© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Suy tÆ° 90
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29 
12.7.2006
Nguyễn Kiến Giang
Thử nhận diện bức tranh thế giới hôm nay
 1   2   3   4 
 
4. Thị trường thế giới và tăng trưởng kinh tế

4.1. Khỏi phải chứng minh về sự hình thành và phát triển của thị trường thế giới. Nó đã là một hiện thực cơ bản, thậm chí cơ bản nhất, của thế giới hiện đại, đến mức có thể khẳng định rằng thị trường thế giới là “đất sống” của các quốc gia khác nhau, và nước nào không đứng chân được vào đó sẽ bị đẩy ra rìa của dòng chảy văn minh loài người.

Ngày nay, thị trường thế giới không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là - và ngày càng chủ yếu là - nơi lưu thông của tư bản, của các doanh nghiệp, của công nghệ. “Sức khỏe” kinh tế của mỗi quốc gia, nhất là của những nước phát triển, ảnh hưởng lớn tới “sức khỏe” của thị trường thế giới, nhưng ngược lại, mọi dao động lớn nhỏ của thị trường thế giới đều tác động mạnh mẽ với tình hình kinh tế mỗi nước. Điều đó được chứng minh rất rõ qua tình hình kinh tế thế giới đầu những năm 90.

Sự hình thành và phát triển của thị trường thế giới chủ yếu là do sự tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển quyết định. Bởi vì, xét đến cùng, chính những nhân tố sản xuất tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ở các nước này. Và đến lượt nó, những nhân tố sản xuất ấy phụ thuộc rất lớn, thậm chí một cách căn bản, vào quá trình cách mạng khoa học và công nghệ trong khoảng hai thập kỷ vừa qua (những năm 70 và 80).

Xin nói rõ một điểm về thị trường thế giới: nó không phải chỉ gồm những trao đổi giữa các quốc gia, mà còn bao gồm cả những thị trường bên trong của các quốc gia. Những trao đổi thuộc hai loại đó gắn bó khăng khít với nhau và làm tiền đề cho nhau. Không có những trao đổi giữa các quốc gia, không thể tiến hành sản xuất có hiệu quả và, do đó, không thể có những trao đổi bên trong mỗi quốc gia. Ngược lại, không có sự phát triển của sản xuất và trao đổi bên trong mỗi quốc gia, cũng không thể có sự phát triển của những trao đổi giữa các quốc gia. Trên thực tế, sự phân chia này chỉ có tính chất ước lệ. Theo tính toán của CCPII (trong báo cáo về kinh tế thế giới 1990 - 2000 đã nói trên đây), nếu lấy giá trị đồng đôla năm 1988 làm chuẩn, thị trường thế giới và chín ngành công nghiệp quan trọng nhất (cơ khí; hóa học; gỗ, giấy; xe hơi; điện tử; đồ điện; kim loại cơ sở; vật liệu xây dựng) tăng từ 6.188 tỉ đôla năm 1975 lên 7.683 tỉ năm 1980 và 9.852 tỉ năm 1988, và dự kiến tới năm 2000 sẽ tăng lên tới 14.522 tỉ đôla. Trong đó, những trao đổi giữa các quốc gia chiếm tỉ trọng cũng ngày càng tăng: từ 15,3% năm 1973 lên 19,7% năm 1980, rồi 22,2% năm 1988 và dự kiến tới năm 2000 sẽ là 28,5%. Trình độ quốc tế hóa sản xuất càng cao thì tỉ trọng ấy càng lớn. Nhưng nhận xét chung, những trao đổi bên trong của các quốc gia vẫn chiếm tỉ trọng lớn hơn nhiều (hơn năm 1988). Chính vì thế, một số nhà kinh tế học chủ trương những lý thuyết về “tăng trưởng nội sinh” (croissance endogène). Chẳng hạn, theo mô hình của Solow, các nguồn tăng trưởng trước hết là ở sự tích lũy những nhân tố sản xuất (nói chung là lao động và tư bản) và ở tiến bộ kỹ thuật ở bên trong. Cách tính này tuy có ích trong việc đánh giá và lý giải mức tăng trưởng kinh tế của một nước nhất định, nhưng không thể đánh giá và lý giải một cách đầy đủ vì bỏ qua hoặc coi nhẹ những nhân tố quan trọng nhất của sản xuất trong thời đại hiện nay là tiến bộ công nghệ và kỹ thuật cũng như những tác động của thị trường thế giới (trong một số trường hợp, như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore..., thị trường thế giới được coi là điểm xuất phát để tính toán sự tăng trưởng kinh tế của mình).

P. Romer, một người theo thuyết “tăng trưởng nội sinh”, đã đưa ra một quan niệm rộng hơn và hợp lý hơn. Ông không coi nhẹ những nhân tố tiến bộ kỹ thuật và tác động bên ngoài, nhưng theo ông, những nhân tố ấy có ảnh hưởng tới đâu là do năng lực bên trong quyết định. Chẳng hạn, về tiến bộ kỹ thuật, Romer cho rằng nó là kết quả của sự tích lũy tri thức, gắn liền với việc sử dụng vốn lao động có trình độ rất cao. Lao động này có thể được sử dụng để phát triển sự tìm tòi, tức là tăng thêm kho tri thức để có những sản phẩm mới, hoặc được dùng để phát triển sản xuất những sản phẩm cổ điển. Mô hình của Romer, như vậy, đặt ra một liên hệ chặt chẽ giữa trình độ của vốn người được sử dụng vào việc nghiên cứu tìm tòi và mức tăng năng suất. Vấn đề bây giờ không phải chủ yếu là vốn người về số lượng nữa, mà là vốn người về chất lượng. Nhiều người nhưng với trình độ thấp, đó sẽ là một nhân tố kìm hãm hiệu suất của nền kinh tế. Chính điều đó cắt nghĩa phần nào sự cất cánh rất khó khăn của các nền kinh tế kém phát triển đang đụng phải những thách thức dân số khổng lồ, và cũng giải thích được những giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng của tiến bộ kỹ thuật của các nền kinh tế phát triển. (Xem T. Romer, Human Capital and Growth: Theory and Evidence, NBFR Working Faber, N. 3173, 1989, lấy theo bản báo cáo của CEPII).

Từ thực tế thị trường thế giới trong hai thập kỷ qua, có thể kết luận rằng: một mặt, thị trường thế giới là không khí sống còn và tăng trưởng của nền kinh tế mỗi nước; mặt khác, hấp thu được không khí ấy đến mức nào là do “nội lực” của nền kinh tế nước ấy. Thị trường thế giới không phải là vạn năng để mà tự bản thân nó có thể cứu chữa sự nghèo khổ và lạc hậu cho các nước kém phát triển.

Hơn nữa, sự tham gia thị trường thế giới hiện nay đòi hỏi những nhân tố rất mới mẻ và cũng rất to lớn mà nhiều nước kém phát triển không thể có sẵn. Đó là công nghệ mới (để cho những sản phẩm của mình có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới đã đành, mà ngay những sản phẩm tiêu dùng trong nước cũng chịu sức ép cạnh tranh của những sản phẩm từ bên ngoài đưa vào ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng). Công nghệ mới lại đòi hỏi hai nhân tố không thể thiếu được: 1. vốn để trang bị kỹ thuật mới (từ sản xuất đến cấu trúc hạ tầng) và 2. trình độ lao động cao để sử dụng công nghệ và kỹ thuật mới (mà nhân tố này lại đòi hỏi những chi phí đào tạo và đào tạo lại rất lớn, nghĩa là cũng đòi hỏi vốn lớn).

4.2. Thị trường thế giới có những thời kỳ ổn định và những thời kỳ biến động như hai thập kỷ vừa qua cho thấy rất rõ. Những thay đổi có tính chu kỳ ấy (tuy khái niệm chu kỳ hiện nay phải hiểu theo lối khác trước, ít đều đặn hơn nhiều) của thị trường thế giới gắn liền với sự tăng trưởng kinh tế của các nước, đặc biệt của các nước phát triển.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét vai trò của những nguồn gốc tăng trưởng khác nhau: lao động, tư bản, hiệu suất chung của các nhân tố, sản phẩm trong nước gộp (tính theo đầu người). Trong những nhân tố này, nhân tố lao động tuy có những điểm bấp bênh nhưng về đại thể có thể tiên đoán được, vì nó bao gồm những biến số có thể tính toán như tổng số dân cư, tỉ lệ những người có khả năng lao động trong dân cư, tỉ lệ thất nghiệp, độ dài của lao động... Ở đây, sự tăng trưởng của lao động theo chiều rộng ở các nước phát triển vấp phải những giới hạn rõ rệt, khác với tình hình ở các nước kém phát triển, nơi lao động theo chiều sâu ở các nước phát triển và để sử dụng hết lao động theo chiều rộng ở các nước kém phát triển, phải cần tới một nhân tố hết sức quan trọng khác: vốn.
Nhân tố vốn lại là một nhân tố rất khó tiên đoán, nó phụ thuộc trước hết vào tỉ lệ tích lũy (được đo bằng mức đầu tư). Trong thời gian từ năm 1973 đến 1990, tỉ lệ đầu tư ở các nước phát triển rất khác nhau: Mỹ - 14,6%, Nhật - 29,4%, Tây Đức - 18,7%, Pháp - 17,5%, Anh - 18,0%. Theo tính toán, tỉ lệ đầu tư của các nước này đến năm 2000 có xu hướng giảm xuống: những con số tương ứng tính theo giá trị là 13,2, 25,2, 16,0, 18,9, 15,5% (chỉ có nước Pháp là có tăng lên phần nào).

Có thể nói nhân tố vốn đang là một trong những bài toán nan giải trong nền kinh tế thế giới. Trước hết, đó là do tỉ lệ tiết kiệm của dân cư giảm đi. Ở sáu nước công nghiệp lớn nhất, tỉ lệ này là 25% năm 1973 đã giảm xuống 20% năm 1987. Tiết kiệm thiếu hụt dẫn tới những lợi tức tín dụng cao lên. Do đó, tiền vay để đầu tư cũng giảm đi. Tình trạng nợ nần - của nhà nước cũng như của tư nhân - ở một số nước phát triển thật sự là một vật kìm hãm nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế trong nước. Hệ thống tài chính của các nước phát triển trở nên ngày càng bấp bênh.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các nước phát triển đành chịu bó tay trước những hạn chế khắc nghiệt về tài chính. Cả nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân đang tìm những biện pháp để duy trì mức đầu tư cần thiết, tránh cho nền kinh tế của mình rơi vào sự sụp đổ. Tình hình đầu tư trong những năm sắp tới chắc chắn không đem lại sự lạc quan lớn ở các nước này. Nhưng nói đến một sự bế tắc trong lĩnh vực này là không có căn cứ. Vấn đề hiện nay là lựa chọn những hướng đầu tư nào để đem lại hiệu quả kinh tế tương đối nhanh chóng. Có ba hướng chính được lựa chọn nhằm làm biến đổi các hệ thống sản xuất:


4.3. Trong những nhân tố chủ yếu góp phần vào tăng trưởng kinh tế, nhân tố tiến bộ kỹ thuật và công nghệ là quan trọng nhất nhưng cũng khó dự báo nhất. Việc áp dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật mới đã đưa những công nghệ mới vào tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế, từ sản xuất đến dịch vụ. Và kết quả là năng suất lao động ở các nước phát triển tăng lên rất nhanh.

Sự cạnh tranh trên thị trường thế giới hiện nay trước hết là cạnh tranh về tiến bộ kỹ thuật. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về nghiên cứu cơ bản và tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quan trọng nhất của ngành điện toán (phần mềm). Nhật dẫn đầu về áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất đại trà và đang cố vươn lên giành vị trí chủ động về nghiên cứu cơ bản. Tây Âu không chịu để tụt hậu trong cuộc chạy đua này. Một trong những lý do chủ yếu của sự hợp nhất châu Âu là sự tập trung các nguồn lực của các nước Tây Âu vào nghiên cứu và ứng dụng những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Khái niệm “đuổi kịp công nghệ” trở thành một khái niệm thời sự. Sự cách biệt về công nghệ giữa các trung tâm Mỹ - Nhật - Tây Âu dần dần được rút ngắn. Trong những năm sắp tới, cuộc chạy đua trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ còn quyết liệt hơn. Những điều bất ngờ có thể xảy ra, vì không ai đoán trước được về mặt này, sẽ còn có những phát minh quan trọng nào có khả năng đo lộn những công nghệ hiện có.

Nhưng xét đến cùng, nhân tố tiến bộ kỹ thuật cũng lệ thuộc không ít vào nhân tố lao động và tư bản nói trên, đặc biệt là vào mức đầu tư. Về mặt này, như đã nói, tình hình các nước phát triển nói chung không sáng sủa lắm.

Tính chung tất cả các nhân tố, các nhà nghiên cứu thuộc CEPII dự báo rằng sự tăng trưởng của các nước phát triển nói chung tuy vẫn sẽ tiếp tục, nhưng ở một mức tương đối yếu. Trong khi đó, J. Naisbitt và P. Aburdene lại đưa ra những căn cứ để dự báo sẽ có một “bùng nổ kinh tế” của thế giới, khi kinh tế thế giới bước vào sự phồn vinh mới. Quá lạc quan chăng?

4.4. Những mối liên hệ của thị trường thế giới và tăng trưởng kinh tế ở các nước kém phát triển được đặt ra trong những bối cảnh gay go hơn. Như đã nói trên, về căn bản, các nước này đóng vai trò thụ động hơn trên thị trương thế giới, do đó, cũng thụ động hơn về tăng trưởng kinh tế.

Nói chung, trong thập kỷ 80, các nước kém phát triển ở trong tình trạng cực kỳ khó khăn về tăng trưởng. Trừ các nước Đông Nam Á có mức tăng trưởng cao (tức hàng năm trong thập niên 70 là 6,9% và trong thập kỷ 80 là 5,0%, tính theo sản phẩm gộp trong nước, cũng như các nước Tây Nam Á có mức tăng trưởng tương đưng (những con số tương ứng là 3,1 và 5,6%), các khu vực khác như Mỹ Latin, Bắc Phi, châu Phi đen có xu hướng chậm hẳn lại.

Cũng như ở các nước phát triển, tăng trưởng trước hết dựa vào tăng mức đầu tư. Nhưng từ giữa những năm 80, mức đầu tư không những không tăng, mà trong nhiều trường hợp còn giảm đi nhiều (Mỹ Latin 0,2 năm 1988 và 3,8 năm năm 1989; Bắc Phi còn giảm sớm hơn và nặng hơn: 6,4 năm 1986 và 10,3% năm 1987, gần đây mới nhích lên đôi chút. Trong khi đó ở Đông Nam Á tăng từ 7,0% năm 1987 lên 12,8% năm 1989 và đang tiếp tục ở mức cao).

Không đầu tư, nhất là đầu tư theo chiều sâu để có những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, thì chỉ có thể vùng vẫy trong đám “ao nhà”. Nhưng đầu tư bằng cái gì khi nhiều nước nợ nần chồng chất, khi một bộ phận lớn giá trị xuất khẩu phải được giành để trả nợ? Nhìn qua bức tranh tăng trưởng kinh tế, có thể thấy rõ nợ nần ảnh hưởng đến mức nào.

Ngoài nợ nần ra, những khoản thu về xuất khẩu càng ngày càng bị giảm bớt giá trị do bị cạnh tranh bởi những sản phẩm có chất lượng cao hơn nhưng giá rẻ hơn, bởi sự thu hẹp của những quan hệ thương mại Nam - Nam, bởi chủ nghĩa bảo hộ của các nước phát triển. Đặc biệt giá cả của những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như lương thực, nguyên liệu, nhiên liệu thì hoặc bị kìm lại, hoặc bị giảm xuống do cung cao hơn cầu trên thị trường thế giới…

Tình trạng nhập siêu cũng làm cho cán cân thanh toán ngày càng thiếu hụt, đầu tư bị thu hẹp. Ở đây chưa nói đến hiệu quả đầu tư nói chung còn rất thấp (chi cho quân đội và bộ máy quan liêu quá mức, chi không đầy đủ cho cấu trúc hạ tầng và cho trang bị kỹ thuật mới...). Cũng chưa nói tới tình trạng tham nhũng rất phổ biến và rất nghiêm trọng đang là tai họa kinh tế và xã hội số một ở các nước kém phát triển, mà một trong những nguồn tham nhũng lớn nhất là sử dụng vốn đầu tư.

Con đường hiện đại hóa kinh tế đối với nhiều nước kém phát triển dường như quá xa vời. Sự thay đổi về chiến lược kinh tế - chuyển từ chiến lược phát triển kinh tế thay thế nhập khẩu (trong những năm 50 - 60) sang chiến lược hướng về xuất khẩu (trong những năm 70 - 80) - chỉ đưa lại những kết quả hạn chế... Việc tập trung xây dựng những trung tâm sản xuất để xuất khẩu bằng đầu tư nước ngoài hay đầu tư trong nước (các “khu vực tự do”, các “đặc khu kinh tế”...) tuy có làm tăng thêm khả năng xuất khẩu, nhưng lại làm cho tính nhị nguyên của nền kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn. Không những không giải quyết được vấn đề lao động dư thừa, vấn đề hiện đại hóa các khu vực sản xuất truyền thống (chủ yếu là nông nghiệp), mà còn đào sâu những hố ngăn cách giữa thành thị và nông thôn, làm cho dòng chảy di dân ra thành thị (nhất là lực lượng lao động trẻ khỏe) càng hỗn loạn thêm. Và một khi thu nhập của đại đa số dân cư còn quá thấp thì thị trường trong nước bị co hẹp một cách đáng ngại, và kết quả là sự tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm từ bên trong.

Như vậy xét về những nhân tố cả bên ngoài lẫn bên trong, các nước kém phát triển dường như đang nằm trong những gọng kìm kinh tế khắc nghiệt, ít có khả năng đạt tới những mức tăng trưởng quan trọng. Và như đã nói, mức tăng trưởng thấp ở phía Nam lại có ảnh hưởng tiêu cực tới mức tăng trưởng kinh tế của các nước phía Bắc.

Bế tắc chắc? Có lẽ không. Bởi vì từ trong các nước kém phát triển đã xuất hiện những tấm gương thành công gây sửng sốt cho nhiều người, đặc biệt là những “con rồng châu Á”. Không có những giải pháp chung cho tất cả các nước kém phát triển, nhưng đã nhìn thấy một số phương hướng ra khỏi khó khăn và bế tắc.

Người ta nhận thấy rằng không thể quay về với chiến lược thay thế nhập khẩu (vì với chiến lược ấy, không thể hiện đại hóa kinh tế), nhưng cũng không thể nhắm mắt lao vào chiến lược hướng về xuất khẩu (vì với chiến lược này, sự lệ thuộc vào bên ngoài - các nước phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế - càng tăng lên một cách nguy hiểm). Một chiến lược thích hợp phải kết hợp sử dụng những nguồn lực bên ngoài với những nguồn lực bên trong. Những nguồn lực bên ngoài đóng vai trò “đòn bẩy” để khơi dậy và phát huy tính năng động của những nguồn lực bên trong. Tranh thủ những nguồn tài chính bên ngoài trong khi nền kinh tế bên trong chưa có tích lũy hay tích lũy chưa đủ là một điều tất yếu phải làm, nhưng không thể chỉ dựa vào nguồn đó để tăng trưởng kinh tế. Nguồn lực bên ngoài nhiều lắm cũng chỉ là “chất xúc tác” ban đầu. Còn để huy động triệt để nguồn lực bên trong, thì phải có những biện pháp xã hội - kinh tế thích hợp. Không phải ngẫu nhiên mà gần đây người ta nói nhiều tới những “cải cách cơ cấu” ở các nước kém phát triển. Những khu vực kinh tế nhà nước quá nặng nề và không có hiệu quả (đây là nơi thu hút nhiều nhất nguồn tài chính từ bên ngoài) phải được tổ chức lại và thu hẹp đến mức cần thiết, không để chúng bị các giới tư sản quan liêu thao túng. Tất cả những trói buộc đối với tính chủ động kinh doanh và sản xuất của cá nhân và tư nhân phải bị tháo gỡ. Tiềm năng kinh doanh và sản xuất của họ phải được khi dậy bằng những biện pháp giúp đỡ của nhà nước, nhất là về tín dụng và kỹ thuật. Đặc biệt phải tìm thật đúng, theo những nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, một cơ cấu sản xuất dựa vào những ưu thế của từng nước, tạo ra những ngành mũi nhọn có ưu thế cao. Như vậy, vấn đề tăng trưởng vượt ra khỏi khuôn khổ kinh tế để trở thành những cải cách xã hội rộng lớn theo hướng bảo đảm tính độc lập và chủ quyền của mọi thành viên xã hội. Chính những cải cách này sẽ đem lại động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng kinh tế. Không phải vô cớ mà gần đây ở các nước công nghiệp mới cũng như ở các nước đang tiến hành công nghiệp hóa, những trào lưu đòi cải cách xã hội theo hướng dân chủ hóa đã xuất hiện ngày càng mạnh mẽ.

Điều đó không có nghĩa là giảm bớt vai trò của nhà nước trong quá trình cải cách kinh tế và xã hội. Ở các nước kém phát triển, vai trò của nhà nước là hết sức quan trọng và, trong nhiểu trường hợp là then chốt. Vấn đề là nhà nước đóng vai trò gì, thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển kinh tế và xã hội. Một nhà nước vừa tham nhũng, vừa kém năng lực tổ chức và điều hành đời sống kinh tế chắc chắn sẽ dồn đất nước vào tình trạng nghèo khổ và lạc hậu sâu hơn. Một nhà nước lành mạnh, có trình độ quản lý cao chắc chắn trở thành sức mạnh chủ yếu để vượt qua tình trạng đó.

Cái gọi là cách tiếp cận Washington về tăng trưởng kinh tế ở các nước kém phát triển với những nội dung chủ yếu của nó là ổn định hóa, tự do hóa và tư nhân hóa, chỉ có thể đưa lại những kết quả tích cực khi những nội dung của nó được thực hiện với những bước đi thích hợp, dưới sự điều khiển của một nhà nước lành mạnh và được dân chúng tín nhiệm. Trong điều kiện thiếu một nhà nước như vậy và nhất là một nhà nước tham nhũng và kém năng lực thì kết quả là sẽ đưa lại một tình trạng đáng buồn hơn.

Trong những năm tới đây, triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước kém phát triển sẽ như thế nào? Về đại thể, đó là sự tăng trưởng kinh tế với “những hi vọng mong manh và những cả may không đồng đều”, như các tác giả bản báo cáo của CEHII nhận định. Tình trạng phát triển không đồng đều của các nước này đã là một hiện thực trong mấy thập kỷ vừa qua, và từ nay những mức độ chênh lệch sẽ còn tăng lên nhiều nữa. Một số ít nước sẽ nhảy được vào dòng chảy chung của thị trường thế giới. Một số nước (chủ yếu ở châu Phi) có thể bị “đẩy ra rìa” trong một thời gian khá dài. Những nước còn lại vẫn ở trong trạng thái tìm kiếm những hướng ra khỏi trì trệ và bế tắc về đối nội cũng như về đối ngoại, nói cách khác, những nước này phải đi tới những định hướng có hiệu quả.

Trong bối cảnh thị trường thế giới hiện nay, tính năng động chủ quan của mỗi nước sẽ đóng vai trò ngày càng lớn. Có thể nói tất cả hay gần như tất cả, sẽ phụ thuộc vào việc xác định những định hướng thích hợp hay không. Không có một bài bản chung nào cho mọi nước. Những “mô hình” thành công nhiều lắm cũng chỉ có giá trị tham khảo. Chúng có thể dẫn tới thất bại trong những hoàn cảnh bên ngoài và bên trong khác.

Tuy vậy, ngay từ bây giờ, có thể nói rằng những định hướng cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế ở các nước kém phát triển phải bảo đảm cả về hai mặt: một mặt, hội nhập vào thị trường thế giới một cách vững chắc để vừa sử dụng những nguồn lực bên ngoài, chủ yếu là vốn và công nghệ mới, như những “cú hích ban đầu”, vừa mở rộng thị trường cho những sản phẩm trong nước có khả năng cạnh tranh ngày càng cao. Mặt khác, tiến hành những cải cách xã hội rộng lớn trong nước để khi dậy và phát huy tính chủ động của tất cả các thành phần kinh tế trong sản xuất và kinh doanh; hay nói theo ngôn ngữ mác-xít, giải phóng sức sản xuất của xã hội. Bản lĩnh của mỗi nước sẽ thể hiện rõ ở hai mặt có liên quan hết sức mật thiết với nhau ấy. Chỉ như thế, mới biến những “hi vọng mong manh” thành những triển vọng vững chắc. Ngoài ra, không có một “phương thuốc thần diệu” nào hết.

4.5. Bức tranh kinh tế thế giới sẽ thiếu đi một mảng lớn, rất quan trọng nữa, nếu không nói tới các nước theo chế độ kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây. Trong một thời gian dài, các nước này họp thành một khu vực kinh tế riêng biệt, vừa tạo ra sự tăng trưởng kinh tế của mình, vừa góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của nhiều nước thuộc Thế giới thứ ba. Chỉ tính riêng ở Liên Xô và các nước Đông Âu, năm 1988 các nước này đã chiếm 17,6% sản xuất thế giới về những sản phẩm chế biến. Nếu tính thêm Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Mông Cổ, Cu-ba, tỉ lệ ấy là trên1/5. Chỉ riêng tỉ trọng này (gần bằng Bắc Mỹ) cho thấy sức nặng của các nước này trong kinh tế và thị trường thế giới đến mức nào. Hơn nữa, tuy có nhiều hạn chế về mở ra thị trường thế giới, nhiều nước trong số đó cũng đã thiết lập các quan hệ kinh tế và thương mại với bên ngoài ở một mức độ đáng kể. Tình hình ở khu vực này tốt hay xấu, hỗn loạn hay ổn định, có ảnh hưởng lớn tới thị trường thế giới nói chung. Vì thế, một trong những mối quan tâm lớn nhất của các nhà nghiên cứu kinh tế đang và sẽ hướng vào các nước này.

Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, xét về mặt kinh tế, đã đưa lại một tình trạng suy sụp và hỗn loạn ở đây. Những cả chế và những quan hệ kinh tế bên trong và bên ngoài vốn có đã bị phá vỡ, nhưng những cả chế và những quan hệ kinh tế mới chưa được thiết lập. Sức sản xuất giảm sút nghiêm trọng (từ một phần ba đến một nửa). Mức sống của dân cư cũng giảm sút ghê gớm, số đông người rời vào tình trạng nghèo khổ. Sự phân hóa giàu - nghèo được đẩy nhanh và đạt tới những khoảng cách không thể chấp nhận được. Người ta đang nói tới “chủ nghĩa tư bản hoang dã” ở những nước này. Rất nhiều bài bản được đem ra áp dụng - từ những “liệu pháp sốc” đến những biện pháp ôn hòa - nhưng hiệu quả còn rất xa với sự mong đợi. Những “lão tướng” về tăng trưởng kinh tế thuộc các tổ chức kinh tế và tài chính quốc tế, nhất là của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), với những phương thuốc màu nhiệm cho hoàn cảnh khác, tỏ ra bối rối và bất lực trong những hoàn cảnh chưa có tiền lệ này. Các nước phát triển phương Tây (nhóm G7) do dự trước những lựa chọn hết sức khó khăn, vừa muốn “nhảy vào” để ngăn ngừa “sự phục hồi của chủ nghĩa cộng sản”, vừa sợ sa vào những “vũng lầy” của sự hỗn loạn kinh tế và chính trị.

Những tiếng nói bi quan cất lên ở bên trong và bên ngoài không những không giúp giải quyết vấn đề mà còn tăng thêm tâm trạng hoảng hốt. Trong khi đó, những cuộc tranh chấp ngày càng quyết liệt giữa xu hướng “cải cách” và xu hướng “phục hồi” đang diễn ra, nhất là ở nước Nga và các nước khác thuộc SNG. Máu cũng đã đổ vì những tranh chấp này. Nhưng trái với sự thất vọng của một số nhà nghiên cứu, chúng tôi cho rằng tình trạng bế tắc hiện nay không phải là định mệnh. Đa số dân cư không muốn quay trở về với chế độ kinh tế và chính trị cũ, như những sự kiện vừa qua cho thấy. Chỉ còn một lối thoát: tiếp tục cải cách. Vấn đề bây giờ là chọn những hình thức và những nhịp độ cải cách như thế nào cho thích hợp. Xu hướng cải cách vừa hướng tới những mục tiêu triệt để, vừa áp dụng những biện pháp ôn hòa tỏ ra có khả năng tập hợp được đa số dân cư. Xu hướng “phục hồi” (hoàn toàn hay về cơ bản) tỏ ra không có triển vọng. Và cả xu hướng “tự do hóa”, “tư nhân hóa” ngay lập tức cũng ngày càng được ít người ủng hộ. Cho dù sự lựa chọn nào thắng thế đi nữa, thì hướng chung của tất cả các nước nói trên vẫn là kinh tế thị trường dần dần hòa nhập thị trường thế giới. Những thay đổi về thế lực cầm quyền ở đây không báo trước sự thay đổi về hướng chủ yếu này.

Không thể có những dự báo quá lạc quan về tình hình kinh tế (do đó, xã hội) của những nước này. Nhưng những dự báo bi quan có lẽ cũng không đúng. Các tác giả bản báo cáo của CEPII đưa ra một dự báo dường như thích hợp hơn: các nước này sẽ trải qua hai thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ chuyển tiếp (đã khởi đầu). Thời kỳ thứ hai (1994-2000) sẽ dần lấy lại sự tăng trưởng và đến cuối thập kỷ sẽ đạt mức tăng trưởng khá cao (4-6%), lúc đó mức sống của dân cư sẽ được khôi phục ngang mức trước năm 1990.

Nhưng các nước Đông Âu và SNG sẽ không có cùng một mô hình kinh tế giống nhau, do những điểm xuất phát cũng như do tiến trình cải cách ở mỗi nước không giống nhau. Tạm thời, hãy coi những dự báo ấy như một khả năng phát triển của các nước này, khi chưa có đầy đủ căn cứ để đưa ra những khả năng khác.

Ngoài những nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu và SNG nói trên, Mông Cổ đang tri qua một quá trình chuyển tiếp khác, nhưng tình hình ở đây còn chưa thật rõ ràng. Sự lệ thuộc quá nặng nề trước đây của Mông Cổ vào Liên Xô và các nước Đông Âu làm cho quá trình này khó khăn hơn nhiều, và có lẽ phải có những sự giúp đỡ to lớn từ bên ngoài mới có thể tiếp sức được cho sự khôi phục và tăng trưởng kinh tế ở đây, dù những nguồn lực bên trong được huy động đến mức cao nhất.

Còn lại bốn nước vẫn duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa: Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Cuba. Nhưng cả trong những trường hợp này, như thực tiễn cho thấy, hướng đi cũng rất khác nhau. Trung Quốc và Việt Nam đang chuyển mạnh và có hiệu quả sang kinh tế thị trường. cả hai nước đã vượt qua được trạng thái suy thoái kinh tế và đã có tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc cải cách trước, từ cuối những năm 70, trong mấy năm gần đây đã có mức tăng trưởng rất cao (năm 1992: 13% và năm 1993 dự tính cao hơn). Đặc biệt, các tỉnh duyên hải phía Nam, như Quảng Đông, Phúc Kiến..., đang trở thành những địa bàn kinh tế phát triển nhanh chóng và được gọi là những “con hổ” mới. Đó là nơi đầu tư mạnh nhất của tư bản Hồng Kông và Đài Loan. Một số nhà quan sát nói tới khả năng vươn lên thành một cường quốc kinh tế của Trung Quốc vào đầu thế kỷ XXI. Nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc có những mặt trái của nó: sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng trong nước đang tăng lên; lạm phát rất khó kìm giữ trong nền kinh tế quá “nóng”; nông thôn và nông dân trở thành những “ổ” căng thẳng về xã hội... Không ít người cho rằng “chủ nghĩa xã hội” ở Trung Quốc chỉ còn là cái vỏ, về thực chất nước này đang đi vào con đường phát triển chủ nghĩa tư bản (“chủ nghĩa tư bản mang màu sắc xã hội chủ nghĩa”). Ngay cả ban lãnh đạo nước này cũng đề xướng áp dụng những phương pháp tư bản chủ nghĩa để xây dựng... chủ nghĩa xã hội. Ít ra, cũng có thể nhận thấy rằng Trung Quốc càng tăng trưởng kinh tế, thì càng rời xa những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Ban lãnh đạo nước này đã đẩy lùi giới hạn những nguyên tắc này tới giữa thế kỷ sau, nhưng đến lúc đó ai biết được thế nào. Dù rằng điều đáng mừng là một nước chiếm gần 1/4 dân cư hành tinh không lâm vào cùng khổ và có thể tin rằng nó sẽ đóng một vai trò to lớn trên thị trường thế giới trong một thời gian không xa. Mặc dầu tương lai chính trị của nó vẫn còn là một bí ẩn đối với nhiều người.

Việt Nam không nằm trong những phân tích ở đây (chúng tôi muốn dành nói riêng trong một bài khác). Chỉ xin nói rằng đổi mới và mở cửa về kinh tế của Việt Nam là những quá trình không thể đảo ngược để đi với kinh tế thị trường đích thực.

Cuba đang ngập ngừng mày mò những biện pháp hướng theo kinh tế thị trường để thoát khỏi tình thế hiểm nghèo hiện nay. Còn Bắc Triều Tiên cũng vừa công khai nhìn nhận tình hình kinh tế nguy khốn của mình (một cách thú nhận sự phá sản của chế độ kinh tế tập thể khắc nghiệt trước đây) và, xét lôgic của tình hình, cuối cùng cũng phải chuyển sang kinh tế thị trường, dù rằng đó không phải là một quá trình dễ đàng và nhanh chóng.

Trong bốn nước xã hội chủ nghĩa còn lại, chỉ hai nước Trung Quốc và Việt Nam có những mức tăng trưởng kinh tế cao và khá cao trong những năm tới. Còn Cuba và Bắc Triều Tiên chưa thể tính đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian trước mắt.

4.6. Có thể nói gì về mối quan hệ giữa thị trường thế giới và tăng trưởng kinh tế sau khi điểm qua tình hình của các nhóm nước trên đây? Rõ ràng thị trường thế giới là môi trường vô cùng cần thiết, không thể thiếu được đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của tất cả các nước, từ nước phát triển nhất đến nước kém phát triển nhất. Về mặt này, mức độ hội nhập thị trường thế giới là một thước đo của chính sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của mỗi nước. Nhưng mặt khác, cũng rõ ràng là thị trường thế giới không tự nó đem lại sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Để tăng trưởng và phát triển, cần có những điều kiện bên trong: trình độ phát triển đã đạt được và có khả năng phát triển cao hơn; chiến lược tăng trưởng và phát triển kinh tế thích hợp cả về đối nội lẫn đối ngoại; những nền tảng chính trị thuận lợi cho sự tăng trưởng và phát triển; và gần đây, người ta còn nhấn mạnh tới những truyền thống và những giá trị văn hóa có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển (thậm chí có những tác giả nêu nhân tố này lên hàng đầu, và họ làm điều đó không phải không có căn cứ). Thiếu những nhân tố ấy, thì dù thị trường thế giới có thuận lợi đến đâu, cũng không thể có sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Có người nói tới xu hướng tự nhiên của thị trường thế giới là làm cho khoảng cách về trình độ phát triển của các nhóm nước ngày càng tăng lên, nói cách khác, làm cho các nước phát triển bóc lột các nước kém phát triển ngày càng nặng nề. Để chứng minh cho luận điểm này, họ đưa ra những con số đôla từ các nước phía Nam chảy sang các nước phía Bắc nhiều hơn là dòng chảy ngược lại (theo Ibrahim Warde, con số vượt trội này lên tới 150 tỉ đôla, tính từ năm 1983 đến 1990, xem Le monde diplomatique, tháng 11 – 1993. tr. 10). Đúng là thị trường thế giới hiện nay nằm dưới sự khống chế của các nước phát triển, và điều đó cũng có nghĩa là các nước này được hưởng lợi nhiều hơn từ những quan hệ tín dụng, thương mại... trên thị trường thế giới. Nhưng có một điều chắc chắn, nếu không có một thị trường thế giới như hiện có, hay nói đúng hơn, nếu các nước kém phát triển không tham gia thị trường này, thì các nước này vẫn nằm trong khuôn khổ tự cung tự cấp, không thể nói tới tăng trưởng hay phát triển. Những bất lợi trên thị trường thế giới đối với các nước kém phát triển không phải là lý do để tẩy chay nó. Vả chăng, thực tế cũng cho thấy cùng với những điều kiện bất lợi như vậy, một số nước đã có thể bước lên con đường tăng trưởng và phát triển có hiệu quả.

Hơn nữa, sự bóc lột là một khái niệm tương đối, có mặt tiêu cực nhưng cũng có mặt tích cực đối với sự phát triển. A. Elianov, trong bài “Có thể có bóc lột trong một thị trường phát triển không?” (MEMO, số 12, 1992, Moskva), sau khi phân tích sự bóc lột trên thị trường trong nước, đã nói rất hay về vấn đề này trên thị trường thế giới rằng, về mặt đầu tư, các khoản lợi nhuận của tư bản nước ngoài được để lại một phần để tiếp tục đầu tư trong nước, còn những khoản lợi nhuận được chuyển ra ngoài thì được bù đắp bằng những nguồn tài chính có thể nhận được, nhất là bằng những công nghệ tiến bộ, kinh nghiệm sản xuất và quản lý. Cũng còn phải tính đến cả những công suất mới được tạo ra hay được hiện đại hóa, và những chỗ làm việc tăng thêm, chưa nói tới hiệu quả tăng thu nhập quốc dân và tăng thu nhập ngân sách. Về mặt thương mại, các quan hệ giao dịch được thực hiện theo những giá cả cân bằng, điều này là bất lợi cho những nước có trình độ sản xuất kém, nhưng lại là sự kích thích để khắc phục tình trạng này một cách nhanh chóng thông qua cạnh tranh trên thị trường.

Tất nhiên, cần phải đấu tranh cho những quan hệ thị trường thế giới ngày càng ít bất lợi cho các nước kém phát triển, đi tới những quan hệ ngày càng công bằng hơn. Đó là điều mà hàng chục nước Thế giới thứ ba đã và đang làm, với sự hỗ trợ của những lực lượng tiến bộ ở các nước phát triển. Kết quả tuy còn chậm và còn ít nhưng không phải không có. Và nếu biết khai thác những ưu thế vốn có, thì có thể xảy ra trường hợp một số nước kém phát triển giành được thế lợi trong các quan hệ kinh tế với các nước phát triển. Mỹ và các nước Tây Âu chẳng phải bắt đầu sợ sự cạnh tranh của Nam Triều Tiên, Đài Loan, Trung Quốc là gì?


5. Có thể đi tới một “trật tự thế giới mới” không?

5.1. Thập kỷ 90 bắt đầu với những biến đổi căn bản trong các quan hệ quốc tế. Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, tuy có những thay đổi lớn, các quan hệ quốc tế vẫn nằm trong khuôn khổ “chiến tranh lạnh”, hay nói rộng ra, trong khuôn khổ đấu tranh “ai thắng ai” giữa hai hệ thống thế giới tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Thế giới thứ hai hệ thống, như vậy, là cơ sở trật tự của thế giới “chiến tranh lạnh”, và ở một mức độ nhất định, đó là một trật tự tương đối ổn định, ít ra cũng là ổn định trong ý thức của nhiều người.

Những biến đổi dẫn tới sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô (trong những năm 1989-1991) đã phá vỡ trật tự tương đối ổn định ấy. Lúc đầu người ta hi vọng thay cho trật tự cũ là một trật tự mới trong các quan hệ quốc tế. Nhưng cho đến nay, trật tự mới chưa hình thành rõ nét. Các quan hệ quốc tế nằm trong tình trạng hỗn loạn. Tuy vậy, nếu quan sát kỹ, có thể nhận thấy rằng các nước trên thế giới đang tìm cách thoát khỏi tình trạng hỗn loạn ấy để trong một tương lai không xa, các quan hệ quốc tế đi vào thế ổn định, dù chỉ là tương đối. Chỉ vì một lý do không ai không cảm thấy: sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của bất cứ nước nào, đều đòi hỏi một tính ổn định tương đối của các quan hệ quốc tế. Tạm thời, người ta chưa nói nhiều tới “trật tự thế giới mới”, mà hướng vào quá trình điều chỉnh các quan hệ quốc tế sao cho mỗi nước có được vị trí thích đáng và có hoàn cảnh quốc tế tương đối ổn định để tồn tại và phát triển.

5.2. Vấn đề đầu tiên thường được bàn tới về mặt này là: thế giới có mấy cực? Khái niệm “cực” trước đây được dùng theo sự hình thành của hai hệ thống thế giới, mỗi hệ thống xoay xung quanh một “siêu cường quốc” – Liên Xô và Mỹ – và do đó, mỗi “siêu cường quốc” ấy được coi là một “cực”. Hiện nay, khái niệm “cực” được hiểu theo nghĩa rộng hơn: đó là những “trung tâm” của sự phát triển kinh tế và chính trị của thế giới (trong mối quan hệ với “ngoại vi”).

Theo cách hiểu ấy, khái niệm “cực” không thích hợp nữa. (Vả chăng, nói thế giới “một cực” hay thế giới “nhiều cực” là vô nghĩa, vì trong thế giới vật lý - mà người ta mượn khái niệm “cực” từ đó - chỉ có thể có sự đối lập của hai cực mà thôi).

Vậy thì, câu hỏi thế giới có mấy “cực” phải được hiểu là thế giới có mấy “trung tâm”. Câu trả lời cho đến nay là khá rõ, xét về bình diện kinh tế: đó là ba trung tâm Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Ba trung tâm này chiếm khoảng 2/3 sản xuất thế giới và công nghiệp chế biến, chiếm vị trí chi phối gần như hoàn toàn về các nguồn tài chính thế giới và cũng chiếm vị trí chi phối rất lớn về các quan hệ thương mại thế giới. Không phải vô cớ mà có người gọi thế giới hiện nay là pax triadica (hòa bình tay ba).

Điều quan trọng không phải chỉ ở tỉ trọng của ba trung tâm này trong các lĩnh vực đời sống kinh tế thế giới, mà còn là, - và chủ yếu là - ở những quan hệ vừa liên minh, vừa đối trọng lẫn nhau giữa ba trung tâm này. Trong báo cáo Toàn cầu hóa công nghệ (Globalisation of Technology), Bruxelles, tháng sáu 1992), C. Freeman và J. Hegedoorn cho biết: 92% của 4200 liên hệ liên minh chiến lược (alliances stratégiques) giữa các doanh nghiệp trên toàn thế giới trong những năm 80 được kết nối giữa các doanh nghiệp của “bộ ba” Mỹ, Nhật và Tây Âu.

Trên báo chí thế giới, vì những mục đích và lý do nào đó, nhiều người thường mô tả ba trung tâm này dường như thường xuyên nằm trong trạng thái giành giật quyết liệt với nhau, thậm chí trong trạng thái “chiến tranh kinh tế” với nhau. Điều đó chỉ đúng ở một nửa. Ba trung tâm này còn thiết lập những liên hệ liên minh chằng chịt với nhau theo hướng thâm nhập lẫn nhau (khái niệm toàn cầu hóa trong trường hợp này trước hết là “bộ ba hóa” - triadisation) - hơn là “thế giới hóa” - mondialisation). Xu hướng “bộ ba hóa” này đang dần dần mở rộng ra tất cả các khu vực then chốt (ôtô, hóa chất, dược phẩm, viễn thông, hàng không v.v...). Ricardo Petrella đưa ra một sự phân biệt rất đáng chú ý giữa “liên minh tay đôi” với “liên minh bộ ba”: những liên minh tay đôi (song phương) hiện đang chiếm phần lớn là những phương tiện củng cố vị trí của hai bên đối tác để đối phó với phía thứ ba, còn những liên minh bộ ba thì nhằm thực hiện một sự kiểm soát thế giới đối với một thị trường hay một lĩnh vực nào đó (xem “Pax triadica”, Le monde diplomatique, tháng mười một 1992, tr. 32). Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính, New York, Tokyo và London cùng nhau kiểm soát tới 80% tổng số giao dịch tài chính trên toàn thế giới. Và như đã biết, hình thái liên minh “bộ ba” này thể hiện rõ nhất ở nhóm bảy nước lớn (G7) như một ban chấp chính (directoire) của nền kinh tế thế giới. Những quyết định lớn nhất về kinh tế thế giới, trước hết về tài chính, đều được quyết định ở đây với những sự đồng ý chung. (Việt Nam đã có một sự thể nghiệm về điều này: mặc dầu Tây Âu và Nhật Bản đã đồng ý để cho IMF và WB cho Việt Nam tiếp tục vay tiền, nhưng phải đợi đến khi Mỹ đồng ý thì hai cả quan này mới “tháo khoán” cho Việt Nam vay).

Trong pax triadica này, không một phía nào giữ địa vị độc quyền chi phối cả. Cán cân lực lượng - ở đây là về kinh tế - giữa ba trung tâm ấy phản ánh một thế cân bằng nhất định của chúng. Cho dù giữa chúng có diễn ra những cuộc “chiến tranh kinh tế” khá căng thẳng, nhưng cuối cùng cũng đi tới “hòa bình”. Vòng đàm phán Uruguay của GATT đang diễn ra quyết liệt là một ví dụ. Vòng đàm phán nhiều lúc đã bị đứt đoạn và tưởng chừng không thể vượt qua được, bây giờ đã có cả thành công với những nhân nhượng lẫn nhau giữa ba trung tâm.

Có hai lý do để cuối cùng phải đi tới nhân nhượng:

Pax triadica không có nghĩa là thế giới được chia thành ba “khu vực ảnh hưởng” rạch ròi của ba trung tâm, như có người suy diễn. Đúng là do những quan hệ địa lý, lịch sử và văn hóa, mỗi trung tâm có ảnh hưởng nhiều nhất ở một vùng nhất định: nước Mỹ ở lục địa châu Mỹ, nước Nhật ở châu Á và Tây Âu ở châu Âu, vùng Ảrập và châu Phi. Nhưng nó tuyệt đối không phải là một sự “phân công” cố định, càng không phải là sự “phân chia thế giới” của các nước đế quốc vào đầu thế kỷ này. Mỗi trung tâm có xu hướng mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra những vùng khác, ra toàn thế giới. Nhật Bản xâm nhập cả thị trường châu Mỹ, châu Âu. Tây Âu cũng xâm nhập cả thị trường châu Mỹ và châu Á. Và Mỹ thì đang tìm cách xâm nhập ở mọi nơi; ngoài châu Âu là địa bàn hoạt động “truyền thống” ra, nó đang cố mở rộng ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dưng. Có thể nói ở tất cả mọi nơi trên thế giới, đang diễn ra sự tranh chấp nhằm giảm ảnh hưởng tối đa cho mỗi trung tâm. Sự liên kết khu vực, hay sự hội nhập khu vực (intégration régionale), không phải là mục tiêu tối hậu của mỗi trung tâm, mà được mỗi trung tâm coi như một bàn đạp, một hậu cứ cho sự bành trướng ra các khu vực khác.

5.3. Nói thế giới pax triadica, không phải nói thế giới chỉ là của ba trung tâm ấy, dù là trên bình diện kinh tế. Các nước khác không đóng vai trò hoàn toàn thụ động và lệ thuộc trong các quan hệ quốc tế. Tính năng động ngày càng tăng của những nước công nghiệp mới và cả của những nước đang cố “cất cánh” trên đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một thực tế hiển nhiên. Các nước trung tâm đều phải tính đến những phản ứng của các nước khác, dù lớn hay nhỏ. Tiếng nói của các nước này ngày càng có trọng lượng hơn trong các quan hệ quốc tế và trên các diễn đàn kinh tế quốc tế. Và để cho tiếng nói của họ có trọng lượng lớn hơn nữa, các nước này cũng đang tìm cách liên kết với nhau, tạo thành những liên kết khu vực với những sức mạnh kinh tế đáng kể. Các nước ASEAN là một ví dụ nổi bật. Nhưng bên cạnh thực tế ấy, còn một thực tế khác đáng buồn. Một số lớn các nước kém phát triển, đặc biệt ở châu Phi, cho đến nay chưa thoát được khỏi tình trạng lệ thuộc một chiều đối với các trung tâm, tiếng nói của họ hầu như không có ảnh hưởng gì mấy trên các diễn đàn quốc tế. Thế giới loài người từ xưa vẫn thế chăng? Hình như bao giờ cũng có những tộc người, những lãnh thổ rơi vào tình cảnh “tụt hậu” như thế chăng? Tuy không phải là định mệnh, vì có những vùng lạc hậu vượt rất nhanh lên phía trước, và ngược lại, nhưng sự phát triển không đồng đều hình như vẫn còn là một quy luật cố hữu của loài người từ khi có lịch sử và chắc chắn trong một thời gian rất dài nữa, vẫn thế. Nêu lên nhận xét này, không phải để cho những vùng lạc hậu nhất mãi mãi bị dồn vào những ngõ cụt, không lối thoát, mà cốt là để nói tới trách nhiệm chung của cộng đồng loài người đối với những vùng ấy. Một thế giới phát triển ổn định không thể là một thế giới của những chênh lệch quá xa về trình độ văn minh. Ý thức toàn cầu không cho phép như vậy. Đây không phải là câu chuyện “từ thiện” của những nước phát triển cao hơn, mà là câu chuyện về sự tồn tại của loài người như một chính thể.

5.4. Các quan hệ quốc tế về kinh tế không đồng nhất với các quan hệ quốc tế về chính trị. Không thể chối cãi rằng vị thế chính trị của một quốc gia, ở một mức độ khá lớn, tùy thuộc vào sức mạnh kinh tế của nó. “Ai bỏ tiền, người đó chỉ huy” - câu nói ấy chưa mất hết cơ sở. Nhưng trong thời đại hiện nay, vị thế chính trị của một quốc gia còn do nhiều nhân tố khác tạo nên. Nước Nhật, chẳng hạn, không phải vì là cường quốc thứ hai về mặt kinh tế mà cũng đóng một vai trò tương ứng trong chính trị thế giới. Ngược lại, có những nước ở trình độ phát triển kinh tế thấp hơn nhiều - chẳng hạn, Trung Quốc - lại có tiếng nói nặng cân trong các quan hệ chính trị thế giới, không thể bỏ qua được.

Xét thật kỹ, ba trung tâm kinh tế trên thế giới không hẳn là ba trung tâm chính trị. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thay vào thế giới của “hai cực” (hai siêu cường) là thế giới “nhiều cực”, và trong những “cực” ấy có cả những quốc gia không có trong “bộ ba” kia. Có thể tán thành ý kiến này với một vài điểm xác định “nhỏ”: thứ nhất, không nên và không thể cố định số lượng những “cực” này, tùy tình hình mỗi lúc mà “cực” này nổi bật lên và “cực” kia lu mờ đi. Thứ hai, các “cực” không tác động cùng chiều mà trong nhiều trường hợp, tác động trái chiều nhau. Nói cách khác, tính cả động của các quan hệ chính trị quốc tế ngày càng lớn, khác hẳn với thời “chiến tranh lạnh”, khi các quan hệ này nói chung nằm trong khuôn khổ “hai phe”. Như đã thấy, những sự kiện gần đây xảy ra trên thế giới - từ những xung đột ở nước Nam Tư cũ đến cuộc “hành quân hi vọng” của Liên hợp quốc ở Xômali - cho thấy phản ứng rất khác nhau của các “cực”, thậm chí của các “cực” thuộc ba trung tâm kinh tế thế giới.

Tác động trái chiều nhau của các “cực” hiện nay không bắt nguồn từ những hệ tư tưởng đối kháng nhau. Trước đây, hầu hết những xung đột chính trị trên thế giới đều bắt nguồn, trực tiếp hay gián tiếp, từ những xung đột về hệ tư tưởng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội (dưới những tên gọi khác nhau: “phe dân chủ” và “phe đế quốc”, “phe hòa bình” và “phe hiếu chiến”, “phe (hệ thống) xã hội chủ nghĩa” và “phe (hệ thống) tư bản chủ nghĩa”, v.v... hoặc, nói theo phía đối lập, “thế giới tự do” và “thế giới cộng sản”, “thế giới dân chủ” và “thế giới độc tài”, v.v...). Một số nhà nghiên cứu trước đây đã nhận xét rằng, bên dưới cái vỏ hệ tư tưởng ấy, thật ra là những lợi ích bành trướng của các “siêu cường” và những lợi ích dân tộc của những quốc gia khác nhau. Họ chứng minh điều đó qua nhiều sự kiện, đặc biệt khi xảy ra những xung đột vũ trang giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau (Liên Xô - Trung Quốc, Trung Quốc - Việt Nam, Việt Nam - Campuchia...). Những lý lẽ ấy không phải hoàn toàn sai: đúng là trong nhiều trường hợp, xung đột về hệ tư tưởng là cái cớ của xung đột dân tộc. Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Nói chung, những xung đột chính trị và quân sự thời “chiến tranh lạnh” có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với những xung đột và về hệ tư tưởng. Mở rộng phạm vi hệ thống xã hội chủ nghĩa, thu hẹp phạm vi thống trị của chủ nghĩa tư bản trên thế giới - đó là lý lẽ chủ yếu đưa tới những hoạt động chính trị và vũ trang của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác ở bên ngoài hệ thống của mình. Và ngược lại, thu hẹp phạm vi thống trị của chủ nghĩa cộng sản, mở rộng “thế giới tự do” - đó cũng là lý do can thiệp của các nước phương Tây vào những khu vực khác nhau trên trái đất nhằm đẩy lùi và chiến thắng chủ nghĩa cộng sản. Cuộc đấu tranh ấy có lúc đi tới những cuộc chiến tranh thật sự, có lúc diễn ra dưới những hình thức lật đổ, và cũng có lúc diễn ra bằng những phương pháp “hòa bình”. Nhưng về thực chất, đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng và cuối cùng nhằm tới chỗ “thanh toán” nhau. Điều đó tuyệt nhiên không có nghĩa là trước đây, trên vũ đài quốc tế, không có những xung đột dân tộc hay những xung đột khác. Những phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ này, đặc biệt là từ sau Chiến tranh thế giới, có những lý do khách quan: sự vùng dậy của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc chống lại ách thống trị của các nước thực dân. Phủ nhận tính chất khách quan của những phong trào giải phóng dân tộc là nhắm mắt trước một trong những hiện thực cơ bản nhất của thế kỷ chúng ta. Nhưng trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, rõ ràng những cuộc xung đột dân tộc ấy, ở những mức độ khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, đều gắn liền với những xung đột về hệ tư tưởng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Và trong nhiều trường hợp, những lý do về hệ tư tưởng này đã làm cho những xung đột dân tộc mang những sắc thái mới, những mức độ quyết liệt hơn, do đó, những hậu quả nặng nề hơn.

Hiện nay, nói chung những lý do về hệ tư tưởng không còn là những lý do trực tiếp và bao trùm của những xung đột chính trị trên thế giới nữa. Điều đó, nếu có, cũng chỉ có một số rất ít trường hợp và ở một số ít những thế lực chưa từ bỏ cách nhìn của thời kỳ “chiến tranh lạnh”.

Trong quan hệ chính trị quốc tế, nổi lên hàng đầu những lợi ích quốc gia, và những lợi ích này được đặt vào những quan hệ khu vực và thế giới thích hợp. Tôn trọng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, tìm cách hòa nhập khu vực và thế giới - đó là phương hướng quan hệ chính trị đối ngoại của ngày càng nhiều quốc gia hiện nay.

Có thể nói: các quan hệ chính trị quốc tế đã đổi trục. Từ trục hệ tư tưởng (kết hợp với những nhân tố khác như dân tộc, văn hóa...), các quan hệ đó chuyển sang trục lợi ích quốc gia (kết hợp với các nhân tố khác như hệ tư tưởng - nếu còn - và văn hóa, v.v...). Sự chuyển đổi này đối với một số người nào đó thật khó khăn. Những di sản của “chiến tranh lạnh” về mặt tư tưởng và tâm lý không dễ gì xóa ngay đi được. Nếp nghĩ “hai phe” đã bám cứng vào đầu óc của một số người. Hơn nữa, cái gọi là “lợi ích quốc gia” không phải dễ dàng xác định một cách rành mạch, nhất là khi đặt nó vào những nhu cầu hội nhập khu vực và thế giới. Và, cuối cùng, do sức mạnh và vị thế của các quốc gia chưa ngang nhau, nên những xu hướng sô-vanh từ phía này hay từ phía khác vẫn có đất phát triển (và thường khi lại nấp dưới vỏ bọc hệ tư tưởng, nhưng bây giờ là hệ tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc, của tôn giáo, của văn minh...).

5.5. Như vậy, cái gì sẽ chi phối các quan hệ chính trị quốc tế, một khi lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu: xung đột, chiến tranh hay hòa giải, hợp tác?

Dựa vào những gì đã và đang xảy ra ở một số khu vực trên thế giới, có thể dự đoán rằng những xung đột về lợi ích quốc gia sẽ ngày càng tăng lên, vì nhiều nguyên nhân. Lợi ích của quốc gia phát triển va chạm với lợi ích của quốc gia kém phát triển, những tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại, những cạnh tranh trên thị trường thế giới, những khác biệt về tôn giáo và văn minh... - đó là danh mục rất chưa đầy đủ của những lý do dẫn tới xung đột giữa các quốc gia (ở đây chưa nói tới những xung đột dân tộc bên trong một quốc gia). Và trong những trường hợp nhất định, những xung đột này có thể dẫn tới chiến tranh thật sự, nhất là ở những nước kém phát triển và theo chế độ độc tài. Mơ tưởng tới một thế giới không có xung đột giữa các quốc gia cũng hão huyền như mơ tưởng tới sự hài hòa tuyệt đối giữa các tầng lớp khác nhau trong mỗi quốc gia.

Những xu hướng đi tới xung đột giữa các quốc gia không phải là xu hướng duy nhất. Như đã trình bày trong các phần trên, lợi ích quốc gia đòi hỏi và bao hàm cả xu hướng hợp tác và hòa giải, hội nhập khu vực và thế giới. Cũng dựa vào những gì đã và đang xảy ra ở một số vùng trên thế giới, có thể khẳng định rằng đó là một xu hướng rất mạnh, và không có gì cường điệu khi nói rằng xu hướng này sẽ ngày càng mạnh hơn xu hướng trên.Trong khi chờ đợi xu hướng này chiếm ưu thế, thì các quan hệ chính trị quốc tế sẽ ở trong trạng thái kết hợp giữa các xu hướng đó, trạng thái vừa đấu tranh vừa hợp tác, trong đó tùy từng trường hợp cụ thể mà mặt này hay mặt kia nổi lên hàng đầu.

5.6. Điều này có thể thấy rõ ngay ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở những quan hệ của các nước trong khu vực này với Trung Quốc, đặc biệt của Việt Nam với Trung Quốc. Trong những quan hệ hết sức phức tạp này, chúng ta không thể lựa chọn theo kiểu hệ tư tưởng, kiểu “hai phe” như trước đây đã làm. Sự lựa chọn hợp lý hơn cả là đứng vững trên lợi ích quốc gia, hợp tác và hòa giải với các nước xung quanh để giải quyết những vấn đề tranh chấp và để tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của đất nước. Con đường mòn theo hệ tư tưởng chỉ dẫn chúng ta tới sự cô lập và tới những khó khăn to lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Nói rộng ra, trong các quan hệ chính trị quốc tế hiện nay, chúng ta không có một sự lựa chọn nào tốt hơn định hướng đối ngoại đã lựa chọn: muốn làm bạn với tất cả các nước, không phân biệt chế độ xã hội và chính trị. Ở đây, có một vấn đề cần làm sáng rõ: những xung đột và tranh chấp không phải là cơ sở để coi nhau như là kẻ thù. Giữa các quốc gia, những xung đột và tranh chấp vì một lý do nào đó là khó tránh được, nhưng chừng nào chúng không dẫn tới những cuộc xâm lược lớn, chừng đó chúng không phải là cơ sở để coi nhau là kẻ thù. Hình như thấy đâu cũng là kẻ thù, chỉ cần khác ta, đó là di sản của quá khứ. Nó dễ đưa chúng ta vào thế luôn luôn đối phó bị động, không nhìn thấy những giải pháp rộng lớn, mà kết quả là có hại cho chính lợi ích quốc gia. Cảnh giác để cho lợi ích quốc gia khỏi bị xâm phạm - đó là điều mà mọi quốc gia lớn hay nhỏ đều phải làm. Nhưng cảnh giác không có nghĩa là đặt hình ảnh kẻ thù vào trung tâm của các quan hệ chính trị đối ngoại.

5.7. Lợi ích quốc gia, được coi là điểm xuất phát trực tiếp của chính trị đối ngoại của mỗi nước, không thể là chuẩn mực duy nhất trong các quan hệ chính trị quốc tế. Để giải quyết những xung đột và tranh chấp giữa các nước, hơn nữa, để bảo đảm cho đời sống cộng đồng loài người trong những điều kiện văn minh hiện đại, khi thế giới ngày càng trở thành một chỉnh thể không thể chia cắt được, thì ngoài lợi ích quốc gia ra, còn phải có những chuẩn mực chung. Từ lâu, những chuẩn mực ấy đã hình thành và được khẳng định như những công pháp quốc tế. Thậm chí các nước còn thỏa thuận lập ra những toà án quốc tế để giải quyết tranh chấp. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những chuẩn mực quốc tế được nâng lên một bậc cả chiều sâu lẫn chiều rộng, thể hiện ở những tuyên ngôn, những công ước... được tổ chức quốc tế rộng rãi nhất và cũng có uy tín nhất là Liên hiệp quốc thông qua.

Nhưng hiện nay, tất cả những điều đó tỏ ra chưa đầy đủ. Thế giới trở nên mong manh hơn trước do mỗi quốc gia có thể tự mình quyết định ứng xử của mình, và việc quyết định này không phải bao giờ cũng có cân nhắc cả (Irak xâm lược Cô-oét là một ví dụ tiêu biểu). Trước đây, khi còn tồn tại “hai phe”, dù sao cũng có một thứ “kỷ luật phe” nào đó. Bây giờ, người ta cảm thấy “tự do” hơn, do đó, có thể có những hành vi khó kiểm soát hơn. Nhưng quan trọng hơn, đó là những vấn đề toàn cầu nổi lên cấp bách hơn trước nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực chung của tất cả các quốc gia để bảo đảm sự tồn tại của loài người. Và quan trọng hơn nữa, đó là những yêu cầu của một đời sống văn minh hơn của toàn thể loài người: ngày nay, tất cả những gì đè bẹp cá nhân con người, đi ngược lại với sự phát triển của con người (cá thể cũng như tộc loại), đều không thể dung thứ được, dù những điều đó xảy ra ở bất cứ đâu. Chính vì thế, những giá trị trước đây chỉ là của một số nước nào đó, bây giờ trở thành những giá trị phổ biến, như dân chủ, các quyền con người, v.v...

Lợi ích quốc gia, do đó, chỉ được coi là chính đáng, khi được kết hợp chặt chẽ với những chuẩn mực chung của đời sống cộng đồng loài người. Và đây là một vấn đề hết sức phức tạp từ quan niệm đến thực tiễn. Đặc biệt, về các quyền con người. Những lý do khách quan (trình độ phát triển khác nhau của các nước, không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, văn hóa) và những lý do chủ quan (những quan niệm của giới cầm quyền ở mỗi nước) tạo ra những độ chênh khá lớn trong cách hiểu và cách thực thi các quyền con người. Một số nước (thường là thuộc phương Tây) muốn dùng các quyền con người làm một phương tiện thay đổi những chế độ chính trị không hợp “khẩu vị” của họ. Tuy không thể nói tới một “chủ nghĩa đế quốc mới” nào đó, nhưng bất luận với ý muốn chủ quan tốt lành như thế nào, việc áp đặt ra các quyền con người lên các nước khác chỉ có thể gây ra những phản tác dụng, giống như việc “xuất khẩu cách mạng” từng được thực hiện trước kia. Các quyền con người không phải là một món hàng xuất khẩu và bắt người khác phải mua. Các quyền đó, phải là kết quả của sự tự ý thức của mỗi dân tộc, của sự đấu tranh bên trong mỗi nước, và những điều đó (tự ý thức và đấu tranh) chịu tác động rất mạnh mẽ của những tấm gương đầy thuyết phục của bên ngoài. Các quyền con người, do đó, có thể và phải là một lĩnh vực hợp tác quốc tế ngày càng quan trọng, mà không phải và không thể là một lĩnh vực gây sức ép thô bạo, trừ những trường hợp chà đạp không thương xót lên các quyền tự do của các cá nhân (bỏ tù vì bất đồng chính kiến, chẳng hạn).

Ngược lại với thái độ áp đặt nói trên, một số nước (thường là những nước theo chế độ độc tài, phi dân chủ) lại coi các quyền con người là thuộc về chủ quyền quốc gia của mình, chống lại mọi hình thức tác động từ bên ngoài theo những chuẩn mực chung của thế giới, đặc biệt là theo Công ước về các Quyền Con người của Liên hiệp quốc năm 1948 mà chính các nước đó đặt chữ ký của mình bên dưới đó. Chủ nghĩa biệt lập (hay “chủ nghĩa đặc thù”) trong vấn đề này không chỉ phản ánh tầm nhìn chật hẹp của giới cầm quyền các nước đó, mà còn thể hiện ý chí độc tài, phi dân chủ của họ. Trong vấn đề này, tính đặc thù chỉ có ý nghĩa đối với việc cân nhắc những bước đi thích hợp nhằm thực hiện các quyền con người, mà tuyệt đối không thể được coi như một sự biện minh cho việc khước từ thực hiện các quyền con người nói chung, nhất là các quyền về mặt tư tưởng, tín ngưỡng và ngôn luận.

Không chỉ có vấn đề các quyền con người. Có những giá trị chung của nền văn minh loài người đã được kiểm nghiệm trong hàng nghìn năm lịch sử vừa qua, mà sớm hay muộn, các dân tộc, các quốc gia đều phải tuân theo: xã hội công dân, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, chế độ dân chủ. Và cũng như trong vấn đề các quyền con người, các giá trị chung này có thể và phải trở thành những lĩnh vực hợp tác quốc tế, trong đó mỗi nước có phần đóng góp thích hợp của mình. Trong sự hợp tác về những vấn đề này, chắc chắn sẽ xảy ra những mâu thuẫn và những xung đột khó tránh khỏi. Nhưng chỉ có thế giới giải quyết những mâu thuẫn và xung đột này với một thái độ hiểu biết nhau và với những thái độ mới, phù hợp với các quá trình và các xu hướng chủ yếu của thế giới hôm nay.

Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, tất cả các nước đều đang phải dấn mình vào những thay đổi đời sống bên trong và các quan hệ quốc tế của mình, dù nói ra hay không nói ra điều đó. Thế giới đang đổi mới, phải đổi mới, không có ngoại lệ.

Tháng chạp 1993

Nguồn: Những bài viết của Nguyá»…n Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nÆ°á»›c, được chuyền tay hoặc chÆ°a công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tÆ° 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, vá»›i sá»± hiệu đính cuối cùng của tác giả.