© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtKiến trúc
18.11.2003
Nguyễn Trung Quý
Kiến trúc sư Việt Nam – mái nhà chung và cơn gió bụi
 
  • Chuyện thứ nhất: Một tour hành hương về nguồn rầm rộ về đến nơi "phát tích" của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hứa hẹn bao điều thú vị. Nhưng trước khi vào đến đất thánh vài cây số, bụi bay mù mịt. Không ai bảo ai, các kiến trúc sư (KTS) vội lấy khăn bịt mồm mũi và đóng chặt cửa kính. Nhưng bụi vẫn lơ lửng. Vui lên đi chứ, đừng đau khổ thế cô em nhà báo, thì người Hà Nội gặp bụi như cá gặp nước mà. Hai bên đường, các em nhỏ đi học về cũng lấy khăn quàng đỏ bịt mặt như người thành phố đeo khẩu trang phòng SARS, dạt sang cả hai vệ đường, bánh xe đạp chúi xuống ruộng ngô để tránh đoàn xe long trọng ra về. 55 năm thành lập, con đường của người KTS Cách mạng cũng vẫn đi ra và trở về cội từ một nơi nghèo khó, bụi bặm đến ngột thở và những thứ ông Chủ tịch Hội trao cho chị Chủ tịch Xã nhà vẫn mới là một dự án (thực tế là trao tặng cho địa phương 1 trạm xá nhưng nhà tài trợ vắng mặt và công trình chưa xây, mới hãy chỉ giao tượng trưng chìa khoá kiểu Pinochio cùng những bó hoa tươi thắm mà thôi).


  • Chuyện thứ hai: "Chung một mái nhà" - đó là chủ đề của lễ kỷ niệm được lồng ghép trong một chương trình festival tour có đủ mùi ca ngâm: văn ("Tuyên ngôn Kiến trúc thế kỷ 21"), tuồng (55 phát trống do nghệ sĩ đoàn Tuồng Trung Ương đánh theo tiếng hô đếm của một KTS làm em-xi, tức MC), nhạc (kiến trúc sư hát, kèn thổi, CD "Bài ca Kiến trúc Việt Nam" với những câu như "Kiến trúc sư Việt Nam, tiến vào/ Thiên niên kỷ mới"), thời trang và người đẹp (các người mẫu sinh viên đi đi lại lại trong các trang phục "khai thác quần áo các dân tộc Việt Bắc" cùng thi hoa hậu kiến trúc tại đêm đốt lửa trại ở Tân Trào), hoạ (thi vẽ tranh phong cảnh, ký hoạ kiểu vừa đi đường kể chuyện) và thi tài năng nghề nghiệp (thiết kế nhanh mẫu bia biển Khu di tích). Trưa hôm sau, mấy kiến trúc sư nhờ đàn em copy hộ mẫu bia mộ trong máy laptop để giúp ông lãnh đạo bên Yên Bái xây phần mộ cho "các cụ nhà tôi". Thành phố mới lên cấp này là nơi tập kết cuối cùng và đây mới là cái đinh của tour. Các kiến trúc sư đã chỉ định cũng như trong đăng ký, tham gia hội thảo "Kiến trúc và quy hoạch thành phố Yên Bái" tại một toà nhà mới xây rất chi tráng lệ theo kiểu thuộc địa. Toà nhà này nhìn ngoài là một khối 5 tầng gần như lập phương có 4 mặt đứng giống nhau như tháp Bayon, có cái mái tôn giả kiểu mái gãy Manchard lợp đá chẻ (mái nhà Bắc Bộ Phủ là kiểu này) với những ô cửa sổ giả vờ làm như tầng áp mái, xung quanh toà nhà không một bóng cây giữa một mảnh đất rộng. Nếu hỏi thêm nó hình gì, lập phương ra sao, vuông thế nào, người mô tả lại cũng như anh chồng kể câu chuyện con rắn vuông cho chị vợ. Mặc dù đã tổng kết là phải phát triển thành phố hài hoà với cảnh quan tự nhiên, phải phù hợp địa hình địa mạo, phải đẩy mạnh sự đồng bộ trong quản lý v.v... và v.v... nhưng ai nấy đều biết chắc không đời nào người ta đập bỏ toà nhà đang ngồi họp và nhà uỷ ban cùng những cái nhà khác mặc dù chúng chẳng hài hoà mấy tí với nơi sơn cước đang thành một cô tân thời. Kiểu như vẫn OK với các cô sinh viên nhuộm tóc vàng hoe mặc đồ dân tộc biểu diễn thời trang giật giải Người đẹp nữ KTS kia đấy thôi (chân dài mặc đồ dân tộc Nhắng vẫn cứ đẹp, lời một KTS đứng xem).


  • Chuyện thứ ba: Đứng chờ xe, các nhóm công tác hình thành: đây là X con anh Y. À, anh có vấn đề với công trình Z, về nói với ông cụ là giúp anh W nhé. Mấy ông đang thời kỳ nước rút luận văn, phím cho nhau các đề tài và dự kiến đăng phần nào để lấy điểm: đăng trên tạp chí XD thì được 1 điểm, tạp chí KT thì được 0,5 điểm. Thì ra việc năng suất và được làm cộng tác viên thường xuyên với mấy tờ báo ngành lại có giá hời đến thế. Cho nên tự nhiên các nhà báo và toà soạn lại nổi hẳn lên. Trong vụ "áp phe Yên Bái" này, những tính toán ấy thể hiện thật sinh động. Cả thành phố Yên Bái và các khách sạn như vinh dự trước một vận hội mới, và tương lai của mình như thể sẽ do những người kia, ở những nơi xa xôi quyết định. Đi xe ôm khỏi thành phố, chuyến xe cuối cùng ở bến đã hết, người dân chỉ ra tận ngoài đường chỗ ngã ba quốc lộ, chờ xe từ Lào Cai về. Thành phố đến đây chỉ còn là một ốc đảo hoang vu, những hình ảnh sặc sỡ của khu các trụ sở thay bằng những dãy phố chợ nghèo xám xịt. Những tham luận quy hoạch trước đó tỏ ra kiệm lời cho những tình huống này. Thành phố, thị xã phân khu chức năng rành mạch và rất nhanh chóng, hình thành các vùng sang hèn. Khu nhà ở cho các lãnh đạo được "ra riêng", sếp gặp nhau ở cơ quan, phu nhân giao lưu qua hàng rào tư gia. Ở đây yên tĩnh nhỉ, chắc an ninh tốt chứ anh? Ừ, ở chỗ này, dân không được vào. Đối thoại này diễn ra ở nhà một ông địa chính Hà Giang, nghe chả khác "Chỗ này cấm chó và người Trung Quốc" như chuyện ở tô giới Thượng Hải thời liên quân 8 nước đế quốc đánh Trung Quốc đầu thế kỷ trước…


  • Chuyện còn tiếp: Đôi bạn lâu ngày gặp lại. Tao chuyển chỗ làm rồi, từ công ty tư nhân về liên doanh kiến trúc. Mệt lắm mày ơi, áp lực thì căng thẳng mà thấy KTS như cu ly ấy, chẳng biết có thu hoạch được gì về trình độ. Để làm thử 2 tháng, nếu không được thì "té". Làm ở Sở? Kể ra được chân thụ lý hồ sơ hay chạy dự án thì chấm mút đấy, nhưng chèn nhau vỡ mặt. Mày bỏ nghề? Hồi nào vẫn làm mà… Thì hồi quay ra làm nghề, gặp phải dự án mình làm đến bốn phương án đều chưa thông qua được, chủ đầu tư chờ vốn, chờ duyệt của cấp trên. Cổ điển Pháp, hiện đại hẳn hay là vẽ vời kiểu chùa chiền. Đã thấy hốt, thế mà ông thiết kế Bảo tàng Văn học làm đến 14 phương án cả thảy, tốn không biết bao nhiêu giấy in cho xuể.
    Đi ăn cưới, gặp một ông người quen. Ông này cái mặt đần đần như chẳng nói câu nào bao giờ. Thế mà câu đầu tiên khi giáp mặt là "Làm nghề kiến trúc nhiều tiền. Nhể?". Cái lý là, công trình 1 tỷ thì ông thiết kế (không cần biết thiết kế những gì) chắc cũng xơi gọn vài chục triệu. Qủa tình, nhiều KTS giầu và họ biết thể hiện mình là người giầu, sang và oai hơn. Quần chúng trông vào đó, nghĩ đơn giản về nghề kiến trúc với những hào quang và phong cách ngôi sao là những thứ hơn thiên hạ. KTS đa tài, khả năng thể hiện cũng khá, ăn chơi có vẻ ra dáng lắm. Các thế hệ sau vẫn ùn ùn nộp đơn thi vào trường, sinh viên khoa Kiến trúc các trường vẫn kèn cựa nhau ai hơn ai (trường Kiến trúc Thanh Xuân vẫn dè bỉu "Cái bọn Khoa Kiến trúc trường Xây dựng ấy..."). Cha mẹ vẫn tự hào con cháu mình học Kiến trúc. Làm Kiến trúc mà không giầu không sang thì bất tài, cũng như sẽ nhận được lời cảm thông đầy thương xót (xót của?) khi tỏ ý không làm nghề nữa.

    KTS đi môi giới, KTS đi cấp chứng nhận, KTS quản lý đi duyệt bản vẽ, "quan" KTS ra giá lệ phí, làm cho môi trường hành nghề bát nháo. KTS vẽ tranh, đàn hát, văn nghệ giao lưu hơn hẳn mấy ông quản lý khác, KTS đụng đến cái gì cũng biết, vẽ ra cái nhà vệ sinh hay phòng ngủ, tưởng tượng ra được cách sử dụng của thân chủ. KTS vẽ kiến trúc, KTS biết bóc tách vật liệu, thi công và thầu xây dựng. KTS biết chiều chủ đầu tư, lại cũng biết làm vừa lòng nhà quản lý, mấy ai không cúc cung tận tuỵ trong những dự án mà phần xôi thịt của mình không bé tí nào. KTS làm nghệ thuật? Không, nghệ thuật là thế nào, đâu phải như mấy anh hoạ viên chỉ biết vẽ nghí ngoáy trên máy tính, KTS làm là làm kỹ thuật cao, làm khoa học. Chẳng khác nào cái máy đa hệ với tư duy hi-fi.

    KTS Việt Nam có tiếng là dân nghệ thuật, trường phái nào cũng làm được: cổ điển, chiết trung, hậu hiện đại, tối đa, tối thiểu.., và khổ nỗi không chung thuỷ với một phong cách nào. Hiếm hoi lắm mới có một vài KTS và công ty tư nhân liều mình bó hẹp vào một sự "riêng" trong chiếu kiến trúc dưới mái nhà chung kia. Anh không đủ sức từ khước những thứ đề nghị xôi đỗ, chịu nằm trong cái guồng quay, biện bạch tôi có tài nhưng tại cơ chế nó thế, thoả hiệp với những ràng buộc không hề ghi trong văn bản pháp lý mà bởi những điều "tế nhị khó nói", để cho ra những sản phẩm cày đẽo giữa đường, ngô ngọng. Anh đổ lỗi cho những người quản lý không tôn trọng kiến trúc sư, cho đám đông bình dân thấp kém trình độ thẩm mỹ kiến trúc, nhưng anh là một công chức kiến trúc mẫn cán hay là một con buôn công trình?


  • Xã hội đòi hỏi "phản biện tư vấn KTS" và "đối tượng cần được bảo ban lại chính là Hội KTS" (!) và những người làm kiến trúc" ("Mong những điều tôi nói sau đây là sai" - KTS Nguyễn Trọng Huấn, tạp chí Sông Hương, số 174, tháng 8/2003). Cũng tâm sự này, người trả lời nhắc trong 25 năm qua (hay 55 năm?) đã có rất nhiều thế hệ KTS ra trường và bao nhiêu trong số đó đã đóng góp vào diện mạo kiến trúc Việt Nam hay là kết quả mang đến cho đất nước, cho nhân dân những gì, ngoài sự lo âu và tâm trạng bất an, nhất là ở các đô thị lớn mỗi khi nghe nhắc đến hai từ "kiến trúc - quy hoạch"? Hội KTS Việt Nam quản lý trong tay hơn 1500 hội viên, có cơ sở gần như phủ kín địa bàn cả nước, đã có trách nhiệm đến đâu trước thực trạng kiến trúc - quy hoạch hiện tại, hay đến hẹn lại lên, lần sau kỷ niệm 60 năm chẵn, sẽ là một đô thị khác đem ra thí nghiệm trong một festival tour linh đình hơn và giầu mầu sắc sân khấu hơn?


  • Diễn văn "Tuyên ngôn" chất chứa bao điều hay và những từ "thành quả to lớn", "kiến trúc dân tộc", "trăn trở nghề nghiệp", "nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", "hợp sức cùng nhau làm nên thời kỳ hưng thịnh nhất của nền kiến trúc nước nhà" hùng hồn theo giọng tenor của MC… Một cơn gió nổi lên, bụi đỏ bốc mù mịt. Không ai nói gì, vội bịt mặt lại.


  • © 2003 talawas