Mở đầu
Dù không coi cái mốc thời gian là một định mệnh, thế kỷ XXI vẫn hiện lên ở chân trời mỗi ngày một gần, như một nỗi ám ảnh, như một lời thúc giục.
Việt Nam, sau một thế kỷ dài đấu tranh giành độc lập dân tộc vừa hào hùng vừa khốc liệt, vết thương đầy mình, đang đối diện với thế kỷ mới bằng một thực tế hiển nhiên: đất nước bị tụt hậu khá xa trong cuộc chạy đua toàn cầu. Thực tế đó tự bản thân nó không có gì đáng sợ cả. Bao nhiêu nước cùng cảnh ngộ với nước ta, cách đây chưa lâu, đã vươn lên phía trước bằng những tốc độ khó tin!
Nếu tìm được hướng đi đúng, huy động được toàn bộ năng lực của đất nước, nhất là năng lực trí tuệ vào sự nghiệp hiện đại hóa thì có thể rút ngắn được khoảng cách tụt hậu ấy. Nhưng phải thừa nhận rằng đó là một thách thức nghiệt ngã. Và sự lựa chọn chỉ có thể là một trong hai khả năng: hoặc là hòa mình vào dòng chảy chung của nền văn minh thế giới, hoặc là bị gạt sang bên lề dòng chảy này.
Không thể chấp nhận tình trạng tụt hậu. Bởi vì tụt hậu không chỉ là phải sống nghèo khổ, mà quan trọng hơn, đó chính là nền độc lập dân tộc vừa giành được bằng bao nhiêu công sức và xương máu của mấy thế hệ nối tiếp nhau có thể bị xâm phạm, và đất nước lại rơi vào một sự phụ thuộc mới đối với bên ngoài, thậm chí đối với cả những nước láng giềng, nhỏ và lớn, vốn cũng lạc hậu như nước ta cách đây chưa lâu. Nền độc lập dân tộc có nguy cơ trở thành hình thức.
Nếu xã hội Việt Nam không tìm được con đường thoát hiểm, nguy cơ vừa nói sẽ biến thành hiện thực. Mà con đường đó không thể nào khác ngoài con đường
hiện đại hóa. Đây không phải là một vấn đề hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử một trăm năm nay. Đằng sau vấn đề giải phóng dân tộc - nhiệm vụ cốt tử của toàn dân tộc, vì không thực hiện được nó thì không thể nói tới sự tồn tại của dân tộc -, vấn đề hiện đại hóa luôn luôn là nỗi ưu tư của người Việt Nam. Dù mang nhiều tên gọi khác nhau (Duy Tân, Âu hóa, Đổi mới...) thì cũng vẫn là một nội dung xác định: hiện đại hóa đất nước.
Nhưng hiện đại hóa như thế nào, bằng con đường nào, bằng những phương tiện gì, tiếc thay, một vấn đề trọng đại như vậy chưa được bàn luận rộng rãi và sâu sắc.
Không phải chỉ cần sao chép lại những tấm gương thành công của các nước hiện đại hóa sớm hơn nước ta là được. Trong lịch sử thế giới, không phải cách hiện đại hóa nào cũng thành công.
Rút kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước đi trước là vô cùng cần thiết, nhưng con đường hiện đại hóa của nước ta phải do chính chúng ta tìm kiếm và học hỏi.
Tiểu luận này mong góp một phần, chắc hẳn là rất nhỏ bé vào sự tìm kiếm hết sức khó khăn đó.
Phần một - Thử phân tích hiện trạng xã hội Việt Nam
Một xã hội chuyển tiếp hay nhập nhằng nước đôi?
Sau một thập kỷ, ngoảnh nhìn lại, có thể khẳng định rằng sự chuyển đổi trong thời kỳ
Đổi mới từ kinh tế quan liêu - bao cấp sang kinh tế thị trường là một biến đổi có tầm quan trọng hàng đầu trong lịch sử xã hội Việt Nam hơn một nửa thế kỷ nay. Với sự biến đổi ấy, xã hội Việt Nam tránh được một trạng thái suy sụp kéo dài hơn một thập kỷ và lấy lại được sinh khí phần nào. Dù diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, nhưng chắc chắn ý nghĩa và tác động của nó đụng tới các mặt đời sống xã hội, từ sản xuất và tiêu dùng đến ý thức xã hội. Nó đụng tới cả những mặt đời sống tưởng như không liên quan gì mấy đến kinh tế như nghệ thuật và tín ngưỡng. Sự biến đổi ấy đã trả lại (dù chưa thật trọn vẹn) cho xã hội Việt Nam một sự vận hành lịch sử - tự nhiên, nói đúng hơn, bắt đầu đặt xã hội Việt Nam vào dòng chảy tự nhiên của nó.
Hệ quả trực tiếp nhất của sự biến đổi này là sự phân giải và cáo chung của cơ cấu kinh tế quan liêu - bao cấp gọi là "xã hội chủ nghĩa". Những thành phần của nó chưa tan biến hết, chỉ còn tồn tại như những mảnh vỡ, thậm chí như những căn bệnh trầm kha. Kinh tế nhà nước, xương sống của kinh tế quan liêu - bao cấp, tuy vẫn được duy trì nhưng đã mất đi sức sống. Kinh tế tập thể (chủ yếu là các hợp tác xã nông nghiệp) gần như biến mất. Kinh tế cá thể được khôi phục và phát triển. Kinh tế tư bản tư nhân bắt đầu xuất hiện. Chúng ta đứng trước một trạng thái kinh tế nửa vời, không phải xã hội chủ nghĩa nhưng cũng không phải tư bản chủ nghĩa. Đó cũng không phải là một nền kinh tế hỗn hợp theo đúng nghĩa của nó mà là một trạng thái hổ lốn của những thành phần kinh tế cũ chưa mất hẳn (với phương thức quản lý có nới rộng hơn) nhưng vẫn theo khuôn mẫu xin - cho (và trợ cấp) và những thành phần kinh tế mới khôi phục hay mới xuất hiện (với tất cả những ngổn ngang và tính tự phát của chúng).
Sự tan rã của cơ cấu kinh tế cũ đưa tới sự phân giải của cơ cấu xã hội - giai cấp cũ. Không còn có thể nói tới một cơ cấu xã hội rạch ròi như trước đây thường nói gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa. Nếu giai cấp công nhân trước đây chủ yếu gắn với các xí nghiệp quốc doanh, thì bây giờ chia thành nhiều bộ phận khác nhau (quốc doanh, cổ phần hóa, tư nhân và các xí nghiệp nước ngoài...) với những lợi ích không giống nhau. Nông dân trước đây được coi là cơ sở xã hội lớn nhất của chủ nghĩa xã hội thì bây giờ hầu hết là nông dân cá thể. Tầng lớp trí thức cũng đang biến đổi: nếu phần lớn những người trí thức (theo cách gọi quen thuộc là những người tốt nghiệp đại học trở lên) vẫn cố len vào các xí nghiệp và cơ quan nhà nước, thì một số ngày càng đông đi tìm việc làm ở những khu vực phi nhà nước, thậm chí đang diễn ra một sự "chảy chất xám" từ khu vực nhà nước sang khu vực phi nhà nước. Nguồn thu nhập của các bộ phận trí thức cũng rất khác nhau, nhiều người tự nuôi sống được bằng năng lực trí tuệ, nhưng số đông vẫn sống với thân phận viên chức.
Trong khi đó đã và đang xuất hiện những "nhóm xã hội" không nằm trong cơ cấu xã hội cũ: tiểu thương, tiểu chủ, thương nhân, chủ doanh nghiệp,... và hầu hết thuộc khu vực tư nhân. Một vấn đề đang được các nhà xã hội học nước ta rất quan tâm: đã xuất hiện một giai cấp tư sản mới ở nước ta chưa? Câu trả lời có thể khác nhau vì chưa có những tiêu chí thống nhất về mặt này (vốn kinh doanh, mức sử dụng lao động, thu nhập bằng thặng dư...). Không những các nhà tư sản mới không dám tự nhận mình là tư sản, một thành phần xã hội không được "dung dưỡng" dưới chủ nghĩa xã hội, mà nhiều nhà lý luận cũng chưa dám thừa nhận có một giai cấp tư sản mới. Sự ra đời của nó đi ngược lại với "lý luận về sự quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội". Người ta gọi đó là "tư sản đỏ", "nhà giàu mới" tuỳ thích. Nhưng đó là những cách gọi không thích đáng. Thành phần của họ thật hỗn tạp. Bên cạnh những người làm giàu chính đáng bằng sức lực và tài năng của mình, còn có những "nhà giàu mới" kiếm tiền phi pháp: buôn lậu, lừa đảo, tham nhũng... Nghĩa là từ những thành phần làm ăn "ích nước lợi nhà" cho đến những tên ăn cắp không thể dung thứ.
Sự biến đổi trong thành phần quản lý nhà nước (thường gọi là thành phần "cán bộ" nói chung) cũng đáng chú ý. Trong những nghiên cứu xã hội ở nước ta, trước đây và cả hiện nay, "nhóm xã hội" này thường bị bỏ ra ngoài, trong khi nó lại là một thành phần rất quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất của cơ cấu xã hội, vì một lẽ đơn giản: đó là những người nắm trong tay sự quản lý xã hội. Không nên có một định kiến xấu về thành phần này. Trong mọi xã hội có tổ chức, nhất là trong xã hội hiện đại, theo lý thuyết về tổ chức (của nhà xã hội học Pháp Michel Grozier), bộ máy quan liêu (bureaucratie) - là một điều kiện cần thiết cho sự vận hành xã hội như một tổ chức lớn, đặc trưng chủ yếu của các xã hội hiện đại. Vấn đề là ở chỗ một số người không nhỏ trong bộ máy quản lý của nhà nước đang thoái hóa thành một bộ phận hư thối của cơ thể xã hội, như một thứ ung thư. Lộng quyền, tham nhũng và bất lực đã trở thành những căn bệnh nan y của bộ máy quản lý, đi ngược lại lợi ích của nhân dân (xin nhắc lại một câu nói của Lênin: còn có nạn hối lộ thì mọi chính sách đúng đều bị lộn ngược hết). Quen thói với ban phát (xin - cho) và tệ tham nhũng, nhiều người trong bộ máy đã biến mình thành vật cản lớn đối với sự phát triển xã hội.
Tóm lại, chúng ta đang ở trong một trạng thái xã hội phi cơ cấu, với hệ quả tất yếu là hỗn loạn, nhưng là một thứ hỗn loạn được che đậy một cách có ý thức và không có ý thức. Nói chính xác hơn, chúng ta đang sống trong trạng thái xã hội
nước đôi, nhập nhằng. Trạng thái này, tuy không đưa tới những chấn động xẫ hội lớn như ở một số nước, nhưng đang nuôi dưỡng mọi thứ yếu kém và trì trệ.
Trạng thái nước đôi, nhập nhằng về kinh tế và xã hội ấy không tồn tại "một cách khách quan", "độc lập" với mỗi người mà được phản ảnh một cách trực tiếp hay gián tiếp vào ý thức và tâm lý của mỗi người như những tác nhân xã hội.
Trạng thái xã hội nói trên đưa đến những phản ứng tâm lý hết sức khác nhau, đối nghịch nhau tuỳ theo những điều kiện sống và triển vọng sống, tuỳ theo nhận thức xã hội của mỗi người: hài lòng và bất mãn, hy vọng và lo lắng, tích cực và buông xuôi... Số đông những người dân bình thường không thể hiểu được xã hội Việt Nam đi về đâu. Một không khí bất ổn đang lan rộng trong một xã hội có vẻ ổn định, tuy đó là một sự "ổn định bất ổn" như nhận xét của một số nhà nghiên cứu. Có thể nói chưa bao giờ xã hội Việt Nam nằm trong trạng thái "ly tâm" như bây giờ. Xã hội mất đi sự cố kết.
Trên cái nền tâm lý xã hội mất tính cố kết ấy, đang nổi lên những nét tích cực và tiêu cực khá rõ.
Nói một cách bao trùm, đó là sự
chuyển đổi về hệ giá trị. Từ bao đời nay, nhất là qua những thử thách lớn đối với sự tồn vong của đất nước, phần lớn người Việt Nam sống với truyền thống và đạo lý lấy cộng đồng làm gốc. Đời sống cá nhân bị đặt xuống hàng thứ yếu và trong nhiều trường hợp, gần như bị triệt tiêu. Chế độ kinh tế và xã hội tổ chức theo kiểu quan liêu - bao cấp trong một thời gian dài đã góp phần củng cố tâm lý ấy. Với sự xuất hiện của kinh tế thị trường, một nền kinh tế dựa vào sự năng động của cá nhân (và gia đình), người ta quay về lo toan cho mình và gia đình mình trước hết, vì không làm như vậy, khó lòng tồn tại một cách bình thường, chưa nói tới chuyện khát khao trở nên giàu có, sung sướng hơn. Một cuộc giành giật giữa các cá nhân diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt để giành lấy phần có lợi nhất cho mình. Sự phân hóa xã hội là tất yếu.
Ở Việt nam, sự chuyển đổi hệ giá trị này còn có một biểu hiện gay gắt: tâm lý muốn có sở hữu riêng. Từ chỗ gần như "tay trắng" (trừ một số tư liệu sinh hoạt không có giá trị gì lớn), người ta lao vào cuộc chạy đua sở hữu riêng dưới mọi hình thức hợp pháp và không hợp pháp. Tâm lý sở hữu vốn có một ý nghĩa rất tích cực đối với sự phát triển xã hội. Nhưng ở một nước sau một thời gian dài đã xóa bỏ nó, thì chính điều đó lại dễ tạo ra một tâm lý xã hội tiêu cực: tâm lý chiếm đoạt bằng mọi giá.
Người ta nói đó là do mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, của đồng tiền. Thật ra, một nền kinh tế thị trường lành mạnh lại rất xung khắc với tệ chiếm đoạt, nhất là nạn tham nhũng. Trên thực tế, chính vì cái xã hội nhập nhằng, không ra cũ cũng không ra mới, trong đó mọi cái đều có thể bị lộn ngược ấy là miếng đất tốt cho các tệ nạn xã hội hoành hành. Chừng nào tình trạng này còn tồn tại thì rất khó nói tới một xã hội hiện đại hóa lành mạnh.
Những xu thế mới
Nhưng xã hội Việt Nam với trạng thái nước đôi nhập nhằng ấy không phải là một xã hội đứng yên. Trong những năm đổi mới, dưới vẻ bề ngoài ấy, xã hội Việt Nam chứa đựng một sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ. Sức sống của nó tuy bị hao phí rất lớn vào những vận động luẩn quẩn, nhưng vẫn đủ sức để cho những xu thế mới mở lối đi. Nhìn thật kỹ, đã có những bước tiến rất lớn, mà bây giờ, sau mười lăm năm nhìn lại, ta thấy dường như mình đang sống trong một xã hội khác.
Trong những xu thế mới của xã hội Việt Nam, xin nhấn mạnh tới ba điểm nổi bật: kinh tế thị trường, hội nhập thế giới và xã hội công dân.
Trước hết,
kinh tế thị trường đang tự mở lối đi ngày càng rộng lớn, với một sức mạnh không thể đảo ngược được. Dù nó còn mang những tật bệnh, những biến dạng - do một đường lối không nhất quán, do chính những tác nhân tiêu cực gây ra -, nó đã và đang thổi những luồng sinh khí khá mạnh vào cơ thể xã hội. Những tiêu chí mới do nó áp đặt cho mọi tác nhân, dù thuộc kinh tế nhà nước hay phi nhà nước, bắt người ta phải tính toán trước hết tới hiệu quả kinh tế (khả năng sinh lợi) và sức cạnh tranh. Thoát ra khỏi những tiêu chí và những tính toán này thì dù có một sự bảo trợ lớn đến mấy cũng không thể tồn tại mà không gây nguy hại lớn cho cả xã hội và chính bản thân mình. Kinh tế nhà nước là một bằng chứng hiển nhiên. Không ai có thể để cho nó tồn tại như một gánh nặng với bất cứ lý do nào, ngay cả với lý do nó là một "thành phần kinh tế chủ đạo". Những tính toán gần đây cho biết các doanh nghiệp nhà nước phần lớn đều thua lỗ, chỉ có 21% có lãi, nhưng theo Bộ trưởng tài chính Nguyễn Sinh Hùng, nếu tính hết tất cả những yếu tố sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước ngang với mức giá được tính cho các doanh nghiệp phi nhà nước, thì gần như không có doanh nghiệp nhà nước nào có lãi. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhà nước đang mắc nợ tới khoảng 200 ngàn tỉ đồng, xấp xỉ 1/2 tống sản phẩm quốc dân. Vấn đề cải tổ và thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước đang đặt ra một cách cấp bách, có liên quan đến số phận của nền kinh tế nước ta nói chung.
Kinh tế thị trường cũng đang tự mở lối đi bằng cách vượt lên những yếu kém, những tật bệnh của chính nó, đang và sẽ vượt qua tất cả những tàn dư dai dẳng của nền kinh tế quan liêu - bao cấp. Luật doanh nghiệp vừa ban hành báo trước một cách chắc chắn sự cáo chung của phương thức xin - cho, mà một bộ phận của cơ quan quản lý đang ra sức níu kéo một cách tuyệt vọng.
Thứ hai,
sự hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Con số xấp xỉ 20 tỉ đôla giá trị xuất nhập khẩu hiện nay (khoảng 10 tỉ xuất khẩu) phản ảnh một trình độ hội nhập chưa cao lắm, nhưng đã nói lên ý nghĩa to lớn của sự hội nhập này. Hiện nay, hầu hết các ngành kinh tế quốc dân đều tham gia ở mức độ quan trọng vào những trao đổi khu vực và thế giới. Xu thế ấy chắc chắn còn tăng lên.
Sự hội nhập còn được phản ánh qua những con số đầu tư và cho vay của nước ngoài và của các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế. Những khoản đầu tư và cho vay này đã và đang góp phần làm biến đổi bộ mặt kinh tế và xã hội của đất nước. Tuy gần đây có giảm sút, nhưng với những thay đổi chính sách thích hợp, chúng sẽ có thể được khôi phục và gia tăng. Việc thông qua Luật đầu tư (sửa đổi) mới đây, dù vẫn còn những điểm bất cập, nhưng đã nói lên ý chí của Việt Nam về hội nhập kinh tế thế giới và khu vực theo xu thế phát triển của đất nước. Dù muốn hay không, Việt Nam đã bắt đầu nhảy vào "sân chơi" thế giới theo những "luật chơi chung". Việc ký hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (ngày 13-7-2000) đánh dấu một biến đổi có ảnh hưởng sâu rộng của sự hội nhập.
Thứ ba, một
xã hội công dân đang dần dần xuất hiện và lấn bước xã hội nhà nước toàn trị, tuy còn rất chậm. Sự xuất hiện của xã hội công dân diễn ra không kèn không trống, thậm chí không được nhắc tới trên các diễn đàn chính thức cũng như công luận, nhưng đó là một quá trình có thật, ngày càng sâu rộng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ chỗ là những người dân thụ động trong xã hội toàn trị, trong nền kinh tế quan liêu - bao cấp, qua những năm đổi mới, mỗi người cảm thấy và đòi hỏi mình trở nên độc lập hơn trong làm ăn sinh sống, chịu trách nhiệm lớn hơn đối với đời sống của chính mình, cũng như đối với việc thực hiện pháp luật của nhà nước. Tâm lý dựa dẫm vào nhà nước để tự biến mình thành những "con gà công nghiệp", ngày càng mất dần.
Quá trình ấy đương nhiên không suôn sẻ. Sống quen với thái độ thụ động, chính người dân nhiều khi quên mất những quyền lợi công dân của mình đã được Hiến pháp qui định. Và nhiều người trong bộ máy nhà nước nhiều khi cũng quên mất những quyền công dân ấy, quen với lối ban phát từ trên xuống, tạo thành một mảnh đất rất thuận lợi cho hối lộ, tham nhũng và lộng quyền. Có thể nói rằng xã hội công dân ở nước ta đang hình thành với những yếu kém bẩm sinh, thậm chí với những yếu tố bệnh hoạn. Người dân sống trong tình cảnh "nửa độc lập, nửa lệ thuộc": độc lập trong việc tìm kiếm nguồn sống của mình, không thể trông cậy vào sự ban phát về mặt này, nhưng vẫn phải lệ thuộc vào những liên hệ chính thức và không chính thức với các cơ quan nhà nước. Những điều cần ghi nhận ở đây là: mỗi người dân đang mở rộng dần tính độc lập về thu nhập. Đó chính là cơ sở và cũng là điều kiện cho sự hình thành một xã hội công dân. Xã hội công dân này còn đang rất thô sơ, rất "hoang dã" (cũng như kinh tế thị trường), nhưng nó đã hình thành và đang tự mở lối đi ngày càng rộng lớn. Xu thế ấy chắc cũng không thể đảo ngược.
Ngoài mấy điểm nói trên, chúng ta cũng còn dễ dàng nhận thấy không khí xã hội cởi mở hơn. Sự phê phán những khuyết tật của xã hội và cả của những người có "vai vế" ở những cấp nào đó, trong dư luận truyền miệng cũng như trên báo chí, đã bắt đầu đẩy lùi những "cấm kỵ" trước đây. Đời sống tư tưởng và văn hóa có phần phong phú hơn. Chỉ nhìn qua số sách báo xuất bản gần đây, cũng có thể thấy những hàng rào cấm đoán đang dần dần thu hẹp. Nhưng những "khu cấm" vẫn còn rất nhiều với rất nhiều lý do được công bố và không được công bố, thường là với lý do "xâm phạm lợi ích nhà nước" mà không ai rõ đó là "lợi ích" nào, của đất nước thật hay là chỉ để bảo vệ các đặc quyền. Những ý kiến khác với sự lựa chọn và quyết định từ trên xuống đều bị coi là "tội lỗi", và không ít trường hợp đã bị xét xử như những tội "hình sự". Vì thế, sức mạnh trí tuệ của dân tộc - một sức mạnh đã được thử thách qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước - bị lãng phí một cách đau xót. Chính trạng thái nhập nhằng của xã hội một phần lớn đã bắt nguồn từ đó.
Những vật cản
Những nhận xét trên đây đưa tới một câu hỏi lớn: trạng thái nhập nhằng của xã hội Việt Nam hiện nay là do đâu? Hay, cũng bao hàm ý nghĩa tương tự, những xu thế mới của xã hội bị kìm hãm bởi những nguyên nhân nào? Theo tôi, câu trả lời nằm ngay ở sự lựa chọn con đường phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay. Một sự lựa chọn đúng sẽ đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước đôi, nhập nhằng, đáp ứng với những xu thế phát triển lịch sử - tự nhiên của xã hội. Một sự lựa chọn không đúng sẽ đưa tới những hậu quả ngược lại.
Sự lựa chọn đúng không thể phụ thuộc vào những quan niệm có sẵn, một hệ tư tưởng bất biến mà phải căn cứ vào những yêu cầu phát triển hiện thực của xã hội, vào những giá trị đã được kiểm nghiệm qua lịch sử của các nền văn minh loài người. Thực tiễn là thước đo chân lý, như những người mác-xít thường tuyên bố, nhưng điều đó hẳn phải có ý nghĩa là thực tiễn phải được đặt cao hơn mọi hệ tư tưởng.
Bằng những thể nghiệm bản thân qua những thành công và thất bại của chủ nghĩa xã hội trên thế giơí và ở nước ta, đảng cộng sản Việt Nam cũng đã thấy cần phải mang lại cho chủ nghĩa xã hội những mục tiêu mới, ít màu sắc hệ tư tưởng hơn: dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Những biến đổi tích cực của xã hội Việt Nam trong những năm
đổi mới, ở một mức độ đáng kể, bắt nguồn từ sự bắt đầu thay đổi về quan niệm mới ấy. Về hình thức, nó kế thừa những trào lưu tư tưởng tiến bộ trên thế giới và trong nước.
Dân giàu nước mạnh, lý tưởng của phong trào
Duy Tân đầu thế kỷ;
công bằng (xã hội), mục tiêu của các phong trào đấu tranh xã hội từ nhiều thế kỷ qua, trong đó có phong trào
vô sản; dân chủ, một giá trị nền tảng của mọi xã hội hiện đại; và
văn minh, như một dòng chảy xuyên suốt lịch sử của loài người mà đỉnh cao của nó là
văn minh công nghiệp và
hậu công nghiệp, là
văn minh tin học và
trí tuệ hiện nay. Nội dung của những khái niệm ấy còn phải được cụ thể hóa hơn nhiều để khỏi có những cách hiểu khác nhau, ngược nhau như đang thấy (chẳng hạn, chung quanh khái niệm công bằng và dân chủ). Nhưng chỉ riêng việc đề ra những mục tiêu này đã cho thấy một bước chuyển mới về nhận thức.
Điều đáng tiếc là: trong khi nêu lên những mục tiêu mới ấy, thì sức ỳ về tư tưởng lại ngăn cản những bước đi triệt để hơn bằng công thức "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" mà nội dung của nó chưa bao giờ được xác định rõ và có sức thuyết phục cả. Vấn đề không phải là dùng hay không dùng thuật ngữ "chủ nghĩa xã hội" làm mục tiêu phát triển xã hội. Vấn đề là hiểu chủ nghĩa xã hội như thế nào. Xin nhắc lại rằng, từ lâu những người theo chủ nghĩa Marx trên thế giới đã hiểu chủ nghĩa xã hội rất khác nhau. Ngay chính Marx và Engele trong
Tuyên ngôn cộng sản đã lưu ý rằng "năm 1847, chủ nghĩa xã hội có nghĩa là một phong trào tư sản còn chủ nghĩa cộng sản lại có nghĩa là một phong trào công nhân. Như thế, không nên gắn thuật ngữ "chủ nghĩa xã hội" vào một nội dung cứng nhắc nào đó có tính chất bất biến, nhất là /và đừng "thần thánh hóa", "sùng bái” nó. Trong một thời gian rất dài, ở nước ta và không chỉ ở nước ta, chủ nghĩa xã hội được hiểu theo "mô hình xã hội chủ nghĩa xô viết" mà về thực chất đó là một xã hội nhà nước hóa ở mức cao nhất. Sự sụp đổ của nó tuy có làm cho cách hiểu về chủ nghĩa xã hội có phần nào uyển chuyển hơn (như chấp nhận kinh tế thị trường mà không khư khư bám vào kế hoạch hóa tập trung như trước), nhưng rất nhiều "tín điều" của mô hình này vẫn còn bám chắc vào đầu óc của nhiều người, như một thứ "vòng kim cô" không tháo gỡ được. Chính "vòng kim cô" này là nguyên nhân của tình trạng trì trệ về nhận thức, đưa tới một sự nhập nhằng, nước đôi trong việc lựa chọn hướng đi của xã hội. Xét đến cùng, không thể vừa muốn "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" lại vừa bám lấy chủ nghĩa xã hội theo cách cũ đã phá sản, không thể vừa muốn sáng tạo lại vừa giữ nguyên các giáo điều, để rồi cuối cùng cũng phải tuân theo những yêu cầu của đời sống hiện thực nhưng phải tốn nhiều thời gian và phải trả giá rất đắt.
Nếu trạng thái nhập nhằng, nước đôi làm cho nhiều người hoang mang, không nhìn thấy được những triển vọng phát triển của xã hội, thì sự thắng thế chật vật, gay go của những xu thế mới có thể nhen nhóm những niềm tin mới vào tương lai. Nhưng cuộc đấu tranh giữa những nhận thức mới và cũ, giữa những lợi ích chung của đất nước (toàn bộ) với những đặc quyền của một số người (cục bộ) chưa kết thúc. Thực chất của sự lựa chọn con đường phát triển của xã hội Việt Nam lúc này chính là ở chỗ: đặt lợi ích của dân tộc, đất nước lên trên hay ngược lại, đặt quyền lợi, đặc quyền của một nhóm xã hội nào đó lên trên.
Có thể mô tả động thái chuyển tiếp từ phía lãnh đạo bằng hai từ
thích nghi và
kìm hãm. Không thích nghi với những nhu cầu phát triển của đất nước, với những xu thế lớn của thời đại thì không thể phát triển, thậm chí không thể tồn tại, do đó phải thích nghi. Nhưng nếu sự thích nghi ấy có thể gây nguy hại cho vị trí độc tôn và nếp nghĩ chính thống thì phải kìm hãm. Cả hai mặt này về căn bản đều mang tính
thụ động. Sự lựa chọn con đường phát triển xã hội đòi hỏi
tính chủ động cao trên cơ sở một tầm nhìn mới, xa hơn, dám từ bỏ những gì quen thuộc nhưng không còn thích hợp nữa. Đó là sự đổi mới tư duy thật sự mà không phải nửa vời.
Phần hai - Thử phác vẽ con đường hiện đại hoá ở Việt Nam
Một cách hiểu tổng thể về hiện đại hóa
Như đã nói ở đầu tiểu luận này, hiện đại hóa là yêu cầu lịch sử bao trùm toàn bộ sự phát triển xã hội Việt Nam. Vì thế, việc nêu nó thành mục tiêu và nội dung tổng quát của chiến lược phát triển xã hội Việt Nam chắc chắn giành được sự đồng tình của mọi người. Vấn đề là hiểu hiện đại hóa như thế nào ("hiện đại hóa", theo tôi, đã bao hàm cả "công nghiệp hóa").
Hiện nay, ngay cả ở các nước hiện đại và hậu hiện đại, mặc dù đã sống với tính hiện đại hàng trăm năm, nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn tìm hiểu các khái niệm "hiện đại", "tính hiện đại" và "hiện đại hóa", vì rõ ràng đã có những cách hiểu khác nhau về các thuật ngữ này.
Một điểm được phần lớn các nhà nghiên cứu gần như đồng ý với nhau: khái niệm này mang tính tổng hợp cao, không bó hẹp vào một lĩnh vực nào. Xã hội hiện đại, như một nhà nghiên cứu nói, là một phương thức văn minh riêng khác với phương thức truyền thống, một khái niệm bao hàm một sự tiến hóa lịch sử, một sự biến đổi về tâm thức, được cụ thể hóa trong tất cả các lĩnh vực: nhà nước, kỹ thuật, nghệ thuật, tập quán và tư tưởng, cuối cùng thể hiện ở đời sống và lối sống hàng ngày. Tất cả những biến đổi về đời sống vật chất (từ sản xuất đến tiêu dùng) và đời sống tinh thần (sự đề cao lý trí con người, óc khoa học, sự khẳng định con người cá nhân...) đưa tới một phương thức văn minh lấy việc tăng năng suất làm cốt lõi (người ta gọi đó là "kỷ nguyên năng suất"), trước hết do biến những thành tựu khoa học thành kỹ thuật và công nghệ. Vì thế, xã hội hiện đại trùng hợp với xã hội công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất (và do đó trong lối sống), đối lập với xã hội nông nghiệp. Cũng có tác giả nói đó là xã hội dựa vào kỹ thuật, đối lập với xã hội dựa vào tự nhiên, và cũng khác với xã hội dựa vào trí tuệ con người ở trình độ cao.
Cho đến nay, chưa có một công trình nào được mọi người thống nhất về những đặc trưng của xã hội hiện đại, nhưng đã có những công trình mang tính khái quát cao về vấn đề này đáng cho chúng ta tham khảo. Một trong số đó là
Hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa (Modernization and Post-modernization) của Ronald Inglehart (Princeton University Press, 1997), dựa vào việc nghiên cứu và khái quát hóa những biến đổi văn hóa, kinh tế và chính trị ở 43 xã hội khác nhau (chiếm khoảng 70% dân cư thế giới, bao gồm những xã hội có trình độ phát triển rất khác nhau, từ những xã hội có mức thu nhập đầu người dưới 300 đôla/năm đến những xã hội có mức thu nhập gấp 100 lần. Tác giả không theo thuyết quyết định văn hóa (coi những thay đổi văn hóa qui định những thay đổi kinh tế), cũng không theo thuyết quyết định kinh tế (coi những thay đổi kinh tế là gốc của mọi thay đổi xã hội và văn hóa), ông coi những liên hệ giữa các mặt kinh tế và văn hóa có tác động qua lại với nhau và bản chất của những liên hệ ấy là một vấn đề thể nghiệm hơn là được quyết định sẵn (a priori). Ông khẳng định vị trí hàng đầu của công nghiệp hóa như một tiêu chí cốt yếu của hiện đại hóa, coi tăng trưởng kinh tế là một mục tiêu xã hội bao trùm, coi thành đạt là mục tiêu cá nhân. Nhưng đồng thời ông cũng coi sự lý trí hóa (rationalization) tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội là sự chuyển tiếp từ xã hội truyền thống, thông thường là từ những giá trị tôn giáo, sang những giá trị lý trí - luật pháp chiếm ưu thế trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội.
Không phải tất cả các xã hội hiện đại đều giống hệt nhau, các xã hội này có sự khác nhau lớn về văn hóa và thể chế. Nhưng những đặc trưng chung của chúng rất nổi bật: không có một ngoại lệ nào, tất cả đều mang những đặc trưng ở trình độ cao của đô thị hóa, công nghiệp hóa, lao động chuyên môn hóa, sử dụng khoa học và công nghệ, bộ máy quản lý, uy quyền tuyệt đối của luật pháp, tính cơ động xã hội tương đối cao, coi trọng vị thế xã hội đạt được hơn là vị trí xã hội được hưởng, trình độ giáo dục cao, thu hẹp sự chuyên môn hóa về giới tính, những chuẩn mực phúc lợi vật chất cao, tuổi thọ cao hơn nhiều so với các xã hội nông nghiệp hay săn bắn - hái lượm.
Nhân thể xin nói rằng về mặt thu nhập - một chỉ số mang tính tổng hợp khá lớn -, mức thu nhập đầu người/ năm từ 150 - 200 đôla được coi là ngưỡng "cất cánh", 500 đôla là của xã hội tiền công nghiệp, và phải đạt mức 1500 đôla mới là của xã hội công nghiệp. Còn tâm lý học kinh tế thì chia những nhu cầu sống của con người trong xã hội hiện đại thành mấy trình độ khác nhau: nhu cầu sống còn, khát vọng tiện nghi, nhu cầu sống (sống tốt hơn: về học hành, du lịch, chữa bệnh...). Từ chỗ "có nhiều hơn" đến chỗ "sống tốt hơn", phải vượt qua ngưỡng "chất lượng sống". Những khái niệm ấy giúp ta hiểu rõ hơn một số mặt của xã hội hiện đại.
Như vậy, cần tránh những cách hiểu phiến diện. Những chiều kích quan trọng nhất của nó như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa cũng chưa đủ để diễn đạt được đầy đủ khái niệm này. Trên thực tế, ở nước ta vẫn còn những cách hiểu phiến diện, nhất là cách hiểu lấy kinh tế - kỹ thuật làm thước đo duy nhất của hiện đại hóa. Điều đó cũng đồng nghĩa với "hiện đại hóa để hiện đại hóa", hoặc “hiện đại hóa bỏ quên con người như mục tiêu cuối cùng". Một quan niệm như vậy đưa tới những hậu quả nguy hại mà có khi phải rất lâu về sau mới thật thấm thía.
Trong lịch sử hình thành và phát triển tính hiện đại ở phương Tây và "hiện đại hóa" ở các nước khác sau đó, đã có những bài học thành công vang dội, nhưng cũng có những bài học cay đắng hoặc vừa thành công vừa thất bại.
Ở phương Tây, sau hàng trăm năm trải qua xã hội hiện đại, người ta đã được hưởng bao nhiêu thành quả về khoa học và công nghệ, về lối sống đô thị mà loài người nói chung có thể tự hào với những sáng tạo chưa từng thấy: từ máy hơi nước đến điện, từ những máy cái đến rôbốt, từ vô tuyến điện đến Internet... Đời sống con người ngày càng nhiều tiện nghi hơn, giàu có hơn và đỡ nặng nhọc hơn. Nhưng chính trong hoàn cảnh ngày càng cao hơn về văn minh vật chất, con người lại cảm thấy mình cô đơn hơn và bị hẫng hụt về ý nghĩa cuộc sống. Trong số những tác phẩm gần đây viết về tính hiện đại, cuốn
Phê phán tính hiện đại của nhà xã hội học nổi tiếng Alain Touraine vang lên như một sự tự phê phán sâu sắc về tính hiện đại của phương Tây. Tính hiện đại đạt được những thành công to lớn về mặt
lý trí hóa của con người (mà đỉnh cao của nó là sự chiếm lĩnh những đỉnh cao sáng tạo khoa học và kỹ thuật ngày càng mới mẻ và phong phú), thì cũng chính nó đã thất bại lớn về mặt
chủ thể hóa (subjectivation) của con người. Trong khi sống với những phương tiện gần như vạn năng, con người cũng trở thành một phương tiện, đánh mất chính bản thân mình. Con người thế tục hóa đến mức trở thành trần trụi, mất những xúc cảm sâu sắc và tinh tế, mất những nhu cầu tự khẳng định, tự thực hiện để đưa con người lên đến những tầm cao tinh thần mới. Cái thiêng liêng của sự sống con người bị lùi vào dĩ vãng để bị thay bằng những cái giá trị thấp kém được nguỵ trang. Con người, khi hiểu ra điều đó, liền rơi vào chán nản, mất hướng. Tôi không sống trong xã hội hiện đại phương Tây nên không thể đánh giá được những ý kiến ấy đúng đến mức nào. Những ai làm quen với văn học và triết học phương Tây đều có thể thấy những ý kiến của ông và cuả các tác giả khác cũng có cơ sở thực tế. Và không phải ngẫu nhiên mà nhiều trí thức phương Tây đang quay sang những di sản minh triết phương Đông để tìm kiếm những chiều sâu khác của đời sống con người (nhưng không phải vì thế mà cho rằng phương Đông cao hơn phương Tây về mặt văn hóa, văn minh - đó là một chủ đề vượt khỏi khuôn khổ của tiểu luận này).
Bản thân sự phát triển của xã hội hiện đại phương Tây và những nhu cầu nội tại của con người ở đó đưa tới những tầm cao mới mà người ta thường gọi là "hậu hiện đại". Nói thật vắn tắt, hậu hiện đại là trạng thái vượt qua tính hiện đại, bổ sung cho nó, và nói như Ronald Inglehart, đó là trạng thái trong đó những giá trị vật chất được bổ sung bằng những giá trị phi vật chất (tương ứng với sự thay thế kinh tế vật thể bằng kinh tế tri thức, thay thế xã hội công nghiệp bằng xã hội hậu công nghiệp, hay xã hội trí tuệ). Đây còn là một vấn đề hết sức mới mẻ cần được tính đến khi bàn tới hiện đại hóa ở nước ta. Không phải chờ cho đến khi hiện đại hóa xong mới chuyển qua hậu hiện đại, mà hai quá trình này diễn ra gần như đồng thời, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau.
Bài học hiện đại hóa thất bại của “mô hình Xô-viết” cũng rất đáng được chú trọng. Chúng ta đều biết rằng Liên Xô đã công nghiệp hóa rất thành công trong một thời gian không dài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp nặng, và đã trở thành một trong hai siêu cường quân sự của thế giới. Nhưng chính khi đạt tới những đỉnh cao ấy, Liên Xô đã sụp đổ ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Có thể từ đó rút ra nhiều bài học khác nhau, nhưng đứng về mặt hiện đại hóa mà xét, đó là hậu quả của một đường lối hiện đại hóa phiến diện, bỏ quên những nhu cầu sống ngày càng lớn của con người, nhất là dưới sức ép của mức tiêu dùng ngày càng cao và đời sống tự do hơn về tinh thần của các nưóc phương Tây. Hay nói như một nhà nghiên cứu trong những năm cuối cùng của chế độ Xô-viết: đằng sau những kế hoạch khổng lồ, không có con người.
Có thể kể thêm những bài học hiện đại hóa khác, nhất là ở một số nước thuộc Thế giới thứ ba. Ở đó cũng có những bài học thành công và thất bại. Nói chung ở những nước hiện đại hóa thành công, sự tăng trưởng kinh tế thường được phản ảnh vào mức sống ngày càng được cải thiện của dân cư, mỗi người cảm thấy hiện đại hóa là sự nghiệp của chính bản thân và của con cháu mình. Ngược lại, những thất bại thường bắt nguồn từ lối hiện đại hóa phiến diện, phân đôi (“nhị nguyên”): một số khu vực (chủ yếu là thành thị) và một bộ phận dân cư (những người giàu có, những quan chức tham nhũng...) được hưởng những thành quả của hiện đại hóa, sống với những tiện nghi và phúc lợi không khác mấy các nước phát triển, trong khi đó nhiều khu vực, nhiều bộ phận dân cư khác (chủ yếu là nông thôn, những khu ổ chuột ở thành thị) vẫn kéo dài cảnh sống lạc hậu, tối tăm.
Tóm lại, một chiến lược hiện đại hóa đúng đắn phải xuất phát từ sự đáp ứng từng bước những nhu cầu thiết thân và ngày càng cao của chính con người, của số đông người. Đó phải là một chiến lược hiện đại hóa mang
tính nhân văn.
Ở nước ta, trong những năm gần đây, khi chỉ mới đi những bước đầu tiên của hiện đại hóa, đã xuất hiện những hiện tượng đáng lo ngại về kinh tế và xã hội: tình trạng phân đôi đã xuất hiện và có chiều hướng trầm trọng hơn. Trong khi ở một số thành phố lớn (thật ra ở đây cũng có hiện tượng phân đôi) có mức thu nhập đầu người tăng khá nhanh (số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê là khoảng 800 nghìn đồng/người/tháng (tôi xin được nghi ngờ con số này), thì ở nông thôn, mức thu nhập chỉ đạt khoảng 100 nghìn đồng/người/tháng. Nếu đẩy tới hiện đại hóa theo kiểu này thì có thể cầm chắc thất bại, vì một số rất đông người sẽ bị đặt ra ngoài lề của nó. Không thể cào bằng mức thu nhập, nhất là trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa, nhưng cũng không thể kéo căng thêm sự chênh lệch này đến mức có thể xảy ra những bùng nổ xã hội. Đây là một bài toán cực kỳ khó khăn, mà cách giải quyết rất không đơn giản.
Từ truyền thống đến hiện đại
Hiện đại hóa, như đã biết, là một quá trình chuyển từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Thông thường, người ta hiểu xã hội truyền thống là một xã hội nông nghiệp lạc hậu, với những thể chế gia trưởng, lấy cộng đồng làm điểm xuất phát và điểm tận cùng của đời sống xã hội, mà cá nhân bao giờ cũng ở địa vị phụ thuộc. Về đại thể cách hiểu ấy không sai, nhưng nó quá đơn giản. Vì thế nên có thể đưa tới chỗ đối lập truyền thống và hiện đại một cách tuyệt đối, đến mức trong lịch sử của nhiều dân tộc, kể cả ở nước ta, có lúc người ta thực hiện một cuộc đập phá quá khứ "sạch sành sanh" vì coi đó là trở ngại chính đối với quá trình hiện đại hóa. Và khi hiểu ra được thì đã để mất bao nhiêu di sản vật thể và phi vật thể do quá khứ để lại không thể nào phục hồi được.
Nhưng gần đây, lại có xu hướng ngược lại. Với phương châm "bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc", ngay cả khi chưa kịp thảo luận những khái niệm chủ yếu như "bản sắc văn hóa", "dân tộc" là gì, thì đã thấy khắp nơi diễn ra những hiện tượng "phục hồi quá khứ" tràn lan như một dòng lũ. Tất cả những gì của quá khứ đều được coi là "truyền thống". Không ít trường hợp người ta bịa đặt ra những truyền thống không có thực, hoặc lợi dụng "truyền thống" vào những mục đích phi văn hóa, kể cả kiếm tiền. Có thể nói không ở đâu diễn ra nhiều "hội chứng truyền thống" như ở ta hiện nay. Việc "phục hồi truyền thống" theo kiểu đó không có lợi gì cho hiện đại hóa mà còn đi ngược lại với quá trình này.
Theo một cách hiểu đúng hơn, quá trình từ truyền thống đến hiện đại bao hàm hai mặt: cắt đứt và kế thừa. Ngay trong khái niệm "truyền thống" cũng đã bao hàm một sự truyền thụ, và việc truyền thụ nào cũng bao hàm "việc làm mới lại những gì đã có" (faire être de nouveau ce qui a été" mà không chỉ để "cho biết" (faire savoir). Vì con người bao giờ cũng có sáng tạo trong sự truyền thụ (sáng tạo và truyền thụ là hai thao tác đặc trưng của con người trong quá trình tồn tại và phát triển của nó), nên truyền thụ bao giờ cũng là "sáng tạo lại". Về mặt này, mọi sự cắt đứt hoàn toàn với những giá trị văn hóa cũ đều đưa đến những hệ quả không đáng mong muốn, và theo một qui luật xã hội và tâm lý, những giá trị ấy sớm hay muộn cũng sống lại. Việc xóa bỏ tín ngưỡng và tôn giáo, nhân danh "khoa học" và "vô thần", cho thấy những giá trị này đến một lúc nào đó lại sống dậy mãnh liệt hơn vì con người (cá nhân và xã hội) không bao giờ tự bằng lòng với những thứ trần tục, mà bao giờ cũng đi tìm cái thiêng liêng trong cuộc sống của mình. Nhưng không phải vì thế mà đi tới "chủ nghĩa truyền thống" dựa vào uy quyền và sự tuân phục. Lịch sử tư tưởng và xã hội của loài người, trước hết là ở những nước đã đi qua quá trình hiện đại hóa, cho thấy rằng mọi cái mới (cái hiện đại) chỉ có thể xuất hiện bằng cách thoát khỏi uy quyền và sự tuân phục để tự xác lập như những giá trị mới. Ở đây, sự "nổi loạn" (hiểu theo nghĩa tích cực) là cần thiết để phá vỡ những khuôn khổ chính thống đang kìm hãm những bước tiến của xã hội. Chủ nghĩa Marx chẳng phải là sự "nổi loạn" đối với những hệ tư tưởng cũ (đến mức chính ông đã tuyên bố "phải từ giã mọi thứ hệ tư tưởng" đó sao?). Nhưng bi kịch của lịch sử là những tư tưởng, những học thuyết "nổi loạn" ấy, một khi đã trở thành hệ tư tưởng thống trị, tự coi là "chính thống", thì chính nó lại ngăn cản mọi cái mới xuất hiện.
Do đó, trong quá trình chuyển từ truyền thống sang hiện đại, không nên coi bất cứ hệ tư tưởng nào là "chính thống" cả, nhất là khi nó được áp đặt lên xã hội bằng quyền uy và sự tuân phục. Điều này càng phải nhấn mạnh trong hoàn cảnh nước ta, trong đó các hệ tư tưởng chính thống kế tiếp nhau thống trị xã hội về mặt tư tưởng đã đưa tới một tâm lý "phò chính thống", mỗi con người dù muốn hay không đều phải ứng xử theo lối đó để tồn tại. Và hệ quả của tâm lý này là thiếu chủ động, thiếu sáng tạo ở mức cần thiết để làm cho xã hội chuyển hẳn sang một trạng thái mới. Theo chủ nghĩa nào, học thuyết nào, tôn giáo nào, đó là quyền của mỗi người, mỗi nhóm người, không nên và không thể áp đặt một hệ tư tưởng nào đó lên toàn xã hội.
Sống trong một xã hội luôn luôn bị áp đặt theo một hệ tư tưởng "chính thống", người ta ít khi phân biệt rõ ba phạm trù khác nhau: tư tưởng, chính trị và luật pháp. Hễ ai “khác tư tưởng” là bị coi như "kẻ thù chính trị", và đã bị coi là "kẻ thù chính trị" thì có tội về luật pháp, thậm chí là trọng tội.
Về mặt này, xin nói thêm một điểm không kém phần quan trọng. Bất cứ giá trị truyền thống, hệ tư tưởng chính thống nào, như kinh nghiệm lịch sử cho thấy, đều không thể coi là vĩnh cửu, là bất biến. Điều chỉnh, sửa đổi, nếu cần, từ bỏ những thứ đó để mở đường cho xã hội đi tới khi chúng không còn thích hợp nữa là điều không thể tránh khỏi trong quá trình chuyển từ truyền thống sang hiện đại. Đầu thế kỷ XX, trong phong trào Duy Tân, các nhà nho đã tiến hành một cuộc phê phán lớn về tư tưởng. Tuy chưa hoàn toàn bác bỏ Nho giáo như một hệ tư tưởng thống trị lâu đời, họ cũng đã đi tới một nhận thức rõ ràng và mạnh mẽ: "
Dây đàn cầm không hài hòa thì phải tháo ra mà sửa lại, nhà ở đã cũ hàng nghìn năm thì phải dỡ đi mà làm lại" ("Văn minh tân học sách").
Tại sao ngày nay, trong một hoàn cảnh biến đổi lớn của thế giới và đất nước, chúng ta lại không đủ bản lĩnh để làm một công việc tương tự?
Để chuyển từ truyền thống sang hiện đại, trước hết phải tự cởi trói tư tưởng. Lấy lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước làm trọng trong quá trình hiện đại hóa.
Từ xã hội nhà nước hóa đến xã hội công dân
Bên cạnh cái trục truyền thống - hiện đại như ở tất cả các nước hiện đại hóa đều có, nước ta còn mang thêm một đặc trưng khác: chuyển từ một xã hội nhà nước hóa sang xã hội công dân (không chỉ ở nước ta mà ở tất cả các nước từng theo "mô hình xã hội chủ nghĩa xô viết " đều đã và đang diễn ra như thế).
Mọi người đều biết rõ xã hội nhà nước hóa, cũng được gọi là "xã hội toàn trị", đã hình thành và tồn tại trong lịch sử thế kỷ XX như thế nào. Kiểu xã hội này đã tạo ra những sức mạnh to lớn trên con đường hiện đại hóa (chủ yếu là công nghiệp hóa). Không thể phủ nhận những thành tựu về kinh tế - kỹ thuật đã đạt được với kiểu xã hội này. Nhưng con đường hiện đại hóa này gặp thất bại không thể cứu vãn. Ở nước ta, thất bại ấy đến rất sớm. chỉ mấy năm sau 1975, cùng với thiên tai và những hoạt động phá hoại của kẻ thù mới vốn là anh em, nó đã đưa tới một cuộc khủng hoảng toàn diện, ngày càng trầm trọng và kéo dài hơn một thập kỷ, cho đến khi công cuộc
Đổi mới được khởi xướng và gặt hái những thành quả ban đầu.
Tất cả nằm ở chỗ: kiểu xã hội nhà nước hóa ấy đã mất hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trước hết là trong đời sống kinh tế và tư tưởng. Mà nguyên nhân chính của tình trạng đó là đã biến tất cả mọi người dân thành những công dân về mặt hình thức, còn trên thực tế đó là những "thần dân". Tính chủ động sáng tạo của họ mất đi khi họ không còn là chủ thể xã hội.
Một trong những thành tựu lớn của văn minh loài người và cũng là một cái mốc đánh dấu việc chuyển từ truyền thống sang hiện đại chính là
xã hội công dân, trong đó công dân thật sự là chủ thể của xã hội. Không phải ai khác, chính Marx (lúc còn là người dân chủ), coi xã hội công dân lấy sự tự do cá nhân, các quyền tự nhiên của con người làm cơ sở. Xã hội công dân là xã hội bao gồm những công dân có sở hữu, có các quyền tự do cá nhân, các quyền tự nhiên của con người. Marx còn khẳng định "con người với tư cách là thành viên xã hội công dân có nghĩa là con người theo đúng nghĩa của nó". Xã hội công dân đối lập với xã hội nhà nước hóa, trong đó nhà nước là chủ thể, công dân chỉ biết phục tùng. Đương nhiên mọi xã hội hiện đại đều có hai cực: công dân và nhà nước, ngay trong xã hội công dân cũng phải có nhà nước, hơn nữa một nhà nước đủ mạnh, chỉ có điều trong đó công dân là chủ thể "mọi quyền hành là ở nơi dân" (Hồ Chí Minh). Xã hội công dân thường gắn với chế độ sở hữu của công dân mà không bị biến mất đi dưới "sở hữu toàn dân" hay "sở hữu nhà nước" như trong xã hội nhà nước hóa. Nó cũng gắn với kinh tế thị trường trong đó mọi người trao đổi với nhau trên cơ sở bình đẳng, gắn với nhà nước pháp quyền, lấy việc nhà nước phục vụ các công dân và chịu trách nhiệm trước công dân làm qui tắc. Và cuối cùng, sớm hay muộn nó cũng đưa tới chế độ dân chủ thật sự về mặt chính trị. Có thể nói rằng, xã hội công dân kết hợp với kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, chế độ dân chủ chính trị, chính là xã hội hiện đại hoàn chỉnh, không bị cắt xén, không dừng lại nửa vời.
Xin đưa ra một hình ảnh: xã hội Việt Nam giống như một chiếc xe chạy trên con đường hiện đại hóa, nó chỉ có thể chạy tốt khi lắp đủ bốn bánh xe (xã hội công dân với sở hữu của cá nhân công dân, kinh tế thị trường lành mạnh và bình đẳng, nhà nước pháp quyền bảo đảm những quyền lợi và nghĩa vụ của các công dân, và chế độ dân chủ đại diện thật sự).
Thật ra, xã hội công dân ấy không có gì khác với những gì được ghi trong tiêu đề của chế độ xã hội Việt Nam từ những ngày đầu lập quốc (tháng chín năm 1945):
dân chủ (Việt Nam dân chủ cộng hòa),
độc lập, tự do,
hạnh phúc. Hàng chục năm ròng, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu và đổ máu vì những giá trị ấy. Một thời gian dài, trong hoàn cảnh phải tập trung toàn bộ sức mạnh của nhân dân vào những cuộc chiến đấu quyết liệt chống ngoại xâm, những giá trị ấy chưa có điều kiện để thực hiện một cách đầy đủ, rồi với sự thiết lập một xã hội nhà nước hóa, xã hội công dân mới manh nha trong những ngày đầu cách mạng đã sớm bị thui chột, và gần đây, như đã phân tích ở một đoạn trên, nó lại ló dạng như một xu thế mới của xã hội.
Theo nhận thức của tôi, nếu trước đây, mọi cố gắng đã được huy động để thực hiện thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc dưới khẩu hiệu "Tất cả để chiến thắng!", thì ngày nay, mọi cố gắng phải được huy động để thực hiện công cuộc xây dựng một xã hội công dân theo những giá trị đã được ghi trong "cái thuở ban đầu dân quốc" ấy. Và muốn thế, phải dần dần đoạn tuyệt với kiểu xã hội nhà nước hóa từng bám rễ ở đất nước ta.
Từ chiến tranh và chia cắt đất nước đến hòa bình và thống nhất dân tộc
Ngoài quá trình chung cho các nước đang phát triển chuyển từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, ngoài quá trình mang tính đặc thù của các nước đã đi theo mô hình xã hội nhà nước hóa (trong đó có nước ta), còn có một quá trình riêng đi kèm theo quá trình hiện đại hóa ở nước ta: Từ chiến tranh và chia cắt đất nước đến hòa bình và thống nhất dân tộc. Không tính đến đặc điểm quan trọng này sẽ khó thực hiện được hiện đại hóa trên cơ sở ý chí chung của toàn dân tộc.
Lịch sử hình thành các xã hội hiện đại hóa cho thấy chúng chỉ có thể xuất hiện với một nhà nước dân tộc (Etat national) ngày càng vững chắc, đủ sức động viên tất cả các tầng lớp xã hội tham gia. Mỗi tầng lớp, mỗi giai cấp tìm thấy ở sự hình thành xã hội hiện đại những lợi ích khác nhau, nhưng với ý thức dân tộc thống nhất, mọi xung đột xã hội nảy sinh trong quá trình này có thể được giải quyết thuận lợi hơn. Sự thống nhất dân tộc là nền tảng của Nhà nước dân tộc, là điều kiện không thể thiếu để đi tới xã hội hiện đại.
Ở nước ta, do những điều kiện lịch sử khá đặc biệt, cả dân tộc phải đối phó với tình trạng đất nước chia cắt hàng chục năm liền. Ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, đất nước từ Bắc vào Nam đã bị chia cắt thành những vùng do mỗi bên kiểm soát. Phần lớn dân chúng, dù ở vùng nào, cũng tìm cách tham gia kháng chiến dưới những hình thức khác nhau (vũ trang hay chính trị, hợp pháp hay bất hợp pháp). Nhưng có một bộ phận vì những lý do nào đó đã "đứng bên kia chiến tuyến". Sự phân hóa về chính trị ấy để lại những dấu vết khá nặng nề, khó phai nhòa sau khi miền Bắc được giải phóng năm 1954. Những người từng "đứng bên kia chiến tuyến" ở miền Bắc, ngoài số di cư vào Nam, dần dần cũng được thu hút vào những sinh hoạt xã hội và chính trị bình thường của toàn bộ dân cư miền Bắc, nhưng cũng phải vượt qua nhiều mặc cảm tự ti trước những phân biệt đối xử, có khi ngấm ngầm nhưng cũng có khi bộc lộ. Với thời gian, những phân biệt ấy mất dần. Nhưng sự chia cắt đất nước dài nhất, căng thẳng nhất và cũng để lại nhiều di chứng nhất là sự chia cắt hai miền Nam - Bắc từ năm 1954 đến 1975. Hai miền trở thành hai quốc gia riêng biệt, sự giao lưu hoàn toàn bị cắt đứt và từ cuối những năm 50, chiến tranh đã thu hút người Việt ở miền Nam và miền Bắc vào những cuộc chém giết lẫn nhau chưa từng thấy. Điều bi thảm là không chỉ diễn ra cuộc chiến đấu của những người cùng một dân tộc với những kẻ ngoại xâm, mà kèm theo đó còn là những cuộc đánh nhau giữa người Việt với nhau, thậm chí còn kéo dài sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam theo Hiệp định Paris đầu 1973. Một số người mô tả cuộc chiến tranh này về căn bản như một cuộc nội chiến. Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận xét này, nhưng ở một mức độ nào đó, cuộc chiến này đúng là có mang theo những yếu tố nội chiến, có lúc khá đậm nét.
Chiến tranh kết thúc với những thương tích trên thân thể và trong tinh thần của mỗi người. Và những di chứng của nó còn để lại khá sâu sắc, khó xóa nhòa trong một - hai thế hệ. Như đã biết, đã không có những cuộc "tắm máu" trả thù, đã vang lên một câu nói có sức chinh phục lòng người: "Không có chiến thắng của người miền Bắc đối với người miền Nam, chỉ có chiến thắng của tất cả mọi người Việt Nam đối với Mỹ". Chiến thắng này đã đưa tới sự thống nhất lãnh thổ Việt Nam, một Nhà nước thống nhất làm cơ sở của một Nhà nước dân tộc để bước lên con đường hiện đại hóa một cách thuận lợi.
Nhưng phải thừa nhận rằng cho đến nay, trên cơ thể dân tộc vẫn đang rỉ máu từ những vết thương chia cắt chưa liền da: sự phân biệt đối xử đối với những người từng tham gia "quân lực" và "chính quyền" Sài Gòn. Sự phân biệt đối xử này không mang những hình thức công khai. Về mặt luật pháp, mọi công dân đều ngang nhau dù quá khứ thế nào. Nhưng những cuộc "cải tạo, học tập" khắc nghiệt kéo dài không đáng có, cùng với "chủ nghĩa lý lịch" trong học hành, việc làm và cả cư trú nữa, vẫn còn để lại những tâm lý tiêu cực hằn sâu trong phần lớn những người từng ở "bên kia chiến tuyến". Những người ngã xuống trong chiến đấu thuộc "bên ta" được chăm sóc mồ mả tử tế (tuy có phần muộn màng), trong khi đó nhiều người tử trận thuộc "bên địch" bị bỏ mặc. Thương binh "bên ta" được chữa chạy vết thương do chiến tranh gây ra, trong khi đó nhiều "phế binh bên địch" không ai đoái hoài. Hàng chục vạn người đã di cư sang Mỹ và các nước khác. Nhiều người Việt đang cư trú ở nước ngoài vẫn nghi ngại bị phân biệt đối xử, mặc dầu họ ấp ủ ý muốn trở về tham gia xây dựng đất nước. Tâm lý "phục thù" ở một số người Việt phần nào cũng được nuôi dưỡng bằng những sự phân biệt đối xử ấy. Tâm lý "phục thù" chắc rồi sẽ qua đi nhưng việc thu hút những người có "chất xám", có "vốn" ở nước ngoài về xây dựng đất nước, trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề của nước ta hiện nay, cần được đặc biệt chú trọng. (Hiện nay, chỉ riêng việc hàng năm Việt kiều gửi về khoảng 1,2 tỉ đôla để "giúp đỡ" cho gia đình đã là một nguồn tiền khá quan trọng để duy trì sức mua của xã hội). Nếu có những nguồn vốn quan trọng hơn và nhất là những nguồn "chất xám" mà ta đang thiếu từ các cộng đồng Việt kiều dồn về, thì sự nghiệp hiện đại hóa đất nước hẳn sẽ thuận lợi hơn nhiều. Và vấn đề không chỉ bó hẹp vào lĩnh vực kinh tế.
Sự "hòa hợp dân tộc" vẫn còn nằm trong chương trình nghị sự của đất nước như một yêu cầu thống nhất dân tộc. Đó cũng chính là một đặc điểm (không mấy nơi có) của hiện đại hóa ở nước ta. Làm sao cho mỗi người Việt Nam, dù quá khứ thế nào, dù nguồn gốc từ đâu, đều có thể ngẩng cao đầu khi dốc sức mình vào sự nghiệp mới mẻ này - phải chăng đó là một vấn đề bức thiết đòi hỏi phải có những nhận thức và hành động thấu suốt hơn.
Như vậy, con đường phát triển xã hội của nước ta trong thời gian sắp tới bao gồm nhiều quá trình khác nhau, bện kết nhau, tác động qua lại với nhau, trong đó nổi lên ba quá trình lớn: từ
xã hội truyền thống sang
xã hội hiện đại, từ
xã hội nhà nước hóa sang
xã hội công dân; từ
chiến tranh và chia cắt đất nước sang
hòa bình và thống nhất dân tộc. Trong quan niệm của tôi, quá trình thứ hai là quá trình có ý nghĩa then chốt, vì nó quyết định toàn bộ đời sống xã hội, tạo ra những điều kiện và khung cảnh thuận lợi nhất cho hai quá trình kia.
Với những đặc trưng nói trên, có thể nói rằng sự nghiệp hiện đại hóa đất nước hiện nay mang ba tính chất cơ bản:
- tính nhân văn (con người là điểm xuất phát và điểm cuối cùng của tính hiện đại hóa)
- tính dân chủ (công dân là chủ thể của xã hội và của quá trình hiện đại hóa)
- tính dân tộc (kế thừa những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, hòa hợp dân tộc).