© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Suy tÆ° 90
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29 
21.6.2006
Nguyễn Kiến Giang
Hồ Chí Minh nói về con người
 1   2 
 
Mấy lời nói đầu

Viết về Hồ Chí Minh rất khó. Viết Hồ Chí Minh nói về con người lại càng khó nữa. Không phải chỉ vì đã có rất nhiều người trong nước và ngoài nước viết, khiến cho những ai muốn viết thêm khó có thể có những phát hiện gì mới, nhất là khi chính Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận mình là một nhà lý luận.

Ðầu năm 1949, tôi được dự một khóa huấn luyện của Trường Nguyễn Ái Quốc lúc trường vừa mới thành lập. Tổng Bí thư Trường Chinh đến giảng về cách mạng Việt Nam. Ngày giảng bài của ông lại trùng hợp với dịp kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chí Minh. Nhân đó, ông có một buổi nói chuyện riêng về Cụ Hồ. Trong bài nói này, tôi nhớ nhất một ý: Hồ Chí Minh không viết lý luận vì đó là một người theo tinh thần thực tế cách mạng (tôi nhớ rõ lúc đó ông dùng một từ ngữ tiếng Pháp: réalisme révolutionnaire.)

Ít lâu sau đó, Hồ Chí Minh gửi thư cho lớp học, trong đó ông dặn dò trước hết là học để làm người. Rồi ông bất ngờ đến thăm lớp học. Ông không giảng bài mà dành thì giờ trả lời những câu hỏi của học viên (ai muốn hỏi gì cũng được, miễn là hỏi những gì thật cần thiết). Trong không khí thân mật, một học viên đứng lên:

“Thưa Bác, tại sao Bác không viết lý luận?”

Hồ Chí Minh vui vẻ đáp:

“Lý luận thì đã có Mác, Ăng-ghen, Lênin và Stalin viết rồi. Ta cứ làm theo đó là đủ."

Và đúng như thế. Ngày nay đọc lại những gì Hồ Chí Minh viết và nói, chúng ta thấy hầu như ông không trình bày một vấn đề lý luận cao xa nào cả.

Những cái khó chính là ở đó. Ðể nắm được “tư tưởng” Hồ Chí Minh, nói chung hay trong một lĩnh vực cụ thể nào, phải lần giở lại tất cả những gì ông nói và viết vào những dịp khác nhau để “hệ thống hóa” theo nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu. Ở đây, cũng như trong nhiều vấn đề khác, “hệ thống hóa” những ý kiến của một tác giả bao giờ cũng mang tính chủ quan của người nghiên cứu. Ðiều đó cũng có nghĩa là việc “hệ thống hóa” ấy nhiều lắm cũng chỉ có nghĩa là phản ảnh một số nét mà không bao giờ nắm bắt được đầy đủ cả. Bài viết này hẳn không phải là một ngoại lệ.

Trong bài viết này, tôi chỉ tự đặt cho mình một yêu cầu là dựa vào những tài liệu đã công bố chính thức, tìm hiểu xem Hồ Chí Minh đã nói những gì về con người. Chúng tôi chưa làm công việc đánh giá, phân tích về những ý kiến của Hồ Chí Minh trong vấn đề con người. Chúng tôi chắc hẳn không có phát hiện gì mới mẻ, chỉ cố gắng trình bày những ý kiến của Hồ Chí Minh như vốn có.


1.

Có vấn đề con người trong những ý kiến của Hồ Chí Minh không?

Có thể khẳng định ngay: vấn đề con người không hề xa lạ với Hồ Chí Minh, kể từ khi ông tham gia “Hội những người ái quốc An-nam” (Association des patriotes annamites) cùng với Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường và “Liên đoàn Nhân quyền và Dân quyền” (Ligue des droits de l’Homme et Citoyen) lúc đặt chân lên nước Pháp, cho đến khi viết về “công việc đối với con người” trong phần di chúc bổ sung trước lúc mất. Con người được đề cập với những nội dung khác nhau. Nhưng rõ ràng vấn đề con người đã xuyên suốt những bài nói và viết của Hồ Chí Minh.

Sở dĩ có câu hỏi nêu ra trong đề mục phần này là do gần đây, trước những biến động lớn của thế giới xã hội chủ nghĩa, một số người đặt mục tiêu hoạt động của Hồ Chí Minh thành vấn đề. Một nhà bình luận người Pháp, Jean-Francois Revel, lớn tiếng phán rằng: “mục tiêu của ông (Hồ Chí Minh - người viết) không phải là nền độc lập của Việt Nam, mà là hợp nhất với Quốc tế Cộng sản. Ðó không phải là đem lại cho nhân dân quyền tự quyết, quyền bầu cử, quyền lựa chọn những người lãnh đạo, luật pháp và cách sống của họ; mà là dùng cưỡng bức để áp đặt chế độ toàn trị kiểu Stalin lên dân chúng” ("Ho Chi Minh: le détournement du patriotisme", trong cuốn Ho Chi Minh, l’homme et son héritage, Ed. Ðường mới, Paris, 1990, tr. 9). Hoặc có người dựa vào một vài tư liệu lưu trữ ở Pháp để nói rằng Hồ Chí Minh rời Sài Gòn năm 1911 sang các nước phương Tây không phải để tìm đường cứu nước, mà chỉ là vì sinh kế (xem bài "L’itinéraire politique de Ho Chi Minh", sách đã dẫn, tr. 16-17). Bằng cách đó, họ muốn chứng minh là dường như Hồ Chí Minh chưa mang theo lý tưởng giải phóng dân tộc lúc xuất dương. Nhưng làm như vậy, họ cũng không thể bác bỏ được một sự thật là vấn đề con người đã được Hồ Chí Minh quan tâm từ đó. Bởi vì đối với mỗi người sống có ý thức, vấn đề con người luôn luôn hiện hữu, có khi xuất phát từ những suy nghĩ trừu tượng, có khi lại xuất phát từ một “thân phận con người” cụ thể. Chúng ta chưa có những tư liệu xác thực để chứng minh rằng từ tuổi thanh niên, ông đã suy nghĩ về vấn đề con người như thế nào, nhưng có đủ bằng chứng để khẳng định rằng ý thức giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ thực dân là điều có thật ở Nguyễn Tất Thành khi ông tham gia những cuộc vận động chống thuế hồi còn là học sinh Quốc học, và vì lẽ đó bị nhà trường thi hành kỷ luật. Nhưng dù không có chuyện đó đi nữa, dù việc Hồ Chí Minh rời đất nước năm 1911 chỉ là vì đi tìm sinh kế đi nữa, thì chính việc tìm sinh kế ấy không thể không làm cho Hồ Chí Minh phải suy nghĩ về thân phận con người, tức là về cốt lõi của vấn đề con người.

Trong một bài viết gần đây ("Jeunesse d’un colonisé, genese d’un exil. Ho Chi Minh jusqu’en 1911", trong tạp chí Approches - Asie, số 11, 1992), Daniel Hémery dựa vào những bằng chứng hiện có để lý giải về đoạn đời này của Hồ Chí Minh. Nhà sử học này phân tích những đảo lộn xã hội và chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, đồng thời cũng phân tích hoàn cảnh gia đình và cá nhân của Hồ Chí Minh đưa tới sự lựa chọn có tính chất quyết định của ông. Tác giả nhấn mạnh gia cảnh của Hồ Chí Minh hồi đó, khi ông Nguyễn Sinh Huy - thân sinh của Hồ Chí Minh - bị huyền chức khiến cả gia đình rơi vào cảnh túng quẫn [1] , và cho đó là một trong những lý do khiến Hồ Chí Minh phải ra đi. “Vào những ngày đầu tháng bảy 1911", D. Hémery viết ở đoạn kết luận, "khi nước mất, nhà tan, tủi nhục và cay đắng trong lòng, Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn, bước chân lên tàu Ðô đốc Latouche-Tréville...”. Một lần nữa, có thể thấy rõ “thân phận con người” của Hồ Chí Minh lúc rời nước ra đi và chắc chắn một người trẻ tuổi nhạy cảm như ông không thể không băn khoăn về thân phận của mình cũng như của nhiều người khác cùng hoàn cảnh.

Sự cảm nhận “thân phận con người” ấy là một yếu tố rất quan trọng - nếu không phải là chủ yếu - để ông gắn bó với những lính chiến và lính thợ Việt Nam bị đưa sang chiến trường châu Âu hồi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. (Theo Harold Isaacs, Hồ Chí Minh có mặt trong hàng chục nghìn người Việt Nam được dùng ở phía sau mặt trận Flandres, và theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp, những người Việt Nam này bị nghi ngờ có hoạt động chính trị). Mối quan tâm của ông đối với những người bị bắt đi lính sang Pháp, cũng như đối với những biến động ở nước nhà hồi đó được thể hiện rất rõ trong mấy lá thư hiếm hoi của Hồ Chí Minh gửi Phan Châu Trinh hồi đó (xem Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập I, tr. 477-479).

Cũng chính sự cảm nhận về “thân phận con người” ấy đã đưa Hồ Chí Minh tới việc tham gia Liên đoàn Nhân quyền và Dân quyền lúc ông vừa mới đặt chân lên Paris. Như đã rõ, dưới cái tên sẽ đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam sau này là Nguyễn Ái Quốc, chính ông thay mặt Nhóm người An Nam yêu nước đưa tới Hội nghị Versailles đầu năm 1919 bản Yêu sách của nhân dân An Nam, trong đó nêu bật các quyền con người phải được thực hiện ngay trong khi chờ đợi thực hiện quyền dân tộc tự quyết (xem Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, tr. 480-482). Về sau này, trong những hoàn cảnh khác nhau, những ý tưởng chính của bản Yêu sách này (quyền dân tộc tự quyết và quyền con người) được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần.


*


Từ đó, ném mình vào cuộc đời của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, với tư cách một người đấu tranh giải phóng dân tộc và một người cộng sản, Hồ Chí Minh nói tới thân phận con người trên những bình diện ngày càng rộng lớn. Ðây không chỉ là thân phận của các cá nhân, mà còn là của các dân tộc, “các chủng tộc thấp kém”... Thật hiếm thấy có tác giả nào theo dõi tỉ mỉ từng trường hợp xúc phạm con người ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới để lên án quyết liệt như Hồ Chí Minh trong những năm 20. Chỉ cần lướt qua nhan đề một loạt bài báo của ông hồi đó, cũng đủ thấy rõ sự quan tâm của ông về thân phận con người sâu sắc và rộng lớn đến mức nào: “Tâm địa thực dân”, “Công cuộc ‘khai hóa’ cao cả”, “Thù ghét chủng tộc”, “Khai hóa giết người”, “Chế độ nô lệ “hiện đại hóa””, “Vực thẳm thuộc địa”, v.v... và v.v... Hồ Chí Minh, khi đã trở thành người cộng sản, vẫn không quên đề cao Tuyên ngôn nhân quyền của Cách mạng Pháp và dùng quyền con người và quyền công dân làm những mục tiêu kêu gọi đấu tranh. Xin đặc biệt lưu ý bài “Thống chế Lyautey và Tuyên ngôn nhân quyền”. Trong bài đó, Hồ Chí Minh vạch rõ sự phản bội của thống chế Lyautey, toàn quyền Pháp ở Maroc, đối với Tuyên ngôn nhân quyền vì đã ra lệnh cấm niêm yết nó tại các trường học và công sở. Hồ Chí Minh nhấn mạnh bản tuyên ngôn ấy là một thành tựu nổi tiếng của nền dân chủ và là “những nguyên lý thời Cách mạng 1789-1793”, ông kêu gọi người Maroc “làm bổn phận của họ là những Con người và những Công dân”, nghĩa là “tổ chức nhau lại và đấu tranh để giành lấy các quyền đó, như người Pháp từng làm hồi 1789” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, tr. 295-298).

Có dựa vào “mô-tip” quyền con người và quyền công dân ấy, mới hiểu dược tại sao trong Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2 tháng chín 1945, Hồ Chí Minh mở đầu bằng lời mà ông coi là bất hủ trích từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp [2] .


*


Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, trừ Tuyên ngôn độc lập ra, trong những bài nói và bài viết của mình, người ta thấy Hồ Chí Minh không nói, hay rất ít nói, tới vấn đề con người và quyền con người. Theo chúng tôi, điều này một phần là do hoàn cảnh đất nước đã có những thay đổi căn bản. Trước hết, từ chỗ là những người mất nước, người Việt Nam trở thành những người dân của một nước độc lập, hoặc nói cách khác, từ nô lệ trở thành tự do (những phạm trù “nô lệ” và “tự do” này chỉ chung tới cộng đồng dân tộc mà không chỉ riêng từng cá nhân). Từ “con người”, do đó, biến thành từ “dân” hay “nhân dân”. Trong giai đoạn này, theo chúng tôi hiểu, khi Hồ Chí Minh nói tới “dân”, “nhân dân” cũng tức là nói tới “con người”.

Thứ hai, trong quá trình cách mạng diễn ra sau Cách mạng tháng Tám, nhất là trong cải cách ruộng đất và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa (cải tạo xã hội chủ nghĩa), con người Việt Nam từ chỗ là những người bị áp bức dân tộc nói chung dần dần được gắn với những vị trí, đia vị xã hội khác nhau, những nhóm xã hội giai cấp khác nhau theo đúng lý thuyết cộng sản. Có “con người-dân”, lại có “con người-cán bộ”. Có “con người-nông dân” lại có “con người-địa chủ”. Có “con người-lao động” lại có “con người-bóc lột”... Những phạm trù khác nhau này được phản ảnh vào những bài nói và bài viết của Hồ Chí Minh hồi này rất rõ.

Con người Việt Nam được đặt vào hai loại quan hệ. Một mặt, vì sau Cách mạng tháng Tám, nước ta phải tiến hành hai cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp và chống Mỹ, nên con người Việt Nam, nhân dân Việt Nam vẫn được coi như một cộng đồng dân tộc thống nhất trước họa xâm lăng của nước ngoài. Trong mối quan hệ này, Hồ Chí Minh thường dùng những cách gọi chung: “quốc dân đồng bào”, “đồng bào yêu quí”, “quốc dân Việt Nam”... Ở đây không có sự phân chia thành các nhóm xã hội có những lợi ích khác nhau, mà chỉ có sự phân biệt theo lứa tuổi, công việc, trách nhiệm... trong sự thống nhất của “chúng ta”. Một ví dụ rõ nhất: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 20 tháng chạp 1946:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ....”

Bên cạnh loại quan hệ ấy, trong nhiều bài nói, bài viết, Hồ Chí Minh còn đặt con người Việt Nam vào một loại quan hệ khác, tùy theo tính chất, lợi ích và địa vị xã hội khác nhau. Về mặt này, với tư cách một người lãnh đạo Ðảng và nhà nước, Hồ Chí Minh đề cập gần như thưỡng xuyên mối quan hệ “dân - cán bộ” như là hai bộ phận của cùng một hệ thống: bộ phận quản lý (lãnh đạo) và bộ phận bị quản lý (bị lãnh đạo), nói theo ngôn ngữ của khoa học quản lý hiện đại.

Và không chỉ như thế. Người dân được phân chia thành nhiều nhóm xã hội khác nhau, có những lợi ích thậm chí đối lập nhau, như trong cái gọi là “đường lối giai cấp” hồi cải cách ruộng đất: “dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú nông, tiêu diệt chế độ phong kiến từng bước và có phân biệt” (xem Hồ Chí Minh Tuyển tập, 1960, tr. 465). Rồi trong thời kỳ tiến hành “cách mạng (cải tạo) xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh cũng đặt con nguời vào những quan hệ xã hội - giai cấp một cách thật rõ ràng.

Nhưng, từ những năm 60, khi diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Chí Minh lại dùng nhiều hơn từ ngữ “đồng bào”, hay cụ thể hơn, “đồng bào miền Bắc”, “đồng bào miền Nam”, “đồng bào cả nước” trong những phát biểu của ông. Sự phân chia theo các quan hệ xã hội - giai cấp tồn tại cùng với cách nhìn “cộng đồng dân tộc” biểu hiện ở từ ngữ “đồng bào” thân thiết ấy. Những từ ngữ ấy lại được dùng trong Di chúc của Hồ Chí Minh: “… tôi viết sẵn và để lại mấy lời này, phòng khi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí và bầu bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột”.

Và, cuối cùng, năm 1968, hơn một năm trước khi mất, Hồ Chí Minh lại dùng từ “con người” trong phần bổ sung Di chúc của mình: “Ðầu tiên là công việc đối với con người”.

Khái niệm “con người” ở đây được dùng rất cụ thể để chỉ:

(xem Bác Hồ viết Di chúc, Nxb Sự thật, Nxb Kim Ðồng, 1989, tr. 139-141).

Vậy là, bắt đầu hoạt động cách mạng với những khái niệm “con người”, “quyền con người”, Hồ Chí Minh cũng khép lại cuộc đời mình với khái niệm “con người”, tuy với những nội dung có khác nhau.


2.

Từ con người của lý tưởng đến con người chức năng

Qua những bài viết và bài nói của Hồ Chí Minh, khái niệm “con người” hiện lên ở nhiều bình diện, hay nói cách khác, nhiều chiều (multidimensionnel). Ðiều đó thật đễ hiểu: con người bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào cũng là vậy: nó không tồn tại ở một bình diện, một chiều, mà ở nhiều bình diện, nhiều chiều, luôn luôn được đặt vào những quan hệ khác nhau, vào những vị trí khác nhau. Về quan hệ: đó là quan hệ với vũ trụ - tự nhiên, với tộc loại, với các cộng đồng, các nhóm xã hội (từ những nhóm vi mô như gia đình, đồng nghiệp... đến những nhóm xã hội vĩ mô như giới tính, xã hội - giai cấp, dân tộc..., và với chính bản thân mình. Về vị trí: đó là vị trí thụ động hay chủ động, chủ thể hay khách thể..., chưa nói tới những quan hệ cũng vô cùng quan trọng: giữ được mình (tính độc lập, tự chủ) hay đánh mất mình (tha hóa). Bản thân mỗi con người, cũng từ những quan hệ, những vị trí riêng của mình mà có những cách nhìn nhận, cảm nhận khác nhau về những quan hệ và vị trí của con người khác nhau. Vấn đề đặt ra ở đây là: trong những điều kiện lịch sử và cá nhân của mình, Hồ Chí Minh đã xem xét những bình diện, những chiều khác nhau của con người như thế nào.

Trước tiên, có thể khẳng định mà không cần phải chứng minh dài dòng rằng: thân phận con người mất nước của bản thân mình và đồng bào mình là nét nổi trội nhất chi phối cách nhìn con người của ông. Con người hiện lên rõ nét nhất qua những bài viết và bài nói của ông là con người mất nước và yêu nước.

Nhớ rằng Hồ Chí Minh sinh năm 1890 (trong khi chưa có một sự xác minh chắc chắn về ngày sinh của ông, và chính bản thân ông đưa ra tới ba năm sinh khác nhau: năm 1890 như ông chọn về sau này, năm 1892 như ông ghi trong lá đơn xin học Trường Thuộc địa (Ecole coloniale) ở Pháp, năm 1895 như được ghi trên hộ chiếu nhập cảnh vào Liên Xô năm 1923, thì chúng tôi tạm thời dùng năm sinh thông dụng hiện nay của ông), tức là khi đất nước đã chìm vào tình trạng bị thực dân Pháp nô dịch hoàn toàn. Các cuộc khởi nghĩa Cần vương đã im tiếng. Thực dân Pháp hoàn tất giai đoạn “bình định” (pacification) và chuyển sang thời kỳ “khai thác thuộc địa” (exploitation coloniale). Ðối với người Việt Nam hồi đó, mất nước là sự kiện đau đớn nhất. Tuy phải đến mấy chục năm sau, sự thống trị thực dân mới đụng chạm mạnh mẽ tới những cơ cấu và thể chế xã hội cơ bản của xã hội Việt Nam nhưng chỉ riêng việc mất nước là cú đòn tinh thần chí mạng đánh vào tâm thức mọi người, nhất là đối với những người có Nho học. Sự kiện mất nước dần dần đụng tới những nền móng sâu xa của xã hội Việt Nam, từ chính trị đến kinh tế và văn hóa. Ðó không chỉ là mất quốc hiệu (Ðông Dương thuộc Pháp mà không còn là còn là Việt Nam nữa), mất quốc gia (nhà nước), mà còn đụng chạm tới nhưng quyền lợi sống còn của đông đảo nông dân, nhất là những nông dân “sau các lũy tre làng”. Sự đau đớn về tinh thần lại càng nặng nề, đến mức không thể chịu đựng nổi. Một người nhạy cảm như Hồ Chí Minh không thể không trải qua tấn bi kịch tinh thần dữ dội của người Viêt Nam hồi đó.

Ý thức mất nước dẫn tới ý thức yêu nước, giành lại đất nước. Và từ khi lên đường ra nước ngoài, nhất là từ khi bắt đầu có những hoạt động chính trị, cho đến khi trở thành người cộng sản, cả đến khi làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bản thân Hồ Chí Minh luôn luôn mang nặng tâm thức ấy và nhìn những con người Việt Nam trước hết qua tâm thức ấy. Có thể khẳng định chắc chắn rằng yêu nước là mô-tip chủ đạo của cả cuộc đời Hồ Chí Minh. Sức thuyết phục của con người ông chính là ở đó, kể cả những lúc ông dính vào những sai lầm nào đó (về cải cách ruộng đất, chẳng hạn). Những lúc như thế, dù có những người nói tới “tội” của ông, nhưng họ không bao giờ quên “công” của ông.

Con người - mất nước được Hồ Chí Minh khắc họa thành hình tượng sâu sắc nhất từ những buổi đầu hoạt động chính trị của mình. Hãy đọc lại Bản án chế độ thực dân Pháp để cảm nhận điều đó. Hình ảnh một Ðông Dương (trên thực tế, chủ yếu ông viết về Việt Nam) bị thực dân chinh phục bằng lưỡi lê, bị tàn sát không gớm tay. Một phụ nữ làm nghề gánh muối ở Bà Rịa bị một nhân viên nhà đoan đánh gần chết chỉ vì làm mất giấc ngủ trưa của y... Những người bị bắt đi lính bị xích tay và lùa tới các điểm tập trung trước khi đưa xuống tàu... Người nông dân sống cùng khổ, bị tước đoạt mọi thứ và hễ mất mùa là chết đói... Những dân phu bị bắt đi làm phu phải cuốc bộ hàng trăm kilômet đến công trường làm đường, chui rúc trong những túp lều thảm hại, cơm không đủ no với chút cá khô và phải uống nước bẩn... Ðó chỉ là một vài trong trăm nghìn trường hợp con người mất nước bị chà đạp, với một nhận xét khái quát: “Chưa có bao giờ ở một nước nào mà người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác trắng trợn đến thế” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, tr. 444).

Nói tới con người - mất nước, Hồ Chí Minh không dừng lại ở các tầng lớp “bên dưới” mà còn nhắc tới cả những người ở các tầng lớp “bên trên”, với một thái độ đồng cảm và đầy trân trọng: đó là những ông vua như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bị đày ải phương xa, là những ông quan như Tống Duy Tân bị chém đầu, như Phan Ðình Phùng đứng lên đánh Pháp rồi chết rồi vẫn không được tha, mộ ông bị quật lên và thi hài ông bị ném mỗi nơi một mảnh... Và con người - mất nước không chỉ là con người Việt Nam, đó còn là con người ở tất cả các thuộc địa.

Mô-tip con người - mất nước ấy càng hiện rõ trong những bài viết ngay cả trước cuộc tổng khởi nghĩa trên những bài cổ động trên báo chí bí mật của Việt Minh (những người dân cày “thân người chẳng khác thân trâu”, những trẻ em “cũng phải lầm than cực lòng”, nhưng người thợ “quần rách áo xơ”...).


*


Như đã nói trên, ở Hồ Chí Minh, con người - mất nước cũng là con người - yêu nước, lúc đầu là con người cứu nước, rồi về sau, khi đã giành lại nước, trở thành con người giữ nước, dựng nước. Con người mất nước không hiện lên như những kẻ yếu hèn, cam chịu, mà ngay từ đầu, ông đã nhìn thấy đó chính là những người giành quyền sống của mình với tinh thần quyết liệt. Ðó là những người “không chết”, “vẫn sống, sống mãi mãi”, và “đằng sau sự phục tùng tiêu cực là nhưng người “giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm” (bài “Ðông Dương” viết năm 1921, Toàn tập, tập 1, tr. 9-10).

Không phải Hồ Chí Minh không nhìn thấy những trạng thái tinh thần tiêu cực của những bộ phận quần chúng nào đó. Trong một bài gửi thanh niên Việt Nam vào giữa những năm 20, sau khi mô tả những tấm gương yêu nước của thanh niên Nhật Bản, Trung Hoa..., ông thốt lên:

“Thế thì thanh niên của ta đang làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm: họ không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc làm thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi.

Hỡi Ðông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của người không muốn hồi sinh” (Toàn tập, tập 1, tr. 470).

Những lời cay đắng ấy phản ảnh một sự thật đương thời và là một cảnh tỉnh sâu sắc, không chút mơn trớn quần chúng theo kiểu mị dân. Ở ông, tinh thần yêu nước của người Việt Nam vẫn là một thứ của cải vô giá, lúc nổi lên bề mặt, lúc chìm xuống tầng sâu: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quí. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha-lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu trong rương, trong hòm” (Tuyển tập, Nxb Sự thật, 1960, tr. 367).

Có lẽ chúng ta còn phải làm việc nhiều, rất nhiều để hiểu thật rõ, thật đúng về con người yêu nước Việt Nam, không thể nói chung chung đó là một giá trị tinh thần bao trùm lên tất cả, nhất là không thể qui nó vào khuôn khổ một hệ tư tưởng nào đó. “Nước” là một thực thể địa lý, hơn nữa, đó là một thực thể chính trị, nhưng chắc chắn không chỉ có thế. Trong tâm thức người Việt, “nước” còn là một linh hồn chung của cộng đồng dân tộc (“hồn nước”), là “khí thiêng sông núi”, là một giá trị tâm linh vô cùng thiêng liêng. Những ý kiến của Hồ Chí Minh đã phản ảnh tâm thức sâu lắng này của người Việt, một tâm thức làm nên bản sắc dân tộc, vĩnh viễn không mai một. Về mặt này, có thể mạnh dạn nói rằng trong những tranh chấp giữa “chủ nghĩa quốc tế” và “chủ nghĩa dân tộc” ở những người cộng sản trên thế giới vào những năm 20 và 30, Hồ Chí Minh chưa bao giờ rời bỏ sự khẳng định dân tộc. Chính việc ông kiên trì ngọn cờ dân tộc là một trong những nhân tố căn bản đưa tới thành công của cách mạng Việt Nam, điều mà những người không cộng sản, thậm chí chống cộng sản, cũng phải thừa nhận.


*


Ở Hồ Chí Minh, con người được ông lấy làm điểm xuất phát cho hoạt động cách mạng của mình còn có một bình diện thứ hai, không kém quan trọng: con người paria (cùng khổ). Xin mượn ngay tên tờ báo Le paria do ông và một số đồng chí của ông sáng lập vào đầu những năm 20 ở Pháp để chỉ bình diện cơ bản ấy của con người qua cách nhìn của Hồ Chí Minh. Nếu như “con người mất nước - yêu nước” bao trùm mọi tầng lớp xã hội ở Việt Nam và ở nhiều thuộc địa khác, thì “con người paria” chỉ bao trùm những người cùng khổ trên thế gian. Trên tờ Le Paria, số 25, tháng năm 1924, dưới nhan đề “Ðoàn kết giai cấp”, Hồ Chí Minh kể lại phiên tòa xử một thủy thủ da đen tham gia đình công “chống bọn chủ”. Với sự ủng hộ của các luật sư và những công nhân khác, kể cả công nhân da trắng, người thủy thủ ấy được xử trắng án. Kết thúc bài báo, ông đưa ra một nhận xét khái quát: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản” (Toàn tập, tập 1, tr. 212).

Như vậy, bên cạnh “con người mất nước - yêu nước”, Hồ Chí Minh còn nhìn nhận sâu sắc “con người paria”, con người cùng khổ, con người vô sản. Và trong hàng chục năm trời hoạt động chính trị của mình, hầu như ông không tách hai bình diện con người ấy khỏi nhau. Ở ông, một người tham gia phong trào cộng sản từ lúc nó mới trở thành một trào lưu độc lập của phong trào công nhân thế giới với sự ra đời của Quốc tế thứ Ba, điều đó không có gì khó hiểu. Theo học thuyết cộng sản, ông nhìn thấy mối liên kết mật thiết giữa hai bình diện con người vì ở cực đối lập của con người - mất nước và con người - paria chỉ có một thế lực: “bọn tư bản”. Từ nay, sự giải phóng của con người - mất nước và con người - paria, đối với ông cũng như đối với mọi người cộng sản khác, nằm trong một quá trình đấu tranh chung: chống chủ nghĩa tư bản và chống chủ nghĩa đế quốc. Từ nay, giải phóng dân tộc phải gắn liền với cách mạng vô sản:

Ý tưởng này được ông lặp đi lặp lại trong rất nhiều bài viết. Cho đến năm 1959, khi viết “Lời tựa” cho bản tiếng Nga cho quyển Hồ Chí Minh. Những bài viết và nói chọn lọc, ông nhấn mạnh một lần nữa như một sự đúc kết không thể nào cô đọng hơn: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác hơn con đường cách mạng vô sản” (Tuyển tập, Nxb Sự thật, 1960, tr. 705).

Ðối với nhiều người, những điều vừa nói là quá hiển nhiên. Sự thống nhất giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản (chủ nghĩa xã hội) dường như là một chân lý không còn phải bàn cãi gì nữa. Nhưng hiện nay, vấn đề lại nảy sinh từ sự khẳng định ấy. Chúng tôi xin tạm gác vấn đề này lại, vì chủ đề của bài viết này là tìm hiểu những gì Hồ Chí Minh viết về con người. Song, nếu có thể nói ngay một điều gì, chỉ xin nói rằng: trong hoàn cảnh lịch sử những năm 20 và 30 trên thế giới cũng như trong nước, quan niệm về sự thống nhất giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản (tức là sự thống nhất của giải phóng con người - mất nước và con người - paria) có những cơ sở của nó. Chỉ có đặt vào hoàn cảnh lịch sử hồi đó, mới tránh được cuộc tranh luận hoàn toàn tư biện giữa những người cho rằng đối với Hồ Chí Minh, cách mạng vô sản chỉ là phương tiện để giải phóng dân tộc, với những người cho rằng đối với ông, giải phóng dân tộc chỉ là phương tiện để giành thắng lợi cho cách mạng vô sản và áp đặt chủ nghĩa xã hội lên đất nước ta. Thật ra, trong quan niệm của Hồ Chí Minh hồi đó, không có một sự phân biệt như vậy. Ông vừa là người đấu tranh kiên định cho giải phóng dân tộc, đồng thời là người đấu tranh cũng kiên định không kém cho cách mạng vô sản. Trong quá trình hoạt động của mình, ở những thời điểm khác nhau, ông có những sự nhấn mạnh mặt này hơn mặt kia và ngược lại, nhưng nhìn toàn bộ, vẫn thấy ở ông sự thống nhất của sự giải phóng con người - mất nước và con người - paria.

Cũng xin nói thêm rằng, ở Hồ Chí Minh, khái niệm “người cùng khổ” lúc đầu không đồng nhất với “người vô sản”. Trong bài viết “Paris”, ông mô tả một xóm nghèo của “những bà con khốn khó, kẻ thừa kế bị gạt bỏ của hai xóm kia” (xóm của người giàu và người trung lưu), “như là thuộc một giống người khác, ra vẻ bẽn lẽn, khiêm nhường, bị cái khốn cùng nó đè bẹp”. Ðó là xóm của một người “ép mía lấy đường theo cái kiểu nghìn năm xưa cũ”, “của một bác buôn giẻ rách”, của những cụ già hễ mùa đông tới “người thì khoác cái chăn trên lưng, người thì lại mặc cái áo dài bó của hầu bàn trưởng - đầu đội cái mũ rơm vàng úa, người khác nữa tả tơi đụp vá muôn màu sắc”, của cả một ông già “đeo một dải huy chương thưởng công cứu nạn”, nhưng bây giờ phải “nhờ thiên hạ bố thí để sống qua ngày, sau bấy nhiêu năm trời làm ăn cực nhọc”... Nhưng trong phần lớn trường hợp, ông mô tả kỹ nhất những người cùng khổ ở các thuộc địa, không thể dẫn hết.

Hồ Chí Minh không ảo tưởng nhiều về những con người cùng khổ này. Sự cam chịu của họ có lúc tưởng như vô bờ bến. Trong một bài thơ làm khi ở tù, ông nói tới những người tù bị cùm một chân phải, chỉ còn chân trái co duỗi được mà thôi, và những con người khổ nhục ấy lại tranh nhau được cùm chân trước để được ngủ trước:

Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật,
Cùm chân sau trước cũng tranh nhau;
Ðược cùm chân mới yên bề ngủ,
Không được cùm chân biết ngủ đâu?
(Nam Trân dịch)

Một câu thơ như xát muối vào lòng người!

Nhưng trên tất cả, Hồ Chí Minh vẫn đặt hy vọng vào những người cùng khổ này. Tượng trưng cho họ là con người biết mùi hun khói, cụ Ki-men-gô, 90 tuổi, từng trải qua những cuộc đấu tranh giải phóng và một lần đã bị kẻ thù hun khói xuống hang cụ ẩn nấp, và cuối cùng, đất nước cụ được giải phóng. Hồ Chí Minh nói về cụ già này với tất cả sự tôn kính: “Mái tóc cụ bạc phơ như tuyết khuôn rực rỡ bộ mặt màu mun. Ðôi mắt cụ hiền dịu và nhìn sâu thẳm. Miệng cụ luôn tươi cười, dù trước những nguy nan nghiêm trọng nhất hay trong những giờ phút đen tối nhất. Từ cả con người cụ toát ra nhân từ và cao quí, Cụ đáng tôn kính và được tôn kính.” (Toàn tập, tập 1, tr. 55).

Trong những bài viết về sau, như đã nói, Hồ Chí Minh dùng nhiều hơn những khái niệm mang tính giai cấp rõ rệt (“vô sản”, “công nhân”, “bần nông”...), nhưng nói chung, ông ít chú trọng tới “vị trí xã hội” của họ mà chủ yếu vẫn là gắn với cuộc đời cùng khổ của họ. “Con người - paria” vẫn là con người thân thuộc của ông.



[1]Về lý do Nguyễn Sinh Huy bị huyền chức, hiện có hai giả thuyết bác bỏ nhau: một giả thuyết cho rằng ông bị huyền chức vì những hoạt động yêu nước, chống Pháp; giả thuyết thứ hai lại cho rằng ông bị huyền chức vì nghiện rượu và ra lệnh đánh chết một can phạm, vượt quá quyền hạn của ông. Chúng tôi tạm gác vấn đề này vì chưa có tư liệu xác thực. Chúng tôi cũng xin phép đưa ra một giả thuyết: tại sao một người có tinh thần yêu nước lại không thể cũng là một người nghiện rượu vì những lý do tâm lý nào đó?
[2]Theo quan điểm giai cấp của học thuyết Mác-Lênin như thường được giải thích, việc Hồ Chí Minh đề cao những “quyền con người” và “quyền công dân” như “những lẽ phải không ai chối cãi được” là một điều có thể bị coi là “tà đạo” (dùng từ của G. Boudarel, bài “Ho Chi Minh” trong Hommes d’Etat d’Asie et leur politique, (Paris, 1980). Trong thời kỳ Cách mạng tháng Mười 1917 và sau đó, Lênin không dùng khái niệm “quyền con người” trừu tượng và phi giai cấp, mà dùng khái niệm “quyền của nhân dân lao động và bị bóc lột” (xem Lênin Toàn tập, tập 35, tr. 263-266).

Nguồn: Những bài viết của Nguyá»…n Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nÆ°á»›c, được chuyền tay hoặc chÆ°a công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tÆ° 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, vá»›i sá»± hiệu đính cuối cùng của tác giả.