Mác-ty lại dùng, cho viết Lục tỉnh tân văn của hắn. Nhưng con người thủ đoạn thì chứng nào vẫn giữ tật ấy. Phan Khôi định làm tiền một nhóm người bất lương là bọn tư bản Pháp xuất cảng gạo, dọa đăng báo tố cáo họ, vì vậy hắn bị Mác-ty tống cổ một lần nữa. Ở nước đế quốc chủ nghĩa, thằng làm chính trị cố nhiên là đầy tớ của thằng tư bản. Lý do việc phải đuổi chỉ có thế. Phan Khôi không thể khoe khoang là đã chống Pháp.

Những tờ báo đứng đắn không thèm dùng Phan Khôi đã đành, đến những báo phản động ở Sài Gòn cũng phải gớm mặt hắn, nên hắn phải bò ra Hà Nội để kiếm ăn. Từ 1920 đến 1925, hắn dịch Kinh Thánh cho Hội Tin lành, thỉnh thoảng viết một vài bài “lấp lỗ trống” cho mấy tờ báo, như Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh tạp chí. Trong thời gian này, vì muốn “đánh đĩ chín phương, phải trừ một phương để lấy chồng”, cho nên hắn không dám giở ngón.

Nhưng vốn là người giảo quyệt, nên Phan Khôi không bằng lòng lối làm ăn ngang bằng sổ ngay. Năm 1928, hắn lại vào Sài Gòn. Từ đó đến 1933, hắn viết nhiều tờ báo, như Đông pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập. Ở những báo này, hắn đã tự trau dồi cái mánh khóe nhà nghề, giương đông kích tây, đâm bị thóc chọc bị gạo, nói xấu để làm tiền, để sau này hắn áp dụng vào công việc làm tờ báo Sông Hương của hắn chủ trương ở Huế, và tờ báo Nhân văn trong năm qua, để gây tác hại như thế nào, chúng ta đã biết.

Chính hồi này, nhượng bộ trước phong trào đấu tranh của nhân dân, do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, thực dân phải tạm thời nới tay kiểm duyệt. Phan Khôi lợi dụng cơ hội, gây thanh thế cho ngòi bút của hắn. Ở Hà Nội, hắn gửi bài giúp tờ báo Đông tây.


*


Tư tưởng chủ đạo về chính trị của Phan Khôi khiến cho hắn viết lẻ tẻ trên các báo, là những tư tưởng hắn nhặt nhạnh được một cách lộn xộn trong các sách cũ, sách mới mà hắn đọc. Hắn nhai ngấu nghiến, nuốt chửng cháo, nên không tiêu. Tư tưởng tốt không hợp với tạng hắn. Vì vậy, hắn đi ra mặt một thứ sống phẩn, thối hoăng, làng báo gọi là “lý luận Phan Khôi”. Hắn luôn luôn tự mâu thuẫn với hắn. Hắn thấm nhuần tư tưởng của chế độ phong kiến bóc lột: “Kẻ nhọc lòng thì trị người, kẻ nhọc sức thì bị người trị”, “Kẻ bị trị phải làm cho người khác ăn, kẻ trị người thì được ăn của người khác”. Hắn cho như thế là lẽ đương nhiên, quyền tư hữu và sự bất bình đẳng về quyền lợi trong xã hội cũng là đương nhiên. Hắn lại tiếp thu tư tưởng của chế độ tư sản, nên càng tin quyền tư hữu, sự bất bình đẳng về quyền lợi trong xã hội là đúng, dù cổ kim đông tây, sự kiện ấy vẫn bất di bất dịch. Hơn nữa, vì tiêm nhiễm thuyết “lẽ phải ở kẻ mạnh”, hắn dự định viết hẳn một cuốn sách lớn nhan đề là Gắng làm kẻ mạnh. Những ý kiến định trình bày trong cuốn sách này, hắn đã thường bộc lộ trên các bài viết của hắn. Hắn ngụy biện rằng “Nhân loại có chiến tranh là tại còn có kẻ yếu, là tội của kẻ yếu”. Muốn chống đế quốc xâm lược, hắn tuyên truyền là phải làm như đế quốc. Hắn lấy Nhật Bản làm gương. Hắn đã mù quáng, không biết rằng mạnh mà như Nhật Bản trước kia, thì rút cục cũng là đế quốc chủ nghĩa, đi xâm chiếm nước người.

Phan Khôi nghiên cứu triết học, thấy nhiều nhân sinh quan khác nhau, không biết nên theo cái nào, hắn bèn chế tạo ra một nhân sinh quan mới. Hắn đã viết trên báo: “Theo tôi, người ta là một diễn viên trên sân khấu. Khi chưa ra khỏi lòng mẹ, là ở hậu trường. Khi ra đời làm việc, là đứng trên sân khấu. Khi chết đi, là vào hậu trường. Thế thì trước sau đều là “hư” cả. Chỉ có những ngày sống, đóng vai trò diễn ở sân khấu, mới là “thực” mà thôi. Vậy thì chỉ có đóng trò hay ở trên sân khấu, mới trọn được cái nhiệm vụ làm người”.

Nhìn lại đời Phan Khôi, ta đã thấy hắn mang nặng cái cá nhân chủ nghĩa. Việc hắn đóng trò trên sân khấu bẩy mươi năm nay, thể hiện tư tưởng trụy lạc của hắn, rút ngắn lại bằng một chữ “phản”. Hắn phản bản thân hắn vì chè chén nghiện hút, hắn phản gia đình hắn vì lấy thêm vợ cô đầu. Người như vậy, thật dễ đi đến chỗ phản dân phản nước vì lợi ích cá nhân.

Cũng do đã chế tạo ra một nhân sinh quan mới, nên khi nghiên cứu nhân sinh quan Mác-xít, Phan Khôi phản đối thuyết “sống là đấu tranh”. Hắn cho là cứ đóng trò trên sân khấu cho hay là được rồi, việc gì phải đấu tranh? Trên sân khấu đời, Phan Khôi đã đóng trò hay ho và đã thủ tiêu đấu tranh, đi đến chỗ làm chó cho giặc như thế nào, ta đã đều biết cả.

Về đấu tranh, hắn còn lý luận rằng theo duy vật luận, người ta là vật chất, vật chất có thành phải có hoại, cá nhân phải chết, cả nhân loại có ngày phải tiêu diệt, thì đấu tranh làm gì? Do tiêm nhiễm cá nhân chủ nghĩa nặng, hắn chỉ biết hưởng lạc, có đời nào hắn hiểu được rằng đấu tranh để sống, sống sung sướng, sống lâu dài. Nhân sinh quan của hắn như vậy, chỉ đáng gọi là “nhân tử quan”, đưa hắn đến chỗ sớm chết, chết cả về tinh thần và thể xác.

Do việc chế tạo ra thuyết “nhân tử quan”, Phan Khôi ghê sợ cả đấu tranh giai cấp. Hắn cho như thế là “tàn nhẫn, khốc liệt – Đấu tranh để một giai cấp này tiêu diệt một giai cấp khác, là vô nhân đạo”. Hắn đã không nhớ rằng hắn xuất thân từ giai cấp nào, giai cấp của hắn đang tiêu diệt giai cấp nào. Vả lại, bản thân hắn có được phép mở mồm ra nói đến hai chữ “nhân đạo” hay không?

Vì thấm nhuần đến xương tủy tư tưởng của Khổng giáo – mà hắn lại vẫn công kích – cho là “Quân tử vô sở tranh”, và những tư tưởng khác như “Tranh nhi bất nhượng, quân tử bất vi dã”, nên Phan Khôi phủ nhận đấu tranh. Song, hắn lại tự mâu thuẫn với hắn mà tán dương thuyết “lẽ phải ở kẻ mạnh” của tư bản chủ nghĩa, và định viết sách Gắng làm kẻ mạnh. Gắng làm kẻ mạnh tức là đua nhau võ lực để tiêu diệt kẻ yếu.

Trình độ học hỏi của Phan Khôi về chính trị, về triết lý như vậy, mà hắn vẫn được tiếng là học giả, khua môi múa mỏ trên đàn ngôn luận Trung Nam Bắc trong hàng mấy chục năm dài. Chẳng qua vì hắn đã khéo lừa bịp.

Vậy mà hắn vẫn tự hào với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của hắn. Trên các báo, hắn viết liều viết lĩnh để kiếm nhiều tiền, hút thuốc phiện, chơi thổ đĩ. Thậm chí có lần hắn trâng tráo đến nỗi viết lên báo, kể lại chuyện hắn chơi gái ở nhà săm, suýt gây đánh lộn với tình địch. Thấy hắn đưa ra những luận điệu nguy hiểm, anh em khuyên bảo, còn ưỡn ngực cãi lại: “Anh phải biết đó là cái tính của tôi, có thế mới có Phan Khôi, không thì không có Phan Khôi nữa”. Giọng lưỡi này không khác giọng lưỡi mà hắn uốn để đưa ra cái “triết lý” con chó và bãi cứt của hắn (mà chúng ta đã biết).

Về văn hóa, xã hội, hắn công kích Khổng giáo, mạt sát Tống Nho. Nhưng ai lạ gì ngọn lưỡi không xương của hắn. Hôm nay làm báo cho tư sản, hắn viết bài tán dương cho tư sản. Mai làm báo cho phụ nữ, hắn viết bài bênh vực nữ quyền. Nhưng nếu ngày kia làm báo khác, thì ngay lập tức hắn quay lại chửi cả tư sản lẫn phụ nữ. Tôn chỉ, mục đích của hắn là đồng tiền. Có thế thôi.

Vì rõ nhân cách hắn là thằng vô lại, sống bê tha, trụy lạc, nghiện hút, lấy vợ lẽ cô đầu, mà dám mở miệng nói đến đạo đức, bênh vực nữ quyền, nên rất nhiều người trong giới nhà nho công phẫn. Nhân việc xu nịnh bà chủ báo của hắn là báo Phụ nữ tân văn, viết nhiều bài cổ động phụ nữ phải đấu tranh vì quyền lợi làm người, mà Tản Đà đã không tiếc lời, thẳng tay trừng trị, lột mặt dơ dáy của Phan Khôi trước dư luận trong nước trong bài “Bài trừ cái nạn Phan Khôi ở Nam kỳ”.

Bị lộ nguyên hình, lại suýt bị Đảng Lập hiến giết chết, Phan Khôi tưởng thanh thế của hắn còn vững chắc ở Bắc bộ, nên hắn trốn đất Lục tỉnh, năm 1934, ra Hà Nội.

Cũng phải nói rõ thêm một điều, là trong thời gian ở Phụ nữ tân văn, Phan Khôi có gây nhiều bút chiến về văn học. Nhưng cái thâm ý của tên làm báo đầy mánh khóe này, công kích sách nọ, công kích sách kia, không phải mảy may vì mục đích văn học, mà chỉ là muốn làm mất giá trị của những học giả có nhiều giá trị hơn hắn. Ngoài việc tự đề cao. Vả hắn cũng muốn cướp độc giả của báo khác cho báo hắn viết, để làm bằng lòng bà chủ hắn. Nhưng rất nhiều lần, hắn bị đại bại, mà viết một câu mập mờ để ăn bây. Ví dụ: “Sự lý đã rõ ràng như thế mà ông còn cứ cãi, thì tôi cũng đến chịu”.

Trong cuộc bút chiến về duy vật và duy tâm với Hải Triều, một thanh niên cộng sản, Phan Khôi đã bị đập tan tành. Tiếng tăm của hắn hầu như bị suy sụp hẳn.

Nhưng tính đố kỵ gian ngoan của hắn lại xui hắn không đương đầu với những tờ báo có nhiều độc giả. Hắn biết tờ Phong hóa tác hại nhiều trong giới thanh niên, nhưng không dám đả động đến báo ấy, mà chỉ hậm hực một mình. Hắn nói: “Báo ấy trong Nam chạy 8.000 số, báo Sông Hương của tôi chạy có 2.000 số. Đem trứng chọi với đá sao được? Phải chi là một tờ báo thường thì tôi đập liền để dìm cho chết, cho báo tôi được nổi lên”.

Đến Hà Nội, không báo nào dùng, Phan Khôi bắt buộc phải núp bóng quần thoa một lần nữa, là làm báo Phụ nữ thời đàm. Nhưng ở đây, độc giả đã chán ghét cái “lý luận” lòe bịp của hắn, nên năm 1936, hắn trở về Huế, viết báo Tràng An của một tên địa chủ kiêm tư sản. Lợi dụng có nơi để viết bài, Phan Khôi trả cái thù xưa đối với Phạm Quỳnh đã đuổi hắn khỏi báo Nam phong. Hắn tố giác một việc mà Phạm Quỳnh làm bậy. Nhưng tên thượng thư có thế lực lớn này đã xin với Khâm sứ Trung bộ bắt chủ báo Tràng An đuổi Phan Khôi. Phan Khôi mất việc. Song, thực dân nghĩ lại “nhân cách” của hắn, nên thương hại hắn là người đã có công với nền thống trị. Việc hắn công kích quan lại Việt Nam không làm hại chế độ thực dân, thì vẫn nguyên là tốt, trung thành với Chính phủ Bảo hộ. Khâm sứ Trung bộ bèn gọi Phan Khôi đến an ủi và cho mở tờ báo Sông Hương.

Lại làm chủ báo, Phan Khôi tha hồ mà gieo rắc tư tưởng phản động về chính trị. Cố nhiên hắn không dám đả động đến đế quốc. Trong nhiều bài mạt sát trình độ trí thức của nhân dân, hắn nói là “sáu nghìn năm nữa, Đông Dương mới có cộng sản”. Ý kiến này chẳng qua là Phan Khôi hít lại ý kiến của một tên phản động khác, nhưng tên Khâm sứ lại cho là tốt, gọi Phan Khôi đến, thưởng cho hai trăm bạc. Phan Khôi giơ hai tay ra nhận tiền, không ngớt mét-xì. Tên thực dân khuyên hắn cứ viết những loại bài như thế, mỗi tháng tòa Khâm sẽ phụ cấp cho ba trăm. Phan Khôi đồng ý viết, nhưng làm cao, đòi năm trăm. Thấy giá trị của Phan Khôi bấy giờ không đáng đến giá năm trăm bạc, nên tên thực dân không nghe. Vì không câu phê, không được cho báo của mình phục vụ quan thầy, Phan Khôi đình bản báo Sông Hương, không chút luyến tiếc.

Đối với Phạm Quỳnh, từ ngày bị đuổi ra khỏi báo Tràng An, Phan Khôi luôn luôn sợ hãi.

Trước kia, khi viết báo ở nơi khác, Phan Khôi còn dám gây gổ với Phạm Quỳnh về văn học (“Cảnh cáo các nhà học phiệt”), hoặc về chính trị (“Cái hiến pháp tam giác”). Nhưng từ ngày về làm ăn ở Huế, Phan Khôi tỏ vẻ ngoan ngoãn, kính phục cụ lớn Thượng thư. Thấy các báo khác công kích Phạm Quỳnh bỏ nghề cầm bút đi làm quan, Phan Khôi bèn viết một bài để nịnh hót cụ lớn, mong được đội ơn mưa móc. Để bênh vực tên phản quốc, Phan Khôi công kích lại các báo đã công kích Phạm Quỳnh, nói rằng Phạm Quỳnh ra làm quan là “mở đường cho một công dân lên nắm chính quyền”. Quả nhiên, bài báo làm cho tên cụ lớn hài lòng. Phạm Quỳnh viết thư khen ngợi Phan Khôi là có luận điệu đứng đắn. Nhận được thư, Phan Khôi cho là một vinh dự rất to trong đời, gặp ai cũng khoe khoang.

Biết rằng không thể kiếm ăn bằng ngòi bút để lừa lọc độc giả, làm trâu ngựa cho đế quốc, Phan Khôi bỏ nghề làm báo. Năm 1939, hắn lại vào Sài Gòn, nhưng làm nghề dạy học tư. Song, học trò nào chịu nổi được ông thầy thiếu quá nhiều về tư cách đạo đức ấy! Họ tẩy chay hắn.

Không thể kiếm ăn với đời bằng cái óc quay quắt, thủ đoạn, phản bội, không thể lòe bịp được ai bằng cái tài “học giả”, năm 1941, Phan Khôi về quê ở Quảng Nam, nằm bẹp dí, ăn bám vào khố nông dân – Hắn tưởng sống thế này để đợi ngày chết. Mà hắn chưa chết về xác đấy thôi.

Nhưng Cách mạng tháng Tám thành công. Phan Khôi giật mình, sực ngóc cổ dậy. Hắn nghe ngóng. Y như con chuột trù thò mũi ra khỏi hang để ngửi, đánh hơi.


*


Cách mạng tháng Tám cải tử hoàn sinh cho hai mươi nhăm triệu nhân dân Việt Nam, trong đó có Phan Khôi. Nhưng cái tên già này rất vô ơn với Cách mạng tháng Tám.

Cho đến năm hòa bình, 1954, chưa bao giờ hắn viết, hoặc nói, mà dùng danh từ “Cách mạng tháng Tám”. Chính hắn đã khoe điều ấy bằng cả sự hằn học với người tâm phúc của hắn. Hắn nói rằng trước kia hắn dùng ba tiếng “cướp chính quyền”, mà cũng ngượng mồm. Hắn nói rằng lúc đó, Pháp đổ rồi, Nhật hàng rồi, chính phủ Trần Trọng Kim tê liệt rồi, chính quyền bỏ rơi, thì ta “lượm” được, chứ “cướp” ở tay ai? Hắn vẫn tự hào là học giả, mà thật chưa biết Cách mạng Việt Nam có từ bao giờ.

Trong khi mọi người nỗ lực hoạt động để tỏ lòng yêu nước, yêu chế độ mới, thì Phan Khôi tiếp tục công việc nhà nghề của hắn, là phản nước, phản chế độ mới.

Đối với Mặt trận Việt Minh, chưa bao giờ Phan Khôi tin tưởng. Hắn luận lý rằng phải có một đảng cách mạng ở ngoại quốc trở về, thì chính quyền mới vững. Nước ta, hiện bị đế quốc bao vây xung quanh, lẽ nào họ yên cho Việt Minh độc lập để xích hóa nước Việt Nam.

Hắn hội họp với một số người làng, mạt sát Việt Minh, mạt sát cộng sản, và nói: “Nếu ta xoay qua thân Mỹ thì mới có thể độc lập được”.

“Chính kiến Phan Khôi” với “chính kiến Ngô Đình Diệm” thật giống nhau như hai giọt nước.

Đến ngày Tổng tuyển cử, hắn chửi bới những người ứng cử, những người đi bỏ phiếu. Thấy danh sách của Mặt trận Việt Minh giới thiệu một số người có uy tín ra ứng cử, hắn cho như vậy là bắt nhân dân bỏ phiếu cho Việt Minh. Làm như vậy là mất dân chủ. Nhưng chính anh em con cháu trong gia đình hắn lại không tin nghe hắn. Hắn oán hận Việt Minh làm hại anh em con cháu hắn.

Nước ta hồi đó đương gặp nhiều khó khăn về ngoại giao. Ở Nam bộ, quân thực dân Pháp mỗi ngày chiếm cứ đất đai một rộng về nông thôn. Ở Bắc và nửa Trung bộ, Tưởng Giới Thạch đương tìm cách phá ta bằng đủ các mặt kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa xã hội. Không thể đặt được Chính phủ Quân dân thay cho chính quyền của Nhật bản ở thuộc địa Đông dương – vì ta đã thành lập Chính phủ Nhân dân – Tưởng cho quân đóng quân trên đất nước ta. Để phá kinh tế ta, hắn yêu sách ta phải nhận cho quân của hắn được tiêu bằng giấy bạc quan kim và quốc tệ khi ấy đã mất hết giá trị - mỗi đồng quan kim đáng hai hào, chúng bắt ta nhận giá là một đồng rưỡi – Để phá chính trị ta, hắn cho Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và bè lũ về nước, thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng để khuấy rỗi nội trị, phản đối Chính phủ. Để phá quân sự ta, hắn không cho bộ đội ta mang khí giới, và ngăn cản Chính phủ chở quân lính và tải khí giới vào Nam bộ để đánh đuổi giặc Pháp. Về văn hóa xã hội, hắn cho một bọn quân lưu manh, bệnh tật sang rắc nọc độc truyền nhiễm cho nhân dân ta.

Nhìn về ta, lúc bấy giờ chính quyền chưa vững, quân sự chưa thạo, kinh tế chưa hồi phục, nhất là vì nạn đói khủng khiếp đầu năm trước, kẻ thù ở bên trong không những là thực dân Pháp, phản động Tưởng, mà còn biết bao nhiêu Việt gian thân Pháp, thân Tưởng. Cho nên Chính phủ tạm hòa hoãn với thực dân Pháp, mà ký Hiệp định Sơ bộ, ngày 6 tháng 3 năm 1946.

Việc ấy được giải thích, nhân dân đều hiểu, và tán thành chủ trương của Chính phủ. Nhiều nước vào cảnh như ta, ước ao được đế quốc thống trị công nhận là nước tự do như Pháp đã công nhận ta. Nhưng Phan Khôi trắng trợn xuyên tạc là Việt Minh bán nước.

Tháng 6 năm ấy, phái đoàn Trung ương về Quảng Nam, mở cuộc mít tinh để nói chuyện cho nhân dân hiểu về Hiệp định. Tất cả mấy nghìn người tin tưởng Chính phủ, phấn khởi với Hiệp định, thì Phan Khôi nhảy lên diễn đàn, công nhiên công kích Hiệp định. Phúc cho hắn làm sao! Nhân dân phẫn uất với hắn, hô đả đảo rầm rĩ, toan lôi cổ hắn xuống, dần cho một trận để trừ tiệt cái giống rắn rết nhả nọc độc. Song, hắn được thoát nạn, là nhờ phái đoàn khoan hồng và công an bảo hộ.

Bọn Quốc dân Đảng nhìn thấy Phan Khôi là một người tốt để tuyên truyền chống Chính phủ cho họ, nên đến kết nạp hắn, và bầu ngay hắn làm Chủ nhiệm chi bộ Nam Ngãi. Hắn hí hửng với nhiệm vụ mới, nó rất hợp với bản chất của hắn, là phản nước, phản dân.

Làm Chủ nhiệm tỉnh bộ Quốc dân Đảng, hắn kết nạp bọn bất mãn, lưu manh, mật thám. Nhiều người trước kia bị hắn rất khinh rẻ, nay cũng được tổ chức. Hắn rất mãn nguyện với sự tận tâm của hắn với đảng của hắn.

Trước kia, hắn công kích Việt Minh ký Hiệp định Sơ bộ là bán nước, thì giờ đây, chính tay hắn nhúng vào việc bán nước.

Ở Quảng Nam ít lâu, hắn bèn ra Hà Nội, họp với Trung ương đảng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng của hắn, để đề nghị một chương trình chống Chính phủ. Chương trình của hắn là gây một cuộc rắc rối về ngoại giao giữa Chính phủ với Pháp, để dồn Chính phủ đến một nước cờ bí, phải đi đến chỗ tự lật đổ, hoặc bị thực dân Pháp đánh bại.

Vừa lúc đó, Phan Khôi tiếp được giấy của Bộ Nội vụ tập họp Hội nghị Văn hóa. Sau khi họp với bọn “đồng chí” ở Quảng Nam, đặt kế hoạch hoạt động trong thời gian hắn vắng mặt, hắn tạm rời tỉnh Quảng Nam.

Đến thủ đô hắn xin vào yết kiến cụ Huỳnh Thúc Kháng khi ấy là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Nhưng cụ Huỳnh đã rõ bộ mặt nhơ bẩn của hắn, nên không thèm tiếp.

Đêm 12 tháng 7, trong khi hắn đương họp bàn với bọn đầu sỏ Quốc dân Đảng ở 80 đường Quan Thánh, thì xẩy ra việc công an ta đến khám tòa báo Việt Nam của đảng ấy tại trụ sở ấy. Bọn phản động ở trong nhà nổ súng ra để chống cự. Tức thì công an buộc lòng phải bắt bớ người. Trong số những người bị bắt, có Phan Khôi.

Song, Phan Khôi lại một lần nữa được Chính phủ tha cho về để suy nghĩ tội lỗi mà hối cải.

Trong thời gian Phan Khôi ở Hà Nội, thì chi bộ Quốc dân Đảng ở Quảng Nam tiếp tục thực hiện chương trình hắn đã vạch ra. Một vụ phản quốc lớn nhất đáng kể là vụ phá cầu, phá đường xe lửa, ngăn cản Chính phủ tải quân và võ khí vào Nam bộ để đánh thực dân Pháp.

Một hôm, Hội nghị kỳ ủy Quốc dân Đảng họp, thảo luận một đề nghị do chi bộ Huế đưa ra. Nội dung cuộc họp là bàn về việc tên Đờ-ra-pi-ê Giám mục ở Huế, cho biết rằng nếu đảng muốn đánh đổ Chính phủ ở Trung bộ, thì người Pháp tình nguyện giúp binh lực. Phan Khôi có bàn bạc rất nhiều, nhưng kết cục là không có kết quả.

Hồi ấy, theo Hiệp định Sơ bộ, quân đội Pháp đã vào Bắc bộ thay thế cho quân đội Tưởng Giới Thạch. Việt Nam Quốc dân Đảng mất quan thầy, nên mất thế lực. Nhiều yếu nhân trong đảng như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam đã theo gót quân Tưởng trốn đi rồi. Phan Khôi lo sợ, cũng đề nghị với đảng cho theo các lãnh tụ của hắn sang Trung Quốc. Hắn sợ bị thân cô thế cô, sẽ bị Chính phủ ta trừng trị.

Thấy việc bán nước mỗi ngày một khó khăn, Phan Khôi phải ở lại Hà Nội để bàn việc củng cố đảng hắn. Nhưng tối ngày 19 tháng 12 toàn quốc đứng dậy làm cuộc kháng chiến Phan Khôi giật nẩy mình, muốn về Quảng Nam thì nghẽn đường, không đi được. Lại do có một người em họ ở trong Chính phủ bảo đảm cho, nên hắn được – hoặc bắt buộc – đi theo kháng chiến.

Hôm họp Hội nghị Văn hóa, Hồ Chủ tịch có đến. Khi nói về tiểu thuyết, Người có một nhận xét để khuyên nhủ anh em cầm bút là “tiểu thuyết của ta có vạch được tội ác của chế độ phong kiến và đế quốc, nhưng chưa đề ra phương pháp cải tạo. Như vậy là kém phần xây dựng”. Trong khi mọi người rất phục Hồ Chủ tịch sáng suốt cả về lĩnh vực văn nghệ, thì tên Quốc dân Đảng già, vốn bản chất là đối kháng, dè bỉu Hồ Chủ tịch, cho là Người chỉ giỏi về chính trị chứ không biết về văn nghệ. Hắn bàn tán với bạn hữu rằng Hồ Chủ tịch nói sai. “Văn nghệ chỉ có nhiệm vụ trình bày, còn xây dựng là nhiệm vụ của chính trị, của nhà cầm quyền”. Có người giảng cho Phan Khôi chủ nghĩa hiện thực mới có nhiệm vụ xây dựng xã hội, cải tạo thế giới, nhưng nhất định hắn không sao hiểu được.


*



Phan Khôi đi theo kháng chiến, nhưng buổi đầu không lúc nào hắn ngớt chửi bới kháng chiến, chửi bới bộ đội. Sau cuộc nổ súng ít ngày, vì không chịu nổi luận điệu phản động của hắn. Một lần ở Yên Lãng, một lần ở Yên Hạ. Nhưng hắn vẫn được Chính phủ khoan hồng, kiên trì giáo dục hắn, mong hắn cải tà qui chính.

Hắn không tin tưởng kháng chiến thành công. Hắn đi theo chính phủ chỉ có mục đích là để được sống đầy đủ và an toàn trong thời gian khói lửa khó khăn. Sự thật, hắn vẫn hỏi: “Một mai Chính phủ lưu vong ra ngoại quốc, mình có nên tòng vong không?”. Hắn lý luận rằng hắn vốn là người bị tình nghi về chính trị, nên có theo Chính phủ cũng không được tín nhiệm, thì thà ở lại, cam tâm làm nô lệ cho giặc một lần nữa. Đó chính là khí tiết của Phan Khôi.


*


Phan Khôi “cách mạng” như thế nào, “học giả” như thế nào, “nhân văn” như thế nào, một bài khá dài này cũng đã đủ nói các mặt ấy.

Sở dĩ tôi dùng tiếng “hắn” để gọi Phan Khôi, không phải tôi không nghĩ đến tuổi của hắn đâu. Nhưng xin thú thực rằng từ ngày hắn giở cái bộ mặt làm “chó” cũ của hắn ra trong Nhân văn–Giai phẩm, thì tôi không thể nào xa xỉ sự kính trọng đến quá mức, mà gọi hắn bằng “ông” được. Chính tôi làm chủ nhiệm báo Văn cũng đã mơ hồ mất cảnh giác chẳng những không đấu tranh vạch bộ mặt thật của Phan Khôi và bè lũ mà lại để cho báo đăng cả “Ông Năm chuột” của Phan Khôi và nhiều tác phẩm xấu khác của bọn Nhân văn. Đó là một sai lầm rất lớn của tôi. Sau khi nhận rõ sai lầm của mình tôi thấy có nhiệm vụ vạch rõ tội lỗi của Phan Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, huyễn hoặc, lừa bịp, đầu độc nhân dân để kiếm bát cơm, manh áo. Đến nay hắn vẫn còn hành động chống Đảng, chống cách mạng, phản nhân dân, phản Tổ quốc. Từ bé đến già Phan Khôi đã bóc lột của nông dân, ăn cướp của nhân dân. Được nhân dân nuôi nấng, được Đảng dạy dỗ, hắn vẫn vong ân bội nghĩa. Đó là bộ mặt phản động xấu xa nhất của Phan Khôi cũng như của nhiều phần tử khác trong Nhân văn–Giai phẩm.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5 năm 1958 – Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn-Giai phẩm, trang 4-15. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.