Một con khủng long đập vào mắt mọi người. Nhân vật phim hoạt hình tên Gogo nảy nảy trên màn hình bên trong một nhà sách lớn nhất Trung Hoa. Nó hát bằng tiếng Anh:
''Do you like doughnuts? Do you like burgers? Do you like sandwiches?''
''Yes I do!'' hàng chữ phụ đề hiện luôn. Nhưng mọi người bỏ qua tín hiệu nó đánh đi. Xem kìa, có ai chú ý đến Gogo đâu: hàng lô hàng lốc người mặc áo len xanh loại đan bằng tay, bím tóc đuôi sam đen, đang cắm cúi... đọc. Họ đang mải mê xem những tập tranh truyện dịch
Calvin và Hobbes hoặc tranh truyện nhiều kỳ của Nhật hoặc loạt tranh truyện nội địa
Truyền thuyết Na-Tra năm ngoái đứng thứ 10 trong 11 best-seller Trung Quốc. Còn những độc giả khác thì đang lật giở
Từ điển Anh-Hoa Garfield, trong đó món
lasagna [1] thì không có từ để chuyển, nhưng món
tofu thì có, đậu phụ.
Bốn chục khoang đọc sách cho trẻ em khom người ngồi đọc trên tầng bốn của Thành phố Sách, và hơn bốn chục khoang khác ở một tầng yên tĩnh kế tiếp, rồi ở một tầng tiếp theo lại bốn chục khoang nữa. Đến với đám trẻ em trước tuổi dậy thì giữa chốn hỗn mang là cái Thành phố Sách năm tầng chứa đủ 230 ngàn đầu sách này, thì thật là thư thái.
Đi xuống tầng dưới, người đông hơn và chen chúc ồn ào chói tai.
Chuyện cô Monica nằm giữa các cuốn tự truyện của Bill Clinton và Hillary Clinton. Một khoang sách về Hermann Göring
[2] nằm kề bộ sách
Phía sau tính trội Do Thái là gì?. Các đầu sách Mỹ dịch sang tiếng Hoa bao gồm từ những cuốn có thể hình dung trước được –
The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) và sách về phương pháp ăn kiêng Atkins – cho tới loại sách gây kinh ngạc như sách hồi ức của Henry Rollin,
Get in the Van, về những năm chơi nhạc rock và nhiều tập sách của Woody Allen mà đầu sách tiếng Hoa cam đoan có
Mensa Whores (
Gái điếm trí thức).
Nhưng vào năm 2003, số sách dịch sang tiếng Hoa chỉ chiếm chừng 6 phần trăm số 190 ngàn đầu sách in ở nước này. Và ở cái thị trường sách lớn nhanh nhất thế giới doanh số hàng năm chừng 300 triệu đô-la Mỹ này, sách giáo khoa là chủ yếu, chiếm khoảng gần nửa số bán ra. (Đây là căn cứ theo thống kê hàng năm của Trung Quốc về sách đang tiếp tục xuất bản, là những con số đáng tin cậy hơn cả so với cách thống kê loạn xị ở phương Tây về thị trường sách Trung Hoa).
Tại Thành phố Sách, người đi mua bắt gặp cả một tầng đủ các tài liệu giáo khoa tiếng Anh. Một bộ có tên
Love English (
Tiếng Anh dùng trong chuyện tình) đưa cho người học những cách nói năng tinh tế mang tính văn hoá riêng trong chuyện chăn gối. Chẳng hạn, “
I’m bored” thì thực sự phải hiểu là “
Bạn có muốn làm chuyện ấy không?” Có kèm theo cả các cát-xét thực hành.
Ở cửa chính vào nhà sách, có một biểu ngữ yêu cầu người mua sách “Duy trì tính cách tiên tiến của người đảng viên cộng sản”. Dẫu sao thì đây cũng là nhà sách quốc doanh. Tám mươi phần trăm người bán sách của Trung Quốc là tư nhân, nhưng các cửa hàng nhà nước doanh thu chiếm hai phần ba số bán ra. Tại Thành phố Sách, mọi người làm ngơ bỏ qua những cuốn sách mỏng của Đảng Cộng sản. Và mọi người xô nhau vào khoang sách kế bên với những đầu sách về kinh doanh như
Đối mặt với thực tại,
Bộ máy lãnh đạo mới và
Đổi nhịp đất nước Trung Hoa.
Thành phố Sách thật lớn. Có những khách mua sách kiên trì, háo hức, có những đống sách quá khổ như chực đổ, đều là bìa mềm còn bìa cứng thì ít hơn, trên bìa lời lẽ rất hấp dẫn:
Tôi từng là một sĩ quan cảnh sát Mỹ,
Ta chỉ nuôi con đến 18 tuổi thôi và
Ly dị kiểu Trung Hoa. Có cả cuốn sách thành công năm 2000
Harvard Girl câu chuyện về các bậc cha mẹ người Tầu hết lòng cho con cái đã huấn luyện con gái mình ra sao để vào được đại học Harvard. Trang ghi bản quyền cho biết: xuất bản lần thứ 63, 1 triệu 760 ngàn bản. Giá chỉ có 2 đô 41 thôi, cái giá trung bình cho loại sách được mọi người chú ý, nó cho thấy giới xuất bản cả Trung Hoa lẫn nước ngoài muốn kiếm lời thì gặp khó khăn biết bao.
Các cuốn sách bán chạy nhất của Trung Quốc lắm khi có chủ đề lặp lại nhau. Chẳng hạn,
Harvard Girl mau chóng đẻ ra
Harvard Boy. Có cả một lô những anh bắt chước theo cuốn tiểu thuyết bán chạy
Tô-tem Sói. Ngay cả nội dung những sách cấm cũng bị xoáy. Cuốn
Điều tra nông dân Trung Hoa đi sâu vào cảnh khốn khó của nông dân Trung Quốc liền đẻ ra cuốn sách nom tương tự có tên là
Khảo sát lao động Trung Hoa xuất ngoại.
Bên ngoài Thành phố Sách, khung cảnh thuần tuý là Tân Bắc Kinh: lớn hơn, rộng hơn, đơn điệu hơn, và nhiều thứ khác nữa. Những cao ốc mập mạp nom vẫn có vẻ mới, vì người ta vẫn còn nhớ chuyện cũ xảy ra kề nơi này. Một ông nói với tôi rằng, trước khi một trong 44 quán cà phê Starbucks của thủ đô khai trương nơi quảng trường phủ đầy cỏ nâu này, trước khi có Thành phố Sách, đây là Bức tường Dân chủ nơi người dân Bắc Kinh đến trưng biểu ngữ đòi mở cửa và cải tổ. Bây giờ, họ đến mua sách. Thật vậy, số người đến mua ở Thành phố Sách nhiều nên người ta lấy đó làm con số để lập kế hoạch cho Thế vận hội Olympic 2008. Có kế hoạch muốn tăng gấp đôi số bin-đinh hiện có để phục vụ một lần được 200 ngàn khách mua sách.
Sau một thập niên ở Trung Hoa, tôi nghĩ là mình đã chứng kiến đủ: giết người, nhà tù, trò ác, chăn thả súc vật. Nhưng những thứ đó chẳng chuẩn bị để cho tôi hiểu nền công nghiệp xuất bản đang tuổi dậy thì của nước này.
“Kinh doanh ở đây hệt như chơi hockey trên băng mà không có trọng tài”, lời Toby Eady, một đại diện hãng bán sách của những tác giả viết về Trung Hoa trụ sở ở London. Trong các tác giả đó có Jung Chang với cuốn tiểu thuyết nhiều người đọc
Thiên nga hoang dã; Ma Jian (Mã Kiện), một người đối kháng, tác giả du ký chính trị
Bụi hồng; và Tim Clissold tác giả hồi ký kinh doanh
Mr. China. Eady nói rằng, ở Trung Quốc “hợp đồng có giá trị cho tới khi anh bước khỏi cơ quan 10 centimet”.
Adrian Zackheim, người chịu trách nhiệm bộ phận sách cỡ bỏ túi Portfolio của Nhóm Công ty xuất bản Penguin cũng có cách nhìn nhận tương tự. “Khi tôi vào một nhà sách ở Bắc Kinh, tôi nghĩ mình như một anh người Nga lưu vong ở New York lần đầu trông thấy siêu thị”, ông nói. “Vẻ như công việc xuất bản sách ở Trung Quốc phức tạp một cách hoành tráng. Có điều là tôi chắc hẳn không bị nó hút hồn đến thế nếu tôi phải kiếm sống bằng nghề này ở đây”.
Có một sự đấu tranh thường xuyên giữa nhiều doanh nghiệp in ấn Trung Hoa. “Tôi quan tâm đầu tiên tới chuyện sống còn”, lời Yan Ping, chủ nhà xuất bản tư Lightbooks, trong danh mục xuất bản của nhà này có cả sách (du ký --
ND thêm) của Paul Theroux và sách (dạy cách giải quyết rắc rối gia đình –
ND thêm ) của Dr. Phil. “Cho tới đây, chuyện thành đạt là thứ yếu”. Yan có lý để lo sợ. Về mặt kỹ thuật, công cuộc in ấn của ông – cũng như các nhà xuất bản tư nhân khác – đều là bất hợp pháp.
“Công việc xuất bản của Trung Quốc chia thành ba bộ phận: xuất bản, in ấn và phát hành,” Ông Xin Guangwei, giám đốc Tổng Cục In và Xuất bản, cơ quan chính thức cai quản công tác xuất bản, giải thích. “Xuất bản và phát hành được mở cửa cho tư nhân và nước ngoài đầu tư, và bắt đầu từ tháng này thì mở cửa cả việc bán lẻ nữa. Song công việc xuất bản vẫn còn trong tay 568 doanh nghiệp in ấn do nhà nước nắm.
Là tác giả cuốn
Chỉ dẫn cơ bản về công tác xuất bản ở Trung Quốc (Thompson xuất bản năm 2004), ông Xin là cây cầu chính của ngành công nghiệp xuất bản Trung Hoa bắc sang phương Tây, một thứ Hòn đá Rosetta tuôn trào. Qua ấm trà tại hiệu sách tư nhân đặt sát bên cạnh cơ quan lập pháp, ông ta thực hiện ngon lành vai trò đại sứ nhằm chỉ ra rằng nền công nghiệp này vừa sạch vừa minh bạch hệt như những đường biểu diễn thống kê ông vẽ lên mặt sau những mẩu giấy in xén bỏ đi cho tôi coi.
Thực ra thì tình hình ít rõ ràng hơn nhiều. Trung tâm quyền lực in ấn của nhà nước nằm trong việc kiểm soát sách bán ra thị trường thông qua bộ tiêu chuẩn quốc tế ISBN với bộ mã vạch đánh số. Không có mã vạch, sách không được tiêu thụ tại Trung Quốc, ngoại trừ những cuốn sách mỏng của Đảng và của những tổ chức tôn giáo đã được nhà nước phê chuẩn. (Trong những sách tôn giáo đang bán tại nhà thờ Xishiku tại Bắc Kinh có Kinh Thánh Tân ước và Cựu ước, sách nguyện và cuốn
Chúa Trời, Quốc gia, Đức Mẹ, cuốn tự truyện của vị cựu chủ tịch đại học viện.
Nhưng cũng như tại nhiều khu vực khác của nền kinh tế Trung Hoa, có những mã ISBN song song và không chính thức cũng nở rộ trong số ước tính 30 ngàn nhà xuất bản tư của Trung Quốc. Mang danh nghĩa “Nhà văn hoá” hoặc “Hiệu sách”, họ hoạt động theo kiểu thầu trọn gói: tìm đầu sách, mua bản quyền, và mua ISBN cho chúng từ các nhà xuất bản quốc doanh với món chi từ 1.250 đến 2.500 đô-la Mỹ, sau đó họ xuất bản ra với danh nghĩa nhà nước. Đôi bên cũng có thể thoả thuận về chi phí in ấn, quảng cáo và phát hành.
Nói chung đó là một hệ thống bất hợp pháp có tính “mở” và được khoan nhượng trong chừng mức nào đó. Chính thức mà nói, việc mua và bán ISBN bị ngăn cấm. Vừa rồi, trong loạt bài nói về việc tiêu diệt văn hoá phẩm khiêu dâm và “những xuất bản phẩm bất hợp pháp khác phá hoại ổn định xã hội”, các quan chức chính phủ thề đập tan các nhà văn hoá, gọi đó là những “khối u ác cần bị bóc bỏ”.
Vấn đề đặt ra là bóc bỏ với giá nào. “Các nhà xuất bản tư nhân đã làm một công việc cực kỳ có giá”, lời Andrrew Numberg, cơ quan đóng ở London của ông chuyên về bản quyền tác giả người nước ngoài. Ở phương Tây, những nhà thầu trọn gói thường được coi như là những người “được thuê đến giúp”, ông nói. Nhưng ở Trung Quốc tình hình thì ngược lại. Mặc dù bề ngoài có vẻ như nhà nước kiểm soát công việc xuất bản, song nó lại dựa trên những nhà văn hoá tư nhân để họ nhấc gánh nặng lên.
Paul Richardson, người sáng lập Trung tâm Xuất bản Công trình nghiên cứu Quốc tế Oxford và là người theo dõi sát sao tình hình xuất bản của Trung Quốc, tiên báo rằng một ngày nào đó Tổng cục In và Xuất bản nước này sẽ bán các số mã vạch xuất bản sách và “hợp thức hoá” toàn bộ tiến trình. Có những “thông điệp nói không úp mở ra từ miệng các quan chức về chuyện này”, ông nói.
Cho tới nay, các nhà văn hoá cung cấp những tay cai thầu tư nhân cho cái cổng duy nhất mở vào nền công nghệp xuất bản. Nhưng ngay cả như vậy thì cũng có đấu đá. Gao Yun, nhà nhiếp ảnh, và vợ là nhà biên tập Cheng Yanbin, đem toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời của họ vào việc tạo ra loại sách hướng dẫn có tên “Trung Hoa đi bộ”. Họ tìm được đối tác mong muốn ở Trung Hoa trong giới báo chí du lịch đông đảo. “Chúng tôi đầu tư 50 ngàn đô-la Mỹ vào các ý tưởng của mình”, bà Cheng nói, vẻ tự hào và tay vỗ vỗ vào bìa cuốn sách. “Đây là xe hơi của chúng tôi; đây là căn nhà của chúng tôi”.
Câu chuyện của Yang Erche Namu, một tác giả ở Bắc Kinh và người một thời là ca sĩ, cũng rất có ấn tượng. Namy đã xuất bản 12 cuốn sách tiếng Hoa cùng với tập hồi ức
Xa cách cái hồ của mẹ ra mắt năm 2003 do nhà Little, Brown xuất bản. Sau khi trao cuốn sách thứ nhất cho tay đầu nậu, bà được một túi tiền với 10 ngàn đô-la Mỹ tiền mặt – và không có quyền tác giả. Bà ước tính sách của mình bán được hai triệu bản, không kể in lậu. Ở Trung Quốc, hiếm khi tác giả và nhà xuất bản liên kết với nhau lâu bền. Trong 11 cuốn sách tiếp theo của Namu, bà liên kết với nhà xuất bản khác. Bây giờ họ trả nhuận bút trước, nhưng do chỗ số liệu bán sách không đáng tin cậy và do sách bị in nối bản, nên bà cho biết thu nhập vẫn không đủ giúp bà tiếp tục viết lách. Thật vậy, bà vẫn trông đợi vào thu nhập từ các nhà khách của mình tại làng quê. Bà cũng bắt đầu khai trương hệ thống cửa hàng bán quần áo lót và đang tìm người hùn vốn. “Tôi có tiếng tăm, ai ai cũng biết tôi, nhưng tôi không có tiền”, bà phá lên cười và nói thế.
Có những câu chuyện khiến những hãng đại diện xuất bản sách phải cau mặt lại. Tuy thế, so với bên Tây, các hãng đại diện có vai trò nhỏ hơn nhiều trong nền công nghiệp xuất bản Trung Hoa. Trong cả nước có chừng vài ba chục hãng đại diện, và chỉ có ba hãng lớn có đại diện bản quyền sách dịch.
Các hãng đại diện và các nhà xuất bản Mỹ nói rằng tiền bản quyền trung bình họ nhận được từ phía Trung Quốc chỉ tí tẹo 2.500 đô, mà đó là món tiền chi ra cho cuốn “
Ai đem miếng phó-mát của tôi đi đâu?” xuất bản đại thành công ở Trung Hoa. Đó là cuốn sách dịch sang tiếng Hoa luôn luôn là
best-seller mà theo con số chính thức thì phải bán ra đến hai triệu bản.
“Trong 30 ngàn hợp đồng của chúng tôi, 60 phần trăm đang được thanh toán,” Luc Kwanten nói, ông này là giám đốc hãng đại diện Big Apple Tuttle-Mori, có chi nhánh ở cả Hoa lục lẫn Đài Loan. “Các nhà xuất bản biết rõ việc phải chi trả nhuận bút. Và các nhà xuất bản có tiền”, ông nói. “Nhưng vẫn có xu hướng coi đây như một quốc gia nghèo. Nhưng đấy đâu phải là một nền công nghiệp nghèo. Đó vẫn còn là một thị trường rộng mở, giống như một tấm bọt xốp khô. Nó hấp thụ được nước đấy, nhưng nó chưa ướt hẳn.”
Tổng số tiền bán sách ở Trung Quốc ước tính lên tới 5,6 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2003, so với 23,4 tỉ đô-la Mỹ tại Hoa Kỳ. Nghề rao bán sách trên trang Web đang bắt đầu trưởng thành tại Trung Hoa do người ta tin vào phương thức tiền trao cháo múc, nhưng các trang Web bán sách hạ giá nhiều hơn mức 40 phần trăm so với giá bán buôn. Những cổng nhiều người vào hơn cả là
dangdang.com và
joyo.com, được Amazon mua năm ngoái với giá 75 triệu đô-la Mỹ. Cũng có cả các câu lạc bộ sách nữa. Nhóm Bertelsmann điều hành một câu lạc bộ ở Thượng Hải có 1 triệu rưỡi hội viên. Câu lạc bộ này cũng đầu tư vào một hệ thống cửa hàng sách.
Theo dõi chuyện bán sách vẫn còn là một thách đố, mặc dù hầu hết các nhà xuất bản đều tỏ ra là minh bạch bằng cách liệt kê các khai báo in ấn trên trang sách ghi bản quyền. Trung tâm Tư vấn Thị trường Sách mở của Bắc Kinh kê các sách bán chạy nhất theo thể loại trong Báo cáo kinh doanh sách hàng tuần, và theo dõi số liệu bán lẻ sách. Zhu Xiaoli một nhà điều hành Trung tâm trên nói: “Có lần tôi đến một cửa hàng sách ở London. Thật yên tĩnh, thật ít người. Tôi hỏi cô bán hàng: ‘thế này thì cách gì các vị làm ra tiền nhỉ?’”
Do nạn in lậu, câu hỏi đó cũng thường được nêu ra ở Trung Hoa. Không phải ai ai cũng thích trả lời. Khi tôi hỏi một nhà xuất bản sách về chuyện xâm phạm tác quyền, ông thao thao bất tuyệt luận chiến về chuyện tôi tiêu diệt người Da đỏ châu Mỹ, vừa nói vừa giận dữ lấy ngón tay đập vào lòng bàn tay. Ông Xin Guanwei, Hòn đá Rosetta của nền xuất bản Trung Hoa, đã so sánh chiến dịch đang cao trào bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với cuộc chiến chống ma tuý của Mỹ. “Nạn đạo ấn là vấn đề ma tuý của chúng tôi”, ông nói.
Chuyện đâu có dễ vậy. Trên bàn làm việc của tôi có một gói Marlboro giả, một huy chương bạc làm rổm nhưng bảo là của (cầu thủ bóng rổ Mỹ -
ND thêm) Allen Iverson, một đĩa DVD chép lậu phim
The Aviator và một cuốn best-seller
No Excuse! ghi tên tác giả là Ferrar Cape, một người tốt nghiệp quân sự ở West Point và là người diễn thuyết thu hút, nhưng người ta đồn rằng cái nhà ông này do chính người Trung Hoa bịa ra.
Tuy nhiên, càng ngày người ta càng phải chú ý tới các vụ vi phạm. Trong hai tháng qua, những người có bản quyền với các nhân vật Peter Rabbit và Garfield đã thắng kiện in lậu. Một trong những nhà tiểu thuyết có tiếng của Trung Quốc bị kết tội đạo văn nhiều phần của tiểu thuyết tình cảm
Mộng lý hoa lạc tri đa thiểu (Hoa rơi trong mộng biết bao nhiêu). Đỉnh cao tháng trước là vụ một tác giả Trung Hoa thắng kiện một trang Web đã lấy và chưng tài liệu của ông một cách phi pháp. Để họ nói về chủ đề gì? Dạ, chủ đề các quyền sở hữu trí tuệ.
Trong chừng mức nào đó, việc kiểm soát nội dung do người nước ngoài viết cũng lỏng lẻo. Năm ngoái, một nhà xuất bản Trung Hoa đề nghị mua bản quyền cuốn
''River Town: Two Years on the Yangtze,'' (
Thành phố bên sông: hai năm trên sông Dương Tử) tác giả là Peter Hessler đóng trụ sở ở Bắc Kinh và viết cho báo The New Yorker. Hessler chấp nhận khi được thông báo sẽ cắt bớt một số phần trong sách của ông, nhưng không nói rõ phần nào. Hessler nói, “Vấn đề là phải trung thực đối với những con người mình viết về họ. Cho phép gọt bớt mềm nội dung đi là tỏ ra hạ mình đối với họ. Tôi tin rằng rồi đây cần phải dịch thẳng toàn bản gốc.”
Thực ra thì chính phủ đã tỏ ra bớt hạn chế đối với một số thể loại, trong đó có lịch sử và sức khoẻ – nghĩa là tính dục – do nhà văn Trung Hoa viết, và những vấn đề về luật pháp và tư duy chính trị do tác giả nước ngoài viết. Lindsay Waters, một biên tập viên tại nhà xuất bản đại học Harvard kể lại là có lần vào năm 1998 đã được một cựu Hồng Vệ binh tiếp cận: “Anh ta nói, ‘ông có biết là trước đây tôi thường huỷ sách đi không? Bây giờ tôi tìm cách đưa sách
A Theory of Justice (
Lý thuyết về Công bằng) của John Rawls cho mọi người đọc”. Năm ngoái, Waters xuất bản cuốn
China’s New Order (
Trật tự mới của Trung Hoa) do nhà nghiên cứu chính trị Wang Hui viết, nhưng hẳn là chẳng khi nào sách được ra mắt ở đất Trung Hoa cả.
Khi nào có chuyện xuất khẩu văn hoá sang Trung Quốc, chứ không phải xuất khẩu hàng hoá, phía Mỹ lại được hưởng một số dư thương mại mang tính chất thăm dò. Trong số ước tính 12 ngàn bản dịch in tại đây năm 2003, gần một nửa là sách Mỹ, một tỷ lệ không đổi trong suốt năm năm qua. Khó mà kể ra được một nhúm sách của tác giả Trung Hoa xuất bản ở Mỹ cũng vào thời điểm đó.
Lauren Wein, phó giám đốc phụ trách tác quyền của hãng Grove Atlantic nói rằng bà ngạc nhiên về số đầu sách người Trung Hoa đã mua của Grove, trong đó có
The Hungry Gene (
Gien đói) nói về bệnh béo phì, và một cuốn do nhà văn thực nghiệm đồng tính Dennis Cooper viết. Nhưng phần nhiều thì Trung Quốc thích những quả mạnh, như
Sex and the City (
Tình dục chốn thị thành) và
Cold Mountain (
Ngọn núi lạnh giá). Cuối cùng, “Họ vẫn còn cuốn
On the Road (Lãng du) chờ xuất bản”, bà nói.
Trên thực tế, ấn bản đầu tiên tiếng Hoa tác phẩm kinh điển này của Kerouac ra vào năm 1989 (nguyên tác tiếng Anh năm 1957 -
ND). Trong nhiều năm, tôi đi tìm kiếm dịch giả sách này – sứ giả duy nhất của phong trào Beat
[3] tại Trung Hoa. Tôi đành phải tra cứu trên Google vậy. Wen Chu-an đã trả lời, khi đó ông đang dạy tại đại học Tứ Xuyên, ông dạy nhiều thứ trong đó có đề tài Nghiên cứu về Beat. Tấm ảnh trên bìa bọc bản dịch cuốn
Howl (Haojiao: hào kiếu: réo gọi) – là một người đàn ông trung niên xanh xao với mớ tóc như cái bờm.
Trước khi gọi điện thoại tới, tôi đã bỏ công lục các ghi chép về công việc xuất bản của Trung Quốc, và mắt tôi đờ ra vì các con số thống kê. Tất cả đều nói về ngành kinh doanh sách – tiềm năng phát triển và những nhược điểm về hạ tầng cơ sở - cái công việc đã làm cho các văn bản thành hàng hoá tiêu dùng, không khác gì xe hơi hoặc bít tất.
Thế rồi tôi hỏi Wen về cái điều hiển nhiên ai cũng thấy. Đúng thế, ông có nhìn thấy những đầu óc tốt nhất trong thế hệ ông bị huỷ hoại vì điên rồ. Nhưng sao lại đi dịch (những tác giả rất khó đọc –
ND thêm) như Kerouac và thơ Ginsberg? “Chỉ vì tác động lớn lao của những ấn bản Beat này đối với người đọc”, ông nói. “Lớp thanh niên Trung Hoa có thể tìm thấy cảm hứng và khuyến khích theo lối sống Beat: tình yêu tự do nồng nàn trong hành động và trong lời nói, lập trường vững chãi chống lại mọi thứ bất nhân, sự ưu tiên cho cuộc sống tinh thần và sự khước từ thái độ coi kiếm tiền là tất cả.”
Cả hai đầu sách dịch Ginsberg của ông Wen đều được chính thức in với số lượng 20 ngàn bản.
Lãng du mà Wen bảo là đang miễn phí trên mạng ở Trung Hoa, thì từ năm 2002 đã bán được 30 ngàn bản. Đó là những củ khoai nho nhỏ cận kề với việc bán những sách hướng dẫn quản trị kinh doanh như
The West Point Way of Leadership (
Lối lãnh đạo kiểu học viện quân sự West Point).
Nhưng ta hãy chờ. “Tôi tin là vẫn có những vụ đạo ấn do các nhà xuất bản tư nhân không chính thức thực hiện”, Wen nói tiếp. “Vậy là trên thực tế, con số còn cao hơn nữa.”
Ông chẳng tỏ ra chút gì là lo ngại hết.
Mike Meyer tới Trung Quốc năm 1995 trong Đội Hoà Bình. Ông đang viết cuốn sách về sự huỷ hoại Bắc Kinh cổ kính, nơi ông đang sống.
© 2005 talawas
[1]Món ăn Ý
[2]Trùm phát-xít Đức, tự sát năm 1946
[3]Beat là khái niệm do Jack Kerouac (1922-69) đặt ra để chỉ thế hệ của mình sau Thế Chiến II. đặc biệt cho thập niên 50 là thời mà sự xung đột giữa khối tư bản và cộng sản diễn ra gay gắt với chiến tranh Triều Tiên.
Beat có nghĩa là „gõ nhịp“ nhưng Kerouac còn muốn hiểu
Beat có nghĩa là
Beatitude (Chân phúc). Những nghệ sĩ của phong trào Beat ngoài Kerouac, còn có Allen Ginsberg, Gregory Corso, Gary Snyder, Ferlingetti, William Burroughs. Phong trào Beat thời 50 là tiền thân của phong trào Hippy thời 60. Về mặt chính trị, cả hai đều chủ trương hoà bình, chống quân phiệt, chống vũ khí hạt chân và chiến tranh. Đặc biệt về phong cách ăn mặc bình dân, thoải mái và nghệ thuật để biểu lộ tính tự phát của cá nhân, và tình yêu đối với thiên nhiên cũng như con người, chống mọi giáo điều và cực quyền.