© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
12.8.2006
Nguyễn Kiến Giang
Vấn đề con người và chủ nghĩa nhân văn mới
 1   2 
 
7.

Vấn đề là thế này: khi chống chọi và khắc phục những thế lực đè nén và kìm hãm con người là Giáo hội và quyền lực chính trị chuyên chế, nghĩa là khi những lực lượng xã hội đòi hỏi lại tính người cho con người, chống lại những lực lượng xã hội làm con người bị mất tính người thì những lý tưởng chung nhất của con người cũng như những phương thức chung nhất để tổ chức lại xã hội theo hướng đảm bảo các quyền thiên nhiên của con người đã được sự nhất trí, sự thỏa thuận của đại đa số những người bị áp bức và cả một bộ phận của các tầng lớp thống trị chuyển sang phía chân lý của số đông. Sự nhất trí, sự thỏa thuận ấy của họ biểu hiện rõ nhất trong các cuộc cách mạng chống phong kiến, chống ngu dân. Trong thực tế, cái “sống động” ấy là một tập hợp rất đa dạng gồm những tầng lớp, những cá nhân có lợi ích và xu hướng khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Như đã thấy, trong cái gọi là “đẳng cấp thứ ba” (ngoài đẳng cấp quý tộc và đẳng cấp tăng lữ ra) có cả người giàu và người nghèo, cả người tư sản lẫn người vô sản, v.v… Những đám đông nghèo khổ rất hăng hái tham gia vào các cuộc đấu tranh và cách mạng chống phong kiến và Giáo hội nhưng họ không phải và cũng không thể là những lực lượng lãnh đạo. Quyền lãnh đạo thuộc về các giới có của và có học, nghĩa là thuộc về những tầng lớp tư sản. Thành thử ra, những thành quả của các cuộc đấu tranh và cách mạng ấy đã lọt vào tay của các tầng lớp tư sản bây giờ trở thành một lực lượng thống trị mới. Những lý tưởng đẹp đẽ của các cuộc cách mạng chỉ được thực hiện đối với lực lượng thống trị mới này. Và nếu trước kia, sự phân hóa giàu nghèo trong “đẳng cấp thứ ba”, trong các tầng lớp bình dân đã diễn ra khá mạnh rồi thì bây giờ, sau khi các tầng lớp tư sản nắm lấy quyền thống trị xã hội, sự phân hóa ấy diễn ra còn mạnh mẽ hơn nhiều. Ðối với các tầng lớp nghèo khổ, những lý tưởng mà họ đeo đuổi trong cách mạng trở thành con số không. Vì thế đã xẩy ra một nghịch lý mà chính F. Engels nêu lên: một mặt, những nhân vật vĩ đại từ thời Phục hưng đến thời Khai sáng là những người không đại diện cho lợi ích riêng của giai cấp nào hết mà đó là những con người toàn vẹn, mang những giá trị chung của con người. Mặt khác, khi thực hiện những lý tưởng, những nguyên tắc do họ đề xướng thì hóa ra chỉ có giai cấp tư sản là được hưởng lợi. Từ đó, có sự đồng nhất giữa những lý tưởng chung của con người với những lợi ích riêng của giai cấp tư sản, như cách nói của F. Engels: “Ngày nay, chúng ta biết rằng thời đại của lý tính ấy không phải là cái gì khác mà chính là thời đại lý tưởng hóa của giai cấp tư sản; rằng chính nghĩa vĩnh cửu đã được thực hiện trong pháp luật của giai cấp tư sản; rằng bình đẳng rút cục chỉ là bình đẳng tư sản trước pháp luật; rằng quyền sở hữu tư sản được tuyên bố là một trong những nhân quyền căn bản nhất; rằng nhà nước của lý tính, tức là “Công ước xã hội” của Rousseau trong thực tế đã thành ra và chỉ có thể thành ra nước cộng hòa dân chủ tư sản” (Từ chủ nghĩa xã hội không tưởng đến chủ nghĩa xã hội khoa học). Không còn những giá trị chung của con người nữa, tất cả chỉ còn là những giá trị tư sản! Phải chăng đó là khởi đầu của một ngộ nhận lịch sử lớn mà ngày nay chúng ta đang phải trả giá rất đắt?

Không nghi ngờ gì hết, đúng là trong xã hội có giai cấp, có đấu tranh giai cấp thì nhất thiết có những quan điểm, những lý tưởng, những nguyên lý có tính giai cấp. Trong lịch sử loài người, có giai cấp và đấu tranh giai cấp - điều đó không phải là “phát hiện” riêng của Marx như chính ông thừa nhận. Nhiều tác giả khác trước Marx đã nói tới điều đó. Nhưng làm thế nào để tránh được sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp, làm thế nào để xóa bỏ giàu nghèo, bóc lột và bị bóc lột (là những điều quá hiển nhiên) - đó chính là câu hỏi từng tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ. Ðể xóa bỏ tình trạng phân chia xã hội ấy, người ta đi tìm nguyên nhân sâu xa của nó và nguyên nhân ấy đã được tìm ra. Đó chính là của riêng, tức chế độ tư hữu. Chế độ tư hữu tạo ra những tài sản riêng, có người chiếm được nó và có người không chiếm được nó. Người chiếm được trở thành người có của, người không chiếm được trở thành người bần cùng. Những nghiên cứu về xã hội nguyên thủy với các cộng đồng người dựa vào tài sản chung, sở hữu chung và về sự phân hóa của nó thành giai cấp càng củng cố thêm niềm tin chắc vào điều này. Mọi mơ ước xưa nay về mặt xã hội bình đẳng, công bằng, về thực chất, đều là ý muốn trở về với các cộng đồng nguyên thủy với sở hữu chung, hoặc đúng hơn, với tình trạng không có chế độ tư hữu, tất nhiên, ở một trình độ văn minh hơn, chứ không phải là sự trở lại về thời “ăn lông ở lỗ”. Con quái vật “tư hữu” đã được tìm ra. Cùng với nó là tất cả những gì do nó đẻ ra: tiền tệ, hàng hóa và trao đổi hàng hóa… Sự căm thù chế độ tư hữu gẵn liền với sự căm thù đồng tiền; đồng tiền trở thành biểu tượng của mọi xấu xa. Văn chương nhiều thời đại lên án đồng tiền. Những câu thơ của Shakespeare về tội lỗi của đồng tiền được truyền tụng như những chân lý cuối cùng và chính Marx, trong những bản thảo đầu tay của mình, khi nói về sự tha hóa của con người, cũng trang trọng dẫn ra những câu thơ Shakespeare ấy, kèm theo nhận xét “Shakespeare miêu tả hoàn toàn đúng bản chất của tiền” [1] . Tiếp theo Shakespeare là Goethe, là nhiều người khác nữa. So với những sự lên án ấy, mấy câu thơ của Nguyễn Du nói về đồng tiền trong Truyện Kiều hãy còn quá nhẹ!

Không có gì khó hiểu khi thấy tất cả các trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ cổ đại đến hiện đại đều có một mẫu số chung: xóa bỏ chế độ tư hữu. Và nếu như trước cách mạng Pháp thế kỷ XVIII, đó mới chỉ là những giấc mơ (hòn đảo không tưởng của Thomas More, chẳng hạn), chỉ là những tư tưởng và hành động tự phát, bột phát của một đám người nghèo khổ nào đó thì sau đó, từ thế kỷ XIX trở đi nó mang hình thức lý luận khá rõ, đặc biệt với Fourrier và Saint-Simon ở Pháp, với Owen ở Anh (với ông, có thêm cả những tổ chức hợp tác xã xã hội chủ nghĩa nữa). Trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội phát triển từ không tưởng đến khoa học, F. Engels đã mô tả và phân tích không thể nào hay hơn về những nhà tư tưởng được coi là tiêu biểu cho chủ nghĩa xã hội không tưởng này. F.-Engels nhận định chung về thứ chủ nghĩa xã hội ấy như sau: “Một lý luận chưa thành thục thích ứng với một nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa thành thục, với những quan hệ giai cấp chưa thành thục. Phương pháp giải quyết những vấn đề xã hội còn bị che giấu trong quan hệ kinh tế chưa phát triển, cho nên nó không thể không phát minh, không sáng tạo ra bằng đầu óc… Ðiều cần thiết là phải phát minh ra một hệ thống xã hội mới hoàn thiện hơn, đồng thời dùng tuyên truyền và nếu có thể được, thì dùng những thí nghiệm kiểu mẫu để gán hệ thống ấy từ bên ngoài vào xã hội hiện có, bắt xã hội hiện có phải theo. Những hệ thống xã hội mới ấy ngay từ đầu đã không thể không rơi vào không tưởng; càng được quy định tỉ mỉ bao nhiêu, nó càng rơi vào ảo tưởng thuần túy bấy nhiêu”. Sở dĩ chúng tôi trích khá dài đoạn này vì như sau này sẽ thấy, tính không tưởng ấy lại rơi đúng vào “chủ nghĩa xã hội khoa học” với những lý do dễ hiểu của nó.

Tiếp tục trào lưu này, Marx có lẽ là người đi xa hơn cả trong việc lên án chế độ tư hữu với những tư tưởng của ông về sự tha hóa của con người. Phải nói rằng, ngày nay đọc lại những trang bản thảo của Mác viết trong những năm 1844, lúc ông mới 26 tuổi, chúng ta vẫn còn cảm thấy tất cả sự sâu sắc khi ông phê phán chế độ tư hữu. Tiền đề lý luận của ông là “sự kiện kinh tế hiện nay” với sự chia thành “hai giai cấp - những người sở hữunhững công nhân không có sở hữu”.

Do không có sở hữu, người công nhân sản xuất càng nhiều của cải thì anh ta lại càng nghèo. Sản phẩm lao động của anh ta đối lập với lao động của anh ta như một tồn tại xa lạ, dẫn đến kết quả là sự tha hóa của anh ta về hai mặt: sản phẩm của anh ta trở thành một tồn tại nằm bên ngoài anh ta và lao động của anh ta cũng vậy, nó chống lại anh ta như một đời sống đối địch và xa lạ. Và khi sản phẩm cũng như lao động của anh ta trở thành xa lạ đối với anh ta thì bản chất con người cũng biến thành một bản chất xa lạ đối với anh ta: “con người bị làm cho trở thành xa lạ với con người”, hay nói cách khác, con người bị đánh mất đi tính người. Marx đi đến kết luận: lao động bị tha hóa (đời sống bị tha hóa) là kết quả sự vận động của sở hữu tư nhân. Lô gíc ấy đưa Marx tới quan niệm về sự giải phóng công nhân chính là sự giải phóng khỏi sở hữu tư nhân và vì sự giải phóng của họ bao hàm sự giải phóng toàn diện của con người nên việc xóa bỏ sở hữu tư nhân gắn liền với sự giải phóng con người, loài người. (Tất cả những ý trên đây, chúng tôi tóm tắt và trích từ Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 của K. Marx, in trong Tuyển tập Mác - Ăng-ghen, Sự thật, 1980).

Chân lý đã được tìm ra: muốn giải phóng con người, phải thiết lập một chế độ xã hội trong đó không có chế độ tư hữu. Chế độ ấy là chủ nghĩa cộng sản. Vì thế, như Marx nói trong Tuyên ngôn Ðảng cộng sản: “Theo ý nghĩa đó, những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”. Nhưng xóa bỏ bằng cách nào? Cũng chính Mác trả lời trong tuyên ngôn đó: “ Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị của mình để từng bước đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất lên”. Sự đoạn tuyệt về mặt lịch sử ở đây thật quyết liệt: “Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng cổ truyền”.

Như vậy là K. Marx đã kế thừa và phát triển đến trình độ cao nhất trào lưu xã hội chủ nghĩa trong loài người. Nhưng điều làm cho tên tuổi của ông và học thuyết của ông trở thành nổi tiếng nhất và được đông đảo người nghe theo không phải là ở sự kế thừa ấy, mà là ở chỗ ông biến học thuyết xã hội chủ nghĩa từ không tưởng thành khoa học. Chủ nghĩa xã hội khoa học được coi chủ nghĩa xã hội đúng đắn nhất, hay duy nhất đúng. Cái gì làm cho nó trở thành khoa học? Theo F. Engels giải thích, đó là nhờ hai phát hiện vĩ đại của Marx: quan niệm duy vật về lịch sử và việc dùng giá trị thặng dư để bóc trần bí mật của sản xuất của tư bản chủ nghĩa. “Nhờ hai phát hiện ấy nên chủ nghĩa xã hội đã thành ra khoa học”, F. Engels khẳng định. Hai phát hiện ấy có chung một điểm hội tụ: giai cấp công nhân với tư cách một lực lượng xã hội có sứ mệnh lịch sử xóa bỏ sự bóc lột tư bản chủ nghĩa, do đó xóa bỏ luôn mọi áp bức bóc lột trong xã hội, xóa bỏ chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ luôn chế độ tư hữu, thiết lập sự thống trị của giai cấp mình, thiết lập chế độ công hữu, mở đường giải phóng triệt để giai cấp mình và giải phóng luôn cả loài người. Ðó chính là chủ nghĩa nhân văn vô sản, cũng được coi là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn nói chung. Nếu chủ nghĩa nhân văn trước Marx là một thứ chủ nghĩa nhân văn trừu tượng (theo lời Marx), thì đến Marx, nó đã trở thành chủ nghĩa nhân văn hiện thực, được hiểu như một thứ chủ nghĩa nhân văn có phương tiện vật chất để được thực hiện: giai cấp công nhân gắn liền với đại công nghiệp.

Nhưng không nên hiểu rằng chủ nghĩa nhân văn của Marx chỉ giới hạn trong tính chất xã hội học như vừa mới trình bày. nó còn mang tính triết học sâu sắc, xuất phát từ những nghiên cứu triết học về con người. Trong cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” (Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1988), giáo sư Trần Ðức Thảo đã trình bày khá đầy đủ và nhất là khá trung thành những quan điểm triết học của Marx về con người. Ở đây, chỉ xin nêu lên những luận điểm chính do tác giả khái quát dưới dạng vắn tắt nhất:

  1. “Bản chất con người là toàn diện những quan hệ xã hội” (Luận cương VI về Feuerbach, từ “toàn diện” ở đây theo chúng tôi nên dịch là “tập hợp” (ensemble trong tiếng Pháp, sovokupnost trong tiếng Nga). Nó bao trùm các khả năng sinh vật nhưng phải thông qua các quan hệ xã hội để hình thành. Nghĩa là: các quan hệ xã hội mới là bản chất của con người, còn các quy luật sinh vật học là nền tảng của bản chất ấy.

  2. Cái cơ bản chung của con người, tức là cái bản tính cộng sản nguyên thủy của con người, là bản chất hàng hai, nó là nền tảng của cái bản tính giai cấp của con người, tức bản chất hàng một của nó. “… Trong con người đã tham gia quan hệ giai cấp, cái tính giai cấp là biểu hiện trước mắt và đi sâu thấm nhuần toàn thể giai cấp. Nhưng ở dưới tính giai cấp vẫn có tính người… Ðấy là cái “bản chất hàng hai” của con người, nó có trước và lắng xuống ở dưới cái bản chất hàng một, tức là tính giai cấp” (Sách đã dẫn, tr. 86-87).

  3. “Cái tính người như thế bị ức chế, tức là tha hóa do những quan hệ bóc lột và bị bóc lột. Trong giai cấp bóc lột, cái tính người trên thực tế không còn hoạt động nữa, nhưng nó còn giữ được một tồn tại bề ngoài. Trái lại, trong quần chúng lao động bị bóc lột thì tình trạng tha hóa đi đến chỗ con người trong thực tế xã hội ngày càng mất cả cái bề ngoài của tính người. Do đấy thì cái tính người, vẫn duy trì trong chủ quan, lại nổi dậy và phát triển trong đấu tranh cách mạng của giai cấp lao động” (Sách đã dẫn, tr. 93).
Có thể dẫn ra thêm một số điểm khác nữa trong sự trình bày của tác giả. Thật ra, Marx còn bàn rất sâu về những điểm cũng rất căn bản khác, nhất là mối quan hệ giữa thực thể tự nhiên và thực thể tộc loại của con người, về mối quan hệ giữa chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa cộng sản, v.v… Nhưng ở đâu, chúng ta cũng thấy Marx gắn triển vọng giải phóng con người với việc xóa bỏ chế độ tư hữu. Từ những bản thảo viết từ thời trẻ đến những trang viết lúc đã luống tuổi, cái mô-típ ấy luôn luôn xuất hiện. Hồi còn trẻ, ông quan niệm rằng chủ nghĩa cộng sản là “chủ nghĩa nhân đạo được môi giới với bản thân mình bằng con đường tước bỏ chế độ tư hữu. Chỉ bằng con đường tước bỏ sự môi giới đó… mới sinh ra chủ nghĩa nhân đạo tích cực bắt đầu một cách tích cực từ bản thân mình” (Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844). Cho dù về sau có đi tới những sự phát triển như thế nào đi chăng nữa, đó vẫn là mô-típ chủ đạo của Marx.

Như đã thấy, đúng là chủ nghĩa nhân văn ở Marx đi xa hơn nhiều chủ nghĩa nhân văn ở những nhà tư tưởng thời Phục hưng và thời Khai sáng. Với Marx, như chính ông đã nói và ở đây xin nhắc lại, chủ nghĩa nhân văn chuyển từ trạng thái trừu tượng sang trạng thái cụ thể, cũng như chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học vậy. Nhưng đó là một biến đổi nằm ngay trong khuôn khổ của thứ chủ nghĩa nhân văn mà chúng tôi gọi là “cổ điển”. Ðặc trưng chủ yếu của chủ nghĩa nhân văn cổ điển là sự suy tôn con người, là sự khôi phục lại con người (hay tính người), và con người bao giờ cũng được coi là tốt đẹp (con người chí thiện). Con người phải được đặt vào trung tâm thế giới, phải được đặt lên ngôi cao nhất (con người chí tôn). Con người từ trong bản chất đầu tiên của nó (“bản chất hàng hai”) là con người như vậy. Nhưng nó hư hỏng đi, bị thoái hóa đi do những nguyên nhân bên ngoài (sự thống trị của Thượng đế và của chính quyền chuyên chế, hay sự phân chia xã hội thành giai cấp với sự hình thành và phát triển của chế độ tư hữu, thì cũng vậy). Hoàn cảnh bên ngoài làm cho con người hư hỏng và thoái hóa, chỉ cần cải tạo hoàn cảnh bên ngoài ấy (gạt bỏ Thượng đế hay sự chuyên chế, hay xóa bỏ chế độ tư hữu, thì cũng vậy), thế là con người sẽ lại tốt đẹp, sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Cuộc chiến đấu giải phóng con người, (hay cuộc chiến đấu tự giải phóng của nó) là cuộc chiến đấu với những hoàn cảnh bên ngoài với những trở lực bên ngoài bản thân nó, tóm lại, là cuộc chiến đấu để thay đổi, cải tạo hoàn cảnh bên ngoài.

Xét theo chiều sâu nhận thức triết học, chủ nghĩa nhân văn cổ điển đặt con người vào những mối quan hệ với những đối tượng ở bên ngoài bản thân nó, những mối quan hệ giữa nó và đối tượng ấy (kể cả các giai cấp bóc lột và thống trị). Nói cách khác, con người được nhìn nhận từ bên ngoài, trong mối quan hệ của nó với những đối tượng khác. Ðó chính là những chỗ mạnh của chủ nghĩa nhân văn cổ điển, đồng thời cũng lại là những chỗ yếu của nó. Những thành tựu về tư duy khoa học, cũng như những thực tiễn xã hội trong mấy thế kỷ liền (từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX), đã cho phép và chỉ cho phép hiểu được như thế.


8.

Ðiều may mắn của lịch sử loài người là học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học đã được thực hiện ở một bộ phận to lớn của thế giới trong thế kỷ chúng ta. (Hai chữ “may mắn” ở đây được dùng theo cả hai ý nghĩa tích cực và tiêu cực).

Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917 mở đường cho việc thiết lập chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, sau đó ở một loạt các nước châu Âu, châu Á và châu Mỹ La tinh, chưa nói tới nhiều nước khác cũng quyết định đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội từ những quan niệm lý luận trở thành những hiện thực thực tiễn. Ngày nay, chúng ta đọc thấy vô số những bài báo, những cuốn sách ở khắp nơi trên thế giới nói tới sự phá sản của chủ nghĩa xã hội, hay ít ra cũng nói tới sự khủng hoảng sâu sắc và toàn diện của nó. Người ta phê phán Stalin vì những tội lỗi to lớn của ông và dùng Marx, Engels, nhất là Lenin làm chỗ dựa cho những biện luận của mình. Nhưng rồi cả Lenin, Marx và Engels cũng không tránh được sự phê phán như những nhà tư tưởng khai sinh cho một học thuyết sai lầm. Ðối lập với những tiếng nói phê phán ấy, nổi lên những tiếng nói bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin, bảo vệ chủ nghĩa xã hội khoa học với những mức độ triệt để khác nhau. Một bức tranh hỗn loạn chưa từng thấy ngay trong hàng ngũ những người cộng sản, những người mác-xít.

Ở đây, chúng tôi không có ý định phân tích toàn bộ quá trình phát triển của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Chắc chắn đó là một công việc vô cùng cần thiết và đang được tiến hành từ những cách tiếp cận khác nhau. Ở đây, chúng tôi chỉ đứng về góc độ con người và sự giải phóng con người để xem xét. Có lẽ chỉ trừ những kẻ đầu cơ cách mạng ra (tiếc thay, trong lịch sử, những kẻ như vậy không hiếm!), còn thì có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng: hầu hết những người cộng sản, những người mác-xít, dù có những bất đồng nào đó về quan niệm và sách lược, đều là những người chân thành mong muốn giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng loài người theo đúng những lý tưởng đã thấm vào máu thịt của mình. Có thể nào nghi ngờ Lenin và những người tự nhận là học trò (và trong thực tế đã trở thành những học trò trung thành) của Lenin về mặt này?

Cái gì đã xảy ra với con người sau nhiều thập kỷ tồn tại của chủ nghĩa xã hội?

Hãy nhìn thẳng vào sự thật: trong thực tế, con người đã không được giải phóng, và tất cả những điều tệ hại đối với con người mà Marx từng phê phán quyết liệt như: sự nô dịch, sự tha hóa, sự triệt tiêu con người với tư cách cá nhân của nó, v.v…, đều không trừ bỏ được, trái lại, có những trường hợp còn tăng lên dưới những hình thức thậm chí tệ hại hơn. Trên con đường tự khẳng định, tự giải phóng của mình, con người sống dưới chủ nghĩa xã hội hầu như không nhích lên được những bước đáng kể nào. Chúng tôi không dài dòng chứng minh những điều này vì hàng ngày chúng ta có thể đọc thấy, nhìn thấy chúng ở xung quanh và ở ngay… bản thân mình.

Tất nhiên, không thể nói đó là tình trạng đã có từ đầu đến cuối của các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian đầu của nó, đúng là các cuộc cách mạng này (ở nơi nào thật sự có nó mà không phải là do bị áp đặt từ bên ngoài vào) đã khơi dậy những phấn khởi, những hứng thú lớn lao trong đông đảo quần chúng bị bóc lột, bị áp bức. Những người nghèo khổ không phải vô cớ hăng hái tham gia vào những tiến trình cách mạng, với nội dung chủ yếu là khơi dậy (và đã thật sự khơi được) mọi sức mạnh tinh thần của họ. Chưa bao giờ trong lịch sử lại có những biến động thu hút đông đảo quần chúng nghèo khổ đứng lên tự khẳng định, tự giải phóng như vậy. Và hoàn toàn không phải là vô cớ khi những người có thiện chí, nhất là trong giới trí thức lấy chân lý làm mục tiêu cuộc sống, đã bày tỏ niềm hân hoan của họ trước những biến đổi cách mạng chưa từng thấy ấy (chỉ cần xem Mười ngày rung chuyển thế giới của J. Reed cũng đủ thấy).

Quả thật, trong thời gian đầu của nó, chủ nghĩa xã hội có cái gì đó để tự hào. Nó đã giải quyết nạn thất nghiệp, bảo đảm về mặt xã hội cho dân cư, tiến hành công nghiệp hóa trong thời gian hết sức ngắn, chiến thắng chủ nghĩa phát xít, chinh phục không gian vũ trụ… Quả thật, trong một thời gian dài, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã phải liếc nhìn sang các nước xã hội chủ nghĩa và không khỏi giật mình khi thấy trong lòng xã hội của nó chứa đầy mâu thuẫn và khủng hoảng. Quả thật, con người sống dưới chủ nghĩa tư bản vẫn quằn quại trong những thảm cảnh của cuộc sống nằm dưới sự khống chế của một giai cấp tư sản tham lam, tàn bạo, “không văn minh”; nó không chỉ bóc lột sức lao động mà còn ném hàng loạt người vào các lò thiêu sống của những cuộc chiến tranh có quy mô chưa từng thấy trong lịch sử loài người.

Nhưng rồi tình hình đã đổi ngược lại, đặc biệt trong mấy chục năm gần đây. Con người ở các nước xã hội chủ nghĩa, tuy đời sống có khá dần lên, lại càng cảm thấy mình chưa được giải phóng, càng cảm thấy mình mất tự do hay thiếu tự do so với con người sống ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển phương Tây. (Một nhà nghiên cứu Xô viết mới đây đã đưa ra một lý giải đáng chú ý: thật ra, những tăng tiến về mức sống vật chất và văn hóa chính là cơ sở để cho mỗi con người suy nghĩ sâu hơn tới thân phận của mình. Những biến đổi xã hội, kể cả những cuộc cách mạng xã hội, đều diễn ra trong bối cảnh ấy).

Con người đâm ra bất mãn ngày càng sâu sắc với đời sống hiện thực của xã hội và của chính cá nhân mình. Người ta so sánh hiện thực ấy với những hiện thực khác. Người ta đi tìm lại những nguyên nhân của hiện thực ấy. Lịch sử bị xáo tung lên. Và người ta thấy rõ những thành tựu đã đạt được (mà không ai có thể phủ nhận) phải trả bằng những giá quá đắt, bằng mồ hôi nước mắt đã đành, nhưng còn bằng cả máu của bao nhiêu con người, nhất là bằng cái giá lớn nhất: mất tự do hay thiếu tự do. Người ta nhìn lại bản thân mình và bỗng nhiên cảm thấy mình “trần trụi” đủ mọi thứ: sở hữu - không (vì cái gọi là “sở hữu toàn dân” dưới hình thức “sở hữu nhà nước” ấy không là của ai cả, càng không phải là của những người lao động bình thường), suy nghĩ riêng - không, ý kiến riêng, quyền đi lại (kể cả đi ra nước ngoài), quyền cư trú, quyền lựa chọn những đại biểu của mình, v.v… nghĩa là những quyền con người cơ bản nhất cũng không nốt. Người ta cảm thấy rõ mình chỉ là những chiếc “đinh vít” trong một cỗ máy khổng lồ do một bàn tay siêu đẳng nào đó tự ý điều khiển theo hướng của nó. Và điều nghịch lý nhất đã hiện ra: những người lao động bình thường lẽ ra là những người phải làm chủ xã hội thì lại trở thành người làm công của nhà nước với một mức tiền công thấp hơn trong những xã hội được coi là còn duy trì chế độ người bóc lột người. Hóa ra mọi thứ chỉ là những “huyền thoại”: “giai cấp công nhân” chỉ là những người làm thuê cho nhà nước và bị trả dưới giá trị sức lao động của mình, “giai cấp nông dân tập thể” chỉ là những người làm thuê trong lĩnh vực nông nghiệp với một mức sống còn thảm hại hơn, và trong thực tế, họ đâu còn là nông dân khi họ đã bị “phi nông dân hóa”, bị đánh bật khỏi ruộng đất từ lâu? Và “tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa” cũng thế, trừ một số rất ít những người làm ở những lĩnh vực mà nhà nước cần đến những phát minh của họ để phục vụ cho việc tăng thêm sức mạnh của nhà nước, trước hết là sức mạnh quốc phòng, nói chung họ không phải làm việc bằng “chất xám” của mình mà biến thành những viên chức nhà nước thuần túy. Nỗi đau đớn nhất của họ là những cuộc “đập phá ngôi đền khoa học” được tiến hành có hệ thống từ những năm 30 với việc tiêu diệt (theo nghĩa đen) những nhà khoa học lỗi lạc và có khi cả những ngành khoa học tiên tiến (tâm lý học, xã hội học, di truyền học, điều khiển học… bị tuyên bố là những “khoa học tư sản”!). Sự khiếp sợ trở thành phổ biến (khiếp sợ bị đàn áp, khiếp sợ bị mất việc, khiếp sợ bị trù dập…) và đầu độc đời sống tinh thần của con người [2] . Con người bị đặt vào một sự tha hóa lớn, họ đánh mất bản thân mình.

Ðó là tình trạng xã hội và con người trong xã hội Xô viết được bóc trần ra trong mấy năm gần đây và đó tuyệt nhiên không phải là sự vu khống hoặc “bôi đen” của “kẻ thù”. Ðó là sự thật được đa số nhân dân Xô viết thừa nhận, trong đó có cả những người được coi là “bảo thủ”. Số người nhắm mắt trước sự thật ấy không nhiều.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa khác, con người cũng cảm thấy những tình trạng tương tự ở những mức độ khác nhau, nơi đậm hơn, nơi nhạt hơn, nhưng về thực chất là thế.

Lúc đầu, người ta tưởng rằng đó là những biến dạng, những biến chất của chủ nghĩa xã hội khoa học do Stalin gây ra. Ðiều đó là có cơ sở. Những bằng chứng được đưa ra đã tự chúng nói lên sự thật đầy đủ hơn mọi lời kết án gay gắt nhất. Stalin quá thô bạo, ông dùng bạo lực quá tràn lan, quá tàn nhẫn. Stalin quá chủ quan, quá duy ý chí, v.v…

Cách lý giải ấy dần dần tỏ ra không đủ. Vì, một là không phải ở đâu cũng áp dụng những phương pháp bạo lực ghê gớm như ở Liên Xô dưới thời Stalin; hai là, hàng chục năm sau khi Stalin mất, khi những hậu quả của tệ sùng bái cá nhân Stalin đã được khắc phục ở những mức độ khác nhau, có nơi đạt tới mức khá triệt để (như ở Hung ga ri, và Ba Lan), con người dưới chủ nghĩa xã hội cũng không vì thế mà được sống trong những điều kiện có tính người hơn.

Người ta lại lần tới một nguyên nhân nằm ở chiều sâu hơn: mô hình “chủ nghĩa xã hội nhà nước”. Và dần dần, có thể thấy rõ những xã hội gọi là xã hội chủ nghĩa đã đi chệch khỏi con đường lớn của nền văn minh loài người. Ðáng lẽ đó là một xã hội công dân phát triển hơn thì ngược lại, đó lại là một “xã hội chính trị” do một bộ máy Đảng - Nhà nước thâu tóm; đáng lẽ kinh tế thị trường được tổ chức và điều tiết một cách hợp lý hơn thì thay vào đó, lại là một “nền kinh tế có kế hoạch” từ tư liệu sản xuất đến tư liệu tiêu dùng thông thường; đáng lẽ nhà nước pháp quyền bảo đảm vai trò của chủ thể của mọi công dân và tất cả đều phải tuân theo pháp luật một cách bình đẳng thì thực chất đấy lại là một nhà nước chuyên chính “không bị giới hạn bởi bất cứ một pháp luật nào”; đáng lẽ là một chế độ dân chủ đại nghị bảo đảm sự tôn trọng và phối hợp lợi ích của các lực lượng và xu hướng xã hội khác nhau thì trên thực tế, chỉ tồn tại một “chế độ dân chủ” được ban phát từ trên xuống và các cơ quan đại diện đều biến thành hình thức. Nói cách khác, đáng lẽ con người được phát triển theo hướng “cá nhân phát triển tự do” thì rốt cục, chính cá nhân con người bị triệt tiêu. Sự giải phóng con người biến thành sự nô dịch con người dưới một hình thức khác.

Tất cả những thành tựu của con người trên con đường tự khẳng định, tự giải phóng như xã hội công dân, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, v.v… đều bị tuyên bố là trái với chủ nghĩa xã hội, bị đồng nhất với sự thống trị của giai cấp tư sản, với chủ nghĩa tư bản. Nhân danh một “lập trường giai cấp” nào đó, một “hệ tư tưởng có tính giai cấp triệt để” nào đó - bởi vì từ nay, tất cả mọi thứ đều phải được xem xét qua lăng kính “lập trường giai cấp” ấy, “hệ tư tưởng giai cấp” ấy - những thành tựu nói trên và mọi giá trị chung của con người, của loài người đều bị coi là thù địch. Lương tâm bị thay thế bằng “ý thức giai cấp” [3] , cái thiện bị thay thế bằng “lợi ích giai cấp”, vân vân và vân vân.

Sự “trần trụi” của con người biểu hiện tập trung nhất ở việc nó bị tước bỏ hoàn toàn sở hữu của mình. Dưới chủ nghĩa tư bản, con người đau khổ vì một bộ phận xã hội bị tước đoạt sở hữu nhưng ít ra, có những bộ phận khác còn có nó trong tay (tất nhiên, ở những mức độ khác nhau). Còn ở đây, tất cả đều bị tước bỏ sở hữu. Một ngộ nhận lịch sử vô cùng lớn: chế độ sở hữu riêng (tư hữu) là một bước nhảy vĩ đại của con người trên con đường tự khẳng định và tự giải phóng, là cơ sở sống còn của mỗi con người, lại bị coi là nguồn gốc của mọi điều xấu xa và tội lỗi. Ðúng là trong lịch sử, chế độ tư hữu đã bị làm biến dạng đi trong những xã hội có giai cấp bóc lột. Các giai cấp này có xu hướng độc chiếm sở hữu của người khác, của tất cả, biến thành sở hữu tư nhân của họ. Nhưng đó không phải là cái cớ để thủ tiêu nó. (Cũng như nước là dung dịch cần thiết nhất của sự sống, không có nó, không thể có sự sống, nhưng nó không hề là nguyên nhân của việc nó bị biến thành thuốc độc giết người: cũng giống như không khí để thở không hề là nguyên nhân của mọi ô nhiễm).

S. Alekseev, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, Chủ tịch ủy ban giám sát hiến pháp Liên Xô, trong một bài viết gần đây, nhấn mạnh: “Sở hữu tự nó chính là một vật kỳ diệu, nó là “phát minh” của con người, vì nó làm cho con người có quyền lực đối với thế giới bên ngoài và là phương thức của nó gia nhập hệ thống duy trì hoạt động sống, là nguồn gốc của tự do, của cá tính con người” (“Sở hữu - cho người lao động”, Người cộng sản, số 15, 1990, tr.17), từ đó, ông đề xướng việc phi nhà nước hóa và tư hữu hóa sở hữu để đi tới chủ nghĩa xã hội tự do. Ở đây chưa phải là chỗ để phân tích những biến thể của chế độ tư hữu, chỉ xin nói rằng: không nên đồng nhất nó với kinh doanh cá thể, vì sở hữu tư nhân còn là cơ sở của những kinh doanh hợp tác, cổ phần nữa, nghĩa là, nó có thể nằm trong trạng thái xã hội hóa ở những trình độ khác nhau.

Con người mất sở hữu của mình, tức là mất chỗ đứng chân của mình; và do đó cũng mất cả chính mình. Nhất là khi đối tượng sở hữu không chỉ là tài sản vật chất mà còn là trí tuệ, là tài năng, những thứ gắn chặt với cá tính mỗi người, không thể có cái thứ hai giống thế.

Ðến đây, một câu hỏi tất yếu được đặt ra: Tại sao như vậy? Tại sao một lý luận, một học thuyết tự coi và từng được coi là chủ nghĩa nhân văn hiện thực lại không đem lại cho con người những gì chứa đựng trong lý tưởng của nó? Chỉ có thể tìm thấy những câu trả lời ở ngay trong những điều kiện ra đời và phát triển của nó bởi vì giống như tất cả các học thuyết khác, nó là con đẻ của thời đại nó. Nó bị quy định về mặt lịch sử ở ba mặt: a) - văn minh công nghiệp; b) - chủ nghĩa nhân văn cổ điển và, gắn liền với nó là c) - chủ nghĩa xã hội không tưởng mà ảnh hưởng còn rất lớn.

Trước hết, chủ nghĩa xã hội khoa học, với tư cách một lý luận giải phóng con người, là con đẻ của văn minh công nghiệp vừa hình thành. Loài người từ “văn minh tiền công nghiệp” (hay văn minh nông nghiệp) trong những thập kỷ đầu thế kỷ XIX đã chuyển mạnh mẽ sang “văn minh công nghiệp” với tất cả những khả năng sản xuất và lưu thông mới chưa từng có. Dưới con mắt của những người từng sống trong giai đoạn văn minh cũ, rõ ràng của cải xã hội “tuôn ra như suối” và thương nghiệp thế giới đúng theo nghĩa của từ này xuất hiện. Sự phân hóa giai cấp được đẩy tới cùng cực. Những mâu thuẫn giai cấp giữa tư sản và vô sản bộc lộ gay gắt. Những cuộc chiến tranh đầu tiên của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản nổ ra quyết liệt. Ðối lập với giai cấp tư sản đã trở thành lực lượng thống trị xã hội không che đậy là một giai cấp vô sản vừa hình thành, nghèo khổ cùng cực và khí thế đấu tranh hừng hực. Nó gắn liền với nền sản xuất đại công nghiệp đầy triển vọng. Những điều kiện lịch sử ấy tạo ra những nguồn hy vọng mới: xã hội đã có thể có những nguồn của cải dồi dào, có thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi người (tất nhiên, đây chỉ là những nhu cầu hồi đó và được quan niệm theo lối tĩnh); đồng thời, những cuộc cải tạo xã hội từ nay đã có một lực lượng xã hội hùng mạnh đứng lên đảm nhận: giai cấp vô sản công nghiệp. Trong đầu óc những người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học lúc đó, có lẽ không thể có một ý niệm nào về sự kết thúc của văn minh công nghiệp, do đó, của giai cấp công nhân (theo họ, sự kết thúc của giai cấp này sẽ xảy tới khi toàn xã hội sẽ “công nhân hóa”, không cần tới sự phân biệt giai cấp nữa). Họ chưa thấy những nhược điểm căn bản của văn minh công nghiệp (lao động gắn chặt vào quá trình sản xuất, lệ thuộc vào quá trình đó; phân công lao động chia nhỏ hoạt động lao động thành hoạt động sản xuất và hoạt động sáng tạo; sản xuất công nghiệp có xu thế “bóc lột” thiên nhiên ngày càng nặng nề, v.v…). Họ chưa thể thấy rõ văn minh công nghiệp tuy đặt ra vấn đề giải phóng con người một cách triệt để hơn trước nhưng tự nó chưa thể nào là cơ sở đầy đủ cho sự giải phóng này.

Chủ nghĩa nhân văn cổ điển cũng là một nguồn chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Như đã biết, chủ nghĩa nhân văn cổ điển tách thành hai dòng: một dòng dựa vào triết học duy tâm, đi tới chủ nghĩa duy linh, quay trở về với sự tu dưỡng đạo đức và tinh thần để “nâng cao” con người, cuối cùng cũng trở về với tôn giáo. Một dòng khác, dựa vào triết học duy vật, đi tới những tư tưởng cách mạng xã hội nhằm dọn sạch “hoàn cảnh bên ngoài” của con người để làm cho con người trở nên tốt đẹp như vốn có, thoát khỏi mọi sự tha hóa do những “hoàn cảnh bên ngoài” tạo ra. “Hoàn cảnh bên ngoài” ấy, trong tư tưởng của những người xã hội chủ nghĩa, chính là chế độ tư hữu, là chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản. Chỉ cần xóa bỏ chế độ tư hữu, xóa bỏ giai cấp tư sản (“tước đoạt người đi tước đoạt”) và thiết lập chế độ sở hữu xã hội, thiết lập sự thống trị của giai cấp công nhân, là con người có thể được giải phóng. Ðối với những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, bản chất con người, hay “sức mạnh bản chất con người”, theo cách nói của Marx, là một cái gì như vốn có, một sự khái quát thuần túy triết học mà chưa phải là một khái quát dựa vào những dữ kiện khoa học (vả chăng hồi đó, những khoa học nghiên cứu về con người cũng chỉ mới bắt đầu hình thành), do đó, vẫn là một phạm trù còn trừu tượng. Nó chưa thể đưa ra những lời giải đầy đủ, chính xác, toàn diện về con người, về bản chất con người, về nội dung giải phóng con người.

Cuối cùng, chủ nghĩa xã hội khoa học tuy tuyên bố đoạn tuyệt với chủ nghĩa xã hội không tưởng (bằng những phát hiện vĩ đại của Marx, như Engels đã nói) nhưng thật ra, trong những dự phóng về tương lai, nó vẫn tiếp nhận những di sản của chủ nghĩa xã hội không tưởng (“làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, lao động con người trở thành lao động xã hội trực tiếp, được đo trực tiếp bằng thời gian; sản xuất, phân phối và tiêu dùng đều được điều khiển bằng một bộ máy chung theo kế hoạch; xã hội biến thành xã hội không giai cấp; con người phát triển toàn diện và hài hòa…). Chỉ có điều là với chủ nghĩa xã hội khoa học ấy, tất cả những đường hướng tương lai đó không phải là những mơ ước thuần túy mà đã có thể thực hiện trong đời sống hiện thực bằng những lực lượng xã hội hiện thực, trước hết bằng giai cấp công nhân và đội công nghiệp. Dự án xã hội tương lai, vì thế, mang “tính khoa học”, dù chưa được vạch ra một cách chi tiết. Thật trớ trêu, dự án không tưởng có “tính khoa học” này lại là sự tiếp tục của chủ nghĩa duy lý đến mức đề cao một cách tuyệt đối mọi tính toán bằng lý trí (theo kiểu “lý trí thuần túy”), dẫn đến một thứ sùng bái khoa học (scientisme) mà chính khoa học không dung nạp. Dự án không tưởng được coi là có “tính khoa học”, là “duy lý”, hơn nữa, lại là “duy nhất khoa học”, “duy nhất hợp lý” nên đã trở thành những tín điều, những giáo điều. Nhân danh sự giải phóng con người, dự án ấy được đem ra áp đặt cho con người, cuối cùng trở thành một sự chuyên chế đối với chính con người.

Ðiều tai hại nhất là thứ không tưởng biến thành chuyên chế ấy đã vẽ ra những “con người mới” theo những khuôn mẫu nhất định. Hoàn cảnh bên ngoài đã được dọn dẹp cho con người phát triển tự do, nhưng tự do là “nhận thức được tất yếu”, mà tất yếu thì không phải ai cũng nhận thức được. Thành ra, con người phải phát triển theo những lẽ tất yếu nào đó do một số người nhận thức ra và áp đặt cho những người khác. Theo dự án không tưởng, “con người mới” phải tuân theo những quy tắc, những chuẩn mực chặt chẽ từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, từ những ứng xử thường ngày trong gia đình và trong xã hội đến những sáng tạo văn học, nghệ thuật… Giống như chiếc giường của Procuste, những người được đặt trên đó ai dài hơn thì chặt bớt chân đi, ai ngắn hơn thì kéo dài ra cho vừa khít.

Cuối cùng, người ta nhận ra đó không phải là sự giải phóng con người. Con người phản ứng lại bằng nhiều cách: thích nghi hoặc chống đối. Trong trường hợp đầu, con người đánh mất mình để giành một sự tồn tại; trong trường hợp sau, con người khôi phục được tính người của mình thì có nguy cơ mất sự tồn tại. Hậu quả chắc chắn là với những sự phản ứng tiêu cực và tích cực ấy, xã hội rơi vào một sự hỗn loạn, ngày càng khó điều khiển. Khủng hoảng xã hội kéo dài triền miên. Cho đến lúc bùng nổ. Phải chăng đó là nguyên nhân sâu xa nhất của những biến động đã và đang diễn ra ở Liên Xô, ở các nước Ðông Âu và một số nước khác từng sống dưới chủ nghĩa xã hội hiện thực? Trong bài “Cái gì sẽ xảy ra với Ðông Âu?”, Rakovski (nguyên bí thư thứ nhất Ðảng công nhân thống nhất Ba Lan, một nhà nghiên cứu xã hội có uy tín ở nước này) nói đại ý rằng: vấn đề (ở các nước Ðông Âu) không phải là do sai lầm của lãnh tụ này hay lãnh tụ khác. Điều đó có thật nhưng không phải là cái chủ yếu. Lý do chủ yếu là vì họ đã đi theo những học thuyết trái với bản tính con người.

Vấn đề con người và giải phóng con người ở các nước xã hội chủ nghĩa, do đó, không thể không được đặt lại từ đầu.


9.

Vấn đề con người và giải phóng con người trong phần thế giới còn lại, nhất là ở những nước tư bản chủ nghĩa phương Tây, cũng trở nên ngày càng gay gắt vì những nguyên nhân thật dễ hiểu. Khủng hoảng kinh tế và chiến tranh với tất cả những hậu quả của chúng đặt con người, trước hết là những người lao động, vào trạng thái mất tính người (và mất cả mạng người) ngày càng sâu sắc. Từ thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, sự sống của con người trong xã hội tư bản chủ nghĩa đi vào những ngõ cụt không lối thoát. Thất bại của các cuộc cách mạng vô sản trong thời gian đó càng làm con người trở nên tuyệt vọng. Tất nhiên, do chính những nhu cầu của con người, hoạt động sáng tạo trong các xã hội ấy không dừng bước và đã đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật. Nhưng nhiều “thí nghiệm” cuối cùng rơi vào chỗ bế tắc. Câu hỏi lớn về sự sống của con người, về ý nghĩa của nó, vẫn luôn luôn được đặt ra trong những khắc khoải, đau đớn của con người. Những trường phái triết học cũ không đủ sức giải đáp những câu hỏi ấy. Những trường phái triết học mới chưa kịp hình thành đã rơi vào quên lãng. Chỉ có một trường phái triết học gây được ảnh hưởng khá rộng lớn trong xã hội phương Tây không phải vì trả lời được những câu hỏi về sự sống con người và ý nghĩa của nó mà vì nó chủ trương… không trả lời. Ðó là trường phái “chủ nghĩa hiện sinh” (existentialisme - thật ra nên dịch là chủ nghĩa hiện tồn hay hiện hữu). Nó đã trở thành một thứ mốt tư duy và ứng xử của con người phương Tây trong một thời gian khá dài, nhất là sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trào lưu này xuất hiện từ lâu với Kierkegaard (Ðan Mạch), Nietzsche (Ðức). Heidegger (Ðức) - những nhà tư tưởng được coi là những tiền bối của chủ nghĩa hiện sinh (mà ngày nay, người ta đang quay lại với những di sản tư tưởng của họ). Chủ nghĩa hiện sinh đạt tới đỉnh cao nhất của nó với J. P. Sartre (Pháp). Thực chất của chủ nghĩa hiện sinh là gì? Ðó là sự phủ nhận việc đi tìm những chân lý nào đó trong hệ thống vũ trụ trừu tượng. Con người theo chủ nghĩa hiện sinh không đặt những câu hỏi không đâu. Mọi chân lý đều nằm trong sự hiện hữu của con người, chỉ có thế thôi. Và không phải của con người nói chung, con người trừu tượng, mà “của chính tôi”, một con người cụ thể. Một ví dụ: cái chết đối với chủ nghĩa hiện sinh không phải là một vấn đề triết học; “tôi chết” mới là vấn đề triết học. Con người có phải là bất tử hay không, đó không phải là một vấn đề triết học; vấn đề là “tôi có bất tử hay không?”. Ðối với nó, vũ trụ là “cái trực tiếp”, là “cái tức thời”. Người ta không cần phải “nhận thức” một thực thể nào đó, chỉ cần cảm nhận nó. Sự sống của con người là một cái gì không hoàn tất, lý trí của con người cũng bất lực, “Ðời người là có hạn” trở thành một vấn đề tuyệt đối và thuộc về bản thể. Và như vậy, con người không bao giờ có thể cùng với lịch sử để trở thành “người chủ” cuộc sống của mình. Con người là một thực tế sinh ra để rồi chết đi, và “cái chết của tôi” là điều không ai làm thay được. Cái chết là tồn tại của riêng tôi, đích thực nhất mà cũng là phi lý nhất. Nó không nằm ở cuối đời tôi, mà hiện diện trong cả cuộc đời tôi, hiện diện ngay khi tôi đang sống. Tôi phải vượt qua nó bằng cách quên nó đi, bằng vui chơi giải trí, bằng cả những huyền thoại tôn giáo nữa. “Sống cho ra sống” nghĩa là sống để luôn chờ chết ở mọi lúc, mọi nơi, nhìn thẳng vào đồng loại, không khiếp sợ mà điềm tĩnh đón nó. Ðó là đạt được “tự do trước cái chết”.

Có người hiểu chủ nghĩa hiện sinh là “sống gấp”, bất chấp mọi giá trị cuộc sống. Ðó là cách hiểu quá ư thô sơ và thực dụng. Chủ nghĩa hiện sinh coi cuộc sống hiện hữu như một giá trị, lại là giá trị duy nhất của mỗi con người. Vấn đề là sử dụng giá trị ấy như thế nào trước khi bị “tước đoạt hoàn toàn” với cái chết. Con người phải dấn thân! Ðó là lời kêu gọi của chủ nghĩa hiện sinh. Như vậy, tự bản thân nó, chủ nghĩa hiện sinh không đi tới những hành động tích cực hay tiêu cực, tiến bộ hay phản động về mặt lịch sử. Vì thế, ta thấy có những người hiện sinh chủ nghĩa ở cả hai trận tuyến đối địch nhau về xã hội và chính trị trong thời đại hiện nay.

Chủ nghĩa hiện sinh phản ảnh sự bế tắc của con người chăng? Có một phần như thế, nhưng chỉ một phần thôi. Theo E. Mounier, nó là sự tiếp tục của chủ nghĩa duy lý ở những phần phi lý của vũ trụ con người. Nhà nghiên cứu về chủ nghĩa hiện sinh có uy tín này coi đó là “một sự khám phá lại tính phong phú của cuộc sống”. Thật ra, đó là một trong những lời giải đáp cho câu hỏi không thể nào giải đáp đến cùng được về sự sống con người và ý nghĩa của nó.

Chủ nghĩa hiện sinh, cũng như phân tâm học của Freud, là những khám phá mới về sự sống của con người. Nếu chủ nghĩa hiện sinh kêu gọi con người sống cuộc sống hiện hữu với ý thức đầy đủ nhất để đạt được sự tự do trước khi chết thì chủ nghĩa Freud đưa con người về lại với cõi “vô thức” cũng tồn tại song song với ý thức, làm nền cho ý thức. Sau chủ nghĩa Freud và chủ nghĩa hiện sinh, chưa có một thứ học thuyết nào về con người đạt tới tầm cỡ triết học như hai trào lưu ấy cả. Vấn đề con người đang bỏ ngỏ.

Trong khi đó, những biến chuyển trong nền văn minh vật chất của con người vẫn diễn ra một cách mạnh mẽ theo đúng logic của trí tuệ con người. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt từ những năm 60 trở lại đây, một nền văn minh khác xuất hiện ở chân trời: văn minh hậu công nghiệp, mà có người còn gọi là văn minh điện tử tin học, “làn sóng thứ ba”, v.v… Với nền văn minh mới này, mọi hoạt động của con người đang biến đổi về chất. Con người sản xuất nhiều hơn, tiết kiệm hơn, nhẹ nhàng hơn, đi lại và liên lạc với nhau nhanh hơn, trí tuệ thay thế cho cơ bắp, nhiều “bí ẩn” của thiên nhiên được khám phá ở cấp vi mô cũng như ở cấp vĩ mô… Chưa bao giờ con người đứng trước những khả năng to lớn đến thế trong hoạt động sáng tạo của mình. Tất cả những điều đó đang thay đổi tận gốc những khái niệm, những phạm trù cũ, quen thuộc với con người từ hàng nghìn năm nay. Vấn đề con người và giải phóng con người có thêm những dữ kiện hoàn toàn mới.

Tất cả những điều đó xảy ra trước hết ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển phương Tây. Nhưng đó không phải là những biến chuyển chỉ nảy sinh trong lòng chủ nghĩa tư bản phương Tây. Ðó là những thành tựu mà con người đạt tới ở đó, là tài sản chung của con người. Ít ra lần này, chúng ta có thể tránh được một ngộ nhận lịch sử đáng tiếc như trước đây, coi tất cả những gì con người đạt được trong xã hội tư bản chủ nghĩa là của chủ nghĩa tư bản, thậm chí là chính bản thân chủ nghĩa tư bản .

Nhưng thật là quá đơn giản nếu nghĩ rằng vấn đề con người đang được giải quyết thuận lợi ở các nước phương Tây. Nền văn minh mới trong thực tế chưa thoát khỏi được “tổ kén” của chủ nghĩa tư bản (dù chủ nghĩa tư bản đang tự biến đổi có thể thích nghi với nền văn minh mới). Những vấn đề cố hữu của con người vẫn còn nguyên vẹn. Chưa nói tới những vấn đề mới nảy sinh ra với sự xuất hiện của nền văn minh mới (chẳng hạn, những phát hiện về di truyền học dẫn tới công nghệ sinh học có thể làm biến đổi cả bản thân con người với tư cách một thực thể tộc loại). Cũng chưa nói tới cả những vùng mênh mông của “thế giới thứ ba” (tên gọi này không còn thích hợp nữa nhưng vẫn phải tạm dùng vì chưa đưa ra được một khái niệm nào thích hợp hơn), ở đó, hàng tỷ người đang vật lộn quyết liệt với những nhu cầu sơ đẳng của sự tồn tại của con người. Ðói rét, bệnh tật, nghèo khổ đang là những hiểm hoạ đối với họ. Ðó là những mảnh đất thuận lợi cho đủ thứ chuyên chế hoành hành (chuyên chế tinh thần dưới hình thức tôn giáo cuồng tín cũng như chuyên chế chính trị dưới hình thức những chế độ độc tài). Ở đó, dường như con người lại càng xa hơn với những mục tiêu tự giải phóng. Có thể khẳng định rằng: đó không phải là những vấn đề riêng của “thế giới thứ ba”. Chừng nào trên trái đất còn có một bộ phận loài người - mà đây lại là bộ phận lớn nhất - còn chìm đắm trong cùng cực và tối tăm, chừng đó không thể nói tới sự giải phóng của con người với tư cách một thực thể tộc loại. Hơn bao giờ hết, loài người trở thành một thực thể thống nhất hết sức chặt chẽ. Những vấn đề của vùng này trở thành những vấn đề của vùng kia một cách hữu cơ. Và có những vấn đề đang thật sự mang tính toàn cầu, đòi hỏi những biện pháp ở quy mô toàn cầu. Sự sống của đồng loại là sự sống của chính ta, cái chết của đồng loại cũng là cái chết của chính ta! Bi kịch là ở đó, và hy vọng cũng là ở đó.


10.

Sự tiến hóa của lịch sử loài người đã đi tới một thời điểm mà các nhà sử học thường gọi là “bước ngoặt lịch sử”. Nhưng đây là một bước ngoặt lịch sử ở một tầm khác, không phải là bước ngoặt trong một giai đoạn văn minh nào đó, cũng không phải là bước ngoặt từ một chế độ xã hội này sang một chế độ xã hội khác, mà là bước ngoặt từ giai đoạn văn minh này sang giai đoạn văn minh khác, hội tụ những vấn đề căn bản nhất của sự phát triển loài người. Mới đây, chỉ từ góc độ vấn đề phụ nữ, Catherine David viết: “Chúng ta đang có cơ may lịch sử được sống qua một biến đổi có thể sánh với việc chuyển từ tiền sử sang lịch sử. Phụ nữ có khả năng để lần đầu tiên suy nghĩ công nhiên về chuyện họ là cái gì - một sự suy nghĩ mà con người từng tự làm đối với bản thân mình hàng nghìn năm nay”. (“Và phụ nữ cũng sẽ là những thiên tài…”, Nouvel Observateur, 6-12 tháng 12, 1990, tr. 74). Ðâu chỉ là chuyện phụ nữ, chuyện con người nói chung nữa chứ! Bởi vì rõ ràng con người đứng trước những thử thách và những cơ may hoàn toàn mới khi phải trả lời câu hỏi: tồn tại hay không tồn tại (to be or not to be)? “Tồn tại” nói ở đây không chỉ là sống hay chết, mà còn là có “tồn tại” với tư cách con người không.

Cho đến nay, những tìm kiếm khoa học chưa đưa lại một bằng chứng nào cho thấy ngoài con người ra, còn có một sinh vật có trí tuệ nào khác. Những “nền văn minh ngoài trái đất” chỉ là những giả thuyết. Và dù có những sinh vật có trí tuệ nào khác ngoài trái đất thì vấn đề con người của trái đất cũng không vì thế mà giảm mất ý nghĩa của nó.

Trong thời điểm giao tiếp lớn lao mà có người gọi là “cuộc khủng hoảng của văn minh” này, vấn đề con người và giải phóng con người lại được đặt ra trên một bình diện mới về chất. Không phải trong những thời đại văn minh đã qua, con người đã dẫm chân một chỗ trên con đường tự giải phóng. Chỉ riêng một điều con người đã có thể đạt tới giai đoạn văn minh mới cũng đủ nói lên con người đã tự khẳng định và tự giải phóng được tới mức nào. Thật khó so sánh con người của thế kỷ XXI với con người thời cổ đại, chưa nói tới con người thời thái cổ. Nhưng một điều cũng rõ ràng không kém là con người chưa được giải phóng khỏi tất cả những ràng buộc bên ngoài cũng như những hạn chế bên trong để có thể xóa bỏ hoàn toàn sự tha hóa của mình, cũng như để có thể đạt tới trình độ cao nhất về “sức mạnh bản chất” của mình.

Chồng chất lên những vấn đề đã xuất hiện từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay và vẫn chưa tìm được những câu trả lời thích đáng là một lớp vấn đề mới do những điều kiện của giai đoạn văn minh mới đặt ra. Những câu hỏi ấy được đặt ra dưới nhiều hình thức khác nhau (văn học, nghệ thuật, khoa học và cả tôn giáo nữa) xung quanh ý nghĩa của sự sống con người và những phương tiện đạt tới sự giải phóng của con người.

Cách đây hơn mười năm, Erica Jong, một nhà triết học và nhà văn Mỹ, viết một cuốn tiểu thuyết có tiếng vang lớn Mặc cảm Icare (lấy cảm hứng từ một huyền thoại Hy Lạp cổ kể chuyện thần Icare trốn khỏi hòn đảo Crète bằng đôi cánh chắp vào thân mình bằng sáp, nhưng khi bay tới gần mặt trời, sáp chảy ra, cánh rơi xuống và Icare rơi xuống biển), cốt chứng minh một điều: con người không bao giờ có thể tự giải phóng triệt để cả. Nhưng nhân vật của nữ tác giả này được hưởng những điều kiện hạnh phúc và tự do tuyệt đối, cuối cùng vẫn băn khoăn về ý nghĩa của sự sống con người. con người sống để làm gì nhỉ? Ðó là âm hưởng chủ yếu của tác phẩm đã trở thành best- seller một thời này.

Và mới đây, tuy không phải với một tâm trạng hoài nghi chủ nghĩa như vậy, nhà nghiên cứu Xô viết B. Kapustin lại đặt ra những câu hỏi về sự giải phóng con người gần như trở lại từ đầu: “Thứ nhất: giải phóng khỏi cái gì, cần giải quyết những mâu thuẫn nào bằng sự vận động giải phóng nếu muốn cho sự vận động ấy đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử? Thứ hai: giải phóng để đạt tới cái gì, những mục tiêu và những kết quả có thể có của đấu tranh giải phóng là những gì? Thứ ba: giải phóng ai? (“Khủng hoảng văn minh và phương án nhân văn chủ nghĩa”, Người cộng sản, số 16, tháng 11, 1990, tr. 26).

Thời đại văn minh mới của con người, trong khi đặt ra những câu hỏi ấy, cũng cung cấp những yếu tố nhận thức và thực tiễn có tính chất tích cực cũng như tiêu cực để có thể đi tới những lời giải đáp mới.

Một điều dễ chấp nhận là những ai đang cố gắng giải đáp những câu hỏi về mới về con người và sự giải phóng của nó, tuy không coi thường những gì con người đã tìm kiếm được cho đến nay, đều giống nhau ở một điểm: không thể dùng những cách tiếp cận cũ được nữa, dù đó là tôn giáo, là chủ nghĩa nhân văn cổ điển, là chủ nghĩa xã hội khoa học, là chủ nghĩa hiện sinh, là gì gì đi chăng nữa. Cần có cách tiếp cận mới do nhận thức mới - và do cả chưa nhận thức, được đề ra. Xét theo những kết quả nghiên cứu đầu tiên, có thể dự đoán một chủ nghĩa nhân văn mới đang xuất hiện.

Nhưng đó không phải là chủ đề của phần tiểu luận này. Xin dành một phần khác để nói tới nó.

*


Như các bạn thấy, mấy chục trang viết chỉ có thể dựng lại hết sức sơ lược vấn đề con người đã được đặt ra và giải quyết trong lịch sử như thế nào. Ðã sơ lược thì khó chính xác. Nhưng trong những điều kiện hiện có của người viết, chưa thể làm hơn đươc. Còn bao nhiêu điều phải nói, muốn nói mà chưa thể nói lên. Ðành hẹn một cơ hội khác mà chính người viết không biết có hay không. Nhưng người viết tin chắc rằng rồi đây sẽ còn nhiều người viết về vấn đề này, với những trang bị tri thức vững chắc hơn nhiều và đứng ở những đỉnh trí tuệ cao hơn nhiều.


(P.S. Bài này viết theo “đơn đặt hàng”. Một tạp chí của Ban Tuyên huấn Trung ương nhờ anh Nguyễn Văn Hạnh đặt tôi viết. Tôi nói với anh Hạnh là bài viết chắc chắn bị quẳng đi nhưng tôi vẫn nhận lời. Ít ra đó là một cái cớ để viết về một vấn đề đang nung nấu. Quả nhiên, không có hồi âm, nhưng nó vẫn còn lại...)

21 tháng mười hai 1990



[1]Ðể bạn đọc thấy rõ hơn điều này, xin dẫn lại một số câu thơ ấy:
“…Vàng! màu vàng lấp lánh, quý giá! Không, trời ơi!
Không, tôi cầu xin thật sự.
Chút ít vàng ấy là để biến đen thành trắng,
Xấu thành đẹp, sai thành đúng, thấp hèn thành cao quý, già thành trẻ, hèn nhát thành dũng cảm…
Thôi đi thứ kim loại đáng nguyền rủa kia,
Con điếm chung của loài người, mày đã gây xích mích trong đám đông những dân tộc…
Mày, thần thánh hữu hình,
Gắn những cái trái ngược nhau lại với nhau
Và làm cho chúng hôn nhau !...
[2]Viện sĩ N. Sekhtereva nói: “Con người gánh chịu bi kịch khiếp sợ vì cá nhân mình bị sụp đổ về nhân cách, hoàn toàn hay một phần, vì sự khiếp sợ được cố định ở nó trong ký ức lâu dài” (“Xuyên qua những khúc khuỷu”, Khoa học và đời sống, số 8, 1990, tr. 47).
[3]Viện sĩ D.S. Likhachev nói: “Chúng ta cảm thấy đặc biệt gay gắt tình trạng thiếu lương tâm công dân... Lương tâm chúng ta đã im lặng” (Báo Văn học, số 1, 1978).

Nguồn: Những bài viết của Nguyá»…n Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nÆ°á»›c, được chuyền tay hoặc chÆ°a công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tÆ° 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, vá»›i sá»± hiệu đính cuối cùng của tác giả.