Joseph E. Stiglitz
14. Năm huyền thoại về thị trường và chủ nghĩa xã hội thị trường
Giữa các giới hàn lâm, chí ít ở Mĩ, đã có ít tranh luận về sự cần thiết hoặc vai trò của chủ nghĩa xã hội trong hàng thập kỉ. Được thành công của các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thuyết phục, lòng tin được củng cố bởi sự thắng lợi trí tuệ ấn tượng nhất của lí thuyết kinh tế- các định lí căn bản của kinh tế học phúc lợi – thì vì sao lại phí thời gian để cố trả lời những mối quan tâm của các nhà tư tưởng của thế hệ trước? Thế nhưng ngoài các giới này vẫn còn những nghi ngờ kéo dài về thị trường, các nghi ngờ mà, theo một nghĩa nào đó, các định lí trước đây đã chẳng giải quyết được mấy. Như tôi đã nhấn mạnh, nếu chúng ta muốn giúp những người tìm cơ sở mới cho nền kinh tế của họ, chúng ta đơn giản không thể viện dẫn đến ý thức hệ.
Có thể có ích, vào lúc này, nếu tôi đề cập trực tiếp một số huyền thoại phổ biến cái làm lẫn lộn các thảo luận nhằm xác định vai trò thích hợp cho chính phủ. Thảo luận các huyền thoại, hi vọng có thể truyền đạt ý nghĩa tốt hơn về cái mà hệ thuyết kinh tế học thông tin mới phát biểu về nền kinh tế hoạt động ra sao. Thảo luận này sẽ lặp lại nhiều lưu ý và chủ đề đã đụng chạm đến, nhưng tôi hi vọng rằng sự phát biểu lại này, tập trung vào các huyền thoại được tin một cách rộng rãi, sẽ giúp làm rõ thêm viễn cảnh của chúng ta.
Huyền thoại định giá
Huyền thoại đầu tiên, mà tôi đã ám chỉ ngắn gọn, là các quan hệ trong các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa được chi phối bởi giá cả. Có vài ý nghĩa trong đó đây là một huyền thoại. Thứ nhất, nó bỏ qua một phần lớn hoạt động kinh tế xảy ra trong nội bộ các hãng, hoạt động chỉ bị chi phối ở mức độ hạn chế bởi giá cả. Cần nhớ rằng qui mô của các hãng tư bản lớn nhất vượt cả nhiều nền kinh tế. Thứ hai, nó bỏ qua nhiều nguồn thông tin phi giá được các hãng sử dụng. Các hãng xem xét các số liệu định lượng –như cái gì xảy ra với kho hàng của họ, và kho hàng của các hãng khác. Thứ ba, nó bỏ qua nhiều khía cạnh phi giá của các giao dịch kinh tế giữa các bên không liên quan: thí dụ, vai trò của uy tín và của hợp đồng mà tôi đã nhấn mạnh ở các chương trước.
Nhưng có các lí do thêm nữa vì sao các quan hệ kinh tế không thể đơn giản bị chi phối bởi giá. Trước đây tôi đã thảo luận về sự đa dạng của các kết quả bất khả phi tập trung. Các kết quả này nói rằng, thực tế, các quan hệ kinh tế không thể được quản lí (một cách tối ưu) bằng các quan hệ giá
tuyến tính. Thí dụ, các sơ đồ khuyến khích tối ưu, nhìn chung, buộc lương phải là hàm phi tuyến của đầu ra. Các sơ đồ phi tuyến như vậy thường khó thực hiện, và có thể không vững đối với thay đổi về các tham số môi trường cơ sở. Các mối quan hệ (định lượng) phi giá có thể được ưa hơn quan hệ giá tuyến tính.
[1]
Huyền thoại về các ngành được xã hội hoá
Trước đây tôi đã thảo luận sự bất bình đối với sở hữu tư nhân, rằng các hãng tư nhân theo đuổi mục tiêu của chúng làm hại đến các mục tiêu xã hội. Tuy các định lí căn bản của kinh tế học phúc lợi đã hướng tới sửa quan niệm sai này, có một huyền thoại tương ứng, rằng các doanh nghiệp nhà nước theo đuổi các mục tiêu “xã hội”. Ở đây có sự cách biệt khổng lồ giữa ý thức hệ và thực tế. Như tôi đã nhắc tới trước đây, các doanh nghiệp nhà nước thường xuyên quan tâm hơn đến cải thiện phúc lợi của nhân viên (và nhà quản lí) của nó hơn là theo đuổi các mục tiêu quốc gia (bất luận chúng được xác định ra sao). Như vậy không ngạc nhiên là các nhà máy điện nguyên tử không an toàn nhất ở Hoa Kì là các nhà máy do chính phủ điều hành, rằng các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả Bộ Quốc phòng) đã có lúc là các tổ chức phản đối mãnh liệt nhất các luật chống ô nhiễm nghiêm ngặt hơn, rằng các doanh nghiệp nhà nước trong khối xã hội chủ nghĩa đã gây ô nhiễm hơn nhiều so với ở Phương Tây, và rằng các doanh nghiệp nhà nước bị lên án phân biệt giới tính hệt như các doanh nghiệp tư nhân.
Văn khoa về người uỷ thác-người đại lí, mà tôi đã nhắc tới trước đây, cho một khung khổ trong đó chúng ta có thể hiểu các vấn đề này: Những người dính líu đến ra quyết định tối đa hoá thu nhập riêng của họ, và các khoản thu nhập đó hiếm khi trùng với các mục tiêu xã hội được hình dung một cách rộng hơn. (Tất nhiên một số vấn đề nảy sinh từ sự thực rằng không dễ hoặc thậm chí không khả thi để thiết kế các khoản thu nhập quản lí phản ánh thoả đáng các mục tiêu xã hội; giả như dễ phiên dịch các mục tiêu xã hội thành các tiêu chuẩn định lượng có thể dùng như cơ sở đền bù, thì có lẽ chính phủ có thể đạt được các mục tiêu đó
mà không phải viện dẫn đến sở hữu công cộng, bằng cách dùng thuế Pigouve. Nhưng một số vấn đề, thí dụ các vấn đề liên quan đến ô nhiễm, không thể được thanh minh trên cơ sở này).
Huyền thoại kế hoạch hoá
Một phê phán chuẩn khác của các nền kinh tế thị trường (trong phạm vi truyền thống xã hội chủ nghĩa) là các thị trường không thể lập kế hoạch, và không có kế hoạch, thì không đạt được phân bổ nguồn lực hiệu quả. Trong thời gian trước các nhà kinh tế học có thể trả lời rằng giá cả cung cấp cơ chế điều phối. Nhưng hệ thuyết mới đã đặt cơ sở cho câu trả lời này: Các thị trường, may nhất, có thể thực hiện các nhiệm vụ này một cách không hoàn hảo nếu không có một tập đầy đủ của các thị trường
future và rủi ro.
Tuy nhiên, phê phán thị trường phần lớn lại không đúng chỗ. Trong các nền kinh tế thị trường có kế hoạch hoá và điều phối – kế hoạch hoá xảy ra trong nội bộ các hãng, và có điều phối rộng giữa các hãng. Vấn đề không phải là liệu có kế hoạch hoá không, mà đúng hơn là chỗ của kế hoạch hoá. Khi US Steel quyết định xây nhà máy của nó ở bờ nam Hồ Michigan, nó lên kế hoạch sâu rộng. Nó dự đoán cầu trong tương lai. Nó điều phối việc xây dựng đường sá, mở các mỏ quặng sắt, xây dựng nhà ở, mở rộng khai thác đá vôi, và phát triển các phương tiện vận tải thuỷ.
Trong một nền kinh tế mở các phương trình cân bằng vật chất, cái đã là tiêu điểm của các mô hình kế hoạch hoá cũ, về cơ bản trở nên không thoả đáng, và trong mọi trường hợp, mức tổng hợp cần cho các mô hình kế hoạch hoá cả nước có thể có tác dụng hạn chế cho phát triển các dự án riêng. Các hãng cần biết không chỉ rằng sẽ có thể mua được thép; họ cần biết loại thép cụ thể. (Điều này tương tự như điểm được nêu ở chương 5, rằng thông tin chứa trong các tín hiệu giá ở thị trường chứng khoán chỉ có sự thoả đáng hạn chế cho các quyết định đầu tư).
Trong một ngành công nghiệp, các nhà sản xuất, các nhà cung cấp của họ, và khách hàng của họ, tất cả đều phối hợp các quyết định thông qua các mạng phi chính thức (và đôi khi qua các hợp đồng chính thức). Khi kế hoạch hoá được tập trung ở mức rất “địa phương”, những người có kiến thức chi tiết về khả năng sản xuất và nhu cầu tiềm năng tương tác với nhau, theo cách mà đơn thuần không thể xảy ra trong khung khổ kế hoạch hoá toàn quốc.
Huyền thoại tập trung hoá
Vấn đề lựa chọn hệ thống kinh tế thường tập trung vào mức độ mà các quyết định được đưa ra một cách phi tập trung hay tập trung. Chúng ta đối sánh “tập trung hoá” trong phạm vị hệ thống (nguyên) xã hội chủ nghĩa với phi tập trung hoá trong phạm vi nền kinh tế thị trường.
Như với huyền thoại kế hoạch hoá, sự khác biệt có thể bị cường điệu: Mọi xã hội có phi tập trung hoá
nào đó. Không thể tập trung mọi thông tin cần cho mọi quyết định vào tay của bất kể cá nhân duy nhất nào. Một số quyết định, ngay cả trong các xã hội tập trung nhất, xảy ra theo cách phi tập trung.
Theo cách hệt vậy, thậm chí trong các nền kinh tế phi tập trung nhất, có các hãng sử dụng kiểm soát tập trung ở mức độ cao, trong nội bộ hãng. Như thế vấn đề không phải là
liệu nên có phi tập trung không, mà là bao nhiêu và ở dạng nào. Điều này không có nghĩa, tất nhiên, rằng không có nhiều khác biệt giữa các hình thức khả dĩ của cơ cấu quyết định, một điểm mà tôi hi vọng đã tranh luận sôi nổi ở chương 9.
Công trình mà tôi đã dẫn chiếu đến trước đây đề cập nhiều lí lẽ truyền thống cho tập trung hoá. Những người chủ trương tập trung hoá và cơ cấu quyết định thứ bậc lo về sự trùng lắp có thể xảy ra trong các cơ cấu “phi thứ bậc” [“polyarchy”, xem chú thích tr. 157] (phi tập trung). Họ lo về các vấn đề điều phối, và sự thất bại để nội bộ hoá các tác động ngoại sinh, và họ lo về thiếu “kiểm tra” sự chấp thuận các dự án xấu. (Văn khoa mới đây về kinh tế học thông tin đã nhận diện ra một dải rộng các tác động giống ngoại sinh xảy ra khi thông tin là không hoàn hảo hoặc thị trường không đầy đủ).
[2]
Song lực đẩy của công trình đó là các lợi thế bù trừ của phi tập trung hoá: đa dạng hoá rủi ro, không có lãng phí quan liêu, vô số cơ hội do các tổ chức phi thứ bậc tạo ra (cơ hội cho khả năng thứ hai), và khả năng nó cung cấp cho cạnh tranh, cái có thể dùng như cơ sở cho cả lựa chọn và khuyến khích.
Hỗn hợp của các tổ chức thứ bậc và phi thứ bậc mà chúng ta quan sát thấy ở các nền kinh tế thị trường phản ánh các lợi thế và bất lợi của các mô hình này về tổ chức ra quyết định. (Tuy vậy, tôi không muốn gợi ý rằng hỗn hợp mà chúng ta thấy là tối ưu). Các hãng và chính phủ dường như luôn vật lộn để tìm sự cân đối thích hợp cho các điều kiện riêng đối mặt với họ.
Huyền thoại sở hữu
Có lẽ không huyền thoại nào trong kinh tế học lại có sự thống trị đến vậy cái sẽ được gọi là
huyền thoại sở hữu. Huyền thoại này cho rằng
tất cả cái phải làm là phân đúng các quyền sở hữu, và hiệu quả kinh tế được đảm bảo. Quyền sở hữu được phân ra sao không thành vấn đề, trừ phân bố phúc lợi, và nếu không thoả mãn với điều đó, có thể dễ điều trị, bằng các khoản chuyển giao cả gói. Huyền thoại này nguy hiểm bởi vì nó đánh lạc đường nhiều nước tiến hành chuyển đổi tập trung vào các vấn đề quyền sở hữu, vào tư nhân hoá, thay cho vào một tập rộng hơn của các vấn đề (các loại được thảo luận ở chương tiếp). Trong các chương trước tôi đã giải thích vì sao giải quyết các quyền sở hữu chắc chắn là không đủ, và có thể thậm chí không cần thiết.
Huyền thoại về hai con đường
Huyền thoại cuối mà tôi muốn bác bỏ đã có một vai trò nổi bật trong các thảo luận gần đây. Như tôi đã gợi ý trước đây, dường như thất bại của chủ nghĩa xã hội thị trường đã dẫn nhiều người đến kết luận rằng không có con đường thứ ba nào giữa hai thái cực của thị trường và các doanh nghiệp nhà nước. Như câu chuyện đùa nổi tiếng bày tỏ, không thể có chửa một chút! Tôi muốn gợi ý rằng cách đặt câu hỏi là sai lầm. Sự thực là chính phủ đóng một vai trò nổi bật trong mọi xã hội. Câu hỏi không phải là liệu sẽ có dính líu của chính phủ vào hoạt động kinh tế hay không, mà là vai trò đó phải là gì.
Hơn nữa cách nêu vấn đề thông thường không tạo sự chú ý thích hợp đối với các dàn xếp định chế cái không đối lập trực tiếp trong phạm vi hai “thái cực”. Hãy để tôi minh hoạ vài dàn xếp định chế “nằm giữa”.
Trong các năm gần đây đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về các hàng hoá công cộng địa phương và các câu lạc bộ, sự tập trung tự nguyện của các cá nhân để theo đuổi các mục đích chung. Tại Hoa Kì các tổ chức phi lợi nhuận đóng một vai trò nổi bật. Ở nhiều nền kinh tế khác các hợp tác xã là quan trọng. Ngay cả ở Mĩ họ có vai trò ngày càng tăng trong nghiên cứu chung.
Các vấn đề đối mặt với “hợp tác xã công nhân” ở Nam Tư- và các hợp tác xã bắt buộc ở rất nhiều nền kinh tế xã hội chủ nghĩa- có lẽ đã làm cụt hứng sự nhiệt tình đối với các dàn xếp định chế trung gian này. Nhưng điều đó không được làm giảm vai trò mà các định chế này có thể đóng một cách tiềm năng trong nền kinh tế. Có các hàng hoá công cộng địa phương, có thể được cung cấp hiệu quả nhất bởi các cộng đồng địa phương.
[3] Tổ chức của các định chế trung gian này thường bản thân nó lại là hàng hoá công cộng, và có thể có một vai trò thích hợp cho chính phủ trung ương để tạo thuận lợi (tuy không cưỡng bức) cho tổ chức của họ.
Còn có một thí dụ khác về một con đường trung dung được các nước Đông Á cung cấp, mà thành tích kinh tế xuất sắc của họ hơn hai thập kỉ qua đã thu hút rất nhiều chú ý. Có sự đồng thuận rộng rãi rằng chính phủ đã đóng một vai trò tích cực, tích cực hơn nhiều so với các chính phủ ở hầu hết các nước phát triển. Trong hầu hết các nước Đông Á, họ tạo ra các định chế giống thị trường, như các ngân hàng. Trong một số nước, như Hàn Quốc, họ kiểm soát phân bổ phần lớn vốn. Ngay cả ngày nay chính phủ ở đó chỉ định người đứng đầu của tất cả các ngân hàng tư nhân. Họ động viên các hãng tư nhân tiến hành các hoạt động nhất định (và dùng các công cụ kinh tế, cả củ cà rốt lẫn cây gậy, để nhận được sự hợp tác của khu vực tư nhân). Khi khu vực tư nhân không gánh vác các hoạt động mong muốn, họ gánh vác: Cả Hàn Quốc lẫn Đài Loan đã xây dựng các nhà máy thép rất hiệu quả. Họ chọn các nghiệp chủ để gánh vác một số đề án và cho họ vay vốn cần thiết.
[4] Sự can thiệp của chính phủ đã, nếu không với bàn tay sắt, chí ít ở khắp nơi.
Chúng ta ngày càng nhận ra sự đa dạng của các định chế tư bản chủ nghĩa. Tôi đã lưu ý sự khác biệt rõ rệt về các định chế tài chính giữa Hoa Kì, Đức, và Nhật Bản. Có sự khác nhau trong các hệ thống giáo dục và luật pháp. Có sự khác nhau về các hệ thống phúc lợi, mức độ tái phân phối do chính phủ tiến hành, mạng lưới an sinh do nó cung cấp, qui mô của khu vực công cộng, và dải các hoạt động mà nó tiến hành. Những kết cấu định chế khác nhau này có thể có ảnh hưởng sâu sắc lên nền kinh tế hoạt động ra sao. Không hiển nhiên ở giai đoạn này là một trong các hệ thống này là rõ ràng tốt hơn cái khác. Có sự lựa chọn thực sự.
15. Vài kiến nghị sơ bộ
Các vấn đề đối mặt với các nền kinh tế nguyên xã hội chủ nghĩa, vì họ thử quyết định chọn con đường nào, là quyến rũ và quan trọng đến mức khó có thể cưỡng lại sự cám dỗ, để đưa ra lời khuyên nếu được hỏi- hoặc để suy xét sẽ khuyên cái gì, giả như mình được hỏi. Tôi đã không cưỡng lại cám dỗ đó. (Nhưng lời khuyên có thể có giá trị xấp xỉ bằng cái mà các nước trả cho nó- bằng không, hoặc sát không- có lẽ là bài học khắc nghiệt về kinh tế học thị trường).
Trong các chương 10 và 12, tôi đã thảo luận một dải các vấn đề gắn với tư nhân hoá và cải cách hệ thống tài chính. Ở đây tôi muốn xét một viễn cảnh rộng hơn. Mục tiêu cơ bản của tôi trong các bài giảng này là để giải thích, nhìn từ khung cảnh lí thuyết thông tin, những thiếu sót của hệ thuyết qui ước và để gợi ý rằng các triển vọng về các hệ thống kinh tế so sánh do hệ thuyết qui ước cung cấp là lầm lạc một cách căn bản. Ở đây tôi muốn đưa ra một nhận xét tích cực hơn một chút: để biết chắc các bài học nào, nếu có, có thể được rút ra từ kinh tế học mới về thông tin. Có bảy bài học sơ bộ mà tôi đưa ra một cách thăm dò, thận trọng, và tư biện. Chúng là “am hiểu” bởi khoa học kinh tế, nhưng chúng không là các định đề tổng quát và khái quát hoá phổ quát được dẫn ra trong phạm vi khoa học kinh tế. Ở mức độ lớn chúng lặp lại các chủ đề đã được đụng chạm đến trong phạm vi các bài giảng này.
Về tầm quan trọng cốt yếu của cạnh tranh
Thứ nhất là nhấn mạnh tầm quan trọng của cạnh tranh- không phải cạnh tranh giá thuần tuý mà đơn giản là cạnh tranh theo kiểu cũ, sự tranh đua giữa các hãng để cung ứng cho các nhu cầu của người tiêu dùng và nhà sản xuất với giá thấp nhất và chất lượng cao nhất. Như tôi đã chứng tỏ trong các chương trước, sự khác biệt giữa cạnh tranh và độc quyền là sự phân biệt có tầm quan trọng hàng đầu, hơn là sự phân biệt giữa quyền sở hữu tư nhân và nhà nước. (Hai vấn đề tất nhiên có thể không hoàn toàn không liên quan với nhau: Có thể khó cho chính phủ để cam kết cho cạnh tranh, khi nó “sở hữu” các doanh nghiệp nhà nước và có quyền lực loại bỏ cạnh tranh, nhưng đây là các vấn đề kinh tế chính trị học, mà không lâu tôi sẽ đề cập).
Sự phân biệt giữa độc quyền và cạnh tranh có thể cũng quan trọng hơn so với sự phân biệt cho phép thương mại tự do hay không. Thương mại tự do là quan trọng trong một nền kinh tế nhỏ bởi vì nó tạo kỉ luật cạnh tranh, một kỉ luật mà thị trường riêng của đất nước có thể không có khả năng tạo ra, đơn giản bởi vì có quá ít hãng. Nhưng có thể có các trường hợp nơi có đủ cạnh tranh nội địa và ở nơi, ngoài các mối quan tâm kinh tế chính trị học, tôi nghĩ bảo hộ trường hợp “ngành công nghiệp non trẻ” có tính thuyết phục có thể được đưa ra.
[5] , [6]
Như vậy mục tiêu đầu tiên của chính sách kinh tế của nhà nước là đảm bảo cạnh tranh. Điều này cần phải tính đến trong quá trình tư nhân hoá hoặc tái tổ chức các doanh nghiệp nhà nước, cũng như trong các luật cho phép thành lập các hãng, hợp tác xã, và các hội chung vốn. Chính phủ phải hành động để tối thiểu hoá các rào cản tham gia.
Ở Hoa Kì và các nền kinh tế Phương Tây khác, các chính phủ áp đặt nhiều loại thuế và qui chế là một trở ngại quan trọng đối với các hãng nhỏ. Tuy các trở ngại này có cái giá đáng kể đối với các nước tiên tiến hơn này, cái giá cho các nền kinh tế nguyên xã hội chủ nghĩa- bắt đầu hầu như không có cơ cấu cạnh tranh nào – có thể lớn hơn rất nhiều.
Đồng thời quan trọng là, do các nền kinh tế nguyên xã hội chủ nghĩa đưa ra “các qui tắc của cuộc chơi” mà theo đó các hãng sẽ chơi trong tương lai, để bao gồm trong phạm vi các qui tắc đó các chính sách chống độc quyền hiệu quả. Họ không được nhượng bộ lí lẽ rằng để cạnh tranh hiệu quả trên thương trường quốc tế, cần đến các doanh nghiệp lớn, và vì vậy các chính sách chống độc quyền phải được dẹp sang một bên. Đài Loan đã chứng tỏ rằng có thể có tăng trưởng nhanh mà không dựa vào các doanh nghiệp lớn. Hàn Quốc đã chứng tỏ rằng
nếu có các lợi thế cho các doanh nghiệp lớn, có thể đạt được các lợi thế đó và vẫn có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn. Trong mọi trường hợp trong các năm tới sẽ có ít doanh nghiệp trong hầu hết các nền kinh tế nguyên xã hội chủ nghĩa, dựa riêng vào sản xuất trong nước, có thể đạt qui mô so sánh được với các hãng lớn ở các nước OECD. Nhưng, như tôi đã nhấn mạnh trước đây, có mối nguy hiểm khác: rằng lo ngại quá đáng về độc quyền, qui tất cả lợi nhuận cho ứng xử độc quyền và, dưới thủ đoạn về bảo vệ người tiêu dùng khỏi các nhà độc quyền tham lam, đi tái lập chế độ kiểm soát nhà nước.
Tầm quan trọng của xác lập và thực thi các qui tắc chơi
Tôi đã chứng tỏ trước đây rằng cách thích hợp để đặt câu hỏi không phải là thị trường đối lập với chính phủ, mà là sự cân đối giữa hai cái. Có một vai trò sống còn cốt yếu mà chính phủ phải thực hiện trong bất kể nền kinh tế nào, và đó là thiết lập các qui tắc của cuộc chơi- các qui tắc sẽ điều chỉnh tương tác giữa các bên tư nhân và giữa các bên tư nhân này và chính phủ.
Tầm quan trọng của điều này phải là hiển nhiên cả từ lí thuyết mà tôi đã nhắc đến trước đây, cũng như từ kinh nghiệm lịch sử (tuy tôi đã không đưa điều này vào danh sách ngắn của những khái quát hoá lịch sử chính): Một hệ thống pháp luật không thoả đáng đã là, vẫn là, một trở ngại chính đối với phát triển ở nhiều nước.
Trong thảo luận lí thuyết của mình tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp đồng trong hệ thống thị trường. (Hầu hết các giao dịch không dính dáng đến trao đổi đồng thời; một bên bỏ ra cái gì đó hôm nay đáp lại cho một lời hứa trong tương lai; rất quan trọng là các lời hứa đó được thực hiện, và rằng các tranh chấp về liệu các hợp đồng có được thực hiện được giải quyết một cách công bằng và hữu hiệu). Tôi cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cạnh tranh. Lại lần nữa “các qui tắc chơi”- các luật chống độc quyền- cần được định rõ.
Một tập các qui chế liên quan khác gắn liền với các thị trường tài chính. Các nền kinh tế khác nhau đã chọn những cách khác nhau để điều chỉnh các định chế tài chính của họ, với các tác động khác biệt quan trọng. Ở Hoa Kì mối lo về các vấn đề chống độc quyền đã tạo ra các ràng buộc nặng nề áp đặt lên các hoạt động của các ngân hàng và các công ti cổ phần tương tự, những ràng buộc đã không được áp đặt ở Nhật Bản. Song bất chấp sự điều tiết nặng liều (tuy một số người nói là chính vì nó mà) các định chế tài chính ở Hoa Kì đã trải qua phần lớn của các năm 1980 trong một trạng thái bấp bênh, và có các bằng chứng đáng kể là chúng đã không làm tốt việc phân bổ nguồn lực. Bằng cách hệt thế, kinh nghiệm của Chile – cũng như các lí thuyết tổng quát về các thị trường tài chính, dựa trên thông tin không hoàn hảo- đã làm rõ rằng một hệ thống ngân hàng không được điều tiết có thể là một thảm hoạ tuyệt đối.
Một vài trong những người ủng hộ chuyển đổi nhanh lí lẽ rằng quan trọng hơn việc xác định tập
nào của các qui tắc, là cố định một tập nào đó của các qui tắc: Sự bất trắc về các qui tắc chơi sẽ cản trở nền kinh tế. Có sự thật đáng kể, tôi nghĩ, trong kết luận đó. Nhưng đồng thời, có các chi phí lắng chìm gắn với thiết lập các qui tắc, và một khi các qui tắc đã được xác lập, chúng khó thay đổi. Sự thay đổi kéo theo không chỉ các chi phí giao dịch lớn mà có thể có các hệ quả phân phối lớn. Nên quan trọng để suy nghĩ thấu đáo chí ít các thành tố chủ yếu của “qui tắc cuộc chơi” trước khi công bố chúng.
Mặt khác, không thể lường trước mọi tình huống: Chúng ta sống trong một thế giới giao kèo không đầy đủ. Các nền kinh tế nguyên xã hội chủ nghĩa tiến hành một quá trình thay đổi, không phải để xác định một cân bằng mới, và điều này cũng cần phải được ghi nhớ.
Tầm quan trọng của cam kết
Trong thảo luận cải cách thuế ở Hoa Kì năm 1985, Bộ trưởng Bộ Ngân khố Donald Regan công bố rằng các kiến nghị được viết trên một bộ xử lí văn bản, báo hiệu về thiếu cam kết của chính quyền Reagan đối với các kiến nghị đó. Luật có thể thay đổi, và khả năng của những thay đổi như vậy có thể ảnh hưởng đến ứng xử. Các chính phủ có chủ quyền không thể cam kết những người kế nhiệm họ. Tôi đã lưu ý đến các hệ quả của các vấn đề cam kết này rồi. Thiếu nó, như chúng ta đã thấy, một nền kinh tế tập trung có thể áp đảo nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, mặc dù các chính phủ không thể cam kết những người kế nhiệm mình, chúng có thể tiến hành các hành động làm giảm khả năng của những thay đổi nhất định, thí dụ, bằng cách làm thay đổi chi phí giao dịch hoặc làm thay đổi các nhóm chính trị ủng hộ những thay đổi cá biệt. Trong chương 10 chúng ta thấy thiết kế chương trình tư nhân hoá có thể ảnh hưởng đến khả năng tái quốc hữu hoá ra sao. Nếu được tiến hành phù hợp, sẽ có cam kết hữu hiệu chống lại tái quốc hữu hoá (trừ phi có sự thay đổi lớn , không lường trước trong bầu không khí chính trị).
Một cam kết quan trọng, mà hầu như tất cả những người quan sát đều nhấn mạnh, là không bao cấp các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Mặc dù phương thuốc chuẩn cho điều này là “tư nhân hoá”, phải nhận ra rằng điều này không cần thiết cũng chẳng đủ cho áp đặt ràng buộc ngân sách cứng. Chính phủ ở nhiều nước đã trợ cấp các nhà sản xuất tư nhân (thí dụ, thép), và các chính phủ trong một số nước đã áp đặt ràng buộc ngân sách cứng lên các doanh nghiệp nhà nước.
Cải cách giá và thể chế
Một điều kiện có trước (tiền đề) cho áp ràng buộc ngân sách cứng là các số đo lợi nhuận phải có ý nghĩa. Đáng tiếc, điều này thường không phải vậy. Giá cả thường không có ý nghĩa: Cải cách giá là một trong các cải cách hàng đầu. Các hãng kế thừa các tài sản có và tài sản nợ; đánh giá liệu một hãng hoạt động tốt đòi hỏi đánh giá các tài sản có và nợ đó theo một cách có ý nghĩa. Nếu một hãng nhận được một khoản vốn lớn, mà nó không phải “trả”, thì nó có thể có dòng tiền mặt dương lành mạnh, thế nhưng về ý nghĩa kinh tế, nó có thể hoạt động rất tồi. Mặt khác, nếu một hãng nhận được ít tài sản, nhưng kế thừa các khoản nợ mà nó phải trả lãi cao, nó có thể có dòng tiền âm, song thành tích thật của nó có thể khá mạnh. Nếu số liệu lợi nhuận phải có ý nghĩa, bản cân đối của hãng phải được sắp xếp trật tự, một điểm tôi đã nhấn mạnh trong các chương trước.
Tư nhân hoá, nhiều nhất, chỉ là một giải pháp một phần. Tư nhân hoá trong đó phiếu (voucher) được phân phát, và không có tái vốn hoá, không hề giải quyết vấn đề này. Tư nhân hoá trong đó hãng được mang bán, do có cạnh tranh hạn chế để mua hãng, chắc sẽ cho một đánh giá thấp giá trị thật của tài sản của hãng. Do đó thành tích tốt, dựa trên đánh giá thấp tài sản của hãng, không cho một số đo thật về tính hiệu quả của hãng.
Ràng buộc ngân sách mềm có thể đến không chỉ qua trợ cấp chính phủ, mà cả thông qua các định chế tài chính, như tôi đã nhấn mạnh ở chương 12. Như vậy một nét cốt yếu trong chuyển đổi phải là cải cách các định chế tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng bởi vì các vai trò kinh tế do các định chế tài chính đóng dưới chủ nghĩa xã hội là khác rõ rệt với các vai trò mà chúng phải thực hiện dưới chủ nghĩa tư bản.
Sự ổn định vĩ mô và biến đổi vi mô
Một đơn vị hạch toán ổn định là cũng quan trọng: Lạm phát phải được kiểm soát. Hai thủ phạm chính gây ra lạm phát là mở rộng tín dụng quá đáng - hệ quả một phần của hệ thống tài chính không được cải cách- và thu nhập thuế của chính phủ không đủ.
McKinnon (1991) đã nhấn mạnh, trong các giai đoạn đầu của chuyển đổi, thu nhập của chính phủ bị xói mòn ra sao. Dưới chủ nghĩa xã hội chính phủ đánh thuế ẩn: hiệu số giữa giá sản xuất (giá thành sản phẩm) và giá tiêu dùng. Chính phủ chiếm lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước. Với tự do hoá giá cả, các khoản “lợi nhuận” này nhanh chóng biến mất, và chính phủ bị bỏ không có nguồn thu thoả đáng. Như vậy cải cách thuế cũng phải có thứ bậc cao trong chuyển đổi.
Các vấn đề do lạm phát gây ra đã dường như kinh khủng đến mức nhiều nước, trong những ngày đầu của chuyển đổi, đã chú tâm vào sự ổn định kinh tế vĩ mô. Các cố vấn khuyến nghị cách tiếp cận đột ngột có vẻ hầu như phải thận trọng với sự đau khổ mà các nước đã trải qua, vì các chính sách ngặt nghèo đã gây ra thất nghiệp lớn; đôi khi nó được trình bày hầu như là một phần của các lễ nghi kết nạp vào chủ nghĩa tư bản.
Quan điểm phổ biến rằng như một phần của quá trình chuyển đổi, các nguồn lực phải được chuyển từ việc sử dụng này sang việc sử dụng khác. Hai lí lẽ thường xuyên được đưa ra vì sao, trong quá trình chuyển đổi, phải có thất nghiệp cao và lương cực kì thấp. Một lí lẽ là trước khi nguồn lực có thể được triển khai ở nơi nó hữu ích hơn, nó phải được giải phóng khỏi nơi nó ít hữu ích hơn; chuyển đổi cần thời gian- và đây là giai đoạn xảy ra thất nghiệp. Lí lẽ thứ hai là những người ở trong các khu vực không hiệu quả phải dời khỏi đó. Các hãng phải được khiến sa thải nhân viên, và công nhân phải được thuyết phục kiếm công ăn việc làm hữu ích hơn. Cách duy nhất để thuyết phục công nhân như vậy là hạ lương của họ xuống, và cách duy nhất để khiến các hãng thoát khỏi nhân viên (kém hiệu quả) của mình là cho họ đối mặt với ràng buộc ngân sách cứng.
Có sự thật nào đó trong các lí lẽ này, nhưng cần phải dè dặt với chúng trong hai phương diện quan trọng. Thứ nhất, vấn đề căn bản trong nhiều nước nguyên xã hội chủ nghĩa có thể là cơ cấu vốn. Hình mẫu công ăn việc làm có thể sai bởi vì hình mẫu của đầu tư có thể đã sai. Nhưng
cho trước nguồn hiện thời của tư liệu sản xuất, phân bổ lao động có thể không phi hiệu quả như nó có vẻ. Nguồn dự trữ tư liệu sản xuất sẽ không thay đổi một sớm một chiều. Do đó lợi ích từ phân bổ lại lao động trong ngắn hạn có thể là ít hơn nhiều so với lợi ích thu được trong dài hạn.
Thứ hai, chúng ta đã đi đến hiểu được trong các năm gần đây rằng năng suất của công nhân có thể nhạy cảm với lương mà họ nhận được. Hạ thấp lương có thể dẫn đến năng suất giảm sút, có lẽ không trong rất ngắn hạn, như khi có trạng thái tâm lí đặc biệt, giống như của thời chiến, khi công nhân sẵn lòng đem hết nỗ lực đặc biệt như một phần của quá trình bảo vệ đất nước; ở đây có sự hào hứng về xây dựng một xã hội mới. Nhưng dài hạn hơn, khi sự hào hứng qua đi và cuộc sống thường nhật phục hồi lại, các tác động của lương hiệu quả, cái trở thành trung tâm của sự hiểu biết của chúng ta về hiệu chỉnh kinh tế vĩ mô, có thể đóng một vai trò nổi bật hơn.
Trong phần lớn thảo luận về tốc độ điều chỉnh, đã có sự lẫn lộn giữa các vấn đề kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô: Có thể đúng là cần chấm dứt lạm phát và kiểm soát ngân sách nhà nước, nhưng giải quyết các vấn đề này không phải hệt như cấu trúc lại nền kinh tế. Kinh tế học vĩ mô của các nền kinh tế chuyển đổi - với các thị trường vốn hầu như không hoạt động và các thị trường lao động nơi tính lưu động bị cản trở bởi thiếu các thị trường tự do về nhà ở- có thể khác rõ rệt với kinh tế học vĩ mô chuẩn theo Keynes. Lại lần nữa, như tôi đã nhấn mạnh trong chương 12, đáp ứng cung có thể quan trọng hơn, hoặc ít nhất là khác. Thiết chặt tín dụng có thể gây ra một mức giảm về cung trong cùng thời gian mà nó làm giảm cầu, với các tác động hạn chế lên áp lực lạm phát. (Tất nhiên, điều này không đúng nếu tín dụng không làm mở rộng sản xuất ra các mặt hàng có nhu cầu, mà thay vào đó, nó đơn giản cho phép doanh nghiệp trả lương cao hơn như nó có thể trả nếu khác đi. Không có mấy nghi ngờ rằng sự mở rộng nhanh tín dụng ở Nga vào năm 1993 là một nhân tố chính đóng góp vào tỉ lệ lạm phát cao này).
Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp mới
Phần lớn thảo luận về quá trình chuyển đổi đã chú tâm vảo cải cách và thay đổi các định chế cũ. Ngang thế hoặc thậm chí quan trọng hơn là tạo ra các định chế và doanh nghiệp mới. Trung Quốc cho một nghiên cứu tình huống lí thú về khía cạnh này. Nó đã không tập trung chú ý của mình vào tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước hiện có. Các doanh nghiệp nhà nước hiện hành đã giảm tầm quan trọng như kết quả của sự tăng trưởng của các doanh nghiệp mới, như các liên doanh và các doanh nghiệp hương trấn, tỉnh thành và tư nhân. Cần đến những cải cách thể chế để tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng này. Các công xã đã tự biến đổi một cách triệt để, đến mức chẳng có mấy sự giống nhau giữa các công xã nông nghiệp của cách mạng văn hoá và các công xã công nghiệp hiện đại.
Về tư nhân hoá [7]
Có một số người tán thưởng thị trường tự do nói rằng bước đầu tiên tới thành công là tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước. Liệu họ đúng hoặc sai tôi không biết; cái tôi biết là họ chẳng có cơ sở khoa học nào cho kết luận đó.
Như tôi đã lập luận trước đây, tôi coi cạnh tranh là quan trọng hơn nhiều so với tư nhân hoá. Tôi thấy ít khác biệt giữa BP và Texaco (hãng trước có vẻ hoạt động tốt hơn nhiều so với hãng sau, nhưng tôi không muốn qui điều này cho phần sở hữu lớn của chính phủ Anh), và (có lẽ gây nhiều tranh cãi hơn là) một số hiệu quả chính thu được ở British Telecom và British Airways đã xuất hiện trước khi tư nhân hoá.
Lí thuyết nói với chúng ta rằng trong cả hai trường hợp chúng ta đối mặt với các vấn đề khuyến khích (các vấn đề người uỷ thác-người đại lí). Điều quan trọng hàng đầu là thay đổi cơ cấu khuyến khích của các nhà quản lí- và điều này có thể làm được khi các hãng vẫn thuộc khu vực công cộng.
Tôi có thể đã muốn nói rằng việc hàng đầu về kinh doanh là đưa các nhà quản lí mới vào, nhưng không rõ là các nhà quản lí mới từ đâu đến, và họ được lựa chọn ra sao. (Trong mọi trường hợp, phải thừa nhận rằng có thể có thiếu hụt các nhà quản lí có năng lực trong ngắn hạn). Liệu một hội đồng quản trị được các cổ đông bầu bằng cách nào đó có năng lực hơn về chọn các nhà quản lí mới so với một cơ cấu khả dĩ khác nào đó trong phạm vi hệ thống doanh nghiệp nhà nước, như thiết lập các công ti cổ phần với hội đồng quản trị được chọn lọc bởi một quá trình lựa chọn khác (có lẽ với sự tham gia của các ngân hàng trong nước và nước ngoài, các nhà kinh doanh hàng đầu trong nước và nước ngoài, và có thể thậm chí các học giả trong các lĩnh vực liên quan)? Tạm thời, khi tư nhân hoá đang tiến triển, có thể quan trọng để có sự thay đổi về kết cấu định chế, như đảm bảo rằng các doanh nghiệp nhà nước không do các bộ điều khiển, các bộ trước đây đã vận hành chúng.
Như tôi đã nhắc ở chương 10, nhiều nước đã lao vào chương trình tư nhân hoá sử dụng phiếu (voucher), tạo ra một dạng của chủ nghĩa tư bản nhân dân. Lời khuyên của tôi ở đây là một lời cảnh báo mà hầu hết trong số họ đã nhập tâm rồi: Chú ý đến vấn đề cai quản công ti. Nhưng tuy họ đã nhận ra vấn đề, quá nhiều người dường như tin rằng thành lập các công ti cổ phần và thị trường chứng khoán sẽ cung cấp thông tin và khuyến khích để đảm bảo quản lí có hiệu quả. Trong chương 10, tôi đã bày tỏ thái độ hoài nghi nào đó liên quan đến việc liệu các điều này sẽ là đủ không.
Các vấn đề chính trị kinh tế học có thể, rốt cuộc, là quan trọng hơn trong dẫn dắt nhịp độ tư nhân hoá hơn là các yếu tố được thảo luận đến nay. Tư nhân hoá sẽ làm giảm quyền lực chính trị của các bộ (và các quan chức của chúng), và nó sẽ tạo ra một tầng lớp mới của các cá nhân mà sự tiếp tục quá trình cải cách là phù hợp với quyền lợi của họ.
Tiến trình
Thảo luận đến đây đã nêu bật tầm quan trọng của sắp thứ tự, tiến trình của các cải cách. Khó mà có các khuyến khích dựa vào thị trường mà không có tự do hoá giá cả. Nếu vì siêu lạm phát, hệ thống giá không hoạt, lần nữa các cải cách theo hướng thị trường không thể thành công. Ngoài điểm này có phạm vi lớn cho tự do hành động.
Trung Quốc đã chứng tỏ rằng cải cách thị trường thành công có thể được tiến hành mà không có tư nhân hoá, không có thậm chí các quyền sở hữu được xác định rõ ràng. Họ đã nhấn rất mạnh đến cạnh tranh. Đã có cải cách trong hệ thống tài chính. Chúng quan trọng ra sao trong ngắn hạn thì còn chưa rõ: Phần lớn đầu tư được tài trợ thông qua thu nhập được giữ lại (như ở các nơi khác trên thế giới). Tuy đã có phô trương ầm ĩ về thiết lập thị trường chứng khoán, nó đã không đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng ngoạn mục được thấy từ 1979 đến 1992.
[8] Trung Quốc đã chú ý đáng kể đến các vấn đề trình tự (và, như tôi sẽ bình luận dưới đây, đến các vấn đề định thời gian nữa). Trước khi đưa ra một cải cách giá đầy đủ chính thức, Trung Quốc đưa ra hệ thống hai giá. Phần “linh hoạt” của hệ thống giá cung cấp thông tin cho các hãng, mà không đồng thời và lập tức phá vỡ toàn bộ hệ thống kinh tế. (Các tín hiệu) thông tin sau đó có thể được dùng để cho phép một cải cách giá toàn diện.
[9]
Những cải cách cơ cấu khuyến khích/thị trường sâu rộng được tiến hành
trước khi tư nhân hoá. Đồng thời Trung Quốc đã nhận ra rằng về dài hạn, phải giải quyết các vấn đề sở hữu, nếu muốn tăng trưởng bền vững. Đã bắt đầu quá trình công ti hoá các doanh nghiệp, nơi, đầu tiên, cổ phần được phát hành cho nhân viên và các thành viên của công xã. Một khi cơ cấu sở hữu đã trở nên xác định rõ ràng, việc chuyển thành “tư bản chủ nghĩa đầy đủ” sẽ dễ hơn.
Có các lí do chính đáng để trì hoãn vấn đề tư nhân hoá: Các vấn đề phân quyền sở hữu là rất hay gây tranh cãi. Không có giải pháp dễ cho việc chia chiếc bánh sao cho công bằng. Điều này đặc biệt đúng khi có các vấn đề còn rớt lại về quyền sở hữu lịch sử. Khi chiếc bánh lớn lên nhanh chóng, các vấn đề phân chia sẽ bớt lôi thôi hơn. Người dân (tương đối) thoả mãn, vì họ nhận được phần lớn hơn phần họ từng dự kiến có. Tuy vậy, với mối đe doạ xảy ra đến nơi về tư nhân hoá tự phát, vấn đề không phải là khi nào thì tư nhân hoá mà là bằng cách nào, và ai kiểm soát quá đình ấy.
Tốc độ chuyển đổi
Không có vấn đề nào lại gây tranh cãi nhiều hơn là tốc độ và cách thức mà chuyển đổi phải được tiến hành. Có những người chủ trương cách tiếp cận đột ngột –như họ trình bày, anh không thể vượt qua vực thẳm trong hai lần nhảy. Có những người chủ trương chuyển đổi từ từ hơn- cần đến thậm chí chín tháng để có một đứa bé. Chuyển đổi nhanh hoặc chậm thế nào cũng là một vấn đề tranh cãi.
Nhiều vấn đề trung tâm trong cuộc tranh luận này vượt ra ngoài phạm vi của kinh tế học; chúng dính đến phán xử chính trị. Phải chăng các lực lượng chính trị trong nước là đến mức chỉ có một cách để đạt sự cam kết không thể đảo ngược cho thị trường là lao tới? Hoặc các lực lượng chính trị trong nước là ở mức mà phe đối lập sẽ sinh ra trong cách tiếp cận đột ngột có thể đe doạ chính cam kết cho thị trường? Câu trả lời cho các câu hỏi này, không nghi ngờ gì, sẽ khác nhau giữa các nước. Một số nước nguyên xã hội chủ nghĩa dường như- có lẽ như một phản ứng với sự chiếm đóng hàng thập kỉ của nước ngoài- quyết tâm cho thị trường đến mức chẳng gì có thể cản trở họ, bất luận cái giá phải trả là gì.
Lí thuyết kinh tế chuẩn thực ra chẳng nói được mấy rõ rệt về các vấn đề này. Mô hình Arrow-Debreu- chẳng thể áp dụng được cho phân tích cân bằng như tôi đã chứng tỏ- thậm chí còn không thử đặc trưng mình như một mô hình của một nền kinh tế chuyển đổi. Mặc dù phân tích tính ổn định, đôi lúc, đã có sự mến mộ trong phạm vi toán kinh tế, các mô hình cơ sở (với động học tường minh của chúng) dường như hoàn toàn không thích hợp cho mô hình hoá các vấn đề chuyển đổi.
Nhưng dù sao lí thuyết kinh tế vẫn có một ít để nói về vấn đề. Trừ phi người ta trưởng thành trong một truyền thống mà các giá trị chịu đau khổ vì chính mục đích riêng của nó – và không có lí do để tin rằng hầu hết các nền kinh tế nguyên xã hội chủ nghĩa lại nằm trong phạm vi của truyền thống đó- sự chịu đựng kéo dài chỉ như một cái giá phải trả không thể tránh khỏi cho các lợi ích nào đó không thể đạt được bằng cách khác. Trong thảo luận ở trước tôi đã gợi ý rằng trong một số trường hợp, đã có sự lẫn lộn giữa điều chỉnh kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô: Đạt được thay đổi ít ỏi về cơ cấu kinh tế (trong ngắn hạn) với cái giá tương đối cao.
Có hai tập các lí lẽ gợi ý tính đáng mong muốn của cách tiếp cận từ từ. Cái thứ nhất nhấn mạnh các vấn đề của chính phủ cam kết không đảo ngược cải cách. Thiếu cam kết như vậy, nếu các nhà đầu tư tin rằng cải cách sẽ không lâu dài, thì họ không tiến hành đầu tư cần thiết, và nếu họ không tiến hành các khoản đầu tư cần thiết, thì có nhiều khả năng là cải cách sẽ không dài lâu. Các cải cách từ từ có lợi thế là chính phủ có thể lựa các lĩnh vực trong đó nó có khả năng thành công hơn. Với kì vọng duy lí các nhà đầu tư sẽ tính đến điều này và, kì vọng thành công, sẽ sẵn lòng đầu tư. Các khoản đầu tư này sẽ giúp xác nhận kì vọng của họ. (Lí lẽ đặc biệt này được Xinghai Fang phát triển chi tiết trong luận văn tiến sĩ của mình ở đại học Stanford).
Tập thứ hai của các lí lẽ tập trung vào sự học hỏi. Đi từ một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường có sự học hỏi cả của cá nhân và tổ chức. Các cá nhân phải học để phản ứng ra sao với các tín hiệu thị trường. Xã hội phải học các định chế nào hoạt động hiệu quả nhất, và các tổ chức phải học để thích nghi ra sao với môi trường mới. Một cách tiếp cận từ từ có thể tạo thuận lợi cho quá trình học hỏi này, vì nhiều lí do. Thứ nhất, nó loại trừ vấn đề “quá tải thông tin”. Khi quá nhiều đòi hỏi được đặt lên một hệ thống, tính hiệu quả của nó có thể bị cản trở. Nguyên lí chung quen thuộc với mọi giáo viên là: bài được trình bày trong các bước nhỏ. Cái học được hôm nay tích lại cho ngày tiếp theo. Thực vậy có thể là không thể giải (hoặc ít nhất giải dễ dàng) các vấn đề ở các giai đoạn sau mà không đầu tiên đi qua các giai đoạn trước. Điều này được vấn đề định giá minh hoạ. Trong những ngày ban đầu của chuyển đổi ở Trung Quốc, đã có rất nhiều tranh luận về làm sao biết được các giá đúng đắn. Họ nhận ra rằng họ đối mặt với vấn đề cân bằng tổng thể khổng lồ. Họ đã biết rằng giá cả của nhiều mặt hàng của họ (bao gồm các sản phẩm nguyên khai, như than) là xa cân bằng. Họ đã –theo đánh giá của tôi, có các lí do chính đáng- ít tin rằng các mô hình cân bằng tổng quát có thể tính được sẽ giúp được nhiều. Họ đưa ra hệ thống hai giá. Sản phẩm vượt hạn ngạch cơ bản được mang bán trên thị trường. Giá thứ nhất vẫn do chính phủ qui định. Loại giá thứ hai linh hoạt. Nó bắt đầu cung cấp các tín hiệu tốt liên quan đến sự khan hiếm. Chúng hoạt động tại biên, nhưng đã không có sự phân bổ sai khổng lồ cái đã có thể xảy ra giả như tất cả giá đã được tự do hoá ngay tức khắc. (Có nhiều tài liệu nghiên cứu trong lí thuyết cân bằng tổng thể nghi ngờ tính ổn định của biến động giá hướng tới cân bằng. Các lí do lí thuyết này có lẽ đã củng cố các quan điểm thực tiễn nghi ngờ một cải cách đột ngột như vậy). Nhưng giá cả bên lề đã cung cấp thông tin cho phép tiến hành cải cách nữa về giá, đến một điểm mà trong vài năm hệ thống hai giá được thay thế một cách hữu hiệu bằng một hệ thống một giá linh hoạt.
Thứ hai, chuyển đổi từ từ loại bỏ tổn thất về thông tin xảy ra khi phá huỷ các tổ chức, cái không thể tránh khỏi xảy ra khi có sự biến đổi đột ngột và nhanh. Sự tiến hoá, nhìn từ khía cạnh này, là ưu việt hơn cách mạng. Như vậy các tổ chức biểu hiện thông tin về những năng lực tương đối của các cá nhân khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Dẫu cho trong quá trình chuyển đổi các nhiệm vụ được phân có thể thay đổi, thông tin ở một giai đoạn vẫn có thể có tính thoả đáng cho các giai đoạn kế tiếp. Là tốt hơn để có thông tin
nào đó hơn là tiến hành
ab initio (ngay từ đầu). Các lí lẽ không có nghĩa chúng là dứt khoát,
[10] chỉ để gợi ý rằng các lí lẽ kinh tế có thể được sử dụng vào vấn đề về tốc độ chuyển đổi, tuy chúng dường như đã không được dùng một cách rộng rãi.
Kéo dài bình đẳng
Các nền kinh tế nguyên xã hội chủ nghĩa có lẽ ở một vị thế duy nhất để có khả năng đạt được một mức độ bình đẳng về sở hữu của cải đã không đạt được, và có lẽ không thể đạt được, trong các nền kinh tế thị trường khác. Mục tiêu thường được nhắc tới của một “chủ nghĩa tư bản nhân dân” có thể thật sự trong tầm với của họ, theo một cách mà hầu hết các nước khác không thể thậm chí tiến tới một cách xa vời, do sự tập trung của cải của họ. Các nước nguyên xã hội chủ nghĩa không được để mất cơ hội này: Sự tổn thất về cải cách “của cải” đã được làm rồi; bây giờ không phải là dịp để mất các lợi thế mà một cải cách như vậy có thể mang lại. (Trong thảo luận ở trước tôi đã lập luận chống luận điểm rằng có thể tách các mối quan tâm bình đẳng và hiệu quả; và ủng hộ các lợi thế đi kèm với sự phân bố bình đẳng hơn về của cải).
Từ viễn cảnh thuần tuý chính trị, tính chính đáng dài hạn của các chính phủ dân chủ, tôi nghi, sẽ được tăng cường nếu họ có thể thành công trong duy trì một sự phân bố của cải bình quân hơn.
Thế nhưng tư nhân hoá tự phát cái đã xảy ra và của cải tư nhân do các nghiệp chủ tạo ra, những người đã lợi dụng những cơ hội khổng lồ về lợi nhuận chênh lệch giá đặc trưng cho nhiều nền kinh tế chuyển đổi, đã tạo ra các nhóm người giàu có rồi, cái làm cho nhiệm vụ đạt chủ nghĩa tư bản bình đẳng trở nên rất khó khăn.
Có một số vấn đề khó về tư nhân hoá đất đai, vốn công nghiệp, và nhà ở theo một cách công bằng. Nhưng sự thực là khó không có nghĩa là không được thử. Quay lại với các quyền trước đây về đất đai tại một thời điểm cụ thể nào đó – các quyền thường đã tồn tại trừ một giai đoạn lịch sử ngắn- như nhiều nước dường như đang tiến hành, là khó biện minh được vì lí do hoặc bình đẳng hoặc hiệu quả. Không thể xoá đi những nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa cộng sản bằng cách quay lịch sử lại: Nhiệm vụ là tận dụng các lợi thế của bất kể cái gì đã được làm, bất luận nó có thể đã sai lạc. Đã có tái phân phối của cải hàng loạt. Đó có thể đã là một sai lầm. Thách thức là phải tóm lấy cơ hội mà nó hiện nay cung cấp để xây dựng một xã hội bình đẳng hơn.
Dân chủ và tiến bộ kinh tế
Các thảo luận giáo khoa trước đây thường thấy tiến bộ nhanh và dân chủ như mâu thuẫn nhau. Các chính phủ trong thời chiến hầu như đều dùng đến điều khiển trực tiếp nhiều hơn, và hạn chế các thị trường. Họ dường như tin hoặc rằng thị trường là thứ xa xỉ không thể xài được trong thời kì khẩn cấp hoặc rằng thị trường không tốt như cơ chế để thích nghi với hoàn cảnh mới- cả hai phê phán nguyền rủa thị trường. Ở trước tôi đã cố chứng tỏ rằng lòng tin này vào nhà chức trách tập trung có thể để không đúng chỗ.
Các chính phủ chuyên chế có thể là tốt cho kiềm chế tiêu dùng, nhưng chúng xem ra không có bất kể đức hạnh nào trong thúc đẩy hiệu quả kinh tế. Ở mức độ lớn, tỉ suất tiết kiệm cao đơn giản dùng để bù cho sự phi hiệu quả nghiêm trọng. Một lúc các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã tăng trưởng nhanh hơn (nếu có thể dựa vào số liệu thống kê của họ), nhưng chỉ hiếm thôi. Những bất lợi của quyền tự do hạn chế trở nên đặc biệt quan trọng khi một nền kinh tế phát triển đến các giai đoạn mà việc ra quyết định cá nhân lớn hơn phải xảy ra. Loại giao thiệp tự do cần cho trao đổi sản phẩm và các ý tưởng liên quan đến thị trường chỉ có thể bị cản trở bởi các chế độ hạn chế các dạng khác của giao tiếp xã hội.
[11]
Nêu vấn đề một cách đúng đắn
Lời khuyên cuối cùng là, “nêu vấn đề một cách đúng đắn”. Đừng nhìn vấn đề về “thị trường” đối lại với “chính phủ”, mà là sự cân đối phù hợp giữa thị trường và chính phủ, với khả năng của nhiều dạng trung gian của tổ chức kinh tế (bao gồm cả các tổ chức dựa trên chính phủ địa phương, hợp tác xã, v.v.).
Thông tin không hoàn hảo và đắt đỏ, các thị trường vốn không hoàn hảo, cạnh tranh không hoàn hảo: Đây là những thực tế của các nền kinh tế thị trường- các khía cạnh phải được các nước tiến hành lựa chọn hệ thống kinh tế tính đến. Sự thực rằng cạnh tranh là không hoàn hảo hoặc các thị trường vốn là không hoàn hảo không có nghĩa rằng không nên chấp nhận hệ thống thị trường. Cái nó thật có nghĩa là trong sự lựa chọn của họ, họ không nên lầm lẫn bởi các định lí và các ý thức hệ dựa trên một mô hình không thoả đáng về kinh tế thị trường. Quan trọng nhất, nó có nghĩa rằng trong quyết định về hình thức của nền kinh tế thị trường nào mà họ có thể chấp nhận, bao gồm vai trò nào mà chính phủ nên đóng, họ cần nhớ các nền kinh tế thị trường thực tế hoạt động ra sao, chứ không phải hệ thuyết cạnh tranh hoàn hảo hoàn toàn không thoả đáng.
© 2005 talawas
[1]Điều này được đưa ra một cách mạnh mẽ nhất trong một bài báo trước đây của Weitzman (1974), đưa ra các điều kiện trong đó các hạn nghạch áp đảo giá cả. Dasgupta and Stiglitz (1977) tương tự đã chứng tỏ, trong bối cảnh hoàn toàn khác của thương mại quốc tế, rằng hạn ngạch có thể áp đảo giá cả (thuế quan).
[2]Đây đã là lực đẩy của định lí căn bản về không thể phi tập trung hoá của nền kinh tế được thảo luận ở các chương 3 và 4. Ở đó chúng ta lưu ý rằng các tác động ngoại sinh ngụ ý sự đáng mong mỏi của can thiệp nhà nước. (Trong một số trường hợp các tác động goại sinh có thể được nội bộ hoá. Điều này tạo lí do cơ bản cho sự liên kết của các thị trường tín dụng, đất đai, và sản phẩm được quan sát ở các nước kém phát triển, như Braverman và Stiglitz 1982, 1986, đã quan sát thấy). Ngoài điểm này, các vấn đề thông tin cho thêm hai lí do vì sao phi tập trung hoá có thể không hoạt động. Thứ nhất, định lí phúc lợi thứ hai đòi hỏi tính lồi, trong khi các vấn đề thông tin nói chung, và hiểm hoạ đạo đức nói riêng, gây ra tính không lồi (xem Arnott and Stiglitz 1988). Thứ hai, với sự hiện diện của các vấn đề thông tin (đặc biệt các vấn đề hiểm hoạ đạo đức), trợ cấp chéo là đáng mong mỏi; tức là, phúc lợi tăng lên bằng cách đánh thuế đầu ra ở một khu vực để trợ cấp khu vực khác (xem Arnott and Stiglitz 1989).
[3]Một thời đã hi vọng rằng có thể tìm thấy một tập các điều kiện dưới đó, thí dụ một tập các định lí, tương ứng với các định lí căn bản của kinh tế học phúc lợi, có thể được thiết lập cho các hàng hoá công cộng địa phương do các cộng đồng khác nhau cung cấp một cách cạnh tranh. Cạnh tranh giữa các cộng đồng sẽ luôn có hiệu quả Pareto, và bất kể phân bổ có hiệu quả Pareto nào của các hàng hoá công cộng địa phương có thể cung cấp bởi các cộng đồng cạnh tranh. Trong một loạt bài báo (Stiglitz 1977a, 1983a, 1983b) tôi đã chứng minh rằng các điều kiện dưới đó các định lí như vậy có thể được thiết lập là ngặt nghèo hơn nhiều so với các điều kiện của các định lí phúc lợi chuẩn. Giả như các điều kiện đó được thoả mãn, ta có thể đưa ra các tiên đoán nhất định về hình mẫu và cấu thành của biểu quyết của cộng đồng, các tiên đoán dễ bị bẻ lại. Tuy nhiên, những thấu hiểu cơ bản của Tiebout về tính hữu dụng của các cộng đồng địa phương và vai trò của cạnh tranh giữa các cộng đồng, tôi tin, vẫn còn có giá trị.
[4]Formosa Plastics, công ti đã lớn mạnh thành một trong những nhà sản xuất lớn trên thế giới, là một thí dụ.
[5]Lập luận chuẩn phản đối lí lẽ ngành công nghiệp non trẻ (khác những cái dựa vào chính trị kinh tế học- là sự bất lực của chính phủ để phân biệt trong thực tiễn giữa các ngành thực sự đáng và các ngành không đáng bảo hộ) thường bỏ qua sự thực rằng các vấn đề thông tin làm cơ sở cho các lí lẽ công nghiệp non trẻ là các cân bằng thị trường, nhìn chung, sẽ không có hiệu quả Pareto (ràng buộc); sự bất hoàn hảo của các thị trường vốn, mà tôi đã thảo luận ở trên, ngụ ý rằng các hãng có thể không có khả năng vay vốn cần thiết nếu họ phải có các kĩ năng cần thiết để cạnh tranh một cách có hiệu quả. Xem Dasgupta and Stiglitz (1988b).
[6]Các chính phủ có thể tiến hành bảo hộ và đồng thời cổ vũ cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước. Nhiều người gợi ý rằng thị trường ôtô Nhật đã được bảo hộ một cách hữu hiệu, nhưng cạnh tranh giữa các hãng ôtô đã rất dữ dội.
[7]Xem chương 10 về thảo luận sâu rộng hơn của vấn đề tư nhân hoá.
[8]Và cho đến ngày nay 2003.
[9]Ngay trong những ngày khởi đầu của cải cách, tôi đã tham gia trong các cuộc thảo luận với các nhà kinh tế Trung Quốc những người quan tâm về làm sao có thể lần ra giá cả cân bằng. Họ đã biết giá mà họ có đã là sai, nhưng giải các mô hình cân bằng chung cần thiết có thể tính toán được đã tỏ ra không khả thi, và thông tin mà nó có thể cho, căn cứ vào tất cả các giả thiết mạnh được đưa vào mô hình, có thể sẽ có giá trị hạn chế.
[10]Một phép tương tự có thể làm rõ những sự mập mờ. Trong xây lại nhà, hai phương pháp thường được so sánh. Đôi khi được gợi ý rằng có ý nghĩa hơn khi đơn giản phá nhà cũ đi và xây mới từ đầu. Lúc khác lại được gợi ý rằng hay hơn đi phục chế lại một phần của căn nhà, sau đó đến phần khác, dần dần chuyển sang toàn bộ cấu trúc, cho đến cuối cùng, chẳng còn mấy dấu tích căn nhà ban đầu. Đây là phương pháp nhìn chung được ưa thích khi ta cần dùng kết cấu ấy – ta không thể làm mà không có nó cho một thời gian dài đòi hỏi ở kịch bản đầu tiên.
[11]Drèze and Sen (1989) đã nhấn mạnh vai trò của dân chủ trong áp đặt các ràng buộc chính trị ngăn cản sự xuất hiện của các nạn đói có độ lớn như các nạn đói ở Trung Quốc thời Mao.