(Chuyến Ä‘i tìm hiểu sá»± tháºt của Vincent Brossel - Tổ chức Kà giả không Biên giá»›i)
"Tôi bị phạt 6 tháng cưỡng bức lao động ở một trại nuôi heo vì tội quên viết âm cuối tên của đồng chí Kim Chính Nhật. Có hằng tá phóng viên như tôi được ‘cách mạng hóa’, thật ra là cải tạo, vì phạm lỗi như thế", một cựu phóng viên truyền hình Bắc Hàn đang tị nạn ở Nam Hàn tiết lộ. Đối với truyền thông Bắc Hàn, gọi theo thuật ngữ chính thức như trong thời chiến là "Bộ đội cụ Kim," thì mục đích duy nhất là phục vụ cho sự sùng bái cá nhân Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) được Tổ chức Kí giả không Biên giới (KGKBG) xếp hạng chót về tự do báo chí trên thế giới suốt ba năm vừa qua. Khó thấy được một tia sáng hi vọng nào loé lên từ mảnh đất này. Tuy vậy, trong cuộc khủng hoảng quốc tế về chương trình hạt nhân quân sự của Bình Nhưỡng, nhiều nhà quan sát viên thấy có một sự hé mở thận trọng. Một số tổ chức truyền thông quốc tế còn gọi đó là "mùa xuân Bình Nhưỡng." Điều này có ý nghĩa gì đối với tự do báo chí? Phải chăng giới truyền thông, vẫn bị kiểm soát bởi một đảng duy nhất, đang dễ thở hơn nhờ vào những cải cách kinh tế của Kim Chính Nhật và chính sách hòa hợp với Nam Hàn?
Tháng 9 năm 2004, Tổ chức KGKBG gởi một đoàn điều tra thực tế đi Nam Hàn để tìm kiếm những thông tin từ những người là cựu kí giả Bắc Hàn, các chuyên gia Nam Hàn và những tổ chức nhân quyền.
Giới truyền thông giao nhiệm vụ sùng bái cá nhân
Tại Khoa Báo chí trường Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, sinh viên học về "kế hoạch thông tin thường trực" đặt ra những tiêu chí chặt chẽ cho công tác truyền thông. Có 4 loại tin tức. Thứ nhất là thông tin về sự vĩ đại của Kim Nhật Thành và con trai ông ta, Kim Chính Nhật. Thứ hai là đề cao sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội Bắc Hàn. Thứ ba là phản đối chủ nghĩa đế quốc và sự lũng đoạn tư sản. Còn chỉ trích bản năng xâm lược của bọn đế quốc và của Nhật là thứ tư.
Phóng viên phải tổ chức công việc của mình dựa trên những tiêu chí này. "Tháng nào cũng vậy, giám đốc Đài truyền hình tổ chức một buổi họp kế hoạch hằng tháng và phân phối đề tài về các phòng, ban", nguyên biên tập viên của Đài truyền hình Trung ương từ năm 1976 đến năm 1996 Jang Hae-sung cho biết. "Ví dụ như tôi được phân công ba bài phóng sự về sự vĩ đại của Kim Chính Nhật và hai bài về sự đe dọa của chủ nghĩa đế quốc. Chúng tôi được phép vào kho lưu trữ của đài truyền hình. Đó là một cái phòng lớn, có nhiều băng cassette được sắp xếp theo những chủ đề như ‘sự vĩ đại của Bác Kim trong nông nghiệp’, hoặc ‘sự vĩ đại của Bác Kim trong công nghiệp.’ Đương nhiên là có các kho lưu trữ bí mật nữa, đặc biệt là những đoạn phim của Nam Hàn. Chúng tôi phải được giám đốc đài truyền hình cho phép thì mới tiếp cận được.”
Ngoài ra, giới truyền thông còn bắt buộc phải tuân theo những nguyên tắc khác mỗi khi đề cập đến Kim Chính Nhật. Chẳng hạn như sau tên thì phải liệt kê ba chức vụ cao quí nhất: "Tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCNDTT), và Chỉ huy Tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên."
Vì lí do an ninh, không ai được đưa tin về sự có mặt của Bác Kim ở bất cứ nơi nào trong nước trước khi ông ra về. Một ngoại lệ là cuộc gặp mặt lịch sử tháng 6 năm 2000 với Tổng thống Nam Hàn Kim Ðại Trọng được đưa tin ngay trong ngày, còn những hãng truyền hình Nam Hàn được phép truyền tin về sự kiện này trực tiếp từ Bình Nhưỡng.
Giống như cha mình trước đây, Kim Chính Nhật thích đắm mình trong hào quang của báo chí. Phóng viên truyền hình tuân thủ những chỉ thị rất nghiêm ngặt trong cách quay phim "người lãnh tụ kính mến" này. Ông Kim thường viết những bài xã luận cho tờ báo của Đảng Lao động ca ngợi những ý tưởng của mình về "chủ nghĩa tự lực" (juche), sứ mệnh của Đảng và phê bình những điểm yếu kém của chủ nghĩa tư bản. Các nhà văn, nhà thơ "quốc doanh" đặt cho ông những danh hiệu cao quí như "người thừa kế duy nhất của Lãnh tụ vĩ đại," "ngôi sao soi đường của chủ nghĩa tự lực", "nghệ nhân của tư tưởng Kim Nhật Thành," và "người kiểu mẫu tối cao, không ai sánh kịp trong những môn đệ của tư tưởng Kim Nhật Thành." Dù vậy, ông ta rất ít gặp gỡ với báo chí nước ngoài và hiếm khi trả lời phỏng vấn. Trong mười năm vừa qua, trong số những người cực kì may mắn được ân huệ này là tờ nhật báo
Sự thật (Granma) của Cuba, thông tấn xã Itar-tass của Nga, và phóng viên thân Bình Nhưỡng người Mỹ Moon Myung-ja.
Nói chung báo chí đưa tin một cách có hệ thống tất cả những gì liên quan đến Kim Chính Nhật và Kim Nhật Thành, người mà 4 năm sau khi mất (1998), được (truy tặng) danh hiệu “Chủ tịch Ðời đời”. Ví dụ như ngày Nam Hàn loan tin về một vụ nổ lớn ở Bắc Hàn, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo về việc Raul Castro (phó chủ tịch nước Cuba) gởi tặng Kim Chính Nhật một lẵng hoa chúc mừng thành tích của chủ nghĩa xã hội Bắc Hàn. Chế độ này cũng tìm mọi cách thuyết phục thế giới bên ngoài về sự vĩ đại của triều đại họ Kim, đặc biệt là qua Đài Tiếng nói Triều Tiên trên sóng ngắn. Năm 1997, Bình Nhưỡng bỏ tiền mua những trang quảng cáo trên tờ
New York Times và
Sunday Times (Luân đôn) để kỉ niệm ngày sinh nhật lần thứ 55 của Kim Chính Nhật. Và mặc dù mạng internet vẫn còn trong thời kì phôi sơ ở miền Bắc, chế độ này vẫn đầu tư để khuếch trương danh tiếng những người lãnh đạo, đặc biệt là trang web:
www.uriminzokkiri.com.
Sự sùng bái cá nhân gây ra một ảnh hưởng mâu thuẫn trong dân chúng. Một mặt, rất ít người trong số hàng trăm người tị nạn do Tổ chức Bác sĩ không Biên giới phỏng vấn dám lên tiếng chỉ trích Kim Nhật Thành, người vẫn tiếp tục được coi là "vị cha già dân tộc" và là người có công chống Nhật và công nghiệp hóa đất nước. Mặt khác, anh Lee Joo-il, người đến Seoul tị nạn cuối những năm 1990, nói rằng chính sự sùng bái cá nhân thái quá khiến anh chống đối. "Báo lúc nào cũng cho đăng cả trang dài những bức thư của người dân Châu Phi nói họ là những người học trò nhiệt tình của Kim Nhật Thành và tư tưởng "tự lực" (juche). Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy đăng thư của những người châu Âu-Mỹ cả. Tại sao chỉ có những nước châu Phi nghèo khó và nhỏ bé mới quan tâm đến thành tựu của chủ nghĩa xã hội Bắc Hàn?"
Tuy nhiên sự sùng bái này đã tạo ra một thế hệ mới gồm những cán bộ xả thân cống hiến cho ông Kim Chính Nhật. "Đối với họ, Kim Nhật Thành là "vị cha già dân tộc", còn Kim Chính Nhật là người có công cứu nước vượt qua những năm đói tàn khốc," Chung Chang-hyun, phóng viên tờ nhật báo Joong Ang Ilbo (Nam Hàn), nói. "Những cán bộ trẻ này đã cùng ông ta trải qua thời kỳ khó khăn."
Đảng trị
Điều 11 trong hiến pháp Bắc Hàn định nghĩa rõ thế nào một nhà nước độc đảng: "Nước CHDCND Triều Tiên tiến hành mọi hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên." Một điều nữa tuyên bố: "công dân được hưởng quyền tự do báo chí." Nhưng
Từ điển Lịch sử nhà nước lại nói: "Báo chí tuyên truyền và giải thích chính sách của Đảng và của những cán bộ cấp cao ... Báo chí chẳng những bảo vệ vững chắc mà còn giúp đạt được nền chuyên chính vô sản, sự đoàn kết nhân dân và thống nhất tư tưởng."
Ðảng độc nhất này được chủ nghĩa tự lực (tức là sự tìm kiếm tự cung tự cấp và tự trị) soi đường. Trung ương Đảng hoặc Bộ Chính trị đúng ra có quyền quyết định công việc, nhưng trong thực tế thì Kim Chính Nhật, trong vai trò chủ tịch Đoàn chủ tịch (ông ta cũng là thành viên duy nhất trong Ðoàn đó) làm chủ đất nước, như cha mình trước đó.
Nhóm chóp bu của ông Kim bao gồm những thành viên trong gia đình. Những bằng chứng có được cho thấy Kim Chính Nhật tự mình điều khiển cơ quan an ninh nhà nước khét tiếng mang tên Kukka Anjon Bowibu. Hiện nay không ai biết ai đứng đầu cơ quan này kể từ ngày ông trùm và hàng trăm cán bộ dưới quyền bị thanh trừng và gởi đi trại tập trung vào năm 1982. Do sự yếu kém của các thể chế chính trị khác, gọng kìm quyền lực của Kim Chính Nhật ngày càng được siết mạnh. Ví dụ như đại hội Đảng, định nghĩa trong hiến pháp là một cơ quan của Đảng, từ năm 1980 đến nay chưa họp một lần.
Sự thống trị của Đảng được thấy rõ trong mọi lĩnh vực của giới truyền thông. Kim in-goo, một kí giả miền Nam chuyên về các vấn đề Bắc Hàn nói, "Quyền quyết định lúc nào cũng thuộc về Đảng. Phóng viên phải chịu trách nhiệm về bài viết của mình trước đảng ủy cơ quan. Trung ương Đảng lựa chọn phóng viên và Cục Kiểm duyệt kiểm soát mọi tin tức. Và đương nhiên nếu phóng viên nào phạm lỗi thì sẽ bị Đảng kỉ luật."
Ngoài ra, Đảng còn có bộ máy đàn áp riêng như Ban Nội chính Trung ương và Bộ Công an, cả hai có mặt ở tất cả cơ quan tin tức cũng như ở khắp nước.
Tổng biên tập Báo
Lao động (Rodong Shinmun), Kim Li-ryong, ngang hàng với bộ trưởng. Giám đốc Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên và những tay lãnh đạo Đài Truyền hình Trung ương (JoongAng Bang Song) đều là Uỷ viên Trung ương Đảng lâu năm. Mệnh lệnh của Kim Chính Nhật ban xuống ba cơ quan truyền thông này qua Cục Thông tin - Tuyên truyền. Cục Báo chí và xuất bản thì chịu trách nhiệm về những tờ báo còn lại, đặc biệt là các báo tỉnh. Một mình Kim Chính Nhật quyết định ai sẽ nắm quyền kiểm soát báo chí. "Tôi biết bốn đời giám đốc đài truyền hình trong 20 năm qua. Những người này mất chức một khi Kim Nhật Thành hoặc Kim Chính Nhật quyết định họ phải ra đi", Jang Hae-sung nói.
Giới truyền thông nhận lệnh, đặc biệt là về thái độ thù hằn đối với Hoa Kì, từ một cơ quan tuyên truyền duy nhất của Đảng. Việc George W. Bush đắc cử tổng thống là cơ hội cho chính quyền khơi dậy lại những cảm giác chống Mỹ từ sau chiến tranh Triều Tiên. Báo chí Bình Nhưỡng nhan nhản những khẩu hiệu chống đối nhằm vào chính quyền Đảng Cộng hòa, còn những bài bình luận trên radio và TV Bắc Hàn thì sôi giọng mỗi khi đề cập đến Hoa Kì.
Cho Myong -chul, một giáo sư đại học bỏ trốn năm 1994, nói rằng sự tuyên truyền quân phiệt và chống Mỹ giúp tạo ra một “nền văn hóa ngôn ngữ học mới”. Ví dụ như "Tao sẽ giết mày như giết một tên đế quốc Mỹ" đã trở thành một câu chửi quen thuộc. Cùng lúc đó, theo lệnh của Kim Chính Nhật, tuyên truyền trực tiếp chống đối Nam Hàn ngày càng ít, để đáp lại chính sách "Thái Dương" mà Tổng thống Kim Ðại Trọng và người kế nhiệm theo đuổi. Thay vào đó những cuộc tấn công tuyên truyền nhắm vào những người tị nạn chạy khỏi Bắc Hàn (đặc biệt những người đã từng là cán bộ), quân đội và Đảng Bảo thủ đối lập ở Nam Hàn.
Đảng cổ vũ thông tin bằng đường internet. Khoảng 30 trang web chính thức hoặc bán chính thức được đặt tại Nhật, Trung Quốc, và Hoa Kì để tuyên truyền quan điểm của chế độ (Bắc Hàn). Mỗi ngày trang web của thông tấn xã www.kcna.co.jp đăng bản tin tổng hợp, tạm gọi là tin Bắc Hàn.
Khi Hoa Kì xâm lược Iraq tháng 3 năm 2003, giới truyền thông Bắc Hàn có những phản ứng im ắng không bình thường. Ngược với cách họ đưa tin về chiến tranh vùng Vịnh lần một, báo chí lần này chỉ giới hạn đưa những tin mang tính cách sự kiện mà không có phần bình luận.
Rập khuôn và tẩy não
Mọi phóng viên đều là đảng viên. Ở trường đại học, họ học về những nguyên tắc của “kế hoạch thông tin thường trực,” một phần cơ bản trong chương trình đào tạo. Phóng viên Kim In-goo ở Nam Hàn giải thích, "Sau khi sinh viên tốt nghiệp Khoa báo chí, đoàn đại biểu của Trung ương Đảng sẽ đến phỏng vấn. Một vài tuần sau họ sẽ được phân công về làm việc ở các tổ chức báo chí."
Đảng cũng quyết định tương lai nghề nghiệp của họ sẽ đi đến đâu. Mặc dù họ không được hưởng nhiều quyền lợi về mặt vật chất, so với công chức hạng trung thì lương của họ chỉ cao hơn khoảng một phần ba, nhưng họ có được đặc ân đi đây đi đó trong nước và đôi khi được cho ra nước ngoài.
Trong suốt đời mình, phóng viên luôn được rèn luyện về mặt tư tưởng. Nguyên phóng viên Bắc Hàn Kim Gil-sun nói, "Chúng tôi phải đi nghe cán bộ Uỷ ban Trung ương thuyết giảng từ 9 đến 5 giờ mỗi thứ bảy về những thành tựu của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật, những bài diễn văn và tư tưởng của Đảng. Người dân miền Bắc nào cũng phải đi học chính trị, sau đó phải làm bài kiểm tra. Công nhân học trung bình 2 giờ mỗi tuần, nhưng những người tốt nghiệp đại học, đặc biệt là phóng viên, thì bị nhồi nhét nhiều hơn nhiều, vì chúng tôi có nhiệm vụ tuyên truyền lí tưởng cho toàn dân. Hiển nhiên là kết quả của các bài kiểm tra rất quan trọng cho sự nghiệp của chúng tôi. Đảng dựa vào những người phóng viên có kỉ luật cao nhất."
Phóng viên làm việc ở những cơ quan có giá trị chiến lược phải ăn ở tại chỗ. Điển hình là Kim Gil-sun 17 năm liền sống trong một khu tập thể dành cho cán bộ làm việc ở Nhà Xuất bản Khoa học Tự nhiên Số 2. Mặc dù cái tên nghe không có gì là đặc biệt lắm, đây là nhà xuất bản chiến lược cho ra những tạp chí tuần và tháng về thành tựu của công nghệ và khoa học vũ khí, đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân. "Chúng tôi đều là dân tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành. Đa số là con thương binh liệt sĩ hoặc nạn nhân trong chiến tranh Triều Tiên," cô cho biết. "Chúng tôi hoàn toàn không có liên hệ với thế giới bên ngoài. ... Và được Kim Chính Nhật phong cho danh hiệu "quân tinh nhuệ." Cô và gia đình bị tống cổ ra khỏi nhà, còn cô bị đuổi việc chỉ vì một cuộc “trò chuyện nguy hiểm” về Sung Hae-rim, bồ nhí của Kim Chính Nhật, hiện đã qua đời. "Cũng may là tôi chưa bị đi đày. Ba năm sau thì tôi bỏ trốn."
Hậu quả của sự rập khuôn là những sản phẩm báo chí cực kì xơ cứng. Ngay cả những thanh niên miền Nam cộng tác với tạp chí
Đất nước Triều Tiên 21 (Minjoong 21), một tạp chí cực tả đăng bài của phóng viên miền Bắc, cũng không thể chối bỏ điều này. "Những bài viết đầu tiên chúng tôi nhận được không thể đăng nổi. Toàn là tuyên truyền thuần túy mặc dù chúng tôi chỉ hỏi họ về cuộc sống hàng ngày ở miền Bắc mà thôi... Chúng tôi phải dạy họ cách viết và phải biên tập những bài viết của họ. Họ coi mình là những nhà cách mạng bị những siêu cường quốc đe dọa."
Đảng yêu cầu các phóng viên tuyên truyền phiên bản lịch sử chính thức cho nên những điều “dối trá lớn” của Bắc Hàn được nhai đi nhai lại hằng ngày trên báo chí. Ví dụ, theo báo chí tuyên truyền, tháng 6 năm 1950 Nam Hàn tấn công Bắc Hàn trước. Rồi còn chuyện y tế miễn phí cho mọi người dân Bắc Hàn.
Kiểm duyệt tối đa
Khẩu hiệu mà Đảng đặt cho phóng viên đòi hỏi rất cao: “Phóng viên phải làm việc một cách khoa học, khẩn trương, và khách quan". Nhưng theo cách nhìn của Jang Hae-sung thì những qui định trên thực tế đã ngăn cản việc thực thi khẩu hiệu này.
Trước khi đăng bài, phóng viên phải gởi lên lãnh đạo phòng/ban mình rồi ban biên tập. Sau đó bài được gửi tới lãnh đạo “bộ phận điều tra nội bộ”, người sẽ đóng dấu "lưu hành nội bộ", qua “bộ phận điều tra toàn quốc”, rồi đến phòng tuyên truyền, nơi (nó được) đóng dấu "lưu hành toàn quốc."
Những kiểm soát nghiêm ngặt này bảo đảm tin tức luôn đi theo đường lối của Kim Chính Nhật. Ban biên tập thường xuyên nhận được chỉ thị đưa ra những đường lối của “nhà lãnh đạo mến yêu”. Từ Cục Tuyên truyền, những chỉ thị này thường bắt đầu bằng: “Kim Chính Nhật phát biểu...” Rồi ban biên tập triệu tập tất cả các phóng viên, thường thì vào thứ Bảy hàng tuần, tới nghe chỉ thị mới nhất. “Chỉ thị luân phiên lệnh (cho chúng tôi) viết khi thì dữ dội hơn, khi thì nhẹ nhàng hơn về Nam Hàn hoặc Mỹ.”
Điều này có tác dụng rõ nét lên tin tức. Bản tin truyền hình hằng đêm gồm toàn tin về ông Kim hết tham quan nhà máy mới đến dự lễ khánh thành, theo sau bằng những lời khen tặng cho sự vĩ đại của hai cha con. Lee Joo-il, tị nạn tại Nam Hàn từ năm 2001, nhớ lại: "Giống như tôi, mấy đứa bạn tôi chán ngấy những phim tài liệu tuyên truyền về Kim Chính Nhật... Hơn nữa, mấy đoạn phim về đám người biểu tình cực tả Nam Hàn chiếu trên TV để chứng tỏ là có nổi loạn chống lại bọn đế quốc và tư bản làm cho tụi tôi nghĩ rằng ở Nam Hàn ít ra con người ta có quyền biểu tình."
Báo chí Bắc Hàn ít đăng tin tức về quân đội mặc dù nó (quân đội) có hơn 1 triệu quân và ngốn một phần lớn ngân sách quốc gia. Quân đội xuất bản báo riêng - một trong số đó là tờ
Quân đội Nhân dân (Joson Inmingun) cho binh lính đọc, ca ngợi lực lượng vũ trang và sự cống hiến cho Kim Chính Nhật.
Bản tiếng Việt © 2006 talawas